NHỜ AI NÊN NGƯỜI ? Trần Ngọc Báu
ẤN TƯỢNG ĐẬM ĐÀ NHẤT
Nói đến Đệ-tử-viện, trong tâm trí tôi vang lên những lời kinh thiết tha trầm bổng trước khi lên giường ngủ. Mỗi người anh em chúng tôi đều quì xuống bên giường của mình, cùng sốt sắng dâng lời kinh vang dội cả dẫy phòng ngủ rộng lớn trên từng lầu cuối cùng của Đệ-tử-viện: «Lạy Chúa tôi, tôi biết thật tôi sẽ chết. Có khi đêm nay tôi vào giường nằm ngủ, mà sáng mai chẳng còn chỗi dậy nữa… » Thú thật, lần đầu tiên đọc kinh này, tôi thấy lạnh cả người; và khi lên giường nhắm mắt lại, tôi lại cảm thấy giấc ngủ đến trong sự bình an sâu thẩm của tâm hồn. Trong suốt thời kỳ ở Đệ-tử-viện, con người tôi như ghiền lời kinh sám hối thống thiết này. Và tôi cũng không thể quên trước đó mấy phút, dưới nhà nguyện, chúng tôi cũng đã cất tiếng hát bài «Salve Regina», mà âm điệu toát lên cả một niềm trông cậy lớn lao nơi lòng Mẹ từ bi. Rồi liền sau đó, chúng tôi lẵng lặng hàng hàng lớp lớp từ từ đi ra khỏi nhà nguyện, vòng lên cầu thang để vào phòng ngủ, mỗi người nhẹ nhàng bước đến chiếc giường của mình, quì xuống... Cho đến bây giờ, tôi không còn giữ thói quen đọc kinh hôm kinh mai; nhưng mỗi lần lên giường ngũ, tôi vẫn vắn tắt thưa gởi với Chúa vài lời tương tợ như lời kinh tối thuở nào…
Một hình ảnh nữa không thể xóa nhòa trong tâm khảm tôi. Đó là hôm tôi gõ cửa phòng Cha Lành, Cha quản lý Đệ-tử-viện, để thú nhận đã làm gãy cái cưa trong nhà mộc. Số là năm 1946 thì phải, năm mới nhập Đệ-tử-viện, tôi hãy còn rất nhút nhát và lo sợ đủ điều. Xin phép dùng cây cưa, tôi cũng không dám. Tôi đã tự động vào nhà mộc để lấy cưa cắt bỏ một vật gì đó mà tôi đang dùng. Vì là lần đầu tiên trong đời dùng cưa, tôi đã kéo lệch đường cưa, nên đã làm gãy lưỡi cưa. Hối hận và lo lắng vô cùng, tôi chực để nhận một lời quở trách nặng nề và một hình phạt đích đáng. Ai ngờ, Cha Lành ôn tồn nói với một giọng cũng «lành» như cái tên của Ngài, không chút ẩn ý khiển trách, mà ngược lại còn có phần an ủi tôi về sự lỡ lầm đã qua: «Thôi, được rồi, con đi về bình an!»
Nếu không được đào tạo từ trong lò Đệ-tử-viện và Học-viện Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, tôi không biết giờ này tôi là cái giống gì nữa! Tính tình nhút nhát, ăn nói lập cập gần như cà lâm, đầy thành kiến xấu đối với xã hội, không dám nói lên ý kiến riêng của mình, sợ dấn thân và sợ thất bại. Nói chung, sợ tất cả! Cái bịnh «sợ» sẽ làm cho tôi xa lánh mọi người và xoay tròn trong vỏ ốc của tôi. Vừa tự ti, vừa tự tôn một cách vô lối, lố bịch ! Tôi sẽ trở thành một kẻ vô dụng, hoặc một người kinh niên bất mãn, hoặc một tên làm giặc để gọi là có chút danh gì với núi sông chăng! Quả vậy, năm 1945, vào thời buổi người người bừng bừng sát khí tranh đấu dành độc lập, tôi định bụng xung phong làm «liên lạc viên» cho bộ đội Việt Minh, lúc bấy giờ đang cần con nít làm thám sát hay tình báo cho bộ đội. Xung phong vì lòng yêu nước cũng có; mà vì muốn liều lĩnh làm càng cũng có! Nhưng tôi lại không dám thoát ly gia đình, vì hãy còn lo sợ, ngại ngùng trước những điều mới lạ, và cũng vì cha mẹ nghèo và đông con, đang cần sự có mặt của tôi …
Sinh ra trong một nhà nghèo, từ một người cha rất nghiêm khắt và một bà mẹ hiền như bụt, tôi chưa hề tự bản thân dám lấy một quyết định nhỏ nào để làm một cái gì. Cho đến lúc 13 tuổi, vào thời chính phủ Trần Trọng Kim, rồi Cách Mạng Tháng Tám, Ngày Tuyên Bố Độc Lập 2 tháng 9, 1945 và tiếp theo, chắc vì nể tôi là «dân Sài Gòn» chạy giặc về quê quán, có bao nhiêu lần họ đạo Phan thiết phải tham gia biểu tình là bấy nhiêu lần mấy Dì Phước giao cho tôi nhiệm vụ thổi còi nhịp «một hai» cho đoàn thiếu nhi công giáo đi hoan hô đả đảo, khi thì hoan hô «độc lập muôn năm», lúc thì hoan hô «Người Cha già của thanh niên », «Hồ Chí Minh muôn năm», hoặc «đả đảo thực dân Pháp trở lại Đông Dương», và biểu dương tinh thần «kháng chiến chống Pháp», «hoan hô Mặt Trận Việt Minh Cứu Quốc» v.v. Đó là tất cả sự nghiệp oai phong lẫm liệt của tôi vào cái tuổi thiếu thời ấy.
Tôi không nhớ rõ năm tháng, nhưng đoán chừng là vào khoảng Tháng Mười Hai năm 1945, khi một chiếc tàu nhà binh Pháp đến đậu ngoài bờ biển PhanThiết và nả đạn đại bác vào thành phố, chính phủ Việt Minh ra lịnh di tản. Nhà tôi ở ngay trước mặt tiền nhà thờ, vừa khi ra đi, tôi thấy rõ một bọn người đang chồng chất bàn ghế lên giữa nhà thờ và đốt cháy, chắc là theo lệnh «tiêu thổ» của Việt Minh, tôi nghĩ thế. Thấy ngọn lửa bùng lên tỏa khói mịt mù, vừa đi, tôi vừa nghĩ trong bụng: kệ mẹ nó, mai này độc lập rồi ta sẽ cất lại nhà thờ ngàn lần tốt đẹp hơn. Lúc bấy giờ, tôi chỉ thoáng nghe một vài người lớn xì xầm với nhau Việt Minh là cộng sản trá hình; nhưng tôi bất cần họ là ai, miễn là họ lãnh đạo cuộc kháng chiến dành độc lập là tốt rồi! Đó, tuổi thơ của tôi chỉ có thế. Hai lần chạy giặc về vùng quê bên ngoài thành phố PhanThiết, để rồi trở lại thành phố này sau khi Tây đã bình định. Từ Phan thiết, gia đình tôi trở vào lại Sài Gòn đầu hè năm 1946 để kiếm kế sinh nhai.
ĐI TU LÀ ĐỒNG HÀNH!
Bỗng một hôm tôi vào nhà dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn gặp người bõ đỡ đầu rửa tội mà tôi chưa hề gặp mặt lần nào, nay đã trở thành linh mục tu sĩ dòng. Đó là cha Pierre Lộc, một người tầm thước sút soát trung bình, nói năng nhỏ nhẹ, bình dị, khiêm tốn… Cảm giác đầu tiên của tôi: à thì ra, linh mục dòng có khác linh mục triều ở chỗ không khệ nệ, không chải chuốt và cũng không có vẻ «cha chú» chút nào… Hỏi chuyện gia đình xong, cha Lộc nêu lên một chất vấn hay một lời mời gọi: Con có muốn đi tu không? –Tu là thế nào, tôi hỏi lại. –Tu là chấp nhận sống một đời khắc khổ trong kỷ luật Dòng, với đức Vâng lời, đức Khiết tịnh và đức Khó nghèo. Nghĩa là dâng hiến cuộc đời cho thánh ý Chúa định đoạt, nhằm một mục đích duy nhất là cứu rỗi linh hồn người ta, nhất là người tất bạt, thiếu may mắn, v.v. –Cụ thể là gì, tôi thắc mắc. Cha Lộc dừng một chút, rồi nói: Thật ra cũng không có gì khắc khổ lắm đâu, nhờ có tình anh em trong dòng nâng đỡ nhau mà bền đỗ trong đời sống tu trì. Dĩ nhiên, phải sẵn sàng từ bỏ hay hãm bớt những ham muốn này nọ, như có khi thèm một trái chuối ngoài giờ cơm mà phải nhịn, thèm có chiếc đồng hồ đeo tay tốt hơn mà Bề Trên xét thấy chưa cần, hay phải giữ gìn con mắt khi thèm nhìn đàn bà con gái… Cùng giúp nhau quên mình, để cùng nhau dốc sức lo công việc giải cứu các linh hồn… Về nhà suy nghĩ một vài tuần, tôi trở lại Dòng xin «đi tu» để tập sống cho kẻ khác và cứu rỗi linh hồn người ta.
Thế là chẳng bao lâu, tôi được tin phải thu xếp để lên tàu ra Huế, vào Đệ-tử-viện. Hình như lúc đó vào khoảng tháng 8, 1946. Tàu là chiếc «La Capricieuse», một chiến hạm nhỏ của nhà binh Pháp, được các cha nhờ cho đi ké. Không ngờ, cùng chuyến đi này, có thêm 4 người: lớn tuổi nhất là «Capo» Trung, rồi đến Paul Huê, Nguyễn Lý, Võ Hạnh và tôi. Cả 5 người đều vẫn còn sống, 4 ở ngoài nước, và chỉ có Capo Trung làm linh mục và vẫn phục vụ tông đồ lai rai ở quê nhà, dù nay vẫn bị quản chế tại gia ở mãi Tân An và gần 80 cái xuân thu rồi! Cách nhau 3-4 lớp, kẻ ra trước người ra sau, nhưng cho đến nay vẫn còn liên lạc với nhau cũng vì gắn bó với nhau trong chuyến hành trình lênh đênh trên biển cả lần đó, cách nay đã 60 năm rồi !… Bắt đầu «đi tu» xa nhà lần đầu trong đời là thế đấy! Như vậy, «đi tu» trước tiên là có bạn đồng hành!
Ra đến Đệ-Tử-viện, cả bọn chúng tôi được tiếp đón thân tình như đã là anh em một nhà, và mỗi đứa được xếp ngay vào đội ngũ, mỗi đội 6 người, để sinh hoạt như… các hướng đạo sinh. Lúc bấy giờ, sĩ số cũng sấp xỉ gần 150-200 chăng!? Cảm giác đầu tiên: Lại có bạn đồng hành, lúc nào cũng có tình nghĩa anh em nâng đỡ đùm bọc nhau, và không cảm thấy bị khép vào luật lệ nghiêm khắc như ở chủng viện địa phận. Lạ thật, các «chú» đệ-tử thì không mặc áo dài cả ngày, như mấy chú ở nhà trường La-Tinh, mà lại mặc đồ «short», sinh hoạt theo cơ chế đoàn đội tự trị. Từ lớp 7 trở xuống là đoàn Nhi Hầu, lớp 6 đến lớp 3 là đoàn Nghĩa Sĩ, và trên lớp 3 là đoàn Hành Lữ. Tôi ở vào lớp 6 (sixième), nên thuộc đoàn Nghĩa Sĩ… Cuộc sống gọi là tu hành kiểu này hoàn toàn vượt ra ngoài sức tưởng tượng của tôi! Dần dà tôi hiểu được rằng, muốn tu «đắc đạo», phải phát triển mọi khả năng làm người. Không gò ép hay diệt trừ nhân tính, nhân cách, mà trái lại là phải khai phá, giữ gìn và phát triển mãi những giá trị nhân bản của mình. Làm con Chúa, trước tiên là phải làm người đúng như Ý Chúa muốn.
ĐI TU LÀ HỌC LÀM NGƯỜI!
Chúng tôi được học chương trình Pháp, để lấy bằng Tú tài Pháp. Rõ ràng là thế! Theo tôi hiểu, Dòng Chúa Cứu Thế không sợ chủng sinh có bằng cấp rồi «nhảy rào» ra đời kiếm sống tốt hơn! Trái lại là khác, Dòng muốn chúng tôi được đào tạo nên người với một chương trình phổ thông vững chắc, có bằng cấp đàng hoàng, và không bị hụt hẫng khi trở về với đời sống giáo dân. Ở Đệ-tử-viện, không hề có chuyện dị nghị thế này hay thế kia, khi có người anh em ra đi, vì mỗi người có quyền chọn con đường của mình. Ở lớp nào cũng vậy, cứ cuối năm học thường vẫn có người giả biệt anh em ra đi trong thương tiếc, sau khi bàn bạc nghiêm chỉnh với linh mục giám đốc. Thế nhưng, tình nghĩa anh em một nhà (nhà trong, nhà ngoài) với nhau vẫn được duy trì bền bĩ. Tôi còn nhớ, chẳng hạn, anh Trương Văn Ngọc, cùng lớp, xuất vào cuối lớp 3 thì phải, vẫn thường trở lại Đệ-tử-viện để chiếu phim cho chúng tôi xem nhiều lần trong năm. Anh Trần Văn Trung, trên tôi 4 lớp, vẫn thường trở lại thăm chúng tôi trong khi đi lính làm sĩ quan, nay là cựu trung tướng của VNCH đang sống ở Pháp. Cho đến hôm nay, Nhà Dòng vẫn quan niệm có hai tuyến: Tuyến 1 là tuyến tu trì, và Tuyến 2 là tuyến cựu đệ-tử Dòng CCT, tuyến nào cũng đáng quí cả.
Chương trình phổ thông của Đệ-tử-viện, dĩ nhiên, vẫn đặt nặng ngôn ngữ và văn chương Việt Nam, vì cốt đào tạo ra những con người Việt Nam trưởng thành chín chắn để phục vụ người đồng hương. Tôi không hết ngỡ ngàng, khi mà vào thời buổi ở nhà trường La-Tinh chưa được phép đọc tiểu thuyết tiếng Việt và học Truyện Kiều, thì ở Đệ-Tử-viện có tủ sách tiếng Việt dành cho mọi lứa tuổi và học tất cả các tác phẩm văn chương, từ Nguyễn Trải, Bà Huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương, cho đến Kim Văn Kiều và các tác phẩm đương thời như Tự Lực Văn Đoàn, v.v…Trong số nhà thơ, vẫn dành một vị trí vững chắc cho nhà thơ Xuân Diệu, «là thi sĩ nghĩa là tru với gió». Trong số tác giả, vẫn có chỗ đứng trang trọng cho Vũ Trọng Phụng, với tác phẩm Tắt Đèn, chẳng hạn. Giáo sư tiếng Việt sáng giá nhất lúc bấy giờ là Lm Trần Hữu Thanh.
Chương trình phổ thông Pháp, gồm tất cả các môn học vẫn có ở trường Tây, đã giúp mở rộng tầm mắt tôi đến những chân trời mới lạ, bổ túc cho phần Việt ngữ của chúng tôi rất nhiều. Các môn khoa học, toán học, sử địa đã trang bị cho tôi một vốn liếng căn bản để có thể hiểu biết những vấn đề hiện đại. Nhưng, đặc biệt hơn đối với tôi, chính là môn văn chương Pháp. Những tác phẩm văn chương Pháp của các thế kỷ trước, và nhất là của thế kỷ 20 với những gương mặt như Albert Camus, George Duhamel, André Malraux, Saint-Exupéry, François Mauriac, Paul Claudel, đã đưa tôi vào những quan niệm và nếp sống hoàn toàn mới lạ với nền văn hóa Việt Nam của tôi. Khi lên Học Viện DCCT Dalat, tôi được dịp đào sâu hơn nền triết học cổ điển và kinh viện, và các nhà tư tưởng lỗi lạc đương thời Âu Châu và Pháp, như Kierkegaard, Karl Jasper, Emmanuel Mounier, Jacques Maritain, Jean Guitton, Georges Bernanos, Gabriel Marcel, J-P Sartre, v.v… Tất cả vốn liếng tư tưởng của tôi đều được hun đúc từ lò DCCT.
ĐI TU LÀ LẠC QUAN, YÊU ĐỜI
Từ thái độ sợ sệt, nhút nhát, tiêu cực, yếm thế mà tôi nhận được từ gia đình, tôi đã chuyển dần sang một thái độ sống rất tích cực, tự tin, tự lập, lạc quan, nhờ được giáo dục bởi Đệ-tử-viện và Học-viện DCCT. Lạc quan đây không phải là lạc quan tếu, mà là lạc quan trong thân phận bi đát của con người đang khao khát tìm về với Chúa, theo như St Augustin, Gabriel Marcel. Lạc quan trong nỗ lực phấn đấu làm người và làm con Chúa. Cùng đồng hành với Giáo Hội, tôi cảm nhận được sự lạc quan trong niềm hy vọng của người lữ hành trên đường về nhà Cha.
Lối sinh hoạt đoàn đội tự trị đã trang bị cho tôi biết tích cực sống giữa đời. Tôi đã tích cực tập ăn, tập nói, tập điều khiển, tập diễn đạt bằng ngôn ngữ, nét mặt, bộ điệu, khi là một đội viên, một đội phó, một đội trưởng, một liên đội trưởng, hay một đoàn trưởng. Khi phải cho một trò chơi chung, xướng lên một bài hát cộng đồng. Khi phải trình bày một vấn đề giữa anh em cùng đội, cùng đoàn. Khi phải cùng nhau tập một vỡ kịch để trình diễn vào một dịp lễ. Khi phải cầm còi làm trọng tài bóng đá, bóng rổ, bóng chuyền, hay chơi dành cột vào giờ nghỉ học buổi chiều. Khi phải tổ chức những trò chơi lớn, gọi là «trận chiến» (bataille), ngoài trời, hay trong rừng thông ở về phía các lăng Tự Đức, Minh Mạng. Khi dẫn dắc đội, đoàn, đi cấm trại vào cuối tuần, hay đi tham quan các nơi thắng cảnh Huế. Khi phải tự tổ chức lấy cả tháng nghỉ hè ở Lăng Cô cho những anh em không về nghỉ hè tại gia đình…
Thật vậy, tất cả các sinh hoạt trong Đệ-tử-viện đều do các để-tử tự điều khiển dưới sự giám sát của các Cha phụ trách. Chúng tôi tự lấy sáng kiến làm tất cả, và nhận lãnh trách nhiệm trước anh em và bề trên. Theo tôi, giờ phút hồi hộp nhất, mà cũng trang trọng và nghiêm túc nhất trong đời sống ở Đệ-tử-viện, là lúc họp mặt vào đầu năm học và giữa năm học để được tái phân bổ vào đoàn đội và trách vụ, nghĩa là phân chia lại đội, đoàn, với sự bổ nhiệm các chức vụ điều hành mới. Tất cả đều mới để cùng nhau bắt đầu một cuộc sống mới !… Nhờ đó, mỗi người anh em chúng tôi đều có dịp sống và hoạt động với anh em khác tuổi, khác lớp, khác tâm tính, trong cùng một đội, liên đội và đoàn.
Tôi rất thích cuộc sống rất đa dạng, sinh động, vui vẻ và nề nếp ở Đệ-tử-viện. Ngoài giờ học mỗi ngày 6 tiếng đồng hồ (?) và mỗi tuần 6 ngày, chúng tôi có giờ đọc kinh xem lễ, giờ tập thể dục buổi sáng, giờ nghỉ giữa các lớp học, giờ ăn, giờ nghỉ trưa, giờ ôn bài buổi tối, giờ ngủ tối (8 tiếng đồng hồ), và đặc biệt là giờ chơi vào lúc xế chiều sau lớp học cuối. Chúng tôi thường xuyên có giờ tập hát theo dấu nhạc và tập giọng; nên nhờ đó, anh em chúng tôi đều giỏi hát và có người điều khiển được ban hát. Thỉnh thoảng, chúng tôi được nghe nhạc cổ điển tây phương, xem phim tại nhà (hoặc ra phố); mỗi lần như thế, chúng tôi được chuẩn bị trước, và được bình luận giá trị nghệ thuật sau khi tham dự. Chúng tôi có dịp mừng lễ hầu như suốt năm tháng: ngoài các ngày lễ lớn trong năm phụng vụ, còn có lễ quan thầy các Cha, các đoàn, và các ngày lễ dân tộc, như Tết Nguyên Đán, Trung Thu. Trong những ngày lẽ lớn, chúng tôi thường có các chương trình diễn kịch (như Trưng Trắc Trưng Nhị), trình diễn hợp ca, văn nghệ, mà thỉnh thoảng học sinh ở ngoài có thể được mời đến tham dự, hoặc thi đấu thể thao với nhau hay với học sinh các trường khác.
VẪN TIẾP TỤC « TU GIỮA ĐỜI »
Nói cách khác, DCCT đã đào tạo tôi nên người trên nhiều lãnh vực cuộc sống, đa năng, đa hiệu, để tôi có thể làm chủ đời mình một cách có trách nhiệm, tự lập, tự tín, trong khi thích ứng với những đòi hỏi của xã hội… Sau này, khi ra ngoài đời lúc tôi 26 tuổi đầu, tôi cảm thấy đã được chuẩn bị đủ để hoạt động với các đoàn thể sinh viên, thanh niên và các tổ chức xã hội trong nhiều lãnh vực khác nhau. Tất cả cuộc sống đạo giữa đời của tôi đều đã được định hướng từ bên trong đời sống DCCT của tôi trước đó. Những sự chọn lựa cơ bản của tôi trong đời sống, như chuyên lo cho người nghèo khổ tất bạt, lấy môi trường sinh viên thanh niên để giáo dục chính môi trường ấy, giúp xã hội tự phát triển theo những nhu cầu của mình, giúp thành lập và điều hành các tổ chức, đoàn thể để đáp ứng những yêu cầu của tình thế… Tất cả đều đã được «lập trình», nhen nhúm, gieo mầm từ thời còn trong Đệ-tử-viện và Học Viện DCCT.
Một hình ảnh đẹp ghi khắc mãi trong tâm hồn tôi là gương mặt rất «người» của Cha Tremblay, bề trên Học Viện của tôi từ năm 1953. Có lần ngài nhìn mưa rơi nói với tôi rằng ngài rất thích đi giữa mưa, nghe nước mưa đổ rào rạt trên người, từng giọt nước thắm vào người, mát rượi, và cảm tạ Chúa đã cho có mây mưa tưới mát ruộng đồng và cuộc sống loài người. Ngài ngắm nhìn núi non trùng điệp và ca ngợi Chúa đã tạo dựng nên chúng, vì, theo ngài nói, nếu không có núi thì không có mưa, không có suối nước và sông ngòi, không có cây cỏ tươi mát, và dĩ nhiên là không có sự sống trên trái đất. Có lần trong khi Học Viện cấm lều nghỉ hè tại bờ biển Khánh Hòa, gần nhà Dòng Mỹ Ca, ngài cùng tôi đi ra bờ biển, chân sải trên bãi cát nóng hừng hực của buổi trưa hè, ngài bỗng kéo tôi dừng lại ngắm cây hoa tim tím vươn lên sừng sững giữa sa mạc cát trắng và ca ngợi sức phấn đấu «làm hoa đồng nội» của nó, để tô cho vẽ đẹp kiêu hùng của thiên nhiên! Ngài là một nhà lỗi lạc về triết, về toán, nhưng cũng là một người rất yêu thiên nhiên và lấy thiên nhiên làm bài hòa tấu để ca tụng Chúa. Tôi mà biết yêu thiên nhiên là cũng nhờ ngài.
Có lần ở Đệ-tử-viện, lúc được làm một trong số 12 tông đồ để được Cha giám đốc Labonté (hay Cha Dubé?) rửa chân vào ngày Thứ Năm Tuần Thánh, tôi đã khóc nức nở khi ngài cuối xuống rửa chân, lau sạch và hôn lên chân tôi. Ở Học-viện, vào những năm tháng tôi phải nằm nghỉ dưỡng lâu ngày tại phòng vì bệnh lao phổi, thay vì để một thầy giúp việc lo chăm sóc tôi, Cha Tremblay đã nhiều lần tự mình đến quét dọn phòng tôi và có khi mang cơm đến cho tôi. Dù bận bịu công việc bề trên, ngài thường khuyến khích tôi ra ngoài hóng mát với ngài, nghe ngài đọc sách và trao đổi đôi điều với tôi. Ngài vẫn xác nhận với tôi rằng bệnh lao dù nặng đến đâu nay vẫn được chữa lành, và bệnh này không phương hại gì đến ơn kêu gọi DCCT, để an ủi tôi đừng nản chí mà xin ra khỏi Dòng. Những gương sống của các bề trên tôi đã ăn sâu vào nếp sống của tôi và cho tôi một lẽ sống làm người : PHỤC VỤ VÔ VỊ LỢI…
Tôi đã xin ra đi, vì nghĩ rằng nhà tu không phải là một bệnh viện, nhất là DCCT đã có quá nhiều linh mục bị lao phổi rồi. Nhưng dù ở ngoài Dòng, tôi vẫn tiếp tục cuộc sống vì mọi người, nhất là vì những kẻ tất bạt, theo lý tưởng của Dòng. Đó là điều tôi muốn nói lên, để chân thành ghi nhận ơn «sinh thành dưỡng dục» của DCCT Việt Nam vậy. |
Trang Chinh > Bài Viết của Thành Viên >