Trần ngọc Báu: Từ lòng bao dung của người đến lòng bao dung của Đạo

Từ lòng bao dung của người

   đến lượng bao dung của Đạo

Trần Ngọc Báu

Lời mở đầu

Đề tài này đang là một vấn đề thời sự, đáng suy nghĩ, và sớm muộn gì cũng phải đề cập đến, cho dù khó nói, khó nghe, khó hiểu đối với nhiều người. Hẳn thực, vấn đề "bất bao dung" (loại trừ nhau trong tư tưởng, lời nói và hành động, có khi đưa đến đổ máu) là chuyện xảy ra hằng ngày quanh mình và trên báo chí, truyền hình. Thử hỏi tại sao người ta cư xử với nhau tồi tệ như vậy, đa số cho rằng thời thế đảo điên, nhân tâm ly tán, đạo đức suy đồi, và có người lên án mãnh liệt thái độ ấy. Nhưng nếu đặt vấn đề "bất bao dung" nơi người mình (chính mình, nhóm người thân mình, cộng đoàn mình), thì thường không ai có ý kiến, hoặc cho rằng “mình thì không đến nỗi nào!"

Chính vì đó mà đề tài này khó đem ra bàn luận một cách thiết thực, vì nó sẽ đụng chạm và có thể gây thêm hiềm khích, đưa đến những ý nghĩ hoặc hành động bất bao dung với nhau nữa là đàng khác! Tuy nhiên, nếu chịu khó đóng cửa lại, bình tâm nói nhỏ với nhau trong thân tình, nhẫn nại, tương thân tương kính, và thành tâm xét lại vấn đề này mỗi người cho riêng mình trước đã và mỗi ngày rốt ráo thêm một chút thì sao? Chắc chắn, đó là một bước đầu đáng khích lệ, một điều may, tối thiểu là cho mỗi người, nếu không nói là cho cộng đồng. Nhưng rồi vẫn có người chép miệng: Cũng tốt thôi, nhưng được là bao!

Bài này được viết phỏng theo tuần báo công giáo của Pháp "Thời sự tôn giáo" (L'actualité religieuse) số 164, ngày 15 tháng 3, 1998. Nhân kỷ niệm 400 năm "Chỉ dụ Nantes" (Édit de Nantes), tuần báo này đã dành ra 20 trang báo, từ trang 20 đến trang 39, để đề cập đến các khía cạnh của chủ đề "bao dung" và "bất bao dung" đang xảy ra tại một số nước hiện nay, cũng như trong lịch sử Kytô-giáo Âu Châu và Pháp. Có tất cả 14 bài do 13 cây bút lớn nhỏ cơ hữu và ngoài tờ báo tham gia vào chủ đề này.

Sở dĩ phải tạm mượn "chuyện của người ta" để nói một cách cụ thể và thiết thực về đề tài khó nói này, là vì người Việt Nam chưa quen lấy "chuyện của mình" để nói với nhau về "đức bao dung", sau 4000 năm văn hóa "nể nang nhau", và sau 30 năm chiến tranh tàn khốc, nồi da xáo thịt, hận thù ngút ngàn, vết thương lòng còn tiếp tục lở lói 24 năm sau. Riêng đối với người kytô-giáo Việt Nam, người ta có quyền hy vọng rằng lòng tin Chúa là Người Cha duy nhất của mọi người sẽ giúp họ từ bỏ thái độ độc quyền yêu Chúa, và biết tôn trọng những "người con khác" của Chúa yêu Chúa theo cách thế của họ. Lòng tin này sẽ là cơ sở vững mạnh nhất cho "đức bao dung" đối với mọi người anh em, lương cũng như giáo vậy.

Con người sẵn có tính bất bao dung

 

Các nhà phân tâm học xếp tính bất bao dung vào loại "xung năng", nghĩa là tự động tự phát một cách mạnh mẽ và đột biến từ bản năng. Trái lại, tính bao dung là kết quả của công trình giáo dục lâu dài nhằm chế ngự và hóa giải được cái thói loại trừ, khai trừ, kỳ thị kẻ khác mình do bởi cái sợ, "sợ kẻ khác mình", "sợ cái khác lạ". Để có thể trở nên bao dung, người ta cần phải rất nhiều lần bắt gặp mình giống kẻ khác, cũng đáng sợ như ai, cũng hành động sai trái như ai, và buộc mình phải nhìn nhận rằng chẳng có chân lý nào của tôi, của anh, trên cõi đời này là tuyệt đối thường hằng cả. Để có thể trở nên bao dung, có người phải mất cả cuộc đời va chạm với những cái khác lạ, mới lạ, xa lạ, kỳ lạ, quái lạ, để cuối cùng nhận ra rằng chúng không đến nỗi quái lạ và đáng sợ như mình đã từng nghĩ. Tuy thế, có được giáo dục đến đâu, người ta vẫn còn giữ cái cốt cách bất khả bao dung ngay trong tâm khảm mình.

 

Mà cũng may mắn thay, bất khoan nhượng hay bất bao dung cũng chưa hẳn là hoàn toàn xấu! Có trường hợp thật sự phải bất khả khoan nhượng! Chẳng hạn, làm sao có thể khoan nhượng đối với những hành động bất công, áp bức, tạo ra cùng khổ, đọa đày hoặc bất bình đẳng tai hại. Nhưng, thế nào là "bất công", "áp bức", "cùng khổ", "đọa đầy", "bất bình đẳng", và đến mức nào thì còn có thể khoan nhượng, và đến mức nào thì không thể nào khoan nhượng được nữa?! Như vậy, khoan nhượng, khoan dung, bao dung là gì? Đó là cả vấn đề! Nhìn ngang và dọc lịch sử tây phương và một gốc nào đó của đông phương, người ta sẽ thấy vấn đề hãy còn rất ngang ngửa và gây cấn vô cùng vậy.

Khi Jean-Marie Le Pen giảng về đức bao dung

Ông Jean-Marie Le Pen, nhà chính khách cực hữu to mồm của Pháp và là người công giáo ngoan đạo, chưa hề tỏ ra cay cú và bất bao dung cho bằng lúc ông tố cáo kẻ khác bất bao dung! Thế nhưng ông có cách để làm cho người ta tưởng ông là nạn nhân của sự kỳ thị, bất khoan nhượng của đối thủ ông. Và ông nghiễm nhiên trở nên nhà vô địch bênh vực đức bao dung "một chiều" của ông, và tố cáo kẻ ngăn cản ông phát biểu là kẻ có đầu óc bất khoan nhượng.

Đảng "Mặt Trận Quốc gia" (le Front National) của Le Pen, do ông thành lập vào năm 1972, luôn luôn dương cao ngọn cờ tự do tư tưởng và tự do phát biểu đã được đề cao trong Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền năm 1789 của Pháp. Nhưng Le Pen giả vờ quên rằng việc xử dụng quyền tự do có thể bị lạm dụng khi xâm phạm vào các quyền làm người khác. Vả lại, luật pháp của Pháp cấm đoán việc xúi giục kẻ khác hiềm khích người khác màu da, như Le Pen đã từng làm.

Tuy nhiên, luật pháp nói chung và luật chống kỳ thị màu da nói riêng lại có tác dụng bất lợi của nó, ở chỗ nó không có gì khác hơn là đề ra hình phạt, tội càng lớn thì hình phạt càng nặng. Mà hình phạt càng nặng thì càng làm cho người ta có cảm giác xấu là luật pháp có vẻ bất khoan dung, bè phái, không phù hợp với lý tưởng đạo đức đề ra ban đầu. Jean-Marie Le Pen khai thác vào chỗ yếu của luật pháp để tự cho mình là "nạn nhân của cuộc săn đuổi phù thủy". Đảng bảo thủ cực đoan của Le Pen cứ thế mà hô hoán rằng họ là những kẻ tử vì đạo tự do, để siết chặt hàng ngũ nội bộ của họ.

Le Pen và phe đảng ông không khỏi tự mâu thuẫn. Một đàng, họ tố cáo xã hội Pháp ngày nay đánh mất hết cương thường đạo lý vì có đầu óc quá bao dung, cởi mở, dễ dãi. Và đàng khác, khi bị cho là bảo thủ cực đoan, kỳ thị, phân cách, rẻ rúng kẻ khác, thì họ lại không ngần ngại cho rằng họ là nạn nhân của bọn người khủng bố tư tưởng, c ó đ ầu óc bất bao dung!

Theo ông Pierre-André Targuieff, "Le Pen không bày gì mới lạ cả. Ông ta chỉ sử dụng cơ sở sẵn có của tính bao dung khi nhập cuộc vào chính trường thôi. Bao dung là một đức tính cần thiết, nhưng rất bất tiện. Nó không đơn giản. Làm cách nào, nó cũng có chỗ hở. Đến đâu thì có thể còn khoan nhượng với đối thủ đây? Biên giới giữa bao dung và bất bao dung thật là mỏng manh và khó cân nhắc một cách khách quan vậy".

Thụy Điển chủ trương tuyệt đối bao dung

Xã hội Thụy Điển là một xã hội điển hình về nếp sống rất khoan dung, quá khoan dung, khoan dung đến mức có thể nói là tuyệt đối, nghĩa là khoan dung ngay cả với những cái lẽ ra không thể khoan nhượng được. Bằng chứng là hiện nay ở Thụy Điển vẫn có đài phát thanh FM công khai rỉ rả hô hào bài Do Thái, mà không bị luật pháp và người dân lên án hay khai trừ. Tự do phát biểu ý kiến mà!

Ngày nay, ở Thụy Điển vẫn còn có một bài báo 4 trang đăng ngay trên nhật báo lớn Svenska Dagbladet của Thụy Điển tấn công một tờ nhật báo Thụy Điển khác, vì cho rằng báo này dùng những người sinh đẻ ở ngoại quốc làm những tay viết lách nồng cốt của báo; những tên "lai căng" này có những ý kiến "chẳng phù hợp với người Thụy Điển" tí nào cả. Thế mà bài báo với cái nhìn thiển cận theo kiểu "phe ta" ấy không làm cho tờ báo lớn kia bị mất uy tín tí nào. Tự do báo chí mà!

Hơn nữa, ngay giữa thanh thiên bạch nhật, một cuộc biểu tình bài Do Thái xảy ra ngang nhiên trước trụ sở của nhà xuất bản Bonnier do những người Thụy Điển gốc Do Thái sáng lập, mà không thấy cảnh sát hay một nhà dân biểu nào can thiệp để cản ngăn. Nhưng chuyện gì phải cản ngăn, tự do ngôn luận mà?!

Còn vô số thí dụ khác! Chẳng hạn, Thụy Điển để hoàn toàn tự do trong vấn đề luyến ái: hôn nhân có cưới hỏi, hôn nhân không cưới hỏi, hôn nhân giữa những cập đồng tính luyến ái, không hôn nhân cũng làm tình thoải mái, phim ảnh sách báo về 36 kiểu làm tình, v.v., tất cả đều được phép, tất cả đều không bị cấm cản, loại trừ. Nghĩa là xã hội chấp nhận bao dung tuyệt đối vậy.

Iran xử tử 1 người Đức yêu 1 cô gái Iran

Ở thái cực bên kia, mút đầu 180 độ ngược lại với Thụy Điển, nước Hồi giáo Iran đã kêu án tử hình hồi tháng giêng vừa qua đối với một nhà kinh doanh người Đức 56 tuổi, ông Helmut Holfer, chỉ vì ông này trót dại yêu một cô sinh viên người Iran. Dưới con mắt của các Đức Thầy giáo sĩ, tình yêu giữa một người kytô-giáo và một cô Hồi Giáo là một điều rõ ràng là không thể khoan nhượng được. Các Đức Thầy Hồi Giáo nhân danh lý tưởng cao cả của Đạo để đưa Đạo phải đi đến chỗ triệt để bất khoan nhượng, chớ không thể chấp nhận có cái chuyện quái dị đến như thế được. Nước Iran ngày nay được toàn trị bằng luật pháp Hồi Giáo. Giới đàn bà con gái phải được tách biệt ra khỏi xã hội đàn ông, phải trùm khăn khi ra đường, không được đi học, không có những quyền làm người và làm công dân ngang bằng với đàn ông.

Xin nói nhỏ với nhau thôi: mới vài chục năm về trước, ở Việt Nam, nếu có người công giáo nào mà trót dại yêu một người lương (Phật Giáo, Đạo Ông Bà,v.v.) thì luật của Nhà nước bảo hộ không đem ra xử trảm, mà chính là luật đạo sẽ xử người ấy phải "mất linh hồn" nơi hỏa ngục đời đời! Khốn nạn cho gia đình công giáo nào thời bấy giờ bị rơi vào cái cảnh "rối đạo" kiểu này. Họ cảm thấy thắm thía cái tâm trạng bị dằn vặt, dầy xéo, bỏ rơi, khai trừ, miệt thị công khai hoặc ngấm ngầm bởi chính những người đồng đạo, nhất là những kẻ càng đạo đức, thánh thiện của Đạo Thánh Chúa! (Ngày nay, tuy không nói ra, nhưng cũng có người lấy làm khó chịu trước cái cảnh hôn nhân khác tôn giáo, đúng theo luật đạo đàng hoàng!)

Xét theo tâm trạng của đa số người công giáo hiện nay, thật là khó hiểu có thể có một thái độ bất khoan nhượng đến triệt để ghê gớm như thế, và thoạt nhiên người ta nghĩ ngay đến chuyện ai đó cố tình nói cho quá để bôi bác đạo công giáo chăng! Thưa không, ngay cả hai người cùng tin ở Chúa, một người Tin Lành và một người Công Giáo, cũng không được tự do lấy nhau, nếu không muốn "rối đạo", bị "vạ tuyệt thông" và mất linh hồn!

Nay Ba Lan vẫn buộc phải học đạo, giữ đạo

Thời Trung Cổ, các nước Âu Châu bị toàn trị dưới luật phép của Đạo Công Giáo. Qua thời Phục Hưng, có nổi lên phong trào Thệ Phản (người Việt Nam thường gọi đại khái là Tin Lành) chống lại với giáo quyền La Mã và tách ra khỏi Giáo Hội Công Giáo, và tranh dành ảnh hưởng với La Mã về mặt thế quyền. Mãi đến Cách Mạng Pháp, thế quyền mới bắt đầu lấy lại tư thế độc lập, và có nơi lại tìm cách lấn lướt thần quyền nữa. Nói cho cùng, tuy thần quyền và thế quyền có những mục đích và sinh hoạt hoàn toàn khác nhau, tách biệt nhau, nhưng cả hai đều nhằm phục vụ cho con người, nên đều cần nương tựa vào nhau. Từ đó, có chuyện lợi dụng, cấu kết, hoặc lấn lướt, chèn ép nhau xảy ra đây đó mãi cho đến ngày nay...

Lấy trường hợp Ba Lan ngày nay, mà đa số theo đạo công giáo, chúng ta bắt gặp những thái độ thủ cựu cực đoan (intégriste) đến mức bất khoan nhượng như thời xa xưa. Bà Magda, 45 tuổi, không có đạo, đã than: "Có khi tôi tự hỏi đất nước tôi đã thật sự ra khỏi thời Trung Cổ chưa?" Hôm ấy, bà giáo này vừa được tin có luật buộc học sinh các trường công phải theo học lớp giáo lý công giáo, và điểm giáo lý sẽ được cộng chung lại với điểm các môn học khác để lấy điểm trung bình trong năm. Như vậy là đứa con gái của bà và những học sinh không có đạo công giáo khác sẽ bị thiệt thòi trong việc học hành vậy. Đó là chưa nói đến chuyện vi phạm quyền tự do tín ngưỡng!

Nơi này, những gia đình nào lơ là với những sinh hoạt của xứ đạo đều bị "điểm xấu", theo cái nghĩa hẹp của nó là bị dèm pha, rẻ rúng. Nơi kia, một bé gái bị từ chối chịu phép rước lễ vỡ lòng vì một người trong gia đình em có một đời sống coi như là bê bối. Nơi nọ, nếu một em nhỏ không tham dự lớp giáo lý, tất cả gia đình em sẽ bị cho ra rìa. Và, ở thôn quê hay ở những thành phố nhỏ của Ba Lan, gia đình nào không chịu tiếp ông Cha xứ vào nhà, thì cửa nhà thờ có nguy cơ sẽ khép kín khi gia đình có tang, hôn...

Những sự việc tương tự như vậy thì vô số kể và phản ảnh một thời đại đã qua lâu rồi. Sự thể này càng lúc càng gây khó chịu, cấn cái, giữa người Ba Lan với nhau, có đạo cũng như không có đạo. Cũng như hàng giáo phẩm Ba Lan vẫn tiếp tục tranh đấu chống việc giáo dục về tính dục cho con em ở học đường. Cũng như đây đó trên tòa giảng hay trên làn sóng phát thanh công giáo, có nghe lập đi lập lại những lời kêu gọi bài trừ Do Thái, mà khoảng 20 dân biểu quốc hội thuộc cánh cực hữu vẫn nhai đi nhai lại. Nhà xã hội học Sergiuz Kowalaki nhận định: "Hiện nay có một phong trào vận động cho nếp sống của người công giáo thủ cựu cực đoan được bành trướng rộng ra." Một nhà xã hội học khác, ông Miroslaw Penczak, viết: "Họ tự coi họ là một dân tộc được Chúa chọn. Họ bảo rằng họ là những người công chính duy nhất đã thấy rõ được thực tại. Nhưng với lập trường thủ cựu cực đoan này, họ đang dấn bước vào con đường hành động theo tinh thần bè phái tôn giáo vậy!" Tình hình đang đe dọa toàn bộ nền dân chủ và đức bao dung trong Giáo Hội cũng như trong đất nước Ba Lan. Một số Giám mục Ba Lan bắt đầu ý thức được điều đó và đang quyết liệt chống trả lại.

Dân biểu Israel bị tố là bọn "Đức Quốc Xã"

Trong phiên họp khoáng đại Quốc Hội Israel ngày 28 tháng giêng vừa qua, Đức Thầy Avraham Ravits, một dân biểu thuộc cánh cực hữu Do Thái giáo, đã mạt sát thậm tệ tất cả các dân biểu dân sự, bất chấp tả hay hữu, rằng: "Chúng bây là thứ rác rến, một bọn người bài Do Thái!" Thì ra, chỉ vì Quốc Hội Israel đã bỏ phiếu chống dự luật coi văn bằng thần học của các trường Do Thái giáo cũng ngang bằng với văn bằng Đại học thường. Thật ra, ai cũng thấy rõ mục tiêu minh thị của 3 Đảng Do Thái giáo -- đang nắm 1/5 Quốc Hội Israel và 1/3 chính phủ liên hiệp Israel hiện nay -- là xâm nhập càng nhiều càng tốt người của họ vào các cơ quan công quyền.

Ngôn ngữ của Đức Thầy Ravits dùng là một loại ngôn ngữ thường ngày của các Đức Thầy Do Thái giáo tại Israel, chưởi rủa những người Do Thái bất dồng ý kiến với mình là "Đồ Đức Quốc Xã, đồ mật vụ Đức SS, đồ liếm gót giầy Hitler". Cứ bình thường, người Do Thái giáo chụp mũ dễ dàng những người Do Thái khác là "bọn diệt chủng Do Thái", "bọn âm mưu bài Do Thái kiểu Hitler", mỗi khi có bất đồng chính kiến, hoặc bất đồng về những quan điểm xã hội quanh những vụ như có đá bóng xảy ra vào ngày Hưu Lễ (ngày nghỉ trong tuần, theo giáo luật Do Thái giáo), vụ lối xóm vẫn sinh hoạt bình thường vào những giờ con nhà có đạo phải đọc kinh, vụ tiêu thụ thịt heo trong các nhà hàng, v.v. Chẳng hạn, chiếu phim trên những chuyến bay đường dài của hãng hàng không El Al cũng bị tố là nhằm "làm thối nát đạo Do Thái", theo nhận xét của Đức Thầy Amital.

Đức Thầy Ovadia Yossef, lãnh tụ Đảng Chính thống cực đoan Shass, cho rằng 3 tờ báo dân sự lớn của Israel đã có những luận điệu "thóa mạ, phạm thánh" đối với Đạo và cần phải bị "tẩy chay". Danh sách các cơ quan công quyền và chuyên môn, như Tối cao Pháp viện, Phòng chứng khoán, bị liệt vào loại phải bị tiêu diệt thì dài vô tận. Itzhak Lévy, một dân biểu của Đảng Đại Do Thái giáo, chủ trương chiếm đóng vĩnh viễn các phần đất Palestine, đã nói thẳng thừng rằng: mục tiêu của Do Thái giáo cực đoan là biến quốc gia Israel thành một đất nước toàn trị bởi Do Thái giáo. Trong cuộc thăm dò dư luận Israel vào tháng hai vừa qua do Đại Học Tel Aviv tổ chức, đa số 62,6 phần trăm người Do Thái cho rằng nguy cơ "đe dọa xã hội Israel" không đến từ cuộc xung đột với người Á rạp (chỉ có 30% thôi) mà là đến từ "cuộc xung đột sắp tới giữa người có đạo và người dân thường".

Chiếc cầu đổ nát của thành phố Mostar

Mỗi lần trèo 6 từng cầu thang để leo lên căn nhà 3 phòng rẻ tiền của mình nằm về phía ngoại ô Đông-Mostar, là phía người Croatia sinh sống trong thành phố bị cắt đôi của xứ Bosnia này, Stipe nhớ đến người láng giềng và bạn cũ ở lầu 5 là Omaric. Stipe và Omaric là bạn học cùng lớp từ thời thơ ấu, lập gia đình cùng một năm và cùng một lúc dời nhà về chung cư này.

Stipe, thuộc sắc dân Croatia, là người Công giáo mộ đạo, đã không gặp lại bạn xưa từ năm 1992, khi mà Omaric phải bỏ thành phố Mostar ra đi lánh nạn ở thủ đô Sarajevo. Anh nói nghẹn ngào: "Omaric là một người Hồi giáo. Anh ta không thể tiếp tục ở với chúng tôi". Đang cho đứa con thứ tư bú bình sữa, chị Stipe đồng ý bảo: "Chúng tôi đánh nhau với người Hồi giáo". Rồi chị chỉ cho thấy các vết đạn pháo trên tường nhà: "Coi những gì bọn chúng làm cho chúng tôi đó. Bọn họ đã sát hại người thường dân chúng tôi, đã làm ô uế nhà thờ chúng tôi. Họ chỉ chờ có dịp là tống cổ chúng tôi ra khỏi khu vực này. Lại nữa, họ sinh con đầy đàn. Giữa cuốn kinh thánh Hồi giáo và quyển Phúc Âm, không thể có gì phù hợp với nhau được cả!"

Stipe bồi hồi nhớ lại tình bạn năm xưa: "Nhưng bây giờ, tất cả người Hồi giáo của xứ Bosnia này đều là bọn người cuồng tín cả". Anh ta chưa hề bước qua chiến cầu đổ nát, đưa đến phía Tây-Mostar. Nhưng anh ta tin chắc như đinh đóng là: "Bên đó, mọi người đều để râu ria xồm xoàm và các bà đều có màng che mặt. Con cái họ đông đúc và ăn không ngồi rồi, kéo nhau đi lang thang khắp các nẻo đường". Sự thật lại khác hẳn! Ở Tây-Mostar, cuộc sống vẫn bình thường, trẻ em vẫn đi đến trường, thanh thiếu niên vẫn đến phòng trà nghe nhạc, và các cô gái vẫn mặc váy ngắn như ai thôi. Nhưng không có cách nào nói cho người ở Đông-Mostar biết sự thật về Tây-Mostar cả.

Anh Ivan, một người thông dịch, nhún vai nói với nhà báo ngoại quốc: "Các ông cứ đem tất cả bọn Hồi giáo ấy về với mấy ông đi". Anh thông dịch này cũng chưa hề gặp lại bạn cũ đã băng qua chiếc cầu định mệnh ấy để lánh nạn bên Tây-Mostar: "Tôi không tiếc nuối gì cả. Đối với chúng tôi, chiếc cầu này không phải là biểu tượng của thống nhất, mà là của đau khổ". Bạn gái của anh là Marija đã phì cười khi nghe nói đến hai chữ "bao dung". Cô ấy cao giọng thét lớn: "Chúng tôi đã có một dịp bằng vàng để thanh toán bọn Hồi giáo, nhưng chúng tôi đã bỏ lỡ cơ hội ấy!" Mọi người im lặng, rồi bỗng nổ lên một tràng pháo tay: "Bravo, Marija!" Những ai nghĩ khác hơn đều im hơi lặng tiếng; quan điểm của họ sẽ không được chấp nhận.

Đa số người Chính thống Nga thủ cựu cực đoan

Tuyệt đại đa số người kytô-giáo Nga theo đạo Chính Thống, thuộc Giáo Hội Công Giáo đông phương. Ngày nay, đa số người Chính Thống là những người bảo thủ đối với những vấn đề của Giáo Hội. Họ câm thù những người Chính Thống cởi mở và muốn canh tân Giáo Hội. Họ chủ trương bài trừ Do Thái, bài trừ phong trào đại kết, bài trừ tây phương. Tóm lại, họ có lập trường bất khả khoan nhượng. Nhiều nhà dòng, tu viện, đã theo về với họ, cũng như vài gương mặt lớn của Chính Thống giáo, trong đó có Thượng Phụ Ioann của thành phố Saint-Pétersbourg, nổi tiếng về những lời lẽ bài bác Do Thái một cách công khai, bộc trực của Ngài.

Nếu ảnh hưởng của họ lớn nhanh như vậy, đó là vì họ đã cấu kết với Đảng chính trị bảo thủ cực đoan Nga, do ông Jirinovski lãnh đạo. Đảng này có đại biểu trong Quốc Hội Nga, có những tay hùng biện đao to búa lớn tại các diễn đàn công cộng. Cánh cực hữu chính trị và cánh cực hữu tôn giáo đã đồng lõa với nhau để can thiệp vào đời sống quốc gia. Những người Chính Thống thủ cựu cực đoan, nặng đầu óc chính trị, lấy lại những luận điệu của những nhà chính khách quốc gia cực đoan. Và những người này lại bênh vực ý kiến của những người Chính Thống cực đoan trên chính trường.

Báo chí và phát thanh cũng tiếp tay với họ. Mới đây, Đức Thượng Phụ Alexis II đã cố gắng hãm lại cái đà tuyên truyền các tư tưởng quá khích, và đã lên án một đài phát thanh Chính Thống giáo với lời lẽ sau đây: "Những chương trình phát thanh đã được soạn ra để ảnh hưởng đến tâm can và tư tưởng của cộng đồng Giáo Hội, với mục đích là tạo ra trong lòng Chính Thống giáo một phe cánh thủ cựu cực đoan theo cái mẫu đang hiện hành trên chính trường". Nhưng theo những người thuộc cánh canh tân Giáo Hội, những sự can thiệp của Đức Thượng Phụ thường rất thận trọng, quá thận trọng đi. Bởi vào lúc mà mọi người lo cho sự hợp nhất Giáo Hội, ai ai cũng dễ bị khiếp đảm khi bị đe dọa có nguy cơ chia rẽ nội bộ...

Chùa chiền thờ Phật còn là cửa thiền chăng!

Với con số 6 đến 7 triệu tín đồ, Phật Giáo Ấn Độ ngày nay không có bao nhiêu trọng lượng trong một nước có 900 triệu dân, mà hết 80% là người theo Ấn giáo. Trong ngôi đền Panthéon vĩ đại của Ấn, có một vị trí dành cho Đức Phật, được coi là Đấng đầu thai thứ 9 của Thần Visnu, ngang hàng với Đức Rama và Đức Krishna tiền nhiệm ngài. Đối với Ấn Độ, Đức Phật là một trong hằng ngàn vị thần phải thờ kính.

Vào năm 1949, chính phủ trung ương Ấn ban ra một sắc chỉ cho bang Bihar, nơi có 2 ngôi đền thánh lớn kế cận nhau. Một là đền Mahabodhi, ở Bodhgaya, thờ kính Đức Phật Thích Ca đã giác ngộ dưới cây Bồ Đề tại đó cách đấy 2500 năm. Và cách đó 10 km, có đền thờ Thần Visnu, ở quận Gaya, một trong những trung tâm hành hương lớn nhất của Ấn giáo. Sắc chỉ trông có vẻ rất công bình và bao dung với mọi tôn giáo, nghĩa là giao phó việc quản trị hai thánh địa cho một Ủy ban Hỗn hợp Liên tôn, gồm có 4 người Ấn giáo và 4 người Phật giáo. Chỉ có một chút chi tiết nhỏ này: vị thống đốc quận Gaya đương nhiên là chủ tịch của Ủy ban này và ông có quyền chỉ định vị Tổng thư ký của Ủy ban. Thực tế, vị chủ tịch Ấn giáo cứ tự nhiên phong cho người Ấn giáo này đến người Ấn giáo kia làm Tổng thư ký, và 4 người Phật giáo trong Ủy ban cảm thấy bị ngồi chầu rìa thôi...

Những người Phật giáo tranh đấu thường to tiếng: "Bodhgaya phải là thánh địa Phật giáo, cũng như La Mecque là thánh địa Hồi giáo!" Thầy trụ trì tại thánh địa Phật giáo Bodhgaya, Thượng Tọa Bhikshu Prajna Sheel, tỏ ý bất mãn ra mặt: "Đã trăm năm rồi, chúng tôi đấu tranh giải phóng ngôi đền thánh". Ngài tiếp: "Chúng tôi đòi hỏi phải giao lại cho Phật Giáo việc giám quản ngôi đền. Hiến Pháp Ấn Độ chẳng bảo đảm bình đẳng giữa mọi công dân và tự do tôn giáo là gì?" Ngài quả quyết: "Các đền thờ Hồi Giáo thuộc về người Hồi giáo; các nhà thờ Thiên Chúa giáo thuộc về người kytô-giáo; các đền thờ shiks thuộc về người shiks. Tại sao Bodhgaya lại trở thành ngoại lệ?"  Và cuộc cãi vã to tiếng nhất xoay quanh chuyện tiền bạc lại trở nên nóng bỏng dữ dội, vì Bodhgaya thu hút hằng năm hàng chục, hàng trăm ngàn người hành hương, trong số đó rất nhiều người đến từ các nước giàu có như Nhật và Đài Loan. Vị Thượng Tọa tố giác nặng lời: "Tiền thập phương cúng dường đi về đâu?  Tại sao dự án trùng tu bị chận đứng? Người Hồi Giáo có chịu trách nhiệm về những vụ này không?"

Năm 1992 đã xảy ra bạo động ở Bodhgaya. Ngày Phật Đản, vào rằm 16.05, có khoảng một ngàn người Phật tử nổi loạn, chiếm đóng ngôi đền, hành hung các thầy Ấn giáo có mặt tại đó, và đập vỡ một bình thánh. Năm sau, Hội nghị Phật giáo quốc tế nhóm họp ở Patna, thủ đô bang Bahar, đã quyết định khiếu nại lên Liên Hiệp Quốc về vụ chèn ép ngôi chùa Bodhgaya này. Người bàng quan chỉ có thể hiểu được sự lớn mạnh của phong trào bất bao dung nơi một tôn giáo nổi tiếng là bao dung và chuyên cần phá chấp, khi nhìn thấy được hậu trường chính trị và xã hội của vấn đề.

Thực vậy, ở bên dưới cuộc xung đột tôn giáo, có bóng ma của nhà chính khách nổi danh Ambedkar. Ông này chủ trương đấu tranh chính trị chống lại việc áp bức giới nghèo hèn, cùng khổ của Ấn Độ, và ông theo đạo Phật cốt để chấn hưng Phật Giáo Ấn Độ theo đường lối này mãi cho đến khi ông chết năm 1956. Hàng triệu người sống vất vưởng bên lề xã hội Ấn hình như đã theo đạo Phật vì lý tưởng xã hội này. Hầu hết những người tranh đấu cho ngôi chùa tổ Phật Giáo ở Bodhaya là đồ đệ của Ambedkar.

Sau khi Quốc Hội Ấn bị giải tán, cuộc bầu cử Quốc Hội mới từ ngày 16 đến 20.02.98 vừa qua đã đem lại thắng lợi lớn cho Đảng Quốc Đại. Đảng này bị các đảng đối lập coi như một thứ phung hủi ghê tởm và tai hại cho Ấn Độ. Bởi Đảng Quốc Đại không những chủ trương lấy Ấn Giáo làm quốc giáo mà thôi, mà còn chủ trương coi "Ấn giáo là dân tộc và dân tộc là Ấn giáo" và vì đó mà có thể sẽ kỳ thị những người Ấn theo các tôn giáo khác. Việc đấu tranh bất khoan nhượng của Phật Giáo Ấn cũng đang đi trong hướng này. Vì thế, đối với Phật giáo cũng như các tôn giáo khác, việc ăn ở bao dung là một chuyện rất mỏng manh. Thật vậy, năm 1992 cũng là năm mà đền thánh Hồi Giáo ở Ayodhya, thuộc một bang bên cạnh bang Uttar Pradesh, đã bị những người Ấn Giáo quá khích đập phá tan tành. Cây Bồ Đề mọc trên ngọn núi lửa. Ngọn núi lửa lúc nào sẽ bùng lên đây?

Con đường bao dung đầy đa đoan, trắc trở

Ngày nay, chẳng ai ưa bị mang tiếng là "bất bao dung" cả! Những ai bênh vực nó thường giải thích nó dưới một dạng khác, theo một cách nhìn, cách hiểu khác. Những người biết nhìn nhận như Freud viết cho Pfister thật là hiếm hoi: "Tôi tự đề ra cho chính mình nguyên tắc ăn ở bao dung và không sử dụng quyền uy; nhưng trong thực tế, điều ấy không thực hiện được". Vả lại, đức bao dung thường có bộ mặt như là lãnh đạm với mọi sự. Có người nói rằng nó chẳng coi Chân lý và quyền đấu tranh cho Chân lý ra cái quái gì cả. Đức bao dung có thể đưa đến những hậu quả bi đát, chẳng hạn như, theo ông Yves Ternon, cuộc diệt chủng Do Thái không phải do sự "bao dung thái quá" đẻ ra là gì?

Lịch sử đã không thiếu những ví dụ cho thấy ăn ở bao dung có thể mang trọng tội, và, ngược lại, ăn ở bất bao dung có thể đưa đến những cuộc xung đột đẫm máu. Vào thế kỷ 16 có chiến tranh tôn giáo tại Âu Châu, có một số người lúc bấy giờ cho rằng bao dung dù sao cũng ít tai hại hơn là bất bao dung. Theo lời ông Jean Baubérot, một giáo dân Tin Lành và là giáo sư sử học và xã hội học tại Pháp hiện nay, sự thai nghén đức bao dung nói chung và quyền tự do tôn giáo nói riêng đã kéo dài rất lâu trong suốt quá trình lịch sử, trải qua những chặng đường chông gai, rất là khó thực hiện.

Riêng về tự do tôn giáo, Đế quốc La Mã có vẻ được tiếng tốt. Theo ông Bernard Guillemain, người La Mã không màng đến chuyện siêu hình là bao và họ sẵn sàng tiếp những vị thần ngoại quốc. Dĩ nhiên với điều kiện là đừng ai động đến ngôi vị Chúa tể của Hoàng Đế La Mã. Vi phạm điều này, những người kytô-giáo bị bách hại trong gần 2 thế kỷ. Và trong thời gian ấy, các Giám mục, các nhà thần học kytô-giáo, đã phải đấu tranh gian khổ cho tự do tôn giáo. Vào năm 212, một người kytô-giáo châu Phi, ông Tertullien, đã viết cho vị toàn quyền La Mã như sau: "Mỗi người có nhân quyền và quyền tự nhiên thờ phượng đấng họ muốn... Trong bản tính của tôn giáo, không có sự bắt buộc phải theo tôn giáo".

Thật là chí lý vậy! Nhưng đến lượt kytô-giáo được địa vị bề thế hơn, từ chỗ được đãi ngộ với sự bao dung về tôn giáo (theo Chỉ dụ Milan năm 313) cho đến chỗ trở thành tôn giáo độc quyền (với Chỉ dụ Thessalonique năm 380), lòng người có đạo đã thay đổi cũng nhiều! Các vị Hoàng Đế Constantin I và II theo kytô-giáo (trở lại đạo) và các vị Hoàng Đế La Mã kế tiếp tự coi có quyền và bổn phận bảo vệ Đạo Chúa, nên ra tay bắt bớ những "bè rối đạo" và "ly khai đạo" càng lúc càng dữ dằn. Năm 385, Hoàng Đế Maxime ra lệnh xử tử Đức giám mục thành Avila, Đức Cha Priscillien, bị Nhà Vua nghi ngờ là kẻ rối đạo.

Bước vào thời Trung Cổ, Kytô-giáo trở nên toàn thịnh tại Âu Châu và tạo ra một xã hội rập khuôn theo mẫu thức văn hóa kytô-giáo, một nền "văn minh mới". Trong suốt 10 thế kỷ, Giáo quyền toàn trị tỏ ra tương đối khoan nhượng với những người ngoại đạo, Do Thái, hay Hồi Giáo. Nhưng lại tuyệt đối bất khả bao dung với những người có đạo mà "rối đạo". Năm 1184, Giáo Hội lập ra Tòa Án Dị Giáo (Inquisition) để xử những kẻ bị tình nghi "rối đạo". Vào giữa thế kỷ thứ 13, mọi người Âu Châu, hay hầu hết, đã quyết đoán phải kết án tử hình những "bọn rối đạo" ấy!

Sang thời Phục Hưng, kể từ năm 1520, tu sĩ Luther đòi phải tôn trọng "tự do lương tâm". Ông không quan niệm táo bạo như Đức Hồng Y Nicolas de Cusa, trước ông một thế kỷ, đã cho rằng không thể có tuyệt đối "Chính Đạo" mà chỉ có những "chân lý tương đối" về Đạo mà thôi. Ông cũng không đòi hỏi "tự do lương tâm" đối với mọi tôn giáo (có nghĩa là ai muốn theo đạo nào thì cứ theo tùy ý). Nhưng ông chỉ yêu cầu giải tỏa con người có đạo khỏi những ràng buộc quá đáng của Luật Giáo Hội do hệ thống giáo-hoàng-trị nắm giữ và khỏi những quan niệm "làm phúc đức" dễ dãi để được rỗi linh hồn.

Thế rồi, từ chỗ tranh thủ một Giáo Hội cải cách, siêu việt và bao dung, Luther bị thực tế phũ phàng đưa đẩy ông dần đến chỗ phải tổ chức một Giáo Hội nhập thế, có qui cũ, nề nếp, một "Giáo Hội quốc doanh" mà vị Hoàng Đế có trách nhiệm phải bảo vệ Đạo Chúa và xét xử những kẻ rối đạo hay phản đạo! Nội tình Âu Châu lúc bấy giờ bị rối loạn tơi bời, xung đột đẫm máu, xâu xé thảm thương giữa hai cực cải cách và bảo thủ đang cạnh tranh nhau, kình địch nhau!

Chỉ dụ Nantes: tạm ước chung sống hòa bình

Làm sao hàn gắn nạn chia rẽ giữa 2 tôn giáo cùng thờ một Chúa và hóa giải bạo động giữa hai chiến tuyến thù nghịch nhau? Lúc bấy giờ, chỉ còn có cách là đề cao "tình người" để sống chung với nhau thôi. Erasme chủ trương thuyết nhân bản, lúc đó, chỉ mới nhằm làm sao để hòa giải giữa hai phái tôn giáo, mà ông ta còn hy vọng hợp nhất lại được. Theo Joseph Lecler, từ năm 1526, ông Erasme đề nghị giải pháp đối xử "tạm thời bao dung" một cách hợp pháp đối với phe cánh Luther, tức là lấy lòng bác ái, khoan nhượng để chịu đựng nhau, chung sống hòa bình với nhau, chú mục vào những điều răn cơ bản của Đạo hơn là những khác biệt ngoại vi, tâm niệm rằng Đạo là nguồn sống trước khi là một giáo thuyết.

Nhưng sau nhiều cuộc hội đàm thất bại giữa hai phe đối kháng, các nhà chủ trương thuyết nhân bản đành thúc thủ và nhường bước cho những "nhà chính trị". Đối với các chính khách, thực tế là tránh bàn vào chuyện tín lý, giáo lý, mà cốt tìm cho ra giải pháp cụ thể chung sống hòa bình. Tinh thần này đẻ ra cái chiếu chỉ nhà Vua Pháp ban hành vào năm 1598 gọi là "Chỉ dụ Nantes" (Édit de Nantes), cũng như Hiệp Ước Westphalie ở Đức năm 1648. Theo ông Olivier Christin, các sự kiện trên đây không dính dáng gì bao nhiêu đến đức bao dung, hay quyền tự do tôn giáo và sự tôn trọng những tín ngưỡng khác biệt cả.

Thực vậy, Chỉ dụ Nantes 1598 chỉ là một thỏa ước chính trị, nhằm chấm dứt những cuộc chiến tranh tôn giáo đã xâu xé nước Pháp ở hậu bán thế kỷ 16, mà cao điểm là vụ tàn sát dã man hàng ngàn người Tin Lành vào ngày lễ thánh Barthélemy 24.08.1572. Thoát khỏi vụ đổ máu kinh hoàng này, Henri de Navarre, về sau trở thành Vua Henri 4 của nước Pháp, đã từ bỏ đạo Tin Lành vào năm 1593 để được chính thức tấn phong Vua Pháp tại đền thờ Chartres năm sau đó. Vua Henri 4 đặt quyền lợi tổ quốc Pháp lên trên hết, nên tra tay vào các cuộc thương thảo để đi đến một thỏa hiệp tạm thời chung sống hòa bình giữa những người con dân Pháp, một bên là đa số Công Giáo và bên kia là thiểu số Tin Lành.

So với quan niệm thời nay, Chỉ dụ Nantes mới chỉ là bước đầu tập tểnh đi đến thái độ bao dung tôn giáo của Pháp và của Âu Châu ngày nay. Tuy vậy, với Chỉ dụ Nantes, lần đầu tiên Giáo Hội Tin Lành Pháp được Nhà nước Pháp coi như chính thức nhìn nhận và không bị chính thức coi là "bè rối đạo" nữa. Với Chỉ dụ Nantes, còn có sự nhìn nhận các nguyên tắc "tự do lương tâm" và "tự do tế tự", mặc dầu trên thực tế còn gặp nhiều khó khăn thực hiện và có tình trạng chiến tranh lạnh kéo dài giữa 2 tôn giáo ruột thịt.

Tính cách bấp bênh của "Chỉ dụ Nantes" càng rõ ràng hơn với sự xuất hiện của "Chỉ dụ Alès" vào năm 1629 thu lại các quyền có quân lực và quyền tự trị ở những nơi thuộc người Tin Lành. Nó càng rõ ràng hơn nữa với sự thu hồi "Chỉ dụ Nantes" vào năm 1685, chấm dứt tình trạng chung sống hòa bình giữa Công Giáo và Tin Lành. Ngay sau đó, người Tin Lành bị bách hại, bị cưỡng bức "trở lại đạo" hoặc phải trốn đi lánh nạn nước ngoài. Đó là vì người ta chưa chấp nhận nguyên tắc "hòa bình tôn giáo", "bao dung tôn giáo", chưa nhìn nhận "quyền khác biệt tôn giáo" của mọi người.

Riêng đối với người Tin Lành Pháp, quyền khác biệt tôn giáo chỉ mới được nhìn nhận một thế kỷ sau đó, với Chỉ dụ của Vua Pháp Louis thứ 16 năm 1787. Và liền sau đó, vào năm 1789, với Cách Mạng Pháp mà điểm son của nó là Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân Quyền, trong đó quyền tự do tôn giáo đã được minh nhiên xác định. Năm 1802, Napoléon ban qui chế chính thức nhìn nhận Giáo Hội Tin Lành Pháp, cùng lúc với Giáo Ước ký với Tòa Thánh La Mã. Như vậy, đúng ra chính cuộc Cách Mạng Pháp mới đem lại cho Giáo Hội Tin Lành Pháp một sự nhìn nhận trọn vẹn và một bước đầu bảo đảm có sự "bao dung tôn giáo". Các Hội Thánh Tin Lành tây phương đều có thiện cảm với cuộc Cách mạng Pháp. Còn Giáo Hội Công Giáo La Mã thì vẫn chống báng và ác cảm với tinh thần Cách mạng Pháp (và tinh thần tự do dân chủ) cho mãi đến gần đây mới thôi.

Chẳng lẽ Hồi Giáo ngày nay cần "Chỉ dụ"!

Tại nước Pháp ngày nay, có lăm le nhúm lên phong trào bài xích Hồi Giáo "quá khích". Có người đề nghị nên có một "Chỉ dụ" không phải cho Tin Lành nữa, mà là cho Hồi Giáo! Nó có thật sự cần thiết để qui định những thể thức chung sống hoà bình giữa Hồi Giáo và các tôn giáo khác tại Pháp? Hoặc để cho người Hồi Giáo được quyền hội nhập vào xã hội Pháp một cách thoải mái hơn?

Về câu hỏi 1, theo như vị Giáo trưởng Hồi Giáo Soheib Bencheik tại Marseìlle, đạo luật phân cách Nhà Nước và Giáo Hội năm 1905 đã là đủ lắm rồi: "Chúng ta đâu có chiến tranh tôn giáo, có chăng là vấn đề hình ảnh Hồi Giáo tại Pháp bị chút giao động thôi. Như vậy cho thấy chỉ có một nhúm rất nhỏ người quá khích có tổ chức chặt chẽ tạo ra chấn động ấy trong khi tuyệt đại đa số tín đồ sống ở đây hiện giờ là người Hồi Giáo bình thường." Ông tiếp: "Vấn đề không nằm ở bình diện pháp lý, mà ở bình diện tâm tư. Người Pháp vẫn chưa sẵn sàng chấp nhận một tôn giáo đã quá lâu rồi bị coi là ngoại lai và có vẻ thực dân! Hơn nữa, Hồi Giáo vẫn quen ngự trị theo kiểu quân sư trong vùng đất nguyên quán của mình, nay phải đương đầu trước thử thách mới, đó là không dựa vào quyền lực chính trị mà phải tự lực để rao truyền đạo."

Về câu hỏi 2, câu trả lời chắc cũng là không. Bởi vì, Hồi Giáo là tôn giáo đứng hàng thứ nhì tại Pháp với 4 triệu tín đồ (mà trong số đó, có 2 triệu là người Pháp) đã tỏ ra hội nhập một cách "tuyệt vời" rồi, theo ông Bruno Étienne, giáo sư Khoa chính trị học ở Aix-en-Provence, Pháp. Đó đây, có người kêu là Pháp bị nạn di dân khuấy nhiễu hoài! Nên trước đây, dân Pháp bạo động nhằm khai trừ kiều dân Ba Lan, Ý, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha; nhưng sau khi họ đã hoàn toàn bị "đồng hóa" rồi thì thôi. Nay lại tới phiên người Hồi Giáo gốc Bắc Phi bị đe dọa khai trừ. Theo giáo sư B. Étienne, "nói như thế là sai. Trong những năm 20 và 30, người ta giết ở thành phố Marseille khoảng 20 người Ý mỗi năm. Và trong cả 10 năm nay, người ta giết ở Pháp chỉ có 1 hay 2 người Hồi Giáo gốc Bắc Phi thôi."  Như vậy có nghĩa là, các cộng đồng kiều dân khác sống ngoài lề xã hội Pháp nhiều hơn, theo giáo sư B. Étienne. "Người Arménia chỉ hội nhập về kinh tế; người Á Châu không hội nhập gì cả; người Do Thái rã rồi nhập, nhập rồi rã liên hồi". Và giáo sư kết luận: "Con đường đã đi qua của người Hồi Giáo Pháp thật tuyệt vời!"

Lấy trường hợp một nước ngoài Âu Châu mà có quan hệ nhiều với Pháp, như Algéria chẳng hạn, người ta thấy không có "Chỉ dụ" hay "Tuyên ngôn" mà Algéria vẫn cư xử rất là bao dung với các tôn giáo khác cho mãi đến cuộc khủng hoảng đáng tiếc mới đây. Thật vậy, Bà Djaouida Jazaerli, đồng Chủ Tịch của "Nhóm Thân Hữu Hồi Giáo và Kytô-giáo" có nhận xét: "Ở Algéria quê cũ của tôi, chúng tôi đã có một bên những người láng giềng Do Thái giáo, và bên kia Kytô-giáo. Tôi được dưỡng dục theo Hồi Giáo với truyền thống là tiếp một tay với người Do Thái trong ngày Hưu Lễ và trao tặng quà chơi cho trẻ em Kytô-giáo vào dịp lễ Noẽl. Do bởi lời dạy của Kinh Thánh Hồi Giáo, chúng tôi buộc phải kính trọng Kinh Thánh Do Thái và Kinh Thánh Phúc Âm. Tôi là người thừa hưởng sản nghiệp tôn giáo của nhân loại."  Bà Jazaerli sinh vào năm 1954 trong một nước Algéria hãy còn là thuộc địa Pháp và đang manh nha dành lại độc lập. Bà xác nhận: "Chúng tôi lớn lên trong sự kính trọng tình huynh đệ với kẻ khác, cho dù kẻ ấy là người của chế độ thực dân."

Còn chăng sự kính trọng tình huynh đệ với kẻ khác sau những cuộc tàn sát man rợ nói là do người Hồi Giáo gây ra tại Algéria ngày nay và trong nhiều nước khác, trong đó có Pháp? Để đoán hiểu từ đâu có những cuộc bạo động đẫm máu, những hành động thanh toán, khai trừ, bất bao dung ghê tởm hiện nay, tưởng cũng nên nhắc lại rằng lịch sử về những quan hệ giữa Âu Châu và thế giới Hồi Giáo đã có những cuộc thăng trầm từ nhiều thế kỷ trước, mà giai đoạn Algéria sau này đang gây nhiều xúc động nhất đối với nước Pháp. Giáo sư B. Étienne, đã viết trong quyển "Nước Pháp và Hồi Giáo" (Hachette, 1989) nhận xét quan trọng này: "Tất cả đã đảo ngược ở hai giai đoạn, giữa 1830 và 1860, với cuộc chinh phục Algéria của Pháp và sự đổ vỡ từng mảnh của Đế quốc Hồi Giáo Thổ ". Trước đó, các Vua kytô-giáo (từ triều đại François 1) sẵn sàng kết thân với các Vua Hồi Giáo Thổ, trong khi các văn sĩ và triết gia Pháp rất trọng vọng văn hóa phía đông. Giáo sư tiếp: "Kể từ khi có Thế chiến thứ nhất, người Á Rạp bắt đầu hiểu rằng họ trở thành mục tiêu để cho tư bản thế giới nhằm tự tiện chia chác (=chia cắt). Từ đó, sự chỗi dậy của tinh thần quốc gia, á-rạp và hồi giáo tạo ra một không khí bài tây phương, đưa đến cùng với vấn đề Palestine hoàn cảnh bấn loạn điên khùng hiện nay!"

Bà Jocelyne Cesari, nhà nghiên cứu tại Viện CNRS, tác giả quyển "Có phải sợ Hồi giáo không?" (Presses de Sciences po. 1997), đã viết thẳng thừng: "Từ Iran đến Ai Cập, xuyên qua Palestine, Afghanistan và Algéria, Hồi giáo trở thành mối đe dọa quan trọng mà nhà nước nào cũng phải đề phòng chống lại ở trong cũng như ở ngoài biên giới nước mình." Cho dù đó chỉ là đạo Hồi, chớ không phải là Hồi Giáo quá khích hay Hồi Giáo khủng bố gì cả! Nhận xét trên cho thấy rằng chính những cuộc mưu đồ chính trị khốn nạn đã đóng góp vào sự gây đố kỵ, hiềm khích, bất khoan dung nơi lòng mọi người vậy.

Bản chất tôn giáo chẳng đẻ ra cuồng tín là gì?

Nói đến sự bao dung, không thể không nghĩ đến nhà triết gia Voltaire của Pháp, người hùng tranh đấu cho lý tưởng bao dung. Nhưng Voltaire cũng không quan niệm sự bao dung theo cái nghĩa tích cực là chấp nhận quyền khác biệt về tôn giáo, mà cho đó là một thứ "rào cản, một cách giới hạn những tai họa do các tôn giáo gây ra trong khi tranh chấp với nhau". Voltaire có định kiến rằng bản chất của tôn giáo là cuồng tín, bởi nó vượt ra ngoài vòng kiểm soát của lý trí. Tuy nhiên, lịch sử từng chứng minh không riêng gì tôn giáo mới cuồng tín, mà cuồng tín có mặt khắp nơi, nhất là ở ngoài các tôn giáo, như tập đoàn Đức Quốc Xã, Đảng Cộng sản, tự hào xây dựng tổ chức trên cơ sở rất lý trí và khoa học! Hơn nữa, nơi các tôn giáo không sử dụng đến lý trí phân biện như Phật Giáo lại ít thấy xảy ra những sự việc cuồng tín, hay bất bao dung, so với các Giáo Hội kytô-giáo tây phương đã sử dụng rất nhiều sự phân biện của lý trí!

Vào thế kỷ 19, văn hào Renan của Pháp ca tụng tính bao dung tôn giáo của thời La Mã xưa, cốt để tố cáo tính độc quyền của Giáo Hội Công Giáo. Cách riêng ở Pháp, tranh đấu cho bao dung được dư luận hiểu là có ẩn ý chống hàng giáo sĩ, chống lại Giáo Hội Công Giáo. Trong quyển "Con người Môisê và tôn giáo độc thần", Freud viết: "Lòng tin ở một Thiên Chúa duy nhất tất yếu phải sinh ra sự bất bao dung tôn giáo, điều này hãy còn rất xa lạ ở thời Thượng Cổ". Như vậy, hơi khác với Voltaire, Freud coi tính độc thần của tôn giáo là nguồn gốc của sự bất bao dung tôn giáo. Vì theo Freud, được xếp vào loại "bao dung", các tôn giáo sơ khai của các dân tộc bản địa đã có từ thời Thượng Cổ, -- thực ra thì có tính đa nguyên hơn là bao dung --. Thêm vào đó, có các tôn giáo Á-Đông, ít chú trọng vào giáo điều mà chú tâm hơn vào việc hành đạo, chủ yếu là Phật Giáo là tôn giáo không chấp pháp, đề cao kinh nghiệm hiện thực của bản thân, không có lối truyền đạo một cách nhiệt tín, và ôn hòa, khoan nhượng, bất bạo động.

Theo tác giả Jean-Paul Guetny viết trong số "L'actualité Religieuse" được trích dẫn này, vì Kytô-giáo dấn thân vào con đường Chính Đạo nên thường hay đặt nặng tinh thần kỷ luật, luật pháp. Chính Đức Giêsu thành Nazarét bị kết án tử hình bởi Hội Đồng Tối Cao Do Thái, cũng là Toà án tối cao xét xử theo luật pháp Do Thái để bảo vệ Chính Đạo. Rồi trong Giáo Hội của Đức Giêsu, cũng lại có những cơ quan có quyền lực xét xử tương tự như thế, chẳng hạn: Tòa Án Dị Giáo thời Trung Cổ, rồi đến Bộ Thánh Vụ, và sau đó là Bộ Tín Lý. So với các tôn giáo Á Đông mà chân lý là một chân trời rộng mở qui tụ mọi nẻo đường về của nhân loại, thì 3 tôn giáo độc thần (có cùng một Tổ Phụ Abraham) quan niệm con đường đi đến chân lý là một xa lộ độc chiều.

Nhìn bề ngoài thì y như là thế, nhưng tính độc thần của tôn giáo không phải là yếu tố duy nhất dẫn đến sự bất bao dung, và lòng tin tôn giáo không nhất thiết phải dẫn đến cuồng tín, mà còn rất nhiều yếu tố khác nữa. Đi vào bên trong mỗi tôn giáo, người ta nhận thấy có kẻ bao dung và có kẻ không; có kẻ cuồng tín và có kẻ không. Hoàn cảnh lịch sử có một phần ảnh hưởng quyết định: như tôn giáo đó là đa số hay thiểu số, có hậu thuẫn chính trị hay không, ở trong tình hình ổn định hay bất ổn, v.v. Trong hoàn cảnh xã hội - chính trị thuận lợi, tôn giáo có cơ may thiên về sự bao dung. Ngược lại, ở hoàn cảnh bất lợi, tôn giáo có thể co dúm lại, kỳ thị, xa cách hơn. Còn nữa, thái độ cởi mở ít hay nhiều đối với đà tiến bộ của xã hội cũng là một yếu tố quan trọng. Theo Claude Geffré (trong "La Tolérance", Autrement, Paris, 1996), chỉ trong vòng 1 thế kỷ, từ lúc Đức Giáo Hoàng Piô 9 ra văn kiện lên án "các sai lầm của thế giới tân thời" cho đến Công Đồng Vatican 2 ra "Tuyên Ngôn về tự do tôn giáo", Giáo Hội Công Giáo đã làm một bước "đảo ngược đáng kể" vậy.

Xét cho cùng, lẽ ra lòng tin ở một Thiên Chúa Độc Nhất của mọi loài, cũng là "Người Cha Duy Nhất" của mọi người, phải đưa con người có lòng tin đến đức bao dung mới phải. Vì sức mạnh của lòng tin, mạnh hơn lý trí, có thể thôi thúc lòng dạ hẹp hòi của con người từ bỏ thái độ chấp nê vào sự độc quyền yêu Chúa và tôn trọng những người anh em khác, là những "người con khác" của Cha Chung, có quyền yêu Chúa theo cách thế riêng của họ.

Bao dung nhất định không là "ba phải"

Một điều chắc chắn, bao dung nhất định không phải là "ba phải". Người ba phải ra cái điều có đầu óc phóng khoáng và có tâm hồn khoan nhượng, để khỏi phải sống lương thiện với mình và với người. Lương thiện ở đây là lương thiện trong tư tưởng cũng như trong tâm tưởng. Chẳng hạn, đầu óc thì vẫn chật hẹp, cố chấp, đầy thành kiến, định kiến, thiên kiến, nhưng cố dối mình và dối người, không dám nhìn nhận và cởi mở nói ra, không dám trao đổi để học hỏi thêm, sợ bị bể mặt, sợ bị phê phán, sợ bị đụng chạm, nên làm ra cái vẻ hiểu biết rộng rãi để rồi cho rằng nói trắng cũng đúng mà nói đen cũng không sai! Nghĩ như thế là thiếu lương thiện trong tư tưởng vậy.

Hơn nữa, bụng dạ thì hẹp hòi, phân đẳng cấp, đố kỵ, hiềm khích, phân biệt tôn giáo, kỳ thị màu da, nhưng cố dối mình và dối người, không dám tự nhận điều đó với mình và cũng không dám tỏ ra cho kẻ khác biết, nên làm ra cái vẻ rộng lượng, khoan dung để được lòng người. Sống như thế là thiếu lương thiện trong tâm tưởng vậy. Ăn ở ba phải, thực ra là chọn lối sống dễ dãi, lè phè, ươn hèn, an thân thủ phận.

Trái lại, người bao dung là người thật sự chủ trương có đầu óc phóng khoáng và có tâm hồn khoan nhượng, để cố gắng sống lương thiện với mình và với người mỗi ngày một hơn, lương thiện trong tư tưởng cũng như lương thiện trong tâm tưởng. Chẳng hạn, đứng trước trường hợp tôi cho tôi có lý hơn người, tại sao tôi không có thể đặt ngược lại vấn đề là biết đâu người ta lại có lý hơn tôi! Nói cách khác, tôi có cho phép tôi và cho phép người ta cùng đi tìm sự thật hay không, hay là tôi dành độc quyền chân lý về tôi, khư khư chấp kiến, cho rằng mình nhất định có lý và người ta nhất định vô lý? Nhớ rằng ngu dốt thường đi đôi với cố chấp, độc tài, bất bao dung vậy.

Giả thiết mọi người đều chân thành chắc chắn mình có chân lý, thì phải kết luận sao đây? Trong trường hợp ấy, người có tinh thần khoan dung sẽ giả định là mỗi người có một phần chân lý nào đó, và chân lý tuyệt đối toàn diện có thể sẽ không thuộc về ai cả. Như vậy, khoan dung không nhất thiết là phải từ bỏ cái "chân lý" của mình, và nhất thiết phải chấp nhận cái "chân lý" của người. Nhưng khoan dung là không tiên thiên khai trừ ý kiến, lý lẽ của người khác coi như là tất yếu sai trái, mà trái lại là xem xét một cách triệt để thận trọng ý kiến, lý lẽ của họ với một tư thái cởi mở, phóng khoáng, tự do để có thể chấp nhận cái phần sự thật chứa đựng trong đó. Cùng một lúc, đặt mình vào trường hợp phải xem xét lại một cách triệt để quán xuyến ý kiến, lý lẽ của mình và sẵn sàng nhìn nhận những cái sai sót có thể có trong đó. Khoan dung như thế đưa đến đối thoại, thảo luận, trao đổi ý kiến với tất cả sự tôn trọng tư tưởng của kẻ khác. Có được tư thái phóng khoáng như thế, tức là có cố gắng để sống lương thiện trong tư tưởng của mình vậy.

Hơn nữa, người có lòng khoan dung là người có cố gắng giải tỏa những tâm tưởng u tối, hắc ám, tị hiềm của mình về người, những tâm tưởng cho rằng người ta lúc nào cũng thua kém mình và cũng thiếu thiện tâm thiện chí, cũng âm mưu thủ đoạn, cũng lừa lọc dối trá đối với mình, v.v. Và người có lòng bao dung có thái độ sẵn sàng soi chiếu vào chiều sâu của tâm địa mình để dám nhìn nhận rằng không phải lúc nào mình cũng ngay lành, trong sáng, quang minh, chính đại. Có lòng thành xét lại chính cái tâm địa của mình để nhìn nhận sự thật nơi mình và trả lại công bình cho người và cho mình, đó là sống lương thiện trong tâm tưởng của mình vậy. Ăn ở bao dung trong tư tưởng và trong tâm tưởng như vậy là vạn lần khó hơn ba phải.

Bao dung buộc phải nhớ kỹ và xét lại

Thời nay, chẳng mấy ai còn tin vào giá trị hiện thực của một số quan niệm đạo đức mà ông bà ta trước đây vẫn coi là mẫu mực. Người ta nhận thấy, chẳng hạn, có  nhiều châm ngôn truyền thống đã bị đảo ngược, có khi đến 180 độ, để mỉa mai thiên hạ và trở thành một thứ châm ngôn đương thời. Ví dụ điển hình: "quân tử nhất ngôn" là quân tử dại, quân tử nói lại là quân tử khôn! Hẳn thật, con người đa ngôn, tráo trở, lắt léo, mồm mép, xảo quyệt, thì thời đại nào cũng có người cho là khôn, nhất là thời đại ngày nay. Dĩ nhiên, cũng có người hiểu việc "quân tử nói lại" theo nghĩa chịu "sửa sai", "nhận lỗi", không tự ái dởm , không sợ mất mặt, bỉ mặt như "quân tử Tàu"; đó là một chuyện khác.

Chính vì phải chật vật đương đầu với cuộc sống đương thời, mà lúc nào cũng có người cho rằng thời đại của mình là thời đại đảo điên, nhân tình xao xuyến, luân lý suy đồi. Thật ra, đời xưa cũng thế thôi! Chẳng hạn, ở thời đế quốc La Mã huy hoàng cách đây những 2000 năm hơn, nhà hùng biện lỗi lạc Cicéron cũng đã rống lên rằng: "Chao ôi thời thế! Ôi thôi luân thường!" (O tempora! O mores!). Dĩ nhiên, thay đổi hoặc đảo lộn là qui luật của tiến hóa, lợi hại có, hay dở có, tùy quan điểm và tùy cách tiếp nhận của mỗi người. Xét cho cùng, mỗi thời đại ít nhiều gì cũng đều có xu hướng xét lại và có cách phản ứng độc đáo của nó. Mỗi thời đại đều có thái độ bớt câu nệ hơn trước về một số giá trị sẵn có nào đó, và đề cao một số giá trị sẵn có khác. Nói chung, xã hội loài người vẫn dấn bước tiến tới, chớ không đi thụt lùi!

Riêng thời đại ngày nay, càng ngày có xu hướng càng phổ quát chống lại những nề nếp quá gò bó, câu thúc, áp đặt một cách độc đoán. Con người ngày nay muốn tự mình chịu trách nhiệm về đời sống của mình, chớ không muốn ủy nhiệm nó cho ai cả. Vì thế, mỗi người cần luyện tập có đầu óc độc lập, phóng khoáng, có tâm hồn trung thực, để sẵn sàng với những thử thách mới trên đường đời. Khi va đầu vào bức tường bảo thủ, hoài cổ, lạc hậu, thủ cựu cực đoan, có người tỏ ra ngổ ngáo, phản loạn, chống đối kịch liệt. Nhưng có người vẫn giữ được thái độ khoan dung, để không rơi vào cái bẫy quá khích bên kia và tránh cái nhìn cục bộ, phiến diện, bất khoan dung kiểu mới.

Nói là thế, nhưng không phải ai cũng đều cư xử hợp lý với mình và với người. Bởi nếu muốn người khác tôn trọng mình, tôn trọng trách nhiệm của mình, thì mình cũng phải tôn trọng người khác và trách nhiệm của người khác. Có thế, loại người này mới thật sự là những người có thái độ bao dung với mọi người và có thể sống chung với mọi người. Một cách đặc biệt hơn, trong những năm gần đây, người ta coi "đức bao dung" như là một trong những thái độ trí thứcnếp sống đạo đức căn bản nhất của con người thời đại.

Chúng ta đã thử đi vòng quanh các nước và nhìn lại một quãng đường lịch sử tây phương để tìm hiểu tại sao người tây phương ngày nay đánh giá cao đức bao dung, là một đức tính sẵn có xưa nay. Ôn cố để tri tân, và để biết người biết mình hơn. Thực vậy, đông phương lâu nay vẫn tự hào là quê hương của sự bao dung và lòng khoan nhượng. Nhưng tây phương chưa chắc gì đã thua kém đông phương về điểm này! Ở một khía cạnh nào đó, họ còn tỏ ra rất xuất sắc là đàng khác.

Thực ra, người đông phương quá tế nhị trong suy nghĩ và trong tâm tình, nên thường khi tỏ ra rất dè dặt, thận trọng, ít nói đi và cũng ít nói lại. Người lười suy nghĩ, người bụng dạ dễ dãi, cũng như người xảo tâm, thì cứ ba phải cho xong chuyện, viện cớ rằng một câu nhịn chín câu lành! Trái lại, người tinh tế và lương thiện thì không thể lè phè gật đầu phứa, nhưng hay trầm tư mặc tưởng, để hết tâm hết trí trong việc minh định cho mình một lập trường, một chọn lựa, một chân lý. Và cũng vì thận trọng và kính nể đối với người xưa, nên người đông phương ít có xét lại công khai những gì đã qua. Nhìn bề ngoài thì người đông phương có vẻ ôn hòa, khoan nhượng, bao dung đấy.

Người tây phương, trái lại, thích giản lược cuộc sống để tiện lợi, tiện dụng. Trắng ra trắng, đen ra đen. Phải ra phải, trái ra trái. Tiền ra tiền, tình ra tình. Chơi ra chơi, làm ra làm. Không ấm ớ hội tề. Không nhì nhằng, lấp lửng. Thế nhưng, biết rằng cuộc đời không đơn giản như trắng với đen, nên họ lại là những người rất ưa nói lại, xét lại. Họ đam mê trong việc nhớ lại, xét lại, so lại thiệt hơn, tra cứu tỉ mỉ những gì đã qua. Họ ghi chép và giữ gìn rất kỹ những sự việc cũ: bảo tàng viện và thư viện lớn nhỏ thì họ có đủ cỡ đủ loại cùng khắp.

Thực vậy, người tây phương ngày nay dám chủ trương rằng, để bảo đảm có lòng bao dung thật sự, chúng ta cần phải nhớ kỹ và xét lại. Thứ nhất, chúng ta có bổn phận phải nhớ kỹ những gì đã qua, kể cả và nhất là những lỗi lầm. Thứ nhì, chúng ta có bổn phận phải xét lại để trả lại công bằng cho những gì bị thiệt thòi, sai trái. Và thứ ba, chúng ta phải tỏ ra có thật lòng bao dung để không chơi trò thủ đoạn mờ ám, ân oán giang hồ, hay tru di tam tộc... Thì ra, người tây phương "nói lại" rất nhiều, "xét lại" rất kỹ, để cố gắng mỗi ngày mỗi gần với sự thật hơn, lương thiện hơn và bao dung hơn. Sở dĩ phải như vậy, là vì con người là "con người lịch sử", "con người sống với thời gian", nên người có lòng bao dung là người biết "nhớ kỹ", biết "xét lại" và biết "nói lại" một cách thư thái, và dựa trên những kinh nghiệm đã qua mà cố gắng sửa sai, ăn ở ngay thẳng, lương thiện với mọi người. Bao dung có hàm nghĩa tha thứ, nhưng còn bao quát hơn tha thứ.

Rút tỉa ra bài học bao dung tôn giáo

Theo ông Laurent Grzybowski, người viết lại ý kiến của Giáo sư Jean Baubérot được phỏng vấn trên số "l'Actualité religieuse" trích dẫn, thì "vào thời có Chỉ dụ Nantes, phía Tin Lành có ý muốn chiêu mộ đức vua theo đạo và như thế là để đưa đất nước từ chỗ theo đạo Công Giáo sang chỗ theo đạo Tin Lành. Ngược lại, người công giáo muốn thanh toán sạch "kẻ rối đạo" khỏi vương quốc Pháp. Rõ ràng là cả người Tin Lành lẫn người Công Giáo đều không ai đạt được sở nguyện". Theo giáo sư Baubérot, chúng ta có thể kết luận như sau.

Thứ nhất : Thỏa hiệp có đem lại một điểm tích cực : "Công Giáo và Tin Lành sẽ cố gắng sống chung, xây dựng nước Pháp bị tàn phá bởi hơn 30 năm chiến tranh tôn giáo". Ông Baubérot nhấn mạnh khía cạnh ông gọi là "rất mới lạ của quyết định chính trị này" đối với Pháp, đó là "xác nhận lần đầu tiên rằng làm công dân Pháp và theo một tôn giáo là hai điều không dính dấp gì với nhau cả". Để hiểu điều này, cần nhắc lại nước Pháp trước đó coi như là toàn tòng Công Giáo và toàn trị dưới luật phép Công Giáo, nên đã là công dân Pháp thì mặc nhiên phải là Công Giáo, hoặc tối thiểu là không chống Công Giáo. Nói cách khác, theo ngôn ngữ ngày nay, Công Giáo là dân tộc, và dân tộc là Công Giáo! Lúc bấy giờ, Tin Lành là nhóm người Cải Chính, bị coi là “phản Công Giáo”, làm một cuộc cách mạng hi hữu vô tiền khoáng hậu là đòi có quyền sống như một người có đầy đủ quyền công dân, kể cả quyền được theo một đạo khác. "Nhờ có Chỉ dụ Nantes, Tin lành không còn bị coi là "bè rối". Mỗi bên phải chấp nhận sự có mặt của bên kia và nghĩ đến quyền lợi thống nhất đất nước trong một xã hội đa tôn giáo". Sự thể có việc thu hồi Chỉ dụ Nantes năm 1685, cưỡng bức người Tin Lành "trở lại đạo", nếu không sẽ bị bách hại hoặc phải tìm kế tự lưu đày biệt xứ, chứng tỏ rằng người ta đã lấy lòng bao dung hẹp hòi của người thay thế cho lượng bao dung vô biên của Đạo. Nói cách khác, người ta lợi dụng tôn giáo để làm chính trị, hay làm chính trị có lợi cho tôn giáo cũng thế!

Thứ hai: "Cũng là lần đầu tiên, tôn giáo và chính trị bị chia đôi trong thực tế". Có nghĩa là hai cơ cấu giáo quyền và nhà nước phải thật sự phân cách nhau (NB: thực ra mãi đến năm 1905 ở Pháp mới có sắc luật minh định điều này). Nhà nước không có quyền xen vào chuyện nội bộ tôn giáo, và nhất là tôn giáo không còn quyền lấn lướt Nhà nước và vào công việc chính trị đất nước. Và như thế cũng có nghĩa là nền luân lý công giáo không được mặc nhiên công nhận là nền luân lý quốc gia. Chính quan niệm mới này đưa đến việc hình thành một thứ "luân lý của người thường dân" (morale laïque), nghĩa là mỗi người công dân có quyền chú trọng đến luân lý làm người trong hoàn cảnh xã hội - chính trị nhất định của cả nước, và không bị ràng buộc triệt để với nền luân lý của tôn giáo mình. Cụ thể là, ngày nay, luật pháp quốc gia hoàn toàn độc lập với luật pháp đạo, và người không tuân giữ luật đạo sẽ không bị quốc gia trừng phạt hay phiền hà gì. Ngược lại, luật đạo cũng không có biện pháp cấm cản người có đạo làm theo đúng luật lệ hiện hành trong nước, chẳng hạn luật ngừa thai, phá thai, v.v.! Đây là thứ bao dung đang làm giới lãnh đạo tinh thần (=tôn giáo) ngày nay phải suy nghĩ  nhiều. Bao dung đồng nghĩa với phóng túng, không có lập trường, hèn nhát, bó tay chịu trận? Thưa không, bao dung để mỗi người có đạo sống chân thật với lòng mình hơn, không bị một bó buộc nào khác, kể cả thứ "luân lý thường dân" này.

Thứ ba:  Theo giáo sư Baubérot, bao dung không có nghĩa là giữ lập trường trung lập, phải từ bỏ xác tín riêng của mình, trái lại là khác. "Tôi sẵn sàng đảm nhận giá trị của sự bao dung, nếu bao dung không đồng nghĩa với trung lập. Ăn ở bao dung, chắc chắn không phải là cấm không được có hành động phê phán. Thứ bao dung "xìu xìu yểu yểu" sẽ đưa đến lộn xộn rối rấm. Mà lộn xộn luôn có lợi cho kẻ mạnh. Không phê phán, đó là chấp nhận luật của kẻ mạnh. Theo tôi, bao dung là một thái độ biện chứng, nó không cấm cản có xác tín, trái lại là khác.... Bao dung thật ra là từ chối chấp nê chân lý như là của riêng mình, nhưng cũng không từ chối mải đi tìm nó."

Đàng khác, theo giáo sư Baubérot, "niềm xác tín được làm một dân Chúa chọn đã khuyến khích vài cộng đoàn Tin Lành đi đến việc tàn sát, như ta biết, người Da Đỏ ở Mỹ Châu, hoặc người Da Đen ở Nam Phi." Hơn nữa, "lòng lo lắng giữ gìn chính-đạo và chú trọng luân lý đã có thể đưa người Tin Lành đến chỗ bất bao dung". Tuy nhiên, nhờ có lòng xác tín mạnh mẽ và chân thành, họ cũng đã đóng góp rất nhiều cho sự thắng lợi của sự bao dung tôn giáo ngày nay và buộc Nhà nước giữ thế trung lập trong các vấn đề tôn giáo vậy.

Thay lời kết

1.  Nếu người có đạo tin vào sức mạnh, sức nâng đỡ, sức soi sáng, sức độ trì của Thần Khí Chúa và phó thác vào Ngài hơn là tin vào tài trí của mình, thì dễ có thái độ bao dung với mọi người, lương cũng như giáo.

2.  Nếu mọi người chịu khó cởi mở, trao đổi quan điểm với người khác, và chịu khó lắng nghe, tìm hiểu kẻ khác đúng như là kẻ khác mình, thì đó là bước đầu rất quan trọng đi đến đức bao dung vậy.

3.  Nếu mọi người thành tâm hỏi han và lắng nghe kẻ khác nghĩ về mình theo đúng như ý nghĩ khác mình, và cảm thấy mang ơn họ đã nói hết ý của họ cho mình, thì đó là đến gần với đức bao dung rồi vậy.

4. Nếu nhớ mà không hận, quyết mà không chấp, quên mà không tiếc, đánh mà không giận, nhịn mà không hờn, thắng mà không kiêu, thua mà không ức, thì đó là đạt được cái đức bao dung vậy.

5. Lòng người có bao dung đến đâu vẫn còn hẹp hòi, so với lượng bao dung của Đạo. Như vậy, bao dung là cố gắng mỗi ngày thi hành theo cái lượng bao dung của Đạo mà không lấy lòng bao dung của mình đo lường Đạo.

6. Nếu còn tin thật Thiên Chúa là Người Cha Duy Nhất của mọi người, mỗi lần gặp những điều chướng tai gai mắt, người có lòng tin có quyền nghiêm chỉnh tự hỏi: "Người con Chúa kia làm cái gì ngộ thế?". Câu hỏi này sẽ giúp giác ngộ về đức bao dung vậy.

                                                                                                          T.N.B.     

 

 

Comments