TIN MỪNG THÁNH YOAN - Lm YUSE Nguyễn Thế Thuấn, CSsR

* NHỮNG VẤN ĐỀ LỊCH SỬ.

 

            - Công cuộc truyền giáo Dân ngoại cho đến thời Nêrô.

            - Cuối thời các Tông Đồ.

 

I. CÔNG CUỘC TRUYỀN GIÁO DÂN NGOẠI CHO ĐẾN THỜI NÊRÔ.

 

A. Công cuộc truyền giáo trong thế giới Hy Lạp.

 

            1/. Việc truyền giáo trong thế giới Hy Lạp.

 

Việc truyền giáo trong thế giới Hy Lạp bám sát với những phong trào tôn giáo của môi trường. Việc truyền giáo của Hội Thánh xuất hiện tự Hội đường Do Thái kiều để đi vào thế giới Hy Lạp và phát triển do tự việc truyền giáo của Do Thái kiều giữa người Hy Lạp. Do thái kiều thời nầy lan tràn khắp vùng Địa trung hải. Đó là một hoàn cảnh đã giúp nhiều cho việc bành trướng Kitô giáo. Do đó, chỉ trong một đời người Kitô giáo đã có thể lan khắp thế giới Roma và các vùng phụ cận. Do Thái kiều lại luôn luôn có các liên lạc truyền giáo với bang cận ngoại giáo, nên Hội Thánh chẳng bao lâu đã có thể tiếp xúc với dân ngoại, nhờ Do Thái kiều làm trung gian khi khởi đầu.

 

     Vấn đề coi : Diaspora ( DBS II, 432-445 Dispersion ou Diaspora par J. Vandervorst.

                            Dict. Encyclopédique de la Bible ( Diaspora).

                          TWNT II, 98-104; StrBill. II 490 ; IV, 88ss ; 902-910.

                           S.W. Baron, Histoire d’ Israel I. 224ss

 

            Thời nầy là thời truyền giáo của đạo Do Thái. Những văn chương còn lại phần đông có tính cách minh giáo, ít khi nói đến việc chinh phục. Người Do Thái hấp thụ dần dần nền tư tưởng Hy Lạp và đem đặt liên lạc với Kinh Thánh: Đó là đạo Do Thái Hy Lạp hóa. Tuy nhiên, đại diện chính thức có lẽ không phải là Philô, mà là sách Khôn Ngoan, mệnh danh là của Salomon. Bản dịch Bảy Mươi đã cho tư tưởng Cựu Ước được một tiếng nói với Hy lạp., và đã là căn cứ hệ trọng cho việc truyền giáo của người Do Thái cũng như của người Kitô giáo.

 

            Trong việc truyền giáo đó, Do Thái không có thừa sai chính thức.Những người Do Thái nhiệt thành tự mình tìm cách chinh phục. Hội đường chống đỡ bằng cách cho người ngoại tham dự phụng vụ và làm cho việc thâu nạp được dễ dãi. Việc thâu nạp đó mở cửa cho tân tòng : Chịu thanh tẩy, cắt bì, và giữ trọn luật Do Thái, bởi đó có thể sống chung hoàn toàn với Do Thái, có thể kết hôn với Do Thái theo lề luật. Ngoài ra, còn hạng “Kính sợ Thiên Chúa”: Những người tuân giữ những luật chính của Cựu Ước và nhất là nhận Thiên Chúa độc nhất. Nơi Hội đường, người ngoại chẳng những gặp lời rao giảng Cựu Ước, mà còn gặp cả tư tưởng và thể văn Hy Lạp: Lời rao giảng làm theo kiểu Điatribè, và diễn từ mặc khải của các tôn giáo Hy Lạp. Tuy nhiên, việc truyền giáo Do Thái không nhắm việc chinh phục mọi dân tộc mà chỉ lo đến việc thâu nạp từng người, theo kiểu các đạo phương Đông thời ấy.



Ċ
VN Enterprise,
Aug 2, 2015, 11:38 PM
Comments