![]() Bâng khuâng
nhớ cảnh, nhớ người, (Nguyễn Du: Truyện Kiều)
Hai câu thơ trên của đại thi hào Nguyễn Du viết trong Truyện Kiều đã gợi lại trong tôi biết bao mối xúc cảm, mỗi khi nhớ về chuyến Tây du hai tuần mà gia đình chúng tôi mới vừa hoàn tất hồi đầu tháng 8 năm 2010 vừa qua. Ước gì thời gian ngừng đọng, để tôi có dịp gặp lại những bóng hình thân quen mà giờ đây đã 'nghìn trùng xa cách'. Nhớ đến người chị họ đã rũ áo phong sương một đời từ ngót nửa thế kỷ nay, để lên non tầm sư ngộ đạo, lấy đất trời lồng lộng làm bạn tâm giao. Nhớ đến tấm lòng quảng đại của vợ chồng người chị họ khác, đã không quản ngại đường xá xa xôi, cách nửa vòng trái đất, họp nhau về đây sum vầy, nơi miền biên viễn Castagniers hẻo lánh thuở nào. Và còn nhiều người thân yêu khác nữa, nhất thời tôi không thể kể hết lên trang giấy này, nhưng cũng sẽ mãi không phai nhòa trong tận tâm can tôi.
Giờ đây, ngồi nhớ lại mà lòng cứ bâng khuâng bồi hồi, bất giác cảm tác nên mấy vần thơ cho nguôi ngoai cõi lòng hãy còn ngổn ngang trăm mối:
Nước non vẫn nước non này Nay sao ảm đạm mà xưa vui vầy Buồn vui bởi tại lòng này!
Hay là tôi có tâm sự chăng? Có lẽ thế thật! Vì ta nhân có tâm sự gì thường chẳng biết tỏ cùng ai, nếu không có cái vật gì để trút bày tâm sự thầm kín ra, thì lấy cách gì mà tiêu dao cho qua ngày tháng năm dài. Gặp có điều chi phiền não, nếu không tìm cho được những mỹ cảnh kỳ quan trên thế giới, thì lấy gì làm thú giải trí.
Đã trót sinh ra kiếp làm người, ta cứ luôn bị cái hoàn cảnh nó bức bách, lắm khi mình phải nhức óc cau mày, tất phải đi tìm cảnh lạ ở nơi chốn chân trời xa tắp, hầu giúp cho cuộc sống vơi bớt đi phần căng thẳng. Những lúc ấy, mắt mình chỉ mong được trông thấy cái cảnh tượng êm đềm, tai mình được nghe thấy cái phong vị vui vẻ, thì cái tinh thần của mình mới được khoan thai, sảng khoái. Cho nên lắm người cứ đến kỳ nghỉ hè là rủ nhau đi nghỉ mát, du ngoạn đó đây. Âu đó cũng là một thú tiêu khiển lành mạnh vậy. Đã là con người, tôi cũng không ngoại lệ.
Nói cách khác hơn, nhiều người đã không quản ngại tốn kém thì giờ và tiền bạc để khát vọng kiếm tìm một mối tình hoặc mối hạnh phúc cho riêng mình, bằng cách này hay cách khác. Dù cho đấy chỉ là thứ 'tình trong giây phút' như trong bài thơ mà nhà văn Khái Hưng đã dịch từ bài thơ tiếng Pháp của thi sĩ Félix Arvers (1806-1850).[1] Vẫn biết người Tây Phương cũng như các cụ ta thường hay dạy bảo con cháu bằng câu ngạn ngữ như sau: 'Đi xa về, tha hồ nói khoác', nên mỗi khi định đặt bút xuống viết đôi hàng lược thuật cuộc lãng du trên đất Pháp vừa qua, tôi có hơi ngần ngại. Và lòng vẫn dặn lòng là phải luôn lấy câu ngạn ngữ đó để làm răn.
Bởi cớ sao mà người Tây có câu ngạn ngữ như thế? Có lẽ bởi ta hay có tính hiếu thắng, nhất thiết mọi sự đều muốn có một cái gì đặc biệt hơn kẻ khác, để lấy đấy mà tự cao. Phương xa cõi lạ, là những nơi ít người năng tới, mà một mình được đến, đó là một sự đặc biệt hơn người. Rồi muốn làm tăng lên nét đặc biệt ấy ra, khi trở về họ sẽ thuật lại những chuyện mình đã trải nghiệm qua, không khỏi có ý thêm thắt khoa trương. Cho nó tốt đẹp hơn lên. Khiến cho người nghe phải nức nỏm khen hay mà tự mình có thể tăng thêm phần giá trị. Vì biết rằng dẫu nói thế nào người khác cũng sẵn lòng tin mà không ai có thể nhất thời kiểm chứng được. Tôi nghĩ đó là ý nghĩa sâu xa của câu ngạn ngữ trên, và cũng là cái tâm lý chung của khách du lịch xưa nay vậy.
Đã là cái tâm lý chung, thì ít ai có thể tránh khỏi. Tôi đây cũng không dám chắc rằng có tránh khỏi được cái thói lệ thường tình đó không. Song cũng xin hết sức thành thật và mong rằng sẽ không đến nỗi như anh học trò ngông trong chuyện ngụ ngôn của La Fontaine nói khoác rằng đã trông thấy cây bắp cải to bằng cái nhà!
Trước tôi, đã có biết bao nhiêu bậc tiền nhân nước Việt nắn bút viết nên các thiên du ký về nước Pháp thật lãng mạn. Một trong những vị đi tiên phong về thể loại du ký viễn du này phải kể đến cụ Nguyễn Trọng Hợp (1834-1902) trong tác phẩm viết bằng tiếng Pháp Paris, capitale de la France: recueil de vers.[2] Cụ đỗ Tiến Sĩ vào năm 1865 dưới triều Nguyễn, làm quan dưới bảy đời vua từ Tự Đức đến Thành Thái, từng giữ chức Kinh Lược Bắc Kỳ (1886), rồi được tôn làm Phụ chính đại thần dưới triều vua Thành Thái (1889-1897). Cụ còn là một trong những đại thần chủ chốt trong việc nghị hòa với người Pháp, khi Pháp sang xâm lược nước ta. Lúc cụ đi Pháp vào năm 1897 để học hỏi, quan sát văn minh nước người để về canh tân đất nước, cụ có sáng tác bài thơ bằng tiếng Pháp sau đây qua một bản dịch tiếng Anh, phản ánh khá trung thực cảnh quan đô thị của Ba Lê (Paris) vào thời belle époque trong giai đoạn cực thịnh nhất:
The waters are blue and the vegetation pink; The evening sweet to behold; People are out walking. Great ladies promenade; and behind them walk the small ladies.[3]
Nhưng sau khi về nước, cụ lại nghi ngờ dã tâm của người Pháp, vốn không thật lòng với chủ trương cải cách một xứ thuộc địa nghèo đói như nước Việt Nam ta. Cụ đã cảm khái viết ra bài thơ Nôm rất cảm động sau đây, nói lên được phần nào nhân cách lớn của một vị đại thần trước thời cuộc suy tàn:
Nay vâng mệnh triều đình đi sứ Sắc cầm tay khó xử muôn phần Không đi mang tội khi quân Đi thì mang tiếng phản dân cầu hòa Nếu biết trước ở nhà làm ruộng Còn hơn làm ông thượng ông quan Mấy lời nhắn nhủ thế gian Học để mà biết làm quan đừng màng[4]
Sau cụ, các vị tây học lần lượt đến Pháp làm chuyến lãng du, viết nên nhiều thiên du ký đặc sắc vào đầu thế kỷ 20 vừa qua, như các ông Trương Minh Ký,[5] Trần Đình Bảo,[6] Bùi Thanh Vân,[7] Phạm Quỳnh,[8] Lê Văn Đức,[9] Trần Bá Vinh,[10] Nhất Linh dưới bút hiệu Lãng Du.[11] Tất cả đều để lại trong tâm hồn tôi một cảm giác lâng lâng mỗi khi nhớ về Ba Lê, nơi đã hai lần tôi dừng chân trong quá trình du lịch đó đây.
Người Tây phương còn ngưỡng phục Ba Lê không kém người Việt chúng ta, vì Ba Lê 'không phải đơn thuần là một đô thị, [mà] Ba Lê chính là một thế giới'[12] thu nhỏ. Sử sách đã nhiều lần trích dẫn câu nói bất hủ tán tụng Ba Lê của vị Bá tước (Count) người Nga tên Feodor Vasilievich Rostopchin (1763-1826). Ông này là người đã công nhiên coi nước Pháp như cừu thù khi Hoàng đế Nã Phá Luân (Napoléon) xua quân xâm chiếm nước Nga. Khi chưa đến Ba Lê thì gọi kinh đô nước Pháp là cái 'nhà chứa người điên',[13] thế mà sau khi đến ở được ít lâu rồi, thì phải chịu lỗi là xét lầm, nói rằng: 'Tôi xét ra chốn Kinh đô này thật là chúa tể cả toàn Âu: bao giờ người lịch sự trong thiên hạ còn nói tiếng Pháp, đàn bà còn thích 'mốt' đẹp, người ta còn lấy ăn ngon là một cái thú ở đời, thì thành Ba Lê còn ảnh hưởng đến các xứ khác mãi. Chắc là không có tỉnh thành nào trong thế giới gồm được nhiều người giỏi giang, thông thái, nho nhã phong lưu bằng ở đây'.
Người Tây phương có lưu truyền một giai thoại bất hủ về một Đức Giáo hoàng, mỗi khi đón tiếp các bậc chính khách ngoại quốc từ giã về nước, ngài thường hỏi: 'Ông ở La Mã (Rome) được bao lâu?' Nếu khách trả lời: 'Ở được vài ba tuần', thì ngài phán một tiếng: 'Adieu!' Nghĩa là 'xin vĩnh biệt'. Còn nếu khách trả lời: 'Ở được dăm ba tháng một năm', lúc bấy giờ, ngài mới ban cho một câu: 'Au revoir!' Nghĩa là 'hẹn tái ngộ'.
Khách du lịch đến Kinh thành Ba Lê cũng vậy, nếu chỉ ở qua loa một vài tuần thì chưa đủ cảm được cái thú thâm trầm, có lẽ khi rời bước không nghĩ có ngày sẽ trở lại. Nhưng nếu đã ở đến dăm ba tháng một năm thì tất nhiễm được cái phong vị tuyệt trần mà khi đi không nỡ dứt, tự nguyện sẽ có ngày trùng lai mới thỏa chí tang bồng. Vì ở Ba Lê không thiếu một vẻ gì, mà vẻ gì cũng 'mười phân vẹn mười': cái xấu có, cái tốt có, cái hay có, cái dở có, cái thanh có, cái thô có. Nếu chỉ biết một phần vật chất mà không xét đến phần tinh thần, thì phán đoán tất sai lầm và không gọi là biết Ba Lê được.
Thường những khách ngoại quốc đến du lịch ở Ba Lê, có người chỉ ham những cách ăn chơi thật phong lưu phóng túng của Ba Lê. Nhưng Ba Lê không phải chỉ là chốn ăn chơi phóng đãng mà thôi. Cái vinh dự, cái giá trị, cái đặc sắc, cái phong phú của Ba Lê, không phải là ở những nơi phòng trà, quán rượu, vũ trường, hộp đêm. Những nơi ấy chẳng qua là chỗ bán vui cho khách hiếu kỳ thế giới mà thôi, chính người ở Ba Lê nhiều khi không đi tới đó bao giờ. Nếu lấy một khía cạnh đó mà xét cả Ba Lê, thì xét sai là phải lắm.
Bây giờ, xin mời các bạn hãy cùng tôi lên 'xe về miền quá khứ', với bao kỷ niệm của một đất nước mà người Việt chúng ta đã một thời mến mộ. Cũng xin nói thêm rằng, trong gần 2 tuần dừng chân trên đất Pháp, những việc mắt thấy tai nghe, bụng suy trí nghĩ cũng nhiều. Nay thuật ra đây, trong một bài viết ngắn ngủi như thế này, tôi không biết phải nên kể chuyện chi, bỏ chuyện gì, vì không thể sao nói hết cả được. Và tôi cũng không biết bắt đầu kể chuyện nào trước. Xin hãy xem những giòng tâm sự này, trong gần nửa tháng lưu lại 'Thủ Đô ánh sáng' như tôi đây, chỉ như là cưỡi ngựa xem hoa, như là bất chợt một cảnh thoáng gặp mà thôi.
Hải Triều Ý Tâm Cảm tác nhân chuyến Tây du năm 2010 [1] Lòng ta chôn một khối tình Tình trong giây phút mà thành thiên thu ... Hỡi ôi! người đó ta đây Sao ta thui thủi đêm ngày chiếc thân ? (Khái Hưng: Tình tuyệt vọng Félix Arvers: Sonnet D'Arvers) [2] Nguyễn Trọng Hợp, Paris, capitale de la France: recueil de vers (Hanoi: F. H. Schneider, 1897). [3] Tôi chọn bài thơ này là vì nguyên bản tiếng Pháp (và cả bản dịch tiếng Anh nữa) khá thanh tao và có ý vị. Hơn nữa, bài thơ này lại được trích trong lời dẫn nhập của Walter Benjamin khi ông viết thiên tiểu luận nổi tiếng, 'Paris, capital of the nineteenth century' trong sách Reflections (New York: Schocken Books, 1978, tr.146-62). Bản dịch tiếng Anh này cũng được trích từ thiên tiểu luận trên. [4] Nguyễn Trọng Hợp, Kim Giang thi tập. [5] Trương Minh Ký, De Saigon à Paris (Saigon: Reget Curiol, 1889). [6] Trần Đình Bảo, Relations d'un voyage diplomatique en 1873 [de] Phan Thanh Giản (Saigon: Huỳnh Kim Danh, 1916). [7] Bùi Thanh Vân, Dạo khắp hoàn cầu (Huế: Đắc Lập, 1929). [8] Phạm Quỳnh, 'Pháp du hành trình nhật ký', tạp chí Nam Phong số 58, tháng 4/1922; Ba tháng ở Paris (Hanoi, nxb Đông Kinh ấn quán, 1927). [9] Lê Văn Đức, Tây hành lược ký, Đinh Văn Sắt dịch từ Hán Việt ra Việt Văn (Quy Nhơn, 1923). [10] Trần Bá Vinh, Pháp du ký sự (Chân Tín, 1932). [11] Lãng Du [Nhất Linh], 'Đi Tây', báo Phong Hóa từ số 151 (31/08/1935) đến số 180 (27/03/1936), sau in thành sách. [12] Trích trong thư của vua Francois đệ nhị viết cho vua Charles Quint: 'Ce n'est pas une ville, mais un monde'. [13] Nguyên văn tiếng Pháp: 'une maison de fous'. |
Trang Chinh > Bài Viết của Thành Viên >