NHỚ CHA TRẦN HỮU THANH ( Kỳ 6 )
Hôm cha Giu-se Trinh Ngọc Hiên chịu chức, cha Giu-se Trần Hữu Thanh ngồi khóc giữa đoàn đồng tế ! Cha có nhiều điều để nhớ; cha nhớ một lần chưa lâu, có ai đó thấy xa trông rộng đã phân giải với cha rằng: “Ai lai giết những người như cụ làm gì. Giết cụ để cụ làm Thánh Tử Đạo à ? Lớp các cụ là những người để cho lịch sử đào thải. Các cụ cứ già cõi dần mòn rồi tan biến thôi”. Vậy mà hôm nay ở đâu nẩy ra cái ông Linh Mục mới này. Tre cứ già mà măng vẫn cứ mọc. Bên cạnh cái già cỗi vẫn có cái trường tồn. cái gì tự nó già cỗi thì để cho lịch sử đào thải, tiếc hay không tiếc cũng thế thôi ! Khi những cái già cỗi đã qua đi rồi, sẽ lộ ra cái trường tồn, với tất cả tính mịn màng của một sự sống mới. Đó là định luật muôn đời của tất cả những gì có thực chất, có nội lực. Đời người, xét cho cùng là một quá trình nhận thức cái gì già cỗi và cái gì trường tồn ở nơi mình.
Điều cha Thanh chứng kiến lúc cuối đời là chung quanh cha có nhiều mầm non. Những lần về thăm Sài-gòn và thấy các thế hệ trẻ của Dòng đang học tập, cha đã khóc như đã từng khóc hôm cha Hiên chịu chức. Năm lần đầu tiên sau năm 1975, DCCT Sài-gòn có một lễ phong chức Linh Mục, cha Cao Đình Trị, khi đó là Giám Tỉnh, đã đứng lên cám ơn mọi thân nhân bằng hữu và quan khách đạo đời. Cha nói: “Người ta cưu mang một đứa con mất 9 tháng, Nhà Dòng chúng tôi cưu mang những người con mới này mất 19 năm”. Gian nan khó nhọc là thế, nhưng Ơn Trên thương rồi ra cũng mẹ tròn con vuông. Trong số những người trẻ mới nhập Dòng, nhiều người đến từ miền Bắc. Nhà Dòng yêu cầu các bạn trẻ ấy giữ nguyên hộ khẩu ở miền Bắc cho sâu rễ, bền gốc, để khi nào đào tạo xong, thì họ trở về phục vụ Chúa nơi quê hương mình.
Cha Thanh có nhiều dự tính cho tương lai. Với những điều cha kinh nghiêm về Giáo Hội miền Bắc, cha nhẩm tính số các Xứ Đạo trong và ngoài Giáo Phận Hải Phòng, số anh em trẻ đang sắp đến thời kỳ hoạt động, và cha mơ ước lập những đoàn Thừa Sai Đại Phúc để lui tới khắp nơi theo truyền thống từ xưa của Dòng. Trong khi chờ đợi, cha Hiên cũng đã bớt lẻ loi, những anh em trẻ gốc miền Bắc đã lác đác trở về Hà Nội tiếp tay với cha.
Ngôi Nhà Thờ cha già Bích suốt mấy chục năm duy trì cho sống qua những mùa khắc nghiệt bắt đầu nẩy cành xanh ngọn. Chung quanh Nhà Thờ, sinh viên các tỉnh lên Hà Nội học ở trọ khá đông. Dân lao động từ dưới quê lên Hà Nội làm ăn, sinh sống, những anh xe ôm, những chị đồng nát, và trăm thứ ngành nghề trí óc lẫn chân tay cũng nhận ngôi Nhà Thờ như nhà chung của mình. Nhà Thờ Nam Đồng thành ra một cộng đoàn hết sức đông đảo, với rất nhiều người trẻ. Tối thứ bảy, tối Chúa Nhật, người ta đến chật ních Nhà Thờ, chật kín sân, tràn khắp hành lang tầng trệt và tầng lầu Nhà Dòng. Rồi các hội đoàn, các lớp Giáo Lý, các ca đoàn, các nhóm sinh viên v.v...
Năm 2001, cha Thanh trở về Hà Nội, chứng kiến và đồng hành với những bước phát triển ấy. Ông cụ 79 không thể về làm việc ở Hà Nội được, nhưng ông cụ ngoài 80 thì phải về thôi. Cha Thanh càng ngày càng suy yếu. Những cơn thấp khớp đau đớn khủng khiếp khiến cha cắn răng nằm liệt nhiều ngày liền. bệnh trạng ngày càng phức tạp, người ta chuẩn bị làm đám tang, đã xây sẵn kim tĩnh cho cha ngoài nghĩa trang Giáo Xứ Phú tảo ( thôn Trần Nội là một họ lẻ của Giáo Xứ Phú Tảo ). Không thể không đưa cha về Hà Nội, là nơi có bệnh viện, có thầy, có thuốc. Vậy rồi sức sống dai dẳng của cha cũng vượt qua được cơn bệnh hiểm nghèo, tưởng chết mà lại hồi sinh. Có điều tay chân bị biến dạng nhiều, dần dà cha phải ngồi xe lăn.
Từ đó, hầu như năm nào cha cũng phải nhập viện một vài lần. Nhưng hễ xuất viện trở về nhà là lại cười, lại tếu. Chiều tối cha vẫn lên Nhà Thờ ngồi xe lăn đồng tế với anh em. Dù sao thì đất nước cũng từ từ thay đổi. Không còn ai cảm thấy phải e dè điều gì về những bài giảng của cha. Tay chân bị bệnh tật làm mất hiệu năng, nhưng tiếng nói vẫn rất tốt, vẫn ấm, vẫn rành mạch. Có khi cha cứ ngồi xe lăn mà giảng trong Lễ chiều cả tuần liền. Hễ anh em đề nghị cha giảng là cha nhận lời ngay. Cha nhận thấy còn nhiều điều lắm để nói.
Không ra ngoài nhiều nhưng cha theo dõi tình hình trong đạo ngoài đời. Mỗi ngày cha dành thì giờ đọc báo chí trong nước, ngoài nước, rồi ngẫm nghĩ, cầu nguyện. Gặp anh em ở các nơi xa đến Hà Nội, cha hỏi thăm ngay những chuyện xảy ra ở các địa phương mà cha đã biết qua các phương tiện truyền thông. Giáo Dân gần xa, và cả những người bên lương quen dần với hình ảnh vị Linh Mục tóc bạc phơ, tối tối thì ở trên Cung Thánh, nhưng ban ngày hay lăn xe đi trong sân Nhà Thờ, thăm hỏi người già, trêu chọc người trẻ, với một bầy nhi đồng, thiếu nhi hay tìm đến lân la, quẩn quanh. Trong tuổi già, không còn chuyên trách một nhiệm vụ nào, cha như một nền móng tâm linh cứ tự nhiên lan tỏa trên những lớp trẻ đang cố gắng gánh vác sứ mệnh đời trước truyền lại.
Lần cuối cùng cha Thanh giảng là hôm Nhà Thờ Nam Đồng dâng lễ cầu hồn cho cha Mi-ca-e Hoàng (tên gốc là Michel Laliberté) mới qua đời ở Canada. Đây là một trong hai người cuối cùng còn sống sót trong lớp Thừa Sai DCCT người Canada qua lập Dòng và hoạt động ở Việt Nam.
Những người đã cao tuổi ở Nam Đồng còn nhớ hình ảnh vị Thừa Sai trẻ tóc vàng, râu vàng ngày xưa hay lái một chiếc xe hơi nhỏ chạy khắp phố phường Hà Nội. Chiếc xe ấy trong những năm khốn khó cuối thế chiến thứ II đã từng chở những bệnh nhân nghèo đi cấp cứu. Hồi nạn đói Ất Dậu, có lúc xe chở cả người chết đi chôn. Những người tương đối trẻ tuổi hơn ở miền Nam thì còn nhớ cha Mi-ca-e Hoàng sống giữa bà con người Thượng K’Hor trên Lâm Đồng. Nghe nói từ năm 1975, trở về Canada, cha Hoàng kiếm được đồng nào đều dành hết cho bà con K’Hor nghèo.
Cách đây hơn 10 năm, nghe nói nước ta mở cửa, cha Hoàng cùng mấy vị Thừa Sai khác, tất cả đều đã ngoài 80 rủ nhau sang Việt Nam thăm lại cảnh cũ ( nay đã khác trước nhiều ). Về lại Nam Đồng sau 50 năm biệt tăm tích, Giáo Dân Nam Đồng đã đón tiếp các bậc cố tri vô cùng đằm thắm. Nhân các vị hỏi thăm tình hình, một Giáo Dân đã buột miệng: “Chúng con nghèo lắm, cha ạ”. Và một vị Thừa Sai bỗng nhớ lại tiếng Việt đã mấy chục năm không nói, đã trả lời nghẹn ngào: “Nhưng tình thì không nghèo đâu, giầu lắm, giầu lắm!”
Vị Thừa Sai ca ngợi tình giàu đó cùng với mấy vị nữa đã qua đời rồi. Nay đến lượt cha Hoàng từ giã thế gian, cha chỉ ước được thăm Việt Nam một lần nữa, nhưng mộng không thành. Mấy Linh Mục Tu Sĩ trẻ ngày nay không biết gì nhiều về cha Mi-ca-e Hoàng. Họ nhờ cha già Thanh, hình như học trên cha Hoàng một lớp thì phải, nói mấy lời chia sẻ (các vị Thừa Sai Canada ngày xưa có một sáng kiến độc đáo: họ đưa các Đại Chủng Sinh Thừa Sai người Canada sang Việt Nam đào tạo chung với các Đại Chủng Sinh người Việt của Dòng, do đó lập ra Học Viện DCCT Hà Nội. Cha Thanh vẫn nói rằng đó là bí quyết khiến các vị Thừa Sai Canada này thành công ở Việt Nam).
Tối hôm đó trong Thánh Lễ dù đã cảm thấy mệt, cha Thanh vẫn ôn lại những kỷ niệm với người anh em đồng song; cha Mi-ca-e Hoàng chịu chức Linh Mục năm 1945 ở Nhà Thờ Cửa Bắc, không một thân nhân ruột thịt nào có mặt. Gia đình không chỉ ở cách xa nửa vòng trái đất, mà còn bị ngăn cách bởi cuộc thế chiến khốc liệt. Hà Nội và vùng phụ cận sống dưới sự đe dọa của mưa bom bão đạn. Từ đó cha Thanh suy ra cái hồn của người Thừa Sai. Cha vừa giảng, vừa khóc.
Giảng xong bài giảng cuối cùng đó, cha Thanh trở bệnh nặng lúc đêm khuya...
Tình giầu của người Giáo Dân Việt Nam lại hiện lên; không cần phải hô hào, mọi người tự động tìm về Nhà Thờ. Các chú Đệ Tử của Dòng đã săn sóc cha từ nhiều năm nay đưa cha về Tu Viện, và lo việc khâm liệm. Các ông, các anh thanh niên phân công nhau lo giữ gìn trật tự, tiếp tân. Các bà, các cô xé hàng ngàn chiếc khăn cho khách thập phương sắp đến viếng và lo việc chợ búa, cơm nước cho gia đình, bạn bè của cha...
Hai ngày cha Thanh nằm như ngủ trong chiếc hòm kính ở Nam Đồng, người đến viếng hết lớp này đến lớp khác, nhưng bầu khí thật bình an, thanh tĩnh.
Trong những đoàn người đông đảo ấy, thỉnh thoảng nổi lên những khuôn mặt đã như đồng hóa với những giai đoạn thăng trầm của Dân Chúa.
Một chiếc xe nhỏ đậu lại trong sân Nhà Thờ. Một chiếc xe lăn được đưa xuống. Mấy thanh niên dìu một cụ già từ xe hơi lên xe lăn. Đó là cha Phạm Hân Quynh từ một Xứ Đạo xa về viếng cha Thanh.
Cha Quynh bây giờ có vẻ như một bóng mờ của cha Quynh ngày xưa. Tuổi cũng ngót nghét chín mươi, lại đã ba lần tai biến mạch máu não, làm gì mà bóng chẳng mờ. Ngày xưa cha Quynh lanh lẹ, tinh anh bao nhiêu ! Từ ngày ở Đại Chủng Viện đã là một bộ óc Triết Học xuất sắc, chủ động trao đổi ý tưởng với các triết gia lớn đương thời. Rồi đi học Sorbonne, bạn học với người sau này là Tổng Giám Mục Lustiger của Paris, cha Quynh ở Pháp vào lúc đất nước chuyển mình trong Cách Mạng Tháng 8. Cha đã từng bàn bạc, suy nghĩ biết bao nhiêu về đất nước với các bạn Việt Nam cùng học ở Paris. Cha tốt nghiệp và về nước vào thời điểm 1954, với ý thức rõ ràng là về nước sẽ gặp một hoàn cảnh khó khăn và tế nhị. Giáo Hội Hà Nội nói riêng, miền Bắc nói chung dàn hàng một loạt trí thức trẻ, mong xây dựng Đức Tin giữa thời Cách Mạng.
Những tên tuổi như Phạm Hân Quynh, Nguyễn Văn Vinh, Nguyễn Văn Thông ( từ Châu Âu về ), Nguyễn Ngọc Oánh ( từ Mỹ về ) một thưở đã sáng chói trong lòng giới trẻ Công Giáo Hà Nội. Hai cha Nguyễn Văn Vinh, Nguyễn Văn Thông sẽ có một số mệnh bi thảm. Cha Quynh và cha Oánh cũng lao đao tợn, nhưng rồi cũng sống sót qua thời khốn khó. Cha Oánh vừa qua đời hồi tháng 8 năm 2007, cha Quynh còn chèo chống đến ngày nay.
Giữa những năm Giáo Hội như bị đóng băng về tư tưởng, cha Quynh vẫn cố duy trì hoạt động trí thức. Dẫu cha không thể để lại những tác phẩm lớn, cha vẫn đóng góp bằng lời nói và ngòi bút giúp cho Dân Chúa động não. Cha đề cập những vấn đề cụ thể, thiết thực bằng một văn phong dễ tiếp thu cho những người mộc mạc chung quanh cha. Đặc biệt cha đào tạo được những người Giáo Dân, tuy chất phác, nhưng biết làm việc Tông Đồ có hiệu quả. Khi dòng đời đưa cha Trần Hữu Thanh cập bến Giáo Phận Hải Phòng, thì cha Quynh với cha Thanh trở thành đôi bạn tương đắc, cộng tác với nhau.
Hôm nay cha Quynh, với các đồ đệ vây cạnh, đang đứng trước linh cữu cha Thanh. Cha đang mấy máy nói gì đó, như tâm sự, như khấn xin. Lại gần thì thấy cha đang nói: “Anh đã ngẩng cao đầu mà sống. Anh đi trước, rồi tôi sẽ theo anh”.
Còn một cụ nữa tóc cũng bạc phơ, vừa đến với vài người đồ đệ. Cha Bergmann Thảo của Đan Viện Xi-tô Châu Sơn đấy. Châu Sơn là nơi từ ngày thành lập, có những con người và câu chuyện giống như là huyền thoại. cha Thảo đã có mặt từ những ngày đầu, chứng kiến và tham gia mọi sự. Biến cố 1954 đưa cha vào miền Nam. Ba mươi năm sau, cha chịu thương chịu khó trở về chốn cũ. Nhà Dòng Châu Sơn nổi tiếng ngày xưa đã thành một nơi hoang phế, ẩm thấp, âm u, với vài cụ già tuổi đời đã ngót một thế kỷ. Cha Thảo cũng đã tuổi cổ lai hy, lao vào dựng lại người, dựng lại nhà. Ngày nay Đan Viện Châu Sơn lại sáng sủa, khang trang, với một cộng đoàn trẻ, đông đúc. Cha Thảo đang dự định xây một nhà Tĩnh Tâm hơn 100 phòng. Mỗi khi có ai ở Dòng Chúa Cứu Thế vào Châu Sơn, Cha Thảo bao giờ cũng hỏi thăm bạn già: "Cha Thanh lúc này ra sao?"
Bây giờ thì cụ Thanh, cụ Thảo, cụ Quynh, người đi và người ở lại, đều hội tụ ở đây. Đó là lớp người, lúc ở xa, lúc ở bên nhau, nhưng đã cùng lên thác xuống ghềnh. Đã đến lúc người ta gọi là: "chuyển giao các thế hệ". Thế hệ mới đã đứng sẵn đó rồi. Cộng đoàn trẻ Dòng Chúa Cứu Thế khá đông đúc, riêng Cha Thanh trước khi qua đời được niềm an ủi nhìn thấy một đứa con tinh thần, ở nơi chính Cha từng bị quản chế, chịu chức Linh mục ( xem bài... ). Rồi Linh mục đoàn trẻ Giáo phận Hải Phòng, với vị Giám mục trẻ dẫn đầu, đang quây quần chung quanh linh cữu, đang hiệp thông trong một lời ca: "Có một điều tôi hằng ước mong, là được ở trong nhà Chúa suốt đời tôi..."
Cha Thanh được an táng khá xa tu viện Dòng Chúa Cứu Thế. Người ta không đưa Cha lên nghĩa trang Thanh Tước, nơi đa số các Linh mục và tu sĩ của Dòng an nghỉ, ở đó có những vị thừa sai đầu tiên người Canada, thuộc lớp người "một đi không trở lại", và những Linh mục tu sĩ đầu đàn người Việt: Cha Hiệp chết vì lây nhiễm khi săn sóc các bệnh nhân chấy rận trong một nạn dịch, Cha Dong chết khi đang trên đường từ Nam Định lên gần đến Hà Nội thì trúng bom Mỹ trong năm cuối của thế chiến thứ hai. Cũng không đưa Cha về nghĩa trang Thạch Bích để an nghỉ bên người anh em Vũ Ngọc Bích, người đã giữ đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp và đón tiếp khách nghèo thập phương suốt gần 20 năm cô đơn.
Theo yêu cầu tha thiết của giáo dân, của Giáo phận Hải Phòng, mọi người đưa Cha về Phú Tảo, nơi Cha từng bị quản chế. Chắc chắn ý Cha cũng muốn thế, vì suốt những năm cuối đời, dù đau yếu, dù ngồi xe lăn, cứ đến các lễ lớn và Tết nguyên đán, là nhất định Cha phải về đấy, sống giữa đoàn chiên nghèo. Ngày nay người con tinh thần của Cha là Cha Hội đang tiếp nối công việc của Cha, chăm sóc ngôi nhà thờ cổ và giáo xứ ở đây.
Người địa phương, người từ Hải Phòng về, người Hà Nội đến, anh em trong Dòng từ khắp nơi, gia đình ruột thịt của Cha từ Quảng Trị, từ Đồng Nai tụ lại. Cả một đoàn người thật dài đi bộ đưa tiễn, từ nhà thờ Phú Tảo ra nghĩa địa cách xa hai cây số. Thời tiết đã tàn thu chớm đông, nhưng trời vẫn nắng hâm hấp qua màn sương. Thanh niên ba xã chia phiên nhau khiêng linh cữu từng đoạn suốt từ nhà thờ đến nghĩa địa.
"Có một điều tôi hằng ước mong..."
VŨ, Sài-gòn ngày 7.1.2008 ( Hết ) |
|