NHỚ CHA TRẦN HỮU THANH ( Kỳ 2 )
Từ năm 1949, cha Thanh từ giã bục giảng lớp học để dốc toàn lực cho tòa giảng trong Nhà Thờ. Một nỗi ưu tư chẳng bao giờ vắng bóng trong tâm tưởng của cha: đất nước và dân tộc sẽ ra sao ? Chiến tranh Việt Pháp đạt tới cường độ tạo ra một khúc quanh mới, trên bàn cờ chiến lược thấy xuất hiện những thế và lực mới. Đối với cha, điều mệnh hệ trên hết là Đức Tin sẽ nẩy nở hay tàn lụi qua cơn biến loạn này ? Hội Thánh sẽ phát triển hay tan hoang theo thời cuộc ?
Cha không phân biệt một bên là dân tộc một bên là tôn giáo. Phân biệt như thế là không có Đức Tin nữa rồi. Người như cha chỉ biết gieo mầm Đức Tin bất kể hoàn cảnh thuận hay nghịch. Trời cho cha bản tính lạc quan và nhiệt thành, cha lao vào công cuộc tông đồ của Hội Thánh, dẫu biết rằng người cộng sản đang nắm ngọn cờ độc lập dân tộc để lãnh đạo kháng chiến. Giữa Cộng Sản và tôn giáo trong tình hình thế giới lúc ấy, mối quan hệ thật gay go phức tạp. Xem ra có mâu thuẫn đối kháng.
Có lúc cha Thanh đã tưởng cựu hoàng Bảo Đại có thể là một giải pháp. Cha đã góp công phác họa lá cờ vàng ba sọc đỏ được nối liền bởi một con rồng uốn hình chữ S, tượng trưng cho dân tộc Việt da vàng máu đỏ ba miền Bắc Trung Nam là một. Về sau, cụ Tôn Thất Sa là một họa sĩ có tiếng ở Huế dựa vào bản phác thảo của cha, bỏ con rồng đi làm ra lá cờ vàng của chế độ quốc gia vào lúc trong cuộc chiến tranh Việt Pháp thấy lộ ra những ý đồ đấu tranh quốc – cộng.
Dù sao thì lịch sử cũng cho thấy ông Bảo Đại không phải là người có đủ bản lãnh để trụ lại được trong bão táp lịch sử. Mà suy cho cùng thì lá cờ hay chế độ chính trị cũng chẳng phải là điều cha Thanh tìm kiếm. Phút cao hứng vẽ cờ qua đi, cha trở về với con người thực chất của mình. Điều cha thật sự muốn ngã ngũ với đời không phải là vấn đề chính trị hay quân sự. Mấu chốt của nó ta đã thấy từ trong sánh Công Vụ Tông Đồ: Có một Giê-su mà người Do Thái bảo là đã chết, nhưng Phao-lô cố quyết là vẫn sống (Cv 25, 18). Và suốt từ ngày ấy tới tận đời các tổ tiên Tử Đạo của cha Thanh đến cha Thanh, những người tin vẫn một mực nói như Phao-lô. Và không những chỉ nói Giê-su vẫn sống mà thôi, mà còn nói chỉ co Giê-su đang sống ấy mới nắm bí quyết của mọi lẽ sống ở đời.
Lần lượt cha Thanh đi dọc ngang các tỉnh duyên hải miền Trung từ Quảng Trị đến Khánh Hòa. Cha thức tỉnh đức tin cho hàng chục ngàn người có Đạo, hàng nghìn người ngoài Đạo xin gia nhập Hội Thánh.
Năm 1954, chiến tranh đến hồi kết cục với Hiệp Định Genève. Trước mắt đã thấy rõ Giáo Hội ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa sẽ phải làm sao sống được trong những điều kiện ngặt nghèo. Cha Thanh lao vào soạn thảo tài liệu nhằm giúp người Công Giáo miền Bắc sống Đạo trong thời Cách Mạng. Tuy vậy, Nhà Dòng không phân công cho cha Thanh ở miền Bắc. Nhiệm vụ góp phần chống đỡ ngôi nhà Giáo Hội ở miền Bắc được trao phó cho cha Vũ Ngọc Bích.
Cha Thanh ở lại miền Nam. Tình hình miền Nam diễn ra những đổi thay quan trọng. Giải pháp Bảo Đại đã đổ sụp. Ông Ngô Đình Diệm nắm chính quyền, với sự trợ lực của người em là ông Ngô Đình Nhu. Hai anh em họ Ngô đã chọn một học thuyết để dựa vào đó mà đương đầu với chủ nghĩa Marx. Người ta bắt đầu nghe nói đến thuyết Nhân Vị.
Gì chứ nhân vị thì đúng là điều cha Thanh quan tâm, lần này không chỉ là một lá cờ, mà là cả một hệ tư tưởng. Phải chăng đây là giải pháp cho những ưu tư về con người mà xã hội đang thao thức tìm kiếm ? Lại một lần nữa, những khắc khoải về thân phận con người đưa cha vào nhiều nỗi truân chuyên.
Sài-gòn thứ sáu 9.11.2007
NHỚ CHA TRẦN HỮU THANH ( Kỳ 3 )
Từ ngày chế độ do anh em nhà họ Ngô gây dựng sụp đổ, ở Miền Nam người ta hay nói đến nền “Cộng Hoà Nhân Vị” với nhiều dụng ý mỉa mai. Sự mỉa mai này được duy trì từ khi cả nước đi vào cách mạng Xã Hội Chủ Nghĩa. Không riêng gì nước ta, ngay từ hồi ông Diệm, ông Nhu còn thống trị, ở bên Tây, quê hương của ông Emmanuel Mounier là người lập thuyết Nhân Vị, cũng có những nhà trí thức bĩu mỏ cái xã hội mang danh là “nhân vị” ấy chẳng nhân vị gì hết. Thôi thì ông Diệm, ông Nhu làm chính trị, các ông phải đưa đầu chịu báng, phải hứng lấy búa rìu của lịch sử, và ít ra hai ông cũng được điểm này: Đã kiên trì với tâm tưởng của mình cho đến nỗi thiệt mạng.
Nhưng nếu sự mỉa mai phát xuất từ một thực tế xã hội lại lan đến cả một chủ nghĩa, thì thật là bất công đối với thuyết Nhân Vị của ông Emmanuel Mounier. Xét cho cùng, nếu thời ấy xã hội Miền Nam không phản ảnh được những lý tưởng nhân vị, thì ngày nay xã hội của chúng ta đâu có phản ảnh được lý tưởng của Kail Marx ? Người có Đức Tin vẫn biết rằng có một thứ tội đầu, một thứ nguyên tổ, dân gian gọi là tội tổ tông, hay tội nguyên tổ, nó làm cho những người điều tốt đẹp nhất như bột, hư đường, hư các thứ vườn địa đàng.
Dù thế nào chăng nữa, đối với những người như cha Thanh, thuyết Nhân Vị quả là hấp dẫn. Cha cũng lên tiếng cổ vũ Nhân Vị. Thực tế mà nói, đó là một công việc đội đá vá Trời. Xã hội Việt Nam đang đi vào một cuộc chiến tranh mới, một cuộc đấu sinh tử. Thuyết Nhân Vị xem ra chỉ sống và triển khai được trong một môi trường hoà bình, hoặc nếu không được như vậy thì nó chỉ tác động, khi người ta thấm đòn của những sự phi nhân trong cuộc đời. Ngoài ra thì nó quá tinh tế, nó không đủ độ chát chua cho những thời kỳ chém to kho mặn. Những người như cha Thanh cố gắng diễn giải nó sao cho thật cụ thể. Như mang hết khoa hùng biện, mang cả cái khiếu kể chuyện, các khiếu hài hước tự nhiên của cha vào cuộc.
Ngày nay nhìn lại bối cảnh lịch sử, thấy rằng đó là một bước đi liều lĩnh theo nghĩa: “Cũng liều nhắm mắt đưa chân, mà xem còn tạo xoáy vấn đề đến đâu”. Lòng tin dạy cha rằng hạt giống phải chết đi mới mong có mùa gặt. Bảo rằng có thể từ đó làm nên cả một chế độ xã hội thì sẽ là thất bại. Nhưng sẽ có thành công nếu có những con người cảm nhận được thế nào là nhân phẩm. Như một nhà cách mạng tiền bối đã nói: “Không thành công cũng thành nhân”. Và “Thành nhân” thì trong lòng cuộc đời vẫn có cái mà Tin Mừng gọi là muối, là men.
Người tin theo Chúa là người không chỉ lo toan thực hiện ý đồ của mình, mà trước tiên phải tỉnh thức chiêm ngưỡng những việc Chúa làm thường ở ngoài mọi sự mình chuẩn bị và tiên liệu. Chính vì thế điều quan trọng nhất không phải là những dự phóng này nọ của mình, mà là nắm chặt lấy lời Mạc khải, rồi gieo Lời, nói Lời. Cha Thanh hoạt động nhiều, xoay xở nhiều, nhưng trước sau rồi cũng quay về với Lời Chúa.
Năm 1959, cha khăn gói lên đường du học ở Học Viện Lumen Vitae, thuộc Đại Học Công Giáo Louvain (Bỉ). Tuổi 53 không còn là tuổi sinh viên, nhưng bù lại cha Thanh mang đến trường cả một bề dày kinh nghiệm để suy nghĩ dưới sự xúc tác cuả các bậc thầy trong lĩnh vực huấn giáo. Cha có được đức tính luôn tỉnh thức cảm nhận những đổi thay của sự sống và của thời cuộc. Cha nhận ra rằng thế giới nói chung, đất nước nói riêng, đang biến chuyển liên tục, và sự biến chuyển ấy hàm chứa rất nhiều tiềm năng cả lành lẫn dữ. Thách thức trước mắt đối với Hội Thánh là làm sao cho cái xã hội tương lai đang từng ngày thành hình đó phải là một môi trường thông thoáng để đón nhận được tiếng gọi của Đức Tin. Như tên gọi của nó, Lumen Vitae có hoài bão phục vụ Lời Chúa sao cho anh sáng của sự sống xuyên qua được những tấm màn trần thế để chiếu toả trong cõi nhân sinh.
Ở tuổi ấy, và với thời cuộc lúc ấy, cha nóng lòng muốn học hỏi cho nhanh để còn về nước phục vụ. Sau hai năm học cha lĩnh bằng cử nhân Thần Học Mục Vụ Giáo Lý. Cha chọn đề tài luận văn tốt nghiệp: “Huấn giáo nơi những vùng dân cư thiên Cộng” (“Catéchèse et Populations Communisantes”). “Communisantes”. ở đây được hiểu về những người đã chịu ảnh hưởng, đã có cảm tình, đang dần dần trở thành người cộng sản, hoặc sống trong những vùng, những thời thế đang từng bước chuyển sang chế độ do đảng Cộng Sản lãnh đạo.
Cha đưa vào luận văn những kinh nghiệm thu thập được trong những năm tháng cha hoạt động ở miền Trung từ Bình Trị Thiên, đến Nam Ngãi, Bình Phú, và trong giới Việt Kiều Thái Lan. Luận văn của cha được đánh giá khá cao. Cha nhớ nhất và tâm đắc nhất lời nhận xét của một vị nào đó đã đọc hoặc nghe những luận điểm của cha: “Tác giả có một điều gì đó để nói, và cũng biết cách nói ra điều đó” (Il a quelque chose à dire, et il sait comment le dire). Thì ra đang khi góp phần xây dựng chủ thuyết Nhân Vị, cha lại đã quan tâm đến một tình thế khác, một hệ tư tưởng khác. Xuyên qua hai tình thế mâu thuẫn đó, vẫn có một sứ mạng duy nhất. Cha vẫn có một điều gì đó để nói và phải nói.
Cũng cần nói rằng ở thời điểm này Giáo Hội Công Giáo khắp nơi như đang dậy men. Mọi người đang chờ đợi, đang chuẩn bị Công Đồng Vatican II, dưới sự chỉ đạo của Đức Giáo Hoàng Gio-an XXIII. Nhiều nhà thần học, nhiều giới chuyên môn đã linh cảm rằng trong kho tàng Thánh Kinh, Thần Học, Giáo Phụ của Giáo Hội còn tiềm tàng rất nhiều sức bật mà những thói quen trì trệ, lưu cữu, hẹp hòi đã khiến cho bị quên lãng. Đức Giáo Hoàng nói tới một mùa xuân mới, một bầu khí mát lành mới, một sức mạnh hợp nhất, bình an cho mọi người.
Năm 1962, Công Đồng Vatican II khai mạc. Sau những bước đầu chầm chậm, dè dặt, thì những nét về nguồn, những nét canh tân cứ dần dần nổi bật lên. Bầu khí trong Giáo Hội trở nên rất phấn khởi cho những ai quan tâm nghiên cứu và muốn có sáng kiến, muốn mở những con đường mới cho một thời đại mới. Cha Thanh cũng như bao người khác hàng ngày theo dõi những diễn biến trong Công Đồng. Mặc dù tư tưởng “Nhân Vị” bị thời thế cho rơi vào câm lặng, nguồn cảm hứng mới từ Công Đồng Vatican II như một dòng chảy mênh mang khiến cha hăng say cống hiến tâm huyết của mình cho đồng bào.
Đây cũng là thời kỳ Dòng Chúa Cứu Thế của cha mở rộng công việc truyền giáo ở những vùng nghèo khổ. Gần Sài-gòn thì có vùng rừng ngập mặn Cần Giờ, ở miền Trung là vùng Châu ổ trong tỉnh Quảng ngãi. Trên cao nguyên, ngoài miền truyền giáo đã có từ trước ở vùng Fyan (Lâm Đồng) để đến với bà con dân tộc K,ho, một địa hạt mới rất rộng đã mở ra trong tỉnh Pleiku (nay là Gia Lai) khi ấy còn âm u rừng núi để phục vụ người dân tộc Jrai.
Riêng phần cha Thanh thì vẫn miệt mài với công tác huấn giáo. Lúc này cả những ý tưởng lẫn hoạt động của cha đã được bên ngoài biết đến. Trong thập niên 1960, cha được các hội nghị Giáo Lý Quốc Tế mời đi tham luận ở Đức, Philippines, Thái lan.
Tóm lại là một thời để gieo. Sẽ phải đến một thời hạt giống gieo phải biến tan trong lòng đất. Cuộc chiến tranh khốc liệt ở Việt Nam cũng đi dần đến hồi kết thúc…
Hà Nội 18.11.2007
NHỚ CHA TRẦN HỮU THANH ( kỳ 4 )
Một lần cuối cha Thanh chủ động dấn thân vào chính trị: đó là năm 1974 ở Sài-gòn. Cha cùng với 301 Linh Mục khác ký tuyên ngôn lập Ủy Ban Chống Tham Nhũng. Cha Thanh trăn trở đã nhiều về tiền đồ đất nước, cha cũng đã xoay xở nhiều bề, nhiều phía. Càng ngày càng thấy rõ một điều: sự tham lam ích kỷ như một thứ tà khí bao trùm lên xã hội, nó gặm nhấm, nó làm tiêu tan, nó vô hiệu hóa những ý đồ tốt đẹp nhất. Cha cũng có kinh nghiệm về chống tham nhũng: trong những năm 50 với việc phanh phui vụ "Gạo miền Trung", cha góp phần làm cho nhiều quan chức đứng đầu 6 tỉnh miền Trung mất chức. Nhưng lần này không chỉ là chuyện của những quan chức cấp tỉnh. Lần này vấn đề lớn hơn nhiều: tham nhũng là quốc nạn, nó biến thành thói tục, thành cơ chế, thành cái nếp xuyên suốt xã hội từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên. Nó khiến xã hội trở nên vô hồn, nó đầu độc sinh khí cộng đồng.
Mặt khác, chiến tranh Việt Nam đang đến hồi kết thúc. Súng vẫn còn nổ trên các mặt trận, nhưng Hiệp Định Paris đã ký kết rồi. Sớm hay muộn sẽ có thử thách quyết định. Một xã hội bị tham nhũng làm cho mọt ruỗng về tinh thần thì làm sao chịu đựng nổi sóng gió. Cha Thanh lao vào cuộc đấu tranh mới với cảm giác tình hình đã trở nên cấp bách. Phong trào chống tham nhũng tạo ra những cuộc xuống đường rầm rộ, công bố những bản cáo trạng nẩy lửa. Các nhà báo cũng vào cuộc với những hình thức đấu tranh ngoạn mục. Có những buổi sáng Chúa Nhật đi giữa phố xá Sài-gòn người ta có cảm giác lạ lùng bỡ ngỡ, đường phố không bóng xe qua lại, nghe được cả tiếng chim hót líu lo như ở giữa đồng quê. Hôm đó là ngày phong trào chống tham nhũng biểu tình, các ngả đường trung tâm thành phố bị vây chặn bằng những hàng rào dây kẽm gai.
Ở miền Nam ngày ấy, và trong một số giới nào đó, cho đến tận ngày nay, có những người không tha thứ cho cha Thanh và các bạn hữu của cha. Người ta bảo cha phá hoại cuộc chiến chống Cộng Sản, cha làm suy yếu chế độ chống cộng. Cái hôm trung tâm Sài-gòn không bóng xe, đứng bên hè phố có một ông mặc complet rất lịch sự, nhưng miệng phun ra một chuỗi những lời tục tĩu như để đáp lại tiếng chim hót trên cây. Ông đang chửi cha "những thằng Linh Mục làm lợi cho Cộng Sản". Gia đình ông thường vẫn đi lại rất thân thiết với nhiều Linh Mục. Ông là một trong những người giầu nhất Sài-gòn, và trong những mặt hàng ông sản xuất và kinh doanh có những cuộn dây kẽm gai đang ngăn cắt đường phố.
Cha Thanh thì nghĩ rằng một xã hội đã bị tham nhũng di căn sẽ chẳng chống được cái gì mà cũng chẳng xây được cái gì. Và cũng có nhiều người nghĩ như cha nên vụ việc mới thành phong trào. Có những ông chống cộng cùng mình như ông dân biểu Đỗ Sinh Tứ và các bạn, xưa nay vẫn rất kỵ cái nhóm "cấp tiến" ở Dòng Chúa Cứu Thế, nay cũng tươi cười xuất hiện tay trong tay với nhóm cha Thanh, thậm chí với cả nhóm Chân Tín – Nguyễn Ngọc Lan nữa. Có hôm cha Thanh từ trong nhà bước ra sân Nhà Thờ, bỗng dưng có mấy người Nhật tiến lại nghiêng mình rất sâu chào cha. Mọi người cứ tưởng đó là bạn hữu của cha hay nhà báo gì đó, hóa ra không phải. Họ nhận ra cha vì đã thấy cha trên tivi bên Nhật, và họ muốn tỏ lòng ngưỡng mộ. Thành ra có người khen cha Thanh sáng suốt, có người chê cha điên khùng mê muội. Cha Thanh lại cười chúm chím, ngúc ngắc đầu bảo rằng: "Tôi đã cưỡi hổ rồi, không xuống được nữa đâu".
Nhưng con hổ cha đang cưỡi sắp bị tử thương rồi. Cách Mạng sắp đến rồi. Và chính quyền Cách Mạng không đặt vấn đề cha Thanh sáng suốt hay mê muội. Sáng suốt hay mê muội thì cũng thế thôi, đàng nào thì cha cũng là người có tội. Đấu tranh làm sạch xã hội nếu là có công với xã hội tư sản thì sẽ là có tội với xã hội cách mạng vô sản. Thế mới là biện chứng.
Ngày 30.4.1975 đưa cha Thanh và cả Sài-gòn sang một thế giới khác. Những người, những vấn đề, những tranh đấu của mấy hôm trước bỗng dưng biến đâu mất. Hôm đầu tháng 5 đó, cha Thanh từ trong Nhà Thờ bước ra, đón người đến hỏi thăm bằng nụ cười chúm chím: "Té ra mình vẫn còn phong độ như xưa !" – Phong độ gì thế cha ? Còn phong trào đâu, còn lãnh tụ gì đâu, còn tranh đấu gì đâu mà phong với độ ? – Không. Phong độ trong cái thuật dạy Giáo Lý cho trẻ con kìa ! Vẫn cứ hào hứng y nguyên như khi còn trẻ vậy ! Bao giờ cũng thế, thăng trầm chán chê rồi thì cha Thanh lại trở về Giáo Lý làm điểm tựa.
Trong Thánh Kinh Cựu Ước có chuyện ông ngôn sứ Giô-na. Chúa bảo ông đi công tác ở phía Đông, ông lại đi ra biển ở phía Tây. Cứ tưởng ông sẽ thành bổn mạng của những người vượt biển di tản, nào ngờ sự việc xảy ra biến ông thành bổn mạng của những người hồi hương giảng đạo. Cha Thanh thì chẳng hề có ý tưởng di tản sang Tây hay sang Mỹ. Có điều những ước mơ của cha cho đất nước có phần hơi nghiêng về phía Tây so với lịch sử đang diễn biến trên mảnh đất Á Đông này. Ông ngôn sứ Giô-na mở mắt ra thấy mình đã trôi dạt đến ngay trước cửa thành Ni-ni-vê to đùng. Trời cho một cơn biến động lịch sử và ở thời điểm 1975 ấy, cha Thanh bước những bước đầu tiên vào quãng đường cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Thế là không đơn giản rồi. Một phút vui mừng vì cái phong độ dạy trẻ con vẫn còn nguyên thì Ccha nói vậy, nhưng cuộc đời đâu có dễ dàng thế. Người như cha, tình hình như thời điểm ấy, làm gì có thể bình an chí thú bên lũ trẻ. Điều ấy cha dư biết. Một hôm cha đi đâu không biết, nhưng không thấy về nhà nữa. Thế là bắt đầu con đường chông gai và gian nan đi vào xã hội mới. Con người ta cần 9 tháng để đi vào cuộc đời, cha Thanh phải mất 12 năm để đi vào xã hội mới. Hơn 3 năm tù ở nhà lao Chí Hòa ( Sài-gòn ) và Thanh Liệt ( Hà Nội ). Rồi 9 năm bị quản chế, 5 năm ở Họ Đạo Quang Húc dưới chân núi Ba Vì, rồi 4 năm ở thôn Trần Nội, Giáo Phận Hải Phòng...
NHỚ CHA TRẦN HỮU THANH ( Tiếp theo kỳ 5)
Một thời gian khá lâu, chẳng có tin tức gì về cha Thanh, chẳng có thăm nuôi, chẳng biết cha ở đâu. Thậm chí ở nước ngoài đồn cha đã chết rồi. Không biết có phải vì chuyện đồn đại ấy không mà Nhà Nước cho báo nước ngoài phỏng vấn cha. Ảnh cha được phóng to trên trang nhất của tờ báo. Hồi đó đất nước chưa mở cửa, nhưng tờ báo đi vòng vo thế nào đó, rồi cũng đến Sài-gòn. Ít ra thì thân nhân, bạn bè anh em trong Dòng cũng biết ở một nơi nào đó trong cõi vắng lặng thông tin cha Thanh vẫn còn sống.
Có một Thánh Vịnh nói về chuyến đi qua những thung lũng âm u sát khí, ở đó người ta chỉ chống cây gậy của Chúa để trấn tĩnh tâm hồn. Về sau cha Thanh chia sẻ rằng chưa bao giờ cha nhớ đến từng người, từng việc trong cuộc đời và cầu nguyện nhiều cho bằng những năm tháng ấy. Một cảm nghiệm nữa là tình cảnh nghèo khó, thiếu thốn trăm bề của các Xứ Đạo miền Bắc. Nông thôn miền Bắc không thiếu gì những Nhà Thờ nhỏ hoang phế, trống vắng, bị sự ẩm thấp, mối mọt, rêu phong gặm nhấm dần. Thường thường bên cạnh đó cũng có một Nhà Xứ hay Nhà Phòng cũng xuống cấp như Nhà Thờ. Chung quanh là một khoảng đất trống hay vườn cây có thể tạo thế cô lập cho cơ sở tôn giáo. Những Giáo Sĩ bị quản chế thường được đưa tới những nơi như thế, thử làm người lão bộc thức đêm đợi Chúa đi vắng rất lâu chưa thấy về.
Chúa có vẻ chưa đến, nhưng ông Linh Mục quản chế dần dần nghe thấy hơi thở và nhịp tim của một đoàn chiên vẫn thầm lặng đâu đấy chung quanh Nhà Thờ. Đoàn chiên xem chừng hao gầy, xơ xác vì sống sót qua nhiều đợt phong ba. Rồi đôi bên có nhiều phương cách nhẹ nhàng bắt liên lạc với nhau, dựa vào nhau, sưởi ấm lẫn nhau. Những người giáo dân mộc mạc ấy sau những năm dài bơ vơ về mặt tâm linh, có khi chẳng còn biết gì nhiều. Trơ trần ra chỉ có một lòng trung thành mỏi mòn. Cảm thấy có một ông Linh Mục ở gần, dù bị ngăn cách, là như đất hạn gặp được trời mưa. Tình cảnh ấy khiến cho Linh Mục tuy không được tự do, nhưng lại bồi hồi vì nghe tiếng gọi phát xuất từ những tầng sâu thẳm của Thiên Chức nơi mình.
Cảm nghiệm ấy khiến cho cha Thanh khi mãn hạn 14 năm tù và quản chế không còn muốn về miền Nam nữa. Cha chỉ về Nam thăm nhà Dòng, thăm thân nhân, bạn bè nhưng đã tâm niệm định cư bên ngôi Nhà Thờ trống vắng ở thôn Trần Nội, gần thị xã Hải Dương, Giáo Phận: Hải Phòng. Đến tuổi già, cha lại phát hiện một sứ mạng mới, Giáo Phận Hải Phòng cũng như những Giáo Phận khác ở Miền Bắc, đang hết sức neo đơn về nhân sự, lại gặp một người tầm cỡ như cha xin tình nguyện phục vụ, nên cũng rất vui lòng đón tiếp cha.
Trước mắt cha Thanh bây giờ có cả một thế hệ trẻ mọc như cỏ dại chẳng biết gì về sinh hoạt trong Hội Thánh. Ngày Đức Cha Nguyễn Tùng Cương về thăm thôn Trần Nội, lũ trẻ con mở mắt nhìn thao láo, bảo nhau “chúng mày ơi ! Ông này mặc áo đàn bà !”. Cha Thanh nối lại nghiệp cũ là dạy Giáo Lý, giảng và làm lễ, bây giờ không phải là những cộng đoàn đông nghẹt, nhưng là thôn dân trong ngôi nhà nguyện vài chục mét vuông. Cha tiếp đón người này kẻ khác, không phân biệt tôn giáo. Cha quan tâm đến công việc làm ăn của thôn làng. Bạn bè cũ ở nước ngoài gửi cho cha những hạt giống rau, quả mới. Cha mang phân phát cho dân trồng thử. Trần Nội có những sản phẩm rau, dưa độc đáo bắt đầu làm ăn khấm khá hẳn lên.
Có lúc DCCT tìm cách đưa cha về Hà Nội. Nhà Dòng có thời đã hoạt động khá mạnh ở miền Bắc. Vào thăm rất nhiều ngôi Nhà Thờ vắng lạnh, ta vẫn gặp thấy ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, màu sắc đã mờ đi theo năm tháng. Đó là vết tích hoạt động của Dòng. Khi mọi sự đổi thay, thì Đức Mẹ vẫn kiên trì ở lại giữa đoàn con nghèo khó về mọi mặt. Nhưng bây giờ trên toàn miền Bắc, Dòng chỉ còn lại hai Linh Mục già. Cha Vũ Ngọc Bích được mọi người kính cẩn gọi là cha Bề Trên, mặc dù suốt bao nhiêu năm cha sống một mình, chẳng có ai để làm “bề dưới”. Nay thì cha Bích đã mù mắt rồi, đã “mất sức lao động rồi”. Sau một đời kiên trung, đã đến lúc phải tìm cho cha Bích một người thừa kế. Ngoài cha Thanh thì có còn ai nữa đâu?
Các ông ở ban tôn giáo Thành Phố cười cười hóm hỉnh: “vậy là các vị định đưa cụ 79 lên kế vị cụ 80 à?” Thật ra vấn đề không đơn giản là tuổi tác. Cha Thanh thường nhắn nhủ các anh em trẻ trong Dòng: “Khi tiếp xúc với chính quyền, ta luôn phải khiêm tốn và lế độ.” Việc tiếp xúc với chính quyền đối với cha là chuyện thường lệ trong bao nhiêu năm. Cha luôn chủ ý tỏ ra khiêm tốn và lễ độ. Chỉ có điều trao đổi một lúc thì bao nhiêu vấn đề ùa tới, chuyện nước, chuyện non, chuyện đạo, chuyện đời. Thế là cái giọng sang sảng từ ngày xưa lại cất lên. Bây giờ nghĩ lại thấy quả nhiên đất nước đã biến đổi từ từ, nhưng biến đổi rõ ràng. Có những chuyện ngày nay mọi người, từ báo chí đến tư nhân đều nói, nhưng 15, 20 năm trước là điều cấm kỵ. Để cho cái giọng sang sảng của cha Thanh hồi sinh trên tòa giảng một Nhà Thờ ở Hà Nội thì khác nào cho bom nổ giữa thủ đô ? Đấy mới là vấn đề, chứ không phải cái tuổi 79.
Vậy thì lấy ai tiếp nối sự kiên trì của cha Bích? Câu hỏi hiểm hóc ấy tìm được đáp án thật bất ngờ, mà lại là một đáp án Nhà Dòng mong đợi từ lâu. Chẳng là toàn Hà Nội chỉ có 4 Nhà Thờ thôi, để cho Nhà Thờ của cụ Bích không có Linh Mục, chẳng hóa ra Hà Nội không có tự do tôn giáo? Các vị trong Mặt Trận Tổ Quốc và Ban Tôn Giáo TP vận động khẩn khoản. Một ngày đẹp trời cha Bích mù lòa chống gậy ngồi xích-lô lên Tòa Tổng Giám Mục xin một Linh Mục về Nhà Thờ Thái Hà thay thế mình. Đức Hồng Y Phạm Đình Tụng tỏ ra tiêu cực. Ngài trả lời một câu rất có dụng ý: “Nhà Thờ đó xưa nay DCCT phụ trách. Nhà Dòng phải tìm người thay thế. Phần tôi dẫu có dư Linh Mục cũng không cử ai về đấy cả.” Đức Hồng Y làm gì mà có dư Linh Mục, ngài cũng thiếu thốn đủ điều. Thực sự là ngài muốn yểm trợ nhà Dòng.
Vậy là kẹt cứng. Dân miền Bắc từ kinh nghiệm của mình lâu nay có một câu ngạn ngữ mới. Người ta không nói: “Cái khó nó bó cái khôn”, Người ta nói: “Cái khó nó ló cái khôn.” Giữa một cụ Thanh có giọng nói sang sảng và cụ Hồng Y cứ lắc đầu liên tục, các vị trong Ban Tôn Giáo Nhà Nước cũng “ló cái khôn”. Bên cạnh cụ Bích từ vài năm nay có Thầy Sáu Trịnh Ngọc Hiên. Thầy Sáu Hiên đã học xong chương trình chủng viện trong Nam, lại là người biết thuốc Nam, biết châm cứu. Nhà Dòng xin cho thầy ở bên cạnh cụ Bích để săn sóc, đỡ đần cụ lúc tuổi già sức yếu.
Thầy Hiên là người nhẫn nại, hiền hòa, nhỏ nhẹ. Chính cái tính hiền hòa, nhỏ nhẹ đó đã khiến nhà Dòng chọn thầy để sống ở Hà Nội. Các vị trong Ban Tôn Giáo bảo: “thế sao không phong chức cho ông Hiên đó ?” Nhà Dòng mừng quá. Thay vì hai cụ già, từ nay có hai cụ già và một cụ trẻ ở miền Bắc. Tốt lành quá đi thôi. Thế là thầy sáu Hiên chuẩn bị nhanh chóng. Đã gần một nửa thế kỷ mới lại có một Tu Sĩ chịu chức Linh Mục ở Hà Nội. Thấm thoát lại hơn 15 năm qua, cụ Bích đã về bên Chúa rồi, cho đến ngày nay Giáo Dân Hà Nội vẫn yêu mến cha Bề Trên Hiên vì cái tính tận tụy, hiền hòa, nhỏ nhẹ…
Hà Nội 12.2007
|
|