DCCT Việt Nam: Thời cha Henri Bạch Văn Lộc (1969 – 1975)
Chia sẻ link này cho bạn bè:
VRNs (29.07.2010) - Theo quyết định của Tổng Công Hội lần thứ XVII họp tại Rôma (1967 và 1969), vào cuối năm 1969, tất cả mọi Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế trên thế giới đều tổ chức bầu cử vị Bề Trên Giám Tỉnh mới. Tại Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, ngày 01-12-1969, cha Henri Bạch Văn Lộc đắc cử Bề Trên Giám Tỉnh. Trong bức điện tín gửi từ Hoa Kỳ ngày 08-12-1969, ngài đồng ý lãnh trách nhiệm Bề Trên Giám Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam. Ngày 11-12-1969, cha Bề Trên Tổng Quyền phê chuẩn kết quả bầu cử. Như vậy, ngài là vị Bề Trên đầu tiên của Tỉnh Dòng Việt Nam trong giai đoạn sống theo Hiến Pháp và Quy Luật được soạn thảo theo tinh thần canh tân của Công Ðồng Vaticanô II.
Cha Henri Bạch Văn Lộc sinh ngày 20-12-1911 tại Trà Vinh. Ngài tuyên lời khấn Dòng ngày 16-08-1935 và lãnh sứ vụ linh mục ngày 06-06-1940. Năm 1950, ngài tham dự Nhà Tập II tại Sài Gòn. Sau đó ngài cùng các cha Canada đi giảng đại phúc khắp Nam Kỳ. Từ năm 1953-1958, ngài theo học tại Institut Catholique de Paris và tốt nghiệp với học vị tiến sĩ Giáo Luật. Từ năm 1958, ngài là giáo sư tại Ðà Lạt. Từ năm 1961-1964, ngài là Bề Trên Nhà Sài Gòn, sau đó tiếp tục tham gia giảng đại phúc. Từ 1967-1968, ngài là Bề Trên Nhà Nha Trang. Ðắc cử Bề Trên Giám Tỉnh vào cuối năm 1969 và tái đắc cử vào năm 1972, ngài sẽ gánh vác trách nhiệm này trong hai nhiệm kỳ liên tục, từ 1969 -1975.
Trong suốt 6 năm cha Henri Bạch Văn Lộc làm Bề Trên Giám Tỉnh, hoàn cảnh lịch sử của Ðất Nước và Dân Tộc Việt Nam rất phức tạp : chiến sự ác liệt tại nhiều nơi, những cuộc thương lượng khó khăn và lâu dài của các bên trên mặt trận ngoại giao, các cuộc oanh tạc tại miền Bắc, các biến động quân sự, xã hội và nhất là chính trị tại miền Nam, Hiệp định Paris (1973) được ký kết, rồi các biến động vào đầu năm 1975... Hoàn cảnh lịch sử đặc biệt đó đã tác động mạnh mẽ đến đời sống tu hành và các công cuộc tông đồ của Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế nói chung và mỗi thành viên trong Tỉnh Dòng nói riêng.
Trước hết là tình hình Nhà Hà Nội. Bước vào thập niên 1970, lịch sử Nhà Hà Nội vốn đã đau thương lại càng đau thương hơn. Từ năm 1959, nhân sự Nhà Hà Nội chỉ còn cha Giuse Vũ Ngọc Bích và thầy Clêmentê Phạm Văn Ðạt. Nhưng cuối năm 1970, vào ngày mùng 7 tháng Mân Côi, thầy Clêmentê Phạm Văn Ðạt đã qua đời tại một trại giam ở Yên Bái, nơi thầy bị giam giữ từ năm 1962. Tu Viện Hà Nội phần bị trưng dụng, phần bị chiếm dụng, chỉ còn lại nhà thờ giáo xứ Thái Hà và một ngôi nhà nhỏ bên cạnh nhà thờ. Cha Giuse Vũ Ngọc Bích chỉ còn một mình, hoàn toàn đơn độc, không có điều kiện thuận lợi để liên lạc với anh em trong Tỉnh Dòng, nhưng tâm hồn vẫn chan hoà một niềm hiệp thông sâu xa. Về phương diện tông đồ, ngoài các hoạt động mục vụ giáo xứ và việc tổ chức các cuộc hành hương kính Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp tại nhà thờ Thái Hà Ấp (Hà Nội), sau khi Hiệp định Paris được ký kết (1973), cha Giuse Vũ Ngọc Bích đã có thể đi giảng tại một vài vùng trong một số Giáo Phận miền Bắc. Và ngài đã không thể không tận dụng hoàn cảnh ấy để làm sáng Danh Chúa và cứu giúp các linh hồn.
Ngoài các hoạt động và đời sống tu hành của cha Giuse Vũ Ngọc Bích, như từ hơn một thập niên trước đây, tất cả đời sống và hoạt động của Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, trong giai đoạn 1969 - 1975, thực tế chỉ diễn ra tại phía nam vĩ tuyến 17.
Về phương diện tông đồ - mục vụ, nửa đầu thập niên 1970 là thời kỳ trong Tỉnh Dòng xuất hiện những sáng kiến và những hoạt động mới mẻ, sinh động.
Trước hết là việc Tỉnh Dòng đảm nhận công cuộc truyền giáo tại Cần Giờ từ năm 1971, theo lời mời gọi của Ðức Tổng Giám Mục Sài Gòn Phaolô Nguyễn Văn Bình. Như vậy, ngoài ba trung tâm truyền giáo Fyan, Châu Ổ và Pleikly, Tỉnh Dòng phụ trách thêm một trung tâm truyền giáo mới, thuộc vùng duyên hải của Tổng Giáo Phận Sài Gòn.
Tại Fyan, do hoàn cảnh lịch sử ngày càng phức tạp, vào đầu thập niên 1970, công cuộc truyền giáo cho anh chị em dân tộc K’ho gặp rất nhiều khó khăn. Tuy thế, các thừa sai người Canada vẫn kiên cường bám trụ, và số người K’ho theo Chúa ngày càng đông. Ðặc biệt, từ đầu thập niên 1970, các thừa sai Canada luôn mời gọi anh em thừa sai người Việt Nam lên Fyan hỗ trợ và kế nghiệp công cuộc truyền giáo quan trọng này. Cha Antoine Lapointe (1902-1971) đã yên nghỉ vĩnh viễn tại vùng truyền giáo này như một biểu tượng cho sự hy sinh đến quên mình của các thừa sai Canada.
Tại Châu Ổ, công cuộc truyền giáo vẫn được tiếp tục, các hoạt động giúp phát triển tại miền đất sỏi đá này được các cha thực hiện quy mô hơn trước. Tuy nhiên, chiến cuộc và các biến cố lịch sử cũng gây nhiều khó khăn.
Nhưng gặp nhiều khó khăn nhất có lẽ là Trung Tâm Truyền Giáo Pleikly. Các thừa sai bị bắt và bị đưa vào rừng sâu hai lần (1971 và 1972). Một trong các vị thừa sai, thầy Máccô Trần Văn Ðàn, đã vì Chúa Kitô, vì công cuộc truyền giáo, qua đời nơi rừng sâu ngày 09-05-1971, sau hơn 2 tháng bị giam cầm. 29 năm sau, tức là vào Năm Thánh 2000 này, các thừa sai Tây Nguyên mới tìm được hài cốt của Thầy.
Cũng thuộc về hoạt động của các thừa sai truyền giáo, một trong những nỗ lực lớn của các cha Canada tại Fyan và của các cha Việt Nam tại Châu Ổ thời kỳ nửa đầu thập niên 1970, là việc giúp dân chúng di tản tránh bom đạn chiến tranh, sau đó giúp họ tái định cư (như ở Fyan) hoặc định cư tại một vùng khác (như các thừa sai ở Châu Ổ đưa dân di tản vào Bình Tuy lập các họ đạo mới).
Tại các vùng khác trên khắp Ðất Nước, các hoạt động tông đồ như mục vụ giáo xứ, mục vụ tĩnh tâm, mục vụ giải tội, mục vụ giáo lý, việc cổ võ lòng sùng kính Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp . vẫn luôn được thực hiện một cách hiệu quả và rất sinh động. Ðáng chú ý là các hoạt động tích cực của Trung Tâm Mục Vụ Gia Ðình (Sài Gòn) và việc thiết lập cũng như phát triển một Trung Tâm Giáo Lý Thiếu Nhi khá nổi tiếng (cũng tại Sài Gòn). Hơn 30 năm sau, tức là bước vào thiên niên kỷ thứ 3, Trung Tâm Giáo Lý Thiếu Nhi này vẫn hoạt động rất hiệu quả, dù phải trải qua biết bao thăng trầm lịch sử.
Một trong những hoạt động khá nổi bật của các linh mục Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam tiền bán thập niên 1970 là hoạt động tuyên úy quân đội. Cũng trong thời kỳ 6 năm liền trước biến cố tháng 04-1975, các linh mục, tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam hoạt động khá tích cực trong các phong trào Công Giáo, ví dụ các phong trào Liên Minh Thánh Tâm, Legio Mariae, J.O.C, J.E.C., và các hội đoàn khác. Các ngài cũng lập một số phong trào mới, ví dụ Phong trào Văn hóa duy linh, Phong trào Canh tân đặc sủng. Ðáng chú ý là Phong trào Canh tân đặc sủng, phát triển khá mạnh với trung tâm tĩnh tâm và cầu nguyện Maranatha, được lập năm 1973.
Lãnh vực hoạt động tông đồ bằng ngòi bút và bằng các phương tiện truyền thông đại chúng (như báo chí với Nguyệt San Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp và Báo Tuổi Hoa.; truyền thanh - truyền hình; in ấn sách vở.) được chú trọng và đạt nhiều thành quả tích cực. Nguyệt San Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp có nhiều ảnh hưởng trên quảng đại quần chúng.
Các hoạt động tông đồ - bác ái được đẩy mạnh. Công cuộc của cha Lucien Olivier phát triển đến mức độ cao điểm trong những năm đầu thập niên 1970, và để lại nhiều ký ức đẹp cho nhiều thế hệ sau này, dẫu ngài đã phải ngưng công cuộc đó từ sau năm 1975. Công cuộc lo cho các trẻ bụi đời của cha Luy Nguyễn Văn Quy tại Vũng Tàu khá thành công. Ngoài ra, tiếp nối truyền thống có từ thập niên 1940, các Tu Viện Dòng Chúa Cứu Thế tại Huế (mùa hè 1972) và Thủ Ðức (mùa xuân 1975) đã mở rộng cửa tiếp đón và phục vụ hàng ngàn người tị nạn chạy trốn những hậu quả khốc liệt của chiến tranh. Ðó cũng là cách hoạt động tông đồ.
Những hoạt động trong lãnh vực giáo dục tiếp tục được thực hiện. Ðáng chú ý trong lãnh vực này là hoạt động của các cha Dòng Chúa Cứu Thế tại Viện Ðại Học Minh Ðức (Sài Gòn). Thoạt kỳ thủy, đây là Viện Ðại Học của Liên Dòng, nhưng càng về giữa thập niên 1970, vai trò của các cha Dòng Chúa Cứu Thế tại đây càng quan trọng.
Trong hoàn cảnh lịch sử đặc biệt của Ðất Nước những năm nửa đầu thập niên 1970, một vài linh mục, đặc biệt tại Sài Gòn, đã dấn thân vào các phong trào hoạt động vì những giá trị luân lý, công lý và hòa bình. Ðó cũng là một đường nét làm nên dung mạo Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam đầu thập niên 1970.
Như vậy, về phương diện hoạt động tông đồ - mục vụ, lịch sử Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam những năm 1969-1975 là một cuộc "trăm hoa đua nở" các cách thức và môi trường hoạt động khác nhau. Chưa bao giờ trong Tỉnh Dòng xuất hiện một sự phong phú và đa dạng như vậy về các lãnh vực hoạt động tông đồ. Hoàn cảnh lịch sử khách quan phức tạp và những yếu tố nội bộ tế nhị đã vừa tác động vừa đưa ra nhiều đòi hỏi, nhiều lời mời gọi trong lãnh vực hoạt động tông đồ. Ðàng khác, sự đa dạng trong các hoạt động tông đồ của Tỉnh Dòng có những mặt tích cực và những mặt tiêu cực của nó. Nhưng trên tất cả, tình yêu cứu độ của Ðức Ki-tô Cứu Thế luôn rộng mở đón nhận tất cả những nỗ lực của các linh mục-tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế trong lãnh vực cứu độ. Vượt quá những thăng trầm lịch sử, hiệu quả của các nỗ lực hoạt động tông đồ đó sẽ luôn còn mãi, trong Chúa Cứu Thế.
Về phương diện đào tạo, lịch sử Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam thời cha Henri Bạch Văn Lộc làm Bề Trên Giám Tỉnh cũng có nhiều biến cố đáng chú ý, để lại những kinh nghiệm sâu sắc. Trong số các biến cố đó, phải kể đến việc di chuyển Học Viện từ Ðà Lạt về Thủ Ðức (năm 1971), việc mở lại Tập Viện (năm 1973) sau 5 năm gián đoạn, việc tiếp tục chương trình "vào đời" dành cho các anh em sinh viên dự tập, và việc sáp nhập Tiểu Ðệ Tử Viện Vĩnh Long vào Ðệ Tử Viện Thủ Ðứùc (năm 1973).
Về phương diện linh đạo, cùng với toàn thể Hội Dòng, Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam bắt đầu sống theo Hiến Pháp và Quy Luật 1969. Ðây là bản Tu Luật được soạn thảo theo tinh thần và các đòi hỏi canh tân của Công Ðồng Vaticanô II, và là bản Tu Luật mang tính thử nghiệm, chuẩn bị cho việc thiết lập một bản Hiến Pháp và Quy Luật hoàn chỉnh và chính thức, phù hợp với tinh thần mới. Vì vậy, cuộc sống tu hành trong những năm sống theo Hiến Pháp và Quy Luật 1969 đòi hỏi mọi người phải vừa cởi mở vừa thận trọng với các yếu tố mới, và phải luôn biết phân định thần loại một cách tích cực dưới tác động của Chúa Thánh Thần. Tìm một hướng sống linh đạo thực sự trung thành với truyền thống và đặc sủng, đồng thời đáp ứng được những nhu cầu canh tân, quả thực không phải là điều đơn giản. Chiến tranh và những biến động chính trị - xã hội càng làm cho việc đó trở nên khó khăn.
Ðể phần nào hạn chế những yếu tố tiêu cực của cuộc chuyển mình, bên cạnh việc dịch thuật, phổ biến và tổ chức học hỏi về Hiến Pháp và Quy Luật 1969, Tỉnh Dòng mời linh mục F.X. Durrwell, một thần học gia hàng đầu của Hội Dòng thời nay, đến giảng tĩnh tâm cho toàn Tỉnh Dòng trong hai đợt cấm phòng: từ 14-18/7/1970 (tại Sài Gòn) và từ 26-30/7/1970 (tại Nha Trang).
Về phương diện đời sống cộng đoàn, lịch sử Tỉnh Dòng giai đoạn này đã để lại rất nhiều kinh nghiệm quý báu và độc đáo, tích cực cũng như tiêu cực. Hoàn cảnh lịch sử - chính trị - xã hội phức tạp, không khí hồ hởi của cuộc canh tân sau Công Ðồng Vaticanô II, những yếu tố nội tại của lịch sử phát triển Tỉnh Dòng và nhiều yếu tố tế nhị khác, đã làm cho giữa các anh em trong Tỉnh Dòng có những sự khác biệt đôi khi khá sâu sắc về các chọn lựa dấn thân - phục vụ, về các lập trường tư tưởng, về các quan niệm tu đức, về các cách thức thực hiện lý tưởng và đặc sủng của Dòng. Những sự khác biệt ấy có nhiều mặt tích cực, song cũng có những mặt tiêu cực. Tuy nhiên, điều đáng nói là mặc dù khác biệt thế nào đi nữa, tình huynh đệ cộng đoàn vẫn là một thực tại vừa sâu xa vừa mạnh mẽ trong đời sống Tỉnh Dòng.
Tháng 01-1971, cha Bề Trên Tổng Quyền Tarcis Ariovaldo Amaral và cha Tổng Cố Vấn Da Costa, kinh lược Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam. Chỉ thị của cha Bề Trên Tổng Quyền sau kỳ kinh lược có thể tóm tắt trong ba nội dung sau đây: (1) Lạc quan về tương lai Tỉnh Dòng; (2) Ðoàn kết chặt chẽ là điều kiện thiết yếu để vượt qua mọi khó khăn; (3) Tránh ảo tưởng: những giải pháp vội vã và hời hợt không phải luôn luôn là giải pháp hay nhất.
Tại Rôma, từ 01/9 - 04/10/1973, đã diễn ra Tổng Công Hội lần thứ XVIII. Cha Joseph Georges Pflab đắc cử Bề Trên Tổng Quyền. Toàn thể Hội Dòng nói chung và Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam nói riêng, tiếp tục công cuộc tìm tòi các cách thức thể hiện linh đạo và đặc sủng của Dòng Thánh theo tinh thần canh tân của Công Ðồng Vaticanô II.
Nhưng tình hình chính trị - quân sự - xã hội của Ðất Nước ngày càng phức tạp. Mùa xuân 1975, quân đội Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa mở chiến dịch Hồ Chí Minh. Ngày 30-04-1975, chiến dịch kết thúc. Chế độ Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ. Ðất Nước bước vào một khúc quanh lịch sử mới.
Và đó cũng là thời điểm kết thúc nhiệm kỳ thứ hai của cha Henri Bạch Văn Lộc trong chức vụ Bề Trên Giám Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam. Ngày 28-02-1975, cha Lê-ô Lê Trung Nghĩa đắc cử Bề Trên Giám Tỉnh nhiệm kỳ 1975-1978.
Trong sáu năm, từ 1970-1975, lịch sử Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam là lịch sử của một cuộc "trăm hoa đua nở" về chọn lựa dấn thân, về lập trường quan điểm và về hoạt động tông đồ. Ðó cũng là lịch sử của những cố gắng tìm kiếm các cách thức hoạt động tông đồ và sống linh đạo của các linh mục, tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, sao cho vừa trung thành với những đòi hỏi của Tin Mừng, trung thành với đặc sủng và tinh thần của Thánh An-phong là rao giảng Tin Mừng cứu độ cho những người tất bạt, đồng thời vừa đáp ứng những đòi hỏi của thời đại, của Ðất Nước và của Giáo Hội theo tinh thần của Công Ðồng Vaticanô II.
Một giai đoạn nỗ lực của con người. Cũng là một giai đoạn tác động của ân sủng.