NIỀM VUI VĨ ĐẠI - Kỳ 1
“Evangelizo vobis gaudium magnum... ” ( Lc 2, 10 )
HỒI KÝ 50 NĂM LINH MỤC
Kính gửi cha mẹ, các bề trên, giáo sư, ân nhân và bạn hữu
để tỏ lòng biết ơn vì bao khích lệ, giúp đỡ, hợp tác và bao dung
trong suốt cuộc đời Linh Mục của tôi.
Lm. Roco Nguyễn Tự Do, DCCT, 8.9.1956 – 2006
NHỮNG CỘT MỐC
1. VIẾT HỒI KÝ
Hôm nay, 6.9.2005, tôi kỷ niệm lần thứ 77 ngày lãnh nhận Thánh Tẩy tại Nhà Thờ nhỏ của Giáo Xứ Nhân Lộ, Giáo Phận Thanh Hóa, bởi tay vị Linh Mục khả kính: cha già Phong. Tôi không quên khung cảnh của ngôi Nhà Thờ đó, với hai cái ao, với tháp chuông, với đường kiệu quanh Nhà Thờ được lát gạch nung, đây đó có cây hoa đại, và cảnh Nhà Xứ thầm lặng mà mỗi lần bước vào, tôi cũng như mọi Giáo Dân khác, luôn luôn khép nép kính cẩn. Ở ngoài cổng vào Nhà Xứ là phòng khách, nơi Cha Xứ tiếp khách. Không mấy ai được ngài tiếp trong Nhà Xứ. Tôi vẫn nhớ là chả mấy khi được ngồi lúc gặp Cha Xứ, nhất là bọn nhi đồng chúng tôi.
Ngôi Nhà Thờ không lấy gì to tát vĩ đại, nhưng đối với tôi lúc ấy nó thật mênh mông. Đi từ cuối Nhà Thờ đến nơi dành cho thiếu nhi gần Cung Thánh là một hành trình dài dẵng, qua bao cặp mắt của người lớn, của các ông bà Quản. Nhưng người theo dõi tôi kỹ càng nhất chính là mẹ tôi. Bà cần biết tôi đã về nơi để dự lễ, và từ chỗ của bà, bà theo dõi từng động tác của tôi. Có gì đáng trách, bà sẽ hỏi ngay khi xong lễ. Bà đứng chờ tôi tại cửa Nhà Thờ. Bà rót nhẹ vào tai: “Con đã làm gì lúc nẫy... ?”
Đã từ lâu tôi thường mừng kỷ niệm ngày Rửa Tội của tôi, coi ngày đó đáng nhớ hơn cả sinh nhật ( 28.8.1928 ) Tôi muốn nhớ mãi ngày được làm con Chúa, sau khi đã được làm con của cha mẹ tôi, của người trần.
Trong vài ngày nữa, tôi cũng sẽ mừng kỷ niệm đời Linh Mục của tôi bước vào năm thứ 50, và tôi muốn đánh dấu ngày này, suốt cả năm này bằng những trang hồi ký này.
Hồi Ký tức là viết về mình. Người ta thường nói: “Cái tôi khả ố”, dễ ghét, đáng ghét. Viết về mình không phải để “mèo khen mèo dài đuôi”, nhưng tôi ước mong đời mình gióng lên một lời tạ tội và biết ơn. Cuộc đời của con người càng kém cỏi bao nhiêu thì càng chúng tỏ lòng nhân hậu của Chúa bấy nhiêu. Tôi thầm nghĩ có lẽ Thiên Chúa cũng muốn mỗi người chúng ta ca tụng Chúa bằng cả cuộc đời của mình, bằng chính những yếu đuối tội lổi của mình. Chính những tội lỗi ấy là dịp thuận tiện làm chứng cho lòng yêu thương lân tuất của Chúa hơn là những việc tốt ta làm được, vì bản chất của Thiên Chúa là chính lòng thương nhưng-không: “Ngài đã đoái đến phận hèn tôi tớ...”
Tôi không viết hồi ký để làm bảng kê khai những tội lỗi của tôi. Chả thấy Chúa Giê-su kê khai tội lỗi của ai hay bắt người ta phải rành rọt kể lại những tội lỗi của mình, Ngài chỉ đòi một thái độ sám hối, lòng Tin và nhất là Mến. Tôi chỉ muốn được nghe Chúa nói như Ngài đã nói về Mai-đệ-liên: “Được tha nhiều vì đã mến nhiều”.
Tê-rê-sa Hài Đồng có nói rằng: “Nếu tôi phạm hết mọi tội lỗi có thể trên trần gian này, thì tôi vẫn tin ở tình yêu thương nhân hậu của Thiên Chúa”. Tê-rê-sa chỉ nói thế thôi chứ chị đã sống một cuộc đời tươi sáng tinh anh trong chốn Tu Viện. Đời của tôi đã dài gần gấp 3 đời của Tê-rê-sa và tôi đã có đủ thời giờ để phạm tất cả mọi tội lỗi trên trần gian này, và tôi muốn thực hành điều Tê-rê-sa đã nói trong phần 2 của tư tưởng của chịø: Tin vào Tình Thương của Chúa.
Kể lại đời mình là để chứng tỏ niềm tin ở Tình Thương của Chúa đối với mình, đồng thời làm chứng cho Tình Thương bao la ấy đối với một con người cụ thể. Chúa yêu thương một người cũng trọn vẹn như đối với tất cả nhân loại. Mỗi người cảm nhận tình thương của Chúa trọn vẹn như chính Chúa là Tình Thương duy nhất. Hạnh phúc của một con người là điều Chúa muốn, như hạnh phúc của tất cả mọi người trong nhân loại là điều Thiên Chúa thiết tha.
Tôi đã nhận lãnh Tình Thương của Chúa cách trọn vẹn đồng thời với tất cả mọi hồng ân, sự cứu giúp, đùm bọc che chở, như Chúa chỉ có một mình tôi để thi thố tình thương của Người. Chỉ có một điều quan trọng là tôi đã có lúc từ chối Tình Thương ấy, đồng thời từ chối những phương thế mà Chúa ban để được hưởng trọïn vẹn đến mức tối đa những hiệu quả của Tình Thương ấy: Tình Thương không biên giới !
Một lỗ còng trên bờ biển hút nước no say, nhưng đại dương vẫn không hề suy giảm, và từng triệu triệu, từng tỉ tỉ lỗ còng trên khắp mọi bờ biển vẫn không ảnh hưởng gì đến mực nước biển mát xanh dưới mọi bầu trời.
Tôi đã từng tham dự các buổi lễ tạ ơn Tân Linh Mục, Ngân Khánh, Kim Khánh và cả Ngọc Khánh Linh Mục. Anh hùng của buổi lễ luôn nhắc nhở đến Tình Thương của Thiên Chúa đối vối các ngài, mặc dầu các ngài xưng mình chỉ “là đầy tớ vô duyên, vô duyên bất tài”, là “đầy tớ vô dụng”... Tôi nghe như thế mãi, và khi tuổi đời Linh Mục của tôi càng lớn, đạt Ngân Khánh và bất ngờ thay, sắp đạt Kim Khánh, tôi thử nghĩ xem mình sẽ mừng kỷ niệm ấy ra sao. Mừng mà không nói lại những gì mình đã nghe quá nhiều, mừng với những tư tưởng “khác đời, khác người”. Ấy thế mà càng nghĩ, tôi càng thấy không có gì hơn là nói lại chính lời tạ ơn đó, nói lại sự bất xứng bất tài của mình là một sự thật hiển nhiên và chân thành nhất, đúng nhất. Thế nhưng.....
2. TRAO SỨ VỤ VAø PHONG CHỨC
Tôi nghĩ vẩn vơ: cá nhân tôi chưa bao giờ có dịp chứng kiến một nghi lễ tấn phong gì bên tôn giáo bạn Phật Giáo. Tôi chưa nghe nói đến lễ Kim Khánh, Ngân Khánh mừng quy y, lãnh chức Tăng Ni, Đại Đức, Thượng Tọa, Hòa Thượng của một vị lãnh đạo Phật Giáo. Có thể có nhưng tôi không được biết.
Tôi có quen thân với Hòa thượng Thích Trí Dũng, trước ở Phổ Quang Tự và sau về Thủ Đức với cơ sở riêng nơi có chùa Một Cột. Vì không có biểu tượng hay dấu chỉ bên ngoài mà chỉ với chiếc áo nâu tầm thường, tôi cứ xưng ngài là Thượng Tọa, đang khi ngài đã là Hòa Thượng từ thuở nào rồi. Tôi đã phải xin lỗi ngài và ngài vẫn tỏ ra không mấy khó chịu về cách xưng hô sai lầm của tôi. ( Ảnh: Thượng Tọa, sau là Hòa Thượng Thích Trí Dũng cùng hợp tác trong chương trình Phát Thanh Tôn Giáo và Đời sống. )
Báo chí cũng không đem lại cho tôi tin tức về những lễ mừng các Mục Sư hay Giám Mục bên Tin Lành... Tôi nghĩ có lẽ tại mình không biết thôi. Chấp nhận như thế. Nhưng thành thật mà nói: Công Giáo ta thì đầy dẫy !
Trên bình diện một Giáo Xứ, một Địa Phận và đến cả Giáo Hội toàn cầu, Lễ Kim Khánh Linh Mục của Đức Gio-an Phao-lô 2 mang tính cách toàn cầu khi ngài mời đến Rô-ma mấy ngàn Linh Mục đã thụ phong một năm với ngài và cũng mừng Kim Khánh Linh Mục trong năm.
Trở lui lại ngày “thụ phong”. Đó là ngày lễ Sinh Nhật Đức Mẹ, 8.9.1956. Anh em cùng lớp Linh Mục năm đó có 8 người: Đinh Khắc Tiệu, Đinh Ngọc Quế, Trần Đình Phúc, Nguyễn Tự Do, Nguyễn Hữu Phú, hai cha Vũ Văn Phát và Nguyễn Thiết Đỉnh đã chịu chức trước đó mấy ngày. Cùng ngày có cha Thống từ Đại Chủng Viện Quy NHơn vào Dòng khi đã có chức bốn. Ba trong số các anh em đó đã qua đời: Cha Đỉnh ngày 6.10.1966: Cha Phát ngày 26.8.1995 và cha Thống ngày 26.9.2005.
Cha Bề Trên Phụ Tỉnh lúc đó là cha Alphonse Tremblay. Trước đó ngài cũng là vị Giám Học của chúng tôi sau nhiệm kỳ của cha Thomas Côté. Hai vị Giám Học tuyệt vời này đã để lại dấu ấn sâu đậm nơi chúng tôi. Cha Giám Học lúc chúng tôi nhận tác vụ Linh Mục là cha Tê-pha-nô Chân Tín, người Việt Nam đầu tiên mang trọng trách này sau khi đã du học Rô-ma. Ngài cũng là giáo sư Thần Học Tín Lý và đã đưa chúng tôi vào một nền thần học “Quy Ki-tô” và “Quy Giáo Hội”. Tôi luôn quí mến biết ơn ngài. Hiện nay, mặc dầu đã 86 tuổi, ngài vẫn nhiệt tình dạy Giáo Lý cho các Dự Tòng và hăng say việc truyền giáo tại Giáo Điểm Cần Giờ, nơi ngài đã phải “lưu trú” trong 3 năm. Đó là những người thầy mà Chúa Quan Phòng đã ban cho chúng tôi, cùng với những giáo sư không quên được như cha Charles Eugène Raymond, giáo sư Thần Học Luân Lý, cha Giu-se Nguyễn Thế Thuấn, giáo sư Kinh Thánh rất lỗi lạc và đạo đức.
Hiện diện trong Thánh Lễ phong chức, còn có cha Antonio Boucher, cha Giám Tập của tôi, các cha các thầy trong Dòng. Người thân của tôi có chị tôi, Nữ Tu Marie Louise Minh Sâm, em tôi, Giu-se Nguyễn Tiến Hanh và anh Phan-xi-cô Khổng Minh Thư, người đã đem tôi vào DCCT. Vị Giám Mục phong chức cho chúng tôi lại là Đức Cha Louis De Cooman Hành, Giám Mục Thanh Hóa, người đã ban phép Thêm Sức cho tôi hơn 20 năm trước vào ngày 25.3.1935. ( Ảnh: Bức ảnh Kỷ niệm ngày lãnh tác vụ Linh Mục do cha Bề Trên Phụ Tỉnh Alphonse Tremblay tặng với lời chính tay ngài ghi ).
Tôi sẽ nói thêm về ngày tôi lãnh tác vụ Linh Mục trong mấy đoạn sau. Đây là cảm nghĩ của tôi về “Lễ Phong Chức”. Trong quá khứ, các lễ “Phong chức” Linh Mục được cử hành đơn giản hơn ngày nay. Là một biến cố lớn trong Dòng cũng như trong các Giáo Phận, nhưng khía cạnh thiêng liêng nổi bật. Trước ngày trọng đại ấy là những ngày “cấm phòng” nhặt. Các “tiến chức” không quan tâm đến khách mời, đến phẩm phục, tiệc tùng, đưa rước... Các vị chỉ có một việc là cầu nguyện, là suy niệm trong thinh lặng và xa vời với mọi thứ lễ lạt hào nhoáng bên ngoài.
Tôi nhớ lúc chịu chức, năm 1956, chúng tôi không biết trước ai sẽ có mặt dự lễ, kể cả người trong gia đình. Ngay sau khi chịu chức mới là những gặp gỡ người thân thuộc, gia đình, với những phép lành đầu tiên, với tất cả “tấm lòng và hai bàn tay còn thơm dầu Thánh”. Thế rồi các Tân Linh Mục được mừng trong bữa cơm trưa hôm ấy. Ngày hôm sau, thời ấy chưa có lễ đồng tế, một anh em dâng lễ cho cộng đoàn, các người khác dâng lễ nơi bàn thờ nhỏ, sau đó cuộc sống mới tiếp tục như “cũ”.
Ngày nay, tôi có cảm tưởng như “được Phong chức Linh Mục” là một ân huệ “giữa đời”. “Thành đạt”, “khai mạc một nếp sống mới”, “Thăng quan tiến chức” với nhiều điều sáng sủa vinh quang hơn. Do đó, đời Linh Mục khai mạc trong tiệc tùng, đón rước, quà cáp, vinh dự và... tiền bạc của cải ! Tôi không thích lắm các cuộc “Lễ tạ ơn” kéo dài cả tháng và có khi cả mấy tháng trời. Tôi có cảm tình với Đức Cha Phao-lô Ma-ri-a Nguyễn Minh Nhật khi ngài quy định việc hạn chế các cuộc yến tiệc mừng các tân Linh Mục trong Giáo Phận của ngài.
Nghe nói có một vài Giám Mục khác cũng theo đường hướng đó. Dĩ nhiên không phải ai cũng hưởng ứng. Ở đâu đó người ta vẫn mừng “trọng thể”, để “tạ ơn”. Và để không trái với lệnh phải hạn chế số người dự tiệc, người ta đã làm nhiều nữa tiệc mà số khách vẫn “đúng tiêu chuẩn”. Cũng có những bữa tiệc được tổ chức ngoài vùng đất trách nhiệm của vị Giám Mục. Tôi không hứng thú mấy với những sự ấy. Không hiểu mình có “cổ lỗ xĩ” không, hay là tôi đã “ghen” với các thế hệ ngày nay “may mắn” hơn mình ngày xưa chăng !
3. CON BÁC THỢ MỘC...
Do bởi quan niệm Linh Mục là một chức “cao quyền trọng”, được “thăng chức Linh Mục”, và sau đó là “vinh quy” đã làm cho nhiều người hiểu và hành động sai lệch, đồng thời đưa đến những tiếng đồn hư hư thực thực là có những người đã đóng “cây” để được phong chức hay cũng đã “buộc lòng” chấp nhận một số “dạy dỗ”, “điều kiện” làm mất sự thư thái độc lập trong việc thi hành nhiệm vụ. Lắm tiếng đồn !
Nghiễm nhiên một người trẻ tuổi chưa quá 30 mà được chính thức gọi là “cha”, và cha mẹ của vị tân Linh Mục nghiễm nhiên được thăng chức “ông cố, bà cố”. Rõ ràng là một biến cố, một cuộc “đổi đời”. Những gì “của cha”, hay liên hệ đến cha như cũng đuợc thăng chức.
Cha Bernard Haring, trong cuốn: “Giáo Hội cần loại Linh Mục nào ?“ tập hợp những kinh nghiệm góp nhặt trên đường đời, đã kể lại câu chuyện về con chó của cha sở như sau: “Lúc đi một mình, tôi tự võ trang bằng vài cục đá để tự vệ, phòng chống khả năng con chó có thể tấn công bất cứ lúc nào. Vào một ngày như thế, con chó của cha sở chứng tỏ thế “thượng phong” của nó và tấn công tôi. Nó cắn đúng vào chỗ kín của tôi. Hoảng sợ, tôi chạy về nhà với mẹ, khóc bù lu bù loa suốt con đường. Sau khi chăm sóc vết thương cho tôi, mẹ tôi dẫn tôi đến Nhà Xứ và xin gặp cha sở để ngài tận mắt chứng kiến những gì con chó hung dữ của ngài đã gây cho tôi. Người giúp việc của ngài lạnh lùng trả lời: “Con Ki không vô cớ tấn công ai bao giờ”.
Chưa hết. Nhiều năm sau, ngài đã là Linh Mục và được mời về giảng tại xứ nhà. Tối kia, sau khi xong nhiệm vụ, ngài trở về Nhà Xứ. Con chó lại sủa inh ỏi. Cha kể: “Vì chẳng ai chú ý, tôi đánh liều mở cửa và lập tức bị con chó độp một phát vào cổ. Hoảng hồn, tôi kêu thét lên. Nhưng một lần nữa, tôi hết sức ngạc nhiên và không thể tin vào tai mình khi nghe có tiếng nói vọng ra: “Con Ki không bao giờ vô cớ bắt nạt ai”. Thế đấy, đến con chó của cha sở cũng “vô ngộ” như cha sởù !
Rồi từ ngày làm “cha”, cuộc sống “lột xác”, đổi thay, lên cấp. Chắc chắn là thêm việc, và do đó thì không còn thời giờ cho nhiều việc khác. Có nhiều Giáo Dân đã phát biểu về những Tân Linh Mục sau vài tháng nhận tác vụ: “Lúc làm thầy thì dễ thương, nhã nhặn, khiêm tốn mà làm “cha” rồi thì kênh kiệu, cao vời và không coi ai ra gì nữa. ”Tôi biết có một Tân Linh Mục được bổ về làm phó một Giáo Xứ hơi xa thành phố. Trước khi về nhận nhiệm sở, vị Linh Mục đó làm một cuộc thăm dò về xứ mới. Nơi đây không có nước máy. Nhà Xứ, như mọi nhà Giáo Dân, dùng nước ở một cái mương suối chảy qua, có hơi nhuốm mặn. Linh Mục phó xứ đưa ra mấy điều kiện với Cha Xứ già: phải có nước mưa cho ngài tắm mỗi ngày vì... , phải sắm cho ngài một chiếc xe gắn máy đề ngài còn lui tới thành phố học hành thêm...
Xem lý lịch của nhiều Linh Mục, dễ dàng nhận thấy rất nhiều người xuất thân từ những gia đình nghèo, nơi vùng quê, nơi mà cái nhà tắm và toilette là vườn ngô. Có những người đã từng làm ruộng, chăn bò, bắt ốc nơi ao đìa, thế mà khi làm Linh Mục rồi thì đã vội quên nguồn gốc của mình để có những đòi hỏi yêu sách của nhà giàu và bậc quý phái. Quên đi “Con bác thợ mộc... ”
Đức Cha Nicolas Huỳnh Văn Nghi là một vị Giám Mục mà tôi từng tiếp xúc và biết những công việc ngài làm trong phạm vi xây cất, xã hội và bác ái. Trong nhiều năm, ngài vẫn dùng một chiếc xe hơi cũ. Trong các cuộc thăm viếng mục vụ, không ít lần chúng tôi đã chứng kiến cảnh vị Giám Mục xắn tay áo sửa xe khi có sự cố. Vị Giám Mục đã từng cho xe dừng lại để phủi bụi bám vào áo Dòng trước khi đến địa điểm hành lễ. Chúng tôi đã gặp các em của ngài. Họ vẫn tiếp tục sống đơn giản trong những căn nhà tầm thường, bán nước giải khát bên vệ đường vùng Hàng Sanh.
Đức Giám Mục Phao-lô Tịnh Nguyễn Bình Tĩnh để chúng tôi ngồi lại phòng khách để đi vào bên trong đem ra mấy chai nước tiếp khách bởi ngài có thói quen “tự lo như thế” từ trước. Đức Cha Giu-se Nguyễn Quang Tuyến, Giám Mục Bắc Ninh thương đi thăm mục vụ những Giáo Họ xa xôi hẻo lánh, tìm bụi bờ để giải quyết các đòi hỏi tự nhiên. Chấp nhận những điều kiện sinh sống và hoạt động, thi hành nhiệm vụ trong những điều kiện bình dân nhất. Đức cha Bartholomeo Nguyễn Sơn Lâm bao giờ cũng có mặt đón khách và đưa khách rất thân tình. Đức cha G. Nguyễn Chí Linh cùng dọn bàn sau khi ăn và đưa chén bát vào nhà bếp. Đức cha Gia-cô-bê Nguyễn Văn Mầu chỉ hút thuốc Bastos rẻ tiền, dành loại ba số cho khách...
Tôi nhớ vào đầu thời gian hoạt động Linh Mục, tôi được Bề Trên sai đi vùng Hoài Nhơn, thuộc Giáo Phận Quy Nhơn để giúp Tân Tòng. Cha Xứ, cũng tên Nhơn, gây cho tôi ấn tượng đầu đời Linh Mục. Đó là một Linh Mục bình dân, khắc khổ nhưng tràn ngập nhiệt thành tông đồ. Ngài xin tôi mở các cuộc nói chuyện với đồng bào bên lương. Với vốn liếng hiểu biết vế các tôn giáo mà tôi có được qua các bài thuyết dạy của cha Gérard Gagnon Nhân, nhờ những kinh nghiệm sống tôi đã có được qua những cuộc học hỏi ở các Chùa tại Đà Lạt, nhất là Chùa Linh Sơn, tôi thấy vững tâm khi đương đầu với từng mấy ngàn người kéo về nghe và không ngại chất vấn tới nơi tới chốn.
Các buổi thuyết giảng kéo dài từ 7 giờ tối đến khoảng 10 giờ và có khi 11 giờ đêm. Dân chúng ngồi dưới đất, giữa ruộng, giữa sân, nơi bờ biển. Chúa cho tôi có giọng nói mạnh, rõ ràng và chinh phục được người nghe. Tìm đâu ra những hệ thống âm thanh nơi đô thị ở chốn nhà quê này. Mấy năm sau, trở lại thăm Cha Xứ, được ngài cho biết: “Cha phải đi thăm lại tất cả các nơi cha đã giảng ngày trườc. Nay ở đâu cũng có Nhà Thờ Nhà Nguyện và cả trăm người Tân Tòng”. Tôi không nghĩ rằng đó là kết quả của các bài diễn giảng của tôi mà là do lòng nhiệt thành, chí tông đồ của ngài và sự hợp tác của các Giáo Lý Viên, những Tông Đồ Giáo Dân được Cha Xứ hướng dẫn và sự thúc đẩy của vị Giám Mục tôi rất quý mến, Đức Cha Phê-rô Ma-ri-a Phạm Ngọc Chi.
Nhưng điều tôi muốn nêu lên ở đây là cuộc sống của Thừa Sai. Nhiều nơi ngưới ta “quên” cho tôi ăn. Đạp xe 10 cây số để cấp tốc phải lên diễn đài, vì “người ta chờ đợi lâu lắm rồi”. Một ly nước chè nóng giải quyết mọi mệt nhọc trên những con đường làng, ven bờ ruộng hay những đường lối quanh co của núi đồi. Xong việc, người ta chỉ cho tôi một căn nhà hay một cái phản ở cổng đình hay nhà nào đó, rồi ai nấy rút lui. Nằm lại một mình, không có gì ăn, không nơi vệ sinh. Mệt quá, cứ lăn ra ngủ. Về sau, rút kinh nghiệm, chúng tôi đem theo vài hộp sữa, và khi không còn ai thì nút sữa cho đỡ đói. Cứ đi mấy ngày như thế xong, Cha Xứ lại cho chúng tôi về lại Nhà Xứ để lo tắm rửa, vệ sinh, nghỉ ngơi một hai ngày rồi lại lên đường đến địa điểm mới. Cha Xứ cũng không làm gì khác, và luôn nụ cười trên khuôn mặt phúc hậu...
Có điều chúng tôi không làm được tức là ban ngày giảng dạy và tối đến thì cầu nguyện một mình trên núi, như Chúa Giê-su đã từng làm. Nhưng rõ ràng người Thừa Sai cũng không hơn gì nhưng còn có một nơi gối đầu. Thỉnh thoảng Chúa ghé mấy nhà quen và ân cần như gia đình của mấy chị em La-da-rô. Ngài cũng có một thân xác yếu hèn, lắm nhu cầu như ta. Điều muốn nói ở đây là đã phục vụ người nghèo thì đừng đòi hỏi những gì người nghèo không thể đòi hỏi được, có sao thì chấp nhận như vậy, chấp nhận kham khổ, thiếu thốn và cố gắng “trở nên một người giữa mọi người”, như cách nói của cha B. Haring. Người Linh Mục không quên nguồn gốc của mình, nguồn gốc nghèo, bình dân, như các Tông Đồ là những người lao động, đánh cá tầm thường.
Chúa Giê-su có khả năng để chọn những kẻ khôn ngoan, những người giàu sang và quyền thế để làm Tông Đồ. Nhưng Ngài lại chỉ chọn những kẻ bình dân, những ngư phủ, người lao động và hèn kém trong xã hội, để thế giới không thể gán cho sự tinh khôn, tiền bạc và thế lực là sức đẩy để “Tin Mừng lan tràn khắp thế”, một giấc mơ bá chủ vĩ đại của con người lầm than suốt đời được biết đến như là “Con bác thợ mộc Giu-se”.
Tôi đã từng được nghe giảng dạy và tuyên bố Giáo Hội cho người nghèo, noi gương Chúa Ki-tô được sai đến để “loan Tin Mừng cho người nghèo khó”. Phục vụ người nghèo như một đối tượng ưu tiên, thế nhưng cuộc sống của nhiều vị lãnh đạo vẫn có mùi giàu sang và tỏ ra thích hào nhoáng. Có một số tác giả – thần học gia, sử gia – đã thích trở về nguồn và “moi ra” những dấu vết của sự rềnh ràng sa hoa hào nhoáng trong Giáo Hội, kể từ thời mà có các “Linh Mục của triều đình”, “Giám Mục của hoàng đế” với những đặc ân, đặc quyền, đặc lợi. Những cách kêu gọi, xưng hô trước nay không lâu: Son Eminence, Son Excellence Monseigneur, Révérendissime, Révérend... đều mang mùi mẫm triều đình...
Và Giáo Hội, qua các vị Giáo Hoàng Gio-an 23, Phao-lô 6, Gio-an Phao-lô 2 đã dần dần có những đổi thay. Người ta còn nhớ khi Đức Phao-lô 6 cắt bớt cái “đuôi” dài đến 3 thước trong phẩm phục của các Hồng Y, thì đã có những sự phản đối khá kịch liệt tại Giáo Triều Rô-ma. Đời tôi đã chứng kiến những sự đổi thay: đôi giầy của vị Giám Mục được bưng trang trọng trong các lễ nghi đại trào, triều thiên ba tầng, chiếc kiệu tám người khiêng đã được thay thế bởi một chiếc xe đơn giản. Tuy vậy, tôi không bao giờ muốn làm cách mạng, nên trong những trường hợp công khai, tôi vẫn dùng cách xưng hô “cao cả” nêu trên.
Trong cuốn phim về DCCT Việt Nam, tôi vẫn trịnh trọng dùng “Révérendissime Père Général, Très Révérend père... để chỉ về các Bề Trên cao cấp trong Dòng. Cuốn phim đã được chiếu tại Rô-ma, và có người hiện diện đã cho tôi biết là các vị tại trung ương đã có những nụ cười hóm hỉnh khi nghe đến những cách xưng hô đầy kính cẩn đó. Biết như thế, trong dịp được gặp cha Bề Trên Cả và các cố vấn trung ương tại Rô-ma hồi đầu năm 2002, tôi đã đề phòng, và như mọi người, chỉ gọi cha Bề Trên Cả là “Père Général”. Đang khi đó thì tại Việt Nam, do lòng kính trọng truyền thống sẵn có, những kiểu xưng hô trang trọng vẫn được đòi hỏi và được sử dụng cặn kẽ.
Người đời nay đã đơn giản hơn nếu không muốn nói là đã dân chủ hơn, hay như dưới khía cạnh đạo đức: đã mất Lòng Tin và chẳng còn nhìn nơi các đấng các bậc như là những đại diện của Chúa Ki-tô. Người ta không còn dùng “Vous”, mà là “Tu” khi nói với Thiên Chúa, với Chúa Giê-su, như muốn trở nên thật gần gũi với Đấng Tối Cao nhưng đã trở nên “một người giữa chúng ta”. Sau 30.4.1975, đi trên đường, tôi được người ta vui vẻ chào: “Chào đồng chí cha !” Từ đó, người ta gọi tôi bằng nhiều danh xưng khác, nhưng điều đó chẳng có gì là quan trọng khi nhớ đến Thầy Chí Thánh đã bị gọi là “tên phản động”, “kẻ làm loạn”, thằng khùng, bị quỉ ám, tên phạm luật”.
Khó mà tưởng tượng ra hết mọi sự chửi bới mạt sát đay nghiến mà các người lính Đức Quốc Xã đã dùng đối với các Linh Mục, Tu Sĩ trong thời bị tập trung. Tôi được biết có lần cán bộ gọi Đức Cha Nguyễn Văn Bình là “thằng“. Như thế thì ta cũng chẳng quan tâm lắm nếu có những người gọi chúng ta bằng những danh từ không mấy lịch sự; và đối xử với ta như là những tên gian ác, những “công dân ghẻ lở”, những phần tử cần phải đề phòng và loại trừ...
Lm. NGUYỄN TỰ DO, DCCT ( còn tiếp nhiều kỳ )
NIỀM VUI VĨ ĐẠI - Kỳ 2
HỒI KÝ 50 NĂM LINH MỤC
NHỮNG CỘT MỐC ( tiếp theo )
4. NGHỀ LINH MỤC
Trong một buổi “làm việc” với Công An, tôi được hỏi: “Nghề gì ?” – “Tôi là Linh Mục”. Người Công An im lặng một hồi khá lâu, xong anh nói: “Linh Mục là phản động”.
Đối với anh Công An, đó là chân lý. Anh đã được dạy như thế từ lâu rồi, anh đã thuộc các bài học ấy. Tôi nhớ lại thời gian đi tù, một trung úy Công An, sau thời gian tiếp xúc với tôi, đã thành thật nói với tôi: “Linh Mục không phải như người ta đã nói với chúng tôi”. Nhưng anh Công An của sở Công An TPHCM vẫn rất “chính thống” khi phán: “Linh Mục là phản động”.
Không im lặng trước lời vu khống đó, tôi trả lới anh: “Anh nói sai chính sách của nhà nước về sự tự do tôn giáo”. Anh Công An liếc tôi một cái, rồi cúi xuống xem xét hồ sơ của tôi. Sau một hồi, anh nhìn lên và lại phán: “Các ông chỉ lợi dụng tôn giáo để làm chính trị”.
Đó cũng là một “chân lý” anh đã được học. Người ta dạy cho anh mấy điều sai lạc đó. Tôi thưa lại: “Thưa cán bộ, cán bộ nói sai chính sách. Chúng tôi có nhiều việc phải làm, không có thời giờ để làm chính trị”.
Đối với họ “nghề Linh Mục” là “nghề chính trị”. Con người không phải chỉ có việc sống, làm ăn, được cai trị theo một thể chế nào đó. Họ quên hẳn rằng con người còn có tâm linh, còn có lương tâm, còn có linh hồn và còn có sự sống sau cái chết.
Linh Mục không làm chính trị và cũng không lợi dụng chính trị, quyền lực và cả tiền bạc để phục vụ Tin Mừng và làm tròn nhiệm vụ của mình. Tin vào các giá trị tự nhiên đó một cách quá đáng là đi ngược lại với “Hiến chương Nước Trời”. Thế thì nhiệm vụ, vai trò, chỗ đứng của Linh Mục trong xã hội là gì ? Chúa Giê-su đã không dùng người giàu có và của cải trần gian để chinh phục con người.
Giáo Hội thời bị bách hại tại Giê-ru-sa-lem rồi tại Rô-ma và ngay cả tại Việt Nam vẫn chinh phục tâm hồn con người. Tài sản của Tòa Thánh bị tước đoạt hết đưa đến quyềt định vị Giáo Hoàng tự giam mình tại Vatican để phản đối. Phải chờ cho đến Gio-an 23 mới có cuộc “Phi hành ra khỏi Vatican”, mở đường cho các cuộc công du vũ bão của Phao-lô 6 và nhất là của Gio-an Phao-lô 2.
Cách Mạng Pháp đã tàn phá của cải, cơ sở của Giáo Hội, đặt các Giáo Sĩ, Tu Sĩ ra ngoài vòng pháp luật. Chỉ trong 10 tháng, 546 Linh Mục trong số 828 người bị chất lên tàu đầy sang đảo Madame năm 1794 đã chết vì đói, vì bị bạc đãi, vì bệnh. Cách Mạng Pháp mãi là vết nhơ của một dân tộc văn minh đã có thành tích văn hóa và truyền giáo đáng nể trọng.
Thế nhưng Giáo Hội Pháp vẫn tồn tại và cả thời bụổi này vẫn liên tục gửi các Thừa Sai đi khắp vùng truyền giáo xa xôi. Trước 75 tại Miền Bắc và sau biến cố 30.4.1975 tại Miền Nam Việt Nam Giáo Hội đã bị tước đoạt nhiều cơ sở, ruộng đất và phương tiện kinh doanh để tự túc và phát triển. Các Giáo Phận và các Hội Dòng chịu nhiều mất mát nhưng Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam vẫn đứng vững, kiên cường, các ơn gọi Linh Mục Tu Sĩ nam nữ đông chưa từng có. Mọi sự đều có mặt trái, nhưng Thiên Chúa như có lúc để xẩy đến những sự “bất công đó” để chúng ta không quên bài học của việc Chúa đã làm là chọn 12 cột trụ của Hội Thánh giữa những thành phần gọi được là tầm thường, là “thấp hèn” trong xã hội.
Nếu các Giám Mục, Linh Mục và Tu Sĩ không quên cội gốc của Giáo Hội Chúa Giê-su đã lập và cội nguồn của chính mình thì họ sẽ luôn luôn khiêm tốn, hiền hòa nhân hậu và thật sự là như Đấng Messiah, “người tôi tớ đau khổ”, “phi bạo lực” không hề có khí giới nào khác là Tình Yêu, một Tình Yêu đi đến cùng. Một cách nào đó, họ sẽ thi hành điều tác giả thư Do Thái đã viết: “Họ sẽ có khả năng cảm thông với những kẻ ngu muội và những người lầm lạc, bởi vì chính họ cũng yếu đuối mà vì yếu đuối, nên người phải dâng lễ đền tội cho dân thế nào thì cũng phải dâng lễ cho chính mình như vậy” ( Rm 5, 2 – 3 ).
Không ai chối từ văn minh, tiến triển. Mọi sáng chế của con người phải được sử dụng cho vinh quang của Thiên Chúa và lợi ích của con người, nhưng những xa xỉ rõ ràng là không phù hợp với nếp sống của người tu hành, của Linh Mục.
Đừng quăng đá cho ai, đừng tận lực lấy cái rác trong con mắt kẻ khác đang khi tải cả một súc gỗ trong mắt mình. Nhưng thật tình, tôi không thích mấy Nữ Tu phát biểu rằng phải mặc đồ ngoại, vải ngoại, vì... lâu rách hơn hàng nội. Tôi quý trọng những Linh Mục không ngại tốn kém để có những chén thánh, những đồ lễ sang và đẹp xứng đáng với Thiên Chúa toàn năng. Có những cái không được tiếc, nhưng những gì liên hệ đến cá nhân của mình thì có lẽ không bao giờ bỏ qua nếp sống đơn sơ, bình thường, nhỏ bé, nghèo mọn.
Một tờ giấy thật nhỏ mọn, nhưng tôi không bao giờ quên những Thừa Sai Canada từng làm giám đốc Đệ Tử Huế. Tôi nhớ đậm nét các ngài cắt từng lề trang báo còn trắng để dùng lại. Một mảnh giấy cỡ bàn tay được người tù trân trọng cất giữ cẩn thận để vấn thuốc, gói cái gì đó, làm đóm hút thuốc... Có lẽ vì đã nằm lòng mà tôi không bỏ xọt rác những mẩu giấy, những chiếc phong bì... Tất cả đã là giấy thảo cho tôi viết bài, viết sách. Tôi chỉ cố gắng tận dụng của Chúa ban trong tinh thần “người nghèo của Gia-vê”.
Công An nói với tôi: chúng tôi biết rõ ở thành phố này có một Linh Mục có một bộ âm thanh nhất Sài-gòn. Cách nay cả chục năm, khi có ý định làm những cuốn phim về Nhà Dòng và Giáo Hội, nghĩ đến những cuộc hành trình qua những con đường vô cùng gian nan bùn lầy, lắm khi phải leo non lội suối, tôi đã mua lại một chiếc xe jeep cũ với giá 15 triệu. Công An biết ngay và hỏi tôi: “Ông mua xe làm gì ?“ Chắc hẳn không phài vì lý do hào nhoáng hay thoải mái, nhưng đối với họ thì chính là mục đích: để làm gì ? Đã có thay đổi. Bây giờ ai để ý đến Linh Mục mua xe ! Điều hệ trọng là đối với vị Linh Mục ấy. Mua xe để làm gì ?
Cuộc sống của một Linh Mục không phải để hào nhoáng, để đua đòi với đời, nhưng luôn nhắm đến việc sử dụng của cải trần gian để làm được công việc mình phải làm. Nhớ lại năm trước 75, tôi đã trang bị phòng thâu thanh tại Trung Tâm ATAS. Nhờ ơn Chúa và sự giúp đỡ của nhiều người, tôi đã sắm được, trang bị được phòng thâu với máy móc đắt tiền vào thời đó: máy thu Sony tốc độ 15 với băng lớn. Giá mỗi chiếc tương đương với một chiếc xe Wolswagen 12 chỗ.
Sau 75, các máy móc để thu, để sang, để quay phim 16 ly, máy chụp, máy chiếu và rất nhiều thứ khác một phần do Nhà Nước lấy, một phần để tại phòng tôi tại Kỳ Đồng... ( Xin lược bớt một đoạn ngắn )
Có một vật dụng tôi rất quý mến vì nó đã giúp tôi trong rất nhiều việc: cái bút máy Parker rất hợp tay. Tôi đã từng với nó viết nhiều bài báo, nhiều cuốn sách, ký hằng vạn bức thư trong và ngoài nước. Vừa về lại nhà sau gần 6 năm tù, tôi hỏi người nhà câu đầu tiên và mong muốn được nắm lại trong tay “người bạn đường” quý báu đó. Người nhà cho biết: một anh Công An xét nhà cầm cây bút ấy, lắc lắc mấy lần rồi phán: “Ăng-ten”, rồi dắt vào túi áo. Chiếc đồng hồ của tôi được nghe phán: “Điện đài !” cũng sẽ đi theo con đường ấy nếu không có sự can thiệp của một người lính: “Đồng hồ của người ta chứ đài gì mà đài”. Anh lính dằng lấy và trao lại cho người nhà tôi: “Chị giữ lại cho ông ấy”.
Trong tù, người ta gọi tôi ra chụp ảnh. Họ chụp tôi với chính máy của tôi: “Máy của ông đó. Đồ của ông thiếu gì ở trong này”. Tôi không biết tôi đã bị mất những gì. Tiếc nhất vẫn là những bản thảo sách của tôi đã viết xong, đánh máy: gần 400 trang đánh máy cuốn sách tôi đã viết trong cả chục năm: “Giáo Hội trong thế giới ngày nay” trong đường hướng Công Đồng Vatican 2, cuốn “Thư gửi con trước cuộc đời hôn nhân” cũng cỡ đó...
Nghĩ cho cùng thì tôi mất hết mọi sự qua cuộc biến cố xẩy đến năm 75, chung số phận với nhiều Giáo Phận, Dòng Tu, và một số lớn dân miền Nam. Giáo Hội vẫn sống, vẫn hoạt động và tôi cũng thế, tôi không tiếc xót, bởi vì đó là những phương thế Chúa ban một thời gian hoạt động.
Tôi chỉ tiếc là vì đã không còn cơ hội để đeo đuổi chí hướng. Tôi cứ tự an ủi mình rằng: ý Chúa chưa muốn. Chúa dẫn dắt lịch sử và đúng thời đúng lúc Chúa sẽ cho dấy lên “nhửng con cháu Áp-ra-ham từ những sỏi đá”. Có tiếc xót cũng chẳng đem lại lợi ích gì. Thôi thì ta cứ chấp nhận thời gian mới và làm những gì mới, khác với những gì ta từng quen làm với một hy vọng là “mọi sự sẽ tốt hơn” và ta lại có thể đóng góp sức lực và khả năng của mình cho cái gì khác, trong hoàn cảnh khác và với phương tiện mới khác, như câu chuyện xẩy đến cho tôi vào những ngày đầu của cuộc “đổi đời”.
Vào tháng 6 năm 75, vì không nhận được lệnh phải đi trình diện, tôi đến Tòa Tổng Giám Mục. Đức Tổng Bình có vẻ ngạc nhiên vì tôi không đi trình diện. Ngài lạc quan nói với tôi: “Cha đi trình diện đi, học tập 10 ngày rồi sau đó sẽ có thể lo việc phát thanh khi được phép”. Có lẽ ngài quá “ngây thơ” vì quên đi rằng: người ta sẽ không bao giờ chia sẻ quyền truyền thông với ai khác ngoài các cơ quan của chính quyền, hay thân với chính quyền.
Đến đây, tôi liên tưởng đến cái lý tưởng truyền Tin Mừng qua làn sóng điện, một lý tưởng tôi đã từng ôm ấp trong suốt cuộc đời Linh Mục...
5. GIẤC MƠ TRUYỀN THÔNG
Tôi không biết cái lý tưởng và quyết tâm phục vụ Tin Mừng qua các phương tiện truyền thông đã đến với tôi từ lúc nào. Tôi chỉ nhớ lúc ở đệ tử, tôi đã tham gia vào những sinh hoạt “nội san”, và thời gian ở Học Viện tôi đã cùng anh Nguyễn Ngọc Lan hỳ hục với nhau dùng thời gian giải trí để thực hiện nội san của Học Viện với những tờ pelure tẩm dầu, đánh máy với cả sức lực để chọc thủng giấy và dán đủ cách để những tờ ấy có thể nhân bản Ronéo. Lúc viết bằng tiếng Việt, khi bằng tiếng Pháp và phát hành trong các tu viện của Dòng tại Việt Nam, có lúc còn vượt biển sang Canada, Pháp...
Làm Linh Mục, tôi được chỉ định về Sài-gòn và tức khắc được mời thuyết giảng trong các chương trình “Tiếng Vọng Tình Thương” do cha Phan Văn Thăm lúc ấy là phó xứ Nhà Thờ Chánh Tòa thành lập trên Đài Phát Thanh Quốc Gia. Các bài của tôi lại được in rộng rãi trên tờ tuần báo Thẳng Tiến cũng do cha Thăm phụ trách.
Trong một bữa ăn tại Nhà Dòng, tôi được nghe cha Phan Phát Huồn, tuyên úy quân đội cho biết là đã được mời thực hiện chương trình Truyền Hình nhân dịp lễ Noel năm đó, năm đầu tiên có truyền hình tại Sài-gòn. Ngài cho biết là đã phải từ chối vì “không có người làm được”. Tôi xung phong nhận làm chương trình. Đó là chương trình truyền hình Công Giáo đầu tiên trên đất nước Việt Nam.
Kinh nghiệm chưa có bao nhiêu, nhưng đó là bước đầu. Chương trình được thu trong một stuđio nhỏ bé, và ca đoàn tôi đưa lên đã bắt buộc camera phải dời khỏi phòng ra tận hành lang, để có thể thu hình được đầy đủ. Máy lạnh lúc ấy chưa đạt và sức nóng đem thêm máu nóng cho buổi thu hình. Trong thời gian vừa qua, tôi đã gặp lại được cô bé tên Nguyệt lúc ấy mới 5,6 tuổi với bó hoa tươi để chúc Lễ Giáng Sinh cho các vị khán giả. Ánh đèn đã làm cho cô bé rơm rớm nước mắt, và chúng tôi đã phải cố gắng dỗ dành để cô bé nói được mấy lời vắn tắt. Thời xa xưa ấy vẫn không làm cho tôi quên được, nhất là khi thấy các “bé” thật dạn dĩ nói, hát trên đài truyền hình mầu ngày nay. Tôi cứ mơ đến những chương trình Truyền Hình Công Giáo trong hệ thống truyền hình nay phủ sóng trên toàn cõi Việt Nam. Tiếc xót ! Và vẫn chờ đợi !
Từ ngày đó, nha Tuyên Úy Công Giáo yêu cầu tôi nhập vào, đề chỉ... lo các chương trình Phát Thanh, phát hình của Nha Tuyên Úy Công Giáo. Cơn cám dỗ không thắng nổi, và tôi vào quân đội. Người ta giữ lời hứa và trao cho tôi công việc ấy bằng một cú điện thoại, không có một giấy tờ tài liệu gì.
Trong gần 7 năm, tôi đã thực hiện các chương trình phát thanh và chiến dịch: “Đức tin trong quân ngũ”, “Sách Kinh cho quân nhân” và lớn nhất là “Mỗi quân nhân một Tân Ước”. Có một thính giả, một thiếu nữ viết thư cho tôi, trong đó có lời đề nghị “tặng Tân Ước cho quân nhân Công Giáo Việt Nam”. Và đó là khởi điểm của chiến dịch: “mỗi quân nhân một Tân Ước”. Tôi hăng say hoạt động, phát huy nhiều sáng kiến. Tôi sung sướng thấy “giấc mơ Truyền thông” đang trên đà thành sự thật.
Đúng ra là tôi vào ngành Tuyên Úy Gông Giáo không phải vì để được “làm quan” mà chỉ để làm Truyền Thông. Anh em quân nhân biết đến tôi chỉ vì nhờ báo chí, phát thanh. Tôi thương mến anh em và tận lực làm những gì đem lại niềm Tin Yêu cho những con người ngày đêm phải đối diện với gian nan và cái chết. Tôi đi thăm các đơn vị. Với chiếc áo Dòng, tôi đi khắp nơi: An Lộc, Chương Thiện, Bến Hải... Ở đâu chiếc áo Dòng vẫn được tiếp đón trân trọng. Có lần vừa xuống khỏi trực thăng, các sĩ quan mời tôi theo họ. Sau một hồi, một vị hỏi tôi: Thưa cha ông Đại tá theo cha là ai vậy. “Tôi nhìn lại thì thấy Đại tá đó là “cha Giám đốc nha Tuyên Úy Công Giáo”.
Tại một nơi khác, đang buổi tiếp đón trọng thể, tôi len lỏi vào giữa anh em để lấy hình, lấy tin chứ không ngồi trên khán đài. Một đại diện nói vài lời chào đón phái đoàn và kết luận: “Anh em chúng con chỉ xin cha Giám đốc và phái đoàn cho chúng con được một ơn huệ là được cha Tự Do đến thăm đơn vị chúng con”. Mọi người ngạc nhiên khi biết tôi đang ở đây. Sau buổi nghi thức, anh em quây quần tôi với những cử chỉ và lời nói thân thương. Tôi vẫn thích như thế và các cuộc cung nghinh trọng thể không làm cho tôi “dễ chịu” mấy. Tôi làm lớn không được !
Người Tông Đồ Truyền Thông hoạt động trong một lãnh vực “hư hư thực thực”, đối tượng ở đâu đâu, không có những tiếp xúc nóng ấm trực tiếp với những con người bằng xương bằng thịt, thiếu hẳn những ánh mắt, những nụ cười sống động cùng với những buổi tâm sự thân mật và kết quả trông thấy... Người Tông đồ Truyền Thông lúc nào cũng đối mặt với những máy móc: thu âm, thu hình, nói với ai đó “không chân dung” chẳng biết được họ vui thích thông cảm hay bỉu môi ngoảnh mặt và có lúc còn bực bội vặn nút tắt máy. Ngành Truyền Thông được chê nhiều, khen ít. Khán thính giả luôn là những người xa lạ, mặc dầu trong thời gian phụ trách phát thanh, ngày nào tôi cũng nhận được vài chục bức thư.
Được coi như là phương tiện giải trí, các phương tiện truyên thông Công Giáo thường không được quan tâm lắm và việc đầu tư vào ngành này lại rơi vào hạng thứ yếu. Tôi được nghe nói rằng: các phương tiện máy móc của các Đài Công Giáo được quan tâm nhất như Vatican, Veritas... hầu hết là “đồ cũ”, đã sử dụng từ mấy mươi năm rồi. Tôi có nghe được cảm nghĩ của một vị lãnh đạo tinh thần cao cấp nói: “Tôi không bao giờ nghe Phát thanh Công Giáo vì... không có thì giờ”.
Một kinh nghiệm: thời gian thực hiện chương trình trên Truyền hình, tôi hát bài “Vào Đời” của Thành Tâm. Sau buổi phát hình, chị tôi, Nữ Tu Dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt đến gặp tôi. Bà nghiêm nghị nói với tôi: có mấy cha xem truyền hình thấy em hát có đến nói với chị: “Ông cha Do làm Linh Mục chưa đủ sao mà còn muốn làm ca sĩ ”. Sau ít phút trao đổi, tôi chỉ nói với chị: “Xin chị cám ơn các cha đã cho lời khuyên dạy, và xin chị thưa với các ngài rằng: “xin mời cha xem cha Do hát trên truyền hình lần sau”.
Những kinh nghiệm “không vui” trong nghành Tông Đồ Truyền Thông không thiếu, và người Tông Đồ Truyền Thông gặp nhiều khó khăn về mọi mặt, nhất là vào thời mà các phương tiện máy móc còn chưa tân tiến và tiện lợi như ngày nay.
Giáo Hội chưa tận dụng phương tiện truyền thông đại chúng để phục vụ Tin Mừng. Chắc phải đợi hoàn cảnh bị cấm đoán mới hiểu được lý do và sức mạnh của các phương tiện truyền thông đại chúng để truyền bá Chân Lý và Tình Thương Cứu Độ.
6. MỖI QUÂN NHÂN MỘT TÂN ƯỚC
Đây có thể là dịp để tôi nhận thấy sức mạnh của các phương tiện Truyền Thông đại chúng, chương trình được phổ biến trên đài phát thanh, với tiêu chuẩn là 300. 000 cuốn Tân Ước, phỏng theo số người Công Giáo trong quân lực VNCH và mỗi cuốn là 100 đồng Việt Nam. Từng vạn người nhiệt tình hưởng ứng. Có những người góp 300 cuốn và nhiều em bé nhịn quà góp nửa cuốn. Chỉ không đầy 2 năm, số tiền in Tân Ước đã lên gần 8 triệu bạc. Công việc chuẩn bị bản văn được tiến hành.
Thời đó, cuốn Tân Ước của cha Giu-se Nguyễn Thế Thuấn, DCCT, là bản dịch được phổ biến và được yêu thích. Chúng tôi đã xin ngài cho được sửa chữa một số câu văn có vẻ khó hiểu để bản dịch mang tính cách “bình dân” hơn. Ngài đã đồng ý và cùng với cha Giu-se Trần Hữu Thanh, chúng tôi đã có một bản văn mới hy vọng dễ đọc và được sự đồng ý của dịch giả. Công việc sắp chữ được tiến hành tại nhà in Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, 38 Kỳ Đồng. Hằng ngày, tôi phải đọc mấy chục trang bản thảo. Tôi phải thường xuyên thức đêm để sửa bản in sao cho kịp sáng hôm sau trao cho nhà in.
Tôi đã đọc cuốn Tân Ước khoảng 7 lần. Cám ơn Chúa, vì nếu không bị thúc bách bởi công việc đó thì có lẽ cả đời tôi mới chỉ đọc trọn bộ Tân Ước đều đặn chỉ có một lần từ đầu đến cuối lúc ở Nhà Tập. Đồng thời tôi và một số các Linh Mục như cha Phan Phát Huồn, Trần Hữu Thanh, G.B. Nguyễn Văn Vàng..., chúng tôi đã hằng tuần sọan và đọc trên Đài Phát Thanh những bài học hỏi về Kinh Thánh.
Hằng tuần, phòng thu thanh của Nha Tuyên Úy Công Giáo đón tiếp các quân nhân thuộc các đơn vị đến trao đổi về Kinh Thánh, thu thanh buổi gặp gỡ, lựa chọn các đoạn súc tích để làm thành một chương trình sẽ được phát trên Đài. Tại Đài truyền hình quốc gia, Đức Cha Giuse Lê Văn Ấn, Giám Mục đặc trách Tuyên Úy Công Giáo ngỏ lời với quân nhân và những cuộc “đấu tử chiến” về Tân Ước được tổ chúc, trong đó các sĩ quan cấp tá sát kề với các anh em hạ sĩ quan, binh sĩ, trong cuộc so tài “tìm hiểu Tân Ước”.
Không phải hết mọi người đều hưởng ứng và hợp tác. Chiến dịch phải đương đầu với bao khó khăn, nhiều “cám dỗ”. Nhiều lời nói xuyên tạc, nhiều lập trường khác luôn tạo nhũng khó khăn lắm khi khó vượt khỏi: “Người Công Giáo Việt Nam không thể đọc Kinh Thánh được, họ chưa đủ trình độ...; mấy ông DCCT chỉ bày trò” “làm tiền”, ”Họ sẽ in sách nhưng vài ngàn cuốn thôi còn tiền thì...”
Tôi không hiểu được tại sao người ta lại có thể “sáng chế” ra những điều kỳ lạ như thế đến mức mà chỉ nghĩ tới cũng đã phải xấu hổ. Có một số các vị muốn lấy hết số tiền chiến dịch để “mua lại” một số sách Kinh Thánh bằng hình vẽ của một tác giả nào đó. Có những vị không hề phát động chiến dịch trong đơn vị mình. Có mấy Nhà Thờ không cho chúng tôi đến giảng, nói rằng họ tự làm lấy, nhưng không bao giờ chúng tôi nhận được món tiền nào từ đó cả.
Trong những lời phê phán, suy đoán có tính cách “bất đồng nhuốm mầu phá hoại đó”, có những điều xúc phạm đến cá nhân tôi, đến các cha hợp tác và đến cả DCCT, cả tập thể Linh Mục. Đáng lẽ mọi sự đã “xuôi chèo” khi nhiều lần Nha Tuyên Úy Công Giáo “đòi” bộ Tổng Tham Mưu giải ngũ tôi hay ít là đưa tôi đi một đơn vị tác chiến xa Sài-gòn. Đức Cha Giu-se Lê Văn Ấn đã tự tay viết thư cho trung tướng tổng cục trưởng Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị Trần Văn Trung với chỉ thị: “Không được giải ngũ Linh Mục Nguyễn Tụ Do nếu không có sự đồng ý của Giám Mục đặc trách”.
Dò hỏi tại Việt Nam về việc ấn hành, đóng bìa cứng, tôi được một nơi nhận đóng bìa với giá khoảng 100 đồng một cuốn. Tiền in chưa kể, thế thì làm sao hạn chế một cuốn trong 100 đồng. Chúa lại đến trong cha Mario Del Acquista Pace, Dòng Don Bosco. Trong nhiều năm, ngài thường mời tôi giảng cấm phòng cho các học sinh, và tôi đã có liên hệ thường xuyên mật thiết với các Tu Sĩ Salésien, cách riêng với cha Mario. Ngài cũng được biết chiến dịch qua phát thanh và đã sẵn sàng giúp đỡ, không phải bằng tiền bạc, nhưng: “Tại sao cha không in tại Hong Kong, vừa đẹp vừa rẻ. Tôi sắp đi Hong Kong, nếu cha cùng đi, chúng tôi sẽ giúp cha nơi ăn chốn ở và sẽ giới thiệu với cha mấy nhà in”.
Chỉ trong nửa giờ, passeport, visa đuợc hoàn thành, nhờ hộ chiếu ngoại giao do ngoại trưởng Trần Văn Lắm cho làm trong thời gian uống một ly nước cam. Vé máy bay đã được mua trước khi có passeport, và tôi đã lên đường sang Hong Kong với cha Mario. Ngài đưa tôi về trường “Tăng king Po school” tại Kowloon, phòng có máy lạnh, tìm cho tôi một thầy Việt Nam, thầy Hùng, để suốt thời gian hướng dẫn tôi trong thành phố lớn và sinh động này, lúc đó còn thuộc nước Anh. Ngài đưa tôi đến gặp Giám Mục, gặp cha Gabriel de Allegra Linh Mục Dòng Phan Sinh, người đã dịch bộ Kinh Thánh ra tiếng Hoa, tiếp xúc với mấy chủ nhà in, và cuối cùng thì chọn nhà in của ông Fu Yam. Ông này không nói tiếng Anh.
Thầy Hùng vừa phiên dịch vừa cố vấn. Ông đối xử rất thân tình, tạo cho tôi mọi sự dễ dàng trong công viêc, và cuốn Tân Ước được nhận in với giá khoảng 50 đồng một cuốn, bìa PVC có bao bên ngoài sách. Hợp đồng được ký cho đợt đầu 100.000 cuốn. Thật là tốt đẹp. Đây là lần đầu tiên Tân Ước được in đến con số lớn như thế cho Giáo Dân Việt Nam. ( Ảnh chụp: Tại Hong Kong In Tân Ước. Từ trái sang: Thầy Hùng, Lm. Nguyễn Tự Do, áo trắng bỏ ra ngoài là ông YAM, chủ nhà in Manhing Offset Printing Press ).
Cha Phe-ârô Phan Phát Huồn lúc ấy làm phó Giám đốc nha Tuyên Úy Công Giáo đã tổ chức lễ Xuất Phát với phòng triển lãm Thánh Kinh, với bức tượng “Quân nhân và Tân Ước”, và với cuộc lễ trọng thể Xuất Phát. Khoảng 3.000 quân nhân Công Giáo thuộc các đơn vị Bộ Binh, Nhẩy Dù, Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Động, Không Quân, Hải Quân... đã đến chật trong ngoài Nhà Thờ Đồng Tiến.
Chiến dịch đã thành công lớn, nhưng không trọn vẹn, do một số người có những tư tưởng và suy luận thiếu trung thực và tình thương, đã không biết gạt đi những ác cảm do phân biệt Triều-Dòng, hay chỉ trong phạm vi cá nhân. Tôi nghĩ rằng có lẽ con người của tôi không “ngoại giao đủ”, nguyên tắc quá và không chinh phục được cảm tình và sự hợp tác của người khác. Tôi không thi hành được chính sách: Nhu nhược thắng cang cường, lui một bước để tiến hai bước. Khi cả trăm thùng hàng được xe “lowboy” kéo về trụ sở Dồng Tiến chiếm hẳn cả một căn phòng lớn thì người ta không còn rỉ tai được là “chỉ làm bộ” in vài ngàn cuốn như họ đã từng nói trước đó.
Một thời gian sau, ban Giám đốc lại “tự nhiên” ra chỉ thị phát động lại chiến dịch. Tôi vẫn hợp tác, nhưng công việc đã mất trớn rồi và phát động lại đã chẳng đi đến kết quả cho đến khi tàn lụi. Tôi đã không còn phục vụ tại Nha Tuyên Úy Công Giáo nữa và nhận trách nhiệm Nhà Dòng trao thực hiện việc Tông Đồ Truyền Thông dưới quyền lãnh đạo của Đức Tổng Giám Mục Sài-gòn, Phao-lô Nguyễn Văn Bình.
Trước đó, tôi đã nhận phân phối Tân Ước cho các cha tuyên úy, theo tỷ lệ số quân nhân mà các ngài đã báo cáo. Những người không báo cáo được lãnh 100 cuốn. Tôi đã hành động như thế dựa trên tài liệu báo cáo. Không ai trách móc được.
Nhưng ở đây một lần nữa, tôi lại chạm trán với một số khó khăn do những suy nghĩ hay cách làm của những người phải “phát tặng Tân Ước cho quân nhân”, khi tổ chức các cuộc xuất phát tại địa phương. Một số phiếu “Nhận Tân Ước” được gửi về văn phòng, nói lên niềm vui hiên ngang của họ được có cuốn Tân Ước “của quân nhân”. Tiếc thay, cũng có một số phiếu ghi rõ: đã mua với giá 500 đồng.
Tài liệu triển lãm, trong đó có một bức họa dài khoảng 50m ghi lại lịch trình cứu độ qua Kinh Thánh từ Cựu Ước đến Tân Ước được các cha tuyên úy “mượn” về tổ chức tại địa phương. Thế rồi một ngày kia, nó biến mất.
Bức tượng Quân Nhân Tân Ước, sau 30.4.1975 được sửa lại là Giáo Dân Tân Ước, để cuối cùng khoảng sân trước Nhà Thờ Đồng Tiến bị “xung công” làm nhà máy sấy chuối và bức tượng cũng không còn. Thế nhưng, về sau này, tôi cũng được niềm vui nhận được chứng tá của những người lính đã “dấu” cuốn Tân Ước gọn gàng ấy trong thời gian ở tù tại các trại cải tạo và Lời Chúa đã đem lại niềm vui, tin tưởng cho những anh em trong thử thách. Ý định của Thiên Chúa đã biết từ lâu rằng: Lời Chúa sẽ là sức mạnh cho con cái khi mọi nguồn hy vọng tự nhiên trên cõi đời này đã không có lối thoát qua những năm dài tù đầy chỉ vì hoàn cảnh và không hề có tội, có nợ gì khi đã làm tròn bổn phận của mình.
Sau thời gian tôi bị tai nạn lật xe và bị thương, tôi đã giải ngũ và trao lại phòng thu thanh với máy thu, nhạc cụ và hồ sơ sách hát cho người khác. Chỉ một tuần sau, đến thăm lại phòng thâu thanh, tôi đã chứng kiến nó trở thành phòng của... giám đốc. Thắc mắc của tôi nhận được câu trả lời: “Cha X đã đem hết về nhà ngài”.
Kinh nghiệm này đã cho tôi một nỗi buồn vì không thấy tinh thần nối tiếp trong các công trình xây dựng và tôi đã cố gắng nghĩ phải làm một cái gì bền vững hơn để ngành Truyền Thông Công Giáo có sức mạnh trong việc tiếp tục loan báo Tin Mừng cho đại chúng.
Lm. NGUYỄN TỰ DO, DCCT ( còn tiếp nhiều kỳ )
NIỀM VUI VĨ ĐẠI - Kỳ 3
HỒI KÝ 50 NĂM LINH MỤC
7. NGÀNH TRUYỀN THÔNG
Như đã nói, ngay từ lúc ở Đệ Tử cho đến nay, khi gần kề cái chết, tôi vẫn xác tín rằng các phương tiện truyền thông xã hội là lợi khí rất quan trọng, rất mạnh thế để loan báo Tin Mừng, để truyền bá những cái tốt, chống lại những cái xấu, nhất là trong thế giới ngày nay. Tôi đã được huấn luyện từ bé để biết thế nào là quảng bá Tin Mừng bằng hùng biện.
Cha Eugène Larouche đã có những sáng kiến độc đáo: trao trách nhiệm chỉ huy cho những chú bé ngay trong thời gian còn ở Đệ Tử, trao cho các chú lớn dọn bài giảng về Đức Mẹ trong tháng 5 vào giờ thiêng liêng buổi tối, tập nói trong các cuộc “Missionnette”. Lên đến Học Viện, các thầy thay phiên nhau nói lời thiêng liêng mỗi cuối giờ giải trí buổi tối và tập giảng trước Học Viện có giáo sư hùng biện chứng giám. Tôi nhớ có lần tôi “tập Giảng” như thế. Tôi rất ngạc nhiên, vì ngay sau khi tôi chấm dứt, đáng lẽ cha giáo chỉ một thầy phê bình, nhưng lúc này, chính ngài – cha Gérard Gagnon Nhân – đứng phắt dậy và nói: “Từ ngày tôi nhận dạy khoa hùng biện tại Học Viện cho đến nay thì đây là lần đầu tiên, tôi cảm thấy phấn khởi. Tôi nghĩ rằng không có gì phải phê bình trong bài giảng của thầy Do”. Tôi thì chỉ khoái vì không phải đứng trên bục để nghe mổ xẻ về mình chứ không nghĩ mình đã có khả năng thế nào để nhận được lời khen của giáo sư.
Tôi được các cha giáo thường chọn đóng vai lớn trong các bản tuồng tại Đệ Tử và trong Học Viện, và ngay cả khi đã là Linh Mục. Vai cuối cùng tôi đóng là Giu-se, trong Opera Joseph nhân dịp mừng kỷ niệm gì đó của Nhà Dòng. Như đã nói ở trên, tôi thường xung phong thực hiện các nội san của Đệ Tử, của Học Viện, và ngay khi được chỉ định về Sài - gòn, tôi đã viết rất nhiều cho tờ Nguyệt San Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp của Tỉnh Dòng. Có những số toàn bài của tôi, kể cả bài Edito mang tên cha Giám Đốc. Tôi không hề có chức vụ và nhiệm vụ gì tại tòa báo, nhưng nhiều công việc sửa bài, xếp trang, chọn hình, chụp ảnh đều do tôi làm việc với Thư Ký Tòa Soạn, ông Hà Châu.
Tôi vẫn đuợc Bề Trên ghi vào danh sách Thừa Sai Đại Phúc và thường xuyên vắng nhà có khi cả mấy tháng trời. Cha Hồng Phúc chủ nhiệm Nguyệt San vẫn yêu cầu tôi viết bài cho đủ, lắm khi phải gửi bài về cho tòa soạn. Tôi rất thích viết báo, nhưng không được giao trách nhiệm, mặc dầu được anh em trong Dòng tỏ ý muốn tôi làm Giám Đốc... ( Xin lược bớt 2 đoạn )
Tiếp nối những trang “hồi ký” không mấy sáng sủa của “đường công danh” của tôi, tôi kể lại một kinh nghiệm khác liên hệ đến việc phụ trách ngành truyền thông Công Giáo Việt Nam.
Tình cờ gặp Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình tại một buổi tiếp tân, ngài tỏ vẻ vui gặp tôi và nói ngay: “Khi nào cha nhận chức vụ, cha đến gặp tôi nhé”. Tôi ngạc nhiên thưa: “Thưa Đức Tổng, con nhận nhiệm vụ gì thế ạ ?” Ngài cũng ngạc nhiên: “Thế cha Giám Tỉnh không nói gì với cha à ?” – Thưa Đức Tổng, con không được nghe nói gì. “Đức Tổng cho tôi biết đã có quyết định đặt tôi làm Giám Đốc Truyền Thông Xã Hội của Giáo Phận và đã có sự đồng ý của Nhà Dòng”. Tôi không có ơn gọi làm giám đốc cái gì cả. Về sau tôi được biết cha Bề Trên Tỉnh lúc ấy là cha FX. Trần Tử Nhãn đã từ chối lời yêu cầu của Giáo Phận, với lý do: cha Tự Do có việc phải làm tại Nhà Dòng.
Toàn là những chuyện khó hiểu đối với tôi, nhưng tôi không hề thấy buồn phiền. Ở đâu tôi cũng cố gắng chèo chống và tận tình.
Một câu chuyện khác. Một ngày kia, tôi được gọi ra nhà khách và giáp mặt với một gia đình mà tôi không hề quen biết. Họ khẳng đinh là muốn gặp cha Tự Do. Chỉ kịp ngồi, ông chủ gia đình nói với tôi: “Thưa cha, ngày nào cha đi Manila, xin cha cho con gái của con theo cha”. Tôi lại ngạc nhiên vô cùng trước tin sốt dẻo đó. “Tôi làm gì ở Manila mà ông bà lại nói thế ?” Họ cho rằng tôi muốn dấu sự thật. Họ bộc bạch cho tôi biết tin là tôi đã được chỉ định đi Manila để làm Giám Đốc Chương trình Việt ngữ đài “Chân Lý Á Châu”.
Một lần nữa, tôi lại không “leo lên” được ghế giám đốc và cũng không hề tìm hiểu nguyên do của nguồn tin mà người ngoài biết trước cả đương sự. Thật tình ra thì trong các liên hệ trong ngành truyền Thông, cách riêng qua UNDA, cha Desautels, Dòng Tên đã có lần đề nghị tôi làm Truyền Hình Đắc Lộ. Tôi có thắc mắc: “Con không phải là Dòng Tên làm sao làm Giám Đốc Truyền Hình Đắc Lộ !” Ngài chỉ cười, giơ hai tay lên: “Cha cũng lại nghĩ sai rằng Truyền Hình Đắc Lộ là của Dòng Tên ư ?” Chính ngài cũng có lần nói là tôi nên đi Manila lo chương trình Việt ngữ dài Veritas. Thật tình thì tôi lại không muốn đi, và chỉ nói: “Tại Việt Nam con nhiều việc phải làm lắm, và tốt hơn là con thực hiện chương trình ở Việt Nam rồi gửi sang Manila để phát”.
Tôi thường nghĩ và vui thích thấy mình “ngồi trong phòng kín và sau chiếc máy thu âm”, “có tiếng nhưng không có miếng” để Tin Mừng được “phóng đi trên các nóc nhà”. Tôi đã từng chọn “không có đệ tử, không có “con cái”, khách của tôi không nhiều, mặc dầu nhiều người biết đến tên tôi. Tôi thích làm một người “không có mặt mũi” đang khi các anh em khác được người ta chào đón thân tình.
Tôi không thích dạy Giáo Lý, lo Hôn Phối... do đó tình cảm giữa tôi và Giáo Dân thường không mấy đậm đà. Không mấy gia đình quen biết phải dạy con cái gọi tôi bằng “ông nội, ông ngoại”, không mấy khi bị kêu là “bố”. Nhưng tôi thấy thoải mái, khi bài viết được đăng trên các báo, khi chương trình phát thanh phát hình được thực hiện và được phát đi. Không cần “cái mặt mẹt” của tôi mà chỉ cần “tiếng kêu trong rừng” được vang dội khắp nơi. Và tôi luôn thích cái khẩu hiệu “Tin Mừng cho thế giới qua làn sóng điện”.
8. TRUNG TÂM ÂM THANH VÀ ÁNH SÁNG
Tôi lao đầu vào thực hiện Trung Tâm Âm Thanh Và Ánh Sáng, gọi tắt là ATAS mà các bạn Mỹ thích gọn ghẽ đặt tên là SLC ( Sound and Light Center ).
Đặt ở đâu cái Trung Tâm ATAS đó ? Là DCCT, tôi nghĩ rằng công việc này phài nằm trong sinh hoạt của Dòng Chúa Cứu Thế. Đó là điều dễ hiểu, là tất nhiên.
Tôi đã trình bày với các Bề Trên trong Dòng với đề nghị dùng một mảnh đất nhỏ tại khu vườn của nhà Kỳ Đồng, lúc ấy có một mảng nhỏ làm nghĩa địa và số còn lại là cây cối, lơ thơ vài bụi chuối. Tôi chỉ xin 120m2. Sau mấy buổi họp, có kẽ hở cho tôi biết: Hội Đồng Tỉnh không chấp nhận vì... , vì... Có một vị trong ban cố vấn phát biểu rằng: cha Tự Do không dễ nhận sự từ chối này đâu, vả lại những gì ngài trình bầy dựa trên văn kiện Tòa Thánh và Luật Dòng rất xác đáng, “khó mà ngăn cản”. Cuối cùng: Hội Đồng quyết định rằng: cha Tự Do đuợc phép thực hiện công việc “ngoài Nhà Dòng”, về Tu Sĩ ngài vẫn thuộc Tu Viện Kỳ Đồng, nhưng mọi công tác trực thuộc quyền và sự chỉ huy của Tòa Tổng Giám Mục. Có vị trong ban cố vấn khẳng định rằng: “Công việc quá lớn, khó mà thành công. Cứ để cho ông ấy làm, vì ngăn cản không được đâu. Thất bại ông ấy sẽ về Nhà Dòng thôi”.
Tôi không ý thức được những khó khăn mà các Bề Trên đã thấy đâu. Tìm đâu ra đất để xây dựng ? Tiền bạc ở đâu ra ?
Đúng lúc đó thì một tai nạn giao thông xẩy đến cho tôi. Trong cuộc hành trình đi Xuân Lộc trở về, giữa cơn mưa tầm tã, đường trơn trượt lại sử dụng một chiếc xe bánh mòn đến tận vải, tôi đã bị lật xe tại Hố Nai, chân trái bị kẹt vào thành xe. Khi người ta nâng chiếc xe lên và đưa tôi ra thì chân tôi bị thương, vỡ đầu gối.
Tôi bị bó bột từ cổ đến chân, chỉ để vài lỗ hở cho các nhu cầu tự nhiên. Nhà Dòng nói là có Nha Tuyên Úy Công Giáo lo cho tôi. Nha Tuyên Úy nói là có Nhà Dòng lo cho tôi. Thế là tôi phải về gia đình ông em Giu-se Nguyễn Tiến Hanh. Tôi được cha Bề Trên đến thăm, ngài hỏi: “Cha cần gì không ?” – “Cám ơn cha đã hỏi thăm, cần thì nhiều lắm !” Ngài cười rồi ra về.
Giám đốc nha Tuyên Úy Công Giáo đến thăm cũng chỉ một lần: “Làm việc lại được chưa để tiếp tục chiến dịch “Mỗi Quân Nhân Một Tân Ước”. Về sau, tôi được gặp mấy cha Tuyên Úy quân đội Hoa Kỳ. Các ngài cho biết: “Đã đến hỏi tại Nha tuyên Úy Công Giáo địa chỉ của cha, nhưng người ta đáp là không biết”. Lúc đó, Đại úy Nguyễn Tiến Hanh, em tôi đang giữ nhiệm vụ trưởng ban báo chí nha Tuyên Úy Công Giáo.
Khi đã có thể đi lại được, tôi có đến dự tĩnh tâm với các Tuyên Úy Hoa Kỳ và không quên tình cảm của nhiều vị lúc nào cũng tỏ ra quí mến và giúp đỡ tôi. Có cả vị tuyên úy Do Thái và Tin Lành. Bà ân nhân của tôi ở Canada Gauthier gửi cho tôi một số tiền 800 USD. Nói là để tôi chữa bệnh. Chưa bao giờ tôi có nhiều tiền như vậy. Đổi ra tiền Việt Nam khoảng 300.000đ. Tôi nghĩ ngay đến việc dùng số tiền đó để xây dựng Trung Tâm ATAS, tại miếng đất 400m2 mà em tôi đã mua được tại Tân Phú. Trung tâm được xây dựng giữa một vùng đồng ruộng, đường đất lầy lội, lúc nào cũng vang dội tiếng ễnh ương chão chuộc. Nơi này chỉ có vài căn nhà nhỏ và ao hồ, trại chăn nuôi heo.
Không có tiền nào khác để trao cho ông thầu Lê Tiến, nên công vịệc xây dựng thường bị khựng lại. Tôi chỉ hứa với ông là có tiền sẽ trả cho ông ngay. Qua nhiều trao đổi, ngôi nhà tôi nghĩ là rất đơn giản đã biến thành nhà xây một lầu, với phòng thâu thanh, phòng ờ, phòng khách và cả nơi cho gia đình em tôi là Nguyễn Tiến Hanh. Ông Lê Tiến nói “Cha ở một mình sao được. Lại bị thương gẫy chân nữa. Con giúp cha làm thêm chỗ cho gia đình em cha”. Kinh phí đã lên đến khoảng 4 triệu bạc. Tôi vẫn không đưa thêm cho nhà thầu một món nào khác. Nhiều lần công việc phải ngưng lại, với mấy tấm ván đóng vào các lối đi và cửa sổ.
Cuối cùng thì ngôi nhà cũng xong với món tiền sơ khởi là 300.000 đồng và lễ khánh thành được tổ chức ngày 2.12.1972, lễ Thánh Phan-xi-cô Xa-vi-ê. Lễ nghi làm phép nhà, phòng máy, phòng thâu thanh do chính Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình chủ sự, có sự tham dự của nhiều Linh Mục, Tu Sĩ và Giáo Dân. Ca đoàn Tinh Thần trình diễn Thánh Ca, khói mầu được phun trên sân thượng, máy quay phim của Đài Truyền hình Vĩệt Nam làm tăng thêm vẻ long trọng.
Hính ảnh chụp lễ khánh thành được rửa tại Trung tâm và chỉ khoảng nửa tiếng sau được trưng bày trong phòng triển lãm. Thời gian chỉ là lúc các quan khách cắt bánh và tiếp tân. Băng thu buổi lễ được phát lại cho mọi người nghe. Nhờ sự hợp tác rất nhiệt tình của những cộng tác viên: Nguyễn Tiến Hanh, Nguyễn Văn Hồng, Trần Xuân Tiến, Nguyễn Văn Xưởng, Lê Đức Nghiệp... và của nhiều bạn hữu, giới trẻ.
Trong ngày, các vị Giám Mục Lê Văn Ấn, Trần Thanh Khâm, và nhiều Linh Mục đến. Ban đại diện các Giáo Xứ cũng đến dự các sinh hoạt, chung vui trong ngày đáng nghi nhớ này. Có cha nói: “Mình làm Nhà Thờ mời mãi mới được một Giám Mục đến làm phép, còn ngôi nhà nhỏ này lại có đến ba Giám Mục...“
Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình đứng trước công việc được thực hiện đã không giữ nổi tình cảm khích lệ của ngài. Vì đây chỉ là một nỗ lực cá nhân, không mang tính “Địa Phận”, ngài nói sẵn lòng đến “để khích lệ cha”, nhưng sẽ không nói gì để... Tôi trình với ngài là sự chúc lành của ngài cho Trung Tâm là quý hóa lắm rồi. Đức Tồng Giám Mục không nói cũng được. Khi thấy tận mắt công việc được thực hiện, ngài nói ngay: “Tôi không ngờ cha làm lớn như thế này”. Và ngài đã nói một bài dài cả mười phút với niềm vui và khích lệ.
Sinh hoạt tại Trung Tâm ATAS sôi động hẳn lên với công việc ngày càng thêm nhiều, thêm bề bộn. Có những việc làm tại nhà, có những toán công tác lên đường đi về tấp nập, sáng rất sớm, và kéo dài tận khuya. Nhà bếp lúc nào cũng sáng đèn, ăn sáng, ăn trưa, ăn tối và cả ăn đêm... Hết nhân viên thường trực đến các ca sĩ, nhạc sĩ và không thiếu gì bạn hữu bốn phương về tham quan, nhờ thực hiện chương trình, mua băng nhạc, in ấn sách...
9. SINH HOẠT TẠI TRUNG TÂM ATAS
Các băng Thánh Ca được thực hiện với sự hợp tác của các nhạc sĩ: Linh Mục Kim Long, Viết Chung, Vũ Huyến... Nồng cốt thực hiện là ca đoàn Tinh Thần và nhóm Viết Chung, có sự hợp tác của các ca sĩ Sơn Ca, Họa Mi... , với những tay nhạc như Bảo Chấn, và nhạc sĩ Guitar Đại Hàn Kim O Yong với lối chơi độc đáo riêng biệt. Dĩ nhiên là có thù lao “hữu nghị”, nhờ sự tận tình giúp đỡ của nhạc sĩ Đặng Đức Hưng, giáo sư Clarinette tại Học Viện Aâm Nhạc. Tôi nhớ có mấy nhạc sĩ buổi đầu nhận thù lao nhưng về sau, có người xin tình nguyện giúp, trong số đó có người không Công Giáo. Họ phát biểu: “Tôi không ngờ nhạc Đạo hay như thế”.
Một trong những người hợp tác thường xuyên nhất của Trung Tâm ATAS trong chương trình phổ biến băng nhạc đạo là Linh Mục Kim Long mà nhiều người đã được nghe danh. Có những cuốn băng được ngài cố vấn thâu thanh. Có những ngày ngài ngồi suốt trong phòng máy để nghe lại những bài đã thu, chọn lựa những thực hiện đạt tiêu chuẩn nhất, đề nghị chuyên viên thu thanh cho mạnh nhẹ tùy theo tâm tình và dòng nhạc.
Các băng nhạc tiếp nối nhau được phát hành: Ave Maria, Hương Lạ, Thiếu Nhi, Giáng Sinh, Mùa Chay và Phục Sinh...
Một số sách được ấn hành, Trung Tâm cũng phát hành đặc san để gửi đến thân hữu. Trung Tâm có họa sĩ suốt cả ngày chỉ lo việc thực hiện các bìa sách, bìa băng. Họa sĩ lắm khi không vừa ý đã xé những gì anh đã lao tâm thực hiện trong nhiều ngày để vẽ lại, mặc dầu lắm khi băng đã thu xong mà bìa băng vẫn còn phải chờ đợi.
Trung Tâm có những chương trình phát thanh: “Thiếu Nhi Hồn Việt” qua đài Buôn Ma Thuột và chương trình phát ra Bắc qua đài Tự Do “Tôn Giáo và Đời Sống”. Chương trình này có sự hợp tác của các lãnh đạo tinh thần các tôn giáo, đặc biệt có Thượng Tọa Thích Trí Dũng. Chương trình được phát 2 lần trong tuần, hướng về Miền Bắc với tinh thần hòa hợp dân tộc và là tiếng nói của tình thương và lòng tin vào những giá trị thiêng liêng cao cả.
Với những chiếc máy thu tân tiến thời đó, hiệu UHER, phóng viên của chúng tôi đi tận các nơi có sự kiện đáng nghi nhớ, thu thanh lại và thực hiện những chương trình sống động. Suốt mấy năm thực hiện chương trình, tôi không nhận được âm vang gì từ miền Bắc. Điều đó dễ hiểu. Niềm an ủi đối với chúng tôi đến muộn khi sau 75, được gặp Đức Hồng Y Giu-se Trịnh Văn Căn và sau khi được giới thiệu về tôi, ngài cho tôi biết là thường nghe chương trình Tôn Giáo và Đời Sống: “Nhờ đó tôi đã được nghe tiếng nói của mẹ tôi”. Bà cố của Đức Hồng Y – lúc đó mới là Tổng Giám Mục – cùng với một số người trong gia đình sinh sống tại Giáo Xứ Phú Bình, Giáo Phận Sài-gòn.
Liên hệ đến việc này, có một kỷ niệm: Linh Mục Nguyễn Ngọc Lan lúc ấy không ngần ngại tỏ ra thái độ “chống Mỹ, chống chiến tranh...” Ông chỉ vào mặt tôi: “Từ khi biết anh hợp tác với Mỹ ở đài phát thanh Tự Do, tôi không thèm chơi với anh nữa”. Đối với Nguyễn Ngọc Lan, thì lúc ấy đài Tự Do vẫn là Tâm Lý Chiến, do Mỹ bảo trợ. Nhưng thời gian tôi hợp tác thì đài đã được trao cho Việt Nam sử dụng và tôi tự nguyện thực hiện chương trình “Tôn Giáo và Đời Sống” mà không lãnh thù lao của đài, chỉ mong có một nơi để hành động đúng theo tôn chỉ của Trung Tâm: “Tin Mừng cho thế giới qua làn sóng điện – The Good News to the World through air waves”.
Mỗi lần Trung Tâm có biến cố gì thì đài Truyền Hình Quốc Gia cũng cho quay phim với máy ORICON tối tân nhất thời đó. Một cơ quan của Mỹ cũng đến làm phóng sự về Trung Tâm.
Các công tác của Trung Tâm ATAS đang tiến hành tốt đẹp, nhờ sự nâng đỡ tinh thần và lời khích lệ của Đức Tổng Giám Mục, của các Bề Trên trong Dòng thời đó: cha Giám Tỉnh Henri Bạch Văn Lộc, cha phó Giu-se Trần Hữu Thanh.
Trong số ân nhân của Trung Tâm, phải kể cha Desautels, Dòng Tên, ngài đã từng đến Trung Tâm với những lời khen lao chân thành. Khi biết tôi làm công tác truyên thông, ngài đã đề nghị cho tôi đi “du học”. Sau một thời gian, ngài nói với tôi: “Chúng tôi không cho cha đi nữa”. Tôi chưa kịp hiểu và tỏ ra ngạc nhiên, không vui. Ngài phá ra tiếng cười và nói: “Tôi đổi ý, vì khi nhìn thấy những gì cha đang làm thì nhận xét cha không cần đi học, cha làm hơn những gì người ta dạy. Nhưng tôi dành một chỗ cho một người của cha. ”
Ngài muốn tôi đi một vòng “cho biết” những gì người ta làm ở các nơi. Tại Hội Đồng UNDA quốc tế tại Ái Nhĩ Lan, mặc dầu tôi không trình dự án nào, ngài cũng lên tiếng nói về công việc của tôi tại Việt Nam và theo ngài nói: để khích lệ nỗ lực của tôi, ngài đề nghị Hội Đồng cấp cho tôi một món quà 4.000 USD.
Tôi không bao giờ quên vị Linh Mục chuyên về ngành truyền thông phụ trách vùng Úc-Á của tổ chúc UNDA. Sau 75, như các người ngoại quốc, ngài phải rời Việt Nam và tôi biết ngài tiếp tục hoạt động trong ngành truyền thông quốc tế. Tiếc là tôi không còn được tiếp xúc và nhất là hợp tác với ngài trong công cuộc Tông Đồ Truyền Thông.
Một ân nhân khác phải nhắc tới là Linh Mục Raymond Jean de Jaegher, người sáng lập “Thái bình Dương Tự Do”, một người bạn của Việt Nam. Một tình cờ do Quan Phòng Thiên Chúa đã đưa tôi gặp ngài. Một ngày kia, tôi đến Tòa Tổng Giám Mục gặp Đức Cha Nguyễn Văn Bình về nhiều việc. Tôi đang đi lên cầu thang thì có một Linh Mục người nước ngoài đi xuống. Chúng tôi chào nhau. Ngài dừng lại và hỏi tôi là ai, làm gì, ở đâu... Tôi khai lý lịch và cho ngài biết tôi lo về phát thanh. Mặt ngài tươi lên: “Hay quá, tôi có thể biết thêm về công việc của cha. Cha có thể cho tôi một bữa hẹn... ”
Tôi đã đến gặp ngài, đón ngài đến tham dự một buổi tập dượt của ca đoàn Tinh Thần. Ngài quan sát phòng thu của tôi, hỏi han về công việc của tôi và cuối cùng ngài nói: “Il faut qu’on vous aide” ( “Phải giúp đỡ cha !” ). Từ đó ngài hướng dẫn tôi trong nhiều liên hệ với bạn hữu của ngài, trong đó có người phụ trách ROFA -Radio Of Free Asia, lúc ấy đang thời gian thành lập và bắt đầu hoạt động. Và từ đó, chúng tôi được nâng đỡ trong các dự án và hoạt động tại Việt Nam, đặc biệt trong chương trình “Phát Thanh Giáo Dục Y Tế”, phối hợp việc khám bệnh phát thuốc miễn phí cho người nghèo tại các làng mạc xa xôi và đồng thời phóng thanh tại chỗ, phát bướm về vệ sinh sức khỏe.
Từng toán công tác gồm bác sĩ, y tá, cán bộ lên đường công tác mỗi ngày và nhất là vào Chúa Nhật. Chuyên viên phòng máy thực hiện các chương trình sẽ được phóng qua hệ thống loa tại các địa điểm hoạt động. Lắm lúc xe phóng thanh cũng di chuyển qua làng mạc để những người ở xa hay không đến được cũng phần nào biết được công việc. Các làng mạc, các xứ nghèo quanh Sài-gòn đã hẳn, nhiều nơi xa xôi tận Cần Đước, Cần Thơ, Bình Dương... cũng được viếng thăm. Các chùa chiền cũng không ngại đón chúng tôi, và Tòa Thánh Tây Ninh đã mời đoàn công tác đến ở tại đó để trong mấy ngày, khám bệnh phát thuốc cho đồng bào Cao Đài.
Thời gian ấy, an ninh lắm nơi có khó khăn, và có lần chính quyền địa phương đã huy động xe bọc thép hay tầu thuyền hộ tống đoàn vào các làng mạc xa xôi thiếu an ninh. Tôi nhớ ở một nơi kia vùng Long Hải, Bà Rịa, trong một lần tận trong rừng, có người anh em “Mặt Trận” đến và hỏi chúng tôi có săn sóc cho anh em không. Không khó lắm để những anh em “bên kia” nhận thấy công việc này không có giới hạn nào cả. Có lẽ do đó mà chúng tôi không bao giờ gặp những khó khăn gì.
Sau này khi vào tù “cải tạo”, cán bộ chấp pháp nói với tôi một cách chân thành: “Chúng tôi biết rõ các việc ông làm đều là những việc ích cho dân cả...” Rõ ràng Linh Mục không làm chính trị và nhất là không lợi dụng tôn giáo để làm chính trị, như tôi đã khẳng định.
Hạnh phúc của tôi và của các cộng tác viên, đa số tự nguyện và không nhận thù lao là đã đem đến niềm vui an ủi cho những người nghèo đau khổ, và tôi luôn cảm tạ Chúa đã dùng chúng tôi, đã cho chúng tôi những phương tiện để giúp đỡ người cùng khổ mà kinh nghiệm cho chúng tôi thấy là “luôn có ở giữa các con”, như Chúa Giê-su đã dặn bảo từ trước kia.
Trung Tâm ATAS còn có chương trình chiếu phim lưu động, theo lời mời hay cho phép của các Giáo Xứ, cộng đoàn. Hệ thống chiếu phim 16 ly, âm thanh, chuyên viên và cả ngươi thuyết minh đi đến địa điểm khi trời còn sáng, phóng thanh các chương trình gồm giảng thuyết, thánh nhạc, huy động cả làng, cả Giáo Xứ tham dự. Thường Linh Mục gặp gỡ bà con trong những câu chuyện thích hợp và khi đã chật sân, phim được chiếu lên với những lời thuyết minh giúp mọi người dễ dàng theo dõi câu chuyện.
Nhiều phim đạo được trình chiếu và ngưới ta không phải trả một món tiền nào, kể cả nước uống mà nhân viên của chúng tôi luôn đem theo để không làm phiền lụy đến ai. Trung Tâm đầu tư một món tiền lớn để mua những cuốn phim hay và xây dựng một “phim viện – Filmothèque” để cho các cha hay các tổ chức có thể mướn về chiếu với chi phí là 500 đồng thời đó cho một lần chiếu.
Đây lại là một kinh nghiệm không vui mấy cho chúng tôi. Có những vị “khả kính” giữ phim nhiều tháng dài. Sau nhiều lần được yêu cầu trả phim, các vị ấy cho người cầm phim “ném lại” cho chúng với lời nhắn cụt ngủn: “Xin cha thông cảm, vì trời mưa quá không chiếu được lần nào”. Nói gì đây !?! Phim đi cả mấy tháng mà không đem lại một đồng bạc nào ! Thế rồi có một ngày, một người ở vùng đó gặp chúng tôi. Ông vui vẻ nói: “Phim của cha được chiếu nhiều lần và ai cũng thích”.
Đối với chúng tôi thì việc kiểm chứng không khó. Chuyên viên của chúng tôi đã kiểm lại phim và đã mấy chục lần phải dán lại những khúc phim bị đứt. Tôi chỉ còn cách nhắc các cộng tác viên nhớ đến cái châm ngôn nằm lòng: “Truyền thông thì chỉ có ra chứ không có vào”. Chí hướng “Tông Đồ Truyền Thông” của chúng tôi có bị lợi dụng không ? Còn có “tí Chúa” như chúng tôi thường nói với nhau.
Trung Tâm được biết đến mỗi ngày một nhiều hơn, nhất là khi tờ Thông Tin của Địa Phận Sài-gòn, Huế đăng tin Đức Cha Nguyễn Văn Bình tỏ lòng ưu ái khi luôn cho đăng các bản báo cáo tôi gửi về cho Tòa Tổng Giám Mục mỗi tháng, và tuy ở nơi hẻo lánh, Trung Tâm vẫn luôn thường xuyên đón tiếp nhiều khách tham quan từ các Giáo Phận, và cả từ ngoại quốc. Cha Raymond Jean de Jaegher, cha Desautels, cha Duy Vy, cha Nguyễn Quang Tuyến, đại diện Đài Rofa... thưồng lui tới thăm viếng, khích lệ.
Vào thời buổi này, tôi nhận được đề nghị của Dòng Chúa Cứu Thế và của Tòa Tổng Giám Mục Sài - gòn. Cha Trần Hữu Thanh, lúc ấy làm phó Giám Tỉnh, nói với tôi: “Nếu Nhà Dòng yêu cầu cha đem Trung Tâm về Kỳ Đồng thì cha có bằng lòng không ?”. Tôi không chút ngập ngừng: “Con đồng ý ngay, nhưng chỉ xin Nhà Dòng cho con một căn phòng lớn làm phòng thu thanh. Máy móc con sẽ trang bị cho”. Tôi không biết đề nghị trên có phản ảnh ý muốn thật sự của các Bề Trên không, vì từ đó tôi không nghe nói lại gì.
Thế nhưng cha phó Giám Tỉnh Giu-se Trần Hữu Thanh lúc nào cũng nhiệt tình đối với mọi công việc tại Trung Tâm và thường đại diện Bề Trên Giám Tỉnh tham dự mọi nghi lễ quan trọng tại Trung Tâm như khi phát động chương trình “Phát Thanh Giáo Dục Y Tế” có sự chủ tọa của Bộ Trưởng Y Tế. Nhiều cha như cha Maurice Benoit, Denis Paquette, Đinh Ngọc Quế... cũng nhiều lần hiện diện với lời khích lệ.
Lm. NGUYỄN TỰ DO, DCCT ( còn tiếp nhiều kỳ )
NIỀM VUI VĨ ĐẠI - Kỳ 4
HỒI KÝ 50 NĂM LINH MỤC
10. ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC PHAO-LÔ NGUYỄN VĂN BÌNH
Nhưng trong những nỗ lực “Tông Đồ Tuyền Thông” của chúng tôi, Chúa ban cho chúng tôi những niềm vui lớn, qua giáo quyền. Tôi không thể quên được Đức Tổng Giám Mục Sài-gòn, Phao-lô Nguyễn Văn Bình. Ngài hằng theo dõi, khích lệ và nâng đỡ chúng tôi.
Vì Nhà Dòng đã trao các hoạt động của tôi cho Đức Tổng Giám Mục, ngài đã tỏ ra rất quan tâm đến công việc. Thỉnh thoảng ngài lại đến thăm, dầu có lúc trời mưa gió – Đức Tổng Giám Mục có việc gì dạy con – Không, tôi đến thăm cha và anh em.
Các công việc tại Trung Tâm ATAS được báo cáo cho Đức Tổng Giám Mục hằng tháng, các chương trình “Phát Thanh Giáo Dục Y Tế” được sự phối hợp với CARITAS của Giáo Phận , thời ấy do Linh Mục Nicolas Huỳnh Văn Nghi điều khiển. Đức Tổng Giám Mục nói với tôi: “Tôi không có tiền để yểm trợ cho cha, nhưng cha cần chữ ký của tôi cho bất cứ việc gì thì cha cứ đến tôi”. Ngài lại đến dự lễ làm phép tượng Đức Mẹ “Nữ Vương Làn Sóng Điện” đặt ở cửa vào Trung Tâm ngày 22.9.1974.
Ngài thường đến tham dự các nghi thức được tổ chức tại Trung Tâm,quan sát toán hoạt động tại các địa điểm quanh Sài-gòn.
Tôi không tìm hiểu ý định của Đức Tổng Giám Mục về Trung Tâm ATAS, do đó tôi không khỏi ngạc nhiên khi ngài bất thần hỏi tôi: “Cha có sẵn lòng trao lại Trung Tâm cho Hội Đồng Giám Mục để sử dụng cho Giáo Hội không ?” Tôi không chút ngần ngại: “Con sẵn sàng, con chỉ xin trả lại tiền đất cho gia đình, vì Trung Tâm sử dụng đất của gia đình em con”.
Biến cố 75 đã một lần nữa cúp cỏ dưới chân tôi và tôi lại vẫn không được “chuyên môn và chính thức phục vụ Giáo Hội trong ngành “Tông Đồ Truyền Thông” như tôi hằng mong ước và quyết tâm từ lâu rồi.
Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình còn đi xa hơn trong lòng thương và tín nhiệm đối với tôi khi “gợi ý” cho tôi lập một “nhóm” để tiếp nối công việc như tôi sẽ kể về sau này. Tôi nhận thấy ngài rất quan tâm đến “Tông đồ Truyền Thông”, không chỉ khuyến khích theo chỉ thị của Tòa Thánh mà thật sự đã làm, đã nghĩ đến những gì phải làm để tận dụng các phương tiện thính thị cho việc loan báo Tin Mừng, điều mà tôi nghĩ chủ quan rằng: Hàng Giám Mục và Linh Mục chưa đặt nặng lắm vì nhiều lý do: chuyên viên, tài chánh, trang bị....
11. KHÂM SỨ TÒA THÁNH HENRI LEMAITRE
Niềm an ủi lớn cũng đến với chúng tôi trong vị Khâm Sứ Tòa Thánh Henri Lemaitre. Vào quãng 1974, tôi ngạc nhiên nhận được giấy mời đến Tòa Khâm Sứ Tòa Thánh tại đường Hai Bà Trưng. Ngạc nhiên là phải, bởi ngài ở cao quá và tôi là gì mà liên hệ, bởi lẽ nữa là mọi công việc của tôi đều được Đức Tổng Giám Mục Sài-gòn “hướng dẫn”. Thắc mắc trước giấy mời này, tôi trình sự việc với Đức Tổng Giám Mục, không biết vì lý do gì mà Tòa Khâm Sứ “quan tâm” đến tôi. Ngài nói là ngài không biết chuyện gì nhưng bảo tôi cứ đi lên gặp Đức Khâm Sứ.
Đúng hẹn, tôi lên Tòa Khâm Sứ và được đưa vào phòng khách với vẻ “trịnh trọng” xứng hợp với một cơ quan ngoại giao của Tòa Thánh. Vị đại diện ân cần tiếp đón tôi. Ngài nói: “Tòa Khâm Sứ Tòa Thánh theo dõi mọi công việc của cha làm và...” Sau một phút hồi hộp đối với tôi, ngài nói tiếp: “Rất cảm phục. Nhưng... có một điều làm cho Tòa Khân sứ thắc mắc vì thế mời cha đến”. Có vẻ gay cấn ! Có gì chẳng xuôi ! Tôi nhanh chóng đưa thuẫn đỡ: “Thưa Đức Khâm Sứ, mọi công việc làm đều được báo cáo đầy đủ cho Đức Tổng Giám Mục Sài-gòn”. Ngài hiểu ngay tâm tư của tôi. Ngài cười và nói: “Cha đừng lo. Tôi biết. Nhưng Tòa Khâm Sứ thắc mắc là: “Tại sao cha làm việc như thế mà không tìm sự giúp đỡ của Tòa Thánh”. Khó mà tả được niềm vui tràn ngập tâm hồn tôi khi nghe lời đó. Tôi sực tỉnh và nhớ đến nhiều điều: Tòa Thánh theo dõi mọi hoạt động và luôn rộng tay khích lệ những người thiện chí và cố gắng nhiệt thành. Tôi cảm thấy được khích lệ và cảm nghiệm được tình thương của Hội Thánh.
Vị đại diện trao cho tôi xem một danh sách dầy đặc những tập thể, cá nhân được sự “trợ giúp” của Tòa Thánh với số tiền Mỹ kim. Tôi hơi giật mình được biết như thế vì không thể ngờ được rằng Tòa Thánh cho nhiều như thế. Cuộc tiếp xúc tràn tình thương khích lệ. Cuối cùng vị Đại diện nói với tôi: “Từ nay, cha cần gì thì đừng ngại trình bầy với Tòa Khâm Sứ”. Tôi chỉ thưa lại: “Chúng con cố gắng làm phần của chúng con, theo khả năng và sẽ trình Đức Khâm Sứ những dự án quan trọng.”
Tôi ra về với niềm vui phấn khởi trước sự chúc lành từ vị Đại diện của Tòa Thánh tại Việt Nam. Mấy tháng sau, tôi lại được một dịp cảm nghiệm được tình thương của Tòa Khâm Sứ. Tôi có liên hệ với mấy hãng phim tại Pháp và Mỹ để mua một số phim đạo, nhưng không biết làm sao để nhận dễ dàng các tài liệu đó. Các cộng tác viên đề nghị: “Sao cha không nhờ Tòa Khâm Sứ Tòa Thánh ?” Thế là tôi xin được gặp Đức Khâm Sứ và được trả lời: “Xin cha cứ đến ngay”. Vị đại diện vừa gặp tôi đã vui vẻ: “Xem nào chúng tôi có thể làm gì cho cha !” Tôi trình bầy kế hoặch nhập cảng Phim về Việt Nam. Vị đại diện ngắt ngang:
- Và cha cần tiền để thanh toán ?
- Thưa Đức Khâm Sứ không ạ.
- Thế thì chúng tôi làm được việc gì ?
- Chúng con xin Tòa Khâm Sứ nhận các phim ấy thay cho chúng con.
Vị đại diện hiểu ngay nhu cầu của tôi, ngài tươi cười nói:
- Cha muốn nhận qua “valise diplomatique”. Đó là điều Tòa Khâm Sứ không làm, nhưng đối với cha thì chúng tôi sẽ làm.
Tôi ra về và không hiểu tại sao Tòa Khâm Sứ Tòa Thánh tại Việt Nam lại có lòng thương đối với một nỗ lực nhỏ bé của chúng tôi như thế. Tôi giữ lại hình ảnh của vị Khâm Sứ Tòa Thánh cuối cùng tại Việt Nam và vị phụ tá của ngài, bởi vì chỉ vài tháng sau 30. 4.1975, các ngài đã “được mời” rời khởi nhiệm sở và trở về Rô-ma. Được biết ngài tiếp tục phục vụ Hội Thánh và mới qua đời năm 2004 gì đó. Liên hệ với ngài còn có Đức Ông Đa Minh Trần Ngọc Thụ, lúc đó làm thư ký tại Tòa Khâm Sứ, sau này về Rô-ma giữ chức thư ký riêng của Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô 2. Tôi đã được gặp ngài tại Roma Tết 2002 và sau đó được tin ngài qua đời.
Qua các sự kiện tôi đã kể ở đây cũng như rải rác trong tập hồi ký này, tôi thấy đường công danh và thành công của tôi thường bị trở ngại, không do con người trong đó có cả những người đáng lẽ phải giúp tôi thì cũng do thời cuộc, chính trị, quân sự thường bất ngờ bổ xuống trên đất nước này là môi trường hoạt động của tôi.
Sau này, khi đã bắt đầu muối tiêu, tôi cũng gặp nhiều khó khăn tương tự. Tôi được mời giảng thuyết tại Đại Học Chính Trị Đà Lạt, tại trường Cao Đẳng Quốc Phòng, trường Cảnh Sát Quốc Gia... Cũng có người anh em tỏ vẻ không mấy vui. Nhưng tôi được khích lệ bởi những anh em phát biểu: “Có người được mời như thế là vinh dự cho hàng Linh Mục, cho Nhà Dòng, cho nha Tuyên Úy Công Giáo...” Tôi cũng chỉ biết cố gắng làm hết sức mình để đạt kết quả tốt nhất. Dầu ở đâu thì tôi cũng vẫn chỉ là người mang Tin Mừng, và dầu nói về vấn đề gì thì người nghe cũng thừa biết rằng: tôi là một Linh Mục. Do đó tôi không tự phụ lên mặt được với ai mà chỉ một lập trường là làm hết sức mình vì Chúa và vì anh em, điều nằm lòng từ những năm ở Đệ Tử, Nhà Tập, Học Viện, qua sự chăm sóc của những vị Giám Đốc, Giám Học mà tôi vô cùng quí trọng và biết ơn: Eugène Larouche, Camille Dubé, Alphonse Tremblay, Thomas Côté, Stêphanô Chân Tín...
Từ lúc vào Đệ Tử, với 10 tuổi và rất... nhà quê, tôi đã nhận được ngọn lửa Thừa sai từ tâm hồn các Giám đốc, giáo sư, và đó là lý tưởng đời tôi, không có gì khác. Thực tế lắm lúc làm lu mờ cái lý tưởng ấy đi, nhưng không xóa bỏ được và trái lại càng in sâu hơn, vì dựa trên xác tín qua khổ đau của cả một cuộc đời.
12. ĐI TÙ
Trung Tâm ATAS nói riêng và công cuộc “Tông Đồ Truyền Thông” đang trên đà tiến triển tốt đẹp và công việc thực hiện chương trình cho Đài “Chân Lý Á Châu – VERITAS ASIA” đã khởi sự, thì biến cố 30.4.1975 đã xẩy đến. Tôi đón nhận sự thay đổi và hết lòng tiếp tục sứ vụ Linh Mục của tôi trong những điều kiện mới.
Tôi đã “ở tù” trong thời gian 5 năm, 5 tháng và 23 ngày. Dầu sao thì đó cũng là một chặng đường của đời tôi, một cuộc “đổi đời” như người ta thường nói, mặc dầu không có gì thay đồi trong chí hướng của tôi. Tôi nhớ ông Nguyễn Mạnh Bảo, kiến trúc sư chuyên nghiên cứu Kinh Dịch, đã được giải thưởng Ngô Đình Diệm vì những nghiên cứu của ông về Kinh Dịch, cuộc nghiên cứu cuối cùng đã đưa ông đến Thiên Chúa. Tôi đã giúp ông học giáo lý. Ông bà đã được Thanh Tẩy vào những năm tháng cuối đời. Ông lấy tên Gio-an Baotixita, bà thích được gọi là Têrêsa. Ông đã xem “số tử vi” của tôi và nói: “Cha thật lạ: người tu hành lại có cốt nhà binh, rồi lại ở tù. Thật khó hiểu !”
Chẳng cần phải xét xa hiểu rộng, thay đổi chính trị ở Miền Nam Việt Nam đã đến thì người sinh vào ngày nào giờ nào cũng đều ở tù ráo”. Đó là chính sách. Các Linh Mục Tuyên Úy nghĩ rằng: các vị Giám Mục sẽ lên tiếng bảo vệ các cha, bởi vì chính các ngài đã sai các cha vào tuyên úy để chỉ lo việc thiêng liêng cho những người Công Giáo thuộc các gia đình có con em, có người vào quân đội tại Miền Nam. Tôi không biết gì về lệnh phải trình diện.
Tình cờ gặp Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình, ngài tỏ vẻ ngạc nhiên vì thấy tôi chưa trình diện “học tập cải tạo”. Ngài nói với tôi: “Cha đi trình diện đi, để sau này nếu có phát thanh Công Giáo thì tôi lại nhờ đến cha”. Ngài còn lạc quan vì chưa biết rõ chủ trương và đường lối của chính quyền cộng sản. Tôi cũng mong như ngài và nghĩ mình còn cơ hội để phục vụ Chân Lý và Tình Thương. Với chiếc áo Dòng, tôi cỡi xe máy đến ngay địa điểm tập trung. Lính chận tôi lại. “Tôi đi trình diện”. Sau một hồi bàn tán, người ta trả lời cho tôi: “Ông trình diện trễ rồi, đợi đợt sau”. Tôi về nhà, lòng khá lo âu. Thế rồi không thấy nói đợt nào nữa, mà có thì tôi cũng không biết.
Tôi tỏ thiện chí, chấp nhận chế độ mới, tìm cách giúp anh em đang hoang mang để họ có việc làm hầu tránh bị đưa đi “kinh tế mới”. Công-ty “Dân Tiến” được thành lập với mục đích sản xuất những nồi nhôm. Tôi không cần biết những người “xã viên” là Công Giáo hay lương. Tôi chỉ muốn giúp mọi người có công ăn việc làm. Công ty tiến triển khả quan, đã bán được một số sản phẩm và khoảng 80 xã viên có việc làm, tiền lương không nhiều, nhưng có việc làm.
Cùng thời gian đó, tôi có nhà nguyện và mỗi ngày mấy chục người đến dự lễ. Tôi tổ chức các buổi họp Cầu nguyện, ca đoàn và sinh hoạt Huynh Đệ, tưởng như thế là yên ổn.
Thế nhưng, ngày 26.9.1976, đang khi tôi dùng bữa sáng, thì CA ập tới. Bộ đội và du kích canh các ngả đường. Lệnh bắt được đọc và tôi bị đưa về CA ở đường Trần Hưng Đạo. Đang khi ấy thì nơi tôi ở bị khám xét kỹ càng. Máy móc, giấy tờ, tài liệu bị tịch thu. Tối hôm đó, có học tập tại phường, đề tài: một tên phản cách mạng vừa bị bắt. Khi gọi tôi ra chụp ảnh, anh cán bộ nói với tôi: “Máy của anh đây này”. Tôi nhìn kỹ thì đúng là chiếc mát chụp hình Topcon của tôi. Anh còn thêm: “Đồ của anh còn nhiều lắm”. Tôi nghĩ đến một cuộc tịch thu lớn hơn trên cả đất nước này. Điển hình: cán bộ đến phòng hỏi: “Ai trong số các anh chuyên về vàng bạc, đăng ký” !
Sau được biết qua một người tù là ngày nào cũng thấy chuyển về từng cần xé vàng “cây”, phải nấu lên làm vàng thỏi. Công việc kéo dài trong nhiều tháng. Tôi biết là các máy móc thu thanh Ampex, các máy dĩa nhạc và vô số dụng cụ âm thanh trong phòng máy, toàn bộ băng thu và bộ Thánh Ca nước ngoài đều bị tịch thu cùng với tất cả album về sinh hoạt, các cuộc hành trình trong đó có cuộc hành trình nước Mỹ... Tôi không tiếc. Vì đã mất nhiều rồi: tiền nhà băng để xây Trung Tâm, sở đất 5.000m2 ở bãi Ô Quắn Vũng Tầu nơi tôi tính xây dựng Trung Tâm Gio-an 23, những gì tôi đã bỏ ra để làm “Nhà Thờ Liên Tôn” tại Vũng Tầu... Tôi chấp nhận mọi sự vì tôi nghĩ rằng: “Đó là Thánh Ý Chúa !”
Tôi được kêu đi “làm việc”. Tôi cứ tưởng đi làm việc là đi lao động, quét tước... Làm việc ở đây tức là đi “lấy cung”. Tại sao tôi ở tù ? Trên lệnh bắt giam có ghi tội trạng của tôi “Phản cách mạng”. Tôi không có một quan niệm gì về “tội lỗi” của tôi. Cán bộ chấp pháp hỏi câu đầu:
- Anh có biết tại sao anh bị bắt không ?
- Không
- Anh có đôi tí tiếng tăm, chúng tôi giữ anh một thời gian. Thôi chúng ta “làm việc”.
Họ hỏi tôi về Fatima Bình Triệu:
- Anh đến hoạt động ở Fatima Bình Triệu.
- Tôi không hề đi đến đó từ cả năm nay.
- Anh không đi nhưng anh sai cán bộ của anh đi !
Sau đó tôi mới biết là có vụ anh Hồ Ngọc Anh, người được chữa khỏi tê liệt. Tôi được biết cha Võ Văn Bộ bị bắt. Chẳng hiểu tại sao tôi lại bị ghép vào vụ này với tội danh “phản cách mạng”. Tôi tạ ơn Chúa và hát bài “Magnificat” trong cảnh xà lim mà lúc đó tôi thấy rõ chẳng có gì là rùng rợn lắm. Thời gian ở Đà Lạt, tôi đã từng ngồi cả buổi trong xà lim để an ủi giúp đỡ những người tù. Có lúc tôi nghĩ mình không đến nỗi gì phải ngồi tù: tôi đã tích cực “lao động” giữa những người lao động, tôi đã nhận được lời mời giữ một mục “Suy niệm Phúc Âm” trong tờ “Công Giáo và Dân Tộc”, nhất là trong quá khứ, tôi đã từng giúp đỡ những người được coi là CS: Phạm Ngọc Thảo, Phạm Ngọc Thu... Ông Phạm Ngọc Thuần chủ nhiệm văn hóa hải ngoại tương đương với cấp bộ trưởng, đã đến gặp tôi và mời tôi về nhà dùng bữa: “có cả Tướng Trần Văn Trà, Phạm Hùng, Võ Văn Kiệt...” Ông nói với tôi: “Vì có mấy ông ấy nên xin cha cho gia đình gọi cha bằng chú cho tiện”. Đồng ý thôi, nhưng tôi nói là thích ăn cơm riêng với gia đình. Tôi đã từng chở những người này trên xe để trốn lánh khi cần, mặc dầu có những bích chương dán đầy đường: “Thưởng 3 triệu đồng cho người cung cấp tin tức...” Khi ở tù, cán bộ CS sau khi biết quá khứ của tôi liên hệ đến Phạm Ngọc Thảo đã hỏi tôi:
- Anh có khai mấy chuyện này cho cán bộ không ?
- Không.
- Anh có giá lắm. Tại sao không khai ?
- Tôi làm vì bác ái Công Giáo mà.
Cuộc đời của tôi, quen những người có quyền thế cũng nhiều. Những cử chỉ quí trọng từ những người có quyền có lực làm ngạc nhiên cho những anh em trong Dòng và người quen biết: một cử chỉ như Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đưa tiễn tôi ra tận xe của tôi, các thượng nghị sĩ tín nhiệm tôi, các sĩ quan cao cấp kính trọng tôi, cậy nhờ tôi. Đại tá Phạm Văn Liễu Tổng Giám Đốc cảnh sát quốc gia có tiếng không thiện cảm với đạo, thiếu tá Đặng Sĩ hằng năm biếu bánh cho tôi vào những dịp lễ Tết.
Trong đạo tôi được biết và dễ dàng lui tới các vị Giám Mục, các Linh Mục nổi tiếng và có thành tích như Hoàng Quỳnh, Mai Ngọc Khuê, Trần Đức Huynh, Nguyễn Quang Lãm... Rõ ràng tôi có những quen biết lớn. Nhưng trong mọi sự tôi vẫn là Linh Mục và tôi thi hành nhiệm vụ thiêng liêng của mình. Tôi không hề dựa trên các quen biết đó để mưu lợi ích cho mình và lúc nào tâm hồn tôi cũng thư thái và không bao giờ thấy mặc cảm vì quyền lực nào. Thái độ và lập trường đó làm cho tôi thoải mái và bình an qua mọi biến chuyển.
Giờ đây, ở tù tôi vẫn là tôi và tôi không tự phụ vì đã có công gì đối với các anh em cộng sản. Không bao giờ tôi thù ghét họ. Họ mãi mãi là anh em tôi, là những người phải được tình thương và sự cứu rỗi của Thiên Chúa. Tôi không bao giờ quên những cán bộ quản giáo ở trại giam Trần Hưng Đạo, Phan Đăng Lưu và Chí Hòa thường rất tốt đối với tôi. Có người tôi còn mãi nhớ tên.
Trong suốt thời gian ở tù, dầu ở với những người trí thức, những người quan trọng như các bộ trưởng, nhân viên tình báo, giáo sư, tiến sĩ, thương gia... hay với những thường phạm... tôi quý trọng mọi người trước mặt Chúa, và tôi chỉ nghĩ đến nhiệm vụ của tôi: mãi mãi là Linh Mục, là chứng tá của Tình Thương của Thiên Chúa. Tôi cố gắng sống bình an, tự trọng không dành dật, không tìm tư lợi. Dầu thăm nuôi không bằng ai, nhưng tôi luôn để một phần cho lại những người không có thăm nuôi. Họ nói với nhau: “Ai không cho chứ ông cha là phải cho rồi”. Tôi chấp nhận thiệt thòi đôi chút để làm chứng cho một cái gì mà tôi biết mà có lẽ họ không biết đủ, nhưng họ phải cảm nhận được một điều gì.
Thỉnh thoảng tôi phải can thiệp với đôi lời vào các câu chuyện hay những phát biểu không đẹp, kể cả những phát biểu sai lầm. Anh Võ Xuân Đình trước làm báo Chính Luận cứ phải can tôi: “Cha cứ mêler vào đó làm gì ?” Tôi tìm mọi dịp để chuyện vãn với anh em về đạo, dâng lễ cầu nguyện, chia sẻ Lời Chúa, hướng lòng về cầu nguyện. Có người xin tôi Rửa Tội cho, tôi khuyến khích học hiểu, dùng thời giờ để cầu nguyện, rồi khi ra ngòai sẽ dễ dàng hơn nếu muốn được Rửa tội. Tôi nghĩ như thế là khôn ngoan hơn cả, mặc dầu tôi cũng được nghe mấy anh em kể là đã đưa nhau vào phòng tắm và cử hành nghi thức Rửa Tội. Tôi đến với những anh “đại bàng”, những người phạm trọng tội, nhất là khi họ lãnh án tử...
Tôi đã có những buổi sinh hoạt “liên tôn”. Công Giáo, Tin Lành, Phật Giáo, Hòa Hảo..., chúng tôi ngồi lại trong một góc phòng, đưa vài miếng bánh ra “làm mồi” và chúng tôi nói về tôn giáo, có lúc đề nghị thinh lặng để mỗi người cầu nguyện. Riêng đối với anh em Tin Lành, chúng tôi đã có những lần gặp gỡ, đọc vài đoạn Kinh Thánh và đọc Kinh Lạy Cha theo cách của mỗi đạo.
Sách Kinh Thánh ư ? Chúa cho chúng tôi có những mảng Kinh Thánh qua những giấy mà y tá dùng để gói thuốc. Biết là nhiều cuốn Kinh Thánh bị xé làm giấy gói thuốc cho người đăng ký bệnh, chúng tôi liền... “lâm bệnh”, được cấp thuốc và cấp luôn cả... Lời Chúa ! Mất đầu mất đuôi, nhưng chúng tôi vô cùng được an vui vì được đọc từng mảng Lời Chúa, chứ không lõm bõm nhớ được vài câu trong Kinh Thánh. Xúc phạm đến Kinh Thánh mà vẫn không gặp biểu tình chống đối, bạo động, cắt đứt bang giao, bị lên án tử hình... như khi có thái độ khinh thị Coran của Hồi Giáo vào những năm tháng vừa qua.
Nói về sách đọc, giấy viết, bút... trong tù, xin đừng nghĩ là người tù được dễ dàng có những thứ ấy. Cấm ngật đấy ! Nếu xét phòng mà khám phá ra ai đó có một mẫu giấy trắng bằng bàn tay thôi hay một mẩu viết chì dài cỡ một đốt ngón tay, thì đương sự cứ việc dọn “một cái ca, một khăn mặt và mặc quần đùi đi vào biệt giam trong 15 ngày”.
Sau này, khi đi tù về, tôi nháng nghe có lời trách xa xôi: “Đi mấy năm mà không gửi về Nhà Dòng được mấy chữ”. Đừng nghĩ rằng vào đó để học hành, để xong chương trình Đại học, để viết... nhật ký. Nhiều bạn tù tìm cách học sinh ngữ. Sách học là những bản chỉ dẫn đi theo các thứ thuốc ngoại quốc. Có người học đến thuộc lòng cả mấy toa thuốc. Tại sao không được như ngày xưa ? Chắc ai cũng hiểu được...
Có người làm thơ, sáng tác bài hát và ghi chép... trong trí. Cha Huyền Linh đã đặt một số bài hát như thế và tôi đã được nghe người ta hát truyền lại cho nhau, như bài: “Nhà Giam ơi, ngươi đã dạy ta, dạy ta bao nhiêu điều ta chưa biết đến, dạy ta bao nhiêu điều ta chưa xác tín...” Khi ở biệt giam ra phòng chung, có mấy anh em tù Công Giáo đã hát tặng tôi bài ấy và tôi cũng cố học thuộc lòng, để nghêu ngao và tự khích lệ mình. Tôi cũng làm thơ và nay còn nhớ bài “Thánh Lễ đời tôi” làm tại trại giam Chí Hòa. Xin chép lại làm kỷ niệm.
THÁNH LỄ ĐỜI TÔI
INTROIBO, tôi sẽ bước tới
Bàn Thánh Đấng gieo vui tuổi xuân tôi.
Tôi say sưa trong niềm vui nồng mới
Chúa Hoan lạc, chính Ngài Gia Nghiệp tôi.
Hoa đèn hương tỏa tràn trong Đền thánh
Khúc hoan ca rộn rã khắp cõi lòng.
Của Lễ tôi: Bánh trắng và Rượu nồng.
Tạ ơn Chúa: TÌNH THƯƠNG NGÀI ĐÃ THẮNG !
Rồi từ đó tôi dâng lễ hằng ngày:
Nơi Thánh Đường nguy nga tràn ánh sáng,
Giữa xóm nghèo tăm tối mấy ai hay,
Nơi núi rừng hay một mình thinh lặng,
Giữa ngày vui hay buổi gặp u buồn,
Lúc thành công cũng như hồi thất bại,
Cả những lúc chán nản muốn bỏ luôn.
Tạ Ơn Chúa: TÌNH THƯƠNG NGÀI TỒN TẠI !
Mấy năm nay, tôi dâng lễ trong tù:
Không hoa đèn, chẳng phẩm phục, nghi thức.
Thánh Đường đây, tù hôi hám âm u.
Tôi vẫn nhớ: Tôi mãi là Linh Mục,
Giữa nhân loại thu gọn bốn bước tường.
Của lễ tôi: cảnh tù đầy gian khổ.
Đáp Tình Thương, tôi dâng trọn yêu thương.
Tạ Ơn Chúa: TÌNH THƯƠNG NGÀI CHẲNG BỎ !
ECCE VENIO ! Này con đây !
Vâng ý Chúa, con hết lòng tuân phục,
Con xin đến, nên lễ tế hằng ngày.
Đã làm người, Ngôi Hai thành Linh Mục.
Là Linh Mục, rập khuôn khổ Ngôi Hai.
Nơi bàn Thánh cả đời con nương tựa.
Lễ Đời tôi: Mến, Thờ, Tạ, van nài:
Tạ Ơn Chúa: TÌNH THƯƠNG ĐÃ CHỌN LỰA.
Thời giờ thì dư thừa, nhưng ngoài những gì trong thể xác của mình thì không có gì cả. Thức uống là nước hơi nóng không đủ ngâm gói mì ăn liền hay khi có cháy thì ngâm vào để nước có mùi “đăng đắng” nhắc nhở đến cà- phê đen rất thèm. Của ăn thì phải làm sao tích trữ được một tháng, toàn là những thứ để lâu được, lắm khi về cuối cùng phảng phất mùi không mấy an toàn. Về cuối tháng, càng phải tiết kiệm nhiều hơn, nhất là thuốc hút đối với những anh em nghiền thuốc. Mà sao không nghiền được khi khói thuốc giúp bay bổng và quên những khổ cực của cuộc đời trong bốn bức tường luôn phải cảnh giác đề phòng và lúc nào cũng... đói.
Vui nhất là khi diêm đã cạn kiệt. Phải khéo tay lắm mói có thể tách một que diêm thành hai ba, cuốn một tí giấy hay ni-lông rồi hô hào anh em chuẩn bị đóm để câu lửa. “Một, hai ba...” Anh em thở phào nếu lửa bén, và ngọn lửa được thông chia cho nhau tạo nên những làn khói trắng trong cảnh âm u của nhà tù. Vui phải biết ! Rồi lại ai nấy về chỗ mình, chờ một lời kêu gọi mới: Lửa !
Tôi không hút thuốc, nhưng tìm cách bện những cái đóm để cho anh em hút thuốc, nhờ những bao giấy có ni- lông mà người nhà dùng gửi đồ tiếp tế cho tôi. Vui thế mà cũng có tiếng xì xào: “Ông cha mua chuộc đấy”.
Tôi nhớ bị báo cáo là “dạy Giáo Lý”, và cán bộ quản giáo quyết định phạt tôi 15 ngày biệt giam. Tôi được đối xử đặc biệt là được đem hết đồ đạc của tôi theo. Biết tôi bị biệt giam anh em nhét vào giỏ của tôi đủ thứ. Tôi quyết định tĩnh tâm 15 ngày. Lúc rảnh rang, ngoài những giờ cầu nguyện, chầu Chúa, lần chuỗi, suy niệm, tôi kiểm tra lại “gia tài” của tôi, và nhận thấy anh em đã cho tôi mấy bao thuốc lá và diêm quẹt. Tôi có sáng kiến đốt thuốc đề làm đèn chầu và để nó đừng tàn lụi, thỉnh thoảng hít một hơi. Trong cảnh cô tịch, ánh lửa, khói và mùi thơm của thuốc thật kỳ diệu. Ở phòng giam tập thể, tôi đâu có được những giờ phút như thế này. Chỉ tiếc là sau có 7 ngày, cán bộ đến mở cửa phòng: “Thôi, anh về phòng đi. Người ta báo cáo nên chúng tôi phải xử lý”. Họ không muốn tôi phải khổ hơn, nhưng tôi rất tiếc vì cuộc tĩnh tâm đã bị rút ngắn lại phần nửa.
Để lần chuỗi, tôi thắt gút những sợi cói. Không biết là bao nhiêu cái chuỗi cói tôi đã làm. Đơn giản thế mà vẫn sợ bị phát giác mỗi khi xét phòng. Mọi biểu tượng tôn giáo đều bị cấm đoán triệt để. Khi bị bắt, tôi có mang một cỗ áo Đức Bà Ca-mê-lô. Người ta tịch thu. Khi chuyển trại, người ta trả lại cho tôi. Để giữ được cỗ áo Đức bà đó, tôi khâu vào áo của tôi, một miếng đàng trước, một miếng đàng sau. Nhưng cái làm cho tôi “quản ngại” hơn hết là một cây Thánh Giá to cỡ các Tu Sĩ DCCT hay các bà soeurs Mến Thánh Giá thường mang. Thánh Giá đó không phải của tôi. Nó được “quẳng” cho tôi bởi một người tù nào đó không biết.
Đang ngồi trong phòng giam tập thể thì “bụp” một cái, một gói gì đó được quẳng vào phòng và có tiếng ở ngoài: “Cha Do”. Người ta trao cho tôi. Mở ra... thì đó là cây Thánh Giá bằng đồng to gần bàn tay. Tôi thầm cầu nguyện: “Lạy Chúa, Chúa đến với con lúc này thật là phiền lắm đấy”. Những anh em, nhất là Công Giáo khuyên tôi nên quẳng ra ngoài vườn: “Bị phát giác thì Chúa sẽ bị xúc phạm và cha phải đi biệt giam kỷ luật là cái chắc”. Tôi tự nhủ: “Linh Mục mà quẳng Chúa ra vườn à ?” Và tôi quyết định giữ lại. Không biết làm sao nhưng phải giữ lại. Tôi khâu tượng vào lưng áo. Mỗi lần có xét phòng, tôi phanh ngực ra và Chúa được an toàn. Mấy lần rồi. Nhưng nguy hiểm quá, ai cũng cảnh cáo tôi. Tôi nghĩ biến Thánh Giá thành cán quạt lá nhờ quấn vải và ni-lông. Chúa phải ẩn mình. Chúa phải chấp nhận như thế nếu Chúa không muốn con quăng Chúa ra vườn rau, hay Chúa bị xúc phạm và con đi biệt giam.
Tôi chầu Chúa suốt ngày, hôn cả lên cái quạt ấy, giống như Nhà Tạm Chúa ẩn náu dưới hình bánh. Ngài phải chung số phận với tôi, tiếp tục là người “tôi tớ” khiêm hạ, ẩn mình vì Tình Thương. Và tôi đã mang bức tượng Chúa chịu nạn đã từng... bị giam với tôi suốt mất năm trời, “Tù giữa những người tù”. Nhưng có lẽ Chúa cũng không cô đơn hơn nơi những nhà tạm trong các Nhà Thờ đóng kín trên khắp thế giới, cách riêng tại Việt Nam vào thời buổi này, vì sợ... kẻ trộm. Thế đấy, Thiên Chúa Tình Thương đến khùng điên vì loài người bạc bẽo.
Tượng Chúa thì sợ mất, áo Đức Bà thì sợ bị tịch thu, nhưng nếu Chúa, Mẹ ở trong tận trái tim tôi, tận đáy linh hồn tôi thì có ai moi móc ra được. Chỉ cần tôi sống sao cho các Ngài sáng tỏ. Tôi phải là bình pha-lê để ai cũng có thể thấy ánh sáng của Ngài xuyên qua. Tôi đã có cuộc sống bình thường trung thực. Có lẽ tôi đã thành công phần nào hay đúng hơn, Chúa đã thành công qua các bề trên và anh em đã tạo cho tôi một tâm hồn Linh Mục, mặc dầu với vô vàn tội lỗi, đã biết thương cảm với người khổ đau, chấp nhận là “tôi tớ”, noi gương Đức Ki-tô đã nhận lấy tất cả sự yếu hèn của con người, trở nên giống con người mọi đàng để con người được nên con của Thiên-Chúa. Rõ ràng làm chứng cho Chúa có những lúc thật khó khăn và đem lại nhiều mất mát. Nhưng tôi chưa bị đẩy vào chọn lựa giữa Chúa và thất tín phản bội.
Một tù nhân ngồi thinh lặng:
- Anh kia làm gì đó ?
- Tôi thiền.
- Không được thiền. Có lệnh cấm cầu nguyện.
Chúa vẫn hiện diện. Linh Mục quần xoọc áo may-ô cũng còn khá hơn Chúa Giê-su trên Thánh Giá.
- Các anh mất quyền công dân rồi, không được thi hành tín ngưỡng.
Tôi giảng kế hoạt của Thiên Chúa khi kể cho những ai muốn nghe những chuyện về tạo Thiên lập địa, về cuộc xuất hành khỏi nô lệ Ai Cập của dân Ít-ra-en, về Mô-sê, Đa-vít...
- Các anh không được mang biểu tượng tôn giáo. Thì tôi mang trong thân xác tôi hình ảnh của Thiên Chúa.
- Anh kia, tại sao anh cười ?
- Thưa cán bộ, tôi đâu có cười.
Niềm vui tận đáy lòng và bình an tỏa sáng trên môi.
Không phải là lúc cầu nguyện bằng lời mà là bằng chính cuộc sống, cầu nguyện bằng đói, bằng khát, bằng nóng bức, bằng tù đầy, bằng thiếu thốn, bằng cả sự mất tự do không được làm việc mình muốn làm, bằng thời giờ xem ra mất trắng để không làm gì cả, “far niente”, bằng chịu đựng mùi hôi tanh... Tôi giảng bằng cách sống bình an, bằng cách không dành dựt chọn lựa khi được phát đồ ăn, bằng việc giúp đỡ anh em khi suốt ngày ngồi vá quần áo cho những người không có đủ quần áo mặc mà rách rưới, bằng cách lặng lẽ đi lau chùi những dơ bẩn rơi vãi khắp nơi do người bị kiết lỵ thải ra... Thế là tôi được niềm vui và bình an.
Trong suốt mấy năm tù, không được viết thư hay gặp mặt, tôi thường phải mặc quần áo rách. Tôi thu hồi những miếng vải còn khá lành lặn người ta bỏ ra chùi nhà để vá vào quần áo của tôi và của những người không có thăm nuôi. Cuối cùng, tôi có một bộ quần áo đủ mầu sắc, miếng này nằm đè lên miếng khác. Không đến trăm mảnh đâu, nhưng cũng cho cảm tưởng như thế.
Tôi không hề trách móc Thiên Chúa hay thời cuộc. Tôi suy nghĩ đơn giản, tôi chỉ là một con chim sẻ. Lắm lúc tôi nhìn những cây cối đung đưa theo gió, những chiếc lá bay ngoài tầm tay và thấy mình thiệt thòi hơn cả những tạo vật vô tri đó. Nhưng nếu một sợi tóc mà Thiên Chúa còn ghi sổ huống chi là con người tôi “đáng gía hơn nhiều con chim sẻ”.
Trong một môi trường hết sức phức tạp, cũng vẫn tồn tại những quan niệm, những ý thức hệ, những chính kiến phe phái đẳng cấp và dân tộc. Trong những phòng tôi ở, có đủ Hàn, Hoa, Cao Mên... Trong nhóm Hoa, có những người là cán bộ Trung Quốc ở Chợ Lớn đã từng làm giao liên giữa Trung Quốc và Cộng Sản Việt Nam, có người thuộc Quốc Dân Đảng, Đài Loan...
Một người tù mới bước vào phòng, cả mấy chục cặp mắt đổ vào người đó. Đối với tôi thì là người Hoa. Nhưng tức khắc anh tù mới bị cô lập. Anh ta là người Quốc Dân Đảng hay Quốc Gia. Anh thiếu thốn mọi sự mà không được những người Hoa khác giúp đỡ gì cả. Cán bộ CS Trung Quốc rỉ tai nhau lệnh cô lập anh ta. Tôi là người thản nhiên chia với anh tù mới vài miếng ăn. Không phải vì anh ta “chống Cộng sản”, nhưng vì anh ta “bị cô lập” và rất túng quẩn. Vì anh ta ghẻ lở, người ta cho nằm cạnh tôi và dĩ nhiên là tôi chẳng có quyền và cũng chẳng có thể phản đối. Quà Chúa trao vậy thôi.
Trong thời gian này, tôi chẳng mấy quan tâm đến ăn uống. Một năm Nhà Nước cho ăn thịt vài lần dịp Tết và lễ 2 tháng 9. Các bạn tù quan tâm đến thùng canh mỗi khi lao động đem đến trước cửa phòng. Thường thì không có gì đáng quan tâm: nước lõng bỏng với vài cọng rau, thường là rau muống mà người tù gọi là “kẽm gai”, vì lá không có bao nhiêu. Nhưng có đôi lần canh có hơi khác, và người ta tươi cười báo cho nhau: “có chất láng”. Niềm vui dễ dãi ! Chấp nhận mọi sự, kể cả khi được thăm nuôi trong giấy có: một con gà quay, mà “gà bây giờ không có đùi”, hay giấy ghi “một ký đường tán”, mà cán bộ đòi phải sửa lại là: “một gói đường tán”, bởi nó đã hao hụt và không ai có giờ đâu mà cân.
Tôi sống mỗi ngày tù với tâm hồn thư thái, bởi đã chấp nhận kết thúc xấu nhất là chết trong tù, không người thân thích, không được yêu thương và sẽ được chôn vùi đâu đó không làm phiền lụy đến ai như những Linh Mục mà tôi đã được nghe nói, như cha Nguyễn Văn Vàng, cha Bản...
Tôi thấy cha Vàng xa xa tại trại giam Phan Đăng Lưu. Từ phòng biệt giam, ngài ra dấu xin tôi giải tội cho ngài, rồi từ đó không biết gì nữa cho đến khi về nhà tôi được biết ngài đã chết ở một trại tù tại miền Bắc. Cha Hoàng Quỳnh ở biệt giam số 1 sở CATP. Được nghe nói: khi diểm danh, không nghe ngài trả lời, cán bộ mở cửa thấy ngài bất động. Ngài được khiêng đi và sau đó thì chết tại trụ sở CA Võ Tánh.
Thế rồi ngày 23.3.1982, tôi được trở về đời sống bình thường – nhưng không bình thường, vì mỗi tuần phải làm báo cáo và trình diện CA. Không bình thường vì từ đó đến nay, tuy được hộ khẩu, được làm giấy chứng minh nhân dân, được đi bỏ phiếu..., tôi vẫn là “công dân bậc hai”, không được chính thức làm mục vụ, tại miền Bắc còn bị cấm không cho đồng tế. Tôi vẫn không thất nghiệp.
Tôi giảng Đại Phúc, giảng từ Bắc chí Nam và làm những gì tôi còn có thể làm được, không hẳn là “được phép làm”, kể cả việc điều khiển các buổi kiệu Đức Mẹ tại La Vang nhờ sự yêu cầu của cha quản nhiệm Dương Đức Toại...
Lm. NGUYỄN TỰ DO, DCCT ( còn tiếp nhiều kỳ )
NIỀM VUI VĨ ĐẠI - Kỳ 5
HỒI KÝ 50 NĂM LINH MỤC
13. NHỮNG NGƯỜI PHONG CÙI
Suốt hơn 20 năm qua, tôi dành nhiều thời giờ để thăm viếng các anh chị em bệnh nhân phong cùi. Tôi cảm thấy gần gũi họ kể từ những ngày còn ở Học Viện, khi các Bề Trên hằng năm cho chúng tôi được đến làng phong Di Linh. Thời gian đó, chúng tôi đến với những bệnh nhân với hai bàn tay trắng, vì không ai nghĩ rằng họ cần đến những món quà để đỡ đói. Chúng tôi đến để cùng dâng lễ với họ, thăm hỏi và gần gũi.
Chúng tôi chứng kiến được sự hiện diện của vị Thừa Sai mà chúng tôi coi như một “thần tượng”: Jean Cassaigne. Chúng tôi được chứng kiến vị Giám Mục về hưu, với bệnh phong cùi trên thân xác, kiệt sức trên chiếc giường sắt đơn sơ. Chúng tôi cảm phục các Nữ Tu Dòng Vinh Sơn Phao-lô lúc nào cũng tươi cười, mau mắn và nhân hậu bên cạnh những người phong cùi lúc ấy còn chịu cảnh lở lói hôi tanh. Hình ảnh của một Nữ Tu người Pháp có tên Gilberte vừa trẻ vừa đẹp lúc nào cũng hết lòng và tháo vát giúp đỡ các người bệnh ( Ảnh trại phong Di Linh và Nữ Tu Mai Thị Mậu ).
Ngày nay sự hiện diện của các Nữ Tu Thánh Vinh Sơn vẫn còn và chị Joséphine Mai Thị Mậu lúc nào cũng hết lòng với người bệnh, kéo sự chú ý của nhiều người và của chính quyền đã hai lần tặng huy chương cho chị và chị thường được nêu danh và hình ảnh trên các báo. Các chị cũng chỉ biết làm chứng tá cho Tình Thương bắt nguồn từ Thiên Chúa.
Vào những năm sau 1982, việc thăm viếng các trại phong không được dễ dàng, hàng hóa cũng khan hiếm do chế độ bao cấp, phương tiện hạn hẹp. Trong số những người tham gia các cuộc thăm viếng, chỉ một mình anh Nguyễn Cao Khải có xe gắn máy. Cá nhân tôi, cô Thy Phương thường phải dùng xe đạp. Chúng tôi chở mấy chục lít xì dầu, vài chục hũ chao đến và đong cho mỗi người mấy muỗng những thứ ấy. Nhà Nước chưa có chế độ lo cho những người phong cùi. Do đó chúng tôi chỉ thăm được mấy trại quanh Sài-gòn.
Lễ Noel năm đó, cùng với cha Lê-ô Lê Trung Nghĩa, chúng tôi đến dâng lễ tại trại phong Thanh Bình, vùng Thủ Thiêm. Tôi đến trước để giải tội. Cha Nghĩa dùng xe gắn máy chở Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình đến sau. Thánh Lễ đồng tế diễn ra tốt đẹp. Gần xong lễ, CA đột nhập. Tôi kịp thoát ra khỏi trại. Đức Tổng và cha Nghĩa bị đưa về đồn CA. Tôi thông báo sự việc với Đức Cha Phụ Tá Phạm Văn Nẫm và ngài đã can thiệp kịp thời để Đức Tổng Giám Mục được thả về kịp lúc dâng Lễ Giáng Sinh đêm 24 tháng 12 tại Nhà Thờ Chánh Tòa cho cả vạn tín hữu đến dự. Sau này ngài cho tôi biết là “Họ muốn bắt cha đấy !“ Lúc đó tôi vẫn bị “cấm vận mục vụ”, và bầu không khí vẫn còn vô cùng khắt khe.
Từ những trại quanh Sài-gòn, các cuộc thăm viếng lan rộng dần đến Phước Tân, Bình Minh ( trên đường đi Vũng Tầu ), rồi Bến Sắn ( Bình Dương ), Sóc Trăng, lên đến các trại và làng phong Tây Nguyên: Eana ( Buôn Ma thuột ), Đakkia, An Mỹ, Dakring, Daktô, Xóm Nhỏ, Núi Sạn ( Nha Trang ), đến Hòa Vân ( Đà Nẵng ) và ra đến các trại phong Miền Bắc: Quỳnh Lập ( Vinh ), Cẩm Bình ( Thanh Hóa ), rồi Vân Môn ( Thái Bình ), Quả Cảm ( Bắc Ninh ), Phú Bình, Sóc Sơn, Ba Sao, Xuân Mai, Chí Linh ( Hải Dương ), đến tận Yên Bái. Nhà Dòng Hà Nội làm trụ sở, chúng tôi đi khắp nơi nhờ sự hợp tác của cha Trịnh Ngọc Hiên, thầy Giu-se Tuệ. Cha già Trần Hữu Thanh thường cũng đi với chúng tôi, kể cả lúc ngài đã phải dùng xe lăn để di chuyển.
Không có cơ quan hay tổ chức nào nâng đỡ bảo trợ cho các cuộc hành trình. Tất cả dựa vào sự đóng góp của những người thiện chí, của những thân hữu đã từng hoạt động với chúng tôi mà nay đang ở tại Hoa Kỳ. Đáng kể phải nói đến những anh em Dòng Chúa Cứu Thế như các cha Đinh Ngọc Quế, Ngô Đình Thỏa, Phan Phát Huồn, thầy Edmond Hà, bạn bè ở Pháp như các ông bà Lucien Sompayrac, Jacques Kayser... Những đồng bạc quý báu được gom góp trong nhiều tháng, và khi đã tạm đủ để đáp ứng mọi công việc, chúng tôi lên đường, lúc bằng đường sắt và thường bằng đường bộ, vì nhờ thế chúng tôi mới có thể ghé lại những nơi cần thăm viếng.
Không có các bạn hữu như thế thì chắc chắn là chúng tôi không thể có khả năng thực hiện được những cuộc hành trình dài ngày và rất tốn kém này. Tôi luôn biết ơn Chúa đã thương ban cho tôi nhờ họ mà đến được với những người đau khổ và hằng sống trong biết ơn và hiệp nhất với những cộng tác viên và bạn hữu trong tinh thần Hành Hương và Cầu Nguyện.
Tôi cảm thấy hạnh phúc vì lúc nào tôi cũng được gần gũi những người đau khổ, những người mà theo Chúa nói thì không thể “mời lại tôi ăn tiệc” để trả lại những bữa tiệc tôi có thể đã mời họ. Niềm vui đã cho Chúa những bát nước lã mà Chúa đã bảo rằng nhờ đó mà tôi sẽ được tình thương nhân hậu bao la của Chúa. Tôi còn nhiều khát vọng muốn làm, nhưng sức khỏe đã không cho phép, nhưng tôi cứ khởi sự những gì mà Chúa soi sáng bảo tôi làm. Tôi không làm hết được, bởi Giáo Hội còn tồn tại đến tận thế, bởi “các con luôn có người nghèo giữa các con”, bởi tôi chỉ là một “tôi tớ” trong số các tôi tớ của Gia-vê Thiên Chúa, và khi tôi không còn nữa thì Chúa nhân lành vẫn “tiếp tục ban cho đoàn chiên Chúa những mục tử như lòng Chúa muốn”.
Những thế hệ trẻ tiếp nối. Tuy không được tiếp xúc và quen thân nhiều, nhưng tôi phấn khởi ra đi khi nào Chúa muốn, vui mừng về báo cáo những gì tôi đã làm được, dầu chỉ là một nén vàng lời khi tôi nhận được nhiều nén với sứ mệnh sinh lời cho Chủ, bởi Ông Chủ mà tôi phục vụ là một người Cha nhân hậu và vô cùng yêu thương tôi, bởi Ngài không biết tính toán rằng tôi phải sinh lợi đúng mức mà chỉ nhìn đến thiện chí của tôi và vẫn cho tôi một đồng như cho người lao công suốt ngày, bởi Ngài chỉ là Nhân Hậu.
Vì tin tưởng như thế, mặc dầu với vô vàn tội lỗi và thất tín, tôi muốn mãi mãi làm vinh danh Chúa tôi, khi Người đã đến để cho tôi, cho mọi người được NIỀM VUI VĨ ĐẠI như khẩu hiệu của đời sống cũng như của việc thi hành sứ mạng của tôi giữa đồng loại.
-NIỀM VUI VĨ ĐẠI - Kỳ 6
HỒI KÝ 50 NĂM LINH MỤC
14. NGÂN KHÁNH LINH MỤC
Ngày 8.9.1981, tôi mừng Ngân Khánh Linh Mục trong phòng giam Chí Hòa. Tôi cố gắng sống “một ngày như mọi ngày tù”, nhưng lòng trí hướng về Đấng tôi thờ và nỗ lực nhỏ bé để phục vụ. Ngày kỷ niệm này được sống trong lòng yêu mến, biết ơn và cầu nguyện. Tôi cầu để ở trong hoàn cảnh này, tôi vẫn làm chứng cho Tình Thương Cứu Độ. Thực tế thì tôi phải sống làm sao “cho ra Linh Mục”, để người ta vừa không chê cười được tôi, coi rẻ Hội Thánh và chẳng nhận được tín thư của đời tôi là tín thư của Đức Giê-su.
Tôi chia sẻ kỷ niệm với anh em Công Giáo khoảng mươi người trong phòng giam. Tôi mời mấy anh em, trong số có một cựu bộ trưởng, một nhà giáo, một Chủng Sinh... Ngồi quây quần với nhau quanh vài cái ly “nước lạnh”, mấy cái bánh và chúng tôi... dâng lễ “Tạ ơn” và “dùng tiệc liên hoan”. Ngày Ngân Khánh cũng thật tràn trề niềm vui và thật sự tôi không cảm thấy thiệt thòi gì vì “niềm vui vẫn trọn vẹn”.
Sau khi ra khỏi tù, nhiều anh em có tình thương đề nghị tôi mừng Ngân Khánh Linh Mục. Một lễ tạ ơn được tổ chức tại nhà, có sự tham dự của một số anh em trong Dòng. Nhân dịp này, tôi có viết mấy trang suy tư để kỷ niệm và khơi dậy những tâm tình trong lòng. Tôi xin chép lại những gì tôi đã viết cách đây 24 năm.
Viết trong dịp mừng lễ Ngân Khánh Linh Mục của tôi.
Trễ một năm 8.9.1956 – 1982. Nhớ ngày Hồng Ân !
Đã 26 năm, tôi là Linh Mục ! Thời gian thật dài, nhưng nhìn lại cũng rất là ngắn. Nhìn tới, tôi thấy như thời gian của tôi đã gần chấm dứt, ngày Chúa đến đã thật gần, ngày gặp mặt trong hân hoan nhưng cũng là ngày đáng kinh hãi: “Nếu Chúa xét tội, ai trần gian đứng vững”.
Nhưng qua mọi chặng đường, giữa những dao động, biến cố trần gian với tầm mức quan trọng cho vô số người thì cuộc đời tôi, cách riêng cuộc đời Linh Mục của tôi, Chúa đã vạch ra như giòng suối rẽ đá tìm đường nhất định phải về biển cả. Có những con suối rất ngắn vì đã vội vã biến mình trong dòng sông thác lũ; có những ngọn suối khi cạn trong mùa hè nắng ráo không tải ấm mát và sự sống mong chờ; có những con suối lúc chìm lúc nổi, khi rẽ đá, xoi đất, lúc vạch lá len lõi, khi chui sâu vào lòng đất để rồi lại xuất hiện như một mạch nước mới trong mát; con suối nọ biến vào bùn lầy, tan trong ao tù dơ bẩn... .
Đời tôi là một giòng suối mà đường đi hướng chảy đã được Thiên Chúa là cha yêu thương tính toán dẫn dắt. Nhất là cuộc đời Linh Mục của tôi. Nhớ lại hồng ân, nhớ lại những yêu thương và những lỗi lầm, tôi không biết làm gì. Trong thinh lặng của tâm hồn và thể xác, với niềm vui và lòng tin, nửa cười nửa khóc, tôi chỉ còn biết nói lời Ngợi khen và Tạ ơn. Magnificat anima mea Dominum.
Ngày 8.9.1956, sau 10 ngày cấm phòng, tôi ngơ ngác thấy rằng: Linh Mục, lý tưởng ước mong từ thuở nào, mới đây còn rất xa vời, nay đã là của tôi. Không có gì ngăn trở tôi làm Linh Mục. Không còn trở ngại nào nữa: Sự học, Bề Trên, Sức khoẻ, Giáo Dân, bạn hữu v.v... Tất cả đều đã thông qua rồi !
Trong giây phút này, chỉ còn có một mình tôi. Chỉ còn có một mình tôi có thể tự ý rút lui không tiến bước. Tôi có thể không tiến bước, Chúa vẫn để tôi tự do; vẫn tôn trọng sự tự do của tôi, và mặc dầu là Thiên Chúa, Ngài vẫn hỏi ý kiến của tôi: “Si vis”, ”nếu con muốn”.
Đối với tôi, cũng như đối với tất cả mọi người khác, cũng như đối với Đức Trinh Nữ Ma-ri-a, Thiên Chúa đã “hỏi ý kiến”, và Người đã chờ câu trả lời: ”Nếu con muốn !” Tiếng FIAT XIN VÂNG của Đức Trinh Nữ Ma-ri-a đã mở màn cho một cuộc vi hành của Đức Chúa Trời để thực hiện công trình Cứu Thế. Tiếng XIN VÂNG của “Nữ tớ Chúa” đã là hiệu lệnh cho Ngôi Hai xuống thế làm người. Mầu nhiệm vô cùng lớn lao, vô cùng kinh ngạc.
Hôm nay đây, một lần nữa, một lần dứt khoát, lại bvị Thiên Chúa cao cả vĩ đại ấy lại mời tôi: “Si vis, nếu con muốn” và hôm nay đây “SERVUS ! Tôi tớ lại có quyền để Thiên Chúa chờ đợi một câu trả lời. Thiên Chúa lại chờ một sự quyết định từ thọ tạo của Ngài. “Nếu con muốn ! Tuỳ ở con ! Nếu con muốn. Kỳ lạ quá ! Kỳ lạ khôn lường !
Tôi đã mặc chiếc áo Dòng mới, đã đi đôi giày mới mà các Bề Trên thường ban cho anh em trong Dòng nhân dịp khấn, chịu chức... Tôi đã suy nghĩ rồi. Nhưng giờ này tôi vẫn thấy một sự xôn xao trong tâm hồn.
Tôi lại sống được ngày hôm nay sao ? Những bộ áo lễ đã được dọn ngay ngắn cho anh em chúng tôi. Đụng vào những bộ lễ phục đó, là dứt khoát cả một tâm trạng đã hun đúc từ bao năm mà tôi coi như là trong những năm hạnh phúc và vô tư nhất của cuộc đời tôi. Tôi đã nhiều lần trả lời với Chúa, và tôi vẫn phải trả lời hằng ngày với Ngài, nhưng câu trả lời hôm nay có một tính cách đặc biệt: “Từ nay, Thầy không còn gọi con là tôi tớ nữa. Con sẽ là bạn của Ta”.
“Ta sẽ cho con biết mọi việc Ta làm ! Ta sẽ san sẻ vui buồn với con. Ta sẽ chia sẻ với con những ưu tư của sứ mệnh cứu thế”. Vinh dự và gánh nặng ! Honor – Onus !
Cầm chiếc khăn vai, mặc chiếc áo trắng, tôi phải lấy nghị lực của mình, bởi cử chỉ như lúc ấy chính là một sự chấp nhận, một lời XIN VÂNG. FIAT ! Này con đây ! Tôi không thể lui được, vì hồng ân của Chúa đã thúc bách tôi, vì tình yêu của ngài đã đưa dẫn tôi, mặc dầu tôi vẫn thấy vô cùng sợ sệt.
Cuộc tiến bước của tôi lên Bàn Thánh Chúa thật là tuần tự, không cưỡng lại được tôi. Tôi có cảm tưởng như đời tôi không do tôi sắp đặt. Tôi phải đi, chấp nhận đi, không được do dự, không được ngại ngùng, không được âu lo cho ngày mai. Từ thuở nào rồi tôi đã chấp nhận lên đường với Ngài. Đã lên đường thì phải đi, phải tiến, và tôi cũng biết rằng: không phải ngày nào cũng ấm mát. Đường là có bụi bặm, đường là có nắng, có mưa, có bùn lầy, có đá sỏi gai góc... Lên đường, chúng ta còn có cặp mắt yêu thương hay ít ra thán phục, chứng kiến... nhưng qua khúc quanh đầu tiên, những cặp mắt kia đã khuất... và chỉ còn có một mình với đôi chân mỗi phút mỗi thêm mỏi mệt, với nhịp tim thêm mau, với bụng dạ cồn cào và với sự cô quạnh càng ngày càng thêm sâu đậm. Càng đi xa, càng vắng bóng những người quen thuộc, càng mất hẳn những cảnh thường gặp.
Lên đường với Chúa... Nhưng Ngài lại là một Thiên Chúa ẩn mình DEUS ABSCONDITUS ! Ngài là người bạn đường vô hình. Hay dở là ở chỗ có tinh, có linh cảm đủ để nhận biết ngài. Hôm nay, tôi lên đường không còn vương vấn gì nữa: Scio cui credidi. Tôi biết, tôi đã biết Ngài là ai rồi.
Nỗi ngạc nhiên và cảm động của tôi là nhận ra vị Giám Mục sẽ đặt tay trên tôi và xức dầu cho tôi chính là vị Giám Mục của Địa Phận Thanh Hoá, đấng đã ban cho tôi phép Thêm Sức, đấng đã chúc lành cho tôi, khi tôi lên đường vào Đệ Tử Viện Huế. Năm 1939; tôi còn nhớ ngày 26 tháng 7. Hôm nay ngài đã già và hiện ở tại Tân Thanh, Bảo Lộc. Các vị Bề Trên đã nghĩ đến việc mời ngài, do ý định của Thiên Chúa, vì ngài là một Thiên Chúa tế nhị, hiền hậu. Tôi nghĩ như thế và cảm động trước sự trùng hợp ý vị này.
Trong khung cảnh kín đáo, ấm cúng của Nhà Nguyện Học Viện Dòng Chúa Cứu Thế, với những người tham dự thật ít, Thánh Lễ đã khởi sự. Sau lưng tôi là các cha các thầy – những giáo sư của tôi, các Bề Trên của tôi, những ân nhân, bạn hữu – và đối với riêng tôi, cuộc di cư 54 đã đưa đến cho tôi sự hiện diện của chị tôi, em tôi, anh Thư là một số người đồng hương cùng xứ Nhân Lộ.
Tôi đã nói đến anh Thư. Con người này cũng có mặt. Thật là một sự tế nhị khác của Thiên Chúa đối với tôi. Tôi nhớ lại năm 1939, có lẽ vào tháng 5 hay tháng 6, tôi qua chơi nhà ông Thiềng. Ôâng vui vẻ bảo tôi: ”Sao Do không viết thư cho anh Thư ?” – “Viết làm gì thế ?” – “Ờ, thì để xin anh xin cha Dòng cho vào DCCT”.
Tôi đã viết, viết mà không suy tính gì. Và thơ trả lời đã đến, báo cho biết Nhà Dòng đã nhận tôi. Anh Thư đã về nghỉ hè và khi trở lại, tôi đã đi với anh... vào Dòng. Chỉ có thế ! Rồi sau đó, một hai năm gì đó, anh Thư, anh Phương đều rời Đệ Tử Viện, chỉ còn một mình tôi. Một mình tôi cho đến hôm ấy, 8.9.1956.
Tôi có quyền mà tin tưởng rằng. Thiên Chúa đã dọn đường cho tôi. Từ tối tăm của một cuộc sống nơi đồng quê xa xôi, Thiên Chúa đã chọn tôi, đã dọn đường cho tôi, đã đặt người chỉ nẻo cho tôi và tôi đã đi, đi mãi, có lúc ngã, có lúc bò, có lúc chán nản. Cho đến hôm nay, ngày hồng ân tuôn trên tôi, ban cho tôi trở nên Linh Mục đời đời. Không có gì mà không do hồng ân của Đức Chúa Trời:
“Từ muôn thuở Chúa đã yêu tôi, một tình yêu không bờ bến
Nay tôi biết lấy chi báo đền lòng từ ái Chúa vô biên...”
Và tôi đã tiến bước trong tin tưởng. Ngài đã kêu thì ngài sẽ giúp tôi trả lời, và tôi đã trả lời thì ngài sẽ giúp tôi trung tín. Vị Giám Mục đã đặt tay trên tôi, người đã xức dầu trên tôi và tôi là Linh Mục, từ hôm nay và cho đến muôn đời.
Ngày hôm ấy, tôi đã ghi lại nhật ký linh hồn. Trong thời gian ở tù, tôi đã có ý định và chờ ngày về để đọc lại những tâm tình vội ghi ngày hồng ân đó. Nhưng Chúa đã không muốn. Mọi sự – nhất là cuốn ký sự linh hồn của tôi từ khi còn bé cho đến một thời gian sau, đã biến mất trong cuộc “tảo thanh” của đủ mọi hạng người. Tôi không biết tôi đã ghi lại gì, chỉ chắc một điều là tôi đã tạ ơn ! Tôi biết nói gì khi không còn biết nghĩ gì trước trận lụt tình thương của Đức Chúa Trời. Tôi không đọc lại được những tâm tình mới mẻ ngày thụ phong. Tôi phải có những tâm tình, những xúc động của một ngày thụ phong mới, ngày thụ phong của 26 năm làm Linh Mục với những gì đã làm, những gì đã suy nghĩ, với cuộc sống đầy vui buồn, đầy đau khổ, đầy thử thách, lắm ngã sa và thất tín, nhưng với niềm vui đã chân thành với Chúa, với chính mình và đã không lùi bước trước bất cứ điều gì biết là tốt, có thể đóng góp vào chương trình cứu rỗi và loan báo tình thương của Đức Chúa Trời.
Hôm nay, tôi nhớ lại cái buổi sáng 8.9.1956 đó, và sống ngày 8.9.1982 hôm nay như một ngày thụ phong mới. Tôi thiết tha cầu xin Chúa Thánh Thần xuống tràn trí tôi, hồn tôi, xác tôi, đời tôi, việc lành và tội lỗi của tôi để đổi mới tất cả, thiêu đốt nhơ bẩn, đem ánh sáng vào nơi tối tăm, uốn nắn mọi sự trong tôi cho một cuộc lên đường mới.
Tôi khẩn khoản nài xin Đức Trinh Nữ Ma-ri-a, Mẹ Linh Mục hãy ở cùng tôi, như xưa Ngài đã ở giữa các Tông Đồ và để kéo Thánh Thần xuống trên các đấng, khai mạc một kỷ nguyên mới mà Thánh Linh Thiên Chúa là sức sống, là ánh sáng, là sức mạnh, là nguồn vui bất tận.
Ôi ánh sáng huyền dịu
Hãy soi mọi khúc khuỷu
Trong tâm hồn tín hữu
Hãy rửa mọi tì ố
Hãy tưới nơi đại hạn
Hãy chữa lành vết thương
Hãy uốn những cứng cỏi
Hãy thiêu đốt lạnh lùng
Và hãy sửa lại những lỗi lầm
Hãy mở đường vào cứu rỗi
Hãy ban bố niềm vui muôn đời
AMEN, ALLELUIA.
Tôi là Linh Mục – Viết để tạ ơn Chúa và Mẹ Maria vì 26 năm Linh Mục
“Tôi là Linh Mục”. Lời ấy văng vẳng bên tai tôi, không ngớt, kể từ ngày 8.9.1956, thay thế cho lời tự nhủ mà tôi thường nói với chính mình từ bé và trong suốt cả thời gian học hành để đạt đến lý tưởng: ”Tôi sẽ làm Linh Mục”.
“Tôi sẽ làm Linh Mục”. Lời ấy đã giúp đỡ tôi, khuyến khích tôi không ngừng trong những lúc gặp buồn phiền chán nản, khó khăn trong sự học hành và tiến bước. Lắm lúc “Tôi sẽ làm Linh Mục” đã biến thành “Tôi phải làm Linh Mục” với tất cả sức mạnh của quyết tâm và lời cầu tha thiết của tôi.
Thế rồi, thời gian trôi qua, nhẹ nhàng đến độ tôi coi như là chuyện dĩ nhiên rằng tôi sẽ làm Linh Mục. Tôi không biết tại sao, nhưng tôi có một xác tín như thế. Tôi không biết dựa vào đâu để tin tưởng rằng: ngày ấy sẽ đến cho tôi, ngày ấy PHẢI đến cho tôi: “Tôi phải làm Linh Mục”, mặc dầu tôi không có gì cả, tôi không là gì cả.
Tôi nhớ lại, thời còn ở Đệ tử, cứ mỗi lần có người “về”, tôi lại có một sự so sánh, và thấy mình phải là họ. Tôi có nhiều lý do hơn họ để phải xách gói ra về. Tôi yếu đuối về thể xác, tôi kém cỏi về học hành, tôi thích chơi hơn cầu nguyện. Tôi chẳng có phần nào bù lại được với các anh bạn khoẻ mạnh, học giỏi, sốt sắng đạo đức, cả ngày chỉ có biết lớp học và Nhà Nguyện. Thật, tôi thấy tôi chẳng được gì cả.
Thế rồi, lúc ở Học Viện, khi có anh em nào rẽ sang đường khác, tâm tình tôi lại không còn là: tại sao không phải là tôi ? Nhưng lại là một sự vững tâm khác hẳn với những sự bấp bênh mà tôi cảm thấy khi còn ở Đệ tử Viện. Tôi tự nhủ: ”Không đặt lại vấn đề nữa. ” và tôi bình an. Tôi không tin rằng: sự kiện Bề Trên bảo với tôi là tôi không có ơn kêu gọi sẽ không thể xảy ra, bởi tôi xác tín về một lời kêu gọi mà Chúa đã ban cho tôi. Tôi không nghi ngờ gì nữa. Tôi lại thêm vững tâm khi nhớ rằng: Chúa đã muốn mà, tôi không thể không làm Linh Mục được.
Tại sao tôi lại có thể có hai tâm tình khác biệt nhau như thế ? Tại sao tôi lại đinh ninh rằng tôi sẽ không bao giờ rẽ đường khác, tôi không thấy một lý tưởng nào khác ? ! Tại sao tôi lại có thể vững tâm như vậy ?
Chắc chắn không phải vì tôi thấy mình xứng đáng hay đã sẵn sàng. Kinh nghiệm đời sống của chính mình tôi đã cho tôi biết không phải như thế đâu và càng hiểu về tôi, tôi càng thấy tôi không có gì cả, tôi không đáng gì cả, tôi không là gì cả. Thế mà hôm này đây, 8.9.1956, Tôi là Linh Mục !
Lạy Chúa Ki-tô, con là Linh Mục.
Cùng với Ngài, con là Linh Mục
Như Ngài và nhờ Ngài, con là Linh Mục,
Cho vinh quang của Chúa, con là Linh Mục,
Từ hôm nay cho đến đời đời, con là Linh Mục.
Con thấy rõ, con là Linh Mục không phải vì con, nhưng vì tình yêu Chúa.
Con là Linh Mục không phải cho con, nhưng cho những ai Chúa thương. Con là Linh Mục đời đời cho vinh quang muôn đời của Chúa.
Đúng như thế, tôi đã thấy mình thành Linh Mục. Tôi không thể tưởng tượng được rằng thời gian ấy đã đến, đến như phải đến, đến như một định luật. Tâm tình trong tôi vừa êm ả dịu dàng, vừa là bối rối. Êm bởi thấy lý tưởng mong đợi đã đến với tôi. Bối rối như tưởng rằng có một sự lầm lẫn nào đó. Nghĩa là tôi tin chắc tôi sẽ là Linh Mục, nhưng sao lại dễ dàng và mau chóng như thế. Phút chốc, cả 16 năm học hành, tập tành, chờ mong, lo âu khắc khoải, vừa sợ vừa mong, vừa trông vừa tránh, vừa muốn vừa ngại, vừa tìm vừa trốn v.v... như phụt biến mất. Không biết Anh em khác thế nào, nhưng tôi thì có tâm tình như là Chúa lầm tôi.
Không, lạy Chúa, Chúa không lầm đâu, Chúa biết con từ trong dạ mẹ kia mà, Ngài đã yêu con từ đời đời kia mà... Hôm nay, với tất cả tình yêu dào dạt trong trái tim của Người, Chúa Ki-tô đã hiến thánh tôi và đã nói với tôi: “Con là Linh Mục đời đời của Cha. Tu ES SACERDOS IN AETERNUM”.
Tôi ngơ ngác như đứa bé trước trò chơi lạ. Không kịp chớp mắt, tôi chứng kiến hết cái lạ này đến cái đẹp khác. Khi Bề Trên của tôi giới thiệu chúng tôi với Đức Giám Mục và nghe Ngài hỏi lại: “Cha biết họ có xứng đáng không ?” Tôi nghĩ rằng lời đáp lại của cha Bề Trên không nói đến tôi mà chỉ có ý chỉ đến các bạn đồng lớp: “Theo nhận xét của con thì họ xứng đáng !”
Với giọng trầm trầm và đầy cảm động, vị Giám Mục luôn nói mấy chữ vừa đầy kinh hãi đối với tôi, vừa tràn niềm vui tin tưởng: DEO GRATIAS ! TẠ ƠN CHÚA ! Sợ hãi vì vị đại diện Thiên Chúa và Giáo Hội đã tin vào nhận xét của vị Bề Trên có lẽ đầy lòng nhân hậu hơn là sự xét đoán nghiêm minh. Vui tin tưởng vì ngài nói lên sự thật quan trọng: Họ xứng hay không, và họ xứng đến mức nào thì đều do ở Thiên Chúa cả. Chính Thiên Chúa mới là lý do hiện diện của chúng tôi, của tôi cách riêng trong giờ này, và chính Chúa sẽ hoàn tất việc Ngài đã làm: Perfecisti quod fecisti. Sự lựa chọn này không dựa trên sự xứng đáng của con người, nhưng trên tình thương vô biên và nhưng không của Đức Chúa Trời.
Deo gratias ! Lời tạ ơn ấy, Tôi đã làm hằng ngày, kể từ khi tôi là Linh Mục và đối với tôi thì lời tạ ơn ấy còn có giá trị gấp bội. Quia fecit mihi magna qui potens est. Người đã đoán đến sự khiêm hạ, khốn nạn của tôi: Respexit humilitatem meam.
Từ ngày tôi là Linh Mục, và cách riêng sau những năm mang xác phàm cho một chức vụ khủng khiếp, tôi đã nghiệm lời suy niệm của Phao-lô trong thư gởi tín hữu Do Thái ( x. Dt 5, 1 ): “Vì mọi thượng tế lấy giữa loài người thì được đặt lo việc Thiên Chúa thay cho loài người, để tiến dâng lễ vật và tạ tội”.
“Lấy giữa loài Người !” Những tiếng ấy vô cùng quan trọng. Tất cả mọi Linh Mục, cách riêng tôi, tôi đã cảm thấy, nghiệm thấy một cách thực tế sự thật đó: Tôi được lấy giữa loài người. Và tôi đã biết thế nào là lấy giữa loài người. “Ngài có thể chạnh thương những kẻ u mê lầm lạc, vì chính ngài cũng lâm phải yếu đuối tư bề”. “Và vì yếu đuối, thì cũng như cho dân, Ngài phải dâng lễ đền tội cho mình” ( Dt 5, 2 – 3 )
Thiên Chúa, hơn ai cả đã biết rõ thụ tạo của mình. Và Ngài đã đem tình yêu đến cho họ. Trong lòng từ ái của Chúa, Chúa đã biết tôi, Chúa đã thương tôi, Chúa đã chọn tôi, và cũng chỉ vì thấy tôi với yếu hèn tội lỗi mà Ngài đã lấy tôi ra giữa loài người, mặc cho tôi áo công chính của người, đặt tôi vào hàng khanh tướng, giao cho tôi sứ mệnh tha thứ tội nhân, an ủi kẻ sầu khổ, giúp đỡ người yếu đuối, đem tình thương và an bình cho kẻ vô vọng, thăm viếng kẻ tù đày, Ngài muốn tôi khóc với kẻ khóc, vì chính tôi đã biết tại sao tôi phải khóc. Ngài muốn tôi thông cảm và nâng đỡ những kẻ ngả lòng, vì chính tôi đã bị cơn cám dỗ ấy khi: “Điều tốt tôi muốn làm thì lại không làm, và điều xấu muốn tránh thì tôi lại sa vào”, khi: “Tôi cảm thấy trong thể xác tôi một mũi nhọn làm tôi khổ sở” và Chúa không cất đi cho tôi, vì Người muốn rằng: “Tôi phải đi con đường ấy để hiểu, để thấm thía sự kiện tôi được lấy ra từ giữa loài người”.
26 năm Linh Mục của tôi đã qua rồi ! Chỉ một ngày làm Linh Mục cũng đã phải làm cho tôi biến dạng: “Alter Christus”. Chỉ một ngày mang nặng chức vụ đó cũng phải làm cho tôi không còn là xác thịt, không còn là tội lỗi, không còn là ích kỷ, là nóng giận, lười biếng, tham lam, bủn xỉn. Tôi đã là một Kytô khác rồi kia mà !
Không ! Không phải thế ! Mang tội cho đến giây trút hơi thở cuối cùng trên Thánh giá, Chúa Kytô đã phải đền cho đến chết, Người đã phải bị ruồng bỏ, và trở nên “vật đáng kinh tởm trước Thiên Chúa Cha. Não nuột thay lời Ngài đã kêu lên trên Thánh giá:”Cha ơi, sao Cha bỏ con”.
Ngài đầy tội, Ngài là ”con chiên mang tất cả tội lỗi trần gian !” Tôi cũng đầy tội, tội của tôi trước hết ! Tôi cũng phải đền cho tội lỗi trần gian. Của lễ tôi dâng hằng ngày là lễ vật đền tội cho toàn thể loài người; cho toàn thể loài người !
“Lấy ra từ giữa loài người”, tôi còn nặng trên vai tội lỗi của chính mình. Thật là kinh khủng. “Và vì yếu đuối thì cũng như dân, Ngài phải dâng lễ đền tội cho mình”. Chúa Ki-tô đền tội cho đến giọt máu cuối cùng của con tim Ngài, để Chúa Cha, Cha Ngài tha thứ cho loài người mà Ngài đã hoà đồng khi mang xác phàm và thân phận làm người, mà Ngài đã nhận là “đồng số phận”; là “anh em”, là “chi thể”.
Ngài đã cho chúng ta biết được, hiểu được Tội là gì, khủng khiếp đến đâu ! Và chỉ khi Ngài đi đến cùng, làm theo ý Cha Ngài đến mức chót thì khi ấy Ngài mới được thương xót “Consummatum est”. Chết đi để được tha thứ trọn vẹn cho toàn thể nhân loại và có thể nói là cho chính mình Ngài vì đã đầy ô uế của nhân loại, vì đã chung kiếp điêu tàn của loài người. Tình thương Chúa Cha đã ào ạt trở lại làm vinh quang cho Ngài, đã kéo Ngài ra khỏi mồ mả để phục sinh Ngài trong vinh quang.
26 năm Linh Mục. Tôi hiểu rằng: tôi phải ở trên Thánh Giá cho đến giây phút chót của cuộc đời tôi. Cuộc chiến chống với kẻ thù tội lỗi tiếp diễn không ngừng cho đến hơi thở cuối cùng. Là Linh Mục, tôi phải đền tội cho đến hết đời, vì tội lỗi níu vào tôi, hành hạ tôi, tội như con đỉa đói. Tôi cảm thấy thấm thía cái gan lì, cái lì lợm của tội. Tôi đã kinh nghiệm nó trong cuộc sống Linh Mục của tôi khi thi hành nhiệm vụ cứu rỗi loài người với Chúa Ki-tô, và nhất là khi tôi trở về với chính tôi.
Tôi đã đa phen kêu van, nũng nịu và trách Chúa, nhưng Ngài vẫn từ ái bảo tôi: “Con được lấy ra từ giữa loài người và cho loài người. Ơn của Ta đủ cho con rồi”, tình thương của Ta sẽ làm cho con và qua con những điều bất ngờ. Con hãy đi và mang về hoa quả đầy ắp. Con hãy cứu độ với ơn cứu độ tràn trề của Ta, con hãy yêu với tình yêu của Ta. Con hãy đến với của lễ đền bù toàn vẹn của Ta. Con hãy mạnh với sức mạnh của Ta, và con hãy vào tình thương của Cha Ta và Cha của con với sự tinh anh trong sạch của ta. Bình an và niềm vui cho con, vì cánh tay Ta là sức mạnh, là thuẫn đỡ, là dịu dàng, là thần lực cho con. Hãy tiến lên với niềm vui tràn lòng, bởi niềm tin sắt đá, bởi lòng nhiệt thành, bởi thiện tâm, bởi chấp nhận con là thụ tạo mà tất cả những gì con có, tất cả những gì là con đều là do Ta mà ra, nhất là chức vụ Linh Mục của con, chức vụ mà Cha đã ấn định cho con từ khi chưa có trời đất, chức vụ mà con sẽ thi hành trong tín nhiệm phó thác ở tình yêu đời đời của Ta qua bản tính người của con với mọi hay dở, trong mọi hoàn cảnh, chính cả trong và nhờ sự yếu hèn của con.
Là Linh Mục, con hãy vui lên trong niềm vui hiến tế. Lạy Chúa Giê-su Linh Mục đời đời, để làm Linh Mục, Chúa đã làm người, Chúa đã mặc lấy xác thân con người, để trở nên người như mọi người. Xin Chúa hãy nhận lấy chức Linh Mục của con. Xin Chúa hãy nhận lấy mọi vui buồn khổ đau, mọi điều hay việc dở, mọi thành bại, mọi nỗ lực thiện tâm thiện chí của con, tất cả lễ vật con dâng cho Chúa, tất cả mọi buồn phiền con đã tạo cho Chúa cũng như mọi hồng ân cứu rỗi, ủi an, tha thứ, yêu thương, chúc lành mà Chúa đã nhờ con đến với anh em con... Lạy Chúa là Linh Mục, xin Chúa hãy nhận cả thân xác, linh hồn, ước muốn, tài năng, thời giờ, ân thánh... tất cả do Chúa ban cho con, để tất cả con phụng sự Chúa cho vinh quang Chúa Cha cho đến hơi thở cuối cùng đời con.
Là Linh Mục, con xin yêu mến lãnh nhận giờ chết của con như Chúa đã lãnh nhận nơi Tay Cha, để chính sự chết của con hợp với sự chết hồng phúc của Chúa trên Thánh giá, trở nên lễ vật Tình yêu phục tùng đem ơn tha thứ cho con, cho loài người và ban thêm ơn cứu độ cho tất cả những ai mà trong Tình thương quan phòng cứu rỗi, Chúa đã ấn định cho con phải đem ánh sáng, chân lý và hạnh phúc vĩnh cửu.
Lạy Chúa Giê-su Thượng Phẩm tinh tuyền, xin cho con là Linh Mục như lòng Chúa, cho vinh quang Đức Chúa Cha. Nhớ Mẹ Ma-ri-a ! AMEN, ALLELUIA.
Lm. NGUYỄN TỰ DO, DCCT ( Còn tiếp nhiều kỳ )
NIỀM VUI VĨ ĐẠI - Kỳ 7
HỒI KÝ 50 NĂM LINH MỤC
NHỚ NGÀY “INTROIBO”
Ghi lại dư âm buổi Thánh Lễ Mở Tay tại Dòng Mến Thánh Giá Tân Thanh, Bảo Lộc ngày 9.9.1956.
Vừa bước ra khỏi Nhà Nguyện, tay còn thấm ướt Dầu Thánh, tôi còn ngơ ngác nhìn bà con quen biết, trí óc hướng về cha mẹ già, thầm gởi đến hai đấng phép lành đầu tiên với lòng biết ơn yêu mến sâu xa vì đã dạy tôi yêu Chúa thương người, đã thúc đẩy tôi trên đường Linh Mục, thì cha Eugène Larouche, vị giám đốc và linh hướng thương yêu của tôi từ lúc tập tễnh bước vào Đệ Tử Viện, đến ghé tai tôi: “Con lên phòng cha đã”.
Tôi theo cha. Tôi không biết ngài muốn gì, nhưng vì đã kính trọng và yêu mến ngài sẵn, nên tôi không cần thắc mắc. Về đến phòng của ngài, ngài nói: “Roch nhỏ bé nay đã làm Linh Mục. Bây giờ con ban phép lành đầu tiên cho cha”. Nói xong ngài quỳ xuống, cúi đầu.
Thật bất ngờ ! Tôi sửng sốt. Cha già đã muốn tôi dành cho ngài phép lành đầu tiên của đời Linh Mục của tôi. Tôi vâng lời ngay vì nghĩ rằng: ngài có quyền đòi hỏi một quyền ưu tiên, bởi tôi có ngày hôm nay cũng là vì tinh thương của ngài hằng theo dõi, săn sóc, khích lệ, an ủi, giúp đỡ, chịu đựng và nhẫn nại dạy dỗ tôi.
Với tất cả niềm tin vào quyền năng tôi vừa lãnh nhận và đem hết lòng yêu mến, tôi kéo ơn Chúa Trời xuống người cha yêu dấu ấy. Đôi tay tôi đặt trên mái đầu bạc của ngài mà rưng rưng nước mắt: “Xin Thiên Chúa toàn năng là Cha, Con và Thánh Thần ban muôn phép lành xuống cho vha và ở với cha cho đến muôn đời”. Vị Linh Mục là Đấng sáng lập Dòng Chúa Cứu Thế tại Việt Nam nói như hô: AMEN; đoạn ôm lấy tay tôi hôn.
Tôi nhớ lại cái hôn đầu tiên trên tay tôi, năm 1943, khi tôi về nghỉ hè lần sau cùng để rồi từ đó không bao giờ gặp lại cha mẹ tôi nữa. Sau mấy tuần ở nhà, tôi trở lại Nhà Đệ Tử. Mọi lần tôi đi xa thì thầy tôi đưa tôi đi, nhưng năm ấy, mẹ tôi dành đưa tôi ra tỉnh để lên tàu. Phút nghẹn ngào khó tả ! Mẹ tôi và tôi đều im lặng. Tôi biết nói gì đây ?
Tàu đã đến rồi, nhưng tôi đâu có buồn lên. Tôi vẫn nán lại, đứng với mẹ tôi như linh cảm rằng: đây là lần sau cùng... Mãi cho đến lúc còi hú báo giờ tàu sắp chạy tôi mới đành lòng. “Mẹ, con đi”. Mẹ tôi, trong một cử chỉ bất ngờ cúi người xuống, nắm lấy tay tôi, đưa lên môi. Mẹ tôi hôn tay tôi ! Nước mắt tôi trào ra, không giữ được nữa. Không phải vì phải từ biệt mẹ tôi, nhưng vì nỗi xúc động của nụ hôn ấy. Cặp mắt mẹ hiền từ lúc ấy thật cao cả, đầy tư tưởng: Con sẽ làm Linh Mục. Bàn tay này sẽ cầu Chúa trời đất. Khi Người đến, Người sẽ gặp cái hôn của mẹ, vì ngày đó, mẹ sẽ không có mặt. “Thôi con đi”. Tôi đi, mang theo cái hôn mẹ tôi đã đặt trên đôi tay của tôi.
Mười mấy năm trôi qua, hôm nay, trên đôi tay này, nụ hôn thứ hai: nụ hôn của cha già Larouche đã dẫn dắt tôi trên đường Linh Mục, tôi vụt nhớ lại cái hôn thủơ xưa với một sự rung động sâu xa khó tả. Đáng lẽ tôi phải cúi thật sâu, ôm đôi tay nhân hậu đầy yêu thương đã săn sóc chở che tôi trong lúc tôi mỏng dòn nhất, để tỏ lòng biết ơn yêu mến, nhưng ngược lại, tôi được hôn trên đôi tay vừa hiến thánh. Tôi rưng rưng nước mắt vì những xúc động dồn dập.
Vị cha già đứng lên, ôm lấy tôi, vẻ vui mừng hiện rõ trên nét mặt. Ngài đã đàm đạo với tôi, như quên đi bao người đang còn chờ đón mừng tôi vì hồng ân cao cả làm Linh Mục của Chúa. Sau một hồi lâu, ngài đứng dậy và tươi cười bảo tôi: ”Thôi, bây giờ chúng ta xuống dưới nhà, người ta chờ con !”
Xuống phòng khách, tôi luôn tay và hết lòng cầu xin phúc lành của Chúa trên chị tôi, em tôi, anh Thư, thầy Khoa bạn lớp, các cha Bề Trên, giáo sư, anh em và nhiều người khác. Sacerdos oportet BENEDICERE. Cả đời tôi phải là một đời đem sự lành, chúc sự lành, mãi mãi không ngớt.
Trưa hôm ấy, chúng tôi chia sẻ niềm vui với gia đình thiêng liêng của chúng tôi. Nhà Dòng chính là Mẹ đã dọn cho chúng tôi trận mưa Hồng Ân hôm nay.
Ngay chiều hôm ấy, 8.9.1986, tôi đi Tân Thanh. Tôi sẽ dâng lễ mở tay, lễ đầu tiên của đời Linh Mục tôi tại Nhà Dòng Mến Thánh Giá Thanh Hoá. Tôi đã chuẩn bị kỹ càng về nghi lễ, tôi lại được cha An-tôn Nguyễn Đức Tuyên làm Tổng Phó Tế giúp tôi. Tôi yên lòng không sợ luýnh quýnh mà mất sự cầm trí. Sáng nay, ngày tôi tự mình bước lên bàn Thánh, INTROIBO, tôi có ý thức mình sắp làm một công việc quan trọng nhất đời. Tôi sẽ truyền Chúa Ki-tôâ xuống trên bánh và rượu. Thiên Chúa hiện diện do ý muốn của tôi. Thiên Chúa nên của ăn, của uống, nên bạn đường của loài người do chỉ một lời tôi nói.
Tôi nhớ lại một bài thơ đã làm lúc ấy, so sánh tôi với Mi-ca-e Tổng Lãnh Thiên Thần. Tôi đóng vai chính, tôi nâng của lễ, tôi làm cho Chúa hiện diện, tôi trao Chúa cho kẻ khác, tôi cầm nắm Chúa trong tay... Đang khi ấy, Mi-ca-e Tổng Lãnh Thiên Thần chỉ có thờ lạy. Quyền năng này là quyền năng lớn nhất mà một thụ tạo có thể có được. Hơn cả quyền ban sự sống, hơn cả quyền trả lại ơn nghĩa, hơn cả quyền mở cửa Nước Trời.
Tôi tiến lên bàn thờ. Introibo. Sau lưng tôi, cả Nhà Dòng Mến Thánh Giá cùng đi với tôi, các cha Tổng Phó Tế, Phó Tế, Phụ Phó Tế. Trên cung Thánh, lại còn có vị Giám Mục già. Ngài lại có mặt để như khích lệ tôi, cầu nguyện cho tôi, dâng tôi cho của lễ chí Thánh trên bàn thờ, làm nên một dấu chỉ cho tôi biết: Giáo hội ở với tôi trong tình thương ân cần và tỉnh thức.
Cha An-tôn Nguyễn Đức Tuyên đã giảng ngày hôm ấy. Ngài đã chọn một đề tài không mấy vui. Ngài không ca tụng chức Linh Mục, ngài không có một lời nâng niu tôi, khuyên bảo tôi và kể cả khích lệ tôi. Tôi đã hơi có vẻ không mấy vui, vì trong cả bài giảng, ngài không nhắc đến công ơn cha mẹ tôi, không chia vui với tôi vì vinh dự hôm nay. Tác giả cuốn: “Ý nghĩa sự đau khổ” đến bốn, năm lần tái bản, đã nói về “sự đau khổ, Thánh Giá trong đời sống Linh Mục”. Toàn là những viễn tưởng mờ mịt, buồn đau của Linh Mục, toàn là một chân trời trồng đầy Thánh Giá. Ngài nói: “Đời Linh Mục là một đời đau khổ, và bước vào đời Linh Mục là chấp nhận đi lên Núi Sọ với cây Thánh Giá sừng sững giữa trời với đinh sắt đâm thủng tay chân, với lưỡi đòng đâm qua trái tim. Đừng tưởng là Linh Mục để được sung sướng. Linh Mục phải lãnh nhận đau khổ như một món quà quí báu Chúa ban cho bạn hữu thân tình...
Ngài nói nhiều lắm. Tôi cố nghe như những lời tiên báo về cuộc đời Linh Mục của tôi mở màn từ ngày hôm qua khi được thụ phong và khởi sự hôm nay với nhiệm vu ïlớn lao nhất là PHỤNG TẾ lên Cha của lễ cao trọng nhất mà loài người có để dâng lên Thiên Chúa.
Buồn quá nhỉ ! Tôi có cảm tưởng như giờ phút này, Chúa đã dùng cha Tuyên để nói cho tôi biết Linh Mục là thế đó, và riêng với tôi thì đó là phần gia nghiệp của tôi. Vì là Linh Mục tôi sẽ phải gian lao, đau khổ, mặc dầu lúc này những khổ đau ấy không có tên tuổi gì cả.
Suốt 26 năm nay, tôi kinh nghiệm đời Linh Mục của tôi. Tôi đồng ý với vị giảng thuyết hôm tôi dâng Lễ Mở Tay: khổ vì muốn làm lại bị ngăn cấm, thích việc này thì lại bị sai đi làm việc khác, gặp khó khăn chống đối bởi người ghét mình, gặp bất hợp tác nơi đồng chí với mình, gặp thần Mammon trong các giao dịch để hoạt động tông đồ do chính những người đã “bỏ mọi sự theo Thầy” cùng với mình, cả những tranh chấp vì danh lợi, vì sự chú ý của người trên hay vì sự hâm mộ của dân chúng. Lên một nấc nữa, khổ vì việc bổn phận khó chu toàn bởi chính giới hạn khả năng của mình, khổ vì sự cứng lòng của người đời, vì sự chống đối thầm kín hay ra mặt của những người không nhìn nhận sự sáng đã đến trong thế gian...
Nhưng cái đau khổ sâu xa nhất mà tôi cảm thấy thấm thía là sự yếu đuối của chính mình, vì sự yếu đuối tình yêu của tôi đối với Thiên Chúa. vì sự yếu đuối của tôi trong phạm vi hoạt động mà Lòng Tin là lửa, là động lực, là ánh sáng, là hướng đi... Tội lỗi và kém cỏi của chính tôi chính là điều làm cho tôi khổ sở nhất, “Trong tôi có một luật đi ngược lại luật của Đức Chúa Trời”. “Tâm thần thì chóng vánh nhưng xác thịt thì nặng nề”, “Ánh sáng đến giữa lòng tôi, và bóng tối không nhìn nhận sự sáng”.
Và ở đây, tôi đã nhận được bài học mà Chúa muốn dạy cho tôi và tôi đã học mãi mà chưa thông: bài học Khiêm Tốn. Khiêm Tốn tức là Sự Thật.
Là Linh Mục, tôi vẫn là thọ tạo, với tất cả những gì là hạn chế, là khuyết điểm, là kém cỏi, là tội lụy. Hơn ai hết, Linh Mục phải thấy sự thật về mình để đặt trọn niềm tin cậy nơi Chúa, để ân cần tìm Ngài trong cầu nguyện, cầu nguyện liên hồi, cầu nguyện không thôi, để không chán nản khi gặp thất bại và tự phụ khi được thành công.
Như Đức Trinh Nữ Ma-ri-a, Linh Mục mãi mãi phải nhớ mình là đầy tớ, là thừa tác viên của một Thiên Chúa mà sự cứu rỗi con Người là đặc điểm của tình thương yêu từ đời đời. Khi đã đem hết lòng mình cho Chúa và cho sứ mệnh Ngài giao phó thì Linh Mục phải yên vui và tin tưởng. Niềm vui ấy sẽ bất tận.
Do vậy mà tôi vẫn nhớ đến bài giảng của vị Linh Mục đã nói với tôi trong ngày lễ mở tay và nếu chỉ nói rằng: Đời Linh Mục là một đời đau khổ, chắc tôi vẫn không nói được.
Tôi chưa đủ điều kiện để kết luận như thế, mặc dầu tôi đã qua 26 năm làm Linh Mục với đủ mọi thứ khổ đau, kể cả phỉnh gạt, lừa lọc, ích kỷ, phá hoại, chửi bới, tù đày, chiến đấu bên trong lẫn bên ngoài. Sao tôi vẫn thấy tôi tràn đầy hạnh phúc. Tôi vẫn thấy đời Linh Mục của tôi đầy an ủi và niềm vui. Hạnh phúc và niềm vui của một cuộc Phục Sinh huy hoàng trong ánh sáng của chính cuộc Thương Khó của Chúa Ki-tô và sự Sống Lại của Ngài.
Tôi cũng còn thấy niềm vui ấy ở lòng tin chắc chắn tôi được một tình yêu vĩ đại của Mẹ Ma-ri-a, vì “Lạy Mẹ, chưa hề nghe có ai là con cái Mẹ mà bị bỏ rơi, bị thất vọng...”
Tôi vui vì cả đời Linh Mục của tôi, tôi đặt niềm tin ở Giáo Hội. Tôi xin không bao giờ chống đối lại Hội Thánh và các vị đại diện Chúa Ki-tôâ ở trần gian này. Tôi coi đó như chiếc hàn thử biểu để biết tôi đã đến mức báo động chưa ! Và tôi vẫn tiếp tục xin ơn trung tín với Giáo Hội, xin cho những sự lầm lỗi của tôi dầu thế nào đi nữa cũng không hề tác hại đến Giáo Hội, bạn tinh tuyền của Chúa Ki-tô.
Tôi xin cho những ai đến với tôi, dầu họ thấy tôi khuyết điểm thế nào đi nữa nhưng cũng không bao giờ cho rằng, nghĩ được rằng: tôi chống lại Hội Thánh, rằng tôi phê phán hàng giáo phẩm... Tôi muốn thế, tôi cầu cho được như thế và tôi tin rằng: nhờ đó tôi giữ được đời Linh Mục của tôi trong vui tươi hạnh phúc dầu có thế nào đi nữa.
Vị Giám Mục già chắc phải thương tôi lắm vì thấy tôi còn non dại quá. Các chị Dòng, nhất là những chị đã bạc đầu và nhăn nhúm vì bao năm phụng sự Chúa chắc phải thương những Linh Mục “mới toanh” chưa ra đời như tôi. Họ nghĩ đến bao khó khăn cạm bẫy đang rình rập... và chắc là tôi đã nhận được lời cầu nguyện thật nhiều của họ.
Nhớ lại những hơn một phần tư thế kỷ là Linh Mục, tôi phải tạ ơn Chúa vì đã cho tôi được nhiều người cầu nguyện cho, cách riêng trong buổi Thánh Lễ hôm ấy. Và hôm nay, nhân ngày kỷ niệm, nhớ đến một vạn Thánh Lễ tôi đã dâng cho Thiên Chúa chí Thánh, nhớ đến nỗi buồn khổ khi ở biệt giam tôi không có được một mẫu bánh để dâng lễ; nhớ đến những Thánh Lễ cho mọi hạng người, trong mọi hoàn cảnh, nhất là những Thánh Lễ cử hành bí mật... Tôi luôn dâng niềm tin yêu tạ ơn Thiên Chúa đã lắng nghe tôi, đã đưa tay nhận lấy với lòng tràn từ ái.
Lạy Cha chí nhân, nhờ Đức Giê-su Ki-tô,
Xin cha đoái thương nhận lễ vật chúng con dâng tiến lên Cha,
Cho vinh quang Cha và sự cứu độ trần gian.
Xin Cha nhận lễ vật con dâng Từ ngày hôm ấy cho đến hôm nay và cho đến cùng đời con.
Xin Cha hãy ban cho đời con là một Thánh Lễ,
Một Thánh Lễ đẹp lòng Cha, một Thánh Lễ muôn đời trong ca tụng
Ngợi khen Cha là Chúa Tể, là Thiên Chúa Hằng Sống.
Introibo, con sẽ bước vào tiệc cưới Nước Trời, trong niềm hân hoan. Amen, Halleluia.
Lm. NGUYỄN TỰ DO, DCCT ( Còn tiếp nhiều kỳ )
NIỀM VUI VĨ ĐẠI - Kỳ 8
HỒI KÝ 50 NĂM LINH MỤC
15. HUYNH ĐỆ TRUYỀN TIN – FA
Trong một lần gặp gỡ, Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình nói với tôi: “Ai sẽ tiếp nối công việc của Cha ?” Thật tình, tôi chưa hề nghĩ đến vấn đề đó. Cuối cùng Ngài bảo tôi: “Cha phải lập ra một nhóm gì đó gồm những người cùng chí hướng... một Tu Hội... Tôi sẽ theo Luật Hội Thánh phê nhận để thử trong một thời gian, rồi...”
Ý tưởng thành lập “một Tu Hội đời”, gồm những người tận hiến “để phục vụ Hội Thánh qua các phương tiện Truyền Thông” phát xuất từ Đức Tổng Giám Mục Phao-lô Nguyễn Văn Bình. Tôi sợ trước đề nghị đó. Lập Tu Hội à ? Thành thật tôi nhận thấy mình không thể, không đủ khả năng để làm được. Tôi tránh né không bao giờ đụng chạm vấn đề này với Đức Tổng Giám Mục, vì sợ Ngài hỏi là có làm đến đâu rồi. Cho đến ngày tôi... đi tù.
Tôi ở tù từ 26.9.1976 đến ngày 23.3.1982. Đối với đa số anh em Tuyên Uý Công Giáo và nhiều Linh Mục khác thì những ngày “mất tự do” của tôi ngắn ngủn, nhưng khác với họ, tôi bị “nhốt“ trong trại giam, phần lớn là tại nhà tù Chí Hoà, nơi mà trước kia tôi đã có nhiều lần đến dâng Thánh Lễ cho các anh em Công Giáo và cả không Công Giáo, giải tội và nói lời an ủi đến những người đã mất đi sự tự do của mình vì nhiều lý do mà tôi không cần biết đến trong số có cả những cán bộ CS. Nơi đây tôi đã đến tháp tùng đưa ông Ngô Đình Cẩn đến nơi an nghỉ.
Trong suốt thời gian bị giam giữ, cách riêng mấy tháng biệt giam, tôi đã có thì giờ nhiều để suy nghĩ về cuộc sống của mình, nhất là về một phần tư thế kỷ tôi... là Linh Mục. Chẳng lẽ đây là những ngày cuối cùng của cuộc đời tôi ! Tôi cảm thấy nhẹ nhàng không tiếc xót gì. Tuy làm việc không được là bao nhưng nhờ Tình Thương của Chúa, tôi đã chỉ tỏ thiện chí và “hết lòng”. Tội lỗi tôi thì nhiều, nhưng tôi tin ở lòng từ ái nhân hậu của Chúa và tôi đựơc bình an.
Thế nhưng tôi luôn bị ám ảnh bởi “ước muốn” của Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình liên hệ đến công việc và lý tưởng: Tông Đồ Truyền Thông, đến việc tiếp nối, đến “nhóm gì đó” để công việc Tông Đồ Truyền Thông không bị gián đoạn. Tôi coi ý của Đức Tổng Giám Mục là một “sứ mệnh”. Tôi thú thật rằng: tôi đã tránh né công việc này, dầu đã nhận được ý Chúa qua Đức Tổng Giám Mục. Ngài đã bảo tôi làm như thế nhưng tôi đã không làm “khi có thể làm được”, khi có điều kiện để làm. Tôi không nghĩ mình xứng đáng làm được và tự bảo mình sẽ để thời gian rồi... sẽ tính.
Có những anh em được nghe tôi nói về tôn ý của Đức Tổng Giám Mục đã nhiệt tình soạn thảo ra một bản nội qui của “nhóm Tông Đồ Truyền Thông”. Tôi cho là quá sớm và gác lại đó. Tự thâm tâm, tôi không muốn hay chưa muốn làm và như đã nói: tôi tránh né Đức Tổng Giám Mục, sợ Ngài cặn hỏi về việc đó mà tôi nghĩ là ý muốn của Ngài, là ơn soi sáng thúc đẩy của Chúa Thánh Thần.
Thế nhưng, suốt thời gian “tĩnh lặng”, tôi thấy lởn vởn trong tâm trí hình ảnh và “chỉ thị” của vị Giám Mục thân yêu tôi luôn kính trọng và hết lòng hợp tác trong mọi sự. Tôi suy nghĩ về một cộng đoàn Huynh Đệ gồm nhiều thành phần trong Giáo Hội, sống tận hiến cho Chúa noi gương Đức Ma-ri-a Truyền Tin, trong tình huynh đệ, tận dụng mọi phương tiện truyền thông đại chúng để truyền bá Tin Mừng Tình Thương Cứu Rỗi, với khẩu hiệu sống và hoạt động: “NIỀM VUI VĨ ĐẠI CHO THẾ GIỚI QUA LÀN SÓNG ĐIỆN”.
Làn sóng điện ở đây được hiểu rộng bao gồm Truyền Thanh, Truyền Hình, phóng thanh, báo chí, sách, nói chung là các phương tiện nghe nhìn. Tôi quan niệm phải huy động tất cả mọi người, mọi phương tiện để Tin Mừng được lan tỏa khắp nơi. Các thành viên sẽ sống cái Niềm Vui Vĩ Đại ấy, và trong cầu nguyện, tinh thần tận hiến, tình huynh đệ vừa làm chứng, vừa loan truyền “cho mọi loài” niềm vui cứu độ.
Tôi nhận thấy có “bổn phận” phải vâng theo lời Đức Tổng Giám Mục Sài-gòn và đem thiện chí để thực hiện, nhất là sau kinh nghiệm đau thương sự hiện diện Công Giáo trên các phương tiện truyền thông đại chúng bị ngăn cấm. Sau 1975, không còn báo Công Giáo, không còn phát thanh, phát hình, ấn loát Công Giáo... Nhà nước CS giữ độc quyền trên các lãnh vực này. Một mảnh giấy nhỏ bằng bàn tay cũng bị cấm đoán trong nhà tù, nghe nhạc qua ống nghe cũng bị cấm, vì người ta không thể biết được đang nghe gì. Nhiều Linh Mục bị cấm giảng dạy, Giáo Lý bị hạn chế, cả nước chỉ có hai tờ tuần báo cho người Công Giáo: Người Công Giáo Việt Nam, Công Giáo và Dân Tộc. Sau nhiều năm “xin xỏ”, tờ Hiệp Thông của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam được phép ra, nhưng chỉ có 50 trang A4 và chỉ được in... 100 bản !
Đang khi ấy thì vô số giờ và hằng chục tấn giấy được sử dụng mỗi ngày để truyền bá những lý thuyết khác: bài ngoại, chống này chống nọ, kế hoạch hóa gia đình, phổ biến và khích lệ vô tôn giáo, vô tín ngưỡng, vui chơi giải trí lành mạnh và cả... không lành mạnh.
Đang khi ấy thì các đấng bậc trong Hội Thánh không “dám” lên tiếng bảo vệ Sự Sống, không ca tụng quyền lực của gia đình, của cha mẹ, bởi vì... “mọi bài giảng đều bị theo dõi mổ xẻ và các vị giảng thuyết không thoát khỏi chuyện bị cảnh cáo, bị lưu ý và có người còn bị cấm đoán, bởi họ đã “cả đám lợi dụng tòa giảng để phản động, phản cách mạng, để chống đối chính quyền và âm mưu này nọ”. Tôi thấm thía đều ấy, và cho đến ngày nay, sau khi đi tù về năm 1982 cho đến nay 2006, tức hai mươi ba năm, tôi chưa được phục hồi quyền được rao giảng trong cộng đoàn tín hữu.
Những người bình thường không bị cấm đoán thì e dè. Ít có vị lãnh đạo tinh thần nào lên tiếng chống lại nạn phá thai được gọi là “kế hoạch hóa gia đình”, ít có vị nào dám đi ngược lại với các rêu rao về phương thế phá thai, ngừa thai. Các bài giảng tự giam mình trong phạm vi hoàn toàn “cao siêu”, gọi là “thuần tuý đạo”, không đụng chạm đến ai, không đá động đến chính sách nào. Các bài giảng hoàn toàn trong sạch trước Phi-la-tô. Thiên Chúa Ba Ngôi, cao cả nhiệm mầu không liên hệ gì đến việc con người sinh sản đầy khắp mặt đất.
Tôi đã đau xót nghe được Linh Mục dùng tòa giảng để “kế hoạch hóa gia đình”, để kêu gọi làm nhiệm vụ công dân là đi bầu những con người hiên ngang tự xưng mình là “Tôn giáo: Không”, để đặt họ lên những địa vị, nhiệm vụ đòi hỏi quên mình, hy sinh, tôn trọng quyền lợi của nhân dân và tài sản công.
Trước những tin tức đầy dẫy trong các báo cáo về những thất thoát lớn trong ngân quĩ, trong các công trình vừa nghiệm thu đã hư hỏng, trước những món tiền cứu trợ từ mồ hôi nước mắt của nhân dân lớn bé đã tìm đường chui vào túi kẻ có quyền, trước thảm trạng người dân bị bóc lột từ những người đứng đường trở lên... tôi thường “ba hoa chích choè” cười trong nước mắt rằng: đã chôn tôn giáo thì đào đâu ra lương tâm !
Suốt chiều dài văn hoá Việt Nam, cha ông ta toàn là những người có tín ngưỡng, có tính thiêng, chứ đâu đào ra những con người mất gốc không còn biết Trời Đất, Bụt Thần, Tổ Tiên, Thần Thánh. Thế giới vẫn luôn nói rằng người Việt Nam căn bản là có tín ngưỡng, có tôn giáo. Nhà nào mà không có bàn thờ ông bà tổ tiên, người Việt Nam nào lại không biết có Trời, có Thánh ?
Không dễ dàng và không ngần ngại sự kiện “vách có tai” để tuyên xưng những chân lý ngàn đời ấy, nhưng nhiều miệng lưỡi, nhiều phương tiện nghe nhìn đã bị bịt lại và nhiều vị “truyền đạt” đã phải chung số phận của những con chó bị buộc miệng lại, cả những con chó không còn được sủa, không có quyền sủa mà một vị Giám Mục Thừa Sai đã viết cuốn sách: “Những con chó câm”. Bất tuân sẽ bị cúp phần ăn, sẽ bị nhốt lại, bị đánh nhừ tử. Trong một buổi tình cờ, được nghe phát biểu: “Mấy ông đó, cứ cho vé xuất ngoại là xong hết”.
Nhiều người vẫn dè dặt trước những cái chết đầy bí ẩn của một vị như Đức Tổng Giám Mục Phi-lip-phê Nguyễn Kim Điền, hay số phận lao đao của Hồng Y. F. X Nguyễn Văn Thuận. Mấy bài giảng về Sám Hối của Linh Mục Chân Tín đã làm cho ngài phải lưu đày Cần Giờ và sau đó... .
Tôi cứ nghĩ là rồi có ngày nào đó: chó sẽ sủa, sư tử sẽ rống lên và Tin Mừng sẽ được công bố oang oang trên các nóc nhà. Có lẽ tôi lạc quan quá. Nhưng tôi nghĩ rằng: lương tri con người rồi sẽ thắng và chân lý sẽ được loan truyền để con người được lợi ích, được cứu rỗi, được hạnh phúc.
Có lẽ vì tin tưởng như thế, hay cũng có thể do tôi ngây ngô thiếu nhận xét chính xác, tôi vẫn nghĩ sứ mệnh của mình chưa chấm dứt và mệnh lệnh của Đức Cha Nguyễn Văn Bình, chưa hết hiệu nghiệm đối với tôi. Tôi còn mắc nợ ngài, mắc nợ Hội Thánh, mắc nợ Chúa. Tôi còn để chôn dưới đất đồng bạc Chúa đã trao, nên tôi đã dùng thì giờ suy nghĩ, cầu nguyện và chia sẻ với một số bạn tù, trong đó có vài Chủng Sinh và Linh Mục Đa Minh Nguyễn Tiến Hải.
Để an lòng và dứt khoát cho xong, tôi xin Chúa một dấu chỉ “ thử trời” liều lĩnh. Tôi thưa: ”Nếu Chúa muốn con làm việc này thì cho con ra khỏi tù vào dịp lễ Thánh Giu-se, tháng 3 năm 1982. ”Tôi muốn dứt điểm để không còn phải bận tâm vì “lệnh của Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình”.
Tôi liều lĩnh, bạo gan đối với Chúa. Trong thâm tâm tôi lại thấy rằng việc đó khó quá và như thế tôi sẽ đương nhiên trút được cái nhiệm vụ được giao phó. Thử phép Đức Chúa Trời ! Mấy ngày nay, ông Trần Thành, một nhà tỉ phú người Hoa, giám đốc Vifon, Vicasa, Vissan... nổi tiếng giàu có, đã từng bảo trợ làm một con đường tại Trung Quốc đã nói với tôi và những ai muốn nghe: “Ông cha là một, ông Truy là hai và tôi là ba, không bao giờ ra khỏi tù đâu !” Theo suy nghĩ của ông thì ba hạng người: tôn giáo, tình báo, tư sản không bao giờ được ưu đãi. Có lẽ ông Thành chấp nhận chấm dứt cuộc đời ở nơi này và ông kê khai ba hạng người sẽ không bao giờ ra khỏi nơi tù đày này. Nghĩ thì cũng có lý thôi.
Nhưng điều tôi xin, tôi “thử” thì đã xảy đến. Ngày 23.3.1982, ông phó khu đến: “Ông Tự Do... dọn đồ ra khỏi phòng. ” Đều không ai ngờ tới và chính tôi khó lòng mong đợi đã xảy đến, và vào thời gian mừng lễ Thánh Giu-se, trong tháng của Người. Tôi không tin lắm cho đến khi... ra cổng lớn của trại giam Chí Hoà, sau khi bước qua khoảng 7 cái cửa sắt có lính canh gác và được xem lại tên tuổi, địa chỉ... và cả tội “phản cách mạng” được ghi rành rọt. Coi đó như là câu trả lời của Chúa, tôi quyết tâm làm theo chỉ thị.
Tôi đến Toà Tổng Giám Mục gặp Đức Cha Bình, và trong câu chuyện tôi thưa với ngài là suốt thời gian, tôi chỉ suy nghĩ về “lệnh” của Đức Tổng đã ban cho tôi. Ngài có vẻ suy tư, nhưng cũng khích lệ tôi. Tôi bắt đầu tập họp một số bạn trẻ nam nữ, trao đổi ý hướng với một số các cha và bắt đầu tổ chức các sinh hoạt mở đường linh đạo “Tông Đồ Truyền Thông“. Dòng Đa Minh Gò Vấp, với cha Nguyễn Tiến Hải trở thành trụ sở thường xuyên cho các buổi tĩnh tâm, cầu nguyện, học hỏi, sinh hoạt.
Các cuộc tĩnh tâm hướng về noi gương Đức Ma-ri-a hiến mình cho Chúa để đem niềm vui vĩ đại đến cho thế giới và linh đạo của Thánh Louis Marie Grignion de Montfort, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần đã trở nên sức sống và nội lực cho nhiệt thành tông đồ. Khoảng 40 người đã tận hiến cho Chúa Giê-su nhờ Mẹ Ma-ri-a. Các buổi học hỏi về các cam kết được tiến hành và một số anh em đã cam kết hiến mình cho Chúa trong những lời khấn Tin Mừng. Nội quy mà chúng tôi gọi là: Pháp Quy Đời Sống Huynh Đệ Truyền Tin, gọi tắt là FA – Fraternitas Annuntiationis được soạn thảo và được đệ trình lên Đức Tổng Giám Mục. Tôi đã không ngại làm việc này và cho đến đây thì cho rằng tôi đã tuân phục Đức Tổng Giám Mục trong chí hướng thành lập một nhóm người “Tông Đồ Truyền Thông”. Đến đây là hết nhiệm vụ của tôi. Những gì về sau là do Chúa qua các Bề Trên.
ĐTGM đã để thời gian xem xét bản Pháp Quy. Cuối cùng, Ngài kêu tôi tới và nói: “Tôi đã xem các điều cha trình bày. Nếu cha đưa cho tôi bản Pháp Quy trước 75 thì tôi đã ký ngay, nhưng...” Tôi rất bình thản, vì nghĩ mình là người tôi tớ đã làm những gì phải làm, vẫn tiếp tục sợ hãi trước những gì còn phải làm. Tôi chỉ trình Đức Tổng Giám Mục là ngài có thể ký trước, antidater... Sau một hồi suy nghĩ, ngài quyết định không ký. Tôi bình an ra về và vui trong lòng vì nghĩ rằng giờ Chúa chưa đến và Chúa sẽ cho một người nào đó sẽ làm công việc này, tương tự như trường hợp cha Charles de Foucault phải chết tăm tối khổ đau trong sa mạc để rồi một thời gian dài sau, ý tưởng và linh đạo của ngài mới được cha Voillaume đưa đến thực hiện trong hai nhóm Tiểu Đệ và Tiểu Muội.
Tôi không dám nghĩ mình như Charles de Foucault mà đời sống chiêm niệm đã đạt mức cao lạ lùng, đưa ngài gặp được Chúa trong tịch mịch im lặng thẳm sâu của sa mạc. Nhưng tôi nghĩ rằng Thánh Thần Chúa hằng hiện diện trong Hội Thánh sẽ thúc đẩy những tâm hồn để thực thi sự Quan Phòng của Ngài vì lợi ích Dân Chúa. Tôi không thể làm được việc này thì Chúa sẽ làm, khi thời gian của Ngài đến.
Và tôi viết lại những điều này như một Chúc Thư gửi đến các thế hệ trẻ sẽ đọc được những ghi chép này và nếu cảm thấy, nghe thấy tiếng Chúa thì hãy dùng khả năng, thì giờ và sức lực để biến những phương tiện truyền thông đại chúng trở thành những dụng cụ Tình Thương và ơn Cứu Độ đến rộng khắp mặt đất và vũ trụ.
Tôi chỉ xin nói thêm là bản Pháp Quy Đời Sống được soạn thảo trước khi có phát minh thần kỳ Video, vi tính hiện có một bản ở Toà Tổngø Giám Mục Sài-gòn. Cô Thy Phương cũng giữ một bản và nếu Chúa muốn sẽ trao lại cho người muốn biết và từng nuôi chí hướng tạo nên trong Giáo Hội những “Tông Đồ Truyền Thông”, để lợi ích cho các linh hồn và vinh quang cho Thiên Chúa. Tôi nghĩ rằng tinh thần và chí hướng vẫn là một, còn phương thức và phương tiện có thể tiến triển khác tùy theo bước tiến của khoa học kỹ thuật và nhu cầu thiết thực của con người.
Lm. NGUYỄN TỰ DO, DCCT ( Còn tiếp nhiều kỳ )
NIỀM VUI VĨ ĐẠI - Kỳ 9
HỒI KÝ 50 NĂM LINH MỤC
16. NHỮNG NỖ LỰC TRUYỀN THÔNG
Tôi tự tha cho mình nhiệm vụ phải lập cho được nhóm Tông Đồ Truyền Thông, nhưng tôi vẫn tìm cách sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng để hoạt động đem Niềm Vui Vĩ Đại đến những chỗ nào còn đến được.
Tôi luôn khuyến khích anh Đa Minh Đinh Thiện Bản, ca trưởng ca đoàn Tinh Thần, người vẫn tiếp tục làm nhiều việc cho Thánh Nhạc, cách riêng trong việc thu thanh, phát hành các cuốn băng Thánh Ca được phổ biến rộng rãi trên toàn quốc và ngay cả nước ngoài. Linh Mục Nguyễn Văn Tự, tức nhạc sĩ Vương Diệu, cha xứ Nam Hà thuộc Giáo Phận Xuân Lộc, nhạc sĩ Thiên Ân, Vũ Huyến... luôn được tôi ca tụng và khuyến khích trong nỗ lực sáng tác và thu băng Thánh Ca.
Tôi hết lòng khích lệ các ca đoàn tôi được biết: Cécilia, Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, Giu-se... Mọi chuyện đã tiến triển vũ bão. Nhớ lại trước kia khi tôi thường phải vác một chiếc máy quay phim Paillard Bolex nặng trịch để ghi lại hình ảnh một buổi lễ trên các phim âm bản bằng nhựa kéo theo bao công đoạn nặng nề: rửa phim, ráp nối, vào tiếng, in ra dương bản... công việc do Video ngày nay thực hiện được thật là kỳ diệu.
17. PHIM VIDEO VỀ DÒNG CHÚA CỨU THẾ VIỆT NAM
Máy quay Video mang nhãn Panasonic PV400 đã có mặt tại Sài-gòn vào thời gian 1990 và nhờ gia đình anh Thọ, cựu Đệ Tử DCCT chúng tôi đã lãnh nhận công tác thực hiện bộ phim về DCCT Việt Nam nhờ sáng kiến và nâng đỡ của cha Giu-se Cao Đình Trị, lúc ấy làm Phó Giám Tỉnh. Năm 1990, trên một chiếc xe Land Rover cũ kỹ của Nhà Dòng, toán thực hiện khoảng 8 người, với tài xế Trương Minh Tâm rất thành thạo vui tính đã lên đường “xuyên Việt”, đi đến các trụ sở DCCT trên cùng khắp Việt Nam để thu hình, lấy tài liệu khả dĩ làm được cuốn phim Gia Đình An Phong trên Đất Việt bằng tiếng Việt Nam và cuốn: Les Rédemptoristes au Viet Nam bằng Pháp Ngữ.
Mặc dầu được thuận lợi nhờ cuộc đua xe đạp toàn quốc Nam Bắc mà anh Trương Minh Tâm là một thành viên ban tổ chức, đi đứng có phần dễ dàng, nhưng cái khó vẫn có đó. Không phải chỗ nào cũng đến được và lúc nào cũng có thể giơ máy lên lấy hình. Nhà ông Đốc Sắc ở Phủ Cam do bộ đội chiếm đóng không thể nào lấy hình được, Châu Ổâ cho người phất tay ra hiệu đừng ghé, Tây Nguyên phải bỏ máy vào gùi, phải mau lẹ, nhiều chỗ đòi phải có giấy phép, và hồi hôïp nhất là chuyến trở về từ Hà Nội sau khi cha Chân Tín “ba ngày sám hối”. Cha Lê Viết Phục không dám cho ngủ lại ở Tùng Lâm. Chỉ vào Phú Dòng có vài phút, lúc đi ra, vừa tới quốc lộ, Công An chặn lại: ”DCCT đi liên lạc phải không ?” Trên xe có mấy thùng sách Kinh Thánh trọn bộ Đức Hồng Y Trịnh Văn Căn cho làm quà với lỉnh kỉnh máy móc đủ loại. Về đến Sài-gòn vào đêm khuya. Mấy ngày không dám về Nhà Dòng vì cha Chân Tín mới “đi đày” ở Cần Giờ.
Với rất nhiều hồi hộp, lo lắng, mất ngủ, cuốn phim được dựng và vào tiếng. Ráp phim qua hai đầu máy không tránh được nhiễu hình. Vào tiếng nhờ một người khác có trang bị và kinh nghiệm hơn nhưng lại trong môi trường không được yên tĩnh. Nhạc đệm lấy từ những băng ghi của ban nhạc có sẵn. Một bản ráp vội dài đến 6 tiếng để cha Tổng Cố Vấn Hechanova có thể xem qua với lời bình sống. Phim đầy đủ với tiếng Việt được hoàn thành và chiếu cho Nhà Dòng xem. Nhiều người nhờ đó mà biết được nơi ăn chốn ở và việc mục vụ của anh em trong Dòng trên khắp Việt Nam.
Nhiều người vẫn chưa biết được những gian nan mà đoàn làm phim đã phải trải qua và họ có lý khi cho rằng hình ảnh có đoạn thiếu nét và rung. Nếu anh em hiểu rằng đã có những đoạn mà chuyên viên không lấy hình trên vai được mà phải ấn máy rồi xách nó ngang đầu gối để hy vọng quơ qua quơ lại “chụp” được những cảnh mong muốn. Rất ít trường hợp chúng tôi có thể để máy trên chân để lấy hình ảnh “ung dung” theo ý muốn và đòi hỏi kỹ thuật. Phải luôn luôn gọn nhẹ “đánh mau, rút lẹ”, lắm khi chỉ ngồi trong xe chõ ống kính ra và lấy từ xa vì sợ bị phát giác và... bị tịch thu máy móc.
Nhờ sự tận tâm và phương tịên của gia đình anh Thọ, sự tháo vát của anh Trương Minh Tâm mà cuộc hành trình và công tác thu hình đã được kết quả tương đối khả quan, khả dĩ đủ điều kiện để đưa lên phim tất cả các cơ sở và khuôn mặt của hầu hết các nơi và khuôn mặt của anh em đang hoạt động ở khắp mọi miền đất nước.
Những anh em sống cô đơn một mình một chiếu như cha Giu-se Vũ Ngọc Bích tại Hà Nội, cha Giu-se Trần Hữu Thanh tại Trần Nội, Hải Dương, các cha xứ miền Vĩnh Long, Cù Mi, Tân Châu... các cộng đoàn nhỏ bé trong các toà nhà lớn lao như Huế với 2 cha già Mi-ca-en Nguyễn Đình Lành, Phê-rô Nguyễn Hoàng Diệp thay nhau làm Bề Trên “in aeternum” hay ở Nha Trang chui rúc trong căn nhà nhỏ bé sau khi bị mất cơ sở vốn đầy đủ tiện nghi được biến thành khách sạn Hải Yến. Chúng tôi, có cha Hilario Nguyễn Gia Tước, thầy Lê Chiếu Khắp ( nay đã là Linh Mục ) đã rất vui mừng, và anh em sống rải rác đó đây cũng vui mừng được gặp nhau, nói và nghe kể về những công việc mục vụ do hoàn cảnh đưa đẩy.
Cảm tưởng đầu tiên và chung chung của chúng tôi là hầu hết không ai trong các anh em mình sống sung túc đầy đủ. Hầu hết còm nhom và khắc khổ, quần áo đơn sơ, thiếu thốn mọi mặt, khó khăn chồng chất lúc nào cũng phải thận trọng, đề phòng, cảnh giác. Lắm khi chúng tôi không tìm được chỗ tạm trú qua đêm vì đủ mọi lý do mà căn bản vẫn là ngại ngùng, rắc rối và gây nhiều phiền lụy cho anh em. Các cha vùng Tây Nguyên sau đó đã cho biết rằng sau khi chúng tôi rút lẹ thì các ngài đã bị... hỏi han !
Khó mà hình dung được những khó khăn mà đoàn làm phim đã gặp từ mọi phía từ vấn đề ăn uống, ngủ nghỉ, xăng nhớt. Thời gian đó, không có cây xăng nào trên đường. Lắm khi chúng tôi đã phải bóp bụng mua một can xăng 10 lít mà phải trả tiền 15 lít, vì theo người bán ở vùng từ Đồng Hới ra: “can 10 lít nở ra là 15”. Chúng tôi nhắm chừng thu gom qua những nơi có thể mua xăng mà chúng tôi gọi là “cây xăng gạch”, vì người ta chỉ để một cục gạch để làm dấu điểm. Trên đường tìm chỗ đổ xăng, chúng tôi nhớ đến thầy Tôma Như. Thầy đã cẩn thận đổ đầy xăng và còn cho thêm một can 20 lít dự trữ. Có vào thời điểm đó mới hiểu đươc chứ đâu có như trước kia nữa và hiện nay, cây xăng ở miền Nam sát sạt trên đường.
Chúng tôi được Bề Trên cho 3 triệu đồng chi phí. Chúng tôi đã mua đồ hộp và lương khô. Vì trên đường, nhất là từ Huế ra, mỏi mắt cũng không tìm được một cái quán ăn. Đường xá thì hư hỏng và chiếc xe 4 cầu lắm khi đã phải tận dụng tất cả sức mạnh để vượt qua lầy lội, đá tảng và đủ thứ ổ gà, ổ trâu, ổ voi, ...chiếc xe “già” nghỉ hưu đã cả mấy thập niên không làm cho chúng tôi sợ hãi, mặc dầu chỉ đến Nha Trang trong ngày đầu tiên mà một bánh nổ, đến Đà Nẵng là bánh thứ hai nổ, ăn mòn số tiền dự trữ của đoàn. May thay, nhờ quen biết, anh Trương Minh Tâm đã ghé nhà quen cho chúng tôi ở nhờ... miễn phí...
Có đạo hay không, người ta đón tiếp chúng tôi rất chân tình lại còn được có nơi cho ăn trong thời buổi gỗ quế gạo châu của thập niên 90 chưa “đổi mới”. Anh Trương Minh Tâm là người đã tạo nhiều điều kiện tốt cho thành công nhờ sự quen biết, tháo vát, lanh lợi, thông minh và tài nghệ của anh. Anh luôn gắn bó với Nhà Dòng. Anh nêu gương sáng cho tôi vì tinh thần biết ơn và tấm lòng tế nhị của anh: thích nghêu ngao những bài của đệ tử ngày xa xưa, nhắc nhở đến các cha Canada, nhất là cha Eugène Larouche, Camille Dubé và tỏ ra thích thú được nhớ lại những chú đệ tử xưa đã từng là CP, CN, CH... tôi cũng nhận thấy tinh thần truyền thống hiếu thảo của người Việt Nam.
Khi đi qua Nha Trang, anh xin tôi cho anh ghé thăm mộ ông thân. Chúng tôi thấy đi theo anh là một việc hợp tình hợp lý. Vừa đến nơi, anh quỳ gối hôn ngôi mộ một hồi lâu và cầu nguyện. Tôi đã từng biết ông Trương Văn Huế vì những gì ông đã làm tại Huế và cũng đã có những lần nói chuyện với các cha lớp tôi năm thứ bảy ở Đà Lạt và cả những anh em dự khoá Nhà Tập II tại Đà Lạt.
Luôn tiện nói đến vấn đề này gợi cho tôi hình ảnh rất đơn sơ và cảm động vị Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II quỳ trước ngôi mộ của cha mẹ mỗi lần trở về công du mục vụ Ba Lan. Chiếc áo trắng ấy đã quỳ ngay trên đất. Nét đẹp của những tâm hồn hiếu thảo, xứng đáng được sự chúc lành của Chúa. Đang thời gian còn bệnh chưa đi đứng được, tôi nháng thấy đăng trong báo Công Giáo và Dân Tộc tin về cái chết của anh Trương Minh Tâm với lời cám ơn những người đã đến chia buồn, cầu nguyện. Tôi tiếc là đã không đến viếng anh lần cuối và chia buồn với chị Tâm và gia đình, ít là để cám ơn anh vì đã hợp tác với Nhà Dòng, tận tình mà không nhận thù lao bồi dưỡng gì.
Bao công lao, liều lĩnh, bao bữa ăn qua loa bên vệ đường, bao hồi hộp và công sức của chúng tôi không đem lại cho chúng tôi lợi lộc, vật chất và tiền bạc gì, nhưng chúng tôi đã nhận được niềm vui vì đã được dịp để gợi lại những khuôn mặt thân yêu và tô đậm nét những người anh em của tôi trong Dòng vẫn bám trụ để tiếp tục “làm chứng nhân Tin Mừng” giữa thời đại theo tự nhiên chẳng mấy phấn khởi này. Tôi muốn góp tiếng nói biết ơn yêu mến đối với các Thừa Sai Canada là những người đã hy sinh tất cả để đến đất nước nghèo nàn lạc hậu Việt Nam, đem tiền của của quê hương và thân thuộc họ, công sức của các thành phần ưu tú nhất trong Tỉnh Dòng Canada, đến cả mạng sống để thành lập DCCT tại Việt Nam. Điều càng thúc đẩy chúng tôi là vì nhận thấy thế hệ trẻ không biết đến cái quá khứ ấy hay ít là không biết gì lắm về những vị tiên phong lập Dòng tại Việt Nam vì nhiều lý do trong ngoài.
Tôi cũng nghe phong phanh rằng giữa Tỉnh Mẹ Sainte Anne và tỉnh Con Việt Nam, bầu không khí lấn cấn sao đó. Tôi chỉ là “tép riu” trong Dòng, làm được cái gì ! Chúng tôi đã nhận được phần thưởng khi cha FX. Trần Tử Nhãn về thăm quê hương. Ngài nói với tôi và cũng nói với nhiều người rằng: bầu không khí tốt hẳn lên sau khi cuốn phim: “LES RÉDEMPTORISTES AU VIET NAM” qua đường Roma đã được đem đến Canada. Tôi vẫn không biết Tỉnh Dòng Việt Nam có gửi thẳng cuốn phim cho Canada hay không nhưng chỉ biết là ở Nhà chính Roma đã nhân bản và gửi sang Tỉnh Sainte Anne.
Tôi lại được niềm vui nữa khi phái đoàn Tỉnh Mẹ sang Việt Nam và được nghe chính cha Laurent Proulx, quản lý Tỉnh tìm biết người đã thuyết minh phim và đã có lời tỏ lòng quý mến cảm phục. Tại Việt Nam, chúng tôi không được nhận những lời khích lệ như thế. Mặc dầu đề phim rõ như mặt trời: “Gia Đình An Phong trên Đất Việt” và được công bố giờ chiếu mời tham dự, cha Giám Tập đã nghiêm chỉnh hỏi tôi: “Anh có biết nội dung gì không ? Tôi cần biết để cho Nhà Tập tham dự hay không !”
Nhận thấy sức hấp dẫn của phương tiện Video mà cách đây ít năm, khi thảo Pháp Quy Đời Sống chưa có, tôi cố gắng đeo đuổi, với sự hợp tác của một số người.
Trong thời gian đầu phải kể đến anh Thọ và các con. Anh là cựu Đệ Tử. Với chiếc máy Panasonic PV400, anh và người con đã theo chúng tôi. Chúng tôi chưa ai biết sử dụng Video, nên kính nhi viễn chi, nể lắm ! Tất cả các cuốn băng cassette Video quay trong dịp này đều bằng máy PV400. Sau này, ông Vĩnh Hậu thường cho tôi mượn máy PV530 mới hơn, có kỹ xảo hấp dẫn hơn, nhưng không ai chịu đưa mặt ra. Chính tôi vác chiếc máy ấy vào Nhà Thờ quay một số tài liệu sống, tình cờ “chơi” luôn Linh Mục Chân Tín giảng 3 bài về sám hối. Việc này xảy tới trước khi hành trình và là lý do để chúng tôi gặp đôi khó khăn khi trở về như đã nói ở trên. Nhưng phần lớn các cuốn phim đều quay bằng PV400.
Ông Vĩnh Hậu có hứa sẽ cho chúng tôi một máy PV530, nhưng chưa kịp thi hành thì ông đã lâm bạo bệnh và qua đời. Chúng tôi chỉ còn máy PV400 để thực hiện toàn bộ phim về Nhà Dòng cũng như nhiều chương trình khác tiếp theo.
Lm. NGUYỄN TỰ DO, DCCT ( Còn tiếp nhiều kỳ )
NIỀM VUI VĨ ĐẠI - Kỳ 10
HỒI KÝ 50 NĂM LINH MỤC
18. CÁC THỰC HIỆN KHÁC
Vì vẫn thấy các phương tiện truyền thông là dụng cụ loan báo Tin Mừng, nên tôi tận dụng mọi dịp để “GIẢNG” qua những phương tiện đó. Với một số người hợp tác: Thy Phương, Mỹ Dung, Thảo Hiền, Phương Thảo... , chúng tôi làm thành một nhóm “chuyên quay Video” các lễ cưới, lễ an táng, xuất cảnh, du ngoạn... và thường xuyên thâu hình tất cả các buổi sinh hoạt của chương trình “GIA ĐÌNH HẠNH PHÚC” do cha Cao Đình Trị và thân hữu tổ chức vào mỗi Chúa Nhật.
Người ta có vẻ thích nhóm “con gái” quay phim, tôi thì chỉ có một cái khoái, đó là lợi dụng tất cả để “thuyết minh”. Tôi nói về mọi vấn đề, tuỳ theo nội dung cuốn phim cho phép. Tôi tự an ủi mình vì mặc dầu bị cấm làm Mục Vụ, không được giảng dạy và dâng lễ một mình công khai, tôi vẫn tiếp tục “giảng” được. Tôi thích thú nghĩ rằng: sẽ có mấy trăm người, có khi mấy ngàn người sẽ xem phim, sẽ nghe tôi nói... Có những cuốn phim được nhân bản lên cả vài chục và được gửi cả sang nước ngoài. Không còn phải “trên các nóc nhà” nữa, mà vượt cả biên giới quốc gia, theo sự đưa dẫn của Chúa.
Các máy dựng chưa có. Nhớ lại mà thương ! Để cho chữ chạy một cách hấp dẫn, cha con hì hục viết trên các tấm nylon, “sáng chế” ra cả một dàn để kéo chữ đi và... thu hình. Nếu lúc này mà còn giữ phim để coi lại, chắc những người nhờ chúng tôi cũng không hiểu tại sao “ngây ngô” và “ thủ công” đến như the,á nếu không đánh giá là “kém” quá. Văn minh, kỹ thuật tiến mau khó lường được.
Với thời gian, với những máy móc tốt hơn, chúng tôi đã nhận và thực hiện nhiều cuốn băng Video lớn: 6 cuốn về La Vang đã góp phần lớn trong việc đem hình ảnh Mẹ La Vang đi khắp nơi. Nhiều phim về khấn Dòng, về các lễ phong chức Linh Mục và Giám Mục. Những trung tâm hành hương như Tao Phùng, đài Đức Mẹ Bãi Dâu Vũng Tàu, các cuộc thăm viếng mục vụ của các vị Giám Mục, khánh thành Nhà Thờ, các Trung Tâm Truyền Giáo, cơ sở, các Dòng Tu, các cuộc thăm viếng người phong cùi trên toàn quốc... Nói tóm lại, chúng tôi đi khắp nơi, dự đủ mọi lễ nghi tại các Giáo Phận. Tôi viết bài bình, vào tiếng, nhân bản, trình bày bìa băng... Tôi thấy mình có thể một phần nào tiếp tục làm “Tông Đồ Truyền Thông”.
Không phải ở đâu chúng tôi cũng được dễ dàng, được nâng đỡ. Đoàn làm phim của chúng tôi đã thường có mặt tại La Vang qua lời mời thực hiện phim của Toà Tổng Giám Mục Huế. Chúng tôi đã phải tự mình đi đăng ký máy, đóng tiền chi phí “thuế quay phim”, tự tìm lấy vị trí “hành nghề”. Không được người bảo vệ, các chuyên viên của chúng tôi phải tự tìm lấy chỗ đứng khi quay. Lắm lần nhóm trật tự ngăn cản không cho di chuyển trong lãnh vực cần thiết. Đưa bảng đeo trước ngực ra để được ưu tiên và tức khắc được ban trật tự phán: “Giờ này mấy cái đó không còn giá trị nữa !”
Chúng tôi phải cảm phục các “camera-girls” của chúng tôi lúc nào cũng tỉnh thức, nhiệt tình, yêu nghề và vì yêu mến Đức Mẹ, và Giáo Hội, đã xông pha “thân gái dặm trường” để lấy cho được những hình ảnh tốt nhất. Từ những năm 1998, chúng tôi đã quay phim bằng dàn máy kỹ thuật số nhỏ gọn và chúng tôi bị “đánh giá” là chỉ có máy du lịch, không được trọng vọng như những anh chàng to con với các máy cỡ lớn gồ ghề. Từ khi hàng JVC chính thức nhập vào Việt Nam các máy quay Digital thì hầu hết người ta lại dùng những loại máy mà chúng tôi đã sử dụng từ hơn 4 năm rồi.
Thế nhưng tôi vẫn cứ canh cánh trong lòng vấn đề tiếp tục, tồn tại. Tôi đã tìm cộng tác viên, đầu tư cho họ học hỏi, sử dụng họ cho các công tác quay phim, ráp phim, vào tiếng, kể cả viết bài. Một số bạn nam thanh niên đến học nghề và hợp tác. Mong sẽ có thêm những “đồng chí”. Nhưng có người bận việc khác, có người tưởng nghề quay Video có thể giúp họ thăng tiến nên đã ra riêng để... “làm ăn”.
Còn lại cho đến nay chỉ là mấy cô gái. Cuối cùng cũng có người lập gia đình, có con và nặng gánh gia đình, chỉ còn có cô Thy Phương rất gắn bó với công việc và giữ vững cho đến lúc này là lúc mà tôi cảm thấy mình cũng khó đeo đuổi được công việc ngày càng phức tạp, máy móc càng tối tân, phương tiện càng đòi nhiều tiền. Người ta làm ăn để sống, để nuôi gia đình, chúng tôi chỉ nghĩ đến công việc, đến mục đích đeo đuổi.
Tôi chẳng biết tính toán và làm ăn, nên chẳng mấy khi tiền vào nhiều. Người ta quay một lễ phong chức Linh Mục với giá 12 triệu, chúng tôi chỉ xin 2 triệu rưỡi, nhưng lại trao một chục cuốn phim. Lễ tấn phong Giám Mục tại Thanh Hoá, một nhóm từ Sài-gòn ra đòi 20 triệu, chúng tôi cũng chỉ xin 2,5 triệu, coi như làm việc nhà, với một trăm bản DVD.
Nếu tôi không phải là Linh Mục và không có chí hướng Tông Đồ Truyền Thông thì chắc chắn tôi cũng phải nghĩ đến kinh tế. Anh em cộng tác thường cười tếu: “Tiền ra như nước sông Đà, tiền vào tí tách như cà-phê phin”. Lạ thay, nhóm của chúng tôi vẫn sống và vẫn làm được việc mong muốn. Họ nói: “Cứ làm cho Chúa, cho Đức Mẹ, rồi tới đâu thì tới”. Và đúng như thế !
Lm. NGUYỄN TỰ DO, DCCT ( Còn tiếp nhiều kỳ )
NIỀM VUI VĨ ĐẠI - Kỳ 10
HỒI KÝ 50 NĂM LINH MỤC
19. HÀNH HƯƠNG CÔNG GIÁO VIỆT NAM
Nhìn dưới một khía cạnh tiêu cực, trong tình thế hiện tại, chí hướng “Tông Đồ Truyền Thông” của tôi, của chúng tôi thật là “viễn vông” và “mạo hiểm”. Truyền thông đại chúng đòi hỏi nhiều sáng kiến, chúng tôi có ý tưởng làm một việc khác: làm sách và phim về Giáo Hội Công Giáo Việt Nam 2000. Không ngờ trước, Đức cha B. Nguyễn Sơn Lâm kêu tôi trình bày vấn đề với các Giám Mục nhân dịp hội nghị tại Nha Trang 1999 gì đó. Không được chuẩn bị tinh thần trước, tôi không dạn dĩ mấy trước Hội Đồng Giám Mục Việt Nam trang trọng như thế, lại sợ lấy nhiều thì giờ của các ngài, tôi chỉ bập bẹ được mấy lời, nhận sự khích lệ của các ngài. Các Giám Mục ban cho chúng tôi một sự giúp đỡ tài chánh là 20 triệu đồng.
Với tất cả thiện chí, chúng tôi đã quay cả trăm băng hình bằng những máy video cũ kỹ PV 400, Sony 707... đến các máy kỹ thuật số... Để thực hiện đến nơi đến chốn, tôi đã mua được máy dựng phim từ Pháp... nhưng rõ ràng là công việc chẳng dễ dàng mau chóng như tôi tưởng, và hôm nay khi ngồi viết lại Hồi Ký này, tức giữa năm 2006, với gia hạn đến 5 năm, chúng tôi vẫn chưa thực hiện được phân nửa công việc.
Cuốn sách “Hành Hương Công Giáo Việt Nam” đã vừa xong, với gần 900 trang trong đó có 537 hình đen trắng và 368 hình mầu, phần lớn do Thy Phương, Thảo Hiền... chụp. Công việc này đáng lẽ phải xong sớm hơn nếu không có những trục trặc đủ mặt do thiếu phương tiện, thiếu khả năng. Một cơn bệnh đã đưa tôi đến gần cái chết vào cuối 2004, bắt tôi ngưng mọi hoạt động rồi lại phải làm việc cầm chừng “không được cố gắng quá”.
Chương trình được sự khích lệ của nhiều vị Giám Mục: Đức Hồng Y Phạm Đình Tụng trao cho tôi 300 USD với lời khích lệ: “Để cha và anh chị em uống nước trên đường”, Đức Cha Huỳnh Văn Nghi hứa tài trợ công việc, Đức cha B. Nguyễn Sơn Lâm “bầu cử” cho chúng tôi để được sự trợ giúp ở xa và luôn thúc đẩy chúng tôi làm cho thành công. Ngài bảo cứ lấy tiền của ngài mà làm cho mau. Trước thắc mắc của tôi sẽ lấy đâu mà hoàn trả lại, ngài chỉ cười nói: “Không trả được thì cho luôn”. Tôi nhớ có lần lên Đà Lạt chỉ để lấy hình về cuộc sinh hoạt của các Linh Mục đã qua Chủng Viện Xuân Bích, ngài đã đưa phong bì: “Lấy mà chi phí đường xá”.
Nhiều vị Giám Mục thường thăm hỏi ân cần mỗi lần gặp về sự tiến triển của công việc. Sự khích lệ cũng không thiếu từ các Linh Mục như cha Võ Văn Bộ, Đinh Cao Thuấn, Nguyễn Văn Giản, cha Huỳnh Công Minh, cha Phạm Đình Lạc... và nhiều người thiết tha với Giáo Hội như ông Phạm Đình Khiêm, Lê Ngọc Bích, An-tôn...
Chúng tôi dự tính ra tập “Hành Hương Công Giáo Việt Nam” vào cuối 2005, Năm Thánh Truyền Giáo của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, nhưng một cơn bệnh đã đến với tôi trong nhiều tháng, phải xin vào các bệnh viện Đại Học Y Dược, Chợ Rẫy, Bình Dân, cả tháng trời không còn biết gì nữa, rồi sau đó là mấy tháng nghỉ tại nhà hưu dưỡng DCCT, đi đứng không được, đeo trên người những cái bao lắm rắc rối, rồi tập đi, từ 5 bước đến khi ra được ngoài hành lang, đến hang đá Đức Mẹ...
Hiện nay, tôi làm việc không được như trước, đi đứng vẫn khó khăn, nhưng tôi đã có thể một phần nào đọc bài và viết thêm những đoạn còn thiếu kém. Tôi vẫn thiết tha và cố gắng để hoàn thành cuốn sách, còn cuốn phim thì... Và cuối cùng cuốn sách “Hành Hương Công Giáo Việt Nam” đã thành hình được trao đến các vị Giám Mục Việt Nam và thân hữu. Tạ ơn Chúa !
20. ĐẠI PHÚC DÒNG CHÚA CỨU THẾ
Xem ra như cả cuộc đời tôi chỉ loanh quanh trong phạm vi các hoạt động Truyền Thông. Nhưng từ đệ tử qua Nhà Tập, Học Viện, chúng tôi luôn được hướng về mục đích căn bản của DCCT là làm Thừa Sai và tôi quan niệm mọi ngành, kể cả ngành Truyền Thông là những yểm trợ hữu hiệu và mạnh thế cho công việc Rao Giảng Tin Mừng theo đặc sủng của Dòng, noi gương Đức Ki-tô “đã được sai đến để cứu chữa những con chiên lạc Ít-ra-en”, nối tiếp truyền thống Scala của Thánh Tổ An Phong. Chúng tôi đã bị chinh phục bởi lý tưởng Thừa Sai, và các vị Thừa Sai, các cha Lapointe, Blais, Xuân Lộc, Văn Cơ, Đào Hữu Thọ, Văn Vàng, Hoàng Yến, Đức Tuyên... là những “thần tượng”, những gương mẫu của ơn gọi DCCT. Từ lúc nhỏ, tôi chỉ mơ làm Thừa Sai.
Từ thập niên 50, các Bề Trên bắt đầu gửi người “du học”. Dĩ nhiên có nhiều người muốn “du học”. Tôi không mơ tưởng được gửi đi, vì không bao giờ tôi xuất sắc về chuyện học cả, mặc dầu ngay sau khi qua cuọâc sát hạch “RIGOROSUM”, cha Jean Marie Labonté vừa ra khỏi lớp đã mừng tôi và nói: ”Vous avez excellenté”.
Tôi biết là phải có những người học cao để về làm giáo sư. Tôi không ham nghề đó. Thế nhưng cũng có vị trong Ban Cố Vấn đưa ra đề nghị cho tôi đi “du học”. Chương trình không đi đến đâu vì có người phản kháng: “Ông ấy đã như thế rồi mà cho đi học thì về ai mà cai trị nổi”, và có một ngày cha Giám Tỉnh Benoit Hoàng Quang Lượng nói với tôi: “Hội Đồng chấp thuận cho cha đi du học tự túc”.
Tôi biết là có người được gia đình, ân nhân giúp học bổng. Tôi cũng có thể tìm sự giúp đỡ của các ân nhân, nhưng tôi đã trả lời với cha Giám Tỉnh: “Nếu Nhà Dòng thấy nên gửi con đi để sau này làm việc cho Nhà Dòng thì con nhận, còn tự túc thì con không đi”. Tôi nghĩ rằng tự túc thì cần gì phải trở về Việt Nam. Vả lại tôi vẫn nằm lòng lý tưởng làm “nhà giảng thuyết thừa sai” như các đàn anh, mà nổi danh nhất về hùng biện phải kể cha GB. Nguyễn Văn Vàng, rồi các cha giảng hấp dẫn mà tôi được biết như Antoine Lapointe, Nguyễn Đức Tuyên, Gérard Gagnon Nhân...
Tôi luôn nhớ cha An-tôn Tuyên đã trối lại cho tôi Thánh Giá Thừa Sai các ngài. Ngay từ năm đầu ra khỏi Học Viện, năm thứ 7 ( Année Sabbatique ) và Nhà Tập 2, tôi được đưa về nhà Sài-gòn và được gửi đi Đại Phúc lần đầu tiên tại Chợ Đũi, rồi đến Chợ Quán, Kinh 1 Cái Sắn... Sau đó là mấy tháng trời Đại Phúc ở nhiều Giáo Xứ tại vùng Đà Nẵng: Hoà Vang, Phước Tường, Thanh Bồ, Đức Lợi...
Tôi được gần gũi các cha Hoàng Yến, Phê-rô Xuân Lộc, G. Đào Hữu Thọ, An-rê Nguyễn Quang Kiêm... Các Ngài trao cho tôi phần việc gì tôi hết lòng làm, cách riêng các cuộc cấm phòng cho thiếu nhi, các bài Giáo Huấn, Giải Tội liên miên, thăm viếng gia đình... Bài Đại Giảng được trao cho tôi chưa đụng đến những đề tài gay cấn. Tôi có bài giảng về: ”Thiên Chúa thánh thiện và siêu việt, Giáo Hội... ”
Tôi rất thích các kỳ Đại Phúc vì được gần gũi những cha anh sống thánh thiện và nhiệt thành, tình huynh đệ cao vời luôn khiêm nhường và nâng đỡ mấy “tên lính mới ra lò”. Giáo Dân tỏ lòng quý mến các cha Dòng và các trẻ em thì quấn quít và thường không ngại “xé cả áo Dòng” vì không chịu “để cho cha đi”. Mỗi kỳ Đại Phúc không những đem lại lợi ích thiêng liêng cho Giáo Dân, cho cả vùng mà các Thừa Sai cũng nhận được nhiều hồng ân cho đời sống tinh thần và thiêng liêng của mình. Nơi đâu tôi cũng nhận thấy được bàn tay thiêng của Thiên Chúa và càng thấy rõ chỗ đứng của DCCT trong Giáo Hội và cách riêng tại Việt Nam. Đại Phúc thật là nét đặc biệt của Dòng và là việc Tông Đồ tập thể đặc trưng của con cái Thánh An Phong, của “các cha Dòng Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp”.
Trong thời gian này, một sự việc mới xảy đến cho tôi. Cha Bề Trên Phụ Tỉnh lúc đó là cha Anphonse Tremblay trao cho tôi một công tác mới. Ngài dạy tôi phải học tiếng Hoa “để làm Thừa Sai cho người Hoa”. Cha Lucien Olivier tìm cho tôi một giáo sư người Hoa mỗi ngày đến Nhà Dòng dạy cho tôi. Sau chỉ vài tuần, tôi đã nói chuyện thông thường với thầy giáo, tập viết chữ nho. Điều đó gây ngạc nhiên cho những người khách đến Nhà Dòng: “Dòng Chúa Cứu Thế có cha người tầu rồi à ?”
Tôi tưởng đời tôi có hướng đi. Nhưng một thời gian sau cha Giám Tỉnh lại làm bổ nhiệm tôi về Đà Lạt, nói là “để tăng cường nhóm Thừa Sai”. Tôi thưa với Ngài: “Thế thì việc con học tiếng Hoa làm sao ?” Ngài chỉ đáp: “Cha xuống cha quản lý lấy tiền mua sách và... học riêng”. Cha quản lý lúc ấy là cha Mi-ca-e Nguyễn Quang Toán trao cho tôi một số tiền. Tôi mua mấy cuốn sách “Tự học tiếng Hoa”. Tôi không “tự học” được vì “để làm gì ?” Vốn liếng tiếng Hoa lõm bõm nhưng cũng cho tôi kinh nghiệm là các chủ bán hàng tự nhiên bán rẻ cho tôi, khi tôi nói tiếng Hoa với họ. Thời kỳ qua Hong Kong tôi cũng sử dụng những gì còn sót lại và người Hoa tỏ ra rất thiện cảm. Tôi chẳng hiểu đường lối của Chúa qua các Bề Trên và cũng đôi khi tiếc vì... chẳng được làm gì đến nơi đến chốn !
Đường lối vạch ra cho tôi là giảng Đại Phúc. Tôi đã soạn khá nhiều bài giảng đủ loại, đánh máy cẩn thận. Tôi còn được lãnh nhận “gia tài bài giảng” mà cha Anphonse Dumas đã trối lại cho tôi gồm những bài giảng của riêng ngài và của nhiều vị giảng thuyết có tiếng tại Canada. Kho tàng đó ngày càng lớn lên và tôi rất quí trọng. Còn có những giấy tờ, những nghiên cứu góp nhặt tôi đã làm từ khi còn ở Đệ Tử, qua các năm Học Viện. Vấn đề gì tôi cũng có thể có tài liệu, được hệ thống hoá theo phương pháp “Fiches” mà các cha Sylvère Drouin, Albert Raymond, Marcel Lupien... đã dạy chúng tôi.
Nhờ ơn Chúa cho tôi đồng bạc làm vốn và những tài liệu lúc nào cũng sẵn sàng, tôi không gặp phải khó khăn nào khi phải trình bày, giảng về bất cứ đề tài nào cũng như viết báo, bài phát thanh trong mọi trường hợp. Có lẽ do thế mà cha Trần Hữu Thanh luôn được tôi thay thế vào phút chót khi ngài bận bất thường và không thể “đăng đàn được”. Có trường hợp tôi đã được báo là cha Thanh không về kịp để giảng bài Đại Giảng và yêu cầu tôi làm “Đoản Huấn – Glose” dài hơn để chờ Ngài. Có lẽ hôm đó Đại Phúc có bài Đoản Huấn dài đến 45 phút để rồi bài Đại Giảng chỉ tóm gọn trong... 15 phút.
Tất cả các bài giảng, tài liệu của tôi đã biến mất trong thời gian tôi đi tù, cùng với nhật ký riêng của tôi, trong đó có tập thư mà mẹ tôi viết cho tôi và tôi gìn giữ rất cẩn thận, vì thỉnh thoảng vẫn đọc lại những lời khuyên của mẹ tôi từ lúc tôi còn ở Đệ Tử. Về sau này, nhất là từ sau 75, tôi không có cơ hội và phương tiện để soạn những bài giảng mới nữa. Tôi chỉ làm được một số nhỏ để đáp ứng những tuần Đại Phúc mà Cộng Đoàn Clê-men-tê thực hiện được những năm vừa qua.
Những ấn tượng về Đại Phúc, gương sống động của các Thừa Sai DCCT và nếp sống Thừa Sai đã tồn tại trong tôi qua hướng đi và việc đào tạo của các cha Canada, đã làm cho tôi không quên được công việc “đặc biệt” của DCCT. Tôi xác tín rằng việc Đại Phúc là công việc Tông Đồ Mục Vụ riêng của Dòng, làm nên bản sắc của các Thừa Sai “cổ trắng”. Dòng được biết đến, có ơn gọi, có ảnh hưởng trong Dân Chúa chính là nhờ Đại Phúc một phần lớn. Đại Phúc là một Hồng Ân Chúa ban cho các cộng đồng tín hữu và đối với các Tu Sĩ DCCT thì đó là động lực cho sự nên Thánh, cho tình huynh đệ và tinh thần gia thất của Hội Dòng.
Tôi đã làm nhiều việc khác trong đời tôi như đã nói trong hồi ký này, nhưng ấn tượng về Đại phúc không hề xa rời tôi. Thánh Tổ An Phong muốn đi truyền giáo nơi lương dân, nhưng ngài và các sĩ tử chỉ kiên trì và nhiệt thành giảng Đại Phúc. Truyền thống Đại Phúc từ buổi sơ khai của Dòng và cách riêng tại Việt Nam có vẻ như phần nào bị lãng quên do tâm trạng mới, do hoàn cảnh, do thời thế... Có một phần nào do chúng ta. Nhiều vị Bề Trên, nhất là các vị lo đào tạo giới trẻ ít biết hay không biết đến Đại Phúc mấy và xem ra như không tích cực hướng giới trẻ kế thừa vào công việc mục vụ tập thể Đại Phúc. Do hoàn cảnh, có nhu cầu nhận Giáo Xứ, nhưng đó không phải là lý do để DCCT có mặt trong Hội Thánh. Có người cho cảm tưởng là làm Linh Mục DCCT để lo Giáo Xứ, để giảng và làm lễ đó đây.
Giảng mấy ngày Tĩnh Tâm đã trở thành thông lệ trong các Giáo Xứ trong Mùa Chay và Mùa Vọng... Nhiều người nói là tình thế bắt buộc như thế: “thời thế thế thời phải thế... ” Nhiều người quả quyết là lúc này không thể làm Đại Phúc được. Đi xa hơn có người còn cho là “lỗi thời”, “không còn tác dụng”. Tôi đã thấy một số có trách nhiệm không đi Đại Phúc, nhưng chỉ “phóng xe đến”, phán một bài Đại Giảng buổi chiều, ăn một bữa cơm rồi về lại Nhà Dòng và nghĩ rằng mình đã làm... Đại Phúc. Tôi vẫn nghĩ khác: đi Đại Phúc là “bám trụ”, ở tại chỗ, chấp nhận tất cả mấy chục cái CÙNG: cùng ăn, cùng ở, cùng vui, cùng buồn, cùng mệt, cùng cầu nguyện, cùng nghe giảng, cùng chia sẻ mọi sự để hướng tất cả về cuộc cải cách, canh tân một cộng đồng tín hữu, chia sẻ với cha sở trong cuộc sống và những lo âu của ngài...
Tôi thấy cái “thói” đến giảng một bài rồi về hình như đã thành nếp ở Việt Nam kể từ khi có các Bề Trên cộng đoàn là người Việt mình. Tôi vẫn nhớ có các Bề Trên Nhà đi Đại Phúc và hoạt động dưới sự xếp đặt của “Bề Trên Đại Phúc” là một anh em trong Nhà. Có thể do những sự việc như vậy mà Đại Phúc mất giá trị tại Việt Nam, đang khi Đại Phúc rõ ràng là rất cần thiết vì đáp ứng nhu cầu của Dân Chúa tại Việt Nam. Lý do đưa DCCT đến Việt Nam năm 1925 vẫn còn trọn vẹn tại đây và với một ít thích ứng, phương pháp và cách làm, Đại Phúc của DCCT tại Việt Nam vẫn rất hợp thời và rất cần thiết đối với Giáo Hội tại Việt Nam hiện nay. Miền Bắc còn cần hơn cả Miền Nam sau cả mấy thập niên bị thiệt thòi vì thiếu Linh Mục, Tu Sĩ.
Những gì tôi đã thấy ở Âu Châu để lại cho tôi nỗi buồn không tả được. Tại một Nhà Thờ lớn ở Toulouse, một ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp được treo trên một cột Nhà Thờ. Dưới ảnh có mấy chữ: “MISSiON DES RÉDEMPTORISTES 1938”. Tôi muốn thăm Nhà Dòng. Người ta mất cả tháng để tìm ra ngôi Tu Viện, nhưng nay là Dòng... Phan Sinh. Tôi hỏi các cha DCCT ở đó nay ở đâu ? Được trả lời: “Họ bán nhà rồi đi đâu không biết”. Tôi được dẫn đi thăm Tu Viện, mường tượng vẫn còn đó những chiếc cổ trắng, nhưng tất cả đã biến mất, không biết ở đâu.
Tỉnh Dòng Paris còn mấy cha lớn tuổi, và công việc tông đồ còn lại là làm lễ cho mấy Dòng nữ hay giúp Xứ Đạo quanh đó. Tôi đến tham dự một cuộc triển lãm tôn giáo. Nơi đây có một gian: LES AMIS DE VĂN với hình thầy Marccel trong chiếc áo Dòng. Ban tiếp tân làm cho tôi một cái bảng tên đeo trước ngực: Père R. Nguyễn Tự Do, Rédemptioniste”. Tôi đã bạo gan xin nói vài lời với cha Bề Trên Cả Joseph Tobin và các Cố Vấn Trung Ương. Tôi nói về kinh nghiệm Đại Phúc tại Việt Nam và dám nói: “Không làm Đại phúc, Dòng ta khó mà tồn tại” Tôi không biết các ngài nghĩ gì về vài lời của tôi, nhưng thật tình tôi buồn vì ở Âu Châu, Dòng ta đã sa sút nhiều và không có ơn gọi.
Phải chăng là vì DCCT không làm gì khác là công việc của một cha xứ. Đã làm cha xứ thì cần gì phải vào Dòng. Nếu các cha trẻ mãn trường đa số được hướng về các Giáo Xứ thì làm sao họ có thể bỏ cái nếp sống ngăn nắp, trật tự và ổn định để làm Thừa Sai đến những Giáo Xứ xa xôi có khi không có điện, không có nước đá, không có cả “toilet”. Đời Thừa Sai phiêu bạt, mệt nhọc, lúc nào cũng phải tỉnh thức, chịu khó và cật lực. Chi bằng cứ “xé lẻ”, một mình muốn nói gì thì nói, giảng mấy bài rồi về. Tôi buồn khi thấy lửa Thừa Sai Đại Phúc không còn mạnh trong các Nhà Đào Tạo và trong các cộng đoàn của DCCT. Một Linh Mục trẻ nói: ”Tôi đâu có thừa mà... sai !”
Đại Phúc là một công việc mục vụ tập thể. Không ai chối bỏ sự cần thiết và tầm quan trọng của các bài giảng thường ngày, Chúa Nhật, những bài giảng trong ba ngày... nhưng phải công nhận rằng đó là các việc mục vụ chỉ cần một người. Đại Phúc trái lại là một việc tông đồ mục vụ tập thể. Nhóm Thừa Sai Đại Phúc bao giờ cũng gồm nhiều người, tối thiều là hai. ”Ở đâu có 2 hoặc 3 người hợp nhau lại, ở đó có Chúa...” Tinh thần tập thể kéo sự chúc lành của Chúa và thành quả hơn. “Ba cây chụm lại nên hòn núi cao“ kia mà !
Các Thừa Sai lại còn có truyền thống hiện diện “tập thể” trong các buổi nghi lễ, giảng. Chăm chú nghe nhau vừa để khích lệ nhau, vừa để sống tâm tình và tư tưởng để nối tiếp, nêu gương sáng cho Giáo Dân và nhất là để cầu nguyện. Tôi cảm phục cha sở Giáo Xứ Phao-lô 3 ở Sài-gòn, cha Niêm khi ngài ngồi chăm chú nghe giảng, khi ngài quỳ giữa Nhà Thờ để sám hối và lãnh phép lành của các Thừa Sai.
Truyền thống cộng đoàn Tu Sĩ cầu nguyện cho tuần Đại Phúc phải thật sự sống động trong các Nhà Dòng của chúng ta mỗi khi có anh em lên đường Đại Phúc. Với lực lượng như thế, làm sao Đại Phúc không kéo hồng ân lớn lao trên Giáo Xứ và trên cả cộng đoàn Nhà Dòng của chúng ta ?
Dĩ nhiên làm mục vụ tập thể thì phải có chỉ huy, phải có phối hợp, và như thế cũng đòi hỏi từng cá nhân phải biết ép mình trong khuôn khổ từ thì giờ, phương cách và cả suy nghĩ tư tưởng. Các Thừa Sai phải sẵn sàng mọi lúc, cho mọi công tác và không quản mệt nhọc để tiếp sức với nhau trong mọi việc. Việc tông đồ tập thể đem lại tình huynh đệ mặn mà, thôi thúc anh em, nâng đỡ nhau trong tình thương và khiêm tốn, chọn cho mình những công việc tầm thường và mệt nhọc nhất và tất cả chỉ “có vinh quang Thiên Chúa trong trí lòng, trong đầu” như người ta đã từng ca ngợi Thánh Tổ An Phong.
Tôi mơ ước các Tu Sĩ DCCT, nhất là tại Việt Nam sẽ say xưa “rảo khắp các làng mạc”, như Chúa Giê-su đã làm, để rao giảng Ơn Cứu Độ và tình thương của Thiên Chúa, một tình thương lúc nào cũng nhân hậu và sẵn sàng tha thứ cho “kẻ có lòng hối cải” và muốn tiến trên đường trọn lành Tin Mừng, tình thương bôn ba xục xạo khắp các xó xỉnh để tìm kiếm những con chiên xa đàn.
Tôi mơ ước thấy các Bề Trên nhiệt thành nâng đỡ các Thừa Sai Đại Phúc. Đang khi các ngài đổ lực lượng vào việc đào tạo các thế hệ, dành hẳn nhiều Linh Mục tại khắp các Nhà để lo ơn gọi thì các ngài cũng sáng suốt hướng đào tạo và bổ sung Thừa Sai Đại Phúc tại tất cả các cộng đoàn để tuỳ hoàn cảnh uyển chuyển mà duy trì cho kỳ được công việc tông đồ tập thể là các tuần Đại Phúc, theo truyền thống của Dòng.
Tôi mơ ước thấy các thế hệ trẻ hăng say đào luyện mình thành những nhà giảng thuyết sốt sắng và... hùng hồn, với chí hướng tông đồ, với một cách giảng thuyết sống động và xác tín, không ngần ngại nói lên lòng tin của mình, ngay cả đối với những chân lý mà đời nay cả các vị mang sứ mệnh giáo huấn đã không muốn, không thấy cần, hay thậm chí, không dám nói đến như sự chết, phán xét..., phổ biến những việc đạo đức truyền thống như lần chuỗi, viếng Thánh Thể, tôn kính ảnh tượng..., là những điều Cha Thánh An Phong rất trân trọng mà ngày nay nhiều người kể cả các Linh Mục đã tỏ ra không mấy quan tâm.
Tôi xác tín rằng Đại Phúc là phương thế đầy mãnh lực thánh hoá Chúa trao vào tay các Thừa Sai và DCCT càng nhiệt thành lo việc Đại Phúc thì càng củng cố Nhà Dòng với đặc sủng riêng trong Hội Thánh. Giáo Hội tại Việt Nam rất cần các Tuần Đại Phúc và công việc ấy Chúa Quan Phòng đã trao cho DCCT vậy.
Tự nhiên, đi Đại Phúc thật là mệt và không dễ dàng vì lúc nào cũng đem lại chuyện... bất thường trong nếp sống và thói quen. Nói cho cùng thì chẳng có việc tông đồ nào, chẳng có sự “sai đi” nào mà hợp với mình cả, nhưng chính “sứ vự” từ Chúa mới mang sức mạnh vô song và hạnh phúc bình an tâm hồn.
Tôi rất cảm phục tinh thần Thừa Sai của các vị Truyền Giáo giữa môi trường vừa nghèo, vừa ít học, vừa bình dân: các cha Thừa, Thọ, Hành... ở Châu ổ, các cha Tín, Tài, Phán, thầy Quân ở Pleiku, các cha Điệp, thầy Thảo... . ở Cần Giờ, Cần Thạnh. Tôi cảm phục và quý mến các anh em trẻ đang nối tiếp những người đã ra đi, có thể trong những hoàn cảnh vô cùng đau khổ như Mác-cô Đàn, Phao-lô Mẫn, Đức Điềm...
Công cuộc truyền giáo giữa những người dân tộc mà ngày nay các anh em ở Fyan như cha Lợi nối gót các Thừa Sai Canada, ở Bảo Lộc như cha Mừng, ở Đà Lạt như cha Thu và những cuộc “xâm nhập” vào các miền xa xôi vùng Tây Bắc Việt Nam với các anh Thật, Phong... thật gian nan và luôn bắt buộc anh em mình phải dấn thân hơn mãi, “coi tất cả là không có ki-lô nào, để chinh phục con người về cho chân lý, tình thương và hạnh phúc”.
Tôi không được biết hết mọi anh em trẻ đang nối bước Thừa Sai nơi các Giáo Điểm xa xôi, chấp nhận mọi gian nan khốn khó. Tôi thấy thật tình mình không thể làm được như họ vừa vì già yếu thể xác, vừa vì cả sự “yếu nhược của tâm hồn”, nhưng thật tình nhìn nhận bàn tay của Thiên Chúa trao cho anh em mình sứ mệnh loan báo Tin Mừng cho những người nghèo, những người bị bỏ rơi, kém cỏi trong xã hội. Đó là những Đại Phúc trường kỳ theo tinh thần của Thánh Clê-men-tê tại Saint Bennon.
Lm. NGUYỄN TỰ DO, DCCT ( Còn tiếp nhiều kỳ )
NIỀM VUI VĨ ĐẠI - Kỳ 11
HỒI KÝ 50 NĂM LINH MỤC
21. GIÁP MẶT VỚI CÁI CHẾT...
Nói đến căn bệnh cuối 2004 mà ai cũng coi là “thập tử nhất sinh” của tôi, tôi thấy mình gần gũi với cái chết, với những người đã chết, đang chết và sẽ... cùng chết. Lần đầu tiên tôi xin được chịu Phép Bí Tích Bệnh Nhân, Phép Xức Dầu Thánh.
Tôi nhớ lại vì đã được nghe kể lại về những dịp tôi có thể chết và coi như đã chết, nếu không có sự Quan Phòng của Chúa muốn tôi còn phải sống. Những “dịp chết” của tôi kể cũng khá nhiều.
Tôi được nghe kể về lúc tôi sinh ra. Tôi đã không mấy bình thường, vì tôi không biết... khóc.
Vào khoảng 5 – 7 tuổi gì đó, tôi bị bạo bệnh. Được nghe kể lại rằng tôi đã “chết”. Hòm đã đưa về và người ta chuẩn bị đưa tôi đi. Mẹ tôi đã vào nhìn con lần cuối, và bà đã để ý ngón tay của tôi còn động đậy. Bà nói: “Nó chưa chết đâu”. Bà đã cho mọi người ra ngoài và với sự hiểu biết về thuốc bà đã làm cho tôi hồi tỉnh.
Tôi không biết vào thời gian nào, tôi bị sốt nặng và mê man không biết gì nữa. Nhưng thỉnh thoảng tôi tỉnh lại và luôn luôn nhìn thấy khuôn mặt của mẹ tôi. Bà thức đêm ngày để canh chừng tôi và “khám phá” ra những dấu chỉ tôi đã tỉnh, đã phục hồi, còn sống. Tôi còn bé lắm, nhưng cho đến nay, khi đã gần 80 tuổi, tôi vẫn không quên được hình ảnh khuôn mặt mẹ bên giường bệnh của tôi giữa sự sống và cái chết.
Khi vào Đệ Tử DCCT, trong dịp nghỉ hè tại bãi biển Hiền Nguyên, chúng tôi đi tắm. Nước kéo tôi ra khơi... Khi tỉnh dậy, tôi thấy mình nằm trên giường. Xung quanh là các chú Đệ Tử. Họ reo lên, vui cười, cũng khó quên trong cả cuộc đời, khuôn mặt của cha Eugène Larouche, Giám Đốc. Tên Việt của ngài là cha Hiền. Khuôn mặt của một người mẹ, nhắc lại khuôn mặt của mẹ tôi. Cha hỏi tôi: “Con có đói không ?” Tôi ngây ngô trả lời: “Thưa cha không”. Mọi người cười ồ lên. Lúc ấy tôi không hiểu là mọi người chọc ghẹo tôi là đã uống nước đầy bụng rồi thì còn đói vào đâu nữa.
Người đã bơi ra cứu tôi vào là anh Hoàng Đình Hiếu, một chú lớn, đã có thời làm lính thuỷ quân đội Pháp. Anh rất đạo đức, nhưng học khó, sau này đã khiêm tốn xin làm thầy Trợ Sĩ trong Dòng với tên tu là Victor, qua đời ngày 30.1.1952 ( Ảnh bên trái ). Thầy đã để lại gương đời sống thánh thiện. Có chết lúc ấy thì tôi thật không biết gì. Chết có vẻ nhẹ nhàng !
Học Viện. Trong dịp đi nghỉ tại Di Linh, anh em cho ăn mít. Đêm đó, nhiều thầy Học Viện trúng độc. Ba người nặng nhất: thầy Trần Văn Khoa, thầy Đặng Kim Đại và tôi được chở cấp cứu vào nhà thương Di Linh. Ba người nằm trong một phòng, giường chỉ cách nhau vài thước. Đêm ấy, tôi thấy thầy Đại ngồi dậy, rồi nằm xuống, tôi nghĩ thầy có vẻ khỏe lại nhưng đó là lúc thầy từ giã cuộc đời. Mau chóng quá ! Tình hình có vẻ trầm trọng, một chiếc xe cứu thương đưa tôi và thầy Khoa về bệnh viện Đà Lạt. Thầy Đại được đưa về an táng tại núi Chúa Cứu Thế. Sau một thời gian, nhờ sự chăm sóc của các Nữ Tu Phao-lô mà có sơ tên là Marthe, tôi được bình phục.
Một Nữ Tu nói với tôi: “Không kịp thì cũng đi rồi đấy”. Cha Thomas Côté là Giám Học, và dưới bộ mặt khắc khổ, nghiêm nghị, ngài là một người cha yêu thương và săn sóc từng người một. Nói đến cha Côté, tôi nhớ đến tình thương của các cha Canada. Ngài lo cho tôi như đã lo cho mọi anh em, và ngài quan sát mọi sự. Ngài bắt tôi ăn bơ, ăn đu đủ. Tôi rất ái ngại nhưng phải vâng lời: “Thầy phải ăn, vì cha thấy thầy có vẻ ăn không ngon”. Từ xa ngài đã thấy thường khi đĩa đồ ăn đến với tôi thì chẳng còn bao nhiêu, mà truyền thống là chỉ có thể xin cho người khác, tự mình không được xin cho mình. Các anh em khác có lẽ không để ý, nhưng ngài thì biết là đĩa đồ ăn “vơi” quá nên đã tạo cho tôi hoàn cảnh để có đồ ăn thay thế. Tình thương đầy tràn cuộc đời tôi.
Lần cuối cùng mới đây là cơn bệnh nặng, tháng 12 năm 2004. Ai cũng bảo rằng thế nào tôi cũng chết, từ các bác sĩ đều trị đến những người thân và anh em trong Dòng lo lắng cho tôi. Người thân hay những ai có lòng thương bảo nhau: “Đến gặp cha Do ngay đi kẻo trễ”. Tôi được nghe kể lại về thời gian mà Ký Sự Nhà Dòng gọi là “chạy Marathon” các bệnh viện Sài-gòn. Tôi bất tỉnh, không biết gì trong thời gian cả tháng, tỉnh tỉnh mơ mơ, nói sảng, bắt chuồn chuồn, lúc nào cũng như sống trong một cuộc quá khứ đầy các cuộc thăm viếng người phong cùi, lúc nào cũng thúc đẩy, thối giục lên xe, khuân đồ, đừng để bệnh nhân chờ, trễ giờ... tôi vẫn cái thói ghét lề mề, thái độ thờ ơ, đòi nhiều hơn cho...
Người ta cho biết tôi nói nhiều, cả tiếng Tây. Chân tôi bị tê làm cho tôi có cảm giác mang vớ và luôn đòi người ta tháo vớ cho. Không đựơc như ý muốn, tôi bực bội: “Nhờ tháo có đôi tất mà cũng không được nữa !” Tội nghiệp những người thương yêu giúp đỡ tôi mà còn... bị rầøy. Sau này, tôi mới được biết tất cả những gì người ta đã làm “còn nước còn tát” như họ nói. Có người thức suốt cả mươi ngày để lo cho tôi, quên cả ăn uống. Máu trong người cạn kiệt và lúc nào cũng thấy đâm chích, kể cả lấy tủy sống.
Người ta nói: đủ mọi thứ bệnh trần gian. Thân thể tôi đau nhức, không cử động gì được tự mình và lắm biến chứng làm cho các bác sĩ điều trị và những người quen thân hằng lo cho tôi như bác sĩ Lê Văn Nghĩa, Đặng Ngọc Sơn... cũng phải thắc mắc. Họ nói cho tôi là không tìm ra được căn do bệnh của tôi...
Đang khi đó thì tôi sống trong một thế giới xa lạ. Tôi thấy từng mảng khối màu sạm và một hình thù màu đỏ tươi như lưỡi tầm sét từ đâu cứ bổ vào người tôi, mang đi từng mớ thịt và sự sống với tiếng “sét” rùn rợn. Tôi thấy mình di chuyển trên những con đường êm ả, cây cối um tùm... Có lúc tôi thấy trong phòng như có nhiều người, nhiều trẻ em bình thản quanh tôi, chỉ nhìn không nói năng gì. Tôi cũng không nghĩ gì đến cái chết. Tôi chỉ nghe những lời khuyến khích của cha Chân Tín, cha Phạm Đình Lạc, cha Ngô Đình Vãn... Các ngài ban ơn tha tội cho tôi, xức dầu cho tôi.
Người ta cho tôi biết rằng tôi không biết gì, cứ mê man. Nếu chết lúc ấy thì rõ ràng là tôi chẳng biết gì hơn và tôi sẽ chỉ mở mắt thiêng liêng vào thế giới mới để thấy một cảnh tượng khác hoàn toàn mà trong đó hình ảnh của Thiên Chúa mà tôi chưa bao giờ được gặp gỡ dầu đã cố gắng và ... theo từ xa xưa cũng như hằng phục vụ với cả tấm lòng, mặc dầu tôi tội lỗi.
Tôi nghe văng vẳng lời mà Đức Cha B. Nguyễn Sơn Lâm nhiều lần nói trong các buổi gặp gỡ chung riêng: “Thiên Chúa nhân hậu”. Tôi nghĩ là nếu tôi “đi luôn” thì niềm cậy trông của tôi vẫn là “Thiên Chúa nhân hậu”, vì tôi mong rằng cả đời tôâi, tôi đã “thật tình” làm mọi sự vì tình thương Chúa và các quyền lợi của Ngài, theo khả năng của tôi.
Tôi đã không “đi luôn”. Người ta bảo tôi còn phải sống, vì chưa “xong việc, xong sứ mệnh”. Tôi chỉ là một Linh Mục vô danh thì xứ mệnh của tôi là gì ?
Có lẽ tôi không thấy tiếc xót, vấn vương gì. trong tình trạng “cứ bình an mà làm theo Chúa muốn”. Cuộc đời tôi đã khá dài rồi. Tuy chưa làøm được gì lớn, nhưng tôi đã cố gắng hết tình, chứ không dám nói là đã hết sức đối với Chúa và Nước của ngài. Đã nhiều lần mất mát của cải, tiền bạc, máy móc, phương tiện và cả những giấc mơ, nên tôi thấy không có gì phải mất nữa. Về số phận đời đời của tôi, tôi chỉ biết trông cậy ở lòng nhân hậu của Chúa, Đấng Trung Thành giữa những bất trung của con người, của tôi cách riêng, tôi tín thác nơi Mẹ Ma-ri-a, vì hằng ngày tôi vẩn xin: “Đến sau cõi đầy... cho con được thấy Đức Chúa Giê-su Con lòng Bà... ”
Trong dịp này, tôi nhận được tình thương của những người gần gũi đã từng sống với tôi, từng cùng tôi thực hiện những công việc, có khi qua suốt thời gian mấy chục năm, trong đó tôi phải cám ơn những người trong gia đình, những cộng tác viên, cách riêng cô Thy Phương, Thảo Hiền. Sự hiện diện của cha Chân Tín, của cha Phạm Đình Lạc, cha Ngô Đình Vãn, cha Trần Văn Quang... đem lại cho tôi niềm vui và an lòng.
Trong số bạn hữu, phải kể đến anh Vũ Đình Thiệp, bạn cùng lớp, cùng nhóm PGM, người cùng một ngày sinh với tôi và tôi luôn quý mến đã kiên trì đến với tôi trong cơn bệnh, mặc dầu có lúc tôi không nhận ra, cho đến khi anh buộc phải trở về Mỹ. Cuộc đi thăm trại phong Di Linh dự tính với anh đã không thành, nhưng anh đã sẵn lòng thay thế tôi, đang khi tôi nằm bệnh viện trong một tình trạng rất khó khăn, sự sống bấp bênh.
Trong thời gian tôi ở Nhà Hưu DCCT Kỳ Đồng, tôi nhận được sự ân cần săn sóc đại độ và vui tươi của các anh em trẻ Tiền Tập, Dự Tập, Dự Tu. Tôi được biết trong thời gian ở nhà thương, có những đêm cha Trần Văn Quang đã huy động đến cả các thầy Nhà Tập để canh thức cho tôi. Tôi thấy các Linh Mục trong Dòng, vì bận nhiều công tác nên đã ít ghé thăm người bệnh ! Không phải riêng tôi, các cha các thầy ở Hưu Dưỡng cũng nói không mấy khi được anh em thăm viếng.
Tôi nhớ Luật Dòng cũ có nhiều khoản nói về việc này: chăm sóc anh em bệnh, Bề Trên đến chúc lành cho anh em, giúp đỡ bệnh nhân nhất là trong khi nguy kịch. Có lẽ đó là một điểm yếu chưa được quan tâm đủ. Tôi liên tưởng đến sự hiện diện thường xuyên, đêm ngày của vợ của chồng bên cạnh người bạn đời trong lúc đau ốm. Nhà Dòng không tiếc gì đối với anh em bệnh, sẵn sàng chịu mọi chi phí bệnh viện, thuốc men, lắm khi lên đến cả mấy chục triệu, cả trăm triệu, nhưng những cử chỉ huynh đệ là niềm an ủi lớn lao đối với người bệnh.
Tôi quý trọng sự săn sóc của cha Vãn, phụ trách Nhà Hưu và người bệnh. Ngày nào ngài cũng đến thăm, lo toan mọi sự theo yêu cầu của bác sĩ hay theo tình trạng bệnh nhân. Cha Quang, Quản Lý Tỉnh có những thái độ ân cần và nhẹ nhàng của người mẹ. Trước những chi phí lớn lao, ngài chỉ nói: “Chúa lo”. Tôi cảm động và xin được trao lại món tiền mà bà con đã cho khi tôi nằm bệnh viện để chia sẻ những hy sinh của Nhà Dòng. Thấy tôi có vẻ ái ngại, cha nói: “Chưa bao giờ Chúa để ta thiếu thốn”. Và ngài cho biết: một Dự Tu bệnh, phải mổ cả chục lần mà Nhà Dòng vẫn lo liệu được, cha Ngô Văn Phiên bị ung thư phải vào hoá chất 6 lần, mỗi tuần 1 lần với chi phí chung khoảng 15 triệu mỗi tuần... Tôi đoán biết Nhà Dòng còn trăm công việc khác quan trọng: duy trì các cơ sở, các công việc mục vụ và chăm lo đào tạo giới trẻ lên đến con số mấy trăm.
Trong thời gian ở Nhà Hưu, tôi luôn được các cha trẻ: Giu-se Nguyễn Thể Hiện, Phao-lô Nguyễn Văn Khải mỗi ngày có mặt dâng lễ cho tôi dự hay giúp tôi đồng tế với những lời cầu nguyện chân tình tự phát: xin cha thương đến anh em đau ốm Thừa, Quốc, Cầu, Roco, Tường...”
Viết đến đây thì tôi lại bị bệnh, phải nghỉ mấy ngày...
Tôi viết tiếp vào đúng ngày lễ mừng kính Thánh Giê-ra-đô Majella mà tôi cũng như những người thân đã hằng cầu xin cho tôi được thoát khỏi nguy hiểm vì cơn bệnh ngặt nghèo. Tôi cũng như những người thân thương đều xác tín rằng tôi được sống là nhờ phép lạ. Bức khăn có kỷ vật của Thánh Giê-ra-đô được xoa lên người tôi mỗi ngày, sau khi làm việc kính Thánh Giê-ra-đô. Bức khăn này được cha Thể Hiện mang từ Rô-ma về. Trên đó tôi dâng lễ khi có thể. Cô Thy Phương nói với tôi rằng cô tin chắc Thánh Giê-ra-đô nghe lời kêu xin, vì thường tình thì không thể hiểu được tại sao tôi được thuyên giảm. Bác sĩ Lê Văn Nghĩa, Đặng Ngọc Sơn... đều nói rằng: tôi khỏi một cách lạ... “Chúa thương chữa cho cha đấy thôi”.
Sống được, nhưng mọi người vẫn nghĩ rằng: tôi không thể trở lại bình thường được, có thể là trí óc bị tổn thương. Sau cả tháng trời lúc tỉnh lúc mơ, đa số thời gian không biết gì, mê man, nói sảng. Tôi tham dự những lễ nghi trang trọng tại nhà tôi, có Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn và nhiều Linh Mục tham dự. Tôi là anh hùng của buổi lễ, nhưng lạ, tôi chỉ đòi được về phòng nghỉ: “Hồng Y thì cứ để ngài làm lễ, cho tôi về phòng nghỉ”. Tôi kêu hết người thân này đến người khác thế mà không ai thèm đoái hoài làm theo ý tôi, và tôi cứ phải chịu trận, ngồi trên một cái ghế, mặc trang phục lễ. Hồng Y mặc áo đỏ, cầm gậy đứng đó, cách có mấy bước mà tôi không đến chào ngài được. Tôi chỉ nghĩ đến “cho tôi về phòng nghỉ”. Thế đấy, linh hồn thì chóng vánh nhưng thân xác thì tiều tụy !
Rõ ràng là tôi đã qua một kinh nghiệm của một cuộc “tập dượt di cư về đời đời”. Tôi bình an, không thấy tiếc xót gì, kể cả việc làm còn dang dở. Tôi xác tín rằng: Chúa muốn thì Người lo. Tôi chỉ là đầy tớ làm những gì tôi nghĩ là tốt để Ông Chủ được vui lòng. Những gì còn của người phong cùi do bà con xa gần trao nhờ tôi thì đã có người lo. Tôi không hề nợ nần ai cái gì cả. Tôi đã mất mát nhiều phen rồi nên không dính bén vào cái gì cả. Tôi có mất mát gì đâu, tôi đi về Sự Sống và Tình Thương. Tôi không chết đâu, tôi đi về Sự Sống. Có lẽ trong suốt thời gian, tôi không hề biết về tình trạng bệnh nặng của mình, bởi vì đa số thời gian đó, tôi mê sảng, không biết ngày đêm, không nhận ra được những người quanh tôi.
Trong dịp mừng lễ Thánh An Phong, anh Đặng Ngọc Sơn cười nói với tôi và mọi người có mặt: “Không thể tưởng tượng được có ngày mà cha ngồi ăn như hôm nay”. Và ngày hôm nay, ngồi gõ máy, tôi cũng không hiểu đựơc tại sao tôi lại có thể được như thế này khi mà cách đây không lâu, những bác sĩ lo cho tôi tại các nhà thương đại học Y Dược, Chợ Rẫy, Bình Dân đã có lúc cho gia đình và người thân biết là “lo hậu sự”.
Tôi biết ơn những người đã lo cho tôi, đã “còn nước còn tát” để cho tôi còn tiếp tục làm được cái gì thì làm, cho Chúa và Hội Thánh tức là cho anh em, cho những người quanh tôi, những người Chúa đã đặt trên đường đời của tôi.
Lm. NGUYỄN TỰ DO, DCCT ( Còn tiếp nhiều kỳ )
NIỀM VUI VĨ ĐẠI - Kỳ 12
HỒI KÝ 50 NĂM LINH MỤC
22. DẤU ẤN TÌNH THƯƠNG VÀ THÁNH GIÁ
Tôi kinh nghiệm sâu sắc về chỗ đứng của Tình Thương trong một cuộc đời, trong đời tôi cách riêng.
Qua cơn bệnh, tôi thấy Tình Thương, cũng như trong cả cuộc đời của tôi, tôi thấy tình thương. Tình thương của Chúa thể hiện trong tình thương của nhiều người. Trong biển mênh mông, tôi nhớ lại một số chóp đỉnh của Tình Thương ấy. Qua những lần “thập tử nhất sinh” trong đời tôi, tôi được an bình và niềm vui. Như tôi đã nói trên kia, lúc bé, mỗi lần tôi tỉnh lại thì khuôn mặt nhân hậu của mẹ tôi vẫn cúi xuống trên tôi, tôi lại rơi vào vô thức nhưng hình ảnh mẹ tôi vẫn còn mãi và là sự sống của tôi, mặc dầu lúc nhỏ tôi không biết sống chết là thế nào.
Như đã nói, tôi suýt chết đuối và khuôn mặt Tình Thương thứ hai tôi không quên được là khuôn mặt của cha Eugène Larouche. Cha đúng là một người cha mà tên Việt là “Hiền, cha Hiền”. Lúc ở Đệ Tử, tôi chẳng “ngoan chút nào” tôi không thích học, chỉ thích chơi. Những ngày nghỉ, lắm lúc tôi một mình ở lại sân chơi, chạy vành xe đạp, nhảy cao hay lang thang ngoài vườn, đang khi các anh khác kẻ vào Nhà Thờ đọc kinh, người vào lớp học thêm, đọc sách. Hộc bàn của tôi thì đủ trò chơi khó mà tưởng tượng ! Thỉnh thoảng cha Giám Đốc vào các lớp, ngài nói: “Ai trong chúng con có những thứ gì không phải là sách vở thì bỏ lên bàn cho cha xem”. Một vài bạn học đưa ra vài món đồ chơi. Chú Do thì đưa mãi vẫn còn: hộp nuôi kiến, cào cào, xe tăng bằng ống chỉ...
Tôi nhớ có lúc không tiếc giờ bố trí dàn trận xe tăng leo từ đống sách này đến đống vở kia không thiết gì đến học bài, đọc sách. Cha Giám Đốc chỉ tịch thu mọi sự và “xưởng máy’’ lại mau chóng sản xuất những gì đã mất để cái hộc bàn không thiếu “đồ chơi”. Do đó mà việc học của tôi không có gì là “sáng sủa”.
Cha Larouche nhiều lần dạy dỗ. Có những lần ngài kéo tôi nằm trên đùi ngài và phát vào đằng sau của tôi một trận đòn. Tôi hứa đủ thứ với ngài, nhưng phải lâu lắm tôi mới giữ được đôi chút. Có lần ngài nói với tôi: “Các cha và giáo sư đều nhất trí cho con về, chỉ một mình cha giữ con lại. Con đừng làm cho cha bị thất vọng đấy’.’ Tôi vẫn hứa, nhưng... chứng nào tật nấy. Chắc là ngài phải buồn về tôi lắm. Tôi tự nhủ: “Tôi đã làm hết sức rồi đấy !’’
Cách ăn ở của tôi đã có năm đưa đến kết quả là tôi không được gửi thư cho Đức Mẹ trong ngày truyền thống Lễ Vô Nhiễm 8 tháng 12 mỗi năm, trong đó những “chú ngoan’’ được lên dâng thơ cho Đức Mẹ và những bức thư năm trước sẽ được đốt trước bàn thờ Đức Mẹ năm sau. Ai không được dâng thơ thì chắc chắn là “bị đuổi”, không thể ở lại Nhà Dòng. Tôi buồn lắm và coi như tôi phải rời Đệ tử để về nhà... “lấy vợ’’. Giã từ đời tu, giã từ làm Linh Mục DCCT !
Tôi tự nhủ: nếu Đức Mẹ không đọc được thư của tôi thì thế nào tôi cũng ’’mất ơn gọi’’. Đêm đó tôi lén vào Nhà Nguyện, lấy bức thư của tôi bỏ vào trong thùng thư đặt trước bàn thờ Đức Mẹ. Yên chí lớn rồi, tôi đi ngủ lại. Nhưng tôi không thể nào ngủ được. Tôi tự nhủ: ’’Tôi đã làm một việc mà tôi không được phép làm và như thế Đức Mẹ cũng chẳng nghe lời tôi đâu. Về là cái chắc rồi’’. Tôi lại lẻn vào Nhà Nguyện, tìm lại bức thư gửi lén lấy lại. Tôi thật sự thất vọng vì đường cùng rồi, thế nào tôi cũng phải về. Tôi buồn bã vò bức thư, quăng vào thùng rác.
Không thể ngờ được. Cha Giám Đốc lại vào lớp và nói: “Những ai không được gửi thư cho Đức Mẹ hôm lễ thì đưa thơ đó lại cho cha’’. Thật là trời sập không bằng. Tôi lén tìm lại bức thư đã vò nát trong giỏ rác, vuốt lại rồi đưa cho cha Giám Đốc. Ngài nghiêm nét mặt: “Tại sao thư của con thế này ?” Tôi không biết lúc ấy mặt tôi ra sao và tôi đã thưa lại với ngài thế nào. Tôi nhớ là ngài chỉ phán: “Con vào gặp Cha’’.
Tôi đến phòng ngài. Tôi nói cho ngài biết nỗi thất vọng của tôi khi không được viết thư cho Đức Mẹ và những gì đã xảy ra với bức thư, những gì tôi đã làm cho bức thư ấy. Tôi không nhớ ngài đã làm gì lúc đó và nói gì với tôi. Tôi không “bị đuổi”. Tôi nghĩ rằng ngài đã hiểu tôi hơn tôi biết về mình, và ngài thương tôi nhiều lắm.
Câu chuyện tiếp theo chứng minh điều đó. Tôi không nhớ lúc đó tôi ở lớp nào. Cha Henri Bạch Văn Lộc lo nhạc ở Đệ Tử Viện. Ngài chọn những người học nhạc và tôi được xếp vào những số “nhạc sĩ vĩ cầm tương lai”. Tôi chuẩn bị thụ môn violon mà tôi thích thú và hãnh diện. Nhưng cha quản nhạc nói với tôi: “Con đi gặp cha Giám Đốc đã rồi mới khởi sự”. Cha Larouche chỉ cho tôi bản phân chia giờ tập nhạc rồi nói: “Cha quản nhạc đã cho con học violon. Trước khi công bố, cha muốn hỏi con: giữa học nhạc và làm Linh Mục, con chọn cái gì ?”
Tôi chẳng hiểu tại sao lại là một trong hai mà lại không phải cả hai cũng được. Lý tưởng Linh Mục dầu sau cũng mạnh hơn trong tôi và không cần suy nghĩ lâu, tôi trả lời: “Con muốn làm Linh Mục”. Ngài cầm lấy bút: “Như thế thì cha gạch tên con khỏi danh sách các người học nhạc”. Tên tôi biến lẹ trên tờ giấy phân chia giờ tập nhạc.
Suốt cả nhiều năm, tôi cứ thắc mắc về việc này mà không hiểu tại sao cha Larouche lại đặt tôi vào cái thế phải chọn một trong hai, cho đến ngày... tôi lãnh tác vụ Linh Mục, 8.9.1956. tôi nhớ rõ mọi sự xảy ra trong ngày trọng đại đó. Ngay sau Lễ phong chức, đang khi cởi áo Lễ ngài đến với tôi và nói: “Con lên phòng cha’’. Tôi làm theo lời ngài, vẫn mặc áo trắng dài. Ngài đóng cửa lại và nói với tôi: “Con sẽ cho cha những phút đầu tiên đời Linh Mục của con, Roch nhỏ của cha ! Bây giờ con hãy cho cha phép lành đầu tiên của con”.
Nói xong, cha quỳ xuống trước mặt tôi, tôi chỉ còn biết làm theo ý ngài, với tất cả tấm lòng của một người con nhỏ bé. Ngài hôn tay tôi, ôm hôn tôi. Xong, ngài bảo tôi ngồi xuống ghế. Tôi quá xúc động, không biết phải làm gì trước Người Cha Già vô cùng kính mến. Trong đầu tôi, lóe lên thắc mắc của nhiều năm: “Thưa cha, ngày trước cha không cho con học nhạc và bắt con chọn giữa nhạc và chức Linh Mục. Hôm nay con đã là Linh Mục, con xin cha cho con biết tại sao cha không cho con học nhạc nếu con muốn làm Linh Mục ?” Khuôn mặt nhân hậu khó quên với một nụ cười nhẹ, ngài nhìn tôi: “Bây giờ mà con vẫn chưa hiểu à !” Ngài đứng dậy và: “Bây giờ con xuống gặp gia đình và mọi người”.
Đó là cuộc tâm sự đầu đời Linh Mục của tôi, trong đó sáng rạng khuôn mặt nhân hậu của cha Eugène Larouche và thắc mắc ấy vẫn không được giải đáp. Sau này, tôi vẫn đến với ngài xưng tội, được ngài hướng dẫn. Sau 30.4.1975, trước khi bị Nhà Nước trục xuất khỏi Việt Nam, ngài đã để lại cho tôi một số vật dụng của ngài, trong đó có một tập giúp suy niệm Kinh Mân Côi ngài đã thường dùng.
Thời gian đó, ngài vẫn thinh lặng, tiếp tục sống đơn giản, không kêu ca trách móc thời cuộc, mặc dầu phải gặp nhiều thiếu thốn đủ mặt. Tôi tìm được nước trái cây và mứt cam có xuất xứ từ Maroc. Tôi đưa về cho ngài. Ngài nở nét mặt và nói: “Tôi phải đi tìm Olivier”. Ngài tìm cha Hậu, và hai cha Canada còn ở lại nhà Sài-gòn lúc đó tỏ ra rất vui thích được ăn lại những thứ có lẽ các ngài đã thèm từ bấy lâu nay.
Hai cha, cột trụ DCCT tại Việt Nam, đã rời Việt Nam, nơi các ngài hằng yêu mến, đã dâng trọn cuộc đời và muốn được chôn vùi tại đây. DCCT Việt Nam và cách riêng tôi không bao giờ quên gương lành và những gì các Thừa Sai Canada đã để lại cho chúng tôi suốt từ 1925. Tôi được nghe kể rằng: có một lần, cha Larouche chậm rải bước lên thang lầu, vừa đi vừa nói như với chính mình và với Chúa ! “Oh Comme je voudrais bien rester ici. – Ôi tôi ước ao được ở lại đây biết bao” Đó là hy sinh cuối cùng của một đời Thừa Sai, của một tình yêu trọn vẹn.
Tôi cũng không quên được tình thương của một Linh Mục Thừa Sai khác đối với tôi: cha Alphonse Dumas, người thủ dịch của Đệ Từ Viện Huế. Có lẽ thấy tôi không được khoẻ mạnh, ngài đã bồi dưỡng cho tôi, bắt tôi phải ăn thêm vào lúc 10 giờ sáng theo cách của ngài. Ngài giao hết phòng ngài cho tôi dọn dẹp sạch sẽ, sắp đặt, cho tôi lấy những gì tôi thích, từ ảnh tượng, chuỗi và săn sóc lo cho tôi mọi sự. Duới bề ngoài nghiêm nghị, lúc nào cũng đầy bụi cám do làm việc tại nhà máy xay gạo và đủ mọi nhu cầu vật chất của Đệ Tử Viện với khoảng 200 người, cha luôn bận rộn, nhưng lúc nào cũng cho tôi ra vào bên cạnh ngài.
Tôi đã thấy tình thương đầy khiêm tốn của những bậc đàn anh luôn nâng đỡ khích lệ tôi: cha Gia-cô-bê Đào Hữu Thọ Thừa Sai Đại phúc, tín nhiệm giao cho tôi những bài giảng quan trọng, nhất là những bài diễn thuyết cho đồng bào bên lương. Ngài nói với tôi: “Chúng tôi sẽ làm mọi sự thay cha, giải tội, thăm viếng... để cha có thì giờ dọn bài giảng cho hay. Bởi vì theo chúng tôi nhận xét thì cha có khả năng nhất để diễn thuyết cho đồng bào lương”.
Tôi gặp gương khiêm tốn của một Linh Mục đàn anh như cha Gio-an Nguyễn Ngọc Ngà. Ngài coi tôi như là thầy và mỗi khi tập giảng hay giảng thật sự, thường mời tôi đến nghe và... phê bình để giúp ngài. Cha G. B. Nguyễn Văn Vàng, nhà diễn thuyết nổi tiếng thời ấy lắm lần đến nghe tôi giảng, rồi chờ tôi ở cửa nhà mặc áo để trao đổi với tôi, giúp tôi giảng hay hơn.
Tính tôi dễ nóng nảy và khi bực bội lên thì khó cầm hãm được. Cha An-rê Nguyễn Quang Kiêm nói với tôi: “Có bực tức gì thì vào phòng tôi mà phá”. Khi thấy tôi không vui tí nào bước vào phòng ngài, ngài tươi cười hóm hỉnh: “Lại có chuyện rồi, để tôi cất... cái bình mực đi đã !” Lắm lần ngài để tôi đá bàn đá ghế, quăng đồ trên bàn xuống đất, miệng cứ tươi cười thông cảm. Tôi đã bị chinh phục bởi lòng hiền hậu và khẩu hiệu ngài trương to trong phòng: QUI AIME ! Khẩu hiệu của ngài đồng âm với tên ngài.
Nhiều anh em khác cũng để lại dấu ấn tình yêu trong đời tôi, mặc dầu những điều trái ngược hẳn cũng có lúc xảy đến. Cha Trần Hữu Thanh cứng rắn đối với tôi trong thời gian năm thứ 7 và nhà tập 2 cũng như suốt thời gian hoạt động trong nhóm Thừa Sai Đại Phúc. Sau này nhớ lại có lúc tôi hỏi ngài: “Tại sao trước kia cha dữ với con vậy”. Ngài chỉ cười trả lời: “Thôi mà, đừng nhắc lại nữa !”
Tôi là người lắm thắc mắc, nhiều ý kiến, và xem như chẳng mấy dễ bảo, do đó mà tôi thường bị khó khăn. Lắm lúc tôi phát biểu ngược lại với ý kiến của cha Giám Đốc. Thế nhưng thường thì tôi được ngài sai đi thay ngài khi lỡ nhận nói chỗ này chỗ nọ. Có lúc bực mình tôi không nhận đi thế ngài và... tôi bị đánh giá là chống đối, không vâng lời. Tôi bị triệu tập trước ban Quản Trị Tỉnh. Bế quan toả cảng, cấm giảng, cấm gặp gỡ bất cứ ai, bị cấm cố ở nhà và bị phạt. Tôi thật thất vọng, muốn bỏ tất cả.
Cha Bernard Haring, trong cuốn “Giáo Hội cần loại Linh Mục nào ?”, trang 146 kể lại. “Trong bữa ăn vào ngày Lễ Giáng Sinh, ông cha sở độc đoán nọ mắng xối xả anh Linh Mục phụ tá 29 tuổi của mình vì Linh Mục trẻ này duỗi thẳng hai cánh tay hai bên khi đọc lời nguyện ( anh bắt chước điều này nơi một vị Hồng Y đáng kính ). Cha sở nói: ”Anh sẽ biết tay tôi nếu anh còn tiếp tục làm gương xấu qua việc bất tuân phục các qui luật Thánh của Phụng Vụ“.
Một cách từ tốn, anh Linh Mục trẻ lên tiếng: ”Bất tuân phục như Đức Hồng Y, Giám Mục Giáo Phận chúng ta phải không thưa cha ?” Câu nói đó quá đủ để cho cha sở lồng lộn lên, ông phồng mang trợn mắt quát: “Bổn phận của anh là phải tuân phục lề luật của Giáo Hội, chứ không phải là bắt chước một Hồng Y. Anh chỉ là một Linh Mục phụ tá quèn. Anh không là cái thá gì cả, anh hiểu không ?” Anh Linh Mục trẻ bị khủng hoảng nặng và... Giáo Hội đã mất một Linh Mục... chỉ vì người đàn anh không chịu để anh “giăng tay rộng”.
Thật tình lúc đó, tôi “bị cám dỗ bỏ đi cho rảnh trí”. Cha Camille Dubé đã là người nâng đỡ tôi bằng sự tín nhiệm và nụ cười của ngài. Ngài nói: “Cha mừng vì thử thách này đã đến với con mà không phải với người khác”. Tôi bình an, chấp nhận bị “bế quan toả cảng vô thời hạn cho đến... khi nào hối cải và sửa mình.
Thấy tôi cứ “như thường”. Cha Phụ Tỉnh Jean Marie Labonté tỏ vẻ không bằng lòng: “Tại sao bị phạt mà cha vẫn cứ vui cười như thế ? Có phải cha khinh Bề Trên không ?” Tôi ngạc nhiên, tôi thưa lại: “Cha muốn tôi khóc à ? Tôi vẫn bình an trong lòng”. Thế rồi lệnh “bao vây” tôi tự nới dần, bởi vì... thiếu người đi giảng. Dẫu thế, tôi đươc lệnh đi giảng mà... không được gặp ai ngoài... Toà Giải Tội, nơi tôi được chỉ định “trực” từ sáng đến trưa, từ trưa đến tối, đến lúc bắt đầu giảng buổi chiều tối.
Cha Trần Hữu Thanh là một người giỏi, năng động, biết nhiều và có uy tín. Tôi không buồn ngài và sau này, tôi thường được ngài giúp đỡ khi lập Trung Tâm ATAS. Tôi thường mang quà cho ngài mỗi lần ra Bắc. Tôi chỉ nghĩ trong lòng rằng nếu ngài không phải lúc nào cũng khó với tôi thì tôi sẽ ra sao, tôi sẽ làm ích nhiều hay sẽ phá hoại nhiều. Lúc ấy tôi không hề nghĩ mình làm hơn, tôi chỉ làm hết sức, bởi vì ra khỏi Học Viện, tung vào môi trường hoạt động, tôi nghĩ mọi người sẽ làm như tôi, chả ai hơn ai, chỉ có người thích làm cái này, người kia thích việc khác, không ganh tị, không dẫm đạp lên nhau để... mà hơn người khác.
Trong những cuộc Đại Phúc tại Đà Nẵng, người ta mời tôi nói chuyện tại rạp hát với nhiều hạng người. Cha Thanh nói tại sao lại không mời ngài ? Bị dồn phải mời ngài, người ta bãi bỏ các cuộc diễn thuyết dự định. Các buỗi diễn thuyết ngoài trời tại Hoà Vang vẫn được tiến hành mặc dầu chỉ khoảng 20 phút trước khi khởi sự ngài cho người cầm giấy đến cho tôi “ra lệnh” là tôi phải đưa bài cho ngài “kiểm duyệt” đã. Tôi trả lời: “Nếu cha Thanh muốn kiểm duyệt thì đến mà nghe tôi nói”.
Tôi cũng diễn thuyết trước Nhà Thờ Đà Nẵng. Đề tài là những gì người ta mong đợi: “Buổi chiều vàng” nói về tội tổ tông tội nguyên thuỷ của loài người. “Giọt máu” trên đồi” về cái chết cứu chuộc của Chúa và “Giọt Máu Thuỷ Ngân” về tình thương của Chúa lướt thắng cả sự công bình.
Tôi thấy người ta bán ảnh của tôi tại Đà Nẵng, mà tôi chỉ nghĩ đến tình thương cao cả và khiêm tốn của các cha đàn anh trao cho tôi cái nhiệm vụ phải “giảng cho người lương”, vì các ngài nghĩ rằng tôi có khả năng hơn.
Trước những tấm lòng như thế, lúc ấy không thể nào vênh váo lên được, chỉ biết cầu nguyện và làm hết sức mình, với sự non dại và thiếu kinh nghiệm của tôi, trước một Nguyễn Văn Vàng “Superstar” về hùng biện mà nhiều người rất kính phục, nghe không biết chán.
Lm. NGUYỄN TỰ DO, DCCT ( Còn tiếp nhiều kỳ )