DCCT Việt Nam: Thời cha PX Trần Tử Nhãn (1964-1968)
Chia sẻ link này cho bạn bè:
VRNs (15.07.2010) - Cha Phanxicô Xaviê Trần Tử Nhãn sinh ngày 04-03-1921, khấn dòng ngày 02-08-1942, lãnh sứ vụ linh mục ngày 05-06-1947. Từ năm 1949 - 1954, ngài dạy học đồng thời giữ một số chức vụ quan trọng tại Ðệ Tử Viện Huế và Tiểu Ðệ Tử Viện Sài Gòn. Sau khi hoàn tất khoá Nhà Tập II vào năm 1954, ngài tham gia giảng đại phúc tại miền Nam và tại Campuchia cho đến năm 1956. Từ 1956-1958, ngài đi tu nghiệp tại Institut Catholique de Paris và Institut Catholique de Lille về mục vụ dạy giáo lý. Về Nước, ngài tiếp tục đi giảng. Từ năm 1959-1961, ngài được đặt làm Bề Trên Nhà Sài Gòn. Từ năm 1961-1964, ngài làm Bề Trên Nhà Huế. Cùng với việc thành lập Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam (27-05-1964), ngài chính thức được đặt làm Bề Trên Giám Tỉnh tiên khởi Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam.
Sau 39 năm kể từ ngày các vị thừa sai tiên khởi đến Việt Nam (1925), tại Việt Nam, từ nay, đã có một Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế độc lập. Thành quả này thấm đẫm biết bao mồ hôi, xương máu của các vị thừa sai Việt Nam cũng như Canada. Ðến thời điểm này (27-05-1964), đã có 25 anh em nằm xuống sau khi đã nỗ lực hết mình trong công cuộc đào tạo các thừa sai tương lai của Dòng hay đã hăng say miệt mài trên các nẻo đường tông đồ, hoặc đã chịu cầm tù cho tới chết vì đức tin; nhiều Tu Viện và các trung tâm đào tạo đã được thiết lập trên khắp ba miền Ðất Nước; hơn 200 anh em đang và sẽ tiếp tục hoạt động ở khắp nơi : giảng đại phúc, truyền giáo, giải tội, giảng tĩnh tâm, dạy giáo lý, cổ võ lòng sùng kính Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp, tuyên úy, hoạt động tông đồ trong các phong trào Công Giáo và trong các lãnh vực báo chí, học đường, bác ái - xã hội...
Ðây thực sự là một gia tài mà Tỉnh Dòng non trẻ vừa thành lập được thừa hưởng và kế tục, là nền móng và là hành trang, trên đó và nhờ đó, Tỉnh Dòng xây dựng tương lai của mình. Kể từ đây, với quy chế là một Tỉnh Dòng độc lập, Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam bắt đầu một trang sử mới, với biết bao thuận lợi và khó khăn đang đón chờ.
Trong giai đoạn này, biến cố quan trọng và có ảnh hưởng lớn lao đối với đời sống của Giáo Hội và đối với đời sống của Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, là biến cố Công Ðồng Vaticanô II họp tại Rôma. Trong thực tế, ngọn gió canh tân mà Thần Khí thổi trên Hội Thánh, qua Công Ðồng, đã trở thành trợ lực, sức sống và nguồn cảm hứng cho những hoạch định tương lai của Tỉnh Dòng, trong giai đoạn ban đầu này cũng như trong những năm kế tiếp. Tuy nhiên, cuộc canh tân theo tinh thần của Công Ðồng Vaticanô II, với những thay đổi cụ thể, cũng mang nơi nó nhiều thách đố khó vượt qua, và như lịch sử cho thấy, đã có không ít những xáo trộn nhất định trong chọn lựa dấn thân của nhiều người.
Chiến sự leo thang mà đỉnh điểm là biến cố Tết Mậu Thân 1968 cũng là yếu tố đã có những ảnh hưởng không nhỏ trên đời sống của Tỉnh Dòng, đặc biệt về phương diện tông đồ - mục vụ. Tuy nhiên, lòng nhiệt thành và tận tụy với sứ mạng của anh em trong Dòng không vì thế mà giảm sút, trái lại, tinh thần dấn thân vì Tin Mừng và vì người nghèo của anh em còn trở nên mạnh mẽ hơn.
Về phương diện tông đồ, các hoạt động đã có trước kia, nay vẫn được tiếp tục và gặt hái nhiều thành công đáng kể. Tại vùng truyền giáo Châu Ổ, nhằm đáp ứng nhu cầu mục vụ ngày càng tăng, cộng đoàn đã nhanh chóng mở thêm các giáo điểm mới, đồng thời xây dựng nhiều trường học. Tại Sài Gòn, Trung Tâm Mục Vụ Gia Ðình được thành lập (1965). Hiệp thông sâu xa với tinh thần của Giáo Hội hoàn vũ, đồng thời không ngại bày tỏ những chọn lựa dấn thân đôi khi mạnh mẽ hơn trước kia, Nguyệt San Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp trở thành một trong những phương thế hữu hiệu để truyền bá tinh thần của Công Ðồng Vaticanô II. Sự sinh động và tính hữu hiệu trong hoạt động tông đồ của Tỉnh Dòng càng được tăng thêm nhờ việc xuất bản bản dịch Tân Ước của cha Giuse Nguyễn Thế Thuấn (1965).
Về đời sống cộng đoàn, Tỉnh Dòng vừa được thành lập đã nhận được nhiều hồng ân Thiên Chúa, đồng thời cũng trải qua nhiều kinh nghiệm quý báu.
Hồng ân trước hết Thiên Chúa ban trong lãnh vực này, là tinh thần quảng đại hy sinh của các thừa sai người Canada. Mặc dù được quyền tự do chọn thuộc về Tỉnh Dòng Sainte-Anne-de-Beaupré hoặc Tỉnh Dòng Việt Nam, nhưng tuyệt đại đa số các thừa sai Canada (21/24) vẫn hy sinh, sẵn sàng ở lại Việt Nam. Ðây thực sự là một hồng ân, một sự khích lệ, đồng thời là một gương sáng cho tất cả anh em trong Tỉnh Dòng, về tinh thần hy sinh cho Tin Mừng và cho những con người nghèo khổ.
Ðời sống cộng đoàn thánh hiến và cộng đoàn tông đồ bắt đầu có những chuyển biến theo tinh thần canh tân của Công Ðồng Vaticanô II. Tuy nhiên, bên cạnh những điểm tích cực, những đổi thay đó cộng thêm những biến động trong đời sống chính trị, quân sự và xã hội đương thời, đã tạo nên một vài tác động, đôi khi tiêu cực, trên đời sống cộng đoàn. Những dị biệt trong các chọn lựa dấn thân, trong các lập trường thần học và tu đức của anh em trong Tỉnh Dòng đôi khi khá sâu sắc và tế nhị. Chúng cho thấy Tỉnh Dòng non trẻ đang đầy sức sống và thiện chí. Ðàng khác, việc đối diện với những dị biệt đó cũng chính là một cơ hội thuận lợi để Thiên Chúa thanh luyện Tỉnh Dòng và làm cho Tỉnh Dòng lớn mạnh.
Về phương diện đào tạo, năm 1965, Ðệ Tử Viện được dời về Chợ Lớn. Cũng vào lúc này, công việc tông đồ - mục vụ tại nhiều nơi đòi hỏi khẩn cấp một số linh mục. Vì thế, Tỉnh Dòng đã quyết định chuyển một số linh mục đang giảng dạy tại Ðệ Tử Viện sang trực tiếp tham gia vào các hoạt động tông đồ của Dòng và thuê một số giáo viên có đầy đủ bằng cấp chuyên môn và sư phạm vào dạy thay các vị đó. Tại Học Viện Ðà Lạt, nơi nhạy cảm nhất đối với luồng gió canh tân của Công Ðồng Vaticanô II, bầu khí mới mẻ, sinh động, hăng hái, trẻ trung... như bừng lên mạnh mẽ; kèm theo đó là một số biểu hiện có thể gây tranh luận và bị tranh luận. Tháng 06-1965, một khoá Nhà Tập II được khai mạc tại Ðà Lạt nhằm chuẩn bị cho một số linh mục trẻ tham gia vào công việc đại phúc. Ðây là khoá Nhà Tập II cuối cùng được tổ chức tại Việt Nam tính cho đến nay. Tháng 06-1966, một nhóm thừa sai đại phúc ra đời, quy tụ các linh mục trẻ, với hy vọng gầy dựng lại cơ đồ đại phúc.
Tỉnh Dòng vừa được thành lập. Vì thế, vấn đề kinh tế là vấn đề được quan tâm cách đặc biệt, nhằm tạo lập cơ sở tài chính cho các hoạt động đào tạo và tông đồ. Về phía Tỉnh Dòng, Ủy Ban tài chính và kinh tài được thành lập, gồm 5 thành viên, do cha Bề Trên Giám Tỉnh làm chủ tịch và cha Lê-ô Lê Trung Nghĩa, Quản Lý Tỉnh, làm trưởng ban. Bên cạnh đó, Tỉnh Dòng đã xây dựng một nhà máy thức ăn gia súc, mua cổ phần khách sạn Kim Ðô, cho thuê dãy nhà cũ tại Nha Trang và Ðệ Tử Viện cũ tại Vũng Tầu...Về phía các Nhà, mỗi Nhà đều cố gắng tiến tới tự lập về mặt tài chánh, với sự hỗ trợ của Ban kinh tài nếu cần. Thành công trong công tác này, trước hết phải kể đến Tu Viện Huế với nhà máy cưa gỗ, Tu Viện Ðà Lạt với trại chăn nuôi gà.
Cũng trong những năm này, Tỉnh Dòng đã xây dựng một số cơ sở mới, như xây Tu Viện Châu Ổ, Tu Viện Nha Trang, Ðệ Tử Viện Thủ Ðức.
Một trong những biến cố đáng nhớ trong giai đoạn 1964-1968 là cuộc viếng thăm thân tình của cha Georges Bérubé, Bề Trên Giám Tỉnh Sainte-Anne, từ ngày 29-11 đến ngày 10-12-1965. Cuộc viếng thăm này là một trợ lực rất lớn cho anh em trong Tỉnh Dòng, giữa những bộn bề của thời cuộc, cùng những khúc mắc phát sinh do việc lập Tỉnh đưa đến.
Ngày 03-07-1967, cha Bề Trên Tổng Quyền Guillaume Gaudreau ký quyết định lưu nhiệm cha Phanxicô Xaviê Trần Tử Nhãn trong chức vụ Bề Trên Giám Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam (nhiệm kỳ 1967-1970) và bổ nhiệm các chức vụ khác trong Tỉnh Dòng. Quyết định này đã được đón nhận với nhiều quan điểm khác nhau.
Một biến cố đặc biệt, đánh dấu một khúc quanh quan trọng trong đời sống của Hội Dòng và của Tỉnh Dòng, là Tổng Công Hội lần thứ 17, họp tại Rôma, từ ngày 11-09 đến ngày 21-11-1967. Tại đây, cha Tarcis Ariovaldo Amaral đắc cử Bề Trên Tổng Quyền thay cha Guillaume Gaudreau mãn nhiệm. Tổng Công Hội này khởi đầu tu chính Hiến Pháp và vạch ra những đường hướng mới theo tinh thần và đòi hỏi của Công Ðồng Vaticanô II. Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, với tất cả sự trẻ trung của một Tỉnh Dòng vừa được thành lập, cũng sẽ đi vào cuộc canh tân đó cùng với toàn thể Hội Dòng và toàn thể Giáo Hội.