VRNs (08.07.2010) -Sài Gòn - Sau 36 năm kể từ khi ba vị thừa sai DCCT đầu tiên người Canada đặt chân đến Kinh thành Huế của Việt Nam (30/11/1925), sứ mạng của các tu sĩ DCCT giờ đây đã chuyển trao lại cho các tu sĩ bản địa. Cha Inhaxiô Bùi Quang Diệm trở thành Bề trên cao cấp đầu tiên của DCCT tại Việt Nam. Ngày 23 tháng 7 năm 1961, cha Inhaxiô Bùi Quang Diệm được bổ nhiệm làm Bề Trên Giám Phụ Tỉnh. Ngài là linh mục người Việt Nam đầu tiên được đặt vào vị trí lãnh đạo cao nhất của Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, và là linh mục người Việt Nam duy nhất giữ chức vụ Bề Trên Giám Phụ Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam. Chính ngài là một trong những anh em có vai trò trực tiếp và rất quan trọng trong việc thành lập Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam. Cha Inhaxiô Bùi Quang Diệm sinh ngày 30-01-1921, tại Hà Tĩnh. Ngài vào Ðệ Tử Viện năm 1937, khấn Dòng năm 1945, lãnh sứ vụ linh mục năm 1950. Năm 1951, ngài đi du học tại Rôma. Năm 1953, sau khi đậu tiến sĩ triết học, ngài về dạy tại Học Viện Dòng Chúa Cứu Thế Ðà Lạt cho đến ngày lên làm Bề Trên Giám Phụ Tỉnh. Nửa đầu thập niên 1960, vì nhiều lý do khác nhau, thế giới và Giáo Hội, cách riêng là Ðất Nước và Giáo Hội Việt Nam, bắt đầu có những biến chuyển lớn lao, nhanh chóng. Nội bộ Phụ Tỉnh cũng có những biến chuyển ở mức độ nào đó. Những biến chuyển bên trong và bên ngoài này cộng hưởng với nhau, tạo ra nhiều tác động đôi khi tiêu cực trên đời sống và sự phát triển của Phụ Tỉnh. Do đó, nhằm giúp anh em trong Dòng tại Việt Nam giữ vững tinh thần tu trì, thích nghi với những biến chuyển của thời đại, theo kịp đà tiến của thế giới và Giáo Hội, bảo toàn sự tồn tại và phát triển của một Phụ Tỉnh đang trên đường trở thành Tỉnh Dòng độc lập, dưới thời cha Inhaxiô Bùi Quang Diệm, Phụ Tỉnh đã thực hiện nhiều công việc. Trong số đó có bốn sự kiện đáng chú ý sau đây: Thứ nhất: mời cha Paul Hitz, người Thụy Sĩ, giáo sư và là thần học gia uy tín của Dòng, sang giảng tĩnh tâm cho quý cha và anh em sinh viên 3 tuần, vào tháng 7 năm 1962. Thứ hai: thảo luận quy chế liên quan đến việc thành lập Tỉnh Dòng Việt Nam, đặc biệt các vấn đề nhân sự và tài chính. Kết quả thảo luận đã được cha Inhaxiô Bùi Quang Diệm, Bề Trên Giám Phụ Tỉnh Việt Nam và cha Georges Bérubé, Bề Trên Giám Tỉnh Sainte-Anne-de-Beaupré, ký kết bằng văn bản vào tháng 5 năm 1964, và được cha Bề Trên Tổng Quyền Guillaume Gaudreau phê chuẩn ngày 27 tháng 05 năm 1964. Thứ ba: sửa đổi bộ Quy Luật Phụ Tỉnh Việt Nam. Bộ Quy Luật này sau đó ít lâu được soạn thảo lại thành Quy Luật Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam. Thứ bốn: phổ biến đến từng anh em tập "Hướng Dẫn Thiêng Liêng" (Directorium Spirituale) do Tổng Công Hội năm 1963 soạn thảo và ban hành theo tinh thần của Công Ðồng Vaticanô II. Trong giai đoạn chuẩn bị trở thành Tỉnh Dòng độc lập, nhân sự Phụ Tỉnh Việt Nam có sự chuyển biến đáng kể. Năm 1961, Phụ Tỉnh có 450 đệ tử, 7 tập sinh, 74 tu sĩ thừa sai, 29 sinh viên, và 102 linh mục, trong số đó có 75 linh mục Việt Nam, sống trong 7 Tu Viện. Năm 1964, Phụ Tỉnh đã có 103 linh mục, trong đó có 82 linh mục Việt Nam, 25 sinh viên, 77 tu sĩ thừa sai, 11 tập sinh và 440 đệ tử, sống trong 8 Tu Viện. Tuy nhiên, tỉ lệ tăng trưởng giảm nhiều so với giai đoạn trước. Từ đầu thập niên 1960, tỷ lệ ứng sinh vào Tập Viện và khấn Dòng ít so với con số đệ tử. Trong giai đoạn này, quý cha trong Phụ Tỉnh, nhất là cha Gérard Gagnon, cha Giuse Trần Hữu Thanh, cha Antôn Nguyễn Ðức Tuyên, cha Gioan B. Hồng Phúc, đã xuất bản nhiều sách vở, tài liệu giáo lý, tu đức và Thánh Kinh. Công việc giúp đỡ phụ nữ và trẻ em bị bỏ rơi của cha Lucien Olivier ngày càng mở rộng. Năm 1962, ngài đã lập được 11 nhà tạm lánh, phục vụ cho khoảng 1.200 phụ nữ và trẻ em. Năm 1961, như một cố gắng nhằm phục hồi công cuộc giảng đại phúc đã suy giảm từ giai đoạn trước, Nhà Dòng thành lập một nhóm thừa sai đại phúc mới tại Nha Trang, gồm các cha Ðaminh Ðỗ Văn Thừa, Giacôbê Ðào Hữu Thọ, Phaolô Nguyễn Văn Cơ, Phêrô Ðinh Ngọc Quế. Ngay sau đó, nhóm này đã thực hiện một số cuộc đại phúc tại Phan Rang. Công cuộc truyền giáo tiếp tục phát triển, bất chấp mọi khó khăn, nguy hiểm do chiến tranh. Tại Fyan và Châu Ổ, nhiều giáo điểm mới được thành lập. Nhiều anh em đã tự nguyện dấn thân vào nơi gian nguy để rao giảng Tin Mừng cho người ngoại. Giữa những thuận lợi và khó khăn trên đây, ngày 27-05-1964, cha Bề Trên Tổng Quyền Guillaume Gaudreau ký Nghị định thành lập Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam.
DÒNG CHÚA CỨU THẾ XIV - SA / XXXIV - Vn Ngày 27 tháng 5 năm 1964 Thánh ý mầu nhiệm vô cùng của Chúa đã đặt tôi lên cai quản toàn thể Dòng ta. Dù tài hèn trí mọn, tôi cũng đã cố gắng dùng những phương tiện Chúa ban để mưu cho các công cuộc của Dòng cũng như từng tu sĩ mỗi ngày một tiến tới, một vững mạnh trên đường tiến đức cao vời. Vì thế, mỗi khi có những lý do chính đáng và quan trọng là tôi vui mừng cho thiết lập những Tỉnh Dòng mới, vì thiết lập những Tỉnh Dòng mới là phương thế hiệu nghiệm để thúc đẩy công việc tiến triển và ích lợi cho toàn Dòng, và nhờ công việc mục vụ cũng như quyền sẵn có, công việc cứu các linh hồn đã được Máu Thánh Chúa cứu chuộc sẽ thu lượm những kết quả dồi dào hơn. Phụ Tỉnh Huế từ trước đến nay thuộc Tỉnh Thánh Anna de Beaupré. Thời gian vừa qua đây, tôi thu thập được nhiều bằng chứng cũng như những lời đồn thổi về sự tiến triển của Phụ Tỉnh, khiến tôi thấy đã đến lúc nên thiết lập thành Tỉnh mới. Thấy rằng việc thay đổi quy chế pháp lý của Phụ Tỉnh Huế là việc rất hữu ích vừa cho tu sĩ, vừa cho các công việc tông đồ được phát triển mạnh mẽ và hiệu lực mỗi ngày một hơn, tôi đã chiếu theo Giáo Luật, đệ đơn xin Toà Thánh ban phép ấy. Phép ấy tôi đã nhận được, do sắc lệnh của Bộ Tu Sĩ ban ngày 27-05-1964 (Pro. N. 6387-64). Và tôi đã ra lệnh cho thi hành sắc lệnh đó theo như quyền đã ban cho tôi cũng trong ngày ấy, nghĩa là hôm nay. Vậy sau khi khẩn khoản xin Chúa Thánh Thần soi sáng, sau khi hỏi ý kiến các cố vấn của tôi, và đã nghe những người có liên hệ tới công việc này, và cũng đã cân nhắc và suy xét những nguyện vọng các anh em khác, sau khi đã suy lại chung một lần nữa trong tâm trí để Thiên Chúa được ngợi khen và rạng danh hơn, cho Dòng được vinh dự và tiến triển, sau cùng cho lợi ích về phần rỗi các linh hồn, bởi quyền Toà Thánh đã ban cho tôi, bởi chính bản văn chiếu thư này, nhân danh Chúa, tôi thiết lập Tỉnh Việt Nam và tuyên bố là được thiết lập cách hữu hiệu và đúng quy tắc. Nhưng để cho người ta biết rõ tôi hiểu thế nào về ý nghĩa và việc giải thích quyết định này thì tôi ấn định, nhân danh Chúa, những điểm sau đây: 1. Tỉnh mới tự hậu được gọi là Tỉnh Việt Nam, gồm tất cả lãnh vực Việt Nam nghĩa là Nam - Trung - Bắc và đồng thời hai quốc gia Lào và Cao Miên, theo nghĩa đời. 2. Vì thế, thuộc về Tỉnh mới này tất cả những nhà hay những cơ sở được thiết lập về sau trong biên giới những quốc gia tôi đã kể trên. 3. Nhà Tập của Tỉnh mới cho tất cả các anh em được thiết lập theo Giáo Luật tại Nhà Thánh Clêmentê Maria ở Nha Trang. 4. Trong Tỉnh mới, ba trụ sở giáo dục có quy củ hẳn hoi ở ba nhà chúng ta tại Ðà Lạt, Huế và Vũng Tàu hay Cap Saint-Jacques. 5. Cha Bề Trên Tỉnh Việt Nam sẽ ở tại Nhà Dòng Thánh Giuse trong Thủ Ðô Sài Gòn. 6. Theo thứ tự trước sau, Tỉnh Việt Nam đứng chỗ sau hết trong các Tỉnh hiện có trong Dòng, đó là chỗ thứ XXXIV theo số hiện nay của các Tỉnh chúng ta. Vì thế, Tỉnh mới sẽ được chỉ tắt rằng : XXXIV - VN. 7. Ngày 13 tháng 05 năm 1964 đã có sự hợp đồng giữa cha Georges Bérubé, C.Ss.R., nhân danh Tỉnh Thánh Anna de Beaupré và cha Inhaxiô Bùi Quang Diệm, C.Ss.R., nhân danh Phụ Tỉnh Huế và Tỉnh Việt Nam sẽ được thiết lập nay mai. Hợp đồng ấy các cố vấn của tôi và tôi cũng đã kiểm nhận và chấp thuận; do văn thư này, tôi chuẩn y. Tờ hợp đồng ấy đã được làm thành những bản chính thức: một giữ tại văn khố Nhà chính, một giữ tại văn khố Tỉnh Thánh Anna và bản thứ ba giữ tại văn khố Tỉnh Việt Nam. Tôi đã ấn định và công bố những điều ấy, quyết định rằng văn thư này hữu hiệu, có hiệu lực đầy đủ và vĩnh viễn. Và cuối cùng, do bản văn này, tôi nhân danh chức vụ, công bố sắc lệnh trên đây và tuyên bố sắc lệnh ấy để được công bố hợp lệ. Không có gì làm trở ngại được sắc lệnh này. Ban hành tại Rôma, gần Thánh Ðường Thánh Anphong, Linh mục Guillaume Gaudreau Linh mục Buche (Bản dịch của Nguyệt San Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp, số 183, tháng 8-1964, trang 226-227) |
Trang Chinh > Bài Viết của Thành Viên >