Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam:
Thời cha Jean-Marie Labonté (1959 – 1961)
VRNs (01.07.2010) - Sài Gòn –
Cha Jean-Marie Labonté sinh ngày 05-10-1913 tại Canada. Ngài vào Ðệ Tử Viện năm 1928, khấn dòng và sang Việt Nam năm 1936, lãnh sứ vụ linh mục năm 1941. Từ năm 1942 đến năm 1955, cha lần lượt giữ các chức vụ giáo sư, phụ tá và cuối cùng là Giám Ðốc Ðệ Tử Viện Dòng Chúa Cứu Thế Huế. Năm 1955, ngài làm giáo sư luân lý và giáo luật tại Học Viện Dòng Chúa Cứu Thế Ðà Lạt cho đến ngày được chỉ định làm Bề Trên Giám Phụ Tỉnh.
Cha Jean-Marie Labonté là vị Bề Trên Giám Phụ Tỉnh cuối cùng người Canada, theo chương trình đã định trước, có sứ mạng chuyển giao trách nhiệm cho anh em Việt Nam và thảo luận quy chế cho việc thành lập Tỉnh Dòng Việt Nam.
Cha Jean-Marie Labonté mở đầu nhiệm kỳ bằng việc đón nhận hai biến cố đau thương xảy đến cho Nhà Hà Nội: thầy Marcel Nguyễn Tấn Văn bị chết trong trại cải tạo tại Yên Bái (09-07-1959) và cha Thomas Côté bị trục xuất khỏi miền Bắc (tháng 11-1959).
Trong giai đoạn này, Phụ Tỉnh tiếp tục công cuộc xây dựng cơ sở vật chất. Năm 1959, Nhà Huế khởi công xây dựng ngôi thánh đường dâng kính Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Năm 1960, Tu Viện Sài Gòn xây dựng lầu hai toà nhà chính, đồng thời xây mới toà soạn báo và nhà sách Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp, nhằm đáp ứng công cuộc tông đồ mục vụ ngày càng phát triển trong lãnh vực báo chí và xuất bản. Năm 1961, Tu Viện Vũng Tàu khánh thành ngôâi nhà mới gồm phòng khách, thư viện và 30 phòng ngủ.
Mùa thu năm 1959, Tập Viện chuyển từ Ðà Lạt về Nha Trang. Số tập sinh là 26 người. Năm 1960, cha Giu-se Trần Hữu Thanh mở lớp Nhà Tập II cho một số linh mục trẻ của Dòng. Chương trình kéo dài 9 tháng, gồm nhiều môn học mới mẻ, thiết thực và hấp dẫn, do ngài và một số giáo sư trong và ngoài Dòng giảng dạy. Cũng trong năm này, Học Viện mừng 25 năm thành lập với con số kỷ lục - tính đến thời điểm trước 1975 - là 50 sinh viên. Bên cạnh đó, nhằm gia tăng chất lượng đào tạo cũng như số lượng anh em tu sĩ thừa sai, theo gợi ý của cha Bề Trên Tổng Quyền, đầu năm 1961, Phụ Tỉnh đã thành lập một trung tâm dự tập dành cho những anh em trẻ muốn dấn thân theo đặc sủng tu sĩ thừa sai. Trung tâm này có tên gọi là "Dự Tu Viện", đặt tại Nha Trang, do cha An-tôn Nguyễn Văn Trung làm Giám Ðốc. Bước đầu Trung Tâm đã có 20 anh em dự tu.
Về việc tông đồ, tại Huế, Nha Trang và Sài Gòn, các cha mở rộng công việc giảng tĩnh tâm cho các Dòng tu và các hội đoàn. Công cuộc giảng đại phúc vẫn được tiếp tục, nhưng không còn thịnh đạt như những năm trước. Có hai lý do cắt nghĩa sự suy giảm này. Thứ nhất : chiến tranh bùng nổ trở lại. Thứ hai : một số linh mục có kinh nghiệm giảng đại phúc đã chuyển sang làm công tác khác.
Tuy nhiên, hoàn cảnh cũng làm nảy sinh những sáng kiến tông đồ mới. Năm 1959, tại Sài Gòn, cha Lucien Olivier đã lập ra Pension de Notre Dame, để giúp đỡ phụ nữ và trẻ em bị hành hạ và bị bỏ rơi. Năm 1960, ở Ðà Lạt, cha Giu-se Trần Hữu Thanh mở chương trình giáo lý hàm thụ, thu hút khoảng 2000 người theo học. Một số anh em dấn thân truyền giáo cho người Việt tại miền Trung. Ngày 24-01-1961, Ðức Cha Phê-rô Phạm Ngọc Chi, Giám Mục Giáo Phận Ðà Nẵng, đã chính thức xin Nhà Dòng đảm nhận miền truyền giáo Châu Ổ. Phụ Tỉnh nhận lời. Cha Denis Paquette được cử ra Châu Ổ như người tiên phong mở đường cho việc thiết lập Nhà Châu Ổ sau này. Tại Fyan, công cuộc truyền giáo cho người dân tộc thiểu số đạt nhiều kết quả tốt đẹp.
Năm 1960, cha Bề Trên Tổng Quyền Guillaume Gaudreau và cha Tổng Cố Vấn Bodeke kinh lược Phụ Tỉnh Việt Nam. Các vị đã chứng kiến tận mắt sức sống của Phụ Tỉnh. Khi về Rô-ma, trong một lá thư gửi cho anh em Việt Nam, cha Bodeke viết: "Chuyến kinh lược Việt Nam đã sinh ích nhiều cho cha Bề Trên Tổng Quyền và cho bản thân tôi, khi chúng tôi nhìn thấy những tiền đồ lớn lao của Phụ Tỉnh cũng như chứng kiến công cuộc lớn lao đã được thực hiện nơi đây. Việt Nam thực sự là một châu thành Ki-tô giáo gợi lại thời các Tông Ðồ."
(trích từ Văn khố Tỉnh Dòng Việt Nam)