DCCT Việt Nam: Thời cha Giuse Trần Ngọc Thao (1981-1993)
Chia sẻ link này cho bạn bè:
VRNs (13.08.2010) - Sài Gòn - Cha Giuse Trần Ngọc Thao sinh ngày 24-03-1935, khấn dòng ngày 15-08-1954, lãnh sứ vụ linh mục ngày 05-09-1959. Từ năm 1962-1971, ngài được Nhà Dòng cử đi du học tại Âu châu. Tốt nghiệp với học vị tiến sĩ thần học và cử nhân Thánh Kinh, từ ngày 08-08-1972, ngài làm Giám Ðốc Học Viện Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam. Ngày 22-02-1981, ngài chính thức nhận chức vụ Bề Trên Giám Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam.
Kết thúc năm năm đầu tiên kể từ ngày 30-04-1975, với kế hoạch 5 năm tiếp sau đó, cơ cấu, chính sách của nhà cầm quyền VN có phần nghiêm ngặt hơn, đặc biệt trong lãnh vực tôn giáo. Chính trong bối cảnh này, Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam đã có những bước chuyển mình đáng kể, hầu thích nghi với thời cuộc.
Sau hơn 10 năm thử nghiệm, nghiên cứu và soạn thảo, ngày 25-02-1982, cha Bề Trên Tổng Quyền Joseph Pflab đã chính thức ký quyết định ban hành bản Hiến Pháp và Quy Luật mới, áp dụng cho toàn Hội Dòng. Ðây là bản Hiến Pháp và Quy Luật được Thánh Bộ Tu Sĩ chuẩn y ngày 02-02-1982.
Hiến Pháp và Quy Luật được công bố đúng lúc Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam bắt đầu một khởi điểm mới, viết tiếp trang sử hào hùng đã qua. Trong bối cảnh xã hội Việt Nam đầu thập niên 1980, Hiến Pháp và Quy Luật 1982 đã thực sự trở thành nguồn trợ lực và là nền tảng xây dựng hướng đi cho Tỉnh Dòng. Áp dụng nguyên tắc tản quyền và bổ trợ, Hiến Pháp và Quy Luật 1982 đã dành cho các Tỉnh Dòng nhiều quyền chọn lựa và thiết lập những cách thế thực thi linh đạo và đặc sủng của Hội Dòng, phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của mỗi Tỉnh Dòng. Ðiều đó giúp cho Tỉnh Dòng Việt Nam, trong hoàn cảnh đặc biệt đương thời, có thể có những chọn lựa triệt để và thiết thân hơn cho tương lai.
Trong những năm đầu thập niên 1980, Tỉnh Dòng đã dịch và phổ biến Hiến Pháp và Quy Luật tới các cộng đoàn. Năm 1983, Công Hội Tỉnh đã được triệu tập, nhằm xác định và bổ túc thêm những điều khoản thuộc Quy Luật Tỉnh liên quan đến đời sống cộng đoàn, theo gợi ý và những quyền hạn mà Hiến Pháp và Quy Luật 1982 trao cho.
Giữa thập niên 1980, Tổng Công Hội lần thứ 20 được tổ chức tại Rôma, từ 21-10 đến 22-11-1985. Cha Juan Manuel Lasso de la Vega y Miranda đắc cử Bề Trên Tổng Quyền. Ðây cũng là lúc, tại Việt Nam, bối cảnh xã hội đã có những tín hiệu khả quan. Chính sách tôn giáo đã có một vài điểm cởi mở hơn. Anh em đã có thể viếng thăm nhau nhiều hơn. Nhưng trên hết, anh em trong Tỉnh Dòng đã tìm được những đường hướng dấn thân phục vụ thích ứng với thời cuộc. Chính với những dữ kiện tương đối thuận lợi đó, Công Hội Tỉnh đã được triệu tập (1986), cố gắng phác họa chân dung vị thừa sai Dòng Chúa Cứu Thế trong bối cảnh xã hội Việt Nam đương thời, nhờ đó, đưa ra được những đường hướng cụ thể trong công cuộc đào tạo và mục vụ của Tỉnh Dòng. Kể từ đây, Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam bắt đầu giai đoạn hồi sinh về mọi phương diện, đặc biệt là công cuộc loan báo Tin Mừng.
Tại các vùng truyền giáo Châu Ổ, Fyan và Tây Nguyên, vào đầu thập niên 1980, công cuộc truyền giáo vẫn gặp rất nhiều khó khăn, nhưng cuối thập niên 1980 đầu thập niên 1990, đã bắt đầu được khôi phục. Nhiều anh chị em tân tòng được rửa tội. Riêng tại Tây Nguyên, năm 1987 đã trở thành cột mốc đánh dấu một bước tiến quan trọng trong công cuộc truyền giáo tại đây. Sau gần 20 năm sống chứng tá âm thầm trong lao động, cầu nguyện, hy sinh, anh em trong cộng đoàn được tận mắt chứng kiến những hoa trái đầu tiên đã chín, báo hiệu một mùa gặt bội thu : các thôn làng đua nhau trở lại. Tại Fyan, tháng 02-1989, sau nhiều năm phải sống và thi hành tác vụ linh mục cách âm thầm, cha Bề Trên Giuse Nguyễn Hưng Lợi đã thực thi tác vụ công khai. Ðây là một dấu hiệu tích cực và là một ân huệ lớn lao đối với công việc truyền giáo tại vùng đất này.
Càng về cuối thập niên 1980, việc giảng tĩnh tâm cho các Dòng tu và các giáo xứ càng đạt được nhiều thành công đặc biệt. Các phong trào Công Giáo như Liên Minh Thánh Tâm, Legio Mariae bắt đầu hoạt động trở lại sau một thời gian sống trong âm thầm. Việc tông đồ - bác ái đi dần vào ổn định với những hoạt động tích cực của các cha Lêô Lê Trung Nghĩa, Rôcô Nguyễn Tự Do và cách riêng là của Nhà Sài Gòn.
Về phương diện đào tạo, 12 năm cha Giuse Trần Ngọc Thao giữ chức vụ Bề Trên Giám Tỉnh là 12 năm công cuộc đào tạo của Tỉnh Dòng gặp nhiều khó khăn nhất, đồng thời cũng là 12 năm Tỉnh Dòng nỗ lực hết mình để tìm tòi và thực thi một chương trình đào tạo vừa uyển chuyển với thời cuộc, vừa bảo đảm tuân thủ được những đòi hỏi chính yếu của công cuộc đào tạo thừa sai Dòng Chúa Cứu Thế.
Ngay từ những năm đầu của thập niên 1980, trong hoàn cảnh không thể thành lập Ðệ Tử Viện, cũng không thể quy tụ các bạn trẻ muốn dấn thân theo đặc sủng Dòng Chúa Cứu Thế, việc đào tạo ban đầu cho các tu sĩ và linh mục tương lai của Tỉnh Dòng được thực hiện rải rác tại rất nhiều cơ sở của Tỉnh Dòng, trong một quy chế được gọi là "Cấp I". Mục đích của Cấp I là đào tạo cho Tỉnh Dòng những nam Kitô hữu trưởng thành về nhân bản và đức tin để chuẩn bị bước vào Cấp II, tức là bước vào Tập Viện.
Tập Viện (Cấp II) được tổ chức tại Nhà Sài Gòn, nhưng theo một chương trình đặc biệt so với trước kia. Các tập sinh không được ở trong Tu Viện. Tập Viện không thể có được thời gian liên tục, lại còn bị cắt đoạn trong việc đào tạo. Tuy nhiên, mục đích của Cấp II, như Tỉnh Dòng xác định, là "xây dựng căn bản đời tu Dòng Chúa Cứu Thế", có thể nói, đã được thực hiện trong thực tế một cách khá thành công. Ngày 05-01-1988, bốn anh em trẻ tuyên khấn lần đầu, chấm dứt giai đoạn 5 năm không có lễ khấn lần đầu trong Tỉnh Dòng. Ngày 04-01-1989, Tập Viện niên khoá 1989-1991 được khai mạc với 10 tập sinh. Ðó là khoá Tập Viện cuối cùng theo chương trình hai năm không liên tục. Tập Viện niên khoá 1991-1992 (với 12 tập sinh) và niên khoá 1993-1994 (với 11 tập sinh) là hai khoá Tập Viện cuối cùng được khai mạc trong giai đoạn cha Giuse Trần Ngọc Thao làm Bề Trên Giám Tỉnh, nhưng là hai khoá đầu tiên của Tập Viện, kể từ biến cố 25-01-1978 (Tu viện DCCT Thủ Đức bị nhà cầm quyền chiếm đoạt), được đào tạo theo chương trình một năm liên tục.
Từ đầu thập niên 1980, công cuộc đào tạo tại Học Viện (được gọi là Cấp III) đã phải trải qua biết bao thăng trầm. Tỉnh Dòng và các vị phụ trách đào tạo đã phải hết sức cố gắng để đảm bảo ở mức độ tốt nhất có thể việc đào tạo các tu sĩ trẻ của Tỉnh Dòng về đời sống thiêng liêng, đời sống cộng đoàn, công việc tông đồ- thừa sai, việc học tập và công ăn việc làm. Các anh em tu sĩ trẻ cũng đã nỗ lực và rất sáng tạo để hoàn tất chương trình đào tạo và tự đào tạo dưới sự hướng dẫn của các vị có trách nhiệm. Và cứ thế, trải dài suốt thập niên 1980, công cuộc đào tạo tại Học Viện vẫn được duy trì.
Ngày 01-01-1990, nhờ một quyết định khá táo bạo nhưng rất ý nghĩa của cha Bề Trên Giám Tỉnh, Học Viện đã được tái tổ chức tại Tu Viện Sài Gòn, theo một chương trình đào tạo chính quy - tập trung. Từ đây, công cuộc đào tạo trong Tỉnh Dòng bắt đầu có những bước phát triển mới.
Về đời sống cộng đoàn, trong những năm đầu thập niên 1980, Tỉnh Dòng đã cố gắng tạo lập cho những anh em vì hoàn cảnh phải sống xa Nhà Dòng có điều kiện và cơ hội chia sẻ và giúp nhau sống tinh thần thừa sai cứu thế, bằng cách lập ra những cộng đoàn đối nhân, như Bà Rịa, Cù Mi, Bảo Lộc và Phú Dòng. Song song với cố gắng này, Công Hội Tỉnh 1983 đã quyết định, mỗi năm, vào tháng 11, Tỉnh Dòng sẽ tổ chức tĩnh tâm chung cho các anh em trong Dòng. Ðây là một việc làm đầy ý nghĩa và được nhiều anh em tán trợ. Tuy nhiên, do hoàn cảnh xã hội, việc tĩnh tâm chung rất khó khăn. Dầu sao, trong suốt thập niên 1980 và cả những năm tiếp theo, các cuộc tĩnh tâm chung đã là ngọn lửa hun đúc tinh thần thừa sai và làm gia tăng tình huynh đệ của anh em trong Dòng, giúp anh em ngày càng gắn bó với nhau hơn trong sứ vụ thừa sai. Bên cạnh đó, những cuộc thăm viếng của các anh em tại các cộng đoàn, và đặc biệt, những cuộc kinh lược của cha Bề Trên Giám Tỉnh, vào những năm cuối của thập niên 1980, đã làm cho đời sống cộng đoàn trong Tỉnh Dòng thêm phong phú và sinh động.
Một trong những yếu tố cho thấy đời sống cộng đoàn trong Tỉnh Dòng có những chuyển biến phấn khởi, là việc tái lập sinh hoạt của các Thầy vào ngày truyền thống của các Thầy, tức là ngày 16-10 hàng năm. Từ cuối thập niên 1980, phương tiện đi lại dễ dàng hơn trước; do đó, Tỉnh Dòng đã có thể tái tổ chức các ngày truyền thống này.
Những năm đầu của thập niên 1990, một bầu khí phấn khởi lan tỏa trong Tỉnh Dòng. Tỉnh Dòng đón nhận nhiều biến cố đặc biệt, mở đầu cho một giai đoạn mới, giai đoạn phát triển. Ðầu tiên là việc cha Giuse Trần Văn Hội được công khai lãnh sứ vụ linh mục. Ðây là vị linh mục đầu tiên của Tỉnh Dòng được công khai lãnh sứ vụ kể từ năm 1976. Tháng 07-1990, cha Luis Hachenova, Tổng Cố Vấn Miền Á-Úc, viếng thăm Tỉnh Dòng. Cũng trong năm 1990, vào tháng 07, "Tin Gia Ðình An-phong" ra mắt số đầu tiên. Ðây là một phương tiện thông tin liên lạc quan trọng giữa các anh em trong Tỉnh Dòng, giúp anh em gần gũi nhau hơn trong những chọn lựa dấn thân và trong cuộc sống.
Từ 12-08 đến 15-09-1991, Tổng Công Hội lần thứ 21 được tổ chức tại Itaici. Cha Juan Manuel Lasso de la Vega y Miranda tái đắc cử chức vụ Bề Trên Tổng Quyền. Mặc dù các đại biểu của Tỉnh Dòng Việt Nam đã không thể tham dự Tổng Công Hội, nhưng toàn thể Tỉnh Dòng luôn hiệp thông với Tổng Công Hội, và sau đó, đã hăng hái học tập, nghiên cứu văn kiện đúc kết. Ðường hướng của Hội Dòng từ thập niên 1980 được tiếp tục khai triển trong Tổng Công Hội 1991, đã được anh em Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam hân hoan đón nhận. "Rao giảng Tin Mừng cho người nghèo và để người nghèo rao giảng Tin Mừng cho mình" đã trở thành khẩu hiệu và động lực dấn thân của mọi anh em trong Tỉnh Dòng. Các cuộc học hỏi về Tổng Công Hội với một không khí sinh động đã được Tỉnh Dòng triển khai. Vào các ngày 31-07, 01-08 và 05-11-1991, Tỉnh Dòng đã tổ chức ba ngày trao đổi giữa các đại diện của các cộng đoàn về các vấn đề liên quan đến mục vụ và đào tạo. Chủ đề "Ðến với muôn dân" đã được chọn làm hướng đi cho toàn Tỉnh Dòng. Tinh thần Tổng Công Hội còn được tiếp tục triển khai và đào sâu tại Công Hội Tỉnh tháng 11-1992, bàn về vấn đề "nếp sống khó nghèo trong đời sống cộng đoàn".
Về đời sống của Tỉnh Dòng Việt Nam vào cuối nhiệm kỳ Bề Trên Giám Tỉnh của cha Giuse Trần Ngọc Thao, cần phải kể đến cuộc họp các vị đặc trách các cộng đoàn vào ngày 06-05-1992. Ðây là cuộc họp đầu tiên giữa các vị đặc trách các cộng đoàn kể từ biến cố 1975. Cuộc họp này đã tạo được niềm hy vọng và sự phấn khởi nơi các vị đặc trách và toàn Tỉnh Dòng.
Ngày 10-12-1992, cha Bề Trên Tổng Quyền đã ký quyết định phê chuẩn chức vụ Bề Trên Giám Tỉnh của cha Giuse Cao Ðình Trị. Ngài là người đã có nhiều đóng góp cho Tỉnh Dòng trong những năm qua, đặc biệt trong hai nhiệm kỳ làm Bề Trên Phó Giám Tỉnh 1987-1993.
Ngày 02-02-1993, cha Giuse Trần Ngọc Thao hoàn tất 12 năm liên tục (4 nhiệm kỳ) lãnh trọng trách Bề Trên Giám Tỉnh. 12 năm hoàn cảnh khó khăn, nhưng cũng là 12 năm Tỉnh Dòng đi dần vào ổn định, bắt đầu tạo lập được những nền tảng quan trọng cho cuộc phát triển mạnh mẽ sau này.