DCCT Việt Nam: Thời Cha Giuse Cao Đình Trì (1993-2002)

DCCT Việt Nam: Thời cha Giuse Cao Đình Trị (1993-2002)

Chia sẻ link này cho bạn bè:

VRNs (19.08.2010) - Ngày 02-02-1993, cha Giuse Cao Ðình Trị nhận trách nhiệm Bề Trên Giám Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam.

 

Cha Giuse Cao Ðình Trị sinh ngày 29-07-1938, khấn Dòng ngày 15-08-1960, lãnh sứ vụ linh mục ngày 18-12-1965. Từ năm 1966, ngài phục vụ tại Tu Viện Sài Gòn, lần lượt đảm nhận các chức vụ: phó xứ, chánh xứ, Bề Trên Nhà, Bề Trên Phó Giám Tỉnh. Trong các kỳ bầu cử tháng 11-1992, tháng 11-1995 và tháng 11-1998, đại đa số linh mục, tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam đã nhất trí bầu ngài vào chức vụ lãnh đạo cao nhất trong Tỉnh Dòng: Bề Trên Giám Tỉnh. Như thế, ngài đảm nhận nhiệm vụ nặng nề này trong ba nhiệm kỳ liên tục (số nhiệm kỳ liên tục cao nhất mà Tu Luật cho phép), và là vị Bề Trên đưa Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam tiến vào thiên niên kỷ thứ 3.

 

Lịch sử Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam giai đoạn cha Giuse Cao Ðình Trị là Bề Trên Giám Tỉnh bắt đầu bằng những sự kiện Tỉnh Dòng Việt Nam chính thức nối được liên lạc với Trung Ương Hội Dòng, với Tỉnh Mẹ và với các đơn vị khác của Nhà Dòng trên thế giới, sau hơn 20 năm như phải ở bên ngoài nhịp sống chung của toàn Nhà Dòng.

 

Ngày 26-11-1993, cha Bề Trên Giám Tỉnh lên đường đi Rôma tham dự Hội Nghị Bề Trên Giám Tỉnh, gặp cha Bề Trên Tổng Quyền và yết kiến Ðức Giáo Hoàng. Tiếp theo, từ ngày 10-12-1993 đến ngày 29-01-1994, ngài đi Hoa Kỳ và Canada gặp gỡ các anh em thuộc Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam và các anh em thuộc Phụ Tỉnh Hải Ngoại. Nhân dịp này, trong tâm tình con thảo, đại diện toàn thể Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam và với tư cách cá nhân, ngài đã thăm viếng Tỉnh Mẹ Sainte-Anne-de-Beaupré. Cha Bề Trên Giám Tỉnh đã mời cha Bề Trên Tổng Quyền kinh lược Tỉnh Dòng Việt Nam, mời cha Bề Trên Giám Tỉnh và quý cha thuộc Tỉnh Dòng Mẹ, cách riêng quý cha cựu thừa sai, sang thăm Việt Nam, và mời các anh em Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam đang ở ngoại quốc cũng như các anh em thuộc Phụ Tỉnh Hải Ngoại về thăm quê hương.

 

Năm 1994, cha Jean Claude Nadeau, Phó Giám Tỉnh Tỉnh Dòng Sainte-Anne de Beaupré và cha Laurent Proulx, một cựu thừa sai, quản lý Tỉnh Dòng, đã sang Việt Nam, chuẩn bị cho chuyến viếng thăm chính thức sẽ được thực hiện vào năm sau. Ðúng như dự tính, năm 1995, cha Marc André Boutin, Bề Trên Giám Tỉnh, đã cùng quý cha Michel Laliberté, Camille Dubé, Jean-Marie Labonté và Laurent Proulx thăm viếng Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam nhân dịp 70 năm thành lập.

Năm 1995, cha Bề Trên Tổng Quyền Juan Manuel Lasso de la Vega y Miranda và cha Tổng Cố Vấn L. Hachenova đã sang kinh lược Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam. Tuy không được phép ra khỏi địa phận Thành Phố Hồ Chí Minh, các ngài cũng đã gặp gỡ được hầu hết anh em trong Tỉnh Dòng từ các cộng đoàn địa phương trở về Thành Phố Hồ Chí Minh. Cha Bề Trên Tổng Quyền rất hài lòng về chuyến kinh lược.

 

Trong những năm cuối của thập niên 1990 này, nhờ hoàn cảnh khách quan có phần thuận lợi hơn, Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam đã có thể cử đại diện tham dự nhiều sinh hoạt chung của Nhà Dòng trên thế giới và tại Miền Úc - Á. Ngoài Hội Nghị Bề Trên Giám Tỉnh (1993) nói trên, Tỉnh Dòng đã cử cha Mátthêu Vũ Khởi Phụng, đại diện Tỉnh Dòng, dự Hội Nghị Dòng Chúa Cứu Thế miền Úc-Á tổ chức ở Hàn Quốc năm 1994, dự Hội Nghị Tông Ðồ Giáo Dân Dòng Chúa Cứu Thế tổ chức ở Philippine năm 1995, dự Ðại Hội về việc sùng kính Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp tổ chức ở Philippine năm 1998. Ðặc biệt, quý cha Giuse Trần Ngọc Thao và Mátthêu Vũ Khởi Phụng, hai đại biểu Tổng Công Hội của Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, đã đại diện Tỉnh Dòng tham dự Tổng Công Hội 1997 tổ chức tại New Jersey, Hoa Kỳ. Tại các hội nghị trên đây, cách riêng là tại Tổng Công Hội 1997, sự hiện diện và những đóng góp của Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam đã được đánh giá cao và tạo được nhiều cảm tình nơi các anh em Dòng Chúa Cứu Thế khắp năm châu.

 

Lịch sử Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam giai đoạn cha Giuse Cao Ðình Trị là Bề Trên Giám Tỉnh còn được đánh dấu bằng việc quan tâm đến linh đạo của Dòng. Những hoạt động chuẩn bị đón mừng Năm Thánh 2000, những định hướng của Tổng Công Hội 1997, những hướng dẫn của Công Hội Tỉnh 1998, cũng như những thành công trong công cuộc tông đồ và đào tạo, tất cả đã giúp anh em trong Tỉnh Dòng ý thức hơn về linh đạo Dòng Chúa Cứu Thế, đồng thời góp phần đào sâu và làm cho phong phú nền linh đạo này bằng đời sống và các hoạt động tông đồ của mình. Nhờ đó, trong Tỉnh Dòng bắt đầu xuất hiện một luồng sinh khí mới trong đời tu, góp phần mang lại nhiều hoa trái tốt đẹp trong đời sống của Tỉnh Dòng và của Giáo Hội.

 

Về phương diện tổ chức và quản trị Tỉnh Dòng, trong giai đoạn này, Tỉnh Dòng đã lập thêm Cộng Ðoàn Clêmentê (1993) và các Nhà Vũng Tàu (1997), Sarnelli (1999), Seelos (1999), đồng thời sát nhập các cộng đoàn Cù Mi, Bà Rịa, Bảo Lộc, Bình An, Hiệp Hòa, Tân Bình, Thủ Ðức vào các Tu Viện. Bên cạnh đó, Tỉnh Dòng cũng bắt đầu thực hiện việc thuyên chuyển hoặc bổ sung nhân sự cho các cộng đoàn địa phương. Ðây là một hoạt động gần như không thể thực hiện được suốt gần 20 năm vừa qua, do hoàn cảnh khách quan. Sự kiện này đã đánh dấu một bước chuyển biến quan trọng, có ý nghĩa tích cực trong đời sống của Tỉnh Dòng.

 

Công cuộc tái tổ chức trên đây, cùng với việc gia tăng mối liên lạc giữa cấp Tỉnh Dòng với các cộng đoàn địa phương và giữa các anh em trong Tỉnh Dòng với nhau, đã góp phần làm cho tình huynh đệ và sự hiệp thông trong Tỉnh Dòng thêm sâu sắc. Một trong những nét son thể hiện tình bác ái huynh đệ là việc anh em trong Tỉnh Dòng ân cần chăm sóc, phục vụ các anh em già yếu, bệnh tật, cũng như thái độ tận tình chia sẻ với các anh em khác trong những biến cố vui buồn của gia đình huyết tộc của anh em.

 

Trong lãnh vực đào tạo, vào năm 1994 và năm 1999, Tỉnh Dòng đã đưa ra và thích ứng một số quy định liên quan đến việc tuyển sinh cho phù hợp với thời đại. Năm 1995, công cuộc đào tạo tu sĩ thừa sai được phục hồi sau gần 20 năm gián đoạn. Năm 1996, tại Phú Dòng, trung tâm Dự Tập dành cho các ứng sinh theo ơn gọi tu sĩ thừa sai được thiết lập. Cũng trong năm này, Nhà Học dành cho anh em tu sĩ thừa sai được thiết lập tại Nhà Mai Thôn. Năm 1999, Nhà Tập dành cho anh em theo đặc sủng tu sĩ thừa sai được tổ chức tại đây. Từ mùa hè năm 2000, Tập Viện được chuyển sang Nhà Mai Thôn.

 

Nhờ những định hướng trên đây và nhờ những nỗ lực to lớn khác của Tỉnh Dòng, công cuộc đào tạo đã phát triển nhanh chóng và mang lại những kết quả tốt đẹp. Ðầu năm 1993 có khoảng 40 sinh viên Dự Tập; năm 2000 con số này vào khoảng 100. Từ năm 1994, Nhà Tập được mở liên tục hàng năm. Năm 1993, Học Viện có 25 sinh viên thuộc 3 lớp; đầu năm 2000, con số tăng lên 59 sinh viên, thuộc 6 lớp. Một con số kỷ lục chưa từng có trong lịch sử Tỉnh Dòng. Các anh em ra trường đều được các cộng đoàn đón nhận nồng nhiệt. Một số anh em được Tỉnh Dòng tạo điều kiện cho tiếp tục học tập để có thể phục vụ các công tác chuyên môn theo nhu cầu của Tỉnh Dòng.

 

Công cuộc đào tạo phát triển, nhờ đó, nhân sự của Tỉnh Dòng tăng trưởng với tốc độ nhanh. Năm 1993, Tỉnh Dòng có 134 anh em trong đó có 60 linh mục. Ðến năm 2000 con số này là 183, trong đó có 87 linh mục.

 

Trong giai đoạn này, cha Bề Trên Giám Tỉnh và anh em trong Tỉnh Dòng đã xây dựng nhiều cơ sở vật chất phục vụ đời sống tu hành và hoạt động tông đồ của Tỉnh Dòng : Nhà Hưu Dưỡng (1995), Học Viện (1995), Trung Tâm Dự Tập Sài Gòn (1995), Nhà Vũng Tàu (1997), Hoa Viên Hiệp Nhất (1999), Nhà Sarnelli (1999), Nhà Mai Thôn (2000). Nhà Sài Gòn xây dựng lầu 2 nhà giáo lý A (1999). Nhà Cần Giờ xây nhà thờ Cần Thạnh (1993), mở rộng nhà ở và xây dựng 3 trung tâm dạy nghề. Nhà Nha Trang xây dựng một toà nhà mới tại giáo xứ Quân Trấn (1999) với sự hỗ trợ của Tỉnh Dòng. Nhà Fyan xây dựng toà nhà mới (1999) bên cạnh ngôi nhà cũ bằng gỗ có từ thời các cha Canada. Nhà Phú Dòng xây dựng nhà thờ (1993) và Tu Viện. Nhà Huế tu bổ lại ngôi thánh đường (1999). Nhà Hà Nội xây thêm một toà nhà mới (1993). Tại Hải Dương, cha Giuse Trần Hữu Thanh đã xây dựng một toà nhà mới ở xứ Phú Tảo (1999). Các cha Nguyễn Quang Duy, Nguyễn Minh Sang, Trần Quốc Hùng thuộc Nhà Vĩnh Long cũng khánh thành một số ngôi nhà thờ mới. Cộng đoàn Vĩnh Long cũng bắt đầu xây nhà mới. Nói chung, hầu hết các Tu Viện của Tỉnh Dòng, các trung tâm truyền giáo cũng như các giáo xứ do anh em trong Tỉnh Dòng phụ trách đều có xây dựng hoặc tu bổ các cơ sở vật chất, đáp ứng nhu cầu tông đồ ngày một gia tăng.

 

Công cuộc tông đồ cũng đạt được nhiều kết quả to lớn. Trong giai đoạn này, một số cha đã trở về Tu Viện, trao trả các giáo xứ cho các giáo phận. Một số cha khác đã trao bớt các giáo xứ do mình đang phụ trách cho giáo phận. Tuy nhiên, Tỉnh Dòng đã nhận thêm 3 giáo xứ mới; đó là giáo xứ Chúa Cứu Thế thuộc giáo phận Xuân Lộc, giáo xứ Giuse Quân Trấn thuộc giáo phận Nha Trang và giáo xứ Tin Mừng thuộc giáo phận Phan Thiết.

 

Tại các cộng đoàn địa phương, ngoài những hình thức mục vụ thông thường, anh em còn tổ chức nhiều hoạt động nhân đạo thiết thực. Nhà Hà Nội, Nhà Huế, Nhà Châu Ổ và nhất là Nhà Sài Gòn, liên tục tổ chức trợ giúp người nghèo, học sinh, sinh viên, nạn nhân bị thiên tai, bệnh nhân phong cùi. Nhà Cần Giờ được nhắc đến nhiều với việc thành lập ký túc xá cho học sinh, nhà dưỡng lão cho người già và các cơ sở dạy nghề cho dân nghèo trong vùng. Cộng đoàn Clêmentê thường xuyên tổ chức những chuyến đi giúp đỡ các trại phong và một số trung tâm xã hội khác ở khắp 3 miền Ðất Nước. Cha Lê Thanh Châu thuộc Nhà Vĩnh Long chuyên cần chăm sóc sức khỏe cho dân nghèo vùng sâu vùng xa. Cha Vũ Khởi Phụng và một số anh em Học Viện dấn thân giúp trẻ mồ côi, trẻ bụi đời, người già, người khiếm thị, người tàn tật, người nghiện ma tuý, bênh nhân sida ở Thành Phố Hồ Chí Minh và những nơi khác.

 

Các hội đoàn Công Giáo do anh em phụ trách tiếp tục được phục hồi, củng cố và phát triển. Quý cha, quý thầy tại các cộng đoàn đều lưu tâm tổ chức những hội đạo đức khác nhau phù hợp với hoàn cảnh và nhu cầu của từng địa phương. Nơi có nhiều hội đạo đức hơn cả có lẽ là Nhà Sài Gòn. Tại đây, ngoài những hội đoàn vẫn tồn tại hay được phục hồi từ giai đoạn trước như Legio Maria, Hội các bà mẹ Công Giáo, giai đoạn này có thêm Phong trào Thánh Tâm và Hội Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Ngoài ra còn phải kể đến Nhóm Thánh Kinh và Cầu Nguyện và các nhóm tông đồ nhỏ. Nhóm Thánh Kinh và Cầu Nguyện, do cha Phaolô Ðinh Khắc Tiệu hướng dẫn, đã liên tục tổ chức được nhiều khoá học hỏi và làm công tác tông đồ tại Sài Gòn và nhiều nơi khác. Các nhóm tông đồ nhỏ cũng đã làm được những việc rất có ý nghĩa tại nhiều nơi, đồng thời gợi hứng cho những tấm lòng khác chia sẻ với những người khốn khổ.

 

Trong lãnh vực tông đồ bằng ngòi bút, quý cha Giuse Trần Ngọc Thao, Micaen Nguyễn Hữu Phú, thành viên Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ, đã góp phần dịch thuật và xuất bản được nhiều lần bộ Kinh Thánh và bộ sách Các Giờ Kinh Phụng Vụ. Quý cha Giuse Vũ Ngọc Bích, Giuse Trần Hữu Thanh, Phêrô Hoàng Minh Tuấn, Giuse Cao Ðình Trị, Antôn Trần Thế Phiệt đã biên soạn, dịch thuật và xuất bản một số sách thần học, tu đức và mục vụ. Một biến cố khác đáng ghi nhớ cách đặc biệt, đó là sau 23 năm, bộ Kinh Thánh toàn tập của cha Giuse Nguyễn Thế Thuấn phiên dịch đã được tái bản lần thứ nhất vào năm 1999.

 

Công cuộc cổ vũ lòng sùng kính Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp tiếp tục được duy trì. Tại Hà Nội, Huế và Sài Gòn, mỗi thứ bảy đều có giờ khấn chung và có bài giảng về Ðức Mẹ. Bên cạnh đó, Ảnh Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp đã lại được cung nghinh đi thăm viếng các gia đình tại một số giáo xứ của Dòng cũng như một số giáo xứ có tổ chức các kỳ đại phúc.

 

Công cuộc giảng tĩnh tâm cho linh mục, tu sĩ và giáo dân tiếp tục phát triển, huy động sự tham gia của nhiều anh em già trẻ. Do hoàn cảnh thuận lợi hơn trước, trong giai đoạn này, quý cha từ miền Nam đã đi giảng cho nhiều cộng đoàn linh mục, tu sĩ và giáo dân tại miền Bắc và miền Trung.

 

Công cuộc giảng đại phúc, sau mấy chục năm ngắt quãng, đã được phục hồi nhờ Cộng Ðoàn Clêmentê, và sau đó là nhờ Nhà Huế, Nhà Nha Trang và Nhà Sài Gòn. Ðây là một sự kiện đáng mừng và đáng ghi nhớ trong đời sống của Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam. Tỉnh Dòng đã có thể trở về với công cuộc tông đồ truyền thống của mình tại Việt Nam- nơi những cuộc đại phúc vẫn còn rất cần thiết cho đời sống đức tin của giáo dân. Dù chưa tổ chức được như tầm mức mong muốn, song những cuộc đại phúc được thực hiện trong 7 năm qua cũng đã góp phần củng cố tinh thần huynh đệ và lòng nhiệt thành tông đồ của anh em, đồng thời mang lại những lợi ích thiêng liêng phong phú cho giáo dân.

 

Lãnh vực tông đồ mà Tỉnh Dòng gặt hái được nhiều kết quả to lớn nhất và được đông đảo anh em quan tâm nhất, là công cuộc truyền giáo. Tại Cần Giờ, 3 giáo điểm mới được hình thành; nguyên trong năm 1999, hơn 100 người được lãnh bí tích Thánh Tẩy. Ngày 17-05-2000, cộng đoàn Cần Giờ đã tổ chức thánh lễ ban các bí tích khai tâm Kitô giáo cho 124 anh chị em dự tòng. Tại Châu Ổ, một số giáo điểm được phục hồi, mỗi năm rửa tội khoảng 100 người lớn. Nhà Huế và Nhà Hà Nội mỗi năm, mỗi Nhà có khoảng 100 tân tòng. Nhà Sài Gòn mỗi năm có khoảng 500 tân tòng. Fyan mỗi năm rửa tội cho khoảng 500 người trưởng thành. Ba trung tâm Pleichoét, Pleikly, Ayunpa ở Tây Nguyên, mỗi năm rửa tội cho khoảng 1500 người J'rai. Ba trung tâm này hiện nay phụ trách khoảng 150 buôn làng với số dự tòng khoảng 5000 người. Dù gặp nhiều khó khăn, số người đón nhận Tin Mừng tại vùng Tây Nguyên vẫn ngày một gia tăng. Có thể nói đây là vùng truyền giáo phát triển và thu được nhiều kết quả nhất Việt Nam hiện thời. Anh chị em J'rai, sau khi đón nhận Tin Mừng, đã tìm thấy được chỗ đứng riêng biệt và độc đáo của mình giữa lòng Ðất Nước và Giáo Hội Việt Nam.

 

Sự dấn thân mạnh mẽ trong lãnh vực truyền giáo những năm vừa qua cũng như trong hiện tại, thực sự là điều đáng mừng và là niềm tự hào của Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, chứng tỏ Tỉnh Dòng đang sống với sứ mạng mà Chúa đã trao phó cho Giáo Hội từ thuở ban đầu và đang phát triển trong đường hướng mục vụ chung của Hội Thánh cuối thiên niên kỷ thứ hai và đầu thiên niên kỷ thứ ba. Những mùa gặt bội thu trên cánh đồng truyền giáo thực sự là ơn huệ lớn lao Chúa ban cho Tỉnh Dòng. Ðó cũng là kết quả của biết bao vất vả, hy sinh với mồ hôi, nước mắt và máu đào của các anh em thừa sai tại các vùng truyền giáo.

 

Cha Giuse Cao Đình Trị đã hoàn tất 3 nhiệm kỳ liên tục trong sứ mạng dẫn dắt Tỉnh Dòng và cuối năm 2001, anh em toàn Tỉnh đã bầu chọn cha Tôma Phạm Huy Lãm vào chức vụ Bề trên Giám Tỉnh nhiệm kỳ 2002 - 2005.

 

Comments