2012-02-22 RAMADAN - MÙA CHAY TỊNH - Nguyễn Hùng Cường, e.j.

Hội Cựu Đệ Tử Dòng Chúa Cứu Thế, Nam California, Hoa Kỳ

10200 Bolsa Ave. # 4, Westminster, CA. 92683 * ĐT: (714) 418-9791 / 588-4919

Email: huongcuong_dcct@yahoo.com

 

THƯ MỜI

 

                      Thứ Tư Lễ Tro, ngày 22 tháng 2 năm 2012

 

Thưa quí anh chị,

 

Ngày Thứ Ba béo (Mardi gras), thiên hạ mở hội hoa đăng ăn uống no say để bù lại ngày Thứ Tư Lễ Tro nhiều người sợ phải ăn chay kiêng thịt. Nhân loại đang đánh mất ý nghĩa của mùa Chay qua việc vui chơi và ăn uống quá độ trước khi vào Chay, trong đó không ít người Công giáo tham dự.

 

Mùa Chay năm nay, một câu hỏi được đặt ra cho 1.166 tỷ người tín hữu Công giáo trong số 6.7 tỷ nhân loại như một thách đố lương tâm, là liệu con cái Chúa có dám cùng với Giáo hội đi vào “sa mạc” của tâm hồn mình hay không? Vào “sa mạc”, trước hết để bản thân mình gặp được Thiên Chúa là Đấng Thương Xót, đồng thời giúp người khác cũng trở về với Thiên Chúa, như lời Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI dạy chúng ta trong Mùa Chay này là “Hãy Quan Tâm Đến Người Khác.”

 

Trước tôn nhan Thiên Chúa là Đấng Xót Thương và Kiên Nhẫn, Thứ Tư Lễ Tro đánh dấu mùa thống hối cho mọi tội nhân. Dịp này, Ban Phục Vụ tổ chức một buổi Tĩnh Tâm “bỏ túi” để người Cựu Đệ Tử và gia đình có cơ hội dừng chân trên hành trình đức tin của mình, hầu kín múc thêm sức mạnh và ý lực cho cuộc sống.

 

Buổi Tĩnh Tâm Mùa Chay gồm có suy niệm và thánh lễ sẽ do Cha Linh Hướng John Trần Quý hướng dẫn và chủ tế. Cũng sẽ có phần chia sẻ của anh em Cựu Đệ Tử.

 

Thời gian: Thứ Bảy đầu tháng, ngày 3 tháng 3 năm 2012

Địa điểm: Tư gia CĐT Nguyễn Hùng Cường - (714) 588-4919

 

CHƯƠNG TRÌNH

 

  • 09:30AM      - Gặp gỡ
  • 10:00AM      - Suy niệm
  • 10:45AM      - Cầu nguyện và suy niệm riêng
  • 11:15AM      - Chia sẻ
  • 11:45AM      - Chuẩn bị thánh lễ
  • 12:00PM       - Thánh lễ
  • 01:00PM       - Cơm trưa thanh đạm Mùa Chay

 

Để hưởng trọn lợi ích thiêng liêng của buổi Tĩnh Tâm, xin quí anh chị và gia đình HY SINH sắp xếp đến kịp giờ khai mạc .

 

             Tm. Ban Phục Vụ                                                                          Hiệp thỉnh

        Nguyễn Hùng Cường, e.j.                                                   LM. Linh Hướng John Trần Quý                       

                           



RAMADAN__________________________________

                                                                                                     MÙA CHAY TỊNH

                                                                                               Nguyễn Hùng Cường, e.j.

 Có những năm mùa Chay đến ngay sau Tết Nguyên Đán, bánh chưng bánh tét chưa tiêu thụ hết còn đầy trong bụng. Năm nay Tết Nhâm Thìn (2012) cầm tinh con Rồng, mọi người có thời giờ thong thả ‘nhơi đi nhơi lại’ thức ăn, và thậm chí hương vị Xuân đã hết mà vẫn chưa vào chay.  Nhiều người, trong đó có tôi, tuy không phát biểu ý nghĩ của mình nhưng cảm thấy thoải mái vì mùa chay đến chậm. Điều này, chính tôi cũng không hoàn toàn lý giải được tại sao, nhưng nếu phải biết một tí thì lý do là ở chỗ những người ấy muốn việc ăn chay hãm mình đừng đến vội, vì cuộc sống của họ vốn dĩ đã hối hả với thời gian.

 Nhận ra ý nghĩa của hai chữ “Chay tịnh” khá sâu sắc và là một phạm trù được cảm nhận bằng nhiều trình độ khác nhau, xin dành phần định nghĩa tinh túy của Chay tịnh cho những ai muốn nghiên cứu để tự giúp mình và giúp đời. Với ý nghĩ hạn hẹp và khiêm tốn, người viết chỉ có ý minh họa phần nào ý nghĩa bình thường của “Chay tịnh”, nghĩa là thấy sao nói vậy về những gì mình đã đối mặt với, hoặc nhìn thấy, hoặc va chạm trong cuộc sống.

 Khi chưa về hưu, một sự kiện xảy ra hằng ngày ngay trước mắt tôi nơi sở làm, giúp tôi biết được việc cầu nguyện và chay tịnh của Hồi giáo. Thời gian đó tôi làm ca hai, từ 2g30 chiều đến 11 giờ khuya. Vì việc bàn giao bệnh nhân phải đúng giờ nên mỗi khi tôi vào đến bãi đậu xe là đúng 2g15, cũng là lúc tôi có thể quan sát một đồng nghiệp của tôi, anh Tony Amatul-Laah, sửa soạn để cầu nguyện ngay trước mũi xe của tôi. Tony Amatul-Laah gốc người Ả rập là một y-tá đứng đắn, chăm chỉ, và không làm phiền lòng ai, có lẽ vì tính anh ít nói. Nhưng khi phải trình bày một điều gì thì anh nói năng khá gẫy gọn và chừng mực, một đức tính của người y-tá.

 Nghi thức cầu nguyện của Tony chỉ kéo dài khoảng 3 phút, nghĩa là cầu nguyện xong anh vẫn kịp giờ vào nghe thuyết trình bàn giao giữa ca sáng và chiều. Hằng ngày nhiều người tại bệnh viện có thể thấy anh vẫn cầu nguyện như thế, và rất đúng giờ. Tony thường bắt đầu nghi thức bằng cách trang trọng trải một tờ báo xuống thảm cỏ sát gốc một cây thông đoạn quì gối xuống, mặt hướng về phía đất nước Saudi Arabia. Đôi mắt anh nhắm lại và hai tay chắp trước ngực rất chân thành, một thái độ cho phép người bàng quan tin rằng anh không bị phân tâm vì ngoại cảnh. Sau vài giây trầm tư mặc tưởng, anh bắt đầu sụp lạy ba lần, mặt úp xuống sát đất. Được biết miền Tây Saudi Arabia nơi có đền thờ Mecca là quê hương của giáo chủ Muhammad, đấng sáng lập đạo Hồi. Bởi thế Mecca, Makkah, được tín đồ Hồi giáo xem là nơi cực thánh, và người Hồi giáo ở bất cứ nơi đâu trên thế giới mỗi ngày đều phải quì gối hướng về thánh địa Mecca cầu nguyện 5 lần. Các lần cầu nguyện gồm trước bình minh, Fajr; chính ngọ, Dhuhr; xế chiều, Asr; hoàng hôn, Maghrib; và chiều tối, ‘Isha.

 Một lần tôi hỏi Tony về việc cầu nguyện để thăm dò niềm tin của anh:

- Tại sao phải cầu nguyện đến 5 lần. Khi cầu nguyện anh thường xin điều gì?

Tony biết tôi Công giáo, anh không trả lời tôi mà lại hỏi ngược:

- Bên anh mỗi ngày cầu nguyện mấy lần và giữ chay thường xuyên không?

 Tony giải thích qua loa rằng càng cầu nguyện nhiều lần trong ngày càng được thánh hoá để xứng đáng là một tín đồ Hồi giáo. Cũng có vài lần tôi được chỉ định làm ca sáng nên có dịp chuyện trò thêm với anh. Trong những dịp đó anh thường trao đổi với tôi về chay tịnh mà anh cho là quan trọng và cần thiết đối với một tín đồ Hồi giáo. Riêng tôi vì tò mò muốn biết về chay tịnh của Hồi giáo như thế nào nên thường lắng nghe hơn là góp ý. Anh nói, “Hồi giáo tuân giữ rất nghiêm nhặt luật Cầu nguyện, Salaat, trong một ngày, và việc Chay tịnh, Ramadan. Cầu nguyện thì 5 lần mỗi ngày, còn Chay tịnh diễn ra vào tháng thứ chín của âm lịch Hồi giáo, là tháng mà Giáo chủ Muhammad được Thiên Chúa hiện ra và kinh Koran được lập nên. Bởi vậy, kinh Koran buộc người lớn phải giữ chay tịnh trong tháng này, căn bản đặt nền tảng trên đức tin và sự quyết tâm của mỗi tín đồ. Mục đích của chay tịnh là để thánh hoá, thanh tẩy hồn và xác của tín đồ. Trong tháng Ramadan, mọi tín đồ --ngoại trừ thành phần tuổi già, bệnh nhân, phụ nữ mang thai, trẻ em dưới 12 tuổi – còn phải chú tâm học hỏi giáo lý, cầu nguyện, và làm việc bác ái. Cùng với một ý chí cao độ, họ tuyệt đối tin tưởng chay tịnh sẽ giúp họ tránh xa được những gì thuộc về thế gian để cả hồn xác được tẩy sạch và thánh hoá, xứng đáng làm con cái của đấng Muhammad. Kinh Koran và luật buộc đã trở nên sức mạnh giúp tín đồ giữ được chay tịnh trong suốt tháng Ramadan. Những hoạt động có tính chất trần tục như hút thuốc, nghe nhạc kích động, kể cả sinh hoạt vợ chồng..v..v.. hoàn toàn phải được kiêng cử trong tháng chay tịnh. Những người tín đồ giữ chay tịnh còn được nhắc nhở chỉ ăn một bữa trong ngày sau khi mặt trời đã lặn.

*

*    *

 Hôm nay Thứ Tư Lễ Tro, ngày 22/2/2012, bắt đầu mùa Chay tịnh của người Công giáo. Và nói đến chay tịnh thì hàm ý nói đến cầu nguyện, như Đức cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận quả quyết “Sẽ không có chay tịnh nếu không có cầu nguyện.” Riêng tôi không thể nào không suy gẫm về cách cầu nguyện của người bạn Hồi giáo, ít ra về hình thức bên ngoài của anh mà ai cũng thấy được. Nhất là những điều lệ khắt khe trong chay tịnh, hy vọng anh đã giữ được. Không phải để so sánh, nhưng thú thật tôi phục Tony về cung cách anh cầu nguyện và quan điểm của anh về chay tịnh. Cũng không phải vì nghĩ tốt về anh, nhưng tôi nắm chắc anh sống thật với chính mình trong những phút ngắn ngủi của mỗi lần cầu nguyện. Riêng về tháng chay tịnh, tôi nghĩ anh đã nghiêm khắc với chính bản thân mình để giữ được chay tịnh, và tin rằng qua chay tịnh anh cũng có được một sự hiệp thông cá biệt giữa anh với đấng mà anh đặt trọn niềm tin. Chân thành nhìn vào bản thân mình, tôi phải hổ thẹn vì việc cầu nguyện và chay tịnh của mình cả bề trong lẫn bề ngoài chưa đến đâu. Là người Công giáo, mỗi lần mùa Chay đến tôi thâm tín rằng nếu tôi chỉ cầu nguyện mà thôi thì không đủ và không xứng đáng để hưởng ơn tha thứ qua cuộc khổ nạn của Chúa. Tôi phải thể hiện lòng thành của mình bằng việc chay tịnh, như là một hy sinh nhỏ nhoi muốn đoạn tuyệt với những gì thuộc về thế gian.

 Và tôi tự nhắc nhở mình về việc cầu nguyện và chay tịnh bằng chính câu hỏi của người bạn Hồi giáo, “Bên anh mỗi ngày cầu nguyện mấy lần, và giữ chay thường xuyên không?” []

                                                        

                                                            

                                                                       

 

 


Comments