Tin Tức‎ > ‎

Tin về Thầy Henri Bùi Văn Khắc, CSsR

Thầy Henri, thầy đã ra đi

VRNs (27.06.2010) - Sài Gòn - Một người anh em vừa ra đi. Đó là tâm tình của nhiều cha nhiều thầy Dòng Chúa Cứu Thế khi hay tin ông Dominico Henri Bùi Văn Khắc về với Chúa. Khi còn là tu sĩ trong Dòng, ông đã cống hiến đời mình cho công việc xây dựng các cơ sở lớn bé của Nhà Dòng từ Huế trở vào sài Gòn. Khi đã rời khỏi Nhà Dòng ông vẫn còn thao thức với công việc chung, nên đã trở lại tiếp tục xây dựng các công trình khác cho Nhà Dòng.

Anh em Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam xin thắp lên một nén hương cầu nguyện cho linh hồn ông sớm sum vầy với Mẹ Maria, thánh tổ Alphonsô và các thánh trong Đức Kitô.

 

Ông Dominico Bùi Văn Khắc

sinh năm 1925, tại Nam Định

Nhập Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam năm : 1945

Ông vào nhà tập năm :  1946     tại Hà Nội

Khấn Dòng năm : 1947

Tên dòng quen gọi là thầy Henri

Sau nhiều năm phục vụ trong Dòng, ông hồi tục năm 1976, trú ngụ tại 130 Bùi Hữu Nghĩa, Gia Định.

 

Ông được biết là một người có nhiều tài năng, đặc biệt trong lãnh vực xây dựng và cơ khí, tuy không theo học bất cứ một khóa học về kỹ thuật nào, không tốt nghiệp từ bất kỳ một trường đào tạo nào, nhưng ông có khả năng tuyệt vời khi đảm nhận nhiều công tác kỹ thuật trong nhiều lãnh vực khác nhau. Bản thân người viết bài này đã có dịp trao đổi với ông về chuyên môn bê tông vào năm 1995, ông nói có sách mách có chứng, tài liệu ông trưng dẫn là một tài liệu bằng tiếng Pháp, chuyên mục cấp phối bê tông theo tiêu chuẩn xây dựng Pháp.

 

Về xây dựng

 

 

Ông là người thực hiện trực tiếp việc xây dựng nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế Huế năm 1961 – 1962 (An Cựu), bản thiết kế do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ vẽ. Triển khai kết cấu do Nha Địa chính Huế lúc bấy giờ giúp, nhưng việc thi công do chính ông đảm đương.

 

Đây là một công trình khó, thi công trên một vùng đất sình lầy, hoàn cảnh kỹ thuật lúc đó còn thô sơ, thiết kế phức tạp về kết cấu và kiến trúc. Với tất cả lòng nhiệt thành và đầy sáng kiến, ông đã chỉ huy thi công trong một thời gian nhanh nhất, phối hợp nhiều nhà thầu nhiều lãnh vực, đặc biệt với nhà thầu Effiel thi công tháp chuông rất đồ sộ, nhà thầu Nhật thi công lắp đặt chuông theo một bài nhạc nổi tiếng của cha Hoàng Diệp CSsR “Kìa  Bà nào”. Người ta thấy ông chế tạo máy đóng cừ từ giàn máy khoan đất, đưa nhanh tốc độ xử lý cừ trên nền đất không chân.

 

Hoàn thành Nhà thờ Chúa Cứu Thế Huế, một tác phẩm nghệ thuật hiện đại mang đường nét Á Đông, bên bờ sông An Cựu, ngay cửa ngõ thành phố Huế hướng từ miền Nam ra, ông vâng lời Bề trên di chuyển vào Saigon. Tại Saigon, năm 1965 ông xây dựng trường Trung học Cứu Thế, trước năm 1975 quen gọi là Cứu Thế Học Đường. Năm 1975, chính quyền mới tịch thu đổi tên trường là trường Trung học Cơ sở Kỳ Đồng. Hoàn thành Trường Cứu Thế Saigon, năm 1966 ông ra Nha Trang.

 

Bên bờ biển, đường Trần Phú, ông bắt tay vào việc xây dựng Dòng Chúa Cứu Thế Nha Trang (ngày nay bị nhà nước trưng thu làm khách sạn Hải Yến), cũng một cách làm như Huế, đi đâu ông cũng nhận bản vẽ ban đầu từ một cơ quan chuyên môn, nhưng việc triển khai thi công do chính ông thực hiện, ông tuyển dụng và huấn luyện nhiều ngành nghề thợ, di chuyển theo nhu cầu của nhà dòng, hết Nha Trang rồi đến Vũng Tàu (nay là khu du lịch Chí Linh). Chính ông triển khai thực hiện Dòng Chúa Cứu Thế Thủ Đức 1969 (nay bị Nhà Nước chiếm  dụng làm bệnh viện Đa Khoa Thủ Đức), một công trình khác cũng do ông thực hiện đó là Trường An Phong, Thủ Đức (nay bị quốc hữu hóa làm trường Hoàng Diệu).

Tu viện DCCT Nha Trang đã bị nhà nước tịch thu và biến cơ sở tôn giáo thành khách sạn Hải Yến. Đây là một trong những công trình thầy Henri Khắc đã thực hiện.

 

Về các cơ sở kinh tế, ông  xây dựng các cơ sở kinh tế của nhà dòng như : nhà máy thức ăn gia súc do nhà dòng dầu tư (trước năm 1975 gọi là nhà máy cám Scala, bị quốc hữu hóa nay là nhà máy thức ăn gia súc Cát Lái), trại heo Thủ Đức (Bị trưng thu sau năm 1975, nay tan tành không còn gì, cơ sở bị người dân lấn chiếm), trại gà Scala Đà Lạt, nằm trong khu vực 50ha rừng thông của Dòng Chúa Cứu Thế, Giáo xứ Tùng Lâm, trên đường từ Đà Lạt đi Suối Vàng hoặc Lang Biăng (Tu viện trên đỉnh đồi bị trưng thu năm 1975, nay là viện Sinh học, Tây nguyên, 50ha rừng thông và trại gà bị tich thu, nay trại gà tan tành không còn gì). Khách sạn Kim Đô nằm trên trục đường Nguyễn Huệ (bị chính quyền lấy sau năm 1975, nay vẫn khai thác làm khách sạn với tên Kim Đô),

 

 

Ngay năm 1975, trong hoàn cảnh hết sức xao động, ông bắt tay vào việc xây dựng nhà xứ Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, 38 Kỳ Đồng, công trình 1 trệt và một lầu do ông cộng tác với Thầy Thomas thực hiện.

 

 

Cơ Khí

 

 

Khi Bề trên quyết định nhập dây chuyền sản xuất và trộn thức ăn gia súc từ một công ty ở Nhật, hệ thống này được xem là tối tân nhất Đông Dương lúc bấy giờ. Nhận hàng ở cảng Saigon, ông cho di chuyển về vị trí  nhà máy, tuy không hề đi Nhật để thăm nhà máy, cũng không hề được trao đổi trước về hệ thống máy móc này, ông mở tung các kiện hàng, đọc các tờ chỉ dẫn, tự tay lắp máy. Khi đoàn chuyên gia Nhật sang để giúp lắp đặt thì ông đã làm xong, kiểm tra hoàn chỉnh, họ vô cùng ngạc nhiên về tài nghệ của ông.

 

Trước năm 1975 không lâu, ông nghiên cứu hệ thống rồi chỉnh sửa lại, nâng công suất lên gấp đôi, điều mà nhà chế tạo không hề nghĩ đến. Khi đến Việt Nam để bảo hành theo định kỳ, các chuyên gia nhà máy chế tạo đã vô cùng khâm phục ông, cấp cho ông bằng sáng chế và mời ông đi Nhật thăm viếng nhà máy. Sau năm 1975 nhiều năm, ông vẫn tiếp tục giúp bảo hành hệ thống nhà máy vận hành liên tục, khi giao thương giữa Nhật và VN nối lại, các chuyên gia của nhà chế tạo sang thăm lại nhà máy, họ ngạc nhiên vì nhà máy vẫn vận hành tốt cho dầu đã quá tuổi thọ và nhiều năm không có phụ tùng thay thế. Chính ông là người đã làm cho hệ thống cơ khi này vận hành và lấy được lòng kính nể của các chuyên gia người Nhật.

 

Sau năm 1975

 

Sau cuộc thay đổi quá sức chịu đựng, ông lặng lẽ hồi tục về trú ngụ tại số 130 đường Bùi Hữu Nghĩa. Thời gian đầu, ông ẩn náu âm thầm, năm 1993 Cha Bề trên Giám Tỉnh Cao Đình Trị mời ông về lại nhà dòng để tiếp tục công việc xây dựng, ông nhiệt tình bắt tay vào công việc. Những công trình ông thực hiện gồm : Học viện một trệt, hai lầu tại 38 Kỳ Đồng, nối dài nhà nguyện tu viện Saigon, nhà hưu Saigon, trải nhựa sân nhà thờ Kỳ Đồng, Hệ thống cấp thoát nước khu vực nhà thờ Kỳ Đồng, Tu viện dcct Vũng Tàu Bãi Dâu.

 

Ông vẫn cứ ước ao được trở lại Nhà Dòng hoàn toàn, hiến toàn tâm toàn lực cho Nhà Dòng và được chết trong Nhà Dòng. Những năm cuối đời sức lực ông hao mòn, tai nạn mẻ ba đốt cột sống khi ông sửa chữa nhà bảo vệ nhà thờ Kỳ Đồng đã hành hạ thân xác ông rất nhiều. Nằm liệt nhiều năm tháng, ông vẫn hướng về Nhà Dòng, cầu nguyện và dâng những hy sinh cho Nhà Dòng. Những ngày lễ của Nhà Dòng, ông từ bệnh viện về chỉ để chúc lễ các Bề trên rồi lại lặng lẽ nhập viện, ông đã hết lòng mến yêu và tận tụy phục vụ Nhà Dòng là Mẹ của ông.

 

Ông an bình ra đi vào lúc 11g30 ngày 26 tháng 6 năm 2010, xin nguyện cầu cho ông được hưởng nhan thánh Chúa, xin các thánh trong Dòng phù trợ ông.

Thánh lễ an táng cầu nguyện cho ông sẽ diễn ra lúc 4g45 ngày 29/06/2010 tại Nhà thờ Gia Định, 280 Bùi Hữu Nghĩa, P.2, Q. Bình Thạnh.

 

Lm. Vĩnh Sang, dcct.

 

 

Comments