Đôi điều còn nhớ về Ban Hallêluyah: Ngày “N’ hôm ấy, rơi vào tháng 10 là tháng Đức Mẹ Mân Côi năm 2013, có Lm Tiến Lộc DCCT từ Việt Nam qua Melbourne tham gia giảng lễ Đại Hội La Vang tại trung tâm Hoan Thiện, sau đó lại xuất hiện trên sân khấu “bỏ túi” của nhà hàng Crystal Palace Sydney với đôi lời mào đầu câu chuyện thân thương, như hồi nào: “Hôm nay, anh em chúng tôi, một số thành viên trong Ban Hallêluyah Học viện Dòng Chúa Cứu Thế quyết định thực hiện một tiết mục mà chúng tôi gọi là “Hallêluyah, 45 năm nhìn lại.” Tiếp sau đó, người anh em làm nhiệm vụ MC là anh Vũ Nhuận trước khi cùng diễn trình với Lm Tiến Lộc và Trần Ngọc Tá, đã quay sang phỏng vấn Lm Tiến Lộc một câu: “Anh Tiến Lộc à, các bài hát năm đó vui nhộn ở điểm nào vậy?” Sau đó, anh Vũ Nhuận lại quay sang hỏi anh Trần Ngọc Tá, cũng là thành viên của ban nhạc này, một câu khác: “Xin hỏi anh: tại sao khi đó anh em lại đặt tên cho các bài ca này là: “Vào Đời”? Nói chung, các câu hỏi hôm ấy được trả lời cách tóm gọn, vì lý do hôm ấy là buổi văn nghệ gây quỹ từ thiện giúp “các em khiếm thị ở Mấi Ấm Nhật Hồng và Thiên Ân” tại Việt Nam và ban tổ chức chỉ dành cho nhóm “Tam Ca Áo Đen” Dòng mình chừng 20 phút phù du thôi. Tuy nhiên, những ngày sau đó lại có thắc mắc cũng như nhận định từ nhiều nơi trên thế giới, nên một lần nữa anh Vũ Nhuận lại đề nghị người viết bài này ghi thêm một vài nét có tính “sử-liệu” về cái-gọi-là “Ban Hallêluyah, Ca Vào Đời”. Với những gì người viết hôm nay còn nhớ được, thì xin ghi lại như sau: Lúc ấy, là cuối năm 1967 hoặc đầu năm 1968, anh em Học Viện DCCT Đà Lạt đã lĩnh-hội được ngọn gió lành rất mới thổi từ Giáo hội mẹ nhờ có Công Đồng Vaticăng II cho phép giáo-hội toàn-cầu sử-dụng ngôn-ngữ và âm-nhạc của đất nước mình sinh sống. Nói cho công bằng, thì: vào cuối năm 1967, anh em Học Viện DCCT ở Đà Lạt sau khi hoà mình vào với bầu khí thân thương vui nhộn chịu ảnh hưởng từ Lm Aimé Duval, Sj và Soeur Sourire, OP ở Pháp sau đó lại nhận được một dĩa nhạc 33 vòng “tua” từ Học Viện DCCT Sainte Anne de Beaupré, Canada do Ban “Les Alleluias” thực-hiện, trong đó có hơn 10 bản nhạc mới dùng Tin Mừng làm lời ca nền nã. Không biết bên đó, anh em học viện DCCT Canada có hát hoặc trình diễn các bài đó trong nhà thờ hay trên sân khấu không nhưng âm-hưởng và nhịp điệu của những bài như “Juke-box”, “Alleluia! Alleluia!” đã khiến anh Thành Tâm có hứng đặt lời cho bài “Bạn Đường” tạo nguồn cảm-tác cho một số anh em có mặt trong Ban này. Đặc biệt hơn, ở Việt Nam lúc đó, đã có bầu khí rộn ràng vui tươi và nguồn hứng rất phấn-khởi đã chuyển thành chất-liệu mới cho ý nhạc thời-thượng và lời ca cùng tâm-tình rút từ nền thần-học rất Kinh-thánh. Chả thế mà, sức hút của loại nhạc này đã bắt đầu được thể-hiện lập tức ngay sau khi các anh Thành Tâm, Sỹ Tín và Đức Mầu đưa vào hiện-thực phần kỹ-thuật và nghệ-thuật âm-thanh rất bài bản. Về phần ghi/kẻ giòng nhạc và chép lời ca cũng như trình-bày thành ấn-phẩm đã được các anh Vũ Đức Nhuận, Trần Ngọc Tá thực hiện bằng tay và phần thu thanh trên băng nhựa đã do anh Cao Đăng Minh, nay là linh mục DCCT ở Mỹ đưa vào thực tế, rất phấn chấn. Còn nhớ, khi ấy anh Vũ Đức Nhuận đã khổ công ghi chép, kẻ nhạc và trang hoàng đầu đề bằng tay trên giấy giấy trắng và anh Trần Ngọc Tá cũng chép tay các ca từ trên bản thảo mà thời đó bà con gọi là thủ bản rồi sau đó, được anh Cao Đăng Minh cùng với Trần Ngọc Tá đích-thân đến Nha Địa Dư Đà Lạt để cậy nhờ quý vị bên ấy in theo dạng “offset”, qua trung gian của người anh ruột của anh Cao Đăng Minh, là Trung Tá Võ Bị Cao-Đăng-Tường (là vị sĩ quan nổi tiếng với sự-kiện trao đổi tù binh Nam Bắc và đoàn Quân sự Bốn bên hồi thập niên 1970, ở Sàigòn). Dù đề-tựa của tập sách nhỏ do Ban Hallêluyah cưu-mang thực-hiện chỉ mang hai chữ “Vào Đời” thôi, nhưng thực-chất của tập sách, ngay từ đầu, đã mang ý nghĩa các bản “Ca Vào Đời”, tức chủ-trương: đem giọng ca của dân con nhà Đạo đi vào đời gặp-gỡ sẻ-san Lời Chúa với đời. Và quả nhiên, Ban Hallêluyah, với các tu sĩ mặc áo chùng thâm chơi đàn trống với loa kèn đã đem lại cho người trẻ một sức sống dâng trào niềm vui. Lúc đó, hai chữ “Vào Đời” hiện ra như câu “thần chú” thúc-bách các anh có trọng-trách mang Lời Chúa chuyển trao cho mọi người, ở đời, vì thời đó anh em Học viện đã thừa-hưởng và hấp-thụ cái-gọi-là “luồng gió mới” cả về thần-học lẫn triết-lý đến từ nước ngoài do các bậc thày đàn anh đi trước như: Lm Nguyễn Thế Thuấn, LM Đinh Khắc Tiệu, Lm Trần Hữu Thanh, Lm Chân Tín, cựu Lm Nguyễn Ngọc Lan, vv.. Riêng cựu Lm Nguyễn Ngọc Lan khi ấy đã thúc đẩy anh em học viên hãy đón-nhận không chỉ triết-học nền-tảng của thánh Tôma Akinô thôi, nhưng cũng nên và cũng cần ra đời mà xem xét, hấp-thụ nền triết-học hiện-sinh của các triết-gia nổi tiếng như: Kant, Hengel, Jean Paul Sartre, Albert Camus, Simone de Beauvoir, vv... Cụ thể là anh em lớp Triết đã được phép ra ngoài học “triết học ở ngoài đời” tại Đại Học Đà Lạt có tên là “Thụ Nhân” để học hỏi và nhận lãnh bằng cử-nhân văn/triết, như các người trẻ thời đó. Kết quả là, rất nhiều anh đã thành công về mặt này. Được biết, sự kiện “Đạo Vào Đời” không chỉ xuất-phát từ phong-trào ca và nhạc “Vào Đời” mà thôi, nhưng còn xuất-hiện từ tình-huống lẫn chủ-trương của Công Đồng Vatican II đem lại. Nói cách khác, “luồng gió mới” Công Đồng Vaticăng II đã thổi vào Học viện qua lập-trường cũng như tư-tưởng của một số bậc thày giảng dạy tại Học-viện chủ-trương nên để cho anh em có thời-gian và cơ-hội tiếp-xúc cũng như chung sống với đời, trước khi về lại nhà Dòng lại sẽ tiếp-tục nhận-lãnh sứ-vụ linh mục chuyên chăm rao-giảng Lời Chúa cho đời và cho người. Tóm lại, muốn giảng cho người đời, cũng phải hiểu và biết đời người là thế nào. Và, muốn hiểu và biết “mặt thật” của đời, không gì bằng cứ “đầu cao mắt sáng” hiên ngang “đi Vào Đời” để “Ca Vào Đời” và để sống với lý-tưởng đem “Đạo Vào Đời”. Có thể nói, trước/sau sự kiện “Ca Vào Đời” anh em Học Viện đã có những buổi bàn bạc, thương thảo về đường lối sống cũng như đào-tạo chính mình ở Học viện. Người viết những giòng này đã thực-tế “đi Vào Đời” một thân một mình, ở nơi xa-xôi ngoài miền Trung nước Việt, nên không được biết và cảm-thông những gì xảy ra sau đó, vào những năm 1969 và/hoặc 1970 khi có sự-kiện toàn Dòng quyết thực hiện cái-gọi-là Chương trình “Dự tu” hoặc “Đi Thử”, vào những tháng ngày sau đó. Về chi-tiết thành-phần của Ban Hallêluyah, còn nhớ khi ấy gồm các thành viên như sau: -Nguyễn Thành Tâm: người sáng-lập và sáng-tác phần lớn các bài trong tuyển tập “Vào Đời” và là tay chơi Guitar Lead và lấy bút-hiệu là Tuấn Anh khi sáng-tác các bài: Họp Nhau Trong Khúc Hát, Xuất Hành, Sao Đêm.. -Cao Đăng Minh: phụ trách in ấn, thu thanh vào máy Cassette Akai và liên-hệ với các nơi đăng cai trình-diễn. -Nguyễn Đức Mầu (với bút hiệu Hoàng Đức) đã sáng tác các bản: Người Gieo Giống, Về Nhà Cha, Bài Ca Người Được Yêu, Bước Người Đi Qua.. Đồng thời, anh cũng chơi Clarinette cho hầu hết các bài được ghi âm trong băng nhựa. -Trần Sỹ Tín: chơi Guitar Bass và là người đặt lời cho các bài, như: Vào đời, Bài Ca Người Được Yêu, Alleluia Hát Lên Người Ơi. -Trần Ngọc Tá: chơi Guitar Rythm và hát chung các phần điệp khúc. -Nguyễn Trường Thái; chơi Phong Cầm loại Accordion. -Nguyễn Văn Thủy: chơi trống. -Trần Quốc Tuấn: solo chính cho hầu hết các bài trong toàn tập. -Lương Thế Vinh: hát solo một số bài. -Vũ Đức Nhuận: cùng hát solo một số bài trong sách này. -Nguyễn Tiến Lộc: hát phụ hoạ giọng Bass. -Nguyễn Kim Văn: hát phụ hoạ giọng Tenor.
Như MC Vũ Nhuận có nói vào hôm trình diễn ở Sydney, là: phân nửa thành-viên trong Ban Hallêluyah, gồm các anh: Lm Cao Đăng Minh, Lm Nguyễn Thành Tâm (tức Thành Tâm), Lm Trần Sỹ Tín, Lm Nguyễn Đức Mầu (tức Hoàng Đức), Lm Tiến Lộc và Lm Nguyễn Văn Thủy tất cả vẫn là linh mục Dòng Chúa Cứu Thế sống ở Việt Nam, đang sinh họat với Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế, ở Sàigòn ngoại trừ linh mục Cao Đăng Minh lâu nay gia nhập tỉnh Dòng Baltimore, Hoa Kỳ. Các anh khác, đều đã chia tay và thực tế đi “Vào Đời”, theo ơn gọi khác, như: các anh Nguyễn Kim Văn (Hoa Kỳ), Nguyễn Trường Thái (Việt Nam), Trần Ngọc Tá (Úc), Lương Thế Vinh (Hoa Kỳ), Vũ Đức Nhuận (Úc), Trần Quốc Tuấn (còn gọi là Tuấn A, đang ở Hoa Kỳ). Tất cả, dù ở bậc nào đi nữa, vẫn đang rao-truyền chủ-trương và lời mời rất “Duc in Altum” tức “Ra Khơi” mà “đánh cá người”, nơi cuộc đời. Còn việc đặt tên cho buổi diễn-trình ngày “N” hôm ấy, ở Sydney năm 2013 là: “Hallêluyah, 45 năm nhìn lại”, có lẽ cũng hơi “nổ bạo” một chút. Bởi, người đặt tên cho tiết mục dài 20 phút này chỉ muốn gợi lại một chút gì để nhớ và để thương về quá khứ có ban Hallêluyah ngày nào từng tạo sức hút rất phấn-khởi cho một số cộng-đoàn ở Đà Lạt, thôi. Chứ kỳ thực, cả đến sáng-lập-viên cũng như toàn ban ban hát này không có cao-vọng đưa nhạc Đạo theo kiểu mới thay cho loại nhạc nào đó, thật sự cũng không đúng. Duy có điều, là: sức hút và ảnh-hưởng của cái-gọi-là phong trào “Vào Đời” đã tạo một sức sống nào đó, để đến nỗi Trần Ngọc Tá nổi-hứng đã thêm câu kết cho lời phỏng vấn “bỏ túi” hôm ấy, đại-khái bảo rằng: tinh thần “Vào Đời”, nay được tiếp tục với cái-gọi-là “Chuyện Phiếm Đạo vào Đời”, cũng quá lời. Nay, ghi lại đôi điều hiện nổi lên trong trí nhớ, cũng chỉ để gợi lại một đề-nghị rất cỏn con, rằng: có nên duy-trì tinh-thần “Vào Đời”, ở mọi nơi không? Và nếu được, có nên có một buổi hát ca văn nghệ hoặc hòa nhạc nào khác mang tên: “Hallêluyah, một hội ngộ” ở đâu đó, chốn sản-sinh tinh-thần này hoặc ở nước ngoài? Câu trả lời, xin dành để cho mỗi người, bạn bè cũng như người thân, vẫn gần gũi tinh thần An Phong, rất Hallêluyah, lâu nay. Mai Tá ghi nhanh từ Sydney, Những ngày cuối tháng Mân Côi 2013. Dây là bài của Anh Mai Tá, góp phần làm sáng tỏ thêm các tư liệu về Ban Halleluia_dòng nhạc Vào đời mà anh em ta đang quan tâm. Phải chính các cựu thành viên kể lại thì mới hấp dẫn và xác thực. Sẵn dịp, có hai câu chuyện có liên quan: 1/ Mấy hôm nay đang bị...ám ảnh bởi Ban Halleluia_ dòng nhạc vào đời thì bổng nhiên có ...Chúa khiến hay sao mà mới sáng nay tớ cùng với tên Cho đến Phòng Hài Cốt DCCT để viếng các linh hồn thân quyến (sau khi đi dự Thánh lễ ở Bình Hưng Hòa bên phần mộ của Ông Cố Phêrô Hoàng Yến do Cha Thành Tâm làm lễ), thì tình cờ lượm được trước phòng hài cốt 1 cuốn "Thánh Ca vào đời của Linh mục Thành Tâm" dày 353 trang, do Nhà xuất bản Tôn giáo xuất bản năm 2005. Sách bị để ngoài trời ướt nhẹm chắc do ai đó bỏ quên ở đó mấy ngày nay. Đây đúng là chuyện lạ hi hữu. 2/ Điều suy nghĩ của Anh Tá dưới đây: "Nay, ghi lại đôi điều hiện nổi lên trong trí nhớ, cũng chỉ để gợi lại một đề-nghị rất cỏn con, rằng: có nên duy-trì tinh-thần “Vào Đời”, ở mọi nơi không? Và nếu được, có nên có một buổi hát ca văn nghệ hoặc hòa nhạc nào khác mang tên: “Hallêluyah, một hội ngộ” ở đâu đó, chốn sản-sinh tinh-thần này hoặc ở nước ngoài? Câu trả lời, xin dành để cho mỗi người, bạn bè cũng như người thân, vẫn gần gũi tinh thần An Phong, rất Hallêluyah, lâu nay" Mới coi video do Cao Dương Hùng ghi lại về Đêm nhạc của DCCT tổ chức hôm 30/10/2013, mang tên: "Đêm nhạc loan báo tin mừng theo cách thức mới: Niềm hy vọng, con tim và cấu trúc được đổi mới vì sứ vụ". Phải chăng nhà Dòng đang tìm cách thức âm nhạc mới để loan báo tin mừng nhưng chưa hình thành nên dòng nhạc điển hình và đặt tên thành khái niệm ngắn gọn dễ nhớ như "Vào đời" của 50 năm về trước??? Sau khi đọc bài này của Anh Mai Tá, anh em hãy chờ xem phóng sự hấp dẫn tiếp theo về đêm nhạc này do Lớp JDD và Nhóm Cố Yến thực hiện. 01.11.2013 Phong van LM.Thanh Tâm ve Ban HalleluiaNhư đã hẹn trước, vào buổi sáng đẹp trời hôm thứ bảy ngày 26/10/2013 vừa rồi, anh em đại diện Lớp Jean De Dieu & Nhóm Cố Yến đã tề tựu tại Nhà sách ĐMHCG, có mặt gồm: Dương Hùng, Thành Mỹ, Minh Giàu, Minh Tân và Quang Minh để được gặp gỡ phỏng vấn LM. Nguyễn Thành Tâm (được biết Ngài hiện là Phó xứ nhà Thờ ĐMHCG, phụ trách Thiếu nhi thánh thể). Tuy hẹn gặp Ngài vào lúc 9g30 nhưng anh em đã đến sớm trước 9g. Cha Thành Tâm tiếp đón anh em tại phòng làm việc của Ngài tại tầng 1 của Nhà xứ ĐMHCCG Kỳ Đồng. Đây là 1 căn phòng tuy sáng sủa nhưng khiêm tốn, cũ kỹ và có phần hơi bề bộn một chút do có chứa nhiều tư liệu, tranh tượng. Để trang bị cho cuộc phỏng vấn này, anh em đem theo 1 camera Sony hiện đại, 02 cái máy chụp ảnh digital và 01 máy thâu băng. Vào đề, anh em thưa với Cha là muốn gặp gỡ Cha là vì các lý do như sau: 1/ Đại diện anh em Lớp JDD & Nhóm Cố Yến chúc mừng Cha nhân kỹ niệm 50 năm khấn dòng mà vì biết tin trễ nên chúc trễ, xin Cha thông cảm. 2/ Minh Tân đại diện mời Cha đến dự Lễ Lục tuần của các anh em vào dịp Tết Dương lịch. 3/ Và cuối cùng, thay mặt anh em có lòng yêu mến và có nhiều kỹ niệm với dòng nhạc Vào đời Alléluia xin được phép phỏng vấn Ngài một đôi điều đáng quan tâm về chủ đề này (đây là nội dung chính của buổi gặp gỡ) Về 2 việc đầu Cha cho biết như sau: Việc tổ chức kỹ niệm khấn dòng không có trễ vì nhà Dòng sẽ kết hợp với Lễ kỹ niệm 80 năm thành lập DCCT SG, 50 năm thành lập Giáo xứ ĐMHCG vào ngày 30/10/2013 để tổ chức mừng kỹ niệm cho các LM luôn thể, trong đó có Ngài. Còn việc tham gia dâng Thánh Lễ tại gia cho anh em nhân dịp Lục tuần thì Cha vui vẽ nhận lời và căn dặn Minh Tân phải xin phép Đức Cha hoặc Cha sở địa phương.
PHẦN PHỎNG VẤN LM.THÀNH TÂM, THÀNH VIÊN SÁNG LẬP BAN ALLELUIA & DÒNG NHẠC “VÀO ĐỜI”
(Đây chỉ là chuyện “kể trước” cho biết một số nội dung, còn sự kiện chính xác sẽ có vidéo clip do TM và CDH biên tập và phổ biến chính thức sau)
Chúng tôi không ngờ Cha Thành Tâm lại có sẵn tư liệu “tạm gọi là” đồ sộ như vậy về Ban Halléluia & dòng nhạc Vào đời từ thuở ban đầu thành lập: các bản nhạc, hình ảnh, thư từ, bài báo và các tài liệu khác. Nhiều thứ tuy đã cũ kỹ ngã màu ố vàng nhưng được sắp xếp cẩn thận theo thứ tự trong các album, file hồ sơ một cách thứ tự, lớp lang. Phải là người có tâm huyết và gắn bó thì mới có nỗ lực lưu giữ kỹ càng như vậy! Nếu như có ai gợi ý làm 1 cuốn sách để tập hợp tư liệu về phong trào Nhạc Vào đời_Ban Halléluia thì chắc… phải tìm đến đây để tham khảo các tài liệu quý này. Trong thời gian phỏng vấn ghi hình quay film, chúng tôi mà đặc biệt là CDH đã tích cực bấm máy chụp hình các tài liệu. Mặc dù, ngoài việc tự tay giới thiệu các tư liệu cần thiết, phần còn lại Cha nói đây là tài liệu riêng tư có tính chất cá nhân nhưng tranh thủ lúc Cha đang trả lời phỏng vấn, anh em cứ… làm tới. Tuy có chuẩn bị câu hỏi sẵn để phỏng vấn nhưng câu chuyện cứ tuôn trào thoải mái, trao đổi qua lại vui vẽ giữa cha con.
Có thể tóm tắt như sau:
1. Về thời điểm, các nguồn động viên thúc đẩy thành lập dòng nhạc Vào đời_Ban Halléluia: - Theo Ngài cho biết và coi các tài liệu thì chúng tôi thấy rằng năm ra đời của Ban Halléluia là vào năm 1967, mà cụ thể là vào ngày 28 và 29/1/1967 với buổi trình diễn hai bài hát "Vào đời" và "Người gieo giống" tại sân khấu Domaine De Marie ở Đà Lạt gồm các khán giả đa số là nữ tu. Buổi biễu diễn thứ hai (ít ra là như vậy) đánh dấu với việc lancer bài "Alléluia - Hát lên người ơi" của Ban Halleluia Học viện được thực hiện vào ngày 11/6/1967 tại buổi cơm gia đình kết thúc niên học để cám ơn các cha giáo. - Các nguồn động viên cổ vũ: ngoài ảnh hưởng của luồng gió mới từ Cộng đồng Vatican II, từ dĩa nhạc nhóm Học viện DCCT (Canada), và sự gợi mở của LM.Nguyễn Ngọc Lan, giáo sư Triết, (vừa du học bên Pháp về)... Ngài cho biết còn có sự ủng hộ trực tiếp rất nhiệt thành của Cha Cao đăng Minh(Phó giám đốc Học viện), Cha Nguyễn Tự Do, tuyên úy quân đội phụ trách Giờ phát thanh công giáo (ở Sàigòn) và sau này là sự hỗ trợ của cha Louis Qui (coi nhóm bụi đời An Phong, bên Pháp) … - Về ảnh hưởng của dòng nhạc: Ngài cho biết có chịu ảnh hưởng bởi dòng nhạc ngoại quốc Tây phương thời đó mà Ngài từ nhỏ tới lớn, do “gen’’ của mẹ, đã thường tiếp xúc và chơi thể loại nhạc này. Nhưng Ngài đã soạn lại để thích nghi thành dòng nhạc đặc thù như đã biết. Ngài tâm sự: "Sau này, hàng chục năm sau, có nhiều tác phẩm cũng mang danh nghĩa "Vào đời" nhưng nhạc nghe sao không giống thể loại của tôi, mà giống như là tân nhạc "Đời" vậy?!..." Anh em cũng có nghe vào thời đó có Soeur Sourire (dòng Đaminh) cũng sáng tác với thể loại nhạc tươi trẻ hấp dẫn, nên hỏi Ngài có bị ảnh hưởng không? Ngài cho biết không có liên quan gì. Tuy nhiên, Ngài tiết lộ có chịu ảnh hưởng bởi phong thái của LM.Aimé Duval là người đã có sáng kiến sáng tác và hát những ca khúc có nội dung "đạo đức" trong một số quán ăn ở bên Pháp vào thập niên 50....
2. Thành viên ban đầu: - Chúng tôi may mắn có được 01 tấm hình quý do Cha Thành Tâm đưa cho coi, thấy các thành viên ban đầu gồm khoảng hơn 10 người, (đính kèm hình, từ trái sang phải, có vài người bị khuất) là Các Thầy: Trần Ngọc Tá, Trần Sỹ Tín, Trần Ứng Tường, Vũ Nhuận (?, vì hình bị khuất không rõ), Ngọc Thái, Thành Tâm, Vân và Vinh. Người đánh trống bị khuất là Thầy Thủy. Còn Tiến Lộc, Đức Mầu và Tuấn khuất phía sau? - Hỏi Ban Halléluia có bầu trưởng ban, phó ban gì hay không? Cha Tâm trả lời là không! Tuy cha không tự nhận, nhưng chúng tôi thấy Ngài (nhạc danh khác là Tuấn Anh), tay “guitar Lead” lúc đó, xét về kiến thức âm nhạc và chỉ vẽ cho các bạn…và các bản nhạc do Ngài sáng tác, chiếm lĩnh trong dòng nhạc Vào đời, thì chúng ta có thể coi Ngài là người sáng lập ra Ban Halléluia (!) và thể loại nhạc này, mà sau này được tiếp nối bởi những người khác (?)
3. Về thành kiến và áp lực: với sự tò mò, chúng tôi phỏng vấn Ngài câu này. Ngài nói không biết sau này ra sao nhưng thời của Ngài thì Ngài không cảm thấy bị áp lực gì vì mọi việc Ngài có xin phép Bề trên rồi. Tuy nhiên, lúc đầu không hẵn là được mọi người đón nhận ! Ngài cho biết có một Đức Cha (nay đã quá cố), ra 1 văn thư chính thức cấm giáo phận hát thể loại nhạc Thành Tâm trong thánh lễ. Và một số LM ở đó kháo với nhau : khi nào Đức Cha không làm chủ tế thì tùy nghi mà hát, nhưng hát với tiết tấu chậm lại là được. Sau này, tình cờ Đức Cha nghe thì khen, nói bài hát này của ai mà nghe được quá... Một số bài nhạc Vào đời hiện nay được đưa vào Phụng vụ, hát trong thánh lễ !
4. Sự chia tay của Ban nhạc: với sự suy nghĩ rất đời là thông thường các ban nhạc sẽ chia tay tan rã phần lớn do có sự lục đục trong nội bộ. Thí dụ như Ban Beatles chẳng hạn. Nhưng khi phỏng vấn câu này, Ngài cho biết : “không có sự chia tay như vậy đâu! Chẳng qua là sau khi hết năm Thần học 4 thì anh em Lớp chúng tôi phải đi “thực tế”, mỗi người chọn một hình thức tông đồ mình thích. Người thì lên Pleiku, người thì tháp tùng các cha già đi giảng Đại phúc hoặc nhận một công việc khác do Bề Trên gợi ý. Thế là mỗi người mỗi hướng”! Tuy quên không hỏi thêm! Nhưng theo anh em chúng tôi suy đoán, Ban Halléluia chỉ hoạt động trong thời gian ngắn ngủi, khoảng hai năm thôi khi còn ở Học viện Đà Lạt. Nhưng sau này dòng nhạc Vào đời vẫn tiếp diễn và có các ban nhạc “hậu sinh” khác tiếp nối. Điển hình là vào khoảng năm 1970, Lớp Jean De Dieu chúng tôi đã hình thành 2 ban nhạc cũng mang tên gọi Vào đời (hình như là duy nhất tại ĐTV vào thời đó). Một ban gồm các tay đờn trống lão luyện gồm: Việt Anh, Đắc Nghĩa, Quốc Thắng và Thanh Lâm (trống). Một ban trình độ hơi nhỉnh hơn gồm: Đình Tuyên, Nam Mỹ, Thành Mỹ và Chí Minh (trống).
5. Ý nguyện của Cha Thành Tâm khi sáng tác nhạc Vào đời: Tuy không được chuẩn bị trước với một câu hỏi khá lớn lao trừu tượng như vậy, Ngài đã bộc bạch với chủ ý rõ ràng : "Xin được làm một chút gì gọi là để góp phần vào gia sản Thánh nhạc của Giáo hội, để ngợi khen Chúa. Ai đón nhận được thì đón nhận. Ai chê bai thì mình cũng đón nhận...". Ngài nói thêm, trên trang mạng Ca trưởng, cũng đôi lúc có bình luận hơi nặng lời đối với dòng nhạc Vào đời hoặc sau khi nghe hát ở đâu đó, có người tới méc : “tụi nó hát sai quá xá, anh mà nghe chắc phải nổi giận đập trống luôn!”... tôi nghe thì cũng cười vậy thôi…(Miễn sao họ cầu nguyện ngợi khen Chúa Mẹ là được rồi!)
6. Các chi tiết thú vị khác: - Ở trên mạng có hình chụp hành lang lầu thượng Nhà Dòng Đàlạt, nói đây là chỗ Ban nhạc Alleluia tập luyện khi xưa. Nhưng Ngài đinh chính là không đúng như vậy vì chỗ này trống hoác. Nếu tập luyện hát hò trên đó thì ồn ào lắm!... Chỗ tập luyện, thâu băng của Ban là căn phòng nhỏ kế bên cầu thang, tầng hầm ở bên phải của bức hình. Nó là phòng để nghe nhac, xem phim..của Học viện. - Có 1 bức hình quý chụp cảnh Cha Thành Tâm đang đàn acordéon, ông Cố Phêrô Hoàng Yến đang thổi kèn Harmonica (Ngài giả bộ thôi!). Anh em cho là chụp ở Vĩnh Long. - Hỏi là trên mạng có nghe nói Ban Alleluia có trình diễn ở... vũ trường? Ngài nói chưa! Vào thời Ngài, Ban Alleluia đã lưu diễn tại các dòng tu nam-nữ, các Tiểu-Đại chủng viện, Nam-Nữ Trung học, Đại học công giáo… ở Đàlạt. Và tại Nha Trang, dịp hè, trên sân khấu nhà. - Có thủ bút của ĐHY.FX Nguyễn Văn Thuận gửi cho Cha Thành Tâm viết : "Lúc này con còn sáng tác không? Đó là đặc sủng của Chúa ban cho con, phải nhớ mà sáng tác. Gửi cho Cha với!...". Và lá thư của Đức cha P.Nguyễn Văn Nhơn, lúc ngài còn ở Đàlạt…. - Hỏi về các tác phẩm nhạc mà Ngài sáng tác khoảng bao nhiêu? Ngài cho biết khoảng 180 bài, tính luôn dài ngắn. - Nói về ước muốn ghi lại lịch sử của dòng nhạc vào Đời: chúng tôi có tình cờ chụp được 1 tài liệu lịch sử do chính Nhạc sĩ biên soạn từ lâu với màu giấy đánh máy ố vàng, trong đó trình bày mạch lạc, theo mục lục như sau: I. Tiền thân của thể nhạc này. II. Thời kỳ hình thành và phát triển, qua 3 giai đoạn: A. Từ "ngoài nhà thờ": 1967 - 1970 B. Mời tiến vào "trong nhà thờ": 1970 - 1980 C. Để "đi vào Phụng vụ" (đặc biệt là Thánh lễ "giới trẻ" và "thiếu nhi"): 1980 - 1990 (tiếc là người viết chỉ chụp trang đầu, đính kèm)
Buổi nói chuyện kết thúc vào khoảng 11g30. Khi đến đoạn cuối anh em có mời Cha Thành Tâm giới thiệu về song thân của mình, mà tro cốt của các vị để ngay tại phòng làm việc của Ngài.
Sau cùng, anh em cám ơn Ngài đã dành thời giờ tiếp anh em để có được cuộc nói chuyện thú vị này!
* Ghi chú: - Nghe lại băng ghi âm mới thấy rõ tính không chuyên nghiệp của anh em ta khi đi phỏng vấn: Lúc Cha Thành Tâm đang kể chuyện mạch lạc hoặc đang trả lời phỏng vấn đi vào chủ đề chính. Anh em ta tự nhiên nói đùa, đưa vào thông tin khác phang ngang nữa chừng, làm cho Ngài phải lịch sự bắt chuyện, rồi tới phiên anh khác lại nhảy vào đế thêm nữa...., thành ra cuối cùng quay lại với chủ đề chính không được nữa mặc dù Ngài đã cố gằng làm vậy. Mà nhiều lần lập đi lập lại như vậy thành ra câu chuyện đứt khúc nữa chừng, giống như 1 buổi nói chuyện tâm sự chứ không giống buổi phỏng vấn để có được tư liệu quý đang được quan tâm. May là có chụp hình tư liệu mới còn chuyện để kể. Bái phục cho anh em ta (trong đó có tớ) và xin lỗi cha Thành Tâm. - Bài viết này đã hân hạnh được Cha Thành Tâm, mặc dù bận nhiều việc nhưng đã bỏ thời giờ duyệt qua, chỉnh sửa về các chi tiết lịch sử. Nhân tiện, nếu Cha Thành Tâm thấy có gì cần nói thêm thì xin cho biết. Xin được cám ơn Cha. - Các hình ảnh tư liệu gửi kèm chỉ là 1 phần nhỏ, còn các tư liệu khác do TM và CDH chụp hình, quay film ghi nhận lại chưa thể truyền đạt hết. Tuy nhiên, nếu muốn tìm hiểu thấu đáu hơn về chủ đề này, chắc anh em ta phải chịu khó quay trở lại một lần nữa. MS -------------------------------------------ĐÊM NHẠC LOAN BÁO TIN MỪNGSau đây là phóng sự về đêm Văn nghệ diễn ra tại Hội trường ĐMHCG hôm 30/10/2013 với chủ đề "Đêm nhạc loan báo tin mừng theo cách thức mới: Niềm hy vọng, con tim và cấu trúc được đổi mới vì sứ vụ". * Cameraman kiêm đạo diễn hình ảnh: Dương Hùng * Tổng biên tập _Hiệu ứng đặc biệt và tư vấn lời bình: VT.Thành Mỹ * Tổng Dám chế_ Người kể lại, khi khán giả không có điều kiện đi xem, mà người đó cũng không có đi xem luôn (chức vụ này mới, không có trong đoàn làm film hiện đại): Minh Sỹ
Đêm Văn nghệ do nhà Dòng tổ chức để kỹ niệm 80 thành lập DCCT SG và 50 năm lập GX ĐMHCG. Khách mời toàn là VIP phải có vé mời mới được vào. Anh em ta cử hai đại diện đi thì chỉ có Cao Dương Hùng có vé mời nên lọt vào trong với máy quay film, còn Thành Mỹ phải đứng ở ngoài canh cửa. Phóng sự sau đây là dựa vào cuốn film mộc do CDH quay được và đang được TM biên tập lại.
Đang lúc "dầu sôi lữa bỏng", thì Viện[1] bị hư Card màn hình nên hàng loạt bộ film bom tấn sắp tung ra phải đình trệ, không thể đưa lên You Tube được, trong đó có bộ film vidéo phỏng vấn LM.Thành Tâm và bộ film về Đêm văn nghệ này. Trong khi chờ đợi khắc phục sự cố kỹ thuật coi bộ film phát hành chính thức, có thể kể sơ lược trước như sau, :
Đêm VN thật hoành tráng với nhiều tiết mục hợp ca, tốp ca, đơn ca…với dàn nhạc hiện đại, được trình bày công phu và nhiều màu sắc. Hội trường đông nghẹt người. Ghi nhận có sự hiện diện của Cha Bề trên Tổng quyền và Cha Giám tỉnh. Trong 1 phần giới thiệu, MC có cho biết thời gian 50 năm trôi qua của dòng nhạc Vào đời (?). Có nhiều tiết mục văn nghệ, nhưng chỉ xin kể về các tiết mục đáng lưu ý của các cựu thành viên Ban Halléluia như sau: 1/ Cha Trần Sỹ Tín hát 2 bài: "Xuất hành", lời của Cha Sỹ Tín nhạc của Cha Thành Tâm và "Mẹ núi rừng" do chính Cha Tín viết lời và phổ nhạc. Mặc đồ dân tộc với màu sắc rực rỡ lạ mắt và giọng hát khỏe, Cha Tín đã gây được sự thu hút của các khán thính giả
2/ Cha Phêrô Nguyễn Đức Màu (Hoàng Đức), cũng mặc đồ dân tộc Jrai, được giới thiệu là tác giả của bản "Hành Trang người trẻ". Được biết đây là 1 bài hát nổi tiếng, đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và trình bày ở nhiều nước trên thế giới. Bài này anh em đã thuộc từ hồi còn ở ĐTV: Lạy Chúa chúng con về từ bốn phương trời. Lạy Chúa chúng con về từ khắp thôn làng. Cùng với lớp sóng người hành hương…. Khi được phỏng vấn tại sao lấy tên là Hoàng Đức, Cha trả lời vui với đại ý là: vì mình sáng tác dỡ nên sợ lấy tên thật người ta nghe ẹ quá tới …chửi nên mới giấu tên lấy biệt hiệu là vậy….
3/ Một tiết muc hấp dẫn có phần hơn cả tiết mục của Ban Tam ca áo đen trình diễn ở Australia: - Cha Giám tỉnh nắm tay giới thiệu Cha Thành Tâm trên sân khấu (trong phần trước đó) . - MC phỏng vấn Cha Thành Tâm nói về lịch sử nhạc HalleluiaVào đời (chuyện này anh em đã biết qua bài phỏng vấn gần đây). Đoạn này thu không rõ nên chỉ nghe Cha Tâm nói loáng thoáng - Cha Thành Tâm mời Cha Tiến Lộc, Cha Sỹ Tín, Cha Đức Màu lên sân khấu để cùng hát bài Vào đời. Đây có thể tạm gọi là nhóm "Tứ trụ" hay nhóm "gạo cội" mà hàng chục năm nay mới thấy lên sân khấu hát lại với nhau. - Với sự nhiệt tình của 4 lão ca sĩ, giai điệu hấp dẫn của bài hát và động tác mời gọi của Cha Thành Tâm, cả khán phòng múa tay hát hòa nhịp và cuối cùng đứng cả lên để hát và hòa mình với bài hát. Thật là cảm động (anh em cho rằng hát bài này giúp hướng lên Thiên Chúa còn hơn cả đọc …10 bài kinh)
4/ Cha Tiến Lộc bước lên sân khấu (đây có thể là tiết mục gợi mở cho định hướng âm nhạc theo các thức mới chăng? ghi chú của người viết): - Hỏi có ai tiếp bước con đường âm nhạc với các Cha Hoàng Diệp, Thành Tâm, Sỹ Tín, Hoàng Đức hay không? Thưa có: Hoàng Phương, Quang Huy, Xuân Tường... chúng tôi cũng tiếp bước theo dòng nhạc Halleluia_Vào đời, nhưng quẹo sang 1 bên, đi vào các ngõ ngách nhỏ của cuộc sống…. - Đây là thể loại nhạc sinh hoạt, không hát trong nhà thờ, mà từ nhà thờ đi ra…, có thể ứng dụng trong sinh hoạt, games show nhưng mang ý nghĩa tôn giáo… - Rồi trên sân khấu chiếu lên một bài hát với 04 câu như sau (số thứ tự do người viết tự đặt ra cho dễ hiểu):
Nhạc bài này rất đơn giản. Sau khi giúp cộng đoàn tập hát trọn bài. Cha TL lần lượt gỡ từng cột chữ: 6, 5, 4, 3. Và điều lạ là dù mất đi lời ở các cột này, bài hát vẫn giữ nguyên âm điệu sinh hoạt vui và có ý nghĩa (xem vidéo sẽ thấy cảnh…lột từ từ, cuối cùng tưởng tượng chỉ còn cái mũ và chiếc giày, ở giữa không còn gì, càng hấp dẫn này). Cả khán phòng hòa mình với bài hát mới lạ này. - Lời kết của Cha TL: Chúng ta xin cho chúng ta có 1 cuộc đời tin nhau trong niềm tin và niềm vui để tạ ơn Thiên Chúa.
The End MS
* PS: Bài này chỉ để kể lại tóm tắt trước khi coi vidéo chính thức. Các chi tiết có thể không đảm bảo tính chính xác và có đoạn bình loạn không được nghiêm túc. Xin anh em thông cảm và nếu cần thì phê bình cho. [1] "Viện" thiệt ra chỉ là một máy vi tính được trang bị khá hiện đại, có bộ lưu trữ mạnh, đặt tại 1 góc nhỏ tại nhà của Thành Mỹ, để biên tập film sinh hoạt trong nội bộ anh em. Anh em nổ lốp bốp đặt tên thành là "Viện Nghiên cứu Quản lý văn hóa TW" và đặt luôn cho TM là Viện trưởng, viết tắt là VT |
Sinh Hoạt GĐAP >