Lời Bạt
Sydney trời vào thu. Mặt trời đi ngủ sớm. Tại thủ phủ Cabramatta của người Việt ở đất nước “lộn ngược đầu” (down under) từ 5g trở đi không còn đông đúc như thường lệ. Hàng quán bắt đầu đóng cửa cho dẫu tình-hình an-ninh tốt hơn trước nhiều. Chuyện đóng cửa sớm đã trở thành cái lệ. Thế nhưng điều kỳ lạ, là sự đông đúc đó đã tự-động di-chuyển đến một khu không xa, đó là thủ-phủ Canley Heights, bỗng nhiên trở nên sầm-uất bất kể ngày đêm. Không ai giải thích được lý do. Tôi có một cái hẹn với Trần Ngọc Tá - tác giả Chuyện Phiếm Đạo Đời tại một quán cà phê ở giữa cái không khí sầm-uất đó. Thế nhưng quán vẫn có một góc riêng để chúng tôi ngồi hàn huyên tư riêng. Đến với quán, không phải vì cà phê ngon hay nhạc Pháp trữ-tình. Nhưng, vì nó có một không gian thích hợp cho những tâm-sự khi Trần Ngọc 12 nói về Chuyện Phiếm Đạo Đời tập 14. Tôi đến đón anh tận nhà, cứ coi như làm tài xế Uber cho một chuyến đi nhàn-hạ sau bữa tối. Sau cái nhấn chuông, chẳng phải chờ lâu, hình như anh đã sẵn sàng đứng ở cửa trước chờ tôi. Dân học chương trình Tây mà, lại từng làm “lớn” cho hãng bia B.G.I. trước năm 1975. Gọi là đi uống cà phê, thế nhưng chị nhà đã tiễn anh ra tận cửa. Chỉ tiếc là chúng tôi đành phải “bất lịch sự” không mời chị cùng đi. Anh vẫn ‘lịch lãm’ như bất cứ khi nào, áo bỏ trong quần, đầu đội nón feutre, giầy Tây đàng-hoàng chứ không “xuyền xoàng” như tôi mỗi lần có ai đó rủ đi uống cà-phê, cà pháo. Từ năm 1973, tôi không còn là tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế sau thời gian 3 năm đi thử (trong Dòng gọi là “probation”). Còn anh, cũng giã từ “chiếc áo dòng và vòng chuỗi 150 kinh” từ năm 1969, sau khi đậu cử nhân văn-khoa phân-khoa triết tại đại học Đà Lạt. Lý do anh chọn một hướng đi khác, tôi không biết. Nhưng chỉ biết là: vào thời gian đó, đang có xung-đột giữa cái cũ và cái mới trong rất nhiều lãnh-vực của nhà Dòng. Môi-trường giáo-dục trong Dòng Chúa Cứu Thế tại Việt Nam - từ đệ-tử-viện đến Tu-tập-viện và Học-viện - cũng không ra khỏi tình-huống xung-đột đó. Vở kịch “Chàng Trai 18” do linh mục Thiện Thi Dòng Chúa Cứu Thế viết kịch-bản và đạo diễn thời đệ-tử-viện Vũng Tàu với chủ đề là “muốn sống thực với chính mình”, dẫu có phải “xoá sổ làm lại từ đầu”. Trong đời sống đức tin, giới trẻ thời bấy giờ cũng muốn sống THỰC, không muốn sống “rập khuôn” hay “máy móc”. Ý thức đó, đương nhiên dẫn đến một sự “bộc phá” dẫu có phải trả một giá khá đắt. Thế nhưng, cái giá này còn tuỳ thuộc vào thời-vận, cũng không ai giải thích nổi. Sau biến cố 30 tháng tư, Trần Ngọc 12 cũng phải đi “học tập” vì cái mác “làm xếp” một Trung Tâm hãng bia B.G.I. do người Pháp làm chủ. Sau đó cũng “tiền mất tật mang”, “trầy da tróc vẩy” tìm đường ra khỏi nước. Thế nhưng, thời-vận của Trần Ngọc 12 là “đường đường chính chính” chẳng cần phải lẩn trốn “chôn dầu mỡ” ở đâu hết. Anh và chị đi phi-cơ đàng-hoàng đến Úc đoàn-tụ với hai con trai ở Sydney. Sau một thời gian ngắn thích-nghị với cuộc sống mới, anh ghi tên học cử-nhân văn khoa - phân khoa thông & phiên dịch tại đại học Western Sydney ở Bankstown và năm 1998 anh ra trường. Trong thời gian này, anh làm việc cho bộ gia cư tiểu-bang New South Wales. Nay, anh đã nghỉ hưu và làm thông dịch theo dạng “freelance”. Bao nhiêu thời gian còn lại, anh dành cho chuyện dịch sách đạo và viết Chuyện Phiếm. Cho đến nay là Chuyện Phiến Đạo Đời tập 14. Chuyện xung-đột cũ/mới không chỉ xảy ra vào những thập niên 60’, hay 70’ tại Việt Nam mà ngay tại đây - một đất nước tự do - vào lúc này, năm 2018, vẫn cứ xảy ra. Vì thế, chủ-đề Mới & Cũ mà Trần Ngọc 12 đề-cập đến trong Chuyện Phiếm Đạo Đời không phải một lần mà đủ. Đó, là chưa nói đến một thực tại. Đó, là có thể “tôi rất cấp tiến, phóng-khoáng trong lãnh vực này, thế nhưng biết đâu tôi lại bảo thủ, ngoan-cố trong lãnh vực khác. Tôi phải chiến đấu với cái cũ và cái mới ngay trong con người của tôi. Đó, chính là bi kịch của cuộc sống”. Trong bối cảnh đó, tôi không nghĩ Chuyện Phiếm Đạo Đời tập 14 sẽ là tập cuối của Trần Ngọc 12. Bao lâu còn sức, bấy lâu anh còn viết. Trong chốn bạn bè, chúng tôi thường nói không biết “bọn mình còn sức để tiếp tục đọc những sáng tác của Trần Ngọc 12 hay không?” Thế nhưng, chuyện viết là chuyện của anh, còn chuyện đọc là chuyện của bọn tôi. Xin Chúa chúc lành cho cả người viết lẫn người đọc. Có lần anh tâm sự với bọn tôi, là: chỉ cần một người đọc biết “rung đùi thấm thía”, thì anh cũng lấy làm hả dạ lắm rồi. Tôi thích cái khiêm tốn đó của Trần Ngọc 12. Cám ơn anh Trần Ngọc 12.
Vũ Nhuận Sydney, trời vào thu 2018 |
Trần Ngọc Mười Hai > Chuyện Phiếm Đạo Đời >