Tâm
tình này, người viết đã thổ lộ vào ngày giới thiệu Tuyển tập I, hôm
24-3-2008, ở Sydney. Tiết mục này, nghe qua có vẻ hơi to tát. Nhưng kỳ
thực, cũng chỉ là những tình tự đầy nét cảm tạ, gửi đến bạn bè/người
thân đã bỏ công sức thực hiện buổi họp mặt, hôm ấy.
Trước khi đi vào chi tiết, người viết mạn
phép thay mặt bản thân, gia đình và bầu bạn, xin được gửi đến tất cả
các người anh người chị, có mặt vào buổi ấy, lời chào rất thân thương,
đầy tâm tình biết ơn. Cảm tạ đầu, xin gửi đến anh chị và các bạn, đã bỏ
thì giờ vàng ngọc, đến với buổi giới thiệu Tuyển tập I, để tỏ bày tâm
tình thương mến, với chúng tôi. Nhất là Linh Mục Mai Văn Thịnh, mà hôm
ấy chúng tôi gọi Linh mục “nhà”, đã bay từ Melbourne về Sydney, vào
buổi sớm. Thật cảm động.
Và,
được một cử toạ đông đảo như thế, đã chứng tỏ là anh em mình đang làm
một việc rất vui và rất thích. Đáng khích lệ. Tiếp đến, người viết cũng
xin cảm tạ linh mục Dominic Đinh Văn Trung đã cho phép chúng tôi mượn
hội trường để thực hiện buổi giới thiệu Tuyển tập I. Cảm ơn “Người bạn
đời luôn đồng hành trong hành trình đi Đạo” của tôi, các anh chị trong
ban tổ chức, như: các anh Vũ Nhuận, Huỳnh Công Lợi, Nguyễn Duy Lâm,
Nguyễn Phương Anh, Nguyễn Văn Thắng, các anh chị trong ban đàn ca là:
anh Đặng Hữu Hiếu, chị Lệ Mai, Tuyết Lê, Tuyết Trinh, Thanh Xuân , Minh
Thành và Quốc Danh, anh chị em, con cháu trong nhà và bạn hữu đã cộng
tác ở sau hậu trường. Đã biến buổi này thành hiện thực. Và, hiện thực trong niềm vui chấn chất. An hoà.
Tiếp
đến, khi được yêu cầu nói đôi ba tâm tình của người cầm viết, thú thật
bần đạo chẳng dám nghĩ là mình sẽ là tác giả hay tác thiệt, bao giờ
hết. Nhưng nếu quý vị vẫn muốn biết đôi ba tình tự của người cầm bút
viết những chuyện “không ra đâu và đâu”, mà bần đạo gọi là luận phiếm,
thì xin được phép bộc lộ ngay. Không giấu diếm. Nhưng để cho ngắn và
gọn, xin dùng hình thức hỏi đáp. Cho thân mật. Cho ngắn gọn. Vâng, xin
nói sơ vài điểm để có một chút quá khứ và hiện tại trong viết và lách,
những “Chuyện Phiếm”. “Rất Đạo-đời”.
Trước nhất là câu hỏi: anh bắt đầu viết chuyện phiếm từ lúc nào?
Câu trả lời, như thế này: bần đạo bắt
đầu tập tành viết lách từ cuối thập niên ’60, vào lúc bần đạo còn ngồi
ở ghế gỗ đệ tử viện Dòng Chúa Cứu Thế Vũng Tầu. Khi ấy, bần đạo đã cùng
với một số anh em đồng môn thành lập các báo tường, báo in Ronéo cho
trường, cho lớp, để thi đua. Kịp đến khi, lên Học Viện Dòng Chúa Cứu
Thế Đà Lạt, bần đạo lại tiếp tục được phép theo đuôi linh mục bậc thầy
Trần Hữu Thanh, lúc ấy cho ra các “Bản Cáo Trạng số 1, số 2”, thì bần
đạo hợp tác với hai bạn cùng lớp là Nguyễn Minh Sang (hiện là Lm Dòng
Chúa Cứu Thế) và anh Lê Văn Khuê (hiện dạy Anh Văn ở Sàigòn) ra tập san
nội bộ có tên là “Tài Liệu X”, đề cập những chuyện Đạo, trong đời. Có
vấn nạn.
Tiếp
đến, là câu hỏi: động cơ nào thúc đẩy bạn ngồi viết “phiếm”? Và, câu
trả lời sẽ là: từ thời bần đạo còn mài đũng quần nơi ghế học trường.
Lúc ấy, bần đạo có những ưu tư cùng ý nghĩ tự hỏi rằng: Đạo mình vẫn
hấp dẫn lớp người trẻ, chứ? Tại sao Đạo của Chúa còn mãi ngự trên tháp
ngà cao ngất mà không đi vào đời? Sao ta không tìm cách đưa Đạo vào đời
, để cho lớp trẻ nhà mình chấp nhận Đạo qua giòng nhạc, câu chuyện
không cao siêu, cô đọng như một bài giảng… mà là một cái gì dễ tiêu hóa
hơn.
Lại có người hỏi rằng: tại sao anh gọi đó là “chuyện phiếm”?
Xin
trả lời, là: vào cuối thập niên ’60, vào thời trung học, bần đạo cũng
đã mê say tìm đọc nhật báo “Tự Do” trong đó có mục “Chuyện phiếm hàng
tuần” của một nhà văn lấy tên là Hiếu Chân. Về sau được biết ông là
thầy giáo, biết rất nhiều thứ, dạy rất nhiều điều. Nhưng chỉ thích viết
những gì có liên quan đến sự thật. Mà lại thích viết những điều rất lan
man, tản mạn. Không chuyên. Nhưng, mỗi điều viết trên báo, ông đều tìm
đến cái chân, thiện và mỹ của nó. Cũng từ đó, bần đạo đâm mê kiểu viết
của ông và có ước nguyện: sau này, sẽ tập tành bắt chước. Sẽ tản mạn,
được chừng nào hay chừng nấy. (Xin mở ngoặc ở đây: lúc ấy bần đạo chỉ
mê bài viết của Hiếu Chân chứ không là mê cái “chân” của ông Hiếu!) Bần
đạo hiện không còn nhớ tên thật của ông là gì. Thật đáng tiếc.
Nếu hỏi, tại sao không dùng tựa đề cho sách mình viết như: Suy tư về Đạo? Hay, Suy niệm Lời Chúa? v.v.
Thì,
xin thưa ngay rằng: đầu óc bần đạo còn kém cỏi. Chẳng dám múa rìu qua
mắt bậc đàn anh linh mục, hoặc các thày dạy của mình. Đâu dám, những
suy và niệm. Chỉ biết “phiếm”. Còn hỏi: tại sao lại đặt tên: Đạo-đời.
Nghe hơi giống “Đạo vào Đời” của Dòng Thánh ở Đà Lạt đến thế?
Quả
thật, xin thưa: vào cuối 1968, hay đầu năm 1969 ở Đà Lạt , lúc ấy anh
em học viện Dòng Chúa Cứu Thế đang “rộn” lên với bầu khí “Vào đời”,
những là “Ca vào đời” “Đạo vào đời”, tu sinh vào đời, vv các
anh Nguyễn Thành Tâm, Trần Sĩ Tín, Nguyễn Đức Mầu, Cao Đăng Minh,
Nguyễn Tiến Lộc, Vũ Đức Nhuận, Lương Thế Vinh, Nguyễn Quốc Tuấn, Nguyễn
Trường Thái và nhiều anh em khác trong đó có bần đệ họ Trần này, dự
tính thực hiện một ban đàn/hát mang tên Ban Hallêluyah, gồm những ông
thầy dòng còn trẻ khoác áo chùng thâm, cổ trắng, mang đàn mang trống
lên đường đến với những người trẻ ở giáo phận Đà Lạt, để hát cho nhau
nghe những bài ca “Vào đời”, “Trên đường Emmau”, để nói là: “Chúa yêu
trần thế”, nơi đó có “Người gieo giống ra đi gieo lúa trên ruộng mình”,
và “Tôi thâm tín rằng” vv… Cũng từ đó, bạn bè bần đạo cảm thấy có nhu
cầu đem Đạo vào đời bằng một phương tiện nào đó thích hợp với người
trẻ, hơn. Và hôm nay, 40 năm nhìn lại, bản thân bần đạo thấy mình không
còn đủ sức để đàn và hát xướng nữa, bèn nghĩ ra phương cách khác. Cũng
đem Đạo vào đời, cho người già/trẻ, chỉ thích những vui. Dù, chỉ là vui
đời đi Đạo. Và, sống Đạo giữa đời.
Một câu hỏi khác: tại sao đã dự tính ra sách, anh lại còn ra CD, MP3 hoặc Website, trang Blog nữa? Để làm gì?
Cũng
lại xin thưa: lúc ban đầu, bản thân bần đạo chỉ muốn viết và lách thôi.
Nhưng, một số bạn trẻ và lớp người không còn trẻ, bây giờ đã thấy có
nhu cầu là Giáo hội nhất thiết phải theo kịp thời đại trong sứ vụ rao
truyền lời của Chúa, bằng phương tiện truyền thông hiện đại như các
Audio CDs như bầu bạn thấy có mặt cùng lúc với ấn phẩm này. Thú thật,
về những thứ này, bần đạo cũng mù mờ như một số các “bạn già” ở các
nơi, bèn uỷ thác công việc cho các anh em còn trẻ về người và trẻ về
tinh thần, mà thôi.
Có
được các CDs, MP3 Blogs là do anh em cựu tu sinh Dòng Chúa Cứu Thế,
như: anh Vũ nhuận, Nguyễn Duy Lâm rất dễ thương, rất tận tình. Nên, đã
“xúi dại” như trong lời trần tình của chính anh vào buổi “giới thiệu
sách phiếm”, sẽ đưa lên Blog, một ngày rất gần.
Hy
vọng, những lời tâm huyết ở đây cũng đủ nói lên khát vọng và công việc
mà một số anh em trong gia đình An Phong ở Sydney đang và sẽ thực hiện.
Để đạt thành công trong việc này, ước ao có sự tiếp tay của tất cả bạn
bè, người nghe cũng như người đọc, để rồi Đạo của ta cứ thế phom phom
đi vào cuộc đời. Của mọi người.
Đó là tâm tình rất bé nhỏ của bần đạo cùng các anh các chị đây.
Xin Ơn Trên phụ giúp cho công việc của mọi người chúng ta được tiếp tục và thực hiện có kết quả.
À
quên, còn một câu hỏi nhỏ của một bạn vừa mới quen, hỏi rằng: tại sao
tác giả “chuyện phiếm” không lấy tên thật mà lại dùng bút hiệu dài
dòng, đến thế?
Vậy,
xin thưa: thoạt khi lọt lòng mẹ, bần đạo được xếp hạng thứ mười hai
trong gia đình nhỏ bé, các cụ tìm không ra cái tên nào hay đẹp hơn nữa,
bèn đặt cho cái tên là Trần Ngọc Tá, rồi đi hỏi cha xứ Trịnh Như Khuê
(lúc ấy làm linh mục chánh xứ Hàm Long, Hà Nội), rồi sẽ sửa đổi sau.
Nhưng, cha xứ Hàm Long sau đó làm Giám Mục rồi Hồng Y, các cụ thân sinh
ra bần đạo không còn dám quấy rầy cha/cố nữa. Quên đi mất. Để rồi thằng
bé, khi di cư vào Nam, đến Nha Trang, quan chức cứ gọi tên lên mà hạch
hỏi, thay vì gọi tay Trần ngọc Tá, cứ phiên âm thành Trần Ngọc “Té”,
nghe như thằng bé bị té giếng không nghe tiếng gọi, mãi chẳng lên. Thôi
thì, từ đó xin chọn tên này làm … quê hương. Dẫu khó thương. Và, đó là
những tâm tình hơi khó thương, nhưng có thật, đấy ạ.
Và, bây giờ xin cho đàn em về lại với giếng tình thương, có những chuyện phiếm rất Đạo. Nhưng không đời.
Trả
lời cho câu của anh Phao-lô Vũ Văn Quý, một cây viết khá chuyên trong
phong trào Cursillos, hỏi rằng: anh tích lũy nguồn thơ/nhạc ở đâu,
thích hợp thế? Xin trả lời: tất cả đều là ân sủng. Khi viết tựa đề cho
các bài phiếm, bần đệ cứ loay hoay tìm kiếm, tự dưng có người bạn từ
đâu đó, nhắc nhở một ít tiết tấu, âm điệu. Của nhà thơ. Của người viết
nhạc. Thêm vào đó, trong nhóm sinh hoạt nhỏ của bần đạo thỉnh thoảng
cũng có tổ chức đôi ba buổi nhạc thính phòng “Hát cho nhau nghe”. Nghe
được, bần đạo dùng đó làm nguồn hứng, để viết bài.
Và,
đáp ứng câu của chị Đỗ Thị Thu Vân, cựu giáo chức ở Sài gòn, đã hỏi:
tại sao các vấn đề người viết đưa ra, đều bỏ ngỏ, không giải đáp? Bần
đạo tình thật thưa: mình rất tránh những tranh luận/cãi vã về lập
trường thần học, rất thánh kinh. Phần này, xin nhường lời cho các đấng
bậc cao siêu, đứng lớp. Riêng cá nhân, chỉ nhìn ra vấn đề trong sống
Đạo, ở đời thường. Đã là tốt. Các giải đáp, cho vấn nạn đặt ra cho mỗi
người, ở cuộc sống; hãy cứ để mọi người được kiếm tìm. Một khi đã gặp
gỡ Đức Kitô rồi, sẽ có đáp số cho riêng mình, mà sống Đạo. Trong cuộc
đời. Với mọi người.
Trần Ngọc Mười Hai