NGHIÊNG VAI GÁNH LẤY TỘI ĐỜI
Lm Vĩnh Sang DCCT
Có một quy ước không thành văn, anh em chúng tôi trong Tu Viện không nói
chuyện công việc trong bữa cơm, đăc biệt là bữa cơm trưa, quy ước này nhằm dùng
bữa cơm là cơ hội để vui sống, thư giãn và củng cố tình huynh đệ, cũng vì lý do
đó mà cũng không quy định ai ngồi đâu, chỗ nào. Anh em được tự do chọn lựa chỗ
ngồi, nhưng khuyến khích thay đổi chỗ để có dịp gặp gỡ với nhiều anh em khác.
Bàn của
tôi hay ngồi “vi phạm” điều khuyến khích chung chỉ vì những người ngồi bàn đó
có một mối “thâm thù” không sao giải quyết được, tôi xin chỉ ra ngay “kẻ gây
sự” cho mọi người là một cha tên là Phêrô NTT ( ai muốn hiểu hai chữ NTT là gì
cũng được ), từng thời điểm sẽ có một “nạn nhân” của “kẻ gây sự”, riêng tôi
luôn đứng vai trò “lắp ráp” các sự kiện để gây thêm… kịch tính. Có một thời
gian “nạn nhân” là cha Giuse PVB. Cha Giuse PVB rất hiền lành và có phần loay
hoay lúng túng mỗi khi bị đối phương NTT “gây sự”. Và thế là để tạo ra tình
huống gây cấn, tôi đã “sáng tác” ra một câu chuyện.
Câu chuyện
như sau: Khi đến ngày cuối cùng, Giuse PVB đến trước cửa thiên đàng, Thánh
Phêrô sưu tra lý lịch, xong xuôi ngài hỏi một câu duy nhất: “Buổi trưa ăn cơm
ngồi gần ai ?” Giuse PVB trả lời: “Thưa, con ngồi cạnh NTT.” Thánh Phêrô phán
quyết không chần chừ: “Vào thiên đàng !” ( Xin chú thích một chút: câu chuyện
này phỏng theo khá nhiều câu chuyện tiếu lâm nhà Đạo khác cho rằng, kẻ ở thế gian
đã phải chịu nhiều đau khổ thì thôi, không phải chịu đau khổ ở đời sau nữa… )
Nhưng khi
Giuse PVB mới đi được vài bước thôi thì Thánh Phêrô bất ngờ gọi giật lại, khiến
cho PVB rất hoang mang bối rối. Thánh Phêrô hỏi: “Thế ngồi cạnh như vậy bao
nhiêu năm ?” – “Dạ thưa, hơn 10 năm ạ”. Nghe vậy, Thánh Phêrô tuyên bố chắc
nịch: “Con hãy vào làm… Thánh tổ trưởng !”
Kể từ đó,
Giáo Hội có Lễ kính… Giuse PVB và các bạn Tử Đạo !
Của đáng
tội, cha NTT vẫn thường “vỗ ngực xưng tên” là mình đạo đức thánh thiện nhất Nhà
Dòng, nên tôi mới dựa vào câu ngạn ngữ “chung quanh một vị Thánh có nhiều Thánh
Tử Đạo” để “sáng tác” ra câu chuyện tiếu lâm này, nó trở thành “cây gậy” cho
cha Giuse PVB nhiều năm tháng, và nó trở thành “yếu huyệt” của cha Phêrô NTT ít
là cho đến hôm nay.
Câu ngạn
ngữ “xung quanh một vị Thánh có nhiều Thánh Tử Đạo” có thể không hoàn toàn đúng
trong thực tế, nhưng chắc chắn chung quanh một vị Thánh có nhiều người được
hưởng ân huệ của Thiên Chúa, thậm chí sức mạnh thánh thiện của vị Thánh có khả
năng làm thay đổi thế giới.
Một
Phanxicô đã ghé vai gánh vác, chỉnh lại “ngôi Nhà Thờ” bị nghiêng ngả. Vâng,
chỉ một Phanxicô gầy gò, nhỏ bé và khiêm nhường thôi. Một Thêrêsa Hài Đồng
Giêsu xuất hiện âm thầm trong Đan Viện, 24 năm hiện diện ở trần gian, đã làm
bừng sáng một thế giới đang chìm lỉm trong u tối của sự kiêu căng, ảo tưởng về
văn minh tiến bộ và sức mạnh bom đạn. Một Gioan Phaolô 2 đầy can đảm và khôn
ngoan, đầy nhiệt thành và quảng đại, đã làm xoay chuyển nhân loại, phá tan khối
thuốc nổ như lúc nào cũng sẵn sàng làm tan tành cả thế giới, vén bức màn sắt
che khuất tầm nhìn của nhân loại.
Thứ sáu ngày 5 tháng 7 vừa qua, tại Đền Thờ Laterano. Nhà Thờ Chính Tòa
của Đức Giáo Hoàng, cùng với việc công bố Thông Điệp Lumen Fidei, Hội Thánh kết
thúc giai đoạn Giáo Phận của hồ sơ phong Chân Phước cho Đức Hồng Y Phanxicô
Xaviê Nguyên Văn Thuận ( 1928 – 2002 ). “Cũng
trong ngày thứ sáu, sau Thánh Lễ long trọng tại Vương Cung Thánh Đường Thánh
Antôn Padova tại Rôma, tại giảng đường Antonianum sẽ diễn ra việc công bố bản
dịch tiếng Ý của 6 lá thư Mục Vụ của Đức Hồng Y Thuận, được viết giữa năm 1968
và 1973, được Libreria Editrice Vaticana ấn hành và được Hội Đồng Giáo Hoàng
Công Lý và Hoà Bình sắp xếp” ( bản tin Vietcatholic ).
Chúng ta
đã được nghe nói nhiều về con người này, sự thánh thiện và lòng yêu mến của
ngài đã trở nên tấm gương sáng ngời cho mọi người chúng ta. Trong hoàn cảnh hết
sức rối ren của xã hội Việt Nam
hiện tại, chúng ta có quyền hy vọng vào một vị Thánh của Việt Nam sẽ nghiêng vai gánh vác ngôi
nhà dân tộc này. Hãy góp thêm niềm hy vọng bằng chính lời cầu nguyện của mỗi
người chúng ta.
Lm.
VĨNH SANG, DCCT,
thứ
bảy 6.7.2013
GIA
ĐÌNH AN PHONG:
GIA ĐÌNH CỦA
NHỮNG NGƯỜI KHÔNG GIA ĐÌNH
Con
người sinh ra, ai cũng có cha, có mẹ, có một gia đình... Không có ai từ đất nẻ
mà chui lên... Nhưng vì hoàn cảnh, vì xã hội, vì giáo dục v.v... có một số
người kém may mắn, mất hoặc xa cha mẹ sớm, nên phải sống lang thang, không gia
đình... Đó là trường hợp các em mà người ta gọi tắt là bụi đời; nghề sinh sống
của các em thường là đi đánh giầy...
Lúc đó, năm
1963, tôi làm quản lý trong Dòng Chúa Cứu Thế ở Rạch Dừa, Vũng Tàu. Trong những
lúc đi chợ cho Nhà Dòng, tôi có dịp gặp nhiều em đánh giầy, và lần lần quen
thân với các em...
Một hôm, tám
em đánh giầy tới xin tôi ở... Tôi cười và nói: "Bộ tụi con muốn đi tu hả, nhà
này là một Tu Viện mà ?" Các em trả lời: "Không, tụi con muốn ở với
cha"... Ở với cha mà không chịu đi tu: đó là cả một vấn đề. May phước tôi
làm quản lý Nhà Dòng, nên có một khu riêng dành cho gia nhân, những người giúp
việc cho Nhà Dòng. Để tám đứa ở chung với những gia nhân đó, trong bụng
tôi nghĩ thầm: ở đây buồn chết, chúng nó ở ít ngày rồi sẽ đi sống lại ngoài chợ,
vui nhộn hơn...
Dè đâu, chúng
nó không đi, mà còn rủ thêm các đứa khác đến ở... Thấm thoát, con số lên tới
hơn hai chục. Bấy giờ "Chúa mới can thiệp vào vấn đề".
Trước mặt
Nhà Dòng là một phi trường. Phi cơ và trực thăng của quân đội Mỹ bốc lên đáp
xuống liên lỷ, làm các Cha dạy học ở Đệ Tử Viện, không dạy được. Các Cha phàn
nàn với Cha Bề Trên Giám Tỉnh, và Cha Bề Trên Giám Tỉnh mới giải quyết: đưa Nhà
Đệ Tử lên Sàigòn.Thế là cả Nhà Dòng và Nhà Đệ Tử ra đi di tản, để lại mấy chục
em bụi đời. Và tôi ở lại với các em...
GIA ĐÌNH
AN PHONG bắt đầu tự túc: nuôi gà để nuôi nhau; khởi sự với hai mươi con, đến
ngày 30 tháng 4 năm 1975, số gà lên tới hơn 6.000 con, và từ trước đến lúc đó
đã ăn không biết bao nhiêu và đã bán biết bao nhiêu... Bàn tay của Chúa thấy rõ
ràng. Chúa sinh Chúa dưỡng.
Nhờ đường
lối Chúa soi sáng mà số các em mỗi ngày mỗi tăng thêm. Tôi nói với các em: Chúa
dựng nên con người và cho hoàn toàn tự do. Cho nên trong nhà của mình, chúng
con muốn làm gì thì làm. Đứa nào muốn đi học, cha cho đi học. Đứa nào muốn học
nghề, cha cho học nghề. Còn đứa nào muốn ở không chơi, không làm gì hết, vẫn cứ
được như thường. Không làm gì hết mà đến bữa ăn, có quyền đến ăn như mọi người,
vì mình là đứa con trong nhà thì mình có quyền ăn, còn làm việc là chuyện khác.
Nghe vậy, đứa nào cũng thích, và tụi nó mới rủ nhau đến ở càng ngày càng
đông...
Một hôm, mấy anh lớn có ý kiến giáo dục hay, mới bàn với
tôi. Chúng con muốn chia nhóm. Chia nhóm là làm sao ? Tất cả tụi con đều là bụi
đời. Vậy thì mấy em nhỏ, đi học, là nhóm "Bụi Non". Còn các anh lớn, học
nghề, là nhóm "Bụi Già". Còn mấy anh em không làm gì hết là nhóm
"Bụi Cà Nhỏng" ! Nói rồi và làm liền... Mấy anh em nhóm "Cà
Nhỏng" hơi quê xệ một chút. Nên từ từ rồi mấy anh em đó gia nhập nhóm
"Bụi Học Trò" hay "Bụi Học Nghể"... Thế là ý kiến giáo dục
của mấy anh lớn đã thành công mỹ mãn.
Lúc ấy, cơ
quan viện trợ Công Giáo Mỹ có cho bột mì, làm bánh mì cho học sinh nghèo. Tôi
mới kêu một ông thợ làm bánh mì người Trung Hoa, Chú Hai. Chú Hai xây một cái
lò củi nướng bánh mì. Tôi nói với các em: đứa nào muốn học làm bánh mì thì đi
với Chú Hai. Một số mấy anh lớn đi với Chú Hai... Tôi cũng có mướn hai ông thợ
máy: anh Hai và anh Ba. Tôi nói với các em: đứa nào muốn học nghề thợ máy sửa
xe hơi thì đi với anh Hai, anh Ba... Thế là mấy tháng sau, trong nhà có hai
băng thợ làm bánh mì và thợ máy sửa xe hơi... Như thế là GIA ĐÌNH AN PHONG đã
khai trương Lò Bánh Mì AN PHONG và Garage AN PHONG, thêm phương tiện nuôi sống
các em.
Với thời gian, GIA
ĐÌNH AN PHONG và xe camionnette Peugeot 404 của cha Qui được các em đánh giầy
chẳng những ở Vũng Tàu mà cả Sàigòn-Chợ Lớn biết và nhận diện. Các em rủ nhau
vô ở càng đông... Một hôm tôi đi chợ ở Chợ Lớn. Đi chợ xong, trở lại xe, tôi
thấy mười một em với thùng giầy trên tay, ngồi sẵn trên xe: các em ngồi chơi vì
biết là xe của cha Qui. Tôi ngó các em, các em nhìn tôi cười, chào nhau. Tôi
mới buột miệng hỏi các em: "Cha đi về Vũng Tàu nè, đứa nào muốn đi Vũng
Tàu tắm biển vài ngày rồi trở về Chợ Lớn lại, cha sẽ chở về... Các em dòm nhau,
hỏi ý kiến, rồi bảo nhau: Mình phải đi trả thùng giầy cho "anh nuôi"
đã... Mỗi em có "anh nuôi" và thùng giầy riêng của anh đó. Mấy em
nhanh chân, nhẩy xuống xe và trong mấy phút, chạy trở lại, nhẩy lên xe, ngồi
gọn gàng, vui cười khoái chí...
Thế là 11 em đánh giầy ở Chợ Lớn, không cần tính toán lâu,
bắt đầu đi Vũng Tàu tắm biển... Thứ hai tuần sau, tôi có dịp lên Sàigòn. Tôi
gọi 11 em hôm trước đến và hỏi: "Cha đi Sàigòn đây, tụi con muốn về thì
lên xe". Các em ngó nhau, cười và đồng thanh: "Không, tụi con không
về, tụi con ở lại đây với cha..." Vậy là GIA ĐÌNH AN PHONG tăng số thêm 11
người nữa...
Cùng với
các em bụi đời, có nhiều gia đình nghèo, cũng đến xin ở. Dần dần số những người
này cũng lên đến mấy chục gia đình...
Lại có những em sơ sinh: cha mẹ sinh ra, rồi không thể
nuôi được, đem đến gởi GIA ĐÌNH AN PHONG nuôi giúp. Hoặc các bà mẹ ôm con ra
ngoài chợ, rồi nhờ các bà biết đường giây, ẵm vào GIA ĐÌNH AN PHONG giùm...
Thành phần thứ ba này gia tăng cũng nhanh; cuối cùng trong nhà cũng được ba
phòng, mỗi phòng 40 chục cái nôi... Cùng với các em, Chúa cũng gởi mấy bà, mấy
chị đến tình nguyện nuôi các em... Việc của Chúa làm bao giờ cũng lạ lùng...
Thêm các
gia đình nghèo và các em sơ sinh, thì thêm miệng ăn. Chúa lại gởi quân đội Mỹ
và Úc đem đồ giặt đến: GIA ĐÌNH AN PHONG lại thêm nhà giặt ủi để nuôi sống
nhau... Tạ ơn Chúa !
Nhờ Chúa
soi sáng và dẫn dắt, đường lối làm việc trong GIA ĐÌNH AN PHONG tóm tắt trong
một câu: "Tôn trọng tự do và yêu thương lẫn nhau". Cho nên GIA ĐÌNH
AN PHONG không từ chối một người nào đến xin giúp đỡ. Kết quả: ngày 30 tháng 4
năm 1975, con cái Chúa, tính ra được: hơn 300 em bụi đời, hơn 100 ông bà gia
đình nghèo, và hơn 100 em bé cô nhi...
Đó là
tiểu sử ngắn gọn của GIA ĐÌNH AN PHONG, hôm nay được gởi lên mạng internet. Hy
vọng ông bà anh chị nào đã sống cùng nhau thời gian ngắn dài nào đó, tìm dịp về
gặp lại nhau, chia sẻ vui buồn với nhau. Liên lạc với GIA ĐÌNH AN PHONG ở Pháp:
Lm. Nguyễn Văn Qui, 11 rue des Bornes – 95120 Ermont – France, điện thoại trong
nước Pháp: 0134150584; điện thoại từ ngoài nước Pháp: 33134150584.
Lm. Louis NGUYỄN VĂN QUI, DCCT