Số 82 – Quý 2/2013 VÀO TUỔI NĂM MƯƠI
Kính thưa anh chị em.
Ngày 27 tháng 5 năm 2013, Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam cử hành lễ tạ ơn đặc biệt để khai mạc năm chuẩn bị mừng 50 năm Phụ Tỉnh Đông Dương được nâng lên hàng Tỉnh Dòng (1964 – 2014) và đặt tên là Tỉnh Saigon, trước khi mang tên Tỉnh Dòng Việt Nam. Để tổ chức năm chuẩn bị này, Ban Quản Trị đã không chọn lựa chương trình như phần nhiều các nơi khác ở Việt Nam vẫn làm, nhưng quyết định một chương trình nhắm vào chiều sâu tâm hồn hơn, với những hoạt động đặc biệt nhằm củng cố sứ mạng, thắt chặt tình huynh đệ và sống đặc sủng của ơn gọi. Sẽ không có mở năm thánh vì trong thời điểm hiện tại ở VN, năm thánh đang được mở khắp nơi, sẽ không có làm phòng triển lãm, vì quá tốn kém, mất diện tích sinh hoạt nhưng sẽ bỏ hoang nhiều ngày tháng, sẽ không viết kỷ yếu, vì rất kỳ công, tốn kém nhưng không mấy người xem. Vậy sẽ làm gì? Thưa, sẽ tập trung nghiên cứu, ghi lại con đường và kinh nghiệm truyền giáo của bậc cha anh, đặc biệt tại: Châu Ổ, Pleiku, Fyan và Cần Giờ . Chúng ta sẽ không thiếu những giáo trình mang tính khoa bảng về truyền giáo hoặc, Đối thoại ngày nay, vv… nhưng cần đến kinh nghiệm truyền giáo của cha anh một cách thực tiễn là bài học vô cùng quí báu cho thế hệ hôm nay và mai sau, các kinh nghiệm này mang theo nền linh đạo của ơn gọi “loan báo Tin Mừng cho người nghèo và người bị bỏ rơi hơn cả” (Hiến pháp DCCT). Ghi lại các kinh nghiệm này là vẽ lại con đường “tơ lụa Tin Mừng” mang nặng dấu ấn Ơn gọi của chúng ta. Sẽ nghiên cứu thu tập nhưng công trình của cha anh đã thực hiện trong quá khứ, từ những công trình mà hiệu quả của nó hiển nhiên đến độ không cần chứng minh: Bộ bản dịch Kinh Thánh của Cha Nguyễn Thế Thuấn, báo Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, báo và các tuyển tập Tuổi Hoa… cho đến công trình mang dấu ấn “đột phá” trong phong trào Công giáo Tiến hành sau Công đồng Vatican II, để ngày nay trở thành sinh hoạt bình thường của Giáo Hội như: Trung tâm Mục vụ, Hôn nhân Gia đình cùng với lớp Giáo lý Dư bị Hôn nhân, Lớp Thần học Giáo dân, phong trào cầu nguyện Canh tân Đặc sủng …và các công trình tưởng rằng hoàn toàn mang tình vật chất những khi đề cập đến, mới khám phá ra là không chỉ ở mức độ vật chất, sự ra đời của nó mang tầm mức cách mạng công nghiệp cho một quốc gia non trẻ vào thời đó, như: Trại Gà Scala Đà Lạt, Trại nuôi heo Scala Thủ Đức, Nhà máy thực phẩm gia súc Scala Cát Lái, vv… Và nhiều công trình khác nữa mà năm kỷ niệm là cơ hội để chúng ta nhận ra sức sống mãnh liệt mà chúng ta được thừa kế. Gần 90 năm có mặt trên đất Việt (1924 – 2013), Tỉnh Dòng Thánh Anna đã quá đại độ chia sẻ cho Tỉnh Dòng Việt Nam nhiều thừa sai xuất chúng, 67 vị đã đến và cống hiến cuộc đời cho dân tộc Việt Nam, được kế thừa từ những con người tinh hoa của Ơn gọi, Thế hệ cha anh của chúng ta đã dấn thân không mệt mỏi trên mọi nẻo đường đất nước, thời gian qua thật nhanh, nhiều vị đã ra đi nằm xuống, nhiều vị đã già yếu, thế hệ đầu tiên không còn nữa, thế hệ kế tiếp thì kẻ còn người mất, thế hệ “cha dừa” (chưa già) cũng đã có kẻ ra đi, những câu chuyện truyền khẩu về các ngài có nguy cơ mai một. Sẽ có một bộ sưu tập về các gương mặt cha anh không còn nữa, những gương sáng, thành công cũng như thất bại cả đến ước mơ cũng như cố gắng …tất cả vẫn được nhìn dưới tầm kích cứu độ và ý nghĩa đệ huynh. Song song với những công trình này, chúng ta sẽ có những hoạt động đậm tình gia thất, buổi sinh hoạt thánh ca kỷ niệm 50 năm khấn dòng của các cha anh từng có chân trong ban Halleluyah (dự kiến được thực hiện vào đầu tháng 11 năm 2013), các buổi thăm viếng mang tính cộng đoàn giữa các cộng đoàn miền xuôi và các vùng truyền giáo, các tuần tĩnh tâm liên cộng đoàn thực hiện trong suốt một năm … Cuối cùng xin chia sẻ với anh chị em một tin vui là: Hội Đồng Quản Trị Tỉnh Dòng Việt Nam vừa quyết định chọn Đức Maria Mẹ Hằng Cứu Giúp làm Bổn mạng Tỉnh Dòng (gần 90 năm rồi mới chọn bổn mạng). Chúng ta vui mừng vì được Mẹ làm Đấng bảo trợ. Anh chị em rất thân mến. Đóng góp cho số báo Duc in Altum kỳ này, tôi xin chia sẻ một số những suy tư, dự tính và kế hoạch của Tỉnh Nhà, ước mong anh chị em hiệp thông, cộng tác, cầu nguyện và đống hành với chúng tôi trong dịp kỷ niệm đặc biệt này. Kính chúc anh chị em và gia đình luôn tràn đầy ân huệ của Thiên Chúa, nhờ lời chuyển cầu của Đức Maria Mẹ Hằng Cứu Giúp và Cha Thánh An Phong.
Trong Đức Kitô Cứu Thế. Lm. Vinh Sơn Phạm Trung Thành, dcct. Giám Tỉnh
DU LỊCH NAM PHI-ZAMBIA Lê Chương
Nam Phi Diện tích 1.219.9121.219.912 km2Tổng thống hiện nay là Jacob Zuma Dân số 48.480.000 người Ngôn ngữ: tiếng Anh và tiếng bản xứ Afrikaans Đơn vị tiền tệ: Ran của Nam Phi
Trước khi bắt đầu chuyến du lịch Nam Phi-Zambia trong 18 ngày do Công ty Triumph Tours tổ chức lần đầu tiên tại Úc Châu cho một đoàn người Việt du lịch đất Phi châu, một số bạn bè thân hữu của chúng tôi, không ít người đã đặt câu hỏi rằng Nam Phi có cái gì mà đi, bộ hết chỗ đi rồi sao? Tuy tâm tư có đôi chút do dự không phải lý do nói trên là chả có gì để xem mà do an ninh nhiều hơn, nhưng dù sao ý muốn khám phá một cái gì mới lạ thúc đẩy, chúng tôi đã quyết định ghi tên tham gia chuyến du lịch này. Rời Sydney ngày 18 tháng Giêng năm 2013, chiếc Boeing 707 hai từng của hãng hàng không Thai Airways, sau hơn 9 giờ bay đã đáp xuống phi trường Suvanablumi của Thái Lan. Giờ của Úc và Thái chênh lệch nhau 4 tiếng nên đến nơi mới 2 giờ sáng của ngày 19 tháng Giêng nhưng là 10.30 tối tại Thái Lan. Tiếp theo đoàn mới chuyển qua máy bay Thai Airways thứ hai bay thêm 12 tiếng nữa mới tới phi trường Or Tambo của Johannesburg của Nam Phi. Đặt chân lên đất Nam Phi khoảng 8.15 sáng ngày 19 tháng giêng năm 2013, luật lệ ở đây bắt đầu gay gắt. Nhân viên phi trường bắt các du khách bỏ kính cận xuống và bỏ cả giầy ra. Johannesburg chính là cửa ngõ để vào Nam Phi, nơi từng đón tiếp các du khách quốc tế đến xem World cup vào năm 2010 vì Nam Phi là nước đăng cai. Thăm Pretoria: Tại đây một người hướng dẫn viên du lịch có tên là Henrick Schoeman và là một người Nam Phi chính gốc có tổ tiên là người Đức đến đây lập nghiệp cả ba bốn đời. Cách phát âm vẫn còn pha âm hưởng Đức. Mỗi năm có khoảng 4 triệu du khách đến phi trường này. Nước Nam phi mang lại 40% tổng sản lượng của nguyên lục địa Phi châu. Đoàn chúng tôi được đưa thẳng tới Pretoria, một thủ đô hành chánh của Nam Phi. Chúng tôi được cho biết Nam Phi có ba thủ đô: Pretoria là thủ đô hành chánh, Cape Town là thủ đô lập pháp và Bloemfontein là thủ đô tư pháp. Xa lộ nối liền Johannesburg (còn gọi tắt là Joburg ) rất tốt, lái xe phải giữ lề trái như bên Úc. Cape Town là thành phố có trụ sở quốc hội, nơi soạn ra luật, nhưng họp hành nhà nước lại về Pretoria, cứ 6 tháng trong một năm lại về Cape Town. Người hướng dẫn viên du lịch cho biết ¼ khoáng sản của thế giới là từ Nam Phi. Quốc gia Nam Phi chỉ chiếm có 12% dân số của cả Châu Phi nhưng lại mang lại 10% tổng sản lượng cho Châu Phi. Trên thế giới có 48 loại khoáng sản, mà người ta lại tìm ra tới 47 loại có mặt tại Nam Phi. Nam Phi xuất cảng các nguyên liệu ra nước ngoài nhất là qua Âu châu, rồi lại nhập lại các sản phẩm đã hoàn tất. Kỹ nghệ hẩm mỏ của Nam Phi cần được phát triển hơn vỉ chưa được khai thác đúng mức. Xe có chạy qua những ngọn núi được biết là mỏ platinum. Đất nước Nam Phi có tỷ lệ thất nghiệp cao, đó cũng chính là lý do có nhiều thanh niên trẻ không có việc làm nên tỷ lệ tội phạm đáng quan ngại. Tuy nhiên , nói thế nhưng thật ra, nếu nơi nào mình đến không đúng lúc đều có thể xẩy ra các rắc rối cho mình chứ không phải riêng là tại Nam Phi. Người Nam Phi ăn bắp là chính thay vì gạo. Hai bên xa lộ là những cánh đồng trồng bắp bạt ngàn. Chúng tôi nhận thấy có những chòi bán bắp bên lề đường, đã luộc hay đã nướng sẵn rồi, bắp thấy to hơn tại Úc. Dần dần, dọc theo xa lộ, xuất hiện tầng tầng lớp lớp những mái nhà xiêu vẹo mà vật liệu xây cất là đồ phế thải, có khi là các thùng giấy. Ông Henrick cho biết đây là nơi tá túc của những di dân bất hợp pháp từ các nước láng giềng như Mozambique, Zimbabwe... đổ dồn về đây với hy vọng đổi đời vì Nam Phi chính là một quốc gia giầu nhất Châu Phi. Những di dân bất hợp pháp này có chừng 5 triệu người, chính là một cái gai, một mụn nhọt mà chính phủ Nam Phi chưa tìm ra một phương hướng thích hợp để giải quyết. Chặng đường xa lộ này chỉ dài có 50 km, di chuyển trong khoảng 30 phút mà đã cho du khách thấy sự đa dạng của xứ sở này. Mùa đông ở dây nhằm vào các tháng Năm, Sáu, Bẩy. Tới tháng Tám là bắt đầu có gió nhiều và nóng trở lại. Mùa đông cũng có tuyết trên núi cao. Xe đưa chúng tôi đến thành phố Pretoria, bắt đầu vào thăm Đài Tưởng Niệm The Voortrekker Monument tại Pretoria, thuộc Nam Phi. Đài Tưởng Niệm cao 62 mét, bắt đầu xây vào năm 1938. Trên con đường gần đến thủ đô Pretoria, thì đã thấy nó xuất hiện từ xa từ mọi góc cạnh. Đây là một công trình to lớn bằng đá hoa cương, phơi mình trên một ngọn đồi cao nhìn xuống thành phố, để ghi nhớ công ơn các nhà thám hiểm đầu tiên đã đặt chân tới đất nước này để khai phá miền đất mới. Lịch sử hình thành Nam Phi được ghi qua hành trình di dân của 20, 000 người da trắng, đa số có nguồn gốc từ Âu châu với một số công nhân da mầu di chuyền qua vùng đất này vào các năm 1835-1854 để tìm tự do, tự trị. Các hình ảnh chạm khắc một cách tinh vi phủ kín các bức tường chung quanh trình bầy lại cuộc di dân này. Họ đặt chân đầu tiên đến Cape Colony (từ năm 1806 đã là một thuộc địa của Anh). Ý tưởng xây một Đài Kỷ Niệm đã có từ năm 1888, nhưng mãi đến năm 1931 dự án mới được chấp thuận. Lễ đặt viên đá đầu tiên là vào ngày 16 tháng 12 năm 1938. Nhưng mãi tới 11 năm sau, ngày 16 tháng 12 năm 1949, đài mới được khánh thành. Cách thiết kế và xây dựng cũng có điểm đặc biệt. Ngày nay, cứ đến ngày 16 tháng 12 ánh sáng mặt trời từ cao sẽ xuyên thẳng xuống mộ phần của một chiến sĩ vô danh phía dưới. Nơi ấy, luồng ánh sáng từ mái vòm được khoét lỗ rọi thẳng xuống dòng bia mộ tượng trưng khắc dòng chữ “Ons Vir Jou Suid Afrika” (chúng ta tưởng nhớ những người đã ngã xuống, cho một Nam Phi ngày nay). Dòng chữ được lấy từ bài hát “Die Stem Van Suid Afrika” (Tiếng gọi của Nam Phi). Một hình ảnh đẹp về các dân tộc ở Nam Phi, đoàn kết và hòa hợp dân tộc. Ngay phía trước Đài, là tượng của một người đàn bà và hai đứa trẻ, nói lên vai trò và sự đóng góp của phụ nữ cùng trẻ em trong phong trào Greak Trek của Nam Phi. Phụ nữ gìn giữ gia đình cho chồng đi đánh trận theo phong trào, trẻ em thì nhồi thuốc súng cho cha. Phong trào Greak Trek là tên gọi của cuộc di dân và tranh đấu để có ngày nay của nhiều tầng lớp dân chúng. Tượng đồng của người phụ nữ cao 4 thước và hai đứa trẻ là do nhà điêu khắc nồi tiếng của Nam Phi tên là Anton Van Wouw vẽ kiểu. Hình ảnh này tượng trưng cho nền văn hoá và giá trị Thiên Chúa Giáo luôn được duy trì và củng cố bởi phụ nữ trong suốt con đường dài của phong trào Greak Trek. Bên trong bao quanh tường là những bản điêu khắc diễn tả lại hành trình lên đường của đoàn người rời xứ sở mang theo các đồ đạc sở hữu chất đầy trên các cỗ xe bò của Âu châu, nào dụng cụ đào đất, dụng cụ âm nhạc, và các đoàn mục súc của họ.Đoàn du lịch chúng tôi được dùng cơm trưa tại một nhà hàng Tầu nhưng các người hầu bàn là người bản địa da đên. Bên cạnh chúng tôi thấy một tiệm tạp họa Á châu do người Tầu quản lý. Bước vào cũng có thấy bán ngò, cà tím vân vân. Chúng tôi nhìn chung quanh, có thấy một số các dinh thự của các người nhà giầu. Nhưng nhìn kỹ sẽ thấy có gắn hàng rào điện trên cao dù đã có các bức tường bao quanh khá cao. Điều này chứng tỏ an ninh không được bảo đảm. Sau đó chúng tôi ghé qua một khu trung tâm thương mại lớn có tên Menlyn Centre, thuộc vùng Menlo Park. Một số người trong đoàn mua chuối với giá chỉ có A$1/ký. Nhân viên trong tiệm cân ký ngay tại chỗ trái cây, gắn giá tiền ngay lên gói, rồi khách hàng mới đem ra quầy trả tiền sau. Đại loại cũng giống các tiêu chuẩn buôn bán tại Úc. Người hướng dẫn du lịch cũng cho chúng tôi biết là hiện nay vẫn còn nhiểu bộ lạc da đen còn tồn tại. Trong đó phải nói đến hai bộ lạc có tên là Lesotho và Iswaziland mà hiện nay vẫn còn khu cai trị riêng. Tiếp theo chúng tôi được đưa đi thăm tòa nhà Union Building, nằm trên một ngọn đồi nhìn xuống Pretoria có hình dáng cong, với hai cánh nhà tả hữu cân đối. Tòa nhà được thiết kế bởi Kiến Trúc Sư Sr Herbert Baker, trước tiên được dùng làm văn phòng hành chánh cho Nghiệp Đoàn của Nam Phi vào năm 1910. Toà nhà có hai cánh nhà hai bên nhìn xuống một khu vườn thiết kế tuyệt hảo, cây cỏ hoa lá được chăm sóc kỹ lưỡng, xứng danh là nơi du khách cần tới xem.Nhưng tiếc thay vì trời mưa nên chúng tôi không thấy trọn vẹn được vẻ đẹp của nó. Chính người dân Nam Phi cũng hay ra khu vực này để chụp hình trong các dịp đám cưới. Phần dinh thự thì du khách chỉ được xem phía ngoài, hiện nay là nơi hội họp của quốc hội. Hai cánh nhà hai bên tượng trưng cho sự hợp nhất của một dân tộc bị phân rẽ. Hai cánh nhà tượng trưng cho hai ngôn ngữ: tiếng Anh và Afrikaans. Ông tài xế và người hướng dẫn viên du lịch có khi trao đổi với nhau bằng tiếng Afrikaans. Toà nhà này là một kiệt tác về kiến trúc, cần tới ba năm và 1265 công nhân để xây dựng và hoàn thành vào năm 1913. Đây cũng là nơi tổng thống Nam Phi làm việc. Xe đưa chúng tôi chậm chậm vào dọc theo đại lộ Government Avenue, mà hai bên đường là những hàng cây hoa phượng tím (Jacaranda) thẳng tắp, và các toà đại sứ các nước. Có tới 50.000 gốc phượng tím được trồng nơi đây, biến Pretoria thành một thành phố hoa phượng tím. Tiếc thay, trời lại mưa nhỏ và chúng tôi không được thưởng ngoạn hoa phượng vỉ bây giờ là cuối tháng giêng, hoa phượng tím chỉ còn lác đác vài chùm. Nên con đường dường như còn nhiều mầu xanh lá cây qua làn nước mưa. Pretoria là thủ đô, nhưng nhìn lại các toà nhà, ngoài hàng rào cao bao bọc, còn có các thép gai concertina chăng lên phía trên rồi lại còn dẫn điện, mà nhà nào cũng kín cổn cao tường, nói lên một thực trạng an ninh đáng quan ngại tại đây. Sau đó chúng tôi được đưa tới nghỉ chân tại Sun City, một khu sinh thái tráng lệ đã từng được dùng làm nơi tồ chức các giải thi Hoa hậu quốc tế. Du khách thường đến đây nghỉ ngơi, giống như một Las Vegas của Nam Phi. Khu sinh thái Sun City bao gồm bốn khách sạn: - Sun City Hotel - Cascades Hotel - The Cabanas - The Palace of the Lost City The Sun City là sáng kiến của một nhà khách sạn có tên là Sol Kerrzner, xây vào khoảng thập niên 1970, trên một khu đất rộng như một thành phố riêng biệt dành cho khách du lịch. Nhà dân ở phía ngoài. Đây là một khu vui chơi giống như Las Vegas thu nhỏ. Bên trong có casino, khách sạn thuộc hạng cao cấp, hồ nước nhân tạo, bãi biển nhân tạo có sóng đánh, sân golf, sở thú nhỏ. Cũng có các tiệm bán đồ lưu niệm, mà đáng khen nhất là toàn các sản phẩm Made in Africa. Trong khu có xử dụng các xe bus riêng đưa đón du khách đi lại quanh các địa điểm để đỡ mất thì giờ, mà rất có tổ chức, có giờ giấc ấn định rất tiện cho mọi người. Tại đây còn có một hệ thống xe monorail, chạy vòng vòng cho du khách thấy các điạ điểm từ trên cao. Khu du lịch này càng ngày càng phát triển nên chủ nhân quyết định xây thêm hai khách sạn nữa nhưng nhỏ hơn. Chúng tôi được cho nghỉ tạm tại khách sạn lớn nhất, dưới lầu là casino, có nơi đổi tiền, phần trước cũng theo nguyên tắc phong thủy với thác nước chảy. Phần trên lầu là phòng ngủ của khách. Nhưng cũng phải có thẻ của phòng mình mới xử dụng được thang máy lên lầu. Hiếm khi chúng tôi được vào một hotel tráng lệ như thế này. Sau khi dùng cơm tối theo kiểu buffet trong khu đánh bạc, chúng tôi quyết định bỏ tiền riêng ra xem một show ca nhạc nhẩy múa kiểu Moulin rouge nhưng không vĩ đại bằng. Giá vé là khoảng Ran$100/người, khoảng A$20/ng. Ran là đơn vị tiền tệ của Nam Phi. Thăm The Lost City Sáng ngày 20 tháng Giêng năm 2013, cả đoàn dùng xe bus của trung tâm khách sạn di chuyển đến The Entertainment Centre của Sun City, nằm ngay gần đó nhưng phải di chuyển bằng xe bus trong 7 phút. Trước tiên, đoàn sẽ vào thăm The Lost City. Thành phố này được xây dựng dựa trên một chuyện cổ tích về một bộ lạc Phi châu bị lạc vào một lâu đài huyền bí qua con đường dẫn vào hai bên là những tượng voi thẳng tấp, vào cữa như vào một cái thành trong chuyện cổ, rồi những tượng đài, cứ từng chập lại tỏa ra các làn khói dầy đặc, thêm tiếng sư tử gầm và nền rung rinh lên từng chập. Chúng tôi đã được dẫn đi qua con đường tưởng tượng này. Thấy cũng thú vị vì lạ. Gần đấy, còn có một bãi biển nhân tạo, cứ 10 phút lại lên cơn sóng. Tất cả cây cối, núi non chung quanh đều do bàn tay con người tạo nên mà xem như thật. Chúng tôi cảm thấy như đang lạc vào một chốn thiên thai, càng tiến sâu, càng lên cao lại càng khám phá thêm nhiều điều mới lạ.
Thật tình, chúng tôi không hề nghĩ rằng tại nơi đất Phi châu nghèo đói này mà lại có một khu sinh thái tuyệt vời như thế. Trở về lại khách sạn, chúng tôi đi lần ra phía sau, khám phá ra một sân golf có nhiều lỗ. Đi tiếp lại lạc vào một khu sở thú nhỏ của khách sạn. Nào công, nào dê, có cả meerkat, vân vân, cũng có một xe lửa nhỏ chạy vòng khu cho trẻ em và nhiều nơi đi để biết thêm về hệ thống khách sạn này nhưng vì gần tới giờ ăn trưa nên chúng tôi phải trở về khách sạn, cho kịp một chuyến thăm viếng khác đã định sẵn. Vả lại nơi đây tích hợp cho các gia đình có trẻ nhỏ hơn.
Sau bữa trưa tại khách sạn, chúng tôi chia thành nhóm 6 người đi thăm khu thú hoang thả trong môi trường thiên nhiên có tên là Akwaaba. Dùng loại xe four wheel drive, chúng tôi di chuyển chừng 40 phút lái xe là tới. Chung tiền thuê xe và vào cửa tốn R$970 /ng tương đương khoảng A$116.86 cho hai người. Tại đây chúng tôi được ôm, bế các con sư tử con chừng 4 tháng tuổi và cho nó bú sữa. Tất cả rất dễ thương, có một cảm giác khác khi ôm mèo con nhiều. Sau đó các nhóm nhỏ được đưa đi vào sâu hơn xem các giống vật dữ dằn hơn như sư tử, cọp, beo, báo đốm, heo rừng, được nhốt trong chuồng khá to cho chúng tự do. Có những loại thú chỉ thấy tại châu Phi như loại chó có tên wild African Dog, coi còn dữ dằn hơn dingo của Úc; lại có các con sư tử mới 3 tuổi, báo Cheetah, Hyenas, Ocelots, Servals, mà không biết dịch qua tiếng Việt là con gì vì tất cả đều lạ coi như chúng tôi nhìn thấy lần đầu.Từ đây chúng tôi học được chữ Big Five, có nghĩa là 5 giống vật lớn tại Phi châu: Sư Tử, Voi, tê giác, Báo và Trâu nước. Các thú vật để trong chuồng nhưng rất thoải mái di chuyển, chạy nhẩy. Rồi có người chăm sóc mang đến cho chúng nó cả xô thịt sống cho nó ăn. Nhưng xem ra chúng không đói lắm nên ăn uống chậm rãi như không thích thú cho lắm. Chương trình cho nghỉ ngơi tại Sun City hai đêm. Lúc đầu chúng tôi cứ nghĩ sao cho đến đây lâu thế, làm gì cho hết thì gìờ. Nhưng có đến đây mới thấy không khí thật hấp dẫn, có được ở thêm một ngày nữa cũng còn nhiều chỗ để xem. Chúng tôi phải chuẩn bị ngày mai ra phi trường bay tới Zambia xem thác nước Victoria Falls. Thời gian di chuyển khoảng 2 giờ bay. Xem thác Victoria Falls:
Ngày 21 tháng Giêng năm 2013, chúng tôi đến phi trường quốc tế của Zambia. Phi trường thật bé nhỏ được xếp ngang hàng với ga xe lửa Moree của NSW cũng là may rồi. Đa số du khách đến đây là đề đi xem thác nước Victoria Falls nổi tiếng trên thế giới. Tại phi trường này các viên chức của Zambia đòi mọi người phải xuất trình sổ mầu vàng để chứng nhận đã chích ngừa bệnh Yellow Fever mới được vào phía trong nước Zambia, đồng thời phải trả thêm phụ phí cho visa. Đây cũng là một cách làm tiền thêm. Mỗi người mất thêm US$50, nhưng số tiền này do ban tổ chức chuyến đi chi trả. Zambia là một nước có nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, có nhiều tài nguyên thiên nhiên như đồng, kẽm ...nhưng lại không được khai thác đúng mức. Giới trẻ có mức thất nghiệp cao. Dân số chừng 12 triệu.Chúng tôi sẽ nghỉ qua hai đêm tại khách sạn Zambezi Sun, nằm cách thác nước 10 phút đi bộ coi như rất gần, nhưng cách phi trường khá xa. Từ phi trường xe đưa chúng tôi qua thủ đô Zambia là Livingstone, rồi mới tới khách sạn mất khoảng 2 tiếng lái xe. Đất nước Zambia trước kia có tên là Rhodesia và là một thuộc địa của Anh. Sau ngày độc lập là 24 tháng 10 năm 1964, Rhodesia được đổi tên là Zambia. Mang tiếng là thủ đô nhưng Livingstone rất nhỏ, giống như một thành phố nhỏ tại miền quê của NSW, Úc. Nói chung, đường phố nghèo nàn. Trên con đường chúng tôi thấy có nhiều dân da trắng, có lẽ phần đông là du lịch. Ngành du lịch làm ăn có thể khấm khá tại đây nhờ thác nước. Dòng sông Zambezi chảy tới khe xụp xuống thành thác nước Victoria Falls, được chọn là một trong bẩy kỳ quan thiên nhiên của thế giới. Ông David Livingstone, nhà thám hiểm và truyền đạo người Tô Cách Lan, đã khám phá ra thác này và đặt tên thác theo tên Nữ Hoàng Anh lúc đó là Victoria, mặc dù trước đó người dân bản xứ đã đặt tên nó là Khói Sấm Sét. Tiếng nước đổ xuống do thác rất lớn, màn nước văng lên như màn sương khói. Thác nước được hình thành khi giòng nước chảy đến vực thẵm là một vết nứt phía biên giới nước Zambia thì đột ngột rơi xuống tự do hơn 1170 mét xuống phía dưới vực đá tạo thành một thác nước thật hùng vĩ theo suốt chiều rộng này. Thác có độ cao 128 mét. Người ta có thể nhìn thấy giòng nước chảy cuồn cuộn không ngừng mà lượng nước rất mạnh bọt bắn lên trắng xóa có chỗ văng lên cao cách xa cả 60km và chiêm ngưỡng các mầu sắc kỳ ảo cầu vồng vào lúc sáng sớm trong làn hơi nước từ mặt thác nước bốc cao hơn 300 m ở khoảng cách 10 km. Đây là một trong các địa điểm du lịch hấp dẫn nhất tại đây, và được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Đứng bên phía Zambia, chúng tôi chỉ thấy nước thác đổ xuống ầm ầm, theo chiều ngang của thác mà không hiểu nước sẽ chảy đi đâu. Không thể bước xa hơn để thấy nước chảy đi đâu, vì rất nguy hiểm có thể bị trợt chân mà tiêu mạng luôn vì sẽ không có ai dám ra cứu. Tất cả còn hoang sơ, bàn tay con người không động đến nên không có gì che chắn, chỉ sơ ý một chút là đời chấm dứt và mất xác luôn. Các con đường lên dốc, xuống dốc và quanh co còn để nguyên tình trạng như rừng, trừ các lối đi chính nhưng cũng không được sửa sang. Đến đây mới thấy con người thật nhỏ bé với thiên nhiên hùng vĩ. Nước thác cứ đổ ầm ầm, đến gần thác là phải mặc áo mưa mà đi nếu không muốn bị ướt sũng. Xa xa còn thấy cây cầu sắt đối dịên với thác có tên Victoria Falls Bridge. Nếu du khách chịu khó băng qua cái cầu sắt dài này để qua phía bên kia của một khu núi khác, dù trời nắng khi qua cầu là phải mặc áo mưa vì bọt nước thác văng lên nhưng không che dù vì sức gió thổi rất mạnh có thể thổi băng con người và nước thác bạt vào người như mình đanh đi dưới một cơn mưa lớn. Dưới chân cầu là lượng nước chảy xuống, không biết đi về đâu? Sẽ giải đáp phía dưới. Lại nữa nếu có gan, nên dậy thật sớm rủ một số bạn cùng đi, đi bộ xuyên qua rừng một đoạn rồi leo lên các tảng đá là sẽ thấy một đoạn giòng nước của thác chảy xuống đồng thời có dịp thấy các cầu vồng do nước bốc lên tạo thành vào những phút sáng sớm lúc còn ít du khách qua lại. Người địa phương gọi thác này là Mosi Oa Tunya, có nghĩa lả khói sấm sét, và họ cho là thác đã có cả trăm ngàn năm nay trước khi ông Livingstone khám phá ra. Zambia không sửa sang khu thác vì muốn giữ nguyên tình trạng như thiên nhiên. Khách sạn Zambezi Sun Hotel chúng tôi tạm nghỉ là một resort, chung quanh có hồ bơi, có sân lộ thiên chơi ca nhạc, khu khiêu vũ lộ thiên, khu ăn uống có mái che. Nói chung khung cảnh rất nên thơ, thích hợp cho gia đình có trẻ nhỏ, bao quanh là các khu bãi cỏ rộng rãi. Trong phòng khách sạn được trang trí trên tường bằng những tranh vẽ hình vòng, lượn như vẽ rắn hay có hình tam giác, coi có vẻ như cách trang trí của một nhà người Phi châu. Từ phòng khách sạn, chúng tôi nhìn thấy con vật thả rong tự do ăn cỏ, như nai, ngựa vằn, khỉ... Tối nay chúng tôi dùng cơm tối kiểu Phi châu, có món bắp truyền thống của người Phi châu. Phòng ăn thắp đèn mờ và theo kiểu buffet, trong có món cà ry thịt cá sấu. Đang ăn, có một con khỉ dám cả gan vào chộp đồ ăn ngay trên bàn. Người hầu bàn nói rằng sự việc này rất thường vì khách sạn ở trong rừng chung quanh vẫn có các con thú ra vào tự do. Do đã dự định thám hiểm, chúng tôi cùng một vài bạn trong đoàn cùng bàn tính hẹn nhau trong bữa tối qua, dậy sớm vào sáng hôm sau, cùng đi dọ thám khu thác đổ này. Chúng tôi đã lần đi hỏi thăm tới cây cầu Livingstone Bridge, bắc giữa hai nước Zambia và Zimbabwe. Tới nơi đây để nhìn kỹ và kiếm ra giải đáp là với lượng nước thác đổ ào ào như vậy, nước sẽ chảy về đâu. Chính trên cây cầu này, thắc mắc này được trả lời thỏa đáng. Từ đây ta nhìn toàn cảnh của thác từ đầu nguồn tới vực sâu. Cây cầu tròn 100 năm tuổi vào năm 2005. Cầu này do người da trắng xây dựng. Tại giữa cầu chỉ có một lằn vẽ biên giới – đây là đường ranh giới phân chia hai nước Zambia và Zimbabwe. Chúng tôi có chụp hình tại đây, một chân bên này là Zambia và một chân bên kia là Zimbabwe. Có lính gác cầu nhưng an ninh lỏng lẻo vì người bán rong bên Zimbabwe đã theo chân chúng tôi nài nỉ mua hàng lưu niệm vào tận trong nước Zambia. Riêng chúng tôi không được vào sâu bên Zimbabwe vì không có visa. Có một điểm đáng khen của Phi châu là các sản phẩm cho du khách đều đo dân địa phương làm và không thấy bóng dáng sản phẩm của chú Ba Tầu. Sản phẩm bằng gỗ đẻo gọt tinh vi như các con hươu cao cổ, voi, sư tử, khỉ, nai ...làm quà mang về nhà thật đáng đồng tiền. Du thuyền trên sông Zambezi Buổi chiều, chúng tôi lên thuyền đi cruise trên một thuyền có tên Africa Queen dọc theo sông Zambezi vừa nghe giải thích các cảnh hai bên cùng uống nước và ăn nhẹ đã được ban tổ chức đặt trước. Gió mát, không khí trong lành, không chút ô nhiễm, chúng tôi sẽ đi tới tối để xem mặt trời lặn trên sông Zambezi. Giòng sông này yên tĩnh, rộng mênh mông, trái với cảnh thác nước đổ ầm ầm hôm qua. Nước sông này là do nước thác Victoria chảy xuống trước khi ra biển. Dọc bờ sông, chúng tôi đã trông thấy các con hà mã, huơu cao cổ, nghe nói cá sấu rất nhiều trên sông, lác đác thấy vài con cá sấu nằm phơi nắng gần bờ. Tất cả những con vật đều sống trong môi trường thiên nhiên. Sông Zambezi là con sông lớn thứ tư tại Châu Phi, nó chảy qua 6 quốc gia và sau cùng sẽ đổ ra biển Ấn độ dương. Thuyền di chuyển chậm chậm ra giữa giòng, ánh sáng cuối ngàn chưa tắt hẳn, rồi các chú vịt trời sà xuống mặt nước thật tự nhiên. Khi mặt trời dần lặn xuống phía tây, ánh nắng dần thưa thớt và tô sắc vàng trên một khúc sông huyền ảo. Hoàng hôn thì ngày nào cũng có, nhưng để có một cảm giác hoàn hảo và bình yên để ngắm nhìn cảnh mặt trời lặn trên sông thì thật chỉ có tại nơi đây mới là cơ hội với không khí trong lành. Rồi cũng phải rời khỏi khu thác này để trở về Johannesburg. Johannesburg Johannesburg được hình thành vào năm 1886, là một thành phố lớn nhất của Nam Phi, nằm trên triền dốc cao trên 2.000m, là thủ phủ thuộc tỉnh Gauteng, có dân số khoảng 3,2 triệu người – được biết đến như là một thành phố quốc tế không chỉ của Nam Phi mà còn là của cả lục địa đen đầy huyền thoại này. Johannesburg là một thành phố trẻ, và là trung tâm công nghiệp lớn nhất của Nam Phi và của cả Châu Phi. Gọi tắt là Joburg, đây từng là thành phố lều trại của những công nhân khai thác mỏ vàng vào cuối thế kỷ 19. Ngày nay Joburg có nhiều toà nhà hiện đại mọc lên không thua các thành phố lớn khác của Âu châu, Mỹ châu, Á châu hay Úc châu. Hiện nay Joburg cũng đang trên đà tiến mạnh. Trong thời kỳ phân biệt chủng tộc, nơi đây là khu kinh doanh của người da trắng, nay là nơi sinh sống của một cộng đồng dân cư pha trộn nhiều chủng tộc khác nhau. Đôi khi chúng ta hay tưởng lầm Joburg là thủ đô của Nam Phi. Thực ra nó chỉ là một trung tâm kinh tế và tài chánh, nơi giầu có nhất của Nam Phi và là nền kinh tế lớn thứ tư của Châu Phi, với dân số khoảng trên 3 triệu, nó mang dáng dấp của một thành phố tây phương hiện đại. Museum Africa: Người hướng dẫn viên du lịch đầu tiên tên Henrick trở lại với chúng tôi, đưa chúng tôi thăm viếng thành phố Johannesburg. Chúng tôi qua khu Chinatown nhỏ, tiếp đến vào khu Oriental Plaza. Nơi đây nặng mùi cà ri của Ấn độ. Nơi đây buôn bán vải vóc, quần áo, tạp hóa mà chủ tiệm đa số là người Ấn Độ. Kế tiếp chúng tôi vào Museum Africa tìm hiểu về sự hình thành của quốc gia Nam Phi. Viện Bảo Tàng này được thành lập từ năm 1913, phía sau là đường xe chuyển tải lương thực vào thành phố. Trong viện bảo tàng, ngoài việc trưng bầy một thiên thạch lớn nhất thế giới, còn rất nhiều mẫu vàng bạc, kim cương. Nơi đây cũng trưng bầy một tấm hình lớn gọi là Treason Trial, có hình ông Nelson Mandela cùng 156 người bị bắt giam vào ngày 5 tháng 12 năm 1956 bị buộc tội phản quốc. Quá trình xét xử từ năm 1956 đến 1961 nhưng kết cục không ai bị kết tội. Tại bảo tàng này chúng tôi cũng được xem những gì về sinh hoạt của người Nam Phi, tiến trình giải phóng phụ nữ Nam Phi, sinh hoạt văn hóa của một dân tộc nói lên một sự đấu tranh gian khổ của họ, lấy lại quyền cai trị từ người da trắng. Trong đây cũng trưng bầy các hoạt động liên hệ của Gangdhi tại Nam Phi và chính sách bất bạo động của ông khi về lại Ấn Độ. Từ những ngày xa xưa đó đến nay, nền chính trị của nhiều quốc gia đã tiến một bước dài. Buổi ăn trưa hôm nay chúng tôi vào Mayo Zoo Lake. Đây là một nhà hàng thuần túy đồ ăn của Châu Phi. Có dùng bát dĩa kiểu Phi châu, các nhân viên phục vụ ăn mặc truyền thống Phi châu. Có ca hát và nhẩy múa các điệụ nhẩy của Nam Phi. Gold Reef City Sau cơm trưa chúng tôi đến thăm Gold Reef City của Johannesburg. Cách xa Joburg 81 km, Gold Reef City là biểu tượng giầu có của vùng đất này. Công viên giải trí Gold Reef City được xây dựng ngay trên khu khai thác mỏ vàng, mà nó chỉ ngưng hoạt động từ năm 1977. Chúng tôi nghe diễn thuyết về cách tìm vàng, xem triển lãm các khối vàng. Sau đó chúng tôi hoá trang thành những công nhân mỏ vàng, đội mũ an toàn, thang máy đưa chúng tôi tới độ sâu 225 m, trong khi hầm sâu nhất là 2642 m. Từ đây chúng tôi xem phim chiếu về ngày đầu tìm vàng, vào khu trình diễn xem họ đúc vàng thành khối, rồi cách luyện kim. Đâu đâu cũng thấy như sống lại thời hoàng kim của khu khai thác vàng này. Công việc tuy gian khổ, nhưng ngày đó mới là đầu thế kỷ 20, nên đã có những máy móc hổ trợ như máy phát điện, máy khoan, hệ thống làm lạnh không khí, máy bơm nước, dùi đục và búa sắt, để biến một tấn đá thành 4 gram vàng. Công việc đãi vàng , nung nấu, đúc vàng thành một thỏi được thực hiện trên mặt đất. Rồi đi lên khỏi hầm, chúng tôi bước vào phòng biểu diễn công đoạn đúc vàng. Bên cạnh lò nung vàng, chúng tôi thấy có bàng ghi rõ giá vàng năm 1900 là US$20 cho 1Ounce. Mà nay giá vàng đã lên đến mức US$1578.41 vào ngày 24 tháng 1 năm 2013. Tới phần biểu diễn, hai người da đen to lớn tới mở cánh cửa lò nung, gắp ra một thỏi vàng sáng chói nằm trên một khay sắt. Tiếp theo, máy ép vàng xập xuống và nhấc lên, trên khay ta thấy là một ounce vàng óng ánh vừa được làm ra. Soweto: Xe đưa chúng tôi đến khu Soweto, một khu xóm của người da đen nhiều tội phạm, của thành phố Johannesburg trong khu South Western Township. Khu này có nhiều nhà chỉ là những túp lều vá víu bằng tôn. Một số người trong chúng tôi yêu cầu được đến thăm ngôi nhà của Nelson Mandala trong khu này ngày xưa. Căn nhà nhỏ bé mang số 8115 đường Vilakazi, được xây từ năm 1945. Ông đã ở tại đây từ 1946 đến 1962, với người vợ đầu tên lat Evelyn Mase và trưởng nam. Ông ly dị bà vợ thứ nhất này vào năm 1957, và sau đó lấy bà Winnie. Chính tại nơi đây ông đã cư ngụ trước khi bị tống giam vào năm 1962, sau nhiều năm lãnh đạo khối thiểu số chống lại chính sách cai trị của chính quyền Nam Phi thời đó. Với lý tưởng chống lại bạo quyền, ông phải sống lang bạt kỳ hồ nay đây mai đó cho đến khi bị bắt và bị kết án tù chung thân vào năm 1964. Ông trở lại mái nhà xưa, 11 ngày sau khi được phóng thích từ trại giam Robben Island vào năm 1990. Cuộc đời cay đắng của ông đã trải qua 27 năm trong nhà tù. Đây là một căn nhà gạch nhỏ ghi lại nhiều hình ảnh và vật lưu niệm từ các hình ảnh khi ông Mandela là một nhà hoạt động trẻ tuổi. Sau khi ông được trả tự do 27 năm sau, và thời gian ông giúp trong việc thương thuyết để chấm dứt chế độ phân biệt chủng tộc rồi được trao giải Nobel Hoà Bình vào năm 1993, nhờ có công trong việc chấm dứt chế độ phân biệt chủng tộc Apartheid trong hòa bình và thành lập nền móng cho một nền cộng hòa ở Nam Phi. Sau đó ông được bầu làm tổng thống da đen đầu tiên của Nam Phi. Ngày nay trải qua bao nhiêu năm, nhân vật Mandela vẫn là người anh hùng chiến đấu anh dũng chống lại nạn phân biệt chủng tộc của người dân Nam Phi. Ông luôn là nguồn cảm hứng chon người dân Nam Phi vì ông là người đã hy sinh chịu nhiều gian khổ cho cả dân tộc Nam Phi. Ông đã nhậm chức tổng thống da đen đầu tiên của của Nam phi vào ngày 10 tháng 5 năm 1997. Ngày nay căn nhà trở thành một di sản quốc gia, không phải của một gia đình mà là của toàn dân sống tại Soweto, và của toàn thể dân tộc Nam phi. Ông là biểu tượng của sự phấn đấu và hy sinh, trước chọn lựa hoặc vùng lên trước bạo lực hoặc gục ngã nhục nhã ê chề. Có thể chính bởi tình cảm đặc biệt mà ông dành cho ngôi nhà, khiến nơi đây trở thành một địa điểm không thể nào bỏ qua đối với những ai muốn tìm hiểu về con đường đấu tranh của ông. Khu Sinh thái bảo tồn thiên nhiên Kruger National Park Đã thăm viếng những di tích của Joburg, tới đây rồi mà không đi thăm sở thú Kruger National Park thì kể như một thiếu sót lớn. Đúng ra đây là một khu sinh thái bảo tồn thiên nhiên lớn nhất Nam phi. Nằm cách xa Joburg 400 km nhưng đường xá ở đây sao mà tốt thế, xe chạy êm ả có khi còn hơn cả New South Wales, Úc. Trong lúc nhiều người trong đoàn còn đang gật gù trên xe, nửa mơ nửa tỉnh, thì hướng dẫn viên du lịch đã nhẹ nhàng cất tiếng đánh thức, báo hiệu sắp tới một địa điểm ngoạn mục, đó là Blyde River Canyon của Nam Phi, Canyon này lả một trong những canyon lớn nhất thế giới, trải dài 26 km và chiểu sâu 762 m. Thật vậy, nếu Grand Canyon của Mỹ được cấu tạo bằng những khối đá trơ trọi thì canyon của Nam Phi được hình thành từ những khối đá đỏ xen lẫn cây cối tươi tốt với nhiều hình thù lạ mắt, đẹp hơn cả ba ngọn núi hình tròn cỏ cây xanh mướt nằm kề nhau. Nhìn phía xa là God’s Window, một cửa trời thơ mộng và hoang sơ, một đồng quê được khoác vào một chiếc áo mầu xanh mướt trải dài xa tắp, con sông uốn khúc tạo dáng, nước chảy lững lờ thêm làn sương mù bay lơ lửng bên trên, khiến cảnh vật hoang vu càng trở nên huyền bí.Gần đấy là Potholes, một cảnh tiên với những khối đá bị nước soi mòn biến thành những hình thù kỳ lạ và dòng nước suối trong vắt chảy qua. Du khách chỉ thấy một cảnh vật hoang vu và bí ẩn. Đến chiểu, xe mới chạy tới khách sạn Protea Hotel Kruger, nơi chúng tôi sẽ qua hai đêm. Khách sạn nằm trong khu sinh thái chung quanh có cây cối um tùm riêng biệt hẳn một khu dành cho du khách. Đến giờ ăn tối, kẻng báo hiệu vang lên, một người đàn bà da đen to mập, đứng trên một bệ cao dùng tay gõ kẻng rồi đọc to tiếng những món ăn mà thực khách sẽ thưởng thức tối nay. Kế tiếp hai cánh cồng to như vào một khu nhà ăn được mở ra cho thực khách tiến vào khu ăn uống lộ thiên, để rồi mỗi người sẽ tự mình chọn lựa món ăn nấu sẵn. Những nhân viên phục vụ tại đây đều là người da đen nhưng nói tiếng Anh rất rành rẽ và đúng giọng. Về khuya, những người da đen biểu diễn nhẩy múa các điệu múa dân tộc rồi cất tiếng ca hát có thể bằng tiếng bản xứ nên chúng tôi không hiểu gì cả.Sáng hôm sau, chương trình chính trong ngày là đi xem sở thú Kruger. Kruger là tên ông tổng thống đã có công đặt nền móng cho việc bảo vệ động vật hoang dã. Với diện tích 19 ngàn km2 từ Bắc tới Nam trải dài 300 km và từ Đông sang Tây 65 km, quả là một khu sinh thái bảo tồn bề thế. Theo thống kê năm 2009, nơi đây có 11,672 con voi, 27,000 trâu nước, 350 con tê giác, 2000 con báo, 2000 sư tử, 5114 hươu cao cổ và 17,797 con ngựa vằn. Ngày đầu chúng tôi thuê xe land cruiser của sở thú với ý nghĩ xe nhỏ, có thể di chuyển trên các con đường nhỏ, sẽ có cơ hội trông thấy những con thú nhiều hơn. Xe loại này chỉ có mui xe còn chung quanh xe không có gì che chắn, để ngỏ, do đó lúc đầu chúng tôi cũng thấy hơi ớn lỡ ra trên đường gặp cọp beo nhẩy chồm vào xe thì sao, về sau mới biết thú dữ thường chỉ thấy cái xe như một khối gì to lớn, chứ không thấy con người trong đó, nên không tấn công. Tại sao đi xem sở thú loại thả thú lại được gọi là game viewing? Vì đó được xem như một cuộc đánh bài trong casino, tất cả đều dựa vào sự hên xui. Muông thú được nuôi dưỡng trong môi trường tự nhiên hoàn toàn tự do, tự tìm kiếm thức ăn để sinh tồn. Chúng sống trong một thế giới mà mạnh được yếu thua, nên những thú vật yếu ớt thường là món mồi ngon cho muông thú. Đã tới đây thì phải xem cho bằng được Big Five. Đó là tên đặt cho 5 con thú: voi, báo, sư tử, tê giác và trâu nước. Mang tên này vì chúng được xem là nguy hiểm và có khả năng tấn công người. Có tới tận nơi mới biết, muốn trông thấy những con vật này chẳng dễ chút nào, mà chỉ dựa vào sự may rủi. Trong một khu bảo tồn rộng bao la, thường ban ngày chúng ngủ nghỉ đâu đó, ban đêm mới đi săn mồi hoặc ra bờ suối uống nước. Mà đi du lịch theo đoàn đa số lại thường tổ chức vào ban ngày. Trong một ngày nếu trông thấy được 3 trong số 5 con Big Five cũng là may mắn lắm rồi đó. Ngay ngày đầu chúng tôi đã thấy chúa sơn lâm đang di chuyển từ xa và một con báo đang dấu mình trên cây cao. Một vài con voi đi lẻ tẻ, rồi mấy con hưu cao cồ đơn độc. Những đàn khỉ chạy nhẩy ngay cả trên đường lộ, và những con linh dương đang ngơ ngác đứng chung thành đàn, lại từng đàn nai làm chúng tôi chợt nhớ tới phim hoạt hoạ Bambi ngày xưa. Thấy tận mắt đàn nai thật tuyệt diệu. Qua ngày hôm sau, chúng tôi quyết định ngồi trên xe lớn để đi xem, vừa đỡ tốn tiền riêng thuê xe, mà ngồi trên xe lại cao nên mình dễ quan sát hơn. Thật là may mắn mở màn chúng tôi đã được quan sát tận mắt con sư tử cắn miếng mồi rồi tung lên. Sau đó lại thấy một con sư tử thản nhiên đi qua đường lộ chính mà nhiều xe cộ đang đậu gần. Có thể sư tử không thấy người trong xe, mà chỉ thấy cái xe như một khối to, nên ngại không dám tấn công? Một lúc sau, chúng tôi lại thấy một cặp tê giác lớn chậm rãi bước đi rồi lại cúi mình gặm cỏ. Tài xế còn chở chúng tôi đến gần con suối để xem cá sấu và trâu nước đang ngụp lặn rồi lại trôì lên mặt nước. Thấy đủ Big Five là lấy lại đủ vốn liếng rồi. Nếu bạn muốn xem cận cảnh báo đốm xơi tái cá sấu dưới nước, sư tử giết hổ, trăn khổng lồ nuốt cá sấu, trâu rừng húc chết sư tử, vân vân và vân vân thì dễ nhất bạn cứ vào Google, gõ vào những chữ trên rồi thưởng thức các thước phim hồi hộp và sống động mà những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp đã tung lên mạng. Khó khăn lắm có khi phải rình mò cả tháng trong rừng họ mới ghi được những hình ảnh sống động đáng giá như vậy. Trở về khách sạn đến giờ ăn tối, kẻng lại vang lên, bà da đen lại đọc to tiếng tên các món ăn, rồi hai cánh cổng lớn lại được mở ra. Thực khách lần lượt bước vào để thưởng thức những món ăn ngon miệng. Ngày mai chúng tôi sẽ giã từ nơi đây để trở về Joburg tiếp tục hành trình bay đến Cape Town, thành phố du lịch nổi tiếng của Nam Phi, nằm tận mũi cực Nam của Châu Phi, hứa hẹn nhiều khám phá bất ngờ và thú vị.
Còn tiếp phần 2: Thăm viếng Cape Town Viết xong ngày 31 tháng 5 năm 2013
NGƯỜI ANH CẢSống chung với nhau trong Tu Viện, chúng tôi có nhiều giờ gặp nhau, nhưng phần lớn là nghiêm trang để giữ bầu khí thinh lặng, khi thì ở Nhà Nguyện, khi thì ở phòng chung, lúc thì trong phòng họp, chỉ có nhà cơm là được tự do ăn nói, tuy vậy giờ cơm vào Mùa Chay thì cũng phải “kiêng cữ”, sau giờ nghe sách thiêng liêng thì thời gian còn lại để nói chuyện với nhau thật ra cũng chẳng được bao nhiêu. Bàn ăn của chúng tôi cố cựu nhiều năm một cuộc chiến dai dẳng không phân thắng bại. Kẻ đến rồi đi, xuôi theo năm tháng, nhưng cuộc chiến vẫn không ngưng. Ngưng làm sao được khi người “gây chiến” không ngừng gây chiến, đến độ hết người này đến người khác, tất cả vào một phe với nhau để “chiến đấu”, người gây chiến bèn phong cho chúng tôi danh hiệu là “Hòa đại nhân”, mặc dầu ngài chưa bao giờ coi phim “Tể tướng Lưu Gù”, tôi cũng chưa coi nhưng anh em bảo rằng Hòa đại nhân giỏi nịnh và giỏi vào hùa lắm, ngài có ý nói chúng tôi hay hùa nhau tấn công ngài. Xin gọi ngài là cha X. cho dễ. Vì ngài lớn tuổi hơn chúng tôi nên chúng tôi gọi bằng anh, anh X. thường vỗ ngực xưng danh mình là “Người anh cả của Lê Văn Trương”. Lê Văn Trương là một nhà văn đầu thế kỷ 20 ( 1906 – 1964 ), trong gần 200 tác phẩm của ông, chúng tôi được biết một số, trong đó có cuốn tiểu thuyết “Người anh cả”. Câu chuyện kể về một người anh cả trong một gia đình ba anh em, cha mẹ mất sớm nên người anh cả đã hy sinh làm việc để nuôi hai người em ăn học thành tài, cuối đời người anh cả đau khổ trong cô đơn vì tuổi xuân và những cơ hội may mắn đã đi qua hết. Ngài có ý ví mình như người anh cả đó, hy sinh vì đàn em chúng tôi, đó là thái độ “gây chiến” trên bàn cơm. Chúng tôi sử dụng “mìn tự chế” và “súng hoa cải” để phản pháo ngay, một đòn chí mạng: “Anh chỉ là người anh cả trong… Luca 15 !”Kể ra thì ngài cũng có công lớn trong việc làm cho những người ít ăn ít nói ít cười đùa trong cộng đoàn, dần dần biết cười và biết “phản pháo” ngài. Có một người mang biệt danh “ông thánh buồn” bây giờ đã biết đáp trả ngài mãnh liệt. Một cha già khác rất nghiêm trang bây giờ đã có thể tự “chế mìn” để chiến đấu với cha X. chứ không cần chúng tôi “lắp đạn” cho nữa. Cứ như thế chúng tôi phá lên cười từng hồi theo từng câu chuyện vui cho đến giờ buộc thinh lặng buổi trưa ( 12g30 ). Trong lẫn ngoài Tu Viện chúng ta có không ít những người “anh-cả-của-Luca-15”. Khi còn trẻ, tôi vẫn thường nghe những lời chê bai: “Các anh bây giờ không bằng chúng tôi ngày xưa, ngày xưa chúng tôi thế này thế nọ…”, bây giờ đã đứng tuổi, thỉnh thoảng tôi vẫn nghe người ta cũng phê bình các anh em trẻ y như thế. Thậm chí có lần một anh em đã hơn 50 tuổi, được đặt vào một chức vụ chẳng lấy gì làm to lắm, chỉ là một ông cha xứ ở nhà quê, nhưng lại bị chống quyết liệt bởi người “lớn”, lý do chỉ vì anh “còn con nít” ! Tôi nghĩ cần phải có một nhìn đúng đắn về sự việc, chưa cần có cái nhìn rộng lượng với nhau, càng chưa đến cần cái nhìn mà Tin Mừng đòi hỏi trong dụ ngôn chương 15 của Thánh Luca. Cái nhìn nhận đúng đắn là thế hệ chúng tôi có lỗi với thế hệ đi sau, và càng có lỗi với thế hệ đi sau nữa, vì chúng tôi ( “bên thua cuộc” ) được hưởng một nền giáo dục hoàn bị, nhân bản và một môi trường giáo dục trong lành, một xã hội trật tự. Bây giờ chúng tôi lại không làm được điều đó cho các em, không những không làm được mà còn để lại cho các em một di sản đáng xấu hổ, một món nợ kếch xù mà các em phải trả không biết đến bao giờ mới xong, một tình trạng tụt hậu so với các nước láng giềng. Hơn bốn mươi năm trước, người dân miền Nam ở “hòn ngọc viễn đông” ngẩng cao đầu khi gặp những người ngoại quốc đến Việt Nam, dân Đại Hàn, dân Phi Luật Tân, dân Thái Lan và kể cả dân Tân Gia Ba ( Singapore ) phải nhìn Việt Nam với ánh mắt kính nể. Thôi thì bây giờ không phải là lúc ngồi than trách, hãy làm một điều gì đó để khỏi hổ thẹn với lương tâm trước khi quá muộn, ít là đừng thờ ơ với nỗi đau chung của dân tộc, đừng vu vơ phê bình chỉ trích bọn trẻ hư hỏng, càng không nên mạt sát người ta suy thoái đạo đức. Với những người có Lòng Tin thuộc về một Hội Thánh, nay là lúc thẩm định có đi cùng đường với Hội Thánh hay không, nay là lúc thẩm định có thuộc về một ràn chiên chung với nhau hay không ? Mục Tử đã lên tiếng gọi, chiên đã đáp lời chưa ? Lm. VĨNH SANG, DCCT, Chúa Nhật 10.3.2013
SOUTH AMERICA- Buenos Aires -du ký cho riêng mình (tiếp theo)
Plaza de Mayo – Chuyện những bà mẹ đi tìm con trong vô vọng Có bà mẹ đi tìm con, Trên đỉnh đồi lan trắng. Có bà mẹ đi tìm con, Trong động hang lan vàng. (Phạm Duy-Phạm Thiên Thư: Đạo ca 4, Quán Thế Âm)
ac Tôi đẹp như hình tôi, Dinh Màu Hồng...
Vào mỗi 3 giờ rưỡi chiều thứ Năm hàng tuần, du khách đến Thủ đô Buenos Aires sẽ được chứng kiến một cuộc tuần hành lịch sử diễn ra ôn hòa có một không hai trên thế giới. Hết sức độc đáo là vì nó được dựa trên tinh thần bất bạo động mà thánh Gandhi đã đề xướng ở Ấn Độ gần trăm năm trước, làm chấn động lương tâm nhân loại. Đó là buổi cầu nguyện trong thinh lặng của các bà mẹ có con bị mất tích dưới thời kỳ nhà độc tài quân sự Videla (1976-1983). Cách đây khoảng 35 năm tại Thủ đô, vào ngày 30 tháng tư năm 1977, là lần dầu tiên 14 bà mẹ mất con hẹn nhau đến Quảng trường Tháng Năm (Plaza de Mayo) để thành lập hội các ‘Bà mẹ ở Quảng trường Tháng Năm’ (Mothers of the May Square). Trùng hợp thay, ngày này cũng lại là ngày mất nước của người dân miền Nam - Việt Nam sống dưới thể chế Cộng Hòa. Họ quen nhau qua những ngày tháng hớt hải, lo âu, tuyệt vọng tìm con mình khắp chốn mà vẫn hoài vô vọng.
Quảng trường này được cả nước xem là trung tâm lịch sử, là linh hồn của thành phố, và cũng là nơi diễn ra những biến cố chính trị quan trọng của đất nước. Đây là nơi đầu tiên mà những tên cướp biển Tây Ban Nha đến định cư lập nghiệp trên vùng đất hoang vu này, cách con sông Rio de la Plata chỉ vài cây số, thuận tiện cho thuyền bè vận chuyển hàng hóa. Quảng trường được đặt tên Tháng Năm (Mayo) là để tưởng niệm ngày 25 tháng 5 năm 1810, là ngày thành lập chính phủ độc lập Á Căn Đình đầu tiên sau khi dân chúng Thủ đô đã trục xuất phó vương Tây Ban Nha lên tàu về nước. Ngày tháng độc lập biểu tượng này được ghi khắc trên một đài tháp bút chì thứ hai của thành phố. Đó là Obelisk de Mayo màu trắng toát, được dựng lên ở trung tâm quảng trường. Đối diện với Obelisk và quảng trường là dinh Màu Hồng (La Casa Rosada), phủ làm việc của Tổng Thống. Các bà muốn xin vào trong dinh yết kiến nhà độc tài Videla, để hỏi thăm tin tức con mình. Con các bà bị mất tích từ ngày tướng Videla, tham mưu trưởng quân đội, lên nắm chính quyền tại Á Căn Đình sau vụ đảo chánh bà Isabel Peron thành công vào tháng 3 năm 1976. Không được cho phép vào dinh, lại bị lực lượng quân phòng cấm cản đuổi đi, các bà chỉ biết lặng lẽ nắm tay đi vòng vòng quảng trường. Các bà đều mặc quần áo đen, đầu chít ô khăn trắng, vốn là những mảnh tã vải quấn trẻ sơ sinh thời xưa. Trên khăn ghi tên con mình, và tuân thủ thiết quân luật được ban hành thời đó, họ im lặng nắm tay nhau đi từng đôi một, âm thầm cầu an cho những người con xấu số. Có ai ngờ rằng chỉ với tình mẫu tử bao la bát ngát vô bờ bến ấy, các bà có thể nắm lấy lương tâm của cả quốc gia Á Căn Đình hàng chục triệu người. Các bà tuy chỉ là phận nữ nhi yếu đuối, không nắm giữ bất kỳ chức vụ nào trong chính quyền, không tham gia điều khiển quân đội, không lãnh đạo đảng phái. Vậy mà nhờ vào một nghị lực phi thường, các bà có thể kêu gọi các đạo quân giết người khét tiếng ấy, hãy buông bỏ vũ khí xuống để bắt tay nhau như anh em, thuyết phục các nhà thờ Công giáo trước đây từng xua đuổi người nghèo, cùi hủi bệnh tật hay các con chiên lỗi đạo, nay phải mở cửa đón nhận họ vào làm lễ, khiến các lãnh tụ quốc gia phải gạt bỏ qua những khác biệt để cùng quản trị quốc sự tốt đẹp cho dân tộc. Sách lược duy nhất mà các bà áp dụng, chính là tư tưởng bất bạo động của Gandhi. Thuở đó, các bà hãy còn ngây thơ lắm, cứ ngỡ rằng tướng Videla không hề hay biết chuyện các con bà bị mất tích. Các bà vẫn chưa biết rằng chính nhóm lãnh đạo đã ra nghị quyết tối mật, chủ trương truy bắt và thủ tiêu tất cả những thành phần chống đối chính quyền quân sự, tình nghi theo Cộng sản, hay bị nghi ngờ là chống đối hoặc theo Cộng sản. Ba người trong nhóm 14 bà thành lập Hội những bà mẹ quảng trường Tháng Năm này đã bị bắt và thủ tiêu ngay sau đó. Người ta tìm ra xác Bà Azucena Villaflor de Vincenti năm 2005, và đã chôn tro cốt bà ngay dưới chân tượng đài Obelisk đặt ở chính giữa quảng trường. Chính Bà đã nói với bạn bè rằng khi vừa sáng lập nhóm: 'Nếu cứ làm như thế thì chúng ta sẽ chẳng được gì. Ai cũng nói dối chúng ta. Mọi cánh cửa đều đóng lại. Chúng ta phải thoát ra khỏi vòng địa ngục này, chúng ta cùng ra quảng trường và cứ đi mãi cho đến khi nào có được câu trả lời. Cho đến khi chúng ta lên đến 100, 200, đến con số 1000 bà mẹ, cho đến lúc không còn ai có thể giả vờ không biết chuyện nữa thì mới thôi'.
Và thế là các bà lại hẹn nhau tụ tập lúc 3 giờ rưỡi mỗi chiều thứ Năm, tiếp tục đi tuần hành quanh quảng trường đòi công lý cho con mình. Chính quyền độc tài càng đàn áp, số người bị mất tích càng đông thì số bà mẹ đi đòi con cũng tăng dần. Đến năm 1981, có khoảng 70 bà đòi chồng đòi con tham gia vào phong trào, lặng lẽ đi giữa hàng rào chắn vài trăm tên mật thám mặc sắc phục quân nhân, tay cầm dùi cui lăm le dọa nạt vây kín các bà. Từ năm đó cho đến nay, cuộc tuần hành trở thành một thông lệ diễn ra liên tục mỗi tuần, kéo dài suốt nửa tiếng. Và cứ mỗi năm là các bà long trọng tổ chức buổi xuống đường, đi đều đặn suốt 24 giờ liền. Buổi tuần hành mỗi chiều thứ Năm vẫn diễn ra liên tục cho đến nay, nhưng buổi lễ hàng năm thì mới bị bãi bỏ vào năm 2006.
Mỗi lúc phong trào càng lớn mạnh, hay mỗi lần có bà bị mật vụ bắt là những bà còn lại tất tả chạy đi cầu cứu nơi đại sứ quán các nước ở gần đấy để nhờ xin cứu giúp và tiếp tế. Năm 1978, đài truyền hình Thụy Điển đã trực tiếp phát hình cuộc biểu tình câm nín của các bà mẹ đáng thương đó. Và kể từ ấy, các sứ quán, các đài truyền thanh truyền hình thế giới luôn nhắc nhở đến thông điệp cầu cứu của họ ra ngoài thế giới tự do. Sự can thiệp bên ngoài vào nội bộ một nước có chủ quyền để làm thay đổi thể chế chính trị quả là có hiệu quả đáng kể. Có lẽ dân Á Căn Đình là nước có tiến bộ, có quá khứ dân chủ lâu đời ăn sâu vào tâm thức của người dân, nên thể chế độc tài Videla chỉ kéo dài được 7 năm là nhanh chóng sụp đổ.
Khi chế độ độc tài bị lật đổ vào năm 1983, cả nước cũng như thế giới mới khám phá ra rằng có hơn 30 ngàn người bị mất tích trong khoảng thời gian 7 năm đầy khủng hoảng này. Ngoài ra, còn có hơn 15 ngàn người bị xử bắn, và 9 ngàn tù nhân chính trị. Nhóm quân nhân do Videla lãnh đạo lấy lý do vì 'an ninh quốc gia' đã bắt cóc, tra tấn, thủ tiêu những người bị tình nghi, mà đa số đều là thường dân chân lấm tay bùn, hay thuộc giới sinh viên, trí thức, linh mục hay đại diện công nhân trong các công đoàn xí nghiệp.
Các bà mẹ thương con vẫn tiếp tục đi vòng quanh quảng trường Mayo mãi cho đến năm 2006, khi các bà trong nhóm hội viên sáng lập buổi đầu nhận thấy họ hầu hết đều đã già yếu. Họ quyết định vinh danh 40 bà mẹ sáng lập viên anh hùng còn sống sót để đi vòng quanh 24 giờ lần cuối cùng trong buổi lễ hàng năm. Vì khi đó lịch sử đã sang trang, chính phủ dân chủ do ông Kirchner cầm quyền đã không còn áp dụng chính sách 'miễn tội' cho các tội ác tày trời mà đám tướng lãnh ngày xưa đã phạm phải. Tuy thế hệ tiên phong hầu như đã không còn nữa, nhưng các chị em phụ nữ vẫn giơ cao ngọn cờ chính nghĩa, vẫn tuần hành vào mỗi thứ năm như trước đây các bà đã từng làm, dùng nó làm công cụ để tranh đấu cho tự do nhân quyền. Một số chị em còn tách ra thành lập một ủy ban gây quỹ quyên góp cho các đảng phái chính trị dưới danh nghĩa của các bà năm xưa. Nhóm này thì cực đoan khuynh tả hơn, chọn buổi lễ hàng năm của các bà để sinh hoạt nhóm, không phải là chủ trương của các bà lúc đầu.
Từ năm 1983 trở đi, tuy chế độ độc tài quân phiệt không còn nữa, nhưng các vụ án cứ liên tiếp kèo dãi mãi không dứt. Năm 1985, Videla bị xử án chung thân nhưng vài năm sau lại được Tổng thống tân nhiệm là ông Carlos Menem gốc Hồi giáo Syria ân xá vì các luật lệ đặc biệt khoan hồng cho các đương sự, vì các đương sự bị buộc phải tuân 'theo lệnh trên', và vì những lời kêu gọi 'hãy quên đi và tha thứ' cho đất nước được hưởng nền hòa bình mới lập lại. Nhưng các bà trong hội cương quyết phản đối: 'Hòa bình không thể tới khi chưa có Công Lý và Sự Thật'. Đến năm 2010 thì Videla bị kết án tù chung thân, nhưng vẫn còn rất nhiều người chưa bị pháp luật trừng trị. Nhờ thử nghiệm DNA, hơn 80 trong số mấy trăm hài nhi sơ sinh xưa kia từng là con của những người bị mất tích, được những tên sĩ quan quân nhân tòng phạm hay đồng lõa gần xa bắt mang về nuôi dưỡng hay giao cho người khác nuôi. Cũng nhờ kết quả thử nghiệm này mà gia đình thân nhân kẻ mất tích tìm ra thân nhân, nhưng mới chỉ tìm thấy 800 xác trong khi có đến hơn 30 ngàn người bị mất tích trong thời gian này.
Phải chăng vì đại đa số người dân Á Căn Đình đều theo đạo Công giáo nên các quân nhân này đã không tuân lệnh thủ tiêu các trẻ nhỏ? Hay chỉ là một cách diệt trừ hậu hoạn quỷ quái bằng cách mua chuộc tội lỗi mình một cách bệnh hoạn? Một chút an ủi cho gia đình nạn nhân hay chỉ là màn đầu để kéo dài tấm thảm kịch nhân loại? Và quan trọng hơn hết, những đứa trẻ lớn lên trong bối cảnh đó sẽ phải xử sự ra sao khi biết cha mẹ ruột của mình đã bị chính cha mẹ nuôi chúng trực tiếp hay gián tiếp hãm hại? Nghe qua có vẻ như những tình tiết được rút ra từ các bộ phim tập Đài Loan hay Hàn quốc thấm đẫm nước mắt, nhưng tất cả đều là chuyện có thật.
Các bà mẹ Á Căn Đình ngày đó đã từng bị kẻ nắm quyền đương thời cười chê, gọi là 'mấy bà điên' vì đã dám cả gan đòi hỏi công lý trong khi bạo lực khủng bố bao trùm lên khắp miền đất nước. Ông Adolfo Perez Esquivel, người đoạt giải Nobel Hòa bình năm 1980, đã gọi họ là 'các bà mẹ can đảm, vì nhờ vào lòng kiên quyết, nhờ sức mạnh tinh thần, các bà đã thành công, đạt được cái mục đích mà không đảng phái hay chính trị gia, phong trào nào có thể làm được'. Sức mạnh tinh thần và lòng kiên quyết ấy lại càng tuyệt vời hơn, khi chúng ta biết trong số các bà mẹ 'điên' ấy, có người còn chưa học hết tiểu học, khi chúng ta tìm hiểu thêm về tình hình chính trị rối ren của xã hội Nam Mỹ vào thời điểm đó. Cả vùng đều là nạn nhân lớn của cuộc chiến tranh lạnh. Như đất nước Việt Nam chúng ta, Á Căn Đình có lẽ chỉ thua Việt Nam về con số nạn nhân và con số các bà mẹ anh hùng nêu cao tinh thần bà Trưng bà Triệu, không cúi đầu khuất phục trước các bạo quyền.
Nhưng đất nước Á Căn Đình đã trở lại với truyền thống dân chủ là nhờ đâu? Phải chăng là nhờ vào hoạt động của các nhà trí thức và cơ quan truyền thông ngoại quốc khiến dân trong nước và thế giới phải xúc động và bất bình khi nhận được thông tin về những hành động tàn ác của thể chế độc tài Videla. Lương tâm con người khiến số đông ủng hộ mạnh mẽ và hết lòng giúp đỡ các bà mẹ trong việc đòi hỏi công lý, đưa đến sự sụp đổ thể chế độc tài trong nháy mắt. Còn Việt Nam chúng ta thì sao? Những bất công vẫn xảy ra nhan nhản hàng ngày mà hầu như chưa ai dám lên tiếng.
Ngày nay, Hội những bà mẹ quảng trường Mayo vẫn còn tiếp tục hoạt động trong lãnh vực giáo dục và nhân quyền. Tinh thần Hội vẫn được tiếp tục tại Nam Mỹ cũng như tại các nơi khác trên thế giới qua một vài tổ chức thiện nguyện. Các tổ chức này đã âm thầm tìm giúp nạn nhân, những bà mẹ bà vợ, những kẻ như các bà mẹ nước Á Căn Đình ngày đó, đi tìm công lý, đòi hỏi quyền sống. Với những ai vẫn còn quan tâm đến vấn đề nhân quyền, có thể đến quan sát quảng trường Mayo vào lúc 3 giờ rưỡi chiều mỗi thứ Năm. Nơi đây vẫn tổ chức 30 phút tuần hành để tưởng nhớ và duy trì tinh thần các bà mẹ cừ khôi ngày ấy. Tinh thần và quyết tâm bảo vệ các nguyên tắc đạo đức luân lý không ngừng bị chà đạp vì bọn tham nhũng, cũng như những kẻ khao khát bạo quyền, cho dù theo Cộng sản hay chống Cộng sản. Cám ơn các bà mẹ bất khuất đã đem lại nụ cười đến cho nhiều người, như cánh én đem lại mùa xuân cho dân tộc Á Căn Đình dũng cảm. Biết đến ngày nào mùa xuân dân tộc sẽ lại đến với đất nước mình nhỉ? Cầu mong ngày ấy sẽ chẳng còn bao xa!
Nhà hát lớn Colon – Những dấu mốc tròn tuổi 100
Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu, Một trăm năm đô hộ giặc Tây. Hai mươi năm nội chiến từng ngày, Gia tài của mẹ, để lại cho con, Gia tài của mẹ, là nước Việt buồn. (Trịnh Công Sơn: Gia tài của mẹ)
Với các xứ thuộc địa cũ của Tây Ban Nha ở Nam Mỹ, người Pháp không cần phải vất vả chinh phạt mất cả trăm năm mà vẫn thu phục nhân tâm từ các sắc dân sống ở vùng tận cùng trái đất này. Đến với Á Căn Đình, đặc biệt là chung quanh Thủ đô Buenos Aires, ta dễ dàng bắt gặp vô số quần thể kiến trúc mang đậm phong cách văn hóa Pháp. Tiêu biểu cho nét văn hóa Pháp ấy có thể kể đến Nhà hát lớn Colon tọa lạc trên đại lộ Quốc khánh 9 tháng 7. Tuy nó được thiết kế phỏng theo kiểu dáng từ nhà hát lớn Garnier ở Paris, nhưng lại có phần nổi trội hơn hẳn về phương diện âm thanh, ánh sáng. Giới yêu nhạc cổ điển đều cho rằng đây là một trong những nhà hát ca kịch lớn nhất và nhộn nhịp nhất thế giới, chiếm hẳn một dãy phố dài trên con đường trọng yếu của Thủ đô. Họ đến đây hằng đêm là để thưởng thức khả năng truyền âm kỳ diệu của sân khấu nhà hát qua những vở ca kịch opera hay những tác phẩm âm nhạc vốn cần chiều sâu cảm thụ nghệ thuật lẫn sự tập trung nghiêm túc nơi khán giả chọn lọc.
Đây, nhà hát lớn Colon lừng danh giới yêu nhạc
Trong nhiều trường hợp, người ta yêu mến nhà hát của thành phố mình đến độ họ tôn vinh nó như là một 'ngôi đền nghệ thuật', là một biểu tượng văn hóa thiêng liêng không thể thiếu trong đời sống xã hội và thường hay gắn liền với đà tiến hóa văn minh nhân loại. Nếu như khu chợ lồng (hay các trung tâm thương mại trong thời hiện đại) được xem là 'mặt tiền vật chất' của một đô thị, nơi cho ta biết một cách chân thật và cụ thể nhất sự sung túc của đời sống tiêu dùng. Thì 'mặt tiền văn hóa' của đô thị, nơi cho ta hay sự giàu có của đời sống tinh thần, chính là các nhà hát, các rạp chiếu bóng, các bảo tàng viện cũng như các công trình văn hóa khác.
Ngay từ thời cổ đại, cả hơn mấy ngàn năm trước, bên cạnh các đấu trường tàn bạo nhuốm đầy máu tanh, người Hy Lạp và La Mã đã nghĩ đến việc xây các sân khấu ca kịch lộ thiên hình bán nguyệt, nơi mà nghệ thuật chân chính vẫn cất lên với tất cả sự thánh thiện quyến rũ của nó. Trải bao thời thỏ lặn ác tà, các đấu trường nay đã thành phế tích, không còn ai chơi môn thể thao bạo lực ấy nữa. Riêng những nhà hát thì từ bấy đến nay chưa bao giờ ngưng hoạt động, giờ đã trở nên phổ cập khắp thế giới. Có thể nói không ngoa rằng cứ mỗi thành phố mọc lên là có một nhà hát nằm ngay ở vị trí trung tâm, mang nhiều ý nghĩa về lịch sử, văn hóa, kiến trúc của chính mảnh đất nó được xây dựng nên. Cũng thế, nhiều người chưa từng đặt chân tới nước Á Căn Đình bao giờ, nhưng Nhà hát lớn Colon thì gần như ai cũng biết. Đó là một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu nhất đầu thế kỷ 20 và là một trong các địa điểm biểu diễn nghệ thuật hàng đầu của thế giới.
Bắt đầu từ giai đoạn cuối thế kỷ 19 trở đi, là thời điểm đánh dấu sự bùng nổ của các nhà hát lớn mang tầm cỡ quốc tế lần lượt xuất hiện khắp nơi trên thế giới. Hồi ấy, bộ môn ca kịch opera hãy còn chiếm vị thế độc tôn hơn bất kỳ loại hình giải trí nào trong xã hội Tây phương. Mãi sau này mới có thêm các loại tiêu khiển khác như phim ciné, phim truyền hình, phim tập phát hành ra video, rồi DVD, blue-ray. Trong số hàng loạt rạp hát lớn nhỏ ra đời vào thời đó, nổi bật nhất là rạp Colon ở nước Á Căn Đình. Năm 1890, nhà hát opera đầu tiên được xây dựng theo thiết kế và dưới sự chỉ đạo của viên kiến trúc sư người Ý Francesco Tamburini. Dự định sẽ hoàn thành vào ngày 12 tháng 10 năm 1892, là ngày kỷ niệm 400 năm người Tây phương tìm ra châu Mỹ. Vì chữ Colon trong tên của nhà hát, chính là tiếng Tây Ban Nha dùng để chỉ tên nhà hải hành có công khám phá ra lục địa châu Mỹ, Christopher Columbus, mà người Việt mình hay phiên âm thành Kha Luân Bố. Nhưng cuối cùng phải mất gần 20 năm mới hoàn thành công trình vào năm 1908, trải qua nhiều lần bị gián đoạn vì sự cố đấu thầu không hợp lệ cũng như bị thâm thủng tài chính. Kinh phí dành cho công trình này tương đương với nguồn thu ngân sách của cả vùng Nam Mỹ gộp lại trong nhiều năm, mà phần lớn số tiền là do ông Angelo Ferrari bỏ ra trang trải, một mạnh thường quân giàu có nhất xứ Á Căn Đình lúc bấy giờ.
Mặc dù biết mình sẽ bị thua lỗ, nhưng ông quyết liều một phen, vét sạch vốn liếng bỏ ra một số tiền khổng lồ để thắng cuộc đấu thầu mua khu đất đẹp nhất Thủ đô, và lao vào công tác khởi công xây dựng nhà hát lớn. Ông ấp ủ giấc mộng thành phố quê mình sẽ phải có ít nhất một nhà hát thượng hạng không đối thủ trên thế giới, để không thua kém bất kỳ các nước Âu Mỹ nào mà ông được biết. Để người dân Nam Mỹ được dịp nở mày nở mặt với cộng đồng quốc tế. Tất cả những gì tiện nghi nhất, tối tân nhất lúc bấy giờ đều được ông mua về trang bị cho nhà hát. Mặt tiền được chống đỡ bằng dãy cột đá hình trụ vững chắc nhập từ Ý qua, hai bên cổng chính dẫn vào nhà hát khắc tượng bán thân của các cây đại thụ âm nhạc bản xứ, hay các vai diễn để đời trong các vở ca kịch nổi tiếng đương thời.
Chỉ cần nhìn chừng ấy thôi cũng đủ để khơi dậy óc tò mò nơi nhóm du khách đang nhốn nháo đứng chắn ngang lối cửa trước, thò đầu nhìn soi mói qua khe kính hở coi gian nội thất được trang hoàng ra sao. Tôi cũng bạo gan theo họ đẩy cửa bước vào bên trong, dù biết rằng vé tham quan dưới sự hướng dẫn của nhân viên nhà hát không hề rẻ chút nào. Bước vào phòng nghe nhạc là phải chịu tốn tiền mua vé, dù chỉ là chụp vài tấm làm kỷ niệm thôi, chứ đừng nói là đi coi show ca nhạc. Chẳng may đang là mùa lễ Tất niên, nên các nhạc công đều nghỉ diễn, về quê chơi với vợ con hết rồi. Tôi không mua vé vào xem được, tiếc ơi là tiếc! Đành dạo quanh ngắm các bích chương dán trên tường cao quá đầu người, nói về quá trình thành lập nhà hát mà thèm quá đi mất. Dù sao tôi cũng kịp chụp được vài tấm hình tạo dáng phía ngoài hành lang, bên cạnh phông áp phích quảng cáo đủ mọi kích cỡ, mang về khoe với bà con bạn bè cho vui cửa vui nhà. Còn hơn là ra về tay không, các bạn nhỉ!
Theo như những gì tôi được nhìn thấy qua các bích chương triển lãm hôm đó, không gian nhà hát quả thực lộng lẫy ngoài sức tưởng tượng của mọi người. Ngay như các cung điện hoàng gia bên Pháp, Ý cũng chưa chắc gì sánh kịp. Chả trách chi chưa xây xong mà ông chủ nó suýt mấy phen bị vỡ nợ, nếu như không có sự trợ giúp kịp thời từ nhà nước xuất tiền công quỹ ra cứu nguy vào phút chót. Sự lộng lẫy của nhà hát còn được tăng lên gấp bội qua những cột đá hoa cương khổng lồ đủ các màu sắc, và những bức họa được vẽ cầu kỳ trên tường và trên trần. Tôi chưa hề thấy đá hoa cương với đủ loại màu sắc long lanh tỏa sáng dưới những chùm đèn pha lê như thế. Ngoài màu trắng ngà ta thường thấy ra, còn có màu vàng da báo lấy từ mỏ đá bên thành Siena ở Ý đem về, màu xà cừ óng ánh tự nhiên thay đổi theo góc nhìn. Nào là màu đen bóng vân mây, đen đốm bạc nhập từ Pháp sang, rồi đến màu hồng cánh sen từ nước Bồ Đào Nha tới, màu hồng phớt khai thác từ nước Bỉ, màu lam ngọc xứ Ba Tư, màu tím cà, đỏ mận huyền bí đất Ấn Độ. Thôi thì đủ cả, trông đến phát hoa mắt!
Leo lên tầng hai trên những cầu thang trải nhung đỏ chính giữa lối đi, tôi cứ ngỡ như đang giẫm gót giầy bốt tây trên thảm đỏ mịn màng của kinh đô màn bạc Hollywood mỗi dịp trao giải Oscar vậy. Nếu may mắn gặp buổi hòa nhạc đang diễn ra thì dọc theo dãy hành lang của tầng hai này, khán giả có thể say sưa nhâm nhi ly rượu sâm banh (champagne) trước khi vào xem hát hoặc trong giờ giải lao giữa các màn diễn. Tôi như tưởng tượng ra không khí tưng bừng của mùa nhạc hội lại về, khi từng cặp nam thanh nữ tú đua nhau diện đồ đẹp, lướt nhẹ trên lối hành lang dài sâu hun hút. Nam thì khoác áo đuôi tôm, hoặc diện bộ côm lê lịch lãm, nữ thì xúng xính trong bộ áo xòe dạ hội. Điệu nhạc Tango dìu dặt như chợt bùng lên sôi nổi đâu đây, tiếng vỹ cầm réo rắt hòa nhịp với đàn bandonéon đệm nền trầm ấm. Ngước lên về phía các khung cửa gỗ dẫn vào phòng biểu diễn là tên của các nhà soạn nhạc tài ba hay nhà văn, nhà thơ đi vào lịch sử với những vở kịch trứ danh của họ, với Beethoven, Mozart, hay Racine, Corelli.
Đây mới là khán phòng chính của nhà hát mà người yêu nhạc đều tìm tới nghe thẩm định âm thanh hoàn hảo của nó, và cũng là tâm điểm của mọi sinh hoạt xã hội thượng lưu trong thuở hưng thịnh nhất. Phòng nghe nhạc này được thiết kế theo hình vành móng ngựa hiếm thấy trên thế giới, khác hẳn với những nhà hát opera ở các nước khác, thường là xây hình cánh quạt hay bầu dục như sân vận động, hoặc thậm chí hình vuông, hình chữ nhật, hình con thoi, con sò như một số nhà hát đương đại. Duy chỉ có hình móng ngựa là tạo cho người nghe âm thanh trung thực nhất, dịu ngọt nhất và cũng truyền đạt rõ ràng nhất. Âm thanh ở đây được truyền đi cực tốt. Tiếng hát mộc mạc không microphone của một diễn viên đứng trên sân khấu có thể được thính giả ở những hàng ghế cuối cùng cách đó 30 thước nghe thấy rõ rệt như đang nhả ngọc phun châu kề bên tai mình vậy.
Bí quyết làm nên sự truyền âm lạ lùng đó là nhờ biết triệt để khai thác các đặc tính vật lý phức tạp của quy tắc cấu trúc âm học. Biết cách sắp xếp các hàng ghế ngồi đan nhau theo bậc thang thoai thoải cao dần lên đến tận góc phòng ở tầng trệt. Chung quanh khán phòng lại dựng thêm 6 tầng cánh gà dành cho khán giả nhiều tiền hơn với gần 2,500 chỗ ngồi. Đó là chưa tính hơn 1000 vé đứng ở hai tầng chót cùng nữa. Sức chứa nhà hát như vậy là vừa đủ. Nhiều hơn nữa sẽ ảnh hưởng đến chất lượng âm thanh, vì khán giả quá đông sẽ hút hết âm thanh phát ra từ sân khấu. Với cách sắp xếp khôn ngoan như thế, hèn gì mà ông bầu rạp hái tiền như nước, chia thành nhiều lô khác nhau để phân biệt giữa hạng cao cấp với... hạng cá kèo, chỉ tốn có 2 đồng pesos! Dù cho ngồi ở hạng nào đi nữa thì ai nấy cũng đều hả hê thưởng thức trọn vẹn chương trình từ đầu đến cuối. Ai giàu có thì ngồi gần ngắm thần tượng mình thả hồn bay bổng trên sân khấu, còn dân nghèo thì chịu khó đứng xem, sắm ống nhòm trông xuống sân khấu cũng rõ như ai. Ăn tiền là ở chỗ đó.
Chất lượng âm thanh rõ, ánh sáng đẹp thôi vẫn chưa đủ để lôi kéo khán giả đến rạp xem hát mỗi đêm. Phải mời cho được đào kép hát hay, trẻ đẹp, những siêu sao âm nhạc đang thời đỉnh cao danh vọng, đến trình diễn để so tài cao thấp xem ai hơn ai. Vì chỉ có những địa điểm không bị các tạp âm pha nhiễu như thế này mới chứng tỏ tài nghệ của các giọng hát nhà nghề mà thôi. Muốn chắt lọc âm thanh cho hay, cho ngọt dễ nghe, các chuyên viên âm thanh hồi đó đã phải mất nhiều năm điều nghiên mới tìm ra được các phương thức nhằm khắc phục nó. Và mỗi loại nhạc phòng đều có kích cỡ khác nhau, vật liệu xây cất và mục đích sử dụng không giống nhau, cho nên mới có sự khác biệt lớn lao giữa rạp ăn khách và rạp ế ẩm.
Dễ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng âm thanh nhất và cũng khó chỉnh sửa nhất là độ dội âm của căn phòng. Dội âm nghĩa là âm thanh va chạm vào tường, trần, sàn phản xạ nhiều lần, cường âm dần dần bị hạ xuống truyền đến tai người nghe. Nếu như dội âm tương đối mạnh, thời gian giao động dài sẽ làm nghe không rõ, giống như đứng giữa thung lũng mà nói chuyện vu vơ vậy. Kiểu dội âm mạnh này chỉ thích hợp cho các loại nhạc cần độ vang vọng dài lâu như nhạc thánh ca véo von hát trong khung cảnh giáo đường tôn nghiêm, hay các tấu khúc thổi sáo vi vu tỏa bay trong gió, làm tăng cảm giác hùng vỹ của loại nhạc tâm linh, siêu phàm. Nhưng ngược lại, nếu không có dội âm thì âm thanh trở nên khô khốc, vô hồn và thiếu sức truyền cảm. Các loại nhạc cần tiết tấu nhanh và nhịp trống đập rõ rệt như nhạc kích động, nhạc vũ trường, âm thanh gào thét, chát chúa là thích hợp nhất. Do đó mà dội âm là chỉ số vật lý đầu tiên quyết định chất lượng âm thanh của một nhạc phòng chuẩn mực.
Nhằm kiểm soát khả năng dội âm của căn phòng, người ta thường hay lựa chọn các loại vật liệu hút âm dạng lỗ khác nhau để đảm bảo phát ra âm thanh tốt nhất. Trước khi đến tai người nghe, âm thanh truyền đi vào những lỗ không khí nhỏ hẹp bị ma sát chặn lại và tổn thất dần vào không khí. Đồng thời các sợi tơ mỏng nhẹ trong vật liệu dùng để hút âm thu nhận những rung động của làn sóng âm thanh, và chuyển hóa từ thanh năng thành nhiệt năng. Quần áo biểu diễn, rèm cửa sổ, rèm che sân khấu, đệm ghế, thảm đỏ đều là những vật liệu hút âm dạng lỗ hữu hiệu nhất. Cho nên ở rạp Colon này, tôi thấy toàn bộ ghề ngồi đều được phủ lớp lông ngựa óng mượt, bên ngoài bọc nệm nhung đỏ thẫm, ngồi lâu không bị mỏi. Mỗi ban công cánh gà còn được gia công bằng những bức rèm nhung dày cộm, thủ công thêu dệt cực kỳ khéo tay. Riêng hai ban công áp sát hai mặt sân khấu là nơi thuở xưa chỉ dành riêng cho vị nguyên thủ quốc gia ngồi xem cùng với gia đình. Hai chỗ ngồi tốt nhất này được trang trí với 2 bức trướng che phủ trên đầu nom giống lọng vua. Muốn ngồi đây xem, khán giả ngày nay phải bỏ ra một khoản tiền tương đối lớn. Ngoài ra, mỗi tầng phía ngoài ban công là những chùm đèn sáng dịu làm tăng thêm vẻ hào nhoáng của nó.
Kế đến là vách ngăn trong phòng, cần chú ý kiểm tra không để bề mặt tường hoặc trần trơn, đặc biệt là quanh khu khán giả ngồi, tránh âm thanh dội làm nhiều lần. Điều kiện lý tưởng nhất là bề ngang căn phòng phải hẹp hơn so với chiều dài, giúp âm thanh phát đi nhanh hơn để chóng đến kịp với người nghe ở dãy cuối phòng trước khi biến mất vào khoảng không, đồng thời tạo ảo giác âm thanh đa chiều bao bọc lấy người nghe. Thường thì người ta sử dụng chất liệu gỗ hay các loại đá sần sùi bọc lên vách tường từ dãy ghế hàng đầu trở xuống. Loại gỗ có rãnh và lỗ càng nhỏ, càng mau thì hiệu quả hút âm càng tốt. Nó sẽ giúp khử nhiễu các âm thanh trầm đục với tần số thấp, là thành phần chính của tiếng ồn nền trong nhà hát. Các giọng hát có tần số cao trong của diễn viên cũng nhờ đó mà sẽ được khuếch đại thêm.
Ngay cả việc dàn dựng sân khấu cũng không thể coi thường. Nếu như giàn nhạc giao hưởng và người biểu diễn không nghe được âm thanh của chính mình để điều chỉnh là coi như hỏng. Sàn sân khấu phải nâng cao ngang tầm với dãy ghế khán giả ngồi, và phải được lát gỗ bóng loáng. Các bức vách quanh khu vực sân khấu cũng vậy, thường để trơn láng nhằm tạo độ âm vang để nghệ sĩ trình tấu có thể nghe được ngón đàn réo rắt của mình. Điều này trái ngược hẳn với các bức vách nằm dưới phía khán giả thì cần phải sần sùi để hút lực âm thanh phát đi chứ không được để trơn tru như trên sân khấu được. Nếu là vở hát opera thì dàn nhạc giao hưởng chơi nhạc trong một căn hầm khoét miệng nằm bên dưới sân khấu. Như thế âm thanh mới bốc thẳng lên trần rồi tỏa ra khắp gian phòng.
Sân khấu ở đây còn được che bởi tấm màn nhung chống cháy đặt làm ở Pháp, thêu dệt thành một bức họa sang trọng, là tiêu điểm đập mắt người nghe trước nhất. Khi nào khai mạc chương trình thì mới dùng sào tự động kéo lên. Nó nặng đến nỗi phải sử dụng đến hai gã kéo màn lực lưỡng giúp nâng lên mới vén nổi. Ngay trên đầu ban nhạc là vòm trần vẽ chân dung các nhà thơ và nhà soạn nhạc nổi tiếng trong lịch sử cùng với chùm đèn chính với hàng trăm ngọn đèn pha lê hình nến sáng lung linh như những vì sao. Nghe nói chùm đèn này nặng đến 5 tấn, treo lơ lửng trên trần chỉ bằng một sợi dây xích bạc mỏng tanh như giây tơ. Tôi nghĩ bụng nếu chẳng may nó mà rớt xuống sân khấu như trong vở Bóng ma nhà hát lớn thì chắc sẽ không còn ai sống sót.
Thấy người dân Á Căn Đình dốc lòng gìn giữ di sản văn hóa ca hát nước họ mà ngẫm ra nhiều điều tréo ngoe về tình trạng tuột dốc tồi tệ của ngành kịch nghệ giải trí ở Sài Gòn cũng như ở hải ngoại hiện nay. Càng nghĩ đến lại càng thêm bức xúc. Sài Gòn chúng ta xem như cũng từng có 'quận nhà hát' (Theatre District) tương tự như khu sân khấu Broadway ở New York (Mỹ) hay sân khấu West End ở London (Anh), được thành hình khá tự nhiên theo đà phát triển đời sống xã hội. Đã có một thời mà mỗi đêm Hòn Ngọc Viễn Đông có không dưới một trăm điểm diễn sáng đèn, từ rạp chiếu bóng cho đến phòng trà, ca nhạc thính phòng, sân khấu cải lương hồ quảng, gánh xiếc, hát bội, hát chèo, đủ mọi thể loại phục vụ cho các tầng lớp dân đô thị, dù là giới bình dân lao động hay loại trí thức khá giả. Hầu hết các tụ điểm đều tập trung ở quận nhất đô thành, nơi có nhà hát lớn Sài Gòn, xứng với câu vè của dân chơi Sài Gòn thứ thiệt năm xưa: 'Ăn quận năm, nằm quận ba, hát ca quận nhất'. Thế mà nay đã bị đập nát gần hết, hầu như chẳng còn gì sót lại để người xa quê, người có lòng với nghệ thuật, mòn mỏi đi tìm quãng thời gian đã mất.
Đã đành sự chuyển dời, thay đổi nào, hay thậm chí vĩnh viễn mất đi là quy luật tất yếu của đời sống, để dọn chỗ, để mở đường cho những cái mới được dựng lên. Nhưng hành trình tiếp nhận những cái mới đôi khi lại chẳng dễ dàng, nếu không nói là không thể khỏa lấp nổi những khoảng trống để lại khi giá trị cũ vĩnh viễn bị mất đi. Đáng buồn hơn nữa là cùng với sự biến mất của các rạp hát thì thái độ chuyên nghiệp của người đi nghe nhạc, coi hát cũng không còn lịch sự như thuở trước. Tôi nhớ rất rõ cái không khí coi hát ngày xưa, hồi tôi còn bé học tiểu học, vào đầu những năm 80. Lúc đó tuy sinh hoạt văn nghệ không còn rầm rộ khởi sắc như thời cực thịnh trước 1975 mà tôi đã từng nghe các bậc chú bác kể lại, nhưng các đoàn hát, ban nhạc vẫn chưa đến nỗi quá sa sút như bây giờ.
Thuở ấy, tôi được theo bà, theo cô, theo mấy chị hàng xóm đi xem hát cải lương, xem kịch Kim Cương vào những dịp lễ lớn. Đó là những người thực sự đam mê nghệ thuật. Với họ là 'coi hát', dù cho đó là hát cải lương, hát bội hay hát bóng, không có nghĩa chỉ nghe ca là đủ, mà còn phải thấy được tài diễn xuất, và đặc biệt là thấy được cuộc đời chính mình trong sân khấu. Cải lương xưa hấp dẫn vì cốt truyện tuồng đặc sắc, gần gũi, thực tế, bám sát với sinh hoạt ngoài đời. Người ta có thể bắt gặp bản thân mình trên sân khấu, coi hát cũng là để học. Vì thế tất cả mọi khán giả một khi đã đặt chân đến rạp hát, dù là đoàn lớn hay đoàn nhỏ, thì đều như bước vào một 'ngôi đền', một 'thánh đường nghệ thuật' thực sự.
Có một chuyện làm tôi nhớ mãi. Đó là vào một lần nào đó cô tôi hứa dắt tôi đi coi hát ở rạp hát Đại Đồng đường Cao Thắng gần nhà ngoại tôi trong hẻm Kỳ Viên Tự, khu Bàn Cờ. Nhưng đến ngày xem thì cô tôi xin khất lại đến tuần sau để còn: 'Kịp may cái áo đẹp'. Chuyện này chắc cô tôi nay đã quên rồi, nhưng không hiểu sao tôi vẫn còn nhớ như in. Bây giờ thuật lại nghe thấy vô lý nhưng đấy là sự thật 100%. Có một thời mà mỗi khán giả phải là những 'quý ông, quý bà' lịch thiệp khi bước vào rạp hát. Dù là anh đạp xích lô, một bà buôn gánh bán bưng đi nữa, thì khi đi coi hát, họ đều ý thức ăn mặc đẹp, và không hề có cách biệt về tác phong với một người được xem là trí thức. Khán giả giữ thái độ nghiêm túc, trật tự, hoàn toàn tôn trọng vở diễn, và chỉ khích lệ nghệ sĩ bằng tiếng vỗ tay ngắn. Chuyện ăn uống, trò chuyện gây mất trật tự trong rạp, rồi phe vé chợ đen vào tận rạp gây rối... như các tụ điểm ca nhạc trong nước cũng như ngoài nước hiện nay là 'không tưởng'. Trong một môi trường mà ai cũng đàng hoàng, lịch sự, chỉ cần mình ăn mặc hơi xốc xếch, có làm điều gì thất thố như cười lớn một chút thôi là đã tự thấy mắc cỡ rồi. Nói chi đến những hành động khác người như một bộ phận khán giả xô bồ hiện nay. Có lẽ cũng vì tiếc nhớ đến 'ngôi đền nghệ thuật' của 'những ngày xưa thân ái' ấy, mà đã lâu rồi tôi ít đặt chân đến các tụ điểm âm nhạc nữa, dù chỉ cách nhà tôi độ mươi phút lái xe.
Mong rằng thị hiếu bồng bột nhất thời rồi cũng qua đi, nhưng cuối cùng người ta vẫn quay về nguồn, quyết chí sống còn với nhà hát, với nghệ thuật dân tộc, vẫn 'khóc cười theo mệnh nước nổi trôi' với từng đêm diễn. Để rồi, khi một rạp hát lặng lẽ biến mất theo cơn lốc thời đại, nó vẫn có thể là một 'thiên đường' trong lòng đứa trẻ quê, đắm mình sống với lũ kỷ niệm đáng yêu thời thơ ấu trong phim Cinema Paradiso. Hay nó có thể là một tấn bi kịch ám ảnh gã kéo màn tuy xấu trai nhưng có giọng hát Trương Chi đầy mê hoặc trong suốt cuộc đời còn lại, qua vở Bóng ma Nhà hát lớn (Phantom of the Opera), một anh Trương Chi của thời đại. Bởi vậy, nhà hát bao giờ cũng là nơi có rất nhiều câu chuyện cần phải được kể cho hậu thế mai sau, về chính bản thân nó cũng như luôn cả về một quãng đời chúng ta đã trải qua nữa.
May mà có Tango, đời còn dễ thương
Em ... [Tango], má đỏ môi hồng, Ở đây buổi chiều, quanh năm mùa đông. Nên tóc em ướt, và mắt em ướt, Nên em mềm như mây chiều trong. (Phạm Duy-Vũ Hữu Định: Còn chút gì để nhớ)
“Tango” đối với người dân Á Căn Đình, nó dễ thương như người em 'má đỏ môi hồng', và còn thiêng liêng như ngọn núi Phú Sỹ (Fuji) đối với người Nhật Bản vậy. Người nước ngoài khó có thể tưởng tượng nổi tâm hồn dân Á Căn Đình chao đảo đến mức nào khi một vũ điệu “tango” được cất lên. Đặc điểm của “tango” là nó thường kết hợp giữa những lời ca bình dân mộc mạc của đồng quê Âu châu, ai oán thở than cho những kiếp nghèo luôn phải vật lộn với cuộc sống 'trôi sông, lạc chợ'. Từng ấy giai điệu lời ca đan xen lại với nhau thành một thứ nhịp điệu da đen Phi châu dập dìu mạnh mẽ, nửa như lả lơi mời gọi đôi tình nhân hãy mau dìu bước trên sàn nhảy.
Trong truyền thống “tango”, nhạc cụ tiêu biểu nhất vẫn là đàn bandonéon, một loại phong cầm như accordéon có xuất xứ từ nước Đức, phát ra những thanh âm nỉ non gợi tình, cực kỳ lôi cuốn. Thoáng nghe, tôi cứ tưởng như tiếng “khèn lá” mà đồng bào Thượng nước ta thường hay thổi trong những dịp hội hè, đình đám. Đó là nhờ đàn bandonéon có tất cả 71 nút bấm, và có thể chơi được cả hai nốt nhạc cùng một nút, tùy thuộc nút mở hay đóng. Đây là một nhạc cụ rất khó sử dụng, nhưng âm thanh bi thảm của nó lại hết sức hòa hợp với xúc cảm tango. Vì vậy, nó được xem là biểu tượng cho “tango”, 'bà chúa của vũ trường'.
Bước đi Tango lả lơi
Trước khi biến thành một điệu hát bình dân, tango đã xuất hiện ở khu vực quận La Boca thuộc thủ đô Buenos Aires vào cuối thế kỷ 19 như một phong trào khiêu vũ. Vào lúc ban đầu, vũ điệu tango chỉ là một thể loại thuần nhạc khí đơn giản chứ chưa có ca từ, gồm có một cây tây ban cầm (guitar), sáo tây (flute) và vĩ cầm (violin), là những nhạc cụ duy nhất được sử dụng để diễn đạt thể điệu này. Sau đó mới thêm đàn bandonéon vừa được chế tạo xong, và nhập từ Đức sang. Nhưng vẫn còn thiếu phần nhạc cụ tối thiểu để giữ nhịp và làm nền cho bản nhạc. Phải đợi đến khi có sự hội nhập của hai loại đàn đắt tiền là dương cầm (piano) và đại hồ cầm (double bass) chơi nhịp chõi làm nền thì “tango” mới có được cái tên đích thực của mình như hiện nay.
Mãi mấy chục năm sau, lời ca mới được đặt ra, viết theo ngôn ngữ giang hồ của đám dân đầu đường, xó chợ, lời lẽ thô tục và sử dụng khá nhiều tiếng lóng địa phương. Trong màn đêm u tối của những xóm nghèo tạm bợ, vũ điệu tango đã được nhảy ngoài hè đường, trong các quán rượu, cà phê, sòng bạc và các hồng lâu, nhà thổ, nhậu nhẹt say sưa vui suốt canh thâu. Tại đây thường tụ tập khá nhiều dân giang hồ tứ chiếng từ khắp các nước châu Âu nhập lậu vào Á Căn Đình, trong đó chủ yếu là nam giới đến từ mấy nước Đức, Ý, Tây Ban Nha, sống chui rúc với đám nô lệ da đen Phi châu trong những khu ổ chuột ngoại thành. Ban ngày họ thường đi làm thuê gánh mướn, nhiều nhất là đi chăn bò tại các nông trại xa thành phố. Mấy anh chăn bò nhà quê này, người dân thành thị hay gọi chế diễu là gauchos. Làm quần quật suốt ngày, chỉ khi màn đêm buông xuống, họ mới được nghỉ ngơi, ăn uống hội hè.
Và họ đã tự sáng tạo nên một điệu vũ mới mang tên tango để tìm quên trong giây lát nỗi sầu viễn xứ, thân phận bị bạc đãi, cũng như bộc lộ tâm trạng thất tình qua giai điệu não nùng của giòng nhạc tango. Âm thanh của khổ đau, lãng mạn, tuyệt vọng. Vì hầu hết họ là những gã đàn ông cô độc, thiếu bóng đàn bà, ra đi bỏ lại đằng sau tất cả, mà mục đích là chỉ để tìm kiếm một sự thành đạt nhỏ nhoi nơi quê người. Họ đã gặp nhiều trở ngại trong việc diễn đạt ngôn ngữ, vất vả trong cuộc sống, đồng thời nhớ tiếc hạnh phúc đã qua mà họ đã để lại trên quê hương mình trong bước đường bỏ nước ra đi. Chỉ có âm nhạc và khiêu vũ là có đủ khả năng kéo người ta lại gần với nhau hơn, bất kể thân phận thấp hèn, hoặc màu da hay ngôn ngữ. Thế là điệu nhảy tango ra đời giữa các người đàn ông nhảy nhót với nhau, và thường là diễn ra trong những ổ chứa (brothels) hay các hộp đêm, quán rượu (cabarets). Chính ở đây, tất cả bọn họ tụ tập nhau lại để tìm quên lãng qua những ván bài, để tìm hơi ấm qua những chầu nhậu say túy lúy, hay rơi vào vòng tay của các ả làng chơi nghiện ngập. Từ khoảng giữa hai thập niên 1860 và 1880 trở đi, lịch sử tango đã ra đời từ những khu ổ chuột bẩn thỉu kể trên mà dân thường ít khi dám bén mảng tới.
Ít ai ngờ rằng một vũ điệu táo bạo và hấp dẫn đã từng chinh phục thế giới như thế lại có một quá khứ trụy lạc đến như vậy. Nhất là khi ngắm đôi nam nữ cọ xát vào nhau, phóng mình theo từng nhịp thở, tôi thấy bước nhảy của họ thật thú vị nhờ vào hai động tác vốn dĩ khá căn bản đặc trưng của “tango”. Một được họ gọi là quebrada, nghĩa là đào phải gập đầu gối ngả người xuống phía sau. Động tác thứ nhì được gọi là corte, đó là lúc đôi trai gái đang nhảy ngon trớn bỗng phải chững lại một hồi, nhạc cũng ngưng hẳn một đoạn trước khi quay vòng chơi tiếp. Các bạn có biết tại sao lại thế không? Vì “tango” bắt đầu với sinh hoạt của các anh chăn bò cao bồi Á Căn Đình. Họ lười tắm, trên người còn đẫm mồ hôi ngựa, nhưng lại thích bước vào các hộp đêm đông nghẹt mời các cô nhảy. Họ hôi hám quá nên các cô chỉ móc tay trái vào khuỷu tay phải của gã chăn bò chứ không dám ôm sát để nhảy, và đầu ngửa về phía sau cho đỡ nặng mùi. Còn tay phải thì buông thõng xuống phía dưới hông của gã, chỗ gần túi quần như để móc túi lấy tiền công nhảy.
Từ điệu nhảy lò cò nhà quê của các gã chăn bò nghèo hèn, “tango” được sàng lọc qua thời gian để trở nên đại chúng, thành một vũ điệu xã giao phổ biến khắp mọi nơi trên thế giới hiện nay. Trong giai đoạn phát triển tột bực 1880-1930, phong trào “tango” cuốn hút giới trẻ và đặc biệt là tầng lớp nghèo sống ở kinh thành đến mức mà những góc phố ngoại ô thuộc khu vực La Boca, nam giới công khai nhảy nhót với nhau giữa ban ngày ban mặt chứ không chịu sinh hoạt về đêm như trước kia nữa. Nó có phần nào giống như đám thanh niên ngày nay quây quần tụ tập để trình diễn nhạc rap vậy. Lối khiêu vũ ngoạn mục và hình tượng của “tango” rất ăn khách trong các khu đông dân, trong giới phu khuân vác tại các bến cảng của thủ đô, đã lập tức bị nhà cầm quyền quy kết là sinh hoạt đồi trụy khiêu dâm, tìm cách dập tắt phong trào nhưng cũng không thể ngăn cấm được. Đến lúc đó thì phong trào đã lan rộng ra khắp thủ đô, con em của giới trung lưu trưởng giả cũng bắt chước nhảy theo.
Cũng nhờ vào sự đóng góp của giới phong lưu trí thức mà những phần thô tục của lời ca dần bị loại bỏ bằng những nét bay bướm hơn, thể hiện qua những lời ca chứa chan tình cảm, xót thương da diết. Thế rồi, từ thủ đô Buenos Aires, Tango truyền qua Âu châu vào thập niên 1910s. Đầu tiên được hoan nghênh nhiệt liệt ở Paris và sau đó lan ra rộng rãi. Các hội quán “tango” nảy sinh khắp nơi. Từ Paris, London, Berlin, cho chí các tỉnh lẻ tại Hòa Lan (Holland), Phần Lan (Finland), người ta có thể nhảy nhót “tango” suốt đêm. Ở Nhật Bản và Trung Quốc, “tango” biến thể theo một hình thức riêng. Riêng dân Việt chúng ta, dù ở trong nước hay ra hải ngoại, cứ nghe điệu “tango” trỗi lên là ùn ùn kéo nhau ra sàn nhảy đông như kiến! Các ca khúc Tango Việt Nam được sáng tác nhiều khủng khiếp. Không mấy ai là không biết điệu Tango, cho dù là không biết nhảy đi nữa, và lẽ dĩ nhiên, phải biết đến các 'giọng buồn chơi vơi' bên 'khúc Tango đắm say' của các nữ hoàng chuyên trị “tango” như Lệ Thu với: Bài tình ca mùa đông, Anh hát giữa đêm lạnh giá. Tình còn mãi chờ mong, Thấp thoáng bóng em vợi xa! (Trầm Tử Thiêng: Bài tình ca mùa đông) Hoặc sau nữa thì có Khánh Ly với: Thương cho kiếp sống tha hương, Thân gầy gò gửi cho gió sương. Đôi khi muốn nói yêu ai, Nhưng ngại ngùng đành lãng phai. Đêm nay giấy trắng tâm tư, Gửi về người chốn mịt mùng, Đời nghèo lòng nào dám mơ tình chung. (Lam Phương: Kiếp nghèo) Tuyệt vời, bất khả nghị bàn, phải không các bạn!
Cuối cùng thì mấy ông nhà giàu ở thủ đô Á Căn Đình cũng phải bó tay, đành xuôi theo thời thế mà lao vào cuộc vui khiêu vũ. Lúc đó, dân giàu có ở Buenos Aires rất ưa xuống thuyền đi Âu châu du lịch, ít nhất là mỗi năm một lần. Họ đều có biệt thự nghỉ mát ở Paris hoặc London. Dạ tiệc của họ thường quy tụ các giới quý tộc nổi tiếng. Người Pháp bấy giờ thường rỉ tai nhau câu nói: 'nó giàu giống như một người Á Căn Đình' để chỉ sự cực kỳ giàu sang của họ. Con cái họ xuất dương du học, mang theo điệu Tango Á Căn Đình vào giới thượng lưu Paris, rồi từ đó tạo nên một làn sóng điên cuồng với “tango”. Mọi người mở dạ tiệc khiêu vũ với dàn nhạc Á Căn Đình và nhảy Tango. Y phục phụ nữ cũng thay đổi, những váy thụng và xòe của loại nhạc Luân vũ (Waltz) cao sang nay được thay bằng bộ váy đầm gọn gàng, buông thả hơn. Với sự ủng hộ nhiệt tình của dân Âu châu, “tango” tái 'nhập cảng' ngược về thủ đô Buenos Aires. Và lần này, được cả nước hoan nghênh.
Hình thức Tango Á Căn Đình mà chúng ta thấy ngày nay xuất xứ từ ca sĩ Carlos Gardel, ông tổ Tango, vào những năm 1938-1940. Đây là thời hoàng kim nhất của điệu nhảy Tango. Trên thế giới hiện có ba hình thức chính: Salon, Fantasia và nhảy biểu diễn. Hình thức nhảy biểu diễn, đôi khi còn gọi là 'để xuất cảng', nhắm vào các dân tộc nói tiếng Anh. Dân Hoa Kỳ rất tán thưởng hình thức “tango” nhảy biểu diễn do các công ty và các show ca vũ của Á Căn Đình sang lưu diễn. Cuối show, người ta yêu cầu mở lớp dạy cho họ. Vài vũ công có thể dạy, nhưng càng về sau, các vũ sư từ Á Căn Đình sang cảm thấy rất khó khăn để giải thích sự khác biệt trời vực giữa nhảy biểu diễn trên sân khấu và điệu nhảy Tango truyền thống trong gia đình người Á Căn Đình như thế nào. Khác biệt cũng giống như bây giờ có người đến hỏi chúng ta về những làn điệu hát ru truyền thống mà các bà mẹ Việt Nam thường hay khẽ ru con ngủ, say ngon giấc nồng, như bài Cò lả, Trống quân hay Qua cầu gió bay chẳng hạn. Nó khác nhiều so với loại dân ca tân thời đã được cải biên trên sân khấu do ca sĩ cầm micro gào thét cho khán giả nước ngoài nghe vậy. Một đằng tình tứ dịu êm, lả lơi nhưng không cợt nhả, một đằng thì chỉ cốt khoe giọng hò to khỏe, càng hét to thì càng cho là hay, múa may quay cuồng, vò đầu bứt tai không còn là dân ca nữa.
Cho nên muốn đi tìm vũ điệu Tango truyền thống không lai tạp thì chỉ có thể tìm thấy ở chính tại quê hương phát sinh ra nói mà thôi. Nếu bạn là người đam mê lịch sử hay văn hóa cổ truyền như tôi, thì bạn sẽ không thể bỏ qua một địa chỉ thật đặc biệt của thủ đô Buenos Aires. Đó là quận La Boca, nơi điệu Tango ra đời. Nơi đây từng là bến tàu chính của thành phố, nhưng do vì nước thải quá ô nhiễm nên tàu bè đã bị chính phủ bắt phải dời sang chỗ khác. Hiện nay, khu phố sống nhờ vào du lịch và vẫn cố giữ lại những nét đặc thù của ngày xưa. Tôi đã bỏ ra cả buổi để đi tìm hiểu về quá trình hình thành “tango” tại nơi đây, đến tối lại đi xem show ca vũ nhạc Tango có kèm ăn uống tại hý viện Carlos Gardel nữa, nên cũng biết được chút đỉnh gọi là.
Hôm đó, chúng tôi đã thuê xe hơi nhỏ và một cô hướng dẫn viên du lịch khá xinh xắn biết nói tiếng Anh đi theo để giải thích tường tận về lịch sử tango cho chúng tôi nghe. Tưởng dậy từ sáng sớm sẽ vắng người, ai ngờ đến nơi khách du lịch đã bu kín chật cả phố. Họ chen lấn tản bộ trên những con đường dành riêng cho khách bộ hành sơn phết lòe loẹt, rồi dừng lại một chập trước các cửa hàng bán đồ lưu niệm, sau đó lướt xem các cuộc triển lãm bỏ túi ngay trên mặt hè phố. Có kẻ còn ngã giá mua một vài bức tranh hoặc nhờ bác họa sĩ già ký họa bức chân dung làm kỷ niệm nữa. Đâu đâu cũng đông đúc người qua lại, là một bảo tàng nghệ thuật sống động, mang đậm dấu ấn của nét quá khứ vàng son cách đây ngót trên một thế kỷ.
Vừa đi vừa xem, tôi nghe cô hướng dẫn viên thao thao kể rằng, khu phố này trước kia chỉ là một con rạch nhỏ, ngập rác hôi thối nên chỉ có người tỵ nạn vô gia cư mới chịu tới đây ở, dựng tôn lợp nhà. Họ ít học nên sơn phết nhà cửa rất đậm màu cho dễ phân biệt với nhà hàng xóm. Nhà cậu hai đầu xóm sơn màu vàng chóe thì nhà thím ba ở sát vách phải là màu xanh mỏ két. Đi chơi khuya về, chỉ cần nhìn màu sơn là biết ngay nhà mình. Ôi thôi là đủ thứ màu trên cõi đời này, xanh đỏ tím vàng, sặc sỡ đến chói cả mắt. Nhìn chẳng khác chi một khu đèn đỏ di động, 'sến/loè loẹt' hết chỗ nói, nhưng nhìn riết thì cũng quen mắt, thấy ngộ ghê. Lạ một điều là các nhà mặt tiền ở đây đều không có cửa cái. Dò hỏi chị bán nước gần đó thì được cho hay rằng cửa chính ngày xưa vốn mở thẳng ra mặt kênh đào đằng sau hè, thuận tiện cho việc vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy. Bây giờ vẫn giữ nguyên như thế, không trổ cửa ra vào.
Tôi thấy sơn phết lòe loẹt như thế mà lại hay đáo để, chụp hình lên ăn ảnh kinh khủng. Ánh nắng đầu ngày hắt lên tường, lên mặt người chụp, trông thật rạng rỡ, tươi rói như cuộc sống phóng khoáng ở đây. Ai nấy đều xúm vào bấm máy lia lịa. Cả nhà tôi còn đang mê mải làm dáng trước mấy căn nhà lạ lùng kia thì chợt nghe có tiếng nhạc dồn dập, nhịp điệu rộn rã như muốn thôi thúc người ta nhập vào cuộc vui. À thì ra là giai điệu Tango quen thuộc mà mình đang mong mỏi đi tìm đây mà! Điệu nhảy làm nên hồn vía của mảnh đất này! Mọi người liền rẽ vào con ngõ hẹp Caminito để tiến về phía trung tâm, nơi có các màn biểu diễn Tango trên sân khấu nhỏ dựng tạm bên lề đường. Phía dưới người ta chen nhau đứng xem biểu diễn. Tôi phải trổ tài luồn lách một hồi khá lâu mới có được một góc nhìn tốt ngay gần sát đôi vũ công.
Thôi thì đủ trò. Họ nhảy hết bản này đến bản khác mà không biết mệt. Giữa các điệu nhảy còn có các màn ảo thuật, nhào lộn và các cuộc giao lưu nhỏ với người xem. Có những vị khách nước ngoài được mời lên sân khấu cùng nhảy với các nghệ sĩ hoặc hát một bài hát tango mà mình yêu thích. Không biết người khác thì sao, chứ riêng tôi thì lại rất thích mấy màn văn nghệ tạp lục ngoài phố này lắm. Mà ngó quanh cũng thấy nhiều người chăm chú xem không chớp mắt giống như tôi lắm chứ. Hết chụp hình rồi lại quay phim. Một không khí hòa hợp, vui vẻ khiến ai nấy đều thoải mái đứng xem mà không hề cảm thấy một khoảng cách nào. Đúng là âm nhạc có sức thu hút riêng của nó, khiến cho người đi rong từ các phương trời xa lạ đổ dồn về đây xem diễn, bất kể những dị đồng về ngôn ngữ hay sắc tộc, màu da.
Và hôm ấy, trên một khoảng trống nhỏ gọi là sân khấu dựng tạm, hai cặp nhảy gắn sát với nhau tha thiết nồng nàn, dáng lướt đi nhẹ tựa chim bay, động tác quay vòng rất uyển chuyển. Ban nhạc đằng sau cánh gà là mấy ông nghệ sĩ phong trần, nhưng với vóc dáng chả lấy gì làm gầy guộc cho lắm. Họ độ khoảng ba bốn người chơi với nhau, ngồi hoặc đứng đong đưa nhịp chân để vừa hát vừa đàn, đệm cho cặp vũ công. Không gì thú bằng hôm ấy, tôi đã được nghe lại những bản Tango nổi tiếng nhất thế giới mà xưa kia tôi đã từng say mê chúng qua chồng dĩa nhựa vác về từ các tiệm bán đồ cũ hay lang thang lùng khắp khu chợ trời cuối tuần. Kỷ niệm thời con nít của tôi đã tưởng nhòe phai dần trong trí nhớ nay chợt trở về. Trong hai anh em, chỉ có tôi là đứa có sở thích nghe nhạc giống bố nên được bố hết mực cưng chiều, hay dắt đi săn lùng dĩa quý. Nhớ năm nào mình được bắc ghế ngồi cạnh bố bên chiếc bàn giấy để nghe các đại ban nhạc, phát qua đầu kim dĩa nhựa như Boston Pops do nhạc trưởng Arthur Friedler hoặc Henry Mancini người Mỹ điều khiển. Các ban nhạc châu Âu thì hòa tấu nhạc nhẹ không lời dễ nghe hơn, đại khái có thể kể tên mấy ban như Paul Mauriat, Franck Pourcel, James Last, Mantovani. Trong đó nổi bật nhất phải kể đến các bản Tango, rất hợp với tâm tư của người Việt mình.
Rõ ràng là từ đó cho đến nay, chưa có bài “tango” nào tôi thấy hay hơn cho được các bản ruột của thời vàng son “tango” đó. Có ai thấy bài “tango” nào trong suốt 70 năm qua mà đặc sắc được hơn những bài như La Paloma nồng nàn rất Lệ Thu: Vi vu đồi thông reo, Xao xác lá chiều nay thu về. Em ơi cánh buồm xưa, còn vương bao lời thề... Yêu em qua chuỗi ngày thơ. (Cánh buồm xa xưa: lời Việt Từ Vũ) Sau nữa thì có Blue Tango bềnh bồng với chất giọng Thái Thanh hát điệu nghệ: Bằng một vòng cánh tay, Bằng một kề sát vai, Bằng một nhịp bước vui, Dìu dắt nhau về cõi mê say suốt đời. (Tango xanh: lời Việt Phạm Duy) Rồi còn bài nào nữa nhỉ?! À nhớ rồi! Chút nữa thì quên mất bài Jalousie nổi tiếng ở Việt Nam qua tài soạn lời Việt của nhạc sĩ Phạm Duy: Chút hờn ghen! Khiến cho ta đau đớn ngày đêm. Dù ta cố gắng tin, Mà lòng ta sao vẫn tím đen? (Hờn ghen: lời Việt Phạm Duy) Kế đến là giai đoạn đỉnh cao “tango” La Cumparsita cũng với lời Việt Phạm Duy, hẳn ai cũng biết: Người vũ nữ người xưa mến thương ôi! Nhớ tới hương đêm kinh đô chưa qua đời. Nhớ tới đôi môi nụ cười, Nhớ tới xa xôi, Nay đã xa rồi! (Vũ nữ thân gầy: lời Việt Phạm Duy) Đó là chưa kể thể loại “tango” Paris mới toanh với loạt bài như L'amour c'est pour rien do nam danh ca Enrico Macias làm mưa làm gió nhạc vũ trường thời trước 75, mà ông vua nhạc trẻ Elvis Phương vừa hát vừa huýt sáo líu lo: Tình cho không, biếu không, Ân tình ai cũng cho được nhiều. Tình cho không, biếu không, Chớ nên mua bán tình yêu! (Tình cho không biếu không: lời Việt Phạm Duy) Trung Quốc cũng chẳng chịu thua kém ai, cho trình làng thể loại “tango” riêng đặc sắc của họ, với bản Roses de Chine làm cả thế giới mê mẩn nghe mấy cô ca sĩ Tàu Thượng Hải mặc xường xám ca vũ hàng đêm. Bên Việt Nam tôi nhớ bấy giờ có Kim Anh là hát trội nhất: Kìa một nàng Trung Hoa, Răng trắng như là ngà. Nụ cười tươi như hoa thắm, Cô em tha thướt mượt mà. (Cánh hồng Trung Quốc: lời Việt Phạm Duy) Trí óc trẻ con nơi tôi thời đó tha hồ mà tưởng tượng vu vơ! Bây giờ ngẫm lại thấy mình sao lãng mạn quá!
Nhờ đứng gần cặp vũ công như vậy nên tôi đã có dịp tận mắt quan sát lối nhảy rất có cá tính của họ. Cô vũ nữ này dáng người cao thon, mặc bộ váy nhung đen kim tuyến bó sát người, mái tóc vàng kim uốn từng lọn dài thả ra sau ót. Gương mặt góc cạnh toát ra một vẻ đẹp bốc lửa rất Mỹ Latinh, cặp mắt xanh liếc nhìn sắc bén. Cô nhảy như không để ý gì đến xung quanh, cùng người bạn nhảy cao lớn, hàng ria mép xén tỉa kiểu con kiến, đầu bôi mỡ trơn láng, nhìn rất đẹp đôi, cả hai như mê đi trong tiếng nhạc. Tôi thấy thật ra nhảy “tango” tuy dễ mà lại rất khó cho người mới bắt đầu tập nhảy. Trở ngại lớn nhất là kỹ thuật trong “tango” ngó rất đơn giản, chỉ có vài bước lập đi lập lại, và thường chú trọng đến sự ngẫu hứng hơn là việc tập dợt trước. Nhưng nhảy sao cho bộc lộ được cá tính cảm xúc riêng của mình là một điều không dễ.
Cần có một chút nghiền ngẫm từng trải về triết lý khiêu vũ thì mới nắm bắt được cá tính đó nghĩa là gì. Đó là một cái gì rất riêng tư mà chỉ có giữa cặp tình nhân chia sẻ với nhau, chứ không phải để trình diễn trước công chúng. Các cụ xưa từng nói phải có hai người mới xảy ra một mối tình. “Tango” cũng thế: cần phải có hai người mới nhảy được “tango” (it takes two to tango). Do đó, nếu một trong hai người không cảm thấy thực sự rung động thì không nên nhảy “tango” để tránh cảm giác 'ôm một người mà lòng như tro nguội'. Khổ lắm! Người ngoại quốc không mấy quan tâm đến ý nghĩa thâm sâu trên nên tiếp nhận vũ điệu “tango” trong quan niệm bước nhảy của họ phải trông sao cho thật hoa mỹ thì mới hay, mới đẹp. Do đó, họ chỉ chú trọng đến bước nhảy hình thức để phô trương mà thôi. Điều này làm bực mình không ít đối với dân Á Căn Đình chính gốc mỗi khi thấy người ngoại quốc nhảy điệu “tango” quốc hồn quốc túy của họ. Do đó mà trong các cuộc thi “tango” tổ chức ở Á Căn Đình, trước giờ chưa có người ngoại quốc nào thắng giải. Người nước ngoài quên rằng tất cả ngoại hình, kỹ thuật nhảy đều là thứ yếu. Chỉ có phần bộc lộ cảm xúc mới là đáng phải quan tâm nhất, từ cái hất mặt nảy lửa cho đến những vòng quay cuồng loạn, những đường múa giận hờn chém gió ngọt hơn dao kiếm võ sĩ Nhật, những cú đá móc như tia chớp xoẹt giữa hai chân làm giật thót... cả bụng dưới! Đó mới là cái hồn muôn thuở của “tango”!
Có lẽ đời người đôi khi quá ngắn ngủi. Cho nên người ta mải mê đi tìm ý nghĩa cuộc đời trong những vũ điệu “tango”, đi tìm một cái gì đó trọn vẹn và vĩnh hằng của sự tồn tại để bù trừ cho cái ngắn ngủi dở dang của sự sống. Khác với nhiều điệu nhảy khác, “tango” không gò bó con người trong những bước nhảy mà giải phóng tâm hồn trong ngẫu hứng. Nó là điệu nhảy đầu tiên cho phép sự ngẫu hứng khi phát triển rộng lớn ra khắp thế giới hồi đầu thế kỷ 20. Trước đó thì những điệu khiêu vũ giữa đôi nam nữ bị gò bó theo một trình tự nhất định và không cho phép đụng chạm vào cơ thể nhiều. Ai muốn biết các cụ ngày xưa khe khắt với con cháu như thế nào thì có thể xem tiểu thuyết Kiêu hãnh và Định kiến (Pride and Prejudice) của nữ văn sĩ người Anh Jane Austen, sau đó được quay thành phim. Ngay cả ngày nay, chất ngẫu hứng vẫn còn là nét đặc trưng nhất của điệu nhảy này, đặc biệt là tại quê hương ra đời của nó.
Về nhịp điệu, tôi thấy nhạc “tango” thật ra khá đơn giản, thường theo phách 2/4 hay 4/4, nhưng đổi phách hay chêm một khoảng lặng bất chợt trong bài nhạc là điều khá phổ biến. Nhạc lên, phối hợp giữa kép ‘dẫn’ và đào ‘theo’ ăn ý thì một cặp có thể nhảy mà không cần biết bước tiếp theo là gì. Những ai đã từng nhảy qua “tango” sẽ nhận thấy rằng “tango” là niềm an ủi lớn cho người nhảy, vì đó là điệu nhảy có thể vượt qua cái riêng để tìm đến cái chung giữa người nam và người nữ. Có hai nguyên tắc cốt lõi nhất trong “tango” cần phải ghi nhớ là kết nối và bước chân. Kết nối là mối dây liên hệ giữa người nhảy trực tiếp với bạn nhảy của mình. Cái này thì nhảy điệu nào cũng cần thiết, nhưng đặc biệt được nhấn mạnh trong “tango” vì chất ngẫu hứng của nó. Người đàn ông lúc nào cũng phải chủ động dẫn dắt đào và sáng tạo ra những bước nhảy mới. Với người phụ nữ, nếu không hiểu được những cử động nhỏ nhất từ cơ thể của bạn nhảy mình thì không thể nào biết phải làm gì tiếp theo được.
Để có thể dẫn dắt đào, lẽ tất nhiên kép trai cần có khả năng dẫn dắt. Tương tự như muốn lái xe thì kép phải có khả năng lái lách vậy. Trước hết, người đàn ông phải biết phân biệt được nhịp nặng nhẹ của bản nhạc. Nhịp “tango” có 2 hoặc 4 nhịp, nhịp 1 mạnh nhất và nhịp 3 mạnh vừa, trong khi nhịp 2 và 4 nhẹ và chậm. Bao giờ nhịp đầu tiên cũng được nhấn mạnh và có thể nghe rõ qua tiếng trống hay tiếng bass guitar. Không có gì bối rối cho bằng nhảy trật nhịp. Một khi nắm vững rồi thì “tango” sẽ trở nên điệu dễ nhảy nhất trong các vũ điệu, nghĩa là có thể khởi sự nhảy với bất cứ nhịp nào tùy ý, vào bất cứ bước nào. Ngoài các bước chậm, người ta có thể nhảy rất chậm, ngay cả ngừng hẳn cũng được. Nếu có lỡ trật nhịp, cứ dừng một lúc rồi nhảy lại cũng không sao, chứ đừng nên tiếp tục nhảy trật nhịp mà thành 'sai một ly, đi một dặm'. Chính vì vậy, người lớn tuổi hoặc nhiều kinh nghiệm rất ưa chuộng nhảy điệu slow khoan thai bằng bước “tango” để có thể biểu diễn các ngón nghề độc đáo của họ.
Mặc dù là ngẫu hứng, nhưng kép cũng cần phải thực tập cho nhuyễn để có thể trổ hết ngón nghề điều khiển đào nhảy theo ý mình. Chẳng hạn như: cho đào xoay tròn, quăng ném đào, búng lưng cho đào quay, bẻ tay đào kéo vào lòng, cho đào te, nuốt nhịp khi trật nhịp hoặc ghìm bước khi đào sắp nhảy đụng cặp khác, v.v... là những ngón rất vui mà chỉ có riêng đào và kép mới cảm nhận được, còn khán giả chỉ nhìn suông mà thôi. Miễn sao đừng để cho bị vấp té là hay rồi. Vui nhất là khi được xem cảnh chàng và nàng chơi trò 'tung hoa, bắt bướm', cho nàng te mà không đỡ, để nàng té luôn xuống sàn nhảy. Hoặc 'fantasie' quá trớn với những tư thế nhảy kỳ quặc, thay vì là 'dấu chân kỷ niệm' suốt đời khó phai thì lại biến thành những kiểu 'gánh nước' nghiêng thùng đổ nước dở khóc dở cười, tạo nên những tràng cười rộ lên từ phía khán giả ngồi dưới.
Thực tập có thể là khía cạnh mà người ta hay lơ là nhất. Tâm lý con người chỉ ý thức được một việc trong từng lúc. Vì vậy, khó có thể nghĩ đến cùng một lúc hai hay ba hoạt động khác nhau của thể xác. Để có thể cùng một lúc nghe nhịp lẫn tiếng ca, dìu đào nhảy và thưởng thức thú vui nhảy đầm, người ta cần thực tập kỹ lưỡng để tạo thành một thói quen. Mà thói quen thì chỉ tạo được qua việc lặp đi, lặp lại nhiều lần cho nhuần nhuyễn mà thôi. Mà thuộc làu như cháo rồi thì sớm muộn gì e rằng cũng sẽ nảy sinh mối liên kết giữa hai người bạn diễn, chứ chưa nói đến chuyện tình cảm lăng nhăng. Đầu tiên là liên kết thể xác, đôi tay vịn vào một cơ thể sống khác, cảm nhận từng nhịp thở và sự rung động của cơ bắp. Một bước chân tạo lực đẩy cả hai người. Chàng tiến thì nàng lùi như trong cuộc đánh cờ người. Nhưng không có nghĩa là chàng ra lệnh bắt nàng phải phục tùng theo mà chỉ mang ý nghĩa là hai người nay đã tìm được sự đồng điệu lẫn nhau.
Cả hai bình đẳng trong mối tương quan ấy. Họ không đấu tranh với nhau, thay vào đó là cộng tác. Họ đi tay trong tay, bổ túc cho nhau trong sự tương kính. Sức mạnh của người nữ là cần được người nam thương yêu và giữ được chất nữ tính, vốn là một cái gì bí mật mà người nam quý trọng. Sức mạnh của kép là chất nam tính, một cái gì đó rất khác biệt mà đào không thể có được. Đây là nét quyến rũ nhất của vũ điệu “tango” quấn quýt bên nhau. Lẽ tất nhiên, vài giờ chung vui trong vũ trường rất khác với thế giới thực tế của đời sống bên ngoài. Nên đã có lời xin cả kép và đào luôn luôn nhớ nằm lòng thì mới giữ được tấm thân trong sạch, khỏi bị sa ngã phút yếu lòng. Liên kết thể xác giữa cặp đôi trên sàn nhảy thôi vẫn chưa đủ tạo nên buổi diễn ghi nhớ suốt đời dù chỉ vài phút “tango” ngắn ngủi. Mà lại đòi hỏi có sự gắn kết giữa hai tâm hồn xa lạ với nhau. Hai người có thể không quen biết nhau, nhưng vẫn có thể mở lòng ra trong những bước nhảy và phối hợp sự liên kết ấy trong tiếng nói chung của hai người.
Bước chân của cặp vũ công cũng quan trọng không kém. Danh từ này thường không chỉ kỹ thuật của bước chân mà để chỉ quan hệ của người nhảy với những người khác trên sàn nhảy. Tôi nghĩ điều này xuất phát từ chính lịch sử thăng trầm của “tango”, vì nó là điệu nhảy xã giao trong những dịp sinh hoạt hội hè của đám đông quần chúng. Nếu là biểu diễn trên sân khấu thì nó chỉ hướng đến sự di chuyển của vũ công bằng những vòng tròn, đường thẳng, v.v... Điểm này làm “tango” trở thành điệu nhảy xã hội trong bản chất. Mặc dù đậm chất ngẫu hứng và thể hiện bản tính cá nhân của từng người diễn, nhưng người nhảy không bắt buộc tự nhốt mình biệt lập với thế giới bên ngoài. Trong “tango” không có sự cô đơn.
Một điểm son nữa trong “tango” là cảm hứng ngẫu nhiên. Mặc dù người đàn ông bị đóng khung trong vai trò chủ động dẫn dắt của mình và phụ nữ thì bị động phối hợp sao cho ăn ý, hai yếu tố này luôn ảnh hưởng nhau sâu sắc và bổ túc cho nhau. Người đàn ông tạo hình thể đẹp rắn chắn trong mỗi cú lướt ngoạn mục trong khi người phụ nữ tạo độ mềm mại uyển chuyển cho thế nhảy. Ví dụ một cái hất mặt của người phụ nữ sẽ truyền cảm hứng cho người đàn ông chuyển sang hướng khác. Một bước tiến tới hơi dài hơn bình thường của người đàn ông là tín hiệu ngầm cho người phụ nữ chuẩn bị xoay vòng hoặc tự nghĩ ra một động tác nào đó.
Xem buổi diễn “tango” của dân kinh đô Á Căn Đình chính gốc nhảy với nhau hôm ấy, tôi đã rút ra nhiều bài học quý giá cho mình về lẽ sống cuộc đời. Mỗi lần đi xa là mỗi lần học hỏi thêm, bổ sung vào kho tàng kiến thức tổng quát còn quá nông cạn của mình. Tôi xét thấy trái với nhiều người lầm tưởng, khiêu vũ là một bộ môn nghệ thuật khá lành mạnh. Có người còn cho đó là môn chơi thể thao rất tốt cho việc rèn luyện thân thể nơi người cao tuổi nữa. Nó chủ yếu dựa trên âm nhạc mà khai thác những ảnh hưởng của động tác và âm thanh lên trên mỗi con người chúng ta. Trong khi đó thì loại hình phim ảnh chú trọng đến việc khai thác tác dụng đối với thị giác. Dù ở đâu, bên trời Đông hay trời Tây, và dù ở thời điểm nào thì các sinh hoạt giải trí như ca, vũ, nhạc, kịch, v.v... đều đóng một vai trò rất quan trọng trong đời sống con người, và tựu trung đều có một số nguyên tắc tương đồng.
Thời xưa, cổ nhân Trung Hoa thường lấy bốn chữ LỄ, NHẠC, HÌNH, CHÍNH làm nguyên tắc căn bản hàng đầu cho đường lối trị dân, trị quốc. Vì vậy, khi học chữ, cổ nhân phải học hát, học đánh đàn, và học luôn cách thẩm âm, nghĩa là xem xét lời ca sao cho hòa quyện với tiếng đàn nặng, nhẹ, đục, trong như thế nào. Cụ Nguyễn Du đã từng nắn nót nên mấy vần thơ Truyện Kiều mà tôi cho là hay nhất cổ kim: Trong như tiếng hạc bay qua, Đục như tiếng suối mới sa nửa vời. Tiếng khoan như gió thoảng ngoài, Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa. (Nguyễn Du: Đoạn trường tân thanh) Trong Kinh Lễ, thiên Nhạc Ký chép: Nhạc tức là hòa hợp với lẽ phải quấy thông thường; vì thế xét kỹ tiếng thì biết điệu; xét kỹ điệu thì biết nhạc; xét kỹ nhạc thì biết việc chính trị. Thể chế chính trị thời xưa là quân chủ, vua quan cai trị và dạy bảo vỗ về dân chúng về phong tục, tập quán, kể cả âm nhạc. Âm nhạc phải hòa vào và hợp với các quan niệm phải quấy được đặt ra, nếu không sẽ bị đào thải. Do đó, quan sát nền âm nhạc của quốc gia đó mà biết chuyện chính trị của quốc gia ấy ra sao, biết dân tình và biết các đặc điểm văn hóa, thường được nhạc biểu hiện một cách sống động và trung thực.
Trong thời buổi giao động hiện nay, thể nhạc này có thể bị chống đối vào thời điểm này nhưng lại được ưa chuộng vào thời điểm khác, như nhạc vàng ở miền Nam trước 75 chẳng hạn. Điều này tùy thuộc hoàn toàn vào đại chúng. Tương tự như âm nhạc, khiêu vũ cũng có khả năng thể hiện nét văn hóa đặc trưng, cũng như tình trạng xã hội của mỗi một dân tộc hay các vùng miền khác nhau. Điều đó tôi phải công nhận là đúng, rút ra từ những chặng đường du lịch đó đây của mình, xuyên qua một số quốc gia tiêu biểu trên thế giới. Ví dụ như, những điệu vũ con ó của người mọi Da Đỏ mà tôi đã mục kích tại Grand Canyon bên Hoa Kỳ. Nó thể hiện tính chiến đấu, hiếu động, bản năng sinh tồn của giống nòi trước điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, được hình thành trong lịch sử cam go của họ.
Tôi biết chắc bạn sẽ hỏi rằng: còn điệu vũ Việt Nam thì sao, xin cho biết ý kiến? Không dám lạm bàn, nhưng theo tôi, điệu vũ của Việt Nam thể hiện tính bình dị, mềm mại và yêu chuộng hòa bình sau những năm dài triền miên khói lửa. Điệu vũ Trung Quốc thể hiện nét khéo léo, tỉ mỉ đến mức tinh xảo, rườm rà trong nghệ thuật. Điệu vũ Lào, Thái Lan, Cao Miên, chú trọng những đường cong và tròn của tứ chi lẫn các ngón tay, không khác gì những nét cong tròn trong chữ viết của họ, thể hiện một xã hội khép kín, nhưng khi bung ra thì luôn luôn đi tới một trạng thái quá độ, không thể kiểm soát nổi. Trong khi đó, khiêu vũ Tây phương hiện đại thể hiện nét lịch lãm, hào hoa và tươi tắn. Những bước nhảy trong khiêu vũ Tây phương cổ điển lại biểu tượng cho giai cấp thượng lưu, màu mè và đạo đức giả. Những năm gần đây, điệu nhảy New Wave, Disco thể hiện tính thác loạn và mất định hướng của tuổi trẻ đương thời.
Nói chung, theo tôi nghĩ thì tuy khiêu vũ cá nhân có tính chất đại chúng, dễ dàng học và tập nhưng cũng không nên xem thường. Nếu có quan niệm 'nghề chơi cũng lắm công phu' thì mới có thể tìm hiểu và cố gắng để trở thành một người sành điệu. Bằng không người ta chơi thì chơi đó, nhưng chẳng khác gì 'thực bất tri kỳ vị'. Ăn cao lương mà không biết, cứ tưởng mình đang nhai giẻ rách! Rõ khổ! Có biết thưởng thức như kẻ sành điệu thì mới hy vọng rằng, một ngày nào đó, khi tiếng nhạc tắt đi, sân khấu hạ màn, trái tim ngừng đập, những con người hết mình hòa vào điệu nhảy “tango” hôm nay sẽ không còn điều chi để luống tiếc cho mai sau nữa. Nhân sinh quan sống của “tango” là cho nhau và vì nhau trên sàn nhảy, dù chỉ vài phút giây “tango” ngắn ngủi thôi. Bằng không, có luyến tiếc thì cũng bằng thừa, phải không các bạn, như một câu hát của bản nhạc “tango” Việt Nam bất hủ: Giờ còn đâu mà mong, Cho chút duyên nghe còn ấm. Bài tình ca mùa đông, Hát mãi đôi môi lạnh câm. Lòng thì vẫn hẹn cơn đau nguôi ngoai, Sao nỗi nhớ mỗi ngày mỗi đầy. (Trầm Tử Thiêng: Bài tình ca mùa đông)
SUY TƯ VỀ NGÀY GIỖ BÁC NGUYỄN ANH CUNG Phạm Văn Chương
Ngày chủ nhật 12 tháng 5 năm 2013, một ngày đẹp trời với những tia nắng lấp lánh tỏa ra những hơi ấm làm dịu bớt phần nào cái se lạnh của những ngày cuối thu của Sydney. Trưa nay là ngày lễ giỗ 49 ngày của Bác trai Nguyễn Anh Cung ra đi, được tang gia tổ chức trong vòng thân mật giữa gia quyến cùng một số bạn bè thân hữu gần. Mà sao bác ra đi mau thế, mới ngày nào bác còn ngồi trò chuyện vui vẻ với anh em, mà nay đã ra người thiên cổ.
Chưa tới giờ hành lễ, nhưng bà con thân quyến, bạn hữu cũng như Gia đình An Phong đã có mặt đầy đủ, Bác Cung gái đã hiện diện sẵn ở sân nhà để đón chào thân nhân và khách mời.
Một bàn thờ đã được dựng lên để Cha Thiện làm lễ giỗ, cạnh đấy là một cái bàn trên trưng bầy chân dung bác Cung, với lư hương trang trọng đặt phía trước, lâu lâu khói hương y tỏa thơm ngát. Nhìn gương mặt bác Cung trong hình, mọi người cảm nhận một nét mộc mạc, bình dị, hiền hoà và dễ mến. Trước đây bác đã trải qua một cơn đột quỵ mãnh liệt và bị đánh gục. Từ đó bác mê man, và đã ra đi bình an trong tay Chúa vào ngày 19 tháng 3 năm 2013 hưởng thọ 81 tuổi. Trong số 8 người con của bác, thì chỉ có độc nhất một người con gái. Bác ra đi để lại cho bác gái một sự hụt hẫng, chờ lấy lại thăng bằng trong hoàn cảnh mới.
Bác có người trưởng nam là anh Phương, sống tại Sydney, nhưng hai bác lại thường xuyên sinh hoạt tại Adelaide, Nam Úc. Mỗi lần có dịp trở lại Sydney thì hai bác luôn nhớ đến sinh hoạt cùng Gia đình An Phong vào dịp Tết hay lễ thánh Alphonso. Hai bác luôn yểm trợ việc truyền giáo của Dòng Chúa Cứu Thế, với số tiền trích ra từ những đồng tiền hưu trí ít oi. Ngẫm nghĩ lại Gia đình An Phong Sydney mà thành viên lâu đời nay xem ra chẳng còn ai, lần lượt bốn đại thụ thì bác là người sau cùng mới ra đi, đóng lại một trang sử Đệ Tử Viện của các anh em cựu trào ở Huế vào cái thời xa xưa lắm rồi.
Trước bác Cung , ba đại thụ đã lần lượt ra đi, là những người anh cả trong Gia đình An Phong Sydney, vốn đã ít, nay chẳng còn ai vào thời điểm các bác. Trước hết là Bác Nguyễn văn Kim, một tông đồ hoạt động tích cực trong việc giảng dạy giáo lý, tác giả cuốn Vè giáo lý “Ta là Đường”, một biên soạn giá trị về giáo lý được thể hiện qua những vần thơ vè, mỗi câu 4 chữ, rất thích hợp cho mọi từng lớp, càng đọc:
Ve vẻ vè ve Bắt vè giáo lý ... Bạn sẽ thấy các lời vè mộc mạc nó dễ thấm nhuần vào trái tim hơn. Anh Kim Linh là người con yêu quý của Bác, mà Bác đã ở chung nhà một thời gian dài, nhưng sau đó, hai bác quyết định tự thân tự lo, tự chăm sóc cho tuổi già. Bác đã ra đi vào ngày 29 tháng 4 năm 2005 hưởng thọ 75 tuổi. Đây là số tuổi mà đối với người dân sống tại xứ sở Kangaroo may mắn này, được xem là còn “trẻ”. Hai bác có 6 người con, ba trai và ba gái, kể cả một người con nuôi từ năm 8 tuổi. Trong số các người con trai của Bác, thì anh Linh là người thường xuyên sinh hoạt với anh em trong Gia đình An Phong, trợ lực khi cần và yểm trợ hết mình không nề hà. Bác Kim ra đi để lại bác gái nay tuổi đã 80, thế mà bác gái vẫn còn tự lực chẳng muốn nhờ vả các con. Bác trai mất khá lâu, mà bác gái vẫn luôn nhớ yểm trợ tiền cho Dòng Chúa Cứu Thế/Việt Nam vào mỗi dịp mừng thánh Alphonso vào tháng 8 mỗi năm.
Tiếp theo là Bác Trần Tứ Cảnh, một cây đại thụ theo đúng nghĩa vì bác ra đi ngày 02 tháng 2 năm 2011, vào tuổi 91. Sức khoẻ yếu kém của bác đã hạn chế nhiều sinh hoạt mà bác mong muốn. Cứ tưởng rằng bác sẽ ra đi trước bác Cảnh gái, nhưng có ai ngờ bác gái đã dành đi trước, để lại cho bác những ngày còn lại bơ vơ được những người con gái yêu quý của bác tận tụy chăm lo. Ngày xưa có câu: Thập nữ viết vô Nhất nam viết hữu
Xem ra câu nói này, ở cái xứ sở Nữ hoàng này không còn ý nghĩa nữa. Cứ nhìn vào gia đình bác Cảnh, có tới 7 cô con gái, thế nhưng vào những ngày tháng cuối đời đau yếu, chính những người con gái hiếu thảo của bác lại là những người luôn chăm lo cho bác từng ly từng tí một. Do vậy, bác được chăm lo tại nhà cùng các người con thân yêu, thay vì phải vào nhà dưỡng lão nào đó. Đấy âu cũng là cái phước lớn mà bác được hưởng. Bác Cảnh ra đi còn níu kéo theo bác Trần Ngọc Liên theo mình. Hồi còn sức khoẻ, bác Liên là một thành viên năng động của Gia đình An Phong Sydney. Bác rất thương mến anh em, yêu quý nhà dòng, do đấy bác vẫn thường xuyên sinh hoạt vào các dịp lễ. Bác Liên ước ao khi chết sẽ được cha Thịnh làm lễ cầu hồn cho mình. Sau này, bác có vào viện dưỡng lão. Chúng tôi có dịp vào thăm bác Liên tại đây, lúc đó bác còn đi lại bình thường, cười nói vui vẻ. Tuy cái miệng hơi móm của bác, vì răng đã rụng hết, làm bác phát âm khó khăn. Bác không bao giờ quên đóng góp trong khả năng tài chánh của mình cho tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế tại VN. Bác ra đi ngày 04 tháng 9 năm 2012, hưởng thọ 87 tuổi, để lại bác gái và 8 người con gồm 4 trai và 4 gái. Tất cả đều cư ngụ tại Úc châu. Tứ trụ đã lần lượt ra đi cho thấy đời sống nơi trần thế chỉ là tạm thời. Còn đang miên man suy nghĩ thì tôi thấy cha Thiện đã bắt đầu cử hành thánh lễ. Lời ca tiếng hát được dâng lên thánh thót. Hôm nay, ngày mừng Lễ Chúa Lên Trời, ngày mừng Lễ Các Bà Mẹ, và cũng là ngày lễ giỗ 49 ngày của bác Nguyễn Anh Cung. Thật là ngạc nhiên, để cùng mừng Lễ Các Bà Mẹ, một sự kiện vừa rất có ý nghĩa vừa trùng hợp , đó là gia quyến nhà bác Cung đã mang đến hai cái giỏ, trong chứa các thanh chocolate thanh nhã. Các cháu đã trao tận tay mỗi bà mẹ có mặt. Món quà bé nhỏ nhưng mang ý nghĩa thật to lớn biết bao! Tự nó đã nói lên ân tình của gia chủ đối với các khách mời hiện diện. Trong thánh lễ, bài giảng của cha Thiện, một người rất gần gũi với gia đình bác Cung, đã nói lên lời chia xẻ sâu sa. Cha cũng không quên nói lên thực trạng của ngày nay, ông già bà cả thì chăm lo giữ đạo, còn giới trẻ thì thờ ơ lạnh nhạt. Thánh lễ kết thúc. Sau đó các bàn tròn được bầy ra, và các món ăn được lần lượt mang đến. Bác Cung gái cũng như anh Phương đều thân hành đến từng khách mời để chia xẻ một vài món ăn thanh đạm. Bác Cung gái thì cứ nhắc rằng ông nhà tôi ngày xưa mến Gia đình An Phong lắm, ở xa mà ông không bao giờ quên. Tất cả đều vui vẻ, cùng gợi lại những kỷ niệm xa xưa. Rồi dòng đời cứ thế mà trôi, trôi mãi không ngừng, như nước chảy trên một giòng sông mà không bao giờ quay lui. Tôi xin mượn lời một bài thơ man mác để kết thúc bài suy tư này: Bạn thân ơi, có bao giờ bạn nghĩ Cuộc đời này chỉ tạm bợ mà thôi Anh và tôi giầu sang hay nghèo khổ Khi trở về cát bụi cũng trắng tay
Cuộc đời ta phù du như cát bụi Sống hôm nay và đâu biết ngày mai? Dù đời ta có dài hay ngắn ngủi Rồi cũng về với cát bụi mà thôi
Thì người ơi xin đừng ganh đừng ghét Đừng hận thù tranh chấp với một ai Hãy vui sống với tháng ngày ta có Giữ cho nhau những giây phút tươi vui
Khi ra đi cũng không còn nuối tiếc Vì đời ta đã sống trọn kiếp người Với tất cả tấm lòng thành thương mến Đến mọi người xa lạ cũng như quen
Ta là cát ta sẽ về với bụi Trả trần gian những cay đắng muộn phiền Hồn ta sẽ về nơi cao xanh ấy Không còn buồn lo lắng chốn trần ai.
Phạm văn Chương Viết xong ngày 15 tháng 5 năm 2013
Giọng cũ xa gần Dân Gầy phụ trách
*Lại có tin buồn từ hậu phương nước Úc: Gọi là tin buồn thật sự cũng chưa đúng cho lắm. Đúng ra, phải gọi là: thông tin từ xứ miền Adelaide, Nam Úc về sự ra đi của Bác Giuse Nguyễn Anh Cung. Được biết bác Nguyễn Anh Cung cùng lới với lm Giuse Trần Ngọc Thao, lm Trần Quang Đăng DCCT, vv.. nay đã về nhà Cha. vào đúng ngày lễ thánh Giuse 2013 ở Nam Úc. Dưới đây là những thông tin qua lại về Bác Cung:
Allô Allô, bác Cung gái vừa điện thoại tối nay cho hay là: - Bác Cung trai vừa bị stroke hôm 5 tết và nay liệt phần bên phải. Và bác trai cũng không biết nhiều nữa. Hiện nay có gia đình của người con trai bác ở VN được chấp nhận sang Úc để săn sóc cho bác trai. - Bác Cung gái nhờ thông tin và nhờ anh chị em cầu nguyện cho bác trai. Mõ Làng Sydney 25/3/2013 Chân thành cám ơn anh "Trần Ngọc Mười Hai" đã gửi E-mail chung báo tin về tình trạng sức khoẻ anh Niên trưởng lớp tôi là anh Nguyễn Anh Cung. Xin quý anh chị trong "Gia Đình An-phong" ở Sydney vui lòng chuyển đến chị Cung và quý quyến lời mến chào của "đứa em út" và lời hứa cầu nguyện cho "người anh Hai của lớp từ Thái Hà" được chóng bình phục hoặc ít nhất được bình an trong Chúa và với Chúa. Cùng với các bạn đồng lớp (Đắc, Hoạt, Khả, Đăng, Thịnh, Quyến...), xin được hiệp thông với chị Cung và gia đình trong hoàn cảnh đặc biệt hiện thời. Thân mến, Giu-se Trần Ngọc Thao C.Ss.R.
Cầu xin Chúa và mẹ Maria đầy nhân từ hộ phù cho Bác đương đầu với cơn bệnh. Tam Camille va gia dinh
Riêng tôi đã phải đương đầu với bệnh tật từ thời thanh xuân (và cả hiện nay), tôi cảm nghiệm thế nào là bị cơn bệnh, cơn sốt, hoành hành ác nghiệt. Tôi hết lòng thông hiệp với bác CUNG (và gia đình ) và cầu xin CHÚA và Mẹ MARIA Notre Dame de GUADALUPE xoa dịu những cơn đau cho bác. Nguyễn QuýBân
Gia đình bác Cung ở Adelaide Nam Úc vừa cho hay:
Bác Giuse Nguyễn Anh Cung đã về nhà Cha lúc 2.30pm tại nhà thương Adelaide vào đúng ngày lễ thánh bổn mạng Giuse 19/3/2013, thọ 82 tuổi. Mõ làng Sydney xin chuyển đến anh em trong gia đình An Phong phác thảo chương trình thăm viếng và tiễn đưa như sau: Linh cữu bác Cung sẽ được đưa từ Adelaide về Sydney khoảng thứ Bẩy 23/3 hoặc Chúa nhật 24/3 và quàn tại nhà quàn Vạn Thọ ở Fairfield Gia đình An Phong Sydney sẽ gặp nhau và cùng canh thức cầu nguyện cho bác tại nhà quàn Vạn Thọ vào tối Chúa nhật 24/3 (nếu nhà quàn chịu mở cửa cho thăm) hoặc tối thứ Hai 25/3. Giờ giấc sẽ thông báo sau. Thánh lễ động quan và tiễn đưa Bác Cung ra nghĩa trang Liverpool Sydney dự trù được tổ chức (có thể tại nhà thờ Cabramatta) vào sáng Thứ Ba 26/3 hoặc thứ Tư 27/3/13. Mọi chi tết về giờ giấc thăm viếng và địq điểm tổ chức thánh lễ cầu hồn sẽ được cập nhật hoá và thông báo sau. Xin anh chị em ở Sydney theo dõi để tường. Mõ làng Sydney xin thông báo.
Mõ làng Sydney xin gõ thêm đôi điều: anh Nguyễn Anh Phương, con trai trưởng bác Giuse Nguyễn Anh Cung vừa cho biết về giờ giấc thăm viếng thi hài Bác và lễ động quan như sau: Thứ Hai 25/3/2013 thi hài được quàn tại nhà quàn Vạn Thọ, đường Railway Cres Fairfield 2165 Giờ thăm viếng từ 5pm -9pm Gia đình An Phong canh thức nguyện cầu từ: 7pm-8pm Thứ Ba 26/3/13: Lễ mồ tại nhà thờ Mt Pritchard đường Humpries Rd, lúc 10.30am Sau lễ, sẽ di quan ra nghĩa trang Liverpool, góc đuờng Moore St & Flowerdale Rd Liverpool... Mõ làng xin gõ mõ và mời bà con ở Sydney tham dự 2 buổi này. Tạ ơn Chúa
Thư phản hồi của anh Phạm Văn Chương, Chi Hội Phó Sydney: Ban Ta bao gio cung co tin tuc
nong hoi va cap nhat cho
Thư của chị Tran Thi Tuyet Thu, là em gái của cha Trần Ngọc Thao:
Em đã xem thư rồi . Chúng em sẽ có mặt trước 7pm Monday Đôi dòng tiểu sử ông Giuse Nguyễn Anh Cung (1932-2013)
Cụ ông Giuse Nguyễn Anh Cung, sinh ngày 23-05-1932 tại Hà nội Vietnam, Sinh ra trong gia đình Công giáo có Bố là Ông Nguyễn Văn Tuấn và Mẹ là Bà Nguyễn Thị Tâm và gia đình gồm có 10 anh chị em nhưng 5 người đã mất sớm khi còn bé. Còn lại Chị cả Nguyễn thị Tín hiện cư ngụ tại Nam Úc, Adelaide; em gái Nguyễn Thị Hậu (đã qua đời tại ViệtNam), em trai Nguyễn Anh Tuấn hiện đang cư ngụ tại Mỹ và em út l2 ông Nguyễn Huy Hoàng sinh sống tại Mỹ nhưng hiện đang có mặt tại đây.
Năm 1944, được 12 tuổi, anh Giuse Cung gia nhập Đệ tử viện Dòng Chúa Cứu Thế tại Thái Hà ấp Hà Nội trong 8 năm thì có lệnh tổng động viên. Năm 1952 gia nhập quân ngũ và sau đó không trở lại Dòng
Năm 1954 khi đất nước chia đôi, Ông Nguyễn Anh Cung là quân nhân nên đã theo quân đội vào Nam, sau đó đoàn tụ cùng gia đình sinh sống tại Bình Đông Sàigòn. Năm1958 ông phục vụ trong Tiểu đoàn Truyền Tin đồn trú tại Quy Nhơn và lập gia đình tại Quy Nhơn và có 8 người con, 1 gái 7 trai. Hiện 5 người con trai cùng gia đình đang cư ngụ tại Úc Châu, và 1 người con trai định cư tại Đức Quốc và 2 người con 1 gái và 1 trai hiện đang cư ngụ tại Việtnam.
Năm 1959 Ông giải ngũ và phục vụ tại Trung tâm Thông tin Điện tử tại Quy Nhơn. Biến cố Tết Mậu Thân 1968 ông Nguyễn Anh Cung cùng gia đình lúc đó cư trú tại Quy Nhơn. Trong đêm giao thừa, Trung Tâm Thông Tin Điện Tử nơi ông phục vụ bị tấn công nặng bằng pháo kích, mưa đạn chĩa vào trung tâm khiến tường ngói bi, đổ nát, song nhờ Chúa che chở mọi người trong gia đình sống sót an toàn. Năm 1969 Ông Nguyễn Anh Cung phục vụ tại tòa đại sứ Việt nam Cộng hòa tại Lào. Năm 1974 Ông trở về Việt Nam sinh hoạt tại Giáo Xứ Tân Hòa, Phú Nhuận. Năm 1975 Ông Nguyễn Anh Cung về hưu, tham gia Hội đồng Mục vụ Xứư Tân Hòa. Năm 1985 Ông Giuse Nguyễn Anh Cung làm chánh trương xứ đạo Tân Hòa đến 1992 sau đó được 3 người con bảo lãnh sang Úc, sống ở Sydney.
Năm 1995 Ông chuyển về Nam Úc sinh hoạt trong cộng đồng công giáo Adelaide đến ngày 19 tháng 3 2013 ngày lễ bổn mang Thánh Cả Giuse ông đã trút hơi thở cuối cùng tại tư gia. Ông Giuse Nguyễn Anh Cung ra đi trong an rất bình lúc người thân quây quần đọc kinh cầu nguyện cho ông.
Ông Giuse ra đi để lại nhiều thương tiếc cho người thân còn ở lại. Trong cuộc sống nhiều sóng gió, ông Giuse đã sống một cuộc đời thầm lặng, nhẫn nhục, khiêm nhượng và luôn theo thánh ý Chúa chấp nhận mọi việc xảy ra cho mình, không một lời than thở.
Hình ảnh ông Giuse Nguyễn Anh Cung ra đi nhưng vẫn để lại trong tâm can của vợ con cháu vẫn là hình ảnh của người Cha, người Ông hiền lành, đầy lòng thương yêu đáng kính như thánh Cả Giuse.
Và dưới đây là cáo phó từ tang gia:
Canh Thức Nguyện Cầu cho Bác Giuse Nguyễn Anh Cung
Kính Bác Cung gái cùng bà con trong gia đình, Cứ mỗi lần có bạn bè/người thân trong gia đình ra đi về nhà Cha, thì anh em chúng tôi lại tụ tập bên người đồng môn của mình để nói lên lời buồn/vui từ biệt. Đối với tôi, đây là biến cố gây ngỡ ngàng không ít, nên cứ tự hỏi: sao lại là Bác Cung? Người anh cao niên sống ở Úc này mới xa cách anh em chúng tôi không lâu, nhưng bác vẫn khoẻ tuy Bác có trải qua cơn tai biến mạch máu não, mới đây. Và, nhất là hình ảnh Bác chụp hôm Tết vừa qua với con cháu ở Adelaide thấy Bác vẫn còn khoẻ, nên cứ hỏi: sao lại thế? Hỏi rồi, bản thân tôi có theo thói quen tìm về Lời Chúa để được trấn tĩnh. Và, lời Chúa hôm nay chúng ta cừa nghe nhắc ở trên, là: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy, Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy.” (Ga 13: 33, 14: 1) Phải công nhận rằng: mấy ngày gần đây, mọi người trong Hội thánh Chúa như bị xôn xao cuốn hút vào với các sự kiện lớn tại Rôma, như: việc Đức Thánh Cha Biển Đức thứ 16 từ nhiệm, rồi đến việc bầu Đức Giáo Hoàng mới, khá hồi hộp. Dường như ai cũng quên đi lời nhắn nhủ của Chúa trước khi Ngài ra đi về với Chúa Cha, được thánh Gioan ghi lại như sau: “Thầy nói với anh em rồi, Thầy đi, là để dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi để dọn chỗ, thì Thầy sẽ lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó.” (Ga 13: 33, 14: 1-3) Hôm nay, tại nhà quàn này anh em chúng ta quây quần bên thi hài của Bác trai để tưởng niệm việc Bác ra đi về nhà Cha, xin cho chúng tôi có đôi lời cùng Bác trước khi Bác ra đi một lần là mãi mãi. Thưa Bác Cung trai, Anh em chúng tôi còn nhớ lần cuối gặp Bác ở Sydney vào năm ngoái, tâm tình trao đổi giữa anh em mình vẫn là những lời thăm hỏi và chúc nhau có được sức khoẻ để còn đứng vững trong đời làm chứng cho Tình Yêu của Chúa và tình thân của người anh em cùng một trường Dòng, là Đệ Tử Viện Dòng Chúa Cứu Thế. Tối hôm nay, anh em chúng tôi lại gặp Bác, nhưng không để hỏi về sức khoẻ của nhau nữa, mà chỉ chuyện trò trong thinh lặng. Rồi cũng chào và cũng chúc, nhưng là chúc cho Bác mau được hưởng sự an bình trầm lặng cùng với Chúa ở chốn vĩnh hằng. Tập trung bên cạnh Bác tối hôm nay, lời cuối của chúng tôi vẫn là lời chào và chúc Bác vâng theo ý Chúa đi trước chúng tôi trên đường trở về nhà Cha. Vậy, xin Bác cho chúng tôi nói thêm một lời nữa, là: Hẹn gặp Bác ở chốn vĩnh cửu, có Chúa ở cùng. Ở nơi đó, chắc chắn có Tình thương của Chúa sẽ mãi mãi ngự trị trong lòng mọi người thân quen, mỗi khi nhớ đến Bác. Vậy, xin Bác nhận nơi đây cử chỉ bái chào vĩnh biệt của đàn em đồng môn còn ở lại. Xin chào Bác và đồng kính bái.
*Lại cũng là thơ: Thơ đây, rất Việt mình, nhưng tư tưởn được chuyển tải từ nước ngoài, vẫn rất Mỹ, còn gọi là tiếng Anh tiếng u của nhiều thời. Tiếng gì đi nữa, cũng mời anh mời chị ta nghe thử:
Ẩn Trong Nhau
Này em, trong chữ BELIEVE Chữ LIE chen giữa nằm ì , thấy không? Chớ tin vội chuyện viễn vông Sa vào bóng tối mênh mông, mịt mờ.
Em ơi, trong chữ '' Lớp vờ '' ( LOVER ) ''nhân'' nó là chữ ô vờ (OVER) đó em! Tình phai, dù mãi gọi tên Người ta vẫn bước qua thềm, lãng quên.
Bạn ơi! trong một chữ FRIEND. Ba mẫu tự cuối vần '' END '' phũ phàng. Khi trong nghịch cảnh, tai nàn. Mới hay ai thật '' đá vàng '' với ai.
Anh ơi! có thấy chữ WIFE Ở giữa là '' IF '', nếu mai vẫn là... Vợ anh, chẳng của người ta. Vậy mà một chút hở ra, mất liền!.
Trong chữ nghĩa đựng nỗi niềm. Vô thường thẩm thấu, bình yên tâm hồn. Mời em nhìn lại chữ '' MOM '' Vắng '' M..'', Mẹ vẫn cứ... ôm em hoài.
Dù tha hương, sống bên ngoài Tình thương Mẹ vẫn trải dài phía em... Tình nao mới thật tình bền? ''Ba tình'' trên đó gập ghềnh, lắt lay.
Em ơi, thức tỉnh, chớ say! Vòng tay của mẹ tháng ngày cho em. *Đôi giòng cảm nhận từ bạn cùng lớp: Dưới đây là cảm nhận của Chi Hội Phó Gia Đình An Phong Sydney, anh Phạm Văn Chương viết về niềm đau mất mẹ của cựu Chi Hội Phó, Đàm Thị Mai (vợ hiền anh Trần Ngọc Tá)
NIỀM ĐAU ĐƯỢC CHIA SẺ
Viết tặng riêng anh chị Mai Tá cùng gia tộc họ Đàm
Mất mát nào mà chẳng đem lại nhiều thương đau. Mất mát nào mà chẳng để lại những u sầu, Mất mát nào mà chẳng gây ra những hụt hẫng
Mỗi ngày chúng ta đang sống đây, biết bao nhiêu là mất mát xẩy ra dồn dập khắp nơi như nhà cửa bị cháy rụi, tài sản bị hủy hoại, tiền bạc bị trấn lột, ngay cả thân thể cũng có khi bị hủy hoại vì tai nạn v..v..
Nhưng phải nói mất mát to lớn nhất của đời người đó là mất mát đi đấng sinh thành, nhất là người đó lại là mẹ mình. Đó thật sự là một mất mát không có gì bù đắp lại được, mà chỉ có thời gian giúp mình lắng dịu sầu đau mà thôi.
Tối nay, thứ Sáu ngày 26 tháng 4 năm 2013, tại nhà thờ Giáo Xứ Mân Côi, Our Lady of Rosary Catholic Church, 13 Vine Street, Fairfield NSW 2165, Gia đình An Phong Sydney, được sự ủy nhiệm của cha Mai Văn Thịnh, có đứng ra tổ chức một buổi tâm tình, chia xẻ đau buồn với anh chị Mai Tá cùng tang quyến. Cụ Bà Đàm Quang Tính nhủ danh Nguyễn thị Tuyết, mẹ của chị Mai, đã tạ thế vào thứ Sáu ngày 19 tháng 4 năm 2013 tại Sydney và hưởng thọ 100 tuổi.
Anh chị Mai Tá là thành viên gạo cội của gia đình An Phong Sydney. Không những chỉ có anh chị mà cả các con cháu bà con thân thuộc hai bên nội ngoại, cũng tham gia sinh hoạt với gia đình An Phong mỗi khi có dịp, mặc dù họ không cùng một niềm tin tôn giáo. Trong gia quyến, chỉ có độc nhất chị Mai là theo đạo Công giáo khi chấp thuận kết hôn với anh Tá. Còn toàn thể đại gia đình bên chị Mai đều là những Phật tử rất thuận thành.
Anh Tá là một tác giả rất quen thuộc của những cuốn sách “Chuyện phiếm đạo đời” được phân phát cho bất cứ ai muốn đọc. Ngoài ra anh cũng là người thường xuyên viết những bài suy niệm cho các thánh lễ chủ nhật cho các giáo đoàn tại Sydney. Còn chị Mai cũng là một cộng tác viên rất đắc lực, trong việc đọc các chuyện phiếm do anh Tá viết, sửa chữa, cho ý kiến, để phát hành thành CD và cũng phần phát không. Mọi phí tổn ấn loát đều do hai anh chị đài thọ từ A đến Z.
Gần đây vì thấy người mẹ của mình cần sự chăm sóc tại gia nhiều hơn, chị đã không quản ngại xin nghỉ việc để dành hết thời gian cho người mẹ già, mà sinh lực nay như một ngọn đèn dầu le lói, có thể bị thổi tắt bất cứ lúc nào.
Mặc dầu chưa tới giờ bắt đầu là 6.30 tối, nhưng khoảng 5 giờ chiều trong sân nhà thờ Xứ Mân Côi cũng đã thấy mọi người bắt đầu kéo đến. Khoảng hơn 6 giờ khi trời bắt đầu tối, hầu như những người muốn tham dự đã tề tựu đông đủ. Người đứng gần tôi là chị Tâm, là bà xã của anh Tâm, thông gia của Anh chị Tá. Chị Tâm nói với tôi rằng, anh Tâm rất muốn tham dự buổi chia xẻ hôm nay lắm nhưng vì căn bệnh quái ác Parkinson, nay càng hành hạ anh dữ dội hơn. Thuốc chỉ cầm chừng được hai tiếng đồng hồ là hết hiệu nghiệm. Nó làm anh mệt lả, đi đứng không ổn. Tôi biết chị Tâm phải lo lắng cho anh nhiều lắm, nhưng tôi chưa hề thấy gương mặt chỉ cau có bao giờ, ngay cả lúc chị đứng một mình một góc. Chị đã gợi lại trong tôi, hình ảnh anh chị ngày kết hôn, chị đã long trọng tuyên hứa giữ lòng chung thủy, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khỏe, yêu thương và tôn trọng anh suốt cuộc đời. Tôi chẳng cần tìm đâu xa vì nhân chứng hùng hồn nhất cho tình yêu đang đứng kế bên tôi. Trong thâm tâm, tôi cứ nghĩ tối nay, chỉ có gia đình bé nhỏ của anh chị Mai Tá có mặt, nhưng hoàn toàn không phải thế, vì tôi nhận ra ngay những gương mặt quen thuộc trong gia tộc họ Đàm, những người tôi luôn cảm mến và khâm phục nếp sống gắn bó trong tình thương mến gia đình cùng huyết thống. Điều này khó tìm thấy trong các đại gia đình khác. Tôi nhận ra hai khuôn mặt mới là anh chị Đàm Quan Thức (anh Thức là anh ruột của chị Mai, từ Mỹ sang để dự lễ và vĩnh biệt người mẹ thân yêu). Tôi còn thấy chị Đàm Lang (chị ruột của chị Mai) gần đây cũng thường xuất hiện tham gia sinh hoạt với An Phong. Lại phải kể đến người con dâu của chị Lang, tên Bích Huyền, mặc dầu đã có gia đình, vẫn luôn cộng tác tham gia trong ban ẩm thực trong các sinh hoạt của An Phong mà không nề hà mỗi khi có dịp. Tôi thấy anh chị Uyển và Thành (chị Uyển và chị Mai là hai người con gái đã chăm sóc Cụ cố trong một thời gian dài). Lại thấy cả anh chị Thắng và Linh, mà Cụ cố rất thương yêu vì anh Thắng là con út của cụ. Anh Thắng là cục cưng của Cụ cố là cái chắc vì các bà mẹ miền Bắc đều thương yêu con út của mình, vì cho rằng vì là con út nên không được hưởng gì nhiều vì sinh sau nên chỉ còn cơm thừa sữa cặn.
Gia đình An Phong, đêm nay cũng tụ tập được nhiều thành viên. Anh chị Lợi dù rất bận rộn nhưng cũng đã có mặt. Tôi cũng nhận ra nhiều thân hữu khác như anh Hương Nam, chị Tính ....Còn cha Mai Văn Thịnh, tuy đang trông coi một họ đạo tại Melbourne, cách xa Sydney cả ngàn cây số, nhưng cũng cố gắng sắp xếp bay về Sydney để chủ trì lễ tiễn biệt này.
Đúng 6.40 tối, anh Nguyễn Kim Linh lên tiếng mời mọi người đang đứng ngoài vào nhà thờ. Trong các buổi sinh hoạt của Gia đình An Phong, đây là lần đầu tiên tôi thấy anh Linh đảm nhận vai trò điều khiển chương trình, một vai trò mà anh Vũ Nhuận thường giữ độc quyền (có thể anh Nhuận đang vướng mắc công việc phát thanh, nên sau đó mới đến). Số người tham dự tối nay có thể lên tới mức hơn 200 người vì ngoài các gia đình trong Chi hội An Phong Sydney, còn có mặt các hội đoàn của nhà thờ Fairfield, nhóm “Hát cho nhau nghe”, “Nhóm Bạn nghèo”, ngoài ra còn các ca viên trong ca đoàn cũng tới 30 người.
Từ cuối nhà thờ, tang gia từ từ tiến vào phía trong nhà thờ, trên ngực ai cũng gắn một cánh hoa cẩm chướng mầu trắng, tiếp theo là ba quý cha, Mai Văn Thịnh, Nguyễn Quang Thạnh và Dương Thanh Liêm.
Trong phần mở đầu, cha Thịnh đã nói lên lời chia buồn tới anh chị Mai Tá cùng tang quyến. Sau đó thì thánh lễ bắt đầu. Những bài đọc, bài ca, do được chọn lọc kỹ càng, tạo nên phần long trọng của buổi chia xẻ, đã nói lên cái thân phận yếu đuối của con người, mà một ngày nào đó ai cũng đều nhắm mắt xuôi tay.
Trong bài giảng chính, cha Thịnh đã nói về đời sống Cụ cố Đàm Quang Tính- thánh thiện và hy sinh, vui vẻ với mọi người –và tin rằng giờ này Cụ cố đang hưởng phúc trên cõi vĩnh hằng, một phần thưởng cho một cuộc đời tốt lành, hy sinh cho chồng con, bổn phận đã hoàn tất đầy đủ. Bây giờ là lúc Cụ về cội để gặp lại Cụ ông thì tang quyến phải để Cụ ra đi được thanh thản. Nói thì nói vậy thôi, là con người phàm xác thịt, khóc lóc thương tiếc mẹ là việc thường tình.
Tiếp theo, Anh Tá lên chia xẻ vể sự ra đi của nhạc mẫu. Anh mở đầu bằng câu “nghĩa tử lả nghĩa tận”. Anh nhắc đến kỷ niệm anh nhớ mãi là từ ngữ “Ấy là chuyện kể” của Cụ cố hay dùng, mà anh cũng đã nói đến trong các bài Chuyện Phiếm Đạo Đời của anh. Anh nói rằng, anh chẳng là thầy Tư hoặc thầy Sáu gì hết mà là “thầy Chạy”. Không biết thầy chạy thế nào mà lại lạc vào một chốn hoang vu mà anh phải ra sức tìm hiểu, khám phá và thuyết phục – bởi đại gia đình bên người anh yêu đều theo Phật giáo và phải nói rất sùng đạo Phật, mà tình yêu của anh mạnh mẽ đến mức độ nào mà đã làm người anh yêu sẵn sàng theo đạo Công giáo, mà anh còn cảm hóa được cả nhạc mẫu của anh, cô chú Uyển Thành và Thắng Linh, thường xuyên tham gia sinh hoạt với Chi hội Gia đình An Phong Sydney, và yểm trợ rộng rãi tài chánh cho Dòng Chúa Cứu Thế tại Việt Nam. Và vì cảm động hay sao đó, thay vì nói anh có hiếu với mẹ vợ, thì anh Tá lại nói là anh vốn có hiếu với vợ, mà chị Mai nghe được lời bầy tỏ công khai đó thì sẽ rất sung sướng, cảm động và hài lòng lắm. Đến phần chia xẻ tâm tư của chị Mai, nhưng có thể vì quá xúc động nên chị không nói được gì thêm, mặc dù MC Linh có nhắc nhở.
Thánh lễ được tiếp tục và lời ca tiếng hát quyện vào tiếng đàn trầm bổng bay lên cao vút – nhất là khi có những giọng đơn ca nam hay nữ trổi lên – làm tâm hồn những người có mặt càng thấm thía và bay bổng.
Sau thánh lễ, Chi Hội Trưởng Nguyễn văn Dũng, thay mặt gia đình An Phong Sydney, đã nói lên lời chia buồn cùng anh chị Mai Tá và tang quyến, đồng thời cũng nói lên lời tri ân Cụ cố, là một vị ân nhân không những của Gia đình An Phong và mà cả Dòng Chúa Cứu Thế, tại Việt Nam, về sự đóng góp tài chánh thường xuyên của Cụ cố trong các mục đích cao cả.
Tiếp theo, các thân hữu có mặt đã được xem một đoạn phim ngắn trong 4 phút do Anh Vũ Nhuận dàn dựng trình chiếu, cho thấy lúc sinh thời, Cụ cố đã có những sinh hoạt rất gắn bó với Gia đình An Phong với nụ cười rất thân thương đáng mến. Kết thúc, anh Đàm Quang Thức, thay mặt tang quyến, đã lên bầy tỏ lời cảm tạ, với một giọng nói rất ấm cúng và chân thật.
Sau cùng, thay vì ai nấy về nhà, vì trời bên ngoài đã hơi lạnh do sương đêm, một số bạn hữu thân thương của anh chị Mai Tá và tang quyến đã ở lại để trò chuyện thêm. Do cha Thịnh đề nghị trước nên có cà phê, nước trà nóng và có ít bánh ngọt làm mọi người thêm ấm lòng. Phải nói thêm đây là sự đóng góp của các chị CHT Phụng và CHP Lê đã nhanh chóng sắp xếp mọi chuyện một cách hoàn hảo. Đơn sơ chỉ có thế nhưng tình nghĩa rất đậm đà nhằm cùng nhau chia sẻ, vui buồn có nhau. Anh chị Mai Tá đã đến từng bạn hữu để cám ơn sự có mặt. Chắc tại một nơi xa xôi, Cụ cố sẽ hài lòng vì con cháu hiếu thảo, vì bè bạn thương mến, hết lòng với mình.
Tôi xin gởi đến anh chị Mai Tá cùng tang quyến một bài thơ của một thi sĩ ẩn danh. Lời thơ lãng mạn và phảng phất sự siêu thoát, và có được tu sửa để phù hợp:
Đừng đứng bên mộ mẹ và nhỏ lệ Mẹ không ở trong mộ này, mẹ không ngủ đâu con Mẹ nay là ngàn ngọn gió thổi khắp phương trời Mẹ là kim cương lấp lánh trên tuyết lạnh Mẹ là ánh sáng nhuộm vàng hạt lúa chín Mẹ là giọt mưa của trời thu êm ả Khi con thức giấc lúc ban mai thinh lặng Mẹ là lực xua đàn chim vụt bay cao Đừng đứng bên mộ mẹ mà khóc lóc Mẹ không ở trong mộ này, mà đang đi vào cõi vĩnh hằng.
Sydney ngày 27 tháng 4 năm 2013 Phạm văn Chương *Đôi giòng san sẻ của người con rể: San sẻ tâm tình của anh Trần Ngọc Tá trong thánh lễ tạ ơn tối Thứ Sáu 26/4/2013:
“Cảm ơn anh Thịnh đã cho phép tôi được san sẻ đôi lời, dù tôi không là thày 6 hoặc thày cả để làm thế, mà chỉ là thày chạy, tức: cũng là đức thày từng bỏ Dòng thánh để đi vào giòng đời tìm “Thiên Chúa là Tình Yêu’ nơi lòng người. Thế nên, tối nay, xin có đôi lời sẻ san vài cảm nghiệm của người con Chúa từng đi vào đời và từng sống với đời, với người đời với tư cách là người thân trong gia đình nhà hiếu không cùng một niềm tin tôn giáo. Vì là cảm nghiệm tư riêng lại nói vào lúc tang gia bối rối, nên những điều nói ra ở đây không mang tính chất thần học mà chỉ là một chút kể lể có chất “phiếm Đạo”, thôi. Nếu có hơi quá lời hay sao đó, xin quý vị niệm tình tha thứ. Cảm nghiệm của tôi, là người rể trong tang quyến hôm nay, là thế này: Xưa nay, mỗi lần có bạn bè, người thân ra đi về miền vĩnh hằng có Chúa có cha, có cả Phật hiền, chừng như các cụ đều bảo: “Nghĩa tử là nghĩa tận”. Câu này, mang rất nhiều ý nghĩa tuỳ truờng hợp và hoàn cảnh của mỗi người. Nhưng riêng tôi, thì “nghĩa tận” bao hàm 3 cung cách, đó là: tận trung, tận hiếu và tận tình. Tận trung, thì đối với dân con sống trong chế độ quân chủ là trung thành với vua, quan lãnh chúa. Với Đạo, tận trung còn có nghĩa trung tín với Chúa với Cha trên trời, bằng cách tin, yêu & phục vụ người đồng loại. Tận hiếu, thì ai cũng hiểu vì ai cũng có cha/có mẹ để tỏ bày lòng hiếu thảo suốt đời mình. Với riêng tôi, trong trường hợp sống Đạo hiếu và hành xử có hiếu với gia quyến của tôi, thì quyết tâm của riêng tôi, là: muốn trung thành và yêu thương vợ hiền, thì phải có hiếu với vợ (à quên) tận hiếu với bố mẹ vợ mình nữa! Nói thế, là bởi: ngay từ buổi đầu khi đến nhà gái “chạm ngõ” và hỏi cưới người mình yêu, tôi trải qua một đợt sát hạch cũng khá gay go. Nhưng vì cụ bà đây tin vào Tử vi đẩu số: cụ tuổi Mão, tôi tuổi mùi, Hợi Mão Mùi, tam hợp, và lại thấy tôi là dân tu ra, nên cụ cụ tự nhủ: Được! Chàng này làm rể nhà mình được đấy. Thế là tôi được điểm A! Tận Tình, là tận tâm cho đến cùng với cuộc tình của mình, dù tình đó là tình vợ/chồng, tình của người con rể với mẹ vợ hoặc tình Chúa, tình người hoặc tình thương yêu nguời của Chúa, tình người với nhau, cũng thế. Và tối nay đây, là buổi san sẻ tâm tình đặc biệt về thứ tận tình của tôi với vị tứ thân phụ mẫu vẫn còn sống sau ngày tôi mất mẹ vào năm 1978. Hẳn bạn bè/người thân hoặc người đọc sách Phiếm nhớ là cách đây gần 6 năm, tôi có khởi đầu sự nghiệp viết lách bằng một bài “phiếm luận” có đầu đề lấy từ câu nói của cụ bà nhà tôi vẫn hay dùng, đó là câu: “Ấy Là Kể Chuyện.” Bài này, kể về nhiều thứ, nhiều chuyện. Chuyện yêu thương tha thứ cho nhau. Truyện kể rất ý nghĩa về tình người khá “tận tình” là câu truyện thế chiến thứ 2 có lính Đức gom dân làng còn ra bức tường làng xử bắn, bất kể đàn bà con trẻ. Lúc ấy có thiếu niên nọ dùng dăm ba tiếng Đức học ở trường, để đứng ra xin lính Đức cho mình chết thay cho bà chị nọ có con nhỏ phải chăm sóc. Và cuối truyện có đoạn, tác giả xin bà con tha chết cho người lính này khi cuộc chiến kết thúc. Tóm tắt ý chính của chuyện phiếm đầu tay hôm ấy, là trong chuỗi ngày sống Đạo giữa đời, với người cùng Đạo/cùng chánh kiến hoặc khác đạo/khác cuộc tình, mình vẫn nên tận tình bằng tình thương yêu mọi người như yêu mình. Và, khi đã yêu rồi, thì hãy tha thứ cho cả người mình có yêu hay không. Về triết lý sống Đạo làm người rất tận tình, tôi không chỉ học được từ trường Đạo hay ở nơi Đạo Chúa mà thôi, nhưng còn từ cụ bà nhạc mẫu của tôi nữa. Bằng chứng là: trong chuỗi ngày dài về làm rể, tôi được nhạc mẫu kể cho nghe chuyện đời người và người đời, kể về Đạo làm người, và Đạo làm con Chúa/con Phật. Những chuyện mà cụ cứ gọi bằng ngôn từ rất nôm na, như:“Ấy Là Kể Chuyện” Đó là chuyện đầu đời và ngang qua cuộc đời, được gặp và được nghe cụ kể. Và đây là truyện cuối đời: chiều hôm trước ngày cụ ra đi, theo thường lệ, chúng tôi vào thăm cụ ở viện, tôi chào cụ nhưng không thấy cụ tỏ bày gì, nhà tôi sợ rằng cụ bị lẫn không nhớ ai bèn hỏi “Bà biết ai đây không?” thì cụ trả lời: “Chú Tá!”, chỉ mỗi thế. Nhưng trong cái “chỉ mỗi thế”, tôi nghe như cụ muốn nói thêm điều gì đó với tôi, mà vì hơi tàn sức cạn cụ chỉ nói được có thế. Sáng hôm sau, tức cách đây đúng một tuần, gần 9 giờ sáng, tôi đang chuẩn bị cho một buổi sáng thường nhật, thì nhận được cú điện thoại do nhà tôi gọi bằng một giọng mếu máo/khóc oà: “Bố ơi! Bà mất rồi!…” Được hung tín, tôi vội gọi taxi trực chỉ phòng bệnh của cụ thì biết là cụ vừa ra đi chừng mươi phút. Lúc đó chỉ có mình tôi là người đầu tiên có mặt khi cụ qui tiên, tôi nhìn thẳng mặt cụ xem cụ có tỏ bày điều gì qua sắc diện hay cách nào đó không, thì nhận ra rằng: cụ đi an nhàn/thanh thản như muốn nói lời cuối với tôi:”Rõ Thật Hết Truyện!” Vâng! “Rõ Thật Hết Truyện” để nói. Hết chuyện để bảo: “Ấy là Kể Chuyện”, rồi. Và, sau 100 năm cuộc đời toàn những nghe và kể đủ thứ chuyện trên đời rồi, thì nay nhạc mẫu của tôi như muốn bảo với con cháu, và bạn bè người thân trong/ngoài Đạo Phật và Đạo Chúa, rằng: “Rõ Thật Hết Chuyện”. Chuyện đời người và người đời. Nhưng vẫn còn một chuyện để nhắn bảo nhau, rằng: “Nghĩa tử là nghĩa tận!” Chữ tận ở đây không là tận thế, hoặc tận cùng của sự sống, mà là tận tụy hết mình vì chữ Tình đối với mọi người. Vậy thì, tối nay, tôi xin mạn phép chuyển trao thông điệp của cụ bà nhạc mẫu nhưng lại người Mẹ thứ hai của tôi đến bạn bè người thân xa gần, cả các anh chị em trong Gia Đình An Phong, cộng đoàn Gx Fairfield, ca đoàn Mân Côi, Nhóm hội/đoàn thể này khác trong đó có những người mà cụ rất thân và cũng gần, lời nhắn nhủ: “Rõ thật hết chuyện” đời, chuyện người. Nhưng còn đó chuyện tình người và tình Chúa/Phật trong tôi và quý vị mãi đến thiên thu, nhiều kiếp. Quý vị và tôi đang quyết sống trọn kiếp người của dân con Đức Chúa hay Phật tử hay Đạo nào đó, xin nhớ cho rằng: “Nghĩa tử là nghĩa tận”: tận trung, tận hiếu và tận tình với hết mọi người trong yêu thương. Thiện tai! Thiện tai! Thiện thiện tai! Amen
*Thơ Cát bụi hay trở về với cát bụi cũng có thơ Đã là thơ thì: đâu mà chẳng, chỗ nào mà chẳng làm! Dù đó có là thơ …những thẫn thờ hoặc bụi cát với cát bụi, như bên dưới: Trở về cát bụi
Bạn thân ơi! Có bao giờ bạn nghĩ
*Là đà con nhạn bay từ đâu đó, rất Việt Nam Nhạn náy là nhạn rất bận và cũng rộn, như đã viết, ở bên dưới: 18.05.2013 Dear anh chi Mai Ta ,
*Lại chuyện lão niên Lão hay không lão, vẫn là chuyện đường dài ở huyện. Huyện nhà, và huyện người. Huyện nào cũng có các vị rất lão những không già. Già sao được, khi các cụ lại cứ làm thơ như sau: Tâm trạng lão niên
(old car) Ta như xe cũ chạy không xa
( small boat in stormy sea) Ta như tàu nhỏ,lắm phong ba
(old oak) Ta như cây cỗ thụ sân nhà Bóng mát cháu con - chắn bão qua . Trông chờ tin nhạn - các con xa ! (old buffalo) Ta như trâu yếu lúc chiều tà Ra sức kéo cày giúp thế gia. (old horse) Ta như ngựa chiến mãi xong pha (do nat??/) Ta như đò nhỏ giúp sang sông Thời gian mục mát - nằm tàn tạ ! (castle in ruins) Ta như ngôi biệt thự tan hoang Thuở mới khánh thành lộng lẩy lắm ! Không gi tồn tại với thời gian .
(fruit laden tree) Ta như trái chín ở trên cây Những ngày còn lại thế gian này !
(geese) Ta như những cánh chim xa quê
(empty hands) Ta như sương khói lúc chiều đông |
Duc In Altum >