Duc In Altum‎ > ‎

DUC IN ALTUM Số 78 – Quý 2/2012



TÌNH QUÊ

Lm Phạm Trung Thành, CSsR

 

 

Anh Vũ Sinh Hiên vừa đi Châu Âu về, “tôi nghiệp”! hồn anh bay bổng khắp nơi trên thế giới nhưng chân anh cứ luẩn quẩn quanh giải đất chữ S. Càng “tôi nghiệp” hơn, khi thế giới đang gần lại với nhau bằng các phương tiện mới, cung cách nối kết mới mà anh vẫn chưa thoát ra được. Năm ngoái người ta thả anh ra, ba chân bốn cẳng anh chạy ngay sang Mỹ, ở cũng khá lâu; nhưng, hình như chưa thỏa mãn tính tang bồng, gặp gỡ bạn bè khá nhiều, nhưng hình như thấy vẫn chưa nói hết “như chuyện đã viết xong mà lòng còn như muốn nói thêm”. Anh về nhà viết bài chia sẻ với mọi người, nhưng một mắt viết còn để một mắt trông chừng, chừa chỗ cho bài viết mà anh sẽ viết về chuyến Âu du.

 

Vừa về đến nhà, anh đã “meo” ngay cho Thành, đề nghị một cái hẹn để “tâm sự đầy vơi”. Khi gặp, anh nói “một thôi một hồi”, những chia sẻ đầy cảm xúc, đầy tình gia đình huynh đệ thân thương. Cũng như chuyến đến Mỹ, 31 ngày ở Châu Âu, anh dành gần hết thời gian cho Paris, chỉ vài ngày “thí” cho Bỉ và mang nợ Roma hẹn lần sau, mà cứ kêu rằng chưa đi gặp hết anh em. Đến Châu Âu, mà chưa thăm Roma thì thật thiếu xót lớn. Đến Châu Âu, mà không đến kính viếng bức Linh ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp đặt ở đến thánh An Phong, thì có tội vô cùng lớn với thánh Tổ phụ và với anh em, cứ để tội đấy, “không trả đời này thì phải trả đời sau”.

 

Ở Paris, anh Tánh đưa anh đi thăm và ở lại với cha già Qui một ngày. Anh Hiên về cứ ấn tượng về cha già mãi. Anh nói “Tánh cứ lái xe đi vòng vòng mãi không tìm ra nhà cụ, đến khi tìm ra thì nhà cụ ở mãi trong cái hẻm quê, hoang vắng và cụt !” Ấn tượng về ngôi nhà, về vị trí nhà, nhưng ấn tượng đí không “đã” vì đi bằng xe hơi, hãy đến thăm cụ bằng phương tiện xe lửa sẽ ấn tượng hơn. Hai chuyến xe lửa đồng nghĩa với việc nhảy tàu 4 lần cho chuyến đi, chưa kể nhưng đoạn cuốc bộ hoặc chuyển tầng khi thay chuyến xe, từ nhà cụ (Demon) về Paris mất chừng hơn 1 giờ xe, thế mà “cụ đồ” Thiệp hằng ngày vào Paris để nghiên cứu Hán Nôm ròng rã 3 năm ! Cứ vậy mỗi ngày “một chuyến đi về”.

 

Anh Hiên kêu lên rằng “nhà cụ đơn sơ quá, chẳng có gì hết, con cái cụ ai muốn đến thì đến, ai muốn đi thì đi, có gì ăn nấy, Hiên ngủ một đêm quá ấn tượng”. Chưa ấn tượng đâu, vì anh Hiên đến vào mùa hè, hãy tưởng tượng vào mùa đông, ngôi nhà không hề có máy sưởi, chỉ có nơi cái ghế đa năng của cụ một cái máy sưởi nhỏ … hàng “Hồ cẩm Đào” ! Sở dĩ gọi là ghế đa năng, vì nơi đó cụ dùng để làm mọi thứ, ngủ, đọc sách, cầu nguyện, giải tội, dâng lễ, ăn cơm, gặp gỡ … chỉ có không dùng để giải quyết cái cần thiết mỗi ngày, mà ai cũng phải giải quyết thôi. Càng ấn tượng hơn, khi biết rằng “cụ đồ” Thiệp đã ở đó để đi mài đũng quần ở đại học Paris ba mùa đông.

 

Hàn huyên với cụ Qui, anh Hiên ấn tượng về những chia sẻ của cụ, cả ngày cụ nói về nhà dòng, nhắc đi nhắc lại “Tôi cầu nguyện cho Cha Giám Tỉnh, tôi cầu nguyện cho anh em ở nhà, cầu nguyện cho Thái Hà tai qua nạn khỏi”. Anh Hiên nói: “Ôi dễ thương quá, sao cụ sống tình huynh đệ dễ thương quá, tôi đi khắp nơi, gặp lại anh em mình, thấy chúng mình thương nhau quá, tình huynh đệ nồng nàn thắm thiết quá, biết ơn các đấng tiền bối đã dạy dỗ và chuyển giao cho chúng mình tình huynh đệ gắn bó này”. Cái này, thì anh Hiên ấn tượng thật và ấn tượng một cách thiết thực. Có đi xa, có gặp khó mới thấy tình quê nhà, tình gia đình CSsR.

 

Tình gia thất, là gia tài lớn lao trong linh đạo Dòng Chúa Cứu Thế, những năm tháng khó khăn vừa qua càng làm nổi bật giá trị này hơn. Tôi đã có dịp đi đó đây để kiểm nghiệm tình huynh đệ này, ghi lại vài hàng với nhau để tạ ơn Chúa, để nhắc nhớ nhau về “gia tài của mẹ để lại cho con”, để đóng góp phần nhỏ bé của mình cho việc gìn giữ và xây dựng tình gia thất, tôi có nói với anh Hiên: “Anh còn phải đi Úc để thấy khối tình ấy lớn lao và đậm đà thế nào”, xem ra anh Hiên “khoái chí” lắm vì bên đó trong “khối tình lớn lao” đặc biệt có anh Mai Tá và anh Vũ Nhuận là “bồ tèo” của anh Hiên.

 

Viết những hàng chữ này trong ngày mừng lễ đại thọ của Cha Louis Nguyễn Văn Qui (21/05/1923), cầu nguyện cho ngài được bằng an, mạnh khỏe, nhiều ơn Chúa để tiếp tục sống bụi đời.

 

Lm. Phạm Trung Thành, CSsR

 

CÓ CẦN NÓI NHỮNG ĐIỀU KHÔNG CẦN NÓI?

Lm Joe Mai Văn Thịnh, CSsR

 

Cho đến bây giờ, chúng ta đã được nghe báo chí, truyền hình nói về việc cha Kevin Lee tự động rời bỏ nhiệm sở mình. Cựu linh mục Kevin Lee còn tuyên bố rằng sự ra đi của ông mở đầu cho cuộc vận động yêu cầu Giáo Hội xóa bỏ tình trạng độc thân của các linh mục thuộc Giáo Hội Công Giáo Rôma. Còn ai chưa biết tin này thì sau đây là bản tóm lược sự kiện: Vào chủ nhật cuối tháng 4 vừa qua, cha Kevin Lee đã công khai tuyên bố là ông đã bí mật kết hôn với một phụ nữ tại Phi luật tân vào một năm trước đây. Trong năm vừa rồi ông là người có hai cuộc sống: vừa là bố đời vừa là bố đạo.

 

Kết quả là ông đã tự mình gỡ bỏ thừa tác vụ linh mục mà ông đã được trao ban qua bí tích Truyền Chức của Đức Giám Mục sở tại thời đó, và các Đức Cha kế vị Ngài. Theo như lời của Đức Cha Anthony Fisher - Giám Mục Parramatta - thì cha Kevin đã từ chối liên lạc với Đức Cha và văn phòng địa phận. Thay vào đó, cha Kevin đã dùng các phương tiện truyền thông để gây tiếng vang và chỉ trích Giáo hội đã xử ép khi buộc các linh mục phải sống độc thân. Và đúng như dự kiến của cha, phần lớn các bài bình luận đã ủng hộ ông và chê trách Giáo Hội.

 

Theo những nguồn tin đáng tin cậy. Khi còn là linh mục, thì cha Kevin rất nhiệt thành trong nhiệm vụ cha xứ: hăng say rao giảng Lời Chúa, củng cố niềm tin của các tín hữu và chuyên cần trong việc phục vụ dân Chúa qua việc trao ban các bí tích của Giáo Hội. Và cũng chính vì những điều này khiến cho truyện của Cha Kevin được nhiều người theo dõi và ủng hộ ông hơn. Lẽ dĩ nhiên phần thiệt hại không thuộc về ông và người phối ngẫu của ông. Nhưng cộng đồng dân Chúa tại giáo xứ mà ông coi sóc và những người quen của ông bị hoang mang; và dĩ nhiên họ là người bị thiệt hại; vì không biết tin vào ai đây!!!

 

Tôi rất thích phần kết của bài  phiếm “Em ơi nếu mộng không thành thì sao? Tác giả sau khi trình bày diễn tiến và những ý kiến khác nhau xoay quanh sự kiện này. Cuối cùng đã kết luận là anh đã và đang vui mừng trong sự lựa chọn mọi sự cho đời mình. www.tranngocmuoihai.blogspot.com.au.  Thật thế, đã mang trong mình thân phận của con người thì ai cũng có ước mơ; mà một số người còn gọi đó là ơn gọi. Muốn đạt được ước mơ hay ơn gọi thì ai cũng phải cố gắng chiến đấu để chiến thắng bản thân mình. Cuộc chiến đấu này sẽ tồn tại mãi mãi trong cuộc sống của chúng ta. Vì thế, chuyện người này gục ngã, người kia nằm xuống không phải là những ‘xì căng đan’ khiến chúng ta ngac nhiên hay ngỡ ngàng. Điều khiến tôi cảm thấy thất vọng là linh mục Kevin Lee đã biến những điều sai trái, mà ông đã dấu diếm trong năm qua, trở thành nhân đức và yêu cầu người khác ủng hộ và thực hiện. Ông ta còn cố gắng biện minh cho sự phán đoán sai lầm của ông như một tấm gương và thuyết phục người khác tin tưởng.

 

Tuy nhiên, cũng có rất nhiều người lên tiếng chúc mừng cha Lee đã tìm ra tình yêu đích thực; rồi sau đó lại nhạo báng Giáo hội đã ép buộc ông sống cô đơn và uổng phí tuổi xuân gần 20 năm qua. Đồng cảm và hỗ trợ để ông không bị mặc cảm và bắt đầu xây dựng cuộc sống mới mà ông vừa chọn lựa là chuyện cần thiết. Nhưng kiểu lý luận này xem ra cũng hơi lạ. Lý luận một chiều và gán ‘tội’ cho Giáo Hội, một cộng đoàn đã nuôi dưỡng cha Kevin, là điều không hợp lý và thiếu công bằng.

 

Cho đến hôm nay, ai được mời gọi lĩnh nhận thừa tác vụ linh mục đều biết là họ tự do chứ không bị ép buộc để chọn lối sống đôc thân để thực hiện hoài bão và ước mơ của họ nhằm phục vụ tha nhân. Vì thế, chúng ta không thể lý luận rằng một linh mục từ bỏ lời hứa trong ngày được truyền chức lại anh hùng hơn người đàn ông bỏ vợ con để chạy theo người tình mới. Sống đời tu trì hay sống đời đôi bạn đều là ơn gọi cho cả cuộc sống, chứ không phải là chọn lựa hay quyết định trong một giai đoạn nào đó. Và để thực hiện ơn gọi – có người gọi đó là ước mơ – cả hai đều phải chiến đấu và chiến thắng những trở ngại để hoàn tất ước mơ của đời mình. Cả hai ơn gọi đều quí. Chúng bổ túc cho nhau và cùng nhau xây dựng cộng đoàn dân Chúa. Hơn nữa, nếu một người đã không trung tín trong việc chọn lựa của mình thì chúng ta cũng có thể nghi ngờ sự chọn lựa thứ hai, liệu họ có giữ được hay không?

 

Độc thân vẫn là một món quà tuyệt vời nếu con người biết trân quí nó. Độc thân trong đời sống tư tế để linh mục được tự do hơn mà lo viêc Chúa. Chính cha Kevin cũng đã nói ông không rời khỏi chức tư tế trước đó để kết hôn bởi vì ông rất thích là một linh mục. Tuy nhiên, đó cũng có thể trở thành gánh nặng cho những ai đã ‘chán’ đời sống phục vụ.

Mỗi người chúng ta được tạo dựng như một món quà của Thiên Chúa, không phải cho bản thân, nhưng cho tha nhân. Những ai đã được mời gọi để sống đời hôn nhân thì họ cũng được mời gọi để trao ban con người của nhau. Những tặng vật họ trao gửi nhau sẽ trở thành vô nghĩa nếu bản thân và cuộc sống của họ không là quà tặng mà cả hai cần trân quí và đón nhận. Tương tự như thế, linh mục luôn luôn là món quà của Thiên Chúa tặng ban, không nhằm để xây dựng ngai vàng của cha, nhưng để phục vụ và xây dựng cộng đoàn dân Chúa. Rồi từ đó, qua lối sống hy sinh, tận hiến của linh mục mà thế gian nhận ra được sự hiện diện của Chúa Kitô trong chức vụ tư tế cộng đồng.

 

Theo dự đoán, cha Kevin cũng chỉ lôi kéo sự chú tâm của đám đông, của hệ thống truyền thanh một thời gian ngắn. Những điều mà ông công bố sẽ mờ dần. Mỗi người chúng ta không còn nhiều thời gian để theo dõi những sự kiện sẽ xẩy ra cho gia đình ông sau này. Xã hội mà chúng ta đang sống xoay quá nhanh, nhanh đến độ chúng ta nhiều lúc không còn thời gian cho chính mình; làm gì còn thời gian để theo dõi chuyện bao đồng của người khác. Lối sống mà cựu linh mục Kevin Lee mới chọn thật là mới mẻ đối với ông, nên theo thiển ý của tôi, ông cũng cần thời gian để làm quen và bắt đầu xây dựng cuộc sống mới với người vợ yêu quí của ông. Tuy nhiên, như tôi đã nói ở trên phần thiệt hại vẫn còn lưu lại. Những ai ngưỡng mộ cha Kevin rất có thể sẽ bất mãn với Giáo Hội và mất niềm tin nơi các vị bề trên.

 

Cuối cùng ai được lợi? Chẳng có ai !!!

 

Mai văn Thịnh C.Ss.R

Ngày 13/05/2012

 

“EPHATA” VÀ NĂM ĐỨC TIN 2012

_________________________________________________________________________

Lm Vũ Khởi Phụng tháng 3/2012

Một hôm bất chợt cha Lê Quang Uy bảo tôi: “Ephata sắp ra số 500”. Chẳng phải là tin tức gì lớn lắm, nhưng cũng là một cú “hích” để nhắc nhở rằng thời gian trôi nhanh và trôi không ngừng. Cha Uy lại bảo tôi phải góp mặt trên số báo kỷ niệm. Có ai đó đã từng nói về “những gì còn lại khi ta đã quên hết”. Từ số 1 đến số 500, thời gian chưa dài lắm, khoảng mười mấy năm thôi, nhưng với cuộc sống dồn dập ngày nay, hình như tôi cũng đã quên hết chuyện rồi thì phải. Có lẽ cũng đã đến lúc nhìn về những gì còn lại khi tôi đã quên hết…

Khoảng mười lăm năm trước, có một ngày “Giới Trẻ Thế Giới” do Đức Gioan Phaolô II triệu tập ở Paris. Tất nhiên hồi ấy tôi trẻ hơn bây giờ, và cũng hay đi lại sinh hoạt với các nhóm trẻ. Chả có cách gì đưa người của mình đi góp mặt với bạn trẻ thế giới ở Paris. Thế rồi Thanh Diệu ở Mỹ về vì công chuyện gì đó. Cô này vừa mới di cư sang mỹ khoảng hơn một năm, trong lòng vẫn cón lưu luyến Việt Nam lắm lắm. Bạn bè hội họp lại nảy ra ý kiến: “Mày phải thay mặt chúng tao đi Paris dự Đại Hội”. Và xảy ra chuyện ngược đời là một một nhóm trẻ Việt Nam, hầu hết là nghèo, lại đi góp tiền viện trợ cho Việt Kiều. Phải vậy thôi, vì Diệu mới chân ướt chân ráo đến Mỹ, cuộc sống chưa ổn định chút nào, vất vả cực nhọc lắm. Với lại “có thế thì nó mới là đại diện cho chúng mình”.

Diệu nhận sứ mạng. Cả gia đình lẫn bạn bè ở Mỹ tròn mắt ngạc nhiên vì cô nàng vừa về đến Minnesota đã sắp ngửa balô trên vai để đi Paris. Cận ngày lắm rồi, xoay xở như người đu dây làm xiếc để làm sao đến Paris cho kịp, ăn ngủ sao cho đúng tiêu chuẩn bụi đời. Thề rồi Diệu cũng ngồi chung tâm sự với bạn bè từ Châu Phi sang, cũng ca hát tưng bừng cùng các bạn dưới tầu điện ngầm, cùng nối vòng tay lớn trên xa lộ vành đai thủ đô nước Pháp. Diệu mang theo ký ức về những ngày tháng Việt Nam. Những lúc đạp xe mòn bánh Sàigòn – Bình Dương – Thủ Đức. Những hội ngộ Bắc – Trung – Nam ở La Vang, bên Sông Hương – Núi Ngự, Nghĩa Trang Anh Hài an táng các thai nhi ở Họ Đạo Ngọc Hồ, những lần phóng xe qua rừng ngập mặn đi thăm và tiếp tế cho cha Chân Tín đang bị quản chế ở Cần Giờ. Có lần bị Công An giam mấy ngày vì hồ nghi là phản động, thế mà nhờ đó lại học biết đối đáp và lập trường sắc nét. Rồi những buổi lê la dạy Giáo Lý trẻ con trong sân Nhà Thờ Kỳ Đồng của DCCT, những công tác phục vụ trẻ em nghèo trong một Xứ Đạo Dòng Phanxicô và bao nhiêu chuyện khác. Diệu chẳng thể nào kể hết được, nhưng những chuyện đó cho Diệu một tâm trạng để trao đổi, chia sẻ với các bạn bè xuyên lục địa.

Ấy là chuyện nhen nhóm lên từ năm 1996, bốn năm sau, Đại Hội Giới Trẻ lần này tổ chức tại Roma đúng Năm Đại Thánh 2000. Lần trước dù sao nhóm mình cũng gửi được một người tới Paris. Còn lần này thì sao ? Khắp thế giới nối kết, ta cũng nối kết. Ngay trong nước mình đã nối kết đủ chưa ? Lại một sáng kiến mới: đưa lên mạng những bản tin điện tử về Đại Hội Giới Trẻ, đặt tên trang mạng là “Anh em năm châu”. Người trực tiếp phụ trách bản tin ấy là Lê Ngọc Thanh, ngày nay đã là Linh Mục.

Đức Gioan Phaolô II đã cho giới trẻ một cơ hội vàng để hiệp thông. Hiệp thông là bản chất, là nhu cầu của Hội Thánh và cách riêng của giới trẻ. Hoàn cảnh của ta, phương tiện thiếu thốn, nhưng nội dung chả thiếu, như cha Tiến Lộc hát: “Chúa là cây đàn, còn con là điệu hát Chúa ơi”. Chúa cho Hội Thánh dạo đàn, thì ta hợp xướng bằng ngôn ngữ của ta. “Anh em năm châu” ra được năm bảy số gì đó thì Đại Hội Giới Trẻ kết thúc”. Nhưng đấy là ngày Giới Trẻ Thế Giới kết thúc, chứ sự hiệp thông có kết thúc bao giờ ? Cả người làm bản tin lẫn người đọc bản tin đều có ý kiến nên tiếp tục. Sau một thời gian bàn tính, thử nghiệm, cha Lê Quang Uy tình nguyện đứng ra làm một dạng báo điện tử: Ephata ra đời.

Nói đến cha Lê Quang Uy, tôi thấy hiện lên rất nhiều khuôn mặt trẻ. Tôi đã từng quen biết những khuôn mặt ấy từ những ngày Sàigòn mới “đổi đời” sau các biến cố năm 1975. Sàigòn cũ đã sinh ra một thế hệ trẻ không phải là không có nhiều nét tinh anh, những người trẻ ấy đang bỡ ngỡ đi vào một khúc đường mới, mất gì thì đã biết, được gì thì còn lắm tiềm tàng bấp bênh, có cái cảm giác bất trắc, đôi khi nghẹt thở, nhưng sức bật vẫn còn đấy, tuổi trẻ nhiệt tình háo hức, năng động. Họ tụ nhau ở Nhà Thờ với một cung cách và một cảm hứng rất mới, tràn ra ngoài những khuôn khổ đạo đức thông thường. Họ tự sáng tạo những bài Thánh Ca để cầu nguyện với nhau, có người vẽ giỏi, có người làm kịch hay, có người xông xáo tìm đến những xóm nghèo, những mảnh đới bất hạnh, mỗi người mỗi vẻ gắn bó với nhau. Các bạn bên lương cũng đến nhập cuộc. Năm nào nhóm Mai khôi này cũng gửi đến cho tôi vài bạn học Giáo Lý và gia nhập Dân Chúa.

Thời gian trôi qua đi, bây giờ thì Quang Uy đã làm Linh Mục, các bạn Mai Khôi khác cũng vợ chồng con cái chững chạc, người ở trong nước, người ở nước ngoài, cùng với nhiều thân hữu khác. Cái nhóm đó làm thành hạt nhân đầu tiên cho cộng đồng bạn đọc Ephata. Họ có chung nhau nhiều kỉ niệm, nhiều tâm trạng sẻ chia. Bắt đầu từ con số nhỏ nhất rồi lan ra số trăm, số nghìn bạn đọc.           

Tôi bắt đầu thấy cái vụ báo điện tử này hay hay. Chả là tôi cứ tưởng đã bẻ gãy ngòi bút rồi. Ngày trước tôi làm báo “Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp”, một trong những tờ nguyệt san kỳ cựu nhất của Công Giáo Việt Nam sống dai dẳng. Nhưng sau ngày 30.4.1975, tờ báo cứ hồn nhiên mà đóng cửa. Chả lẽ lại gọi đó là một vinh dự, nhưng tôi là tổng biên tập cuối cùng, không khai tử mà báo cứ nghỉ yên tưởng như vĩnh viễn. Tôi đi đầu quân cho báo “Đứng Dậy” của cha Chân Tín. Được vài ba năm gì đó, lại thêm một “vinh dự” nữa: sau một bữa “tiệc ly”, tôi được đứng trên vỉa hè Bà Huyện Thanh Quan chứng kiến chủ nhiệm Chân Tín và tổng biên tập Nguyễn Ngọc Lan tháo gỡ bảng hiệu. Một thể nghiệm đã hoàn thành chức năng lịch sử của nó.

Ơn trên ban cho tôi không buồn phiền gì, đơn giản tôi nghĩ rằng trong hoàn cảnh này, thời thế này, tôi chẳng thể nào làm bạn với bút mực. từ nay chỉ có lời nói và lân la với nhiều nhóm bạn bè, già có trẻ có.

Vậy mà cả chục năm sau tiến bộ của khoa học công nghệ lại đột phá làm nảy sinh ra báo điện tử, và ông cha Uy lại làm cái báo đó ngay trước mắt tôi. Tưởng là đã đào sâu chôn chặt loại sinh hoạt đó, hóa ra chỉ là hiện tượng đông qua xuân tới thôi sao ?

Có thể coi loạt bài “Giọt nắng giọt mưa” là hoa quả của những năm tháng tôi lân la làm quen với nhóm này nhóm nọ. Trong hoàn cảnh của Giáo Hội Việt Nam, có đủ thứ ý kiến và dư luận. Có người khen sự giữ đạo đông đúc, sốt sắng, năng động. Có người lo vì Giáo Hội im lặng, bình thản với tiêu cực, thậm chí bị tiêu cực lũng đoạn v.v... và v.v…

Tôi nghĩ xã hội cũng như Giáo Hội Việt Nam là những thực thể rất lớn, rất đa diện. Chuyện hay cũng nhiều mà chuyện dở cũng nhiều. Thay vì biện luận những vấn đề nguyên tắc và tư tưởng, tôi viết “Giọt nắng giọt mưa” để phản ánh cuộc sống đức tin cụ thể từ cơ sở. Tôi nghĩ dù hay dù dở, Hội Thánh vẫn được kết thành bởi từng người tín hữu, chính cái tập thể những con người có đức tin và tìm cách sống đức tin của mình sẽ tạo ra lộ trình của Hội Thánh trong từng giai đoạn lịch sử. Không nhất thiết cao siêu thánh thiện, đức tin có nhiều khi hòa lẫn trong muôn ngàn tình huống của cuộc đời. Muốn nhìn ra chân tướng của Hội Thánh thì ta hãy tìm, hãy chắt lọc tinh chất đức tin khi ẩn, khi hiện giữa đời thường. Ngay cả khi có những biến cố to lớn như vụ khủng bố 11/9, hay khi Đức Gioan Phaolô II qua đời và Đức Bênêđictô thứ XVI lên kế vị, tôi vẫn tìm cách nối những chấn động ấy với nhịp đập đức tin của những con người bình thường.

Có lần cha Đỗ Xuân Quế hỏi tôi: “Tìm ở đâu những câu chuyện ghi lại trong “Giọt nắng giọt mưa” như thế ? “Tôi thưa ngài rằng: “Tôi cứ lang thang đi chơi để khi gặp cái gì hay thì chộp lấy đưa lên Ephata tức thì”. Cha Quế bảo: “Vậy đi chơi cũng có lợi lắm”. Vâng, sống có lúc như chơi mà hóa thật, có những lúc rất thật mà sao cứ giống như cuộc chơi. Nói vậy chứ sự sống dồn dập, rất nhiều lần những chuyện hay giống như một loài cá rất lanh lẹ, tinh ranh, chưa kịp chộp bắt lên Ephata thì nó đã vọt biến mất rồi, một đi không trở lại.

Loạt bài thứ hai tôi viết cho Ephata lại hướng về đỉnh cao Giáo Hội: “Có một người Thiên Chúa sai đến, tên là Gioan” viết về Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan XXIII, người có sáng kiến triệu tập Công Đồng Vatican II. Các bạn trẻ ngày nay khó cảm nhận được cái cảm giác háo hức thích thú của thế hệ chúng tôi vào thời kỳ đã được gọi là “Mùa xuân Giáo Hội”. Tôi còn học trung học năm 1958, thì Đức Gioan XXIII xuất hiện như một vị Giáo Hoàng bất ngờ. Ở vào tuổi 77, ngài như một làn gió mát rất tươi trẻ, hồn nhiên trong Giáo Hội. Chỉ ba tháng sau ngày lên ngôi, ngài đưa Giáo Hội vào một khúc quanh đầy hứa hẹn với công bố triệu tập Công Đồng.

Sau mấy năm chuẩn bị, lúc Công Đồng khai mạc năm 1962, tôi đã vào Tập Viện DCCT ở Nha Trang. Các đấng bề trên và anh em trong Dòng rất quan tâm theo dõi mọi diễn biến ở Công Đồng. Hồi đó chưa làm gì có những phương tiện thông tin tức thời như Internet hay Twitter bây giờ. Nhưng Nhà Dòng đặt mua những bản tin của Thông Tấn Xã Công Giáo “Kipa” từ Thụy Sĩ gửi về, tuần nào cũng hai ba đợt tin tức. Các bản tin được đọc to trong bữa ăn hằng ngày. Các cha giáo, các bậc huynh trưởng giải thích cho giới trẻ chúng tôi những gì hàm ngụ từ trong bài diễn văn khai mạc của Đức Thánh Cha đến những phát biểu nổi bật của các nghị phụ. Chúng tôi được theo dõi những bản tin và những lời bình suốt thời gian Công Đồng họp.

Đức Gioan XXIII như một ánh sao băng vút qua bầu trời Giáo Hội, càng về sau càng sáng. Chỉ chừng nửa năm sau khi khai mạc Công Đồng, ngài qua đời. Những ngày ngài hấp hối rồi cái chết của ngài tạo nên chấn động trong dư luận xã hội, vượt rất xa ra ngoài ranh giới của Giáo Hội Công Giáo. Người ta ví ngài như ông Môsê đưa dân tới cửa ngõ của miền Đất Hứa thì hoàn thành sứ mạng. Nhưng ngài đã tạo ra khúc quanh quyết định tương lai.

Tôi còn nhớ hôm biết tin Đức Hồng Y Montini lên ngôi danh hiệu Phaolô VI. Chúng tôi vẫn đang ở Tập Viện. Buổi tối anh em chầu Mình Thánh Chúa. Bên Tu Viện cách Nhà Nguyện chúng tôi một mảnh vườn nhỏ, các cha đang nghe đài BBC loan tin từ Vatican. Tiếng hoan hô báo Tin Mừng của các cha trẻ vọng sang Nhà Nguyện làm nổ tung bầu khí thầm lặng. Chúng tôi cất lên bài Thánh Ca truyền thống cầu cho Đức Giáo Hoàng mỗi khi chầu Thánh Thể. Nhưng đây là lần đầu tiên cầu cho ngài với danh hiệu Phaolô.

Đã mấy trăm năm rồi mới lại thấy danh hiệu này trên ngai Thánh Phêrô. Hồi ấy còn hát bằng tiếng La Tinh: “Oremus pro Pontifice nostro Paulo”. Về sau anh em bảo nhau: “Chúng mình là những người đầu tiên ở Việt Nam cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng Phaolô”. Xét ra cũng là một kiểu hãnh diện hão. Nhưng những lời bình chung quanh danh hiệu của Tân Giáo Hoàng mới thật ý nghĩa: Đức Phaolô V ( 1605 – 1621 ) là người đã áp dụng các quyết định của Công Đồng Trento để chấn chỉnh Giáo Hội. Người ta cho rằng danh hiệu Phaolô VI chẳng những gợi lên tâm hồn rực lửa của Đức Montini mà còn biểu lộ chủ ý của ngài là hoàn thành và thể hiện tinh thần Vatican II. Không phải ngẫu nhiên mà sau khi ngài về với Chúa, lần đầu tiên trong lịch sử Giáo Hội có những vị Giáo Hoàng mang danh hiệu kép, Đức Gioan Phaolô I và Đức Chân Phước Gioan Phaolô II. Đấy là tinh thần của một thời đại.

Vào những ngày xa xưa đó, tôi chưa nghĩ rằng 40 năm sau, 2003 tôi sẽ được quỳ trước di hài Đức Gioan XXIII. Năm thánh 2000 Đức Gioan Phaolô II đã tôn phong ngài lên hàng Chân Phúc. Di hài ngài vẫn còn nguyện vẹn được đặt trong đền thờ cho bá tánh chiêm ngưỡng. Trong ngôi đền mênh mông huy hoàng nghệ thuật ấy, có rất nhiều du khách, tôi thấy có hai chỗ người ta đắm chìm trong cầu nguyện: trong Nhà Nguyện Thánh Thể và trước di hài Đức Gioan XXIII. Vì thế tôi muốn chia sẻ với những người đi sau một chút gì về bầu khí tâm linh ngài đã gây dựng.

Hai loạt bài “Giọt nắng giọt mưa” và “Có một người Thiên Chúa sai đến…” đã bắt đầu quy tụ được một số bạn đọc thì lại phải gián đoạn. Năm 2008, tôi phải nhận công tác mới ở Thái Hà. Khi lên đường cũng hứa với Ephata là sẽ từ Hà Nội gửi bài về. Nhưng chuyện Thái Hà thì mọi người đã biết. Có lẽ đó là biển lửa hay bão táp gì đó chứ không phải “Giọt nắng giọt mưa”.

Về sau loạt bài về Đức Gioan XXIII được cha Uy đưa lên trang mạng “Hướng về Đại Hội Dân Chúa” ( nay đã đổi tên là “Hành Trình Dân Chúa” ), thỉnh thoảng vẫn có người hỏi sao không thấy viết tiếp. Biết vậy mà tôi cứ luôn vướng bận, ít khi được thong thả để nói về Đức Gioan XXIII như mong ước.

Dù sao thời gian ở Thái Hà tôi cũng nghiệm được nhiều điều. Đó là tấm lòng Dân Chúa ở miền Bắc, dù hoàn cảnh bên ngoài có che lấp, hay chính vì hoàn cảnh bên ngoài che lấp, mà vẫn âm ỉ như than hồng sẵn sàng bốc cháy. Tôi cho rằng có những tâm hồn như vậy mà để cho nguội lạnh đi trong sự buồn phiền thất vọng thì đó là phạm tội đối với Chúa và Hội Thánh.

Mặt khác, Thái Hà không phải là một hiện tượng đơn lẻ, chẳng qua Thái Hà có tổ chức và thông tin nên được nhiều người biết đến. Nhưng những chuyện người dân ấm ức, bức xúc, từ hàng ngàn vụ dân oan đến vụ Đoàn Văn Vươn hiện nay, cho phép ta đặt chuyện Thái Hà trong một bối cảnh lịch sử rộng lớn hơn. Đó là bước đường của dân tộc, qua những khát vọng, qua chiến tranh, qua hòa bình, qua những lối vào lối ra của ý thức hệ, qua những mô hình xã hội, những cạm bẫy thế gian, vẫn hằng trăn trở về một “cõi người ta”.

Chính ở trong môi trường ấy ta mới có cơ hội suy nghĩ nhiều về nhiệm vụ mà Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đề ra là “Sống đức tin giữa lòng dân tộc”. Và cảm thấy rằng cộng đồng tín hữu chúng ta, dù nhiều khi chỉ là những “bình sành lọ đất”, nhưng luôn chứa đựng bên trong một “kho tàng vô giá” ( 2Cr 4, 7 ). Lạ hơn nữa, “bình sành lọ đất” có thể rạn vỡ, sứt mẻ “nhưng kho tàng vô giá” thì bất diệt. Cho nên ta có thể chờ đợi, hy vọng ở những đóng góp nhiều khi âm thầm đến mức vô hình, nhưng vẫn là men muối cho đời. Tới đây, gặp lại những “giọt nắng, giọt mưa”.

Tôi dám nói mạnh hơn nữa: ta phải nhìn lại những gì đa dạng mà Dân Chúa đang trải nghiệm ở Việt Nam trong bước đường chung của Hội Thánh toàn cầu, ( “Hội Thánh hằng có ở khắp thế này”, như chúng ta vẫn đọc trong kinh Tin Kính mệnh danh là của các Tông Đồ ). Hành trình vừa rực rỡ vừa bi đát của nhân loại trong thời cận đại và hiện đại đi tìm chân lý cho chính mình, “vui mừng và hy vọng, âu sầu và lo lắng” (Công Đồng Vatican II), đều có phản ảnh và có phần đóng góp xương máu của các tín hữu Chúa Kitô.

Để nói và nghĩ cho vắn tắt, thiên hình vạn trạng của thế gian có thể cô đọng, có thể âm vang trong tâm tư của các đấng kế vị Thánh Phêrô hướng đạo Hội Thánh. Liệu tôi có được phép dựa vào những lời vẫn được đồn đoán là lời sấm của Thánh Malakia xưa kia để hồi tưởng về các vị Giáo Hoàng thời hiện đại: từ Đức Chân Phước Gioan XXIII, “Mục tử và hoa tiêu sóng nước”, đến Đức Phaolô VI, “Hoa của muôn hoa”, từ Đức Chân Phước Gioan Phaolô II, “Sự lao nhọc của vầng Thái Dương” đến Đức Bênêđictô XVI, “Vinh quang của ngành Ôliu”…

Sở dĩ tôi nhắc lại những danh hiệu ấy là vì vừa đây Đức Bênêđictô XVI tuyên bố mở năm Đức Tin bắt đầu từ tháng 10 tới đây ( 2012 ), để kỷ niệm 50 năm khai mạc Công Đồng Vatican II. Tôi chợt hồi tưởng những ngày tháng đã một nửa thế kỷ trước. Nhớ Công Đồng vừa “về nguồn”, vừa “cập nhật” ( aggiornamento, theo ngôn từ của Đức Gioan XXIII ). “Về nguồn” là tìm về cái gì trong trẻo nhất, ngọt mát nhất đã từng nuôi dưỡng tâm linh Hội Thánh; “Cập nhật” là cũng tìm lại chính cái nguồn ấy vẫn như một mạch nước ngầm tưới nhuận những thể hiện, những hoàn cảnh rất cụ thể của ngày hôm nay. Thấy hiện về gương mặt nhân hiền của Đức Chân Phước Gioan XIII trong thời ấy, thấy tâm hồn hòa bình của ngài tỏa sáng trong những lúc thế giới u ám tưởng như ở bên bờ vực chiến tranh nguyên tử, vì cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba, sống lại những ngày phần lớn các quốc gia không phân biệt ranh giới và mâu thuẫn đón nhận bức thông điệp “Hòa bình thế giới…” ( Pacem in Terris… )

Có lẽ đã đến lúc trở lại với mùa xuân ấy…

Lm. VŨ KHỞI PHỤNG, CSsR

3.2012

 

 

“Em ơi nếu mộng không thành thì sao?”

Non cao đất rộng biết đâu mà tìm.”

(Lam Phương – Duyên Kiếp)

(Ga 15: 1-8)

Nếu trên đây, là câu hỏi của ai đó gửi đấng bậc một thời năng nổ, ở giáo phận Parramatta, Sydney, thì câu trả lời trước tiên là từ báo đài địa phương rất dễ tìm, như sau:

 

“Các chức sắc thuộc Giáo hội Công giáo vừa cất bỏ chức vụ linh mục của vị đương kim chánh xứ họ đạo Glenmore Park, Sydney sau khi ông tiết lộ với đài truyền hình số 7 của Úc là: ông đã lấy vợ trong âm thầm.

Lm Kevin Lee người từng là đấng bậc trụ trì giáo xứ Padre Pio cho biết: có khá nhiều linh mục đã và đang, cùng một lúc, sống những hai cuộc đời, thấy rất rõ. Và, ông biện luận: việc bó buộc linh mục Công giáo sống đời độc thân rồi ra cũng phải chấm dứt thôi.

Lm Kevin Lee nói: ông tin rằng Giáo hội Công giáo đã chọn thái độ làm ngơ trước sự kiện ông lập gia đình, bởi rõ ràng là ông chẳng giấu diếm gì về chuyện ông có quan hệ tình dục với một phụ nữ tên là Jsephina, mà ông có dịp gặp ở Phi-líp-pin vào dạo trước.

Báo chí tường thuật cho biết đấng bậc chủ quản Giáo phận Parramatta là Gm Anthony Fisher, OP đã chối bỏ nguồn tin cho rằng Lm K. Lee biết rõ nhiều linh mục đã và đang cùng một lúc có hai cuộc sống và Giáo hội Công giáo cũng biết rõ chuyện linh mục này đã có vợ.

Gm Anthony Fisher nói: “Như cha Kevin từng biết đến, vì ông đã có hành xử trái với luật đạo, nên ông không thể tiếp tục thi hành chức vụ linh mục được nữa; vì thế nên, tôi buộc lòng phải tìm một vị giám quản khác trông nom cho giáo xứ Padre Pio.”

Được biết, luật Giáo hội quyết rằng: các linh mục phải sống đời độc thân mãn đời mà không linh mục nào được phép lấy vợ.” (x. www.yahoo7News ngày 04.05.2012)

 

            Chuyện linh mục tằng tịu với phụ nữ hoặc công khai sống với ai đó, có lẽ là chuyện thường ở huyện, bên trời Tây, ở đây đó. Nhưng bảo rằng, hiện có khá nhiều linh mục ở Sydney hay ở Úc vẫn làm thế, có khác nào nhắc nhở Hội thánh Chúa ở đây rằng các ngài nên coi lại luật buộc linh mục phải ở độc thân, nữa rồi.

            Đó là việc đạo, của nhà Đạo. Thế còn, chuyện đời của người đời, thì sao? Trả lời cho vấn nạn này, thật không dễ. Cũng chẳng dễ, như câu ca mà nghệ sĩ nhà mình vẫn hát:

 

            Đường đời mịt mờ vạn nẻo về đâu,

Mong chờ duyên kiếp đưa lối bắc cầu.

Em ơi, nhắc lại phút xưa gặp nhau!
Trên đê vắng người lúc tan chợ chiều
Ngại ngùng mỗi lần anh đến tìm em
Má em ửng hồng vì quá thẹn thùng.”

(Lam Phương – bđd)

 

Bảo rằng, đa phần linh mục Công giáo hôm nay lại đã dám hành xử như cựu linh mục Kevin Lee ở Úc, e rằng khó mà có được thống kê chính xác, dù cứ 5 năm một lần, chính quyền Úc vẫn cứ đều đặn lập thống kê khá chính xác trên khắp nước. Tuy nhiên, kiếm tìm mà làm gì khi Giáo hội chẳng mấy bận tâm về những chuyện như thế. Những chuyện như thể bảo rằng giới truyền thông nay lại cứ thổi phồng câu chuyện, tường trình về tin tức…mình, rất như sau:

 

“Linh mục Kevin Lee nay đang sống ở Manila với ý trung nhân còn mới của mình và ông cho biết ông sống hạnh phúc, nhưng rất nhớ công việc mục vụ trước đây ông vẫn làm mỗi ngày. Được biết, lm Kevin Lee lần đầu gặp vợ là ở quán bán rượu mang tên “Shinjiu No Mori”, có nghĩa là “Khu Rừng Ngà Ngọc.” Tuần rồi, linh mục Lee có cho đài truyền hình số 7 của Úc biết là: ông đã cưới vợ cả năm nay rồi và chính ông từng dấy lên cuộc tranh luận về việc phải cho phép các linh mục được quyền lấy vợ. Đồng thời, ông cũng cho biết ông tin là giáo hội của ông thừa biết chuyện này nhưng chọn thái độ làm ngơ/phớt lờ như không biết, trong khi ông chẳng giấu diếm điều gì.” (x. mạng thông tin đã dẫn ngày 07.05.2012)

 Nghe báo đài kể chuyện riêng tư của cựu linh mục mang tên Kevin Lee, có khác gì khi nghe thêm đoạn nhạc của Lam Phương có ca từ và tiết điệu như:

 

“Em ơi nhớ chăng thuở ấy
Mỗi khi bóng chiều xuống dần,
Em về trên quãng đường xa
Gặp nhau dù không dám cười
Nhìn nhau, nhìn nhau mà lòng vẫn vui.”

            (Lam Phương – bđd)

 

“Nhìn nhau (mà) lòng vẫn vui” ư? Điều ấy, chắc chỉ có cựu linh mục ở trong cuộc là còn biết và nhớ chuyện ấy. Chứ, hỏi thành viên Hội thánh rất Công giáo ở Sydney hay toàn nước Úc về chuyện này, đã lấy gì làm chắc. Chưa chắc, là bởi: mới đây vị giám mục chủ quản giáo phận Parramatta, miền Tây Sydney là Gm Anthony Fisher OP, cũng đã về giáo xứ Glenmore Park, để thổ lộ tâm tình người mục tử rất chân chính và chân tình bằng bài chia sẻ như sau:

 

“Thưa anh chị em,

Tôi không biết phải nói thế nào với anh chị em về chuyện xảy ra với giáo phận trong tuần vừa qua. Một tuần không vui cho cả anh chị em và cả tôi nữa. Có vài người trong anh chị em có lẽ cũng lo buồn và giận dữ đến thế nào thì anh chị em cũng nên biết rằng tôi đây cũng như thế. Với tư cách là giám mục chủ quản, thoạt nghe tin về lối hành xử của cha Kevin Lee, tôi thấy xót xa cho anh chị em; và vốn là người anh em trong Chúa Kitô, tâm can tôi cũng bị xé nát cách nào đó như anh chị em. Tôi quyết tiếp tục nguyện cầu để đầu óc sáng suốt hầu giúp mọi người qua cơn thử thách này.

            Nhiều vị gửi thư cho biết họ đã bị phản bội cách sao đó vì sự dối trá, giả hình cứ thế đổ lên đầu Hội thánh và hàng ngũ linh mục vì hành xử của một trong các linh mục của chúng ta đã vi phạm. Có vị lại nghĩ: lm Kevin Lee là người anh hùng dám chống lại chuyện bắt linh mục phải sống đời độc thân, anh hùng vì dám chống lại quyền bính và những ai lòng dạ hai mặt. Một số anh chị em khác lại đắn đo không biết có nên tin vào các lời báo cáo cũng như đồn đại không. Có vị lại nghĩ: lòng tin của mình đã bị tổn hại trong khi những người khác thấy chẳng mảy may hề hấn gì, hoặc có khi còn củng cố quyết tâm của mình ơn lên. 

            Dịp này, tôi muốn san sẻ với anh chị em đôi điều vì chưa có dịp nói chuyện nhiều với anh chị em. Tôi sẽ đề cập theo từng điểm, sau đây:

1. Tôi muốn nói, đây là dịp tốt để ta thấy rằng dù ta có nỗi đau và rẽ chia, nhưng anh chị em vẫn đến đây để cùng Hội thánh thông phần dự tiệc. Dù biết rằng mình vẫn có thể ném chiếc khăn bẩn vào mặt giáo hội hoặc bỏ đi nơi khác, nhưng anh chị em vẫn có mặt ở đây, để cùng nhau đến với Chúa. Đó là điểm son chứng tỏ sự trung thành và lòng độ lượng của chúng ta. Hôm nay, ta được nghe Tin Mừng thánh Gioan 15: 1-8 nhắc nhở rằng: nếu cắt bỏ đi bất cứ cành nào ra khỏi vườn nho Đức Kitô, thì ta sẽ trở thành cây khô không trái.

2. Trong lúc ta bị xôn xao vì chuyện cha Kevin Lee rời bỏ cộng đoàn, ta vẫn trân trọng công việc ngài làm trong thời gian ngài là cha chánh của xứ đạo này. Giả như có anh chị em nào nghi ngờ điều gì về tính hiệu lực các mầu nhiệm ngài thi hành, cũng xin biết cho rằng: Đức Kitô và Hội thánh dù có những người con lỗi phạm này khác, nhưng hiệu năng của các phép bí tích không tuỳ thuộc vào tính khả thi của linh mục.

3.  Nay là dịp để ta suy nghĩ về lý lẽ và cớ sự dẫn đến thành công cũng như thất bại của đời độc thân linh mục hoặc về tiểu sử của linh mục nào đó cách riêng. Nói cho cùng, thì cách nào đó có thể nói được là chúng ta vẫn có những yếu điểm. Nhưng cho tôi nói thêm đôi điều về bản chất của những khám phá nói chung, phát hiện dạo gần đây.

Theo thống kê trên toàn quốc, thì hầu như dưới phân nửa số người Úc ở độ tuổi lập gia đình còn quyết tâm lập gia đình; hiện có dấu hiệu đáng kể cho thấy số người ở độc thân nay đang gia tăng. Đó là điều thách thức chúng ta, nhưng Hội thánh lâu nay dạy rằng đời sống hôn nhân hoặc độc thân sống một mình vẫn giúp ta nên thánh được hết, miễn ta sống sao cho tốt.

Kinh nghiệm của riêng tôi và của Hội thánh vẫn cho thấy là ta có thể sống đời độc thân một cách có hiệu quả và sinh hoa kết trái vẫn cho phép người tận hiến đời mình cho việc phục vụ Đức Kitô và Hội thánh của Ngài. Thêm vào đó, Hội thánh của ta công nhận rằng cả hai bí tích hôn phối và linh mục vẫn bổ túc cho nhau. Mỗi bí tích đều hoàn tất chức năng của mình đến suốt đời. Đời sống hôn nhân cũng như đời độc thân sống một mình không là chuyện dễ dàng và càng ngày càng có nhiều sức ép đáng sợ đổ dồn về đó. Điều khá ngộ, là: những người sống ở hai bên hàng rào đều cứ nghĩ cỏ vườn hàng xóm bao giờ cũng xanh cũng mướt hơn cỏ vườn nhà mình.             

Ngày nay, ai cũng biết: khủng hoảng về đời sống hôn nhân vẫn lớn hơn đời độc thân, ở một mình. Nhiều người đã đầu hàng cùng thất bại như nhau. Có người chủ trương chung sống trước đã, sau đó nếu cần thì làm đám cưới ngoài nhà thờ, và họ cũng chỉ muốn có ít con hoặc chẳng muốn đứa con nào hết, cuối cùng đi đến ly dị. Nếu so sánh, ai cũng thấy rằng ngày nay số người chia tay ly dị vẫn nhiều hơn tình trạng giảm sút ơn kêu gọi.

Kể chuyện này, tôi cũng chẳng muốn đổ lỗi cho ai hết. Bởi ai cũng biết và cũng thương cho những người đã cố gắng tránh đổ vỡ nhưng không thành. Một phần của vấn đề là xã hội ta đang sống: hiện nay ta ít được sự hỗ trợ của bất cứ ai. Nhưng thật là đơn sơ chất phác nếu có người nghĩ rằng đời sống hôn nhân sẽ giải quyết sự suy giảm ơn ơn linh mục hoặc sức ép lên hàng giáo sĩ. Nhiều chỉ dẫn cũng cho thấy hàng giáo sĩ lập gia đình cũng đang chịu mức giảm sút cộng thêm đó, là khó khăn về chung thuỷ và bền bỉ trong chung sống và trong hàng giáo sĩ có vợ nay cũng có vấn đề đổ vỡ gia đình.         

4. Về chuyện lạm dụng tình dục. Sự việc giáo sĩ có vấn đề về ấu dâm là chuyện khủng khiếp cần loại bỏ cho tương lai trong khi ta vẫn cứ dính líu với quá khứ và vẫn cố gắng giúp đỡ nạn nhân của sự việc. Thế nhưng, cho phép hàng giáo sĩ được lấy vợ không là giải pháp chữa trị được chuyện này và cũng không là giải đáp cho khủng hoảng ơn gọi mà ta gặp. Nhiều nghiên cứu/khảo sát cho thấykẻ xâm phạm ấu dâm đều có đời sống ở bất cứ đâu, có gia đình hoặc độc thân, giáo sĩ hoặc giáo dân cũng có vấn đề này.

5.Thiên Chúa chuyện trò với ta khi ta có nhu cầu hiện tại ngang qua Lời Ngài và bí tích. Thư thứ nhất thánh Gioan tông đồ đoạn 3 câu 18-24 có nói rõ: lòng tin và lòng mến không nên diễn tả bằng lời nói, nhưng bằng việc làm thực sự. Cũng thế, lòng tin và lòng mến vượt quá tình cảm, nên ta diễn tả tấm lòng của ta qua việc tuân giữ lệnh truyền của Chúa. Đôi lúc việc này mang đến niềm vui đích thực, đó là điều mà bài đọc 1 hôm nay gọi là “sự an ủi của Chúa Thánh Thần” (Cv 9: 26-313). Có lúc, lại đem đến cho ta những đổi thay đau đớn, điều mà Phúc Âm hôm nay gọi là “sự tỉa bỏ” (Ga 156: 1-8)Tuy nhiên, ta sẽ không sinh hoa kết trái được nếu tự mình dứt bỏ ra khỏi “Vườn Nho Đích Thực” của Đức Kitô và Hội thánh.

6. Về chuyện linh mục Kevin Lee, không có chuyện gọi là dứt bỏ hoặc trừng phạt nào hết, từ phía giáo phận Parramatta. Ngài không bị vạ tuyệt thông, cũng không bị tống cổ khỏi giáo phận. Nhưng ngài từ chối không liên lạc điện thoại với tôi và với văn phòng địa phận, cũng chẳng thông đạt với Giáo hội mà chỉ liên lạc với báo/đài. Bởi thế nên, tôi cũng bị sốc như anh chị em và biết rất ít về chuyện của ngài cho đến khi chuyện này xảy ra. Như anh chị em, tôi lo lắng cho phúc lợi của ngài và nay thì cả người phối ngẫu và tất cả những ai bị ảnh hưởng do các hành xử của ngài trong những ngày qua. Chúng ta đều biết rõ, là: theo luật Hội thánh và truyền thống giáo hội Công giáo thì không thể để Kevin Lee ở lại làm chánh xứ được nữa vì anh đã lập gia đình. Và chính anh đã rời bỏ thừa tác vụ và giáo xứ như anh muốn.

7. Cuối cùng, tôi muốn nói với anh chị em rằng số rất đông các linh mục và tu sĩ trong giáo phận của chúng ta vẫn cho đi rất độ lượng và phục vụ rất tốt. Tất cả đều là những người anh em trước sau như một, không có cái-gọi-là hai cuộc sống rất chống chõi. Thế nên, chúng ta vẫn phải tin tưởng vào hàng giáo sĩ và mọi người ở Miền Tây Sydney.

Xin cảm ơn Đức Ông Bob McGuckin là Tổng Đại diện giáo phận đã nhận lời làm giám quản giáo xứ vào lúc này. Cảm ơn cha phó địa phận Chris de Sousa đã kịp đến với giáo xứ ngay khi có tin về chuyện vừa qua. Và cha cũng đã hỗ trợ chúng ta rất mực. Sau thánh lễ, tôi cũng vui lòng tiếp chuyện và trả lời tất cả những câu hỏi của anh chị em. Và, nếu anh chị em có những vấn nạn gì cần được giải đáp, xin cứ cho biết tôi sẽ cố gắng để giúp anh chị em có thông tin chính xác. Mới đây, có nhiều anh chị đã đến nói với tôi rằng các vị ấy vẫn đang cầu nguyện cho anh chị em hết thảy. Tôi cũng xin mọi người trong cộng đoàn này hãy hợp cùng các giáo xứ khác vào thánh lễ hôm nay thêm lời nguyện cầu cho tất cả mọi người để rồi Lời Chúa nói trong Phúc Âm hôm nay : chúng ta có thể sinh hoa kết trái đạt niềm vui trong cuộc sống miên trường.” (x. www.Parramattadiocese.net Homelie 6/5/2012 của Gm Anthony Fisher OP oại giáo xứ Padre Pio ở Glenmore Park, Sydney)

 

Bài chia sẻ của đấng bậc chủ quản giáo phận, phải như thế. Không thể khác hơn. Như thế, còn là những lời khẳng định rất chính qui, mạch lời, không sai sót. Vấn đề, chỉ là phản ứng của người nghe cũng như người quan sát sự việc xảy ra với thế giới của người Công giáo ở Úc, hoặc giáo hội địa phương rất Sydney. 

Nói chung thì, đã sống trong đời, dù đạo đức hay không đạo lý, vẫn luôn phấn đấu để sống cho ra sống. Sống cho ra con người với “tính bổn thiện”. Và, một khi đã phấn đấu thì bao giờ cũng có người thành công hoặc thất bại. Điều đó, tuỳ tầm nhìn của mỗi vị và tùy vị thế của người đang đứng đó nhìn sự việc. Chính vì vị thế và tầm nhìn ấy, có người gọi chuyện của cựu đấng bậc Kevin Lee là xì-căng-đan/tai tiếng, có người lại cho là hồi chuông báo động để Hội thánh Chúa phải thay đổi luật và lệ, vv..

Về chuyện phấn đấu, có người phấn đấu thoát khỏi rượu chè, cờ bạc, trai gái có người lại phấn đấu bỏ đi cơn giận dữ… Điều thấy rất rõ, là: xì-căng-đan/tai tiếng chẳng bao giờ xâm nhập vào được cuộc phấn đấu của bất cứ ai, cả khi người đó ngã gục. Chỉ là tai tiếng với xì-căng-đan khi ta tô thắm khuyết điểm của mình rồi gọi đó là nhân đức, hoặc khi ta cố gắng biện minh cho xét đoán lầm lạc của chính mình rồi thương-mại-hoá cho người khác để họ cũng như ta công nhận đó là sự thật, phải tin tưởng.

Sự việc của cựu đấng bậc Kevin Lee chỉ là một trong nhiều trường hợp vẫn xảy đến ở khắp nơi, vào mọi thời. Nơi và thời, mà hội thánh đây đó vẫn gặp chuyện muôn thuở. Dù có thế, cũng nên nói như nghệ sĩ Nguyễn Đức Quang từng viết thành nhạc bản, bảo rằng: “Không phải là lúc ta ngồi mà đặt vấn đề nữa rồi, hãy dùng bàn tay mà làm cho tươi mới…” Nay cũng thế, không phải là lúc để ta xa rời Hội thánh vì khác chính kiến, mà là thời điểm Hội thành vẫn cần bạn, cần tôi ta ở lại mà “làm cho tươi mới”. Hội thánh vẫn cần người làm mới nhiều thứ trong tình yêu, danh dự và tích cực. 

Dựng xây trong tình thương yêu, là Lời của Đấng Thánh Hiền được trích dẫn, vẫn cứ bảo:

 

“Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy.

Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy,

anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy,

như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy

và ở lại trong tình thương của Người.

Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em

để anh em được hưởng niềm vui của Thầy,

và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn.”

(Ga 15: 9-11)

 

            Lời khuyên của Thày Chí Thánh rõ ràng là thế, mà sao vẫn có người còn nghi ngờ. Ngờ và nghi, đến độ có người vị còn đi hỏi “bậc thày” ở nơi khác. Khác chốn miền. Khác cung cách hành Đạo, nhưng cũng cùng một tâm tưởng hành đạo làm nguời, rất như sau:   

 

            “-Thưa Thầy, tôi không phải là người theo đạo Phật.

            Xin Thầy chỉ dẫn cho phương pháp tu tập.

-Quí vị muốn phương pháp tu tập với mục đích gì và tại sao lại chọn chúng tôi để đặt câu hỏi?

-Tôi thấy cuộc đời này sao khổ quá. Như tôi đây cũng có trình độ học thức, có công ăn việc làm tốt, gia cảnh đầm ấm, nhưng vẫn thấy khổ tâm nhiều chuyện, nhiều lúc cảm thấy bất an đến độ ăn không ngon ngủ không yên, nhiều điều lo lắng, bực mình lắm!

Tôi muốn được an tâm nên đì tìm phương pháp tu tập để thoát khổ. Tôi chọn qúi Thầy để đặt câu hỏi, bởi tôi thường nhận các emails từ bạn bè ở Canada chuyển tới, với các bài viết tuy mang hình thức Phật giáo, nhưng nội dung hay quá, các bạn của tôi thấy có ích lợi nên chuyển cho tôi, mặc dù tôi không phải theo đạo Phật.

-Trên đời này, người nào không có tâm cố chấp, không có tâm phân biệt, không mang nặng hình thức thế gian thì người đó sống đời an lạc với hạnh phúc xuất thế gian.

- Kính xin Thầy giảng rõ hơn.

- Người đời thường mang hai cái bị. Một cái trước ngực chứa đầy lỗi lầm của người khác. Một cái sau lưng chứa đầy lỗi lầm của chính bản thân. Do đó, người đời thường bực bội, bất an trước các lỗi lầm quá dễ thấy của người khác. Trái lại, với các lỗi lầm của chính bản thân, người đời thường che giấu, không muốn ai thấy, chính mình cũng không thừa nhận, không nhận ra, cho nên khó khá được, cho nên khổ dài dài. Muốn hết khổ, muốn bớt khổ, người đời - dù theo tôn giáo nào - nên đổi vị trí của hai cái bị nói trên.

Khi nhận thấy chính bản thân cũng có quá nhiều khuyết điểm, nhược điểm, người đời chắc chắn không còn dám cất cao giọng chỉ trích nhục mạ người khác, cũng như không còn chỉ trích tôn giáo, tín ngưỡng của người khác đang theo.

-Kính cảm tạ lời chỉ giáo của Thầy. Thực hay quá. Nhưng riêng tôi, tôi không muốn đổi vị trí của hai cái bị đó thì sao, thưa Thầy?

-À, quí vị không muốn đổi vị trí của hai cái bị, thì quí vị đổi nội dung của chúng cũng được mà.

-Tôi chưa hiểu rõ ý của Thầy ?

-Nếu quí vị vẫn giữ vị trí của hai cái bị: Cái bị trước ngực qúi vị chứa đựng toàn là ưu điểm của người khác. Cái bị sau lưng quí vị chứa đựng toàn là ưu điểm của bản thân.

-Tôi vẫn chưa tỏ tường?

-À, khi đó quí vị sẽ thấy ưu điểm của người khác quá nhiều, lắm khi vượt trội hơn mình, mình thực ra chẳng bằng nhiều người lắm. Từ đó, mình bớt đi tánh phê phán, phỉ báng người khác, hãy thu mình lại, quan sát chính bản thân, quan sát chính bản tâm, mình sẽ được bình an ngay.

-Thực là quí hoá, tôi hiểu rồi. Kính chúc Thầy tâm luôn bình an.  Kính cảm tạ.”

 

            Theo thiển ý, cuộc đời con người không chỉ có mỗi hai cái bị mà thôi, nhưng rất nhiều. Mang được bao nhiêu bị, cái đó còn tuỳ. Tùy tâm tư và tâm tính của mỗi người, mà lựa chọn. Và một khi đã chọn lựa bất cứ thứ gì cho đời mình rồi, tưởng cũng nên quyết tâm theo nó cho đến cùng. Và chọn lựa nào cũng đều vô giá hết; nên sẽ không là chuyện lạ, khi thấy người khác không hành xử như mình.

            Vậy nên, để mọi chuyện được thư giãn/dễ chịu, tưởng cũng nên nghe thêm ca từ cuối có câu hát rất nhè nhẹ, như sau:

 

“Em ơi phải chăng phút giây ngày ấy
Đôi tim ước mộng bấy lâu thành lời
Dù rằng đường đời ngăn cách tình ta
Phút giây ban đầu mãi không phai nhòa.”

(Lam Phương – bđd)

 

Hát nhè nhẹ như thế rồi, giờ đây mời bạn và mời tôi, ta cứ chọn lựa để rồi sẽ quyết tâm mà sống. Sống có tình có lý. Có anh có chị và có em trong cộng đoàn Hội thánh, rất Nước Trời.

               Xem thêm »

Trần Ngọc Mười Hai

            Cũng đã chọn và lựa từ lâu

mọi sự, cho đời mình.

để được vui.

Suốt cuộc đời.

 

Ý kiến phản hồi sau khi đọc bài:

 

Ý kiến của cựu đệ tử Nguyễn Công Thành (dưới lớp Les Gabriels một lớp):

Kính Anh Tá Trần

Em mới đọc bài anh dịch chia sẻ của duc giám muc địa phận Parramatta về chuyện cha Kevin Lee.....rất cám ơn anh ,vì thời gian qua bọn em rất hoang mang, tuy rằng đức tin vẫn vững chắc .....như Gia đình em vẫn ví von: tin vào Chúa như mấy ông bà cụ ta ngày xưa là chắc nhất, không lý lẽ, chỉ cần biết điều mình tin là đúng 100%...

Trở lại chuyện hoang mang là vì: lm Kevin Lee rất thân & quen thuộc với gia đình em.... biết nhau từ lúc kevin còn tập sự..... nói chung thì Kevin rất được (tuy bây giờ như vậy là "tiêu" rồi)!

Cảm ơn anh vì nay em hiểu được rõ ràng lời lẽ của Đức giám mục trong câu chuyện minh biết rất rõ nhân vật...

Cảm ơn Anh rất nhiều, nếu khong thì em chẳng có cách nào hiểu rõ lời Đức giám mục......

Kính thư,

Nguyễn Công Thành

 

Thư phúc đáp của anh Nguyễn Minh Tâm (lớp Bosco Hùng)

Anh Tá thân,

Tôi đã đọc bài về lm Lee đầu tiên sáng nay.

Tôi rất tâm đắc với ý nghĩa của việc phê phán: "Hãy nhìn thấy khuyết điểm của chính mình và không cần thấy khuyết điểm của người khác." Tuy nhiên, đây cũng là một cú sốc rất lớn trong giáo hội, và cũng là một tiếng chuông cảnh tỉnh cho từng cá nhân quí linh mục cũng như giáo quyền.

Thân kính,

Tâm

 

Ý kiến của Lm Mai Văn Thịnh:

Anh Mai Tá ơi,

Cảm ơn anh đã có bài phiếm 'Em ơi nếu mộng không thành thì sao'

Nhờ bài phiếm này mà bần đệ ráo riết viết cho xong bài 'Có cần nói những điều không cần nói?'

Vẫn theo hợp đồng đã định.

Xin anh chi đọc qua bài viết của bần đệ cho biết ý kiến rồi tự do mà tuỳ nghi làm gì thì làm.

Một lần nữa cầu chúc bà ngoại cháu Anthony và Paul, và chị Mai ngày “Hiền Mẫu” vui bên con đàn cháu đống.

Thân ái

Joe Mai Văn Thịnh, CSsR

 

Điện thư ngắn của Nguyễn Duy Lâm (lớp Les Gabriels) ở Úc:

 

Anh Ta oi,

Bài viết tuần này của anh rất hấp dẫn vì rất gần gũi.

Bài giảng của GM Anthony Fisher anh dịch hay quá.

Em có được nhiều dịp gặp gỡ Cha Kevin Lee vì hồi xưa ông làm phó xứ ở Baulkham Hills trước khi về Glenmore Park.  Ông nầy nói tiếng Việt giỏi lắm.

-eLam

 

CHÚA ƠI, XIN XÓT THƯƠNG!

Lm Joe Mai Văn Thịnh, CSsR

 

Trong vòng vài năm gần đây, tại Sài gòn đã xẩy ra nhiều hiện tượng lạ. Có một ông cha dòng kia bị bại liệt vì tai nạn giao thông. Vì không còn hoạt động được như xưa; nên ngài đã dùng đời sống cầu nguyện như là một cách thức mục vụ. Theo như người ta kể lại thì viêc cầu nguyện của ngài rất có hiệu quả; đặc biệt cho các gia đình bị hiếm muộn.

 

Cứ một người được ơn (thật hay giả vẫn tùy thuộc vào lòng tin của người xin và sự giám định của Giáo quyền) thì 10 người bàn và cứ vậy tin được loan truyền khắp nơi. Cuối cùng, dù cha bề trên nhà dòng đã lên tiếng thanh minh; nhưng vẫn không ngăn chận được làn sóng của những gia đình hiếm muộn tuốn đến xin ơn. Tôi cũng chẳng biệt thật hư ra sao? Chỉ nghe kể lại rằng: Ơn xin thì được. Bụng mang dạ chửa cũng như ai! Nhưng khổ nỗi, bầu vẫn tròn và ống cứ dài, dài đến độ quá 9 tháng 10 ngày mà vẫn chưa nở nhụy khai hoa.

 

Bạn tôi là một trong số những người cũng đi nhờ ông cha cố nào đó xin ơn giúp. Sau đó, bụng chị cũng lớn như người mang bầu. Thấy vậy, chị hớn hở vui mừng ra mặt. Thoạt đầu anh cũng vui như chị. Nhưng sau này mỗi khi có dịp gặp anh chị, tôi nhận ra rằng hình như phía sau của niềm hy vọng còn có những uẩn khúc chưa được giải tỏa. Mỗi khi đề cập đến chuyện bầu bì, giọng nói của anh xem ra chua chát nhiều hơn là vui mừng. Lân la là nghề của tôi. Và cũng từ đó tôi mới biết thêm vài chi tiết - nghe qua thì lạ nhưng càng nghĩ càng thấy quái dị – như sau:

·                     Chị không được phép đi siêu âm (ultra sound) để thẩm định về sự phát triển của thai nhi.

·                     Anh không được phép ‘gần gũi’ với chị trong thời gian mang thai.

 

Cuối cùng chờ đợi mãi cũng mòn mỏi; kết quả chẳng thấy mà nguy cơ hạnh phúc gia đình của anh chị có thể bị đổ vỡ.

 

Vài tháng sau, nghĩa là khoảng 4,5 năm trước. Có một linh mục từ Mỹ sang để rao giảng về lòng thương xót của Chúa. Ông cố này, trẻ nên có sức mạnh và được nhiều ơn. Vài tiếng đồng hồ cho l bài giảng là chuyện bình thường. Sau phần giảng dậy là phần đặt tay chữa bịnh và xin ơn. Ngài đặt tay đến đâu là người ta té đến đó. Có người cho rằng Ngài dùng nhân điện để điều khiển. Người khác cho rằng ngài có thuật thôi miên. Lại có người suy nghĩ như sau: ngồi lâu thì mệt; đứng dậy trong tư thế giang tay rất dễ mất thăng bằng; vì thế dùng lực nhẹ mà đẩy thì phải té ngã thôi. Tôi chẳng biết tại sao họ té. Nhưng cứ thấy hiện tượng lạ là tôi hoài nghi. Khi xưa ai được Chúa chữa cho khỏi bịnh thì đều hân hoan tung tăng ca tụng Chúa; thế mà ngày nay bịnh thì không biết có được khỏi hay không; nhưng cứ thấy té với bổ ngửa thì lại cho là ơn của Chúa. Không lẽ Chúa của thế kỷ 21 lại có lối chữa bịnh khác chăng ????

 

Nghe biết về ngài nên vợ chồng ông bạn quí của tôi lại một lần nữa tìm đến ngài để xin giúp đỡ. Chị kể lại những diễn tiến mà chi đã trải qua. Vừa nghe xong, ngài tức thời lên tiếng than rằng, ‘trời ơi, chuyện này làm sao có thể xẩy ra được; chị bị lừa rồi.” Sau đó, Ngài đặt tay cầu nguyện và xin Chúa ban cho họ có con nối dõi tông đường. Cúi đầu để xin ơn, nhưng tâm trí của chị lại bị ám ảnh bởi câu nói của cha; rồi chị tự hỏi mình rằng: ai lừa ai đây???

 

Việc rao giảng và quảng bá về lòng thương xót Chúa thật quan trọng. Vì nếu không có lòng Chúa xót thương, con người sẽ được giải thoát sao!!! Nhưng lòng thương xót của Thiên Chúa hoàn toàn phát sinh từ Tình yêu vô bờ, vô bến của Ngài; chứ không lệ thuộc vào việc đền tạ hay đền tội của mình.

 

Tôi nhớ đến câu mà chúng ta thường nói là “tình yêu đáp trả tình yêu.” Lòng thương xót của Thiên Chúa cần được đáp trả bằng mối tình của mình với Thiên Chúa và qua việc làm cho tha nhân. Những việc đạo đức như hy sinh, cầu nguyện, đền tạ, v.v… để tán dương lòng thương xót của Thiên Chúa tuy cần thiết; nhưng đó vẫn chỉ là những tiếng thanh la phèng phèng, những nhạc cụ không hồn, nếu không phát sinh bởi lòng mến của chúng ta. Hơn nữa, nếu chúng ta đã nhận được lòng thương xót của Thiên Chúa mà lại đi khóa lòng và không xót thương anh em mình thì chúng ta chỉ là những kẻ nói dối.

 

Mỗi khi nhớ lại sự kiện của gia đình người bạn, nhất là lời phán đoán của vị lờ mờ kia. Tôi vẫn bị cám dỗ và đồng ý với lời nhận định: lại có thêm một ông chúa nữa rồi.

 

Cách đây khoảng 5 năm, tôi may mắn được nghe 1 linh mục tuy cao niên, nhưng vẫn còn sáng suốt đã chia sẻ nhân dịp kỷ niệm kim khánh của ngài như sau: “Trong suốt 50 năm qua, nếu không có sự nâng đỡ của Chúa, Đấng đã giúp tôi vượt qua bao nhiêu vấp ngã do bản tính yếu đuối trong thân phạn con người; còn có một điều khiến tôi rất khổ tâm và đau lòng, đó là lối sống tùy thuộc vào sự kỳ vọng của người khác. Họ muốn tôi sống như một siêu nhân, hay một ông thánh hoặc là chúa của họ.”

 

Lời chia sẻ này như có một âm hưởng khiến tôi nhớ lại một nhận định khác. Trên đời này làm gì có thần tượng; và đừng có ai trông mong mình trở thành thần tượng của người khác. Tượng thì dễ đúc và dễ được dựng lên. Nhưng thần thì hiếm, và có thể nói là không có.

 

Trong sách công vụ Tông Đồ có thuật lại một biến cố như sau: Tại Lystra, Phaolô chữa cho một người bị bại liệt bẩm sinh được khỏi bịnh và đi lại như người thường. Thấy việc ông Phaolô làm, đám đông hô lên bằng tiếng Lycaonia: "Thần linh mặc lốt người phàm đã xuống với chúng ta!" Rồi họ muốn tiến dâng của tế lễ cho các Ngài. Nhưng khi nghe tin đó, hai Tông Ðồ Banaba và Phaolô xé áo mình ra, xông vào đám đông mà kêu lên: "Hỡi các bạn, các bạn làm gì thế này? Chúng tôi đây cũng chỉ là người phàm, cùng thân phận với các bạn. Chúng tôi loan Tin Mừng cho các bạn, là hãy bỏ những cái hão huyền này đi, mà trở lại cùng Thiên Chúa hằng sống, Ðấng đã tạo thành trời đất với biển khơi cùng muôn loài trong đó. (14: 8-16)

 

Qua thái độ và phản ứng của hai Tông đồ, chúng ta học biết rằng một khi chúng ta từ khước sự hiện diện của Chúa trong những công việc mình làm, là lúc chúng ta mất đi sức mạnh và nguồn năng lực của Người. Vì thế, chỉ có trong Chúa chúng ta được hiện hữu và những hoạt động của chúng ta mới có hiệu quả mà thôi. Alleluia, Alleluia

 

Mai văn Thịnh, CSsR

Kew, 11.05.2012

 

MỘT CHÚT MELBOURNE ĐỂ NHỚ

Lê Chương

 

Khi những làn mây mỏng manh còn lơ lửng trên bầu trời Melbourne thì cũng là lúc chiếc máy bay Jetstar đáp xuống phi trường Tullamarine, một phi trường chính tại Melbourne lúc 8.30 sáng ngày 16 tháng 4 năm 2012. Đây là lần đầu tiên vợ chồng chúng tôi đến thăm Melbourne bằng máy bay, chỉ cần khoảng một tiếng đồng hồ bay từ Sydney là chúng tôi đã đặt chân đến Melbourne. Đây là một chuyến du ngoạn bỏ túi, với một giá vé phải chăng của hãng du lịch Flight Centre, trong một tuần, nhất là chúng tôi sẽ được tạm nghỉ trong một khách sạn ngay trung tâm thành phố.

 

Loch Ard Gorge trên con đường The Great Ocean Road

Có xe đưa đón chúng tôi ngay tại phi trường, chúng tôi rất thoải mái với sự tiếp đón rất nhiệt tình của người dân Melbourne. Ngồi trên xe, khi xe tiến vào thành phố, trên đường về khách sạn, cái đập vào mắt chúng tôi trước tiên là hệ thống xe tram chạy ngang dọc giữa đường. Đường phố rộng rãi vì có xe tram chạy ngay giữa đường, các xe tư nhân đều phải dành ưu tiên cho xe tram. Các con đường trong trung tâm thành phố đều vuông vắn, ngay thẳng như ta nhìn vào một hình vuông hay hình chữ nhật vậy, nghĩa là không có góc cong, đường lên dốc cao nhọn. Dù xe tram được quyền chạy giữa đường nhưng tất cả đều có bến đậu hẳn hoi cho khách lên xuống an toàn, và nhất là có hệ thống báo hiệu số xe, tuyến đường và giờ xe tram đến thật chính xác. Khoảng nửa giờ rời phi trường là chúng tôi được đưa đến khách sạn Enterprize, nằm ngay trên Spencer St, nhìn xế qua tay phải thì thấy ngay một ga xe lửa đồ sộ, đó là Southern Cross Station. Đây là một ga lớn, hôm nay sáng thứ hai vào đúng giờ đi làm, người ta đi xuôi đi ngược rất nhộn nhịp, không khác gì ga Central tại Sydney. Tuy nhiên nhà ga chính của Melbourne lại là Ga Flinders nằm trên đường Flinders, đối diện với Federation Square. Nhà Ga Southern Cross mới được xây dựng để làm giảm bớt áp lực cho nhà ga Flinders, vì kiến trúc của nó so ra rất mới so với ga Flinders.

 

Khách sạn Enterprize nằm tại một địa điểm tuyệt hảo, vì từ đây mình có thể đáp xe lửa, xe tram và cả xe bus đi vòng trung tâm hoặc bất cứ nơi nào trong thành phố. Ngoài ra, nếu muốn thả bộ thì con đường chính là Collins cũng gần đó, giống như George St của Sydney vậy. Con đường Collins rất cổ kính với những hàng cây phong cao vút, ngọn cây đan vào nhau, phía đưới có nhiều tiệm ăn, tiệm bán áo quần sang trọng Made in Milan, đồ trang sức thượng hạng như Rutherford Pearls, tiệm bán nước hoa Slavatore Ferragamo, rồi cả khu cao từng nổi tiếng của Melbourne có tên The Block Arcade, với mái nhà vòm bằng kiếng và là một shopping centre quý phái, hạng sang, đã được xếp hạng là di sản vì yếu tố cổ kính. Gần đó có khách sạn 5 sao Intercontinental cũng nằm trên đường này.

 

Khi đến khách sạn vì còn sáng sớm nên chúng tôi đã có dịp thả bộ chậm rãi trên con đường Collins cổ kính và quý phái này, sau đó chúng tôi dùng ngay xe tram Melbourne City Tourist  Shuttle, một loại xe tram chạy vòng quanh khu trung tâm thành phố qua các địa điểm du lịch chính để khách du lịch có thể tự mình khám phá thành phố. Xe tram cho du khách này sẽ dừng lại tại các trạm chính cùng với các xe tram thường cho dân chúng phải mua vé dùng. Với loại xe tram City Circle này thì khách tự do xuống rồi lại lên xe tiếp tục đến một địa điềm khác, hoàn toàn miễn phí. Chúng tôi nhận thấy có cả dân sống tại Melbourne cũng leo lên xe tram này để di chuyển vì xe miễn phí và chẳng có ai kiểm soát trừ ông tài xế phải lại xe ở trên. Đến cuối tuyến đường thì ông tài xế lại đi ngược lại bằng cách di chuyển lên phòng lái phía sau, nghĩa là xe tram di chuyển như con thoi không phải xoay đầu lại. Trên xe, du khách có dịp ngắm phong cảnh hai bên lại nghe qua hệ thống diễn giải cho du khách hiều biết thêm về các địa điểm đang đi qua.

 

Cảnh đẹp phía sau nhà thờ công giáo St Patrick tại Melbourne

 

 Đây thật là một điểm lý thú. City Circle Tram là một biểu tượng đặc biệt của thành phố Melbourne cũng như Opera House là biểu tượng của thành phố Sydney.

 

Du khách nếu đến Melbourne mà không leo lên xe tram nhất là xe City Circle cho biết sự tình thì thật là một thiếu sót lớn.  Cũng nhờ phương tiện này chúng tôi đã đi thăm viếng nhiều nơi như Federation Square, nằm ngang ga Flinders, sát ngay bên nhà thờ  St Paul cổ kính của Anh giáo. Khu này nhộn nhịp, sầm uất, người qua lại tấp nập. Tại đây cũng có một khu Information Centre cho các du khách đến lấy tài liệu du lịch, đặt chỗ cho các chuyến du hành ra ngoại ô Melbourne, rất có tổ chức và hoạt động hữu hiệu đến nỗi phải lấy số mới được gọi vào tiếp kiến phục vụ. Rồi ngay gần đó là chỗ xuống bến cho du khách làm một chuyến du hành trên sông Yarra, con sông có giòng nước hiền hoà. Du khách sẽ có dịp ngắm hai bên có những toà nhà to, mới đẹp, hoặc mặt sau của Melbourne Aquarium,  khu Shopping Southgate, trường tuyển Melbourne Boys’ High nổi tiếng của Melbourne, và khu Governor’s Residence. Du khách có dịp vừa uống cà phê, vừa thả hổn mơ mộng nhìn giòng nước trong và sạch cho đến khu tầu buồm Williamtown, hoặc đầu kia của con sông Yarra với một hòn đảo nhỏ ngay giữa sông, có tên là Herring Island, một khu sinh thái ngay trong lòng thủ đô Melbourne. Cũng nhờ hệ thống xe tram, chúng tôi đi xem khu nhà Quốc hội của Victoria (được xây trong khoảng 1856 đến 1930), xem Old Treasury Building gần đó, qua khu vườn cây xanh Fitzroy Garden, vào nhà Cook’s Cottage và tòa nhà Conservatory.  Melbourne thật có nhiều khu cây xanh hơn Sydney, các toà nhà thì cổ kính hơn, tất cả có vẻ mang chúng ta trở về quá khứ cả hơn ba trăm năm trước khi các người Anh hay Ái nhĩ lan đầu tiên đến đây định cư.

 

Hệ thống xe lửa của Melbourne cũng rộng lớn vì thế, ngay trong mấy ngày đầu chúng tôi cũng đã tìm tới khu Richmond là khu buôn bán thành công của người Việt gần trung tâm thành phố nhất. Dùng xe lửa đến khu buôn bán của người Việt là không đúng, vì phải đi bộ khá xa mới tới khu của người Việt làm mất thì giờ. Chúng tôi học được bài học là cứ lấy xe tram số 109 là đến thẳng ngay khu người Việt trên đường Victoria St.,  trong vùng North Richmond. Đây cũng là nơi thường được tổ chức hội chợ Tết cho người Việt hàng năm. Khi về cũng được xuống ngay con đường Collins ngay gần khách sạn, thật tiện mọi bề. Tiện thể chúng tôi cũng ghé thăm nhà sách của Tivi Tuần San mua vài cuốn sách. Tại đây, có khi phải dùng thang để leo lên cao mới thấy loại sách mình ưa thích. Nhà sách to, và nhiều sách để nghiên cứu cho những ai thích sách như tôi.

 

Sau vài ngày là chúng tôi quen với hệ thống di chuyển nên cứ lên xuống xe tram hoặc xe lửa mà đi thăm tất cả các khu có người Việt sinh sống như Richmond, Sunshine, Springvale, Footscray, v.v. Chúng tôi có đi đến chợ Queen Victoria Market trên đường William St, cũng dùng xe tram số 55. Đây là một cái chợ nổi tiếng có từ năm 1878, hàng năm có cả triệu người đến thăm. Tại đây thôi thì đủ cả thượng vàng hạ cám, từ quần áo, đồ chơi, mỹ phẩm đến quà lưu niệm, lại thêm có cả các sản phẩm rau trái tươi, trông giống như khu Flemington Market hay Paddy Market của Sydney.

 

Old Melbourne Gaol cũng là một địa điểm nổi tiếng dành cho khách du lịch, bắt đầu hiện diện từ năm 1841, trên khu đất nay là con đường Russel St. Trường đại học RMIT nằm ngay bên cạnh. Khi người ta khám phá ra vàng vào năm 1851, khu nhà giam này càng ngày càng đông. Khu nhà giam này đóng cửa vào năm 1924. Đến năm 1972 lại mở cửa cho du khách coi như một bảo tàng về nhà giam. Người tù bị giam 23 tiếng trong một ngày chỉ còn 1 tiếng là dành cho việc riêng tư như tắm rửa cho riêng mình. Khu nhà giam có 3 tầng. Tầng dưới đất giam những tù nhân nguy hiểm, trong đó có phòng giam từng có Ned Kelly đặt chân đến. Nếu tù nhân nào tuân hành đúng luật trong khu bị giam, sau một thời gian sẽ được chuyển lên lầu 2, lúc đó phòng giam sẽ rộng hơn, và có thể cho ra đi làm lao động trong sân kế bên mỗi ngày ( nay cũng là một phần của Đại Học RMIT ). Tầng ba là dành cho các phạm nhân sắp đến ngày được thả, hoặc các phạm nhân được tin cẩn. Mỗi tuần các phạm nhân được tắm rửa và thay quần aó một lần. Vào khu nhà giam, các cầu thang đều bằng sắt lạnh, càng làm không khí lạnh lùng và rợn người hơn.

 

Một kỷ niệm khó quên cho chúng tôi khi thăm viếng khu nhà tù này là khi chúng tôi đến khu Police Watch House ngay bên cạnh khu Old Melbourne Gaol. Các bạn thử hỏi người ta làm gì tại đây? Ai muốn nếm mùi tù tội, nếm mùi nằm ấp thì vào đây nhé. Bạn muốn biết kinh nghiệm thực tế từ khi bị bắt, cho đến khi tạm giam chờ xét xử, phải trải qua những giai đoạn nào, xin mời vào làm một tour với Police Watch House. Bạn sẽ được một trung sĩ mặc áo đồng phục thứ thiệt, lập lại cho bạn biết những giai đoạn từ khi bị bắt, hỏi cung, chụp hình, tạm giam, mà người đóng kịch như thật chính là người du khách, tức là ngay chính bạn đấy. Trước hết bạn sẽ được trao cho một tờ giấy tóm tắt lý lịch mới của bạn ngay từ khi bước vào khu Police Watch House, bị bắt vì tội gì, tên tuổi cùng ngày tháng năm sinh, địa chỉ v.v. Bạn sẽ đọc sơ qua và ghi nhớ tên mình, vì từ đây người trung sĩ sẽ gọi bạn bằng tên đó, hỏi cung và đối xử bạn như là một người bị bắt vì tội trạng đó. Họ sẽ khám xét quần áo, dơ tay lên cho họ rà người, đưa bạn qua khu nhà tạm giam, cho bạn vào tù và khoá cánh cửa tù một cái rầm. Tiếng khoá lách cách khi khoá phòng giam vang dội trong khu, khiến mình có cảm giác rùng mình thật sự vì cái cửa đã dầy lại thêm cái ổ khoá chắc phải nặng mấy chục ký, làm mình phát ớn. Tất cả đàn ông được đưa vào một phòng giam riêng và tất cả đàn bà cũng được đưa vào một căn nhà giam riêng. Bước vào phòng giam, bạn sẽ cảm thấy ngay không khí lạnh như nước đá, chỉ có một cái băng ghế dài để ngồi và trong góc phòng có một toilet trống trơn, không có cửa che cho có vẻ riêng tư gì hết. Trên tường dơ dáy, có các nét vẽ và tên viết của ai đó trên tường. Có nghĩa nay bạn là tù nhân rồi không được đòi hỏi gì hết.  Mãi tít trên cao có một cửa nhỏ có chấn song, bạn khó mà leo lên tới cái cửa đó, đề hít không khí trong lành, vì lý do giản dị là trong phòng trống trưn ngoài cái ghế băng dài cho các tù nhân ngồi và một góc có cái toilet bằng sắt.  Chưa kịp ngắm kỹ căn nhà giam, bổng nhiên, đèn trong nhà giam vụt tắt tối đen. Ai cũng giật mình. Thôi rồi, mình bị giam trong tù rồi. Thời gian sau đó không biết bao lâu, chắc cũng khá lâu để du khách cảm được cái lạnh lẽo trong nhà giam, vị trung sĩ bật đèn lên và lấy khóa mở cửa nhà giam, kéo cái cửa sắt nặng nề ra cho bạn đi ra ngoài. Lúc này người trung sĩ cho phép bạn đi chung quanh, vào các phòng giam khác để xem xét. Tôi thấy có khu tắm rửa lộ thiên, không che kín gì hết. Một khu nhỏ cho các tù nhân vận động thân thể. Có một bảng nhỏ ghi khẩu phần mỗi người trong nhà giam, số lượng được nhận bao nhiêu xà bông, đường, bánh mì .v.v. So ra với nếp sống ngày nay thì họ bị ho ăn đói thật đấy. Sau đó, vị trung sĩ hướng dẫn chúng tôi vào phòng chụp mugshot, có bảng số tù đàng hoàng như thật. Đây cũng chỉ là một chút gì vui vui mà thôi. Khi ra cửa, vị trung sĩ tiễn chúng tôi bằng câu “Off to your freedom”. Đối với ai đã từng trải qua những năm dài cải tạo với CS Việt nam thì cảnh nhà tù này cũng còn thần tiên chán. Dầu sao cũng còn được phát bánh mì, đường, xà bông, v.v., tối ngủ không bị còng chân, không có connex, phải không?

 

Melbourne Museum cũng là một địa điểm nổi tiếng về khoa học thiên nhiên, văn hóa của dân bản xứ, lịch sử và xã hội Melbourne, nghĩa là ai muống tìm hiểu về sự hình thành của thành phố Melbourne thì nên vào đây.

 

Immigration Museum cũng là một bảo tàng viện phong phú với các hình ảnh các đợt di dân đến Melbourne, về chính sách di dân nói chung cho cả nước Úc. Các hình ảnh người di dân Trung quốc bị kỳ thị trong thời kỳ đào vàng, rồi những đợt dân tị nạn đến Úc trong đó có cả người VN. Các câu chuyện di dân của nhiều dân tộc khác nhau, có người từ Nhật, từ Phi Luật Tân, từ Indonesia.... với hành trình là các valy chất đống khiến chúng tôi không khỏi không nghĩ đến những ngày đầu của chính mình khi đến Úc. Ngay giữa phòng chính họ tái tạo lại con tầu đưa các người dân từ Anh quốc và Ái nhĩ lan đến Úc. Cũng có một khu trình bầy hoàn cảnh đau lòng của các đứa trẻ đủ mọi lứa tuổi, mồ côi hay cha mẹ nghèo không nuôi nổi bị chính phủ Anh lúc bấy giờ cho lên tầu chở qua đất Úc phân phối rải rác sống trên toàn nước Úc, rồi phải làm việc cực nhọc tuy vẫn là trẻ em để có miếng ăn. Trên tường còn gắn những mảnh giấy nhỏ của chính con cháu của các trẻ em nay, cảm động khi hiểu thấu cảnh cơ cực của cha ông trong những ngày đầu đặt chân lên đất Úc. Chúng tôi có dịp bật nút nghe về lý do có mặt của người Việt Nam trên đất Úc qua lời đọc của Thanh Vy của đài SBS, Melbourne. Các dân tộc khác cũng có thể bấm nút nghe chuyện về di dân của dân tộc đó.

 

Ngoài ra thích thú nhất và khác lạ là khi chúng tôi đến thăm Chinese Museum trong khu Chinatown của Melbourne. Khu Chinatown này khác với khu Chinatown của Sydney rất nhiều. Một trong các điều khác lạ của khu Chinatown này là sự hiện diện của một Chinese Museum nằm ngay tại đây, trong khoảng đường Russell và đường Exhibition. Chính tại đây, các người Trung quốc đầu tiên đã đến vùng này lập nghiệp trong đợt tìm vàng vào khoảng thập niên của 1850. Một mô hình nhà cửa lúc đó được dựng lại với mái nhà ọp ẹp, bước vào nhà thì nhà rung ring và phòng thì tối mò,  cho thấy nếp sống khổ cực, xa nhà của họ. Trên các từng khác chúng tôi còn thấy trình bầy về các đợt di dân Trung quốc từ các quốc gia khác như Timor, Indonesia, Lào, Kampuchia, Phi, và cả Việt Nam. Đây cũng là một trung tâm giúp cho các con cháu của người Trung quốc trở về nguồn, qua các hình ảnh tiêu biểu về ý nghĩa truyền thống của Trung quốc về con Rồng, giúp con cháu họ hiểu về lịch sử đóng góp của cha ông vào xã hội đa văn hóa tại Úc. Viện bảo tàng này hoàn toàn do tư nhân và vô vị lợi, đa số do những thiện nguyện viên đóng góp.

 

Nhờ có thẻ Senior Card dù là của New South Wales, chúng tôi được vào thăm Melbourne Museum và Immigration Museum miễn phí. Ngoài ra nhờ có thẻ cao niên này, chúng tôi có thể mua vé nguyên ngày chỉ có $3.80/người để di chuyển khắp nơi lên xuống cho cả xe tram, xe lửa và xe buýt.Tại NSW thì chỉ có $2.50 thôi. Chúng tôi có cảm tưởng đi lại trong thành phố rất thuận lợi, thoải mái,  người dân Melbourne rất hiếu khách. Họ vui vẻ chỉ bảo rõ ràng cho du khách mỗi khi cần giúp đỡ. Các con đường thẳng tắp,  cắt ngang thì vuông vắn, mầu xanh của cây cối rất nhiều, có rất nhiều di tích cổ kính cỏn được duy trì  trên các đường Collins, Spencer, Bourke v.v. Tuy nhiên các trường đại học nằm ngay trong trung thành phố, không to lớn và bề thế như Đại Học Sydney, New South Wales và UTS tại Sydney.

 

Cầm trên tay bản đổ Melbourne Official Visitor Map và với Melbourne City Tourist Shuttle, chúng tôi khám phá thành phố Melbourne thật thoải mái và dễ dàng, thích gì thì xem đó, muốn xem lâu mau tùy thích. Chán xem thì lấy xe tram hoặc xe lửa quay về khu Việt Nam nếm mùi ẩm thực Việt Nam tại Melbourne. Như vậy không gò bó và hạn chế như khi phải đi theo một tour du lịch.

 

Một điểm đáng ghi nhớ hơn là tấm thịnh tình của anh chị Tám + Châu dành cho chúng tôi. Anh Tám, thành viên trong gia đình An Phong Melbourne, hồi xưa học cùng lớp với anh Vũ Nhuận - một giọng nói quen thuộc trong đài phát thanh SBS, chương trình tiếng Việt. Anh Tám đã tới tuổi về hưu vui thú hưởng nhàn, nhưng anh vẫn còn đi làm đều đặn. Khi nghe tin chúng tôi sẽ đến thăm Melbourne, anh đã sắp xếp “nghỉ bệnh” một ngày để đưa chúng tôi đi chu du Melbourne. Anh chị Tám Châu đã đưa chúng tôi đến thăm Shrine of  Remembrance, nơi được coi như Đài Kỷ Niệm Các Chiến Sĩ, nơi ghi ơn các chiến sĩ nam nữ đã hy sinh trong công việc bảo vệ nước Úc. Chúng tôi đến đây vào ngày 17 tháng 4, cũng gần ngày 25 tháng 4 là ngày Anzac Day nên đã thấy rất nhiểu vòng hoa ghi tên các người Úc đâu đó do thân nhân mang đến. Đài Kỷ Niệm được xây dựng trong khoảng 1928-1934,  nẳm riêng trên một khu đồi cao nhìn xuống thành phố Melbourne rất đẹp. Lúc nguyên thủy là để tưởng niệm 114,000 người dân Melbourne phục vụ trong Thế Chiến I, về sau mở rộng để tưởng niệm tất cả những ai là dân Melbourne phục vụ trong chiến tranh, gìn giữ hoà bình và đã hy sinh. Chúng tôi lên lầu cao nhìn xuống tứ phía của thành phố Melbourne. Sau đó anh chị Tám Châu đưa chúng tôi đi St Kilda Beach ngồi uống cà phê và ngắm cảnh bờ biển tại đây. Chúng tôi cùng đi bộ dọc theo St Kilda Pier, cũng là một địa điểm du lịch rất đẹp. Sau đó theo lời đề nghị của chúng tôi, anh chị đã cho chúng tôi đi ăn trưa bằng món phở tại Phở chú Thể  tại Footscray, vì mấy ngày nay ăn đồ ăn kiều Úc ngán quá rồi. Phở tại tiệm này đặc biệt có món phở Tả Pín Lù, nghĩa là có cả bò và gà trong cùng một tô phở, lại có cả một trứng gà non. Theo ý kiến chúng tôi thì phở này ngon hơn Phở An của Sydney, vì nước rất đậm đà, không có mùi quế nhiều và không cảm thấy khát nước sau đó.Thưởng thức một tô phở đặc biệt, giá cả lại phải chăng không đắt như tại Sydney (dưới  $10), nước phở không pha nhiều bột ngọt, rất nguyên chất của xương bò.  Sau đó anh chị còn đưa chúng tôi đi xe hơi tới vùng Williamtown với cảnh tầu buồm rất đẹp khi hoàng hôn xuống và thăm Gem Pier tại đây. Anh chị Tám Châu lại giữ chúng tôi lại dùng cơm tối gia đình với anh chị và có dịp gặp con trai độc nhất của anh chị đang làm việc tại Melbourne. Cháu cũng vui vẻ hòa đồng đóng góp câu chuyện với các bác. Sau đó anh chị Tám Châu lại không quản ngại đưa chúng tôi trở về khách sạn trong trung tâm thành phố, lấy cớ trời quá tối rồi.

 

Sau này chúng tôi có trở lại khu Richmond của người Việt, cũng thấy có nhiều tiệm phở, như Phở Dzũng, I Love Phở, Phở Chú Thể, v.v và chúng tôi nếm thử Phở Hùng Vương và cũng gọi Tả Pín Lù nhưng không thấy ngon bằng Phở Chú Thể tại Footscray. Giá cả tại Melbourne xem ra rẻ hơn tại Sydney, món phở có chất lượng thật sự và ngon.

 

Vào tối thứ sáu, ngày 20 tháng 4, trước ngày chúng tôi sẽ từ giã Melbourne trở về Sydney, anh chị Tám Châu lại một lần nữa tổ chức một buổi họp mặt gia đình ngay tại nhà của anh chị tại vùng Altona North, và có mời một ít bạn bè.

 

Tư gia của anh chị Tám Châu tại vùng này, cũng là nơi xuất thân của Bà Thủ tướng Úc Julia Gillard hiện nay. Nhà rộng rãi, chiếm trọn một góc đường, nhưng anh chị chỉ có một quý tử, nay đã có việc làm ngay tại Melbourne, nên nhà cửa rất gọn gàng và ngăn nắp. Khi đến đây chúng tôi mới nhớ lại cách đây cũng khá lâu, anh Linh, con của Bác Kim, cũng trong gia đình An Phong, đã đưa chúng tôi xuống đây. Nếu tôi nhớ không lầm, có cả anh Nhuận, vợ chồng anh chị Lê Duy Phước và hai vợ chồng chúng tôi và anh Linh, xuống Melbourne được anh chị Tám Châu thết đãi một chầu phở nóng và cũng dự một buổi barbecue với nhóm An Phong Melbourne tại sân sau của tư gia anh chị Tám Châu. Thời gian qua mau, và biết bao thay đổi rồi.

 

Theo anh chị Tám Châu, anh chị có lời mời tới nhiều anh chị trong gia đình An Phong Melbourne, nhưng có nhiều người bận việc không đến được, như Anh Thiện tức Lão Ngoạn Đồng, Cha Thịnh tại Melbourne. Nhưng đã có anh Triệu và vợ chồng anh chị Tuế có mặt. Rồi câu chuyện nổ vang, anh em chén tạc chén thù, chuyện này chưa xong lại bắt sang chuyện khác. Anh Triệu nay đang làm nhân viên xã hội lo về các người bị bệnh tâm thần. Theo tôi đoán thì anh chưa tới 60, nhưng ăn nói rất chững chạc, kể chuyện có sức thu hút người nghe rất hay. Anh Triệu cũng hỏi chúng tôi cảm nghĩ về Melbourne như thế nào sau vài ngày tại đây. Tôi đưa ra toàn là những cảm nghĩ tốt, thân thiện và người Melbourne rất vui vẻ hay giúp đỡ tận tình khách du lịch. Cảm nghĩ này khiến anh mát lòng lắm.

 

Còn anh Tuế, bề ngoài còn trẻ thế mà cũng sắp tới tuổi về hưu. Giọng anh nói rất thân thương và rất là Huế. Nghe giọng Huế của anh, khiến chúng tôi hồi tưởng lại mới năm trước đây chúng tôi có về Huế, nghe giọng nói Huế, ăn bún bò Huế, cơm hến, thịt nướng, thăm chùa Thiên Mụ và các lăng tẩm tại Huế.

 

Trời về khuya mà sáng mai là sáng thứ bẩy, chị Châu sẽ phải làm việc lả đi dậy học lớp tiếng Việt, nên chúng tôi xin kiếu từ ra về. Anh chị Tuế sẵn sàng cho chúng tôi quá giang vì con đường về nhà của anh chị sẽ đi ngang qua khách sạn chúng tôi tạm trú không xa. Đồng hồ đã chỉ gần nửa đêm, chúng tôi vẫn nhận ra cây cầu Westgate của thành phố Melbourne vì nó dài tới 2.5 km, nối liền miền tây với thành phố Melbourne. Từ cây cầu này, Melbourne về đêm toả sáng chập chờn ánh đèn mầu như vẫn còn sống động chưa vào giấc ngủ. Rồi anh Tuế bị  lạc đường sao đó nên chúng tôi có dịp thưởng thức Melbourne by night, và có cơ hội di chuyển qua đường hầm nằm sâu dưới dòng sông Yarra của Melbourne.

 

Chúng tôi cám ơn anh chị Tuế đã cho quá giang về khách sạn, cũng với giọng Huế thân thương, anh đáp ngay, “chúng mình là anh em mà, có chi mà cảm ơn”. Vâng câu nói đó của anh thật ý nghĩa, vì chúng mình, dù ở Melbourne hay Sydney, dù sống tại Brisbane hay Perth, dù cư ngụ tại Mỹ, Pháp, Na Uy, vân vân hay bất cứ nơi nào, nếu ai đã từng sống dưới mái nhà Đệ Tử Viện, thì cũng đều là những người con của thánh tổ Alphongsô, là anh em cùng nhà, cùng mái trường thân yêu năm xưa. Qua biết bao thăng trầm, thay đổi của cuộc sống, qua cuộc đổi đời năm 1975, các anh em chúng ta ngày nay còn có dịp gặp nhau, ngồi xuống cùng nhắc nhở các kỷ niệm xưa dưới mái trường thân yêu, phải nói đây cũng là một đặc ân của Chúa đã xếp đặt.

 

Chính tại mái trường thân yêu, chúng mình đã được rèn luyện thành những con người như ngày hôm nay. Uống nước nhớ nguồn, ăn trái nhớ kẻ trồng cây, nếu có một đôi phút nào, mình tự hỏi lòng, là mình đã làm được một chút gì đó hết sức nhỏ bé để đển đáp lại những gì mình đã nhận lãnh năm xưa?

 

Viết xong ngày 29 tháng 4 năm 2012

(Kỷ niệm chuyến thăm Melbourne từ 16 tháng 4 đến tháng 4 năm 2012)

       

 Thánh lễ trao sứ vụ Phó Tế của thầy Trần Xuân Anh

_______________________________________________________________________________

 

 Vào lúc 17: 00 giờ ngày 23 tháng 10 năm 2012, tại nhà nguyện DCCT Kew - Melbourne, bang Victoria - Úc Châu, Đức cha phụ tá Vincent Nguyễn Văn Long, OFM, đã chủ sự thánh lễ trao sứ vụ phó tế cho thầy Antôn Trần Xuân Anh. Có khoảng 15 Linh mục, 16 tu sĩ nam nữ và 60 giáo dân đến dự lễ để cầu nguyện cho thầy. Thánh lễ diễn ra trong tâm tình đơn sơ, trang nghiêm và sốt sắng.

 

Đây là thánh lễ phong chức đầu tay của Đức cha Vincent Long. Mở đầu thánh lễ ngài nói dí dỏm rằng đây là lần phong chức đầu tiên trong sứ vụ Giám mục của tôi, có thể ví như là một cuộc thử nghiệm vậy, nên tôi đã mong đợi và sãn sàng cho đợt thử nghiệm này!

Trong phần chia sẻ Lời Chúa, Đức cha đã nhấn mạnh đến sứ vụ loan báo Tin Mừng. Như Đức Giêsu đã sai các Tông Đồ “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ, nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19), thì thầy Xuân Anh cũng được sai đi để tiếp tục sứ vụ thừa sai của DCCT, đem Lời Chúa đến cho mọi người, nhất là những người nghèo khó tất bạt. Vì thế, thầy Xuân Anh đã can đảm rời quê hương để thi hành sứ vụ thừa sai ở một miền đất mới. Tác vụ phó tế thầy lãnh nhận hôm nay ngang qua Mẹ Hội Thánh là để phục vụ mọi người. “Vì Con Người đến không phải để người ta phục vụ, nhưng là phục vụ và hy hinh mạng sống làm giá chuộc muôn người (Mc 10:45). Hãy để Lời này như là phương châm sống trong suốt cuộc đời mục vụ của thầy và thầy sẽ trở thành người tôi tớ phục vụ Tin Mừng đích thực. Xin thầy đừng sợ, nhưng hãy tin tưởng và phó thác, ra đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ vì Thiên Chúa luôn ở với thầy.

 

Trước khi ban phép lành cuối lễ, Đức cha đã nói lên tình liên đới, hiệp thông sâu xa của ngài đối với DCCT, cách riêng DCCT VN đang dấn thân bênh vực cho công lý và hòa bình trên quê hương Việt Nam. Thánh lễ kết thúc trong niềm vui, hân hoan, phấn khởi cùng với tiếng hát mạnh mẽ và vui tươi của ca đoàn “Saigon Singers” với bài hát: Ra đi và loan tin cho mọi người rằng “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, Ngài đã xức dầu tấn phong tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó”(Lc 4:18).

 

Thầy Phó tế Xuân Anh sinh ngày năm 1976, khấn lần đầu ngày 27.6.2003, gia nhập tỉnh Úc năm 2006, khấn trọn năm 2010, nhận sứ vụ Phó tế ngày 23.3.2012. Xin Chúc mừng Thầy Sáu Xuân Anh. Chúc Thầy luôn hăng say trong sứ vụ mới!

(trích từ www.chuacuuthe.com )

 

Nhân ngày Mother’s Day

Nhớ về Người Mẹ Hiền

 

Mây Chiều

 

Hàng năm, cứ vào những ngày cuối tháng Tư và nhất là vào hai tuần đầu tháng Năm, các tiêm buôn lớn/nhỏ thi nhau tung ra những chiêu quảng cáo bán giảm giá vào dịp Mother’s Day được mừng vào Chúa Nhật thứ hai của tháng Năm. Nào là, những tấm bích chương về Mẹ được dựng lên tại các trung tâm buôn bán; những quảng cáo hấp dẫn trên Tivi vào giờ cao điểm… Nhưng, phổ thông nhất là những tờ rời được phân phối miễn phí tại mỗi nhà và, hộp thư nhận mỗi ngày thể nào cũng có những tờ quảng cáo bán giá rẻ rầm rộ, nào là quần áo, rồi nữ trang, son phấn, ngay cả vật dụng dùng trong nhà, vv. tất cả được giảm giá tới mức thu hút nhất.

 

Thật vậy, nhưng tiệm buôn bao giờ cũng có những mánh lới nhằm đánh đúng thị hiếu của khách hàng. Dịp Mother’s Day có ai mà dửng dưng đối với người Mẹ của mình? Dịp Mother’s Day có người con nào mà không mau mắn phải mua một cái gì đó dành cho Mẹ, dù chỉ là một bông hoa, để tỏ lòng yêu Mẹ của mình?

 

Mother’s Day là ngày lễ lớn, ngày mà những người con có cơ hội bộc lộ rõ ràng nhất tình yêu của mình đối với Mẹ. Mẹ còn sống là một diễm phúc vô cùng to lớn. Vì công việc làm ăn, người xa nhà bao giờ cũng điện thoại chúc mừng mẹ, chuyện trò thân mật với mẹ, người con gần mẹ thì đi tìm những món quà có ý nghĩa nhất để biếu mẹ, hoặc mời mẹ tới tiệm ăn nổi tiếng để Mẹ cùng gia đình thưởng thức, hoặc người con ở nhà sẽ nấu những món ăn lạ miệng rồi cả nhà cùng chia xẻ hương vị.

 

Những ai không còn Mẹ, thì nào có được cái diễm phúc này. Nhưng dù thế, người con vẫn làm cái gì đó để thể hiện lòng thương nhớ Mẹ, như đi viếng mộ phần Mẹ với bó hoa tươi dâng Mẹ, hoặc một nén hương đốt lên để hương thơm bay vút lên trời cao. Nếu không có cơ hội nào thì ở nhà, người con cũng mau mắn làm đẹp bàn thờ, mua hoa trái mà hồi xưa Mẹ thích để trưng bày, để nói lên nỗi niềm nhớ Mẹ.

 

Ôi! Những người còn Mẹ có diễm phúc biết bao, hạnh phúc biết bao. Có phúc, nhưng có thể các vị ấy không nhận ra, hoặc không biết rằng hạnh phúc ấy đang bên mình, mà mình không cảm nhận được mà trân quí nó, mà chỉ khi nào cái phúc ấy bị mất đi là lúc Mẹ mình không còn nữa, thì lúc ấy mới bừng tỉnh mà hối tiếc, than vãn, nhưng dù có tiếc nuối bao nhiêu chăng nữa, thì Mẹ mình đã an nghỉ vĩnh viễn rồi.

 

“Anh ơi, có bao nhiêu? Sáu mươi năm cuộc đời.” Nhưng hôm nay, tôi đã gần đạt tới cái tuổi “thất thập cổ ỏ lai hy”, và nhờ ơn Chúa, tâm trí tôi vẫn còn minh mẫn và thân thể tôi vẫn khoẻ mạnh để mà sống, để mà nhìn thấy con cái mình thương yêu mình.

 

Tuy đã lâu, có thể cũng đã 60 năm qua rồi, nhưng tôi vẫn còn nhớ câu chuyện mẹ tôi đã kể cho tôi nghe. Mẹ kể rằng: trong lần đi buôn nọ, có người thày bói cứ xin xem chỉ tay cho mẹ tôi mà không lấy tiền. Thời bấy giờ, bói toán là việc dị đoan, cấm kỵ đối với người Công giáo, mà mẹ tôi lại là con chiên ngoan đạo, nên mẹ tôi nhất mực từ chối. Nhưng người thày bói cứ nhất định xin xem cho bằng được và nói với mẹ tôi rằng: Mẹ tôi có ba người con trai, nhưng khi mẹ tôi chết, sẽ có một người không biết vì lý do gì đó, lại không có mặt để chịu tang.

 

Lời thày bói không những bị mẹ tôi và cả nhà cho là viển vông, tầm phào và để nó đi vào quên lãng. Nhưng rồi tình thế biến chuyển, vận nước đổi thay, và những ngày tháng trong trại học tập cải tạo, bất chợt tôi nhớ lại lời người thày bói năm xưa, mà lòng nặng chĩu. Tôi cứ tưởng tượng này nọ, và nghĩ rằng nếu mẹ tôi có mệnh hệ gì, thì tôi sẽ là người không có mặt trong tang lễ của mẹ. Nhưng rồi gần ba năm trôi qua, tôi vui mừng trở về nhà mà mẹ tôi vẫn còn sống. Rồi sau đó là lời dò đoán của ông thày bói lại đi vào quên lãng.

 

Ngày mà tôi rời nước ra đi và khi đến được bến bờ tự do, thì cũng là lúc lời ông thày bói lại vùng dậy trong tôi. Rồi vào một ngày nọ tháng Bẩy cách đây 27 năm, Mẹ tôi đã ra đi vĩnh viễn, mà trước đó, trong giấc mơ, tôi đã gặp lại mẹ và người cha thân yêu của tôi, người cha đã ra đi khi tôi còn khá trẻ, khiến tôi cứ nghĩ rằng cha tôi đang ngủ một giấc dài rồi cũng thức dậy. Trong giấc mơ, tôi thấy rõ ràng cha tôi đang từ trên cung thánh bước xuống lòng nhà thờ và lúc đó mẹ tôi từ lòng nhà thờ tiến lên cầm lấy tay cha tôi. Tôi muốn la lên nhưng miệng tôi chỉ ú ớ và bừng tỉnh; thì ra chỉ là một giấc mơ, nhưng giấc mơ vô cùng sống động, vô cùng chi tiết mà lúc nào tôi cũng nhớ rõ.

 

Tôi lại nhớ tới lời người thày bói năm xưa. Không nghi ngờ gì nữa, người thày bói này quả thực có tài. Giờ này thì chắc chắn người thày bói ấy cũng đã ra người thiên cổ, nhưng tôi cũng vẫn cầu nguyện cho ông ta được an nghỉ bằng yên.

 

Nay tuy đã già rồi, nhưng thấy những người còn Mẹ ở cạnh bên, tôi vẫn cảm thấy chạnh lòng, đôi khi thèm thuồng so bì vì mình không được như họ. Trước khi chấm dứt bài viết này, tôi chỉ muốn nhắn nhủ rằng: đối với những ai còn Mẹ, thì hãy trân quý Mẹ, yêu thương Mẹ làm Mẹ vui lúc Mẹ còn sống vì mai ngày Mẹ ruột mất tầm tay, thì e hối tiếc cũng quá trễ rồi.        

 

Mây Chiều

Bạn có biết?

 

Danh xưng “Kitô-hữu”

Danh xưng này là “tên riêng” được dùng ở Antiôkia, nước Syria rồi dần dà trở thành ngôn từ nói chung để chỉ về những người theo chân Chúa Kitô (Cv 11: 26). Danh xưng này cũng có nhiều chương đoạn ở Tân Ước để chỉ những người đi theo con đường của Kitô giáo, tức các thánh, hoặc những vị xuất từ Nadarét. (x. Tự điển Bách khoa Pears)

 

Đấng Cao Niên

Là danh xưng chỉ về Chúa được nói ở sách tiên tri Đanien (7: 9, 7: 13, 7: 22) qua đó tác giả đối chiếu quyền uy vĩnh cửu của Chúa với sức mạnh tạm bợ của các đế quốc ở đời. Chính do những điều được mô tả về Đấng Quyền Năng như thế mà nghệ thuật hội hoạ trong Đạo thường diễn tả Chúa Cha theo hình ảnh cụ già cao niên là thế. “Đấng Cao Niên” bên tiếng Aram cổ xưa được gọi là Atiq yomirr, tiếng Hy Lạp Bản Bảy Mươi gọi là palaios hemerorr và Kinh thánh Phổ Thông (bản Vulgata) dùng từ Antiquus dierum để chỉ Thiên Chúa là Cha. (trích Từ điển Bách Khoa Công giáo)

 

Kinh Tin Kính các Thánh Tông Đồ

Kinh này dù phản ảnh giáo huấn của Tông Đồ Chúa, nhưng lại không xuất từ các ngài. Thật ra, Kinh này xuất hiện từ thế kỷ thứ 2 như công thức sơ sài được tân tòng tuyên xưng trước khi lĩnh nhận bí tích thanh tẩy. Vào thế kỷ thứ tư, lời tuyên xưng khi thanh tẩy được sử dụng tại Rô-ma và nhiều nơi khác bên phương Tây cũng giống Kinh mà Hội thánh hiện thời sử dụng là Kinh được tái duyệt và phổ biến trong sách cẩm nang Kitô-hữu từ năm 710 đến 724. Bản Kinh được dùng rộng rãi ở phương Tây mãi cho đến thế kỷ thứ 9. Kinh Tin Kính của các Tông đồ là kinh phổ biến rộng rãi tại giáo hội Chúa ở phương Tây nhưng Hội thánh phương Đông lại không dùng đến.

 

 

Giọng cũ xa gần

Dân Gầy phụ trách

 

*Đằng sau và đằng sau:

Có đúng không? Nhưng sao lại thế? Những đằng sau là đằng gì, mà lại như thế này:

 

ĐẰNG SAU   

 

Đằng sau nụ cười là nước mắt

Đằng sau nước mắt là niềm đau

Đằng sau tình đầu là tan vỡ

Đằng sau nỗi nhớ là tình yêu

Đằng sau lời yêu là dối trá

Đằng sau lạnh giá là khát khao

Đằng sau chiêm bao là vỡ mộng

Đằng sau biển rộng là bão giông

Đằng sau cảm thông là thương hại

Đằng sau khép lại là mở ra

Đằng sau chúng ta là quá khứ

Đằng sau quá khứ là…

 

Mệt quá, nói túm lại là:

Lúc nào cũng phải coi chừng sau lưng ...

 

*Lại một lần nữa, những là thơ với thẩn…

Làm thơ hay trở thành thi sĩ, là “Ru với gió, mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây”, theo kiểu rất Xuân Diệu. Thế nhưng, với thi sĩ hiện nguyên hình “con cóc” thì lại khác. Chí ít, là thơ và thẩn của thi sĩ như thế này mà bàn về bọn đàn ông chúng mình thì… thì …chỉ như sau, thôi. Xin mời độc giả ghé mắt đọc rồi bỏ…lửng!

 

Là đàn ông tức là mê rửa chén

Mơ lau nhà và háo hức lau xe

Làm đàn ông là tựa cửa đợi vợ về

Nhanh nhảu chạy ra đỡ làn, đỡ nón

Dịu dàng ngồi xuống bằng cánh tay năm ngónHỏi nàng xem có uống nước cam không?

Rồi bưng lên trên khay nhỏ màu hồng

Nước giải khát, khăn lau tay, xí muộiRồi trong khi nàng chân co chân duỗi

Vừa nhấp môi, vừa đọc báo thời trang

Ta tung tăng vào bếp mở làn

Lấy các thứ bày ra bàn chuẩn bị

Nước tương này xếp vào ngăn gia vị

Hành tím này xếp vào giỏ đồ khô

Đậu hủ đây thì thả vào tô

Còn rau sống bỏ vào thau rửa sạch

Cá chép tươi còn đang phành phạch

Đánh vẩy rồi ta lấy thớt ra

Tay cắt vây, mồm lại hát ca

Làm việc nhà, đó là hạnh phúcBắc nồi lên tiện nay ta múc

Nước từ trong máy lọc lưng lưng

Bỏ cà chua, bỏ hành lá tưng bừng

Ta sẽ nấu một nồi canh lịch sửTrong khi đó vợ ta đang mặc thử

Chiếc áo mới mua về, coi có đẹp chưa

Ta vừa khen, vừa nạo cùi dừa

Để rắc sẵn lên chén chè trôi nước

Ăn cơm xong cho nàng dùng mát ruột

Và kèm thêm lát dưa hấu đẹp daNồi canh sôi trong tiếng reo òa

Ta thả cá, rồi làm luôn món mặn

Mở tủ lạnh ra, nhớ lời vợ dặn

Rằng hôm nay nàng muốn ăn cua

Rang với me, thêm dăm quả trứng rùaTa nhanh nhảu cho vào trong nồi hấp

Nhớ khi rang phải vặn cho lửa thấp

Cua mới ngon và mới vàng đềuĐang say sưa thì nghe tiếng nàng kêu

“Nước tắm của em, anh yêu ơi, đâu nhỉ?”

Vớ chai dầu thơm trên tràng kỷ

Ta vội vàng chuẩn bị khăn bông

Dầu gội đầu, kèm theo cái lược hồng

Mời nàng vào, không quên mở nhạcNàng bước vô, không hề kinh ngạc

Vì chuyện này đã quá thân quen

Ta nhanh tay mở khóa vòi sen

Rồi sung sướng chạy ngay ra bếp

Và vui mừng nhanh chóng xếp mâm

Còn không quên mở lọ khế dầm

Cùng pha sẵn ly trà sâm thơm phứcNàng bước ra, khăn bông quấn ngực

Như thiên thần sáng rực vẻ thanh cao

Kéo ghế nhanh, nàng yểu điệu ngồi vào

Khen ta là chồng ngoan, chồng tốt

Ta ngây ngất không thốt được lời nàoTa gắp cho nàng thêm món đồ xào

Ngắm nàng ăn, lòng dạt dào cảm mến

Chính giữa bàn hai ngọn nến lung linh

Tỏa hào quang xuống góc nhà xinh

Hai tâm hồn trắng tinh hòa nhịpTa nhai vội để còn nhanh kịp

Vào trải giường và mở tiviChờ nàng ăn xong, ta gọi thầm thì

Mời nàng vô đúng kỳ phim nhiều tập

Nàng thong thả chiêu ly trà chống mập

Trước khi xem trai Hàn Quốc ung thưDưới chân nàng con mèo nhỏ gừ gừ

Còn xa xa ta hăng say rửa chén

Vừa rửa kỹ ta vừa nhìn lén

Thấy nàng đang khép mắt mơ màng

Với lấy chăn hoa ta đắp nhẹ nhàng

Bàn tay ta dịu dàng khe khẽ

Rắc vào chăn một chút dầu thơm

Đặt cạnh nàng gấu bông nhỏ bờm xờm

Vặn bé ngọn đèn rồi ta lui bướcTa kiểm soát cửa sau, cửa trước

Dắt xe vô và cho chú mèo ăn

Đậy kỹ thức ăn để tránh thằn lằn

Kiểm soát lọ đường, đề phòng bọn kiến

Rồi vươn vai ta hùng dũng tiến

Vô phòng nàng, kéo nhẹ tấm rèm ra

Cho ánh trăng xanh biếc ngọc ngà

Phủ lên bóng nàng đang ngon giấcTa dịu dàng ngồi nhẹ như ngọn bấc

Nói thì thầm ba tiếng “vợ yêu ơi”

Nàng vừa yêu vừa đẹp nhất trên đời

Ta thiếp đi nơi chân giường mát dịu…      

 

*Nói về tình là làm thơ?

Thơ gì thì thơ. Thơ nào hay bằng thơ tình…rất hàng xóm?

Dưới đây là một minh chứng:

 

Thơ Tình hàng xóm

 

Tình hàng xóm !! thi si không dám khai tên

Mùa hè, trời nóng cháy da. Khứa ông nói trõng:

Sân cỏ nhà ai cháy hết rồi,
Để tôi chăm sóc giúp người ơi.
Vòi nước nhà tôi tuy hơi cũ,
Tạm dùng cũng giúp cỏ xanh tươi.
Nếu chịu tôi mang vòi sang ngay.
Tưới suốt cả đêm lẫn cả ngày,
Bón vun, chăm sóc từng cọng cỏ,
Tặng vòi tặng nước...cả hai tay.

Bà hàng xóm bĩu môi:

Sân nhà bên ấy cũng cọt còi,
Đất đai khô khốc cỏ chết toi.
Cứ lo nhà ấy nghèo cúp nước?
Hay là xui xẻo…hỏng cái vòi?
Vòi nước nhà ông nếu rỉ rồi,
Đừng mang sang tưới cỏ nhà tôi.
Cỏ nhà tôi ít nhưng không xấu,
Sợ nhọc công ông lẫn cái vòi.

Ông hàng xóm nín khe. Nhưng đến đông về, tuyết phủ đầy đường, đầy sân, đầy cả mái nhà. Bà hàng xóm chịu lạnh không thấu nên cầu cứu:


Bớ ông hàng xóm của tôi ơi,
Đông này lạnh lẽo tuyết mãi rơi.
Mái lạnh trần hoen dầy tuyết phủ,
Quỡn đem sào đến chọt dùm tôi.


Ông lão Biệt đông được dịp bèn làm eo:



Gớm mãi đến nay mới réo tôi,
Khó khăn cho lắm cực thân thôi.
Đông này lạnh quá e sào…quéo,
Muốn chọt nhưng e chẳng nhằm thời.

Bà hàng xóm nài nỉ:



Ông này sao rõ khéo vẽ vời,
Cứ mang sào quéo đến nhà tôi.
Hít ấm sào vươn nào đâu khó,
Cứng rồi ông ráng chọt dùm tôi.



Khứa ông thấy bà hàng xóm xuống nước nên bỗng sinh nghi, thắc mắc:

Bà này hôm bữa chảnh đàng trời,
Khi khổng khi không lại mọc mời.
Ngày xưa sào tốt sao không mượn,
Bây giờ hết “đát” chắc bả chơi…

Nhưng vì mặt mũi, ông lão giả vờ khất:

Bớ bà hàng xóm của tôi ơi,
Lạnh quá nên tôi có hơi lười.
Vài bữa ấm lên sào cứng cáp,
Qua nhà tui chọt giúp bà thôi….

Bà hàng xóm bực mình:

Ông này giờ cứ khéo lôi thôi,
Bí quá nên tôi mới ngõ lời.
Hỏng cần ông nữa tôi thuê Mễ,
Tụi nó làm ngay chẳng nửa vời…

Nghe nàng đòi thuê Mễ, sợ tụi nó làm ăn ẩu tả nên lão ông ráng mò sang. Kết cuộc nghe bà hàng xóm thở ra:

Biết tả làm sao cái sự đời!
Cái sào bé xíu vẫn tới nơi,
Không ngờ tướng ấy quơ khỏe thế,
Lạy trời cho tuyết cứ mãi rơi…

Còn ông lão thì lắc đầu:

Tuyết đóng bấy lâu cứng quá trời!
Làm cho tơi tả cái sào tôi.
Cũng may uống trước viên...tăng lực.
Làm tốt nên không bị bả cười!

Mấy hôm sau trời ấm dần, tuyết tan! Thời tiết thay đổi nên ông lão bị bịnh cảm nằm chèo queo. Bà hàng xóm không thấy bóng dáng chàng đâu nên lần mò sang thăm. Bà đến bên cạnh giường ông nhỏ nhẻ:

Ông ở nhà ông tôi nhà tôi
Cách nhau chỉ có...giậu mồng tơi,
Chờ ông leo giậu mà không thấy,
Nên tôi đường đột qua thăm coi.
Xuân về nên trái gió trở trời.
Ông lão tội ghê bịnh tã tơi.
Để tôi giúp cho ông cạo gió,
Phút chốc bịnh đi khỏe ngay thôi.
Bây giờ ông nằm sấp lưng phơi,
Trần ra như thế để mặc tôi.
Chút dầu xoa trước xong cạo gió,
Cào lên vuốt xuống gió ra thôi.
Ông sao để gió lậm quá trời.
Kiểu này không làm chỉ lưng thôi.
Lột hết ra đi còn mắc cỡ?
Thề là tui nhắm mắt …hỏng coi!

Ông lão nằm trùm mền, mặc bà hàng xóm muốn làm gì thì làm, thỉnh thoảng rên:

Bà ơi nhè nhẹ chút dùm tôi,
Ừ xoa, cào thế mới mê tơi.
Không ngờ bà mát tay hay thế,
Khiến tôi như bay bỗng tuyệt vời…
Giao bà tùy tiện tấm thân tôi,
Xoa hoài cào hủy chớ có thôi.
Ai bày ra cái chiêu cạo gió,
Thật đáng tuyên công đức để đời.

Bà hàng xóm:

Bây giờ ông đang vã mồ hôi,
Ngủ đi một giấc ráng nghỉ ngơi.
Tôi về nấu cho ông bát cháo,
Hành tiêu thật nóng để ông xơi.
Này này thức dậy bớ ông ơi,
Cháo hành đang nóng gắng mà xơi
Vừa thổi vừa ăn mau giã bịnh,
Qua nhà xem giúp cái xe hơi!
Xe tôi bỏ xó khá lâu rồi,
Xuân này tune up chạy cho vui
Đã lâu không chạy nên khô nhớt,
Châm vào chắc sẽ chạy tốt thôi.
Xe tôi đồ cổ chứ chẳng chơi.
Traction tuổi ngấp nghé sáu mươi
Body còn láng sơn còn bóng
Mới chủ một đời chạy ít thôi.

Vài hôm sau ông lão hết bịnh nên qua xem cái xe của bà bạn:

Xe bà không chạy đã lâu rồi,
Bu-gi vít lửa lâu chẳng coi
Bao năm bỏ xó nên hen rỉ
Nhưng bỏ công chùi xẹt lửa thôi.
Bốn cái bánh xe xẹp lép rồi
Phải bơm thật chắc cho đầy hơi.
Hình như bơm nghẹt hay bị hỏng,
Mới bơm vài cái muốn rụng rời
Lòn tay tôi nhấn thử cái còi
Mới bóp tí mà kêu inh oi
Còi này loại tốt kêu hay quá,
Sờ vào êm ái chẳng muốn thôi.
Tôi châm dầu nhớt riêng của tôi,
Nhớt này đặc biệt đó bà ơi
Xăng đầy nổ thử êm tai quá
Hai đứa vào xe dợt thử chơi.

Tình hàng xóm láng giềng coi mòi trổ hoa vào mùa Xuân. Nhưng nghe nói ông lão bị bà hàng xóm nhờ vả nhiều quá sức già chịu không thấu nên đã:

Tàn Xuân thì chắc cũng tàn đời!
Sức cùn lực kiệt sắp đứt hơi.
Mau chân cuốn gói là thượng sách,
Thằng nhỏ hưu rồi phải nghỉ ngơi!

 

*Thơ với thẩn như thế này thì con dâu thánh Tổ An Phong chịu gì nổi?

Thôi thì bạn đọc cứ coi như là bài thơ này do “ta” làm chứ không phải địch, thì cũng xong:

 

Địch và Ta

 

Vợ là địch, bồ bịch là “ta”

Đám cưới đám ma, thì đi với địch

Party, du lịch - thì đi với “ta”

Chiến sự xảy ra, thì về với địch

Ở trong lòng địch, vẫn hướng về "ta"

Hết tiền xa hoa, tìm về với địch

Chờ túi chắc nịch, sẽ lại thăm “ta”

Cuộc sống xa hoa, dại gì cho địch

Những điều tốt đẹp, dành hết cho “ta”

Lời lẽ chua ngoa, dành luôn cho địch

Những câu êm đẹp, để nói cùng “ta”

Lỡ gặp phiền hà: về ngay với địch

Nhớ cười khúc khích, lại mau tìm “ta”

Khi bệnh trầm kha, bên ta là địch.

Qua cơn nguy kịch, quay lại tìm “ta”

Giây phút ‘trăng hoa’, mà ta cho địch

Cảm thấy chán mệt, hơn khi cho “ta”

Thất thế xuống đà, mau về tìm địch

Chờ khi thăng tiến, quay lại tìm “ta”

Khi “ta” bỏ ta, lại về với địch.

Đêm nằm bên địch, mơ tưởng về “ta”

Mở mắt tỉnh ra, cạnh ta là địch

Cuộc đời quá mệt - vì địch, vì “ta”.

Âu yếm mặn mà, ta không cho địch

Khi nào cơ cực, “ta” lại bỏ ta

Lòng thấy xót xa, quay về tìm địch

Nhưng đà không kịp, địch cũng bỏ ta

Giờ ngẫm nghĩ ra, hận “ta”, thương địch

Cuộc đời đã hết, vì địch bỏ ta

Bài học rút ra: Vì “ta” mất địch

Nếu không muốn mệt, đừng nên có “ta”

Đời vẫn thăng hoa, khi ta còn địch.

 

*Những vần thơ từ điện thư:

Điện thư bao giờ mà chả có thơ. Thơ ở điện thư cũng tựa hơi thở của thư điện. Thư điện mà lại không có thơ thì cũng chỉ như điện thư mà lại không có “điện”, chẳng còn gọi được là điện thư nữa. Vậy, xin bạn cùng tôi, ta đọc thêm những giòng thơ rất nhiều “điện” về “đàn ông” như sau:

 

THÂN PHẬN ĐÀN ÔNG qua thơ TT KH

 

Một mùa thu trước, mỗi hoàng hôn

Tới tháng lãnh lương mới hết hồn

Bạn rủ đi chơi, nào có dám

Tôi chờ người tới để…giao lương

Người ấy thường hay ngắm lạnh lùng

Xấp tiền lương mỏng, hỏi lung tung :

Rằng lương sao có bao nhiêu đấy?

Chắc“diếm” bớt rồi, phải thế không?

 

Người ấy thường hay móc bóp tôi

Khảo tiền mỗi lúc bóp tôi vơi

Bảo rằng tôi móc còn hơn để…

“ghệ” móc tiền ông, mới khổ đời.

 

Thuở ấy nào tôi đã biết gì :

Trẻ người, non dạ quá ngu si

Bao nhiêu tiền bạc, tôi “dâng” hết…

Chẳng giữ cho mình được…tí ti

 

Đâu biết tiền đưa bả tháng này

Là tiền dành dụm bấy lâu nay

Bao nhiêu tiền mặt, “người” chôm hết

Biết lấy gì vui với bạn đây?

 

Từ đấy thu, rồi thu, lại thu

Lòng tôi còn giá đến bao giờ

“Người kia” đã biết tôi vơi túi

“người ấy” cho nên vẫn hững hờ

 

Tôi vẫn đi…bên cạnh một người

Dữ như sư tử của lòng tôi

Và từng thu chết, từng thu chết

Vẫn sợ “vợ” hơn cả…sợ trời

 

Buồn quá, hôm nay xem lại túi

Chỉ còn tiền lẻ để…ăn xôi

Bao nhiêu tiền chẵn, người gom hết

Chỉ tặng cho tôi…một nụ cười

Tôi nhớ lời người đã bảo tôi.

Đưa tiền người giữ khỏi lôi thôi

Đến nay, tôi hiểu thì tôi đã…

Làm lỡ đời trai, muộn mất rồi.

 

*Cứ tiếp tục những tin về người thân:

Kỳ này, tin là tin về nhạc phụ của cựu đệ tử Nguyễn Anh Cung (cùng lớp với Lm Trần Ngọc Thao DCCT) hiện sống ở Adelaide, thủ phủ miền Nam nước Úc, như sau:

 

Gia dinh anphong chi hoi Sydney xin thong bao cho anh chi hay la

Cu Ong than sinh Bac gai Nguyen Anh Cung la Giuse  Le van Ha

moi duoc Chua goi ve nha Cha vao ngay 15/05/2012 tai Sydney,

huong tho 98 tuoi.

Thanh le tien dua Cu Ong Giuse se duoc cu hanh tai nha tho xu

Cabramatta vao luc 1gio trua ngay thu sau 18/05/2012, sau do Cu

Ong Giuse se duoc an nghi tai nghia trang Liverpool,

Vay toi xin bao tin buon de anh chi hay va sap xep tham du Thanh le

tien dua nguoi qua co va chia buon cung tang quyen ,

Xin chan thanh men chao qui anh chi.

CHT  Pham van Chuong

CHP Dam thi Mai

 

Comments