Duc In Altum‎ > ‎

Duc in Altum số 70

                                                                                                        Số 70 – Quý 2/2010

 

"GIUSE

TRONG XÓM NHỎ

KHÓ NGHÈO

THUỞ XƯA..."

           Lm Vĩnh Sang Phạm Trung Thành, CSsR

 

Xin được nối tiếp những ý tưởng đã gợi ra trong bài "ĐẠO ĐỨC TRONG XÃ HỘI HÔM NAY" (xem http://huongvedaihoidanchua.net/chuyendaucaidau/3701.html )

 

Đúng một tuần sau ngày tôi chia sẻ những suy nghĩ của tôi trong bài “Đạo đức trong xã hội hôm nay”, thứ sáu ngày 12.3.2010, trên các trang mạng www.dcctvn.netwww.huongvedaihoidanchua.net, hôm nay, thứ sáu ngày 19.3.2010, trong bài giảng Thánh Lễ mừng kính Thánh Giuse, một người anh em của chúng tôi đã chia sẻ rằng “Thánh Giuse là vị Thánh không nói gì hết”. Vâng, ngài đã không nói gì nhưng ngài làm rất nhiều, làm tất cả những gì Chúa muốn, làm ngay tức khắc, không chậm trễ và làm với tất cả sự ân cần, tận tụy và cần mẫn, đầy trách nhiệm của ngài...

Trong bài chia sẻ “Đạo đức trong xã hội hôm nay”, tôi có bày tỏ môt suy nghĩ, chúng ta cần bắt tay vào làm, làm ngay một cái gì đó để góp phần đáp lại  ơn Chúa, gây một biến chuyển khả quan nào đấy về đạo đức trong xã hội.

Vì thế hôm nay, tôi muốn triển khai lời đề nghị của mình, dựa vào hình ảnh Thánh Cả Giuse, người cha mẫu mực, người chồng công chính, người chủ gia đình khôn ngoan, người lao động gương mẫu, người tôi tớ trung thành của Thiên Chúa.

Tôi nghĩ chúng ta cùng một lúc với những cố gắng phân tích tình hình đạo đức trong giới trẻ hôm nay, tìm ra nguyên nhân chính yếu, nghiên cứu cách khắc phục, cải thiện và thăng tiến, thì điều mà chúng ta cần làm đó là, chỉnh đốn ngay cách sống của từng người chúng ta trong gia đình, trong xóm ngõ, và trong Giáo Xứ của chúng ta. Thành phần cần hoán cải, sửa chữa, xoay chiều trước tiên đó là bậc làm cha làm mẹ, làm nhà giáo dục, là những người có trách nhiệm trong cộng đồng.

Giới trẻ ngày nay nói riêng, xu hướng xã hội nói chung, người ta cần những chứng nhân hơn là thầy dạy. Cách họ sống, cách họ cư xử, lời họ nói, gây một ấn tượng rất mạnh và ảnh hưởng rất lớn trên những ứng xử của những người trẻ.

Nếu chúng ta muốn có những con người nhân ái hơn trong cách ừng xử với nhau, tương quan với nhau trong phẩm cách con người, tôn trọng và chấp nhận lẫn nhau, tôi nghĩ, chúng ta sẽ không làm gì khác hơn là chính những người lớn hãy sống với nhau cho tử tế như vậy. Người làm cha làm mẹ hãy tôn trọng nhau trong từng lời ăn tiếng nói, hãy quan tâm đến nhau, lo cho nhau, tha thứ cho nhau, hãy sống vì nhau và cả hai cùng sống vì đàn con.

Nếu chúng ta muốn có một lớp trẻ sống trọn vẹn tình người, những người lớn hãy cư xử với nhau cho trọn vẹn tình người. Đừng lọc lừa nhau, đừng gay gắt với nhau, đừng kết án lẫn nhau... Hãy quan tâm đến những người nghèo đói, chú ý đến những người bất hạnh, kém may mắn hơn mình, sẻ chia những gì mình có dư thừa nếu không muốn nói là sẻ chia một cách quảng đại chính những cái mình sở hữu thiết thân.

Đừng lạnh lùng trước khổ đau, đừng im lặng trước bất công, trước cái xấu, đừng chăm chút cho mình nhưng hãy biết xả thân lo cho người khác, đừng sống ích kỷ, đừng lập lại vở kịch đau thương của lão phú hộ giàu có và người nghèo Ladarô bên ngưỡng cửa đời mình.

Những điều chúng ta nghĩ về người làm cha làm mẹ cũng là những điều chúng ta nghĩ về các nhà giáo dục, các bậc làm cha làm thầy trong đời sống tâm linh, những người có trách nhiệm trong cộng đồng xã hội. Như tôi đã nói lời sám hối, chúng ta không thể đòi hỏi giới trẻ những điều mà chính chúng ta chưa hoặc không chịu sống, chúng ta không thể cho cái mà chúng ta chẳng hề có.

Sống ác độc với nhau, lạnh lùng trước khổ đau, thiếu vắng lòng nhân ái, chỉ biết vun quén cho mình, không cảm thông và quan tâm đến người khác, thì làm sao ta lại có quyền đòi giới trẻ sống những giáo điều chúng ta chỉ rêu rao mà thôi?

Nhiều khi chúng ta trách mắng các em, rằng không chịu nghe lời dạy bảo, không thèm quan tâm học hành, không siêng năng tham dự Thánh Lễ và nghe giảng Tin Mừng, nhưng chính chúng ta có bao giờ chịu thay đổi cách dạy bảo bằng chính cách sống, làm gương trong học hỏi, sống chính điều mà chúng ta rao giảng không ? Dẫu rằng chúng ta thân phận yếu hèn, nhưng ít là chúng ta tỏ ra là chúng ta có nỗ lực, cố gắng vượt lên trên số phận, cố gắng sống tốt và không lừa bịp giới trẻ.

Giới trẻ ngày nay rất nhạy bén, các em rất dễ nhận ra lối sống giả hình, gian dối nếu chúng ta che đậy và lừa bịp các em. Tôi nghĩ chúng ta nên thành thật, đối thoại với con cái mình, nói cặn kẽ với nhau điều hay lẽ phải, các em sẽ tha thứ và cảm thông với chúng ta, rồi cả nhà cùng nhau xây dựng tốt hơn, nâng đỡ nhau, nhắc nhở nhau, cùng dìu nhau tiến bước.

Có lẽ tôi đã quá lời, xin tha thứ cho tôi nếu tôi đã vô tình xúc phạm đến các bậc trưởng thượng, chỉ là vô tình khi muốn nói thật, không cố ý và cũng không hề bắc cầu cho bọn trẻ nó leo, “vẽ đường cho hươu chạy”. Những lời vừa viết phát xuất từ tấm lòng hết sức chân thành của tôi.

 

Lm Vĩnh Sang Phạm Trung Thành, CSsR

21.3.2010

 

Đời người luống những ưu tư, sầu buồn.

            Sầu buồn, hẳn không là một đặc trưng. Của nhiều người. Ưu tư, chắc chắn không là trạng thái rất riêng. Nơi cuộc sống. Sống đời người, ai cũng có những trạng huống ưu sầu, rất hiện thực. Trong cuộc đời hiện thực, thay vì chào nhau, người người thường vẫn lặp lại lời ca của nhà nhạc sĩ họ Nguyễn tên Ánh 9, mà trần tình: “Buồn ơi, ta xin chào mi.” Nhè nhẹ hơn, hoặc lời vẫy gọi rất hiện sinh Tây Phương, thời F. Sagan: “Bonjour tristesse”.

Có chào hay không, thì buồn đau vẫn cứ là đau buồn. Có nhè nhẹ tình sầu hay không, thì  ưu tư nặng trĩu vẫn cứ nặng trĩu. Không thể là thái độ của người dân đi Đạo, rất nghiêm minh. Và, thái độ ưu tư, sầu buồn ấy đã rõ nét nơi trình thuật Phúc âm, hôm nay.

Phúc âm kể truyện người thanh niên giầu có, có sầu buồn, có cả khó khăn. Khó khăn, trong quyết tâm rập khuôn theo lời khuyên dạy của Đức Chúa, mà anh gọi là Thầy Nhân Lành, chí thánh. Thật ra, thì người thanh niên trong truyện là một nhân vật đáng thương. Đáng thương, vì đã tiếp cận với Đức Chúa, đã nghe và đã thấy rất nhiều việc Ngài làm. Nào là: chữa lành cho người bệnh đổ xô, kéo đến. Nào là: khuyên dạy bảo ban, rất yêu thương đánh động.

Quả là, việc Đức Kitô làm và dạy làm, đã đánh động lòng yêu thương, của mọi người. Nhưng ở đây, chừng như người thanh niên vẫn cứ kêu rên:

Buồn ơi, yêu đương là thế

Sao tình ta vẫn mãi đam mê

Người yêu cho ta niềm đau

Buồn hỡi, cho ta quên mau”(Ng Ánh 9)

Vẫn cứ quên mau mọi việc Chúa làm, người thanh niên giàu có đã tiến xa hơn, nhưng anh vẫn chỉ thêm xa cách Chúa. Anh chẳng bận tâm dừng lại, thực hiện lời Thầy Nhân Lành Chí Thánh khuyên nhủ: Hãy bỏ mọi sự ở đó, khăn gói lên đường mà theo Tôi.  

Trong đối đáp với Thầy Nhân Lành Chí Thánh, người thanh niên vẫn chỉ quan tâm đến những tiêu cực, cấm kỵ trong lề luật, có từ thời Môsê. Nào là, “chớ làm điều này”, “Đừng phạm tội nọ”... Ở đây, “Hãy bỏ mọi sự mà theo Tôi”, là: hãy lên đường thực hiện việc yêu thương đùm bọc, rất tích cực. Nhưng ở đây, người thanh niên vẫn dừng lại, chừng như đang hát thầm:

Buồn ơi hãy đến với ta,  

Để quên chuyện tình xót xa. (Ng Ánh 9)

Chọn lựa của cải, danh vọng, tiền tài là đầu giây mối nhợ của mọi sầu buồn, người thanh niên đã quên đi chuyện tình xót xa của Thầy Chí Thánh, Nhân Hiền. Cũng thế, qua người thanh niên làm đại diện, thế giới đương đại đang quan tâm nhiều đến tiền tài danh vọng của cải. Nào mấy thiết tha đến lời kêu gọi của Đức Chúa.

Để giải quyết mọi nỗi sầu buồn, Đức Kitô đề nghị: Hãy bỏ hết mọi sự (mọi nguyên nhân gây nên sầu buồn) mà theo Tôi. Theo Ngài về với Nước Trời, thế giới sẽ có được niềm vui trong yêu thương, an bình.  Với yêu thương an bình, sầu buồn không còn chỗ đứng trong cuộc sống. Và, mọi lo âu về những “cô đơn, bơ vơ, tình lạc lòai” như nhà nghệ sĩ họ Nguyễn vẫn lo sợ, sẽ biến đi thôi.

Sầu buồn, đây không chỉ là tâm tư riêng lẻ của ai đó, ở đời thường. Sầu buồn, còn là trạng thái tâm tình của rất nhiều người, nơi nhà Đạo. Khi xưa và bây giờ. Thời xưa, qua chuyện người thanh niên sầu buồn, Đức Kitô đã lật đổ quan niệm nhân sinh yếm thế của người Do Thái, rất ngoan Đạo. Nhân sinh quan của họ rất giản đơn: chỉ việc giữ đúng từng nét chấm phết của lề luật, là đủ. Ngoài ra, họ cứ thế tha hồ mà làm giầu. Quyết làm giàu, là vì : có giàu sang mới dễ tiếp cận giới chóp bu, trong xã hội nhà Đạo. Có giàu sang mới được mọi người trọng vọng. Mới leo lên được đỉnh cao trong hệ cấp thần quyền..

Lập trường nhân sinh của Đức Kitô khác hẳn: Ngài đem Tin Vui An Bình đến với hết mọi người. Tin vui Ngài truyền đạt không chỉ ban cho môn đồ nhà Đạo, những người theo chân Ngài, mà thôi. Nhưng là, với hết mọi người. Tức, những ai biết nghe và làm theo lời Ngài khuyên răn, chỉ dẫn. Và, niềm Vui Nước Trời sẽ không là niềm vui chóng qua, tạm bợ nữa. 

Tin Mừng Thầy Nhân Lành mang đến là niềm vui Ngài trao ban cho mọi người. Niềm vui chung Ngài đem đến còn đặt nặng một điểm: chỉ những ai biết cách ly cuộc sống, không màng giàu sang phú quý chất chồng, mới nối kết được với sự vui sống đích thực, ở Nước Trời.    

Có được niềm vui san sẻ ấy, con dân Nước Trời sẽ chẳng còn lo lắng gì đến những chấm phá tiêu cực của lề luật, và những khuyến dụ của trần gian. Có được Tin Vui An Bình, từ nay người người sẽ không còn mang nặng tâm tư lắng đọng, những sầu buồn. Người người sẽ bỏ lại đằng sau các tâm tư chán chường ấy, để rồi theo Thầy Nhân Lành Chí Thánh mà yêu thương đùm bọc.

Đến với Đức Kitô, người người sẽ có được Thần Linh Chúa, làm bằng. Thần Linh Chúa luôn là cơ sở cho mọi tin-yêu, an bình. Đó chính là niềm vui đích thực. Vui vì không còn mê say hấp lực của tiền tài vật chất nữa. 

Cuối cùng ra, có được niềm vui đích thực, người người sẽ hiên ngang nhắm thẳng về phía trước, mà tiến tới. Tiến thẳng, để giã từ mọi tình tự cô đơn sầu buồn, mọi ưu tư do tiền tài vật chất đem đến. Bỏ hết mọi sự  -những tình sầu buồn, ưu tư kia-  ta sẽ cùng với người nghệ sĩ họ Ngô  hát lên câu ca đầy ý nghĩa, rằng:

Ta đã say, hồn ta đã say

Men yêu thương đã thấm cuộc đời”

(Ngô Thụy Miên – Bản tình cuối) 

Và, khi men yêu thương đã thấm đời mình, ta cứ mạnh dạn ngất ngây. Cứ ra đi tiến bước. Cứ đi đến với hết mọi người để cho yêu thương nhuần thấm cuộc đời, của tất cả.  Cả một đời, đem yêu thương của Đức Chúa đến với người người. Người người rồi sẽ say. Sẽ ngất ngây với Tin rất Vui . Rất an bình. Rất ư là Tin Mừng.

Lm Richard Leonard sj

 

KỶ VẬT VÔ GIÁ

__________________________________________

                                                                     

Matta Maria Ngô Thị Thùy Hương                                                                                                 (Con Dâu Cha thánh An Phong)

 

            Lạy Mẹ Hằng Cứu Giúp, gia đình con mang ơn Mẹ rất nhiều, nhưng chưa bao giờ con biết cao rao danh Mẹ để nhiều người biết đến Mẹ.  Giờ đây con xin lỗi Mẹ.  Hôm nay con xin nói lên một vài tâm tình chân thật của con.                                                                     

Trong tủ sách của gia đình tôi, tương đối có nhiều sách, và nhiều loại khác nhau.  Giữa bao nhiêu sách đó, có một tập sách nhỏ mà tôi rất yêu quý và trân trọng nhất. Tập sách này có một số trang rất khiêm nhường. Khiêm nhường đến độ chỉ chiếm một chỗ đứng không đáng kể bên cạnh những cuốn sách đồ sộ đã từ lâu vốn chễm chệ trên kệ sách. Lại nữa hình dạng toàn bộ của nó xem ra đã quá lỗi thời so với kỹ thuật in ấn hiện đại.  Thế nhưng tập sách này lại có một chỗ đứng thật trang trọng trong lòng tôi.  Sau biến cố 1975, nhất là sau ngày nhà tôi đi tù Cộng sản thì tôi mới để ý đến nó.  Từ đó tôi đặt tập sách lên kệ chung với những cuốn sách khác, nhưng nó cũng chỉ có mặt ở đó mà thôi chứ nó chưa có ảnh hưởng gì trong đời sống tâm linh của tôi. Cho đến khoảng thời gian sau khi nhà tôi ra tù năm 1981, vợ chồng tôi mang tập sách nhỏ này theo trong cuộc sống thiếu thốn đủ điều nơi vùng kinh tế mới.  Những ngày tháng lam lũ nơi vùng sâu nước độc đó tuy phải cam chịu bao nỗi gian lao, gia đình tôi vẫn cầu xin với Chúa và Mẹ để xin ơn nâng đỡ và đồng hành trong cuộc sống đã xuống tận bùn đen. Chính trong thời gian khốn khổ này mà tôi khám phá ra rằng tập sách nhỏ bé và lem luốc đó có một cái gì thật nhiệm mầu và hấp dẫn đối với riêng tôi. Kể từ đó, gia đình tôi dùng Nhật Khóa để đọc kinh hằng đêm.

 

Đó là cuốn Nhật Khóa Đệ Tử Dòng Chúa Cứu Thế. Chồng tôi vượt biên năm 1985. Tôi và 3 đứa con còn phải bám trụ vùng kinh tế mới để sống qua ngày, đợi đến năm 1992 gia đình mới được đoàn tụ tại Mỹ. Nhưng vì một đứa con đã lập gia đình trước ngày phỏng vấn nên riêng vợ chồng nó phải ở lại thêm mấy năm nữa. Trước khi đi Mỹ, tôi quyết định không mang theo tập sách Nhật khóa này, vì tôi muốn để lại cho con tôi như một kỷ vật của gia đình. Tôi muốn gia đình của con tôi còn ở lại cũng tiếp tục xử dụng tập sách này để làm tuần cửu nhật kính Đức Mẹ và những kinh nguyện khác. Bảy năm sau (1999), gia đình đứa con tôi cũng được đi định cư.  Biết cuốn Nhật Khóa là kỷ vật của mẹ nên con tôi cũng đã mang qua Mỹ cho tôi. Tôi rất đỗi vui mừng và cảm tạ Mẹ khi thấy lại được tập sách yêu quý.  Từ bấy đến nay tôi đã không xa rời nó và là tập sách gối đầu của tôi, là bạn đi đây đó với tôi từng giây từng phút.

 

Nếu ai cầm cuốn Nhật Khóa này trong tay đều phải công nhận rằng đây chỉ là một xấp giấy quá tầm thường. Nó gồm có 72 tờ giấy mỏng và củ kỹ được ghép lại với nhau bởi hai tờ giấy mầu xanh nhạt làm bìa trước và sau. Nó gồm những tờ giấy thật dòn mỏng đến độ có thể cho người ta một cảm giác nó có thể vỡ tan ra như những chiếc lá khô bị bóp nát, và tôi tin rằng người cầm tập sách này sẽ không dám lật mạnh những trang giấy màu vàng úa trong đó. Tôi nhớ lại, khi chúng tôi lập gia đình năm 1966 và sau đó ở chung với gia đình cha mẹ chồng thì chắc chắn tập sách này đã hiện diện với chúng tôi, nhưng tôi đã không để ý đến nó giữa bao cuốn sách khác trong nhà. Sau này thỉnh thoảng trong đời sống hằng ngày, khi câu chuyện đẩy đưa phải nhắc đến đời sống tu trì của nhà tôi trước kia, thì nhà tôi cho biết từ Đệ tử viện Huế anh đã cẩn thận đem nó theo vào tới Đệ tử viện Vũng Tàu.  Đến khi anh đau bệnh phải rời Đệ tử năm 1963 thì anh cũng đã mang nó theo về trong gia đình. Hôm nay, trong những giờ kinh nguyện và suy gẫm hằng ngày, tập Nhật Khóa Đệ Tử là nguồn cảm hứng tâm linh cho tôi hơn bất cứ một cuốn sách tu đức nào khác.  Tuy tôi chỉ biết sơ sài về xuất xứ của nó, nhưng tôi khám phá ra rằng nó đã có một hấp lực gì đó mà tôi không thể diễn tả đầy đủ được.  Tôi cho đó phải là một ân huệ mà Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp đã ban cho tôi vì tôi hằng ao ước mỗi ngày được yêu mến và bắt chước Mẹ hơn. Sở dĩ tôi coi đó là một ân huệ của Mẹ, vì ở bên trong của bìa sau tập sách tôi thấy có một ảnh Mẹ Hằng Cứu Giúp bằng giấy đã phai màu với thời gian, mà nhà tôi nói chính anh ấy đã dán vào đó khi nào anh không nhớ. Nhà tôi cho biết là ở trong Đệ tử viện “các chú” đã dùng tập sách này mỗi ngày, nhất là trong giờ kinh sáng trước thánh lễ. Và vẫn theo lời kể của nhà tôi thì khi anh ấy vào Đệ tử Huế thì tập sách này cũng đã có mặt nơi các hàng ghế trong nhà nguyện không biết từ lúc nào.

 

 Ngày nay, trong cuộc sống xô bồ nơi xứ người, cũng có những lúc vợ chồng tôi cùng ngồi với nhau để nhà tôi có dịp ôn lại một chút về những tháng ngày xa xưa trong Đệ tử mà anh cho là những thời gian êm đền và hạnh phúc nhất, bây giờ không thể nào tìm lại được.  Những lúc đó nhà tôi cầm lấy tập sách cũ, cẩn trọng lật lại từng trang và nói cho tôi biết về những bài kinh nguyện đã được dùng trong sinh hoạt nào trong một ngày của “các chú” đệ tử.  Nhà tôi vẫn có khuôn mặt và giọng nói xúc động khi nhắc đến những bài kinh nguyện đó. Anh  nói một cách nuối tiếc rằng, mọi sinh hoạt và kinh nguyện thời đó đến nay còn lại chỉ là trong tâm khảm mà thôi. Nhưng với cương vị là người vợ luôn sát cánh với chồng, tôi thấy chính nhờ những năm tháng được ở trong Nhà Chúa mà ngày nay nhà tôi vẫn còn giữ được những điều căn bản rất cần thiết cho gia đình chúng tôi và con cháu.

 

Tập sách quá tả tơi đến độ tôi phải rất cẩn thận lật dở từng trang của nó. Lúc còn ở bên nhà chính tôi đã phải dùng kim may để khâu lại hai trang bìa để giữ được những tờ giấy bên trong. Giữ được chỉ một thời gian thì những tờ giấy cứ theo việc lật dở hằng ngày mà rách mòn theo. Tôi lại lấy kéo cắt tỉa những phần tả tơi của những trang giấy để nó không bị rách thêm, bởi thế kích thước của mấy chục trang giấy bị rút nhỏ lại.  Tôi còn nhớ không lâu trước khi đi Mỹ đoàn tụ, tôi đã tỉ mĩ cắt từng miếng băng keo để dán lên các trang giấy để chúng khỏi bị rơi khỏi tập sách.  Ngày nay theo thời gian những miếng băng keo cũng đã khô đi và tôi đang nghĩ đến việc nhờ nhà in giúp đỡ nhưng chưa tiến hành được.  Nhà tôi đã để lại một kỷ niệm vẫn còn rõ nét trong tôi khi kể về những kinh trong tập sách này. Đó là Kinh Dọn Mình Chết Lành. Trong thời gian nhà tôi còn ở tù, mẹ con tôi vẫn đọc kinh hằng đêm, một mặt để cầu nguyện cho nhà tôi sớm về đoàn tụ, mặt khác để tập cho các con tôi thuộc một số kinh trong tập sách mà nhà tôi đã muốn cho gia đình tôi đọc hằng ngày. Theo nhà tôi kể, khi còn ở Huế khoảng thời gian năm 1957-1960, mỗi đêm trước khi lên giường ngủ thì “các chú” quỳ xuống ngay bên cạnh giường của mình để dọn mình chết lành.  Trong phòng ngủ trên lầu 3, cha Giám đốc – nghe nói lúc đó là Cha Sơn, theo lời nhà tôi kể -- cho tắt hết đèn điện và khoảng 150 “chú đệ tử” sốt sắng nhịp nhàng và chậm rãi đọc kinh dọn minh chết lành trong khi bóng tối bao trùm chung quanh. Và dù các chú là người Bắc, Trung hay Nam Kỳ, tất cả đều đọc kinh này theo âm điệu tiếng Huế, thật nhẹ nhàng và êm dịu.  Tôi rất thích và xúc động nhất với câu mở đầu: “Lạy Chúa con, con biết thật con sẽ chết, có khi con chỉ còn sống được ít phút nữa mà thôi.  Có khi đêm nay con vào giường nằm nghỉ mà sáng mai chẳng còn chỗi dậy nữa, cho nên Chúa dặn bảo con dọn mình vào giường nằm nghỉ như là vào mồ chết vậy...”  Nhà tôi kể tiếp, trong yên lặng của vạn vật tiếng đọc kinh dọn mình chết lành của các chú vang vọng xuống vùng dân cư ở chung quanh, nhất là con đường Nguyễn Huệ ngay trước mặt Đệ tử viện, và đã thực sự đánh động rất nhiều người. Đến nay thì vợ chồng tôi, và nay các con tôi đã có gia thất riêng, ai cũng thuộc và đọc kinh này trong những khi có thể được.

 

Khoảng năm 2000, trong dịp mừng lễ Cha Thánh Anphongsô anh em cựu đệ tử Nam Cali về dâng lễ tại Nhà Dòng Baldwin Park, California.  Cha Nguyễn Đức Mầu, CSsR, cũng hiện diện với anh em. Nhà tôi đưa cho cha Mầu xem cuốn Nhật Khóa Đệ Tử DCCT với ý định xin ý kiến của ngài.  Nghe nhà tôi nói, khi còn ở Đệ tử viện Vũng Tàu vào thời gian khoảng năm 1963 thì cha Mầu học trên nhà tôi 3 lớp nên chắc chắn là cha cũng biết về tập “cẩm nang” này.  Khi Cha Mầu nhận tập sách từ trên tay của nhà tôi, tôi thấy khuôn mặt cha có một thoáng xúc động. Có lẽ ngài cũng đang “nhìn về quá khứ” rất nhanh.

- “Thưa Cha, cha còn nhớ cuốn sách này không”, nhà tôi hỏi cha Mầu khi trao tập sách nhỏ cho cha.

- “Chà, anh còn giữ được đến bây giờ sao”, cha Mầu khen nhà tôi nhưng cha không để lộ một dấu chỉ xúc động nào.

- “Thưa cha chỉ còn vật này của Đệ tử mà con còn giữ được”. Nhà tôi trả lời cha. “Xin cha xem coi có thể còn dùng tập sách này được việc gì cho các anh tập sinh nữa không?”.

Cha Mầu lật qua lật lại, dở vài trang bên trong.  Sau cùng cha kết luận:

- “Anh cho tôi mượn xem lại vài hôm”, cha nói với nhà tôi. Đoạn cha cũng cho biết ý kiến:

- “Hy vọng mình sẽ đúc kết lại và cho in thành tập kinh cho Đệ tử”.

Sau buỗi họp mặt thân hữu đó, vợ chồng tôi áy náy phải tạm biệt với tập sách đó và cầu mong nó có thể được cha Mầu chọn trở thành người bạn thân với các tu sinh đang tu học bên Houston.  Nhưng có lẽ vì quá bận rộn với bao công việc khác của Nhà Dòng nên không thấy cha Mầu tiến hành gì về tập sách này. Trong khi tính tôi thì cứ sợ rằng tập sách “gia truyền” có thể bị “thất truyền” giữa bao công việc bề bộn nơi Nhà Dòng nên tôi đã có dịp xin cha Mầu cho nhận lại.  Cha đã vui vẻ trả lại cho vợ chồng tôi, và ngài vẫn chưa có ý định gì thêm.

 

            Riêng đời sống đạo của gia đình tôi cũng đã ít nhiều được khởi đi từ nội dung các kinh nguyện hằng ngày trong tập sách này, nhất là các kinh về Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp.  “Mẹ ơi, biết bao nhiêu lần gia đình chúng con gặp phải những chuyện lo âu, gian nan khốn khổ trên đường đời trong quá khứ cũng như hiện tại nơi xứ người, thì Mẹ bao giờ cũng đứng đó sẵn sàng can thiệp và ban ơn cứu giúp như tước hiệu của Mẹ. “Mẹ chẳng tìm công mà thưởng, chỉ tìm sự gian nan mà cứu giúp”. Suốt quãng đường hành trình đức tin dài 65 năm của nhà con, 62 năm của riêng con, và 44  năm chúng con sống bậc gia đình nơi dương thế, cũng như tuổi đời của các con các cháu, Mẹ đã dẫn dắt từng người. Cũng nhờ vào tập sách nhỏ bé, đơn sơ, và mộc mạc này mà con biết thêm về Mẹ và yêu mến Mẹ hơn. Thật là một hồng ân cho con được có tập sách quý này trong gia đình từ bao năm qua. Giờ đây, qua cuốn Nhật Khóa Đệ Tử DCCT, mỗi khi làm tuần cửu nhật kính Đức Mẹ để xin những ơn cần thiết cho gia đình, tôi không quên cầu nguyện cho Nhà Dòng và cách riêng cầu nguyện cho các tu sĩ trong Dòng để các ngài ra đi loan báo Tin Mừng của Chúa và cứu giúp những linh hồn tất bạt.

 

Cùng với cuốn nhật khóa này nhà tôi cũng còn giữ lại được một mẩu tượng giấy mà đến nay thì mầu sắc đã vàng úa và cũ kỹ vô cùng.  Đó là tượng Trái Tim Chúa bị gai nhọn đâm thâu vì tội lỗi loài người. Khi nhìn thấy tượng Trái Tim Chúa ở bìa trước và tượng Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp ở bìa sau, tôi nhớ lại tấm ảnh cũng của Trái Tim Chúa mà bố chồng tôi đã mang theo vào Nam năm 1954. Đây cũng chính là lý do tại sao tôi phải viết những giòng tâm tình này với nhan đề “Kỷ vật vô giá”.  Tôi nhớ lại khi xem cuốn phim “Chúng Tôi Muốn Sống” tôi cũng nhận thấy có nhiều bà con trên đường di cư vào Nam đã không quên mang theo tấm ảnh Mẹ Hằng Cứu Giúp. Cũng như khi viết đến đây tôi lại sực nhớ đến cuốn DVD “1975-2005, Ba Mươi Năm Viễn Xứ” tức là cuốn DVD Paris By Night 77 do Trung Tâm Thúy Nga phát hành dịp Quốc Hận 30 Tháng Tư 2005.  Cuốn DVD 77 này đã cho tôi thấy lại những hình ảnh thật cảm động khi thấy người di cư gồng gánh mang theo những tượng ảnh của Chúa và Đức Mẹ.  Tự nhiên tôi thấy đức tin sống đạo của mình còn quá kém xa so với những bà con đã can đảm và phó thác mọi hiểm nguy trong cuộc đời của mình cho Chúa và Mẹ Maria.

Hôm nay đang ở trên xứ người, cuộc sống vật chất quá xô bồ và cám dỗ, thu hút mọi thời giờ và sức lực của mọi người và mọi gia đình.  Trong bối cảnh của một cuộc sống nguy hiểm như thế này, tôi tin rằng chỉ có Mẹ mới đủ sức bênh vực che chở gia đình tôi sống theo lề luật Chúa.  Và cuốn nhật khóa Đệ Tử Dòng Chúa Cứu Thế đã nên như người bạn tốt lành cho gia đình tôi trong giờ kinh nguyện mỗi ngày. Tập sách cũng đã giúp chúng tôi đang ở những ngày xế chiều của cuộc đời, để biết sống suy niệm về những ngày hạnh phúc và êm đềm mà nhà tôi đã được Chúa Cứu Thế mời gọi sống trong tuổi niên thiếu.

            Tôi cảm nghiệm được rằng, giữa những gì chúng tôi đang có hôm nay, thì tập sách “Nhật Khóa Đệ Tử Dòng Chúa Cứu Thế” quả là một kỷ vật vô giá.

 

                 

     Matta Maria Ngô Thị Thuỳ Hương

     (Con dâu Cha thánh An Phong)                                                                                                                             

 

THẦY GIÁO

THẦY TU

THẦY THUỐC

_______________________________________

                                     Lm. Lê Quang Uy, CSsR  

 

Nhân Ngày Thầy Thuốc 27 tháng 2, xin kính gửi đến các Thầy Thuốc chân chính một bài viết về Thầy Thuốc. Tác giả cáo lỗi đã quá bận bịu, không viết được bài mới, mà chỉ tìm lại được một bài cũ viết từ năm 2005 cũng vào dịp này...

 

Nhiều người vẫn bảo trong xã hội Việt Nam, có 3 giới được trân trọng gọi bằng “Thầy”: Thầy Giáo, Thầy Tu và Thầy Thuốc. Tại sao vậy ? Xin thưa ai cũng có thể trả lời ngay được rằng: vì đó là những nghề cao quý, chuyên dạy người, giúp người và cứu người. “Thầy” cũng còn được hiểu là cha, là bố của ta, là đấng sinh thành cho ta làm người.

 

Về “Thầy Tu”, chắc chắn ai trong chúng ta cũng có thể hồi nhớ lại trong đời mình ít là một vị Giám Mục, Linh Mục, hay Tu Sĩ nào đó đúng nghĩa là thầy và là cha, là mẹ của chúng ta. Còn bản thân tôi bây giờ được người ta kính cẩn gọi là “cha”, được các bạn trẻ sinh viên quý mến kêu “bố ơi”, thú thật nhiều khi thấy hổ thẹn vì còn nhiều bất xứng lắm. Cứ phải cố gắng noi gương các “cha” của mình mà sống, mà ứng xử cho đàng hoàng hơn.

 

Về “Thầy Giáo”, tôi từng là giáo viên vỏn vẹn có 5 năm khi mới hai mươi mấy tuổi đời, lại không dạy học trò mà chỉ thỉnh thoảng bồi dưỡng chuyên môn cho các giáo viên, sau này đi Thanh Niên Xung Phong, tôi có được thêm vỏn vẹn 6 tháng làm hiệu trưởng trường Bổ Túc Văn Hóa của Tổng Đội 1 ở xã Tà Nung của người dân tộc K'Hor. Do vậy chưa bao giờ tôi dám nhận mình là thầy giáo đúng nghĩa.

 

May mắn là tôi đã có được những thầy cô giáo mà tôi mang ơn dạy dỗ như trời bể, đến mức có thể gọi là người cha, là người mẹ thứ hai, không sinh, không dưỡng nhưng lại giúp tôi nên người. Tôi nhớ mãi ngày mình khấn trọn trong DCCT, mẹ tôi vừa qua đời hơn một tháng trước, ngay sau Lễ, soeur Tô Thị Anh, Dòng Đức Bà – cô giáo đã dạy tôi môn Tâm Lý Gặp Gỡ Chiều Sâu – nhỏ nhẹ bảo: “Anh Uy ơi, tôi xin tặng cho anh một nụ hôn thay cho má của anh nghen!” Và cô đã ôm chầm lấy tôi, xiết chặt. Vẻ bên ngoài thì hơi Tây một chút, nhưng tình cảm gửi gấm bên trong thì đúng là một vòng tay ấm áp của một người mẹ.

 

Còn với người “Thầy Thuốc”, tôi đã 2 lần được đại phẫu: năm 1979 khi sắp vỡ tung khúc ruột thừa viêm to, tôi còn nhớ tên ân nhân cứu sống mình là bác sĩ Bảo, bệnh viện Sàigòn; và năm 2001 mổ lấy một khối u tròn như quả banh pingpong trong ruột tại một bệnh viện hiện đại quận 16 Paris, tiếc là tôi đã vô tình đến nỗi quên không tìm gặp cũng không nhớ được tên vị giáo sư bác sĩ người Pháp đã cứu mình kịp thời khỏi tai họa ung thư.

 

Vậy đó, Thầy Giáo thì rèn đúc nên tâm hồn mình, Thầy Tu thì hướng dẫn tâm linh cho mình sống cho phải đạo, còn Thầy Thuốc thì chăm sóc và cứu chữa mình để mình được tiếp tục sống. Chúng ta mang ơn các Thầy mà lại không bị các Thầy đòi phải trả ơn, nếu mình có muốn trả ơn thì chỉ có cách sống nết na hơn, tốt lành hơn mà thôi. Các Thầy tuyệt vời của chúng ta chẳng mong gì điều gì khác.

 

Ừ nhỉ, chưa ai nghĩ đến chuyện trong năm chọn ra một ngày của “Thầy Tu”, xã hội chúng ta chỉ mới có Ngày “Thầy Giáo” 20 tháng 11 và Ngày “Thầy Thuốc” 27 tháng 2 hôm nay. Tôi cứ băn khoăn mãi không biết sẽ viết gì đây nhân Ngày đặc biệt này, may quá lại gặp được bác sĩ Hoàng Đức Quyền, trước đây hơn mười năm khi còn là sinh viên đã từng sinh hoạt ở DCCT. Tôi ngỏ ý xin anh viết một chút gì đó về nghề “Thầy Thuốc”, anh kêu bận quá, tôi nài nỉ thêm mà không chắc sẽ nhận được gì, không ngờ cuối cùng tôi nhận được qua E-Mail lời tâm sự dưới đây.

 

“...Sáng nay, vì đến tua trực, tôi vào Phòng Sanh và một sản phụ trẻ tuổi đã làm tôi chú ý. Hình như tôi đã gặp em ở đâu đó. Thôi đúng rồi, cách đây hai năm, tôi biết em khi em còn đang học lớp 11. Chúng tôi đã nhận ra nhau, em nhờ tôi giúp đỡ vì không có người quen nào. Tôi đã động viên em, hướng dẫn những điều cần thiết. Cuộc “vượt cạn” của em tưởng chừng diễn tiến bình thường, nào ngờ... kết cục thì... chỉ cứu được con trai của em, còn em thì các bác sĩ phải bó tay vì “băng huyết do nhau cài răng lược”.

 

Em chỉ là một trong nhiều sản phụ gặp trục trặc trong lúc vượt cạn. Nhiều sản phụ phải cắt tử cung vĩnh viễn không mang thai được nữa; hoặc băng huyết nặng sau sanh, nhiễm trùng hậu sản, sức khỏe giảm sút rất nhiều sau khi sinh con... Tôi đã cảm nghiệm thật sâu sắc về sự hy sinh mất mát của người mẹ khi phải “mang nặng, đẻ đau” một đứa con. Những cảm xúc đó đã đánh động tôi viết thành một bài thơ, tạm gọi như vậy, vì thực ra hồi còn đi học Phổ Thông, tôi luôn bị điểm kém môn Văn.

 

CẢM XÚC

 

Kính tặng các Bà Mẹ,

 


Đặc biệt Người Mẹ yêu quý của con...

Em nhìn tôi, đôi mắt đen tròn ngơ ngác,

Sao quen quá đôi mắt này đã gặp.

Mới năm nào còn cô bé ngây thơ,

Mà giờ đây, Em đã là Sản Phụ.

 

Tiền chuyển dạ, em nhìn tôi nhờ vả.

Môi em cười, miệng em nói líu lo.

Ôi vui quá em trở thành người mẹ,

Đau khổ nào bằng hạnh phúc này không?

Chuyển dạ rồi, những cơn đau vật vã,


Em mím môi, tay bấu chặt thành bàn.

Ai hiểu em lúc này em nhỉ,

Những cơn đau xé thịt da người.

 

Vì kiệt sức đôi mắt em đờ đẫn.

Bỗng vọng lại một tiếng khóc... oe... oe...

Miệng thều thào, toàn thân em ngất lịm,

Mặt nhợt nhạt, vầng trán đẫm mồ hôi...

 

Một vùng đỏ thẫm và em đã ngã gục.

Tôi thót người, bất lực nhìn theo,

Chiếc băng ca lướt nhanh vào phòng mổ.

Ôi thương quá tấm thân gầy chịu đựng,

Để được con, em chết cả đời người!

 

Bàng hoàng nhìn em, tôi nghĩ về Mẹ,

Một đàn con, bấy nhiêu lần sinh nở,

Gánh nặng lo toan của ăn cái mặc.

Đau khổ quá nhiều, Mẹ tần tảo sớm

hôm...

 

Cảm ơn Mẹ đã cho con cuộc sống,

Mẹ ơi Mẹ ! hãy sống mãi bên con!

Bs. HOÀNG ĐỨC QUYỀN

 

Đọc xong, tôi đã xúc động thật sự. Ước gì xã hội bây giờ có được nhiều nhiều những bác sĩ vừa có Tài, lại vừa có cái Tâm như thế đối với cha mẹ, đối với học trò, đối với đồng nghiệp, và nhất là đối với bệnh nhân, để bớt dần đi những... “con sâu màu trắng làm rầu nồi canh”...

 

 

Lm. LÊ QUANG UY, DCCT
2005

 

 

Trỗi dậy từ nơi chết lặng.______

Sống cuộc đời trầm lặng, con người vẫn đầm mình trong nỗi nhớ, rất riêng. Riêng một góc trời. Riêng cả cuộc sống. Chẳng kể gì người  khác. Cũng chẳng đổi thay, cải biến. Với người đi Đạo, cuộc đời vẫn không thể bình lặng. Không thể vùi chết trong kiếp sống riêng tư. Nhưng phải đặt mình trong giòng đời trôi chảy, có chung và có đụng. Thứ giòng chảy rạt rào, có biến cải đổi thay. Đổi thay để thêm phấn khởi. Biến cải để hòa hợp với thực tại vẫn trỗi dậy, sục sôi. Các trỗi dậy nơi cuộc sống xảy đến với con người qua nhiều sắc thái, đặc trưng. Chí ít, như truyện kể về thỏ Bunny-trứng Phục sinh, rất sôi sục.

Người đàn ông vào tuổi chững chạc đang lái chiếc Cadillac, khá vội. Bỗng, có chú thỏ Bunny nhẩy bổ vào lòng đường, dừng lại trước mũi xe, đầy thách thức. Người đàn ông bẻ tay lái sang một bên, tránh không đụng vào người thỏ. Nhưng quá trễ. Thỏ nằm gục xuống lòng đường. Trứng Phục sinh đổ tràn tung tóe khắp đường lộ. Người đàn ông dừng lại, biết mình có lỗi, bật òa thành tiếng khóc, rất nức nở. Thấy vậy, chiếc xe sau vụt lên ngang tầm cửa sổ. Người lái xe là một phụ nữ, chị nhoài người ra phía cửa, hỏi: “Có gì thế?” – “Xui quá, tôi cán mất chú thỏ Bunny, chắc là nó chết!” Nghe kể, người nữ phụ biết mình phải ra tay cứu vãn tình thế. Chị quay ra sau xe, lấy bình xịt mà chị ưng ý nhất, bước qua thân hình nhỏ bé của chú thỏ, cầm bình xịt thẳng vào lớp lông thò bù xù, nằm bẹp. 

Như một phép mầu kỳ lạ, thỏ Bunny vụt dậy, trở về lại với cuộc sống bình thường. Chú lăng xăng chạy nhẩy; nhặt nhạnh các trứng còn rải rác trên đường. Xong việc, chú thỏ dùng bộ lông vẫy vẫy, tạm biệt. Tiếp tục cuộc chạy/nhảy, rất an bình. Đi được một quãng, chú Bunny bất chợt dừng lại, quay mình chào tạm biệt lần nữa. Lông mượt của thỏ cứ vẫy cho vẫy cho tới khi thỏ biến dạng.

Người đàn ông tỏ dấu kinh ngạc, hỏi bà bạn mới quen: ”Nhân danh Đức Chúa trên cao, xin hỏi có phải là nhờ bùa phép bình xịt mà chị đã giúp cho thỏ trở về sống, phải thế không?” Người phụ nữ chỉ vào giòng chữ ghi trên bình xịt: “Xịt lông/tóc. Tạo sức sống cho lông/tóc đã bị xẹp. Tạo chức năng gợn sóng, vẫy vẫy không ngừng.   

Với trẻ em sống ở nước ngoài, thỏ-trứng Bunny mang biểu tượng cao sang về Phục sinh, ngày hội lớn. Hàng ngàn năm qua, Kitô giáo góp phần làm quà Phục sinh bằng việc thuần thục hóa các truyền thống địa phương, cùng lễ hội dân gian đình đám. Hội thánh qui về một mối biến tất cả thành đại lễ, rất tưng bừng trọng thể. Tên gọi Easter lấy từ tiếng Anh mang ý nghĩa một lễ hội mùa Xuân của  người Ăng-glô Sắc-xông, quyết vinh danh vị thần nữ có tên là Eostre. Biểu tượng của thần là hình dáng thỏ bé xinh xinh.

Và, lễ hội dân gian thỏ Bunny với trứng Easter, được lập ra để chứng tỏ cuộc sống đã bừng dậy, sau nhiều tháng ngày đông lạnh, đầy ảm đạm. Các tư tưởng nối kết này rất có ý nghĩa đối với các nước ở Bắc Bán cầu, mà thôi. Tuy nhiên, ngay từ đầu, người tín hữu Đức Kitô đã dễ dàng hội nhập văn hóa với tập tục địa phương, biến cải thành của riêng, rất truyền thống.

Ngày nay, cả hai phần địa cầu Bắc Nam, đều đã cử hành việc Đức Kitô trỗi dậy từ cõi chết, Ngài đã mang lại sức sống mới cho con người, sức sống rất Phục sinh. Như trong Tân Ước, hai truyền thống cựu trào: truyền thống “mộ phần bỏ ngỏ” và “sự tỏ hiện của Đức Kitô” cho thấy sự kiện Phục sinh đã ảnh hưởng lên cuộc sống của Giáo hội tiên khởi.

Tin Mừng hôm nay đề cập đến truyền thống “mộ phần bỏ ngỏ”. Khi được Mag-đa-lê-na thúc giục, thánh Phêrô và Gio-an vội đến nơi chôn cất Đức Kitô, đã thấy “mộ phần bỏ ngỏ”; và, cả hai môn đệ tin là Đức Kitô đã sống lại thật. Hẳn nhiên, ta không thể chấp nhận giả thuyết cho rằng Đức Chúa đơn giản chỉ việc thổi sinh khí vào thi hài Đức Kitô lúc Ngài còn nằm trong mộ phần; cũng như phụ nữ kia đã khôi phục lại sự sống của thỏ Bunny như một truyện cổ-tích tân-thời. Làm xong điều này, cộng đòan kẻ tin thấy an tâm, êm chuyện.

Chúa nhật Phục sinh được lập ra không phải để ta cử hành việc Đức Kitô được thổi hơi vào phổi hầu phục hồi sức khỏe Ngài đã mất; nhưng, Ngài đã sống lại thật. Hiểu sống lại theo ý nghĩa: “thân xác đầy vinh quang” của Ngài không còn như thân xác loài người, trước khi chết nữa. Và, sự xuất hiện của Ngài cùng một lúc tại nhiều nơi đuợc xác nhận là thân xác Ngài đã Phục sinh, biến đổi. Các thánh còn thuật lại: Ngài đã đi xuyên tường, rồi biến hình. Đằng khác, sự nối kết giữa hai truyền thống Phục sinh đều đặt nặng vào cái chết của Đức Giê-su. Theo truyền thống “mộ phần bỏ ngỏ”được kể trong Tin Mừng hôm nay, thánh Gioan cho thấy các chi tiết khác thường về lớp vải liệm bọc xác Ngài. Còn, truyền thống thứ hai về “sự xuất hiện của Đức Kitô”, các thánh sử cũng nhấn mạnh đến dấu tích nơi tay chân Đức Chúa. Xem như thế, dù diễn tả theo cách nào đi nữa, tác giả Tin Mừng đều để lộ kinh nghiệm của mình về sự sống lại của Đức Kitô là sự kiện có thật. Nói như thế, các môn đệ hiểu rằng: đấy là Đức Kitô, Đấng đã chết trên khổ giá, đuợc các ngài mai táng cẩn thận, nay đã sống lại, thật sự.

Thành thử, điều mà Đức Chúa thực hiện qua cái chết và sự sống lại của Đức Kitô chính là điều mà các tín hữu hôm nay vẫn làm với các tập tục cũng như lễ hội địa phương, nghĩa là những việc từ trước đến nay chưa hề xảy đến. Đức Kitô đã đi vào với họ, hiểu việc họ làm. Ngài đã chấp nhận họ, đem họ vào thực tế, thuần thục và biến hóa mọi quyền lực của họ; để chúng ta tin rằng: Ngài đã tự đặt mình ngang hàng với loài người. Ngài cảm thông thân phận hạn chế nơi thân xác mỏng dòn, rất dễ chết như con người. Đức Chúa hứa chung tình với ta cho đến chết, như Ngài đã công khai chứng tỏ tính thủy chung của Ngài nơi Đức Kitô.

Chính vì thế, cũng vào ngày này, 1,600 năm về trước, thánh Gio-an Chri-sốt-tô-mê đã nói thay cho ta như sau:

 

     “Hỏa ngục đã lấy đi xác phàm trần tục; và từ đó khám phá ra Thiên Chúa.

     Hỏa ngục đã cướp đi nhân gian trái đất; nên đã giáp mặt với Thiên đường.

     Nó đã lấy đi những gì tìm thấy, và bị cõi vô hình chiến thắng, vượt qua.

     Hỡi sự chết, nọc độc của người nay ở đâu?

     Hỡi hỏa ngục, chiến thắng của người, nay nơi nào?    

     Đức Kitô đã trỗi dậy thật! Còn ngươi, ôi Sự Chết, ngươi hòan toàn bị hủy diệt!

     Đức Kitô đã trỗi dậy thật! Còn ngươi, hỡi Sự Dữ, ngươi đã bị vùi lấp!

     Đức Kitô đã trỗi dậy thật, và thần thánh trên trời tỏ rõ nỗi mừng vui!

     Đức Kitô đã trỗi dậy thật, và sự sống mới được giải thóat!

     Đức Kitô đã trỗi dậy thật, và mộ phần bỏ trống không còn người chết!

     Bởi, Đức Kitô đã trỗi dậy từ cõi chết. Ngài trở nên hoa quả đầu mùa cho những ai còn ngủ vùi.

     Với Ngài, Vinh quang và Quyền năng thành sự thật đã diễn biến đến muôn đời, muôn thuở.

     Amen.

 

     Lm Richard Leonard sj  

 

Tiếng Mỹ và tiếng Việt

Sưu tầm trên internet

Hiệu Minh

Tôi tình cờ quen một anh bạn Mỹ, người Mỹ chính cống, mắt xanh mũi lõ, tên Johnson William, quê ở bang Ohio của xứ Cờ Hoa nhưng Johnson đã hơn 16 năm sinh sống ở Việt Nam, nghiên cứu về dân tộc học Ðông Nam Á, nói tiếng Việt thông thạo, phát âm theo giọng Hà Nội khá rõ, hắn học tiếng ở Ðại học Ngoại ngữ Hà Nội rồi làm Master of Art về văn hóa xã hội Việt Nam ở học Khoa học Tự nhiên Sài gòn, rành lịch sử Việt Nam, thuộc nhiều câu thơ lục bát trong truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du, Lục Vân Tiên của cụ Ðồ Chiểu. Johnson ăn mặc xuềnh xoàng, cái đầu rối bù, chân mang một đôi giày bata cũ mèm, lưng quảy một ba lô lếch thếch, sẵn sàng ăn uống nhồm nhoàm ngoài vỉa hè. Johnson có thể quanh năm suốt tháng ăn cơm với chuối thay cho bánh mì và phomát, xịt nước tương vào chén rồi cứ thế mà khua đũa lùa cơm vào miệng. Ðối với Johnson, thịt rùa, rắn, ếch, nhái, chuột đồng, … hắn xơi ngon lành. Bún riêu là món khoái khẩu của Johnson, hắn còn biết thèm hột vịt lộn ăn với rau răm chấm muối tiêu chanh. Ai có mời đi chén thịt cầy với mắm tôm, Johnson chẳng ngần ngại mà còn biết vỗ đùi đánh cái phét khen rượu đế mà nhắm với thịt chó ngon “thần sầu quỉ khốc” !!! Chẳng biết Johnson khéo tán tỉnh thế nào (hoặc bị tán) mà vớ được một cô bé Hà thành tóc “đờ-mi gác-xông”, sinh viên ngành văn chương hẳn hoi. Ngày cưới, Johnson vận áo dài khăn đóng, dâng trầu cau và quì lạy bàn thờ tổ tiên nhà gái thành thạo làm đám thanh niên, thiếu nữ, cả lũ con nít và mấy ông cụ ông, cụ bà trong làng suýt xoa, kinh ngạc, xúm đen xúm đỏ coi muốn sập nhà.
          Chúng tôi gặp nhau trên chuyến xe lửa từ Nha Trang ra Huế. Tôi về thăm quê, còn Johnson thì sau mấy tháng nghiên cứu phong tục Tây nguyên xuống Nha Trang rồi tiếp đi dự Festival Huế. Ðường dài, tàu chạy dằn xóc, chung quanh ồn ào, lao nhao chẳng ai ngủ được. Johnson rủ tôi xuống toa ăn uống, kêu mỗi người một ly cà phê đen, một bình trà nóng rồi trao đổi đủ thứ chuyện trên đời. Tôi cũng khá thán phục sự hiểu biết và thành thạo văn hóa Việt
Nam của Johnson khi nghe hắn thỉnh thoảng chêm vô câu chuyện mấy câu ca dao, thành ngữ tiếng Việt. Thật thú vị khi nói chuyện với một người Mỹ bằng tiếng Việt về đề tài ngôn ngữ Việt Nam (dễ chịu hơn nhiều khi nói chuyện với một người Mỹ bằng… tiếng Anh). Vậy mà Johnson vẫn lắc đầu than:

- Tiếng Việt của mấy ông rắc rối quá! Tôi học đã lâu mà vẫn còn lúng túng, nhiều lúc viết sai, nói sai lung tung cả lên. Này nhé, từ xưng hô, ăn uống, giao tiếp… thật lắm từ khác nhau chẳng đơn giản như tiếng Mỹ của tớ, chỉ một từ you là để nói với tất cả người đối thoại, tiếng Việt thì phân biệt ông, bà, anh, chị, em, con, cháu, ngài, mày, thầy, thằng, … rành mạch. Tiếng Mỹ thì dùng một chữ black để chỉ tất cả những vật gì, con gì có màu đen trong khi đó tiếng Việt thì khác, ngựa đen thì gọi là ngựa ô, chó đen thì kêu là chó mực, mèo đen thì gọi là mèo mun, gà đen thì là gà quạ, bò đen là bò hóng, mực đen là mực tàu, tóc đen thì hóa thành tóc nhung hoặc tóc huyền. Ðã là màu đen rồi mà người Việt còn nhấn mạnh thêm mức độ đen như đen thủi, đen thui, rồi đen tuyền, đen thắm, tím đen, đen ngắt, đen bóng, đen sì, đen đủi, đen thẳm, đen óng, đen thùi lùi, đen kịt, đen dòn… Còn để chỉ màu ít đen hơn thì người Việt dung chữ đen hai lần: đen đen.
           Tôi cười cười:

- Thì tiếng Mỹ của ông nhiều lúc cũng rắc rối kia mà. Này nhé, người Việt nói: “Hôm qua, tôi đi tiệm” thì người Mỹ lại nói “Yesterday, I went to the shop”. Tiếng Anh, đi là go, nhưng đã đi (quá khứ) thì phải viết là went. Bản thân chữ hôm qua (yesterday) đã là quá khứ rồi thì ai cũng biết mà gì cần phải đổi go thành went chi cho rối mấy người học Anh văn? Nội chuyện học thuộc lòng 154 động từ bất qui tắc của mấy ông cũng đủ làm nhiều người trên thế giới phải thi rớt lên rớt xuống. Người Việt nói hai con chó mà chẳng cần thêm s hoặc es thành hai con chó “sờ” (two dogs) như tiếng Mỹ. Một đứa con nít thì nói là one child là được rồi, vậy mà thêm một đứa nữa thì bắt đầu rối, chẳng phải là two childs mà thành two children. Một con ngỗng là one goose, hai con ngỗng thì thành two geese. Vậy mà viết một con cừu là one sheep nhưng hai con cừu thì cũng là two sheep, chẳng chịu đổi gì cả ?!.

          Johnson vẫn không chịu thua:

- Văn phạm của xứ ông cũng rắc rối bỏ xừ! Xem nè, thắng và thua là hai chữ phản nghĩa chứ gì? Thua và bại là hai chữ đồng nghĩa, đúng hông? Vậy mà, hai câu nói: “Ngô Quyền đánh thắng quân Nam Hán” đồng nghĩa với câu “Ngô Quyền đánh bại quân Nam Hán”? Không thể viết là “Ngô Quyền đánh thua quân Nam Hán”!!! Phải không nào? Rồi còn, “áo ấm” tương đương với “áo lạnh”, “nín thinh” giống như “làm thinh” trong khi ấm và lạnh phản nghĩa nhau, nín và làm cũng là những động từ đối nhau. Rồi ba hồi mấy ông dùng tiếng Hán như Quốc gia rồi đổi thành tiếng Nôm ra Nhà nước, Trực thăng (có thể không cần chữ máy bay phía trước) thành Máy bay Lên thẳng (phải có chữ máy bay phía trước), Thủy quân lục chiến thì đổi là Lính thủy đánh bộ, sao không gọi luôn là lính nước đánh đất??? Lễ động thổ thì không thể sửa lại là Lễ động đất mặc dầu là thổ là đất?

          Tôi tiếp tục “ăn miếng trả miếng”:

- Tiếng Mỹ cũng đâu có tránh khỏi. See và look cũng đều là động từ để cùng chỉ hành động xem, nhìn, ngắm, dòm nhưng oversee (quan sát, trông nom) lại ngược nghĩa overlook (bỏ sót, không nhìn thấy). Wise man là người thông thái, uyên bác, vậy mà thay chữ man (đàn ông) thành woman (đàn bà) thì chữ wise woman thành bà phù thủy, bà đỡ bà lang, bà thầy bói, bà đồng bóng!!! Rồi chữ man và guy (anh chàng, gã) gần gần như nhau thì chữ wise guy thành một kẻ hợm hĩnh, khoác lác. Sao lại “park on driveways” (đậu xe trên đường nội bộ) nhưng “drive on parkways” (lái xe trên xa lộ)?
          Johnson ôm bụng cười:

- Tên món ăn Việt Nam cũng lạ, miền Nam có bánh da lợn, tưởng làm bằng thịt lợn nhưng thực chất là bằng bột, có lẽ giống như các lớp da lợn, nhưng sao không gọi là bánh da heo theo từ miền Nam mà gọi theo chữ lợn miền Bắc? Bánh bò cũng chắng có miếng thịt bò nào (sorentovn xin mạn phép thài lai 1 chút về bánh bò : theo Đại Nam Quốc Âm tự vị - Huỳnh tịnh Của - gọi là bánh bò vì thời xưa đổ bánh trong trong cái chén giống  như vú của con bò ......)  . Bánh tiêu thì không rắc tiêu mà lại rắc mè. Gọi rau má mà chẳng liên quan đến má hay mẹ gì cả. Bánh tét mà gói thật chặt, chẳng thể nào tét được. Bánh dày thì lại mỏng hơn bánh chưng. Bánh chưng thì phải nấu thật lâu mới chín chứ không phải dùng cách chưng hơi hay chưng hấp. Nước lèo trong nồi hủ tiếu thì chẳng phải theo kiểu nước Lào (hay Lèo). Trái sầu riêng thì ăn vô chẳng thấy sầu riêng hay sầu chung chi cả. Bưởi Năm roi rất tuyệt nhưng sao đúng là năm roi? Trái vú sữa, Cây dái ngựa thì thật là tượng hình. Hi hi… Ngôn từ bây giờ cũng thế, cò đất, cò nhà… thì chẳng dính dáng gì đến “con cò, cò bay lả, lả bay la…” cả.

          Tôi cũng chẳng vừa:

- Thế cái món hot dog của mấy ông có liên quan gì đến con chó không? Món bánh mì kẹp thịt bò băm Hamburger của Mc Donald thì đâu có thịt heo (ham). Trái thơm, trái khóm “pineapple” thì chẳng có gì liên quan đến pine (cây thông) và apple (trái táo) cả? Vào phòng thí nghiệm sinh học, ông Giáo sư bảo bắt một con “Guinea pig”, nghe qua tưởng đâu là con heo xứ Guinea (ở Tây Phi Châu, giáp với Senegal, Mali, Liberia, Sierra Leone và biển Bắc Ðại Tây dương) nhưng ngờ đâu là một giống chuột tên là Guinea (ở Guinea không có giống chuột này!). Ðáng lý chữ football (bóng đá) thì phải viết là legball chứ, bởi vì người ta đá banh bằng cả cái chân (leg) chứ đâu chỉ cái ống chân foot từ dưới đầu gối đến trên bàn chân? Mới đây, khi dân Pháp không chịu ủng hộ Mỹ trong vụ chiến tranh Iraq thế là mấy dân biểu Mỹ giận đòi đổi tên món khoai tây chiên French fries bằng chữ American fries thì mấy ông Tây lại ôm bụng cười chế riễu rằng món French fries không phải xuất xứ từ Pháp mà từ … Mỹ và là món ăn của dân Mỹ. Có lẽ mấy ông Mỹ tiền bối xưa, khi làm món này đặt tên là khoai tây Pháp cho nó có vẻ … ngoại cho sang, giống như bây giờ một số quán ăn Việt Nam có thực đơn Lẫu Thái, Bún Singapore, Bánh bao Mã lai, Cá chiên viên Singapore, Hủ tiếu Nam Vang, … mặc dầu nguyên liệu và cách nấu gần như 100% của Việt Nam???
          Johnson gật gù:

- Ừ, cũng đúng. Nhưng lúc đầu học tiếng Việt, tôi thấy khó quá, đã lấy 24 chữ cái A, B, C của vần La tinh rồi mà bày ra thêm a, â, ă, u, ư, ơ, d, đ, … nữa. Lại thêm kèm 5 dấu sắc (‘), huyền (`), hỏi (?), ngã (~), nặng (.) và không dấu ( ) nữa. Như le, lé, lè, lẹ, lẻ, lẽ, mỗi chữ mang một nghĩa khác nhau. Rồi phải học cách bỏ dấu ở đâu trong từ cho chính xác nữa chứ. Hòa hay là hoà. Li hay là ly? Có câu thơ về dấu này cũng hay:

          Chị Huyền mang nặng ngã đau,

          Sao không sắc thuốc, hỏi sao cho lành ?!

          Trong ngôn ngữ Việt Nam, tôi thấy nhiều chữ ghép với chữ ăn mặc dầu nó chẳng ăn nhập đến chuyện bỏ thực phẩm vào miệng, nhai và nuốt xuống gì cả. Nói ăn nhậu, ăn tiệc, ăn mùng, ăn cưới, ăn giỗ, … thì có lý nhưng sao lại ăn nằm, ăn hút, ăn tiền, ăn lương, ăn cắp, ăn mày, ăn chặn, ăn quỵt, ăn diện, ăn đòn, ăn công, ăn năn, ăn hiếp, ăn khách, ăn ảnh, … , ăn chơi , ăn có, ăn ké , ăn mót , ăn hối lộ, ăn cướp, ăn gian , ăn vụng,ăn tết, ăn hoa hồng ,ăn lời , ăn quen , ăn sương , ăn chẹt , ăn thẹo ,ăn già , ăn non ,ăn thua , ăn gạo , ăn học , ăn xin , ...ăn ten ...ăn panh ....ăn kết ...ăn trắc !! !! sorentovn


          Tôi bật cười chận ngang khi Johnson tiếp tục ghép chữ với từ ăn:

- Thì như tiếng Mỹ của ông vậy thôi. Chữ to get khó dịch gì ra hồn cả. Tôi cũng có nghĩ là khi mình chưa tìm ra động từ nào thích hợp thì dùng tạm luôn chữ to get! Khi quân đội Mỹ bắt sống được Saddam Hussen ở Iraq thì tuyên bố “We got him!”, sao không dùng động từ to catch, to caught, to force, to find, to capture, to pick up, …cho rõ nghĩa? Rồi động từ to get đi kèm các giới từ in, into, on, out, up, at-able… thành một loạt động từ mới. Các động từ to take, to put, to be… cũng vậy.

          Johnson chuyển qua phần khác:

- Chuyện mạo từ tiếng Việt cũng làm rắc rối người nước ngoài. Người Việt nói cái bàn, cái nhà, cái gường, cái nón… nhưng không thể nói cái chó, cái mèo mà phải là con chó, con mèo, con người…. Ðồ vật là cái, động vật là con. Bây giờ nhiều cô cậu thanh niên Hà Nội thay vì nói cái xe Honda Dream thì lại dùng từ con Ðờ-rim, rồi tiếp là con Su (Suzuki), con a còng (@), con Tô (Toyota), con Mẹc (Mercedes)…
          Vợ chồng tôi có chuyện vui thế này: Tôi quen vợ tôi, một phần vì yêu các cô gái Việt Nam, một phần cũng để trau dồi thêm tiếng Việt. Hôm hôm chúng tôi ra Hồ Gươm dạo chơi, tôi khen: “Con hồ này đẹp quá!”. Vợ tôi “chỉnh” liền: “Không, anh phải nói là cái hồ này đẹp quá!”. Vậy mà đi ngang sông Tô Lịch thấy nước đen ngòm, tôi nói: “Cái sông này bẩn quá!” thì vợ tôi “sửa” ngay: “Ậy, anh phải nói là con sông này bẩn quá chứ không nói là cái sông!”.

          Tôi la lên: “Ồ, sao lại thế, khi là cái, khi là con, làm sao phân biệt?”. Vợ tôi ôn tồn giải thích: “Cái gì động dậy, nhúc nhích thì gọi là con, như con sông có nước chảy, còn cái gì nằm im như cái hồ nuớc tĩnh mịch thì phải là cái hồ. Con chó, con mèo nó chạy được nên phải là con. Cái nhà, cái bàn, cái cột đèn đâu có di chuyển được nên phải là cái. Rõ chửa?”. Lúc đó, tôi phá lên cười vì phát hiện một điều vô cùng thú vị: “À, anh hiểu rồi! Tiếng Việt thật hay. Hèn gì cái… cái của anh nó nhúc nhích lên xuống nên phải gọi là con …, còn của… em, nó nằm im một chỗ nên phải gọi là cái, cái… Ha ha…”. Hôm ấy, tôi bị mấy cái nhéo đau điếng, nhưng bù lại, có được một đêm hạnh phúc.

        Tôi thấy tức cười vô cùng với anh bạn Mỹ này:
- Tôi cũng có chuyện hiểu lầm trong phát âm tiếng Mỹ như thế này.

          Trong một bữa tiệc với các sinh viên quốc tế, tôi nhận phần phục vụ nước uống. Gặp bà giáo người Mỹ đã đứng tuổi, tôi đến chào lịch sự và nói theo kiểu cách theo kiểu của người Việt: “Good evening, Madam. May I have a honour to serve you? Do you like my Coke?” (Chào bà, Tôi có thể hân hạnh phục vụ quí bà. Bà có muốn món Coke (Coca Cola)?). Bà này trợn mắt nhìn tôi, ra vẻ ngạc nhiên, rồi lắc đầu bỏ đi. Tôi băn khoăn chẳng hiểu chuyện gì? Hôm sau, tôi đánh bạo đến hỏi bà: “I am sorry, yesterday I have found your strange look when hearing my invitation. Was there a wrong?” (Xin lỗi, hôm qua tôi thấy bà nhìn tôi kỳ lạ khi nghe lời mời của tôi. Có điều gì không ổn vậy?). Bà giáo mỉm cười độ lượng: “Yes, I had misunderstood yours. Today, I just find out that your pronunciation is not correct. You said “Coke” not sound like “Coke” but “c@ck”. c@ck is a male chicken but it also has a dirty meaning else. You should be careful when saying this word to a lady”. (Vâng, tôi đã hiểu lầm anh. Hôm nay, tôi mới hiểu ra là anh phát âm không đúng. Anh nói chữ “Coke” mà không giống “Coke” mà thành “c@ck”. c@ck là con gà trống nhưng nó cũng có một nghĩa khác xấu. Anh phải cẩn thận khi nói từ này với một phụ nữ).

          Johnson “gỡ gạc”:

- Hi hi… Anh bạn người Việt dẫn tôi đến thăm nhà, đến trước ngôi nhà của mình anh nói: “Ðây là nhà tôi, mời ông vào chơi”, gặp vợ anh ta ra đón trước cửa, anh ta lại giới thiệu: “Ðây là nhà tôi, mời ông vào chơi”. Tôi hơi ngạc nhiên nhưng cũng không hỏi và bước vào nhà, nhà anh ta thật đẹp (vợ anh ta cũng vậy!). Tôi ra vẻ lịch sự nên khen chủ nhà và nói: “Nhà anh và nhà anh thật đẹp”. Hai vợ chồng nhìn nhau cười. Vì đi lâu ngoài đường, lại không có WC công cộng, nên tôi hỏi anh chủ nhà “Xin ông cho tôi vào cái chỗ đi toilet của nhà ông được không?” Hi hi… lúc đó tôi không nghĩ đến cái sự buồn cười của câu này, hôm sau nghĩ lại tôi mới thấy.
          Tôi cười to kể tiếp:

- Lần đầu tiên sang Châu Âu cách đây 10 năm, tôi quen một cô sinh viên Hà Lan. Chúng tôi nói chuyện với nhau bằng tiếng Anh. Cô rủ tôi ra bãi biển nằm phơi nắng và nói chuyện. Hôm đó, tôi chẳng đem theo cái gì để trải xuống bãi cát để nằm cả. Nói với cô này, thì cô mỉm cười: “Oh, never mind. You can lie down at my top” (Ồ, không sao. Anh có thể nằm trên cái top của tôi). Tiếng Anh của tôi cũng chẳng giỏi gì nên chẳng hiểu là nằm trên top là nằm ở đâu? Tôi chỉ biết top có nghĩa là đỉnh, là ở trên. Vậy nằm ở trên là nằm đâu? Nằm trên đầu thì chắc là không đúng rồi, ai lại nằm trên đầu mà nói chuyện với phụ nữ. Chẳng lẽ nằm trên… mình cô này? Hồi lúc trước đi Tây, tôi nghe nhiều thằng bạn kháo nhau rằng, phụ nữ Tây nó… Tây lắm, thích thì sẵn sàng… chiều! “Tình cho không biếu không” mà. Vậy là… lẽ nào ??? Tới nơi, tôi mới bật cười và thấy mắc cỡ trong lòng khi thấy cô này cởi áo khoác ra, trải dưới bãi cát và chỉ tôi nằm trên đó. Tối đó, về đến nhà, tôi lặng lẽ lật từ điển Anh – Việt ra xem, mới biết thêm là top còn có nghĩa là cái áo khoác ngoài của phụ nữ. Trời ơi!
          Johnson vỗ vai tôi:

- Chút xíu nữa bạn là… hố to rồi. Ha ha… Năm ngoái, tôi có đến thăm miệt vườn Nam bộ, tôi có nghe một câu thế này mà lúc đó chẳng thế nào hiểu được: “Hôm qua, qua nói qua qua mà qua hổng qua. Hôm nay, qua hổng nói qua mà qua lại qua”……………..
          Câu chuyện của chúng tôi còn dài. Chia tay với Johnson ở ga Huế, lững thửng dọc theo con đường về chợ Ðông Ba, trong đầu còn vương vấn câu chuyện rắc rối tiếng Việt với Johnson, thì có ông già chạy xích lô lẽo đẽo theo sau:

- “Ôn đi về mô khôn hè?”

          Tôi gật đầu, bước lên chiếc xe cũ rích, buột miệng:


- Có tiệm sách nào gần đây nhất, Bác? Tôi muốn mua một quyển Tự điển Tiếng Việt.
Tôi bất chợt nhớ ra rằng, trong tủ sách gia đình của tôi, có đủ loại tự điển các nước, nhưng chưa hề có một quyển Tự điển Tiếng Việt nào.

 

Hiệu Minh sưu tầm

Tâm tình một bài điếu

              Một thành viên An Phong Sydney

Thưa chị Dung, cùng các cháu,

Trước khi có vài lời tâm tình, tôi xin đại diện cho anh em trong GĐAP có lời cảm ơn Chị đã dành cho anh em GĐAP cơ hội để tâm sự. Và, đây cũng là bổn phận của chúng tôi, mỗi khi có thành viên trong Gia Đình, về nhà Cha.

Sự thật mà nói:Tôi và gia đình chỉ quen biết nhau, không đầy 10 năm đổ lại, thôi. Nhưng, chừng như có cái duyên-tình nối kết và lôi cuốn anh em mình, xích gần nhau. Tôi còn nhớ, lần đầu Anh Chị đến với Gia Đình An Phong, là lần họp mặt ở nhà tôi, vào dịp Tết năm 2002, hay sau đó. Nhưng, chừng như có sợi giây thân tình kéo tôi đến với anh, mỗi khi tôi có vấn đề in ấn/phát hành sách ở Sydney. Tôi nhớ: lần đầu đến với anh chị, là lúc tôi nhờ anh phổ biến các sách “Chủ Nhật Hồng giữa Mùa Tím” của anh Nguyễn Ngọc Lan, “Nói cho con người” của cha Chân Tín, và sách của các anh Đỗ Mạnh Tri Trần Phong Vũ, Lữ Phương. Sau đó, anh và tôi cùng hợp tác phân phối vé mời đón Giám mục Nguyễn Văn Hoà, và anh Trần Sĩ Tín, DCCT đến với Sydney. Rồi năm 2009, anh còn hứa sẽ rủ anh Trần Cao Thượng tham gia Gia đình An Phong, vào lần họp mặt tới.

Sau đó, bẵng đi một dạo, tôi không có dịp gặp Anh, lại đã nghe tin Anh về VN thăm họ hàng. Để rồi, mùa Chay vừa qua, khi về lại Sydney, Anh phát hiện ra căn bệnh ngặt nghèo, vẫn nằm đó. Rất khó chữa. Rồi dường như có cái lực nào đó đẩy đưa anh và tôi đến với nhau, để anh em mình có dịp tâm sự với nhau. Và, lần cuối Anh tâm sự với tôi là về lòng Đạo, vào Tuần Thánh vừa qua. Về suy tư nguyện cầu, đi theo Chúa. Tôi nhớ rõ, anh có nói với tôi: đó là lần đầu tiên trong đời, Anh đã âm thầm lần bước theo chân Chúa trên con đường khổ hạnh, đầy thập giá. Và, Anh đã thực sự bật thành tiếng. Tiếng khóc nức nở khi đi đàng thánh giá, vào ngày thánh. Anh còn tặng tôi 5, 6 bản văn khác nhau đầy lời lẽ suy tư về cuộc khổ nạn ngày Chúa chết, bằng tiếng Việt, do Anh gom góp tư tưởng của ĐGH Bênêđíchtô 16, để tặng bà con giáo xứ Lakemba. Đọc giòng chảy suy tư này, tôi thấy Anh đã có được bước ngoặt thật rõ nét về lòng Đạo. Với Chúa. Và qua đó, tôi hiểu rằng Anh đã vui lòng chấp nhận mọi đau buồn thể xác, lẫn tinh thần. Chấp nhận ý Chúa. Đó là điểm son, trong đời người. Và, trong tháng ngày đầy tâm sự, tôi còn biết thêm rằng, trong cuộc sống thường nhật, Anh đã sống một cuộc sống hài hoà, luôn mở rộng vòng tay với mọi người. Thân cũng như lạ. Quen hay không quen. Đó còn là điểm son khác của anh mà tôi nhận ra. Tôi tin rằng Anh còn có nhiều điểm son khác nữa mà  bạn bè người thân, đã nhận thấy. Nơi Anh.

Tối nay, thêm một lần được tâm sự với Anh, trong khung cảnh này, thú thật là: tôi học được rất nhiều điều, từ nơi Anh. Học, về chuyện sống Phúc Âm trong lòng người. Về thông điệp rõ nét tôi có được, cứ phảng phất từ đâu đó, ở Tin Mừng. Đặc biệt là, đoạn thư tâm tình của các thánh, như lời thánh Phêrô, sau đây:

“Anh chị em hãy đồng tâm nhất trí, biết thông cảm với nhau.

Sống tình huynh đệ. Đầy lòng thương xót. Khiêm nhu. Đừng lấy ác báo ác. Nguyền rủa đáp lại nguyền rủa. Trái lại, hãy chúc lành cho nhau, vì anh chị em được gọi, là để được chúc lành, làm cơ nghiệp.”

Vậy thì, thưa Anh. 

Hôm nay Anh ra đi về nhà Chúa. Xin Anh cũng chúc lành/bình an, trước nhất là cho chị. và con cháu. Sau đến, cho bạn bè người thân, còn ở lại. Cho Gia Đình An Phong, mà anh là một thành viên. Để mọi người, sẽ như Anh, sống đời hài hoà. Giản dị. Biết hoà hoãn, cởi mở với nhau. Đón nhận nhau. Chúc lành cho nhau. Để cùng sống. Suốt quãng đời còn lại.

Một lần nữa, xin Anh cho phép cá nhân tôi, là thành viên Gia Đình An Phong, được tạm biệt chứ không vĩnh biệt, tiễn chào Anh đi. Hẹn gặp Anh, ở chốn trời cao quê hương ấy, cõi hằng sống. Nơi có Chúa. Có các thánh. Ta hân hoan, sống cõi miên trường.

Xin trân trọng chào Anh, người anh hào hùng của chúng tôi.

Một thành viên An Phong

 

Giọng cũ xa gần

                                                Dân Gầy phụ trách

*Hát với hò. Sợ với chẳng sợ.

Đối với quý vị thuộc tuyến 1 Gia Đình An Phong, tức: nhưng người anh người em còn đang tu cha, tu thầy, thì vấn đề mà nhà thơ Bá Thiện đặt ra với bà con trong họ ngoài làng, chẳng có ý nghĩa gì hết. Nhưng, với đám ta ru/tu ra Dòng nào cũng chẳng tha, thì chuyện này là chuyện khiến ta cứ rung đùi mà thơ với thẩn, rất như sau:

Chuẩn bị chào đón ngày Phụ nữ sắp tới còn gì hơn là chúng ta phải moi tim vắt óc nên những vần thơ, những ca khúc bày tỏ lòng hiếu thảo với các vị hiền nội của mỗi người..... Em xin kính cẩn tề án ngang mi dâng tặng vợ em bài nhạc chế này, rất mong được quý hội sv ngâm cứu và tiếp phím cho bài ca thêm phần hào hứng. Nếu có bác nào cao hứng thì cũng xin góp chút tàn lực mà để lại những vần thơ trứ tuyệt ca ngợi công đức đàn bà....

Một ngàn năm nô lệ đàn bà

Một trăm năm ta sợ vợ ta

20 năm rửa chén dọn nhà

Gia tài của vợ, để lại cho ta

Gia tài của vợ, một đống việc nhà

 

Dạy cho ta biết kính vợ nhà

tập cho ta biết nghe vợ la

Nước mắt ta trào ra

Xin nàng tha

 

Dạy cho ta biết nấu thịt gà

Dạy cho ta biết đi chợ xa

Ta biết mua cành hoa

dâng tặng bà

 

Một ngàn năm cam phận làm chồng

Một trăm năm yên phận cùm gông

Hai mươi năm chẳng dám đèo bồng

Gia tài của vợ, để lại nhăn nheo

Gia tài của vợ một đống bèo nhèo

 

hát đến đây thì tức tưởi lắm rồi, CT, QC tiếp hơi dùm mình thêm mấy đoạn nữa nha hic hic

Trần Bá Thiện

 

*Lại cũng là thơ:

Nhưng thơ nay là thơ con cóc. Có người gọi đó là “tục” ngữ với dao ca hoặc bài ca có con dao rất sắc. Thơ cóc con này, chỉ nên phổ biến tới bà con trên 21 tuổi đời, mà thôi. Xin kính mời:

*Đàn ông miệng rộng thì sang
Đàn bà miệng rộng . . . vẫn sang như thường.
*Đàn ông bụng bự thì sang
Đàn bà bụng bự . . . mua than để dành .
*Gặp thời cưỡi ngựa bắn cung
Hết thời xuống ngựa . . . lượm thun bắn ruồi .
*Đường xa mặc kệ đường xa
Nhưng mà xa quá thì ta quay về .
*Vợ la mặc kệ vợ la
Nhưng mà la quá thì ta theo ... bồ .
*Ai vô xứ Nghệ thì dô
Còn tui ... tui cứ thủ đô tui dià .
*Trồng trầu thì phải khai mương
Làm trai nhiều vợ biết thương vợ nào ?
*Lên chùa thấy bụt muốn tu
Về nhà ngó vợ muốn “ xù ” em ngay !
*Này cô con gái nhà ai
Cớ sao dám hái hoa nhài nhà tôi !
Hái rồi thì cứ ... lấy thôi
Còn chưa hái được để tôi ... hái dùm .
*Lấy chồng từ thuở mười ba
Ðến năm mười tám em ra bà già .
*Trên đồng cạn dưới đồng sâu
Chồng cày, vợ ở nhà lầu ngồi chơi !
*Hửu duyên thiên lý năng tương ngộ
Vô duyên đối diện cự om sòm .
*Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ
Vô duyên đối diện thấy thương liền !
*Ðàn ông tập tạ thì đô
Ðàn bà không tập vẫn “ đô ” như thường !
*Tóc thề em để ngang vai
Anh mà đụng tới “ bụp ” liền đó nghe !
*Đường Sài Gòn vừa dài vừa hẹp
Gái Sài Gòn vừa đẹp vừa phê .
*Cô kia cắt cỏ một mình
Cớ sao không rủ người tình cắt chung .
*Anh về em chẳng cho về
Nắm tay giữ lại khỏi “ dê ” con nào .
*Đi xa mới biết đường dài
Ở lâu nhà mướn , gia tài càng hao .
*Tình chỉ đẹp khi còn dang dở
Cưới nhau về tắt thở càng nhanh .
*Còn duyên kén cá chọn canh
Hết duyên ếch đực , cua kềnh cũng vơ
Còn duyên kén những trai tơ
Hết duyên ông lão cũng vơ làm chồng !
*Ta về ta tắm ao ta
Dù trong dù đục cũng là cái ao .
*Đi đâu cho thiếp theo cùng
No thì thiếp ở, lạnh lùng thiếp bai [ bye bye !]

*Má ơi cứ gả con xa
Miễn sao chàng rể trong nhà nhiều “ đô.”
*Thương anh chín đợi mười chờ
Đến khi mười một, em  lờ” anh luôn!
*Chồng người ta làm ra khấm khá
Chồng của mình chỉ phá , chỉ ăn .
*Lấy chồng cho đáng tấm chồng
Uổng công mai mốt lưng ong “hổng” còn .
*Qua đình ngả nón trông đình
Nhìn em ăn mặc thùng thình thấy “phê.”
*Trông nhìn ông bụt hiền từ
Ngó em cái mặt ôi như bà chằng!
*Đi đâu mà vội mà vàng
Cho thiếp theo để biết chàng ở đâu?
*Đường về đêm tối canh thâu
Nhìn em dù xấu biết đâu phân bày!
*Người ơi gặp gỡ làm chi
Để rồi hai đứa chia ly hai đường!
*Đầu tôm nấu với canh bầu
Chồng chan, vợ ngó lắc đầu “ham ăn.”
*Bầu ơi thương lấy bí cùng
Mai sau có lúc nấu chung một nồi!
*Qua cầu, ngã nón trông cầu
Cầu bao nhiêu nhịp tốn dầu bấy nhiêu .
*Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Mai sau có lúc ngoài đường đập nhau .
*Trên đồng cạn dưới đồng sâu
Chồng cầy vợ cấy con trâu đi nằm .
*
Cam
sành lột vỏ còn chua ,
Thấy em còn nhỏ anh cua để dành .
*Trên trời có đám mây xanh ,
Ở giữa mây trăng xung quanh mây vàng .
Nếu mà anh lấy phải nàng ,
Anh thà thắt cổ cho nàng ở không .
*Người đi một nửa hồn tôi mất ...
Một nửa hồn kia ... đứng chửi thề !!!
*Bánh mì phải có " patê "
Làm trai phải có máu dê trong người !!!
*Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc , nửa soi dặm trường .
Đêm qua anh ngủ trên giường ,
Nhớ em tỉnh giấc , lọt giường gãy xương !
*Yêu em mấy núi cũng trèo
Đến khi em chửa ... mấy đèo anh cũng dông !!!
*Dây tơ hồng ... quấn quanh chuồng lợn
Tình chúng mình có tợn quá không anh ???
*Quân tử đắn đo là quân tử dại
Quân tử ... làm đại là quân tử khôn.
*Thu đi để lại lá vàng
Anh đi để lại cho nàng đứa con.
*Khi xưa vác bút theo thầy
Bi giờ em lại vác cày theo trâu.
*Trên đồng cạn dưới đồng sâu
Vợ chồng cùng cấy thằng cu ra đời.
*Vũ trường là chốn ăn chơi ,
Chí Hoà là chỗ nghỉ ngơi giang hồ .
*Bắc thang lên hỏi ông trời
Đem tiền cho gái có đòi được không?
Ông trời mới trả lời rằng
" Tao còn bị gạt huống chi là mày!"
*Gần mực thì đen, gần đèn thì cháy .
*Có công mài sắt, có ngày chai tay .
*Một con ngựa đau, cả tàu bỏ chạy .
*Sức khoẻ là vô giá.
Hột xoàn mới có giá!
*Nhà sạch thì mát
Bát sạch tốn xà bông .
*Một người lên “net,”
Cả nhà kẹt “phone.”
*Kiến tha lâu mỏi cẳng.
*Tiên học lễ, hậu học ăn .
*Lá lành đùm ... lá lành hơn!
Lá rách đùm lá nát!
*Con hơn cha là nhà có cãi lộn .
*Trèo cao té đau ... trèo thấp té cũng đau ...
*Tham thì thâm, không tham thì đói.
*Con nhà tông không giống lông đỡ giống khỉ .
*Mình vì mọi người ... mọi người coi mình như ... "mọi."
*Môi hở, răng hô .
*Liệu cơm gắp hết .
*Có chí thì ghê .
*Mua danh ba vạn , bán danh ba tỷ .
*Ăn trông nồi , ngồi trông ghế .
*Có tiền , mua tiên cũng uổng !
*Thuận vợ , thuận chồng … con đông mệt nghỉ!
*Đoàn kết thì sống , chia rẽ cũng sống .

 

*Giọng cũ ra xa va rất sang:

Giọng ngài là giọng của anh cha Sang, tức cha Louis Nguyễn Văn Qui. Nhân dịp Tết canh Dần, cha gửi vài chữ, như sau:

“Chúc mừng tuổi quý anh em tuyến 2 Úc- Xin Chúa chúc lành tất cả anh em và gia đình, và ban nhiều ơn thiêng, sức khoẻ và thành công trong năm Canh Dần—

Phần tôi, Chúa cho vẫn mạnh khoẻ, chỉ có 2 chân yếu, đi lại không xa…

Cầu nguyện cho nhau

Louis Nguyễn Văn Qui, CSsR

NB. Thông báo với anh Tá:

Chị Thérèse R. Phượng Nguyễn

8101 – 21 St  #C

Westminster, CA 92683

USA

Chị là một thành viên của G.Đ.A.P. (Bụi đời) ở Pháp hơn 10 năm, và là một người ngưỡng mộ DIA nay ở Mỹ. Xin anh Tá gửi cho chị DIA từ nay về sau, để chị ngưỡng mộ thêm.

-Có đính kèm ít tiền tem (trong phong bì) để tặng.

  

*Có chăng những luật lệ như thế

Luật và lệ, mà như thế. Nghe sợ lắm. Sợ đến độ, có người dám không lấy vợ hoặc lấy chồng, đấy chứ nhỉ: Thôi, thì ai đã lấy rồi, cứ một lần đọc xem sao. Xin mời:

Luật... tự nhiên: Nhất vợ, nhì trời.
Luật... luân lý: Kính vợ, nhường con.
Luật... lao động: Ngày thường đi làm, ngày nghỉ làm việc nhà.
Luật... hành chính: Mọi giấy tờ liên quan đều có ghi đầy đủ tên vợ, chồng.
Luật... báo chí: Có quyền tự do ngôn luận, nhưng vợ là người phát ngôn cuối cùng.
Luật... ngân sách: Vợ là chủ trương mục, là kế toán và là thủ quỹ, chồng là người nộp thuế.
Luật... thương mại: Mọi mua sắm đều phải trình qua vợ.
Luật... doanh nghiệp: Không được đăng ký bồ mới. Không được mở cơ sở 2, cơ sở 3.
Luật... dân sự: Không được tranh chấp với vợ trên mọi lĩnh vực.

 

*Lại chuyện văn chương chữ nghĩa Bắc/Lam

Vâng. Bắc/Lam hay Bắc kỳ/Nam kỳ…cọ là như rứa. Thôi thì, cứ ghi lại nơi vài nét, để gọi là có một chút gì để thương và nhớ. Nhớ hũ mắm tôm hay keo mắm ruốc, cũng “Giư Giau” (như nhau). Nào mời bạn bè cứ vào mà thưởng “nãm” chuyện ngôn với ngữ:

Tiếng Việt Dễ Thương Qua Hai Miền Nam, Bắc

 

Tác Giả : Emily sưu tầm   

Thứ Năm, 11 Tháng 3 Năm 2010 17:41

Bắc bảo Kỳ, Nam kêu Cọ (gọi là Kỳ Cọ)

Bắc gọi lọ, Nam kêu chai
Bắc mang thai,
Nam
có chửa
Nam xẻ nửa, Bắc bổ đôi

Ôi ! Bắc quở Gầy, Nam than Ốm
Bắc cáo Ốm,
Nam
khai Bịnh
Bắc định đến muộn,
Nam
liền la trễ
Nam mần Sơ Sơ, Bắc nàm Nấy Nệ

Bắc lệ tuôn trào, Nam chảy nước mắt
Nam bắc Vạc tre, Bắc kê Lều chõng
Bắc nói trổng Thế Thôi, Nam bâng quơ Vậy Đó
Bắc đan cái Rọ, Nam làm giỏ Tre,

Nam không nghe Nói Dai, Bắc chẳng mê Lải Nhải
Nam Cãi bai bãi, Bắc Lý Sự ào ào
Bắc vào Ô tô, Nam vô Xế hộp
Hồi hộp Bắc hãm phanh, trợn tròng Nam đạp thắng

Khi nắng Nam mở Dù, Bắc lại xoè Ô
Điên rồ Nam Đi trốn, nguy khốn Bắc Lánh mặt
Chưa chắc Nam nhắc Từ từ, Bắc khuyên Gượm lại
Bắc là Quá dại, Nam thì Ngu ghê

Nam Sợ Ghê, Bắc Hãi Quá
Nam thưa Tía Má, Bắc bẩm Thầy U
Nam nhủ Ưng Ghê, Bắc mê Hài Lòng
Nam chối Lòng Vòng, Bắc bảo Dối Quanh

Nhanh nhanh Nam bẻ Bắp, hấp tấp Bắc vặt Ngô
Bắc thích cứ vồ, Nam ưng là chụp
Nam rờ Bông Bụp, Bắc vuốt Tường Vi
Nam nói: mày đi ! Bắc hô: cút xéo.

Bắc bảo: cứ véo ! Nam : ngắt nó đi.
Bắc gửi phong bì, bao thơ
Nam
gói
Nam
kêu: muốn ói, Bắc bảo: buồn nôn !
Bắc gọi tiền đồn,
Nam kêu chòi gác

Bắc hay khoác lác, Nam bảo xạo ke
Mưa đến
Nam
che, gió ngang Bắc chắn
Bắc khen giỏi mắng,
Nam
nói chửi hay.
Bắc nấu thịt cầy,
Nam thui thịt chó.

Bắc vén búi tó, Nam bới tóc lên
Anh Cả Bắc quên, anh Hai
Nam

Nam
: ăn đi chú, Bắc: mời anh xơi !
Bắc mới tập bơi,
Nam thời đi lội.

Bắc đi phó hội, Nam tới chia vui
Thui thủi Bắc kéo xe lôi, một mình xích lô Nam đạp
Nam thời mập mạp, Bắc cho là béo
Khi Nam khen béo, Bắc bảo là ngậy

Bắc quậy Sướng Phê, Nam rên Đã Quá !
Bắc khoái đi phà,
Nam
thường qua bắc.
Bắc nhắc môi giới,
Nam
liền giới thiệu
Nam ít khi điệu, Bắc hay làm dáng.

Tán mà không thật, Bắc bảo là điêu
Giỡn hớt hơi nhiều,
Nam
kêu là xạo.
Bắc nạo bằng gươm,
Nam
thọt bằng kiếm
Nam mê phiếm, Bắc thích đùa.

Bắc vua Bia Bọt, Nam chúa La-De
Bắc khoe Bùi Bùi lạc rang,
Nam
: Thơm Thơm đậu phọng
Bắc xơi na vướng họng,
Nam
ăn mãng cầu mắc cổ
Khi khổ
Nam tròm trèm ăn vụng, Bắc len lén ăn vèn

Nam toe toét «hổng chịu đèn», Bắc vặn mình «em chả»
Bắc giấm chua «cái ả», Nam bặm trợn «con kia»
Nam mỉa «tên cà chua», Bắc rủa «đồ phải gió»
Nam nhậu nhẹt thịt chó, Bắc đánh chén cầy tơ

Bắc vờ vịt lá mơ, Nam thẳng thừng lá thúi địt
Khi thấm,
Nam
xách thùng thì Bắc bê sô
Nam
bỏ trong rương, Bắc tuôn vào hòm.
Nam lết vô hòm, Bắc mặc áo quan

Bắc xuýt xoa "Cái Lan xinh cực !",
Nam
trầm trồ "Con Lan đẹp hết chê !"
Phủ phê Bắc trùm chăn, no đủ
Nam
đắp mền
Tình
Nam duyên Bắc có thế mới bền mới lâu …

 

*Lại những “tục” ngữ:

“Tục” ngữ ở đây, là ngôn ngữ của dân ăn túc nói phét, rất lạ tai. Xin mời bạn bè cứ mở tai ra mà nghe xem, có tục và có ngữ chăng?

Bé cậy cha, già cậy... lương.
* Tiền kho, bạc núi không bằng dấm dúi một chức.
* Gái đẹp nhờ vàng, quan sang nhờ quyền.
* Ôm rơm rặm bụng, ăn vụng nhàn thân.
* Sách mười bồ thua một ô che đầu.
* Trăm hay không bằng tay... trong.
* Thuận vợ thuận chồng rút của công mới dễ.
* Ăn trông "mồi", ngồi trông... phong bì.
* Tham ăn hôm trước, tù rước hôm sau.
* Nhiều gã trai tân mơ về một người vợ dịu dàng, nữ tính, đảm đang... Rất nhiều đức ông chồng cũng ôm ấp một giấc mơ như thế.
* Nếu muốn vợ lắng nghe từng lời ta nói, hãy học cách nói trong mơ!
* Có những cô gái muốn có người đàn ông mà họ thích, nhưng cũng có những cô gái thích bất kỳ người đàn ông nào mà họ có thể có được.
* Những màn kịch thú vị nhất của đời tư thường diễn ra sau cánh gà.
* Có hai tập giấy có ích nhất cho một cô gái trẻ – sách dạy nấu ăn của mẹ và tập séc thanh toán tiền của cha.
* Khi nhúng mũi vào việc người khác thì rất dễ bị ngạt thở.
* Thức ăn tinh thần là thứ khó tiêu hóa nhất.
* Giữa hai cô gái, cánh đàn ông thường chọn cô thứ ba. - Cô gái đẹp làm vui mắt đàn ông, còn cô gái xấu - làm vui mắt đàn bà.
* Tắt đèn đi em, rồi ta sẽ thấy rõ mọi chuyện!
* Làm cho phụ nữ hạnh phúc rất dễ, có điều quá tốn kém.
* Người vợ chỉ chung thủy với chồng trong hai trường hợp: thứ nhất, khi thị cho rằng, chồng mình hoàn toàn không giống ai khác cả; thứ hai, khi thị biết rằng, mọi đàn ông trên đời đều giống nhau như lột.
* Giữ lòng chung thủy với người mình không yêu tức là phản bội lại chính mình.
* Nếu nhà thơ chỉ có một đời vợ thì chỉ vì một trong hai lý do: hoặc anh là người "nói dối" siêu đẳng, hoặc vợ anh là kẻ "từ bi" siêu hạng.
* Đàn ông dễ từ bỏ mối quan hệ kéo dài hai mươi năm hơn là mối quan hệ với cô gái hai mươi tuổi.
* Nếu tán tỉnh phụ nữ lâu quá thì nàng sẽ nghĩ là anh chỉ biết nói suông thôi.
* Người chồng ngốc nghếch thường mắng mỏ vợ, còn người thông minh thì tự mắng mình đã dại dột cưới người vợ như thế.
* Cuộc hôn nhân thường chỉ bền vững khi chồng là người đàn ông đầu tiên của vợ, còn vợ là người đàn bà cuối cùng của chồng.
* Khi trái tim cất tiếng hát vì yêu thì trí tuệ không nên hát theo mà phải làm nhạc trưởng.
* Anh ta tán làm cho cô gái đổ xiêu vẹo đến mức cô ấy cảm thấy buồn nôn suốt cả 9 tháng.
* Người đàn ông thông minh cố gắng không tạo ra cớ để phụ nữ làm mình làm mẩy, nhưng người phụ nữ thông minh thì chẳng cần có cớ vẫn làm mình làm mẩy được.
* Lúc nào cũng nói thật thì chẳng khác gì lúc nào cũng làm tình - thoạt đầu thì thích thú, nhưng rồi mệt mỏi và cuối cùng là rất có hại cho sức khỏe.
* Nếu người phụ nữ xi - nhan rẽ trái, điều này không có nghĩa là nàng sẽ rẽ phải, lắm khi nàng sẽ lại tiếp tục đi thẳng.

 

 *Thơ…buồn hỏi dzợ

Hỏi thì cứ hỏi, sao cần phải làm thơ? Thơ thì cứ thơ, sao lại cần hỏi vợ. Thơ hỏi vợ, là những thơ và thẩn, rất như ri:

Trai độc thân chưa một lần bỏ dzợ ...
Tìm bạn đời để trao đổi dzăn thơ,
Nếu hợp nhãn sẽ tiến tới ... hổng chờ
Xin thành thực, đừng làm tui ... đau khổ .
Vì .... bởi
Tối hôm qua nghe mẹ già than thở
"Từng tuổi nầy mà chưa có con dâu
Lỡ mai đây khi mỏi gối bạc đầu
Không cháu nội thiệt tuổi già quạnh quẽ"
Thấy mẹ buồn, lòng anh đau như xé
Nên quyết lòng đi kiếm "ghệ" mau mau
Liều thân trai ở giữa chô’n vàng thau
Mười hai bến nước, trong nhờ, đục .. CHẠY .. :-)
Anh giỡn thôi mà, em đừng áy náy
Anh rất ga-lăng, tử tế, đàng hoàng
Hồi xa xưa cũng có lúc đi hoang
Giờ tu tỉnh, ăn chay ... nhưng ngủ MẶN! (Oops!)
Nhan sắc anh không chim sa cá lặn
Nhưng cũng được khen là khá bảnh trai Tính lẳng lơ, hay chọc nguyệt trêu mai
Nhưng đã thương ai thì thương chết bỏ
Anh ham học, giỏi mần ăn, chịu khó
Hay giúp người dù nghèo rớt mồng tơi
Biết nhún nhường nhưng cũng rất chịu chơi
Rất sáng dạ dù hơi hơi ... tửng tửng!
Hạnh phúc naỳ là do mình gầy dựng
Anh không tin vào tuổi hạp, số hên
Tình có keo sơn, nghĩa có chặt bền
Đều khởi sự bằng phút đầu bở ngở
Nê’u có’ ai nghe qua mà hổng ... sợ
Xin thư về địa chỉ ở dươ’i đây.

(your email address here) *
Hư’a hồi âm mặc kệ cho’ng hay chầy
Trai cô đơn tìm dzợ hiền ... cho mẹ.

·                                 Tôi không dám điền vào giòng này vì không đủ tiêu chuẩn !

·                                  

*Nhạc Việt ở Nhật Bản:

Xưa có Nắng Chiều, Diễm Xưa… Nay có gì đây?

Nhạc Trịnh Công Sơn trên xứ Phù Tang

 

 

DiemXuaHoaTauYoshiI mamura-LizKinon. php 

Ở ngoài Việt Nam, Nhật Bản là nơi mà Trịnh Công Sơn được người bản xứ biết đến nhiều nhất. Bài Diễm Xưa được dịch ra tiếng Nhật dưới nhan đề Utsukushii Mukashi và được Khánh Ly trình bày ở hội chợ Osaka năm 1970. Bài Utsukushii Mukashi cũng được phổ biến rộng rãi vào quần chúng Nhật qua tiếng hát của Yoshimi Tendo, một ca sĩ nổi danh ở Nhật. 


Từ đó đến nay Utsukushii Mukashi và một vài bài khác của Trịnh Công Sơn như Ca Dao Mẹ đã được phát trên các đài phát thanh ở Nhật khá đều đặn.

 

Năm 1980 ca khúc Diễm Xưa và bản dịch Utsukushii Mukashi được đài truyền hình lớn nhất ở Nhật NHK chọn làm nhạc phẩm chính cho một bộ phim nội dung trình bày những khác biệt văn hóa giữa một người Nhật có vợ Việt Nam.

 

Tháng 7 2004 Diễm Xưa trở thành nhạc phẩm Á Châu đầu tiên được viện đại học Kansai Gakuin đưa vào chương trình giáo dục của viện đại học trong bộ môn Văn Hoá và Âm Nhạc.

 

Dưới đây là bài Diễm Xưa bằng tiếng Nhật cùng với cách phát âm.

 

*Châm ngôn thời đại;

Thời đại này là thời của ngôn ngữ. Rất linh tinh. Một trong những bằng chứng cụ thể rất “thể cụ” của nhận định trên đây, là như sau:

 "  Bầu ơi thương lấy bí cùng , mai sau có lúc... nấu chung một nồi " 

"Ngu không phải là cái tội, mà cái tội là không biết mình ngu!  "  

"  Nói tiếng Anh như gió, gặp từ khó...ta bắn sang tiếng Việt  "

"  Có một thứ tiền không thể mua được. Đó là sự Nghèo Khó"

" Không phải người đàn bà nào cũng đẹp và không phải người đẹp nào cũng là đàn bà "  

 "  Ăn chay không phải là tu 
Ăn chay là để âm mưu chuyện gì
"

"  Trên trời mây trắng như bông 
Ở dưới cánh đồng mông trắng như mây
"  

 "  Thà khỏe mạnh trong một gia đình giàu có và hạnh phúc, còn hơn ốm yếu trong một gia đình nghèo nàn và bất hạnh "

 "  Cách tốt nhất để giữ lời hứa là đừng hứa gì cả. "

"  Ai bảo chăn trâu là khổ 
Ta đây chăn gái khổ gấp trăm lần
"

 "  Có công mài sắt có ngày...... chai tay

"  Ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục cũng là ... cái ao " thất tình tự tử đu dây điện 
điện giật tê tê chết từ từ
"

 "  Đời là bể khổ 
mà chúng sanh thì... không biết bơi!
"

 "  CÓ TIỀN thì đi xe hơi. uống bia ôm. HẾT TIỀN đi xe ôm uống bia hơi!"

 

*Thơ dài …Chồng vợ:

Chồng vơ/vợ chồng là chuyện dài “Nhan dân tự vệ”, ở đời thường. Đời thường vẫn có những thơ, những truyện kể lể, về tình thế. Tình và thế, của cả hai, vẫn cứ gọi là chồng/là vợ. Hoặc vợ chồng. Rất lông ngông. Như sau:

Nấu cơm, đi chợ hàng ngày, Bồng con, thay tã tui đây vẹn toàn

Lấy nàng từ thuở mười nhăm
Đến khi mười chín tôi đà năm con
Nàng thì trông hãy còn son
Tôi thì đinh ốc, bù lon rã rời

Nắng mưa là chuyện của trời
Tề gia nội trợ có tôi bao thầu
Suốt ngày cày cấy như trâu
Chiều về rửa chén cũng ngầu như ai

Nấu cơm, đi chợ hàng ngày
Bồng con, thay tã tui đây vẹn toàn
Lau nhà lau cữa chẳng màng
Ôi thời oanh liệt ngang tàng còn đâu

Nhiều khi muốn hộc xì dầu
Xin nàng nghĩ phép nàng chau đôi mày
Nàng đòi thi đấu võ đài
Tung ra một chưởng chén bay ào ào

Nhớ xưa mình mới quen nhau
Nghe em ăn nói ngọt ngào dễ thương
Cho nên tôi mới bị lường
Đem thân ngà ngọc cậy nương nơi nàng

Than ôi , thực tế phũ phàng !
Mày râu một kiếp thôi đành ... đi đoong
Một lòng thờ dzợ sắ́t son
Còn non còn nước thì còn ... thờ em

Ơi em ơi , hỡi em ơ  i  i  i  i .....

 

Dinh nghia vo

 

Vợ là con Phật, cháu Trời,

 rẽ mây rơi xuống làm người trần gian

 

 

Hôm nay mùng 8 tháng 3
Không biết định nghĩa Vợ là chi đây
Vợ là quả ớt chín cây
Đỏ tươi ngoài vỏ rất cay trong lòng.

Vợ là một đoá hoa hồng
Vợ là "sư tử Hà Đông" trong nhà.
Vợ là nắng gắt mưa sa
Vợ là giông tố phong ba bão bùng..

Nhiều người nhờ Vợ lên Ông
Nhiều người vì Vợ mất không cơ đồ
Vợ là cả những vần thơ
Vợ là cả những giấc mơ vơi đầy

Vợ là một chất men say
Là nước hoa ngoại làm ngây ngất lòng
Vợ là một áng mây hồng
Vợ là hoa hậu để chồng mê say.

Vợ là khối óc bàn tay
Vợ là bác sĩ tháng ngày chăm ta
Vợ là nụ Vợ là hoa
Vợ là chồi biếc Vợ là mùa xuân.

Vợ là tín dụng nhân dân
Vợ là kế toán giải ngân trong nhà
Vợ là biển rộng bao la
Vợ là hương lúa đậm đà tình quê

Vợ là gió mát trưa hè
Vợ là hơi ấm thổi về đêm đông.
Vợ là chỗ dựa cho chồng
Nhiều ông dám bảo vợ không là gì!?

Khoan khoan hãy nghĩ lại đi
Vợ quan trọng lắm không gì hơn đâu.
Việc nhà vợ có công đầu
Nấu cơm, nấu nước, rửa rau, pha trà.

Vợ là máy giặt trong nhà
Vợ là Cát-sét Vợ là Tivi.
Nhiều đêm Vợ hát Chồng nghe
Lời ru xưa lại vọng về trong ta.

Vợ là làn điệu dân ca.
Vợ là bà chủ, vợ là nhân viên
Vợ là cái máy đếm tiền
Vợ là "Nội lực" làm nên cơ đồ

Vợ là thủ quỹ thủ kho
Vợ là hạnh phúc ấm no trong nhà.
Vợ là vũ trụ bao la
Nhiều điều bí ẩn mà ta chưa tường.

Khi nào giận, lúc nào thương.
Sớm mưa, chiều nắng ai lường được đâu.
Vợ là một khúc sông sâu
Vợ như là cả một bầu trời xanh

Vợ là khúc nhạc tâm tình
Vợ là cây trúc bên đình làm duyên
Vợ là cô Tấm thảo hiền.
Vợ là cô Cám hám tiền ham chơi.

Vợ là con Phật, cháu Trời,
Rẽ mây rơi xuống làm người trần gian.

Vợ là...

Vợ là đầu mối giây oan
Vợ là Vi rút ... teo gan Anh hùng
Vợ là đàn cũ giây chùng
Khua bên tai mãi ... chưa khùng mới hay !!!

 

*Cũng vẫn là thơ.. với thẩn-

Chẳng dám gọi là thơ… con nhái bén đâu. Bởi, cũng có vần có đệu, kiểu lục bat. Đâu phải chơi. Nhưng thơ nay là thơ chọc ghẹo bà…Tzời. Thôi thì, cứ để bạn đọc đọc thế nào thì đọc. Hiểu thế nào thì hiểu. Cho vui. Thơ Mười Thương, là đây.

Môt thương đôi má của nàng,
Xoa toàn mỹ phẫm anh tàn tháng lương.
Hai thương giọng ngọt như đường,
Nàng xin môt tiếng vua nhường mất ngôi.
Ba thương đo đỏ đôi môi,
Anh không chạm đươc sợ trôi son nàng.
Bốn thương mười ngón thiên đàng,
Móng nàng lạ lắm, lúc vàng lúc xanh.
Năm thương đôi măt long lanh,
Liếc tình cọp cũng biến thành nai tơ.
Sáu thương cái nết ngây thơ,
Quen nàng môt tháng anh khờ ba năm.
Bảy thương cái mặt chằm dzằm,
Đòi mua một cái áo đầm mới dzui.
Tám thương mái tóc buông xuôi,
Làm anh điêu đứng bởi mùi dầu thơm.
Chín thương nàng biết nấu cơm,
Ba năm môt món anh ròm như ma.
Mười thương ăn nói mặn mà,
Em la một tiếng cả nhà điếc tai

 

*Những giòng chảy thân thương hiếm quý:

Gọi là giòng chảy, tức giòng tâm tình của người anh em cùng Dòng, ở quê nhà. Anh hiện đang là “đại ca” của tỉnh dòng Việt Nam. Ấy thế mà, giòng chảy tâm tư cứ ngọt ngào tình thương của thế hệ, còn rất trẻ. Đây một chứng mình:

Wednesday, March 31, 2010, 6:23 AM

Kính gởi anh Mai Tá.

Rất mong rằng anh hằng mạnh khỏe, bình an và hạnh phúc .

Xin gởi anh chương trình em sẽ đến Úc trong tháng 5, cùng đi với em sẽ là cha John Lê Đình Phương, Phụ trách về đào tạo của Tỉnh Dòng.

Chúng em sang Úc theo lời mời của Tỉnh Úc, mục đích là thăm viếng để thắt chặt tình bằng hữu giữa hai tỉnh, và cũng là để thăm, chia sẻ, trao đổi và nâng đỡ với các sinh viên Vn đang theo học tại Úc
Em lợi dụng cơ hội này để gặp gỡ những người quen biết, trong đó anh em cựu đệ tử là thành phần chính, em ước ao được thăm anh chị em, chia sẻ và thông tin về tỉnh dòng với anh chị em, cám ơn anh chị em với những đóng góp quí báu trong những năm tháng qua. Người quen của em ở Sydney rất đông, nhưng gặp anh em là chính, do đó em nhờ anh sắp đặt thế nào cho thuận tiện nhất những ngày em ở Sydney, dĩ nhiên cũng cần phải dành giờ cho việc thăm viếng cộng đòan kogarah, tuy nhiên em cũng rất cần có giờ để thăm một vài người quen.

Ý kiến của anh thế nào xin cho em biết.

Theo nguyên tắc em sẽ víết thư cho anh Lâm (nếu em nhớ không sai tên anh phụ trách nhóm), nhưng em chưa có dịp quen biết nên nhờ anh giúp đỡ.

Chân thành cám ơn anh.

Kính chúc Tuần Thánh sốt sắng, thánh thiện được nhiều ơn Chúa.

Cầu nguyện cho nhau.

Lời cảm tạ gửi đến nhị vị đại ca:  Dân Gầy xin cảm ơn anh chị Mai Tá đã dám chuyển thư tâm tình của cha Bề Trên tỉnh cho bọn này. Cũng xin cảm ơn cha Bề Trên Giám tỉnh DCCT VN đã có thư và tâm tình cho anh em Gia đình An Phong chi hội Sydney. Chắc chắn buổi hội ngộ “ngàn năm một huở” này sẽ có nhiều điều vui tươi. Bổ ích. Mong thay!

 

*Xưa là thơ con cóc, nay là văn …con công!

Công hay cóc, cũng là loài thú rất cóc, cũng rất công. Thôi thì, công hay cóc, cũng là cóc công. Ta cứ nghe thử, có thủng lỗ tai cũng cứ bỏ qua, chuyện con công:

Luận về con công
- Con công chết thì gọi là CÔNG TỬ
- Con công màu vàng là CỘNG
NGH

- Công ở bên Tây là CÔNG PHÁP
- Con công ở bên Đức gọi là CÔNG ĐỨC
- Con công ở xứ Phù Tang là CÔNG NHẬT
- Con công ở Ấn Độ là CÔNG ẤN
- Con công ngoài Huế gọi là CÔNG TẰNG
- Con công ở Bạc Liêu là CÔNG TỬ BẠC LIÊU
- Công theo cộng sản gọi là CÔNG CỘNG
- Nguyên một bầy công thì gọi là CÔNG ĐOÀN
- Bầy công đi thành hàng một thì gọi là CÔNG VOA
- Chỗ bầy công picnic gọi là CÔNG VIÊN
- Con công bỏ đi xa bầy đó là CÔNG XA
- Con công lành lặn, không bị rớt cọng lông nào, gọi là CÔNG NGUYÊN
- Con công không làm quan, làm tướng, thì gọi là CÔNG DÂN
- Chỗ làm việc của con công gọi là CÔNG SỞ
- Con công làm cảnh sát thì gọi là CÔNG LỰC
- Con công thuộc giới lao động gọi là CÔNG PHU
- Con công nào ho hen ốm yếu gọi là CÔNG LAO
- Loài công thích chơi đồ xịn thì gọi là CÔNG HIỆU
- Loài công hay nghinh nghinh cái mặt gọi là CÔNG NGHÊNH
- Loài công thích đánh lộn gọi là CÔNG KÍCH
- Loài công không biết chối gọi là loài CÔNG NHẬN
- Cái váy của con công gọi là CÔNG KHỐ
- Loài công hay đưa tin thất thiệt gọi là CÔNG ĐỒN
- Con công liến khỉ gọi là CÔNG HẦU
- Con công thi đậu hạng nhất gọi là CÔNG TRẠNG
- Loài công ham được tiếng tăm gọi là CÔNG DANH
- Cái của con công ị ra gọi là CÔNG PHẪN
- Con công đái dầm thường bị chê là CÔNG KHAI
- Con công bị thiến gọi là... CÔNG CÔNG
- Con công mà không ngủ gọi là CÔNG THỨC
- Con công nào không thức thì nó làm gì? CÔNG PHÁ
- Con công vặn đèn gọi là CÔNG ĐIỆN
- Con công làm sếp gọi là CÔNG CHÚA
- Con công nuôi ở chùa gọi là CÔNG CHÙA
- Con công đi lính gọi là CÔNG BINH
- Con công thích lên làm người gọi là CÔNG NHÂN
- Con công chịu khó gọi là CÔNG VIỆC
- Nơi công ở gọi là CÔNG CỐC
- Bị chôm crediot cũng gọi là CÔNG CỐC
- Công treo tòn ten trên nhánh cây là CÔNG QUẢ
- Con công an phân là CÔNG AN
- Con Công dựa vào con khác để đứng gọi là CÔNG NƯƠNG
- Con Công ra đứng giữa đường gọi là CÔNG LỘ
- Con công lạc vào trường học gọi là CÔNG TRƯỜNG
- Con công đầu đàn là THỦ CÔNG
- Con công có chức phận gọi là CÔNG CHỨC
- Con công thông minh gọi là CÔNG MINH
- Con công không bị lai gọi là CÔNG CHÍNH
- Con Công hì hục làm "nhiệm vụ" gọi là CÔNG SUẤT
- Con công gáy gọi là CÔNG TÁC
- Con công biết thưa biết trình gọi là CÔNG TRÌNH
- Con công cha gọi là CÔNG BỐ
- Con công thích lý sự gọi là CÔNG LÝ
- Con công thích viết báo gôi là CÔNG LUẬN
- Con công thích thưa gửi gọi là CÔNG MÔN
- Con công cha gọi là CÔNG BỐ
- Con công thương nhau gọi là CÔNG THƯƠNG
- Công ăn lạp xưởng là CÔNG XƯỞNG
- Công cao niên là CÔNG CỤ
- Công đi ở đợ cho công khác là CÔNG BỘC
- Công làm việc trong Ty là CÔNG TY
- Con công không thích làm Phó hay Phụ Tá gọi là con CÔNG CHÁNH
- Con công thích mơ mộng gọi là CÔNG ƯỚC
- Con công làm việc phòng nhì gọi là CÔNG MẬT
- Con công bị cụt đuôi gọi là CÔNG BẰNG
- Con công chạy lung tung gọi là CỜ LÔNG CÔNG
- Con công đang "dạp mái' gọi là CÔNG KÊNH
- Con công ích kỷ gọi là CÔNG ÍCH
- Con công thích chỉ tay 5 ngón là CÔNG LỆNH
- Con công đứng đái đường gọi là CÔNG XÚC TU SỈ
- Con công đứng đái đường cũng gọi là CÔNG KHAI
- Con công thích nhảy múa gọi là VŨ CÔNG
- Con công thích âm nhạc gọi là NHẠC CÔNG
- Con công nhiều nghề gọi là SĨ NÔNG CÔNG THƯƠNG 
 - Con công đi ngủ là... CON CÔNG NGỦ

 

*Lại một bài thơ:

Thơ, là thơ tình. Nhưng tình già. Của chồng vợ. Rất nên thơ. Vẫn cứ ơ hờ. Thờ ơ. Bơ vơ. Như:

Vợ chồng nay đã về già
Lưng còng gối mỏi, làn da đồi mồi
Khó khăn lúc đứng khi ngồi
Mắt mờ, tai điếc, răng thời lung lay
Về hưu rảnh rỗi cả ngày
Cụ bà đổi tính nên hay nói nhiều
Thôi thì cụ nói đủ điều
Trời mưa trời nắng, từ chiều tới khuya
Trách ông già: vẫn không chừa
Tính tình gàn dở, khó ưa quá trời
Lỗi ông cụ nhớ thật dai
Lâu lâu lại nhắc một vài tật xưa
Đi đâu hai cụ chung xe
Cụ ông cầm lái cụ bà chỉ huy
Hãy nhìn đèn đỏ đằng kia
Ông mà vượt nó hồn lìa thế gian
Lái xe cốt giữ an toàn
Chạy nhanh lái ẩu là tan thân già
Những ngày hai cụ ở nhà
Đứng ngồi quanh quẩn vào ra đụng đầu
Truyện trò chỉ được vài câu
Thế là các cụ bắt đầu xùng lên
Bà rằng: ông dở chứng điên
Ông rằng: bà mới vô duyên trên đời
Hôm nao khó ở trong người
Không gây nhau thấy buồn ơi là buồn
Gây hoài riết trở thành quen
Gây xong lại nắm tay em cười hòa
Cãi nhau cái thú người già
Không gây không cãi, cửa nhà buồn tênh.
(Quang Huấn)

 

*Định nghĩa… thơ văn của người đời

Người đời nay, nhất là tuổi trẻ. Lại vẫn dễ nói ngược nói ngạo những câu vui. Vui như ngày Tết. Lệt bệt câu sáo ngữ, của thời trước. Bởi thế nên, ngày nay tuổi trẻ mới đổi hết, các câu thơ lẫn…ngữ tục. Như sau:

Trăm năm bia đá cũng mòn , bia chai cũng bể , chỉ còn bia … ôm.

– Khi yêu nhau thì người ta thề sống chết có nhau , còn khi ghét nhau rồi thì người ta thường thề sẽ sống chết với nhau.

– Chết cho người phụ nữ mình yêu vẫn dễ hơn là phải sống chung với họ.

- Ðằng sau sự thành công của một người đan ông luôn có hình bóng của một người đàn bà , và đằng sau sự thất bại của một gười đan ông là một người đàn bà thật sự .

-Tình yêu là bất tử , chỉ có người yêu là thay đổi.

- Ly dị là sự kiện mà người đàn ông phải giặt đồ cho mình … thay vì trước đó phải giặt đồ cho cả hai .

- Khi một cô gái được nhiều người theo đuổi cô ta sẽ làm cao , khi cô ấy được một người theo đuổi thì cô ta sẽ làm dáng , khi không có ai theo đuổi cô ấy cô ta sẽ làm … thơ , và khi cô ta theo đuổi nhiều người cô ta sẽ làm ca … ve.

- Bia độc hơn rượu , bằng chứng trên thế giới chỉ có ” mộ bia ” mà không có ” mộ rượu ”

-Không có gì tiết kiệm thời gian và tiền bạc hơn là yêu ngay từ cái nhìn đầu tiên.

- Một người phụ nữ toàn diện : sáng diện , trưa diện , chiều diện , tối diện.

- Thiếu nữ là chữ viết tắt của thiếu … nữ tính.

Lời bàn của DânGầy: Thế mới chết. Thế có là chuyện ngữ ngôn/ngôn với ngữ? Hỏi tức trả lời rồi, phải thế không?

 

*Sỏi đã ném đi, thư từ về lại:

“Sỏi đá”, là những gì còn lại từ lần quyên góp, rất mùa xuân. Xuân Canh dần, ở Sydney. Khi ấy, anh em quyên góp được đến AUD$3,560. Và sỏi đá cho đi, để phụ giúp các thí điểm truyền giáo của Tỉnh Dòng. Trong đó, cụ thể: đã tặng Lm Nguyễn Minh Sang DCCT Huế và Lm Lê Quang Uy DCCT Sàigòn kiêm nhiệm Hội Bảo Vệ Sự Sống, mỗi nơi $1,000. Số còn lại, được CHTrưởng NDLâm trực tiếp thân tặng Lm Xuân Thu CSsR ĐàLạt và Lm Lê Ngọc Thanh, CSsR Sàigòn Phụ trách truyền thông Tỉnh. Thư về, là thư cảm tạ có lời lẽ thân thương, như:

 

Hôm rồi, Em có gửi $500 cho Cha Xuân Thu (Tùng Lâm – ĐàLạt) qua cha Đinh Hữu Thoại. Cuối tháng, Cha Xuân Thu về Saigon có việc sẽ biên thư qua email cho anh em mình sau.

Dưới đây là thư của cha Lê ngọc Thanh, CSsR :

Anh Nguyễn Duy Lâm mến,

Anh đã về tới Úc chưa?

Em thay mặt cho Truyền thông Chúa Cứu Thế cảm ơn anh Chi Hội Trưởng Sydney đã chia sẻ với Truyền thông $500Aud.

Xin Chúa ban bình an cho anh va cac anh chi hội viên Hội Cựu Đệe Tử DCCT.

Kính

An Thanh, CSsR

Skype: cheoreo

Cellphone N: 01652.711.367

Website: www.ducme.tv

 

*Quốc văn giáo hoa thư…đời mới:

Có những lời khuyên rất “giáo hoa thư” như sau:

Nên lấy vợ sớm vì những lợi ích sau đây
  1. Vợ dạy cho ta tính phục thiện (sẵn sàng nhận lỗi tuy mình không làm gì sai cả)
  2. Vợ dạy cho ta tính kiên nhẫn, chờ đợi không biết mệt (để vợ sửa soạn  đi lễ, đi chùa, hay đi sắm đồ)
  3. Vợ cho ta sức khỏe (cấm không cho hút thuốc lá, uống rượu, uống bia, đi chơi khuya với mấy thằng bạn cô hồn)     

  4. Vợ dạy cho ta sự tế nhị (không chê bai dù cơm khét, canh mặn)         
  5. Vợ dạy cho ta sự lễ phép (đi thưa về trình)           6. Vợ dạy cho ta sự rộng lượng (kiếm được bao nhiêu tiền tặng vợ hết)   
  7. Vợ là huấn luyện viên thể dục tại gia của ta (làm vườn, cắt cỏ, đổ rác, giặt quần áo, lau dọn nhà cửa, mang vác)              
  8. Vợ dạy cho ta tính gọn gàng, trật tự (chỉ được bày biện của riêng trong một góc tủ vợ dành cho)   9. Vợ dạy cho ta sự công chính (ra đường cứ thẳng đường mà đi, không nhìn ngang, liếc dọc, nhất là chỗ có đông phụ nữ)                             
 10. Vợ giúp ta trở thành người cha gương mẫu (thay tã, tắm rửa cho con, ru con ngủ, cho con bú, dậy con học, ...)                              
  11. Vợ dạy cho ta biết giá trị của hai chữ tự do (nay mình không còn nữa)                             
  12. Vợ dạy cho ta biết phấn đấu với nghịch cảnh (muốn chết mà cứ phải sống)                                                        

*Sỏi đá góp nhặt và tặng trao cho nhau:

Sỏi đá lâu nay từng góp nhặt. vẫn cứ gửi về để bà con anh em trong gia đình mình, mà tặng trao. Trao tặng kỳ này là trao và tặng người anh em đang công tác miền sâu miền xa, nơi cao nguyên ấy. Quà tặng trao ban, nay có hồi âm, như sau:

Men chao ban Lam.

Cam ta on Thien Chua , Me Maria ,Cha Thanh Anphong ,xin cam on anh em nhat la ban Lam . Xuan Thu cung xin Loi ban Lam va cac ban . Minh van khoe , minh da nhan duoc tien anh em gui de giup viec truyen giao qua cha Thoai [chau cua Chanh ] nhung vi qua ban cong viec xay dung nha Chua nen da quen khong hoi am de cam on va bao tin cho yen tri . Vay mong thong cam va thu loi cho nha . Nguyen on Thien Chua Ba Ngoi luon thanh hoa va chuc lanh cho Lam , cac ban va gia dinh cac ban nhe . Men nho nhau trong loi kinh va thanh le.

Gioan Maria Xuan Thu CSsR

Thư đi thư về vẫn như xưa:

Ngày 29 tháng 5 năm 2010, Lam Nguyen đã viết:

Cha Xuan Thu oi,
Cha khoe khong?
Xuan Thu da len
Saigon nhan qua cua anh em cuu de tu gui chua?
Neu nhan duoc, xin cha viet vai dong de Lam chuyen den cho anh em.
Hy vong se co dip gap nhau.
-Lam

 

Giáo hội Công giáo

Người Công giáo Việt Nam

                                                          Trần Ngọc Tá

                                                     (Tiếp theo và hết)

 

5. Công giáo việt nam

và công việc ưu tiên


Anh chị thân mến,

Bước vào thế kỷ 21, người ta nói nhiều đến kế hoạch kinh tế thời hậu Cộng sản. Đã đành, các kế hoạch ấy đều được giới hữu trách nghĩ đến và chuẩn bị thực hiện. Nhưng có một vấn đề cần đặt là người Công giáo Việt hải ngoại cần làm gì để phục vụ Quê hương và Giáo hội mai ngày khi sắp đến thời kỳ ấy.

 

            Vẫn biết rẳng, một số người việt bỏ nước ra đi không phải để chốn chạy Cộng sản. Cũng Chẳng phải để tu nghiệp hay hấp thụ kỹ thuật mới, từ các nước tiên tiến, để rồi hy vọng mai này trở về xây dựng đất nước. Có người ra đi chỉ để tìm lấy cho mình một cuộc sống thoải mái. Tránh né những gì là gò ép, ràng buộc. Tuy nhiên đã là người Việt thì dù sinh ở đâu, sống nơi nào, chúng ta vẫn không thể chối bỏ được thân phận da vàng mũi tẹt của mình. Nhất chứ, chúng mình lại là người công giáo. Những người để ý đến tính cách chung của mầu cờ sắc áo, đến đặc điểm chung của đạo giáo mình theo. Tốt hơn, ta hãy có hành động tích cực cho công việc chung của đất nước và Giáo hội. Cổ nhân có câu: nếu không hạ được địch thủ của mình thì tốt hơn hết hãy tham gia hợp tác với họ.

 

            Thành thử theo thiển ý, người Công giáo Việt nam hải ngoại, trước tiên cần tham gia tích cực vào chuyện chung. Tham gia các sinh hoạt ở ngoài nước trước đã. Kế đến, tham gia các hoạt động thực tiễn bên nhà.

 

            Về sinh hoạt của cộng đoàn Công giáo hải ngoại, tôi nghĩ mình nên đoàn kết để nâng đỡ nhau. Đoàn kết để tồn tại. Đoàn kết không phải bằng môi miệng hoặc chỉ bằng tinh thần thuần túy. Nhưng hiện thực sự đoàn kết ấy bằng hành động cụ thể. Hành dộng khi có yêu cầu. Hành động qua những công tác yểm trợ mỗi khi có dịp. Hành động trực tiếp hay gián tiếp, bất kể.

 

Sống ở nước ngoài, Người Việt Tự Do thường có các buổi sinh hoạt truyền thống văn hóa/xã hội bên trong cộng đổng các lễ hội dân tộc như: Tết Nguyên Đán, Giỗ Tổ, ngây truyền thống vv, Người Việt Tự Do vẫn tổ chức rầm rộ. Tổ chức với nhau, cho nhau. Tổ chức cho sắc tộc bạn chung vui với mình. Người công giáo việt thường yểm trợ các hoạt động ấy bằng công sức hoặc tiền bạc để các phong trào mãi mãi tồn tại. Ví dụ điển hình về sinh hoạt cộng đồng thì rất nhiều. Không thể kể ra hết ở đây. Nhưng, vừa qua có một hoạt động của giới trẻ/sinh viên người việt tại Sydney/Canberra nhân 25 năm kỷ niệm ngày mất nước. Một sinh hoạt đã được đồng hương hoan nghênh hết mình.

 

Đoàn kết không chỉ với người đồng đạo, đồng cảnh. Nhưng cả với anh chị em bên quê nhà bằng những tấm lòng đùm bọc. Bằng sự cảm thông thương xót của người xa quê, vắng nhà. Khi bày tỏ sự đoàn kết đùm bọc, người công giáo việt đã tạo cho cộng đoàn mình một hình ảnh đẹp và cần thiết. Hình ảnh ấy còn là đòi hỏi đích thực của Đạo. Và khi hình ảnh của cộng đồng người Việt hải ngoại đã trở nên tốt đẹp và mạnh đủ, thì tiếng nói cũng như vị thế của họ sẽ gây ảnh hưởng lớn lên chính trị của đất nước. Và người bản xứ cũng bắt đầu kính nể. Có rất nhiều dịp trong đó các cơ quan chính quyền tiểu bang cũng như Liên bang đề cao và tán dương tinh thần đoàn kết và đùm bọc của đồng bào ta ở hải ngoại. Đăc biệt là những dịp cộng đồng sắc tộc chúng ta phát động chương trình lạc quyên gây quỹ giúp nạn nhân bão lụt tại quê nhà đã đành. Còn giúp cả nạn nhân thiên tai ở Thổ Nhĩ Kì. Giúp các bệnh viện nhi đồng như Bệnh viện Nhi đồng Hoàng gia Melbourne, bệnh viện Nhi đồng Westmead, Sydney vv. Tất cả đều là sinh hoạt trọng điểm của đồng bào mình ở Úc đáng được đề cao nhân rộng.

 

Từ tinh thần đoàn kết đùm bọc ấy, người việt công giáo hải ngoại đã bước những bước tích cực nhằm phục vụ quê hương và Giáo hội. Cần bằng chứng cụ thể ư? Hãy xét các sinh hoạt của Hội Chuyên gia Việt Nam tại các nước phương Tây như Pháp, Úc, Mỹ, Canada, vv.. Bỏ qua một bên, những kế hoạch có tính cách quy mô và lâu dài, thiết nghĩ, hoạt động hằng năm của Giáo hội cho thấy phần nào mô hình gương mẫu và thiết thực hầu phục vụ Quê hương mai hậu.

Đối với Giáo hội Việt Nam cách riêng, ta không có các chương trình của các nhóm người Việt công giáo to lớn và lớp lang như của Hội Chuyên gia. Tuy nhiên, tên tuổi và hoạt động của một vài chức sắc việt nam quen biết nhưc Đức Tổng Giám Mục Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận, các Đức ông Tài, Thụ vv. Có thể được coi như những ví dụ cụ thể. Ngoài các vị người việt hoặc gốc việt kề trên, cũng đã thấy một vài người ngoại quốc, hoặc đoàn thể nước ngoài đang gia tăng công sức giúp xây dựng Giáo hội công giáo việt nam lành và mạnh. Lành và mạnh theo đúng ý nghĩa của cụm từ “Công giáo”, “Nhà Chung” đề cập ở trên.

Riêng ở Úc, các phong trào và nhân vật nổi tiếng trong giới công giáo như The Overseas Aid Fun For The Education of Children in Vietnam Inc., The Asia Education Foundation, Sr Patrica là những gương mặt điển hình đáng khích lệ người Việt Tự do tại Úc. Những ai không thể hoạt động chính thức hoặc tích cực như các vị trên, vẫn có thề biểu lộ sự đoàn kết và đùm bọc bằng những hợp tác thiết thực. Hợp tác, qua đóng góp ý kiến, công sức, cũng như tiền bạc. Hoặc, ít nhất bằng lời cầu nguyện. Bằng việc góp chữ ký đạt để thỉnh nguyện thư vv…

Tóm lại, bẳng bất cứ hình thức nào thích hợp, người công giáo việt nam hải ngoại nên hợp tác tích cực và cụ thể với các chương trình thiện nguyện khác nhau. Để rồi, qua tinh thần hợp tác tích cực ấy, người ngoài cuộc sẽ nhận ra rằng: đặc điểm của Đạo mình, chính là riêngchung/chungriêng. Đúng như ý nghĩa của cụm từ Công giáo mà chúng ta vẫn tự hào.

Rất mong rằng, mấy ý kiến ghi trên sẽ không là những đòi hỏi quá đáng, khó thực hiện.

 

(những thỉnh ý nhân lễ Chúa về Trời năm 2000)

 

Trần Ngọc Tá

 

 

ĐƯỜNG THAY THẾ

                                                   Mai Thanh Truyết

 

Đường thay thế (sugar substitute) được xem như là một hóa chất có vị ngọt giống như đường (sucrose) có trong mía, củ cải... dùng trong việc ăn uống. Đường thay thế tạo ra ít năng lượng hơn đường.

Các loại đường thay thế có thể có trong thiên nhiên hay bằng phương pháp tổng hợp, vì loại đường nầy có vị ngọt gấp nhiều lần hơn đường ăn thông thường, cho nên chỉ cần một lượng rất nhỏ mà thôi. Và loại đường thay thế tổng hợp có tên chung thông thường là artificial sweetener.

Các loại đường thay thế tổng hợp có nhiều vị khác nhau, vì thế cho nên nhà sản xuất thường pha trộn nhiều loại khác nhau để cho có được gần giống như đường ăn thiên nhiên.

Tại Hoa Kỳ, các loại đường sau đây đã được FDA chấp nhận, nhưng vẫn chưa có những kết quả nghiên cứu về mức an toàn cũng như độc hại. Đó là: aspartame, saccharin, dextrose, maltodextrin, sucralose v. v.. . Hiện nay, đã có hàng trăm nghiên cứu liên quan đến các loại đường trên do những nhà độc tố học, nhưng đó chỉ là những nghiên cứu độc lập không do FDA thực hiện.

Có một số đường có trong thiên nhiên như sorbitol, và xylitol tìm thấy trong các loại dâu (berries), rau, trái cây, và nấm. Tuy nhiên vì không có hiệu quả kinh tế khi ly trích các loại đường nầy, do đó, chúng được tổng hợp bằng hóa chất như từ glucose ra sorbitol, xylose ra xylitol.

Bài viết nầy đặt trọng tâm vào việc khơi mở một số thông tin về các biến chứng có thể có cũng như tính độc hại trên của một số đường thay thế thông thường được bày bán ngoài thị trường.
 
Saccharin

Saccharin đã được định nghĩa như là “hóa chất tổng hợp có vị ngọt” (sweet tasting synthetic compound), có công thức C7H5NO3S, khám phá do GS Constantin Fahlberg ở Đại học Hopkins năm 1878 trong khi nghiên cứu về chất hắc ín (tar) trong than. Vị ngọt được ước tính từ 200 đến 700 đường thông thường, nhưng lại cho hậu vị đắng trong cổ họng sau khi uống vào. Lượng saccharin chấp nhận cho cơ thể (acceptable daily intake-ADI) là 5mg/kg. Tên thương mại của saccharin là Sweet N’Low.

Khi đi vào cơ thể, saccharin không bị hấp thụ vào các bộ phận trong cơ thể mà được thải hồi sau đó qua đường tiểu tiện. Do đó, có thể nói saccharin không tạo ra năng lượng cho cơ thể và không ảnh hưởng đến lượng đường trong máu. Saccharin không những được áp dụng trong kỹ nghệ thực phẩm, mà còn trong dược phẩm và kỹ nghệ sửa sắc đẹp.

Câu hỏi được đặt ra là saccharin có an toàn hay không? Có ảnh hưởng đến sức khỏe hay không? Có là tác nhân của ung thư hay không?

Ba câu hỏi trên vẫn còn là những tranh cãi lớn cho đến ngày hôm nay, nhứt là tranh cãi về những biến chứng phụ qua việc dùng hóa chất nầy trong thực phẩm.

Đầu thập niên 60, hóa chất nầy được xếp loại có nguy cơ gây ra ung thư (carcinogen) . Do đó, vào năm 1977, Canada và FDA Hoa Kỳ cấm sử dụng hóa chất nầy vì khám phá ra ung thư bàng quan (bladder) cho chuột. Nhưng trước áp lực của dân chúng và nhà sản xuất, Quốc hội Hoa Kỳ cho phép dùng lại với điều kiện phải có hàng chữ “có nguy cơ độc hại cho sức khỏe” (potentially hazardous to health). Năm 2000, FDA Hoa Kỳ lại lấy hàng chữ nầy ra vì có những nghiên cứu chứng minh sự an toàn của saccharin!

Tuy nhiên, hiện nay một số nghiên cứu hiện đại lại khám phá ra rằng, saccharin có thể tạo ra dị ứng cho cơ thể như nhức đầu, tiêu chảy, da bị tróc v.v...Đối với các phụ nữ đang mang thai, saccharin có thể đi thẳng vào bào thai và nằm yên trong đó trong suốt thời kỳ mang thai; do đó thai nhi có thể bị ảnh hưởng và tạo nên những chứng bất toàn về bắp thịt (muscle dysfunction).

Dùng nhiều lượng saccharin có thể sinh ra bịnh béo phì.

Tuy nhiên tất cả những biến chứng do việc sử dụng saccharin vẫn còn là một tranh cãi và chưa có kết luận nào có tình cách thuyết phục cả. Chính cựu Tổng thống Roosevelt đã từng tuyên bố một câu bất hủ về hóa chất nầy như sau: ”Ai nói saccharin có nguy cơ ảnh hưởng lên sức khỏe, người đó là một “thằng” dốt (idiot)”.
 
Aspartame

Hiện tại, con người đã khám phá ra 92 loại biến chứng của hóa chất aspartame. Điều nầy có vẻ phi lý nhưng đó là một sự thật: “Aspartame hòa tan trong nước và có thể di chuyển đến bất cứ mô (tissue) nào trong cơ thể”. Sau đó cơ thể tiêu hóa (digest) hóa chất nầy chứ không được tống khứ ra ngoài mà không bị tiêu hóa hay phân hủy như trường hợp saccharin.

Hai biến chứng quan trọng nhứt là ảnh hưởng di truyền và cơ thể bị mỏi mệt.

Ngoài ra, những biến chứng liệt kê sau đây nói lên tính cách nhứt thời hay dài hạn tùy theo mức độ tiêu dùng hóa chất nầy trong thực phẩm hàng ngày:

- Mắt: có thể bị mù hay giảm thiểu thị lực, chảy nước mắt thường xuyên, mắt lồi ra (bulging);

- Tai: lùng bùng lỗ tai, không tiếp nhận một số tần số của âm thanh;

- Thần kinh: chứng kinh phong, nhức đầu, chóng mặt, mất trí nhớ, nói bấp bấp..;
- Tâm sinh lý: bị trầm cảm, cảm thấy không an tâm, có tính bạo động, mất ngủ, lo sợ bất thường;

- Bao tử: ói mữa, tiêu chảy, đôi khi có máu trong phân, đau bụng thường xuyên;

- Nội tiết: không kiểm soát bịnh tiểu đường được, rụng tóc, làm giảm lượng đường trong máu (hypoglycemia) ;

- Các chứng phụ: đi tiểu khó khăn và đau, có thể gây ra dị dạng cho thai nhi, trầm cảm có thể đi đến tự tử...

Do đó, có thể kết luận rằng aspartame là mẫu số chung của 92 dạng bịnh lý của các chứng bịnh thời đại.

Mặc dù có những nghiên cứu khoa học chứng minh cho 92 triệu chứng trên đây, nhưng cho đến hôm nay hóa chất nầy vẫn được FDA cho phép bày bán trên thị trường bất kể tất cả những khuyến cáo từ trước đến nay.

 
Dextrose

Dextrose là tên thương mãi của các tinh thể đường glucose trích từ tinh bột (starch). Nếu sự kết tinh không có nước trong tinh thể, hóa chất được gọi là dextrose anhydrous hay anhydrous dextrose. Nếu tinh thể có chứa một phân tử nước, dextrose sẽ có tên là dextrose hay dextrose monohydrate. Có thể nói hầu hết những nhà sản xuất dextrose đều sử dụng bột bắp để chế tao dextrose, do đó còn có tên là “đường bắp” (corn sugar). Một số ít sản xuất dextrose từ gạo hay lúa mì, có tên là “đường gạo” (rice sugar) hay “đường bột mì: (wheat sugar).

Những biến chứng có thể có của dextrose là:

- Đi tiểu thường xuyên, tiểu gắt, nước tiểu đậm màu;


- Ngứa ngáy, khó thở, tức ngực, bắp thịt miệng, môi bị co giựt, đau ngực.


Maltodextrin

Hóa chất trên có được từ sự thủy phân (hydrolysis) dextrose và có chuỗi phân tử ngắn hơn dextrose. Trên thị trường khi nói đến maltodextrin có nghĩa là một hỗn hợp giữa dextrose và maltodextrin chứ không phải là maltodextrin nguyên chất. Hóa chất được cơ thể hấp thụ. Trong 1mg maltodextrin cung cấp 4 calories cho cơ thể.

Maltodextrin thường được dùng trong kỹ nghệ nước trái cây, hay trái cây hộp, súp, các loại sauces, các loại bánh nướng (cookies), và một số thức ăn chơi (snacks).

Vì trong maltodextrin có chứa nhiều phân tử dextrose cho nên một số biến chứng của dextrose cũng có thể xảy ra cho maltodextrin. Có hai biến chứng cần nêu ra đây là maltodextrin có thể ảnh hưởng lên lượng đường trong máu và làm hư răng.

 
Sucralose

Đây là một hóa chất chuyển hóa từ hổn hợp dextrose và maltodextrin. Các biến chứng vẫn chưa được xác định rõ ràng nhưng một số nghiên cứu cho thấy loại đường thay thế nầy có nguy cơ làm cho gan lớn ra và làm đão lộn nhiệm vụ của thận.

 

Chúng ta phải làm gì?

Trên đây là sơ lược một số đường thay thế hay sweeteners đang được bày bán trên thị trường Hoa Kỳ. Một số nguy cơ và biến chứng của các hóa chất trên có thể ảnh hưởng lên cơ thể chúng ta trong ngắn hạn hay dài hạn hay nguy cơ trước mắt cho chúng ta có khái niệm về các loại đường thay thế.

Tuy các nguy cơ trên vẫn còn trong vòng tranh cãi, thậm chí đến việc chấp thuận hay không của cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (US FDA) vẫn chưa phải là một yếu tố quyêt định về sự an toàn trong thực phẩm. Trên mãnh đất có một nền y tế và an toàn thực phẩm cũng như việc kiểm soát thực phẩm có thể được xem là tiến bộ nhứt thế giới, nhưng những quyết định trên vẫn còn bị “ô nhiễm” vì những lý do khác ngoài lý do khoa học ra.

Vì vậy, chúng ta những người tiêu thụ phải cố gắng thu thập thêm thông tin và dữ kiện từ nhiều nguồn khác nhau để từ đó có thể tự quyết định lấy một loại thực phẩm nào có thề dùng được, loại nào không.

Ngày hôm nay, trên mạng lưới toàn cầu, qua báo chí v.v... những thông tin về an toàn thực phẩm hầu như có đầy đủ để làm thỏa đáng những thắc mắc của chúng ta trong việc ăn uống.

Nhưng, xin hãy cẩn thận với những lời quảng cáo, những bài viết có tính cách quảng cáo nhưng không chứa đựng tính khách quan khoa học cùng những lời quảng cáo trên truyền hình, trên báo chí, trên radio...về những loại thuốc “dân tộc”, thuốc “cây cỏ”... có thể chữa trị bá bịnh, ngay cả bịnh ung thư, bịnh AIDS.

Trở lại với đường thay thế, ở Hoa Kỳ Công ty hiện có ba thương hiệu:

 1- màu vàng trên túi giấy 1gram là
Splenda, trong phần ingredients có ghi dextrose, maltodextrin, và sugarlose;

 2- màu xanh, tên Equal gồm dextrose with maltodextrin, aspartame; và

 3- màu đỏ Sweet’NLow

gồm nutritive dextrose, soluble saccharin, cream of tartar, và calcium silicate.

Xin nhắc nhở cho các bà chị của chúng ta mỗi khi đi chợ:

- Cẩn thận khi mua các món hàng ở các quầy hiện ra trước mắt như quầy trả tiền, các quầy hàng bán các thức “ăn hàng”;

- Chịu khó đọc các nhãn (labels) ghi công thức hay nguyên liệu chế biến ra thành phẩm chứa trong bao bì;

- Cẩn thận vì có thể có đường (sugar) được ẩn dấu dưới những tên khác như nước mía, nước đường, hay glucose...;

- Ăn trái cây theo mùa, không cần thiết phải ăn trái cây trái mùa (vì có thể có chất bảo quản). Nên ăn trái cây tươi và bạn có thể cảm thấy không có nhu cầu ăn đường;

- Trong rượu cũng có đường. Một ly rượu tương đương với một khẩu phần của món tráng miệng ngọt có đường;

- Quan trọng hơn hết là xin các bà chị mua những gì cần thiết chứ đừng mua những gì thấy “bắt mắt” và “muốn mua” trong khi đi chợ.

Câu “châm ngôn” muôn thuở cho các bà nội trợ “chân chính” (hiền nội) là: ”Tập trung vào những gì bạn muốn nấu (cho chồng con) ăn hơn là nấu những gì bạn “thèm” ăn”.

Mong tất cả bà con cô bác cẩn thận trong việc chọn lưa các túi đường thích hợp với cơ thể bên ly trà hoặc cà phê hàng ngày và nhứt là nên tránh các túi đường có chứa hóa chất aspartame.

Mai Thanh Truyết

Gia đình An Phong Sydney

hiệp lòng

cùng Hội thánh

nguyện cầu Chúa

nhận đón linh hồn

chị Nguyễn Thị Kim Chi

và Nguyễn Thị Thành

chị cả

và em út

của

phu nhân

anh Nguyễn Quí Bân

đã về chốn vĩnh hằng

hưởng nhan thánh

cõi miên trường.

Cầu Chúa chúc lành

và phù hộ 

cho gia đình

anh chị Bân-Hạnh

được an bình

trong tình thương

của Chúa

 

   

Gia đình

An Phong Sydney

cũng hiệp lòng

nguyện cầu Chúa

nhận đón

linh hồn

Micae Trần Văn Hùng             

thành viên An Phong

vừa thất lộc

tại Sydney

hôm 26/05/2010

vào nhà Cha

vui hưởng

bình an

hạnh phúc

bên nhan thánh

Chúa

 

 

Bàn về

sống lành mạnh

tuổi hưu (4)

Ăn gì ?

                                              Mễ Duy

          Hồi năm, sáu tuổi thấy các bà dì mợ mua tim lợn, đâm bao quanh mấy chục kim cúc, rồi đem luộc chín, nói là để  ăn cho «bổ» tim, gan lợn cũng luộc lên ăn cho «bổ» gan, tôi không khỏi cảm thấy sờ sợ vì tưởng tượng ra cảnh tượng giết súc vật để moi tim gan, tôi cũng lo cho tim gan mình bao giờ mới được «bổ».

          Cái quan niệm ăn gì bổ nấy đó nếu xét kỹ một tý thì không thể đứng vững, vì không lẽ muốn bổ xương thì phải ăn xương (trong thực tế người ta ninh xương húp nước hoặc nấu thành cao), muốn tóc nhiều đẹp mầu thì cũng phải «xơi» món tóc sào nấm, tóc chả đùm chăng? Cái ý nghĩ đơn gian quá mức như vậy đã ăn sâu vào bộ óc con người kể từ cái thời các bộ lạc giao tranh, giết và ăn xác quân thù để tước đoạt sự sống , sức mạnh, cơ thể của đối phương. Đừng tưởng bở rằng ngày nay con người đã am hiểu sự sống hơn xưa. Khoa dược lý (bào chế thuốc) và dinh dưỡng của các nước văn minh hiện nay không dựa trên quan niệm sai lệch này sao? Trong cơ thể thiếu calcium hở? Chỉ cần uống nhiều calcium vào (thuốc Tây) hoặc uống thật nhiều sữa bò (có nhiều calcium) vào, không cần biết những thứ này cơ thể con người có đủ sức tiêu hoá, hấp thụ, đồng hoá nổi hay không. Chuyện này khá dài dòng, nên miễn bàn ở đây, để tránh tranh cãi (lỡ bạn quen uống sữa mạnh hơn cả các bê bi thì sao?). Thế nhưng có một điểm tôi hy vọng bạn sẽ đồng ý, đó là những ý nghĩ, quan niệm của chúng ta thường là sai. Vậy cái gì giúp chúng ta bớt nghĩ sai?

          Hồi còn nhỏ ở quê, thấy trâu nhai cỏ, nhai rơm suốt ngày, tôi không khỏi ngạc nhiên, bực mình. Tại sao chỉ «thích» ăn cỏ ăn rơm, có gì là ngon, nhạt nhẽo quá mà? Các chú thật là ngu quá!

          Sau này khi đã đứng tuổi, có dịp thăm xứ Hoà Lan, nhìn đàn bò lớn con, làn da loang lỗ trắng nâu, đứng nằm trên những khoanh cỏ xanh, rộng rãi, hình chữ nhật, xen với những rạch nước nhỏ,  tôi đã nghĩ bụng đó là «thiên đường » của chúng, dù chúng cũng chỉ xơi có  một món cố hữu là cỏ xanh, khác gì trâu quê ta nhai cỏ rơm không biết chán; vì thời đó tôi đã biết và ghét cái lối nuôi súc vật trong chuồng chật hẹp, cho ăn thực phẩm kỹ nghệ biến chế, chích bao thứ thuốc ngừa, bao loại kích thích tố, miễn sao chúng đem lại năng suất cao, nhanh, kỷ lục. 

          Cái gì giúp ta nghĩ đúng?

          Bạn còn nhớ vụ mấy con bò khùng không? Bên ngoài trông thì quả tình không có gì là khả nghi cả, cũng béo tốt đấy chứ, bỗng run rẩy, té đùng chết. Xác vẫn to bự, nặng ký, nhưng các tế bào óc đã hư nên óc hỏng lôi theo cái chết cho toàn thể cơ thể. Bởi đâu? Cũng chỉ vì người ta muốn bò phải lớn thật nhanh, nên cho chúng ăn thịt, là xác mấy con súc vật khác, có khi đã nhiễm bệnh đã thối hư, dùng máy nghiền nát.  Tôi nghĩ mấy vụ cúm heo, dịch gia-cầm nguyên do cũng thế, người ta không theo luật  tự nhiên, nuôi chúng bằng những thực phẩm do kỹ nghệ biến chế có thể là cũng làm bằng thịt mấy con vật khác.  Nếu heo cứ được ăn cám, ăn rau sống, củ sống , gà cứ được ăn thóc, ăn hạt bắp thì đâu đến tình trạng thất bại như thế. Trong một phim nói về cúm heo, đã làm hú hồn các nước văn minh, tôi được mục kích một cảnh nuôi heo theo kiểu nhà máy, ở Mê-xi-cô. Khi kamêra quay mấy cái giếng khổng lồ chứa đầy ắp xác heo chết bệnh, người «cán bộ» (vì có nhiệm vụ «hướng dẫn» ban quay phim) đành thú nhận là có khoảng 10% heo chết bệnh. Được biết là «nhà máy» chăn nuôi đó xuất cảng thịt heo cho Mỹ quốc chế tạo «bacon». Nếu bạn sống trên xứ Mỹ, đã quen thưởng thức cái món ăn sáng này, mà thấy cảnh tượng tôi vừa kể thì tôi tin rằng bạn sẽ vĩnh biệt nó, vì nếu như có 10% heo chết bệnh tại chỗ thì tránh sao được những con khác (được xuất cảng qua Mỹ) ít nhiều cũng chất chứa bệnh trong mình chúng và khi xơi bacon bạn cũng xơi bệnh của chúng, tuy là một cách từ từ êm dịu, mỗi ngày một chút. Đó là định luật sơ đẳng giây chuyền, như nếu mẹ mang thai con mà vẫn phì phào, mơ màng trong khói thuốc thì con trong bụng dẫu chưa biết làm thơ cũng «hưởng dùng» nicotine.

          Thử hỏi trong hiện tình của trái đất hiện nay, có còn chỗ nào thực sự là thiên nhiên, có còn loài động vật nào được sống yên ổn như xưa, được ăn thức ăn Tạo hoá đã dựng nên cho chúng (như voi ăn lá, khỉ ăn trái cây, cọp ăn thịt sống) không? Ngoài cái tai họa hóa chất tràn đầy mặt đất, hoà trong nước uống, xâm nhập các cơ thể, gây ra tình trạng trẻ sơ sinh thân hình bất thường, gây bao nhiêu thứ bệnh, nhất là ung thư, những năm gần đây các nhà khoa học lại quan tâm đến một thảm họa khác, đó là hậu quả của sự tiêu thụ ồ ạt thuốc-làm-bằng-hóa-chất (do kỹ nghệ chế thuốc Tây phương chế ra). Các phân tử lạ hoắc này, hoàn toàn do con người  nghịch ngợm chế ra, không có trong thiên nhiên, nên cơ thể con người không tiêu hóa nổi, hấp thụ nổi, nên được tống khứ ra ngoài, lại đi xâm nhập các nguồn nước, gây thêm một ô nhiễm đáng ngại nữa cho mặt đất. Chỉ cần bàn đến thuốc ngừa thai, các nhà sinh vật học đã quan sát trường hợp các loài như cóc nhái sống trong các ao, suối. Nhiều nơi chúng bị chết sạch. Nhưng đáng nói ở đây là trường hợp những con sống trong mấy cái ao gần nơi sinh sống của loài người, trong đó ngoài hiện tượng dị hình ( thay vì hai chân sau thì ba chân hoặc một chân) lại thêm sự quái dị chưa từng thấy đó là những con đực bị biến thành giống cái, đẻ trứng hà rầm. Chúng đâu cần đến thuốc ngừa thai (vì là giống đực), nhưng cũng  được các phụ nữ  tình ái đậm đà «chia» cho. Tình hình trái đất như vậy, tìm đâu ra thiên nhiên để mà nhìn sự sống tròn đầy (thay vì méo mó)?

          Nhưng dẫu vậy, chúng ta phải nhìn nhận rằng  trong thiên nhiên, bao lâu môi trường sống của chúng chưa bị nhiễm độc hoặc xâm phạm (khiến nguồn thực phẩm biến mất) thì các động vật sống theo luật tự nhiên đó, ăn thức ăn Trời đã định cho chúng, thì  chúng sống không bệnh tật, sống khoẻ, trường thọ. Trong khi đó chó mèo, nuôi trong xã hội văn minh thì mắc bao nhiêu là chứng bệnh .

          Chuyện ai cũng biết. Các bộ lạc sống trong rừng sâu, gọi là «nguyên thủy» (ngụ ý là chưa văn minh), khi chưa bị văn minh hóa thì sống lối sống man ri mọi rợ thật đó (không tủ lạnh xe hơi), nhưng sống khoẻ, sống vui, sống oai hùng - dám đương đầu với thiên nhiên, bão táp chẳng hạn - còn sau khi đã hấp thụ văn minh, được uống Cocacola, hút thuốc lá, uống bia, uống rượu, ăn bánh mì, ăn bơ, uống sữa bò, và nhất là ăn đường (sucre), bánh kẹo, do kỹ nghệ Tây phương cung cấp thì từ từ cũng sâu răng, mắc bao chứng bệnh, khổ nỗi họ không đủ học thức để đối chọi với bia, thuốc lá, rượu, hóa chất...nên sống lay lắt, bệnh hoạn, hết vui, hết oai hùng như thời xa xưa khi còn mang tiếng là mọi rợ.

          Cái gì là thực phẩm tốt lành nhất cho cơ thể con người?   

          Bác sĩ  Jean Seignalet, giảng sư Đại học y khoa Montpellier (Pháp), đã viết cuốn sách «L' alimentation ou la 3è médecine» (tạm dịch: ăn uống hay y học thứ ba) để đề cập đến phương pháp thượng sách để trị mọi thứ bệnh cách hiệu nghiệm và dứt khoát, nhất là các căn bệnh thời đại, như các bệnh liên quan đến bộ máy tiêu hoá hay liên quan đến bộ thần kinh - trầm cảm, bệnh điên (schizophrénie, tâm thần phân lập), bệnh mất trí nhớ (Alzheimer), bệnh run rẩy (Parkinson),- và ngay đến các thứ ung thư mà cho đến bây giờ vẫn được coi là ngặt nghèo, nan y. Thượng sách đó là gì? Nói ra bạn đừng bị sốc nhé, đó chỉ là « ăn tươi nuốt sống » y như mấy động vật trong rừng sâu. Quả thế không phải là uống thứ này thứ nọ như thiên hạ quen nghĩ, mà là ăn uống cho đúng luật thiên nhiên. Cho mỗi loại bệnh sách giải thích và kể những trường hợp lành bệnh, xin nhắc lại là ngay cả ung thư, nhờ phương thuốc « ăn tươi nuốt sống» (nói vậy chứ nhớ nhai kỹ một tý).

          Tôi mua cuốn sách trên, qua Internet, nghĩa là chẳng biết hay dở ra sao, mà chỉ vì cái danh hiệu của tác giả, chẳng những là bác sĩ mà còn là giảng sư đại học của một đại học y khoa có tiếng của Pháp, một tác giả như vậy phải là rất có uy tín, đề phòng có bạn đọc nào vặn hỏi « Dựa vào đâu mà bạn viết ra những sự này? » , nếu như tôi chỉ trưng ra những tác giả không có « nhãn hiệu cầu toà » (bằng y khoa) thì nguy to, dù rằng  những sách khác cũng trích dẫn nhiều bác sĩ. Điển hình là trường hợp vị sáng lập ra  Médecine Orthomoléculaire  (Orthomolecular Medecine) không phải là một bác sĩ mà lại là giải Nobel hóa học (1954), ông Linus Pauling. Khoa này chủ trương chỉ nên dùng các chất, các phân tử có trong trời đất để trị bệnh, đặc biệt là bệnh tỷ lệ đường (glucose) thấp trong máu (hypoglycémie) mà nguyên nhân là sự  tiêu thụ đường (sucre) và các chất, các thực phẩm cơ thể không hấp thụ được, do  khoa dược lý và ngành kỹ nghệ thực phẩm cung cấp.  Khi học hỏi một đề tài  ta không nên câu nệ nhãn hiệu hay gì cả.   

          Những người như Linus Pauling hay bác sĩ Jean Seignalet là những nhà khoa học chính danh vì họ quan sát trước, suy xét và kiểm nghiệm rồi mới đúc kết. Nhưng bất cứ ai, bạn và tôi,  cũng có thể có đầu óc, tinh thần khoa học, nếu biết nhận xét và nhìn nhận các thực tại quanh mình, ở đây là sự sống, sự sống nơi cỏ cây, nơi chim trời, cá nước, nơi thú hoang. Chính khả năng nhìn nhận thực tại giúp chúng ta suy nghĩ đúng, vì thực tại vượt lên trên mọi quan niệm, mọi lý thuyết. Như trong lãnh vực ăn uống bàn ở đây, chỉ cần nhận xét và nhìn nhận rằng các động vật trong thiên nhiên, thì ăn thực phẩm Trời ấn định cho chúng, tìm được  trong thiên nhiên, nên không bệnh tật gì cả.

          Nếu như con người cứ tiến bộ về mọi mặt, như khám phá không gian, mà không đảo lộn các trật tự khi liên can đến sự sống thì xã hội loài người đẹp biết mấy!

           Trở lại giải pháp ăn thực phẩm tươi sống, ăn theo luật tự nhiên, không xa lạ gì đối với dân Việt, ít nhất là thời xưa. Trẻ em ở quê thời xưa thì  ngày nào mà không ăn lúc thì trái ổi, lúc quả cam, lúc quả khế, lúc múi mít, lúc miếng đu đủ, đào được củ khoai trong vườn thì cũng rửa sơ sài mà ăn sống, thú vị! Các thức ăn ở quê hay ở thành thị ta thì cũng đều có đệm rau sống, và ngay thịt cá dân ta cũng đã biết ăn sống (gỏi cá, thịt tái).

          Như vậy ăn uống cách thật gần gũi với thiên nhiên, để lành bệnh và đảm bảo sức khoẻ, không phải là việc khó làm, điều cần thiết là quan tâm ngay khi mình còn khoẻ, không đợi đến nước đến chân, khi quá trễ, và nhìn nhận, cảm nghiệm sự sống, để hiểu rằng tuy trầm lặng nhưng không gì lừa dối nổi sự sống, kể cả sự khôn ranh của con người. 

          Đối với sự sống, bạn «khôn ranh» hay khôn ngoan?

 

Tháng sáu hai ngàn mười             

Mễ Duy

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Comments