Số 76 – Quý 4/2011
DUC IN ALTUM TRONG MẮT AI !
Năm nay 2011, Tỉnh Dòng DCCT.VN không tổ chức tĩnh tâm hằng năm chung một lần tại Saigon nữa, vì nhiều lý do, như sau:
Vì thế Hội Đồng Bề trên trình Ban Quản Trị Tỉnh đề nghị tổ chức tĩnh tâm ở nơi khác, xé nhỏ ra và tự sắp đặt chuyện của mình không phải trình báo ai. Văn phòng Linh Đạo nhận được quyết định của Hội Đồng Quản Trị nên bắt tay ngay vào việc tổ chức.
Năm nay, có tất cả bốn đợt tĩnh tâm, một đợt dành cho quí vị cao niên, già yếu hoặc ốm đau, tổ chức ngay tại Sàigòn. Các cụ cảm động lắm vì đã từ lâu không tổ chức riêng cho các cụ. Hằng năm, các cụ vì tham gia chung với người khỏe mạnh nên thấy mình chỉ như “dự thính viên” thôi. Thành thử, các vấn đề được đề cập trong các bài giảng sẽ thiết thân hơn với các cụ. Một đợt khác, dành cho hơn 60 sinh viên thần học ở học viện. Các bạn sinh viên, nay ra khỏi ngôi nhà quen thuộc của mình, đắm mình vào bầu khi thiên nhiên của đan viện nên dễ tập trung suy gẫm và cầu nguyện. Hai đợt còn lại, là dành cho các anh em đang làm công tác mục vụ ở khắp nơi, mỗi đợt trên dưới cũng đến 70 người.
Địa điểm tĩnh tâm kỳ này là ở Vũng Tàu, vì thế nên chuyến xe đưa đón các vị tham dự đã có dịp đi ngang qua khu Rạch Dừa, một địa điểm cũ có Đệ Tử viện Vũng Tàu toạ lạc. Không thể tả hết được niềm vui và nỗi xao xuyến mà các cha nhà mình đã có lại khi ngang qua ngôi trường cũ. Cha Thành Tâm, cha Tiến Lộc, cha Sĩ Tín, cha Ngọc Bích, … ai cũng xôn xao náo động cả đoàn xe cứ rộn rã gọi nhau mà thức dậy. Sở dĩ, phải gọi nhau như thế là vì xe di chuyển rời Saigon từ 4 giờ sáng, ngang qua Đệ Tử viện Vũng Tầu trời cũng đã sáng, khoảng 6g30, nên ai cũng thấy rõ, cứ huyên thuyên chỉ chỏ và kể với nhau rằng: ngôi nhà vẫn còn nguyên. Vẫn nguyên vẹn kỷ niệm hồi còn ở trường đệ tử. Bọn hậu sinh chúng tôi chưa từng ở nơi này nên cứ ngẩn ngơ khi nghe anh em kể chuyện cũ. Trong khi đó, các đấng thì cứ nói cười ầm ĩ, rất vui. Duy có một điều anh em đều nhận thấy, là ngôi trường đệ tử viện nay không còn thấy giòng chữ Duc in Altum ở mặt tiền nhà khánh tiết nữa. Ôi, cũng là một thiếu xót lớn!
Còn nhớ hôm anh chị Nguyễn Văn Thành (Thông) từ Sydney về quê thăm nhà, đến tham dự họp mặt vào bữa ăn tối do các anh thuộc lớp Vô Nhiễm tổ chức. Các anh cũng huyên thuyên kể lại chuyện cũ thời đệ tử Huế. Anh Quý lên tiếng đố mọi người: “Đố các bồ, trên lầu đệ tử Huế có bao nhiêu cái cửa sổ? Có bao nhiêu vòi nước? Ngày xưa tao đếm từng cái nên nhớ mãi trong đầu.” Những kỷ niệm ấy nay ăn sâu mãi mãi nơi tâm trí của các anh. Tôi có dịp gặp chị Khanh, người bạn hiền của anh Triệu Ngọc Toàn (lớp cha Sĩ Tìn), chị cho biết đã từng sinh hoạt với anh em cựu đệ tử rất mật thiết đến độ như chị nói: “Hồi anh Toàn còn sống anh ấy luôn kể chuyện về thời ở đệ tử, kể riết rồi tụi tôi thành ra “quen” hết mọi người luôn…” Nay anh Toàn ra đi rồi, chị lại nối kết chặt chẽ hơn với các anh cựu đệ tử như anh chị em ruột một nhà.
Vào buổi họp mặt vừa qua của lớp Vô Nhiễm, cha Trần Văn Hội có đề nghị với bạn cùng lớp: “Mỗi đứa nên viết về những gì mình nhớ, còn tớ sẽ làm công việc tổng hợp..”, kể ra thì Cụ Hội nhà mình cũng khá khôn, anh chỉ thích ghi lại những chuyện xưa cũ nhưng không phải do mình viết. Có lẽ cũng giống như các anh thuộc lớp Vô Nhiễm, khi “nợ tang bồng trăng trắng vỗ tay reo”, nay dừng lại để nhớ chuyện xưa, và có giờ để nối kết với anh em nhiều hơn. Các lớp nhỏ hơn vẫn còn món nợ trần gian khá nặng, nên việc qui tụ nhau lại thì ai cũng muốn, nhưng cùng nhau làm một cái gì đó có lợi, thì xem ra cũng hơi khó.
Mấy năm nay ở Saigon, một số các anh cựu đệ tử đã cùng nhau tham gia vào sứ mạng của Nhà Dòng một cách cụ thể hơn.Tôi nói cùng nhau, là vì các anh cựu đệ tử tuy ở khắp nơi vẫn có thể hiệp thông và thể hiện ơn gọi An Phong của mình. Nhưng nhóm ở Saigon là tập thể lớn rộng, nên các anh có thể nhân danh gia đình An Phong mà tổ chức các lớp giáo lý cho người dự tòng, các lớp giáo lý chuẩn bị hôn nhân. Các anh không chỉ dạy giáo lý thôi, nhưng còn đỡ đầu và lo cho các trường hợp khó khăn nữa. Có trường hợp nhà trai mang trầu cau đi hỏi vợ cho con, mới biết hai bên cùng là cựu đệ tử. Thành thử, bỗng dưng thánh An Phong lại có thêm đàn cháu “linh tông” rất đặc biệt này.
Tinh thần Nhà Dòng hiện nay, Tổng Công Hội 24 đã đánh giá rất cao và ngỏ ý nên phát triển việc anh em giáo dân nên cộng tác với sứ mạng của Nhà Dòng; mà nhóm giáo dân “chiến” nhất ngày hôm nay lại là các anh chị cựu đệ tử. Ta cùng chung một ơn gọi, cùng nhận lãnh linh đạo của Thánh An Phong, cùng con đường, cùng niềm hy vọng và con tim dành cho sứ mạng loan báo Tin Mừng cho người nghèo khổ, bị bỏ rơi hơn. Bởi thế nên, hôm nay xin chúc gia đình Dòng nhà ta tràn đầy ơn Chúa, luôn hăng say với sứ mạng rao giảng cho người nghèo khổ . Nguyện xin Mẹ Hằng Cứu Giúp luôn che chở và ấp ủ mọi người chúng ta.
Kẻ không đuợc diễm phúc ở đệ tử viện đến một ngày. Lm Vĩnh Sang, dcct.
Lễ Phong Chức Linh Mục cho thầy Giuse Đỗ Tuấn Anh, Dòng Chúa Cứu Thế Úc
VRNs (04.12.2011) – Perth, Australia – Hôm 03-12-2011, vào lúc 10g30 tại nhà thờ tu viện Redemptorist Perth, Đức Tổng Giám Mục Barry James Hickey đã phong chức linh mục cho tu sĩ Joseph Đỗ Tuấn Anh, CSsR.
Trước đây, vào ngày 27-06-2001, thầy Joseph đã khấn lần đầu tại tu viện Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam 38 Kỳ Đồng Sài Gòn. Hiện nay, thầy thuộc về Dòng Chúa Cứu Thế Australia, Tỉnh Dòng Canberra. Hiện diện trong Thánh Lễ phong chức linh mục, ngoài Đức Tổng Giám Mục chủ phong còn có Đức Giám Mục Phụ Tá và khoảng 30 linh mục Dòng – Triều , 3 nữ tu. Khoảng 200 giáo dân Australia và Việt Nam đang sinh sống tại Australia. Cách riêng có sự hiện diện của 10 thầy sinh viên giáo sĩ Dòng Chúa Cứu Thế người Việt Nam đang theo học tại Dòng Chúa Cứu Thế Melbourne và đại diện Gia đình Anphong tại Úc châu.
Đặc biệt Thánh lễ này có sự hiện diện của ông cố Giuse Đỗ Công Sinh, thân phụ của tiến chức và linh mục Đaminh Đỗ Tuấn Linh bào huynh của tiến chức. Được biết, gia đình ông bà cố được Chúa thương ban cho 9 người con; trong đó có 5 tu sĩ (2 linh mục và 3 nữ tu).
Phía đại diện Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, có sự hiện diện của cha Giuse Trinh Ngọc Hiên (Cố vấn Hội đồng Quản trị Tỉnh Dòng kiêm Giám Đốc Học Viện thánh Anphong) và cha GB Nguyễn Minh Phương (Trưởng Văn phòng Tông đồ của Tỉnh Dòng). Thánh Lễ Phong chức linh mục kết thúc 12g cùng ngày. Sau Thánh Lễ Tỉnh Dòng Canberra bày tỏ lòng biết ơn Đức Tổng Giám Mục và quý khách tham dự Thánh Lễ bằng bữa tiệc thắm tình huynh đệ. Xin chia sẻ niềm vui với Tỉnh Dòng Canberra.
Xin chúc mừng và tạ ơn với tân linh mục và gia đình. Nguyện chúc cho tân linh mục luôn được Chúa yêu thương dẫn dắt như xác tín của chính ngài: “Lòng nhân hậu và tình thương của Chúa ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời” (Tv 23, 6). LỄ THỤ PHONG LINH MỤC VÀ MỞ TAY CỦA THÂY JOSEPH ĐỖ TUẤN ANH, C.Cs.R.
“You are a priest forever” Words from Music by Aloys Desmet
“Anh là linh mục đời đời…” Tiếng hát ấy vang lên vang lên mãi, khi thầy Tuấn Anh nhận phép lành từ Giám mục Barry James Hickey, Giám mục chủ quản Giáo phận Perth, Tây Úc và bàn tay chúc lành từ các linh mục đồng tế, những vòng tay ôm chặt chúc mừng cùng hình ảnh hai vị Giám Mục đương nhiệm của Perth quỳ gối trước bàn thánh nhận phép lành của tân Linh mục Đỗ Tuấn Anh trong bầu khí nghiêm trang và long trọng là những giây phút cảm động, diệu cảm và thật mạnh mẽ đã đánh động chúng tôi trong buổi lễ thụ phong linh mục của thầy Tuấn Anh ở Úc.
Hôm ấy, ngày 3.12.2011, giọt nắng chói chang Tây Úc đã hâm nóng thành phố Perth đến 36 độ C nhưng cũng không cản ngăn được hai Giám mục cùng với 30 linh mục và trên 300 giáo dân đến từ các tiểu bang và các nước tề tựu về thánh đường Dòng Chúa Cứu Thế Perth dự lễ phong chức linh mục của thầy Tuấn Anh. Thánh đường của Dòng ở Perth là nguyện đường xây theo kiểu “gothic” từ năm 1902, trên ngọn đồi không cao có cây xanh, cỏ rộng bao bọc.
Thánh lễ do Đức Giám mục Barry James Hickey làm chủ tế với sự hiện diện của hơn 30 Linh mục từ các tiểu bang khác đến đồng tế. Ngoài các đấng vị vọng ở Úc, người tham dự còn nhận thấy có Lm Giuse Trịnh Ngọc Hiên, Giám đốc Học viện DCCT đại diện cho Linh mục Phạm Trung Thành Giám Tỉnh, Lm Nguyễn Minh Phương đến từ Việt Nam cùng Lm Mai Văn Thịnh từ Melbourne và Lm Lê Đình Các đến từ Trung Quốc; đồng thời còn có Lm Huỳnh Lê Pháp DCCT Việt Nam hiện đang phục vụ cùng với cộng đoàn nhà Perth và tám thày sinh viên học viện DCCT từng đồng hành với tân chức Tuấn Anh cũng đến từ Nhà Melbourne. Về phía gia đình của tân chức, thấy có sự hiện diện của thân phụ tân chức là ông cố Đỗ Công Sinh và Lm Đỗ Tuấn Linh, OP bào huynh của tân chức cũng đến từ Việt Nam.
Thoạt đầu buổi lễ, Lm Giám tỉnh Paul Bird thưa trình với Đức Giám mục chủ quản xin ngài cứu xét và thuận phong linh mục cho thầy Đỗ Tuấn Anh. Để phúc đáp, Đức Giám mục Hickey đã duyệt xét lần chót bằng đôi câu hỏi cuối để nắm chắc với linh mục Giám Tỉnh là tân chức xứng đáng với chức thánh này. Tiếp đó là nghi thức xức dầu thánh lên đôi tay tân chức như một chuẩn thuận và nhắn nhủ tân chức rằng thầy đã trở thành vị mục tử đời đời với sứ mạng phục vụ Hội thánh ở trần gian.
Tiếp đến, toàn thể cộng đoàn có mặt trong buổi lễ đã cùng với ca đoàn Piô cất lên kinh cầu các thánh để xin các ngài phù hộ cho tân chức và chứng giám lời cam kết hiến trọn đời mình cho Chúa qua sứ vụ của vị mục tử. Đức Giám mục Hickey cùng Giám mục phụ tá và các linh mục bạn hiện diện trong buổi lễ phong chức đã lần lượt đặt tay lên đầu vị Tân Linh mục và đó cũng là lúc ca đoàn Piô hát lên lời ca vang dặn dò: ‘You are a priest, a priest forever… the Lord has promised it; he will not revoke it ever…you are a priest. Priest forever’ thật cảm động và thân thương. Xin mở ngoặc ở đây để có đôi lời khen ngợi ca đoàn St Piô đã hát bài hợp xướng đạt mức trên cả tuyệt vời. Có thể nói đây là ca đoàn hay nhất mà nhiều người đã từng được nghe tại Úc. Được biết đây là ca đoàn của nhà Dòng gồm hơn chục người già/ trẻ gốc Philippines và Singapore. Hai giọng solo hát kinh cầu các thánh thật dịu dàng, tươi mát rất chậm rãi khiến bản thân người viết thấy mình cũng được nâng lòng nguyện cầu cho thầy Tuấn Anh được bền đỗ trong sứ vụ mới. Cũng được biết là ca đoàn này nổi tiếng được mời đi hát lễ trong vùng nhưng luôn hát tại nhà thờ Dòng vào những dịp lễ trọng.
Đến đây thì thầy Đỗ Tuấn Anh khoác áo linh mục và đón nhận lời chúc mừng từ Đức Giám mục chủ quản và các linh mục lần lượt tiến lên giang rộng vòng tay ôm xiết chặt tình thân ái rất cảm xúc. Sau đó Tân Linh mục được ngồi cạnh Giám mục chủ quản và cha Giám Học tiếp tục cử hành thánh lễ. Trước khi kết thúc thánh lễ, tân Lm Đỗ Tuấn Anh đã chúc lành cho Đức Giám mục chủ quản, Đức Giám mục và ông cố thân sinh ra mình. Đây là hình ảnh đánh động rất nhiều người với cảnh tượng vị Giám Mục trọng tuổi hơn tân chức đến cả 40 tuổi quỳ đón phép lành đầu tiên từ vị tân chức dưới trướng. Quả là cử chỉ khiêm hạ nói lên chức năng tôi tớ phục vụ mọi người. Cuối cùng tân Linh mục Đỗ Tuấn Anh ngỏ lời cám ơn các Giám mục, các linh mục đã qua đời, gia đình và bà cố và anh chị em không thể qua Úc tham dự lễ này được, anh em sinh viên đồng môn và tất cả mọi người đã từ nhiều tiểu bang và quốc gia khác vì lòng mến yêu tân chức đã không quản ngại đường xa đến dự.
Sau khi lễ phong chức kết thúc, Tân Linh mục đã trở lại nguyện đường để ban phép lành đầu tiên cho mọi người. Ai nấy nối đuôi để nhận phép lành trang trọng với lòng tin là sẽ được nhiều ơn lành thánh về sau.
Sau đó là phần ăn nhẹ ngoài sân vườn rất ngon miệng. Phải thêm một điều nữa, là cộng đoàn người Việt đến dự lễ phong chức hôm nay cũng khá đông. Đẹp nhất là hình ảnh các tà áo dài thướt tha tung bay trước gió trông thật đẹp. Và rất nhiều người Úc cũng như khách mời đều tấm tắc khen ngợi sắc mầu của áo dài truyền thống Việt Nam. Có một ông đến cám ơn và khen áo dài quả thật là đẹp và thanh lịch làm nổi bật sắc thái văn hóa của người Việt.
Lễ Mở Tay của Tân Linh mục Giuse Đỗ Tuấn Anh CSsR cũng được cử hành tại nguyện đường nói trên vào ngày hôm sau tức 4.12.2011. Trong bài chia sẻ, Lm John Hodgson, chánh xứ thuộc Dòng Chúa Cứu Thế ở Warne Vale, Sydney nơi mà thày phó tế Tuấn Anh từng đi giúp xứ trong 6 tháng trước khi về Perth. Linh mục John Hodgson đã tạ ơn Chúa đã ban cho Giáo hội và Dòng thánh ở Úc vị linh mục trẻ trung đầy sức sống là người em Đỗ Tuấn Anh, đã trở thành linh mục sau 5 năm đặt chân đến Úc. Linh mục cũng tỏ lòng tri ân Tỉnh Dòng Việt Nam đã hợp tác với Tỉnh Dòng Canberra Úc châu đã gửi các thầy Việt Nam sang học để trở thành linh mục phục vụ người Úc. Ông nói: trước đây tỉnh dòng Úc cũng đã hân hạnh đón tiếp ba linh mục người Việt định cư tại Úc cách đây trên 20 năm đó là các Linh mục Mai Văn Thịnh, Lm Trần Mạnh Hùng, Lm Lê Đình Các và nay là Lm Tuấn Anh. Và rồi tương lai không xa sẽ là Anthony Xuân Anh. Được biết là có cả giáo dân từ Warne Vale bay đến Perth dự lễ chứng tỏ là thầy phó tế Tuấn Anh được họ đạo ở đó rất quí mến.
Linh mục John Hodgson cũng ca ngợi tinh thần hăng hái, nhiệt tình và dấn thân của người bạn đồng hành Đỗ Tuấn Anh trong thời gian tập huấn với ông lúc nào cũng cam kết trả lời ‘ Vâng, dĩ nhiên là có’ khi được hỏi có sẵn sàng dấn thân phục vụ cho cộng đồng người Úc không và khi ông hỏi thầy có thể đến nói chuyện với các em học sinh trung học và tiểu học không. Lm John Hodgson còn nhấn mạnh đây là tinh thần thừa sai của người Công giáo nói chung và của Dòng Chúa Cứu Thế nói riêng. Và ông cũng nói đây là bước khởi đầu trong công việc thừa sai của các linh mục Dòng ta.
Sau đó là lời cám ơn và phát biểu của Lm Trịnh Ngọc Hiên, Giám đốc Học viện DCCT VN sang Úc đại diện Linh mục Vincent Phạm Trung Thành Giám Tỉnh VN qua phần phiên dịch của thầy Anthony Xuân Anh. Lm Trịnh Ngọc Hiên cầu chúc cho tân Linh mục Đỗ Tuấn Anh sẽ như con chim đầu đàn ngày càng bay cao và xa hơn nữa trong sứ vụ tận hiến. Một lần nữa, Linh mục Tuấn Anh ngỏ lời cám ơn các linh mục, cảm ơn ông cụ thân sinh, bào huynh Lm Đỗ Tuấn Linh OP, các thầy và tất cả mọi người.
Cuối cùng là các linh mục và các thầy sinh viên học viện Úc hát bài kết lễ “Fire on the Earth” thật hay.
Xin chúc mừng Lm Đỗ Tuấn Anh và cầu chúc Tân Linh mục bền đỗ trong sứ vụ Thừa sai của DCCT. Như đã có nhận xét trong dịp viếng thăm nhà Dòng ở Melbourne, nơi mà tám thầy người Việt trong đó có thầy Tuấn Anh, là các thầy đã đem sự tươi trẻ và sinh động đến cho nhà Dòng và nay Lm Tuấn Anh chắc chắn sẽ là người đầu tiên cùng các linh mục khác người Việt sẽ đem đến cho tỉnh Dòng Úc sự hăng say và tươi mát. Rất mong và cũng rất tin như thế.
Sau hết người tham dự cũng tin chắc rằng lễ thụ phong linh mục vừa qua mãi mãi là dấu ấn, là lời cam kết vững vàng của Linh mục Đỗ Tuấn Anh, CSsR trong đời sống linh mục như bài hát “You are a priest forever” đã diễn tả.
Mai Đàm ghi nhanh
BI KỊCH VÀ TAI UƠNG ĐÃ DẬY TÔI ĐIỀU GÌ? Lm Joe Mai Văn Thịnh, CSsR
Tuần vừa qua, không biết cơ duyên nào đã khiến tôi gặp lại người bạn xưa. Cả hai đứa chúng tôi mất liên lạc với nhau cũng khá lâu. Chúng tôi hàn huyên đủ mọi chuyện. Chuyện trong nhà ngoài ngõ. Chuyện nào cũng bàn, vấn đề nào cũng lướt qua. Thế rồi, khi hỏi thăm về sinh hoạt gia đình của anh ấy, tôi vô tình gợi lại biến cố đau thương xẩy đến với gia đình anh chị cách đây đã gần 10 năm. Chuyện ấy là, trên đường đến ga xe lửa Lidcombe về nhà, cháu gái của anh chị đã bị một nhóm trẻ giật chiếc xách tay. Cháu là người thường xuyên nhắc cho mẹ và các em là ‘chẳng thà bị mất của còn hơn là giằng co với kẻ cướp’. Nhưng thật không may, hôm đó cháu lại đeo chiếc xách tay quàng qua cổ. Thế là không phải vì giằng co, nhưng sợi dây của chiếc xách tay quá chắc nên cháu đã bị kéo lê lết trên lề đường. Cuối cùng, xách tay thì còn, nhưng mạng cháu đã mất trên đường đến bịnh viện.
Cũng trong năm đó, tôi phải tiễn đưa 3 đứa cháu gái ở độ tuổi thanh xuân đi vào lòng đất mẹ. Ngoài mối thương tâm đau khổ, mất mát và đắng cay mà gia đình các cháu phải chịu, tôi còn như thấy tiếng gào thét của các bà mẹ đau đớn vì mất con, đã dẫn đến điều mà các ông bố này hoài nghi về Thiên Chúa đầy lòng nhân ái nên đã hỏi: sao lại cướp đi tương lai sáng ngời và tươi đẹp của những bông hoa đẹp trong gia đình họ?
Tôi vẫn biết là rất khó để có câu trả lời thỏa đáng cho những câu hỏi của những ai đang phải đối diện với những bi kịch tạo nên một tình huống vô vàn đau khổ cho gia đình họ. Đôi khi, chúng ta có thể miễn cưỡng tìm ra câu trả lời khi người chết đã có một cuộc sống lâu dài, đầy đủ. Và khi từ giã cõi trần họ lại được bao bọc bởi sự thương yêu nuối tiếc của người thân.
Các bi kịch thường làm tê liệt tâm tình của mọi người có liên hệ. Khi đang ở giữa cơn bão, ta không thể nói câu “sau cơn mưa trời lại sáng” được. Vẫn biết là phải hiểu như thế. Nhưng làm thế nào để họ nhìn ra được ánh sáng mặt trời khi gia đình bị bóng tối đang bao phủ.
Tôi được nghe kể lại rằng: có đôi vợ chồng trẻ kia trong lúc đang khóc than về nỗi khổ đau vì đứa con đầu lòng của họ vừa chết đột ngột trong giấc ngủ mà y học gọi là ‘cot death’, thì vị tuyên úy nọ, vốn nhiệt thành và đạo đức, lại đến an ủi họ bằng những lời lẽ: “Anh chị hãy yên tâm, tin tưởng và phó thác vào tình yêu của Chúa. Vì những bông hoa đẹp thường được Chúa cất về sớm”. Vẫn biết là lời khuyên như thế hay lời lẽ tương tự thường được xử dụng vào những tình huống giống như trên. Nhưng lần này, vị linh mục tuyên úy ấy đã không gặp may. Người bố đau khổ đã thẳng thắn đáp lại: “Chúa với Mẹ nào lại ác thế, đã biết là bông hoa đẹp thì tại sao lại cướp đi khỏi tay chúng tôi”.
Thời gian làm nguội ly nước nóng thế nào thì nó cũng xoa dịu phần nào nỗi đau thương của họ. Vì thế, chờ và đợi là việc cần làm. Đừng để họ chịu đau khổ một mình, nhưng tay trong tay, chúng ta cùng đồng hành với họ. Vì thế, ngoài bổn phận phải làm, việc đồng hành nói lên sự hỗ trợ, cảm thông, chúng ta còn biết nói gì thêm?
Đó là những bị kịch xẩy ra trong gia đình, đối với một số người. Còn các tai ương khác lại vẫn xẩy ra trên thế giới gây khổ đau cho nhiều người, như: Vụ khủng bố ngày 11/09/2001 tại Nữu Ước cách đây 10 năm. Sóng thần ở Nhật. Động đất ở Haiti, Tân Tây Lan và Hoa Kỳ. Lụt lội, phong ba bão tố ở Brisbane,vv. Và, khi tai ương xảy đến người người lại đặt ra những vấn nạn như: Chúa ở đâu, khi các bi kịch này cứ xảy ra trên thế giới? Chúa ở đâu, khi người hiền lành lại gặp toàn những chuyện dữ? Những câu hỏi như thế này mới nghe thì thấy lạ. Nhưng, thật ra chúng không xa lạ gì với những câu hỏi về sự hiện hữu của Thiên Chúa và nỗi đau khổ của con người. Thiên Chúa ở đâu? Bằng vào niềm tin Thiên Chúa là Đấng Nhân từ Hiền lành, ta giải thích thế nào về các tai ương và bi kịch đang xẩy đến? Quả thật tìm câu trả lời cho thỏa đáng không phải là dễ.
Lịch sử thế giới được đan kết với nhau bằng các biến cố. Và các biến cố gây đau khổ cho nhiều người lại được nhớ đến nhiều hơn. Ý nghĩa và nhận thức của mỗi người về biến cố, cũng khác nhau. Nó tùy thuộc vị trí và góc độ của người nhìn vào biến cố ấy. Cuộc đời mỗi cá thể cũng như thế. Tất cả mọi biến cố xảy ra trong đời sống con người dù là ngẫu nhiên, vẫn đem lại cho cuộc sống những bài học đích đáng. Vậy nên, vấn đề là chúng ta có biết ‘ôn cố để tri tân’ hay không mà thôi.
Đối với người Việt Nam, thì biến cố 30.4.1975 vẫn được đón nhận và giải thích theo cung cách rất khác nhau. Tùy chính kiến và tầm nhìn của mỗi phe nhóm. Mỗi một người. Người cộng sản thì coi đó là chiến thắng một cuộc chiến. Còn người Việt hải ngoại và đại đa số dân chúng sống ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975 lại coi đó là thảm hoạ của dân tộc. Đối với họ, ngày ‘quốc hận’ hay ngày mất nuớc, là như thế.
Chúng ta có nhìn ngày ấy ở góc cạnh và suy nghĩ thế nào, thì ngày ấy vẫn là biến cố đã xẩy ra tại Việt Nam mà không một sử gia nào lại có thể lãng quên hoặc bỏ sót.
Giả như biến cố 30.4 chưa xẩy đến, thì cuộc chiến tương tàn giữa người Việt ở hai miền Bắc-Nam sẽ vẫn còn. Và, giả như người Việt trong Nam toàn thắng cuộc chiến ấy thì, theo thiển ý, người Việt miền Bắc - dưới sự bảo trợ và đỡ đầu từ những quan thầy của họ là Liên Sô và nhất là Trung Quốc - sẽ kéo quân về ẩn náu tại các mật khu bên Lào, Cam Bốt hay biên giới Trung Hoa và Việt Nam. Như vậy, cuộc chiến sẽ vẫn còn kéo dài lâu hơn nữa.
Nay hơn 30 năm nhìn lại, chúng ta vẫn có nhiều điều để nói. Nói rằng: từ đó đến nay, hàng triệu người đã phải bỏ nước ra đi. Biết bao nhiêu người đã phải chôn mình dưới lòng biển sâu hay làm mồi cho cá sống. Số còn lại, dù thành công trên quê hương thứ hai tuy nhiều, nhưng cũng thấy biết bao người đã và đang lao mình vào cuộc sống những là hưởng thụ, tôn thờ vật chất và quên đi nguyên tắc sống đạo đức của chính con người.
Ngay trong nước cũng thấy nhiều điều trăn trở. Thế hệ trẻ sau năm 1975 được giáo dục để trở thành những con người thời đại như thế nào? Phải chăng họ đã được giáo dục theo hệ thống rất giáo điều, nghĩa là chỉ biết và phải nói những gì Đảng đã nói. Dò xét và tìm cách bắt lỗi hạ bệ nhau để rồi cuối cùng cả một thế hệ mới nay được xây dựng trên nền tảng nghi ngờ lẫn nhau. Những năm gần đây, tình hình kinh tế trong nước tuy có khá hơn thời bao cấp hồi cuối thập niên 70 và đầu thập niên 80. Nhưng khoảng cách giữa người giàu và kẻ nghèo càng ngày càng cách biệt. Còn biết bao nhiêu là tệ nạn khác, vẫn diễn ra đến độ ta không làm sao kể cho xiết.
Cách đây gần 10 năm, vụ khủng bố ngày 11.09.2001 tại Nữu Ước đã làm Tòa Tháp Đôi Trung tâm Thương mại Thế giới bị sụp đổ. Có đến hơn 3000 người thiệt mạng. Không chỉ mỗi thế, biến cố ấy còn làm tê liệt toàn bộ nước Mỹ và để lại nhiều hệ lụy khác trên thế giới. Người Mỹ có lý do để hãnh diện về sức hoành tráng của Toà tháp đôi này. Nhưng cũng vì sự sụp đổ của Tòa tháp mà tự ái dân tộc của họ bị tổn thương. Thế nên, nhằm xoa dịu sự phẫn nộ của dân chúng và cũng để chứng tỏ cho thế giới biết sức mạnh của một siêu cường là nuớc Mỹ như thế nào, chính phủ thời đó đã ra sức tiêu diệt kẻ thù, tức những người gây nên cuộc khủng bố nói trên. Và nhân danh đàn anh, Mỹ đã kêu gọi các nước đồng minh như Anh và Úc hợp tác xua quân sang Iraq và A-Phú-Hãn. Gần đây họ công bố là đã giết được kẻ chủ mưu các vụ đánh phá trong đó vụ Tòa Tháp Đôi là một, tức ông Osama Ben Ladin. Ngược lại, bao nhiêu sinh mạng đã chết hay bị giết trong cuộc chiến, mà nhiều nhà phân tích đã nhận định là Mỹ lại đã sa lầy vào một cuộc chiến khác, không có lối thoát. Và đó là một trong những nguyên nhân gây ra sự suy thoái trầm trọng của nền kinh tế toàn cầu hiện nay.
Biến cố 11 tháng 9 tại Nữu Ước đã không chỉ để lại trong tôi những nhận định nói trên, mà thôi. Cho đến giờ này, tôi vẫn không thể quên được hình ảnh những con người dũng cảm như cảnh sát, đội lính cứu hỏa và người thiện nguyện đã lao mình vào Toà Tháp Đôi để cứu nạn nhân của vụ khủng bố có một không hai đó. Những vị này quên đi sự an toàn của chính bản thân mình và chỉ nghĩ đến việc cứu người. Trong lúc chu toàn bổn phận cứu vớt kẻ khốn cùng và đau khổ, thì chính họ lâm vào tình trạng cùng khốn, khổ đau không lối thoát. Nhiều người bị thiệt mạng cùng với nạn nhân dưới đống gạch vụn. Họ là các anh hùng. Những vị thánh không cần người tấn phong. Tuyên xưng. Quả thật với hành động dũng cảm, hy sinh và nghĩ đến người khác này, chúng ta tin rằng “ngay trong cơn mưa, trời vẫn sáng”.
Biến cố 11/9 đã tác động và ảnh hưởng lên mọi tầng lớp con người. Chỉ vài tuần lễ sau biến cố ấy, Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolo II đã mời các vị lãnh đạo Hồi Giáo tham dự buổi cầu nguyện tai Assisi, bên nước Ý. Điều này cho ta thấy tôn giáo không bao giờ là nguyên nhân gây xáo trộn và xung đột. Cũng chẳng là đầu mối của hận thù, bạo động. Hơn nữa, Giáo hội không bao giờ tán thành và hỗ trợ việc dùng vũ khí để giải quyết các vấn đề khủng bố, lẫn khổ đau.
Từ những câu chuyện của các nạn nhân và những truyện dài bất tận của những người cứu trợ và những mẩu truyện thuơng tâm của người còn sống sót sau cơn khủng bố ấy, đã nhắc tôi nhớ lại một bài học rất quen thuộc, đó là BÀI HỌC YÊU THƯƠNG. Những câu nói, những lời nhắn nhủ của các nạn nhân trên hai chiếc máy bay được ghi âm và tường trình vẫn còn vang vọng bên tai và trong trái tim tôi. Trước khi máy bay đâm vào toà nhà ấy, các nạn nhân vẫn cố nói và kịp nói qua điện thoại cho người thân yêu của mình câu “I LOVE YOU”. Câu đó, không phải là lời oán hận. Cũng không là trăn trối lại những việc mình chưa làm xong. Nhưng, đó là sứ điệp rất quen thuộc. Quen đến độ, nhiều lúc khiến ta quên đi tầm quan trọng của nó. Sứ điệp của những người đang đón đợi sự chết – các nạn nhân trên máy bay, cũng như những người đang ở trong ‘Tòa Tháp Đôi’ và các thiện nguyện viên hôm ấy, sứ điệp đó chính là TÌNH YÊU.
Gần đây, trong trận động đất ở Tân Tây Lan, có phóng viên đã chụp được một tấm hình thật cảm động và thương tâm. Đó là, hình của một bà mẹ đã dùng thân xác mình để che đỡ sự sụp đổ của toà nhà hầu bảo vệ sự sống cho con của bà.
Thật vậy,
Bài học đó, là lòng ích kỷ đã biến mất nhường chỗ cho sự thiết tha và quan tâm, ân cần đối với nhau. Tuy không nói nhưng các người này đã sống điều mà các nghị phụ từng nói trong hiến chế ‘Ánh Sáng Muôn Dân” đoạn 30, như sau: “Vì thế, mọi người phải lấy bác ái mà thực hành chân lý, nhờ mọi sự hãy lớn lên trong Ðấng làm đầu là Chúa Kitô; nhờ Người, toàn thân thể được phối hợp và kết tụ bằng sự liên lạc tương trợ nhau, tùy theo công dụng khả năng từng phần tử, khiến thân thể được tiến triển hầu xây dựng trong đức ái” ( Eph 4:15-16).
Nhìn vào TÌNH YÊU mà các nạn nhân, những người cứu trợ, cảnh sát, lính cứu hỏa, người thiện nguyện đã trao cho nhau trong ngày 11/9, chúng ta có thể xác tín và loan báo rằng chỉ có TÌNH YÊU mới có thể mở ra cho ta chân trời mới. Và cũng chỉ có TÌNH YÊU mới làm cho con người luôn sống trong hy vọng về một tương lai tươi đẹp hơn những vụ khủng bố, vụ thảm sát như vụ 11/9. TÌNH YÊU đang chờ đón bàn tay và khối óc của mỗi người ra tay. Chờ ta cùng bước để loan báo bằng chính cuộc sống mình rằng: “Không có tình yêu nào cao quý hơn mối tình của người thí mạng sống vì người mình yêu". Đức Giêsu đã tuyên bố như thế và Ngài đã sống chính lời Ngài nói ra bằng việc đi đến cùng con đường Ngài tự chọn để thể hiện Tình Yêu của Ngài. Cái chết trên thập giá diễn tả mối tình của một người đã yêu và yêu cho đến cùng... Chết cho Tình Yêu để rồi sống mãi cho Tình Yêu. Chúa Giêsu mong muốn lối sống này được tiếp tục qua cuộc sống của mỗi tín hữu. Mỗi người trong đời.
Có biết bao nhiêu người đã lập lại lối sống của Chúa qua suốt chiều dài lịch sử thế giới, và cả vào thời hôm nay vẫn còn biết bao nhiêu người đang thực hiện lối sống đó qua những hy sinh lớn nhỏ của chính mình, mỗi ngày trong đời.
Thử hỏi, chúng ta có nằm trong danh sách đó hay không? Câu trả lời xin dành cho bạn lẫn cho tôi.
Lm Mai Văn Thịnh C.Ss.R Sydney, những ngày đầu xuân Úc, 2011. Nhớ lại Tai Ương 10 năm trước tại Nữu Ước.
Giảng rao cung cách mới
Anh chị em trong gia đình An Phong rất quí mến.
Lá thư này viết cho anh chị em ngay sau ngày toàn Dòng chúng ta mừng kỷ niệm thứ 279 năm ngày khai sinh (9/11/1732 - 2011), và cũng là những ngày toàn Dòng chúng ta nhìn lại Tổng Công Hội 2009 tại Roma, cuộc gặp gỡ các Bề trên Giám Tỉnh trên toàn thế giới đã và đang diễn ra tại Mater Domini (nơi có đền thờ thánh Giêrado và thánh tích mộ ngài), rất tiếc tôi đã không thể có mặt để chia sẻ và sống chung với anh em mình.
Thưa anh chị em, chủ đề Tổng Công Hội thứ 24 tại Roma năm 2009 đã đưa ra : “Rao giảng Tin Mừng theo cách ngày càng mới, Niềm hy vọng, con tim và cấu trúc được đổi mới vì sứ vụ”, đây là chủ đề dành cho lục niên (2010 2016, Tổng Công Hội 24 diễn ra vào tháng 11 năm 2009).
Trong những ngày tĩnh tâm vừa qua của Tỉnh Dòng Việt Nam, chúng ta đã suy nghĩ về chủ đề lục niên, đặc biệt về đề tài sứ vụ. Hình ảnh của thánh An Phong sống chết với sứ vụ rao giảng Tin Mừng cho người nghèo, người bị bỏ rơi hơn cả ở Scala được tái dựng trong tâm trí mọi người, hình ảnh rất cụ thể của người nghèo và người bị bỏ rơi hơn cả ở ngay tại Việt Nam được làm sáng tỏ trong tâm hồn mọi người, lời kêu gọi hối cải (chính là đổi mới) được nhắc nhớ trong dịp tĩnh tâm năm nay.
Trong dịp được tham dự Tổng Công Hội 24 ở Roma, khi thảo luận về việc chọn chủ đề cho lục niên, trên bản làm việc (laboris), nhóm chúng tôi đã chia sẻ: sứ vụ chỉ có một, một sứ vụ kể từ ngày thánh An Phong được cảm nhận, sứ vụ ấy không hề thay đổi, vì chỉ có một ý hướng duy nhất: người nghèo, người bị bỏ rơi phải được chúng ta loan báo Tin Mừng (bản làm việc: “đổi mới sứ vụ”), do đó vì sứ vụ, chúng ta phải đổi mới.
Ở Việt Nam, chúng ta đã cảm nhận ân huệ này một cách đặc biệt, chúng ta đã và đang phải trả giá cho những cảm nhận và dấn thân này. Chúng tôi bị áp lực từ nhiều phía, kể cả những khó khăn trong việc tông đồ đã cám dỗ chúng tôi thỏa hiệp. Trong dịp gặp gỡ một đấng bậc, đấng bậc này rất thân quen với tôi nên ngài khuyên giải tôi “thôi cha ạ, đừng gây thêm những phiền toái nữa, hãy vâng lời Tòa Thánh im lặng để tạo bầu khi tốt cho quan hệ ngoại giao, hầu tiến đến việc thiết lập bang giao”, tôi trả lời “chúng con luôn vâng lời Tòa Thánh, nếu quả thật Tòa Thánh bảo chúng con im, chúng con sẽ im, nhưng con tự hỏi, nếu chúng con im, ai sẽ nói thay cho người nghèo, người bị áp bức, người nghèo biết tìm đến địa chỉ nào để được cảm thông, được sẻ chia, được nâng đỡ và được nghe Tin Mừng?”.
Thưa anh chị em, tôi chia sẻ với anh chị em đôi điều vì anh chị em chính là những thành viên của Hội Dòng, là con của Cha Thánh An Phong, là phần tử của gia đình An Phong, linh đạo của Nhà Dòng cũng cần phải cuộn chảy trong lòng anh chị em.
Xin anh chị em tiếp tục cộng tác với Nhà Dòng trong sứ vụ rao giảng Tin Mừng cho người nghèo, người bị bỏ rơi hơn cả. Xin Chúa Kitô Cứu Thế chúc lành cho anh chị em, gia đình anh chị em, nhờ lời chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria Mẹ Hằng Cứu Giúp, Cha Thánh An Phong và các Thánh trong Dòng.
Xin anh chị em cũng cầu nguyện cho chúng tôi nhiều hơn nữa, cho chúng tôi được trung thành với ơn gọi, với sứ mạng đã nhận lãnh.
Thân ái chào anh chị em trong Chúa Kitô.
Lm. Vinh Sơn Phạm Trung Thành, dcct.
MARIA MẸ HẰNG CỨU GIÚP Theo truyền thống của Nhà Dòng, trong các kỳ Đại Phúc, thời gian tiền phúc luôn luôn có việc tôn sùng Đức Trinh Nữ Maria Mẹ Hằng Cứu Giúp và rước kiệu Đức Mẹ đi thăm khắp mọi nhà, cuối kỳ Đại Phúc, bài giảng sau cùng bao giờ cùng dành cho việc ca tụng và tôn sùng Mẹ dưới tước hiệu Mẹ Hằng Cứu Giúp.Năm 1925, khi ba thừa sai Dòng Chúa Cứu Thế đầu tiên người Canada đến Việt Nam, hành trang của ba vị có bức linh ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, hơn 80 năm qua, bức linh ảnh này đã được phổ biến khắp nơi trên mọi miền đất nước, đi đến bất cứ nơi đâu đều gặp được ảnh Mẹ, đều nghe được lời cầu xin ngọt ngào “Lạy Mẹ Hằng Cứu Giúp, xin che chở mọi kẻ thuộc về con, ban ơn phù hộ …” và lời cầu “Lạy thánh Anphongsô là quan thầy bàu chữa con…”. Báo Đức Mẹ (Bà) Hằng Cứu Giúp đã sớm góp mặt trong lịch sử báo chí Việt Nam, chiếm một vị trí quan trọng trong việc thông tin và giáo dục theo tinh thần Kitô giáo, là một tờ báo “nổi đình nổi đám”, làm say mê hàng triệu độc giả, đưa tên tuổi của những cây bút người Canada cũng như người Việt Nam lên hàng bậc thầy trong lĩnh vực “tông đồ ngòi bút”. Bức linh ảnh này đã mang lại niềm an ủi cho biết bao người sầu khổ, mất mát, chữa lành bao vết thương tâm hồn, dẫn đưa bao nhiêu người lạc lối về nẻo chính đường ngay. Đặc biệt tại La Mã Tỉnh Bến Tre Việt Nam, bức linh ảnh đã lộ hình một cách lạ lùng sau khi bị phai (mờ) hình từ một biến cố ngâm trong bùn nhiều tháng, không chỉ lộ hình, bao nhiêu sự lạ đã xảy ra cứu vớt những ai chạy đến kêu cầu (xin xem www.ducmelamabentre.com) với Mẹ. Bức linh ảnh Mẹ Hằng Cứu Giúp đã trở thành “bửu bối” của các anh chị em thuộc Dòng Chúa Cứu Thế, đi đâu các thừa sai (tu sĩ cũng như giáo dân) đều mang theo ảnh mẹ và phổ biến lòng tôn sùng Mẹ. Kính nghiệm về lòng yêu thương của Mẹ dành cho mình, chúng ta chia sẻ với người khác được biết lòng yêu thương ấy. Những ngôi đền Mẹ Hằng Cứu Giúp là những nơi tuyển mộ ơn gọi tu sĩ rất kiến hiệu, chính ơn gọi của kẻ viết bài này ngày hôm nay đã được hình thành từ những ngày còn bé theo cha đến Đền Đức Mẹ mỗi chiều thứ bảy để làm giờ kính Đức Mẹ, nghe các cha Dòng Chúa Cứu Thế giảng và mua báo Đức Mẹ Hằng Hằng Cứu Giúp. Nhiều lần đứng ở sân Đền tôi không khỏi bồi hồi nhớ lại những ngày xưa thân ái của mình, nhớ lại những cảm giác ấm cúng yêu thương, nhớ lại hình ảnh người cha thân yêu đã khuất và nhớ về những diệu cảm khi đến với Mẹ.
Nhiều lần vui vẻ với các bạn trẻ, để dễ nhớ, tôi nói với các bạn “Mẹ này là Mẹ Hằng Cứu Giúp, các Đức Mẹ khác chỉ thỉnh thoảng cứu giúp mà thôi!” Mẹ không chỉ cứu giúp ta những khi ta ngặt nghèo mà chạy đến với Mẹ, nhưng trên hết là Mẹ hiệp thông với Con của Mẹ trong sứ mạng cứu rỗi thế giới này. Cứu mỗi người chúng ta. Là con cái Cha Thánh An Phong, chúng ta có chăm chút mối tương quan với Mẹ Hằng Cứu Giúp không? Có chạy đến viếng thăm Mẹ mỗi ngày không? Chúng ta có giới thiệu Mẹ Hằng Cứu Giúp cho những ai đang gặp cảnh ngặt nghèo không? Câu hỏi đặt ra để mỗi người chúng ta tự suy nghĩ và trả lời. Lm. Vĩnh Sang, dcct.
Giọng cũ xa gần Dân Gầy phụ trách *Mãi mãi chuyện già nua: Lâu lắm mới lại được nghe nhà thơ “già” chốn người nhà, nói chuyện già mà lại có tiếng hihi haha, như sau:
Vợ chồng già / hi hi hi / ha ha ha ! đêm khuya gà gáy ó o ông không ngủ được ông mò đi ra bà rằng đã quá canh ba về phòng mà
ngáy để bà ngủ yên Từ ngày bà bỏ tui
ra
tuổi già như bóng với hình cuối đời còn lại chuyện tình trăm năm vô phòng đừng có lăng nhăng lầm bầm nói mãi (tui) cho lăn xuống giường Không có tiếng NGÁY ,trằn trọc ngủ không được Tiếng NGÁY ,bên cạnh ,yên tâm vì nửa kia còn đó Và GIẤC NGỦ như đi vào chỗ bình yên GHIỀN RỒI . . . BÀ NÓ ƠI :-)))))
MH
Chuyện nhà của tui.....
Vợ chồng già Một bên bà ngáy kho kho Một bên ông ngủ cảng co cẳng dài Xoay người xương cốt rả rời Ông ngủ chẳng đặng khều khều bà ơi! Giật mình bà phủi cái tay Đồ già lảng nhách..cò mài chuyện chi? Ơ nầy lại nghĩ bậy đi.... Ngáy chi..ngáy.. cái lổ tai tôi ù Bửa kia bà ngủ gật gù Ông xoay ông trở lu bù cả đêm Khều khều véo nhẹ một bên Giật mình ông hỏi:Lại kênh chuyện gì? Cái ông! già dịch..thôi đi..! Cả đêm nhúch nhích ..lấy gì ngủ đây.... Thế rồi hai kẻ hai nơi Phòng ai nấy ngủ lẻ loi canh trường Nhớ thời gian hảy còn son Suốt đêm rụt rịt vẫn còn nẹo nhau
Huỳnh Tâm Hoài
*Lại một lời chào, rất từ biệt: Lời chào hôm nay, là từ Bác Đa Minh Lê Quang Đạt, một thân hữu Gia Đình An Phong Úc lâu nay sinh sống ở Adelaide, Nam Úc. Bác Đạt nay ra đi về nhà Cha để lại biết bao là thương tiếc nơi bạn bè người thân ở nhiều nơi. Dân Gầy xin đính kèm theo đây, bản cáo phó của gia đình Bác Đạt, như sau:
*Thêm một bài “vãn” về cảnh phu-phụ: Về những phu và những phụ, đâu cần gì phải “vãn”. Cứ hãy làm thơ rất “thẫn thờ” như sau đây, tưởng cũng đủ. Đủ, để bạn mình có những nụ cười rất “mỉm chi”, cho vui cuộc đơì, những ngày cuối, ở nơi nơi. Nghĩ thế rồi, thôi bây giờ ta thử đọc: Phu oán ngâm khúc .
Lỗ mũi em mới sửa xong Đêm nào đi ngủ cũng vòng tay che Em sợ anh xoay qua đè Nằm xa , quay mặt em che cả tuần .
Muốn hôn em ... nhưng lại ngưng Mỗi lần sáp tới , em bưng mặt liền " Sợ anh chạm mũi em nghiêng Mắc công ... nắn lại , thiệt phiền vô phương " .
Hơn một tuần lễ " No thương " Để em giữ đẹp mũi xương dọc dừa Anh chờ nghe tiếng em : " Ừa " . Để anh được nựng cho vừa nhớ thương .
Cưng em chưa hết nửa đường Em đi sửa mắt ... mặt sưng tím bầm Ban ngày em đeo kính râm Tối thì mở kính , mắt thâm có quầng .
Em lại ... không muốn nằm gần Sợ anh táy máy , tần mần , tật anh Thôi thì ... anh cũng phải đành Ăn chay , kiêng cữ chờ lành tính sau .
Mặt em trở lại hồng hào Anh mừng khấp khởi ra vào cười vui Mắt em hết tím bầm rồi Mũi cao hết xẹp, thông hơi dễ dàng.
Trông em vừa đẹp vừa sang Mắt to hai mí , mũi ngang dọc dừa Em nay khác hẳn ngày xưa Yêu em tha thiết sao vừa được đây?
Anh phải mừng tiệc sum vầy Bỏ công chờ đợi , ngày nầy qua kia ... Hôm qua từ sở gọi dìa ( về ) Em cho anh biết hôm kia " book " rồi !
Tuần tới đi sửa cặp môi Phình lên chút xíu mới coi mát lòng Môi xong, kế hút mỡ hông Lấy ra cho bớt mới trông dễ nhìn
Vòng eo phải giảm tám inches. Đường cong mới lộ, diện đồ mới xinh Kế đến ... em muốn tặng mình Món quà độc đáo anh nhìn khỏi chê.
Thỏa thích để anh vân vê Đó là biến quả trái " lê " thành " đào " Bấy lâu " lê " héo nhạt màu Nay em sửa lại bơm vào silicon.
Trắng hồng trông rất mi nhon Vợ anh ... hết xẩy , như còn tơ hông ? Em ơi, chắc anh chổng mông . Chừng nào mới được ... làm chồng em đây?
Bắt anh ... nhịn đói như vầy Ngày qua tháng lại ... nó gầy ốm nhom ... Thức ăn có sẳn để dòm Cám treo heo nhịn còn thơm nỗi gì?
Em lo tune up body Cho người ta ngắm, chồng thì đói meo Cả tháng chồng ngủ chèo queo Đêm nào chồng cũng ... eo xèo nằm thun.
Thôi em ! Trời cho có được thì dùng Đừng ham đỗi " parts " ... sẽ run có ngày Em xài đồ giả chẳng may Hết ngày quá đát ... nó chai cứng đờ.
Plastic để lâu cứng đơ Quả " đào " khô héo ... chỉ chờ ... móc ra . Mỡ hông em cứ tà tà Mổi ngày thể dục thế là xẹp ngay .
Quả lê theo luật tháng ngày Khô da , hết nước , anh xài chẳng chê Miễn là mình giữ ước thề Yêu nhau trọn nghĩa phu thê suốt đời ...
*Nếu tôi là nhà thơ… Câu này nghe quen quen. Quen hơn cả, là vì Nếu bản thân tôi bết làm thơ và biết viết thơ, thới tôi sẽ kể ra đây cả triệu cái ngu, chứ không chỉ mỗi mười cái như ở dưới. Thôi thì, tạm thời cứ để nhà thơ không tên liệt kê thử 10 cái rất như sau:
10 ngu
1 ngu yêu gái nhà giàu Ăn chơi quá trớn theo hầu cực thân
2 ngu yêu gái trẻ măng Suốt ngày vòi vỉnh, lăng nhăng bực mình
3 ngu yêu gái minh tinh Cặp bồ tứ xứ chung tìng bao lâu?
4 ngu yêu gái học cao Nói năng hống hách, cái đầu bị điên
5 ngu yêu gái chức quyền Ra oai hạch sách mất duyên nhu mì
6 ngu yêu gái ca nhi Nữa đêm gần vợ, vợ thì đương ca
7 ngu yêu gái đã già Chị , em kết nghĩa.... người ta tưởng lầm
8 ngu yêu gái... bà chằn Thân hình bầm dập, ngựa vằn còn thua
9 ngu yêu gái chanh chua Chửi la chỉ muốn vào chùa làm tăng
10 ngu yêu gái mỹ nhân Suốt ngày lo sợ nàng thăng...vì tiền
Khi yêu không được nên duyên Yêu ngu chỉ chuốc thêm phiền vào thân...
*Phận làm trai, phải chăng là thế này? Thiện tai! Thiện tai! DânGầy xin mạn phép tác giả/tác thiệt của bài thơ, để bà con thấy vui mà rung đùi rồi thưởng lãm bài rất thơ, như sau:
Làm trai bốn bể là nhà. Cái loại giai ấy chắc là… ăn xin Lời nói chẳng mất tiền mua. Lựa lời mà nói cho… lòi tiền ra! Ví dầu cầu ván đóng đinh. Cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi. Khó đi anh dắt em đi. Em đi không được anh đi một mình. Thuận vợ thuận chồng, con đông mệt quá. Cá không ăn muối cá ươn. Con không ăn muối, thiếu iốt rồi con ơi. Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường. Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ. Ai bảo chăn trâu là khổ. Tôi “chăn nàng” còn khổ hơn trâu… Má ơi đừng gả con xa. Chim kêu vượn hú biết đâu mà lần. Má ơi đừng gả con gần. Con qua xúc gạo nhiều lần má la. Tìm em như thể tìm chim. Chim bay biển Bắc, anh tìm biển Đông. Tìm chi cho phải mất công. Đài Loan, Hàn Quốc em dông mất rồi. Yêu nhau mấy núi cũng trèo. Mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua. Ngại gì cái chuyện đường xa. Không đi xe buýt thì ta đi tàu. Bước tới nhà em bóng xế tà. Đặt chân vào ngõ má em la. Lom khom dưới bếp cha tìm rựa. Thấp thoáng xa xa bóng chổi chà. Yêu em xin nhớ lời thề. Chưa mua “xế hộp” chưa về thăm quê. Đàn ông năm bẩy lá gan. Lá ở cùng vợ lá toan cùng người. Đàn bà tám chín tiếng cười. Tiếng nào tiếng nấy chết mười đàn ông. Bạn ơi ngồi nhích lại giùm. Tuy rằng khác lớp nhưng chung một trường. Cá không ăn muối cá ươn. Thịt không tủ lạnh ba ngày thịt hư. Mấy đời bánh đúc có xương. Mấy đời gái chảnh lại thương trai nghèo. Giữa đường nhặt cánh hoa rơi. Lượm lên phủi phủi: “Cũ người mới ta”. Vai mang túi bạc tò tò. Chen qua lấn lại chỉ còn túi không. Chồng giận thì vợ bớt lời. Vợ giận, chồng đập tơi bời à nghe… Đi đâu cho thiếp theo cùng. No thì thiếp ở, lạnh lùng thiếp bye. Trên đồng cạn dưới đồng sâu. Chồng cầy vợ cấy con trâu đi nằm. Bây giờ mận lại hỏi đào. Vườn hồng đã có ai vào hay chưa. Mận hỏi thì đào xin thưa. Vườn hồng đã chửa từ xưa lâu rồi. Cưới vợ thì cưới liền tay. Chớ để lâu ngày vật giá leo thang. Một cây làm chẳng nên non. Ba cây chụm lại thấy thừa hai cây. Trăng thì mười sáu mới tròn. Còn em mười sáu bụng tròn hơn trăng. Trúc xinh trúc đứng một mình. Em xinh em cũng rình rình theo trai. Ai đang ngoài cửa thập thò. Khi nào gõ mõ là mò vô ngay. U thầy em ngủ tầng trên. Em nằm chờ đợi dưới này cầu thang. Trèo lên cây bưởi hái hoa. Bước xuống vườn cà phun thuốc trừ sâu. Con gà cục tác lá chanh. Mới cục vài tiếng đã thành gà quay. Gió mùa thu mẹ ru con ngủ. Năm canh dài mẹ ngủ đủ năm canh. Ai đưa con sáo sang sông. Để cho con sáo mất công bay về. Mấy đời bánh đúc có xương. Mấy đời chơi Net không vương tơ tình. Một cây làm chẳng nên non. Ba cây chụm lại ăn đòn mới phê. Đèo cao thì mặc đèo cao. Nếu đèo cao quá ta đi đường vòng. Người ta đi cấy lấy công. Còn tôi đi ở lấy ông chủ nhà. Bắc thang lên hỏi ông trời. Đem tiền cho gái, có đòi được không? Trời bảo: mày hỏi như khùng. Tao là Thượng Đế còn “không” nữa là!
*Sydney tưng bừng đón và chào các linh mục nhà: Nhà đây, là nhà Cứu Thế rất “.chấm cơm”… Cơm để chấm đâu không thấy chỉ thấy những là “.chấm net” vẫn phây phây. Tình thật mà nói. Sydney kỳ này hội ngộ gồm những 3 cha lẫn một thầy. Thầy đây là “ông cố” Đỗ Công Sinh của 2 cha: 1 là Lm Đỗ Tuấn Anh DCCT Úc vừa chịu chức được 1 tuần, còn mới cứng. 1 là người anh tên Đỗ Tuấn Linh dòng Đa Minh ba bốn chuông của VN nay sang Thái Lan khai sáng mở thêm dòng. Và Thầy đây, còn là thầy dạy tu đức của tân chức Đỗ Tuấn Anh, tức linh mục cựu Bề Trên kiêm Chánh xứ nhà Thái Hà Ấp, tên Trịnh Ngọc Hiên và nay đương nhiên làm Giám Đốc Học Viện DCCT, rất Việt Nam. Một buổi họp mặt như mọi lần ở Úc tại ‘lâu đài tình ái’ Vũ Nhuận & Bích Nông nhưng lần này chén chú chén anh, chén tạc chén thù rất thích thú vì có người, có vị gặp nhau sau hơn 50 chục năm xa cách, như anh chi hội trưởng Phạm Văn Chương gặp cháu ruột của vị đồng môn Phạm Công Luận nay ở Mỹ cũng bận rộn. Chuyện bên lề khác nữa là: Chi Hội Trưởng họ Phạm nhà ta quá thích chí, thích thú và thích kích động bèn tuyên bồ tình nguyện hy sinh thêm một hai nhiệm kỳ nữa làm Chi Hội Trưởng với điều kiện là Chi Hội Phó Đàm Thị Mai và đảng-trưởng-tạo-nên-vua (King’s Maker) họ Vũ tên Đức Nhuận chịu chấp thuận…đề nghị trên. Rủi cho anh, là: Chi hội phó không dám hy sinh thêm và ‘King’s Maker’ chẳng thuận cũng chẳng chấp, chỉ cười hì hì, rồi nói thôi. Thế là huề cả làng. Thế là huề vốn. Huề đến nỗi vị khách rất chí thánh họ Trịnh tên Hiên đã phải thốt lên lời ca khen (không có mùi rượu đâu đó để Tám nó đừng cho là vị ấy phát biểu có hơi hám mùi “vang đỏ” của Pháp quốc) rằng thì là: anh em ở Sydney vẫn còn nhiều tinh thần vui vẻ, trẻ trung vì thế nên vẫn cứ tồn tại trong thánh hoá và thánh quá!... Chuyện lề phải, chỉ tóm gọn đôi điều này là: tất cả mọi người tham dự đều rất mong có những buổi họp mặt với sự góp mặt của người anh em cùng Gia đình Dòng, dù ở nội hoặc ngoại vi, như lập trường và tư tưởng cũng như ao ước của đương kim Giám tỉnh DCCT VN, họ rất Phạm tên rất Trung Thành… Thôi thì, chẳng ai bảo ai, người người đều cảm kích quyết tâm sẽ cứ thế mà…cứu thế. Cứ thế mà hỗ trợ cho Dòng mình rất cứu thế, ở quê nhà. |
Duc In Altum >