Sydney mừng ngày thánh tổ An Phong 2011 Ghi nhanh của Hoài Phong
Bầu trời Sydney tháng 8 mùa Đông, tuy mới xế chiều, nhưng những làn sương mù đã bắt đầu bay toả mênh mông rồi những cơn gió lạnh rít lên, như xé rách da thịt. Tuy giờ hoàng đạo chưa tới, nhưng anh chị em trong gia đình An Phong và thân hữu ở Sydney, vẫn không ngại gió lạnh, ướt át, đã có mặt hầu như đông đủ tại nhà anh chị Vũ Nhuận và Bích Nông, từng nhóm vẫn trò chuyện thân mật, nét mặt vui tươi hiện rõ.
Đúng 4 giờ chiều, anh Vũ Nhuận tuyên bố khai mạc. Chi Hội Trưởng Phạm Văn Chương đã mở lời chào mừng cha Giuse Mai Văn Thịnh và các anh chị em cùng các cháu. Hình như do có cái gì thúc đẩy, mà sao anh Chi Hội Trưởng cứ là thao thao bất tuyệt về ý nghĩa ngày lễ thánh tổ, nhắc nhở bà con đóng góp yểm trợ Dòng thánh ở Việt Nam, chủ đề của ngày hôm ấy, để rồi sau đó cha Mai Văn Thịnh bèn phán một câu: Chi Hội Trưởng hôm nay nói hăng say như một bài giảng, nên trong thánh lễ tôi sẽ rút gọn bài chia sẻ lại.
Chi Hội Trưởng PVChương cũng nói lên lời tri ân anh chị Nhuận-Nông đã giang rộng vòng tay nồng ấm để đón mừng các anh chị em trong Gia đình An Phong. Thánh lễ được cha MVThịnh cử hành trang trọng, và những tiếng ca như vút lên tận bầu trời cao ngất. Các anh chị, mỗi người đều có suy tư riêng, nhưng chắc chắn đang hướng về nhà Dòng ở Việt Nam.
Trong thánh lễ, có tin loan cho bà con biết để cầu nguyện cho các người anh em trong Gia đình đã ra đì về nhà Cha, như: cha Barnabê Đoàn Thanh Dũng ở Pháp, Bác Nguyễn Văn Thiện ở Adelaide, Nam Úc, bác Trần Tứ Cảnh ở Sydney, ai cũng được nhớ tới. Chỉ trong một thời gian ngắn, mà đã có khá nhiều anh em lớp trước đã ra đi, để lại nỗi niềm đầy tiếc nhớ. Và rồi những ngày sắp đến, sẽ lại tới lớp đàn em, lục tục tiếp nối. Thân phận con người thật mong manh. Bởi thế nên, anh em bảo nhau: mình còn sống ngày nào, càng thấy cuộc sống thật quý giá do Chúa ban nhưng-không cho tất cả mọi người.
Cha Mai Văn Thịnh có mợt nhận xét rất hay, là trong lần họp mặt kỳ này, thành phần tham dự trẻ cũng khá nhiều, có cả thế hệ thứ hai như các con của anh chị Mai-Tá, Nhuận-Nông, Duy Lâm-Phương Anh,vv… Và cả đến thế hệ thứ ba cũng có mặt như: hai cháu nội của anh chị Mai Tá, tức cháu ngoại của anh chị Nguyễn Minh Tâm & Hân (chi Hân hôm ấy dự thay cho anh Tâm không được khoẻ).
Trước đây, có bạn từng lo lắng cho tương lai của Gia đình An Phong ở Sydney một khi lớp già đã ra đi hết rồi, thì liệu thế hệ kế tiếp có nối gót được hay không? Nay, với sự có mặt của lớp trẻ thuộc cả hai thế hệ hai và ba nối tiếp, đã là một điểm son khích lệ thành viên già, là câu trả lời thấy rất rõ.
Sau thánh lễ, anh Vũ Nhuận kêu gọi bà con tụ tập trước cửa nhà anh để chụp hình lưu niệm. Những tiếng “chia”, “chia” (cheers) vang lên, và tiếng máy chụp hình cứ rộn lên những tiếng “click” “click” thật liên hồi. Sau phần chụp hình, anh chị em tham dự đã trao bì thơ thân thương nặng trĩu những quà trao tận tay CHTrưởng PVChương và CHPhó Đàm Thị Mai, trước khi tập họp ở sau nhà, để nhập tiệc. Bất cứ đóng góp nào cho nhà Dòng, dù lớn nhỏ, cũng đều có giá trị lớn lao như lời Chúa nhận xét về hành xử của bà goá ở đền thờ, bà chỉ bỏ tiền đồng một xu thôi nhưng công đức lại hơn cả ông Pharisêu kia, tuy đã đóng góp nhiều hơn. Và Chúa nói: người Pharisêu đã được phần thưởng ngay từ đời này rồi, do sự huênh hoang của ông ta.
Năm nay, ở khắp nơi, tình hình kinh tế khó khăn, vật giá gia tăng đến mức gây chóng mặt, tiền điện nước tăng vùn vụt, đời sống mọi người ngày càng thêm khó khăn, nhưng đóng góp của anh chị em hôm ấy vẫn đạt kết quả mỹ mãn, vượt mức tiên đoán. Tiền thu gom đếm được là: AUD$7,032.00, một số tiền kỷ lục mà chưa một lần quyên góp nào lên cao như thế. Không biết có phải vì CHTrưởng PVChương mát tay như lời anh Nguyển Công Thành cứ nhắc đi nhắc lại tới mấy lần. Cũng cần ghi nhận thêm ở đây là: đóng góp của một thành viên thế hệ thứ hai là Anthony Trần, khuôn mặt thân quen vẫn hiện diện vào mọi buổi họp mặt đã yểm trợ Tỉnh Dòng Việt Nam bằng hai lon tiền kẽm lên tới AUD$802, một số tiền rất đáng khích lệ bà con thế hệ đi trước. Thành viên trẻ này chỉ nghe biết hoạt động và tôn chỉ của Dòng thánh qua lời kể của thân phụ mình thôi. Phải chăng, đây là gương lành gợi ý với các thế hệ tiếp nối cha ông mình làm như thế? Ngoài ra, cũng phải kể đến các thành viên thế hệ thứ hai khác, như: Thiên Ân & Minh Thư, Lê Văn Thụ Nhân & Phượng (con dâu & con ruột của thành viên ở VN là anh chị LêVKhuê và Chi)… lần nào cũng tham dự và lần nào cũng đóng góp rất tận tình.
Phần ẩm thực năm nay, cũng phong phú và đa dạng như mọi lần. Được thế, là nhờ sự tiếp tay của tất cả các anh chị ân nhân thân hữu, mỗi người một món, mỗi vị một tay, bày la liệt các món ăn đặc sản trên bàn, từ món gà, gỏi, nộm cho đến bánh cuốn, nem cuốn, pasta, La Sagna, xôi, chả, chè ngọt và đủ mọi thứ ăn, rhứ nào cũng được bà con mình chiếu cố rất tận tình ăn không hết, để rồi sau phần liên hoan một số anh chị đã phải mang về nhà một ít hương hoa do anh chị khác làm.
Với cơn gió lạnh mùa Đông khá rét buốt, các chị thành viên Gia đình An Phong năm nay đã lẳng lặng chủ vào bên trong ngồi cho ấm cúng, trong khi ấy các anh nam nhi vẫn cứ trụ bên ngoài với câu chuyện to nhỏ, nổ như bắp rang, kèm theo đó các anh không quên nhâm nhi ly cà phê đặc sản gọi là “cái nồi ngồi trên cái cốc” do anh Vũ Nhuận đem về từ xứ miền Tây Bắc châu Âu, đất nước của hoàng gia Bỉ, mà anh vừa đặt chân đến mừng đám cưới người cháu con người anh của anh là Vũ Đức Nhượng, một cựu đệ tử lớp lớn.
Cuộc vui nào rồi cũng đến lúc tàn và giờ chia tay rồi cũng phải đến. Bất chợt đây đó nổi lên tiếng chào tạm biệt, những là “về nhé”, “về nhé” hoặc “bye bye” liên hồi, quyện vào nhau thành bản nhạc khó quên. Màn đêm lại trở về bao trùm khu phố mỗi lúc một dày đặc, trả lại sự im ắng vốn có của khu phố êm đềm, sang trọng. Chia tay nhau, nhưng anh chị em vẫn hẹn gặp lại vào ngày giỗ tổ sang năm tới, hy vọng cũng sẽ xôm tụ, vui vẻ như mọi lần.
Đến hẹn cứ tới nhé, hỡi các anh, các chị và bé em của gia đình An Phong thân yêu, quí mến.
Hoài Phong Ghi nhanh từ Beverly Hills, Sydney.
Danh sách và số tiền đóng góp của anh chị em thành viên, ân nhân, thân hữu ở Sydney nhân ngày họp mặt 13/8/2011
1. G/đ Anh Nguyễn Công Thành: $200 2. G/đ A/c Nguyễn Tiến Hùng & Xuân Nga: $500 3. G/đ A/c Trung & Lam (hàng xóm của anh Vũ Nhuận) $100 4. G/đ A/c Nguyễn Minh Vọng & Hương: $150 5. G/đ A/c Nguyễn Hùng (em chị Bích Nông): $50 6. G/đ A/c Lê Văn Lệ & Thu An: $100 7. G/đ A/c Nguyễn Đắc Dzũng & Vân: $300 8. G/đ A/c Vũ Nhuận & Bích Nông: $300 9. G/đ A/c Đỗ Quốc Dũng & Loan: $100 10. G/đ Trần Đàm Thiên Ân & Minh Thư: $100 11. Nhóm bà con & thân hữu anh chị Vũ Nhuận-Bích Nông: $750 12. Một người ẩn danh: $100 13. G/đ A/c Nguyễn Minh Tâm & Hân: $120 14. G/đ A/c Huỳnh Công Lợi & Thuỷ: $150 15. Hai bác Trần Trọng Luật & A/c Trần Trọng Dũng: $200 16. G/đ A/c Nguyễn Duy Lâm & Phương Anh: $200 17. G/đ bác Lâm Tiến Hải: $100 18. G/đ A/c Mai Thành Hải: $100 19. G/đ hai bác Trần Ngọc Liên: $120 20. G/đ A/c Trần Ngọc Tá & Mai: $460 21. G/đ A/c Nguyễn Văn Thành (Thông) & Thuỷ: $200 22. G/đ A/c Nguyễn Kim Linh: $150 23. G/đ A/c Trần Thị Bích Huyền: $100 24. G/đ A/cVũ Hải Nam &Vân: $100 25. G/đ bác Nguyễn Văn Kim: $120 26. Chị Nguyễn Thị Phụng (Tính): $150 27. Bà Hồ Thị Bá: $100 28. Cô Nguyễn Hồng Phước Mai: $50 29. Chị Hoàng Thị Thả: $120 30. G/d chị Nguyễn Minh Hưởng & Đào: $120 31. G/đ A/c Lê Duy Phước: $150 32. G/đ A/c Phạm Văn Chương & Tuyết Lê: $250 33. G/đ A/cNguyễn Văn Dũng & Kim Phụng: $200 34. Một vị ẩn danh: $20 35. G/đ A/c Nguyễn Anh Phương & Quế Chi: $100 36. Anthony Trần Đàm Việt Quốc: $802 37. Phêrô Lê Văn Thụ Nhân: $100 Tổng cộng: _________$7,032.00
Cộng thêm tiền quỹ của lần trước cho đủ $7,200, đã gửi về tỉnh Dòng Việt Nam ngang qua lm Lê Ngọc Thanh DCCT (xin xem phần báo cáo có thủ bút của Lm Giám Tỉnh và Lê Ngọc Thanh ở mục “Giọng Cũ Xa Gần” trong số báo này)
“ĐI MỘT NGÀY ĐÀNG HỌC MỘT SÀNG KHÔN” Mai Đàm ghi nhanh
Có thể nói là chúng tôi có duyên với anh chị em Gia Đình An Phong Nam Cali vì được hân hạnh dự buổi cầu nguyện tại nhà anh Chi Hội trưởng Nam Cali, Nguyễn Hùng Cuờng. Thật vậy, vì chỉ có 2 ngày ngắn ngủi với chương trình thăm hai bên đại gia đình nội ngoại, thêm phần ngầy ngật vì thay đổi múi giờ, rồi lại cộng thêm phần phương tiện di chuyển khá lấn cấn chúng tôi tưởng khó mà thực hiện buổi hội ngộ này.
Buổi sáng, ông anh chở chúng tôi đến nhà anh chị Nguyễn Hùng Cường sau khi đã cẩn thận điện thoại hỏi anh Cường đường đi nước bước, tức đi “freeway” số mấy và exit tại đâu, mà tôi thấy đây là thói quen ở Mỹ mỗi khi đến một nơi lạ chắc vì ở đây quá nhiều “freeway” nên phải biết chắc kẻo “exit” sai thì sẽ lạc tuốt luốt! Khác với Úc, tôi có thể tìm đường dễ dàng với một cuốn bản đồ là đủ. Chúng tôi tìm đến trúng ngay nhà lúc gần 10 giờ sáng, đúng vào lúc các anh chị sắp sửa bắt đầu buổi cầu nguyện. Chúng tôi gặp các anh Lương Thế Vinh, anh Trần Quang Phục và được giới thiệu với anh Cường mà nhà tôi vẫn liên lạc qua email nhưng chưa từng gặp mặt.
Bắt đầu buổi cầu nguyện, mỗi người được phát một bản nghị trình mà anh Cường đã sắp sẵn thật là chu đáo. Anh Cường, một lần nữa, mở đầu bằng lời giới thiệu chúng tôi. Và anh hướng về bàn thờ dâng lời cầu nguyện cùng anh chị em có mặt ngày hôm đó, để cầu cho những dự tính của nhà Dòng. Anh cũng nhấn mạnh là tuần này là Lễ Mình Máu Chúa và nhắc lại lời của Mẹ Teresa thành Calculta đã đánh động anh là: “Hãy dự Thánh lễ sốt sắng như chưa bao giờ được dự và hãy cầu nguyện như là chỉ còn được cầu nguyện lần cuối cùng”.
Chúng tôi cùng đọc kinh chung và Bài đọc trong tờ Hiệp Thông của Cộng đồng Công giáo Nam Cali.
Sau đó là phần chia sẻ mà anh Cường giới thiệu anh Vũ Đức Long (tự Long Tintin), phụ trách phần học hỏi lời Chúa nói về ý nghĩa Lễ Mình Máu Chúa. Anh Vũ Đức Long mời anh chị em chia sẻ cảm nghiệm về ý nghĩa lễ Mình Máu Chúa và chúng ta đã làm gì cho Lễ này? Mở đầu, anh Nguyễn Văn Thiên cám ơn anh chị em đã cầu nguyện cho anh, vì anh bị ung thư máu và hôm nay trở lại sinh hoạt cùng anh chị em. Lời cảm nghiệm của một anh khác (mà tôi không biết tên) nói rằng một mục sư trở lại đạo, có nói rằng: “Chúng ta là Kitô hữu được vinh dự đón nhận Mình Máu Chúa mà anh em bên Tin Lành không có được trong khi chúng ta dường như chưa cảm nhận được vinh dự này cho lắm”.
Nhà tôi, Trần Ngọc Tá, sau đó chia sẻ cảm nghiệm xin phép được nói theo cung cách của Chuyện Phiếm Đạo Đời. Anh nói : “Đọc Phúc âm hôm nay tôi thấy Chúa nói: ‘ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì ở trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy’. Và bởi Thiên Chúa là Tình Yêu nên khi rước Chúa vào lòng là chúng ta đón nhận Tình Yêu Thiên Chúa, để rồi san sẻ Tình Yêu ấy với mọi người. Như thế Mình Máu Chúa tức là Tình Yêu đang thể hiện giữa chúng ta hôm nay. Và với tôi, thì chính Tình Yêu này đã đưa đẩy chúng tôi đến với anh chị em trong buổi gặp gỡ bất ngờ này”. Anh cũng chia sẻ thông tin về lý do Hội thánh để riêng một Lễ trọng này để kính Mình Máu Chúa trong khi đã có buổi Lễ Tiệc Ly lập phép Thánh Thể vào thứ Năm Tuần Thánh rồi. Anh tiếp: “Lễ Mình Máu Chúa bắt nguồn từ sự cảm nghiệm của một linh mục người Đức trên đường hành hương để được ơn lành đã nhận ra rằng: Đức Kitô thực sự hiện diện nơi bánh và rượu thánh khi ngài cử hành thánh lễ và truyền phép vào bánh thánh, lúc đó có máu rỉ từ bánh lễ xuống khăn bàn thờ. Về sau Đức Giáo Hoàng Urban IV đã chỉ thị Uỷ Ban Phụng Vụ thành lập lễ kính Mình Máu Chúa mỗi năm vào dịp này”.
Chị Triệu Ngọc Toàn cũng chia sẻ là: “hôm nay là ngày giỗ thứ 6 anh Triệu Ngọc Toàn và chị nhớ là anh Toàn là người luôn trân trọng việc rước Mình Máu Chúa vào lòng. Bởi thế nên hôm tiễn đưa anh, chị đã ôm lấy quan tài của anh sau khi rước lễ như để mớm phần Mình Máu Chúa cho anh lần cuối cùng”.
Cũng thêm một chia sẻ của một anh khác là Mình Máu Chúa đến với tất cả mọi người không kể sang hèn, địa vị, danh phận.
Phần tôi cũng đã được chia sẻ cám ơn anh chị em GĐAP Nam Cali đã cho chúng tôi có dịp gặp gỡ và dự buổi cầu nguyện hôm nay. Tôi cũng thêm là chi hội GĐAP ở Sydney có thói quen bầu Chi Hội Trưởng cứ 2 năm một lần, và sau khi đắc cử, Chi Hội Trưởng sẽ chọn Chi Hội Phó để hợp tác làm việc chung. Năm ngoái anh Pham Văn Chương được bầu làm Chi hội trưởng. Và anh đã làm một việc khác lạ, là đã chọn tôi, con dâu Thánh Tổ An Phong, một bổn đạo mới còn non kém mọi mặt về lòng đạo làm Chi Hội Phó.
Hôm đó cũng còn nhiều chia sẻ của các anh chị em khác nữa trước khi lần chuỗi Lòng Thương Xót Chúa (hình như chuỗi này do Phong trào Lòng Thương Xót Chúa lập ra).
Sau phần chia sẻ là phần thông tin mà anh Cường cho biết những khoá Thánh Linh và Canh Tân Đặc Sủng sắp tới và anh cũng khuyến khích anh chị em tham dự. Anh cũng mời gọi anh chị em đóng góp bài viết cho Nội San Duc In Antum Ra Khơi sắp phát hành số 4 vào một ngày gần đây.
Cuối cùng tất cả anh chị em cùng hát bài “Salve Regina”, một bài mà nhà tôi giải thích cho tôi là bài hướng về Đức Mẹ mỗi khi kết thúc buổi họp mặt hay liên hoan hồi còn ở đệ tử viện.
Sau hết là phần chụp hình kỷ niệm và dùng bữa ăn trưa do các chị sắp sẵn, mỗi người một hộp thức ăn để có thể hàn huyên thoải mái trong lúc ăn. Đến đây, thì ông anh chúng tôi tới đón để còn đến buổi họp mặt khác của gia đình, nên chúng tôi đành phải chia tay và cũng được đem về 2 phần ăn. Nhà tôi cũng tiếc là không được gặp hai anh cùng lớp là anh Đào Quang Mỹ và Vũ Ngọc Lợi trong dịp này. Như đầu đề bài, tôi xin mạn phép gọi là ‘Đi một ngày đàng học một sàng khôn’, vì nhân dịp này, tôi đã học hỏi và cảm nhận được nhiều điều qua buổi gặp gỡ và cầu nguyện của GĐAP Nam Cali dù ngắn ngủi.
Trước hết là tôi khâm phục tinh thần anh chị em GĐAP Nam Cali ở đây đã có thể cùng nhau gặp gỡ và cầu nguyện mỗi cuối tháng trong khung cảnh một xã hội bận rộn như ở Mỹ thì đây quả là điều tuyệt vời. Tôi nghĩ là phải có sự nối kết do Tình Yêu Thiên Chúa thúc đẩy cộng thêm quyết tâm mạnh mẽ nên anh chị em mới có thể tiếp tục gặp gỡ thường xuyên như vậy được. Tôi nghĩ có thể gọi đó là ‘một thứ hạnh phúc’ khi biết rằng vẫn luôn có anh chị em chờ đợi gặp gỡ và cầu nguyện cho dù bận rộn không thể đến được.
Thứ đến, là phần học hỏi Lời Chúa và chia sẻ kinh nghiệm bản thân là những điều đánh động đến tâm can của từng người và bản thân tôi nói riêng. Cùng nhau chia sẻ những điều mà mình cảm nhận và học hỏi từ người khác, sẽ làm giầu cho niềm tin của nhau. Đối với tôi, dự Tiệc Thánh và rước Mình Máu Chúa hàng tuần nói riêng như là một gặp gỡ Đức Kitô qua anh chị em trong cộng đoàn và là nguồn tiếp sức Tình yêu vô tận từ Thiên Chúa. Chính vì có nguồn tiếp sức/nạp điện này, nên mới có thể cho đi Tình yêu với những người chung quanh như: gia đình, hàng xóm, cộng đoàn v.v. Và cũng nhờ vậy luôn có ‘một đời vui đi đạo’ vì có thể tha thứ, thông cảm, ‘chín bỏ làm mười’, hoặc giả như có nhìn thấy ‘cái dằm’ nơi mắt người khác thì cũng thấy cả ‘cái chổi xể’ nơi chính mình để rồi có tầm nhìn tích cực hơn. Thêm vào đó, luôn tìm cách làm cho Tình yêu đó ngày càng rộng mở mà đến với nhau.
Nếu nói rằng buổi gặp gỡ ngày hôm nay quá ngắn ngủi thì cảm nghiệm của tôi là: biết đâu đó cũng là một lý do để chúng tôi trông chờ buổi gặp gỡ và cầu nguyện khác trong tương lai. Và chắc chắn là buổi thăm GĐAP Nam Cali sẽ nằm trong chương trình của chúng tôi hoặc của anh chị em GĐAP Úc châu khi có dịp ghé đến Cali. Rất mong thay!
Mai Đàm ghi nhanh 28.06.2011
(Nếu có chi tiết nào mà tôi không nhớ đúng thì xin anh chị em có mặt ở buổi hôm đó miễn thứ cho)
BIẾT LẰNG NGHE AI? Lm Mai Văn Thịnh CSsR
“Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn.”
Đây là một trong những câu nói của Chúa Giêsu mà tôi thích nhất. Vì ít ra cũng giúp tôi bào chữa cho mình được đôi điều. Bởi, tôi cũng không hẳn (có nghĩa là cũng có một chút) thuộc về nhóm khôn ngoan thông thái - biết hết mọi sự, biết cả những sự/những điều không cần biết đến (sic).
Quả thật mầu nhiệm Nước Trời không thuộc về một ai. Đó là của Thiên Chúa. Và việc Ngài tỏ bầy, vén bức màn bí mật Nước Trời cho ai là quyền của Ngài. Còn việc đón nhận hay không là chuyện của mỗi cá nhân, ‘ai có tai thì nghe’. (Mt 13: 9)
Thánh Gioan Tẩy Giả, thanh tẩy cho Đức Giêsu bên bờ sông Jordan, vốn biết phận mình hèn hạ không dám xách dép cho Ngài, thế mà thánh nhân lại được diễm phúc chứng kiến tầng trời mở ra và hẳn nhiên đã được nghe tiếng từ Trời vọng xuống “Ðây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người". Nhưng cuối cùng, thì thánh Gioan cũng mù tịt về Mầu nhiêm Nước Trời và cả thân phận của Đức Giêsu, khi thánh nhân hỏi: "Thầy có đúng là Ðấng phải đến không, hay chúng tôi phải đợi ai khác?”(Mt 11: 3)
Về những người sống cùng thế hệ với Đức Giêsu, họ cũng không hơn gì ai. Cũng chẳng nhận ra thân thế của Ngài. Để đến nỗi, Ngài phải thốt lên: “Con Người đến, cũng ăn cũng uống như ai, thì thiên hạ lại bảo: "Ðây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi". (Mt 11:19)
Ngay đến dân làng người Chorazin, Bethsaida và Capernaum, dù chứng kiến nhiều phép lạ cả thể biểu dương việc Nước Chúa đã gần kề, nhưng cũng chẳng có ai nhận ra Ngài.
Sau cùng, là nhóm người khôn ngoan thông thái, tự nhận mình am hiểu mọi lý lẽ trong đạo, nắm trong tay mọi quyền bính, có quyền giảng dạy người khác sống nẻo chính đường ngay… cũng mù tịt về thân thế Chúa.
Vậy thì, ai là người được Chúa vén màn bí mật của Nước Trời? Đây là việc của Chúa. Ngài muốn tỏ bầy cho ai tùy ý Ngài. Không một cơ chế hay tổ chức nào lại có quyền nhận cho mình cái quyền tối thượng ấy. Bởi, nếu nhóm nào cũng công nhận mình là tông truyền, thì còn gì là nguyên tong? Và như vậy, một cách nào đó, ta đã nhốt Chúa trong tham vọng quyền bính của nhóm mình. Cuối cùng, cũng chẳng truyền mà chỉ tông nhau, thôi. Nhóm này tông nhóm khác, người này chống nguời kia.
Người bé mọn, khiêm nhu, dốt nát, chịu nhiều cơ cực lại đuợc chọn. “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Tôi, Tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của Tôi, và hãy học với Tôi, vì Tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường.” (Mt 11: 28-29)
Tuy nhiên, họ cũng hãy nhớ rằng: họ được tỏ bầy mầu nhiệm Nước Trời không phải để cho mình tự đắc; mà là, ca tụng Chúa. Bởi, chính Chúa là Đấngi nắm giữ mầu nhiệm; còn ta chỉ là dụng cụ của Ngài thôi.
Ai có tai thì nghe. Nghe, để tự hoán cải và nhận ra bí mật của Nước Trời “Vì anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời”. Đây, không phải do công trạng của họ, mà do Chúa tỏ bầy cho họ biết. Do phép lành của Chúa ban cho. “Mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc, vì được nghe” (Mt 13:16). Tạ ơn Chúa, Alleluia, Alleluia
Đó là chuyện ngày xưa.
Còn chuyện hôm nay thì sao?
Trong mấy ngày qua, tai ta được nghe nhiều về các tranh luận của quí vị dân biểu và chính khách về thuế má đánh trên khí thải, giảm thiểu ô nhiễm, làm sạch môi trường và giảm bớt sức nóng của trái đất.
Ai nói cũng hay. Ai cũng cho mình vì dân vì nước! Tuy nhiên, ta phải nhìn nhận một điều là hệ thống chính trị của Úc có cái hay, là đảng nào cầm quyền cũng không dám tỏ ra độc tài; nhưng, luôn đề cao cảnh giác và tôn trọng ý kiến của đảng đối lập. Chính những ý kiến này khiến chính phủ phải cân nhắc cẩn thận hơn, trong việc ban hành chính sách. Bằng không, dân chúng hay nguời trong đảng mình sẽ cho thủ lãnh về vườn.
Chúng ta đang sống trong xã hội mà hệ thống thông tin đã và đang tiến nhanh vượt bực. Các trang mạng, trang blog mọc lên như nấm. Quyền ăn quyền nói không còn là chuyện riêng tư dành cho các chính khách nữa. Ai cũng có thể phát biểu những suy tư, ý kiến của mình….
Tiến bộ này đem lại nhiều lợi ích cho việc trau dồi kiến thức. Nhưng, cũng có điều bất lợi là: ta dễ có khuynh hướng tìm tòi thông tin và quên đi chiều sâu của mọi sự. Cuối cùng, rồi cũng sẽ ngụp lặn trong đủ mọi loại thông tin nên dễ rơi vào cảnh ‘mê hồn trận’. Vậy, làm sao để nhận ra tiếng nào là tiếng nói chân thật. Ý kiến nào là ý kiến xây dựng? Những điều người khác nói có phải là điều họ nghĩ hay không? Biết tin vào ai đây?
Trong bối cảnh này, đâu là bổn phận của Kitô-hữu với vai trò chứng nhân?
Điều tiên quyết là hãy trở về nguồn. Nguồn đây là chính Chúa. Hãy đến với Chúa. Hãy học hỏi cùng Chúa rồi Ngài sẽ làm cho đời sống của ta nên thảnh thơi và an nhàn. Chỉ có ở trong Chúa, với Chúa, ta mới được thảnh thơi an nhàn tự tại thật sự. Và, có cuộc sống an nhàn, người người mới nhận ra đâu là tiếng Chúa: “Ai có tai thì nghe”, là như thế.
Mỗi khi đọc câu này, tôi cảm thấy thật hạnh phúc. Bởi, dù biết rằng mọi điều Chúa dậy đều tốt, như Chúa từng nói: “Nếu anh em là những kẻ xấu, mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha anh em, Ðấng ngự trên trời, Người sẽ ban những của tốt lành cho những kẻ xin Người”. Nhưng Ngài chẳng ép buộc ai. “Ai có tai thì nghe”. Nghe, để hoán cải và đuợc cứu. Nghe, để cộng tác, và thực hành. Nghe, để ban phát và cho đi, Và rồi, sẽ đuợc nhận thêm. Nghe như vậy, mới là nghe.
Thật vậy, tất cả là hồng ân nhưng không, nên cũng được mời gọi đáp trả và cho đi cách nhưng không, như lời Chúa trong thư của Thánh Phêrô gửi giáo đoàn do thánh nhân chăm sóc: “Ơn riêng Chúa ban, mỗi người trong anh em phải dùng mà phục vụ kẻ khác. Như vậy, anh em mới là những người khéo quản lý ân huệ thiên hình vạn trạng của Chúa. Ai có nói, thì nói lời Thiên Chúa. Ai phục vụ, thì phục vụ bằng sức mạnh Chúa ban. Như thế, trong mọi việc, chúng ta tôn vinh Thiên Chúa nhờ Ðức Giêsu Kitô. Kính dâng Người vinh quang và uy quyền đến muôn thuở muôn đời. Amen.” (1 P 4: 10-11)
Như vậy, lợi ích của tha nhân và vinh danh Chúa, đó là mục tiêu và sức sống của chúng ta, những tín hữu của Chúa. Hãy đi và làm như thế nhé, hỡi các anh các chị cùng các cháu.
Kew, Melbourne ngày 14/7/2011 Mai Văn Thịnh C.Ss.R
“ĐƯỢC ĂN ĐƯỢC NÓI ĐƯỢC GÓI ĐEM VỀ” Mai Đàm
Thăm các chị thân mến,
Đã lâu lắm rồi em không có dịp viết thư tâm sự cùng các chị. Nay nhờ có chị Lê, bà xã anh Chương khuyến khích, nên em cũng bạo dạn viết đây. Số là, em có email hỏi thăm anh chị Chương và nhất là xin phép anh Chi Hội Trưởng GĐAP Sydney đi nghỉ hè (nói là xin nghỉ hè chứ Chi Hội Phó như em thì sướng lắm, chẳng phải làm chi hết, mọi việc đã có anh Trưởng lo thật chu đáo rồi!) và chị Lê email nhắn lại rằng: chắc em sẽ có nhiều chất liệu tha hồ mà viết bài. Thú thật, em phục anh chị Chương lắm, vì sau mỗi chuyến đi chơi, thì thể nào cũng có ít nhất là hai bài của cả hai anh chị kể lại chuyến du lịch thật đầy đủ chi tiết (Em nghĩ chắc vì vậy nên báo Duc In Altum mới sống sót được đến hôm nay!) và ông chủ nhiệm cứ sáng mắt khi nhận đựợc bài!. Chị Lê còn siêng đến độ là mỗi chiều tối sau khi đi tham quan về chị còn ngồi lại ghi chép chi tiết kẻo quên. Còn em thì lười lắm, đôi khi cũng thấy hay hay nhưng rồi lười nên cũng cho qua tuốt thành thử có nơi đã đi qua rồi, nhưng cũng chỉ nhớ một cách rất là lờ mờ.
Em lại lạc đề rồi! Nói đến đâu rồi nhỉ, À! sau khi nhận email chị Lê, thêm cậu con nhắc là: mẹ nhớ nếm đủ món ăn địa phương nhé! Đồng thời, em thấy mấy món ở bên đó cũng khá lạ, có món giống món Việt mình nên em mới nẩy ý định viết một vài nét về thức ăn đựơc nếm qua trong chuyến đi chơi này gọi là ‘được ăn, được nói, được gói đem về’ (vì bao tử cũng gần con tim mà lỵ!). Ăn thì có, còn phần ‘nói’ thì quả tình chưa đúng hẳn vì ở nhiều nơi cũng bị mỏi tay và mỏi miệng lắm, nhất là những lúc phải nói bằng tiếng Anh ‘rất khiêm tốn’ của mình, còn ‘gói đem về’ là gói ghém một đôi điều để tâm sự cùng các chị đây.
Bắt đầu là thức ăn Việt ở Bolsa Cali thì tuyệt ngon và tiện lợi nữa. Số là chuyến ghé qua Cali lần này, tụi em tính làm một cú ‘surprise’ cho các anh chị em và bà con nên không báo trước, tính đi “shuttle bus” đến thẳng nhà, nhưng vợ chồng cô cháu gái ‘tốt lành và chu đáo’ không chịu nhất định đi đón và hứa giữ bí mật. Và thế là, cô cháu gái của tụi em bèn mời bố mẹ, cô dì và bà con đến nhà để đọc kinh tối. Bên ông anh nhà em vẫn có thói quen đọc kinh chung mỗi cuối tuần, cứ lần lượt từng nhà của mỗi đứa con. Nghe chuông reo, em ra mở cửa, mọi người đều ngạc nhiên thích thú cả. Còn thức ăn thì cô cháu gái đi mua về trong nhấp nháy, thôi thì đủ cả: nào là bánh cuốn thanh trì, chả chiên, hến xào với bánh đa nướng, chả giò, miến xào, gỏi, bánh bột lọc, bánh bèo. Ngay cả cháo lòng cũng mua sẵn lòng và dồi luộc chín ăn thật ngon.
Rồi chúng em cũng được đưa đến tiệm Royal Restaurant tại Bolsa để nếm món Phở áp chảo, thịt nướng, nhất là chả giò VN thật là ngon. Rồi lại thêm bữa tiệc gọi là Family Reunion đến gần 40 người lớn nhỏ tại quán ‘Làng Ngon’ với các món đặc sản như: tôm hùm, lẫu cua, cá chiên, tôm xào thật xuất sắc. Nhà hàng thì đông nghẹt dù khá rộng và bày nhiều bàn, chắc là các tay đầu bếp ngon tập trung vào Cali này cả rồi! Nhớ lại lần ghé thăm trước, có thời giờ nếm cả món bánh cuốn nhân thịt và chả cá Lã Vọng nữa. Đặc biệt là có món bánh mì thịt xuất sắc với bánh mì baguette làm cậu trai út của em mê mẩn và cứ nói là tại sao ở Úc mình không có loại bánh mì này nhỉ. Rồi cả bánh hỏi chạo tôm, bánh xèo v.v. tại tiểu bang Philadelphia nữa.
Đến đây thì không thể nào không nhắc đến món ‘Maggi Pháp’ dù là xem ra có vẻ lạc đề xin các chị thứ lỗi cho nhé. Maggi phải là sản xuất tại Pháp chính hiệu con nai vàng cơ! Bánh mì nóng, trét một chút ‘beurre’ rồi rưới một chút Maggi vào thì ngon ‘quắn tai’!. Giả như có thêm một vài lát chả lụa nữa, thì theo anh Vũ Nhuận, là ‘ăn sang như vua chúa’ vậy. Cô cháu gái của em kể ở trên, rất sành ăn và cũng ghiền Maggi Pháp lắm, nên mỗi khi có dịp đi Pháp thì cô cháu mua từng 2 lố một (chai nhỏ vì chai lớn mở để lâu dễ mất mùi thơm). Thú thật là chuyến thăm trước cô cháu cũng có nói và tặng cả Maggi này nhưng em từ chối đem về và cũng không mấy thuyết phục và nghĩ rằng ở đâu mà chả có thứ đó miễn là chịu mua đắt. Nhưng không phải vậy. Maggi Pháp chỉ bán tại nước Pháp thôi, và nếu ‘order online’ thì chỉ có Maggi cùng một hiệu nhưng sản xuất ở các nước khác như Thuỵ Sĩ, Đức … thôi. Em chỉ biết được sự khác biệt này khi đến Minesota, nếm đủ hai thứ một bên là Maggi Pháp do người cầm tay về có nhãn giấy ghi hẳn hòi là sản xuất tại Pháp còn chai kia thì mua tại địa phương với giá cả khá mắc. Phải nói là chị có thể ngửi thấy mùi thơm ngay khi mở nắp chai Maggi Pháp chánh tông ra, trong khi chai Maggi sản xuất ở nơi khác đều không thơm được như vậy. Ấy chết! Em lại quảng cáo không công cho Maggi Pháp mất rồi! Tả tình tả cảnh kỹ như vậy để mấy chị nếu có đi Pháp thì nhớ mua về thưởng thức và quý anh cũng hy sinh mà xách cho bà xã mình nhé!.
Bây giờ đến xứ Mễ (Mexico) nhé. Thành phố đầu tiên em đến là Mexico City rồi Oaxaca. Vì hai thành phố này ở trên cao, như Mexico City thì ở độ cao 2500 m và Oaxaca thì 1500 m bên trên mặt nước biển, không khí loãng nên dễ bị mệt. Vì ở trên cao nên khá lạnh và nhất là vào mùa mưa (từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 9) nên chiều nào cũng mưa cả. Thức ăn thì không khác gì với các món của Tây, của Úc. Chắc có lẽ hai thành phố này lớn và tiếp cận văn hoá quốc tế rồi. Cũng thêm một phần là tình hình Mexico hiện đang lộn xộn, các tay anh chị buôn ma tuý đang thanh toán nhau nên ai nghe đến chuyện đi chơi Mexico đều thấy ngán ngẩm hết. Vì vậy nên em cũng không dám ra ngoài vì chỉ sợ lại bị nhận lầm là trùm ma tuý Á Châu rồi bị ‘sơi tái’ thì thật khổ!. Khách sạn nào cũng thấy cảnh sát dã chiến và quân đội nai nịt súng ống đến tận răng. Họ giải thích là để bảo vệ du khách. Phần em, dù biết là vùng lộn xộn ở tận vùng phía Bắc thủ phủ Tijuana gần biên giới Mễ với Hoa Kỳ kia nhưng cũng thấy ớn lắm!.
Đêm đầu tiên ở Oaxaca, em hết hồn luôn vì nghe tiềng nổ ầm ầm cả đêm cho đến tận sáng, cứ lo là đánh nhau đến tận thành phố rồi! (tưởng tượng thôi!). Sáng ra hỏi cô “tour guide” thì mới biết ra là của đám trẻ bắn pháo bông mừng ngày tốt nghiệp phổ thông như đám trẻ kéo ra Gold Coast của Queensland vậy. Làm em hết hồn!
Sau đó đến thành phố Villahermosa, một thành phố nhỏ về phía Nam Mexico. Bữa sáng ăn “buffet” ở đây thật ngon miệng. Ngoài những món mình thường ăn, còn có món lạ như sau: - Chuối chiên (Fried bananas- Platanos fritos): Chuối cắt ra từng lát dầy và chiên thẳng chứ không nhúng bột như của mình. Chuối chiên ăn với mọi món như món tôm xào đổ trên chuối chiên. Hỏi thì họ đưa cho xem là chuối lớn và thẳng đuột chứ không phải là chuối xứ hoặc chuối tiêu mình đâu. - Bao tử bò kho (Puch beef stewad- Pancita deves) nấu với tiêu tươi, cà chua. - Lưỡi bò kho (Beef tongue in stewad) gồm lưỡi bò nấu với tiêu tươi, cà chua, khoai tây và trái olive xanh. - Bánh gói lá chuối (Chiplin’s tamalitos): gồm thịt heo, bột, hành tây mà mùi vị giống như bánh giò của mình vậy. -Dồi huyết (Mexican style moronga): dồi huyết nấu với ớt trái, cà chua và hành tây rất ngon. Em mê nhất là món này nhưng không dám ăn quá 4 miếng vì sợ đau bụng! Sau đó cứ tiếc mãi vì những nơi khác không dọn món này. - Sauce cà chua (Chilaquiles in red sauce): gồm cà chua khô nấu với chilli, hành tây ăn với một loại bánh đặc biệt gọi là topopos, hình tam giác dòn, giống như crackers làm bằng bắp ăn với cheese¸ cream và rắc thêm hành tây thái mỏng với ngò. - Gỏi lô hội: lô hội tước bỏ phần ngoài và lấy phần trong làm gỏi. Em nếm thử nhưng không khoái khẩu mấy. - Ăn tráng miệng thì có nhiều thứ nhưng ngon nhất là thanh long, xoài nhỏ rất ngọt¸ đu đủ thì ngon tuyệt cú mèo. Cũng được giới thiệu rượu làm bằng cây sống đời gọi là Tequila nhưng không dám nếm.
Đến thành phố Merida ở phía Nam. Vì không có đường bay thẳng từ Villahermosa nên lại phải bay về Mexico City rồi mới bay đến đây dù là mỗi chuyến mất có 45 phút thôi. Ở đây có món lõi artisô làm thành đồ chua ăn ngon và bắt miệng. Món Thịt heo kho/hầm gói trong lá chuối, thịt thơm nhừ còn nguyên miếng và vị của nó giống như món thịt kho của người mình. Đầu bếp giải thích là thịt heo để miếng lớn, ướp rồi quấn trong lá chuối và cho vào nồi đun thật nhỏ lửa trong vài tiếng đồng hồ, nên mùi thơm của lá chuối quyện với thịt làm cho món này có vị thơm ngon đặc biệt. Em nghĩ món thịt kho này mà cuốn với bánh tráng dưa giá thì chắc chắn phải ngon tuyệt cú mèo!. Rồi thấy có cả giá sống nữa.
Đặc biệt đường phố ở Merida hai bên đều rợp cây phượng vĩ với hoa đỏ rực (dân ở đây gọi cây này là Flamboyant) và cả cây me làm em cảm thấy gần gũi và nhớ đến con đường Duy Tân ở Sàigòn rất nhiều. Nó cũng làm em cũng nhớ lại thời thơ ấu, lúc ấy ở miền Bắc chắc em chưa được 5 tuổi, nhưng vẫn nhớ có nhiều cây phượng vĩ được trồng ngay cạnh nhà và bà Nội em đã mướn người trèo lên hái trái phượng vĩ đập ra ăn nhân vừa dẻo, vừa trong vắt, lại dai và ngọt nữa. Được biết là cây phượng vĩ là cây dại mọc thành rừng ở Mexico được người Pháp lấy đem qua trồng ở Việt Nam từ thời Pháp thuộc vì Mexico cũng là một trong các thuộc địa của Pháp thời bấy giờ. Ngoài ra cũng thấy cả cây “Tree of Life” mà đặc biệt lá của nó luôn luôn xanh tươi dù lá đã già và cả khi lá rụng khỏi cây. Họ còn gọi cây này là Cây Thánh (Sacred Tree). Thời tiết ở miền Nam ngày càng nóng dần, khi càng bay về gần vùng biển Đông Nam Mexico.
Sau đó là thành phố Playa Del Carmen. Tại Blue Bay Resort (Playa có nghĩa là bãi biển) thì có món Tôm chiên cuốn trong bánh Taco với carot, bắp cải thái mỏng trộn với “sauce mayonaise” ăn thật tuyệt vời. Thêm món Thơm (khóm/ dứa) tẩm bột chiên ăn vào “quên mất thời gian trôi nhanh”. Miếng thơm sao mà ngọt ngon đến thế, ăn nhiều mà không bị rát lưỡi chi cả. Thêm món bánh bột chiên (Mexican Fritters), Marco Polo Sandwich gồm ‘ham & cheese inside in toast’, món Chocolate với Poopos (Chocolate Chilaquiles).
Blue Bay Resort là khu nghỉ mát tĩnh dưỡng,được thiết kế như một ngôi làng nhỏ gồm nhiều “Units” trong 1 diện tích rất lớn với những con đường nhỏ quanh co, hai bên là những rặng cây trứng cá xanh um như ở Việt Nam, thật thơ mộng. Cây trứng cá (Capucin) lại gợi nhớ kỷ niệm thuở nhỏ bọn em vẫn trèo lên cây trứng cá tìm trái trứng cá chín mọng bỏ vào miệng ăn liền. Ở đây vì mới đầu mùa nên chỉ có quả hườm hườm, gần chín thôi nhưng cũng ngọt chán!
Blue Bay Resort có nhiều cây cối trồng trong vũng nước như rừng bần, rừng đước của mình, nên cũng là nơi có nhiều muỗi lúc trời sập tối. Khu này, rộng đến nỗi có xe chở (gọi là cart) cứ 5 phút một chuyến đi đến khu tắm biển, khu ăn uống, khu tiếp tân. Có đến 3 hồ bơi, và các tiệm ăn chung quanh. Du khách đến đây đa số từ Canada, Mỹ, xem ra họ rất “enjoy” tắm và ăn, nhất là gia đình có con nhỏ, vì muốn ra thành phố thì phải đi “taxi transport” hoặc “shuttle bus”. Thường thì khách sạn bao cả ăn sáng, trưa và ăn tối. Ăn tối thì có nhiều “restaurant” nào là Italian, Oriential, Mexican, Seafood, French và phải “reserve” chỗ trước. Buổi ăn tối đầu tiên của em thì có Brazil Dance trình diễn vũ điệu “Samba” rất hay và sống động. Buổi tối có cả “clown” làm trò vui cho con nít nữa.
Cũng nói thêm là các nhân viên phục vụ, cả nam lẫn nữ tại phòng ăn ở Blue Bay Resort, em nhận xét thấy họ đều vén tóc và bao tóc thật sát bằng lưới (như chị em mình bao tóc khi sấy tóc tại tiệm uốn tóc vậy) để tránh tóc rụng xuống thức ăn. Đầu bếp thì đương nhiên là đều đội mũ Chef cook rồi.
Thời tiết ở đây rất nóng đến cả gần 38 độ C, cái nóng ẩm làm người rin rít mồ hôi khó chịu! Xem ra dân ngoại quốc rất thích chứ người Việt mình thì khí hậu nhiệt đới cũng đâu khác gì ở Saigon và miền Tây đâu nhỉ.
Theo người hướng dẫn thì Mexico được khám phá bởi Christopher Columbus, người được Nữ hoàng Tây Ban Nha Isabella cho phép tìm đường đến thẳng “con đường tơ lụa” (Trung Hoa) ngang qua Ấn độ, thay vì phải qua trung gian của các nước Hồi giáo lúc bấy giờ. Tuy nhiên, vì bị bão nên tầu của ông, thay vì đi về phía Đông, thì bị dạt về phía Tây gặp Châu Mỹ mà không biết. Nên khi đặt chân lên Châu Mỹ ông cứ ngỡ là đây là xứ Ấn Độ nên gọi người bản xứ là Ấn Độ da đỏ (Indians) và gọi đó là West Indies. Cũng được biết là bốn loại thực phẩm được yêu chuộng trên thế giới hiện này đều xuất xứ từ Mexico cả đó là: chocolate, khoai tây, bắp và các loại đậu (beans).
Sau đó là em bay đến tiểu bang Minneapolis để dự lễ cưới cô cháu gái thật đông vui. Gặp gỡ lại anh chị em họ hàng thật là thích thú sau nhiều năm nhất là anh chị nào cũng lên hàng lão trên dưới 70,80 tuổi cả. Tại đây em được nếm món Mỹ phục vụ trên “Cruise” trên dòng sông Missisipi, con sông dài nhất nước Mỹ. Rồi món vịt Bắc Kinh mềm và thơm tại nhà hàng Mandarin Kitchen. Sau đó thì anh chị em cùng nhau thưởng thức những món ăn ‘homemade’ để nhớ lại thời xưa như xôi bắp (bắp Mễ vừa trắng vừa mềm ngon tuyệt) xôi chè, khô bò, mì áp chảo, riêu cá, canh rau đay, dưa mắm v.v. Ăn và nói chuyện thì sướng thật nhưng khi về đến Úc thì mới thấy hỡi ôi vì đã lên cân và mắt thì thâm quầng vì mải mê nói chuyện thật khuya.
Thôi em chào các chị nhé kẻo lại lan man lạc đề mất thôi!
Thân mến
Mai Đàm 2.07.2011
HÃY VUI LÊN VÌ CHÚA ĐANG CƯỜI Lm Joe Mai Văn Thịnh, CSsR
Hơn 20 năm trước, tôi có dịp qua Thái Lan thăm viếng những công việc mục vụ của anh em Dòng Chúa Cứu Thế để học hỏi. Tôi đã đến thăm các em cô nhi tại trung tâm Pattaya. Tham quan các địa danh như Nong Khai, Udon Thani, Khon Kaen và các vùng phụ cận miền Đông Bắc Thái Lan. Tại Nong Khai tôi đã được diễm phúc tiếp cận với những người Việt di cư sang Thái từ hồi bị cấm đạo bên Việt Nam. Có những làng toàn người Việt. Có cả nhà dưỡng lão. Tôi còn may mắn được tiếp xúc và thăm đồng bào dân tộc thiểu số trên Chiang Mai, phía Nam Thái Lan. Đi đến đâu và chứng kiến nhãn tiền những công việc của anh em, thì lòng tôi đều dâng lên một niềm cảm xúc và tự hào về lòng nhiệt thành và tinh thần phục vụ của các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế gốc Mỹ và Thái Lan. Sau cùng tôi đến thăm trại tỵ nạn và được phép thăm các thuyền nhân ở trại giam tại Phanat Nikhom.
Đến Thái Lan mà không đi thăm viếng đền đài, chùa chiền thì thật là thiếu sót lớn. Thế mà, với chuyến tham quan – mà tôi gọi là “ngoài luồng” này- đã lưu lại trong tôi những ấn tượng thật khó phai mờ. Đó là bức tượng Đức Phật cười. Phật cười căng cả rốn, lộ cả hàm răng trắng nõn. Bụng thì to, tư thế ngồi rất nhàn hạ. Nét mặt Ngài thật bao dung, độ lượng, rất từ nhân. Tôi nghe người ta gọi Ngài là Đức Phật Di Lặc.
Mỗi khi hình ảnh của Đức Phật Cười hiện lên trong tôi, thì tôi lại tự hỏi lòng mình rằng: tại sao Phật Giáo lại có Đức Phật cười tươi hạnh phúc đến như thế? Trong khi đó, bên Công Giáo mình cứ rao giảng về một Đức Chúa chịu quá nhiều hình phạt. Trên thân mình Ngài mang bao nhiêu là vết thương, đau khổ đến tột cùng, rồi mới bị đem đi đóng đinh và giết chết.
Hẳn nhiên, cái chết của Đức Giêsu đóng một vị trò thật quan trọng trong niềm tin của mọi Kitô hữu chúng ta. Nhưng, qua bao nhiêu thế kỷ, việc tập trung nhấn mạnh như thế lại mang đến những ảnh hưởng tiêu cực khác, đến độ cho đến hôm nay, nhiều người vẫn cứ áy náy và ân hận rằng: Vì tội của tôi mà Chúa phải chết. Chính tôi đã giết Chúa. Rồi từ đó, lại để mặc cảm tội lỗi này dầy vò cuộc sống của chính mình. Vì tội của tôi mà Chúa chịu cực hình và chết đi! Ôi! Khốn nạn cho tôi biết là dường nào!
Dù xảy ra đã lâu, nhưng các câu hỏi đáp mà tôi từng ê a trong các lớp giáo lý bao đồng ngày trước vẫn cứ ám ảnh tâm trí tôi, kéo dài rất nhiều ngày.
Hỏi: Tại sao Chúa lại phải chết? Đáp: Chúa chết để đền vì tội lỗi của chúng ta. Hỏi: Chúa chết vì ai? Đáp: Vì ý định của Chúa Cha mà Chúa vâng phục cho đến chết. Đến nỗi, ở vườn Cây Dầu Ngài đã phải thốt lên: “Xin đừng làm theo ý Con, một theo ý Cha”.
Như vậy, theo lối giảng dậy và lý luận nói trên thì Chúa chết là vì Ngài tuân theo Thánh ý của Cha Ngài. Và tội lỗi của chúng ta đã được đền bù bởi máu của Đức Giêsu Kitô.
Nhưng theo Thánh An-Phong, đấng sáng lập Dòng Chúa Cứu Thế, đã từng nói: “Chỉ cần một giọt máu châu báu cuả Đức Giêsu thôi, cũng khiến cho tội lỗi của nhân loại được tha thứ. Đâu cần gì Người phải chết đi. Và cũng theo Thánh nhân thì cái chết của Ngài không phải là hậu quả của sự đau khổ, nhưng đó là hành động chứng tỏ Tình Yêu tuyệt hảo của Chúa Giêsu đối với Chúa Cha và cũng một trật, Ngài ban tặng nguồn suối yêu thương đó cho nhân loại.” Sau đây là lối giảng dậy theo kiểu khác.
Thiên Chúa là Đấng Cao cả và thánh thiện. Tội lỗi xúc phạm đến Chúa, thì chỉ mình Chúa mới giải trừ được. Vì thế nên, Thiên Chúa đã sai Con Một Người, vừa là Thiên Chúa vừa là Con người xuống trần gian, chịu mọi khổ nhục và sau cùng chịu chết để xóa tội cho chúng ta.
Tương tự thế, sau đây là một đọan trích trong sách Sáng Thế: “Thiên Chúa gọi ông: "Áp-ram!" Ông thưa: "Dạ, con đây!" Người phán: "Hãy đem con của ngươi, đứa con một yêu dấu của ngươi là I-sa-ác, đi đến xứ Mô-ri-gia mà dâng nó làm lễ toàn thiêu ở đấy, trên một ngọn núi Ta sẽ chỉ cho ngươi." Tới nơi Chúa chỉ, ông Áp-ram dựng bàn thờ tại đó. Xếp củi lên. Trói I-sa-ác con ông lại, và đặt bàn thờ, trên đống củi. Rồi ông Áp-ram đưa tay ra cầm lấy dao để sát tế con của mình. Nhưng sứ thần Ðức Chúa từ trời cao gọi ông: "Áp-ram! Áp-ram!" Ông thưa: "Dạ, con đây!" Người nói: "Ðừng giơ tay hại đứa trẻ, đừng làm gì nó! Bây giờ Ta biết ngươi là kẻ kính sợ Thiên Chúa: đối với Ta, con của ngươi, con một của ngươi, ngươi cũng chẳng tiếc!"
Ngày xưa, việc hiến tế con của Áp-ram có thể được ca tụng là việc làm để biểu lộ lòng tin của ông. Nhưng thời đại chúng ta, nếu ai làm thế sẽ bị đưa ra tòa với tội danh có ý định mưu sát trẻ em.
Không lẽ Thiên Chúa của chúng ta chỉ vì yêu thuơng nhân lọai mà lại đem con của mình đem đi giết hay sao? Có ông bố nào hành xử như thế mà lại được tuyên dương công trạng đâu?
Kiểu dậy dỗ và truyền đạo nói trên đã thống trị và đào tạo nên một lớp người - qua bao nhiêu là thế hệ - có lối sống đạo dựa trên nguyên tắc ‘thưởng phạt’. Và chỉ vì ‘sợ hãi’ mà họ đã cố gắng chu toàn những khoản luật. Trọng tâm của lối giảng dậy như thế chỉ nhấn mạnh đến tội, đến nỗi khổ đau và cái chết thôi. Thiên Chúa của lối giải thích này, là Thiên Chúa của sự trừng phạt, tay cầm cây roi và mắt thì chỉ tìm lỗi lầm của con người để giáng phạt, mà thôi. Và, Đức Giêsu có được đề cập thì cũng lại được tập trung nhấn mạnh như ‘con chiên vô tội bị đem đi giết’ để đền bù tội lỗi của chúng ta. Chẳng hề nói đến sự thiện hảo, tốt lành và niềm vui, nào hết. Trái lại, chỉ thấy nào là hãi sợ, tội lỗi và chết chóc .
Vẫn biết là ngày nay về mặt lý thuyết thì những lối giải thích như trên đang được điều chỉnh lại. Nhưng, trên thực tế, còn nhiều đấng bậc vẫn dùng quyền hạn của mình để hù dọa dân con đi Đạo. Còn đám dân đen chân lấm tay bùn làm gì có cơ hội để học hỏi ngõ hầu biết cách mà thay đổi lối sống của mình sao cho phù hợp với tinh thần của Đức Chúa hơn.
Vào đúng dịp mùa chay năm 2004, đạo diễn Mel Gibson đã cho trình làng cuốn phim nói về ‘Cuộc thương khó của Đức Ki-tô’. Hầu như toàn bộ cuốn phim chỉ nói về những đau khổ của Đức Kitô trên đường dẫn đến thập tự. Những ngọn roi, những cú đánh như trời giáng xuống trên thân thể của Ngài. Rồi cuối cùng, là cái chết của Ngài. Nhiều người xem phim đã khóc lóc thảm thiết khi nhìn vào các vết thương đầm đìa những máu trên thân xác vô tội của Chúa. Vẫn chỉ là màn kịch buồn, chứ chẳng thấy đâu là tin vui an bình, cả. Kiểu trình bầy về ơn cứu độ như một màn trả giá từ khổ đau của Chúa. Tình yêu vắng bóng trên hành trình Thập Giá của Đức Giêsu, nhường chỗ cho những hành xử đầy tàn bạo và man rợ của con người. Thế nhưng, vẫn có nhiều đấng bản quyền dùng phim ấy làm phương tiện truyền đạo và quảng cáo không công, cho cuốn phim đầy bạo lực ấy. Cuối cùng, phim thành công vuợt bực về mặt tài chính là nhờ có sự yểm trợ hết mình của các đấng bậc này.
Đất Úc là một trong những nước bị ‘thế tục hóa’ nhất thế giới. Thế mà, vào những dịp thứ tư lễ tro và thứ sáu tuần Thánh, các nhà thờ vẫn đầy nghẹt những người là người. Ở nhiều nơi, số người tham dự vào hai dịp lễ này, còn đông hơn các dịp lễ khác, ngay cả Phục Sinh. Vì sao thế? Phải chăng vì ta vẫn có mặc cảm tội lỗi của mình khiến Chúa chết thảm? Có lẽ vì thế nên ta phải cố chờ đến Thứ Tư Lễ Tro để được nhắc nhở về thân phận bụi tro. Thêm vào đó, là lời mời gọi hãy hối cải để bù lại những thiếu sót của mình.
Quả thật, đây là hậu quả của hệ thống giáo điều dựa trên thưởng phạt, chất thêm gánh nặng tính “hù dọa” lên lối sống đạo vốn đã bị đè nặng bởi “hãi sợ”, khiến cho cuộc sống đạo thêm nặng nề thêm. Làm gì cũng sợ phật ý Chúa. Hành xử thế nào cũng sợ đi sai đường lối của Ngài. Chúng ta làm như thể Chúa là Đấng rất khó tính, chẳng bao giờ Ngài hài lòng nếu ta sống vui tươi, hồn nhiên và không biết sợ. Trái lại, lúc nào cũng làm ra vẻ ủ rũ, âu sầu não nuột, có vậy mới được Ngài vui lòng xót thương.
Chúa Giêsu đã chết. Đó là sự thật. Nhưng với lối sống âu sầu và hãi sợ kiểu như trên, thì Chúa chết chỉ để tha tội cho một thiểu số tín hữu của Ngài thôi, còn đại đa số không được tha và vẫn cứ phải sống trong cảnh âu sầu, rầu rĩ. Thật ra, bằng vào sự chết, Đức Giêsu muốn chứng tỏ cho toàn thể nhân lọai, chứ không phải chỉ cho một thiểu số dân con được tuyển chọn, để họ nhận ra tình thương yêu và lòng trắc ẩn của Thiên Chúa. Thiên Chúa của Đức Giêsu là Thiên Chúa của người nghèo. Và, của những kẻ bị bỏ rơi, bị hất hủi, bị đối xử bất công và hà khắc. Và, một khi Ngài đứng về phía họ, thì hàng ngũ lãnh đạo tôn giáo, những kẻ cầm cân nẩy mực và giới có quyền sẽ lên án Ngài, xếp Ngài vào hàng ngũ của những kẻ chống đối. Và từ đó, sự chết là án phạt dành để cho Ngài.
Đức Giêsu không chết vì Ngài làm cách mạng. Nhưng Tình Yêu mà Ngài dành cho Thiên Chúa và nhân loại còn mạnh hơn việc Ngà lo cho sự an toàn bản thân. Đức Giêsu đã không chết để chúng ta phải sống trong đau khổ. Nhưng Ngài chết là để ta được tự do. Được trở nên công chính. Như lời Thánh Phaolô đã nói:
“Thật vậy, trong Ðức Kitô, Thiên Chúa đã cho thế gian được hòa giải với Ngài. Ngài không còn chấp tội nhân loại nữa, và giao cho chúng tôi công bố lời hòa giải. Vì thế, chúng tôi là sứ giả thay mặt Ðức Kitô, như thể chính Thiên Chúa dùng chúng tôi mà khuyên dạy. Vậy, nhân danh Ðức Kitô, chúng tôi nài xin anh em hãy làm hòa với Thiên Chúa. Ðấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người.” (2 Cor 5, 19 -21)
Vẫn biết rằng tiến trình hoà giải với Chúa trước tiên là ân huệ. Dù con người có lầm lỗi đến mấy đi nữa, Thiên Chúa là Đấng trung tín, vẫn không bao giờ quên Giao Ước của Ngài. Giao ước Tình yêu và không dựa trên công trạng của con người. Tuy nhiên, Tình yêu và ân huệ của Ngài được ban tặng cách nhưng không, ngõ hầu giúp ta thay đổi lối sống. Ân huệ Ngài ban mà không đủ sức đánh động tâm can của con ngưòi và không đủ sức giúp họ thay đổi lối sống, thì chỉ là ân huệ ‘rẻ mạt’. Không đáng kể.
Ngay từ lúc khởi đầu sứ vụ công khai của Ngài, Đức Giêsu đã chẳng hối thúc mọi người rằng: “Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”. (Mc 1:15) Sám hối đây, không là chừa bỏ một vài thói hư tật xấu, thôi. Mà là quyết định đổi thay cuộc sống. Quyết làm hoà với Thiên Chúa. Tuy nhiên, không ai trong chúng ta có thể thành công với quyết định của mình. Chúng ta liên tục được mời gọi sống hối cải và làm hoà với Thiên Chúa. Thiên Chúa biết rõ lòng thành muốn đổi thay của mỗi người. Và, Ngài cũng hiểu và biết rất rõ tính yếu đuối, trói buộc khiến con người không thực hiện được quyết tâm của mình. Vì thế, Người rất vui khi nhận ra sự cố gắng của bất cứ ai trong hành trình cộng tác với Ngài để thánh hoá bản thân.
Thiên Chúa của Đức Giêsu không phải là Đức Chúa bẳn gắt rất khó chịu, hoặc thích làm tội làm tình con người. Trái lại, Ngài là Đấng rất nhân từ và giàu lòng xót thương. Tất cả mọi giáo huấn Ngài dạy, những việc chữa lành Ngài thực hiện và mọi việc Ngài làm đều phát sinh từ lòng từ nhân, đầy xót thuơng của Thiên Chúa ở nơi Ngài.
“Ra khỏi thuyền, chợt thấy đám đông Ðức Giêsu chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Ngài bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều. (Mc 6, 34) và: “Ðức Giêsu dừng lại, Ngài gọi họ đến gần và nói: "Các anh muốn tôi làm gì cho các anh?" Họ thưa: "Lạy Người, xin cho mắt chúng tôi được mở ra!" Ðức Giêsu chạnh lòng thương, sờ vào mắt họ; tức khắc, họ nhìn thấy được và đi theo Ngài. (Mt 20, 32-34)
Lòng nhiệt thành hoàn tất ý định của Cha Người đã thiêu đốt và chiếm hữu toàn bộ cuộc sống của Ngài:
"Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy bùng lên! Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất!” (Lc 12: 49tt)
Ngài tỏ bày sự bực tức khi chứng kiến việc làm của giới lãnh đạo tôn giáo đương thời. Họ chỉ lý đến lợi lộc cá nhân mà biến Đền Thờ thành hang trộm cướp, chốn bán buôn:
“Thầy trò đến Giêrusalem. Ðức Giêsu vào Ðền Thờ, Ngài bắt đầu đuổi những kẻ đang mua bán trong Ðền Thờ. Ngài lật bàn của những người đổi bạc và xô ghế của những kẻ bán bồ câu. Ngài không cho ai được mang đồ vật gì đi qua Ðền Thờ. Ngài giảng dạy và nói với họ: "Nào đã chẳng có lời chép rằng: Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện dành cho mọi dân tộc sao? Vậy mà các người lại đã biến thành sào huyệt của bọn cướp!" Các thượng tế và kinh sư nghe vậy, thì tìm cách giết Ðức Giêsu. (Mc 11: 15 -18)
Tóm lại, sứ vụ của Đức Giêsu hoàn toàn phát sinh từ Tình Thương Yêu và lòng nhiệt thành thực hiện ý định và công việc của Chúa Cha. Tình Yêu này là tình yêu phổ quát, dành cho toàn thể nhân loại, chứ không riêng một ai, bất kỳ họ thuộc nhóm người nào. Và với Đức Giêsu, không ai bị loại trừ: cả người giàu có lẫn kẻ khó nghèo. Người công chính cũng như hàng tội nhân. Người Do Thái cũng như Hy Lạp, đàn ông cũng như đàn bà. Tất cả đều được đón nhận tình thương yêu và lòng hiền từ nhân hậu của Ngài. Và chúng ta được mời gọi để nên một với Ngài, theo khuôn thước giữa Chúa Cha và Ngài là Một. Và trong trạng huống ấy, chúng ta là những người được Chúa giải thoát. Được tự do trong Thần khí. Và như Đức Giêsu, chúng ta có trách nhiệm rao truyền khuôn thước tình yêu và lòng nhân hậu từ ái của Đức Giêsu đến với mọi dân tộc. Và, giống như Đức Giêsu, chúng ta cũng được thử thách để cân nhắc về sứ mạng được mời gọi và trao ban sự an toàn bản thân.
Cuối cùng thì, dù có phải hy sinh tính mạng để thể hiện lòng mến của ta đối với Cha, và vì nhiệt thành với công việc của Cha, khiến ta có bị thiệt thân, thì đó cũng là vinh dự, chứ không phải là giá của sự khổ đau, sầu buồn.
Bởi thế nên, những điều mà tôi muốn trình bày ở đây, là đừng nhân danh cụm từ khổ đau, thuơng khó, hay thập giá để biện minh cho những khó khăn của mình trong cuộc sống. Nếu ai đó cảm thấy được ơn gọi mà mình hằng đeo đuổi chất chứa toàn cực hình và đau khổ, thì tôi đề nghị nên suy nghĩ lại. Bởi, Thiên Chúa tạo dựng và mời gọi con người hãy cứ sống vui, Ngài mong muốn ta sống hạnh phúc trong mọi tình huống chứ không bao giờ Ngài muốn ta sầu buồn. Hệt như lời Thánh Phao-lô đã nói trong thư cho tín hữu Philipphê như sau: “Anh em hãy vui lên trong Chúa, tôi xin lặp lại: anh em hãy vui lên!” (Pl 4: 4-5)
Joe Mai văn Thịnh C.Ss.R viết vào Lễ Thánh Phêrô và Phaolô 2011 Notre Dame College OMI Hong Kong
Giọng cũ xa gần Dân Gầy phụ trách
*Hình ảnh của người “Em”? Nếu biết rằng “em” như thế này, ngày nay, hỏi rằng có ai còn muốn là em, hay không? Câu trả lời, xin đọc xong thơ, rồi hãy trả. Và, cũng nên biết thơ đây là thơ thẩn, thẩn thờ đến thẫn thờ, đó nhe.:
Em Ngày Xưa... Em Ngày Nay
*Vẫn có tin buồn ở đâu đây: Tin buồn lần này, là tin từ Melbourne. Anh Simon Hoàn Văn Định cựu Chi Hội Trưởng Gia Đình An Phong Melbourne, Úc đã lỉa trần. Tin đi tin lại, để kiểm chứng như sau: Trước tiên, là từ Mõ Làng Sydney, rất MaiTá:
4-6-2011 Anh em o Sydney vua nhan dduoc mot tin buon (chua dduoc kiem chung nhung co le ddung that) tu Lm Mai Van Thinh CSsR ddang cong du Au Chau, cho biet anh Simon Hoang Van Dinh ơ Melbourne, Uc (cung lop voi anh Nguyen An Binh, Cao Đình Trị, cuu giam ti?nh...) dda ve voi Chua, moi dday thoi.
Anh chi em than men,
Và, thư phân ưu của anh Chi HỘi Trưởng GĐAP Sydney nhơ chuyển giao: Giadinh anphong chi hoi Sydney xin goi den chi Hoa cung tang quyen loi chia buon
Và, Kèm theo đây là thư tâm tình của Lm Giám tỉnh DCCT Việt Nam, Lm Vinh Sơn Phạm Trung Thành:
Kính gởi gia đình ông Simon Hoàng Văn Định.
*Thêm một chi tiết về giờ phút cuối của anh Định: loi ke lai cua chi Hoà, vo anh Địinh thi cach day 1 thang, anh da nhap vien, hon *Sinh hoạt của anh em DCCT khắp thế giới Còn gì quý bằng, lâu lắm mới lại nhậnb được “giọng rất cũ” tuy xa mà gần/tuy gần mà xa, từ Rôma. Giọng, là giọng ổ ồ của người anh em linh mục Dòng mãi tận Melbourne. Từ ngày người anh em xuống xứ vừa “máo” vừa “bần thần”, nên anh cút ít đưa tin về Saydney. Nay sau hung tín của anh Simon Định ở cùng xứ, anh mới lại nhớ chuyển tin cho bà con mình. Tin hôm nay là tin rất xa từ Lamã, xứ miền hoàng triều của Giáo rất Công giáo mình đấy nhé. Và dưới đây là vài giòng rất tin, cùng tức không có đánh dấu để giữ nguyên bản:
Anh em than men, Khoa hoc nam nay duoc to chuc tu ngay 5-26/6/2011 cho khoi noi tieng Anh. Anh em den tu khap noi tren the gioi: Chau My, Chau Au, Chau Phi va Chau Á. Materdomini la cong doan sau cung cua Ngai, co nghia la Ngai chet o day. Minh khong dam noi den doi song cua Ngai. Co le dieu ma chung minh can cu tung la viec lam cua Thien Chua qua doi song rat ngan ngui cua Ngai. Dau can phai co nhieu cong lao. Cung dau can phai giang day hay. Doi song Thanh hien khong do bang thoi gian va cong suc. Nhung de cho 'Thanh y cua Thien Chua' thuc hien roi cung lam Thanh, anh nhỉ. Moi di co vai ngay ma viet dao duc nhu the nay. Dung la 'gan den thi sang...' *Cũng là lời cầu, nhưng rất khác: Cầu Chúa, thì ai chẳng cầu., Nưngh cũng chơ nên cầu theo kiểu này, đấy nhé: Con Quỳ Lạy Chúa Trên Trời Con quỳ lạy Chúa trên trời Sao cho con thoát được người con yêu Con đang thiếu nợ rất nhiều
*Lại những thơ cúng thẩn, rất lẩn quẩn: Thơ thẩn, thì bao giờ mà chả lẩn quẩn. Lẩn và quẩn những ý từ, lời thơ, rất nên thơ. Như thế này:
Vợ chồng già Đi đâu hai cụ chung xe - Cụ ông cầm lái cụ bà chỉ huy Vợ chồng nay đã về già ! Về hưu rảnh rỗi cả ngày Trách ông già: vẫn không chừa Đi đâu hai cụ chung xe Những ngày hai cụ ở nhà Hôm nao khó ở trong người
*Có những giọng ngọt, đầy chất chơ: Giòng thơ hay giọng thơ hôm nay, không chỉ đầy chất ngọt ngào tình thương tiếc, mến yêu. Nhưng còn là giòng chảy, theo nhiều cách rất như sau:
*Có những cũng nên biết… trong đời! Trong quá trình liên lạc bạn bè tứ phương thiên hạ, cũng có những điều nên giữ lại, từ điện thư, như sau: Nếu 1 nụ hôn là 1 giọt nước, tôi sẽ trao bạn biển cả ♥.*:.♥ Nếu 1 cái ôm là 1 chiếc lá, tôi sẽ trao bạn cả 1 rừng cây.♥.*:. Nếu cuộc sống là 1 hành tinh, tôi sẽ trao bạn cả 1 thiên hà.♥.*:.♥ Nếu tình bạn là cuộc sống, tôi sẽ trao bạn chính tôi.♥.*:.♥ ♥.*:.♥: Ba điều làm nên giá trị một con người : Ba điều trong đời làm hỏng một con người :+ Rượu + Lòng tự cao + Sự giận dữ. Ba điều trong đời một khi đã đi qua không thể lấy lại được : Ba điều trong đời không được đánh mất : Ba thứ có giá trị nhất trong đời Ba thứ trong đời không bao giờ bền vững được
*Có những vần thơ: Thơ hay không phải thơ này, Thơ này không dở vẫn tày bài thơ. Thứ nhất là thơ về… “liền” ông, không sợ vợ? Là đàn ông tức là mê rửa chén
*Nên chăng đọc thơ…cười? Có nhiều lúc bạn cũng như tôi, đọc các bài thần học tu đức nhiều quá, cũng …nhức trán. Thấy vậy, DânGầy tui bèn đề nghị đọc thơ vui, như thế vầy:
Ðàn ông sợ vợ thì sang
Ngồi buồn kiếm chuyện nói chơi,
Chồng than:
*Đọc rồi cũng đừng quên…mấy câu như ri: Răng? Ri? Rứa?... Cũng lại là một đôi câu thơ r6át …như ri: Vợ dặn
Lợi ích khi lấy vợ:
Sợ vợ Tập II Lời bàn của Dân Gầy: Sợ rằng bạn đọc không hiểu ý của người chủ biên, chủ diễn, nên người ấy có nhờ Dân Gầy nói lại ý tứ của anh ta rằng: Anh có trích đăng những lời như thế đấy, cũng chỉ để cho vui, chứ tuyệt nhiên không có ý…đồ gì hết. Nay xin bố cáo cùng chư vị lần chư tăng nhà Đạo, rất An Phong…
*Thơ thì cứ thơ, nhưng sao thơ gọi “một nửa” rất lưng chừng… Nửa là nửa của vần thơ, như bên dưới:
MÔT NỬA Sống trên đời mới chỉ là một nửa. Biết bao giờ tìm được nửa thứ hai. Dẫu biết rằng 1 +1 = 2 Nhưng cũng có 2 : 2 =1. Một người buông tay 1 người ngã . Môt người cất bước 1 người mong . Môt người ra đi 1 người khóc . Môt người quay lưng 1 người buồn . Môt người đang quên 1 người nhớ . Môt người hạnh phúc 1 người đau . Môt người ngồi đau lòng nhung nhớ . Môt người ngồi đó tựa vai ai . Hy vọng tắt đi khi bạn ngừng tin tưởng . Tình yêu mất đi khi bạn ngừng quan tâm . Tình bạn mất đi khi bạn ngừng chia sẻ Häy mở lòng và xích lại gần nhau ! *Đàn ông, đàn bà và phương trình Con Khỉ: Phải thế không đó? Xin bà con hiểu cho rõ, kẻo làm khó. Một phương trình, như sau: Đây là môt phuong trình …....dù sao thì cũng rât logic
. Dep trai = 1 . Xau trai = -1 . Chung thuy = 2 . Da tinh = -2 . Ngheo = 3 . Giau = -3 . Da co vo = 0
Ta se co ket qua nhu sau : Dep trai + Chung thuy = Ngheo . Chung thuy + Giau = Xau trai . Ngheo + Xau trai = Chung thuy . Dep trai + Giau = Da tinh . Dep trai + Giau + Chung thuy = Da co vo
*Những tâm tình và tình tự… Năm nào cũng như năm nào, ở Sydney vẫn có những buổi khi-li-khi-tô/họp mặt mừng lễ thánh tổ An Phong, gom góp tiền/quà cho tỉnh dòng VN, vui chơi, ăn nhậu, rất lai rai. Ăn và nhậu là có ăn và có nhậu thứ thiệt, không chỉ sương sương vài ly rượu chát, vài lon Heineken hay gì đi nữa. Nhưng còn có cả tâm tình cùng tình tự gửi về tỉnh mẹ chốn cũ, niềm thương nhớ rất yểm trợ. Có đi thì cũng có lại. Tâm tình gửi đi, tình tự gửi lại vẫn thân thương, đằm thắm, thuở vàng son. Tâm tình, là những tình cảm rất thân và cũng rất yêu thương của linh mục Giám tỉnh Dòng ở Việt Nam gửi về đại diện chi hội ở Sydney, rất như sau:
Kính gởi anh Chương, và các anh chị gia đình An Phong, nhóm Sydney.
Về chi tiết số tiền AUD$7,200.00 mà tỉnh dòng VN nhận được, dưới đây là thủ bút của người nhận:
15/9/2011 Bac Ta oi, Men
*Lại có thêm thành viên An Phong ở Sydney về với Chúa: Thành viên hôm nay về với Chúa là cụ bà Maria Văn Ty Nguyễn vừa ra đi hôm Thứ Hai 15/8/2011 lúc 11giờ trưa, giờ địa phương. Anh em trong chi hội đã ghé viếng nhà quàn Trường An thăm chào lần cuối theo chương trình được ghi chú:
Chi tiết các buổi thăm viếng, cầu nguyện và tiễn đưa cụ bà Maria Văn Ty Nguyễn, vị ân nhân/thân hữu 92 tuổi của gia đình An Phong Sydney như sau:
Thứ Tư 17/8/11: 7 giờ tối: Làm phép xác (tại nhà quàn Trường An 350 The Horsley Dr hoặc 46 Court Rd Fairfield 2165) Sau buổi làm phép xác, có phát tang Thứ Năm 18/8/11: 6 giờ tối Viếng quan tài 7 giờ tối Đọc kinh cầu nguyện cho linh hồn Maria Thứ Sáu 19/8/11: 6 giờ tối Viếng quan tài 7 giờ tối Đọc kinh cầu nguyện cho linh hồn Maria Thú Bẩy 20/8/11: 10 giờ sáng Thánh lễ an táng tại nhà thờ St Felix, Chapel Rd Bankstown Sau lễ, sẽ di quan về Nghĩa trang Rookwood Lidcome, hoả thiêu. Ghi chú: Cụ bà Maria Văn Ty là ân nhân/thân hũu rất gần gũi với chi hội Sydney từ hồi nào đến giờ. Nay cụ ra đi về miền vĩnh cửu cũng để lại đôi điều luyến nhớ không chỉ với con cháu nội ngoại mà cả với bà con thành viên An Phong nữa. DânGầy xin cùng bà con trong chi hội nguyện cầu Chúa Chí Ái đón rước linh hồn cụ về với Ngài, trong vinh quang.
|
Duc In Altum >