Gia Đình An Phong – Chi Hội Sydney
MỪNG XUÂN MẬU TÝ
Sự hụt hẫng của Cộng Đồng Người Việt tại tiểu bang NSW – Úc Đại Lợi quả là nhức nhối khi Hội Tết truyền thống được dự trù trong 3 ngày thứ 6, 7 và chủ nhật nhằm ngày 2, 3 và 4 tết Mậu Tý - từng được chuẩn bị cả năm trời – bị hủy bỏ vì những trận mưa dữ dội làm lầy lội địa điểm tổ chức là trường đua ngựa Warwick Farm – Liverpool. Thế nhưng đôi khi nỗi buồn của người này lại là niềm vui của người khác. Chẳng thế mà những trận mưa như thác đổ trong nhiều ngày đã mang lại niềm hy vọng cho các nhà nông tại NSW nói riêng và tại hầu như cả nuớc Úc nói chung, vốn bị thiên tai hạn hán gây thiệt hại nặng nề. Chính trong niềm vui nỗi buồn lẫn lộn đó mà cuộc họp mặt mừng năm mới của gia đình An Phong chi hội Sydney đã diễn ra vào chiều thứ bảy, tức mồng 3 tết. Cho đến 12g trưa hôm đó, trời vẫn tiếp tục đổ mưa. CHT NĐDũng và CHP HCLợi lo âu là chuyện đã đành, thế nhưng chính A/C TNTá – chủ nhân địa điểm buổi họp mặt - cũng lo lắng không kém. Theo chương trình thì 2g tề tựu và 3g thánh lễ. Thế nhưng chuyện lạ đã xảy ra. Đó là vào khoảng 2g30 mưa tạnh hẳn và lần đầu tiên trong 2 tuần lễ, mặt trời ló dạng với những tia nắng chói chang.
Chính trong khung cảnh rộn ràng và chói chang đó mà thánh lễ đầu năm của chi hội Sydney đã diễn ra với sự có mặt thân tình của người linh mục anh em chí cốt đến từ Melbourne – Giuse Mai Văn Thịnh. Trong một vài ý tưởng ngắn gọn, ngài đã nhắc nhở đến những thách đố thường trực của kiếp người và cầu chúc trong năm mới, mọi người sẽ có thêm can đảm để đối phó với những cám dỗ đó.
Sau thánh lễ, CHT NĐDũng chúc mừng năm mới mọi người và anh TNTá tóm gọn một vài tin tức gần xa. Năm nay xem ra chi hội được mùa cưới hỏi vì rằng con trai út của a/c HCLợi, trưởng nữ của a/c KimLinh và con gái út của a/c BìnhHoà từ nay đến cuối năm sẽ thành gia thất. Chi hội xin chúc mừng trước các anh chị và các cháu. Ngoài ra anh Tá và anh Lợi còn cho biết thêm là vào khoảng tháng 6, 2 linh mục Tiến Lộc và LêQuangUy (DCCT) sẽ qua Úc giảng đại phúc và LM Trần Sĩ K’ Tín hy vọng sẽ hướng dẫn một phái đoàn anh em Jarai đến Sydney tham dự Đại Hội Giới Trẻ vào tháng 7. Anh chị em trong chi hội được nhắc nhở chuẩn bị tinh thần mở rộng vòng tay. Trong lúc thao thao bất tuyệt, xem ra TNTá chỉ nhớ đến chuyện người mà quên đi chuyện mình. Do đó mà VNhuận đã phải “can thiệp” và cho bà con biết là cách đây ít tuần lễ, trưởng nam của a/c TNTá vừa khai trương một văn phòng luật sư mới toanh tại Cabramatta – thủ phủ của người Việt tại Sydney – Chúc mừng văn phòng pháp lý Gibson Trần được thành công tốt đẹp. Thành viên chi hội chắc chắn sẽ được hưởng giá đặc biệt trong tinh thần: vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi.
Ngoài ra có tin đồn là có thể đây là lần cuối chi hội tổ chức họp mặt tại nhà a/c Tá vì trong nay mai, anh chị sẽ dọn đến một nơi khác rộng rãi và khang trang hơn. Nếu quả đó là sự thật thì chi hội lại có dịp khilikhitô và làm phiền anh chị.
Sau phần tin tức đó đây, anh chị em được mời nhập tiệc với những món đặc sản do mỗi gia đình mang đến. Cuối cùng là phần hái lộc đầu xuân với những món quà do các thành viên đóng góp. Có điều dễ thuơng là xem ra có những món quà thấy quen quen. Giá vé lần này cũng giống như mọi năm là 3 vé 5 đôla với lời bảo đảm là vé nào cũng trúng. Được biết mục đích việc quyên góp năm nay là dành cho cơ sở truyền giáo tại Tây Nguyên – Việt Nam.
Mở đầu phần hái lộc, 5 cháu bé đã chúc tết thân mẫu của chị Tá là cụ bà Đàm Quang Tính, năm nay 96 tuổi. Sau đó anh NMTâm – đại diện chi hội – trong 1 phút ngẫu hứng – đã có những lời chúc thọ rất chân tình và đánh dấu bằng một màn ôm hôn thắm thiết kiểu tây phương. Để đáp lại tấm thịnh tình đó, cụ bà đã lì xì cho chi hội và chúc anh chị em thành viên mọi điều tốt đẹp trong năm mới.
Xen kẽ với việc hái lộc đầu xuân là phần bán đấu giá với 4 món quà bao gồm 1 chai rượu Remy Martin 1 lít do anh chị NDLâm tặng, 1 chai Johnny Walker – Black Label của cháu ( luật sư ) Anthony Trần và 2 túi mỹ phẩm do bà Văn Ty – một thân hữu trung thành của chi hội – tặng. Tuy lần này thiếu vắng một số xì thẩu máu mặt, thế nhưng buổi đấu giá vẫn diễn ra một cách khá xôm tụ. Túi mỹ phẩm thứ nhất đã được a/c Tâm mua với giá 50$, túi mỹ phẩm thứ nhì về tay a/c Tá với giá 60$. Chai rượu Johnny Walker được anh chị CHT Dũng mua với giá 60$ và chai Remy Martin lọt vào tay a/c NVDũng với giá 120$. Tổng cộng số tiền thu được – kể cả tiền cắc trong loong tiết kiệm – được khoảng 2.200$ và sẽ được chuyển về VN trong thời gian sớm nhất.
Buổi họp mặt mừng năm mới Mậu Tý chấm dứt vào lúc 7g tối, thế nhưng nhóm khilikhitô thì vẫn tiếp tục ở lại hàn huyên. Đặc biệt lần này các bợm nhậu đều tỏ ra rất “ngoan” vì rằng chẳng giấu gì qúy vị, dạo này cảnh sát giao thông ở NSW gớm lắm, phạt thẳng tay. Dân nhậu lái xe, vừa mất tiền, vừa mất điểm, lơ mơ mất luôn cả bằng lái, thì lấy gì làm phương tiện để nuôi vợ nuôi con. Âu đó cũng là điều hay phải không các chị con dâu của cha Thánh.
Trước khi chấm dứt bài viết, một lần nữa xin kính chúc mọi nguời Một Năm Mới tràn đầy ơn Chúa, hồn an xác mạnh và tiếp tục làm chứng nhân nuớc Trời. Hẹn gặp lại qúy anh chị và các cháu trong ngày lễ Cha Thánh.
Tầu Há Mồm ghi nhanh
Góp nhặt sỏi đá:
Tường trình về số tiền thu được Trong buổi họp mặt mừng Xuân Mậu Tý Của Gia đình An Phong Sydney Tổ chức tại Nhà anh chị Mai Tá Hôm Mồng 3 Tết – tức 09-02-2008 *Tiền hái lộc đầu xuân: $475 *Tiền bán đấu giá: -chai Johnny Walker(a/c CHT) $70 -chai Remy Martin (a/cNVDũng) $120 -Túi mỹ phẩm I (a/c NminhTâm) $60 -Túi mỹ phẩm II (a/c chủ nhà) $50
*Tiền quyên tặng: -2 lon tiền lẻ(con a/c MaiTá) $664.50 -Cụ Bà Đàm Quang Tính $250 -Anh nguyễn Kim Linh $100 -Anh Nguyễn Đắc Dũng $100 -Chị Nguyễn Thị Tính(Phụng) $20 -A/c Nguyễn Minh Vọng(Hương) $100 -Bác Nguyễn Thị Oanh (Kim) $50 -A/c Nguyễn Hồng Tân (Loan) $100 -Anh PhạmVănChương (cho chẵn)$41
Tổng cộng: $2,200.50
Được biết, số tiền này Anh CHP Huỳnh Công Lợi đã trả lệ phí và chuyển về giúp nhà Buôn Ma Thuột và Lm Hồ Quang Lâm, CssR cho biết đã nhận đủ hôm 13/02/2008. với lời nhắn như sau: “Con về thăm Mẹ, hôm nay trở lại đã nhận được quà. Xin cảm ơn các Bác, anh chị trong Gia đình An Phong Sydney đã thương nhớ quan tâm giúp đỡ con và người nghèo tại đây trong dịp Xuân về. Xin Chúa chúc lành cho các bác và anh chị trong gia đình An Phong trong năm mới Mậu Tý. (trích email jb HoQLam đề ngày 14/02/2008)
SUY NGHĨ TIẾP VỀ ĐỜI SAU _____________________________________________ Lê Văn Khuê
Trong thời gian gần đây, khi tuổi đời đã vượt qua ngưỡng cửa về hưu và khi được tin những người bạn cùng lứa thay nhau lìa khỏi thế gian này, tôi không thể không nghĩ đến đcai mà chính khách Mỹ Benjamin Franklin gọi là một trong hai điều chắc chăn nhất trong cuộc đời này: cái chết và thuế. Trong Duc In Altum số 55, năm 2007, anh Mễ Duy, người bạn thân cùng lớp ở Đệ Tử Viện DCCT cũng đã đề cập đến vấn đề này trong bài “ Đời sau.” Tuy nhiên trong bài này anh Mễ Duy bàn đến ý nghĩa của cuọc đời nhiều hơn là những gì sẽ xảy ra ở đời sau mặc dù anh có nói rằng “người đã từ trần không phải là một thứ “ hồn” nhẹ như không khí, ngược lại họ thấy được, nghe được, giữ lại mọi kỷ niệm của đời trần nay đã được đổi mới, được chiếu soi trong ánh sáng của vĩnh cửu.” Nghe mà thấy vui mừng phấn kích vì có phải tình yêu tôi dành cho ba mẹ, vợ con, anh em, tình bà con và tình bằng hữu thân thương sẽ không nhất thiết bị hủy diệt sau khi chết mà sẽ được giữ lại và thăng hoa? Để tự trả lời cho mình vấn nạn này và để có được một niềm hy vọng kích thích tôi sống những năm còn lại của cuộc đời trần gian này, tôi đã nghiên cứu sách vở để tìm ra lời giải đáp. Và sau đây là những giải đáp mà tôi tổng hợp và nghĩ là thỏa mãn phần nào vấn nạn của tôi nhưng chắc chắn không phải là những giải đáp cuối cùng. Do đó tôi xin bạn đọc góp ý để có thể có những giải đáp hoàn chỉnh hơn. Tôi bắt đầu với ba câu hỏi, đương nhiên là của một người tin vào Đức Giêsu Kytô. 1. Chết rồi, con người đi đâu? 2. Người chết sống lại như thế nào? 3. Khi nào thì người chết sống lại? Để trả lời những câu hỏi này, trước tiên tôi tìm đọc Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo. Cuốn giáo lý chính thức của Hội thánh được ban hành ngày 11.10.1992, được dịch ra tiếng Việt và xuất bản ngày 21.7.1997 dạy rằng: “Khi chết, hồn lìa khỏi xác, thân xác con người lâm cảnh hư nát trong khi linh hồn đến gặp Thiên Chúa nhưng trong tình trạng chờ đợi được tái hợp với thân xác vinh quang.” (đoạn 997). Ở chỗ khác sách cũng khẳng định: “chết là “ra đi”, hồn lìa khỏi xác “ (đoạn 1005) và còn thêm rằng “ thông thường người ta chấp nhận là sau khi chết, hồn con người vẫn sống.” Khẳng định như vậy nghe có lọt tai con người ngày nay trong khi tư tưởng hiện đại cho rằng phân biệt thể xác với linh hồn là quá đơn giản hóa vấn đề. Lm. Thiện Cẩm trong bài” Viếng người chết để nghĩ về cái chết” (Nguyệt San Công Giáo và Dân Tộc tháng 11, năm 2006) cũng đã viết rằng “ nếu cứ nghĩ và diễn tả theo thói quen của chúng ta, nghĩa là người chết thì linh hồn lìa khỏi xác thì như vậy chẳng còn là người vì hồn một nơi, xác một nẻo, có khi bị thối rửa, thậm chí bị thiêu thành tro… và một linh hồn ngoài thân xác thì cũng giống như loài thiên thần, là giống thiêng liêng. Tóm lại hồn xác tuy khác nhau nhưng không thể tách rời.”
Trong cùng chiều hướng đó, cuốn Giáo lý của Hàng Giáo Phẩm Giáo Hội Hà Lan (bản Tiếng Việt: Giáo lý Mới Triều Đại Mới do Nguyễn Ước giới thiệu và biên dịch, nhà xuất bản Tôn giáo 2005) lúc đầu cũng công nhận việc phân biệt giữa thể xác và linh hồn ( “sau khi chết, linh hồn tiếp tục hiện hữu cách riêng trong khi thể xác mục nát”) là một cách diễn tả không làm sáng tỏ vấn đề. Tuy nhiên, ở trong văn bản sửa đổi (trang 925), khi trích dẫn lời của Đức Giêsu nói với người trộm lành, “Hôm nay ngươi sẽ ở trên Thiên Đàng làm một với ta” (Lc 23.43) và câu “Đừng sợ những kẻ giết được thể xác nhưng không giết được hồn,” (Mt 10:28) sách lại khẳng định rằng Chúa muốn nói đến “cái gì đó”, là thành tố đích thực nhất của con người có thể dành lại sau khi chết. Nó là cốt tuỷ sống động của con người, được dựng nên để sống trong một thể xác, nhưng nay nó tiếp tục sống tách biệt khỏi một thể xác đã chết (trang 924).
Nói như vậy phải chăng tựu trung cũng trở về với sự phân biệt hồn xác như sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo? Thực ra, có lúc sách Giáo Lý Hà lan đã đi tới chỗ giả thiết rằng “sự hiện hữu sau khi chết vốn là một cái gì đó giống sự sống lại của một thể xác mới, thể xác của sự sống lại mới này không là những phẩn tử được chôn cất và tan tác trong lòng đất (trang 776). Nhưng đó là điều xảy ra sau này khi Đức Kitô quang lâm và làm cho kẻ chết sống lại.
Trước những mâu thuẩn trên, phải giải quyết vấn đề ra sao đây? Quả thực, sự mập mờ này bắt nguồn từ Kinh Thánh. Kinh Thánh nói chủ yếu đến sự sống lại của toàn bộ con người, đến sự sống lại của người chết với linh hồn và thể xác. Nhưng đó là điều chỉ đến về sau. Còn vấn đề ngay sau khi chết những người chúng ta thương yêu lúc này ở đâu? Rõ ràng là Kinh Thánh không đi sâu vào vấn đề này. Các tác giả thần hứng không dự tính đưa ra thông tin rõ rệt về “cách” của đời sau, vì thế các ngài không đưa ra học thuyết rõ ràng về cách con người hiện hữu với Thiên CHúa sau khi chết. Và vì Kinh Thánh không rõ ràng về vấn đề này nên Hội Thánh chọn cách diễn tả dễ hiểu nhất mà nói rằng “khi chết, hồn lìa khỏi xác, thân xác con người làm cảnh hư nát trong khi linh hồn đến gặp Thiên Chúa, nhưng trong tình trạng chờ đợi được tái hợp với thân xác vinh quang.” (đoạn 997)
Đến đây chúng ta trở lại với câu hỏi đã đặt ra ở trên là nói như vậy nghe có xuôi tai chăng đối với con người hiện đại nhờ khoa học thần kinh (neuroscience) mà biết được rằng ý thức là sản phẩm của bộ não con người, và khi hoạt động của bộ não ngưng thì ý thức của người đó không còn hiện hữu nữa (xem tạp chí Time số 12 tháng 2, 2007)? Nói cách khác, khoa học không tin có linh hồn và cũng không tin linh hồn bất tử.
Việc tin có linh hồn là lãnh vực của tôn giáo, của tín ngưỡng, tức của lòng tin.. Nhưng ở đây không chỉ tin có linh hồn và tin linh hồn bất tử nhưng lòng tin đó được đặt nền tảng trên lòng tin có một Thượng Đế là Khởi Nguyên và Cứu cánh của vũ tru (bởi có những tín ngưỡng tin có linh hồn nhưng không đặt vấn đề về sự hiện hữu của một Thượng Đế). Riêng đối với Kytô Giáo lòng tin vào sự bất tử cuả linh hồn và sự hiệu hữu của Thiên Chúa lại được đặt nền tảng trên một sự kiện cụ thể xảy ra trong lịch sử con người chứ không phải tin một cách vu vơ. Đó là việc làm chứng của các Tông đồ về việc Đức Giêsu sống lại. Không có con mắt loài người nào chứng kiến ngay lúc Đức Giêsu sống lại. Việc sống lại vượt ngoài phạm vi quan sát sử tính. Chỉ có việc làm chứng của các Tông đồ là có tính lịch sử, và vấn đề là sự làm chứng của họ có đáng tin cậy không? Và sau khi cân nhắc, người ta thấy rằng không có chứng từ nào thuyết phục hơn là tính cách nhất quán của Tân ước (về giá trị sử tính của sách Tân Ước, xem The Case for Christ của Lee Strobel, Zondervan Publishing House, Michigan 1998). Qua các văn bản xưa nhất cho đến sau cùng nhất của sách Tân Ước chỉ có một điều duy nhất được nói lên. Đó là “Thiên Chúa đã làm cho Đức Kytô sống lại từ cõi chết (1 Tx 1:10) và các Tông đồ “đã thấy Chúa” (Ga 20:25). Đến đây chúng ta cũng cần đọc lại đoạn văn làm chứng xưa nhất về việc Đức Giêsu phục sinh. Vào khoảng năm 53, tháng Phaolô đã viết cho tín hữu thành Côrintô khẳng định là ngài nhận được chứng cứ qua truyền thống. “Vì tiên vàn mọi sự tôi đã truyền lại cho anh em chính điều tôi đã chịu lấy, là Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, theo lời Kinh Thánh, là Ngài đã bị chôn cất, là Ngài đã sống lại, ngày thứ ba, theo lời Kinh Thánh, là Ngài đã hiện ra cho Kêpha, đoạn cho nhóm mười hai. Rồi Ngài hiện ra cho hơn năm trăm anh em một lần, trong đó phần đông đến nay v ẫn còn sống, nhưng cũng có những người đã yên nghỉ. Rồi cuối cùng Ngài đã hiện ra cho Giacôbê, đoạn cho các Tông Đồ hết thảy. Cuối hết Ngài đã hiện ra cho cả tôi nữa, là kẻ không khác một đứa con ranh.” (1 Cr.15: 3-8)
Như vậy, cuối cùng chính Đức Kitô Phục sinh là nguyên lý và nguồn mạch sự sống lại của chúng ta mai sau: “Đức Kitô đã chổi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu… như mọi người vì liên đới với Adam mà phải chết thì mọi người, nhờ liên đới với Đức Kitô, cũng được Thiên Chúa cho sống lại.” (1Cr15: 21-22)
Nhưng đó là sống lại vào thời sau hết khi Đức Kitô quang lâm cùng với toàn bộ cuộc sáng thế mới (Kh.21:5). Vấn đề ở đây là có phải người chết lập tức được hạnh phúc diện kiến thánh nhan Thiên Chúa như lời dạy của sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo: “Khi chết, hồn lìa khỏi xác, thân xác con người lâm cảnh hư nát trong khi linh hồn đến gặp Thiên Chúa…”? Mặc dầu sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo cũng như sách Giáo Lý Hà Lan có đề cập đến luyện ngục như là sự thanh luyện cần thiết nào đó trước khi diện kiến thánh nhan Thiên Chúa, một số nhà thần học ngày nay đã không hình dung luyện ngục như một nơi hoặc một giai đoạn thanh luyện sau khi chết ma ngay khi chết con người đã được Thiên Chúa phán xét, thanh luyện, chữa lành trong ân sủng của Ngài. (xem Hanskung, Credo, La confession de foi des Apotres expliquee aux hommes d’aujourd’hui, Editions du Seuil, 1996 trang 230-231). Nghĩa là người chết tận hưởng nhan thánh rõ ràng của Thiên Chúa Ba Ngôi cả trước khi Đức Kitô quang lâm. Tuy nhiên đó không là vinh quang đầy đủ và tuyệt đối. Vinh quang này sẽ diễn ra lúc Đức Kytô lại đến cùng với toàn bộ cuộc sáng thế mới. Lúc ấy, Đức Giêsu sẽ biến đổi thân xác khốn hèn của ta sao cho nên đồng hình đồng dạng với thân xác vinh quang của Ngài (Pl. 3,21).
Bây giờ chúng ta chuyển qua vấn đề thứ hai: Chúng ta sẽ phục sinh như thế nào? Đây không phải là một vấn đề dễ dàng. Chính sách Giáo Lý Hội thánh Công Giáo đã khẳng định. “ Thân xác con người phục sinh như thế nào là điều vượt qua sức tưởng tựơng và hiểu biết của chúng ta.” (đoạn 1000) Vậy chúng ta hình dung việc sống lại như thế nào đây? Chúng ta hãy trở lại với cội nguồn của lòng tin của chúng ta là Đức Giêsu Phục Sinh. Ngài đã phục sinh như thế nào? Đức Giêsu đã phục sinh với chính thân xác mình: “Hãy nhìn chân tay Thầy coi; đúng là Thầy đây mà.” (Lc 24:39) Nhưng Người không trở về với đời sống trần thế. Đúng vậy, Đức Giêsu sau khi sống lại thì cũng có khác biệt tới độ các Tông đồ biết rằng đó chính là Chúa nhưng thoạt đầu không nhận ra Người. Đó là thân xác vinh quang của Người, và Người cũng sẽ biến đổi thân xác khốn hèn của ta giống như vậy. “Mọi người sẽ sống lại với thân xác của mình, thân xác họ đang có bây giờ.” (Công đồng Latran IV: DS801, sách Giáo Lý Hội thánh Công Giáo đoạn 999) nhưng thân xác đó sẽ biến đổi thành “thân xác vinh hiển”, thành “thân xác thần thiêng” (1Cr.15:44). Chính thánh Phaolô đã quả quyết: “Có người thắc mắc: kẻ chết sống lại như thế nào? Họ lấy thân hình nào mà trở về? Đồ ngốc! Ngươi gieo cái gì, cái ấy phải chết mới được sống. Cái người gieo không phải là hình thể sẽ mọc lên, nhưng là một hạt trơ trụi… Việc kẻ chết sống lại cũng vậy: gieo xuống thì hư nát, mà chổi dậy thì vinh quang, gieo xuống thì yếu đuối mà chổi dậy thì mạnh mẽ, gieo xuống là xác khí huyết, sống lại là xác thần thiêng…Quả vậy, cái thân phải hư nát này sẽ mặc lấy sự bất diệt và cái thân phải chết này sẽ mặc lấy sự bất tử. (1 Cr 15, 35-37, 42-53) Tác giả Hanskung trong sách đã trích dẫn ở trên đưa ra hình ảnh cái kén và con bướm để diễn tả sự biến đổi từ xác khí huyết thành xác thần thiêng (trang 148).
Vậy thì điều này sẽ xảy ra lúc nào? Nói cách khác, lúc nào thì Đức Kitô quang lâm và biến đổi thân xác hư mất của chúng ta thành đồng hình đồng dạng với thân xác hiển vinh của Người? Kinh thánh nói chỉ có Chúa Cha mới biết khi nào sự kiện này sẽ xảy ra. Tuy nhiên, chúng ta có quyền suy luận, và điều chắc chắn mà chúng ta có thể nắm được là nó sẽ không xảy ra trong một tương lai gần đây như thời các Tông đồ đã nghĩ. Trong ánh sáng của những khám phá mới của thiên văn học thì chúng ta có thê suy đoán là cũng còn phải lâu lắm nữa nó mới xảy ra. Phải mất 15 tỷ năm kể từ khi hiện tượng Big Bang xảy ra để vũ trụ có hình dạng ngày hôm, 5 tỷ năm để trái đất hình thành, 1 triệu năm (?) để loài người, cùng đích tối hậu của tiến hoá, đạt đến tầm mức hôm nay thì không lý nào ngày một ngày hai lại kết thúc một cách đột ngột được. Đương nhiên con người ngày hôm nay với kho vũ khí hạt nhân khổng lồ của mình có thể tiêu diệt luôn toàn thể loài người trong chốt lát, nhưng trái đất và vũ trụ chắc hẳn vẫn còn đó. Nếu phải mất 15 tỷ năm để vũ trụ hình thành thì có lý mà suy đoán rằng tối thiểu cũng còn phải 15 tỷ năm nữa vũ trụ mới đi đến chổ kết thúc (và sau đó cũng có thể khởi đầu lại).
Kinh thánh gọi vũ trụ và nhân loại vào thời Chúa quang lâm là “Trời Mới và Đất Mới” nơi đó cuộc sống và lao động trong lịch sử của chúng ta thật sự được biến thể mà không nhất thiết bị huỷ diệt. “Bởi vì tất cả những thành quả tuyệt hảo của bản chất và tài năng chúng ta mà chúng ta đã tạo nên khắp địa cầu theo mệnh lệnh của Chúa và trong Thánh Thần, chúng ta sẽ nhận chúng lại sau này nhưng chúng đã được thanh luyện khỏi mọi tì ố, được chiếu sáng và biến đổi khi Chúa Kitô trao lại Chúa Cha vương quốc vĩnh cửu và đại đồng (Gaudium et spes 39, 3). Do đó sự trông đợi Trời Đất Mới không làm suy giảm mà trái lại phải kích thích chúng ta nỗ lực phát triển tình yêu và tiến bộ trên trái đất này.
Trong ý nghĩa đó thì chúng ta không phải bận tâm đến lúc nào Trời Mới Đất Mới sẽ được thể hiện; đó là việc của Thiên Chúa, và cũng vì chúng ta sống quá lắm cũng trăm tuổi là cùng. Cho nên khi sống, chúng ta phải quan tâm đến phát triển tình yêu và tiến bộ trên trái đất này theo hoàn cảnh và tài năng của mình, biết rằng những nổ lực của chúng ta sẽ không mất đi mà sẽ được Thiên Chúa biến đổi. Và khi chết thì chúng ta biết chắc rằng chúng ta không hư mất đi mà sẽ trở về với Thiên Chúa và những người thân yêu của chúng ta đã ra đi trước chúng ta và cả toàn thể những người đã chết, hạnh phúc trong “sự công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần” (Rm 14,17).
Trong cuộc sống hiện tại của riêng mỗi người, đó chưa là thực tại, nhưng là một hy vọng, một hy vọng kích thích chúng ta sống, lao động và xây dựng và thương yêu. Và nói như thánh Phaolô , “Hy vọng mà thấy được thì hết là hy vọng, vì điều thấy được ai nào còn hy vọng nữa! Nhưng nếu thực ta hy vọng điều ta không thấy, thì ta kiên nhẫn đợi trông.” (Rm8:24-25). Điều khốn khỗ nhất là sống mà không có hy vọng.
Lê Văn Khuê
NHỮNG CỤ GIÀ “ĐI BỤI” Chỉ vì con cái ăn ở phụ bạc, nhiều ông, bà, cha, mẹ... đã phải bỏ nhà ra đi, tới các thành phố lớn kiếm việc làm mưu sinh. Cũng có cụ già bị đi lạc không còn nhớ đường về quê quán. Họ phải làm đủ thứ nghề để sống qua ngày, từ bán vé số, ăn xin, thậm chí cả nghề... “hai ngón” (móc túi). Những chuỗi ngày cơ cực, lấy vỉa hè, công viên làm nhà. Cuộc sống cứ thế lặng lẽ trôi... Lang thang đầu đường xó chợ Cứ mỗi buổi sáng tinh mơ nhiều người ở khu vực phường 7, quận 3, Sài-gòn, đã thấy bà Hai “ve chai” tay xách nách mang chiếc bị đi nhặt những thứ phế thải có thể bán được. Lúc đầu mọi người cứ ngỡ là do hoàn cảnh khó khăn nên phải lặn lội vào Sài-gòn làm nghề ve chai để sống. Nhưng không, bà có ba người con đều thành đạt và khá giả ở một tỉnh miền Tây. Khi còn sống ở quê, bà sống với người con gái út, nhưng do gia đình thông gia thường có những lời qua tiếng lại nói xấu nên bà chịu không nổi, bà đã bỏ lên đây kiếm sống. Khi được hỏi: “Sao bà không sống với người con khác ?” Bà rưng rưng: “Hai thằng con trai đầu đều sợ vợ, chúng sống chẳng khác nào cái bóng trong gia đình. Vợ bảo gì nghe nấy không hó hé lấy một câu. Thực tế chúng nó cũng thương tôi lắm, nhưng vợ chúng nó thường cho tôi là người vô tích sự, chẳng làm được việc gì nên hồn. Cứ về đến nhà là nói bóng nói gió với chồng là bà ở nhà chùi cái nhà không xong, rửa cái chén cũng chẳng sạch, còn nấu ăn thì lúc mặn nhạt thất thường”. Giận con dâu bất hiếu, bà Hai bỏ lên thành phố làm nghề ve chai. Bỏ nhà đi đã lâu nhưng con cái bà vẫn chẳng quan tâm mẹ mình đi đâu, làm gì. “Lên thành phố làm cũng kiếm được năm, sáu chục ngàn một ngày coi như cũng đủ sống qua ngày và trả tiền phòng trọ. Tự làm ăn kiếm sống tôi lại thấy lòng thanh thản”, bà Hai tâm sự. Không may mắn như bà Hai “ve chai”, bà Nguyễn Thị Lợi, 74 tuổi, quê ở Hải Phòng trong một lần vào thăm con gái lấy chồng ở Nha Trang vì mất địa chỉ con, đã lạc vào Sài-gòn. Vào thành phố không người thân thích, không một xu dính túi lại mang chứng bệnh đãng trí nên bà không còn nhớ rõ quê quán để liên lạc. Ngày ngày bà đi khắp nẻo đường xin ăn sống qua ngày, ban đêm gặp đâu ngủ đó. Cuộc sống của bà Lợi vật vờ trôi tháng này qua tháng khác “tối đâu là nhà, ngả đâu là giường”. Năm 2004 trong một lần ngủ vật vờ trong công viên Lê Văn Tám, bà Lợi đã được công an đưa về Trung Tâm Bảo Trợ Xã Hội Chánh Phú Hoà để an hưởng tuổi già. Không còn nhớ đường về quê Các cụ ở Trung Tâm Chánh Phú Hoà luôn mong ước được đoàn tụ với gia đình. Tại Trung Tâm Bảo Trợ Xã Hội Chánh Phú Hòa, tỉnh Bình Dương, cụ Nguyễn Thị Hai, sinh năm 1928, sụt sịt khóc: “Nhớ nhà, nhớ quê, nhớ con cháu quá!”. Hỏi quê ở đâu thì cụ không nhớ được, chỉ nhớ nhà ở cạnh chùa Năm Hương, trong xóm có ông Sáu Khê, ông Chín Khương. Ngay cả lý do đi lạc, cụ cũng lẩn thẩn không nhớ ra. Khi thì cụ bảo vào thành phố thăm con, không kiếm được nhà, lúc thì cụ nhớ đi chùa rồi không tìm được lối về... Ký ức người già thường lẫn lộn, nhớ, quên là chuyện thường nhưng đối với những người già đi lạc sao mà bi kịch và thương tâm đến vậy. Chuỗi ngày thất lạc của mỗi bà là một câu chuyện đẫm nước mắt. Trường hợp bà Nguyễn Thị Nụ, sinh năm 1938, gốc Bắc, một người đàn bà thuần nông, cả đời chưa bước chân ra khỏi luỹ tre làng. Nhưng rồi nghịch cảnh xô đẩy, năm 1954, hai đứa con của bà, đứa nhỏ 1 tuổi, đứa lớn vừa lên 2 bị một đôi vợ chồng người Pháp cướp khỏi tay. Trong nỗi đau mất con, bà Nụ đã dò hỏi khắp nơi và biết được đôi vợ chồng nọ cùng 2 đứa trẻ mua vé bay vào Sài-gòn. Bà đi tìm con theo bản năng của một người mẹ khổ đau. Đi, đi mãi... Năm 1976 bà được đưa vào Trung Tâm, ký ức về người thân, quê quán đã bị xoá sạch. Cụ nói: “Nhà tôi ở cạnh bờ đê một con sông lớn, phía trước là đồng ruộng mênh mông...” Làng quê Việt Nam ở đâu mà chẳng có sông, có đồng ruộng, quê bà biết tìm đâu bây giờ ? Bà Phạm Thị Lan, 70 tuổi quê Yên Mỹ, Hưng Yên vì chán cảnh không có con nên đã bỏ nhà ra đi vào Sài-gòn sống bờ, sống bụi. Bà kể: “Lúc còn là thiếu nữ tôi lấy chồng và có công việc ổn định ở một nông trường, nhưng khổ nỗi không sinh lấy nổi một mụn con để nối dõi tông đường nên ông ấy đã bỏ tôi đi lấy vợ khác. Sau đó tôi có hai đời chồng nữa cũng không sinh được con, chán đời tôi đã phải bỏ quê”. Cuộc sống tha hương cầu thực nay đây mai đó đã biến bà từ một con người thật thà hiền lành trở thành một người chuyên trộm cắp lúc nào không hay. Bà bảo: “Tôi bất mãn vì cuộc sống. Người đàn ông nào lấy tôi đều muốn sinh con đẻ cái cho họ. Còn tình cảm thì không. Tôi là người phụ nữ cũng khao khát được làm mẹ, nhưng ông trời không cho. Xin con nuôi các ông chồng của tôi đều không đồng ý. Chính vì hoàn cảnh éo le như vậy đã biến tôi thành một con người khác”. Hai vụ tòa Khâm sứ và giáo xứ Thái Hà: sơ lược, trích dẫn.
Có thể sơ lược các diễn biến hai vụ này qua ba giai đoạn chính như sau :
- giai đoạn một : Vào khoảng giữa tháng 12.2007, nhà cầm quyền Cộng Sản (NCQCS) địa phương Hà-nội đột nhiên gia tăng công cuộc chiếm dụng ít nhất là trên một tòa nhà và một mảnh đất thuộc Giáo hội Công giáo Việt Nam ( GHCGVN). Tòa nhà là tòa Khâm sứ ( TKS), ngày xưa nằm trong khuôn viên tòa Tổng Giám Mục ( TTGM) Hà Nội. Mảnh đất là của giáo xứ Thái Hà(GXTH) . Hai tài sản này, -như hàng chục, có thể là hàng trăm, tài sản khác của GHCG và các tôn giáo khác- đã bị NCQCS chiếm dụng ở ngoài Bắc cũng như trong Nam. Hành động gia tăng gia công đơn phương như thế nói ở đây là một sự chà đạp quyền sở hữu của GHCG và làm cho việc GH đòi lại đất và tài sản càng ngày càng trở nên mỏng manh.Trước sự kiện «leo thang» đó trong ý đồ tước đoạt luôn, tòa TGMHN và GXTH bắt buộc phải có phản ứng nếu không thì với thời gian sẽ đương nhiên mất quyền sở hữu. *« Một bức tường ngăn cách giữa TGM và Toà Khâm sứ đã bị tịch thu được xây lên. Không biết do bên nào và từ bao giờ. Nhưng ngày trước các cụ nói không có bức tường ấy. «Khi chúng tôi còn bé, cho đến cuối thập niên 1980, chúng tôi thấy người ta dùng làm Cung Thiếu nhi. Trong thời gian này họ xây một số công trình ở phía trước và phía sau toà nhà cũ của Toà Khâm sứ. «Mấy năm trước đây, họ phá toà nhà phía trước, tính tái quy hoạch và xây dựng công trình gì đó. Dạo ấy, TGM Hà Nội có gửi thư đi các giáo xứ để kêu gọi giáo dân cầu nguyện. Tưởng như chính quyền sắp trả đến nơi. Các công việc sửa sang, xây dựng bị dừng lại. «Tuy nhiên, ngôi nhà bé mới quay mặt ra phố Nhà Chung vẫn dùng làm nơi bán phở. Trong khi ngôi nhà họ xây phía sau toà nhà cũ của Toà Khâm sứ hiện vẫn là một địa điểm kinh doanh-một khu ăn chơi-tối đến điện đóm sáng choang-ồn ào và bát nháo cạnh khu vực tôn nghiêm là TGM và Nhà thờ Chính Tòa. «Thế nhưng thời gian qua đi, chuyện vẫn dậm chân tại chỗ. Tệ hơn, từ tối 12.12, chúng tôi thấy có bắt đầu tập kết phương tiện. Từ sáng 13.12 chúng tôi thấy người ta bắt đầu ngang nhiên dỡ mái Toà Khâm sứ. Công việc đang tiếp tục đến nay là ngày 18.12. Chúng tôi chẳng biết cơ quan nào. Hỏi bảo vệ thì các anh nói không biết. Đến hôm 15 nghe thư của Đức Tổng Giám Mục Hà Nội, mới biết họ định dùng làm ngân hàng. Trong khi khoảng sân rộng phía trước Toà Khâm Sứ, người ta đã cho siêu thị điện máy Nguyễn Kim nằm ở phố Tràng Thi gần đó thuê làm bãi giữ xe. Nhưng sân rộng cỏ tốt chiều chiều người, trẻ và chó vẫn vào chơi. Buổi sáng cũng như chiều có người còn dắt chó vào “ị” ở khu vực sân xa xa giáp tường. «Xin nói thêm, trong những năm gần đây, một cách chính thức, ngoài Giáo xứ Cửa Bắc và Thượng Thuỵ có đòi được một chút nhà đất, còn lại các chỗ khác như Toà Giám Mục, Nhà thờ Đa Minh, Nhà thờ Sainte Marie, Giáo xứ Hàm Long, Giáo xứ Thái Hà-DCCT, Giáo xứ Hàng Bột vẫn chưa đòi được tý nào. Có chỗ còn tiếp tục bị mất thêm do giới công quyền lạm dụng chức vụ chiếm dụng và hợp thức hoá trái phép.
«Chúng tôi đi qua đi lại khu vực Toà Giám Mục khá thường xuyên. Chúng tôi cảm thấy bị xỉ nhục lắm rồi! Vì nơi thánh mà bây giờ lâm cảnh “Heo rừng vào phá phách-dã thú gặm tan hoang”! Chúng tôi cảm thấy sốt ruột lắm rồi! Hãy chờ xem sự thể vụ chiếm dụng Toà Khâm sứ này diễn ra thế nào và kết cục ra sao!» (trích bản tin Thành Tâm, Hà Nội 18.12.2007)
*«Trong lúc cả Giáo hội Việt Nam thắp nến đòi công lý tại Toà Khâm sứ, số 40 A phố Nhà Chung, Hà Nội; trong lúc Chính quyền đang có những cam kết trả lại khu vực Toà Khâm sứ, thì ngay lúc này, Chính quyền Cộng sản cử hàng trăm cán bộ, an ninh, công an 113, thanh tra xây dựng, dân phòng... làm hàng rào bảo vệ cho Công ty Cổ phần May Chiến thắng xây dựng trái phép trên khu đất của giáo xứ chúng con. Bên cạnh đó, họ còn thiết lập một hàng rào giây thép gai, được gia cố bằng một lưới thép B40. Khi giáo dân của giáo xứ đến, cán bộ, công an, dân quân đồng loạt trấn áp, đe doạ bỏ tù... khiến giáo dân Thái hà chúng con bức xúc cao độ về sự vi phạm trắng trợn này » (trích « tiếng kêu khẩn cấp từ giáo xứ Thái Hà Đống Đa, Hà nội – giáo dân xứ Thái Hà »)
- giai đoạn hai : ●Về phía GHCG : Để đối phó, tòa TGMHN và ban quản hạt GXTH đã: a) kêu gọi giáo dân cầu nguyện trong an bình và rất ư trật tự tại TKS và GXTH. b) tiếp cận trong ôn hòa và lễ độ NCQCS địa phương bằng văn thư và những cuộc thăm viếng chúc tết. c) kêu gọi tín hữu ở xa cách hiện trường trong nước và ngoài nước hiệp thông cầu nguyện và hổ trợ truyền thông. *«Một lối ứng xử chưa từng có trong lịch sử Giáo phận Hà Nội. Hàng nghìn người có mặt tại Toà Khâm Sứ trong đêm. Thắp nến hát thánh ca cầu nguyện đòi công lý. « Lời Kinh Hoà Bình của ca đoàn tổng hợp trong đêm Hát lên mừng Chúa vừa dứt trong tiếng vỗ tay, thì tiếng một cha nào đó vang lên trên hệ thống tăng âm có vẻ vừa ngọt ngào và hiền hoà, vừa nghiêm trọng và quyết liệt. Ngài nói đến việc đòi đất Toà Khâm Sứ theo nội dung của bức thư chung của Đức Tổng Giám Mục gửi cộng đồng dân Chúa ngày 15.12 vừa qua. «Lúc đó là 22 giờ 6 phút. «Kết thúc ngài nói: “Để các cấp chính quyền sớm giải quyết đúng với mục tiêu công bằng, văn minh, trên đường ra về, chúng ta hãy hướng về Toà Khâm Sứ. Xin tất cả hãy đi hàng đôi hướng về Toà Khâm sứ và đọc kinh cầu nguyện.”- Tôi đang mải chạy cho nên nhớ không chắc đúng từng từ. «Tức thì tôi thấy một đoàn rước đông đảo. Thánh giá nến cao đi đầu. Theo sau là một đoàn người đông đảo. Khoảng hơn 2000 người. Có linh mục, tu sĩ, chủng sinh, giáo dân. Trong và ngoài giáo phận. Cả cán bộ nữa có lẽ. Vì vừa có buổi trình diễn thánh ca và khách tham dự thuộc nhiều đối tượng và đến từ nhiều giáo phận Miền Bắc. Tất cả trong trang phục lễ hội. Từ sân Đại Chủng viện đoàn người đi qua khu vực Toà Giám Mục tiến thẳng sang sân Toà Khâm sứ, nơi đang bị chiếm dụng bất công và bất hợp pháp từ gần nửa thế kỷ nay. » (trích bản tin «Hà nội thắp nến đòi công lý»,Thành Tâm) *«Tối nay, vào lúc 19giờ30, sau thánh lễ, khoảng hơn 3000 giáo dân giáo xứ Thái Hà đã tiếp tục thắp nến đòi công lý, tại khu đất mà sáng nay Chính quyền Cộng sản dàn quân hỗ trợ cho Công ty Cổ phần May Chiến Thắng xây dựng trái phép trên khu đất của Dòng Chúa Cứu Thế. «Chúng tôi nhận thấy giáo dân Thái Hà trên cả tuyệt vời, một lòng một ý, một niềm tin tưởng sắt son vào tình thương Chúa cao vời. «Cũng nên biết, chiều nay, hơn 1000 em thiếu nhi đã sang tận khu đất để dâng lời cầu nguyện cho Nhà Dòng. Lời kinh hoà bình vang lên từ đôi môi trẻ thơ mới thấy đẹp và xúc động dường nào. Tôi không biết những vị công an hiện diện ở đấy nghĩ gì, chỉ biết rằng một chiến sĩ công an đã thuê một người bán báo dạo 50.000 đồng, để người này, quay loa về phía các em, mở hết công xuất các bài hát ca ngợi Đảng và Bác. Thật đau xót dường nào. Một cách hành xử thiếu yêu mến vị lãnh đạo đáng kính Hồ Chí Minh. Chắc các chiến sĩ công an nghĩ rằng, các em thiếu nhi, suốt bao năm qua, trong nhà trường, đã bị bắt học cho thuộc những bài hát này, nên muốn dùng các bài hát ấy gây nhiễu lời cầu nguyện của các em. Nhưng, họ đã lầm. Thay vì, bị quấy nhiễu; thay vì lời kinh bị ngắt quãng, các bài hát ấy vô tình lại làm cho các cháu thiếu nhi được thêm sức mạnh. Vì lòng yêu mến bác Hồ, các em càng ra sức cầu nguyện.» (trích bản tin » Hà Nội, đêm 6/1/2008 , An Dân »)
●Về phía NCQCS : Nhanh như chớp, NCQCS đã nổ « súng hạng nặng» sau đây : a) gửi văn thư cáo buộc nhiều thứ tội tòa TGM và GXTH. b) ra lệnh cho báo chí, đài truyền hình nhà nước xuyên tạc bôi nhọ không gớm miệng gớm tay. c) thả các lực lượng công an nổi chìm trấn áp tại hiện trường với máy quay phim, lời dọa nạt… *«Những người tham gia cầu nguyện đòi đất, có một số đã bị áp lực trực tiếp hay gián tiếp. Một số học sinh đi học ở trường bị một số bạn nói rằng nếu bạn cứ đi cầu nguyện ở bên khu đất Nhà Thờ thì sẽ bị đuổi học. Một số cô giáo nói rằng các em học sinh cứ đi cầu nguyện thế thì sẽ học dốt. Một số Giáo Dân phục vụ đắc lực thì bị de doạ đến chức vụ và công ăn việc làm ở cơ quan. «Một số anh chị em xa quê đi cầu nguyện bị chủ nhà cấm cản và bị đe doạ đuổi khỏi nhà trọ. Nghe nói là họ bị tổ trưởng dân phố và Công An khu vực đến làm việc. Tuy nhiên, khi cha Giám Tỉnh và Cha Phó Giám Tỉnh truyền cho Giáo Xứ chúng con mở cửa nhà nguyện Giêrađô để đón tiếp những anh chị em này trong trường hợp bị chủ nhà đuổi không cho tạm trú vì áp lực của Công An hay tổ dân phố, thì các anh chị em này không sợ nữa. Họ tiếp tục đi ngủ đêm tại hiện trường, vì thấy mình được bảo vệ và nâng đỡ. » (trích «báo cáo của giáo xứ Thái Hà-Hà nội 23.1.2007 », lm. Giuse Trịnh Ngọc Hiên,bề trên chính xứ) * Cổng Toà Khâm Sứ nay đã được bảo vệ mở sẵn. Ai tinh mắt thì thấy các bảo vệ hôm nay đội mũ đeo băng đỏ trông rất lịch sự, khác hẳn mọi ngày. Hình như họ mặc đẹp hơn để cùng mừng lễ Chúa Giáng Sinh với giáo dân? Chúng tôi không nghĩ vậy. Vì chúng tôi thấy các nhân viên bảo vệ hôm nay không phải là các anh bảo vệ hằng ngày của cơ quan dịch vụ đang chiếm dụng tại đây. Thực chất các nhân viên bảo vệ trong đồng phục lịch sự hôm nay là các nhân viên an ninh. Họ cho mấy người đứng sẵn với máy quay phim và chụp hình trong tay để tiếp đoàn cầu nguyện của các linh mục tu sĩ và giáo dân. Chắc chắn là để “nghiên cứu” các đối tượng tham gia và để tiếp tục tìm các biện pháp trấn áp tinh thần các cá nhân. » (trích bản tin « toà Khâm sứ Hà Nội ngày 25.12.2007 » -nhóm pv vietcatholic ) Yếu tố quyết định đã đưa đến chỗ có sự giải quyết tạm ổn hai vụ này là sự quyết tâm và lòng dũng cảm của giáo dân dựng lều trên hiện trường, thay phiên nhau cầu nguyện, canh thức, ngủ đêm trong thời tiết lạnh buốt. Họ thực thi tình huynh đệ không những giữa họ mà cả với cán bộ CS. Tuy căng thẳng lo sợ nhưng họ cũng có những giây phút chuyện vãn dí dỏm vui tươi. Họ phải đương đầu với trấn áp như thế kéo dài suốt bốn mươi ngày đêm. - giai đoạn ba : Sự hoạt động ngoại giao của Tòa Thánh VATICANÔ đã đưa đến kết quả tốt đẹp vào những ngày cuối tháng 01.2008 vì cụ thể là đã đạt được sự thoả hiệp với NCQCS trung ương là hai bên đều trở về « vị trí» cũ như trước khi có sự gia tăng trong công tài sản của GHCG. Ngoài ra cũng có sự hứa hẹn rằng NCQCS sẽ trả lại tài sản đất đai cho GHCG VN. Giáo dân tháo gỡ lều bạt, trở về với cuộc sống thường nhật như bất cứ công dân nào khác, tuân theo mong muốn của hàng giáo phầm và chắc hẳn về phía NCQCS Hà nội cũng đã tháo gỡ những gì đã mới xây thêm lên. *«Hơn bốn mươi ngày qua chúng ta đã sống một lễ Hiện Xuống mới. Mọi người đồng tâm nhất trí với nhau, chuyên tâm cầu nguyện và hăng hái rao giảng Tin mừng hòa bình, bất chấp những khó khăn gian khổ, tạo nên một bầu khí hiệp thông rộng lớn không chỉ trong tổng giáo phận mà còn khắp nơi trên thế giới. Chưa bao giờ lòng yêu mến Chúa, yêu mến Giáo hội dâng cao như thế. Chưa bao giờ tình cảm gắn bó giữa chủ chăn và đoàn chiên chặt chẽ đến thế. Chưa bao giờ tình bác ái huynh đệ chan hòa nồng nàn đến thế. Chưa bao giờ lời cầu nguyện chung cho lợi ích của Giáo hội tha thiết đến thế. Thật là một hồng ân lớn lao Chúa ban cho chúng ta. Tôi không ngừng tạ ơn Chúa và cám ơn anh chị em về hồng ân cao quí này. «Nhờ lời cầu nguyện tha thiết của anh chị em, công việc đã có kết qủa. Sau những căng thẳng, đã có đối thoại giữa Tòa Tổng Giám mục và Hội đồng Giám mục Việt nam với các vị lãnh đạo cao cấp của Nhà Nước để đi đến một giải pháp tốt đẹp. Giải pháp này sẽ thực hiện qua những bước cụ thể trong tôn trọng lẫn nhau theo ý kiến của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh. Bước đầu tiên vừa hoàn thành đó là dịch vụ kinh doanh đóng cửa quán phở, giáo dân tháo gỡ lều bạt và cung nghinh thánh giá về. Bước đầu tiên này cũng phù hợp vì hiện nay trời rất lạnh và anh chị em phải chuẩn bị đón Tết. Tôi không đành lòng nhìn thấy anh chị em phải lạnh giá giữa trời mùa đông rét mướt. » (trích « thư của tòa Tổng Giám Mục Hà Nội » đề ngày 01 tháng 02 năm 2008 ).
Ý nghĩa của biến cố “thắp nến cầu nguyện cho công lý và hòa bình” _______________________________ Sau đây là một cuộc đối thoại viễn tưởng giữa một người ngoài Công giáo (phóng viên -pv) và một người CG thường (NgCGth). Tuy nhiên, những ý nghĩ trình bầy ở đây là xuất phát tự tâm can người viết.
Pv. Câu hỏi mở đầu của tôi có tính cách tổng quát. Tại sao tôn giáo cũng cần có tài sản ? NgCGth. Thì cũng như anh. Để hành nghề nhà báo, viết lách, anh cũng cần có cái nhà để ở, nơi ngủ nghỉ, ăn uống, bàn để viết… Chưa nói đến nếu anh có gia đình… Pv. Thế nhưng địa hạt của tôn giáo còn xa hơn cả văn hóa, chỉ nhằm tâm linh ? NgCGth. Sứ mệnh của GHCG là phục vụ xã hội nhân loại trong việc rao giảng niềm vui được biết Thiên Chúa và trong việc giảm bớt khổ đau của con người. Để hoàn thành sứ mệnh đó, GHCG cần có những phương tiện thể chất là tài sản làm nơi thờ tự, làm cơ sở cho các sinh hoạt xã hội, văn hóa, giáo dục, tôn giáo. Nhưng điều quan trọng hơn nữa là phải nhìn ra tầm kích tâm linh và tôn giáo của những cơ sở đó. Anh thử tưởng tượng một xóm làng mà không có lấy một ngôi nhà thờ, hay một mái chùa, hay một ngôi đình. Huống chi là một thành phố lớn, một thủ đô. Bao nhiêu người trên thế giới, vì nhu cầu tâm linh và tôn giáo, đã phải bỏ ra chi phí cao để đi xa thăm viếng các thánh điện.
* « Nếu nói về quyền lợi, thì hiển nhiên các vị Giáo Sĩ và Tu Sĩ ở Hà Nội chẳng có mấy quyền lợi vật chất trong vụ việc này. Nếu chỉ có cá nhân các vị thì chẳng cần gì phải nhiều đất, mỗi người vài mét vuông cũng đủ, Giáo dân cũng chẳng có quyền lợi vật chất gì ở đây, họ chẳng sở hữu, chẳng kinh doanh, chẳng bán chác cái gì cả. Ở đây họ chỉ tha thiết với những giá trị tinh thần và tâm linh là những thứ mà xã hội đã quá nhiều lần coi nhẹ, đã lãng quên quá nhiều, nhưng ngày nay đang rõ là cái cộng đồng đang thiếu và đang cần. Và họ đã nồng nhiệt và cảm thấy như được cởi trói đến vậy, vì tâm linh của họ đã bị dồn nén quá lâu. » ( trích « Nghĩ về chuyện tòa Khâm sứ », lm. Vũ Khởi Phụng, DCCT Sài- gòn 28.1.2008 )
Pv. Những tài sản đó đã bị NCQCS chiếm dụng đã từ hơn nửa thế kỷ, trường hợp ngoài Bắc. Tại sao bây giờ mới khởi xướng phong trào đòi đất ? NgCGth.Đây không phải là một phong trào, chỉ là một việc làm thiết thực, pháp lý, dể chu toàn nhiệm vụ bảo toàn những phương tiện thể chất hầu phục vụ mọi người, mọi thế hệ, CG hay không, trong những khát vọng chân chính của con người. Việc đòi NCQCS trả lại đất đã diễn ra đã rất từ lâu, nhất là về mặt giấy tờ và vận động với các cơ quan hữu trách. Pv. Nhưng chỉ bây giờ mới thấy công khai xuống đường cầu nguyện ? Tại sao ? NgCGth. Những vị chủ chăn trong GH có trách nhiệm nặng nề không những lo cuộc sống tâm linh mà còn phải bảo vệ mạng sống cho đoàn chiên. Khi CS đằng đằng sát khí, sự trấn áp hết sức khắt khe, thì không thể tổ chức cầu nguyện dù là cách hòa bình như trong hai vụ này. Pv.Như vậy tình hình quan hệ giữa GH và NCQCS đã có phần dễ chịu hơn ? NgCGth. Có thể là như thế, hy vọng là như thế ! Pv.Theo anh thì đâu là những yếu tố khiến NCQCS không còn chủ trương đàn áp khắt khe lộ liễu tôn giáo ? NgCGth. Điều này thì ai cũng biết, NCQCSVN vì lý do kinh tế đã phải chấp nhận « chơi » với cộng đồng quốc tế
là những nước dân chủ tự do đích thực, nên họ cũng cần trưng ra một hình ảnh đẹp về mình. Pv.Ngoài sự kiện là đã có sự tiến triển về phía NCQCSVN, anh có thấy yếu tố nào khác không khiến GHCG có phần « quyết liệt » như qua hai vụ này ? NgCGth. Theo nhận xét chủ quan của tôi, thì GHCG đang rất băn khoăn cho tương lai đất Việt, vì giai đoạn kinh tế thị trường hiện nay, -tiếp theo hai giai đoạn chuyên chính vô sản và kinh tế kế hoạch,- đang diễn ra cách thiếu tổ chức, thiếu phương hướng nhân bản, thiếu nền tảng đạo lý, đem đến bao sự đảo điên trong xã hội với hậu quả là những ai « thích nghi » được thì có nếp sống vật chất dễ chịu, còn những ai không thích nghi được thì đành nằm chết trong cơ cực. Chưa nói đến nguy cơ lao mình vào một chủ trương sống chỉ để hưởng thụ, hưởng thụ tối đa và vội vã, đang đe dọa các thế hệ trẻ. Pv. Vì thế GH cần trở nên năng động hơn ? NgCGth. Đúng thế ! Và đòi hỏi NCQCS phải chấp nhận trở nên nghiêm túc hơn, để GH có thể làm việc phục vụ đồng bào. *« Tin tức về vụ Tòa Khâm Sứ ở Hà Nội hai hôm nay dồn dập truyền về. Chúng tôi ở Sài-gòn cũng nhấp nhổm không yên về những diễn biến ở thủ đô. Giờ này Công Đoàn Dân Chúa Hà Nội đang ở vào thế dầu sôi lửa bỏng. Chúng tôi ở xa hiện trường, không thể chứng kiến tận mắt để tường thuật với bạn đọc Ephata những sự việc lạ lùng này, Chỉ xin chia sẻ vài cảm nghĩ. « Những gì đang diễn ra ở Tòa Khâm Sứ ( và ở Thái Hà, ở Hà Đông v.v... ) là hệ quả của quá trình Cách Mạng. Nhìn lại lịch sử các cuộc Đại Cách Mạng, như Cách Mạng Pháp ( 1789 ), Cách Mạng Nga và Liên sô ( 1917 về sau... ), Cách Mạng Trung Quốc ( 1949... ) thì thấy đều đi qua ba giai đoạn: một giai đoạn đầu phá hủy những cái cũ, tiếp đó là một giai đoạn gian nan và bề bộn để cho một xã hội khác trước thành hình, rồi sớm hay muộn, xã hội mới này bắt đầu đi vào giai đoạn phải xây dựng là chính, thì sẽ nhận ra rằng những điều trước đây đã phá hủy không phải điều nào cũng xấu, cũng có hại, trái lại, có những điều tốt, và có ích cho cuộc sống, nhưng vào giai đoạn phá hủy, người ta đã không phân biệt, khi đó sẽ phải tìm cách gây dựng lại những gì đã bị đả phá một cách oan uổng. « Mao Trạch Đông từng nói rằng Cách Mạng không phải là một cái gì tế nhị lịch sự như một bữa tiệc sang trọng. Cho nên cả ba giai đoạn đó đều để lại cho cá nhân và xã hội nhiều trăn trở quằn quại mới đạt được mục đích mình nhắm tới. Ở nước ta, phải chăng giai đoạn đả phá mang tên là “chuyên chính vô sản”, và giai đoạn xây dựng, trong đó có việc phục hồi nhiều giá trị đã mất, ngày nay kết tinh trong khẩu hiệy xây dựng xã hội “công bằng, dân chủ, văn minh”. « Thân phận của các cộng đồng tôn giáo trong quá trình Cách Mạng cũng đi qua ba giai đoạn đó. Cũng như ngày xưa chúng ta cải cách ruộng đất, rồi bao cấp, rồi bây giờ lại kinh tế thị trường nhiều thành phần. Cũng như ngày xưa kịch liệt phê bình Khổng Tử rồi bây giờ dựng lại Văn Miếu. Cũng như ngày xưa phá tán những di sản của dòng họ Nguyễn Tiên Điền rồi bây giờ xây đài kỷ niệm và bảo tàng Nguyễn Du v.v... « Vì có một thời “chuyên chính” nên Nhà Chung Hà Nội cứ nằm rạp trong cơn bão táp mà chịu mất Tòa Khâm Sứ. (….) « Cũng vậy, cha già Vũ Ngọc Bích, DCCT, đành chịu mất mảnh đất ngày nay là Xí Nghiệp May Chiến Thắng, để rồi cho đến ngày chết vẫn nhất mực không chịu nhận là mình đã dâng hiến bất cứ cái gì. Cứ nói trắng ra rằng đó là do “chuyên chính” thì mọi sự sẽ rõ ràng thôi ! « Ngày nay, qua giai đoạn chuyên chính rồi, thì người dân muốn lên tiếng, muốn tỏ thái độ. Và giai đoạn nào thì cũng có những quằn quại của nó. Giáo dân trong suốt thời gian dài yên lặng xót xa cho di sản thiêng liêng của cha ông, của tiền nhân trong Đức Tin. Nhưng những mảnh đất xưa kia là đối tượng của “chuyên chính” lại cũng thành những con gà đẻ trứng vàng cho những ai đó. « Có nghĩa là ba giai đoạn Cách Mạng ấy không chỉ là những giai đoạn trong tư tưởng, mà nó còn được quy ra tiền, ra lợi lộc. Cũng Đức Cha Nguyễn Văn Sang đã cho thấy rõ điều ấy khi ngài tường thuật lại những cố gắng làm trung gian của mình. Nói cho cùng thì sự tiền bạc và lợi lộc đang chi phối xã hội này thì ai cũng biết. » (lm. Vũ Khởi Phụng, cùng bài) Pv. Tôi muốn đề cập đến phía giáo dân. Một số giáo dân đã dự kiến có thể bị giết chết mà cứ dự các buổi cầu nguyện. Phải hiểu và gọi làm sao thái độ này ? NgCGth. Đây là đức dũng cảm bởi lòng tin, lòng mến. Pv. Nhưng nếu có ai cho đó là cuồng tín thì bạn trả lời làm sao ? NgCGth. Trong toàn thể giáo dân tham dự các buổi cầu nguyện cho công lý không một ai muốn chết, ngay đến các cụ già, ốm yếu cũng tươi vui . Tất cả họ đều là những người thường dân, chỉ mong được tự do làm công chuyện hàng ngày và giữ đạo, trong an bình và trật tự xã hội. Gỉa như muốn chết để được danh tiếng thì họ đã có rất nhiều dịp để làm chuyện này trong quá khứ. Đằng này họ chỉ cầu nguyện cách an bình, bất bạo động, và trong tình huynh đệ chẳng những giữa họ với nhau mà cả với những công an trấn áp họ. Lại nữa, lập tức ngay sau khi đức TGM kêu gọi ngừng, họ lập tức rút lui , trở về cuộc sống thường nhật, y như mọi thường dân khác. * « 17 giờ chiều ngày 27 tháng 1 năm 2008, đến hạn cuối cùng mà chính quyền thành phố Hà Nội đưa ra "ra lệnh" Tòa Tổng Giám Mục và Giáo Dân thực hiện việc giải tán hoàn toàn khỏi khu "42 Nhà Chung". Tuy nhiên, càng tới giờ có lệnh đó, dân chúng càng tới nhiều hơn, dù ai cũng biết rằng chính quyền có thể đàn áp, bắt bớ, tra tấn và hành tội mình có "hành vị phạm luật vì đã cầu nguyện ở Tòa Khâm Sứ". « Đã có khoảng trên 3.000 Giáo Dân tụ họp nơi đây hôm nay. Họ một lòng cương quyết, một ý chí sắt son. Đó là câu trả lời cho những đe dọa của bạo quyền, của những con người có đầy đủ súng ống và quyền lực trong tay với một cách hành sử bất công và dối trá ! « Giáo Dân và Tu Sĩ đã cầu nguyện rất sốt sắng trong khuôn viên đất Tòa Khâm Sứ. Ai cũng sẵn sàng cho một sự kiện lớn có thể sẽ xảy ra, hay một vụ đàn áp của chính quyền như họ đã đe dọa... « Giáo Dân và các Nữ Tu tạo thành một vòng tròn quanh Thánh Giá và Đức Mẹ để cầu nguyện. Họ nói: "Chúng tôi tiếp tục cầu nguyện và chúng tôi sẵn sàng để đối phó trong hòa bình với mọi diễn biến phức tạp có thể xảy ra, hôm nay, ngày mai, bất cứ khi nào, ngay cả sau khi bị đàn áp, và có thể bị giết chết... con cháu chúnng tôi cũng sẽ lại tới đây để cầu nguyện tiếp. Không thế lực nào, không cường quyền nào có thể đè bẹp được Đức Tin của chúng tôi đâu !" ( ... ) (Trích tin VietCatholic, Hà Nội 27.1.2008, blog Kinh Hoa Binh) *« Có giây phút hi hữu xẩy ra như sau và chúng tôi quan sát được: Một nhân viên an ninh chụp ảnh một bà già tuổi cỡ 80 đang ngồi chung với mấy bà khác. Bà cụ già liền móc tay vào hào bao trong quần, tưởng gì chứ bà rút ngay ra một cái điện thoại nhỏ, bà nói ngay: “Anh cứ chụp, anh tưởng anh chụp tôi mà tôi không biết chụp anh à!” Nói rồi bà lấy điện thoại ra giơ lên và chụp lại ngay anh nhân viên an ninh đó. « Nhóm các bà đó khoái chí cười hanh hách. Bà khác nói, "Sao bà lại có cái điện thoại tinh vi như vậy?". Tôi nghe được câu trả lời của bà cụ như sau: "Thì thằng cháu tôi tối ngày hôm qua nó dặn dò tôi kĩ lắm là nếu hôm nay có ra ngoài bên khu đất đó nếu có ai động tĩnh gì thì chụp mấy tấm hình để giữ lấy làm bằng chứng... Thế là sáng hôm nay nó bắt tôi bấm lên bấm xuống mãi cái máy nhỏ này. May mà sau cùng tôi cũng nhấn đúng nút, mãi rồi cũng phải quen, nó mới tha cho đó, bà ơi" ( trích bản tin « Mình cầu nguyện ở đây tới khi nào thế chị ? », Nguyễn Lăng Chính, 9.1.2008) Pv. Làm sao giải thích thái độ răm rắp vâng lời cấp trên của giáo dân ? NgCGth. Hiệp thông ! Có sự hiệp thông. Chủ chiên thì chu toàn nhiệm vụ lãnh đạo, sẵn sàng hy sinh ngay đến tính mạng vì ràn chiên, còn tín hữu vì cảm mến chủ chiên mà tùng phục. Cũng như trong một gia đình, nếu có sự trên thuận dưới hòa, thì con cái vâng lời bố mẹ là một sự không khó lắm. Pv. Một số người gán cho hai vụ này một tầm vóc lịch sử. Anh có đồng ý như vậy không ? NgCGth. Tôi cũng chỉ mong muốn thế. Tuy nhiên, theo tôi còn tùy thuộc thái độ của NCQCS trong những ngày tháng tới. Nếu họ thực tình quan tâm đến việc trao trả lại tài sản cho dân, cho các cộng đồng tôn giáo, hầu huy động mọi nhân lực cải thiện xã hội thì hai vụ này quả là hai cánh cửa mở ra cho một chặng đường mới cho dân Việt. Pv. Anh tiên đoán gì ? NgCGth. Tôi không có tài tiên tri. Chỉ nguyện ước sao cho tình hình bên nhà ngày càng sáng sủa hơn. Pv. Bằng cách nào, về phía người Việt hải ngoại ? NgCGth. Ồ, tôi nghĩ bất cứ ai quan tâm đến vận mệnh nước Việt cũng có một câu trả lời cho câu hỏi này. Pv. Riêng các anh phía CG sẽ gia tăng cầu nguyện ? NgCGth. Chính thế ! Cầu nguyện và hổ trợ vật chất, văn hóa, truyền thông. Chẳng hạn ! Pv.Xin cám ơn anh và hẹn một dịp khác. NgCGth. Xin cám ơn anh. người CG thường soạn thảo xong ngày đầu xuân Mậu Tý ______________________________________________
(Tôi đã có thể soạn thảo để trình bầy sơ lược biến cố « thắp nến cầu nguyện cho công lý và hòa bình » và bầy tỏ cảm nghĩ là nhờ tham khảo : - trang mạng DCCT Saigon, - Vietcatholic, - Blog Kinh Hoà Bình. Tiện đây, tôi cũng xin mạn phép các tác giả các bản tin, các bài viết, mà sử dụng các đoạn trích. Xin chân thành cảm tạ toàn thể quý vị. )
Cuộc đời còn lại bà Lan chỉ mong được về quê mở một một tiệm tạp hoá sống với bà con làng xóm. Nhưng khổ nỗi không ai bảo lãnh cho bà. Chỉ có một người anh trai ở quê nhưng quá nghèo không thể vào để đưa bà về được... Ông Đoàn Thanh Liêm, ở khu người già, Trung Tâm Bảo Trợ Xã Hội Chánh Phú Hòa, cho biết: “Hiện nay trung tâm chúng tôi có trên 100 cụ già đều bị thất lạc quê quán. Một số người không muốn trở về quê sống với con vì phải chịu cảnh là “người vô dụng, ăn bám” trong gia đình. Chính vì vậy họ thường khai những địa chỉ ma. Khi chúng tôi cho nhân viên đem thư, thậm chí về tận địa chỉ mà họ khai nhưng đều là giả mạo”. Cuộc sống của những người già nơi đây đang rất cần nhận được sự quan tâm chăm sóc của xã hội không chỉ vật chất mà cả tinh thần.
Khi các bác tài bỏ tay lái để… xuống đường Ngyễn Ngọc lan Chi
Pháp vốn nổi tiếng quán quân thế giới về… đình công, biểu tình với những đợt « xuống đường » qui tụ hàng triệu người như vào tháng 5 năm 1968 hay gần đây nhất là làn sóng chống điều luật lao động CPE vào tháng 3, tháng 4 năm 2006, từng làm chao đảo chiếc ghế quyền lực của cựu thủ tướng D.Villepin. Trong số các ngành thích « tay giương biểu ngữ, miệng hô khẩu hiệu » thì ngành giao thông công cộng thuộc vào hàng « top » và những lần họ rục rịch kéo nhau xuống đường, người dân xứ sở hình lục giác lại một phen khốn đốn…
1. Ngày của chờ đợi, chen lấn và kẹt xe ! Ngày 18.10.2007 vừa qua là một ngày rất… không bình thường đối với người Pháp : hoặc xin nghỉ phép hoặc bắt đầu một ngày làm việc từ rất sớm để có dịp thử thách lòng kiên nhẫn của mình. Từ trước đó vài ngày, các công đoàn ngành đường sắt và giao thông công cộng đã « đánh tiếng » : « Ngày 18.10, hoặc bạn ở lại nhà hoặc bạn sắm một đôi giày thật tốt để… đi bộ ». Toàn bộ 8 công đoàn của SNCF (Société nationale des chemins de fer français : Công ty đường sắt quốc gia), 6 trong tổng số 8 công đoàn của RATP (Régie autonome des transports parisiens : Công ty tự chủ giao thông tại Paris), cùng với các công đoàn của ngành năng lượng (điện, gaz) là những nhân tố chính của cuộc đình công, biểu tình ngày 18.10. Đây là những ngành nghề chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi dự luật cải cách « chế độ đặc biệt » do Bộ trưởng Bộ Lao động, Quan hệ Xã hội và Liên đới Xavier Bertrand vừa trình bày vào ngày 10.10. 73,5% nhân viên của SNCF, trong đó có 90% các bác tài đã đáp lại lời kêu gọi của các công đoàn. Một con số kỷ lục gây ảnh hưởng đến hơn 30 tỉnh thành của Pháp mà đặc biệt là Paris và các vùng ngoại ô. Theo thống kê hoạt động của RATP, trong năm 2006, mỗi ngày các phương tiện giao thông công cộng đã chuyên chở 10 triệu lượt hành khách tại Paris. Với hệ thống « chằng chịt » métro (tàu điện ngầm), xe bus, tramway (tàu điện) đi trong khu trung tâm thuộc quản lý của RATP cùng hệ thống tàu đi về phía ngoại ô thuộc SNCF, phần lớn người dân sống hoặc làm việc tại Paris đều xem các phương tiện giao thông công cộng là phương thức đi lại chính. Vì vậy, khi RATP và SNCF « sát cánh » cùng nhau để đình công thì Paris kẹt cứng !
Chưa đến mức làm cho toàn nước Pháp « tê liệt » suốt 3 tuần lễ như vào tháng 12.1995 trong đợt đình công toàn quốc của nhiều ngành (SNCF, RATP, bưu điện, giáo dục, kiểm soát không lưu…) chống lại dự luật về cải cách các chế độ xã hội của cựu Thủ tướng Alain Juppé, nhưng ngày 18.10 vừa qua đối với nhiều người dân Paris quả là « địa ngục giữa trần gian ». Khốn khổ nhất là những người sống ở ngoại ô nhưng làm việc tại Paris, từ nhà đến nơi làm việc cách nhau vài chục cây số. Các đường tàu RER chạy về phía ngoại ô hoặc hoàn toàn không có hoặc chạy với tần suất… 1/10, métro thường ngày giờ cao điểm cứ 1 phút có 1 chuyến nay thành nửa tiếng 1 chuyến, mà chỉ một số trong tổng số 14 đường métro tại Paris chịu hoạt động. Các chuyến tàu cao tốc TGV đi các tỉnh thành hoặc sang các nước lân cận cũng chỉ có 46 chuyến hoạt động so với 700 chuyến của những ngày khác! Chờ đợi mòn mỏi hàng giờ đồng hồ để rồi khi những chuyến tàu hiếm hoi xuất hiện, cầu quá tải so với cung, mọi người lại hè nhau chen lấn kiếm một chỗ « nhón » trên tàu. Paris vào giữa thu bắt đầu trở lạnh, nhưng nhiệt độ tại các nhà ga và trong các chuyến tàu « nóng » như một ngày hè tháng 7, nóng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Do đình công có thông báo trước nên trên mạng Internet, một số nhóm lại tổ chức… đi làm chung. 4, 5 người có chỗ làm gần nhau hoặc thuận tiện đường đi sẽ họp thành một nhóm, do một người trong số họ dùng xe của mình đưa tất cả « đi đến nơi về đến chốn ». Những người này có thể hoàn toàn chưa hề quen biết nhau trước, nhờ đình công mà có cơ hội… kết giao bạn bè. Tuy nhiên, những chuyến xe « liên đới » này cũng phải khởi hành từ rất sớm, khoảng 4, 5 giờ sáng (ngày làm việc ở Pháp thường bắt đầu từ 9 giờ) vì vào những ngày giao thông công cộng đình công, việc kẹt xe hàng trăm cây số xung quanh Paris là hết sức bình thường… May mắn nhất là những người sống không quá xa nơi làm việc của mình, đi bộ là thượng sách ! Dịch vụ Vélib’ (Vélo en libre-service : dịch vụ xe đạp tự do) của tòa Thị chính Paris mở từ giữa tháng 7 vào ngày đặc biệt này cũng trở nên quá tải. Muốn kiếm được xe và đảm bảo được một chỗ trả xe tại trạm gần nơi làm việc của mình, dậy sớm là một điều kiện không thể bỏ qua !
2. Cải cách « chế độ đặc biệt », nước cờ liều của Bộ trưởng Bertrand Không chỉ đình công, hơn 300.000 người trên toàn nước Pháp đã xuống đường ngày 18.10 để phản đối dự luật cải cách lại chế độ đặc biệt của Bộ trưởng Bertrand. Chế độ đặc biệt là những ưu đãi về việc hưu dưỡng dành cho một số ngành nghề được đánh giá là nặng nhọc như giao thông công cộng (SNCF, RATP), năng lượng (điện, gaz), sân khấu, hầm mỏ, hàng hải (các thủy thủ)… Có thể kể ra một số điểm chính : độ tuổi về hưu sớm hơn, trung bình 55 tuổi (sớm hơn 5 năm so với mức bình thường), đặc biệt nghề lái tàu được về hưu ở tuổi 50 ; thời gian trả thuế để hưởng mức lương hưu tối đa ngắn hơn (37,5 năm so với 40 năm) ; mức lương hưu được tính theo 6 tháng cuối (RATP), tháng cuối (các ngành năng lượng) nghĩa là rất lợi thế so với các công ty tư nhân (lương hưu tính theo mức lương trung bình của 25 năm)… Chế độ đặc biệt hiện ảnh hưởng đến 1,6 triệu người, trong đó có đến 1,1 triệu người về hưu và chỉ có 500.000 người hiện còn đang làm việc. Mất cân bằng như thế nên mỗi năm Nhà nước phải bù lỗ 5 tỷ euros (riêng cho SNCF là 2,8 tỷ euros). Một mặt khác, theo quan điểm của chính phủ, lý do tồn tại của « chế độ đặc biệt » đối với một số ngành hiện đã không còn phù hợp. Tiêu biểu là chế độ đặc biệt của ngành đường sắt ra đời từ năm 1909, khi ấy tàu chạy bằng than, phải thường xuyên hít thở bụi than độc hại và lao động tay chân nặng nhọc (bỏ than vào lò) nên tuổi thọ trung bình của các lái tàu vào thời điểm ấy chỉ được 51 tuổi. Đó là chuyện của một thế kỷ trước, Bộ trưởng Bertrand đã trình dự luật cải cách lại một số điểm của chế độ đặc biệt, chuyển độ tuổi về hưu thành 60 tuổi, thời gian đóng thuế cho việc hưu trí là 40 năm và mức lương hưu được tính tỷ lệ theo 6 tháng cuối cùng. Tuy nhiên, những công nhân hầm mỏ và các thủy thủ được ở ngoài « tầm phủ sóng » của điều khoản tăng thời gian đóng thuế lên 40 năm. Có thể nói đây là một nước cờ khá liều lĩnh của Bộ trưởng X.Bertrand vì những cải cách nhằm vào chế độ đặc biệt vốn « đụng chạm » đến ngành giao thông công cộng, ngành có khả năng làm « tê liệt » đất nước một khi họ đình công. Tuy nhiên, sự liều lĩnh của ông Bộ trưởng là có cơ sở vì ông được hậu thuẫn hoàn toàn của Thủ tướng F.Fillon và Tổng thống N.Sarkozy. Mặt khác, không như năm 1995, cuộc đình công và biểu tình lần này không được sự ủng hộ của đại đa số dân chúng vì người Pháp phần đông cũng cảm thấy những mặt bất cập của chế độ đặc biệt. Trong chương trình tranh cử Tổng thống vào tháng 5, Tổng thống Sarkozy có khẳng định việc cải cách chế độ đặc biệt một khi ông đắc cử và các cư tri vẫn bỏ phiếu cho ông. Ngày 18.10 đối với các công đoàn ngành giao thông công cộng được xem là thành công bước đầu, và nếu những buổi đàm phán sắp tới với Bộ trưởng Bertrand không đạt được kết quả như mong muốn, mùa thu năm nay của nước Pháp ắt hẳn không chỉ có lá vàng rơi…
Nguyễn Ngọc Lan Chi
Chuyện phiếm Đạo-đời:
“Anh đi về đâu mà bụi đường vương trên mái tóc” (Yn 4: 5-42) Trần Ngọc Mười Hai
Trong phiếm đạo đường dài, một số bạn đã thuật cho bần đạo nghe, rất nhiều truyện kể. Kể về mọi thứ chuyện trên đời. Từ chuyện trời trăng mây nuớc, lại bước sang chuyện nhà Đạo. Chuyện sống Đạo giữa đời. Và với đời. Có bạn còn cho rằng: sống Đạo bằng ngòi bút hoặc với vi âm, vi tính, có loa phóng thanh lớn nhỏ, có truyền hình, truyền thông... bao giờ cũng là chuyện ngon cơm dễ làm hơn là sống thực ở đời. Chí ít, là sống nghèo sống khổ. Bởi, lúc nào “cái khó cũng bó cái khôn”, sao sống Đạo? Để minh họa chuyện này, một đấng bậc thân quen trong thẩm quyền giáo phận, có kể lại cho nhóm người trẻ ngoan Đạo, chuyện “khó tin nhưng có thật” ở khu nhà ổ chuột đầy rác, sau đây: Cách đây không lâu, Caritas Úc Châu có gửi giấy mời linh mục có tên nghe rất quen là cha Chris đi Phi-luật tân chứng kiến công việc mà cơ quan này thực hiện với người nghèo, vào mùa chay. Vừa đặt chân đến thủ đô Ma-ni-la, cha Chris đã được các vị đồng đạo hỏi ngay là ngài có muốn sống thử vài ngày với giới nghèo được Caritas giúp đỡ, không? Cha chưa kịp trả lời, thì mọi người quyết định là cha nên ở lại khu nhà chuột ổ nọ ít nhất hai ngày, mới hiểu được thế nào là… sống Đạo. Điểm hẹn cho cha, là khu “lao động” có cái tên rất mộng mơ: “Núi đồi mù mịt”. Tuy gọi là núi, nhưng chốn núi non này thật ra cũng không cao và cũng chẳng mù mịt gì cho lắm. Thật sự, thì 30 năm về trước, đây là chốn núi đồi nồng nặc mùi xú uế, chốn đi về của mươi ngàn con người, sống gần như là chuột rúc. Vùng này trực thuộc Ma-ni-la, được dân con nội thành lên đây tống khứ đủ mọi thứ xú uế bùi nhùi, rất khó coi. Mịt mù là ảnh hình của lớp mây bụi mù lởn vởn bao quanh, cộng thêm với mầu xanh nhem nhúa của đám nhặng/ruồi và ong bày vỡ tổ, khiến khu đồi đã trọc lại càng khó coi vì là nơi hẹn hò của hợp chất khí - bụi, gây lợm giọng. Vòng quanh ba mặt của ngọn đồi, là đám dân con thị thành chui rúc để tồn tại. Họ sống bằng cơm thừa canh cặn do người dân thị thành phế thải. Cha Chris cũng nghe nhiều chuyện về ngọn đồi bất hủ này từ các viên chức làm trong cơ quan cứu trợ Caritas, ở đây. Nhưng cha chẳng bao giờ lại có thể tưởng tượng rằng một ngày nào đó cha đặt chân đến đây, không để chứng kiến cảnh nghèo và khó mà thôi; nhưng còn để sống cùng và sống với người nghèo, cạnh núi rác bẩn thỉu, dăm ba bữa. Tuy chưa đến tận nơi chứng kiến sự cùng cực của lớp nghèo thị thành, nhưng cha Chris cũng đã hình dung ra những đau thương chua xót, những nồng nặc cám cảnh của chốn chợ đời ấy. Nhất thứ, là khi thấy cảnh những người là người đang nhung nhúc chui vào đống rác rưởi để moi móc kiếm kế sinh nhai, thì cha Chris đã không còn tin vào mắt thịt của mình nữa. Kìa, cạnh nơi cao vút đầy rác rưởi cuồn cuộn xú uế khí lợm giọng,là giòng nước đen ngòm uốn khúc vòng quanh. Nước uống thì chỉ từ mấy “phông tên” công cộng, mà thôi. Dọc con lạch đen ngòm lấm bẩn kia, khách ngoại cuộc thấy có nhiều căn gác lộ thiên bằng phên thùng bằng tôn/giấy lẫn lộn. Nơi đây, người người lớn nhỏ vẫn cứ tìm đến để tắm gội hay tiêu tiện, rất lộ thiên. Trong lúc đó, chiếc xe ủi cứ thản nhiên làm công tác xúc hốt vật bỏ phế hàng ngày. Và, dân cư đua nhau chạy ùa theo xe bốc hốt, chụp giựt, quyết tìm ra những gì có thể mang về đổi chác thành tiền thành bạc, nuôi thân. Tổ ấm cơ ngơi của đám dân nghèo hèn được vội vã dựng lên bằng những chất liệu vụn vặt không thể chống chọi lại thời tiết cay nghiệt, mưa nắng hai mùa. Cha Chris đã gặp mặt một số linh mục Dòng Tên phụ trách xóm đạo ở chốn mù sương khó thở này. Các linh mục ở đây vẫn cố vận động với giới có thẩm quyền để họ ra quyết định bãi bỏ cảnh tượng thiếu tôn trọng phẩm cách con người này. Cụ chánh xứ đưa cha Chris đến thăm gia đình một giáo dân để cha nghỉ tạm qua ngày. Nhớ lại, hôm leo đồi trèo núi để ghé anh Bing Lu vào một buổi chiều còn nóng bức. Nơi nào cũng thấy lúc nhúc tòan bọn trẻ nhỏ. Cha Chris trộm nghĩ: sao bọn nhỏ ở đây lại có thể đen đuốc bần thỉu, đến như thế. Sao chúng vẫn có thể nô đùa chạy nhảy suốt ngày, mà chẳng được học hành gì cả? Nghĩ tới đó, tâm can cha như quặn thắt . Bụng dạ lại cồn cào, muốn ói mửa. Đến nhà anh Bing Lu, cha thấy khác hẳn. Dù nghèo, nhưng nhà của anh gọn gàng. Ngăn nắp. Anh tiếp cha bằng cả tấm lòng như của người từng quen biết từ lâu. Thấy cha Chris có vẻ như ngứa ngáy vì bọn trẻ cứ xán lại bu quanh, rờ mó vào người cha. Anh Bing bèn kéo cha vào chỗ khuất người, đưa cho cha ly nước để uống cho đỡ cơn khát, xé cổ xé họng vào buổi trưa hè nóng bức. Cha Chris cảm thấy khó xử. Chưa biết có nên nhận lời uống ly nuớc chưa quen mùi vị, hay không. Làm sao để tỏ ra cha cũng biết san sẻ cảnh tình của người bần hàn? San và sẻ đến mức độ nào, đây? Dù khát đến khô họng, cha Chris định bụng từ chối. Tính là, để khi về nhà xứ sẽ dùng nước có đóng khằn trong chai. Cũng may lúc ấy, người con của anh trở ra đem cho cha một chai nước có nắp khóen. Thấy chai nước có thể uống được, cha nhận lời cầm lấy. Anh Bing lại đi tìm ly nhựa định rót ra cho cha. Nhưng cha định thần một lúc rồi cứ thế tu chai như hồi còn nhỏ. Trong một khỏanh khắc không lâu, cha Chris thấy mình lúng túng, chợt liên tưởng đến tình huống được kể nơi Phúc Âm, khi Đức Chúa ghé khu làng người dân ngoại xứ Samari. Ngài cũng lúng túng như người phàm, khi xin nước.
Truyện kể về cha Chris thấy lúng túng khi ở vào hoàn cảnh sống gần sống với người nghèo, vẫn là chuyện của mỗi người, trong chúng ta. Lúng túng với người nghèo cùng phái, cùng Đạo là chuyện còn dễ. Lúng túng khi tiếp xúc hoặc chấp nhận ở gần người nghèo, người khác phái khác phận, hoặc người khách lạ, địch thù, dân ngoại vẫn là chuyện khó xử nhiều hơn chỉ là lúng túng. Nơi đời thường, vẫn có những tình huống khó xử, khi giao tiếp và sống với người hôi thối/nghèo hèn. Đây có thể là những tình huống khiến ta có những nhận định hấp tấp, sai sót. Sai sót, mỗi khi ta đến với người nghèo, dù chỉ lân la chuyện trò cho qua, vẫn không biết cách xử sự thế nào cho phải phép. Nói gì đến chuyện tìm cách giúp đỡ. Và hấp tấp trong đối xử, vẫn là dễ sai phạm. Nhất thứ là khi ta lại có những xem xét và phán đóan . Thậm chí, có khi còn bị mang tiếng là có thái độ kỳ thị, đầy thành kiến... Giao tiếp với người nghèo, đã là chuyện khó. Nếu lại bảo: sống giống như, sống cùng và sống với người nghèo hèn, càng là chuyện khó hơn. Khó gấp bội. Khó trăm bề. Khó không thể tả được. Và, một khi thấy khó, người người thường có thói quen dễ bỏ chạy. Bỏ và chạy, để không còn vướng bận nỗi gì. Vướng và bận, dù chỉ trong tâm tưởng, mà thôi. Tuy nhiên sẽ còn khó hơn, khi người người nhận được lời khẳng định từ Đức Chúa ở đọan khác, cũng trong Tin Mừng theo thánh Gio-an, Chúa có nói: “Thật vậy, người nghèo thì bên cạnh anh em, lúc nào cũng có…” (Yn 12: 8) Và, theo thánh Phao-lô, người nghèo nói chung chính là Ngài:
“Quả thật, anh chị em biết Đức Giê-su Kitô Chúa chúng ta, đã có lòng quảng đại như thế nào: Người vốn giàu sang phú quý, Nhưng đã tự trở nên nghèo khó vì anh chị em Để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh chị em trở nên giàu có.” (2Cr 8: 9)
Qua chuyện của linh mục Chris nghèo hèn công tác ở ở Ma-ni-la, hẳn người đọc cũng sẽ cảm thấy vững dạ: “Tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức Kitô: vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh.” (2Cr 12: 10)
Xem như thế, có thể nói được là khi bạn và tôi đã thấy mình nghèo và hèn đi, thì đó là lúc mình mạnh hơn, giàu hơn bao giờ hết. Bởi, chính vào khi mình trở nên nghèo và hèn hơn cả, là lúc Đức Giê-su Kitô đang ở với mình. Mà, đã có Chúa ở với mình, thì còn ai mạnh và giàu hơn nữa chứ? Kinh nghiệm này, thánh Phao-lô tông đồ đã từng trải. Và, cũng như thánh Phao-lô, bạn và tôi cũng sẽ trải qua những kinh nghiệm rất “người” và rất “nghèo” nhưng không hèn, diễn ra đều đặn trong hành trình sống. Tới đây, có lẽ ta sẽ tự hỏi: những người sống nghèo sống khổ như vậy, có dễ dàng thay đổi để sống vui sống mạnh hơn không? Để trả lời câu hỏi này, mời bạn và tôi, ta hãy đọc truyện kể bên dưới về lập trường của các em nhỏ, về cuộc đời. Về người đời:
Vào buổi vấn đáp bọn trò nhỏ hôm ấy, cô giáo đưa ra một đề tài khá hóc búa với trẻ em, mà bảo: các em hãy liệt kê cho cô một danh sách gồm những thứ mà các nghĩ chúng là kỳ quan trên thế giới. Tức là: 7 thứ đẹp nhất trên thế gian này.
Mặc dù trong đám học trò nhỏ, có nhiều điểm bất đồng trong chọn lựa, dưới đây là đôi ba danh sách do các trò nhỏ đưa ra, ngày hôm ấy. Danh sách “Bẩy kỳ quan thế giới”: 1. Kim Tự Tháp ở Ai Cập 2. Đền Taj Mahal ở Ấn Độ 3. Cảnh hùng vĩ Grand Canyon ở Mỹ 4. Kênh đào Panama 5. Tòa nhà Empire State ỏ Hoa Kỳ 6. Vương Cung Thánh Đường Thánh Phê-rô ở Rô-ma 7. Vạn Lý Trường Thành bên Trung Quốc
Trong lúc thu thập đề nghị của các em học sinh, cô giáo thấy có một em nắn nót chữ viết mãi chưa xong, cô bèn hỏi xem em có vấn đề gì không, mà sao lâu thế. Em liền đáp: -Cô chờ em thêm một phút nữa thôi, em đang liệt kê đây. Thật sự, có quá nhiều thứ em không đủ giấy để kể ra hết ở đây. Thôi em tóm tắt như thế này để cô xem nhé! Cô giáo nói tiếp: -Cứ nói cho cô biết em đếm được bao nhiêu rồi. Có thể cô và các bạn sẽ giúp em, ngay thôi. Người học trò nhỏ ngập ngừng trong khỏanh khắc, rồi nói: -Em nghĩ, Bẩy kỳ quan trên thế giới gồm có tất cả là: 1. Biết nhìn 2. Biết nghe 3. Biết sờ 4. Biết nếm 5. Biết ngã 6. Biết cười 7. Và biết yêu thương. Lúc ấy, bầu khí trong lớp học trở nên im ắng cách lạ lùng. Im đến độ, tiếng kim cúc rơi xuống đất cũng có thể nghe thấy được nữa. Những gì mà chúng ta nhìn lướt qua, không để ý vì nó đơn giản và bình thường và nhận lấy như quà tặng trời cho, thì thật sự là kỳ quan, đáng ta chiêm ngưỡng. Bởi, thật ra những gì cao và quý nhất trong đời người và đời mình, chẳng thể nào xây dựng bằng tay hoặc mua được bằng tiền của, thì chính đó là một kỳ quan.
Rất đúng! Và, kỳ quan chuyện phiếm hôm nay, chính là: biết được là mình đang sống, đang được hưởng 7 kỳ quan trên. Vì, giàu hay nghèo sẽ chẳng thành vấn đề, nhưng ta vẫn cứ được sống. Vẫn cứ trân trọng cuộc sống với các người anh, người chị đang cùng sống với mình. Dù trên “núi đồi mù mịt” đầy những xú uế, rác rưởi ấy hay ở chốn đền đài danh vọng chất chồng, những hôm nay. Ta cứ sống. Sống hùng. Sống mạnh. Sống vững chãi với người anh em đời thường, ở huyện. Huyện dân gian. Chốn thế trần. Trần Ngọc Mười Hai và những kỳ quan rất sống trong cuộc đời có những bụi đường vương trên mái tóc.
Tình bạn muôn thuở
______________________________________
Yến Tuyết
Hôm Thứ Bảy tuần trước, nắng ấm khiến tôi muốn ra ngoài làm vườn một chút. Những cây cỏ đang bắt đầu hồi sinh sau cái Mùa Ðông dài và lạnh lẽo vừa qua. Khi xới đất ở chỗ mấy bụi sả, cụm ớt mà mẹ tôi trồng khi bà còn sinh tiền, lòng tôi bỗng rưng rưng vì nhớ mẹ.
Nỗi thương nhớ ấy càng tăng thêm khi tôi nghĩ đến cuộc điện đàm tối hôm trước với cô em gái về một câu chuyện liên quan đến mẹ tôi và tình bạn.
Mẹ tôi có khá nhiều bạn bè, biết nhau từ những ngày còn trẻ ở Huế. Sau đó, gia đình tôi di chuyển vô Sài Gòn cư ngụ, một số bạn bè của ba mẹ tôi cũng dọn vào miền Nam nên họ lại tiếp tục gặp nhau và giữ mối dây liên lạc khá thân tình.
Ðến khi mẹ tôi qua Mỹ đoàn tụ với con cái, bà tìm gặp lại được những người bạn gái mà bà đã từng quen biết cả 60, 70 chục năm trời. Nhờ đó, cho dù ở San Diego hay khi nào lên thăm và ở lại nhà tôi tại Quận Cam, mẹ tôi vẫn vui vì có bạn bè chuyện trò để nhắc lại những kỷ niệm cũ, cùng đi chùa với nhau, hay đôi khi chỉ để gặp nhau, tỉ mỉ nấu nướng, sửa soạn một bữa ăn nhỏ để đãi bạn.
Tôi vẫn thường gọi những người bạn của mẹ tôi là dì, đó là một cách gọi thân mật của người Huế dành cho bạn gái của mẹ. Và dì N. là một người trong số bạn bè mà me tôi rất thương vì tính dì thật thà và hiền hậu; cộng thêm với cái tình bạn giữa hai người, bền bỉ và kéo dài mấy chục năm trải qua bao nhiêu biến đổi của đời sống, nên mẹ tôi càng quý dì N.
Dì N. cũng ở tuổi 90 như mẹ tôi nhưng chậm chạp và hay đau ốm hơn. Thế nên khi mẹ tôi mất đi lúc bà còn đi đứng thẳng thớm, nói cười hoạt bát và vẫn còn tươi tắn, dì N. rất bàng hoàng.
Hôm đến đưa đám tang mẹ tôi, dì N. cứ tần ngần đứng nhìn không muốn rời, tôi thấy dì chậm rãi lấy khăn tay lau nước mắt hoài. Cứ nhìn một cụ già khóc bạn, cảnh tượng đó vừa buồn mà cũng vừa dễ thương vô cùng.
Dì N. mặc dù ở Orange County nhưng hay được con cái đưa xuống San Diego thăm con trai lớn của dì ở đó. Khi mẹ tôi còn sống, dì N. vẫn thường đến thăm mẹ tôi và gần đây, mỗi lần giỗ mẹ tôi, dì đều nhớ đến tham dự. Lâu lắm, từ ngày mẹ tôi mất, dì N. mới ghé thăm cô em tôi ở San Diego hôm tuần trước.
Cô em tôi kể lại là dì N. thắp hương trước bàn thờ, rồi cứ bịn rịn đứng nhìn cái hình của mẹ tôi và nói chuyện như khi mẹ tôi còn sống: “Chị đó hả, tui đến thăm chị đây nì. Chị còn đẹp quá mà chị bỏ tui đi rồi. Không biết khi mô tui mới gặp chị đây?” Nghe cô em kể lại chuyện này tôi thương quá cái tình bạn thật là tuyệt vời của dì N. với mẹ tôi.
Tôi ao ước có được cái tình bạn muôn thuở như của mẹ tôi và dì N., được bạn mình thương và thương bạn. Ðược bạn hiểu mình và ngược lại.
Tôi đoán là bạn cũng nghĩ như tôi khi nhìn thấy sự cần thiết của việc trân quý tình bạn và những người bạn thân thiết mà mình đã may mắn có được trong đời sống. Nhất là cái tình bạn được thành hình từ những ngày còn trẻ và kéo dài cho đến ngay nay, khi tuổi chúng ta đang ở vào những ngày xế chiều.
Bạn có đồng ý là cho dù có thật nhiều tiền hay quyền uy đi nữa, người ta cũng không thể mua được tình bạn, phải không? Người bạn thân là một phần cái đời sống mà chúng ta có được ngày nay, là một mẩu hình (puzzle) trong cái tấm hình lắp ráp, tạo nên cái cuộc đời của một người. Thiếu nó, bức tranh cuộc đời sẽ không toàn bích được, bạn ạ.
Chúng ta cũng không cần có thật nhiều bạn bè. Ðôi khi chỉ có một, hai người bạn thân mà thôi cũng đầy đủ rồi. Nếu người ấy đem đến cho bạn một tình bạn bè bền vững với nhiều thương yêu, tha thứ, rộng lượng, hỗ trợ, thông cảm thì cuộc đời bạn cũng được đầy đủ và may mắn lắm lắm rồi! Hẹn bạn thư sau nhé. (Y.T.) Sơ yếu Lịch sử Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam (1925 – 2007)
Thuở ban đầu muôn đời ghi nhớ ấy: Năm 1923 đức Giám Mục Henri Lecroart, SJ, được Đức Thánh Cha Pio XI đặc phái sang bán đảo Đông Dương với tư cách Khâm Sai Kinh Lý. Trong bản báo cáo đệ trình Tòa Thánh, ngài đã nhấn mạnh đến sự cần thiết thành lập một tu viện thừa sai chuyên giảng đại phúc cho các họ đạo và giảng cấm phòng cho hàng tu sĩ. Theo ý kiến của các thành viên thuộc Thánh bộ Truyền Giáo, Đức Hồng Y Van Rossum, C.Ss.R, tổng trưởng Thánh bộ Truyền Giáo đã liên lạc với cha Patrick Murray, bề trên Tổng Quyền Dòng Chúa Cứu Thế (DCCT) để vận động DCCT đáp ứng nhu cầu nói trên. Không đày 10 ngày sau, trong văn thư đề ngày 19.11.1924, cha Patrick Murray đã phúc đáp Tỉnh Dòng Sainte-Anne-de-Beaupré, Canada, hân hoan chấp nhận trọng trách thiết lập DCCT tại Việt Nam. Và cũng chỉ sau gần một năm sửa soạn, ngày 14.10.1925, ba vị thừa sai tiên khởi đã rời quê hương Canada, trực chỉ Việt Nam hầu thực hiện nhiệm vụ cao cả. Đó là Linh mục Hubert Cousineau, Linh mục Eugène Larouche và Thày Thomas St-Pierre. Sau một tháng lênh đênh trên biển cả, ba vị đã đặt chân lên đất Thần Kinh và được Đức Giám Mục Allys niềm nở tiếp đón ngày 30.11.1925. Từ mốc thời gian này, DCCT đã chính thức hiện diện ở Việt Nam - và sở dĩ cố đô Huế đuợc chọn làm nôi sinh DCCT, tại vì địa điểm này nằm thuận lợi giữa trục giao thông Bắc - Nam. “Chroniques de la Famille Alphonsienne” (Ký tập Gia đình An-phong) của Tỉnh Dòng Sainte Anne de Beaupré đã ghi ngày 30.11.1925 là “Sinh Nhật” của Tỉnh DCCT tại Việt Nam.
DÒNG CHÚA CỨU THẾ HUẾ “Muôn sự khởi đầu nan”. Lời cổ nhân dạy quả thật chí lý. Thời gian đầu ba vị thừa sai đã phải tạm trú tại Nhà Chung, cạnh tòa Giám Mục. Tuy nhiên những vấn đề cam go nhất là ba vị vừa phải bắt tay ngay vào công việc thành lập Tu Viện, vừa phải tập làm quen với khí hậu, phong tục đồng thời học ngôn ngữ. Xây dựng cơ sở: Ngày 22.08.1926 (*), ba vị thừa sai di chuyển đến ở tạm trong dinh thự của cụ Đốc Alexis Đinh Doãn Sắc, một ngôi nhà rộng rãi nằm gần đường sắt, thuộc Phủ Cam. Năm sau, ngày 13.09 (*), Cộng Đoàn lâm thời mua được một thửa ruộng gần chợ An Cựu để rồi ngày 18.03.1928, Đức Cha Allys đã chủ lễ đặt viên đá đầu tiên xây cất Tu Viện. Gần một năm sau, ngôi nhà hai tầng kiên cố đã được khánh thành trọng thể và ngày 13.03.1929, Tòa Thánh ký văn kiện thành lập Tu Viện, tuy nhiên phải đợi tới ngày 25.03 cùng năm này, Cộng Đoàn Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp mới chính thức thành hình và Tu Viện cũng chính thức được thiết lập, do cha Hubert Cousineau làm Tập Sư. Hoa trái sớm nhất của Tu Viện là lễ Khấn Dòng đầu tiên ngày 08.12.1929. (**) Để đáp ứng sự phát triển của Cộng Đoàn, ngôi nhà nguyện 8 gian được khởi công xây cất từ ngày 03.01.1933 để rồi tới ngày 24.04 cùng năm, ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp được cung nghinh vào nguyện đường mới này. Và cũng từ thời điểm vừa kể, vào các ngày thứ bảy, giáo dân xa gần đến đây thực hiện việc tôn sùng Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Hoạt động tông đồ: Đồng thời với việc xây dựng cơ sở, các hoạt động tông đồ vẫn được thể hiện tích cực, điển hình là việc giảng cấm phòng cho các tu sĩ và giảng đại phúc cho Pháp kiều, giáo dân và cả cho đồng bào “bên lương”. Tuy nhiên đặc biệt hơn cả là chương trình L’Accueil do cha Patrice Gagné đề xướng từ ngày 06.08.1936, nhờ đó thư viện Accueil, hội trường (sau biến thành nhà máy cưa) Accueil cũng như năm 1944 tới lượt cư xá Nguyễn Trường Tộ, tất cả đã được xây cất hầu phục vụ tập thể, bất phân biệt tôn giáo, về lãnh vực giáo dục, văn hóa và xã hội… Đảm trách mục vụ giáo xứ: Ngày 20.05.1953, cha bề trên Tổng Quyền đã ký một văn kiện nhằm chuẩn y DCCT Huế lãnh thêm trách nhiệm coi sóc một giáo xứ. Do đó một hợp đồng chính thức đã được ký kết vào ngày 05.06.1954 giữa giáo phận Huế và DCCT Huế. Nhờ vậy một tân giáo xứ ra đời, mang tên Giáo Xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp.Từ đấy, bên cạnh việc đi giảng tĩnh tâm và đại phúc, nhà dòng còn đảm trách mục vụ giáo xứ. Khúc quanh lịch sử mới: Do biến cố 1975, cũng như mọi thành phần dân chúng của thành phố Huế, tu viện DCCT cũng chuyển mình theo khúc quanh lịch sử này. Không chỉ cơ sở mà cả nhân sự của tu viện cũng giảm thiểu tối đa. Vỏn vẹn còn lại có cha Nguyễn Đình Lành, bề trên - cha Hoàng Diệp, quản xứ - và thày Fidéli Thịnh. Việc tôn kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp vẫn đuợc tiếp tục, nhưng ngắn gọn. Công việc truyền giáo thu hẹp trong phạm vi nhà thờ. Mãi tới năm 1994, dòng Huế mới được tăng cường nhân sự với hai linh mục, hai thày và rồi thêm một thày phó tế. Năm 1997, bức tường bảo vệ tu viện và nhà thờ được tái thiết - 1999, thánh đường được khởi sự trùng tu. Các hoạt động tông đồ, mục vụ và đào tạo tu tập sinh phát triển dần dần trở lại… Nói tóm lại, tuy cũng thăng trầm theo vận nuớc, tu viện DCCT Huế vẫn giữ được những nét cổ kính, hiền hoà của thời “lối xưa xe ngựa hồn thu thảo”. (*) - Ngày 01.10.1926 (theo L.M. Lê Huy Bảng trong tài liệu “Vài nét đại cương Dòng CCT Việt Nam”) - Ngày 17.09.1927 (-id-) (**) - Xem phần riêng “Lịch sử Đệ Tử Viện”)
DÒNG CHÚA CỨU THẾ HÀ NỘI Những bước chân tiên phong: Chậm hơn Huế hơn 3 năm, tu viện DCCT Hà Nội được chính thức thành lập theo Giáo luật từ ngày 07.05.1929. Tuy nhiên trước thời điểm này, công cuộc xây dựng cũng đã phải trải qua nhiều giai đoạn quan trọng như sau: - Tuy đến Việt Nam mới được khoảng 2 tháng, các cha Hubert Cousineau và Eugène Larouche đã “phiêu lưu” ra tận miền Bắc để giảng phòng cho các linh mục ở Hà Nội, Phát Diệm và Hưng Hóa. Từ lúc này, các vị đã ước muốn thành lập một tu viện DCCT ở miền Bắc. Giữa năm 1926, cha Giám Tỉnh Thomas Pintal trong kỳ kinh lược đầu tiên ở Việt Nam cũng đồng ý cho xúc tiến chương trình với hai linh mục tiên khởi, cha Edmond Dione và cha Pamphile Couture. - Năm 1928, các cha mua được một khu đất thích hợp, rộng khoảng 6 héc-ta, thuộc ấp Thái Hà, nằm cạnh tuyến đường Hà Nội - Hà Đông. - Ngày 26.09.1928, cha Edmond Dione, bề trên Cộng Đoàn DCCT miền Bắc cùng cha Pamphile Couture và thày Eloi Trefflé Claveau về sống trong mấy căn nhà cũ trên miếng đất kể trên sau 2 năm tạm trú tại tòa Giám Mục Phát Diệm. Hoạt động: Song song với các công việc trên và trau dồi tiếng Việt, các cha vẫn giảng dạy cho các linh mục, nữ tu các dòng Carmel và dòng Saint Paul de Chartre và Pháp kiều tại Hà Nội, Phát Diệm và Hưng Hoá. - Ngày 12.09.1931, tòa nhà Tu Viện Thánh An Phong đã được khánh thành - và ngày cuối cùng của tháng 10 cùng năm này, Tập Viện được chuyển từ Huế về đây. - Năm 1935, Học Viện được thành lập. Số sinh viên Việt và Canada gia tăng nhanh chóng, do đó Phụ Tỉnh đã phải xây thêm một ngôi nhà mới ba tầng lầu. Công trình kiến trúc hoàn tất và được khánh thành trọng thể ngày 31.03.1939. - Cũng vào năm 1935, ngày 23 tháng 6, số đầu tiên nguyệt san Đúc Mẹ Hằng Cứu Giúp đã được phát hành. - Tuy nhiên một thời điểm quan trọng hơn nữa chính là ngày 05.11.1939 - ngày thành lập Giáo xứ Thánh An Phong hay xứ Thái Hà ấp. Chiến tranh: - Từ 1942 đến 1945, thời gian quân đội Nhật chiếm đóng Việt Nam, Tu Viện bị cô lập và mọi sinh hoạt gần như bị ngưng đọng. Hơn thế nữa, giữa năm 1945, Tu Viện còn lâm vào tình trạng hết sức khó khăn vì dịch bệnh, đói kém. Tuy vậy một số cha, số thày vẫn tích cực cứu giúp các nạn nhân ở các trại Thái Hà, Giáp Bát và bệnh viện Bạch Mai. - Từ 1946 đến 1954: Thế chiến chấm dứt, nhưng chiến tranh Pháp-Việt bùng nổ ở Hà Nội, sau lan rộng khắp Việt Nam. Ngày 07.12.1950, cha bề trên Giám Phụ Tỉnh quyết định di chuyển Nhà Tập và Học Viện vào miền Nam. Trong khi đó, Tu Viện tiếp tục sống trong cảnh khó khăn, nhưng công cuộc tông đồ của Tu Viện vẫn tiến triển khả dĩ cha Cras, O.P, trong cuộc tổng kết mục vụ của giáo phận Hà Nội năm 1947, đã xác nhận rằng giáo xứ Thái Hà có tổ chức tốt nhất và có nhiều sinh hoạt sống động nhất tại Hà Nội. - Cuộc di cư năm 1954: Sau khi hiệp định Genève được ký kết, toàn bộ quí cha, thày và đệ tử di chuyển vào Nam; chỉ còn lại 3 cha: Thomas Côté, Denis Paquette, Giuse (*) Vũ Ngọc Bích - và hai thày: Clémente Phạm văn Đạt và Marcel Nguyễn Tấn Văn. Tuy nhiên ngày 23.10.1958, cha Paquette bị chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà trục xuất - năm sau, tới lượt cha Côté. Thày Marcel Văn chết rũ tù ngày 09.07.1959 trên Yên Báy. Tới ngày 07.10.1970, thày Clémente Đạt cũng chịu cùng số phận. - Còn lại một mình, cha Giuse Vũ Ngọc Bích phải tự lo tất cả công việc như coi sóc thánh đường, dạy giáo lý. Cha không được đi làm lễ hay giảng thuyết ở các nơi khác. Cuối năm 1961, nhà nước chiếm trọn ba ngôi nhà, chỉ để lại cho cha Bích một gian nhỏ cạnh lầu chuông và nhà thờ. Chỗi dạy: Kể từ sau 1975, chiến tranh chấm dứt trên quê hương Việt Nam với những đổi thay lớn lao. - Từ năm 1987, cha Giuse Vũ Ngọc Bích khởi sự tái đón nhận những thỉnh sinh tìm hiểu ơn gọi DCCT. - Kể từ năm 1992, các cha từ miền Nam ra giúp thường xuyên tại Thái Hà ấp. Tu Viện và giáo xứ trở nên sinh động. Các lãnh vực mục vụ dần dần được tái tổ chức theo nhu cầu phù hợp với hoàn cảnh. Như vậy, chúng ta có thể kết luận rằng sau hơn 70 năm, máu, mồ hôi và nước mắt hòa lẫn với lời cầu nguyện, sự hy sinh của quí cha, quí thày cùng toàn thể anh em trong Dòng, đã là những chất dinh dưỡng và xúc tác hầu bảo tồn và phát triển Cộng Đoàn DCCT nơi trái tim đất nước. Nói cách khác, mặc dầu lâm vào thảm cảnh, DCCT Hà Nội vẫn tồn tại. Điều này chứng tỏ tình thương và lòng quan phòng cùng biết bao hồng ân của Thiên Chúa đã luôn luôn tuôn trào trên nhà Dòng.
(*) - Tài liệu (đã dẫn) của L.M. Lê Huy Bảng ghi tên thánh của cha Vũ Ngọc Bích là Gioan-Maria.
DÒNG CHÚA CỨU THẾ SAIGON Giai đoạn đầu: Từ ngày 01.01.1931, Đức Giám Mục Dumortier đã đề nghị cha Edmond Dionne lập một tu viện DCCT tại Saigon, nhưng phải đợi tới cuối năm 1932 mới có cơ hội thuận lợi. Đó là dịp Đức Cha Dumortier trao cho các cha DCTT trọng trách hướng dẫn một cộng đoàn - gồm 300 tín hữu và khoảng 1000 người lương - ở Khánh Hội. Tuy nhiên vì ngôi nhà tại Khánh Hội quá ọp ẹp lại chật chội nên cuối tháng 6-1933, các cha phải tạm trú tại số 163, rue Paul Blancy (đường Hai Bà Trưng), trong một ngôi biệt thự do một bà phú hộ người Pháp dâng cúng. - Ngày 07.10.1933, cha bề trên Tổng Quyền Patrick Murray ký văn kiện chính thức thành lập DCCT Saigon. - Sau khi mua được một khu đổ rác gần lạch Trương Minh Giảng ngày 06.01.1937, công cuộc xây dựng Tu Viện được khởi sự từ ngày 29.10.1938 cho đến ngày 05.09.1939 thì các cha, các thày đã có thể dọn vào cơ sở mới này - mang tên Tu Viện Thánh Giuse, 38 Kỳ Đồng, Saigon. - Suốt khoảng thời gian 1941-1945, cùng với toàn thể dân tộc Việt Nam, DCCT Saigon cũng đã trải qua một cuộc chiến kinh hoàng. - Sau thế chiến, một tiểu Đệ Tử Viện đã được xây dựng ở Saigon. - Từ tháng 8-1932 đến ngày 20.12.1953, thánh đường Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp đã được kiến thiết hoàn tất tốt đẹp. Thêm vào đó, do cuộc di cư 1954, tòa soạn nguyệt san Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp cũng đã được thiết lập trong khuôn viên Tu Viện. - 1963, giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp được thành lập. Hoạt động: Trong lúc chương trình xây cất cơ sở tiến hành thì công tác tông đồ và mục vụ tiếp tục phát triển. Theo đó những nét chính yếu có thể được tóm tắt như sau: “Trụ sở Tỉnh Dòng - Tu viện Thừa sai - Trung tâm hành hương kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp - Giáo xứ - Trung tâm mục vụ hôn nhân-gia đình - Nhà xuất bản, toà báo - Trung tâm Giáo lý - Trường trung học - Công trình Công giáo Tiến Hành - Các hoạt động xã hội, văn hóa - Truyền giáo tại Cần Giờ…”. Khúc quanh lịch sử: Biến cố 30.4.1975 đã lật lịch sử nước nhà sang một trang khác. Tu viện DCCT cũng tiến vào một giai đoạn mới. Trước hết, các vị thừa sai Canada bị trục xuất; hai cha Eugène Larouche và Lucien Olivier là hai vị cuối cùng rời Việt Nam. Tiếp theo, trường học, nhà xuất bản, toà báo… bị đóng cửa. Các hoạt động mục vụ, xã hội, văn hoá… bị hạn chế tối đa. Tuy nhiên kể từ sau năm 1990, hoàn cảnh khách quan trở nên thuận lợi hơn. Nhờ vậy, các hoạt động tông đồ tiến triển trở lại. DCCT Saigon trở thành trung tâm đào tạo lớn của Tỉnh Dòng: Học viện, Tập viện, Dự tập. Đa tạ Thiên Chúa!
Và… DÒNG CHÚA CỨU THẾ TẠI CÁC ĐỊA ĐIỂM KHÁC (theo thứ tự thời gian thành lập)
* DCCT Nam Định (12.06.1942): Mặc dầu thế chiến tiếp tục tàn phá Châu Âu - và tại Á châu, quân đội viễn chinh Nhật Bản tung hoành khắp các nước thuộc Thái Bình Dương - Việt Nam dĩ nhiên cũng không thoát khỏi số phận điêu tàn - nhưng các đấng bề trên DCCT vẫn nhằm tiến tới mục tiêu truyền giáo mà địa điểm được hoạch định để thành lập một tu viện là Nam Định, một tỉnh đông thợ thuyền và sinh hoạt về ngành sản xuất sợi vải. Tháng 10 năm 1941, cha Maurice Létourneau khởi công xây cất. Tu Viện mang tên bà thánh Anna và đã được khánh thành vào ngày 12.6.1942. Nhưng không đày năm sau, các cha Canada bị giải về Thái Hà ấp rồi bị giam lỏng, cô lập tại đây, vì vào thời gian này chiến tranh Nhật-Mỹ đã bùng nổ dữ dội. Cha Jean Marie Dong bị máy bay bắn chết. Quân đội Nhật thua trận, rút lui về nước, nhưng cuối năm 1946, chiến tranh Việt-Pháp bộc phát. Tu Viện bị đốt phá và tới ngày 23.06.1947, các cha, thày phải hồi cư Thái Há ấp. Tu Viện Nam Định cuối cùng bị biến thành cư xá và đặt dưới sự cai quản của giáo quyền sở tại.
* DCCT Đà Lạt (20.07.1952): Nghi lễ chính thức khánh thành Tu Viện đựơc cử hành vào đúng dịp lễ Chúa Cứu Thế, ngày 20.07.1952. Đây là một tòa nhà 4 tầng, toàn bằng đá xanh, ngạo nghễ vươn cao giữa rừng thông xanh mướt. Tuy nhiên lịch sử Tu Viện Đà Lạt đã khởi sự từ năm 1948 sau khi bà quả phụ Blanche Anéliée Ancel ngày 01.07.1942 đã nhượng lại cho nhà Dòng một khu đất rộng 35 héc-ta. Bề Trên quyết định dời Học Viện và Đệ Tử Viện từ Hà Nội vào Nam. Công cuộc xây cất hoàn thành từng đợt để rồi đến giữa năm 1951 Học Viện đã có thể dọn từ khu tạm trú “Cité des Pics” vào toà nhà vừa được hoàn tất. Đời sống Tu Viện phát triển như hiện tượng “trăm hoa đua nở”. Về phương diện mục vụ, Nhà Dòng đã góp phần hình thành giáo xứ Tùng Lâm đồng thời đảm trách mục vụ tại đây từ năm 1954. Số giáo dân gồm những ngưòi đã được tuyển mộ từ Huế vào đây năm 1949 để xây cất Học Viện cộng với số giáo dân di cư từ các giáo xứ Thạch Bích, Thái Hà ấp ở Hà Nội. Năm 1962, cha Alexis Trépanier, nguyên giám đốc Đệ Tử Viện Vũng Tàu đổi về DCCT Đà Lạt. Ngài đã khởi công xây dựng tư thục Minh Đức, một ngôi trưòng khang trang và qui củ. Ngược lại, tới năm 1971 thì Học Viện được di chuyển về Thủ Đức. Năm 1975, do “biến cố 30 tháng tư”, tòa nhà chính của DCCT Đà Lạt đã do Nhà Nước quản lý và biến thành một căn cứ truyền thông lớn nhất miền Nam. Phần nhỏ cơ sở còn lại tính tới năm 1999 là nơi cư ngụ và sinh hoạt mục vụ cho một cộng đoàn gồm cha bề trên An Tôn Trần Thế Phiệt với hai thày phó tế Gioan Nguyễn Xuân Thu, Gioan Baotixita Nguyễn Công Nghiễm và hai thày Giuse Vũ Đức Huy và Phêrô Vũ Minh Ngữ. Nếu “đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt” thế nào thì hơn thế nữa DCCT Đà Lạt cũng đã giữ vững truyển thống thừa sai tông đồ, sống mẫu mực theo đặc sủng DCCT.
* DCCT Fyan (tháng 6 năm 1958): Có thể nói lịch sử của Tu Viện Fyan là “lịch sử những chuỗi hồng ân bất ngờ” của Thiên Chúa dành cho DCCT Việt Nam. Ngày 01.12.1955, một hợp đồng mua-bán đất đã được ký kết giữa Phụ Tỉnh và bà Papadato. Theo đó Phụ Tỉnh trở thành sở hữu chủ của 49,7 héc-ta đất. Theo bản quy hoạch và chương trình phát triển do cha Antoine Lapointe đề xuất, khu đất ấy đã được khai thác thành một đồn điền trồng trọt (café, trà, chuối, rau…) và chăn nuôi nhằm mục đích gia tăng lợi tức và phục vụ công việc của Phụ Tỉnh. Nhân công là những anh em dân tộc - tên gọi quen thuộc là “đồng bào Thượng” - trong vùng. Từ đấy thưòng xuyên diễn ra những cuộc tiếp xúc thân tình giữa các vị thừa sai và các buôn làng. Và cũng từ đó việc truyền giáo cho các anh em dân tộc bắt đầu. Tính đến năm 1961, cộng đoàn Fyan đã rửa tội khoảng 2.500 người. Vào đầu thập niên 1960 (*), hai tu viện được thành lập tại Fyan; một nhà dành cho các cha, các thày DCCT và một cho các nữ tu Bác Ái Vinh Sơn. Thêm vào đó hai trường học và hai lưu xá (nam nữ biệt lập) cũng đã được xây dựng. Tháng 6.1958, địa điểm Truyền Giáo Fyan được chính thức khánh thành, gồm nhà thờ dâng kính bà thánh Anna và một bệnh xá. Từ năm 1961 tới 1966, cha Antoine Lapointe đã cho thành lập nhiều giáo điểm như Kơya, Sôăn, Đàmrồng, Romen, Yalu, Riôngtô, Phisur (Phitô), Plotum, Ganreo… và nhiều nguyện đường, trường học như tại Tơlăngtô, Philan và Portêng. Tuy nhiên các cuộc chiến 1962-1975 đã phá rụi tất cả những công trình này. Những phần còn lại sau 1975 cũng bị các nhà chức trách trưng dụng. Sau biến cố 1975, các cha Canada đều bị chính phủ trục xuất về nước. Fyan trở thành “Giáo hội thầm lặng”. Mãi cho tới tháng 2-1989, cha Giuse Nguyễn Hưng Lợi được Nhà Nườc công nhận và các nguyện đường, cơ sở bị chiếm dụng nay dần dần được trả lại rồi được tái thiết. Ngày nay, những hạt giống do DCCT đã gieo trồng lại tiếp tục nẩy mầm và lớn mạnh.
(*) - Tài liệu (đã dẫn) của L.M. Lê Huy Bảng ghi “ngày 12.12.1956”.
*DCCT Vũng Tàu (09.04.1956): Công cuộc xây cất cơ sở được khởi sự từ ngày 02.09.1955, Những dãy nhà trệt lợp fibro-ciment thành hình trên một khu đất rộng mênh mông, cách thành phố Vũng Tàu 5-6 cây số. Nơi đây, ngày 09.04.1956 Đệ Tử Viện đã được thành lập - và ngày 03.01.1961, Tu Viện mang tên thánh Giêrađô cũng đã được khánh thành. Năm 1965, Đệ Tử Viện di chuyển về Chợ Lớn. Năm 1996, một toà nhà khác làm Tu Viện DCCT Vũng Tàu đã đựơc xây cất tại Bãi Dâu, cạnh tượng đài Đức Mẹ. Công việc tông đồ chủ yếu của Tu Viện là giúp các đoàn du khách hành hương và tĩnh tâm, đi giảng phòng tại các giáo xứ và tu viện đồng thời phụ giúp công việc mục vụ tại một số giáo xứ trong vùng.
*DCCT Nha Trang (19.04.1959): Năm 1934, Đức Khâm Sứ Tòa Thánh đã đề nghị với cha Louis-Philippe, bề trên Giám Tỉnh Sainte-Anne-de-Beaupré nhân chuyến kinh lược của ngài, việc thành lập một tu viện DCCT ở Nha Trang, nhưng hoàn cảnh thời đó đã không cho phép thực hiện điều mong ước này. Phải đợi tới khoảng tháng 12-1958, cơ hội thuận lợi mới đến. Đó là ông chủ Beauregard quyết định bán khách sạn Beau Rivage. Sau khi cân nhắc, Phụ Tỉnh đã quyết định mua khách sạn này để sửa thành tu viện. Thế là ngày 5.3.1959, Beau Rivage đã thật sự thuộc quyền sở hữu của Nhà Dòng. Tháng 6-1959, quyết định thành lập Tập Viện được ban hành. Ngày 10.09.1959, Tập Viện đã được rời từ Đà Lạt xuống Nha Trang. Ngày 19.04.1959, Tu Viện mang tên thánh Clêmentê được chính thức thành lập và khánh thành cùng ngày này. Nhân dịp lễ thánh Clêmentê, bổn mạng Tu Viện, ngày 15.03.1961 (*), nguyện đường Tu Viện DCCT dành cho giáo dân đã được Đức Giám Mục giáo phận làm phép khánh thành. Năm 1964, Tu Viện với 4 tầng lầu, hướng ra mặt biển được khởi sự xây dựng mới, nhưng vì chiến tranh gia tăng, công trình mãi tới ngày 12.07.1967 mới hoàn tất (**). Nhưng trong khi các hoạt động mục vụ của Tu Viện phát triển tốt đẹp; các cuộc hành hương của giáo dân tứ phương kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp diễn ra sốt sắng … thì biến cố 30.04.75 xẩy đến, làm thay đổi tất cả, khiến Tập Viện phải chuyển về Thủ Đức, nhân sự Tu Viện Nha Trang giảm dần, chương trình tông đồ và mục vụ bị thu hẹp rất nhiều. Đau buồn hơn nữa là Tu Viện bị trưng dụng làm hai khách sạn Hải Yến và Viễn Đông - chỉ còn lại một căn nhà cấp bốn mà diện tích không bằng 1/23 nơi ở cũ dành cho 5 cha và 2 thày.Tuy nhiên đời sống cộng đoàn huynh đệ càng thêm nồng thắm trong hoàn cảnh khó khăn ấy đồng thời mục vụ giáo lý tân tòng vẫn được khai triển, các nghi lễ phượng tự vẫn đuợc cử hành hàng ngày…
(*) - Tài liệu (đã dẫn) của L.M. Lê Huy Bảng ghi “ngày 15.04.1961”. (**) - Tài liêu kể trên ghi:“15/3/1964: Ngày lễ Thánh Clêmentê, Bổn mạng nhà dòng, khánh thành Tu Viện mới, 4 tầng lầu quay ra mặt biển”.
*DCCT Châu Ô (1963): Trung tâm Truyền Giáo Châu Ổ gồm phần đất hai quận địa đầu tỉnh Quảng Ngãi (Bình Sơn và Trà Bồng). Trứơc nhu cầu cấp bách về phương diện mục vụ, Đức cha Phạm Ngọc Chi đã đề nghị DCCT lãnh nhận nhiệm vụ truyền giáo tại vùng này. Vì thế nhân ngày lễ Đức Mẹ Truyền Tin, 25.03.1963, ba vị thừa sai DCCT đầu tiên đã đặt chân tới Châu Ổ. Đó là cha Denis Paquette, cha Đỗ Văn Thừa và thày Marcô Đàn. Những năm sau, nhân sự gia tăng với 6 linh mục và 5 tu sĩ cho cánh đồng truyền giáo bát ngát này. Sau 7 năm hoạt động, Trung Tâm Châu Ổ đã có 6 địa điểm trực thuộc: Trà Bồng, An Điềm, Bình Liên, Bình Thiện, Bình Sa và Lý Sơn (cù lao Ré). Nơi nào cũng có nhà thờ, nhà xứ và trường học. Riêng tại Trung Tâm, tính tới cuối năm 1974, nhiều cơ sở về tôn giáo, văn hoá, giáo dục, kinh tế và xã hội đã được thành lập. Những kết quả này, phần chính yếu do ơn Thiên Chúa tác động; phần do nỗ lực và hy sinh của các thừa sai với sự cộng tác tích cực của giáo dân… Trong số các vị thừa sai ở Châu Ổ, cha An phong Nguyễn Đức Điềm, ngày 23.02.1969 và sau đó một tháng (21.03.1969), thày Phaolô Phạm Mẫn đã được diễm phúc đổ máu làm chứng cho Thiên Chúa. Năm 1969 ngôi nhà thờ của Trung Tâm Truyền Giáo bị chiến tranh phá sập, nhưng đến năm 1971 đã được tái thiết tân kỳ hơn. Kể từ năm 1975, các hoạt động truyền giáo gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên với thời gian, đặc biệt kể từ đầu thập niên 1990, miền truyền giáo Châu Ổ đã khởi sắc trở lại. Sau hơn 40 năm lịch sử, Châu Ổ vẫn còn là một vùng Truyền Giáo đúng nghĩa. Và các thừa sai DCCT tiếp tục công tác của mình trong lãnh vực loan báo Tin Mừng Cứu Độ của Chúa Giêsu Kitô cho những con người nghèo khổ về mọi phương diện tại miền đất này.
*DCCT Cần Giờ (1971): Cha Phaolô Maria Trần Văn Lượng và thày Hilariô Đinh Văn Thảo đã đuợc DCCT gửi đến Cần Giờ theo lời thỉnh cầu vào năm 1971 của tòa Tổng Giám Mục Saigon. Giáo điểm đầu tiên được thành lập ở xã Cần Thạnh; năm sau, 1972 tới lượt xã Đồng Hoà và Tân Thạnh. Các thày chủng sinh của Giáo phận và các thày sinh viên Học Viện của Tỉnh Dòng được đón đến ba nơi này để thực tập. Những thời gian tiếp theo, nhiều cha, nhiều thày cũng đến Cần Giờ. Đời sống hy sinh, phục vụ của các vị đã tạo được nhiều thiện cảm nơi dân chúng địa phương, đặc biệt giúp đỡ được nhiều giáo dân phục hồi đời sống Đức Tin, gia tăng số ngưòi dự tòng và tân tòng. Ngày 01.02.1998, Đức Giám Mục Nicôla Huỳnh Văn Nghi, Giám quản Tông tòa Tổng Giáo Phận Saigon, đã ký văn kiện trao vùng Truyền Giáo Cần Giờ cho DCCT. Đến nay, Cần Giờ từ khởi điểm một quang cảnh đổ nát bởi chiến tranh, đang nẩy sinh những hoa trái tốt đẹp của công cuộc rao giảng Tin Mừng của Tỉnh DCCT Việt Nam.
*DCCT Mai Thôn (1978): Khởi đi từ năm 1978, sau khi Tu Viện Thủ Đức bị giải thể, một số cha, số thày được Sư huynh Huỳnh Khôi, bề trên dòng La San, nhường mảnh đất 80m x 40m để làm nơi lập một tu viện. Ngày 25.04.1979, Tu Viện Mai Thôn hoàn tất. Công cuộc tông đồ trong hơn 10 năm đầu được giới hạn trong viêc dâng lễ Chủ Nhật và lễ trọng cho khoảng 130 giáo dân trong khu vực. Ngày 25.01.2000, một toà nhà mới tại Tu Viện Mai Thôn được khởi công xây dựng nhằm mục đích làm nơi tổ chức Tập Viện, nhà Tĩnh Tâm và nhà Hưu Dưỡng II… để rồi ngày nay Mai Thôn đã trở thành một trong những tu viện quan trọng của Tỉnh Dòng.
*DCCT Vĩnh Long (1981): Mặc dầu từ khoảng thời gian 1966-1968, đã có hai linh mục DCCT - cha Antôn Nguyễn Đức Tuyên (1966) và cha Phêrô Hoàng Yến (1968) đến phục vụ tại trung tâm hành hương Fatima gần thị xã Vĩnh Long - và một tiểu Đệ Tử Viện được xây dựng ở gần cầu Cái Cá và do cha Phê-lích Lê Văn Lang làm giám đốc, nhưng phải đợi tới năm 1981, Cộng Đoàn DCCT Miền Tây mới chính thức được thành lập do thày Gioan Trần Văn Thâm làm Bề Trên tiên khởi. Sau những đổ nát vì chiến cuộc và những đổi thay theo nhu cầu, năm 1993 Tu Viện Vĩnh Long đã được khởi công xây cất lại. Và công việc tông đồ hiện thời của Tu Viện Vĩnh Long chủ yếu là giúp các họ đạo vùng sâu vùng xa tại ba tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp và Bến Tre hầu mang Tin Mừng đến cho những người nghèo cực chốn bưng biền.
*DCCT Phú Dòng (1981): Đây là Tu Viện duy nhất đảm trách việc đào tạo các anh em trẻ dấn thân theo đặc sủng tu sĩ thừa sai DCCT của Tỉnh Dòng. Cộng Đoàn Phú Dòng được thành lập ngày 02.11.1981. Cộng Đoàn có một hình thức sinh hoạt rất đặc biệt: Anh em không sống chung dưới một mái nhà, nhưng vẫn ở riêng lẻ. Mỗi tháng, anh em lại họp nhau một lần để tĩnh tâm, cầu nguyện và chia sẻ về đời tu và hoat động tông đồ, mục vụ…
*DCCT Việt Nam tại Mỹ (1977): Nhóm thuộc DCCT Việt Nam tiên khởi ở Hoa Kỳ kể từ tháng 7.1975 gồm có các linh mục: Châu Xuân Báu, Vũ Minh Nghiễm, Phan Văn Đài, Nguyễn Đức Thống, Trần Đình Phúc - và các thày: Đỗ Minh Cẩn, Nguyễn Văn Mới, Huỳnh Viết Hiển, Ngô Đình Tường và Nguyễn Duy Linh. Sau khi xem xét nhiều địa điểm, nào ở Illinois, Louisiana, nào New Orleans, Houston… cuối cùng như “đất lành chim đậu”, các ngài đã dừng chân tại California. Tuy nhiên tại tiểu bang này, các ngài cũng đã thăm dò nhiều nơi, như San Diego, San Francisco… để rồi sau hết Long Beach đã được chọn làm “đất hứa”. Và cũng trải qua nhiều cuộc vận động, phái đoàn đã được thừa nhận một nhà Dòng bỏ trống tại giáo xứ St. Lucy, Long Beach, góc đưòng Sta Fe và 23. Thế là từ ngày 01.12.1977, một tấm biển mang tên “DÒNG CHÚA CỨU THẾ. Vietnamese Redemptorist Mission” đã được treo trên cửa ra vào nhà Dòng, đối diện thánh đường St. Lucy, số 2344, Cota Avenue. Tuy nhiên phải đợi tới lễ Giáng Sinh năm sau mới thật long trọng, thật tưng bừng, “vì chúng tôi đã chọn ngày này để ra mắt đồng bào” (*). Nay DCCT Long Beach đã trở thành một trung tâm rộng lớn gồm Tu Viện, Tập Viện, tòa báo nguyệt san Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp… cộng với những sinh hoạt mục vụ giáo xứ và truyền thông. Hàng tuần giáo dân Việt Nam đến tham dự rất đông những buổi lễ kính Thánh Linh và thực hiện việc tôn sùng Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp…
(*) - Xin xem bài “Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam tại Mỹ” của L.M. Vũ Minh Nghiễm.
… và CÁC CỘNG ĐOÀN * Cộng đoàn Cao Nguyên (10.10.1969): Từ năm 1968, Tỉnh Dòng đã lãnh nhận công cuộc truyền giáo cho đồng bào J’rai theo lời đề nghị của Đức cha Paul Seitz, Giám mục Giáo phận Kontum. Nhóm thừa sai đầu tiên gồm cha Antôn Vương Đình Tài, thày Phêrô Hồ Văn Quân và hai thày phó tế (nay đã làm linh mục) Giuse Trần Sĩ Tín và Phêrô Nguyễn Đức Mầu. Tuy nhiên Cộng Đoàn DCCT Tây Nguyên chính thức “chào đời” vào khoảng gần 4 giờ chiều ngày 10.10.1969 sau khi các vị thừa sai kể trên được Đức Cha Paul Seitz lái xe chở lên buôn Pleiky, cách Pleiku khoảng 60 cây số rồi ngà I “đem con bỏ… rừng” với lời nửa như ra lệnh, nửa như trăn trối: “Tôi trao cho DCCT tất cả đồng bào J’rai. Xin Nhà Dòng gửi đến 72 môn đệ chứ không phải chỉ có 4 anh em đây. Nhớ đấy! Tôi chúc lành cho anh em, cho công cuộc tông đồ của anh em và cho sắc tộc này”. Dĩ nhiên sau này, nhân sự đuợc tăng cưòng; nhà cửa được cất thêm… mặc dù Cộng Đoàn không ngừng phải đối đầu với bao thử thách, đặc biệt với hoàn cảnh chiến tranh. Thời gian đầu, 1969-1975, ngoài việc học ngôn ngữ, phong tục của ngưòi J’rai, công việc tông đồ của nhóm thừa sai nhằm hướng dẫn đồng bào này về nông nghiệp, y tế, học vụ (tiếng J’rai và tiếng Việt)… Thêm vào đó là nỗ lực dịch Kinh Thánh ra tiếng J’rai. Từ năm 1978, đồng bào J’rai bắt đầu đón nhận Tin Mừng. Số ngưòi xin theo Chúa ngày một gia tăng, từ 528 người (1987-1990) lên đến 752 người (1991-1993). Nói chung, mỗi năm có khoảng trên 500 người lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy. Song song với công tác rao giảng Tin Mừng, các trung tâm tiếp tục chú trọng đặc biệt tới các việc phát triển kinh tế, xã hội, giáo dục… chẳng hạn giúp đỡ bệnh nhân phong cùi, khám và chữa bệnh, thực hiện kế hoạch chống sốt rét, hỗ trợ vốn cho người nghèo mua đất đai và nông cụ, mở lớp xoá nạn mù chữ, giúp học bổng cho học sinh và sinh viên… Phải nói, trải qua biết bao khó khăn, thử thách… Cộng Đoàn DCCT Tây Nguyên đã và đang làm nên nhiều điều kỳ diệu, dưới tác động của Chúa Thánh Thần.
* Cộng đoàn Clêmentê (15.03.1993): Đây là một cộng đoàn hết sức đặc biệt, gồm những linh mục, tu sĩ DCCT vốn đã “xa nhà” một thời gian lâu - có thể vì trước năm 1975 đã là tuyên uý trong quân đội Việt Nam Cộng Hoà, sau phải trải qua 5,10, 13 năm trong các trại “học tập cải tạo” - hoặc bởi một nguyên nhân nào khác mà bị tù đày. Nay trở về với cuộc sống tạm gọi là binh thường nhưng đa dạng, đối đầu với bao thực tế… các ngài cảm thấy cần được gặp nhau, chia sẻ vui buồn, nâng đỡ nhau về mọi mặt. Bản nội qui của Cộng Đoàn cho chính các cha, các thày đó tự soạn theo đề nghị từ đầu thập niên 1990 của cha Bề Trên Giám Tỉnh Giuse Trần Ngọc Thao. Cộng Đoàn được chính thức khai sinh ngày 15.03.1969, ngày kính thánh Clêmentê, do đó tên của vị thánh linh mục thừa sai luôn trung thành với sứ mệnh cứu thế… đã được chọn để đặt tên cho Cộng Đoàn. Tuy mỗi thành viên của Cộng Đoàn Clêmêntê tự quyết định cho mình những công việc tông đồ và mục vụ riêng, nhưng tựu trung vẫn là việc giảng tĩnh tâm, cấm phòng, đại phúc hay các ngày Chủ nhật hoặc các dịp lễ trọng. Ngoài ra, gần như vị nào cũng có những công việc trường kỳ, như sáng tác, dịch thuật các sách tôn giáo, truyền thông Tin Mừng bằng ảnh tượng, băng nhạc… Tóm lại, sự hiện hữu của Cộng Đoàn Clêmêntê chứng tỏ tinh thần tông đồ cũng như khả năng thích ứng với hoàn cảnh của từng cá nhân trong Cộng Đoàn này nói riêng và nói chung của tập thể Tỉnh DCCT Việt Nam - nhưng trước và trên hết đó chính là dấu chỉ hoạt động của Chúa Thánh Thần vậy.
Tạm kết: Dĩ nhiên bài viết trên về “Lịch sử Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam” chưa đầy đủ - và sẽ không bao giờ đầy đủ, bởi hơn 80 năm qua - tuy ngắn theo dòng thời gian - nhưng quả thật đó là những chặng đường dài đối với “một cộng đoàn tu hành và hoạt động tông đồ; cộng đoàn thừa sai dấn thân phục vụ và rao giảng Tin Mừng cho những người nghèo khổ, đã được thiết lập và phát triển trên đất nước Việt Nam thân yêu này”(*). Những chặng đường đã mang nặng bao thăng trầm dâu bể, bao khó khăn nhọc nhằn, bao thử thách gian nan - những chặng đường thắm đậm hy sinh, mồ hôi, nước mắt và máu đào của những linh mục, tu sĩ DCCT Việt Nam - tuy nhiên đó cũng là những chặng đường ghi lại rất nhiều thành quả tốt đẹp, những hoa trái xinh tươi trên cánh đồng Truyền Giáo - nhưng trổi bật hơn cả là những chặng đường ấy minh chứng muôn đời hồng ân của Thiên Chúa tuôn tràn trên DCCT Việt Nam, trên từng cá nhân của cộng đoàn DCCT Việt Nam… Bởi thế không bút nào tả xiết cuộc hành trình theo Chúa Kitô Cứu Thế của DCCT Việt Nam, một cuộc hành trình mà Linh mục Giuse Cao Đình Trị, bề trên Giám Tỉnh Tỉnh DCCT Việt Nam đã minh định là “Thiên Chúa - trong Đức Kitô và nhờ Chúa Thánh Thần - đã ân bang biết bao ân sủng”. Ω
(*) - L.M. Giuse Cao Đình Trị, Bề trên Giám Tỉnh Tỉnh DCCT Việt Nam: Lời giới thiệu tập sách Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 75 năm Nhà Dòng “hiện diện ở Việt Nam”.
An Tôn Nước Pháp với mùa thu « nóng » Nguyễn Ngọc Lan Chi Tuần vừa qua, bất chấp khí trời trở lạnh đột ngột làm tuyết rơi sớm ở một số khu vực, « nhiệt độ xã hội » tại Pháp vẫn không vì thế mà giảm bớt sức nóng sau một tháng nhiều biến động. Trong bộ máy chính quyền, có lẽ chỉ duy nhất mỗi Bộ Y tế, Thanh niên và Thể thao vẫn tìm thấy một niềm « an ủi » khi từ giữa tháng 10, và đặc biệt là từ ngày 14.11, người Pháp « thể thao » hơn hẳn. Không chỉ siêng năng đạp xe, đi bộ vì các phương tiện giao thông công cộng liên tục đình công, người dân xứ gà Gaulois còn không ít lần rầm rộ kéo nhau xuống đường biểu tình…
1. Ngành ngành đình công, người người biểu tình Kể từ lần tổng đình công đầu tiên của ngành giao thông công cộng vào ngày 18.10, liên tiếp sau đó là nhiều đợt đình công của nhiều ngành khác. Các tiếp viên hàng không của Air France nhất quyết không chịu « lên trời » trong gần một tuần, ngay vào kỳ nghỉ lễ Các Thánh (cuối tháng 10, đầu tháng 11), khiến không ít hành khách phải thay vì đi du lịch thì đành phải « cắm trại » ngay tại… sân bay. Cùng thời điểm đó, để phản đối giá xăng dầu tăng quá cao mà Chính phủ chưa có những hỗ trợ xác đáng, các ngư dân cũng đồng loạt đình công, không chịu « xuống biển » làm đích thân Tổng thống Sarkozy và Bộ trưởng Bộ Nông, Ngư nghiệp phải xuống tận nơi điều đình. Sinh viên một số trường đại học cũng rục rịch khiêng bàn khiêng ghế ra « phong tỏa » lối ra vào để chống lại điều luật về quyền tự chủ của các trường đại học. Điểm xuyết vào tình hình rối ren này là đợt đình công của các luật sư, thẩm phán chống lại những cải cách của Bộ Tư pháp. Từ ngày 14.11, ngành giao thông công cộng lại tiếp tục « lên tiếng » với đợt đình công kéo dài và đến ngày 21.11, ngày đàm phán đầu tiên giữa các công đoàn với ban giám đốc, dân Pháp vẫn phải khốn khổ trong cảnh chen lấn và chờ đợi tại các nhà ga. Ngày 20.11, đến lượt 8 công đoàn của các viên chức nhà nước kêu gọi đình công, biểu tình. 30% viên chức các ngành đã đáp lại lời kêu gọi, riêng ngành giáo dục có tới 40% thầy cô không bước lên bục giảng. Toàn nước Pháp có từ 375.000 người (theo cảnh sát) đến 700.000 người (theo những nhà tổ chức) xuống đường để yêu cầu tăng lương đồng thời phản đối việc Chính phủ dự định cắt giảm 22.921 việc làm (riêng trong ngành Giáo dục là 11.200), dưới hình thức chỉ tuyển dụng một nhân viên mới trên tổng số 2 hoặc 3 người về hưu trong các cơ quan Nhà nước. Nhân viên các ngành năng lượng, ngành giao thông công cộng vốn « căng thẳng » với Chính phủ từ một tháng qua quanh việc cải cách chể độ đặc biệt cùng với giới sinh viên học sinh cũng không bỏ lỡ cơ hội làm cho qui mô cuộc biểu tình thêm phần rầm rộ. Theo chân đoàn biểu tình từ Place d’Italie đến Invalides, tôi lại có dịp kiểm nghiệm lại kết luận trong dịp đồng hành cùng hàng triệu sinh viên học sinh xuống đường vào tháng 3, tháng 4 năm 2006 chống lại điều luật CPE : biểu tình vẫn là một phần của văn hóa Pháp. Không có bạo động « ăn theo », cuộc biểu tình ngày 20.11 như « truyền thống » vẫn rất… vui, không chỉ « vui tai » vì sự đả đảo hết sức… nhiệt tình của người tham gia mà còn « vui mắt » vì sự xuất hiện của nhiều loại đồng phục do có sự tham gia của nhiều ngành khác nhau, thậm chí có sự tham gia diễu hành của cả một đoàn xe công sự của nhân viên ngành điện lực.
2. Sarkozy và thuốc thử liều mạnh Những khẩu hiệu đinh trong chiến dịch tranh cử của Tổng thống Sarkozy như « làm việc nhiều để kiếm nhiều tiền », « tăng khả năng mua sắm cho người Pháp», « cải cách lại những bất cập của xã hội »… từng thuyết phục được các cử tri, bây giờ khi đưa vào áp dụng lại chính là cội nguồn của những biến động xã hội tại Pháp thời gian qua. Tuy có nhiều lý do khác nhau để biểu tình, đình công, nhưng hầu hết những người tham gia đều có chung một nỗi lo ngại về khả năng tài chính của bản thân trong tương lai. Đối với các viên chức nhà nước là việc giá cả đời sống ngày càng tăng trong khi đồng lương của họ chẳng chịu « nhúc nhích », đối với công nhân viên những ngành chịu ảnh hưởng của chế độ đặc biệt, nhiều khả năng đồng lương hưu của họ sẽ suy giảm nếu không tính kèm các khoản thưởng và cộng thêm phần tỷ lệ khấu trừ nếu không làm đủ 40 năm hoặc nghỉ hưu trước 60 tuổi. Thêm vào đó, sự cắt giảm việc làm chắc chắn sẽ làm tăng áp lực công việc, nghĩa là người dân sẽ phải « làm việc nhiều hơn » nhưng tiền kiếm thêm được lại chẳng là bao… Trong bối cảnh nhạy cảm này, thông báo đăng tải trên khắp các nhật báo vào cuối tháng 10 về việc Tổng thống Sarkozy được tăng lương lên đến 140%, từ 7000 euros lên đến hơn 19000 euro rõ ràng như « dầu đổ vào lửa », làm bùng nổ các cuộc biểu tình phản đối. Khi cánh hữu đương quyền luôn luôn có nhiều đình công, biểu tình hơn so với cánh tả. « Thế lực đường phố » đã từng chiến thắng các cải cách và các điều luật mới của Chính phủ như cuộc cải tổ chế độ hưu trí của cựu Thủ tướng A.Juppé năm 1995 hay như điều luật lao động của cựu Thủ tướng Villepin năm 2006. Hậu quả mỗi lần thất bại như thế rất nặng nề đối với tiền đồ chính trị của 2 vị cựu Thủ tướng. Mùa thu năm nay, tuy Chính phủ cho biết sẽ mở rộng cửa cho mọi đối thoại, nhưng với khẳng định không nhường bước và quyết tâm thực hiện cải cách của Tổng thống Sarkozy, liệu con số hơn 300 triệu euro thiệt hại vào mỗi ngày đình công cùng các cuộc biểu tình chống… đình công sẽ có điểm dừng ? Nguyễn Ngọc Lan Chi
Nhìn xuống cuộc đời Yến Tuyết Cô bạn gái của tôi,
Hôm qua, tôi lại nhận được tin thêm một người quen vừa mới giă từ cuộc sống. Cái chết đến thật bất ngờ và như thế đối với người thân, bạn bè, và nhất là đối với người bạn đời của anh NPP là một mất mát to lớn và đau buồn lắm. Thế nhưng, nếu đă từng sống một cuộc đời đáng sống và tử tế mà trong đó ḷòng đam mê âm nhạc đóng vai tṛò chính, thì chắc rằng khi ra đi tâm hồn anh NPP rất b́ình yên và thanh thản. Linh hồn anh có lẽ đang bay bổng trong tiếng nhạc êm đềm và dịu dàng.
Hàng ngày, chúng ta chứng kiến sự ra đi của nhiều người, ở đủ mọi hạng tuổi, nghèo hay giàu, đẹp lẫn xấu, hiền lành hay gian ác. Tử thần có mặt không hề báo trước trong mọi tì́nh huống từ bệnh tật cho đến tai nạn, chiến tranh, thiên tai. Cũng v́ì thế ngày nào c̣òn sống, tôi mong ước rằng thời gian c̣òn lại của đời ḿình là để được sống tốt hơn bằng cách học hỏi và thực hành điều thiện.
Tôi cảm ơn những người đă chia sẻ tư tưởng hay ho và chứng minh ḷòng cao thượng của họ bằng những hành động cụ thể để tôi cố gắng noi theo. Và sau đây là một số điều dễ thương mà tôi đă đọc được từ email của người bạn gởi cho, do một ông Mỹ tên là Andy Rooney viết. Cho dù chỉ là suy nghĩ chủ quan nhưng nhận xét của ông Rooney về cuộc đời rất tinh tế . Bạn thử đọc và tùy nghi chấp nhận hay không nhé:
“Tôi học hỏi và biết được rằng cái lớp học tuyệt vời nhất của trái đất nằm ngay dưới chân của một người lớn tuổi.
Biết được rằng khi bạn đang yêu ai thì tình yêu đó hiện ra rất rõ.
Biết được khi một người nói với bạn rằng bạn làm cho họ vui sướng thì bạn cũng cảm thấy hạnh phúc.
Biết được rằng đối xử tử tế và nhă nhặn với nhau quan trọng hơn là đối xử với nhau bằng nghi thức.
Biết được rằng khi ôm một em bé ngủ trong vòng tay thì đó là cảm giác êm đềm và an bình nhất.
Biết được rằng không nên làm trẻ con thất vọng khi từ chối nhận món quà mà chúng tặng, dù đôi khi nó chỉ đơn sơ và giản dị với vài nét vẽ nguệch ngoạc.
Biết được rằng dù không giúp được một người nào đó một cách cụ thể thì ít ra chúng ta vẫn có thể cầu nguyện cho họ.
Biết được rằng cho dù cuộc sống và công việc có đòi hỏi chúng ta phải nghiêm trang cách mấy, chúng ta vẫn cần một người bạn để cười đùa.
Biết được rằng một lúc nào đó trong đời sống, điều cần thiết nhất của một người đôi khi chỉ là một bàn tay ấm áp để nắm lấy và có được một trái tim đồng cảm kề cận.
Biết được rằng nên cảm ơn Thượng Đế vì Ngài đă không ban cho chúng ta tất cả những điều mong muốn và biết rằng vì cuộc sống khó khăn nên chúng ta phải luôn cố gắng tranh đấu
Biết được rằng chỉ có tình yêu mới chữa lành những vết thương chứ không phải thời gian.
Biết được rằng khi bạn muốn trả thù một người nào thì có nghĩa là bạn cho phép người đó tiếp tục làm cho bạn đau khổ.
Biết được rằng phải nói và chứng tỏ tình yêu thương với mẹ nhiều hơn khi bà còn sống.
Biết được rằng nụ cười sẽ làm cho bạn trông đẹp đẽ và dễ thương hơn và ai cũng cần được yêu thương và chấp nhận.
Biết được rằng ai cũng muốn sống ở trên đỉnh núi cao, thế nhưng tất cả hạnh phúc sẽ phải được trả giá khi chúng ta đang trèo lên đỉnh cao đó.” Hẹn bạn thư sau nhé. (YT)
Giọng cũ xa gần Dân gầy phụ trách
Các chủ chăn áo đỏ rất mới- Nếu nhận xét theo kiểu người đời về những kỷ lục và kỷ lục, thì Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đích-tô thứ XVI nhà mình cũng đang lập nhiều kỷ lục, không kém vị tiền nhiệm của ngài là Đức Gio-an Phao-lô II. Kỷ lục ở đây không ở việc phong thánh cho các vị rất lành và rất thánh của thời đại, cũng không phải là tấn phong Giám mục - Hồng y. Mặc dù, vừa qua ngài vừa tấn phong cho 23 vị tân Hồng y (tức: các vị chủ chăn áo đỏ). Kỷ lục cần để ý hơn ở đây, là nhận xét của phóng viên David Willy của đài BBC nói hôm 24/11/07 rằng: trong buổi họp kín hôm thứ Sáu 22/11/07, đa số các Hồng Y đều đồng ý rằng họ thấy đã có dấu hiệu tích cực trong phát triển quan hệ giữa Giáo hội Công giáo và thế giới Hồi giáo”. Phải chăng đây là một kỷ lục đáng kể, đúng hơn phải nói: đây chính là công việc làm trổi bật vị thế của Đức đương kim Giáo Hoàng? Bạn mình cứ chờ và xem. Hạ hồi sẽ rõ.
*Lại chuyện “đàn ông!”- “Đàn bà!”- Một chuyện khác cần nói, là nói về một chuyện rất dài của thế kỷ: chuyện đàn ông - đàn bà. Khi xưa, ta có “chuyện cấm đàn bà”. Nay, ta có đủ chuyện về đàn bà lẫn đàn ông, lông nhông tha hồ mà đọc. Chẳng ai buồn cấm với đoán, hết. Những chuyện khi xưa còn gọi “ai có qua cầu mới hay”. Ở đây, phải gọi đó là chuyện “cấm nhà tu” đọc, mới đúng. Bởi, chắc sẽ chẳng có ông bà nào từng tu và trì đồng ý về chuyện này đâu! Chuyện ấy như thế này:
*Anh em mình hiệp thông
Hôm 12/12/2007 Gia đình An Phong Sydney nhận được một tin không vui cho lắm từ thần tăng nhà họ Mai ở Melbourne, như sau: Anh chị em thuộc gia đình An phong quí mến, Mình mới nhận được tin từ anh em đang công tác mục vụ tại miền cực Bắc VN cho hay anh Lê Đình Các bi đụng xe chiều qua. Cùng đồng hành với anh Các có một sơ từ Đài loan, một giáo dân từ Hồng Kông và bà bếp. Tất cả trên đường đi thăm đồng bào thuộc miền núi để chuẩn bị chương trình Giáng Sinh cho họ. Nhưng không may đã bị xe tải đụng. Anh Các bi gãy hai chân, sơ người Đài Loan chết tại chỗ, bà bếp và tài xế vẫn trong tình trạng hôn mê. Nơi anh Các bị đụng xe là một làng quê, cách thành phố Côn Minh hon 200 km. Thiếu thốn mọi phương tiện. Vì thế hiện tại anh em bên này đang lo thủ tục để đưa Anh Các về Úc điều trị. Công việc rườm rà và phức tạp với hệ thống giấy tờ tại đó. Gửi đến anh chị em bản tin này và xin anh chị em một lời nguyện cho anh Các. Cảm ơn anh chị em. Thân Thịnh
*Noẽl “không bẩy” Noẽl buồn? Cũng chẳng buồn. Cũng chẳng “sang”. Buồn ở đâu, chứ đâu có buồn với gia đình An Phong. Noel với gia đình An Phong năm nào cũng có nhiều tin vui, rất gần. Tin gần gũi, dù được gửi từ người anh, người em ở rất xa. Mãi tận Tây Nguyên buôn làng “Ma Thuột”, “Mà Thuột” ấy. Tin như ri, làm sao mà buồn: “Từ miền tây nguyên (Daklak – việt Nam), con kính gửi đến Quý cha, Quý bác và Quý chú, Quý Anh lời mừng lễ Giáng Sinh. Kính chúc từng người cùng với gia đình luôn mạnh khoẻ, bình an và đầy tràn ân huệ của Chúa Hài Đồng. hết lòng cảm ơn về những chia sẻ của mỗi người (nhiều nhất là của Bác Mười Hai) trong thời gian vừa qua. Đôi khi “làm biếng” lấy luôn để giảng! Ước mong tiếp tục nhận được những chia sẻ đắt giá và cụ thể từ cuộc sống để bài thêm phong phú. JB HQLâm thuộc diện hậu sinh, may mắn được gia nhập vào gia đình này. Xin thương em út nhé. Cách riêng, qua trang thư này, gửi lời nhắn đến Bác Lợi, Bác Tá, Vũ Nhậu, Sếp Dzũng… có ăn nhậu gì thì báo cho biết với!!! Xin cầu nguyện để nếu thuận buồm xuôi gió được tái ngộ với các Bác. Kính mến JB Hồ Quang Lâm CssR Việt nam – 16/12/2007. *Và lời nhắn đã có hổi đáp: Trước nhất là hồi và đáp từ đấng “chẳng-vị-vọng-gì” có tên là Trần Ngọc Mười Hai: “Từ Miền Tây Nam Sydney, Mai Tá cũng xin chúc tất cả bà con trong họ ngoài làng Úc thòi lòi, một lễ giáng sinh thật vui. Năm mới 2008 thật an lành. Alphonsus Trần – 17/12/2007
Và, từ người “anh (rất) hai” Friborug, Thụy Sỹ:
“Từ Fribourg, Thụy Sĩ, tôi cũng cầu chúc tất cả quý Cha, Thầy và anh chị em Dòng họ Chúa Cứu Thế một Mùa vọng, một Mùa giáng Sinh và một Năm Mới được như ý Chúa muốn và sự chấp nhận của lòng thành… Trần ngọc báu – 17/12/2007
Và, từ làng Cecil Parks, Sydney: “Hello Cha Lâm, Vẫn nhớ người anh em Tây Nguyên. Nhớ buổi họp mặt mừng Xuân tại nhà anh chị Tá. Không biết năm nay, chi hội sẽ đón Xuân tại nhà ai, mà chưa thấy CHTrưởng & CHPhó thông báo gì hết trơn. Nếu có đọc được e-mail này, thì chắc NDDzũng và HCLợi chắc phải lo liệu đấy. Mến
*Và một thư khác từ quê nhà, Bạn thân mến, Chắc chắn là tớ phải có giờ, dành thời giờ để đọc những bài viết các bạn lên Ephata.. và luôn tiện in ra luôn để treo trên bảng trong nhà cơm… Cảm ơn bạn về hai bài vừa nhận được : Suy niệm Chúa Nhật thứ IV mùa Vọng và chuyện phiếm “Nhẹ nhàng như gió thì thầm..” Mình về lo cho các em Đệ tử và sinh viên dự tập (gần 70 mạng) từ hơn hai năm nay…mình đều lấy lại những thói quen tốt ngày xưa ở Đệ tử viện Vũng tàu. Ví dụ, đọc sách trong giờ cơm… ít nhất 5 phút, rồi lắc chuông và “ngợi khen Đức chúa Giê-su và Đức Bà Maria”, rồi nói chuyện. và, các thứ Ba, Năm, Bẩy, nói chuyện bằng tiếng Anh. Hoặc làm Tuần Cửu Nhật trước lễ Đức Mẹ… tất cả viết một bài về Đức Mẹ (dài độ 2 trang A4) nói chừng 5 phút… Chọn 9 bài lên nói trước Cộng đoàn sau khi đi lần chuỗi..vv.. Cảm ơn bạn về việc hy sinh làm “liên lạc viên” = Chi hội trưởng Hội Ân Nhân Bảo trợ Ơn Gọi DCCT VN”. Mình bắt chước cha Phêrô Đặng Văn Đào về cái vụ này. Bây giờ có đại diện liên lạc khắp nơi. Cứ đúng như đã định là: Ngoại quốc: chỉ xin $5 USD/tháng và $50USD/năm. Ở VN thì, chi 50 ngàn Đồng VN/tháng và 500 ngàn VNĐ/năm. Gửi về địa chỉ một đại diện gần nhất, sau khi gom kha khá, vị ấy sẽ cho mình, đúng như bạn đã làm về trường hợp anh Simon Hoàng Văn Định ở Melbourne…Rất cảm ơn. Cầu chúc các bạn Giáng Sinh và Năm Mới không những “Ơn Cứu Chuộc Chứa Chan” mà cả “tiền bạc và niềm vui cũng dư tràn” để san sẻ cho mọi người xung quanh. Hy vọng sẽ gặp nhau năm tới tại Úc…chưa biết vào tháng nào? Đại Hội Giới trẻ Thế Giới? Đi giảng Đại Phúc? Như chương trình cha Tân Giám Tỉnh đã phác thảo. Till then In JMJA Yuse Tiến Lộc, CssR – 17/12/2007 Anh chị Mai Tá và anh em thân mến, Mình vừa nghe Cha Vinh Son Phạm Trung Thành, Giám Tỉnh mới được bầu kỳ này báo tin là mình được mời đích danh sang Úc Giảng Đại Phúc tại ít nhất là hai nơi sau đây: Perth và Melbourne. Noel vừa qua rất bận rộn , vừa đi giảng , vừa làm Văn Nghệ Giáng sinh ..toàn những Show lớn ..tại Nhạc viện, tại nhà Thờ Ba chuông, Tại Hànội, Tại Trung Tâm Văn hoá Công Giáo Sàigòn ...Tổng cộng khoàng 20 ngàn Khán Mừng Năm mới Tây "trễ"... và Chúc Mừng "sớm" Xuân Bính Tý 2008 đến tất cả quý vị. Thân ái in JMJA Tiến Lộc CSsR
*Lâu lắm mới lại Khilikhitô: Nói lâu lắm, là nói ở Sydney chứ đâu phải nơi nào khác. Lâu, là so sánh với những năm về trước. Những năm mà thần tăng nhà họ Mai vẫn còn trụ trì ở “miệt trên” Sydney … 2000 năm một thuở vui vầy này. Và niềm vui ấy vẫn kéo dài, lai rai với gia đình An Phong bé nhỏ nay. Quả là, từ ngày ấy, Sydney ít có dịp vui vầy Khilikhitô như xưa. Nhưng vừa qua, hôm 16/1/2008 có sự xuất hiện của nhóm học viện Dòng Chúa Cứu Chuộc tỉnh dòng Úc, người Việt, cùng vị thần tăng quản cai và có sự hiện diện của một số cựu tu sinh Dòng như: anh chị CHTrưởng Nguyễn Đắc Dũng, CHPhó Huỳnh Công Lợi, anh chị Vũ Nhuận và Mai Tá. Đám khilikhitô hôm nay tròm trèm cũng được 14 vị. Đặc biệt kỳ này còn có anh Trí, linh mục thừa sai Trung Quốc, người tháp tùng Bề Trên Lê Đình Các về Úc chữa bệnh, sau tai nạn xe cộ ở bên đó. Có khilikhitô là có vui, có tụ họp. Câu chuyện tụ họp vẫn là những chuyện kể vui vui về Dòng ở khắp nơi và người tu sĩ Dòng từng quen biết. Đặc biệt lần này, anh em được tin là các học viên Dòng Úc người Việt, năm nay, sẽ được về quê thăm gia đình những 2 tháng tròn. Hai tháng không là thời gian dài, nhưng cũng đủ để anh em “lên giây thiều”, lấy lại quân bình trong đời tu, có xa cách, nhớ nhung. Có hụt hẫng. hy vọng, sau những ngày vui vầy ở quê nhà, anh em sẽ lại vui vầy trở lại với Dòng thánh hiện tại ở quê hương thứ hai này. Mong lắm đấy.
*Có những bộc lộ: Quả là vào thời vi tính khoa học, có những điều người người truy cập và lưu trữ rất nhanh. Những điều ấy, gồm một liệt kê những phát biểu công khai ra bên ngoài hoặc còn giữ kín bên trong. Trong nội bộ. trong cửa miệng. Dưới đây là những khám phá cũ/mới được bật mí từ giới “viết và lách”, ở VN.: *10 câu nói gây ấn tượng nhất: 1.Câu nói “tỉnh bơ” nhất: “Tôi ký giấy vì… tưởng tỉnh không có quyết định thu hồi đất” (Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND Xã Hưng yên, bị can trả lời về sai phạm khi dự án mở rộng quốc lộ 39A) 2.Câu nói “đau khổ” nhất: Mở mắt ra là thấy nhà ngập. Một tháng có tới 20 ngày nước ngập thì làm sao sống?” (Phát biểu của dân P.5,Q8 TP/HCM). 3.Câu nói “hợp tình hợp lý” nhất:”Dự án cuối năm thực hiện ồ ạt là do qui định của ngân sách, của thuế chứ không phải vô cớ mà cuối năm các quận/huyện thi nhau làm. Nếu như cơ chế ngân sách thuế không thay đổi từ trung ương thì chuyện đào đường cuối năm sẽ còn dài dài.” (Ông Nguyễn Việt Sơn- Phó GĐ sở giao thông công chính TP/HCM) 4.Câu nói “xuyên tạc” nhất: Chuông reo là…cởi” (Báo điện tử Vietnamnet nhận định về phim “Chuông reo là bắn”) 5.Câu nói “thực tế” nhất: “Hầu hết các cuộc hội thảo ở nuớc ta toàn nói “vuốt đuôi” theo kiểu vấn đề anh phát biểu chúng tôi cơ bản đều nhất trí” (Ts Dương Ngọc Dũng) 6.Câu nói “bức xúc” nhất: “Tôi không thể nào chịu được khi một vụ gây thất thoát hàng triệu USD của nhà nước mà kỷ luật thanh tra chỉ kiến nghị xử lý ”kiểm điểm nghiêm khắc” (Ông Vũ Phạm Quyết Thắng- nguyên Phó Tổng Thanh Tra chính phủ). 7.Câu nói “chơi chữ” nhất: “Hối lộ dường như chỉ hối khi bị lộ, chưa bị lộ thì người ta chưa chịu hối đâu. (Bình luận viên Nguyễn Đông) 8.Câu nói “vô tư” nhất: “Đọc nghe thấy sướng tai thì cấp giấy phép” (Ông La Thành Nghiệp, Phó GĐ sở VHTT Bạc Liêu nói về GP phát hành băng dĩa) 9.Câu nói có “uy lực” nhất: “Câm mồm!” (Đại diện viện kiểm sát quát một bị cáo trong phiên toà xét xử Vũ Hoàng Anh cùng đồng bọn tội “giết gnười” tại toà án ND TP Hànôị) 10.Câu nói “thẳng thắn” nhất: “Lương nhà nước thấp quá.” (Ông LươngVLý, nguyên PGĐ sở Kế Hoạch Đầu tư TP/HCM nói lý do ông nghỉ việc). *10 câu nói khôi hài nhất: 1.”Nhiều đại biểu không hiểu gì, ngay cả thu nhập GDP cũng không hiểu thì làm sao ông dám phát biểu”(Chủ tịch HĐ Dân tộc Quốc hội Tráng A Pao với quan điểm nâng cao trình độ của đại biểu HĐND để tránh tình trạng nghị gật) 2.”Các ki-ốt sạt lở chỉ hư hại có.. 3 trái dưa hấu, không có người dân nào chết là sự hãnh diện của chính quyền địa phương.” (Trưởng phòng Hạ tầng-Kinh tế Phong Điền Lê Văn Hậu trả lời trước thắc mắc của người dân trong vụ bờ kè Phong Điền (Cần Thơ) sạt lở khiến hơn 100 hộ phải “di tản”) 3.Ta hay nói “Vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, nhưng móng tay nhọn thì vỏ quýt ngày càng dày ra để không bóc được!” (Ts nguyễn Đình Lộc, nguyên Bộ trưởng Tư pháp nói về khả năng đối phó với nghị định minh bạch tài sản, thu nhập). 4. Ngập “lẻ” giảm, ngập “sỉ” tăng, (Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Phương Thảo nhận xét khôi hài về tình hình chống ngập ở TP/HCM) 5. Dư luận cho rằng việc học sinh “ngồi nhầm lớp” là một tai hại lớn cho ngành GD-ĐT, nhưng đứng nhầm lớp còn tai hại hơn. (Ông Bùi Trọng Liễu- nguyên giáo sư đại học {Paris (Pháp) nói về chất lượng giáo viên đại học ở nước ta). 6. Nhiều nơi mặn mà với việc cổ phần hoá không do yêu cầu về chính trị mà vì “tiềm năng” chia chác tài sản quốc gia. (PGs-Ts Nguyễn Văn Nam nói về “lỗ rò” cổ phần hoá) 7. Người dân nghèo quê tôi chỉ duy nhất một lần trong đời nhìn thấy bác sĩ khi có nhu cầu… làm giấy chứng tử! (Một người nông dân nghèo ở Đồng bằng sông Cửu Long). 8. Cấp dưới thấy sai vẫn cứ làm. Cấp trên thấy sai nên…để cấp dưới làm (Nhà báo BB bình về vụ chia chác đất đai ở Đồ Sơn). 9. Nhà đầu tư chân chính đi một hồi thì… về nước luôn! Ai giỏi chạy, giởi bôi trơn mới đi tiếp được. (Đại biểu HĐND Đặng Ngọc Hoa nói về cái vòng lẩn quẩn trong thủ tục đầu tư xây dựng). 10. Ai đánh giá thế nào mặc kệ, có gì mà lo? (Vũ Đình Thuần-nguyên phó Chủ Nhiệm Văn phòng chính phủ, trưởng ban Đề án 112-phát biểu khi vỡ lở chuyện xà xẻo trong ngân sách PMU 112).
*10gương mặt nổi cộm nhất trong năm 2007 1.Trương Văn Khánh: Tổng Giám đốc Công ty Vật tư Nông nghiệp: biến nhiều tài sản nhà nước thành của riêng. Chỉ riêng tiền tiếp khách trong 4 năm đã gần hết 8 tỉ đồng (hơn 6/ngày). 2.Vũ Đình Thuần: Nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng chính phủ. Truởng ban điều hành đề án 112. Điều hành dự án không hiệu quả làm lãng phí của nhà nước hàng ngàn tỉ đồng. 3.Nguyễn Văn Tấn: Nguyên Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo Bạc Liêu cùng các phó giám đốc nhiều cán bộ phòng ban ở sở này nâng điểm thi tốt nghiệp THPT cho nhiều thí sinh vì có “sự gửi gắm”. 4. Nguyễn Văn Khoẻ (Tám Khoẻ): Nguyên chủ tịch UBND huyện Hóc Môn. Chưa học hết cấp 2 mà đã có bằng đại học thậm chí có cả thạc sĩ kinh tế. Cầm đầu đường giây tiêu cực “ăn đất” ở huyện, gây dựng cơ ngơi “cực kỳ … khoẻ”. 5. Phan Xuân tùng: chuyên viên Sở Kế Hoạch và Đầu tư tỉnh KHánh hoà “làm luật” ra giá trắng trợn và ẵm gọn 70.000 đô la Mỹ của một nhà đầu tư. 6. Đỗ Hoài Phương Minh: nguyên cảnh sát giao thông Bình dương hết bắn tiếp viên thủng váy tới cãi cự và mở cốp xe lấy 2 cây kiếm Nhật ra doạ nhân viên an ninh trật tư ở sân bay Đà Nẵng. 7. Nguyễn Hữu Lai: nguyên giáo viên trường tiểu học Đình Tổ 2, Thuận Thành – Bắc Ninh xem như điển hình cho tốp “dâm su” vì đã hiếp dâm 11 lần với 7 em học sinh nữ 9 tuổi học sinh lớp 3! 8.Cặp vợ chồng Chu Minh Đức – Trịnh Thị Phương chủ một cửa hàng bán phở hành hạ em Nguyễn Thị Bình suốt 13 năm trời tàn nhẫn mà các cấp chính quyền đoàn thể ở phưòng Thượng Đình-quận Thanh Xuân, Hà Nội không can thiệp. 9.Nguyễn Ngọc Kim: Nguyên phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lào Cai trưởng ban phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại. Tiếp tay cho buôn lậu hoành hành trốn thuế hàng chục tỉ đồng, mở lối giải cứu hàng lậu. 10. Phùng Nhanh: Phó cục trưởng Cục thuế Quảng Nam. Trong lúc cả nước đang hướng về bão lụt miền Trung với những tất bật lo âu và chia sẻ thì ông này cùng một số quan chức ngành thuế tụ tập đánh bạc.
*Bên lề cuộc họp mặt: Tin vui mai ngày- Cũng như mọi lần, họp mặt đầu xuân Mậu Tý năm nay, có đôi chuyện ngoài lề, chưa kịp đăng. Nay, DânGầy phổ biền vài tin, như sau: -Anh chị Lê Duy Phước nay hân hoan vì quý tử còn lại của anh đã thành giá thất. Chúc mừng anh chị Phước-Hoa. -Hai Bác Nguyễn Anh Cung: dự tính sẽ về Sydney mừng 50 năm hôn phồi với con cháu. Chúc mừng hai bác Cung. -Tháng 9/2008 này, Anh chị Huỳnh Công Lợi sẽ lấy vợ cho “út cưng” là cháu Hoàng Huỳnh và qua năm 09 lại gả “út cưng” HuỳnhHồngPhúc con trai của cùng anh chị xuôi vào năm 2009. Lại xin chúc mừng anh chị Thuỷ-Lợi. -Chi hội Sydney năm nay được mùa ân ái, nên anh chị Nguyễn An Bình cũng sẽ thực hiện gả cưới “út cưng” như anh chị Lợi, tức: cho phép gái út của anh chị là cháu Nguyễn Bích Bảo lên xe “bông” về nhà “trai” rất đẹp, ở Sydney vào hạ tuần tháng Một Mậu Tý năm nay 2008. Xin lại được chúc mừng và chia vui các anh chị Bình-Hoà.
René Goscinny: làm người khác cười nhanh hơn cả cái bóng của mình! Nguyễn Ngọc Lan Chi
Đã 30 năm trôi qua (5.11.1977 - 5.11.2007) kể từ ngày nhà văn thiên tài người Pháp René Goscinny rời bỏ những chuyến phiêu lưu vượt không gian và thời gian của mình cùng chàng « cao bồi nghèo đơn độc » Lucky Lucke tại miền Viễn Tây Hoa Kỳ, cùng Astérix, Obélix và ngôi làng Gaulois anh hùng trong cuộc chiến chống quân xâm lược La Mã «vào năm 50 trước Công Nguyên», cùng lão tể tướng Iznogoud xấu tính ở phương đông huyền bí của Ngàn lẻ một đêm, cùng cậu bé Nicolas hồn nhiên trong thế giới của trẻ con… 30 năm vẫn không đủ để gia đình và bạn bè ông nguôi nỗi thương nhớ và 30 năm trôi qua, ông vẫn luôn đồng hành cùng hàng trăm triệu độc giả trên toàn thế giới…
được làm… nhà văn
Nhà văn André Malraux (cũng là Bộ trưởng Bộ văn hóa từ năm 1959 đến 1969 dưới thời Tổng thống Charles de Gaulle) từng nói với Goscinny: «Tôi viết về huyền thoại, nhưng anh, tuyệt vời hơn, anh đã tạo nên một huyền thoại». Huyền thoại mà ông cựu Bộ trưởng nhắc đến chính là đứa con tinh thần của Goscinny và họa sĩ Albert Uderzo, bộ truyện tranh Astérix. Sắp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 50 vào năm 2009, sau gần nửa thế kỷ, khoảng 320 triệu bản Astérix đã được tiêu thụ trên toàn thế giới. Con số này đủ để chứng minh vì sao trong một cuộc họp Hội đồng Bộ trưởng, Tổng thống de Gaulle đã vui miệng đặt cho mỗi vị Bộ trưởng của mình tên một nhân vật trong Astérix và chiếc vệ tinh đầu tiên người Pháp phóng vào vũ trụ ngày 25.11.1965 được mang tên Astérix. Tầm ảnh hưởng của Astérix trong nền văn hóa giàu truyền thống của Pháp là không phải bàn cãi! Nhưng dấu ấn của Goscinny không chỉ dừng lại ở hình ảnh của «người hùng tí hon» Astérix, chàng cao bồi miền viễn Tây Lucky Lucke tuy là «con ruột» của họa sĩ Morris, nhưng chính từ khi có Goscinny tham gia viết lời, Lucky Lucke mới thật sự đạt được thành công tột đỉnh, sau 61 năm, 200 triệu bản đã được bán sạch. Nếu kể thêm 10 triệu bản «Những mẩu chuyện về bé Nicolas» đã được bán, 3 trong số 4 tác phẩm «đinh» của Goscinny đã chứng tỏ khi tên của ông xuất hiện trên bìa sách, các nhà xuất bản hoàn toàn có thể yên tâm về doanh thu.
Mọi người đều công nhận Goscinny là nhà văn lớn của Pháp, đặc biệt trong mảng văn học đại chúng, nhưng chính bản thân ông lại chưa bao giờ dám tự nhận mình là một nhà văn mà chỉ cho mình là một người làm nghề… hài hước. Khi nhìn nhận như thế, một phần là do Goscinny đã quá khiêm tốn nhưng mặt khác, vào những năm 50, truyện tranh bị người Pháp xem là «làm hư trẻ con». Goscinny là nhân tố chính góp phần đưa truyện tranh Pháp trở nên ngang hàng với truyện tranh Bỉ của chàng phóng viên Tintin và cũng nhờ bệ phóng Astérix mà truyện tranh ngày nay được xem như «nghệ thuật thứ 9». Những thay đổi về vị trí của truyện tranh trong văn hóa Pháp được chính Goscinny tóm tắt rất ngắn gọn trong một lần trả lời phỏng vấn : « Tintin là bộ truyện tranh đầu tiên thực sự thành công, nhưng đã không tạo nên bước ngoặt như Astérix. Với Tintin, các vị phụ huynh vào thời đó sẽ nói: «Tôi không muốn con tôi đọc truyện tranh, trừ Tintin», nhưng từ khi Astérix xuất hiện, mọi chuyện thay đổi hoàn toàn, truyện tranh được các bậc phụ huynh xem như món ăn tinh thần không thể thiếu của con em mình». Với những đóng góp quan trọng như thế nên trên các bảng tên của hơn 20 con đường trên toàn nước Pháp mang tên ông, Goscinny hoàn toàn xứng đáng với phần chú thích: «René Goscinny - Nhà văn».
2. Thiên tài thích đùa, đùa với cả số phận
Goscinny sinh ra là để làm cho cuộc đời có thêm nụ cười. Ông có khiếu hài hước bẩm sinh, niềm vui của ông là làm cho người khác phải cười. Sự hóm hỉnh hiện diện trong suốt cuộc đời của ông, từ gia đình, đồng nghiệp đến độc giả của Goscinny, đã biết đến ông thì đều đã từng bị ông « bắt » phải cười.
Từ lời thoại truyện tranh của Goscinny, hàng chục câu nói đã theo các nhân vật bước ra khỏi trang sách đi vào đời thực và vô tình trở thành một số thành ngữ của người Pháp. Cậu út nhà Dalton « khi nào thì mình ăn ? » trong mọi hoàn cảnh, ông tể tướng xấu bụng Iznogoud với câu nói nổi tiếng « ta muốn thành Hoàng thượng thế chỗ cho Hoàng thượng » đã trở nên rất quen thuộc với các chính trị gia, đặc biệt hơn, câu slogan « bắn súng nhanh hơn cái bóng của mình » dành cho Lucky Luke không chỉ « nổi tiếng » suông mà đã được đưa vào từ điển của Viện Hàn lâm Pháp …
Chính khiếu hài hước thiên tài, óc tưởng tượng phong phú cùng với khả năng chơi chữ tuyệt vời của Goscinny đã tạo nên những tình huống không-thể-không-cười làm độc giả nhớ mãi và vô tình sử dụng lại một số câu thoại trong các tác phẩm của ông để diễn đạt trong văn nói. Chỉ có ông mới thấy « tiếc » khi họa sĩ Moris « lỡ tay » giết chết anh em nhà Dalton trước thời điểm Goscinny tham gia viết lời cho bộ truyện. Nhận ra được « giá trị hài hước » tuyệt vời của 4 anh em nhà này, Goscinny đã cho họ « sống lại » với hình ảnh của 4 anh em… họ nhà Dalton. Thành công là không phải bàn, 4 anh em «họ» nhà Dalton nổi tiếng và được… yêu mến không thua gì chàng cao bồi Lucky Lucke đẹp trai tài giỏi.
Cũng chỉ có Goscinny mới có thể có cái nhìn hài hước của trẻ con về người lớn khi ông vào vai bé Nicolas, cậu học sinh tiểu học, kể lại những chuyện thường ngày ở trường lớp, ở trại hè. Năm 2004, khi con gái ông tập hợp lại những truyện chưa in thành sách trước đây để in lại, 640.000 bản «Những mẩu chuyện chưa từng kể về cậu bé Nicolas» dày hơn 600 trang ngay lập tức được bán sạch và trở thành best-seller mọi thể loại trong năm tại Pháp. Với bối cảnh học đường những năm 50, trẻ con chủ yếu vui đùa với hòn bi, với trò rượt bắt mà Goscinny vẫn khiến cho các cô cậu bé thế hệ «game boy» của thế kỷ XXI say mê bé Nicolas thì ông thật sự xứng đáng là một tượng đài trong nền văn học Pháp.
Ông đã không hoàn tất được ước nguyện xây dựng một hãng phim lớn, một « Walt Disney » của Pháp khi ra đi đột ngột do lên cơn đau tim vào ngày 5.11.1977, khi ông mới 51 tuổi. Goscinny là một người thích đùa, và họa sĩ Mézières bạn ông đã nhận xét một cách chua xót: «Chết vì lên cơn đau tim khi đang kiểm tra sức khỏe tại phòng khám của bác sĩ chuyên khoa… tim mạch, trò đùa cuối cùng của Goscinny chăng?». Độc giả khắp thế giới sẽ mãi nhớ đến Goscinny, nhà văn có khả năng làm người khác cười «nhanh hơn cái bóng của mình».
Nguyễn Ngọc Lan Chi Suy gẫm từ mục vụ: Tha Thứ
Kính gửi Bác, Ngày đầu năm con phải nhận một sự kiện buồn tê tái. Một đứa con trai 18 tuổi đi uống rượu say, về nhà quậy phá nhà. Bố mẹ chịu không nổi bèn lên tiếng. Đứa con quay ra đòi đánh Mẹ. Bố đứng chặn đường cản: “Nếu mày muốn đánh, thì đánh tao đây, để Mẹ mày còn sống mà nuôi em.” Đang trong cơn xung nộ, đứa con vung tay vung chân, lỡ trúng chỗ hiểm, ông bố té xỉu tại chỗ. Đưa đi bệnh viện gần đến nơi thì chết. Cả làng bất bình. Công an còng tay thằng con bất hiếu tại chỗ. Đêm mồng hai tết, cùng với các anh chị em giáo lý viên vô Buôn dâng lễ an táng. Nhìn cảnh mẹ con nét mặt vẫn chưa hết ngơ ngác vì tai họa ập đến quá bất ngờ, quá khủng khiếp, đau lòng, không ai có thể kìm giữ được nước mắt. Thương cho người vợ từ nay thành goá bụa. Thương cho những đứa con thơ từ nay mất cha. Nhìn cảnh tang tóc, mọi người đều giận thằng con bất hiếu. Công sinh ra nuôi dưỡng bao nhiêu năm nay, thế mà …! Sau thánh lễ, con chọn một góc ngồi xa xa, ẩn khuất, nhìn về phía quan tài, nơi đó người vợ đang ngồi thổn thức nhìn di ảnh của chồng, … chợt nghĩ đến đứa con đang ở phòng giam: Không biết khi tỉnh rượu, nó sẽ như thế nào nhỉ? Có lẽ nó cũng đau đớn lắm, vì có đứa con nào mất cha mà lại không đau đâu? Nhất là khi cái chết lại do chính mình lỡ dại gây ra. Mười tám tuổi đầu nó đã vấp phải một sai lầm nghiêm trọng, để rồi phải trả một cái giá quá đắt, không thể bù đắp, không có cơ hội sữa chữa. Sai lầm bắt nó phải chịu sự cô lập của tất cả mọi người, chịu sự phát xét của toàn xã hội: “đồ con giết cha”. Có lẽ nó đã mất tất cả … vì cái dại của thằng con trai mới lớn.
Con lại nghĩ đến ông bố, đang nằm đấy. Không biết bây giờ ông đang nghĩ gì? Có lẽ bây giờ Ông đã tha thứ cho đứa con rồi, bởi vì ông là cha chứ không phải là người khác. Người cha thường sẵn lòng tha thứ cho đứa con khi nó phạm lỗi. Người cha thường gánh lỗi cho con khi nó dại dột. Người cha thường chở che cho con của mình trước sóng gió cuộc đời, trước búa rìu dư luận… Người cha sẽ đau lòng lắm khi thấy con phải trong vòng lao lý. Có lẽ chỉ với người cha đứa con mới được “yên thân”. Tội nghiệp, người cha bây giờ lại đang nằm đây, bất động!!! Còn người Mẹ, … Bác ạ, lúc đó con không dám nghĩ thêm vì con biết chắc nỗi đau mất mát đang như tảng băng đè nặng trên tâm hồn của người mẹ đó. Con cũng tin chắc rằng trong cái đau của người vợ mất chồng, đau cho những đứa con thơ dại từ nay mồ côi cha, vẫn có đó cái đau của người mẹ đang phải xa con của mình, dù nó bất hiếu. Tâm hồn người Mẹ vẫn thường như thế. *** “Làm người thì phải biết lẽ phải, biết dưới biết trên. Được nhận thì phải biết cám ơn. Làm sai thì phải biết xin lỗi. Con cái thì phải biết hiếu thảo …”. Đó là những chuẩn mực làm người mà ta thường dựa vào đó mà đánh giá, và nhận định một người nào đó. Và cứ theo lẽ thường đó mà phán xét, đứa con thật đáng chết. Nhưng nếu xét đoán như thế, có bất công quá không với người con trai bất hiếu? Ở trong một môi trường giáo dục kém, ít ăn ít học, lại phải đối diện thường trực với cảnh nghèo, cha mẹ vì lăn lộn với cuộc sống ít có cơ hội và bản lãnh để ảnh hưởng trên đứa con. Mặt khác, xã hội với những lôi cuốn khắc nghiệt, rồi bạn bè – cũng là những đứa ít ăn học như thế – dễ dàng đưa nó vào một lối sống buông thả và hư hỏng. Và thực sự nó hư hỏng thật. Sai lầm chết người là hậu quả từ lối sống đó. Phải ở trong một môi trường kém may mắn như thế, thiếu thốn đủ mọi phương diện có thể giúp nó thành người, phải chăng nó là một đứa đáng thương hơn đáng trách! Con chợt nghĩ đến lời Chúa Giêsu trên thập giá: “Lạy Cha, xin hãy tha cho họ vì họ lầm (lỡ) không biết”. Có lẽ đứa con chưa mất hết vì vẫn còn Chúa, vẫn con Cha Mẹ, vẫn còn … . Con đã không dám nói ra ý nghĩ đó với những người đang giận dữ xung quanh, ngay sau thánh lễ an táng buồn của những ngày đầu năm.
JBL. BMT
|
Duc In Altum > Duc in Altum 69 >