Lời Chúa trong cuộc sống và sứ vụ của Hội Thánh Tham luận của Gm Peter Ingham Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Úc tại Thượng Hội Đồng Giám Mục 2008 Tại Thượng Hội Đồng Giám Mục kỳ này, tôi được hân hạnh tham dự với tư cách Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục nhóm Châu Đại Dương, và Giám Mục Địa Phận Wollongong. Đây là một kinh nghiệm đặc biệt cho toàn thể giáo hội, hoàn vũ. Và, đây cũng là dịp để Giáo hội ta, đưa ra một nhận định khởi sắc về Kinh Thánh và Mục vụ. Là Đại Hội Thường Niên XII của Giáo Hội, Thượng Hội Đồng Giám Mục bắt đầu từ Chúa Nhật 5 đến 26 tháng Mười 2008, do Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI chủ xướng. Cùng các Giám mục được đề cử làm thành viên Thượng Hội Đồng, Đức Giáo Hoàng đã cử hành thánh lễ trọng thể tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phao-lô, bên ngoài thành La Mã, thay vì tại Đền thánh Phê-rô, như mọi lần. Ngài làm thế, là để ta có thể mừng kính Năm Thánh Phao-lô, do chính ngài chủ sự vào tháng Sáu 2008. Thượng Hội Đồng Giám Mục năm nay, kết thúc bằng một thánh lễ đồng tế rất đông tại Đền thánh Phê-rô, vào Chúa Nhật 26 tháng Mười 2008. Có đến 230 Giám mục tham dự đến từ các nơi trên thế giới. Cộng thêm đó, là các chuyên gia nam nữ, về Kinh Thánh, cũng như quan sát viên và đại biểu các Giáo Hội của Chúa, được Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI mời đến để thảo luận về “Lời Chúa trong đời sống và sứ vụ của Hội Thánh”. Đức Thánh Cha cũng đã tham dự vào phần lớn các phiên họp, trong dịp này. Đây là lần đầu tiên, phụ nữ tham dự Thượng Hội Đồng Giám mục với con số kỷ lục. Đức Giáo Hoàng đã chính thức bổ nhiệm 6 chuyên gia kinh viện là phụ nữ, cùng 19 vị nữ lưu khác, đến tham dự với tư cách quan sát viên. Sự kiện này, nâng số các phụ nữ được chỉ định làm thành viên Thượng Hội Đồng lên đông nhất từ trước đến nay.. Sở dĩ tôi có chân trong Thượng Hội Đồng Giám Mục lần này, là vì tôi hiện là đương kim Chủ Tịch Liên Hội Đồng gồm 4 có Hội Đồng Giám Mục thành viên của Châu Đại Dương, trong đó còn kể đến các Hội Đồng Tân Tây Lan, Pa-pua Tân Ghi-nê, Đảo quốc Sôlômôn, Đảo Thái Bình Dương và Úc. Đức Hồng Y George Pell (Tổng Giáo Phận Sydney) và Đức cha Michael Putney (Giáo phận Townsville) cũng được chỉ định làm đại diện các Giám Mục ở Úc. Các Giám mục đồng nhiệm của tôi ở Úc, đã bình chọn Đức Tổng Giám Mục Mark Coleridge (Giáo phận Canberra & Goulburn) và Giám mục David Walker (Giáo phận Broken Bay) đại diện cho Giáo hội Úc vì tính chuyên môn về Kinh Thánh, của các ngài. Vào tuần đầu, mỗi thành viên tham dự được phép đóng góp một bài chia sẻ trong vòng 5 phút về các khía cạnh rút từ các tham luận gửi đến với Thượng Hội Đồng vào những năm trước, từ các nơi trên thế giới. Hằng ngày, vẫn có bản tin đều đặn đưa lên mạng truyền thông của Toà thánh có điạ chỉ như www.vatican.va/news_services/press/ninodo/sinodo_index_en.htm Vào tuần thứ hai, chúng tôi được chuyển qua nhóm chuyên về ngôn ngữ và khởi sự thành lập kiến nghị để bầu chọn, ngõ hầu đệ trình lên Đức Thánh Cha, trên cơ sở cổ vũ công việc Tông đồ và Giáo huấn cho toàn thể giáo hội, sau khi đã nghe các nghị phụ trình bày về các quan điểm/lập trường của Hội thánh, trên thế giới. Đức Thánh Cha cũng có mặt ở buổi phúc nghị, vào ngày tôi trình bày tham luậ,n hôm 8/10/2008. Hôm ấy, tôi đề cập đến vấn đề đào luyện và chuẩn bị những người được cử làm thừa tác viên, đứng bục đọc Sách Thánh cho cộng đoàn tham dự lễ. Theo tôi, chúng ta cần cải thiện thêm nữa, việc công bố Lời Chúa; ngõ hầu, tạo sự quan tâm chú ý của cộng đoàn tham dự. Tôi cũng được mời lên chia sẻ Lời Chúa trong 3 phút, để ngỏ lời với các nghị phụ có mặt ở buổi nguyện cầu, khi bắt đầu chương trình nghị sự. Và, tôi cũng chỉ nói một cách tổng quát, lúc đó. Cùng tham gia bài chia sẻ Lời Chúa với tôi, có các Giám mục đồng nghiệp. Hôm đó, Đức Giáo hoàng cũng đến dự buổi đầu khai mạc, cùng với các Giám mục đến từ Việt Nam, Ý, Li-băng, Ba-Tây, Pháp, Hung-gia-Lợi, Pa-ra-guây, Đức, Bê-nin và Ma-cao. Trong các tham luận trình bày, có một bài làm người nghe xúc động đến chảy nước mắt, khi vị diễn giả kể chuyện về một linh mục sống vào thời kỳ người Sô-viết còn trấn ngự toàn cõi Đông Âu. Vị linh mục, bị bắt giam, chỉ vì ông đã dám sở hữu cuốn Sách Thánh, mang trong người. Ông được lệnh đứng lên dùng chân chà đạp dẫm cho nát cuốn Sách Thánh mà người cán bộ giam giữ ông ném xuống sàn đất, lấm đầy cát. Lúc ấy, thay vì tuân lệnh giới chức đã hành hạ giam giữ mình, vị linh mục đã quỳ gối xuống, cầm cuốn Sách Thánh lên hôn, một cách cung kính. Vì cử chỉ đó, mà ông bị giam ở Sibêria, suốt 10 năm liền. Và, thánh lễ đầu tiên ông được phép cử hành ngay khi trở về với giáo xứ của ông, sau ngày ông được phóng thích, thì vị linh mục này lại nâng sách lễ lên để hôn kính, sau khi công bố Tin Mừng, cho mọi người tham dự. Cử chỉ này, đã làm người dự lễ hôm ấy toan vỗ tay reo mừng lòng can đảm nhiệt thành của ông; nhưng sợ rằng nếu làm thế, sẽ càng làm cho ông bị bách hại thêm nữa. Quả thật, những người kình chống lại Đạo Chúa, rõ ràng đã nhận ra uy lực của Lời Chúa, nhiều hơn các Kittô hữu, nhà mình. Sau khi nghe đầy đủ các tiếng nói khác nhau của Hội thánh trên thế giới, Đức Giáo Hoàng đã cùng Thượng Hội Đồng Giám Mục, công bố Lá Thư Mục Vụ có mang lời giáo huấn của ngài, về Lời Chúa trong Cuộc Sống và Sứ Vụ của Hội Thánh, nguyên một năm. Nay, ta nguyện cầu để mọi người đều nhận biết rằng: Chúa đang nói với ta ngang qua Lời của Ngài, trong Sách Thánh. Ta nguyện cầu, để Lời Ngài đến với tâm-can của ta, ngõ hầu trong cuộc sống, ta sẽ là những người ‘làm cho Lời Chúa trở nên tốt đẹp’ hơn. Ở thế kỷ thứ IV, thánh Giêrônimô cũng đã nói: “Không biết đến Sách Thánh, là chẳng biết gì về Đức Kitô, hết.” __________________
Trên đây là phát biểu của Đức Giám Mục Peter Ingham, đăng trên tập san chính thức của toà thánh, Osservatore Romano. Phát biểu của Gm Peter Ingham đã nhấn mạnh đến một số điểm, như sau: Người đọc Sách Thánh trong các nghi lễ Phụng Vụ, phải đảm bảo là người nghe nhận ra đưọc Lời Chúa. Nghe rồi, họ còn phải hiểu và cảm kích Lời Ngài, nữa. Bởi thế nên, người đọc luôn luôn đóng vai trò trọng yếu, với người nghe. Vai trò này, là cử chỉ lịch lãm đối với người nghe. Quyết tâm trao ban Lời Chúa theo phương cách khả dĩ làm cho thông điệp cứu độ của Chúa được tăng trưởng mãi trong tâm can và tâm tưởng, của người nghe. Lời Chúa phải được yên vị trong cuộc sống của người công bố Lời ấy. Có nhiều người đọc quá vội vã, đến độ người nghe khó mà nắm bắt và lĩnh hội Lời Ngài, để có thể đem Lời vào tận tâm can và đầu óc, của người nghe. Đọc làm sao, có thể diễn tả được mỗi lời, mỗi ý hầu thấm nhuần giá trị văn phong/văn thể của Lời Ngài. Người đọc, cũng cần tuân theo qui luật chấm phết, âm lượng cũng như giọng đọc phải lên xuống uyển chuyển, hầu tạo sự thích thú cho điều mình công bố. Nhiều vị không phát âm đúng cách, hoặc không sử dụng máy vi âm, cho hiệu quả. Bởi thế nên, ý của đoạn Sách Thánh mình đọc, đã luột mất một phần ý nghĩa sâu sắc, hoặc mất cả ý nghĩa của đoạn Sách. Sở dĩ có chuyện ấy, là bởi người công bố không quan tâm nhấn mạnh đúng chỗ, làm người nghe không hiểu thấu bối-cảnh của đoạn Sách, khi viết. Một trong các lý do khiến cho việc công bố Lời Chúa trở nên nghèo nàn, thiếu hấp dẫn, là vì người đọc thiếu tự tin, khi đứng trước đám đông, trước cộng đoàn. Chính vì thế, cần có nhiều buổi đào luyện người đọc Sách Thánh bằng cách giúp họ tập đọc, thật lớn tiếng. Tôi tin rằng, việc công bố Lời Chúa trong các nghi lễ Phụng vụ, dù do giáo sĩ hay giáo dân thực hiện, đều phải được cải thiện, nhiều hơn nữa. Nếu không, tác động của việc “Chúa đang nói với ta” sẽ không còn là điều mà Hội thánh mong ước, hoặc là những gì mà giáo dân, đáng được hưởng. __________________ Thượng Hội Đồng Giám Mục là gì? Thượng Hội Đồng Giám Mục, là ý niệm và phương thức thực hành khá mới mẻ trong đời sống Hội thánh. Ý niệm này, nảy sinh không lâu trước ngày Công Đồng Chung Vatican II bế mạc. Nghị trình tổng quan của Thượng Hội Đồng Giám Mục, thường đối phó với các vấn đề có liên quan và ảnh hưởng lên toàn thể Hội thánh. Các nghị phụ, vẫn gặp nhau đều đặn cứ vài năm một lần, cứ. Thượng Hội Đồng Giám Mục gồm nhiều nhóm nghị phụ đến từ nhiều nơi trên thế giới. Việc này, đem lại cho Giám Mục đoàn quyết định tập trung của Giám Mục đoàn; đồng thời, còn là phương cách vững chắc để giúp Đức Giáo Hoàng trong việc điều hành công tác, các chủ chăn. Rõ ràng là, chức năng của Thượng Hội Đồng Giám Mục mang tính cách tư vấn; sinh hoạt của Thượng Hội Đồng được định ra là để “bàn thảo” và đưa “kiến nghị”, chứ không phải để bố trí “giải quyết mọi vấn đề”, hoặc “đưa ra một quyết định” nào hết. Đức Giáo Hoàng có quyền triệu tập Thượng Hội Đồng Giám Mục , mỗi khi và tại nơi nào ngài thấy thích hợp. Ngài sẽ phê duyệt thành quả của việc bình chọn các vị đại diện đi phó hội. Và, ngài cũng chỉ định và đề cử các vị khác, nữa. Ngài hoạch định các vấn đề cần bàn thảo, để đưa vào nghị trình. Chính ngài đích thân chủ sự các buổi phúc nghị, hoặc ngang qua một vị đại diện nào đó. Ngài có quyền quyết định kết thúc, chuyển giao, đình hoãn hoặc giải tán Thượng Hội Đồng Giám Mục. Thành viên Thượng Hội Đồng Giám Mục, chỉ mang tính tạm thời, thôi. Khi Hội Nghị bế mạc, các chức năng trao cho nghị phụ, đều phải chấm dứt. Chỉ có thư ký đoàn của Thượng Hội Đồng, là thường trực cùng với hội đồng gồm các giám mục nào ở lại trong bộ cho đến ngày khởi sự Thượng Hội Đồng sau đó, mà thôi. Có thế, mới tạo được sự liên tục, mà không cần phải chỉ định các Giám mục cho ban thường trực. (The catholic Weekly 26/10/2008 tr. 44 – Mai Tá chuyển ngữ)
Có mặt nơi đây, trong giây phút này. _____________________ ●khả năng thụ cảm (réceptivité) ( kỳ 3 ) ________Mễ Duy
Trong hai số báo DIA vừa qua tôi đã bàn về sự hệ trọng của nghệ thuật sống trong hiện tại. Kỳ 1, bàn về cái yếu tố chính yếu khiến có thể sống bình an trong hiện tại, đó là yếu tố tâm linh dùng làm nền tảng, hướng đi cho cả một cuộc đời hay cho một việc làm. Tuy nhiên để thể hiện một hướng đi có kích thước tâm linh cho cuộc đời, phù hợp với những giá trị tinh thần, thì lại cần phải sống làm sao để mọi khả năng trong mình được triển nở hầu thực hiện chiều hướng tâm linh đó. Muốn được như thế cần phải biết sống cách thiết thực, tức sống trong hiện tại. Đó chính là sức khoẻ tâm lý và tâm thần.
Cũng kỳ vừa qua, qua việc dẫn ra vài trường hợp «lành bệnh» về mặt tâm thần, tôi đã muốn chứng minh rằng sống trong cảm giác đơn thuần là một thuật căn bản cho việc sống trong hiện tại. Nhưng hai chữ cảm giác thường bị khinh thường, vì thiên hạ vốn trọng «tư tưởng». Dĩ nhiên tư tưởng là năng khiếu cao trọng, cao quý nhất nơi con người. Nhưng nếu gọi là «tư tưởng» những thành kiến, những suy nghĩ nông cạn, những ý nghĩ bi quan yếm thế, hay tệ hơn nữa những lo âu, ám ảnh như hoài tiếc quá khứ, mơ mộng một thực tại hão huyền, …thì những «tư tưởng» này quả thực không bổ ích tí nào, càng có ít càng tốt, vì chúng là chất độc làm tổn thương cuộc sống tâm thần. Lại nữa, không thể có một khả năng tư tưởng trưởng thành nếu không có khả năng cảm thụ sắc bén. Muốn cho có tư tưởng sáng suốt thì lại cần «rèn luyện» sao để có được một khả năng cảm thụ lành mạnh. Một bạn trẻ kia yêu âm nhạc nhưng đã đánh mất khả năng tập trung nên không còn vừa nghe vừa phân tích được các bản hòa tấu cổ điển, là niềm sảng khoái trước đây. Sau vài tháng chấp nhận tập cảm giác đơn thuần, tức phục hồi khả năng cảm thụ, chàng ta đã có thể đi dự các buổi hòa tấu cách mãn nguyện, khi nghe thì cảm nhận , nghi nhận, nhớ tất cả và sau đó có thể phân tích các mouvements.
Triết gia Công giáo (thánh) Tô-Ma thành Akinô, triết gia thượng thặng trong Công giáo, đã viết từ thời xa xưa : Nihil est in intellectu nisi prius fuerit in sensu (dịch sát chữ: không có gì trong trí hiểu mà đã không có trước trong cảm giác) (1) . Nói cách khác cảm giác chính là điều kiện không thể không có, là cửa ngõ cho kiến thức và tư tưởng thành hình. Cảm giác có sắc bén thì trí tuệ mới bén nhạy. Xin lấy vài ví dụ. Học trò không nghe lời thầy giảng thì không thể học . Tập võ mà không hề nhìn võ sư biểu diễn trước thì làm sao tập đúng. Trong lãnh vực khoa học, con người cần phải được nhìn rò, nên đã sáng chế ra những dụng cụ cho phép nhìn rõ như kính hiển vi, kính viễn vọng. Trường hợp Ellen Keller, cô gái Mỹ, vừa mù, vừa điếc, vừa câm mà tốt nghiệp đại học đã chứng minh cho quyết đoán sau đây : đó là chính nhờ cô còn lại những giác quan sờ được, nếm được, ngửi được mà một cô giáo lão luyện giỏi sử dụng mà cô Keller đã thành đạt như vậy (2). Điều đáng khen ở đây không phải ở chuyện thành đạt mà ở chỗ biết sử dụng ba giác quan còn lại, - ba giác quan này lại thường bị coi là không quan trọng-, sử dụng chúng cách tuyệt hảo để phát triển những khả năng trí tuệ cao đẳng. Như vậy giác quan bén nhạy, thói quen cảm giác đơn thuần đưa đến trí tuệ sáng suốt. Ngược lại, người không biết nhìn, không biết nghe, bởi vì đầu óc lúc nào cũng rối bù bởi nhiều ý nghĩ lung tung thì cảm giác không thể bén nhạy, không thể đơn thuần, nên trí tuệ cũng không thể hoạt động cách hữu hiệu.
Khả năng thụ cảm (réceptivité) là danh từ chỉ chung tất cả mọi hình thức cảm giác, như sử dụng năm giác quan, nhìn, nghe, sờ, nếm, ngửi, nhưng cũng còn bao gồm những hình thức cảm giác khác, như ý thức (về) cơ thể, (về) các cơ quan trong cơ thể, các hoạt động của cơ thể, hay những khả năng cảm giác gần như khác thường (những người tập tai chi đến mức bậc thầy có thể cảm được một sức tấn công thật bất bất ngờ đến từ sau lưng bất cứ lúc nào, kể cả khi đang đi bộ ngoài đường, chẳng hạn).
Cuối tháng mười, thời tiết bắt đầu vào mùa nắng,nắng đẹp! Nắng đẹp vì trong sáng, nhưng chưa gắt, còn dịu êm. Khí lạnh vẫn còn đâu đó dưới các lùm cây. Nắng đẹp như thế thì vạn vật cũng đẹp theo. Thời tiết tuyệt diệu như thế khó lòng mà không sắp xếp để có thời giờ tản bộ. Trong những tuần lễ này, sáng nào tôi cũng mò ra cái bãi biển vắng vẻ yên lặng đó.. Nhìn đồi núi xe duyên với biển, biển xanh, đồi xanh, núi xanh, mỗi người xanh một kiểu. Nhìn trời trong suốt hoặc khoác mây. Nhìn những thân cây xiên vẹo, hình dáng kỳ dị đội những nón lá xanh quá rộng, nhìn những thảm cỏ xanh đang vươn mình lên, nhìn cô hoặc chú chim đang soi mình và giải khát bên bờ vũng nước mưa, nghe chim hót… hít gió mát vào lồng ngực… chỉ vài phút hòa mình với cảnh vật như thế mà mà cũng đủ để… sảng khoái. Sảng khoái!
Thường khi bàn về cảm giác, người ta có cảm tưởng đó là một cách «biết» hết sức chủ quan mơ hồ, không thể so sánh với ý nghĩ. Sở dĩ có sự lầm lẫn này là vì, theo tôi nghĩ, có hai lý do. Thứ nhất là vì cảm giác của người ta thường không sắc bén, trái lại mơ hồ. Và thứ hai, người ta lầm tưởng ý nghĩ với chân lý. Trong thực tế, những ý nghĩ của chúng thường là sai lầm (thành kiến, theo thời, hùa theo, tự tôn tự đại, xét đoán theo bề ngoài, mặc cảm, ảnh hưởng của quảng cáo, sách báo…). Lại nữa ý nghĩ sai lầm đưa đến cảm xúc không vui. Ý nghĩ sai lầm, cảm xúc không vui, hình ảnh ảo tưởng, chính là những cái mà chúng ta gọi là «chủ quan» . Ngược lại cảm giác đơn thuần thì đưa đến một sự «biết» rõ nét, khách quan. Để hiểu rõ điều tôi nói đây, xin bạn thử làm một thí nghiệm nho nhỏ. Bạn mời một số người tham gia. Để bắt đầu, yêu cầu một người đừng nghĩ gì cả, nhắm mắt lại, và bạn đưa cho người đó một quả cầu làm bằng đá cẩm thạch và bạn hỏi người đó cảm thấy gì, người đó sẽ trả lời là vật trong tay nặng, tròn, nhẵn nhụi, mát tay. Bạn mời người đó mở mắt ra, bạn hỏi «thấy gì?». Người đó sẽ nói chẳng hạn: «đây là một quả cầu bằng cẩm thạch, mầu xanh lục bảo, có những đường vân trắng và đen». Sau người thứ nhất, bạn mời người thứ hai , thứ ba… làm như vậy. Cuối cùng bạn sẽ thấy là ai ai cũng đồng ý với nhau về những điểm như hình thể, nhiệt độ, mầu sắc.. của quả cầu, tuy không chính xác như trong khoa học. Ngược lại nếu bạn đọc cho một số người khác (chưa hề thấy quả cầu), nghe một đoạn văn diễn tả trái cầu đó thì có nhiều phần là mỗi người hình dung nó một cách khác, vì ví dụ có người chưa hề cầm trong tay một vật bằng cẩm thạch, hoặc chưa hề thấy thế nào là mầu của ngọc lục bảo… Vậy chúng ta có thể kết luận rằng ý nghĩ có thể đưa đến sai lầm, còn cảm giác bén nhạy thì không bao giờ sai lầm. (3)
Tháng mười hai, tháng giêng, thường là những tháng nóng nhất trong năm. Những thảm cỏ cách đây vài tuần còn xanh mướt nay đã cháy khô, cháy héo. Hai bên đường, dọc sườn đồi, dọc những đường đi dạo, chúng như những vết nám làm xấu xí đi khuôn mặt tươi tỉnh xuân thì của vạn vật thuở nào. Chúng thật vô duyên so với mái tóc xanh của hàng dừa, với làn da mịn màng của nền trời, với những khóm hoa giấy đầy mầu sắc. Nhưng Thượng Đế rủ tình, một hiện tượng thật vui xuất hiện: phượng đã nở hoa. Mùa nắng không phải chỉ có cỏ cháy khô, nhưng cũng là mùa mở hội của phượng. Trên sườn đồi, chen với những cây xanh khác, bên vệ đường xe chạy, trong công viên, trước tư gia hay dinh thự, chúng mở toang ra những cánh dù đỏ chói rực cháy, đúng với cái tên « flamboyant » của chúng trong tiếng Pháp. Tôi thích nhất là cây phượng cổ thụ đó, thân nó bự con, đến độ tưởng như ngắn ngủn, lại thêm hình dáng khẳng khiu nhưng những cành của nó vươn thật cao, tỏa rộng ra xây thành một nhà cảnh đồ sộ với đặc điễm hiếm có là mái tròn đỏ chó, cháy rực. Dưới nền đất quanh thân nó, những xác hoa đỏ chói la liệt, dệt thành một tấm thảm đỏ, bước vào tưởng mình như đang phạm lỗi hoặc không còn thuộc về thế giới bên ngoài nữa.
Tại sao bộ óc không thể suy nghĩ liên tục, suy nghĩ lung tung, lại càng không thể nuôi những ý nghĩ có hại như hoang mang lo âu, mà còn phải có thói quen biết cảm giác cách đơn thuần, chuyên biệt ? Tại sao con người tuy lớn lên, nhưng không được bỏ khả năng cảm giác, tức khả năng thụ cảm, như nơi trẻ con, mà còn phải duy trì phát triển nó để có thể sống quân bình hạnh phúc ? Tại sao cảm thụ càng nhạy thì trí tuệ càng sắc bén ? Trong một cuốn sách nhỏ (4), nhưng quý giá, do một bác sĩ viết về phương pháp trị liệu tâm thần của Vittoz, tôi đã đọc được câu trả lời cho những câu hỏi trên. Theo tác giả câu trả dựa vào sinh lý học. Mọi tế bào trong cơ thể chúng ta, từ tầm thường đến cao sang nhất, đều sống nhờ vào hai chức năng, thiếu một thì nó sẽ chết : tế bào không ngừng nhận (réceptivité) và cho đi (émissivité). Ở mức tế bào đã thế, ở mức cơ quan cũng vậy. Cơ quan là do số đông tế bào hợp lại. Chẳng hạn như phổi liên tục luân phiên nhận dưỡng khí vào và nhả thán khí ra, nếu như một trong hai chức năng đó mai một đi thì phổi sẽ hết hoạt động, tức chết đi. Bộ óc và hệ thống thần kinh của chúng ta cũng thế, hoạt động theo hai thì : nhận vào và phát ra. Nhận vào (réceptivité) là cảm giác. Cảm giác là những chấn động phát ra rung động làm cho các trung tâm thần kinh giữ được trạng thái cường tráng. Những đường dẫn cảm giác về óc là con đường duy nhất đưa cảm giác về ý thức và nếu những đường dẫn đó không được những kích thích từ ngoài sử dụng thì các năng khiếu về mặt trí tuệ sẽ bị như tê cóng tóp teo. Phát ra (émissivité) là luồng điện phát xuất từ các trung tâm, chạy khắp thân mình, cũng là tư tưởng, ý chí, sự cố gắng.
….. Tạm thời chúng ta có thể kết luận rằng tuy bộ óc là cơ quan quan trọng nhất của cơ thể , là tổng hành dinh điều hành sự sống còn cũng như luôn điều động mọi cơ quan nhằm đạt một tình trạng tối hảo cho sự sống đó, nhưng chức năng của nó không phải chỉ là duy nhất phát ra các luồng điện, các ý nghĩ, các tư tưởng, trái lại nó cũng cần được bổ dưỡng, nghỉ ngơi bằng những cảm giác đơn thuần. Hai chức năng nhận vào và phát ra cần được sử dụng cách thăng bằng, điều hòa, hòa hợp để đảm bảo một sự sống tâm thần lành mạnh. (còn tiếp)
(1) L. Bron-Verlay dẫn trong Le conscient chez Vittoz, Téqui, trg 21. (2) L. Bron-Verlay dẫn trong cùng sách, cùng trang . (3) phỏng theo cùng sách, trg 20. (4) Dr. P. D’Espiney, La psychothérapie du docteur Vittoz, comment combattre l’anxiété par le contrôle de soi, Téqui.
Mễ Duy
Vẫn có nhau trong đời Yến Tuyết Cô bạn gái của tôi, Bất cứ khi nào biết được chuyện có những cặp vợ chồng đã sống với nhau 20, 30, 40 hay 50 năm, tôi vẫn thường ngưỡng mộ mối liên hệ tình cảm lâu dài ấy. Dĩ nhiên bên cạnh con số của năm tháng, có biết bao cơn sóng ngầm, trận cuồng phong đã và có thể đang xảy ra. Trong đó có sự hiện diện của tình yêu, nỗi giận hờn, sự chịu đựng, lòng tha thứ... Nghĩa là, tùy hoàn cảnh mỗi người, những nụ cười và dòng nước mắt thay nhau tạo nên chất liệu ngọt hay mặn đắng cho những ngày có nhau trong đời. Bên cạnh việc trải qua những đắng cay và hạnh phúc trong đời sống riêng tư, tôi còn xuất thân từ một gia đình đông con. Tôi lại có một số bạn bè, người quen, rồi khách hàng và độc giả nữa, nhờ đó, tôi có dịp ghi nhận về những buồn, vui của cuộc đời gồm những điều tốt đẹp và xấu xa, sung sướng hay đau khổ, của không biết bao nhiêu cảnh ngộ khác nhau. Phải nói rằng hoàn cảnh chiến tranh và sự đối xử bất công, nếu không muốn nói là tàn nhẫn, của chế độ cộng sản khi đất nước hòa bình đã gây ra không biết bao nhiêu ngang trái cho những mối liên hệ vợ chồng, hay giữa những người yêu nhau. Bạn cũng như tôi, lớn lên trong chiến tranh nên dĩ nhiên đã biết và chứng kiến những cuộc chia tay không hẹn ngày về của nhiều người lính, khiến những mảnh khăn tang quấn vội trên đầu người vợ trẻ. Những tưởng khi hòa bình thì ai nấy sẽ được yên vui, vậy mà sự xa cách lại còn nghiệt ngã và đau lòng hơn trước. Hàng ngàn người chồng, người cha, người con và người yêu đã bị giam giữ trong những trại lao động cưỡng bức với một ngày trở về mơ hồ. Trong khi đó, ở lại và đối diện với thực tế của cái xã hội mà mọi sự việc đều đảo lộn ấy, người vợ hay người yêu, đã liên tiếp bị thử thách về lòng chung thủy, sự hy sinh trước những cám dỗ và khó khăn vật chất. Dù cho đã có những cuộc đoàn tụ hạnh phúc sau những chia ly và mất mát, đã có những đền bù tình cảm cho những người bị phụ bạc, đã có những cơ hội dành cho những người thiếu may mắn như chúng ta làm lại cuộc đời trên đất người, nhưng dường như vẫn còn một số người không vượt qua được sự bi hận. Họ trút bỏ sự tức giận về sự thất bại trong quá khứ trên người thân của mình. Tôi đã biết có một số người không trân trọng những gì mình đang có được trong tay, nhất là không trân trọng mối liên hệ với người bạn đời của mình khi họ còn có nhau trong những ngày tháng cuối cùng của một đời người ngắn ngủi. Họ đi tìm vui ở những quán nhậu, bên canh bạc, hay bay về Việt Nam hưởng lạc bên cạnh những người phụ nữ trẻ tuổi. Tôi cũng biết một số người vợ, tiếp tục làm cái bóng đi bên cạnh người chồng độc tài và ích kỷ của họ, và trong lòng mang sự buồn khổ ấy cho đến khi nhắm mắt. Nếu ai ở trong trường hợp ấy, tôi đề nghị là ngày nào còn sống, chúng ta phải tự giúp mình và tự an ủi bằng cách tìm niềm vui từ tôn giáo, từ hoạt động bác ái, từ sự thành công và tình yêu thương của con cháu. Một người bận rộn vì thực hiện những việc thiện và có ích lợi cho người khác sẽ tìm được niềm vui cho chính mình. Tôi hy vọng họ có thể làm được những điều này, nhưng dĩ nhiên nói thì dễ và không phải ai cũng thực hiện được. Nói về những người có được tình yêu thứ thiệt và tiếp tục sống với nhau hạnh phúc sau khi còn cái đã có đời sống riêng và chỉ còn hai người già sống với nhau, lo lắng săn sóc và thương yêu thì quá tuyệt vời, khỏi bàn tán thêm cho mất công. Tôi thấy rằng càng lớn tuổi, ai cũng da nhăn, tóc bạc, răng cái giả, cái thiệt cả, chúng ta cố gắng không chấp nhất những điều nhỏ nhặt làm mình khó chịu của người bạn đời (bởi vì chính mình nhiều khi cũng chướng thấy mồ đi mà không hề biết!). Những thói quen đã có từ 50 hay 60 năm qua chắc là khó sửa đổi trừ phi tự mình tìm ra “chân lý”. Còn nếu có người cứ cứng đầu bảo: “Tui dzậy đó, chịu thì chịu, không chịu thì ráng chịu!” thì mình đành đầu hàng vô điều kiện thôi. Tiếng hót líu lo của những con chim én đầu tiên đến viếng thăm khu vườn nhỏ của tôi báo hiệu một ngày mới bắt đầu. Riêng tôi, cho dù không biết sẽ có bao nhiêu ngày còn lại, sống bên cạnh người bạn đời của mình, tôi luôn nhớ đến và áp dụng câu kệ của thiền sư Nhất Hạnh: “Thức dậy mỉm miệng cười. 24 giờ tinh khôi Xin nguyện sống trọn vẹn Mắt thương nhìn cuộc đời”. Hẹn bạn thư sau nhé! (YT)
Thương Cho Annie_ Em là cô bé tuổi mười lăm Nụ hoa chớm nở những mộng lành Thương yêu quấn quít bên Cha Mẹ Xinh xắn hiền ngoan tựa trăng rằm.
Tính em hiền hậu mà vui vẻ Dễ thương hơn hết chị em nhà Em là bạn tốt, là em nhỏ Là cành hoa quý của Mẹ Cha.
Bỗng đâu ập tới cơn nghiệt ngã Em mang chứng bệd65nh chó chữa lành Mạng sống vài năm không qua khỏi Bàng hoàng cứ ngỡ giấc mơ qua.
Chân em giờ đã kông hoạt động Em đau liên lỉ khắp thân mình Em chỉ sống nhờ vào dưỡng chất Đâu rồi cô bé của tuổi hoa!
Em chưa biết Chúa – con cầu nguyện Chúa sai thiên sứ đến bên em Ôm ấp em trong cánh dịu hiền Vợi xoa đau đớn hằng triền miên.
Annie đau lắm, Chúa biết không? Đầu xanh vô tội, Chúa sao đành? Con mong em được về bên Chúa Làm thiên thần nhỏ thật trắng trong. Cecil Mỹ Hạnh
Lá Thư Từ Bên Kia Thế Giới Nguyên Phong _________________________________________ Bác sĩ Elizabeth Kübler-Ross, người tiền phong trong lãnh vực nghiên cứu về hiện tượng hồi sinh cho biết: "Con người sợ chết như con nít sợ ma, họ đã nhìn cái chết một cách sợ hãi, ghê tởm và cố gắng phủ nhận nó vì nó làm gián đoạn sự liên tục của đời sống. Nhưng nếu họ biết chấp nhận sự chết một cách bình thản, giản dị thì họ sẽ thấy chết là một sự kiện tự nhiên cũng như lúc sinh ra vậy. Bất kỳ lúc nào chung quanh chúng ta, sống và chết cũng luôn luôn tiếp diễn. Lá cây rụng để nhường chỗ cho những mầm non xuất hiện, hết mùa đông lại có mùa xuân. Một hiện tượng tự nhiên và cần thiết như thế không lẽ lại chẳng bao hàm một ý nghĩa thâm sâu nào đó? Phải chăng chính vì có sự chết mà sự sống hiện hữu, có sự xây dựng thì cũng phải có sự hủy diệt, đâu có gì tồn tại vĩnh viễn. Người ta không thể hiểu được ý nghĩa đích thực của sự sống nếu họ không chịu chấp nhận sự chết, và đã đến lúc người ta phải nghiên cứu cặn kẽ các sự kiện này chứ không thể chấp nhận những lý thuyết mơ hồ nào đó được". Sau đây là tài liệu được trích lại từ cuốn La revue spirituelle: Bác sĩ Henri Desrives là một khoa học gia hoạt động, vui vẻ và yêu nghề. Như mọi nhà trí thức khác, ông sống một cuộc đời rất thực tế và không buồn lưu ý đến những điều mà khoa học chưa giải thích được. Ông không tin rằng có một linh hồn tồn tại sau khi chết vì thể xác chỉ là sự kết hợp của các vật chất hữu cơ và trí thông minh chẳng qua chỉ là sản phẩm của các tế bào thần kinh. Khi thể xác đã hư hoại thì trí thông minh cũng không thể tồn tại. Một hôm khi bàn chuyện với các con về đề tài đời sống sau khi chết, ông hứa sẽ liên lạc với các con nếu quả thật có một đời sống bên kia cửa tử. Cậu con trai Piere Desrives, cũng là một y sĩ, đã nói: "Nếu đã chết, làm sao cha có thể liên lạc với con được?" Bác sĩ Henri suy nghĩ một lúc rồi trả lời: "Cha không tin có một đời sống hay cõi giới nào ngoài đời sống này nhưng nếu sau khi chết mà cha thấy được điều gì thì cha sẽ tìm đủ mọi cách để liên lạc với các con". Vài năm sau, bác sĩ Desrives từ trần, các con ông vì bận việc nên cũng không để ý gì đến buổi bàn luận đó nữa. Khoảng hai năm sau, một nhóm nhân viên làm việc trong bệnh viện lập bàn cầu cơ chơi, bất ngờ cơ bút đã viết: "Xin cho gọi bác sĩ Pierre Desrives đến vì tôi là cha cậu đó và tôi có mấy lời muốn nhắn nhủ với các con tôi". Được thông báo, bác sĩ Piere không tin tưởng mấy nhưng nhớ lại lời dặn của cha, ông bèn gọi các em đến tham dự buổi cơ bút này. Một người cầm giữ đầu một sợi dây, đầu kia cột vào một cây bút chì và chỉ một lát sau cây bút đã tự động chạy trên các trang giấy thành một bức thư như sau: Các con thân mến, Cha rất hài lòng đã gặp đủ mặt các con nơi đây. Gần một năm nay, cha có ý trông đợi để kể cho các con về những điều ở cõi bên này mà cha đã chứng kiến nhưng không có cơ hội. Như các con đã biết, hôm đó sau khi ở bệnh viện về, cha thấy trong người mệt mõi lạ thường, cha bèn lên giường nằm và dần dần lịm đi luôn, không hay biết gì nữa. Một lúc sau cha thấy mình đang lơ lửng trong một bầu ánh sáng trong suốt như thủy tinh. Thật khó có thể tả rõ cảm tưởng của cha khi đó, nhưng không hiểu sao cha thấy trong mình dễ chịu, linh hoạt, thoải mái chứ không bị gò bó, ràng buộc như trước. Các con biết cha bị phong thấp nên đi đứng khó khăn, vậy mà lúc đó cha thấy mình có thể đi đứng, bay nhảy như hồi trai tráng. Cha có thể giơ tay giơ chân một cách thoải mái, không đau đớn gì. Đang vẫy vùng trong biển ánh sáng đó thì bất chợt cha nhìn thấy cái thân thể của cha đang nằm bất động trên giường. Cha thấy rõ mẹ và các con đang quây quần chung quanh đó và phía trên thân thể của cha có một hình thể lờ mờ trông như một lùm mây màu xám đang lơ lửng. Cả gia đình đều đang xúc động và không hiểu sao cha cứ thấy trong mình buồn bực, khó chịu. Cha lên tiếng gọi nhưng không ai trả lời, cha bước đến nắm lấy tay mẹ con nhưng mẹ con không hề hay biết và tự nhiên cha ý thức rằng mình đã chết. Cha bị xúc động mạnh, nhưng may thay lúc đó mẹ con và các con đều lên tiếng cầu nguyện, tự nhiên cha thấy mình bình tĩnh hẳn lại như được an ủi. Cái cảm giác được đắm chìm trong những lời cầu nguyện này thật vô cùng thoải mái dễ chịu không thể tả xiết. Lớp ánh sáng bao quanh cha tự nhiên trở nên sáng chói và cả một cuộc đời của cha từ lúc thơ ấu đến khi trưởng thành bỗng hiện ra rõ rệt như trên màn ảnh. Từ việc gần đến việc xa, ngay cả những chi tiết nhỏ nhặt nhất cũng đều hiện ra rõ rệt trong tâm trí của cha. Hơn bao giờ hết, cha ý thức tường tận các hành vi của mình, các điều tốt lành, hữu ích mà cha đã làm cũng như các điều xấu xa, vô ích mà cha không tránh được. Tự nhiên cha thấy sung sướng về những điều thiện đã làm và hối tiếc về những điều mà đáng lẽ ra cha không nên làm. Cả một cuốn phim đời hiện ra một cách rõ rệt cho đến khi cha thấy mệt mỏi và thiếp đi như người buồn ngủ. Cha ở trong tình trạng vật vờ, nửa ngủ nửa thức này một lúc khá lâu cho đến khi tỉnh dậy thì thấy mình vẫn lơ lửng trong một bầu ánh sáng có màu sắc rất lạ không giống như màu ánh sáng lần trước. Cha thấy mình có thể di chuyển một cách nhanh chóng, có lẽ vì không còn xác thân nữa. Cha thấy cũng có những người đang di chuyển gần đó nhưng mỗi lần muốn đến gần họ thì cha lại có cảm giác khó chịu làm sao. Một lúc sau cha đi đến một nơi có đông người tụ họp. Những người này có rung động dễ chịu nên cha có thể bước lại hỏi thăm họ một cách dễ dàng. Một người cho biết tùy theo các rung động thích hợp mà cha có thể tiếp xúc được với những người ở cõi bên này. Sở dĩ cha không thể tiếp xúc với một số người vì họ có sự rung động khác với "tần số rung động" (frequency) của cha. Sự giải thích có tính cách khoa học này làm cha tạm hài lòng. Người nọ cho biết thêm rằng ở cõi bên này tần số rung động rất quan trọng, và tùy theo nó mà người ta sẽ lựa chọn nơi chốn mà họ sống. Cũng như loài cá ở ngoài biển, có loài sống gần mặt nước, có loài sống ở lưng chừng và có loài sống dưới đáy sâu tùy theo sức ép của nước thì ở cõi bên này, tùy theo tần số rung động mà người ta có thể tìm đến được các cảnh giới khác nhau. Sự kiện này làm cha cảm thấy vô cùng thích thú vì như vậy quả có một cõi giới bên kia cửa tử và cõi này lại có nhiều cảnh giới khác nhau nữa. Khi xưa cha không tin những quan niệm như thiên đàng hay địa ngục nhưng hiện nay cha thấy quan niệm này có thể được giải thích một cách khoa học qua việc các tần số rung động. Những tần số rung động này như thế nào? Tại sao cha lại có những tần số rung động hợp với một số người? Người nọ giải thích rằng tùy theo tình cảm của con người mà họ có những sự rung động khác nhau; người có tình thương cao cả khác với những người tính tình nhỏ mọn, ích kỷ hay những người hung ác, không hề biết thương yêu. Đây là một điều lạ lùng mà trước nay cha không hề nghĩ đến. Cha bèn đặc câu hỏi về khả năng trí thức, phải chăng những khoa học gia như cha có những tần số rung động đặc biệt nào đó, thì người nọ trả lời rằng, khả năng trí thức hoàn toàn không có một giá trị nào ở cõi bên này cả. Điều này làm cho cha ít nhiều thất vọng. Người nọ cho biết rằng cái kiến thức chuyên môn mà cha tưởng là to tát chẳng qua chỉ là những mảnh vụn của một kho tàng kiến thức rất lớn mà bên này ai cũng có thể học hỏi được. Người nọ nhấn mạnh rằng, điều quan trọng là con người biết làm gì với những kiến thức đó. Sử dụng nó để phục vụ hay tiêu diệt nhân loại? Sử dụng nó vào mục đích vị tha hay ích kỷ? Sử dụng nó để đem lại niềm vui hay để gây đau khổ cho người khác? Thấy cha có vẻ thất vọng, người này bèn đưa cha đến một thư viện lớn, tại đây có lưu trữ hàng triệu cuốn sách mà cha có thể tham cứu, học hỏi. Chưa bao giờ cha lại xúc động như vậy. Có những cuốn sách rất cổ viết từ những thời đại xưa và có những cuốn sách ghi nhận những điều mà từ trước tới nay cha chưa hề nghe nói đến. Sau một thời gian nghiên cứu, cha thấy cái kiến thức mà mình vẫn hãnh diện thật ra chẳng đáng kể gì so với kho tàng kiến thức nơi đây. Đến khi đó cha mới thấm thía điều người kia nói về khả năng trí thức của con người và bắt đầu ý thức về tần số rung động của mình. Nơi cha đang sống có rất đông người, đa số vẫn giữ nguyên tính nết cũ như khi còn sống ở thế gian. Có người hiền từ vui vẻ, có người tinh nghịch ưa chọc phá người khác, có người điềm đạm, có kẻ lại nóng nảy. Quang cảnh nơi đây không khác cõi trần bao nhiêu; cũng có những dinh thự đồ sộ, to lớn; có những vườn hoa mỹ lệ với đủ các loại hoa nhiều màu sắc; có những ngọn núi rất cao hay sông hồ rất rộng. Lúc đầu cha ngạc nhiên khi thấy những cảnh vật này dường như luôn luôn thay đổi, nhưng về sau cha mới biết cảnh đó hiện hữu là do sức mạnh tư tưởng của những người sống tại đây. Điều này có thể giải thích giống như sự tưởng tượng ở cõi trần. Các con có thể tưởng tượng ra nhà cửa dinh thự trong đầu óc mình, nhưng ở cõi trần sức mạnh này rất yếu, chỉ hiện lên trong trí óc một lúc mà thôi. Bên này vì có những rung động đặc biệt nào đó phù hợp với sự rung động của tư tưởng làm gia tăng thêm sức mạnh khiến cho những hình ảnh này có thể được thực hiện một cách rõ ràng, chính xác và lâu bền hơn. Các con đừng nghĩ rằng những người bên này chỉ suốt ngày rong chơi, tạo ra các hình ảnh theo ý muốn của họ; mà thật ra tất cả đều bận rộn theo đuổi các công việc riêng để chuẩn bị cho sự tái sinh. Vì mọi tư tưởng bên này đều tạo ra các hình ảnh nên đây là môi trường rất thích hợp để người ta có thể kiểm soát, ý thức rõ rệt hơn về tư tưởng của mình. Vì đời sống bên này không cần ăn uống, làm lụng nên người ta có nhiều thời giờ theo đuổi những công việc hay sở thích riêng. Có người mở trường dạy học, có kẻ theo đuổi các nghành chuyên môn như hội họa, âm nhạc, kiến trúc, văn chương thơ phú v.v.... Tóm lại, đây là môi trường để họ học hỏi, trau dồi các khả năng để chuẩn bị cho một đời sống mai sau. Phần cha đang học hỏi trong một phòng thí nghiệm khoa học để sau này có thể giúp ích cho nhân loại. Càng học hỏi, cha càng thấy cái kiến thức khi xưa của cha không có gì đáng kể và nền y khoa mà hiện nay các con đang theo đuổi thật ra không lấy gì làm tân tiến lắm nếu không nói rằng rất ấu trĩ so với điều cha được biết nơi đây. Hiển nhiên khoa học phát triển tùy theo khả năng trí thức của con người, mỗi thời đại lại có những sự phát triển hay tiến bộ khác nhau nên những giá trị cũng vì thế mà thay đổi. Có những giá trị mà thời trước là "khuôn vàng thước ngọc" thì đời sau lại bị coi là "cổ hũ, lỗi thời"; và như cha được biết thì những điều mà ngày nay đang được người đời coi trọng, ít lâu nữa cũng sẽ bị đào thải. Tuy nhiên cái tình thương, cái ý tưởng phụng sự mọi người, mọi sinh vật thì bất kỳ thời đại nào cũng không hề thay đổi, và đó mới là căn bản quan trọng mà con người cần phải biết. Càng học hỏi cha càng thấy chỉ có những gì có thể tồn tại được với thời gian mà không thay đổi thì mới đáng được gọi là chân lý. Cha mong các con hãy suy ngẫm về vấn đề này, xem đâu là những giá trị có tính cách trường tồn, bất biến để sống theo đó, thay vì theo đuổi nhũng giá trị chỉ có tính cách tạm bợ, hời hợt. Cha biết rằng mọi ý nghĩ, tư tưởng, hành động đều có những rung động riêng và được lưu trữ lại trong ta như một cuốn sổ. Dĩ nhiên khi sống ở cõi trần, con người quá bận rộn với sinh kế, những ưu phiền của kiếp nhân sinh, không ý thức gì đến nó nên nó khép kín lại; nhưng khi bước qua cõi bên này thì nó từ từ mở ra như những trang giấy phô bày rõ rệt trước mắt. Nhờ vậy mà cha biết rõ rằng hạnh phúc hay khổ đau cũng đều do chính ta tạo ra và lưu trữ trong mình. Cuốn sổ lưu trữ này là bằng chứng cụ thể của những đời sống đã qua và chính nó kiểm soát tần số rung động của mỗi cá nhân. Tùy theo sự rung động mà mỗi cá nhân thích hợp với những cảnh giới riêng và sẽ sống tại đó khi bước qua cõi giới bên này. Do đó, muốn được thoải mái ở cõi bên này, các con phải biết chuẩn bị. Cha mong các con hãy bắt tay vào việc này ngay. Các con hãy rán làm những việc lành, từ bỏ những hành vi bất thiện. Khi làm bất cứ việc gì, các con hãy suy gẫm xem hậu quả việc đó như thế nào, liệu nó có gây đau khổ hay tổn thương cho ai không? Đừng quá bận rộn suy tính những điều hơn lẽ thiệt mà hãy tập quên mình. Đời người rất ngắn, các con không có nhiều thời giờ đâu. Khi còn sống, đã có lúc cha dạy các con phải biết đầu tư thương mại để dành tiền bạc vào những trương mục tiết kiệm, những bất động sản, những chứng khoán... nhưng bây giờ cha biết rằng mình đã lầm. Một khi qua đến bên đây, các con không thể mang nhũng thứ đó theo được. Danh vọng, địa vị, tài sản vất chất chỉ là những thứ có tính cách tạm bợ, bèo bọt, đến hay đi như mây trôi, gió thổi, trước có sau không. Chỉ có tình thương mới là hành trang duy nhất mà các con có thể mang theo mình qua cõi giới bên này một cách thoải mái, không sợ hư hao mất mát. Tình thương giống như đá nam châm, nó thu hút những người thương nhau thực sự, để họ tiến lại gần nhau, kế hợp với nhau. Nó là một mãnh lực bất diệt, mạnh mẽ, trường tồn và chính nhờ lòng thương này mà người ta có thể tìm gặp lại nhau trải qua không gian hay thời gian. Chắc hẳn các con nghĩ rằng người cha nghiêm nghị đầy uy quyền khi trước đã trở nên mềm yếu chăng? Này các con, chỉ khi nào buông xuôi tay bước qua thế giới bên này, các con mới thực sự kinh nghiệm được trạng huống của mình, tốt hay xấu, hạnh phúc hay đau khổ, thích hợp với cảnh giới thanh cao tốt lành hay những nơi chốn thấp thỏi xấu xa. Hơn bao giờ hết, cha xác định rằng điều cha học hỏi nơi đây là một định luật khoa học thật đơn giản mà cũng thật huyền diệu. Nó chính là cái nguyên lý trật tự và điều hòa hằng hiện hữu trong vũ trụ. Sự lựa chọn để sống trong cảnh giới mỹ lệ đẹp đẽ hay tăm tối u minh đều do những tần số rung động của mình mà ra cả và chính mình phải chịu trách nhiệm về cuộc đời của mình hay lựa chọn những nơi mà mình sẽ đến. Khi còn sống cha tin rằng chết là hết, con người chỉ là sự cấu tạo của các chất hữu cơ hợp lại, nhưng hiện nay cha biết mình đã lầm. Cha không biết phân biệt phần xác thân và phần tâm linh. Sự chết chỉ đến với phần thân xác trong khi phần tâm linh vẫn hoạt động không ngừng. Nó đã hoạt động như thế từ thuở nào rồi và sẽ còn tiếp tục mãi mãi. Hiển nhiên các nhân của cha không phải là cái thể xác đã bị hủy hoại kia mà là phần tâm linh vẫn tiếp tục hoạt động này, do đó cha mới cố gắng liên lạc với các con để hoàn tất điều mà cha đã hứa với các con khi xưa. Cha nghiệm được rằng sự sống giống như một giòng nước tuôn chảy không ngừng từ nơi này qua nơi khác, từ hình thức này qua hình thức khác. Khi trôi chảy qua những môi trường khác nhau nó sẽ bị ảnh hưởng những điều kiện khác nhau; và tùy theo sự học hỏi, kinh nghiệm mà nó ý thức được bản chất thiêng liêng thực sực của nó. Cũng như sống biển có đợt cao, đợt thấp thì đời người cũng có những lúc thăng trầm, khi vinh quang tột đỉnh, lúc khốn cùng tủi nhục, nhưng nếu biết nhìn lại toàn vẹn tiến trình của sự sống thì kiếp người có khác chi những làn sóng nhấp nhô, lăng xăng trên mặt biển đâu! Chỉ khi nào biết nhận thức về bản chất thật sự của mình vốn là nước chứ không phải là sóng thì các con sẽ ý thức được tính cách trường cửu của sự sống. Từ đó các con sẽ có một quan niệm rõ rệt rằng chết chỉ là một diễn tiến tất nhiên, một sự kiện cần thiết có tính cách giai đoạn chứ không phải một cái gì ghê gớm như người ta thường sợ hãi. Điều cần thiết không phải là trốn tránh sự chết hay ghê tởm nó, nhưng là sự chuẩn bị cho một sự kiện tất nhiên phải đến một cách thoải mái, ung dung vì nếu khi còn sống các con đã đem hết khả năng và phương tiện của mình để giúp đời, để yêu thương mọi loài thì lúc lâm chung, các con chẳng có gì phải luyến tiếc hay hổ thẹn với lương tâm cả. Trước khi từ biệt các con, cha muốn nói thêm rằng hiện nay cha đang sống một cách thoải mái, vui vẻ và an lạc chứ không hề khổ sở. Elizabeth Kübler-Ross
Hạnh phúc rất đơn sơ _________________________
Người ta không thể cân đong, đo đếm hạnh phúc. Bàn về hạnh phúc giống như người mù sờ voi. Có người bảo hạnh phúc là khi nhu cầu được thỏa mãn. Có người cho rằng chờ đợi một niềm vui còn hạnh phúc hơn khi nó đến. Người khác nói hoàn thành một nhiệm vụ được giao chính là hạnh phúc. Có người cho rằng hạnh phúc chính là làm cho người khác… hạnh phúc. Cũng có người lại bảo hạnh phúc rất đơn giản, chỉ cần thấy mình hơn ông hàng xóm! Có người nói hạnh phúc là sự sung sướng, mà muốn sướng thì phải… sung, nên chạy đi tìm mọi thứ thuốc uống vào cho sung càng lâu càng tốt. Mà sung quá thì dễ… rụng ! Như vậy không chắc hễ sung nhiều thì sướng nhiều ! Một ngưòi nằm mơ thấy mình đang phỏng vấn Thượng đế. -Mời vào ! Ngươi muốn phỏng vấn ta ? -Vâng ạ !Nếu ngài có thì giờ… -Thời gian của ta là vô tận !Ta có thể làm bất cứ điều chi ta muốn. Nào mời… -Ðiều gì ở loài người làm cho ngài ngạc nhiên nhất sau khi ngài đã tạo ra họ? À, à…Ðó là lúc còn nhỏ thì họ mong cho mau lớn, khi lớn lên rồi thì mong cho nhỏ lại… À, đó là họ phung phí sức khỏe để kiếm cho thật nhiều tiền, rồi bỏ tiền đó ra để phục hồi sức khỏe… À, còn nữa ! Lúc nào họ cũng lo lắng, toan tính cho tương lai… để rồi chẳng sống trong tương lai mà cũng chẳng sống trong hiện tại…! Chuyện còn nhỏ mong cho mau lớn, lớn rồi mong nhỏ lại làm ta nhớ một chuyện ngụ ngôn. Chuyện kể có một vị hoàng tử muốn mau lớn để làm vua thay cha…Một ông tiên hiện ra cho hoàng tử một cuộn chỉ, dặn rằng muốn mau lớn thì cứ việc kéo cuộn chỉ đó ra. Hoàng tử kéo cuộn chỉ thật nhanh và lớn cũng thật nhanh, được lên ngôi báu, tam cung lục viện, đánh nam dẹp bắc, chiến công lừng lẫy… Cho đến một hôm, nhà vua giật mình thấy cuộn chỉ sắp hết , vội vàng cuốn ngược lại thì không còn được nữa ! Còn sức khỏe ? Hỏi sức khỏe là gì chắc chắn ta sẽ lúng túng, không trả lời được, nhưng khi mất sức khỏe thì biết ngay. Cũng như hạnh phúc vậy. Hạnh phúc là gì thì nhiều khi không biết, nhưng một khi mất thì biết. Thường thì đã quá muộn ! Sức khỏe không phải chỉ là không có bệnh tật. Sức khỏe là một tình trạng hoàn toàn sảng khoái ( well being) về thể chất, tâm thần và xã hội, theo định nghĩa của tổ chức Y tế thế giới ( WHO) từ năm 1946. Do vậy có thể nói bác sĩ chỉ có thể giúp ta chữa trị bệnh tật chớ không thể giúp ta tạo nên sức khỏe. Phung phí sức khỏe để kiếm cho thật nhiều tiền, rồi dùng tiền đó để phục hồi sức khỏe… thì đến Thượng đế cũng phải… ngạc nhiên là vậy ! Về chuyện lúc nào cũng lo lắng cho tương lai để rồi chẳng sống trong tương lai mà cũng chẳng sống trong hiện tại ? Chẳng phải ta đã bao nhiêu lần hẹn… với chính mình hãy đợi đấy, hoặc an ủi mình rồi sẽ biết đó ư ? Ðể rồi thời gian cứ trôi dần qua lúc nào không hay, để rồi một hôm kêu lên :nhìn lại mình đời đã xanh rêu (Trịnh Công Sơn)! Thế nhưng hạnh phúc lại rất đơn sơ, hạnh phúc là cái gì đó chỉ có thể nắm bắt trong hiện tại, không thể tìm kiếm trong dĩ vãng hay chờ đợi ở tương lai ! Tiếng Anh có một từ thú vị :present, vừa có nghĩa có mặt, vừa có nghĩa hiện tại, lại vừa có nghĩa quà tặng, cho ta một ý niệm về một món quà tặng qúy báu của cuộc sống là sự có mặt trong giây phút hiện tại. Các nhà nghiên cứu bèn thử tìm một vài biến số để đo đếm hạnh phúc của người già xem sao, chẳnh hạn như sự nhiệt tình, lòng quả cảm, khả năng hòan thành mục tiêu, sự đánh giá về chính mình, óc hài hước… Chọn người già làm đối tượng bởi đây là lứa tuổi thường kêu ca, than phiền… thiếu hạnh phúc nhất ! Kết quả cho thấy đa số 'người già hạnh phúc' là những ngưới bao giờ cũng tự đánh giá mình cao hơn người khác đánh giá về họ. Một nghiên cứu ở những người trên 65 tuổi chẳng hạn cho thấy trong khi họ tự cho điểm về tính thân thiện và lòng nhiệt tình là 72 thì những người chung quanh chỉ cho họ có 65 điểm; về sự thông minh và nhanh nhẹn thì họ tự cho 68 điểm, trong khi những người khác chỉ cho có 28 , về tính cởi mở và thích nghi, họ tự cho 64, trong khi người khác chỉ cho có 22 điểm (thì ra chả cởi mở gì cả) ; về khả năng hoàn thiện công việc được giao, họ tự cho 55, trong khi người khác chỉ cho có 35 điểm ! Tựu trung người ta đồng ý nên dựa vào bốn yếu tố căn bản để xác định hạnh phúc ở người có tuổi đó là : sức khỏe, nơi ăn chốn ở, thu nhập và hoạt động, là những biển số có thể đo đạc được. Thế nhưng , ngay cả về sức khỏe, có vẻ như có thể đo đạc dễ dàng bằng các máy móc khách quan, nhưng thực ra cái cảm xúc chủ quan về sức khỏe, sự sảng khoái trong tâm hồn và thể chất mới thật sự là quan trọng, sự cảm nhận về tình trạng sức khỏe của chính mình nhiều khi vượt ra ngoài sự đánh giá của các chuyên gia y tế. Nơi ăn chốn ở cũng vậy, cũng rất chủ quan. Một bà cụ 'nhà quê' quanh năm quen ở lều tranh vách đất, quen cá kho rau luộc, đang thảnh thơi sung sướng thì được các con rước về thành phố cho sống trong phòng máy lạnh, cung phụng các bữa ăn đầy đủ chất bổ dưỡng, chẳng mấy chốc bà cụ phải trốn về quê! Nhưng về thu nhập lại khác, người già cần phải có thu nhập ổn định, đủ để không bị lệ thuộc vào con cháu. Cay đắng nhất ở tuổi già chính là sự lệ thuộc vào con cháu về kinh tế. 'Cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng! Con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày…'. Về hoạt động thì do cá tính của mỗi người, có người trời sinh hướng ngoại, ham hoạt động năng nổ, dễ hòa mình, dễ hợp tác, quan tâm đến những vấn đề xã hội, đó là những người dễ có được hạnh phúc. Ngược lại, một số người khác lại co cụm, ích kỷ, hay than phiền, hay phóng đại về tình trạng khó khăn của mình, hay nhắc dĩ vãng, nhắc quá khứ, làm cho những người chung quanh khó chịu, lánh xa nên ngày càng cô độc. Duy trì các mối quan hệ xã hội là yếu tố rất quan trọng. Một khi còn giữ được mối quan hệ xã hội thì họ sẽ tránh được nỗi bơ vơ. Ở đây, 'chất lượng' quan trọng hơn là số lượng. Có một bà bạn hiểu mình như Bá Nha với Tử Kỳ, như Bertrand Russel với Edith thì tốt hơn có cả một lô bạn… chỉ gặp nhau khi cần nhậu ! Cho nên người già có khuynh hướng tìm đến các bạn cũ thuở thiếu thời của mình là vậy. Ngày nay, những người già ở Nhật đi lại khó khăn thì người ta dạy vi tính cho họ, để họ có thể giao tiếp qua e-mail, qua chat. Người có óc hài hước luôn có khả năng thích nghi tốt hơn, có thể biến một số khó chịu thành một niềm vui, hưởng được những hạnh phúc nhẹ nhàng, đơn sơ mà sâu lắng… Kim Thánh Thán ngày xưa đã từng liệt kê 33 cái 'sướng' của mình như : Ngày hè, cầm dao bén cắt một trái dưa hấu vỏ xanh, bày trên một cái bàn đỏ, chẳng cũng khoái ư ? - Mở rương ra vô tình được bức thư của cố nhân, chẳng cũng khoái ư ? - Mở cửa sổ cho con ong bị kẹt bay ra chẳng cũng khoái ư ?…( Sống đẹp, Lâm Ngữ Ðường, bản dịch Nguyễn Hiến Lê). Tưởng gì chớ chỉ có thế thì ngay bây giờ ta cũng có thể bắt chước liệt kê không ít những ' khoái ư' như vậy giữa buổi xuân về! BS ÐỖ HỒNG NGỌC Vừa đủ' là đủ rồi! Vừa đủ hạnh phúc để khiến bạn dễ thương. Vừa đủ gian nan để làm bạn mạnh mẽ. Vừa đủ buồn để khiến bạn thật sự là người. Vừa đủ hi vọng để bạn thấy mình hạnh phúc. Vừa đủ thất bại để bạn biết khiêm tốn. Vừa đủ thành công để bạn hăng hái hơn. Vừa đủ bạn bè để bạn thấy thoải mái Vừa đủ của cải để đáp ứng nhu cầu của mình. Vừa đủ nhiệt tình để luôn hướng về trước. Vừa đủ niềm tin để xua đuổi mọi buồn phiền. Vừa đủ sự quyết đoán để làm mỗi ngày đều tốt hơn hôm qua. PHÁT PHAN (BC K2003) (dịch từ Internet) ------------------ Tôi cầu xin Thượng đế cho tôi không còn chịu mọi đau khổ. Ngài nói, không. Ðó không phải là ta mà tự ngươi phải biết cách tránh những phiền khổ ấy. Tôi hỏi xin Ngài ban cho tôi thêm lòng kiên nhẫn. Ngài nói, không. Lòng kiên nhẫn được hình thành từ sự chịu đựng mọi gian khổ, không thể ban phát. Nó là để học và rút tỉa. Vậy hạnh phúc, thưa Ngài, tôi hỏi xin. Ngài nói, không. Hạnh phúc hay không là tùy vào ngươi. Thưa Ngài, hãy cho tôi mọi thứ giúp tôi tận hưởng cuộc đời. Ngài nói, không. Ta đã ban cho ngươi sự sống để ngươi có được mọi thứ. Tôi hỏi Ngài sao cho tôi có được lòng yêu thương như tình yêu Ngài dành cho tôi. Thượng đế phán: Cuối cùng ngươi đã hiểu được ý ta. BÙI NGUYỄN QUÝ ANH
xa gần Dân Gầy phụ trách *Họp mặt ra mắt Chi Hội Trường: Thật, cũng chẳng nhớ thói quen này có từ bao giờ. Do ai đề xướng. Nhưng nhiệm kỳ này, Chi Hội Trường Sydney rất trẻ là anh Nguyễn Duy Lâm rất hăng say tự nguyện mở rộng vòng tay ôm, để đón tiếp một số anh em trong Gia Đình An Phong, ở Sydney. Một công đôi ba chuyện, vừa làm phép căn nhà mới trên đồi cao ở Baulkham, một quận lỵ giàu sang ấy, vừa để gọi là “rửa lon” Chi Hội Trưởng và đón tiếp đức thần tăng đến từ miệt dưới, xứ Melbourne. Buổi họp mặt nào, dù lớn dù nhỏ, bao giờ chẳng có màn Khilikhitô. Nhưng điểm son đặc biệt lần này, không phải là chuyện ấy, mà là chuyện thánh lễ Chủ nhật thứ 23 thường niên, diễn ra trong khung cảnh rất bình thường. Rất quanh năm. Nghĩa là, không có bàn thờ, không có giảng mà chỉ là cảnh anh em quây quần chung quanh vị chủ tế và đồng tế, có bà con tham dự. San sẻ Lời Chúa đích thực là những tâm tình áp dụng Lời của Chúa trong cuộc sống đời thường, được sẻ và san. Tuy bắt đầu từ 4.30 chiều và kết thúc vào lúc 10 giờ đêm, nhưng ai nấy chừng như vẫn thấy thiếu. Thoáng nghe có lời đề nghị từ đâu đó: hay là ta họp mặt kỳ tới ở công viên vùng đồi cao, quanh đây. Hay, ta kéo nhau xuống miệt dưới một ngày rất gần, để hội họp và nhìn lại những khuôn mặt lâu nay, ít hay thấy. Hay, ta mở một công ty có mang tên rất nhẹ như “Vũ Nhuận enterprise”, nên chăng? Hoặc: “An Phong & Co”? Bà con nhà mình có ý kiến gì không đấy? Nghĩa là, cũng vui chơi, làm ăn và cộng tác trong bất cứ môi trường, dịch vụ nào? Cứ chờ và xem thôi. Đành thế vậy!
*Lại nói về vợ- Đề tài …”vợ” chắc chẳng bao giờ cạn. Chỉ cạn khi nào ngôn ngữ loài người không còn phân biệt giống cái và giống đực, nữa mà thôi. Chí ít, là người tình. Người tình, cũng thế. Chỉ hết chuyện người tình khi tình người, chẳng còn thấy trên thế gian này. Không tin ư? Xin mời đọc tiếp những giòng chảy ở bên dưới: Sự khác biệt giữa Người Vợ và Người Tình. Vợ và người tình tuy cùng là... cánh phụ nữ nhưng giữa họ lại có vô vàn điểm khác nhau. Dưới đây là những dị biệt căn bản mà chúng tôi đã tìm hiểu và ghi nhận được từ một số quý ông để các bạn tham khảo. -Vợ và người tình đều... vòi tiền của ta; nhưng sau đó, người tình ra sức chiều chuộng ta, trong khi vợ lại còn bắt ta... rửa chén, đổ rác. -Người tình chăm sóc (đắp khăn nóng, pha nước chanh...) khi ta lỡ say xỉn, vợ thì... mắng nhiếc ta như tát nước vào mặt. -Người tình gọi điện thoại di động cho ta khi cần, vợ đôi lúc không cần cũng gọi... để kiểm tra. -Người tình luôn tìm ưu điểm của ta để khen ngợi, vợ lại thích soi mói khuyết điểm của ta để... kể khổ. -Người tình không bao giờ so sánh ta với người đàn ông khác, vợ lại hay đem ta ra đối chiếu với... chồng bà hàng xóm. -Vợ thường tìm hiểu nguyên nhân tại sao ta vui, người tình quan tâm đến việc vì sao ta buồn. -Khi giận nhau, người tình thường tìm cách làm lành với ta, còn với vợ, ta phải... xuống nước năn nỉ bả trước. -Người tình nhìn thấy ta là líu lo như ... hát, vợ gặp ta là... lải nhải đủ thứ chuyện trên đời. Trên đây là ý kiến ghi nhận được từ một số đàn ông vừa có vợ, và vừa có tình nhân, qúy vị nào có thêm ý kiến so sánh thì xin góp lời vào, và mấy bà cũng có thể góp lời vào cho… vui nhà, vui cửa ấy mà. (Trích Diễn Ðàn Dân Tộc Việt, và có thêm lời cuối). __._,_.___ *Lại nói chuyện…ngôn ngữ. Ngôn ngữ người mình, rất ư là súc tích. Đa dạng. Đẹp lòng mọi người. Nói đẹp là đẹp, khi người mình có những lúc buồn vui, lẫn lộn. Lẫn lộn, cả về hình thức lẫn nội dung, của ngôn từ. Chí ít, là khi ta có những ý tưởng rất ư nổi cộm. Ý tươi vui. Như, ý tứ của tên gọi các “bộ”, sau đây: Có thông tin là tỉnh Quảng Bình sẽ sát nhập với Hà Tĩnh, lấy tên là Tỉnh Bình Tĩnh. Bộ Nội vụ sát nhập với Bộ Công an thành Bộ Nội Công. Nhưng theo các nguồn tin mật, Bộ Nội vụ chỉ thích sát nhập với bộ Y tế, lấy tên là Bộ Nội Y.
*Đôi điều cải chính: Chủ bút Mười Hai nhờ DânGầy cải chính và điều chỉnh một vài sai sót. Chị Nguyễn Thị Tính còn có tên là Phụng (chứ không phải Vọng, như đã đánh máy sai trên DIA số 63). Và, các chị Hồng Phước và Ánh Mai đã đóng góp cho Nhà Dòng là $120 (chứ không phải $20). Xin thành thật cáo lỗi.
*An Phong Sydney được mùa cưới hỏi: Chắc đã đến thời. Thời, của thế hệ thứ hai, Gia Đình An Phong đang tiến bước, lấn lướt về phía trước. Chưa thay thế được thế hệ đầu, nhưng cũng đã tạo được cơ hội. Trong cơ hội đó, phải kể đến các dịp gặp gỡ cuối năm 2008. Với đủ mọi lễ cưới hỏi rất linh đình. Cưới hỏi thế hệ thứ hai năm nay, đếm được như sau: -Ngày 6/9/2008 út cưng anh chị Huỳnh Công Lợi (cùng lớp với anh Thành Tâm-Sỹ Tín, Đức Mầu, Khởi Phụng) là cháu Huỳnh Công Huy Hoàng, sánh duyên cùng cô Nguyễn Thị Hồng Vân, đến từ Hoa Kỳ..kỳ. Buổi tiếp tân cho đám cưới của hai cháu Hoàng-Vân năm nay được sự hỗ trợ của 2 MC nổi đình đám, một là tay chuyên nghiệp đường dài Vũ Nhuận, và một ngôi sao kỳ phùng vừa mới lên đã rớt xuống, là: đức Trần Ngọc Mười Hai, hy vọng MC này sẽ cứ xuống, dài dài. -27/9/2008, bà con An Phong Sydney quê ta lại được dịp xum họp tề tựu để đón mừng chàng rể quý của anh chị Nguyễn Kim Linh, trong tiệc cưới mừng cô cháu nội của Bác Nguyễn Văn Kim là cô Clara Kim Linh Nguyễn, đẹp duyên cùng chú rể “tây” Curtis David. Tiệc cưới được tổ chức theo truyền thống văn hoá đa nguyên, cùng nhà Đạo. Đạo Công giáo thuần thục. Rất chuyên chăm. Tại nhà thờ giáo xứ Felix de Valois, ở Bankstown. Lễ tiếng Tây, do cha xứ Việt chủ trì. Thần tăng họ Mai cũng từ Melbourne miệt dưới bay lên để cùng đồng tế, tham dự. -Và 19/11/08 là đám cưới út cưng của anh chị Nguyễn An Bình (cùng lớp với đương kim Phó Giám Tỉnh, Lm Cao Đình Trị CssR), tại nguyện đường ở Strathfield MLC. Nhưng tiệc cưới lại mặn mà tinh hoa, nhiều chất Việt. Tiệc nào cũng vui. Lễ nào cũng đẹp. Những mong rằng, thế hệ thứ hai sẽ thừa thắng xông lên, ta tiếp nối con đường của đàn anh. Mong lắm thay.
*Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn xa. Tiếng đồn hôm nay, lành nhiều hơn xưa. Lành, là tiếng tăm của Sydney năm nào. Vẫn liên tục yểm trợ người anh em ở quê nhà. Lần này, lại được nghe giọng cũ rất văng vẳng của người anh em có tên là “Năm Sa Đéc, Nguyễn Minh Sang”. Anh Năm, năm nay được bề trên uỷ thác trông coi nhà Huế. Rất thích hợp. Vì, anh chính cống “Huế miềng” chăm phần chăm. Và, “Huế mình” hôm nay có giọng cũ rất khàn khàn, như sau: DÒNG CHÚA CỨU THẾ 142 NGUYỄN HUỆ HUẾ VIET NAM Huế 22/9/2008. Thân gửi Bạn Trần Ngọc Tá Cùng các bạn trong gia đình An Phong. Thay mặt anh em DCCT Nhà Huế, Sang gửi đến anh chị em lời chào thân ái trong Chúa Ki-tô, trong tình gia đình Thánh Anphong. Sau hơn 30 năm làm Mục vụ trong các họ đạo vùng Sa-đéc, tỉnh Đồng Tháp, thuộc giáo phận Vĩnh Long, Sang ra Huế nhận trách vụ gần 6 tháng nay. Mới đây được anh Mười Hai giới thiệu nhập với nhóm điện thư Gia đình AnPhong, được thông chia tin tức của nhóm. Cám ơn nhóm nhiều. Nhận nhiệm vụ ở Nhà Huế, Sang không ngại công việc Mục vụ cho bằng rất lo về cơ sở, một cơ sở lâu đời nhất của tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN. Về Mục vụ, Cộng đoàn có được 10 thành viên: 3 Thầy Trợ sĩ và 7 anh em Linh mục. Cha nhạc sĩ Phê-rô Hoàng Diệp, 86 tuổi, vừa qua cơn bệnh nặng, nay ngài có thể đi lại tập hát và dâng lễ. Cha Giuse Viết Phục, tuy với tuổi 80, vẫn còn lanh lợi. Rồi đến Sang đây, nối kết với thế hệ Linh mục trẻ: Xuân Đường, Quốc Việt, Thành Hưng và Văn Dũng. Đã sống trong Nhà Dòng, anh em còn nhớ cơ sở DCCT Huế gồm phần Tu viện và Nhà Đệ Tử, kiến trúc hơn 80 năm. Qua những năm tháng khó khăn, đặc biệt từ 1975, toàn bộ hai cơ sở này xuống cấp khủng khiếp, nay chỉ biết cố gắng chấp vá để xử dụng. Riêng Đệ tử có nhà Préau (Nhà Sinh hoạt, Nhà chơi) dài 40m, ngang 14m, coi như đã bị bỏ phế hoàn toàn. Nay Cộng đoàn có chương trình sửa chữa lại để làm Nhà sinh hoạt Mục vụ cho giáo xứ ĐMHCG và Trung tâm sinh hoạt cho sinh viên thành phố Huế (nơi học hành và các cuộc trao đổi). Về công việc sửa chữa nhà Préau, Cộng đoàn tìm tiền chỗ này chỗ khác đã lợp được mái tôn với giàn kèo sắt hơn 200 triệu, và đang tô lại vách trong ngoài, thay các cửa sổ và ra vào không dưới 200 triệu. Nhà Dòng gợi ý với Sang làm sao thông chia tin tức với nhóm anh em Gia đình Anh Phong, để xin từng anh chị em góp phần một chút cho vui. Chỉ kêu gọi anh chị em Nhóm gia đình Anh phong chia sẻ mỗi người hoặc mỗi gia đình Một Bộ Bàn ghế để học: cái bàn bằng gỗ dài 2,50m, giá 690 ngàn đồng VN, với 5 cái ghế nhựa (mủ) giá 350 ngàn đồng VN. Chỉ giới hạn 30 bộ bàn ghế như vậy thôi. Nếu mọi sự diễn tiến tốt đẹp, Nhà Dòng sẽ cho sinh viên bắt đầu xử dụng cho việc học hành, trao đổi và cho sinh hoạt của giáo xứ vào đầu tháng 11/2008. Rất mong anh chị em gia đình An Phong sẳn sàng chia sẻ phần khiêm tốn nhưng với tấm lòng yêu mến và biết ơn Nhà Dòng. Và trong tình hiệp thông, xin Chúa Cứu Thế chúc lành cho anh chị em, và Mẹ HCG nâng đỡ anh chị em luôn. Cám ơn sự chia sẻ của anh chị em Nhóm Gia đình AnPhong. Thân mến, L.m GB. Nguyễn Minh Sang, CssR.
*Và cây cầu hiệp thông gia đình- Nhờ phương tiện truyền thông nhanh như chớp, Gia đình An Phong Sydney đã có hồi âm, rất thực tế. Rất thực tế, như thư phúc đáp của anh Chi Hội Phó nhiệm kỳ này, như sau : 29/9/2008 Sang ơi, Như đã báo trước với cậu trong tuần rồi, sáng nay Thứ Hai 29/9/08 tớ đã ra dịch vụ gửi tiền/quà về yểm trợ Nhà Huế theo nhu cầu của anh em mình. Nhận được cho tớ biết ngay nhé. Đợt đầu này được $1,800 đô Úc. Dưới đây là danh sách của anh em tặng tiền: Cụ Bà Đàm Quang Tính $50 Tổng cộng $1,800 Hay là, cậu viết vài hàng để tớ chuyển lời cảm ơn đến những người tặng quà. Vì có người không phải là cựu đệ tử. Sang chúc lành và cầu nguyện cho mọi người nhé.
*Và thư của Bề Trên nhà Huế Đúng là thời buổi vi tính. Mọi việc qua lại theo tốc độ ánh sáng. Kể cả việc trao và nhận quà. Và, đây là kết quả của tính vi, rất điện tử : Tá thân mến. Lúc 2:30pm hôm nay (Sept 29) Sang vừa nhận đủ số tiền Tá gửi: $1,800.00 đô Úc. Cảm ơn nhiều. Hồi nào anh chị em chia sẻ thêm thì đóng cho đủ 30 bộ và mua thêm cả mấy trăm cái ghế. Vừa rồi tổ chức Học hỏi về Gia đình cho sinh viên, qui tụ hơn 500 nam nữ sinh viên. Tổ chức một khoá Anh văn đặc biệt trong 5 tuần, do các anh chị Volunteers, cả Mỹ lẫn Việt kiều về giúp (do hội Education for the poor), cho hơn 500 học viên. Sinh hoạt giới thanh niên trong Giáo phận Huế, thường được tổ chức tại Nhà Hội của Đệ Tử Dòng mình. Xin gửi lời cảm ơn đặc biệt đến: -Cụ Bà Đàm Quang Tính. -Chị Đàm Thị Mai. -cháu Thiên Ân - Minh Thư. -Trần Ngọc Tá ( đương nhiên). -gia đình bác Trần Tứ Cảnh. -Bạn Lê Văn Khuê. -Bạn Vũ Đức Nhuận. -cháu Trần Đàm Việt Quốc. -bạn Nguyễn Duy Lâm. -Bạn Chương Ròm (Phạm Văn Chương- Nguyet). -Nguyễn Tiến Hùng. -Nguyễn Văn Dũng. -cháu Lê Văn Thụ Nhân. Xin Chúa Cứu Thế và Mẹ Hằng Cứu Giúp chúc lành cho anh chị và các bạn. Hôm nào đưa vào sinh hoạt, sẽ chụp hình cho các anh chị coi mặt. Thay mặt Nhà DCCT Huế. JB.Nguyễn Minh Sang, CssR.
*Xứ gì là xứ Kỳ kỳ ? Dạ. Đã từ lâu, DânGầy mỗ vẫn cứ gọi đó là xứ Hoa...Kỳ kỳ. Nay, có một đồng nghiệp trong ngành những viết và lách, cũng đã nhận ra mấy điều như thế. Rất cảm thông. Xin bầu bạn thông cảm với những vần thơ ở bên dưới, như ri :
*Cái già nó có “xồng xộc” DânGầy vừa vào vài trang báo điện tử. Bất chợt, đọc được một bài của tác giả Kathy Trần, thấy hay hay. Bèn, xin mạn phép trích đăng, chỉ một đoạn. Đó là đoạn nói về các triệu chứng của “cái già xồng xộc, nó thì…” Xin ghi lại đây để bạn nào không có phương tiện “truy cập” báo điện, có thể thưởng lãm, nhất là xem Kathy Trần nói có đúng không, nhé: “Lão “thần già” cho ta rất nhiều “điềm” báo trước. Hãy điểm qua một số căn bản mà tiểu muội tin rằng các ông bà sồn sồn đều đang nếm mùi cả: -Thích kể chuyện đời xưa, lúc mình còn đi học. -Nói chuyện hay kể bệnh và chỉ nhau thuốc trị bệnh. -Cả ngày hết đi tìm kính tới tìm chìa khoá xe, tìm giấy má… -Lên lưới trời đọc thư từ, bài vở là phóng lớn … 150%. -Thích nhìn mấy cô cậu trẻ đẹp tuổi giữa 20-30 mà mơ tưởng tới… hồi đó mình… -Vòng thứ hai ngày càng to, vòng số 1 và 3 ngày càng xệ. -Thích được khen: “Trông ông (bà) trẻ hơn và ốm hơn trước nhiều ạ”, hoặc “trông ông (bà)chả khác năm kia, năm kìa tí nào cả, còn trẻ hơn là trưóc!” -Thích đi chơi nhưng làm biếng lái xe. Uống trà hay cà-phê là tối không ngủ được. -Sáng dậy cỡ bốn năm giờ sáng. -Dễ cảm động, tủi thân, rơm rớm nước mắt. -Thích người khác để ý và săn sóc mình hơn. Ngủ nhiều nhưng làm gì cũng chậm lại (chưa kể về…sex) -Có điện thoại cầm …chân thì lúc nào cũng tắt cho đỡ tốn pin. --Đi chơi, cho nhau số cell phone rồi chả mở bao giờ. -Cell phone (di động) reo ầm ĩ, lúng túng mãi mới lôi được phone ra, khi bắt được thì phone đã tắt. Nếu là các bà thì dẹp hết mini-jupes và những giầy cao gót nhọn hoắt vì sợ té và hư… chân. -Ra bãi biển thì … trùm chăn cho chắc ăn, kẻo…gió về bịnh chết! -Ra đường “bị” gọi bằng cô, chú; lên chức bác thì triệu chứng trầm trọng rồi đó. -Đi đâu cũng “bị” nhường chỗ là giai đoạn hết thuốc chữa! -Vẫn mê ăn quà nhưng bánh phở, bún, mì, cơm phải…mềm. -Thấy đồ ăn ngon thì lấy đầy đĩa mà ăn không hết. -Ăn xong phải dùng kem đánh răng loại “Extra-whitening”. -hay hỏi thăm tin tức các bạn cùng tuổi xem “còn khoẻ không?” -Mở báo ra là tìm trang cáo phó đọc trước. -Sau chót, “để con cái khỏi lo lắng”, mua “hậu sự” cho mình và cho… cái nửa kia cho chắc ăn! Xin nhắn bạn đọc nào tự thấy mình “vẫn chưa già”, hãy phối kiểm xem các triệu chứng ghi trên, có đúng không? Kiểm xong có kết quả, xin thư về: DânGầy tam cá nguyệt san DIA điạ chỉ www.giadinhanphong.blogspot.com,sẽ có thưởng.
*Về hiệp thông/nguyện cầu Mới đây, DânGầy nhận được thư đi thư lại của anh em trong Gia đình An Phong Sydney Úc và Việt Nam. Thư đi rồi lại thư về, cũng chỉ để nói cho nhau nghe, mình vẫn hiệp thông, nguyện cầu. Thư là thư như sau: 26.09.2008 Anh Thành thân mến, Từ mấy tuần nay, anh em gia đình An Phong ở Sydney mình, vẫn theo dõi hiệp thông với các anh ở Thái Hà, Kỳ Đồng và Việt Nam. Nhưng không nói ra. Thậm chí, bọn mình còn ký vào thỉnh nguyện thư gửi Thủ tướng Úc, kêu gọi ông ta can thiệp với nhà cầm quyền Việt Nam sao cho Công Lý và Hoà Bình được tôn trọng và thực hiện. Hôm nay, trong tình anh em mật thiệt của đại Gia Đình An Phong, mình gửi đến Anh, thêm một xác định nữa, là: anh em mình bên Úc này, luôn sát cánh hiệp thông và nguyện cầu cho Anh, cho các anh em mình ở Thái Hà hay Tổng Giáo Phận Hà Nội, và các Nhà, ở Việt Nam. Xin Anh chuyển đến anh em lời chào hỏi rất thân tình và lời đoan chắc là: lúc nào bên anh em cũng có bọn mình, từ Sydney Úc Châu và từ khắp nơi trên thế giới. Bởi, chúng mình đều cùng chung một gia đình, con cùng một thánh tổ phụ, An Phong. Xin mạn phép lấy tư cách của Chi Hội Phó, Đại diện cho Chi Hội Trưởng Nguyễn Duy Lâm, còn đang bận và tất cả anh em trong gia đình An Phong ở Sydney gửi đến Anh và anh em lời tâm tình này. An Phong Maria Trần Ngọc Tá Và, thư hồi âm của anh Giám Tỉnh VN: Anh Mai Tá và tất cả anh em Cựu Đệ Tử ở Úc Châu rất quí mến. Xin chân thành cảm ơn các anh rất nhiều vì tấm lòng và sự hiệp thông của anh em, tấm chân tình của anh em và lời cầu nguyện của anh em đã nâng đỡ cộng đoàn anh em ở VN rất nhiều. Chúng ta đã phải chiến đấu trong một trận chiến không cân sức. Không cân sức, vì chúng ta không có một tấc sắt trong tay, nhưng cũng không cân sức, vì chúng ta có sức mạnh vô song của Thiên Chúa, miễn là chúng ta biết sử dụng sức mạnh của chúng ta. Lá thư PHÁT ĐỘNG CẦU NGUYỆN của tôi gởi cho anh em trong dòng nghiã là gởi cả cho anh em nữa,những người con của Thánh An Phong, anh em là ruột thịt của chúng tôi trong thanh An Phong, xin anh em gop suc voi chung toi de gia dinh chung ta duoc manh me trong đức Tin, vững vàng trong đức Cậy và thiết tha trong đức Mến. Một lần nữa xin cảm ơn anh Mai Tá và tất cả anh em. Rất mong có dịp gặp nhau trong tình thương mến. Trong JMJA Lm. Vinh Sơn Phạm Trung Thành, dcct. Giám Tỉnh 29.09.2008 Và một thư khác của người anh em lớp dưới, ở Texas Hoa Kỳ: Xin chào anh Tá, Cám ơn anh đã chuyển lá thư của Cha Giám Tỉnh. Xin qui anh đọc và phổ biến lá thư của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam do Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn ký tên và gởi cho nhà cầm quyền Hà Nội Xin chúc bình an Cinq Feu (trích điện thư do anh Mai Tá chuyển ngày 29.09.08)
*Cũng chuyện đàn ông đàn bà- Những chuyện như thế, DânGầy gặp cũng nhiều. Nhưng ít khi nào được đọc bài/thơ văn ca tụng, bọn đàn ông. Hôm nay vớ được một bài không đến nỗi tệ, bèn gửi bà con mình cùng chung vui. Thơ rằng: Đàn ông việc nhà Lê Thị Liên Hoan
*Lại chuyện đàn ông/đàn bà…là vợ chồng Quả là, chuyện đàn ông đàn và vợ chồng, là chuyện dài nhiều tập. Dài hơn cả chuyện hồi xưa ta gọi “Chuyện dài nhân dân tự vệ”. Bởi thế, hôm nay DânGầy lại mạo muội trích đăng ở đây, thêm một bài thơ vợ chồng, rất cồng kềnh. Cồng và kềnh, lền khên như sau: XIN LÀM CHỒNG MỘT NGÀY Làm ông chồng sao mà sướng qúa, Vừa tỉnh dậy đã có cà phê, Rồi biến nhanh chiều tối mới về, Dồn đủ việc bề hê cho vợ. Nào nấu ăn, nào là đi chợ, Nào nuôi con, dạy học ở nhà, "Thượng Đế ơi, Con xin được làm kiếp Người Ta, Chỉ một ngày biết là sung sướng." Mai thức dậy chưa kịp được hưởng, Kiếp đàn ông sung sướng làm sao, Đã nghe vợ: "Anh lại đây nào, Rác hôm qua anh sao quên đổ? Anh cũng đến bàn bên cửa sổ, Lấy dùm em cuốn sổ cầm tay, Em phải gọi bạn bè liền ngay, Hẹn mấy chị hôm nay mua sắm." Anh ơi anh, cầu tiêu thối lắm, Anh vào đi, thử ngắm mà xem, Mấy đứa con xả giấy tèm lem, Nước không chảy chẳng thèm gọi bố." Thụt cầu tiêu xong rồi đi sở, Việc bù đầu làm bở hơi tai, Xếp hôm nay mặt mũi hãm tài, Gắt như mắm la hoài nhức óc. Về đến nhà người chưa hết nhọc, Vợ lại gọi: "Cỏ mọc lung tung." Máy cắt cỏ kéo ra "bùng bùng…" Đi một vòng khắp cùng sau trước. "Mai thứ bảy anh được nghỉ việc, Rửa cho em thiệt sạch cái sân, Mang xe em ra tiệm xe gần, Thay nhớt xong, mua phân rắc cỏ. Trên đường về đừng ngó dọc ngang, Ngồi ở nhà, em đợi sẵn sàng, Chờ anh vế lấy thang lên mái, Xem chỗ dột năm ngoái ra sao. Anh cũng coi ống cống đi nào, Mùa mưa này thế nào cũng lớn. Còn chuyện này cũng cần ghê gớm, Tã con không đủ đến sớm mai.” Tôi chạy vội bước một bước hai, Vác về nhà được vài bịch tã. "Anh ơi, tã này phải đem trả, Tã hiệu này con chả êm mông." Đêm hôm nay tôi được làm chồng, Vợ khen tôi: “Chồng giỏi thưởng công.” Sáng hôm sau không đâu còn sức, Nghĩ đến việc phía trước phải xong. "Thượng Đế ơi, Bỏ cho con những mong ước cũ, Xin cho con làm lại phụ nữ, Làm vợ ngoan con đủ yêu đời, Làm mẹ hiền an vui mái ấm.” TNT 12/08/07 Lời bàn của DânGầy: Hy vọng là người ký tên dưới bài thơ TNT, không phải là anh Trần Ngọc Tá, ta vẫn quen gọi là Mười Hai hoặc MaiTá.
*Thân quen tình gia đình, Gia Đình An Phong- Gia Đình An Phong mình, vẫn có thói quen thư từ trao đổi có xưng hô rất tình nhà. Cùng một nhà, lại sinh cùng một năm thì ta gọi nhau bằng cậu tớ, vẫn là chuyện thường ngày ở huyện. Dù trong huyện, anh có làm lên chức Tuần phủ, linh mục hoặc chỉ là “phó thuờng dân Nam Bộ”, cũng như nhau. Nhận định như thế rồi, xin mời bà con đọc tiếp các tâm tình trao đổi giữa người anh em tuyến 1 và 2 của gia đình rất An Phong như sau này: 15.10.08 Như mình đã hứa, sáng nay đã ra dịch vụ và gửi quà về cho Sang rồi. Kỳ này, vì tiền Úc xuống, nên mình gửi bằng tiền Việt cho tiện (phí như nhau). Tổng cộng được 5 triệu 9 trăm 5 chục ngàn đồng VN (tương đươngAUD$500) cộng thêm kỳ trước là AUD$2,300. Quà này của các vị như sau:
Và, ngay trong ngày, anh Trần Ngọc 12 lại đã nhận được hồi đáp, láp nháp trong thư điện như sau: Thăm Tá thân mến. Sang vừa nhận được số tiền 5,950.000.00VND,(năm triệu, chín trăm, năm chục ngàn VND) lúc 3h15pmVN. Cám ơn Tá nhiều. Tá làm người Trung gian JB.Nguyễn Minh Sang, CssR.
*Tiếng Việt còn, nước ta còn. Dù tiếng ấy là tiếng Bắc hay tiếng Nam. Dù tiếng này là tiếng nước nhà, có từ trước 1975 hay sau. Vẫn là tiếng Việt mình. Vẫn là nước An-Nam của mình, phải không các Tám nó? Phải hay không phải, cứ hãy lắng tiếng nói, trong tâm hồn này người ơi, con tim chân chính không bao giờ biết đến nói dối. Và, những điều ở bên dưới không là điều, biết nói dối: Tiếng Việt dễ thương qua 2 miền Nam, Bắc *Còn có khác biệt giữa Nam & Nữ: Thật ra khác biệt cũng không nhiều. Sơ sơ cũng chỉ bây nhiêu, đây: Để quý vị hiểu được phụ nữ nhiều hơn, dưới đây là ý 9 câu nói, mà quý vị “liền bà” thường dùng: 1)”Được”: là câu mà “liền bà” họ hay dùng để chấm dứt cuộc đấu khẩu mà họ nghĩ là họ có lý, và “liền ông” các anh phải “câm miệng đi!” 2) “chỉ 5 phút thôi”: Nếu vị “liền bà” ấy đang mặc quần áo, thì “chỉ 5 phút thôi” có nghĩa là nửa giờ. 5 phút chỉ là 5 phút nếu “liền ông” các chỉ được cho phép coi đá banh trên truyền hình, trước khi tắt máy lo công chuyện, như dọn dẹp nhà cửa, chùi cọ nhà tắm. 3) Không có gì: Đây là lúc biển lặng yên như tờ, trước khi giông tố bão bùng xảy đến. Điều này có nghĩa là cái gì đó sắp xảy đến, mà “liền ông” các anh lo mà chuẩn bị đứng vững. Có thể là môt tranh cãi to tiếng mà đoạn kết không có gì để vui. 4) Cứ thế mà làm: Đây là thách thức, chứ không phải chuyện cho phép. Đừng tưởng bở, nghe lời là chết đấy. 5) Thở dài to tiếng: Thực ra, ở đây bạn không nghe thấy tiếng. Đây chỉ là một tuyên ngôn không thành lời, mà phần đông bọn đàn ông thường không hiểu. Thở dài to tiếng có nghĩa: nàng nghĩ anh là tên ngu xuẩn và nàng tự hỏi sao mình lại phung phí thời gian đứng ở đây mà cãi vã với anh về những chuyện không đâu vào đâu, rất mất giờ. (x câu 3 để hiểu thêm ý nghĩa “không đâu vào đâu”) 6) Thôi được rồi! Đây là một trong những tuyên ngôn nguy hiểm nhất chưa từng thấy ở “liền bà”, nhất là tuyên ngôn lại chĩa về phía “liền ông”. Thôi được rồi! có nghĩa: nàng cần suy nghĩ lâu hơn và chín chắn hơn trưóc khi quyết định rằng làm sao và khi nào thì “liền ông” các anh sẽ trả giá cho những sai lầm mình mắc phải. 7) Cảm ơn! : Khi người đàn bà nói tiếng Cảm ơn với anh, đừng gạn hỏi, hoặc té xỉu. Chỉ nên nói: không có chi! (Xin mở ngoặc ở đây: chuyện này có thực đấy, trừ phi nàng nói “Cảm ơn anh/bạn rất nhiều” tức ĐƠN THUẦN chỉ là lời mai mỉa, và thật ra nàng chẳng có cảm ơn anh gì hết. CHỚ NÓI “không có chi’ khi nàng cảm ơn rất nhiều, bởi khi đó sẽ khiến nàng hét lên tiếng “bất cứ thứ gì, là thứ tiếng Đan mạch, để chửi thề. 8)bất cứ thứ gì: là cách thức người “liền bà” nổi nóng, nói tiếng Đan Mạch đấy. 9)Thôi không sao, để tôi lo: đây lại là tuyên ngôn rất nguy hiểm, nữa. Có nghĩa: đây là chuyện người đàn bà biểu người đàn ông làm, đã nhiều lần. Nhưng bây giờ, quyết định chính mình làm lấy. Để sau đó, đi đến kết cuộc là: người đàn ông sẽ kêu lên: có gì là sai trái đâu? Và, kết cuộc lại bắt người đàn bà nói câu “Không có gì” (ở số 3).
*Hà nội mùa này … toàn sông với nước; Dân Gầy vừa nhận được một bài thơ, nhái lại bài hát “Em ơi Hà Nội phố” có những tình tiết như sau: Em ơi, Hà Nội phố… Ta còn em vì kẹt xe Ta còn em vì nước lũ. Con đường vắng ào ào cơn mưa đổ Em đứng chờ ai, đến sủa xe giùm…(Quê Choa) Hà Nội mùa này chiều không buông nắng Phố vắng nghiêng nghiêng vài phao bơi, Quán cóc liêu xiêu một ca-nô Hồ Tây, hồ Tây mất bờ… Thơ và nhạc về Hà Nội, là như thế. Thế còn thơ và văn người nhà Đạo thì ra sao? Vâng. Thơ và thư của người nhà Đạo Sydney, là Chi Hội Trưởng NguyễnDuyLâm, thì như ri: Kính gửi anh em gia đình An Phong Sydney và các nơi, Cách nay ít hôm, cha Giám Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam là Lm Vinvent Phạm Trung Thành có gửi cho anh Trần Ngọc Tá (còn gọi là Mai Tá), tức Chi Hội Phó Sydney, một điện thư ngắn, nhắn nhủ với anh em chúng ta về chương trình trùng tu xây dựng lại Nhà Sách Đức Mẹ. Đây là một trong các nguồn thu nhập chính cho Tỉnh Dòng Việt Nam. Công tác này đang trên đường kết thúc vào trung tuần hoặc cuối tháng 12/2008. Hiện thời, Tỉnh Dòng VN đang gặp một vài trở ngại và khó khăn về tài chánh. Vì thế, cha Giám Tỉnh đã kêu gọi anh chị em trong gia đình An Phong ở Sydney hải ngoại phụ giúp chút ít bằng cách ủng hộ và phổ biến cuốn biên khảo mới in xong của cha Rock Nguyễn Tự Do có đầu đề là “Hành Hương Công Giáo”. Vậy anh chị em nào có lòng nhớ đến nhà Dòng và muốn phụ giúp Tỉnh Dòng Việt Nam đôi chút, xin liên lạc với anh Trần Ngọc Tá để đặt mua, khi sách đến Úc. Địa chỉ điện thư của anh Tá như sau: hoặc xin liên lạc bằng đường bưu điện, nếu anh chị nào không dùng hệ thống điện thư email. Đại diện cho anh em trong Gia đình An Phong ở Sydney, xin có lời kêu gọi. Nguyễn Duy Lâm Chi Hội Trưởng Sydney. Và thư đi thư lại giữa Lm Giám Tỉnh DCCT VN và anh chị MaiTá, thì cũng như ri: 14.11.08 Như đã viết trong thư trước, bọn tôi dự định sẽ ứng tiền 100 cuốn sách của cha Rock Nguyễn Tự Do, cho anh vào ngày mai Thứ Bẩy 15/11 vào khoảng buổi chiều. Trong số tiền ứng này, anh Nguyễn Duy Lâm đương kim Chi Hội Trưởng (địa chỉ email là lam.nguyen@au.unisys.com) là $1000 đô. Và, số tiền ngày mai bọn tôi gửi là $3,500 đô. Anh Thành chúc lành và cầu nguyện cho các thân hữu này, nhé. Và thư hồi âm từ cha Giám Tỉnh: Thứ Bẩy 15/11/2008 Anh Tá thân mến. Em vừa về từ Pleiku, những ngày ở đây em không có phương tiện để liên lạc, sáng nay em đã nhận được $3,500 AUD, cám ơn anh và gởi lời cám ơn tất cả ân nhân Ngày mai em phải ra Hà nội, ra đó em sẽ viết thư thăm anh, còn nợ một tâm sự. Cầu nguyện cho nhau. Phạm trung Thành, dcct Và thêm một thư tâm tình, từ anh MaiTá: Anh Thành thân mến, Tôi biết anh em bên nhà rất bận, nên mới hỏi trước. Dù sao, công việc cũng đã hoàn thành. Xin cảm ơn anh Thành đã hồi âm, cho tụi này yên tâm. Trong số tiền ứng trước này, tôi đã được sự ủng hộ của anh em như sau, dù sách chưa về: hai bác Trần trọng Luật: $150 Anh chị cựu đệ tử Trần Trọng Dũng (lớp Les Gabriels): $200 Em gái của anh Dũng : $50. Tổng cộng gia đình bác Luật ủng hộ $400. Anh Tôma Nguyễn Văn Quý:$20 Còn 2 hoặc 3 người nữa đã hứa ủng hộ, nhưng tôi chưa nhận được. Khi nào nhận được sách hoặc tiền ủng hộ của ai, tôi sẽ viết email cho anh em biết ngay. Anh Thành chúc lành và cầu nguyện cho các vị đã ủng hộ, nhé. MaiTá Và một thư khác, từ Lm Phạm trung Thành,dcct: Anh Tá thân mến, Vừa đọc bài "trái tim ngục tù" của anh, bây giờ nó như vậy đấy, những phiêu bồng bay bổng trong khung trời yêu thương không còn nữa, người ta "dạy" làm ngục tù của nhau ! Ca từ của XHCN như vậy đấy, mang đầy tinh "giáo dục", buồn thay. Phạm Trung Thành, dcct 16/11/2008
*Tin buồn từ Phụ tỉnh hải ngoại: Cùng ngày 16/11/08, DânGầy nhận được điện thư từ người anh em trong Gia đình An Phong, ở Mỹ: “Xin thông báo cùng Quí Cha , quí anh chị cựu đệ tử và thân hữu: Lm Gioan baotixita Vũ Minh Nghiễm, CssR đã được Chúa gọi về hồi 7:15 tối ngày Thứ Bẩy 15/11/2008 tại tu viện DCCT Baldwin Park, California. Thánh lễ An táng sẽ được cử hành vào 10:00AM sáng Thứ Bẩy 22/11/2008 tại thánh đường St Christopher Church, California. Sẽ bổ túc thêm, nếu có thay đổi. Cha Vũ Minh Nghiễm, sinh ngày 1 tháng 7, 1919; chịu chức linh mục ngày 22/9/1951. Cha cùng lớp với quí cha Giuse Nguyễn Thế Thuấn, Giuse Lê Quang Phụng, cha Giacôbê nguyễn Hữu Sơn, cha Felix Lê Bích Lang…, và các anh Trần Văn Huy, Lê Văn Phó, nguyễn Quang Cẩn, Nguyễn Duy Miên, Lê Xuân Hồng, Phãm Văn Hưởng, Nguyễn Văn Phúc, August Lộc, anh Thăng (cựu Đại Biểu Miền Trung). Xin hợp ý cầu nguyện cho linh hồn Cha Gioan Baotixita sớm được hưởng nhan Chúa. Lợi Vũ Cựu Đệ tử
Gia đình An Phong Sydney xin hiệp lòng cùng Dòng Thánh ở Hoa Kỳ và Việt Nam cầu nguyện cho Lm Vũ Minh Nghiễm vừa tạ thế tại Long Beach, California tối 15-11-2008 Xin Chúa đón cha về với Ngài. hưởng nhan thánh Chúa chốn vĩnh hằng.
Đàn bà ba mươi Những năm tháng phải lòng, yêu đương, cuồng nhiệt đã trôi qua sau lưng lúc nào không nhận ra. Đàn bà ba mươi có hai cuộc sống. Một là gia đình, một là khao khát. Gia đình tức là có nơi về, yêu thương con, chăm sóc chồng, vun vén cuộc sống ít vui nhiều lo âu. Những người phụ nữ ba mươi tất bật, bình yên và quyến rũ bởi đầy đặn, bởi từng trải, bởi thành tựu và yêu thương. Có những người quyến rũ được kẻ khác bằng cả vẻ đảm đương, an phận của mình, thật lạ. Khao khát tức là khi đã bỏ sau lưng mười năm yêu trắng tay, đã từng tha thiết, tưởng hy sinh tất cả, tưởng sẽ trời đất dài lâu, tưởng sẽ trọn đời. Rồi tuổi ba mươi đến, càng thành đạt càng hoang mang, mình đang ở đâu, ai sẽ đến trong đời mình. Bất hạnh cho ai bị giằng xé giữa hai cuộc sống ấy, ở trong gia đình vẫn khao khát, hoặc độc thân nhưng đầy gánh nặng. Đôi khi tôi tự hỏi tôi là ai. Những người đàn bà đang đi tới tuổi ba mươi thường hoảng hốt, những người đàn bà vượt qua tuổi ba mươi rồi thường bình yên. Thì ra đàn ông cũng đã phân biệt, thứ nhan sắc họ thèm và thứ nhan sắc họ cần. Đàn ông có lẽ đã như nhau, tôi thèm có được hoa hậu, nhưng tôi cần một người đàn bà đích thực ở bên. Vậy còn điều gì đàn bà ba mươi đã thua kém chính mình khi đôi mươi? Có lẽ đó là quyền lực thanh xuân, thứ quyền lực mà đàn bà ba mươi cố tình không muốn nhắc đến nhất. Lúc đôi mươi tôi mặc một chiếc áo sơ mi trắng dài, thật rộng và nhảy nhót, tôi thật gợi cảm. Lúc ba mươi nếu tôi vẫn nhảy nhót trong một chiếc sơ mi dài và thủng, tôi thật lập dị và gớm ghiếc. Lúc đôi mươi tôi có quyền không son phấn ra phố, buộc tóc đuôi gà, ngồi lơ đãng bên bờ hồ tưởng tượng những lãng mạn. Lúc ba mươi, không son phấn là một cách bất lịch sự, và bên hồ, những người đàn bà chỉ ngồi để chảy nước mắt đau đớn. Vì năm tháng đã trôi qua lặng yên, có thứ đã đến, như thành đạt, như từng trải, như tiền. Nhưng có thứ không níu nổi, như tuổi trẻ. Đàn bà ba mươi tối kỵ ngồi một mình, nghĩ một mình, làm một mình, và sống quạnh hiu. Đàn bà ba mươi không yêu nổi người đã tha thiết yêu khi mười tám. Lại khao khát kết hôn với người chồng mà khi mười tám có đánh chết cũng không muốn lấy. Có người bảo, đó là bởi đàn bà đã thực tế hơn thiếu nữ, hiểu mình muốn gì. Tôi thì cho rằng đó là bởi người đàn bà ba mươi đã nếm đủ những đòn đau của cuộc sống, trong tình yêu và hôn nhân, họ sợ tương lai nhưng họ còn sợ quá khứ hơn! Sách nói đàn bà ba mươi chỉ mơ hai thứ, chưa chồng thì mơ yêu đương nhiều hơn, có chồng thì mơ tiền nhiều hơn. Đàn bà ba mươi chỉ có yêu và tiền. Báo chí dành cho tuổi ba mươi thường là tạp chí tiêu dùng thời thượng hoặc mục tâm sự tình duyên éo le. Để đàn bà ba mươi tiêu những lo âu vào đó. Chúng ta giống nhau không phải bởi cùng bước qua ngưỡng cửa ba mươi, mà bởi đã chọn được cách dung hoà với cuộc sống. Ba mươi là lúc chấp nhận những thay đổi mà cuộc đời dành cho ta, không kháng cự, chỉ uyển chuyển lợi dụng để những đổi thay cuộc đời biến thành động lực để ta đi tới. Tôi nghĩ người đàn bà ba mươi có năng lực hay không, chỉ phân biệt bởi điểm đó, bởi lúc vượt qua trắc trở khó khăn. Chứ không phải những người phụ nữ có xe đẹp nhà đẹp, chồng đẹp con cũng đẹp là người có năng lực, chỉ nên gọi họ là người phụ nữ may mắn mà thôi. Đàn bà ba mươi đã thoát ra được những viển vông tuổi đôi mươi. Họ không cần lãng mạn, một sự ấm áp, một khoảnh khắc đẹp, mà mong muốn sở hữu, muốn có con, có người tình, những điều có thật trong đời. Mơ ước của tuổi ba mươi đã thật hơn, đã không còn chỉ là mơ ước. Đi qua ba mươi Có thể nghĩ một buổi chiều mưa đổ của năm đi qua ba mươi, như hôm nay, là một thời điểm không, khi cảm thấy điều gì làm tôi mạnh mẽ thì chính nó đã làm tôi yếu đuối. Khi không còn quyền quyết định tương lai của mình nữa, mà chỉ còn chờ đợi một may mắn nào đó cho tôi quyền được nói. Có phải tình yêu, sự phải lòng là đặc quyền của thanh xuân, và nó quá xa xỉ với những người phụ nữ đã quá ba mươi? Nếu lúc đó tôi dừng lại, hoà vào đám đông, ở lại với say mê đấy, cuộc đời tôi rồi sẽ ra sao? Lần đầu tiên tôi nhận ra những tình cảm gì làm cho cô thiếu nữ hạnh phúc thì lại làm cho người đàn bà đau đớn. Và thời gian đã cướp đi của người đàn bà không phải là nhan sắc, thời gian, mà là trái tim mở cửa. Có những cánh cửa đã lần lượt đóng lại trong đời đàn bà, cho dù người đàn bà khăng khăng, vẫn tự tin và luôn duyên dáng. Là cánh cửa cổ tích tuổi lên mười, là cánh cửa băn khoăn tuổi dậy thì, hay là cánh cửa mơ mộng khép lại sau mối tình đầu tuổi mười bảy với nước mắt lẳng lặng trong đêm sao? Là cánh cửa vào khu vườn hạnh phúc người nào đã vĩnh viễn khoá lại trong khi người phụ nữ vẫn còn mong chờ ở bên này cửa. Lúc thấy người mình yêu đi khỏi đời mình, tưởng sẽ còn có ngày gặp lại. Mà phải đến cuối đời mới biết, những năm tháng đó đã thực sự khép lại sau phút chia tay sau cùng, mãi mãi không bao giờ gặp lại người mình đã yêu, cho dù người đàn bà sẽ đi tiếp bao nhiêu dặm đường xa, mong mỏi. Tôi tin nếu tôi hai mươi, tôi đã đứng lại trong đêm đó, ngắm lâu hơn gương mặt làm tôi yêu thương bất chợt, mở cửa đời mình cho một lần yêu thương, dù được đáp hay không cũng vô cùng đẹp đẽ hạnh phúc. Bởi lúc đó hai mươi, có quyền theo đuổi, có quyền cởi lòng ra trước tình yêu. Vậy tại sao ba mươi vẫn phải lòng đôi mươi? Vẫn chỉ yêu được tuổi trẻ, trong khi đã bay qua thời thiếu nữ từ năm nào? Hay cuộc đời chơi xỏ chúng ta, bắt ta già đi nhưng bắt tình yêu đứng lại ở tuổi đôi mươi. Bắt ta mãi mãi phải lòng tuổi trẻ, một người bạn trai cầm ghi ta hát giữa sân trường. Cay đắng khi thấy trước khi ta năm mươi, và khóc vì phải lòng một cậu bé. Có người nói, cuộc đời đàn bà gọi là hoàn hảo nếu có được ba người đàn ông. Lúc đôi mươi yêu người đàn ông ba mươi, được yêu, được bảo bọc, được chiều, được khám phá cuộc sống. Lúc ba mươi tốt nhất là có được người con trai hai mươi. Đàn bà học lại cách theo đuổi, cách chinh phục, và cách hưởng thụ cuộc sống với tình yêu. Và khi đàn bà năm mươi, tốt nhất có được người đàn ông năm mươi, để cùng bầu bạn sớm chiều, đến đầu bạc răng long. Không cần đàn bà, đàn ông vẫn khẳng định được bản lĩnh. Ngược lại, quá tốn đàn ông để đàn bà nhận ra được mình. Khi ta không còn trẻ, những thứ ta được và những thứ ta mất ngày càng trừu tượng hơn. Những người đàn ông dù già cũng vẫn luôn có người tình trẻ hơn đứng chờ đâu đó trước mặt, phụ nữ thì không, không ai chờ phụ nữ già. Đến lúc đã bay qua thời thiếu nữ, mới biết đã bỏ lỡ cơ hội hôn những người yêu quý, những tình đáng quý, và giờ đây, ngay cả nụ hôn cũng đã trở nên hiếm hoi. Và nhìn nhau ngỡ ngàng khi hiểu ra sự thật ấy không phải là thời gian xa cách, không phải tình cảm chia cách, không phải công việc bề bộn, mà là tuổi tác đã khiến chúng ta quên hôn. Và tôi ao ước người con trai không phải hôn tôi giờ đây tuổi ba mươi ba, mà là hôn cô gái ngày xưa lần đầu gặp, ở ngã rẽ, nhìn thấy nhau lần đầu tiên, mở lòng ra cho một tình yêu mới đến, trong cái nhìn tin cậy. Dù tôi đã bay qua thời thiếu nữ lâu rồi. Trang Hạ
|
Duc In Altum >