Duc In Altum‎ > ‎

DUC IN ALTUM - 72

 

 

 

Cùng là sĩ tử

         Lm Vinh Sơn Phạm Trung Thành, DCCT

 

   Kính thưa Đức Viện Phụ Đan Viện Thiên An,

   Kính thưa Cha Giám Đốc Đại Chủng Viện,

   Quí Cha Quản Hạt,

   Quí Cha thuộc Giáo phận Huế .

   Kính thưa cộng đoàn dân Chúa

Hôm nay Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam chúng con qui tụ về đây không chỉ là mừng lễ và tạ ơn nhân dịp một người anh em của chúng con, thầy Tađêô mừng 70 năm khấn dòng, 90 năm tuổi đời. Nhưng sự trở về đây của chúng con như một cuộc hành hương, hành hương về nơi mà cha ông chúng con đã đặt bước chân đầu tiên đến trên mảnh đất quê hương Việt Nam thân yêu này, đến với môt vùng đất đã tiếp nhận các nhà thừa sai DCCT. Tiếp nhận những hạt giống đầu tiên của ơn gọi An Phong, mà thầy Tađêô đây là một trong những con người được kêu gọi đi trong những ngày đầu tiên đấy. Hình ảnh của những vị thừa sai sáng lên trong chúng con, bao công đức của các ngài nhắc nhớ chúng con sứ mạng loan báo Tin Mừng trên quê hương này, nhắc nhớ ơn gọi của chúng con được sai đi  làm chứng cho  tình thương  và quyền năng của Thiên Chúa cho chính dân tộc Việt Nam của chúng con.

            Nói đến cội nguồn, chúng con lại nhớ đến những kỷ niêm của những ngày khai sinh ơn gọi. Thiên Chúa rất diệu kỳ, Ngài ban cho chúng con những dấu chỉ tỏ tường, những bài học hiển nhiên ghi khắc trong tâm trí chúng con. Khi ấy, thánh An Phong sau những ngày lao nhọc ngược xuôi, sức khỏe bị kiệt quệ, vâng lời các bác sĩ ở Napoli, thánh An Phong lên đường đi nghỉ dưỡng ở eo biển Amalfi. Trên đường đến Amalfi, thánh An Phong dừng chân ở Scala, một miền đồi núi hoang vu, ở đó ngài gặp những người chăn chiên chăn dê trong rừng sâu, lâu ngày lang thang trong rừng vắng, thiếu hẳn sự chăm sóc phần hồn, những con người nghèo hèn bị bỏ rơi ấy đã cuốn hút thánh An Phong, ngài dừng lại với họ và DCCT được thiết lập.

Trở về kinh thành Napoli, thánh An Phong kêu gọi những linh mục trẻ trung, giỏi giang đầy nhiệt huyết, qui tụ lại và thiết lập hội dòng. Họ kéo nhau đến Scala với một lực lượng đông đảo, họ hoạch định những chương trình to lớn và họ lo toan những dự án cao sâu. Nhưng lần lượt họ bỏ đi hết, có đủ thứ lý do để họ ra đi, chia tay với An Phong, chia tay với lý tưởng lo cho người nghèo, người bị bỏ rơi, cuối cùng chỉ còn lại một con người duy nhất, thầy Vitô. Vitô đã đến với Scala không bằng những dự án to tát, nhưng bằng cả tấm lòng.

Chỉ còn một mình Vitô ở lại, chỉ còn một mình Vitô đồng hành với An Phong, chỉ còn một mình Vitô giữ nhà, giữ giờ kinh, giữ giờ nguyện. Những ngày thánh An Phong đi giảng Đại Phúc, Vitô vẫn ở nhà một mình, đến giờ, Vitô vẫn giật chuông, vẫn vào nhà nguyện suy gẫm. Đến giờ, Vitô vẫn giật chuông, vẫn đọc kinh Truyền tin một mình, đến giờ, Vitô vẫn giật chuông, vào nhà cơm một mình, một mình với Chúa, một mình với ơn gọi, một mình cầu nguyện cho An Phong. Dòng Chúa Cứu Thế được bắt đầu như vậy.

Ngày nay trên đỉnh Scala, đến tu viện cổ xưa của thánh An Phong, người ta còn lưu giữ cái hình khắc trên vách nhà bếp, Vitô làm bếp, dùng mũi dao khắc lên vách bếp cái hình mà Vitô được mặc khải về nhà dòng. Cây thánh giá, lưỡi đòng và cột giấm, cả ba trên đỉnh một ngọn đồi. Sau này, thánh An Phong đã nhận hình ảnh đó làm huy hiệu của hội dòng, và chúng con thường mang trên áo của chúng con.

            Thánh An Phong được nhân loại biết đến bởi tài danh của ngài, làm linh mục, rồi làm giám mục thành Agatha. Lập Dòng Chúa Cứu Thế, viết sách tu đức và thần học, nổi tiếng nhất có bộ thần học luân lý, được tôn phong Tiến sĩ Hội Thánh, tiến sĩ cầu nguyện, bổn mạng các nhà thần học luân lý, bổn mạng các cha giải tội,… Một vị thánh của thế kỷ Ánh sáng, một ngôi sao rực rỡ trên nền trời của Hội Thánh. Bên cạnh An Phong chúng con có một vị thánh khác, không rực rỡ như An Phong, không tài danh như An Phong, rất âm thầm, rất bình dị, rất khiêm tốn nhưng cũng rất trổi trang nhân đức, rất vững vàng trong ơn nghĩa Chúa: thánh Giêrađô, một thầy trợ sĩ của hội dòng.

            Không tài danh, không bằng cấp, không khỏe mạnh, không chuyên môn, Giêrađô chỉ có một chuyên môn duy nhất: “Yêu mến Chúa Giêsu”. Giêrađô đã trở nên một vị thánh của Hội Thánh, của Hội Dòng, Giêrađô đã trở nên trụ cột thứ hai bên cạnh trụ cột thứ nhất là thánh An Phong làm nền tảng của hội dòng. Một vị tu sĩ âm thầm, bình dị, khiêm tốn, hiền hòa, yêu thương.

            Hôm nay, khi trở về đây, chúng con được nhắc nhớ đến những hình ảnh cha ông của chúng con. Đi dọc đất nước, đến bất cứ nơi nào, vào bất cứ nhà thờ nào, chúng con thấy bàn thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, chúng con biết cha ông chúng con, các vị thừa sai, các bậc tiền bối đã lặn lội đặt chân đến đây, đã mang Tin Mừng đến cho vùng đất này. Bao nhiêu tên tuổi nổi danh từ bắc chí nam, những vị thừa sai ngang dọc, nói tiếng Việt như người Việt, vào dạy cả trong các trường đại học về văn chương Việt, soạn tự điển cho người Việt, dịch Kinh Thánh sang tiếng Việt,… Những Gérard Gagnon, Antoine Lapointe, Eugène Larouche, … Nhưng bên cạnh những gương mặt trổi trang đó, Chúa gầy dựng cho Tỉnh Dòng Việt Nam một gương mặt khác, đó là Marcel Văn.

Marcel Văn, một tu sĩ tầm thường thậm chí rất tầm thường của Tỉnh Dòng. Tuổi thơ và lớn lên với nhiều sóng gió, Marcel vào dòng với chỉ một ước nguyện thuộc trọn về Chúa. Năm 1954, đi ngược lại đoàn người di cư từ Bắc vào Nam, Marcel vâng lời bề trên đi từ Nam ra Bắc. Có ai hỏi thì Marcel nói: “Tôi ra miền Bắc sống, để giữa những người không biết Chúa, tôi thắp một ngọn nến thờ phượng Ngài”. Ước vọng thắp một ngọn nến tại Thái Hà của Marcel Văn không được bao lâu, Văn qua đời trong lao tù. Cũng từ ngày ấy, có một làn hương thơm tỏa lan từ Văn. Ngày nay Văn là một hiện tượng lạ của phương Tây, có cả một phong trào theo đuổi linh đạo của Văn qui tụ hơn 5.000 thành viên, đã có những tuyển tập viết về Văn, đã có những hội thảo quốc tế bàn về Văn và con còn biết có một dòng tu xuất hiện ở Canada và ở Paris, quy tụ nhiều tu sĩ trẻ, quyết sống theo linh đạo của Văn, tên của những tu sĩ ấy đều bắt đầu bằng chữ Marcel Văn. Văn đã được ghi tên vào hàng tôi tớ Chúa, Dự án phong Chân Phước của Văn vẫn đang được tiến hành. Văn chỉ là một tu sĩ rất tầm thường ở Việt Nam.

Ngày nay, khi người ta lấy sự giàu có làm thước đo con người, lấy sự sang trọng đánh giá con người, lấy sự hưởng thụ làm tiêu chuẩn, lấy những thành công làm mục đích, lấy hiệu qủa công việc để ganh đua, thì thầy Tađêô, một tu sĩ rất bình dị, giản đơn, hiền hòa, khiêm tốn, đã chọn và dấn thân vào một cuộc sống âm thầm trong dòng thánh. Con không dám vội vàng phong thánh cho thầy, nhưng anh em chúng con, những thầy đồng trang lứa, những anh em là con cháu, đàn em của thầy hiện diện nơi đây có thể đoan chứng rằng, chưa bao giờ chúng con thấy thầy giận ai và chưa bao giờ trong chúng con có ai giận thầy. Bài Tin Mừng hôm nay nói về viêc những ai bỏ mọi sự để theo Chúa thì sẽ được gấp trăm gấp ngàn lần (Mc 10,28-31), thầy đã được những gì để gọi là gấp trăm ngàn lần?

 

 
Nouméa đi dễ khó về

                                               Phạm Văn Chương

 

            Khi muôn ánh đèn màu lung linh chiếu sáng nhà hát Opera House và cây cầu Harbour Bridge vào lúc màn đêm vừa buông xuống hải cảng Sydney quyến rũ thì cũng là lúc con tàu du lịch Rhapsody of the Seas từ từ rời bến để ra khơi.

            Con tàu bồng bềnh trên biển nước mênh mông, vào đúng lúc gió mạnh và sóng biển gào thét hãi hùng nhất là về đêm, mà có lúc sóng cao tới 3 mét, làm con tàu hùng vĩ dài 280m cao bằng toà nhà 11 tầng, cũng phải lắc lư, chao đảo.

            Sau hai ngày hành trình, vào 7 giờ sáng thứ Năm ngày 11/11/2010 thì hải cảng Nouméa hiện ra rõ rệt. Nhìn kỹ, thì đây không phải là một bến cảng cho tàu chở du khách cập bến, vì trên bờ ngổn ngang những thùng đồ container to lớn.

            Hồi hộp vì sắp được viếng thăm Nouméa, một địa danh mới mà mình sẽ đặt chân xuống lần đầu, mà nôn nóng thì nhiều vì mình sắp được hội ngộ cùng người bạn nối khố thuở học trò cách đây có hơn nửa thế kỷ. Người bạn mà tôi sắp gặp là anh Nguyễn Quí Bân, bạn học cùng lớp ở Đệ tử viện Vũng Tàu từ năm 1957, cùng lớp tôi là các anh Mỹ, Luận, Bạch, Toàn, Sâm, Hoàng (tự Hoàng Gồng), Thái, Ơn, Thu, Hiền, Khuê hai bạn Lộc và Sang hiện là linh mục DCCT. Riêng Tá và tôi hiện ở Sydney. Hơn 50 năm đã qua đi quả là một chặng đường dài hun hút và có thể nói từ trai trẻ nay trở thành già nua!

            Tàu đã cặp bến và du khách chuẩn bị lên bờ để lên xe buýt chở tới Passenger Terminal. Vừa xuống xe buýt, tôi dáo dác tìm điểm hẹn có tên gọi là Casino Super Market thì đã nhận ra anh Bân đang đứng bên kia đường chơ đợi vợ chồng tôi. Mừng quá, chúng tôi vội vã băng qua đường phố để rồi gặp nhau, chỉ còn biết tay bắt mặt mừng.

            Tàu tới trễ nửa tiếng so với giờ hẹn, nhưng anh vẫn vui tươi nhắc đi nhắc lại rằng: vợ chồng tôi là người đầu tiên tới thăm anh tại hòn đảo này.

            Anh Bân và hiền thê là chị Hạnh cùng ái nữ duy nhất tên Ái Mỹ mới tốt nghiệp nha sĩ tại Paris, trước đây sinh sống tại Paris, nhưng theo anh kể lại thì vào năm 1991, anh chị cùng cháu đã rời kinh thành ánh sáng để về sinh sống tại Nouméa và chọn nơi này làm quê hương thứ hai cho đến nay. Rất tiếc dịp này chị Hạnh không có mặt tại Nouméa, vì chị phải đến Paris để dự lễ trình luận án tốt nghiệp của Ái Mỹ, do đó chỉ có một mình anh đón tiếp chúng tôi. Tuổi đời đã cướp đi cái lanh lẹ trẻ trung của anh thời xa xưa, với đôi mắt sâu thẳm, nhưng vẫn còn sắc sảo và nhất là điệu bộ thì vẫn như ngày nào.

            Nouméa là thủ đô nước New Caledonia, một lãnh thổ hải ngoại của Pháp, do đó người dân ở đây sử dụng tiếng Pháp là ngôn ngữ chính thức. Pha trộn hai giòng máu Pháp và Melanesian làm cho người dân ở đây có một nét quyến rũ đặc biệt với nước da ngăm đen bánh mật.

            Phải tranh thủ thời gian vì chúng tôi chỉ lưu lại đây cho tới 4g30 chiều thì phải trở về tàu. Dẫn chúng tôi đến chiếc xe Hyundai bé nhỏ của anh. vẫn “galăng” kiểu Tây, anh mở cửa xe cho chúng tôi vào, và bắt đầu đi ngoạn cảnh. Địa điểm đầu tiên chúng tôi đến là Marché Baie de la Moselle, nằm ngay gần bờ biển, nơi đây bán đủ loại rau và trái cây, do người bản xứ và người Việt nói giọng Bắc đảm trách. Người bán hàng ở đây chẳng thấy mời mọc ai, mà mình hỏi gì họ chỉ nói đó, mình không mua họ cũng không nài nỉ, hoặc tự động hạ giá xuống.

            Giá cả ở đây tương đối mắc mỏ, như một bó rau hành lá nhỏ tí xíu (chỉ bằng 1/3 so với ở Úc) thế mà tính ra tiền Úc cũng hơn 1 đô. Rau ngò, rau thơm cho đến đu đủ, cam táo đủ cả và đặc biệt những bó rau lang lớn được bày bán khá nhiều. Anh Bân cho hay: mấy người bán rau trái ở đây đều giàu có, vì sản phẩm họ làm ra, đều nhờ công sức lao động lại bán được giá cao!

            Rồi anh đưa chúng tôi xem nhà thờ chính toà St Joseph, nằm trên đồi cao. Từ đây nhìn bao quát tất cả thành phố, đặc biệt ở đây trồng rất nhiều hoa phượng vĩ, vì đang mùa nên khoe sắc hoa đỏe thắm, hoà lẫn trong nắng chói chang làm chúng tôi nhớ tới Việt Nam mùa hè hoa phượng cũng nở rộ.

            Rồi anh đưa chúng tôi đi thăm Place des Cocotiers, với những hàng dừa thẳng tắp, là trung tâm chính của thủ đô, mà giữa công trường là Fontaine Céleste, có hình một thiếu nữ đẹp đang đổ nước từ một cái bình. Đây là trung tâm điểm để định vị khoảng cách từ thủ đô đi về các nơi khác. Cũng gần đấy là Hôtel de Ville mang nét kiến trúc kiểu thuộc địa.

            Vì đúng vào ngày nghỉ lễ “Independence Day”, mừng nước Pháp thắng trận Đệ Nhất Thế Chiến, nên các tiệm đa số đều đóng cửa. Cũng có khu phố sang cho người giàu, và khu phố cho người nghèo, và cả China Town bé nhỏ nữa. Anh Bân đưa chúng tôi vào một tiệm ăn Tàu để ăn trưa. Xem thực đơn thấy có món Phở “Noodle”, vợ chồng tôi mừng quá, vì mấy ngày rồi cứ ăn bơ sữa ớn quá, nên muốn thưởng thức món phở và nem. Chờ một lát, người bản xứ bưng ra 3 tô phở nhỏ, làm chúng tôi không khỏi giật mình.

            Tô phở nhỏ (giá 650 đồng địa phương một tô, tương đương 8 đô Úc) mà chúng tôi đang chờ thì ra chỉ to bằng một chén ăn cơm nhỏ xíu, với thịt bò thái hơi dầy và nước phở có mùi vị phở, ngoài ra không có đĩa giá, rau thơm đi kèm. Còn đĩa nem thì ra là chả giò, không như ý chúng tôi đặt.

            Sở dĩ có chuyện như vậy, là vì người Việt ở đây đa số xuất thân từ miền Bắc nước Việt Nam, nên nem có nghĩa là chả giò, chứ nem không là nem chua chính hiệu mà người trong Nam gọi. Vừa ăn tô phở, đúng ra là chén phở tí xíu, nhưng ít ra nó cũng có mùi vị phở, khác hẳn với tô phở chúng tôi ăn ở tiệm Vương tại thủ phủ Victoria (British Columbia) ơ Alaska, tuy là tô to nhưng nó chẳng có mùi vị gì hết, hoàn toàn lai căng, có lẽ phở này do người Đại Hàn đứng bán, để dành cho Tây đầm ăn.

            Sau bữa ăn trưa, anh Bân đưa chúng tôi tới thăm tổ ấm của anh, trong một chung cư nhỏ nằm trên đồi, có tầm nhìn xa và bao quát khu phố. Anh cho xe đậu tại bãi đậu xe ở ngoài trời (có chỗ dành riêng cho anh), rồi dẫn chúng tôi lên lầu nơi anh đang ở. Đây là một căn “flat” nhỏ 2 phòng ngủ. Phòng khách cũng dùng làm nơi ăn và sinh hoạt, vì phòng bếp rất nhỏ, không thể ăn ở trong đó được.

Nối với phòng khách là một “balcony” rất rộng có mái che, nơi đây anh trồng rau thơm, hành và nhất là mồng tơi, tất cả đều trồng trong chậu. Mồng tơi, anh cho mọc cao và đan với nhau thành giàn. Ngoài ra, anh còn ươm những cây mồng tơi nho nhỏ, xinh xắn. Nhà của anh thật đơn giản, cũng đặc biệt như tính giản đơn của anh và bà xã. Tôi nhìn vào phòng ngủ của anh chị, thì thấy có một ảnh tượng bà thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu phóng lớn, làm tôi nhớ lại khi học lớp 12, cha Charles Gagnon DCCT đã cho chúng tôi mỗi người một bức ảnh khổ nhỏ, giống hệt như tấm hình khổ to mà anh đang treo ở đầu giường của anh bây giờ. Quá khứ tưởng đã ngủ say, nhưng nay bừng dậy như một cuốn phim quay chậm lại.

Rồi anh mời chị hàng xóm qua chơi, tên chi là Agnès, một cái tên rất Tây, vì hồi ở quê nhà, chị theo học tại trường Couvent des Oiseaux ở ĐàLạt, một trường dành cho các nữ sinh con nhà giàu, theo Tây học. Chị hiện sống đơn lẻ với người con, vui hưởng tuổi hưu trí. Là người có cảm tình đặc biệt với việc viết báo và làm thơ của anh Mai Tá, tuy gặp lần đầu nhưng câu chuyện giữa chị và chúng tôi rất cởi mở và ấm cúng. Tôi lại nhớ về bạn Tá của tôi đang ở Sydney, không biết đang làm gì. Nhưng thực tại bao giờ cũng là thực tại. Không thể lầm lẫn giữa quá khứ và thực tại, giữa người thời nay và người xưa. Vì người xưa bao giờ cũng xinh đẹp, quý phái và diễm lệ. Và người xưa bao giờ cũng giữ mãi hình bóng khi xưa mới thi vị hoá cuộc đời!

Từ giã chị Agnès, anh Bân đưa chúng tôi đi xem một số địa danh khác, mà tôi không nhớ nổi, để rồi sau đó trở về bến cũ. Chúng tôi chậm rãi dạo quanh con đường ven biển, cũng có người qua lại, nhưng không nhiều. Mãi đến lúc đồng hồ chỉ 4 giờ chiều, chúng tôi đành bịn rịn giã từ bạn nối khố để lên xe buýt về tàu. Chân lững thững đi, mà anh còn nhắc thêm: “Hai bạn là người đầu tiên đến thăm tớ đấy nhé, từ ngày tớ ở cái hòn đảo xa xôi này.”

Xe từ từ chuyển bánh, nhưng mắt tôi vẫn cứ chăm chú nhìn anh đứng lặng yên vẫy vẫy bàn tay gầy guộc, cặp mắt sâu thẳm nhìn theo chúng tôi, thì hình như lúc đó vọng lại tiếng ca quen thuộc của bài hát “Sáu Mươi Năm Cuộc Đời”:

“Anh ơi! Có bao nhiêu?

60 năm cuộc đời

20 năm đầu, sung sướng không bao lâu

20 năm sau, sầu vương cao vời vợi

20 năm cuối là bao…”

            Hai mươi năm cuối là bao, cũng đã qua rồi. Vậy, chặng đường tiếp theo được bao nhiêu năm nữa? Vâng, mỗi năm còn lại là một hồng ân. Một món quà của Thiên Chúa tặng không cho bạn đó.

 

Phạm Văn Chương tự Nguyệt,

đôi giòng kể lại

nhân chuyến ghé Nouméa,

thăm bạn hiền.

Riêng tặng anh chị Bân, Hạnh

và cháu Ái Mỹ, rất thân mến.

 

AnPhong di tản buồn

                                                            Long Mỏ Lết

Đầu năm 1963, Chúa đã gởi đến cho một số anh chị em bụi đời, cô nhi, người tị nạn chiến tranh, và Việt kiều Campuchia hồi hương một vị Bồ Tát để hướng dẫn, ủi an và che chở: vị Bồ Tát đó chính là Cha Louis Nguyễn Văn Qui DCCT. Ngài đã sáng lập ra Gia Đình An Phong, gia đình của những người không gia đình.

Chính tôi, tác giả viết bài này cũng chung số phận bất hạnh, hẩm hiu như bao nhiêu anh chị em khác, nhưng may thay cho chúng tôi đã gặp được ngài. Ngài đã nuôi dưỡng, giáo dục chúng tôi.

Tôi gặp ngài vào tháng 10 năm 1965, lúc tôi vừa tròn 11 tuổi, kể từ lúc này trở về sau, tôi luôn luôn sông bên cạnh ngài, cho đến ngày ngài phải dấn bước tha hương.

Hôm nay là Thứ Năm Tuần Thánh, được nghỉ làm việc mấy ngày nên tôi tranh thủ thời gian để ghi lại những kỷ niệm, những hồng ân mà ngài dành riêng cho tôi, đã nuôi nấng, giáo dục tôi từ thời thơ ấu cho đến lúc trưởng thành.

Kỷ niệm đầu tiên mà tôi muốn gửi đến toàn thể anh chị em gia đình An Phong là chuyện mà tôi gọi là “Những ngày di tản buồn của Gia Đình”.

Kỷ niệm thứ hai là tôi được diễm phước thay mặt cho anh chị em GĐAP đón nhận sự nhắn nhủ sau cùng của Cha, câu chuyện này có sự trùng hợp với Mùa Chay Thánh.

Anh chị em GĐAP – Rạch Dừa nào đã từng sống những ngày sau cùng đó, chắc hẳn chưa quên được những kỷ niệm buồn vui này. Hồi tưởng lại những ngày tháng đó lòng tôi ngao ngán, quặn đau. Phần vì nhìn thấy của cải bao la, phần vì thấy Cha già mặt mày hốc hác, bôn ba đây đó trên chiếc xe Honda 67, đằng sau có gắn thêm cái “rờ-moọc”, lặn lội từ Vũng Tàu–Kim Long - Bình Giả - Suối Nghệ - Đường Cùng để tìm kiếm, nài xin từng củ sắn, củ khoai, trái bắp, quả bí đỏ, để mang về nuôi anh chị em cô nhi của chúng con.

Những ngày khoai sắn không có, Cha và gia đình đã phải ăn củ chuối, củ nầng. Củ nầng là loại củ rất độc, nhưng nếu biết cách chế biến vẫn có thể ăn được.

Có lần, cả gia đình tưởng đã chết hết vì củ nầng này. Thậm chí, ngài còn nhờ người đốn hạ những cây dương liễu mọc chung quanh nhà làm củi để đổi lấy lương thực nuôi chúng tôi. Dù phải hy sinh của cải gia đình An Phong như thế, mà Cha không hề tỏ lộ một chút tiếc nuối. Cha đã âm thầm giao trách nhiệm cho cô Mary lo việc di chuyển những gì có thể. Sau khi cô Mary nhận trách nhiệm, cô giao cho “Long Mỏ Lết” lo việc tháo gỡ và chuyên chở, để chuyển về khu trường học của cha Định chính xứ Nam Đồng. Lúc đó, trường học của cha Định đã tháo gỡ hết tôn, cây trên mái rồi, nên tôi tháo một ít tôn mục nát ở phía chuồng heo của Gia Đình An Phong đem lên lợp lại, nhưng vẫn chưa đủ nên phải lợp thêm cỏ tranh mang từ Bình Giả về.

Lúc đó, cây gỗ của Gia Đình An Phong rất nhiều nhưng vì một số anh chị em GĐAP đã tự động tháo trước và mang đi. Số nhà còn lại chưa được tháo gỡ, đó là: dãy nhà Cha trú ngụ và khu chung quanh là không được phép tháo gỡ, lệnh cấm này ban ra là do chính anh em con của Cha đã lợi dụng quyền hạn mà can tâm làm Giu-đa phản bội.

Tôi còn nhớ có một lần, lúc đó tôi đang chuẩn bị lái xe chở một ít đồ đạc máy móc trong kho 3 ra đã bị một anh chận lại không cho mang đi, tôi tức quá không còn sợ chết, nhảy tới định ăn thua đủ với anh, nhưng đã bị cô Mary và vài người can ngăn. Cô Mary dạy tôi nhưng mắt cô nhìn thẳng vào mặt anh này và nói: “Con đừng lo, quân cầm súng và dao rồi sẽ chết vì súng vì dao con ạ!”

Sau khi đã làm xong mọi việc, cô Mary và tôi đi chung quanh nhà xem còn cái gì có thể mang đi được. Cô nhìn thấy cái bồn đựng nước cho nhà giặt nằm ở phía sau, cô bảo tôi tháo cái bồn đó và lấy luôn cả cái giàn đỡ bồn. Trong lúc cưa bốn cái chân giàn, chẳng may sơ ý, đã bị cái giàn sập xuống đâm vào bàn chân làm tôi phải vào bệnh viện.

Bốn tiếng đồng hồ sau, tôi xuất viện, đi thẳng tới tiệm chụp hình Tây Hồ nằm ở ngã tư Trần Hưng Đạo và Trưng Nhị, Vũng Tàu để chụp tấm hình kỷ niệm ngày di tản. Tấm hình đó tôi vẫn còn giữ đến bây giờ, xin gởi kèm để anh chị em xem và cảm thông số kiếp ăn mày của tôi. Đi đến đâu là “ăn mày” đến đó. (Tất cả của cải mang đi được đều do cô Mary quản lý).

Sau khi nhà cửa sửa chữa xong, chúng tôi đón một số ông bà dưỡng lão, gồm năm bà và hai ông, chị em Hà-Biên-Hoa-Hoà, các em cô nhi: Nghĩa thúi, Thái Hoà, Liên què cùng bốn em nhỏ khác được chuyển về đây sống chung với Long Mỏ Lết và cô Mary. Cô Mary thuờng xuyên ở trên rẫy Bình Giả, công việc nhà khá bận rộn mình tôi lo không xuể, bước đầu có nhờ chị Tin, chị Kim vợ anh Hớn Văn, sáng vào giúp việc chiều về, sau cùng còn lại Long Mỏ Lết cho tới ngày…

Một buổi chiều nọ, khoảng 4-5 giờ, tôi thấy Cha chạy xe Honda thẳng vào trong cửa kho Nam Đồng, cha dừng xe và đi thẳng tới chỗ tôi. Lúc tôi đang nấu cơm chiều cho gia đình ở trong bếp. Cha dặn tôi: “Con cất ngay chùm chìa khoá này đi, khi nào cô Mary về con đưa lại cho cô, còn chiếc xe Honda của Cha, con cất vào kho ngay và khoá lại, không cho phép bất cứ một ai được sử dụng.” Nói rồi, Cha bỏ đi vào nhà Cha xứ (Cha Định, Nam Đồng). Khoảng 5-10 phút sau, Cha vòng trở lại chỗ tôi đang làm việc và Cha dặn thêm: “Phía sau xe của Cha, trong giỏ “cần-xé” có một can nước mắm 20 lít và 7kg khoai mì” Cha nói rõ ràng như vậy, “Cha cho con được phép sử dụng, nhưng con nhớ đem cái can không đó ra trả lại cho các soeur dòng Đa Minh ở ngả ba Trung Đồng. Các soeur cho mình nước mắm đó con.”        

            Cha nói tiếp: “Các con phải luôn thương yêu nhau, và đùm bọc lẫn nhua.” Đoạn, ngài gỡ mắt kính ra, bỏ vào túi áo trước ngực. Lúc đó ngài đang mặc bộ quần áo bà ba màu đen, lưng áo đã bạc trắng vì nắng mưa dãi dầu, khuôn mặt ngài hiện rõ nỗi lo âu và sợ hãi. Sau đó, ngài đi thẳng lên đường Cây Gáo – Nam Đồng, về hướng nhà thờ Cha Tuyên-Trung Đồng. Bấy giờ, lòng tôi như lửa hoả ngục đang thiêu đốt, tôi đoán Cha có chuyện gì không ổn đây, nên chạy vội ra xem Cha đi tới đâu.

            Tôi muốn chạy theo ngài để hỏi xem chuyện gì đã xảy đến cho Cha? Nhưng bận nấu nồi cháo bí đỏ trong bếp nên không thể chạy theo ngài. Tôi đoán là Cha sẽ vào Cha Tuyên xứ Trung Đồng (Cha Tuyên DCCT trước kia nhà của Cha ở bên trại Chi Lăng sát vơi khu trại gà An Phong, ngài di chuyển về đây. Tôi cứ yên tâm là như vậy. Nấu xong, tôi đạp xe ra ngay Cha Tuyên hỏi thăm ngài xem Cha có ghé vào đây không? Nhưng ngài trả lời không có, Cha Tuyên hỏi tôi chuyện gì xảy ra? Tôi trả lời: “Thưa Cha, con không biết nhưng con nhìn nét mặt của ngài rất lo âu và căng thẳng. Ngài đi bộ từ trong Nam Đồng ra hướng này, con đoán Cha Qui vào đây nên con ra hỏi thăm Cha.”

Vài hôm sau, người ta đem xe thùng vô chở hết tất cả, có tôi cùng đi. May mắn cho chị em Hà-Biên-Hoa-Hoà là vì bốn chị em có chung hộ khẩu với cô Mary. Cô Mary thuộc hộ khẩu nhà số 4 đường Cây Gáo, còn nhà số 2 Cây Gáo thuộc về cô nhi và dưỡng lão (nhà này bị giải toả hoàn toàn). Căn nhà này Cha Qui mượn của Cha Định, sau trả lại cho cha Định. Nhà số 4 Cây Gáo, cô Mary mua lại của bà Phú thuộc về tài sản của cô nên toàn bộ đồ đạc nhà cửa trong khu nhà này không bị ảnh hưởng gì.

            Trong lúc xảy ra tai nạn cô đang ở trong Bình Giả mãi 2,3 tuần sau mới về. Các em cô nhi được đưa đến nhà Dòng thánh Phaolô-Biên Hoà. Trong số bốn soeur ra nhận các em, có hai soeur trước kia ở Vũng Tàu nên biết rõ về Cha Qui. Các soeur rất vui vẻ đón nhận và trấn an các em: “Ở đây với các soeur nhé! Vui lắm, giống như ở nhà Cha Qui vậy”.

Trong số  các em cô nhi có hai em làm tôi nhức đầu và cạn nước mắt đó là Nghĩa thúi và Liên què. Anh chị em nào đã làm việc ở cô nhi viện An Phong – Bãi Trước chắc không quên được hai em này, lúc đó hai em được 12, 13 tuổi. Các em khóc thật nhiều và không chịu vô nhà các soeur. Nhất định đòi theo tôi. Suy nghĩ nát óc tìm cách giúp các em. Sau cùng, tôi nghĩ ra cách, tôi nói nhỏ với Nghĩa thúi, hẹn ngày giờ trốn ra. Xong, tôi đón em mang về quê của tôi, và giao cho bác của tôi nhận Nghĩa thúi làm con nuôi. Nghĩa ở với bác được khoảng một năm hay hơn gì đó, rồi Nghĩa bỏ trốn về Vũng Tàu lại. Sau này em đã nhiều lần sa vào vòng lao lý.

Còn Liên què, tôi đã thất hứa với em. Tôi hứa trở lại giúp em, nhưng tôi không làm được vì tôi nghĩ Liên là con gái 12, 13 tuổi rồi, tôi hết sức lo lắng cho tương lai của em. Lúc đó, tôi nghĩ chắc Liên ở với các soeur thì hay hơn. Liên tuy bị tật nguyền nhưng rất ngoan và chăm chỉ làm việc. Còn một em nữa là Thái Hoà sau này cũng trốn về lại Vũng Tàu, bây giờ đã có vợ có con, hiện đang sống cạnh cô Mary. Em là con đỡ đầu của tôi. Trước ngày các em lên đường, tôi xin cha Định rửa tội cho vài em, và tôi là “bõ” đỡ đầu của các em. Số ông bà dưỡng lão, họ giao về nhà dưỡng lão của các soeur Dòng Mến Thánh giá Thái Bình ở Hố Nai.

Tôi đã ký tên và bàn giao họ cho các soeur. Sau này, nghe nói có hai bà trốn về lại với cô Mary trong đó có bà Huệ ”mù”. Cha rất tôn trọng ý kiến của người khác, nhiều lần Cha muốn bán bớt những vật dụng còn sót lại này, nhưng vì có những thứ cô Mary xin Cha đừng bán, điển hình như bò, dụng cụ y khoa, một số thuốc tây, vật dụng riêng trong phòng của Cha (máy quay phim, chụp hình và máy móc trong kho, vv.) cô xin Cha để lại sau này có thể dùng nuôi sống GĐAP. Như: bò dùng để kéo xe, cày cấy, vv..

Cha ơi! Chỉ vì Cha yêu thương và tôn trọng tự do của chúng con mà Cha đã hy sinh cả cuộc đời cho chúng con.

Long Mỏ Lết - Sydney, ngày 1/4/2010

 

            Lm Rock Nguyễn Tự Do, CSsR

 

Tâm tình chia sẻ

Cha Louis Nguyễn Văn Qui

và Gia Đình An Phong Bụi Đời

Mừng Lễ Thánh Tổ tại Vũng Tàu

 

1.8.2006

Lễ Thánh Tổ An Phong

Đây là lần thứ 16, Gia Đình An Phong Bụi Đời mừng lễ Thánh Tổ tại Vũng Tầu

Anh chị em “Bụi Đời” cùng với con cháu đã về nơi đây trong căn nhà số 101 Trần Phú, P. 5 Bà Rịa, Vũng Tầu nay đã trở nên như nhà tổ của Gia Đình, để được gặp lại Cha Louis Nguyễn Văn Qui, người mà các anh chị đã gọi bằng những tên thân thương trìu mến: “Người Cha đã khai phóng ra chúng con”, “Người mà Thiên Chúa ứng trước tình thương của Ngài cho Bụi Đời”, là “món quà tặng ân phúc, toả rạng nhân ái”, “người cha luôn bất tử trong lòng chúng con”. Các anh chị còn phong cho ngài tên: VUA của Bụi Đời Gia Đình An Phong”…

Thật cảm động khi thấy những người con xa gần về xung quanh cha, với sự hồn nhiên, với nụ cười, những cái bắt tay và cả những cái hôn chân tình.

Từ ngày về thăm quê hương, cha đã không quản ngại, đi đến tất mọi nơi, để thăm viếng lại mọi người, từ các anh em trong Dòng, bà con, nhất là những người mang danh là Bụi Đời, nhưng đã nhận và đã hiểu Tín thư của cha: Tinh thương, sự kính trọng, với tôn chỉ và mục đích “Sống đầu cao mắt sáng, sống cho ra hồn, sống cho đáng sống”.

Cha đã khởi sự “Gia Đình An Phong” tại Vũng Tầu, và nay ở Pháp, cha vẫn đưa Gió lành đến cho những con người không nơi nương tựa. An Phong không chỉ là tên vị thánh đã lập Dòng Chúa Cứu Thế mà còn có nghĩa là “Gió Lành” (Le Bon Vent), gió của Tình Thương, gió của lòng Nhân ái, gió của sự Phục Sinh trong tin tưởng tự do đích thực.

Sau những cuộc gặp gỡ chân tình, thánh lễ đã được củ hành tại nhà thờ Dòng Xitô Phước Sơn, tại Bãi Dâu, Vũng Tầu. Trong số các linh mục đồng tế, có cha Phillípphê Hoàng Kim Tâm Bề trên Đan Viện, các cha Dòng Chúa Cứu Thế, và cách riêng các linh mục từng là con cái của cha Louis từ lúc còn là những Hùng Tâm Dũng Chí tại Huế, các cha Phabianô Lê Văn Hào, Giêrađô Lê Văn Hoà.

Buổi lễ được tăng phần long trọng với tiếng đàn, do các thầy Dòng Xitô ở Đan viện nay đã lên đến 60 người và tiếng hát của ca đoàn “Bụi Đời”.

Cha Louis Nguyễn Văn Qui đã một lần nữa nói lên tín thư và cũng là bí quyết trong đời tông đồ của ngài giữa những người mang tên là Bụi Đời: Tôn trọng mọi người, nhìn mọi ngườì dưới khía cạnh tốt của họ, giúp mọi người vươn lên bất cứ họ đang ở giai đoạn nào trong cuộc sống, dùng tự do của mình để tránh xấu, làm tốt hầu đem lại lợi ích cho chính mình và cho kẻ khác.Tất cả phải được ánh sáng của Tình Thương chiếu sáng.

Cha R. Nguyễn Tự Do cũng được cha Louis mời chia sẻ, và một lần nữa, gương yêu thương của Thánh Tổ An Phong, của cha Louis được nêu lên, với lời cầu chúc Gia Đình An Phong luôn mãi là Gió Lành đem niềm vui, bình an và hạnh phúc tràn đầy cho các tâm hồn.

Sau bữa ăn thân mật tại nhà nghỉ của các Nữ tu Mến Thánh Giá Cái Mơn, Gia Đình An Phong đã có cuộc gặp mặt chia sẻ và nhiều người được nhận quà, các em được nhận học bổng, qua một cuộc “đố vui” linh động với những câu hỏi về Thánh Tổ An Phong, về Gia Đình An Phong, về cha Louis. Những câu hỏi được đưa ra: “Ngày và năm sinh của thánh An Phong, ngày Ngài dấn thân cho người tất bạt? Ngày Ngài qua đời… Ngày khai sinh Gia Đình An Phong? Ngày sinh, ngày chịu chức, ngày về Việt Nam của cha Louis…? Những câu trả lời đến từ mọi phía và tiếp theo là tiếng reo của người điều khiển: “ĐÚNG RỒI”.

Bầu không khí thật ấm cúng, trẻ trung và chắc chắn tạo thêm thật nhiều nhớ nhung và hợp nhất.

Là người đã được chứng kiến những cuộc gặp gỡ của Gia Đình An Phong, được nhìn thấy nụ cười lạc quan và luôn tin tưởng của cha Louis Nguyễn Văn Qui, một người anh đáng kính, đáng trọng trong đại Gia Đình An Phong Dòng Chúa Cứu Thế, tôi thầm tạ ơn Chúa Cứu Thế, thánh tổ An Phong và các thừa sai Canađa đã đem cho Dòng Chúa Cứu Thế tại Việt Nam một sức sống mãnh liệt mà cha Louis Nguyễn Văn Qui là người góp phần rất độc đáo với những thành phần tất bạt nhất, những người vẫn hiên ngang và vui mừng danh hiệu là những “Bụi Đời”, nhưng là Bụi Đời An Phong, Gió Lành.

 

            Lm Rock Nguyễn Tự Do, CSsR

 

Du lịch Alaska bằng du thuyền

                                                          Lê-Chương

Mới đây, vào đầu tháng 9/2010, vợ chồng tôi đã tham gia một chuyến du lịch đầu đời trên du thuyền do Y Học và Đời Sống, phối hợp với Triumph Tours tổ chức.

            Đã từng đi chu du nhiều nơi, nhưng đây là lần đầu chúng tôi đặt chân lên một du thuyền mang tên Saphire Princess.

            Sáng Chủ Nhật 05/09/2010, đoàn du lịch đáp xe từ Vancouver (Canada) đến Seattle (USA) dự trù tới nơi vào buổi trưa, chuẩn bị lên tàu trước giờ khởi hành 4giờ chiều cũng thong thả chán. Nhưng, mưu sự tại nhân mà thành sự tại thiên, vì tại biên giới Canada-Mỹ, một việc không thể ngờ là chúng tôi bị kẹt ở đây tới 5 tiếng đồng hồ, do thủ tục nhập cảnh Mỹ!

            Mừng húm vì qua được biên giới, nhưng hỡi ôi, xe cộ kẹt cứng vì đây là dịp “long weekend” lễ lao Động! Theo thông báo, du khách sẽ lên tàu từ 11giờ30 tới 3giờ chiều, thế mà đoàn Triumph Tours 46 người ngồi trên xe lo âu hồi hộp, vì lúc xe chạy được thì xem giờ đã hơn 4giờ chiều mà vẫn chưa thấy bóng dáng con tàu đâu! Mãi cho đến 4giờ hơn, bóng dáng con tàu thật to lớn mới hiện ra, nhưng tài xế chạy tới lui không biết lối vào bến, để rồi sau đó, có nhân viên của tàu chạy mô tô ra hướng dẫn vào bến. Và, khi đến nơi, nhân viên của tàu đã dàn sẵn, giản dị tối đa. Mọi thủ tục trên bờ, để khi người cuối cùng lên tàu thì cũng là lúc con tàu hụ còi để rời bến. Cho đến lúc này, mới thấy nét mặt Bs Bình cũng ông Tony Thạch trong ban tổ chức rạng rỡ hân hoan vì thoát nạn. Xin cảm ơn Trời Phật đã hộ phù, vì nếu con tàu cứ nhổ neo đúng lịch trình, không chậm lại 1 tiếng đồng hồ nữa, thì đoàn người 46 mạng từ Úc Châu, bị lỡ tàu sẽ đi về đâu?

            Đôi lời về tàu Sapphire Princess. Đây là một trong những con tàu cùng dòng họ Princess, nhưng mang tên gọi khác nhau như Sun, Star, Royal, Diamond, v.v… Cả thảy 17 tàu, mà Sapphire thuộc loại hoành tráng vào bậc nhất. Tàu dài 290m, rộng từ 40-50m và chiều cao 18 tầng lầu. Nhân viên cơ hữu của tàu lên tới 1120 người, để sẵn sàng phục vụ cho một số du khách 2670 người.

            Nhận phòng xong, chưa kịp hoàn hồn vì diễn biến quá bất ngờ vừa xảy ra, thì đã đến giờ ăn tối “à la carte” nghĩa là mình ngồi tại bàn, chọn thức ăn trong menu, và có người đứng lên phục vụ. Cái đập vào mắt tôi đầu tiên là đại đa số nhân viên phục vụ đều là người Phi Luật Tân, sở dĩ tôi biết là vì nhân viên mỗi người đều mang bảng tên và có ghi quốc tịch rõ ràng. Họ làm việc tận tâm, nhiệt tình và hầu như ít khi nào quên nở nụ cười.

            Ăn uống xong xuôi, về lại phòng ngủ, đã thấy để sẵn trước cửa ra vào tờ thông tin và sinh hoạt do tàu phát hành.

            Chuyến đi kéo dài 7 ngày: rời cảng Seattle (USA) cập bến Kletchikan (Alaska) xem phong cảnh dọc Fjords Tracy Arms, viếng thủ phủ Alaska là Juneau, cập bến Skagway (Alaska), ghé thăm Victoria (Canada) trưóc khi trở về Seattle.

            Phải nói rằng, thủ tục đi tàu du lịch khác hẳn đi đường bộ. Trên tàu không xài tiền mặt. Mỗi du khách được cấp một thẻ nhựa giống thẻ tín dụng, để dùng trong mọi việc như mở cửa phòng, mua đồ kỷ niệm, áo quần, nữ trang, v.v.. rồi uống rượu, chơi bài, vv.. thảy đều dùng thẻ. Muốn được cấp thẻ, mình phải đưa thẻ tín dụng cho họ để họ có thể rút tiền. Nếu lỡ không đem theo “credit card”, mình phải đưa tiền mặt để trong thẻ có tiền, thì mới chi tiêu được. Con tàu như một toà nhà cao 50 tầng lầu, nhưng sinh hoạt chính thường ở lầu 5, 6, 7 và ăn uống ở lầu 14, 15.

            Trên tàu có đầy đủ tiện nghi. Từ rạp chiếu bóng đến quầy rượu, phòng thể dục, sauna, hồ bơi, thư viện, internet, phòng ăn rộng rãi, ăn uống mặc sức, giờ mở cửa từ 4giờ sáng đến 11giờ khuya. Ăn buffet thì tha hồ lựa chọn món ăn, bánh ngọt, trái cây, riêng nước ngọt, cà-phê thì có nhân viên phục vụ đem đến tận nơi. Riêng ăn “à la carte” thì có giờ giấc rõ rệt, ngồi ở bàn, và có người phục vụ từ đầu đến cuối bữa ăn để tăng bầu không khí vui tươi. Tàu còn tổ chức bán hạ giá theo giờ, bán đấu giá, v.v… Buổi tối có trình diễn show ca nhạc, có chiếu phim, casino, bar uống rượu, v.v..

Lộ trình: Seattle-Ketchikan-Juneau-Stagway-Victoria. Tại mỗi bến, tàu đều dừng lại để du khách rời tàu đi ngoạn cảnh, xem phố, hoặc tham gia du lịch địa phương. Những thành phố này đều nằm ở miền Nam của Alaska, dọc bờ biển miền Tây Bắc Canada.

Welcome to Alaska 1st City Ketchikan

The Salmon Capital of the World.

Đây là thành phố đầu tiên tàu cập bến trên chuyến hành trình hướng về miền Bắc.   Khởi đầu là một làng đánh cá của dân bản địa, Ketchikan có nghĩa là phượng hoàng với cánh xoè. Vào năm 1900, phong trào tìm vàng bừng phát, thu hút thêm dân về đây, để rồi sau đó phát triển về lâm sản và ngư nghiệp, để trở thành thủ đô cá hồi của thế giới.

Mà tại sao gọi là cá hồi?

Đó là, những con cá vượt qua một cuộc hành trình cực kỳ gian nan từ biển cả về sông, để rồi chết vì kiệt sức sau khi đã đẻ trứng. Cá hồi con nở từ trứng sẽ lại rong ruổi ra biển, để rồi 3 năm sau, chúng lại di cư về nhà, như bố mẹ chúng ngày xưa.

Creek Street là khu phố cổ nhất của Ketchikan là cái nôi của vùng, đường phố là cây cầu gỗ, hai bên là các tiệm đủ loại, dưới phố là đàn cá hồi bơi lội tung tăng. Ketchikan là một trong bốn thành phố lớn của Alsak, sản phẩm chính là cá hồi, gồm đủ loại từ tươi đến khô, sống và đóng hộp. Cứ vào cuối tháng 8 thì từng đàn cá hồi bơi lội vào lạch Ketchikan để đẻ trứng –con rạch này uốn cong theo Ceek Street- một đường phố mà dưới là lạch Ketchikan. Creek Street còn là khu đèn đỏ, những căn nhà dựng trên bờ lạch Dolly’s House xưa là một nhà chứa, nay trở thành một bảo tàng viện và cái nghề xưa như trái đất này. Ngoài ra, nơi đây còn có cái cửa hàng bán đồ kỷ niệm, đồ trang sức, và quần áo mùa đông bán đổ bán tháo, có thể vì bây giờ là tháng 9, mà tháng 10 thì tàu bè không còn chở du khách tới nữa.

TRACY ARM

Tracy Arm là một kiệt tác của Alaska, một eo biển dài 48m hai bên có vách đá núi cao vời vợi và thẳng đứng, mà các ngọn núi đều có tuyết phủ trắng xoá, thác nước từ trên cao đổ xuống biển màu xanh biếc. Con tàu đi thật chậm qua vùng này để du khách chiêm ngưỡng vẻ đẹp tuyệt vời của thiên nhiên. Tuy vách đá không là đá và vách do những tảng băng tạo nên và lâu lâu đá bể ra rồi rơi xuống nước, nhưng cảnh vật vẫn tuyệt đẹp. Những tảng băng to/nhỏ trôi lềnh bềnh trên giòng nước, mà khi xưa có tảng cao bằng toà nhà 3 tầng, nhưng nay do khí hậu ấm dần, những tảng băng to lớn như thế không còn thấy nữa.. Hai bên bờ cây cối rậm rạp xanh mát, vì vùng này hầu như mưa quanh năm. Băng, là đỉnh núi trắng xoá tuyết phủ, vách núi là băng đá, thác nước trắng xoá, chim bay, cá lặn, gấu, v.v… bằng ấy nói lên cảnh trí tuyệt vời. Con tàu cứ chạy chầm chậm vào lúc sáng sớm, sương lạnh còn ôm chân đồi, du khách thật đông ra đứng ở boong tàu để chiêm ngưỡng cảnh vật hùng vĩ.

Welcome to Juneau

Đến bây giờ, chúng tôi mới biết Jumeau là thủ phủ của tiểu bang Alaska. Dân số gồm 30,000 người. Trước cuối thế kỷ 19, vùng này không có một bóng người da trắng mà chỉ có thổ dân cư ngụ. Vào năm 1870, do tiếng đồn vùng này có vàng, nên đã thu hút đông người tới đây, để làm giàu. Mỏ vàng được khai thác rầm rộ cho đến năm 1944, sau chiến tranh đã khiến việc khai thác các hầm mỏ phải đóng cửa.

Juneau có đặc điểm là băng  hà Mendenhall Glacier cách thành không bao xa, đến xem bằng đường bộ cũng được. Nó to như một con sông lớn và tảng băng liếm tới bờ nước. Băng sơn ở đây màu xanh biếc, từ bờ nhìn thấy rõ, cạnh đó là một thác nước chảy rầm rầm. Gần đấy là căn nhà hai tầng của chính phủ. Căn nhà này như một bảo tàng viện nhỏ, vào trong có sẵn ống nhòm để xem băng sơn, cũng như lịch sử của băng hà, v.v…

Rời Mendenhall Glacier, chúng tôi đi dạo phố hai bên bán đủ thứ hàng hoá, đồ vật kỷ niệm, hàng ăn, v.v… Phố xá sầm uất không phải vì cư dân mà do du khách tấp nập đi lại.

Tàu cập bến Skagway, là thành phố thứ ba của Alaska theo lộ trình. Skagway là một thành phố ở phía Đông Nam Alaska cách xa thủ phủ Juneau 45 phút đường bay. Dân số vỏn vẹn chỉ có 862 người.

Trước đây, ở nơi này quá khứ còn vọng lên tiếng gọi tìm vàng ở vùng Yukon, núi non cao vời vợi, và hình như còn lắng đọng nơi các đường phố. Vào năm 1898, hàng vạn người đổ xô về đây tìm vàng mong làm giàu tắt. Một nhóm tài phiệt người Anh đánh hơi được chuyện ấy đã khởi công xây cất con đường White Pass và Yukon Route Railway. Chúng tôi đáp chuyến xe lửa White pss Scenic Railway, con đường xẻ núi hoặc nằm sát vách cheo leo, hai bên là thung lũng sâu hoặc núi cao chót vót, cây cối sanh mướt, nghĩ mà khâm phục tài xẻ núi làm đường của người xưa, mà ngày nay vẫn còn sử dụng được. Đây cũng là cửa ngõ để đi sâu vào đất liền. Du khách tới đây vào tháng 4 đến tháng 9 mỗi năm, vì tháng 10 thì tuyết bắt đầu rơi rồi.

Chúng tôi có dịp thăm Skagway Museum, nổi tiếng với bộ sưu tập di sản Alaska, dụng cụ tìm vàng, v.v… Trường McCabe College xây năm 1899 bằng đá Granite, là cơ sở giáo dục đầu tiên của Alaska, vừa là trường học, toà án và nhà giam vào thời đó. Người ta nói không ngoa là đi shopping tại Skagway là điều thú vị nhất ở Alaska, vì giá trị của món hàng được bán ra. Thật vậy, những căn nhà ở đây còn mang dấu tích thời tìm vàng, nay biến thành cửa hàng bán mỹ phẩm, đồng hồ, nữ trang , v.v… và đồ kỷ niệm, cũng như quần áo lạnh, giá thật rẻ, như áo jacket mặc hai mặt trong/ngoài giá chỉ có 20 Mỹ kim. Nhưng có điều cần lưu ý, là các thứ này đều “made in China” thì phải thầm phục chú Ba, vì ở tận miền Bắc cực xa xôi này mà chú cũng len lỏi xâm nhập có hệ thống…

Xa phố xá một chút là rừng núi cao có tuyết phủ, đi từ đầu tới cuối phố, mất hơn nửa tiếng, mà chắc chắn số du khách nhiều hơn dân bản xứ.

        Welcome to Victoria (Birtish Columbia)

Mãi cho đến 6giờ chiều, lúc trời gần tối thì tàu mới cập bến cảng Victoria.

Ban đầu, Victoria được gọi tên là Fort Victoria, được công ty Hudson Bay xây cất. Năm 1848, Vancouver là một thuộc địa của đế quốc Anh, mà Victoria là thủ phủ. Năm 1858, Victoria là một thành phố lều của 25,000 dân đổ xô tới đây tìm vàng, trên con đường tới sông Fraser.

Năm 1868, Vancouver nhập chung vào phần đất British Columbia, và Victoria trở thành thủ phủ cho tới nay.

Victoria, thành phố mang tên Nữ Hoàng Anh quốc Victoria, là một thành phố cổ xưa nhất của người da trắng ở vùng Tây Bắc Thái Bình Dương, dân số chừng 87,000 người.

Với khí hậu ấm nhất nước Canada, mỗi năm tuyết rơi có 2 hoặc 3 ngày, nắng ấm thu hút đông đảo lớp người già về đây sinh sống.

Tới đây đã tối trời, chúng tôi thấy ngay toà nhà quốc hội cổ kích kết đèn sáng trưng. Khách sạn Empress hoành tráng nằm gần đấy, tất cả đều lộng lẫy về đêm. Chúng tôi được cái may là có đứa cháu gái tên Vân gọi tôi bằng chú ruột sống với chồng ở đây, đến đón chúng tôi tại bến tàu; chú cháu đã xa cách 35 năm, nay cảm động biết bao khi gặp lại. Tiếp theo, chúng tôi được chở đi xem Victoria về đêm, rồi sau đó đi China Town, lờn vào bậc nhì ở Bắc Mỹ, chỉ sau có China Town ở San Francisco.

Ăn món Tây trên tàu đã nhiều nên nay cháu tôi có nhã ý đưa chú thím đi thưởng thức món phở. Đi bộ một lúc thì tôi thấy rõ biển quảng cáo Phở Vương bằng tiếng Việt rành rành ở cái chốn toàn là Tây Tàu. Mừng quá, chúng tôi vội vã vào tiệm ăn. Nhưng vừa vào thì thấy cảnh lạ, vì người hầu bàn và cashier đều là người Đại Hàn, chứ không phải là người Việt, nhưng thực đơn thì ghi rành rành tiếng Việt.

Lát sau, người hầu bàn bưng phở ra, nhưng khi nếm thì: chao ôi! phở gì mà dở quá chừng. Nó chan chát, và chẳng có mùi vị gì là phở hết, và rốt cuộc ai ăn cũng phải bỏ dở. Có khi tiệm phở là của người Việt, nhưng người Đại Hàn nấu nướng và điều hành (?)

Ăn phở xong, chúng tôi còn dạo phố phường một hồi lâu, nhưng vì trời tối nên không thấy rõ cảnh vật. Nơi đây nổi tiếng cây cỏ xanh tươi, đặc biệt vườn hoa Butchart đủ mọi loại hoa đua nhau khoe màu sắc từ Xuân sang Hạ. Ở một xứ hầu như quanh năm lạnh lẽo, thế mà vườn hoa Butchart đem lại một sức sống mới hy vọng hơn. Rất tiếc, tàu chỉ ghé bến Victoria từ 6giờ chiều đến 11giờ đêm, thì không lẽ đi xem vườn bông khi màn đêm bao trùm?

Màn đêm ngày càng dày đặc. Lúc này, mưa rơi đều hơn, lấp lánh trong ánh đèn đường.Trời tuy mưa nhưng không cản được từng nhóm du khách vẫn đi lại tấp nập.

Rồi cũng đến lúc phải chia tay, vì cuộc chơi có vui mấy, cũng đến lúc tàn. Gần nửa đêm, thì con tàu rời bến. Xa dần, muôn ánh đèn màu thắp sáng toà nhà quốc hội, xa dần nét kiêu sa của khách sạn Empress về đêm, mưa rơi nặng hạt khiến giờ tạm biệt càng thêm não nề.

Con tàu đã bỏ xa Victoria diễm lệ, rẽ sóng trong đêm tối mịt mù. Thôi nhé, tạm biệt Victoria, hẹn ngày tái ngộ.

 

Lê-Chương tường trình.        

 

 

  

           

Giọng cũ xa gần

                                                Dân Gầy phụ trách

*Có những “sự” rất hay quên

“Sự” dễ quên ở đây là những thông tin qua lại, bằng thư từ. DânGầy lâu nay quên, vì cứ tưởng rằng thư ấy là thư riêng, nào biết rằng “riêng” vẫn có thể là “chung” và không thể là “riêng mình tôi, ngồi ngắm quê trời…” trong tình thư, hoặc thư tình anh/em, thầy/trò, gần/xa, như là thư ở bên dưới. Của đấng bậc Giám (rất) tỉnh của Dòng mình ở Việt Nam, xin mời bạn đọc hãy cứ…đọc để có chút thư từ liên lạc giữa anh Tá Mười hai và Giám rất Tỉnh VN:

Anh T. ơi,

Đêm qua đã chuyển hàng ra cảng cho anh rồi, theo nguyên tắc thì đúng một tháng hàng sẽ đến  địa chỉ của anh, 50 bộ như anh muốn.

Hôm qua dâng lễ tốt nghiệp khoá 23 đào tạo ca trưởng ở Kỳ Đồng, em tặng sách Chuyện Phiếm Đạo Đời của anh cho các ca trưởng tốt nghiệp, làm phần thưởng (quà) cho họ, vui lắm.

Chúa nhật 12 này sẽ phân phối trong lễ của Cựu Đệ Tử Sàigòn, Đúng hơn là gia đình An Phong Saigon vì bây giờ có thêm rất nhiều thành viên mới là con thiêng liêng của anh em mình.

Hôm nọ em cũng dành một số sách ấy cho các thành viên trong Ban Tổ Chức Cuộc thi ý tưởng đồ án qui hoạch La Vang mà em trách nhiệm.

Sách của anh sẽ được chuyển đi như vậy, anh có ưng ý không ?

Em đã nhận được tiền anh gởi về để thanh trả. Em có hỏi nhân viên Nhà sách, mọi sự như vậy là xong về tài chánh, anh khỏi lo, Nhà sách sẽ chịu kinh phí chuyển hàng sang bên đó cho các anh.
Cám ơn anh.

Cầu nguyện cho nhau.

Bận quá lỡ bài cho Gia Đình An Phong rồi!!!

Vinh Sơn Phạm trung Thành, dcct

06.09.2019

 

*Lại những thơ và thẩn về…Mình!

Đọc tho này, lại nhớ thơ kia. Nhớ, là nhớ lời thơ của cụ cố linh mục nhà mình là cố Gérard Gagnon từng diễn tả về Ba Ngôi Đức Chúa bằng mấy chữ “Mình” từ thơ của Nguyễn Du, rất mình rằng: “Nghĩ Mình Mình lại nên thương nỗi Mình”. Và dưới đây, cũng lại là lơi thơ về chữ “mình”:

      MÌNH ƠI !  MÌNH À !

Riêng tặng NATO'S MEMBER!)

Đêm khuya nghe gọi : Mình ơi

Dậy em nhờ tí, Mình ơi , Mình à

Giật mình như thể gặp ma

Mồ hôi nó toát như là tắm mưa

Bài thì mới trả buổi trưa

Giờ mà trả nữa te tua tuổi già

Nằm im mắt nhắm cho qua

Bên tai thỏ thẻ Mình à , Mình ơi

Còn bao năm nữa trên đời

Vui xuân kẻo hết Mình ơi , Mình à

Người ta bảo lúc về già

Dẻo dai hơn trẻ Mình à Mình ơi

Con lớn chúng đã xa rời

Nhà thì vắng lạnh Mình ơi Mình à

Sao không bắt chước người ta

Cờ người quyết đấu Mình à Mình ơi

Bàn son có sẵn đang phơi

Quân ngà mau dậy Mình ơi Mình à

Ráng cho vui cửa vui nhà

Em thương Mình lắm Mình à , Mình ơi

 

MÌNH ƠI !  MÌNH À !

(Tặng các bạn trong lứa tuổi 50 – 90)

“Mình với ta tuy  hai mà một

Ta với mình tuy một mà hai”

Nhưng mình có tật nói dai

Nên chi ta cứ cãi hoài không thôi

Ta mình “hai đứa” một đôi

Lâu lâu giận dỗi mỗi nơi một người

Làm lành “hai đứa” lại cười

Xáp vào lại hóa hai người một đôi

Ngọt ngào cất tiếng “Mình ơi!”

Trên đời đẹp nhất là tôi với mình

Đôi khi có chuyện bất bình

Cãi nhau tôi lại với mình giận nhau

Nhưng mà giận chẳng được lâu

Giận nhau hôm trước hôm sau lại hòa

Nhìn mình tôi bật cười xòa

Nhìn tôi mình lại lăn sà vào tôi

Chúng mình như đũa có đôi

Có đôi để gọi “mình ơi, mình à !”

Bây giờ như cặp khỉ già

Nhưng mà vẫn cứ “mình à, mình ơi !”

Khi nào thấy vắng bóng tôi

Thì mình lại gọi: Mình ơi, mình à

Khi nào tôi thấy vắng bà

Thì tôi lại gọi: mình à, mình ơi!

Gọi nhau cho trọn cuộc đời....

 

*Phải chăng là thơ vui?

Bảo rằng, đó là thơ vui. Về đàn ông? Cũng không chừng. Chừng như, thơ có vui chỉ vui khi nói về phụ nữ, rất sư tử. Xứ Hà Đông. Có nào nhè nhẹ bài thơ rất ông chồng. Không tin, mời bạn cứ viết. Viết nhiều về thơ thẫn, những đàn ông. Ngông nghênh, thẩn thơ về ông chồng, rất sau đây:

Thơ vui về đàn ông
Trái tim 9 lỗ chứa vô số nàng
Đàn ông đứng đắn đàng hoàng
Gặp ai cũng love mới là đàn ông
Đàn ông một mực thủy chung
Tay ôm cô Xuyến lại thương cô Hồng
Đàn ông sau trước một lòng
Một cô chưa đủ nên cần có hai
Đàn ông con mắt thẳng ngay
Khi gặp con gái chỉ nhìn body
Đàn ông thì ghét chữ T
Chữ Tiền thì thích, chữ Tình thì mê
Đàn ông không phải là dê
Chỉ vì bản tánh là mê đàn bà
Đàn ông không thích rườm rà
Chỉ mong vợ đẹp, có nhà, có bank
Đàn ông không thích lăng nhăng
Lớn thì ngày chẵn, nhỏ thì week-end
Đàn ông không thích lem nhem
Có nhiều bồ nhí xem như gặp thời
Đàn ông không nói hai lời
Tối thì thề thốt sáng rồi lại quên
Đàn ông không thích nói dai
Uống vô vài cốc nói hoài sáng -dêm
Đàn ông thì rất thanh liêm
Chỉ gom đồ tốt để riêng cho mình
Đàn ông rất trọng nghiã tình
Cua luôn bạn gái của người mình thân
Đàn ông huynh đệ tương thân
Gặp lúc nguy hiểm co chân chạy -dầu
Đàn ông lịch sự phát ngầu
Gặp người lớn tuổi cắm -dầu đi mau
Đàn ông ăn nói thanh tao
Chửi thề nói tục như hầu làm thơ
Đàn ông không thích ở dơ
Mang một đôi vớ hai tuần chưa thay
Đàn ông trông rất bảnh trai
Mặc đồ xốc xếch, tương lai ăn mày
Đàn ông thì rất đa tài
Học thì dở ẹc, đánh bài khỏi chê
Bài cào, xì zách, cách tê
Thức -dêm suốt sáng mới lê thân về
Đàn ông ôi thật ê hề
Cày hai ba jobs lại huề trắng tay
Cô nào muốn có tương lai
Làm ơn hãy tránh những ai nghiện bài

Thơ vui về Bản tính của  Đàn Ông

Đàn ông ưa nhậu suốt ngày
Bởi vì cần sức kéo cày cả đêm
Đàn ông bản tính... giời ơi
Bà nào nói vậy dở hơi là bà
Đàn ông nhậu nhẹt tà tà
Lái xe đụng ẩu, vào xà lim chơi
Đàn ông không thích nói dai
Chẳng qua là để lắng tai nghe bà
Đàn ông ở bẩn như ma

Là vì tiết kiệm áo bà vợ may
Đàn ông hay đánh bài tây
Bởi vì ông muốn tiền đầy trong băng
Được thì dắt vợ đi ăn
Lỗ thì đành chịu cắn răng kéo cày
Đàn ông cờ bạc gớm ghê
Nướng nhà, nướng cửa, nướng thê, nướng đời
Được thì dắt bạn đi chơi
Thua thì xin vợ: “Anh hơi... túng tiền!”
Đàn ông sáng mắt rõ mày
Ra đường gặp gái liếc ngay tỏ tình
Khen cô eo nhỏ mặt xinh
Nếu em được rảnh... chúng mình hẹn nhau...
Đàn ông cặp mắt láo liên
Giữa đường gặp gái ngó xiên ngó quàng
Đến khi gái đến hỏi chàng
Dối rằng: “Chưa vợ chưa nàng nào đâu!”
Đàn ông bản tính lăng nhăng
Nhờ trời, em Xuyến, em Hằng đều thương
Vương thì tội, bỏ thì thương
Thôi thì... Nhỏ, Lớn cùng giường cho vui
Đàn ông chẳng phải nhặng thường
Chỉ bu quanh đám các nường gái tơ
Xun xoe đến độ phát khờ
Sức thì chả mấy, mệt phờ sợi râu...

*Cha già, là tác giả cụm từ Gia Đình An Phong

Cụm từ “Gia đình An Phong”, là tên gọi được cha già Louis Nguyễn Văn Qui, lần đầu đặt cho nhóm các anh chị Bụi Đời, ở Rạch Dừa, thập niên ’50. Điều này, không có gì phải chối cãi. nhưng tên gọi ấy, nay được đặt cho gia đình “Cứu thế…tại thế”, ở khắp nơi. Và hôm nay, bạn bè ở Sydney nhận được thư mới nhất về tình hình sức khoẻ của “cha già” đấng sáng lập này, như sau:

“Westminster, 13.9.2010

Thân gửi anh Tá và các anh chị ở Sydney,

Tôi vẫn nhận được “CDs và báo Duc in Altum” do anh gửi. Cảm ơn Anh rất nhiều. Nghe và đọc xong, tôi vẫn chuyển cho các anh Phạm Long và Trần Quang Phục.

Tôi vừa ở Việt Nam về được 2 tuần. Theo truyền thống gia đình An Phong, cha già của chúng tôi ở Pháp, các Anh chị em ở các nước tuỳ hoàn cảnh, hằng năm vào ngày 1 tháng 8 cùng về mừng lễ thánh An Phong ở Bãi Dâu Vũng Tàu.

Năm nay, có một biến cố làm Anh chị em chúng tôi lo sợ, nhưng Chúa Cứu Thế, Mẹ Hằng Cứu Giúp và cha thánh An Phong đã nhậm lời chúng tôi van nài. Kết quả chúng tôi thở phào vui sướng!

Số là, lễ 1/8/2010 năm nay cha già Louis rất vui, vì có các cha học trò như cha Hào dònh Don Bosco, là người ngày xưa được cha già cõng đi lễ. Soeur Thái, Bề Trên nhà Domaine de Marie ở Đà Lạt về dự và một vài soeurs nữa, cùng các Ông các Bà ngày xưa ở phong trào Hùng Tâm Dũng Chí do Cha thành lập.

Qua ngày 4/8/2010 Cha rất yếu, mệt, ho từng cơn, chân tay run rẩy; tóm lại, nhìn Cha trông rất sợ, chúng tôi bèn gọi về nhà Dòng Kỳ Đồng, Cha Giám tỉnh Phạm Trung Thành yêu cầu đưa Cha về Sàigòn gấp, sau đó ngài cho người đưa Cha vào Bệnh viện tim mạch ở quận 10, tên gọi là bệnh viện 115.

Cha Già nằm điều trị luôn luôn có chúng tôi bên cạnh, và đặc biệt Cha Giám tỉnh cử 2 thày ở Kỳ Đồng đến coi, hết 2 thày này đến 2 thày khác phụ với chúng tôi, lo cho Cha.

Như tôi đã nói, cuối cùng mọi sự tốt đẹp, Cha Già qua khỏi, về lại nhà, lên được máy bay về lại Pháp. Cảm ta ơn Chúa, Mẹ Ngài và thánh Tổ gia đình An Phong.

Nếu không có gì trở ngại, Noel này tôi sẽ bay qua Pháp thăm Cha Già.

Xin gửi anh 2 số báo Bụi đời năm 2007 và năm nay 2010 để Anh biết qua về Gia đình An Phong.

Chúc Anh cùng các anh chị bên đó luôn gặp mọi điều may lành. Tràn ơn Chúa.

Thérèse Nguyễn Thị Phượng.

 

*Có bao nhiêu kiểu cười?

Cười kiểu nào mà chẳng được! Miễn cứ cười. Khóc bao nhiêu lâu mà chẳng đặng, miễn không chết lặng, sau khi khóc. Vấn đề là, mình cứ tiếp tục mà cười. Cứ cười đi bạn ạ. Cười xong, lại mời mọi người cười những 116 kiểu, sau đây:

116 kiểu cười: (không kê? cô ba Ti' ngôi xôm?)

1.Cười chê, 2. Cười cợt, 3. Cười duyên, 4. Cười gằn, 5. Cười góp, 6. Cười khà, 7. Cười khẩy, 8. Cười khì, 9. Cười mát, 10. Cười miếng chi (mỉm chi), 11. Cười mũi, 12. Cười nắc nẻ, 13. Cười ngất, 14. Cười nhạt, 15. Cười như nắc nẻ, 16. Cười nịnh, 17. Cười nụ, 18. Cười ồ, 19. Cười phá, 20. Cười ra nước mắt, 21. Cười rộ, 22. Cười ruồi, 23. Cười sặc, 24. Cười sằng sặc, 25. Cười tình, 26. Cười trừ, 27. Cười tủm, 28. Cười vỡ bụng, 29. Cười xoà. 30. Cười buồn (khác buồn cười), 31.Cười vu vơ, 32. Cười lặng lẻ; 33. Cười vô duyên; 34. Cười nhạt (cười lạt), 35. Cười Mơn (cầu tài), 36. Cười ha hả, 37. Cười hồng hộc, 38. Cười khành khạch, 39. Cười ngặt nghẽo, 40. Cười ằng ặc, 41.. Cười thầm, 42. Cười khô (cười khan), 43. Cười lạnh, 44. Cười cười, 45. Cười ngượng ngập (ngượng nghịu), 46. Cười té đái (vãi đái), 47. Cười thủy tinh, 48. Cười trịch thượng, 49. Cười hạ bệ, 50. Cười the thé, 51. Cười e thẹn, 52. Cười khinh bỉ (khinh miệt), 53. Cười khục khục (nín cười), 54. Cười chua cay, 55. Cười ranh mãnh, 56. Cười bí ẩn, 57. Cười độc, 58. Cười đón, 59. Cười đưa, 60. Cười rập khuôn, 61. Cười bằng mắt, 62. Cười khúc khích, 63. Cười cuồng loạn, 64. Cười dòn, 65. Cười chúm chím, 66. Cười xã giao, 67. Cười thoả mãn (mãn nguyện), 68. Cười đau khổ, 69. Cười ngô nghê (ngờ nghệch), 70. Cười hì hì, 71.. Cười nửa miệng, 72. Cười thành thật, 73.. Cười vang, 74. Cười toe toét, 75. Cười đểu, 76. Cười xảo trá, 77. Cười ngạo nghễ, 78. Cười chanh chua, 79. Cười ý nhị, 80. Cười tuyệt vọng; 81. Cười sang sảng ( rổn rảng), 82. Cười hô hố, 83. Cười tự phụ, 84. Cười đắc thắng, 85. Cười đú đởn, 86. Cười hóm hỉnh, 87. Cười nhí nhảnh, 88. Cười châm biếm, 89. Cười hiền, 90. Cười phớt tỉnh, 91. Cười trây trúa (nham nhở), 92. Cười như mếu, 93. Cười bò kàng, 94. Cười hồn nhiên, 95. Cười ô trọc, 96. Cười đồng loã, 97. Cười thú nhận, 98. Cười rũ rượi, 99. Cười bằng thích, 100. Cười ba lơn, 101. Cười lém lỉnh, 102. Cười chúm chím, 103. Cười hồ hởi, 104. Cười tiếp thị, 105. Cười lẳng lơ, 106. Cười bù khú, 107. Cười hềnh hệch, 108. Cười khinh khỉnh, 109. Cười nhếch mép, 110. Cười xúy xoá, 111. Cười ré, 112. Cười khanh khách, 113. Cười dâm đãng, 114. Cười xách mé, 115. Cười lở trôn, 116. Cười miểng chai. 
Nhưng chắc chắc còn thiếu sót vì không thấy kiểu "cười phì" (hay phì cười). Trong môt danh sách khác, chắc phải có với nhiểu kiếu cười khác nữa. Hi Hi Hi!  
Vài vần thơ về nụ cười:  
Nụ cười nhân gian  
“Cái cười là của trời cho
Ai không cười được ốm o gầy mòn”
Cười vui hạnh phúc vuông tròn
An khang, thọ phước, cháu con đầy đàn.
Chào nhau cười hỏi hân hoan
Tương tri hội ngộ, rỡ ràng trùng quang.
Đám đông cười nói giòn tan
Tung hô, chúc tụng râm ran tiệc tùng.
Cười vang thích chí tận cùng
Lắm khi quên cả ngại ngùng chung riêng.
Những cô gái trẻ cười duyên
Môi hồng nụ thắm dịu hiền thêm ra.
Cười yêu chan chứa, mặn mà
Trao nhau tràn ngập hương hoa ngọt lành.
Khi tủm tỉm, lúc huê tình
Cười khoe đắc ý, cười tìm tóc tơ
Cười vụng dại, cười ngây thơ
Tuổi hồng chưa lấm bụi mờ trần ai.
Cười nắc nẻ, cười mỉa mai
Nén hơi kềm chế, chê bai ngạo đời.
Cười hô hố, cười lả lơi
Người không lịch sự, kẻ hơi hơi “tà”.
Cười mà cứ vểnh râu ra
Mặt mày trâng tráo khéo là hoang dâm.
Cười nghiêng ngả, cười lốc lăn
Cứ như con vụ dưới sân xoay vần.
Cười gằn mưu tính bất nhân
Tiếng cười nguy hiểm thôn lân khó gần.
Cười trừ một kiểu vần lân
Chối quanh thoái thác cái cần phải trao.
Cười nhạt chẳng thích chút nào
Buộc lòng nhoẻn miệng, hồi sau lựa lần.
Cười như mếu, khóc thương thân
Nuốt vào cay đắng, tím bầm ruột gan.
Cười ra nước mắt hòa chan
Hẳn là đau khổ, gian nan khốn cùng.
Gượng cười dù chẳng hài lòng
Khi không thể tách cộng đồng, việc chung.
Ngẫm cười thế sự mông lung
Nhân tình thế thái bung xung mớ đời …
Khi vui nở nụ cười tươi
Khi buồn phát lộ tiếng cười chát chua!
” St “
 Luận về chữ "cười"
 Cái gì thích ghê thì cười tít mắt
Việc làm không được tính chuyện cười trừ.
Ngây thơ, vô tư cười hì, cười nhoẻn
Bạn bè rôm chuyện cười góp vui thêm.
Giận gì, khinh ai cười gằn, cười khẩy
Chê ngầm ai đấy, là kiểu cười thầm.
Những người vô tâm, hay cười hềnh hệch.
Cười khi buồn, bực là kiểu gượng cười.
Hết sức mừng vui cười dòn khanh khách.
Không nêm "mắm ruốc" cười nhạt, cười ruồi
Cười khi quá vui lăn bò ra đất.
Người hay cười cợt, là thiếu nghiêm trang.
Cái cười dễ thương, cười duyên, cười nụ.
Làm lành với vợ dùng kiểu cười xoà.
Như khi được quà, là cười nhăn nhở.
Cười "bung mái chợ", Ấy kiểu cười vang.
Em đến thăm chàng, nụ cười mắc cở.
Cái cười quá khổ, (oversize) toe toét, tùm lum.
Cười rồi chết luôn, là cười đứt ruột.
Cười như ... mít ướt, chẩy nước mắt dư ....
 
Còn nữa ... hahahaha mệt vì "cười" rùi  
Nhiều kiểu cười quá, chỉ có cười nên ông Nguyễn Văn Vĩnh đã phân tích vài kiểu cười trong bài viết cách đây gần một thế kỷ:  
Gì cũng cười  
Nguyễn Văn Vĩnh
Đông Dương tạp chí số 6 - 1913
An Nam ta có một thói lạ là thế nào cũng cười. Người ta khen cũng cười, người ta chê cũng cười.

Hay cũng hì, mà dở cũng hì; quấy cũng hì. Nhăn răng hì một tiếng, mọi việc hết nghiêm trang.
Có kẻ bảo cười hết cả, cũng là một cách của người hiền. Cuộc đời muôn việc chẳng qua là trò phường chèo hết thảy không có chi là nghiêm đến nỗi người hiền phải nhăn mày mà nghĩ ngợi.

Ví dù được y như vậy, thì ra nước An Nam ta cả dân là người hiền. Nếu thế tôi đâu dám đem lời phường chèo mà nhủ người nhếch mép bỏ tính tự nhiên mà làm bộ đứng đắn lại, nghiêm nhìn những cuộc trẻ chơi.
Nhưng mà xét ra cái cười của ta nhiều khi có cái vô tình độc ác; có cái láo xược khinh người; có câu chửi người ta; có nghĩa yên trí không phải nghe hết lời người ta mà gièm trước ý tưởng người ta; không phải nhìn kỹ việc người ta làm mà đã chê sẵn công cuộc người ta.
 
Thực không có tức gì bằng cái tức phải đối đáp với những kẻ nghe mình nói chỉ lấy tiếng cười hì hì mà đáp. Phản đối không tức, kẻ bịt tai chẳng thèm nghe cũng không tức đến thế...
Ừ, mà gì bực mình bằng rát cổ bỏng họng, mỏi lưỡi, tê môi, để mà hỏi ý một người, mà người ấy chỉ đáp bằng một tiếng thì khen chẳng ơn, mắng chẳng cãi, hỏi chẳng thưa, trước sau chỉ có miệng cười hì hì, thì ai không phải phát tức.
Ta phải biết rằng, khi người ta nói với ta, là để hỏi tình ý ta thế nào. Ai nói với mình thì mình phải đáp. Tuỳ ý mình muốn tỏ tình ý cho người ta biết thì nói thực; không hiểu thì hỏi lại; mà không muốn nói tình ý cho người ta biết, thì khéo lấy lời lịch sự mà tỏ cho người ta hiểu rằng câu hỏi khi phạm đến một điều kín của mình. Hoặc là có khôn thì lựa lời mà tỏ cho người ta biết những điều mình muốn cho biết mà thôi, và khiến câu chuyện cho người ta không khỏi căn vặn được mình nữa.
Nhưng phàm người ta hỏi, mình đã lắng tai nghe, là mình nợ người ta câu đáp.
Nguồn: Đông Dương tạp chí – 1913

 

*Thư đi thư về của bạn bè tri kỷ với tri âm

Thư hôm nay, lại là thư của đấng Bề trên, ở Huế. Gọi là đấng cho nó oai chứ Minh Sang vẫn làng nhàng cùng lớp với Mai Tá và Chương Phạm… ở Úc. Thôi thì, bạn bè cứ cho phép bà con anh em người ta trao đổi cho nhau và với nhau những tâm tình, rất tri âm. Âm thầm. Tình tự, chứ nhỉ? Cứ xewm cung cách Minh Sang ký tên tục của mình, cũng đã rõ:

Sang vừa nhận đựoc số tiền 9.725.000vnđ. Cám ơn Tá và nhờ Tá chuyển đến GDAP Sydney lời cám ơn của mình, thay cho những người nghèo và bị ảnh hưởng Lụt, sẽ được mình cứu xét giúp đỡ. Đồng tiền như muối bỏ biển, nhưng tấm lòng của anh em thật vô giá. Xin Chúa và Mẹ Maria chúc lành cho anh chị em.
Thông hiệp trong JMJA.

minhsang CSsR Huế.

Đôi lời nhắn nhủ cùng Chi Hội Trường GĐAPhong Sydney về kết quả gửi quà. Kết quả như thế là đủ rồi chứ nhỉ, hỡi bạn Chương Phạm với Phạm Chương?

 

*Trao đổi là dịp để thư cho nhau lời cảm tạ

DânGầy nay lại được thêm thông tin về những trao đổi/đổi trao giữa nhóm Truyền Thông Cứu Thế ở Việt Nam và anh chị em Gia Đình An Phong ở Sydney, những tâm tình rất ư là thân thương, gợ cảm. Tức, gợi nhớ những lời cảm ơn và cảm tạ, rất đầy mình. Như sau:

Trước nhất là thư của Lm Hà Ngọc Phú CSsR:

 

Kinh thua Cha,
Con la Joakim Ha Ngoc Phu DCCT xin thua voi Cha la con da nhan duoc so tien Cha gui cho TTCCT la 9,690,000 VND. Chung con xin het long cam on Cha.
Kinh,
JP DCCT

Tiếp đến là thư của Lm Lê Ngọc Thanh, CSsR viết từ Mỹ Quốc

Bác Tá kính mến,
cháu mới nhận được thư của anh Phú từ Vietnam như sau:

 

 

Cha Thanh men,

Em da nhan duoc so tien la 9,690,000 VND.

Chuc Cha luon binh an va manh khoe.

Than,
JP DCCT

Vậy cháu xin thay mặt Truyền Thông Chúa Cứu Thế Việt Nam xin cám ơn món quà của Gia đình An Phong, chi hội Sydney gởi tặng.

Nguyện Xin Chúa Cứu Thế, Mẹ Thánh của Người và thánh tổ AnPhong ban cho các các các cô chú cũng như các em, các cháu trong các gia đình con cái thánh An Phong bình an, và mạnh khỏe, để tiếp tục phục vụ Chúa theo cách thức Chúa đang mời gọi.

 

Xin kính nhờ Bác Tá chuyển lời này giúp đến gia

đình AnPhong Sydney.

Kính

Lê Ngọc Thanh, DCCT

Và, thư đi phải có thư về, từ “Bác Tá”, rất như sau:

Thoại & Thanh oi,

Cảm ơn Thoại và Thanh rất nhiều.

Hôm qua, sở dĩ mình hơi lo lắng về chuyện gửi quà cho anh em trong nhóm Truyền Thông Cứu Thế, là vì khi gửi quà về cho em Hà Ngọc Phú ở Kỳ Đồng, mình lại không có số điện thoại di động của Phú, bèn phải cung cấp cho Dịch vụ chuyển quà số điện thoại của nhà SàiGòn. Làm thế hơi bất tiện. Nhưng nay thì mọi việc xong xuôi. Tốt đẹp.

Xin gửi đến anh em lời cảm ơn rất thật tình của bọn mình.   
Chúc anh em cứ thế mà tiến tới, trong tâm tình "Cứ thế mà cứu thế, tại thế". Đừng quên hiệp thông cầu nguyện cho bọn mình, ở khắp nơi. 
MaiTá

Lời bàn của DânGầy: Làm việc kiểu anh MaiTá hay MaiTướng kiểu này, thấy đau tim quá. DânGầy không dám đâu.

 

*Dòng Chúa Cứu Thế giúp nạn nhân bão lụt:

Tin đọc chậm? Không. Phải dọi đây là tin đọc chầm chậm. Bởi có đọc chầm chậm, thì mới thấm. Thấm, như làn nước lũ đang thấm dần, rất chậm vào tâm can của những người anh/người chị ở khắp nơi. Chí ít, là các người anh em DCCT ở Việt Nam xuất phát từ “Cửa Lò” rất hay lo cho bà xon mọi người đang bị cơn phong ba lụt lội, đày nên tội. Thôi thì, xin mời bà con anh em ta cứ chầm chậm mà thấm tin tức… rất mình, từ Việt Nam, mới vừa đây. Như sau:

DCCT Cửa Lò chung tay chia sẻ trong cơn lũ

VRNs - (18.10.2010) - Hà Tĩnh - Cơn lũ lịch sử đang cuốn trôi đi tất cả tài sản của những con người đau khổ ở Nghệ An, Hà Tĩnh. Cộng đoàn DCCT Cửa Lò tha thiết kêu gọi sự chia sẻ giúp đỡ của tất cả quý vị. Một miếng khi đói bằng một gói khi no. Xin quý vị xem một số hình ảnh do cộng đoàn DCCT ghi lại về tình cảnh bi đát khủng khiếp của người dân trong vùng lũ.

 

*Thư đi thư lại, lại là thư tâm tình:

Những thư và từ như thế này đều là tài liệu hiếm quý, của bà con. GCXG lâu lắm mới lại có đưọc những tâm tình liên lạc anh em cùng nhà Gia Đình An Phong bốn bể năm châu. Thật ra thì cũng chỉ mới có 3 châu là: châu Mỹ, Châu Á và châu Úc thôi mà đã thất rộn rịp, cũng vui đời. Thư là những tâm tình, rất như ri:

Anh em DUC IN ALTUM than men ,

Rat vui khi nhan duoc thu cua ban Vu Ngoc Loi  voi  muc dich don gian "Dia chi lien lac"..the nhung trong cai don gian nay bao ham ca mot noi dung vo cung phong phu va nghia thiet "tinh than con cai thanh An Phong " Cam on anh Loi Vu.

 Lau nay minh chi co dip lien lac voi ban Alp.Tran Ngoc  Ta ,ban dong lop voi minh+Chuong "Giop*(Australia) Nguyen Qui Ban (Nouvelle Caledonie)em anh Do Nguyen Chuong (Houston).O VN, chung minh van con Andre Le Van Khue, Joseph Nguyen Van On, JB Nguyen Minh Sang (Be tren DCCT Hue)..Ngoai ra cac anh em lop tren va duoi thi con kha nhieu o VN, Hy vong se co dip noi ket tat ca trong mot Mailbox "Duc In Alum" hay CSsRVungtauHueSaigonHanoi gi gi do"

 Van mong su ra doi cua Ky Yeu De Tu Vien DCCT do anh Loi Vu chu bien ..nhung chua thay .Minh chi xin dot mot ra doi mong mong thoi,do 100 trang.De danh nhung lan sau. Lan nay chi can danh sach anh em minh  voi dia chi lien lac ,con hinh anh ,lai lich de lan sau ,

*146/14 Vo Thi Sau P8 Q3 TP/HCM

Date: Monday, October 25, 2010, 10:36 PM

Anh chị Tòng và các bạn thân mến,

 Cuộc sống bận rộn đủ thứ chuyện nên việc thăm hỏi bạn bè nhiều khi cũng thưa thớt, và tuổi già đôi khi cũng chập chạp không còn như xưa. Những bạn bè cũ còn lại chẳng bao nhiêu, các bậc thầy cũng nối tiếp ra đi . Bên này còn lại cha Huồn, cha Bosco Thiện đang ở trong viện dưỡng lão, Cha Emmanual Đào, cha Quế cha Thỏa vẫn còn sinh hoạt nhưng cũng giới hạn. Những bạn bè gần gũi ở Đệ tử Saigon/Vũng Tầu còn lại Lương Thế Vinh, Vũ Ngọc Lợi và  Đào Quang Mỹ đã bỏ NaUy để gia nhập xứ Mẽo còn một số bạn bè khác ở xa nhưng thỉnh thoảng mới liên lạc nhu "Thánh Gióp/Bà Nguyệt" Mai Tá mãi tận xứ Kangaroo. Bên xứ Pha Lăng Xa thì có Mã Kim Tòng lẻ loi một mình đang bận rộn chăm sóc các cụ thân sinh. Tiến Lộc chu du khắp nơi ít khi gặp đuợc. Nguyễn Đức Mầu đăng ký về xứ Thượng dịch bàn Kinh Thánh cho người dân tộc. không biết chừng nào mới trở về Mỹ.

 Vài hàng gởi tới anh chị Tòng-Nhung và các bạn thân quen để khi có giờ rảnh như anh Tòng gọi điện thoại thăm hỏi để biết tin tức của nhau, hoặc email một vài chữ cũng vui lắm rồi.

Điện thoại của Vinh 'chệt'  cell 1-949-2833719  home 1-949-661-3557

Ðào Quang Mỹ 1-714-422-4328

Vũ Ngọc Lợi home  (hưu  đấy)  1-310-538-4276

Pham Văn Chương / Gióp  011.61.2.9153.7580

Mã Kim Tòng 011 331.47.02.3473

Email có đầy đủ ở trên rồi

Thân mến,

Loi Vu

 

Tin buồn mà cũng là tin vui:

Buồn, là theo thói thường ở đời khi có người thân, vừa thất lộc. Vui, là khi người thân đó nay đã về với Chúa, hưởng an phước triền miên, vĩnh cửu. Tin vui và buồn hôm nay là tin về thân mẫu anh Camille Nguyễn Văn Tám (thành viên Gia Đình An Phong Melbourne, Úc, rất như sau:

 

Xin kính báo đến toàn thể anh chị em cựu DCCT : Thân Mẫu anh Camille Nguyễn Văn Tám – lớp cha Nguyễn Quang Duy - là Bà Anna Trần Thị Mai vừa qua đời tại Canada lúc 0:20 am ngày 28/10/10 và đã được hỏa táng lúc 9:00am ngày
30/10/10 thọ 97 tuổi.
Kính xin anh chị em chung lời cầu nguyện cho linh hồn của Bà Anna.
Kính
Vũ Nhuận

 

*Thư tâm tình đầy chữ cám ơn

Những thư của vị mục tử Dòng mình như dưới đây, đọc hoài đâu biết chán! Thôi thì, có chán hay không cũng cứ coi như là thư tình năm 2010 của người anh em tuổi đời đã cao niên nhưng tuổi đạo vẫn hùng tráng:

Thư của Lm Nguyễn Thọ DCCT Châu Ổ, Quảng Ngãi VN:

Mến thăm anh chị em Gia Đình An Phong,

Vào đúng chiều tối lễ thánh Giêrađô (thứ Bẩy 16/10) tôi đã vui mừng và xúc động nhận được số tiền Anh chị em rộng rãi gửi trợ giúp việc tông đồ: $9.799.000ĐVN (Chín Triệu Bẩy Trăm Chín Mươi Ngàn đồng VN). Xin hết tình cám ơn lòng rộng rãi của tất cả.

Tôi xin nói lên mối tình ấm áp nối kết tất cả anh em đã có lần nào được Cha Thánh đoàn tụ trong gia đình đệ tử, gia đình nhà Dòng.

Luôn luôn nhớ đến công ơn to lớn của Cha Già Eugène Larouche, người đã khởi xướng nuôi dưỡng ‘tinh thần gia đình’ con cái Cha Thánh. Khách quan mà nói: đây là một trường hợp quá độc đáo. Tạ ơn Cha vì người đã tuôn trào ơn huệ tinh thần gia đình cho anh em mình, cho vợ con của anh em nữa.

 

Hai lối sống, nhưng một sứ mạng Cứu Thế, một nguồn thúc đẩy và làm phong phú sứ mạn : cùng một gia đình Cứu Thế, cùng một tình yêu Cứu Thế.

 

16/10: (chị Thanh Thủy, phu nhân anh Huỳnh Công Lợi, đã cho tin vui cả mấy ngày trước). Sau thánh lễ lúc 15 giờ, tại nhà thờ, tất cả xuống đài thánh Giêrađô, trước mặt tu viện, có nghi thức làm phép khăn thánh Giêrađô, và làm phép bánh thánh Giêrađô. Đúng là lòng đạo đức bình dân, nhưng có cái gì rất là ngưòi! 700 bánh = 1.500.000ĐVN.

 

Hôm sau 17/10: Giúp một gia đình -cả vợ chồng và đứa con trai đều không tỉnh trí $1.500.000ĐVN. Dĩ nhiên, trao cho một chức việc để từ từ trao cho bà vợ (tỉnh hơn). Giúp một em khuyết tật, năm nay hơn 20 tuổi- vì bị sốt xuất huyết lúc chưa được 1 tháng tuổi: $1.000.000ĐVN

 

18/10: Giúp một người đi làm bị mổ ruột, khoẻ lại, phải về quê là Vũng Tàu, đem theo chiếc Honda: $560.000ĐVN.

 

17/10: Thánh lễ sáng Chúa nhật, tiền xin o1 trong thánh lễ có nhắc bà con bỏ rộng tay một chút- dành giúp cho một người ung thư thận giai đoạn cuối cùng, để chụp điện thận hàng tháng: $660.000ĐVN. Việc xin tiền o1trong thánh lễ  như thế này đã thành tập quán.

 

Có người ốm nặng phải đi nhà thương xa, cũng kín đáo dúi cho họ ít nhất một triệu. Rồi những người già lão neo đơn, những gia đình túng ngặt…

 

Còn sinh hoạt tuổi trẻ:

-trại 01/6 cho thiếu niên

-trại 02/9 trại truyền thống cho giới trẻ cả hạt Quảng Ngãi. Toàn trại năm nay: 370. Dĩ nhiên có đóng góp, nhưng mình phải bù vào. Và các sinh hoạt khác đòi gửi người đi xa, tham dự… (trại giáo lý viên dịp lễ An-rê Phú Yên, trại giới trẻ ngày Thế giới Giới trẻ tổ chức tại giáo phận, họp mặt chức việc tại giáo phận).

 

Xin lỗi đã dài dòng kê ra… Một lần nữa xin gửi đến Anh chị em Gia đình An phong tấm lòng mến yêu và biết ơn.

Lm Nguyễn Thọ DCCT

 

*Cũng lại là thơ … với thẩn, chuyện vợ và bồ:

Những bài thơ như thế này, cũng chỉ để thanh minh thanh nga chuyện gì đó. Người đọc chỉ nên đọc cho vui chứ đừng nhảy vào cuộc, sợ khó ra:

Bồ và Vợ 

Bồ là cô gái qua đường

Vợ mới trân quí nhớ thương vô vàn

Bồ thì nũng nịu than van

Vợ lo nhà cửa lầm than vô cùng

Bồ hay mơ mộng mông lung

Vợ rất thực tế vô cùng đáng yêu

Bồ luôn đòi hỏi đủ điều

Vợ lo cơm sáng cơm chiều quanh năm

Bồ chỉ lo chuyện ăn nằm

Vợ thường chịu đựng cả năm mới tài 

Bồ nào nghĩ đến tương lai

Vợ lo tính toán chuyện dài mai sau

Bồ thì chưng diện muôn màu

Vợ chỉ quanh quẩn trước sau trong ngoài

Bồ luôn đòi hỏi, ăn xài

Vợ thì vun xén một hai ba đồng ...

Bồ như chim hót trong lồng

Vợ làm vất vả cho chồng cho con

Bồ là con gái còn son

Vợ đâu có thể ỷ on suốt ngày

Bồ như có chút men say

Vợ đầy thương nhớ ngất ngây tình nồng

Bồ như một đoá hoa hồng

Vợ đẹp như cả vườn hồng ngát hương

Bồ thường giả dối yêu thương

Vợ thì chung thủy, cuối đường có nhau 

Bồ đâu chịu đựợc âu sầu

Vợ luôn che dấu niềm đau trong lòng

Bồ là chỗ tựa đêm đông

Vợ mang hơi ấm tình nồng suốt năm

Bồ không một chút ân cần

Vợ thường lo lắng phân trần đúng sai

Bồ không cần biết đến ai

Vợ lo nội ngoại, nhớ ơn sinh thành

Bồ như trái chín trên cành

Vợ mang hạnh phúc an lành ấm êm

Bồ là những đứa moi tiền

Vợ hiền lại đẹp là Tiên trên đời !!!

 

 *Tác hại của cái-gọi-là email groups?

Thật ra, goị là tác hại cũng không đúng cho lắm. Gọi là cơ may hay kết quả lợi hại của điện thư email, thì đúng hơn. Thôi thì lợi hại hay tai hại, bạn đọc cứ tự do mà đoán xét hoặc vừa xét vừa đoán rất mò, như sau này. Bắt đầu bằng một điện thư “không dấu” của đương kim Chi Hội Trưởng Sydney, như ri:

On Fri, Nov 5, 2010 at 3:35 AM, pham chuong <phamvc8@gmail.com> wrote: 

Toi la Chuong cung lop cha Tien loc, xin goi den qui ban loi chao than ai. Nam nay toi da tuoi gan dat xa troi, nhung con du dau ocde nho toi nhung be ban nam xua da o de tu dcct tu hanoi den saigon roi vung tau.

chuong.

Tiếp đến là thư hồi âm của các bạn cùng lớp cũng ri này:

Thăm Chương "Ròm". Biệt danh của Chương, đúng hông? Im hơi lặng tiếng nơi mô, chừ mới xưng danh, ló mặt.

Ta đây thì Chương kể thử vài tên trong lớp, coi còn nhớ được nhiêu người nè? Gữi tặng Chương vài tấm hình Cap St.Jacques nha. Mình đã một lần gửi cho Ngọc Tá.

CSsR Huế

(đọc được unicode có dấu hông đây?)

 

Và thư khác của bạn cùng lớp, Mỹ rất Quang Đào:

Đào Quang Mỹ đây!

Ông Bạn Vàng yêu dấu của tớ ơi!

Sao bỗng có lời "chào mừng" này vậy?  - nghe cứ như thể lời... vĩnh biệt?!?!

Ông viết là ông "còn đủ đầu óc để nhớ tới bạn bè..." - ý ông muốn khoe "đầu óc ông vẫn còn sáng suốt" chứ gì? Vậy mà ông viết sai chữ "mừng" và "quên" viết hoa một số danh từ riêng: Lộc, ĐT - DCCT, Hà Nội, Saigon, Vũng Tầu và Chương!

Đùa chút cho vui, như thuở xưa ở Đệ Tử Viện, chúng mình vẫn "phá" nhau. Ông bạn là "thánh Gióp"... bất tử trong trái tim của chúng tớ.

Được biết, ông bạn mới "đắc cử" chức Hội Trưởng Hội Cựu Đệ Tử DCCT Sidney! Chúc mừng! Chúc mừng! Chúc mừng!

Tất cả anh em mình, ai mà chẳng "tuổi đã gần đất xa trời", kể cả các cha của lớp Têrêxa vốn có nhiều Ơn Chúa như Tiến Lộc, Nguyễn Minh Sang và Pierre Đặng Ngọc Hiền ("Vieillard" - nhẩy qua tu Triều).

Phó mọi sự cho Chúa Quan Phòng rồi vui sống, Chương ạ! Tớ còn "vác thánh giá" nặng hơn các bồ nhiều, vậy mà vẫn thấy... đời đẹp!

Ước mong ông Bạn Vàng của tớ luôn khỏe, vui và tiếp tục phục vụ đắc lực "phe ta"!

Cầu nguyện cho nhau, nhé!

Cho tớ gửi lời thăm tên Tá "Rạch Dừa" lớp mình, hiện ở gần nhà ông bạn!

Mỹ

 

Và, một hồi âm/âm hồi của Tám nó, anh Trần Ngọc Tá, rất như sau:

Tôi tên Trần Ngọc Tá, tức Trần Ngọc Mười Hai khi viết và lách, trước đây học cùng lớp với các bạn Chương, Bân, Mỹ, Sang, Tiến Lộc, Khuê... nghĩa là cũng cùng một tình trạng "Gần trời xa đất", nhưng vẫn nhớ rõ tên tuổi của từng bạn dù học trên hay dướ ilớp mình... Nay, tôi cũng "chao mkung" quí bạn xa gần, du toi chua đi chu ddu bằng tau "cruise" các vùng đảo quốc như Fiji, Vanuatu, Nouvelle Callédonie từ ngày 8/11/10 đến 20/11/2010 như ông bạn Vàng Chương Gióp của tôi. Xin cầu nguyện cho tôi với, vì tôi đọc thư điện của chàng nào đó ký tên là PhạmVC8, mà chẳng nhớ ra là bạn mình, vì bạn bè tôi chẳng ai ký tên là VC, xin thứ lỗi nếu tôi nay "gần đất xa trời", nên lú lẫn... hihihi   
Đồng thời tôi cũng nhắn với các bạn cùng lớp với Phạm Văn Nguyệt tức Văn Chương (có biệt hiệu là thánh Gióp chứ không phải VC) rằng thì là: muốn nhận hồi báo của Bạn Vàng từ Hà Lội như bạn Đào Quang Mỹ, Nguyễn Minh Sang, thì phải chờ sau ngày 20/11/2010 có phu nhân là Phạm Tuyết Lê nhắc nhở mới mở email đấy nhé.... Và tôi chấm hết để còn gần Trời, xa đất ...
À quên cũng xin nhắn với Bạn Vàng Đào Quang Mỹ rằng thì là Trần Ngọc Tá không phải là Tá hoặc Tê Rạch Dừa đâu, đừng bé cái lầm. Tê Rạch Dừa viết trong Duc in Altum hồi nào đích thị là Nguyễn Hữu Thiện lớp Vô Nhiễm, tức dưới lớp tôi chừng 4, 5 lớp thôi. Phải không, hỡi Thành (Thông)? Vì anh Thiện sống loanh quanh vùng Rạch có nhiều dừa ở đất "Vũng" nên mới lấy tên là Tê Rạch Dừa thôi.   
Vài hàng xin Danh thánh Chúa chúc lành cho anh em tôi. Amen... tắt đèn ngủ đi, Tám nó.
MaiTá

Sydney 08.11.2010

 

*Lại những thơ vui… hay chua chát?

Thơ, là thơ thứ thiệt. Chứ đâu phải thơ con cóc hay nhái, ếch, ễnh ương đâu. Nhưng sao có giọng chua chát ở trong đó? Mời đọc thử xem, sẽ rõ:

VỢ NGƯỜI, VỢ TÔI


Vợ
người son phấn lượt là,
Vợ tôi sắ
c đ
ẹp mặn mà tự nhiên.
Vợ
ngư
ời DIET kinh niên,
Vợ tôi kiề
u diễm, dáng hi
ền mảnh mai.
Vợ
người bơm, hút, c
ắt, may,
Vợ
tôi tuyệt diệu,
trong, ngoài, trời cho!
Vợ
ngưi thân lép, lưng go,

Vợ tôi da mịn, ngực no nỏn nà.
Vợ
người môi mép, chua ngoa,
Vợ tôi nhỏ nhẹ, thực thà dịu êm.
Vợ
ngươi qun áo "Brand-Name",
Vợ tôi bình dị... bon chen khỏi cần.
Vợ
ngưi, trưa tối Nhà Hàng,

Vợ tôi nấ
u nưng ngon ăn tại nhà.
Vợ
ngư
ời vàng bạc, ngọc ngà,
Vợ tôi chúa ghé
t rư
ờm rà, khoe khoang.
Vợ
ngư
ời mua sắm mê man,
Vợ tôi tiết kiệm, chẳng màn sắm mua.
Vợ
ngưi so sánh hơn thua,

Vợ tôi chả thiế
t tranh đua vi đời.
Vợ
ngưi đen đ tơi b
ời,
Vợ tôi mộ
t bư
ớc không rời chồng con.
Vợ
người quên chữ keo sơn,

Vợ tôi Tứ đức, Tam Tòng thuộc mau.

Tôi bừng tỉnh dậy lao đao,
"Thì ra là giấc chiêm bao thôi mà..."

 

*Chừng như người viết hết đề tài:

Hết viết về vợ, về con, bây giờ lại lon ton có vị viết về đàn… bà! Viết về phụ nữ còn dễ nghe và dễ thông cảm. Đàng này, vị đó lại cắc cớ gọi các “cụ” là đàn … bà, nghe hơi bị khó. Bọn tôi, à quên bọn chúng tôi đâu có là đàn, là đúm chi mô hết. Thôi thì, các cụ cứ gọi bọn tôi là đàn gì thì gọi, nhưng chớ có mà coi thường bọn này, liệu hồn đấy. Xin chấm hết ở đây, để còn mời chư vị đọc một bài thơ không ra thơ, thẩn cũng chẳng thẩn, chỉ là văn với…vẻ, rất ư là dễ nể:

Ôi đàn bà !!!    

Cho tôi hỏi đàn bà là chi rứa ???


Là những gì rung động trái tim ta

Làm cho ta cảm thấy nổi da gà

Là gặp gỡ, xốn xang, là tiếng sét...

Là hợp ‘gu’ vì cùng chung tính nết

Là âm thầm nhung nhớ lúc chia xa

Là nụ hôn. Ôi rợn cả thịt da

Là ẻo lả vòng tay nhưng rất chắc

Là mái tóc mùi chanh thơm hăng hắc

Là môi mềm ẩm tẩm bùa mê

Là đôi chân thoăn thoắt đến, đi ,về

Là son phấn ngào ngạt hương rực rỡ...

Là niềm vui cho hồn ta cởi mở

Là đắng cay, nhục nhã lúc ghen tuông

Là dễ thương trong những lúc thẹn thùng

Là bẳn gắt dữ dằn khi la lối

Là những người sợ ma về ban tối

Là ôm chặt để kiếm sự chở che

Là đắm say lúc má tựa vai kề

Là hay nói  ‘Suốt đời yêu anh mãi’

Là cái tật suốt ngày hay lải nhải

Là chỉ mình lẽ phải. Các ông thua!!!

Là shopping hay đi sắm đi mua

Là phục vụ, đến gãy lìa xương sống

Là hay hờn, mặt chầm dầm một đống

Là hỏi gì không nói, gọi không thưa

Là ngoài trời vừa nắng lại vừa mưa

Là phải trái trắng đen không phân biệt

Là cãi cọ, ta vẫn là thua thiệt

Là chịu thua. Thôi đi ngủ cho xong

Là vắng nhà một bữa đã nhớ mong

Là đủ thứ hầm bà lằng trong đó

***********

Tạ ơn trời đàn bà vẫn còn đó

Để đàn ông vẫn còn có niềm vui

Chỉ đàn ông . Thôi chết quách cho rồi

Không đàn bà. Ôi chẳng thà tận thế.

 

 *Thông tin hiếm có, từ đất Mỹ:

Thông tin, là những tin cùng tức của anh em cùng nhà, nhưng xa ngõ, rất như sau:

 

“Một buổi tối tạ ơn đáng ghi nhớ

Theo lịch trình sinh hoạt toàn niên của Hội Cựu Đệ Tử Nam Cali, và nhân mùa lễ Tạ Ơn truyền thống của đất nước Hoa Kỳ, lúc 4:30 chiều Thứ Bảy ngày 20/11/2010, một số Cựu Đệ Tử và gia đình đã đáp lời mời của Ban Phục Vụ qui tụ tại Nhà Dòng Long Beach. Mục đích của buổi gặp gỡ này, qua hình thức một bữa cơm tối thân mật, là để thể hiện tâm tình tạ ơn của mỗi anh Cựu Đệ Tử. Thiết tưởng đây là cơ hội ý nghĩa nhất để người Cựu Đệ Tử bày tỏ lòng biết ơn đối với Nhà Dòng qua các Cha.

Khác với năm ngoái, năm nay mọi chi tiết của buổi gặp gỡ Tạ Ơn được diễn ra bên ngoài, ngay trước một công trình của Nhà Dòng mới được kiến thiết. Với cơ sở đa dụng 2 tầng khá khang trang, Nhà Dòng đã có được khuôn mặt mới. Tuy thời tiết vào đông se lạnh, 21 anh chị vẫn cảm nhận được hơi ấm của Nhà Mẹ tỏa ra sưởi ấm cho con cái mình. Để mở đầu, Ban Phục Vụ đã thay lời cho những anh chị em hiện diện cũng như vắng mặt hân hoan cám ơn cha Bề Trên Nguyễn Trường Luân, cha Linh hướng Châu Xuân Báu, cha Hà Quốc Dũng. Đặc biệt, theo lời mời của Hội, các anh em Cựu Đệ Tử Phan Xuân Văn và Phan Xuân Vũ đã sắp xếp đưa cha giáo Phan Phát Huồn từ nhà dưỡng lão đến với buổi họp mặt. Cha giáo Huồn tuy phải ngồi xe lăn nhưng thể chất trông khá hơn nhiều so với những ngày nằm viện trước đó, và tinh thần của cha vẫn còn tinh tường như suốt cuộc đời mục vụ của ngài.

Cha Bề Trên cùng đệm đàn tạ ơn với anh chị em CĐT

Trước khi cha Bề Trên chúc lành cho bữa ăn tối, các anh chị đã cất tiếng hát để mở đầu cho buổi họp mặt. Với phần đệm đàn ghi-ta điêu luyện của cha Bề Trên, tất cả “cha con” đã cất cao bài “Ớ Đệ Tử”. Ớ Đệ tử, nghe tiếng cha tha thiết gọi con giữa ngàn ngàn người ở thế. Thương con lắm nên mới xin con dứt biệt gia thất cùng mọi sự thế trần... Âm điệu bài hát đi vào thinh không của một buổi tối lành lạnh, nhắc nhở mọi sĩ tử Cứu Thế đã hơn một lần được Chúa Cứu Thế mời gọi vào làm vườn nho cho Chúa. Âm điệu để đời cũng như âm hưởng đầy ý lực của bài hát đã đưa các anh em Cựu Đệ Tử trở về với thời gian và không gian của những ngày dấu ái dưới mái nhà Đệ tử thân yêu.

Phần ẩm thực đã được chị thủ quĩ chăm sóc và các chị vui vẻ dọn bữa cho mọi người. Thấy cũng khá hấp dẫn với món gỏi dòn, xôi đậu xanh đi theo gà hấp xì dầu, bánh ướt tôm cháy kiểu Huế, tôm rang muối, và dằn bụng với món bún bò do Cựu Đệ Tử Nguyễn Mạnh Tuấn chiêu đãi. Ban Phục Vụ cũng không quên chuẩn bị sẵn một chai rượu chát bốn lít và do anh Đào Quang Mỹ làm bartender.

Xuyên suốt bữa ăn gần 2 tiếng đồng hồ, anh chị em đã hàn huyên tâm sự vui buồn trong cuộc sống đời thường. Trong dịp này cha Bề Trên đã chia sẻ về những chuyến đi công tác mục vụ của ngài. Những thông tin này bao gồm sinh hoạt của Cựu Đệ Tử tại Sydney, sự hâm mộ của thính giả Úc châu với chương trình phát thanh của Radio Mẹ Hằng Cứu Giúp do Phụ Tỉnh thực hiện, những thao thức của cha ao ước làm sao các cựu đệ tử tu học tại hải ngoại cũng có được truyền thống sinh hoạt và tâm tình như các Hội Cựu Đệ Tử ‘cao niên’. Xen kẽ trong bữa ăn vẫn là các bài hát quen thuộc khác. Bài “Vào Đời” của hai cha Trần Sĩ Tín và Thành Tâm được anh chị em hát lên như là lời cầu nguyện và chúc thành công đến với các cha Trần Sĩ Tín và Nguyễn Đức Mầu đang chăm sóc cho cuộc sống của đồng bào thiểu số tại cao nguyên Việt Nam. Đang giữa bữa ăn, cha Bề Trên lại đến từng bàn để trao tặng món quà tinh thần của cha. Đó là tấm ảnh Chúa Giêsu đang trong nghi thức bẻ bánh trong bữa tiệc ly, được cha chọn để đánh dấu 12 năm trong thiên chức linh mục của cha (6/1998-6/2010). Ý tốt lành của cha là nhắc nhở anh chị em đừng quên cầu nguyện để có thêm ơn gọi thánh thiện.

Sau đó, cũng đang giữa bữa ăn, cha Bề Trên lại đứng lên cầm máy quay phim và “đạo diễn” để mọi người chuẩn bị cho việc thâu hình. Trước hết, theo gợi ý của cha, anh trưởng ban Phục vụ của Hội vâng lời nói vài lời chào thăm các anh em Cựu Đệ Tử khắp nơi trên thế giới và chúc mừng lễ Tạ Ơn đến mọi người. Tiếp đến, theo ống quay của máy đang di chuyển đến từng hàng ghế, mỗi anh Cựu Đệ Tử và ‘bà Evà’ của mình đều tự giới thiệu tên với bạn bè Cựu Đệ Tử xa gần. Cha Bề Trên cũng cho biết những thước phim này sẽ được xuất hiện trên mạng “You Tube” để mọi người cùng thưởng thức. Cha Linh hướng Châu Xuân Báu và cha giáo Phan Phát Huồn cũng được mời để lên tiếng với anh chị em Cựu Đệ Tử khắp nơi. Xin cám ơn cha Bề Trên về sáng kiến này cho buổi họp mặt Tạ Ơn năm nay của chúng con.

Trước khi chấm dứt bữa ăn tối, mọi người cùng nhau hát “O Ma Mère!” để dâng lên Mẹ một ngày nữa sắp qua đi. Bài hát đầy tình mẫu tử với những tâm tình, “Mẹ yêu thương lòng con mến yêu…Sau cuộc sống bao nhiêu thăng trầm, con không quên ơn Mẹ thương mến…” đã làm mềm lòng những người con nếu xa Mẹ phải quay về với Mẹ. Cuối cùng là phần cắt bánh. Nhằm để lại một kỷ niệm êm đềm sau buổi họp mặt, chị thủ quĩ đã chu đáo lo phần tráng miệng với một chiếc bánh Tạ Ơn khá lớn. Mọi người đọc được hàng chữ “Cựu Đệ Tử tạ ơn Chúa và cám ơn Nhà Dòng 2010” ghi trên chiếc bánh, có chùm hoa trang điểm nghệ thuật, là biểu hiện cho tâm tình và mục đích của bữa cơm tối hôm nay.

Thật là chính đáng để tạ ơn Chúa

Trong khi cha Bề Trên và cha Linh hướng chuẩn bị cắt bánh, anh chị em đã đến quây quần bên các cha để chụp hình lưu niệm.

Để kết thúc bài phóng sự này, Ban Phục Vụ xin chia sẻ với anh chị em một chi tiết nhỏ, nhưng mang ý nghĩa lớn của tinh thần phục vụ thật cảm động. Khi bữa ăn chấm dứt, các anh lo thu dọn bàn ghế và các chị nhặt nhạnh thu gom những thức ăn còn lại, thì chính cha Linh Hướng cũng xăn tay áo đi thu gom những bao rác vương vãi chung quanh. Cha vừa dọn dẹp vừa nói to để lưu ý mọi người, “Các anh chị coi chừng kẻo vướng vào giây điện dưới đất”. Câu nói chân chất và việc làm của cha đã thể hiện tinh thần đồng hành và phục vụ. Chúng con sẽ noi theo để biết phục vụ và quan tâm đến nhau hơn trong cuộc sống.

 “Ecce quam bonum et quam jucundum, Habitare fratres/sorores in unum”

(Ôi hạnh phúc, niềm vui khôn tả. Trong một nhà, anh/chị em sống bên nhau).

(Thánh Vịnh)

Ngợi khen Đức Chúa Giêsu và Đức Bà Maria, bây giờ và đời đời. Amen.

CĐT Nguyễn Hùng Cường

Ghi nhanh

 

*Những giòng thơ/thư quý hiếm:

Thời buổi này mà nhận được những giòng chữ (dù trên mạng) của người anh em ở quê nhà, thật là hiếm quý. Chí ít, là người anh em ấy đang bị nhiều thứ lùng tìm, ví bắt. Kể cả căn bệnh ngặt nghèo. Nay, Gia Đình An Phong được hân hạnh đọc những giòng chảy tâm tư của người anh họ Vũ tên tục là Khởi Phụng, từ căn phòng mầu trắng bệnh xá, xứ Hoa Kỳ, là điều quý giá, như sau:

Kinh gui Cha Giam Tinh va Anh Em,

Xin cam on Cha va Anh Em da luon nho hoi tham va cau nguyen cho toi trong thoi gian toi giai phau. Den hom nay , tuy suc van con yeu, nhung da dung day di lai tuong doi binh thuong. Cac bac si hen sau mot thang se tai kham, trong thoi gian nay phai tinh duong, tranh khong duoc mang nhung do vat nang, ngay ca mo cua cung khong, vi cua nha My no cung nang lam. Ho bao se binh phuc hoan toan trong thoi gian tu 3-6 thang.

Toi con dang met xin khong viet thu dai. Kinh chuc tat ca Anh Em mot ky tinh tam thanh thien, nhieu ket qua. Cung xin cam on Cha va Anh Em (Cha Khai....) da nho den toi trong ngay sinh nhat. Sau khi Cha Giam Tinh bao tin toi giai phau o Ha Noi, thi ba con Ha Noi da lap tuc goi dien thoai vao Saigon va sang My cho gia dinh toi. Rat mung thay cong viec o Ha Noi phat trien. Xin Anh Em Ha Noi neu co dip gap Duc Cha Kiet thi cho toi gui loi cam on Ngai da thuong hoi tham va kinh chuc Ngai moi su tot lanh.

Hiep thong cau nguyen.

VKP

 

*Và một giòng thư khác, cũng từ quê nhà!

DânGầy chỉ dám trích đăng bức thư này, từ một thành viên An Phong, hiện ở Huế. Thư là thư giữa hai người cung gia đình, nhưng ở nơi xa, nên cũng lạ. Thôi thì, cứ đọc rồi, hạ hồi sẽ rõ:

 

Chương Ròm này.

Mắc cười nhà ngươi quá hà. Nhà ngươi đã nhận ra "ta" trong mấy hình của lớp. Gọi đúng tên ta.
Thế mà ngươi còn muốn "biết người bạn cùng lớp mà ta đặt dấu hỏi là ai vậy".
Nếu quên, cho quên luôn cho nhẹ trí lòng nha.
Tháng 9-10/2008 ta có qua Mỹ, đi thăm gia đình ông anh và em ruột, chứ không liên lạc nhiều với các người bạn cùng lớp. Cả Bạch ( Phó tế của Phương) dù có về VN ghé thăm mình tại Miền Nam, mình cũng không dám quấy rầy.
Chương về VN lần nào chưa?
Chương lúc này có còn là Chương Ròm hồi xưa? Chúc an bình nha.
Mong có dịp anh em lớp  mình gặp nhau. Chắc còn khá đầy đủ, chưa nghe tin RIP về một ai.
Bye nha.

minhsang CSsR Huế.

Và, một hồi âm khác của CHT Phạm VChương:

Minh Sang qui men,

To da nhan email cua bo roi, ,va chinh bo moi la nguoi

nham lan, vi nguoi ma to cham dau hoi

dau phai la Sang, nguoi to cham dau hoi bay gio xem

ky lai to nhan nay ra la Tua^’n, ddung chua,

vay thi to khong quen ai het.

To da in ra cac tam hinh nay de giu lam ky niem thoi

ua, vi doi voi to, no vo cung qui gia, ma

bo lai chinh la nguoi da goi cho to nhung hinh anh qui

gia nay.

To chua he ve bao gio, nay ve thi chac chan khong con

nhan ra nhieu canh vat xua. Nhung the nao to cung se co dip tham bo mot luc nao do. Luc do se tha ho ma chuyen tro,

men,
Chuong

 

*Cũng là thơ, nhưng không là thơ ở thư từ: 

Hồi xưa, người Việt ở nhà, vẫn cứ gọi thơ là thơ. Nay nói ngược lại, có những giòng thơ, mà không phải là thư, dù cũng muốn gửi cho ai đó. Bạn đọc, xem thử xem có phải là gửi cho mình không nhé. Nếu không phải, thì đừng lưu vào bộ nhớ làm chi cho khổ. Bởi, chỉ là thư/thơ mà không có thơ… thế thôi.

NỮ 35 tuổi, đẹp ngoan,
Mẹ dạy muốn học hãy khoan có chồng,
Bây giờ bằng cấp ngập phòng,
Nhìn đi nhìn lại long đong một mình,
Anh nào tức cảnh sinh tình
Mau mau mở máy gửi hình điện tin:
Tìmchồngdzin@gmail.com

NAM 40 tuổi, đa tài,
Nhiều tiền, học giỏi, đẹp giai hơn người,
Bận làm, bận học, bận chơi,
Giật mình nhìn lại nửa đời sắp qua,
Nhắn em đẹp sắc gần xa,
Yêu trai tài khỏe đây là email:
Tìmvợyêu@aol.com

NỮ 45 tuổi, đẹp sang,
Có nhà, có tiệm, không màng lợi danh.
Em yêu mái ấm yên lành,
Ba lần ly dị mấy anh chồng lười.
Anh nào phong nhã, tốt tươi
Yêu người chung thủy xin mời đến em.

NỮ 50 tuổi, đen dòn,
Ba con, bốn cháu lon ton đầy nhà.
Chồng nay bám gót người ta,
Chính chuyên, em chẳng kêu ca buồn phiền.
Anh nào thông hiểu nồi niềm,
Nếu trên bốn chục cảm phiền viết thư.

NAM 55 tuổi, thành công,
Nhà to, xe đẹp rộng lòng yêu thương.
Cuộc tình gẫy gánh giữa đường,
Vợ xưa cáo giác anh thường kiết keo.
Anh nay dám hứa một lèo,
Em nào dễ mến anh đèo anh chia.

NỮ 60 tuổi, xinh ngoan,
Cả đời chăm sóc lo toan việc nhà.
Chồng về nước Việt năm qua,
Gặp cô con gái bán ba mê liền.
Em nay chán cảnh ngồi thiền,
Anh nào yêu bé cho tên tặng hình.

NỮ 65 tuổi, giỏi dang,(BNN)
Chồng vừa khuất núi vì mang bệnh già.
Các con nay lớn ở xa,
Cảnh nhà đơn chiếc vào ra một mình.
Anh nào tức cảnh sinh tình,
Biên thư, điện thoại, gửi hình em coi.

NAM 66 tuổi, hiên ngang, (Trung móm)
Dẻo dai, job tốt, nhà sang nhất miền.
Tháng tháng nhà nước phát tiền,
Ngồi xe Mỹ lái liên miên cả ngày.
Tìm em gái Việt thơ ngây,
Ai muốn qua Mỹ anh đây sẵn sàng.

NỮ 75 tuổi, dịu dàng,
Chồng con bỏ lại lang thang chợ đời.
Thân già lặn lội ngược xuôi,
Đi chùa, đi chợ lôi thôi lạc đường.
Tìm người cùng cảnh đoạn trường,
Nắm tay đi tiếp quãng đường dở dang.

NAM 80 tuổi, mơ màng,
Năm mươi năm trước dọc ngang một thời,
Vợ nay khuất núi xa rồi,
Một mình lẻ bóng nên ngồi ngẩn ngơ,
Mong gặp bạn gái bơ vơ,
Cùng nhau dệt mộng lúc chờ ngày đi.

NỮ 85 tuổi, độc thân,
Đam mê du lịch, khi gần khi xa,
Đi đâu cũng chỉ mình ta,
Một mình ngoạn cảnh có gì là vui.
Anh nào sở thích giống tôi,
Hứa bao trọn gói, xin mời biên thư

NAM 90 tuổi, sống dai
Đơn thân nhà trống, ngồi hoài lặng im,
Nghe nhạc rồi lại coi phim,
Coi tin mãi chán, lim rim mắt mờ.
Em nào cùng cảnh bơ vơ,
Điện thư gửi gấp, anh chờ nơi đây.

NỮ 95 tuổi, cô đơn,
Con bỏ dưỡng lão đã hơn năm rồi.
Xe lăn tôi đẩy mình tôi,
Cháu con bận rộn, ôi thôi là buồn.
Anh nào cùng cảnh gối đơn,
Vào ra thăm hỏi, nhớ ơn bạn tình.

NAM 100 tuổi, mỏi mòn,
Liệt giường nằm vạ đã tròn ba năm.
Họ hàng chẳng có ai thăm,
Cơm ăn vung vãi, chỗ nằm dơ nhem.
Em nào thương đến mà xem,
Đút cơm thay tã, anh thèm cầm tay.
Gia tài anh sẽ trao ngay.

 

*Duc in Altum đúng là nội san liên lạc:

Nói chữ “đúng”, là bởi vì Dân Gầy mấy hôm nay rất khoái cái mục chuyển thư đi và thư về cho hai bạn Văn Chương tự Nguyệt “Ròm” và Minh Sang CSsR tự Anh Năm bến phà Tân Thuận, Sađéc. Thư đi thư về cũng chỉ là hoài niệm hình bóng cũ, rất Rề đem, như sau:

 

Chương thân mến.
Phải khen Sang là người hay thế nào hông? Qua bao nhiêu đổi thay, Sang còn giữ những tấm hình gọi là "treasured souvenirs" của lớp mình. Vừa rồi xem video quay ngày họp mặt Lễ Tạ Ơn của nhóm CĐT ở Nam Cali, thấy hình Đào Quang Mỹ, Sang không nhận ra hix..hix.Chắc chắn Chương giờ thì không còn Chương Ròm nữa. Như Bạch, hồi chuyên gia "giữ goal" của lớp mình, Bạch gầy teo. Năm về ghé thăm mình, Bạch khác hẳn: tròn vo, phương phi.
Rất mong ngày hội ngô nha Chương. Chuyến qua Mỹ tháng 9-10/2006, Sang đi Colorado, một số cities, counties của Cali( San Jose>>Wesminter), bay qua Boston, lên New York, về Connecticut, San Diego, Las Vegas, Phoenix, Portland...
Bình an và sức khỏe.
Mến chào anh em.
minhsang DCCT Huế.

Lời Bàn của Dân Gầy: các bạn gọi nhau ơi ới bằng cụm từ “thân mến” dài dài đi nhé. Có thế báo Duc in Altum và đặc biệt là mục Giọng Cũ Xa gần mới khá… dầy. Và, người đọc mới dzui. Tóm lại, dzui là chuyện chính còn thì: Ròm ơi! Năm ơi! Chỉ là chuyện phụ, bởi ngày nay cả Năm lẫn Ròm hết là Ròm và Năm rồi đó Tám nó… hihihi. 

 

*Vài hàng từ lm Tổng Thư Ký Tỉnh Dòng VN:

Dân Gầy rất khoái được nghe lời lẽ xưng hô rất “bác bác/con con như thế này, mà chẳng thấy ma nào xưng và hô với Dân Gầy, được như thế. Thôi thì, cứ coi như Lm Tổng Thư Ký nhà mình vẫn xưng và hô với các “cụ” cao niên trong Gia Đình An Phong, thật như thế. Xưng và hô là xưng như thế này:

 

Bác thân,

Xin loi bac gio moi hoi am cho bac duoc. Con ve VN lam viec voi may moi nen co nhieu truc trac chua giai quyet duoc. Con nho cha Thanh post bai cua bac ma khong hieu sao chua thay len. Con se nhac cha Thanh lai.

Cam on bac va chi hoi Anphong Sydney da chia se va phan uu voi con va gia dinh.

Nho bac chuyen loi cam on cua con den bac Vu Nhuan, vi hom qua cha Be tren Duy da trao cho con mon qua Giang sinh cua bac ay.

Tiec la dip vua qua khong duoc gap bac Huynh Loi o VN. Hinh nhu khong co duyen o VN voi bac Loi. Ca 2 lan bac ve deu chi nghe giong qua dien thoai chu khong gap... Hy vong se rut kinh nghiem khi bac Ta hay bac Nhuan ve....

Kinh thu

DHT

 

 

Thông tin quan trọng:

 

Sau số báo này,

Duc in Altum

sẽ thay hình đổi dạng

về ấn loát

để theo chân đàn anh

ở khắp nơi,

trở thành

báo điện tử.

 

Kể từ nay,

báo giấy Duc in Altum

chỉ được in ấn

theo dạng

Bản Tin Lưu Hành Nội Bộ

gửi đến

quý độc giả nào

không có điều kiện

thích hợp

và thời thượng

để tiếp cận

mạng lưói thông tin

toàn cầu

mà thôi.

 

Nay bổn báo

dùng hình thức này

phổ biến với bà con

trong họ ngoài làng

để cảm thông.

Nay kính báo.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


 

 

 

 

 

 

Gia Đình An Phong Chi Hội Sydney

xin hiệp lòng

nguyện cầu cùng Chúa

cho linh hồn

Maria Trần Thị Cẩm

là Bà ngoại

của linh mục

Giuse Đinh Hữu Thoại,

Tổng Thư Ký

Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN

đã về nhà Cha

ngày 20/11/2010

thọ 82 tuổi.

Xin Chúa đón rước linh hồn Maria

và hộ phù cho gia đình

cùng tang quyến.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

  

 

 

 

 

 

 

TRONG NIỀM TIN

VÀO CHÚA KITÔ PHỤC SINH

Gia đình chúng con xin trân trọng báo tin:

Bà Ngoại của con: 

Cụ MARIA TRẦN THỊ CẨM
Sinh năm 1928 tại Sơn Tịnh, Quảng Ngãi

Vừa được Chúa gọi về lúc

6g00 ngày 20/11/2010

(tức 15 tháng 10 năm Canh Dần)

Hưởng thọ 82 tuổi

Nghi thức tẩm liệm: 11g00 ngày 21/11/2010

tại tư gia: Ấp Đức Thắng 2, xã Túc Trưng, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai

Điện thoại: (061) 6517715

Thánh lễ an táng được tổ chức

lúc 5g00, thứ ba 23/11/2010 

tại Nhà thờ Giáo xứ Đức Thắng,

Túc Trưng, Định Quán, Đồng Nai

Xin nhà Dòng và anh chị em thân hữu

cầu nguyện cho cụ bà Maria

đuợc hưởng nhan thánh Chúa.

Xin chân thành cám ơn.

LM. Giuse Đinh Hữu Thoại, DCCT

Tang gia kính báo:

Trưởng nữ: Maria Lê Thị Hồng Vân và các con

Trưởng nam: Philiphê Lê Quang Lâm, Maria Lê Thị Lệ Thu (vợ) và các con

Thứ nam: Phêrô Lê Văn Chánh, Maria Trương Thị Hạnh (vợ) và các con

Thứ nam: Lê Văn Tổng và các con

Thứ nam:Lê Văn Kế, vợ và các con

Út nam: Lê Văn Thanh, vợ và các con

Út nữ: Maria Lê Thị Hồng Thủy, chồng và các con

Cháu ngoại: LM.Giuse Đinh Hữu Thoại, DCCT

NB: con đang cố gắng đổi chuyến bay để về kịp dâng thánh lễ an táng cho Bà.

 


 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tiếng nói của các thai nhi

                                                    Pet.Nak

Tôi đã vươn mình thức dậy sau một giấc ngủ dài nếu không có bàn tay ấm áp của cha mẹ đặt lên. Tôi cảm được sự hạnh phúc của cha mẹ. Tôi nằm ở đây tuy hơi chật chội một chút, nhưng tôi thực sự cảm thấy hạnh phúc vì sự nâng niu âu yếm của cha mẹ đối với tôi. Đôi bàn tay của cha mẹ vuốt ve trên cơ thể tôi. Hai người tranh giành nâng niu, âu yếm. Rồi những cái hôn của cha, râu ông cọ vào làm tôi thấy nhột nhột, tôi bật cười khanh khách và chòi đạp tứ phía. Mẹ thì đọc sách, kể chuyện và cho tôi nghe nhạc. Những lời âu yếm, nâng niu làm cho tôi muốn nằm đây mãi mãi. Niềm hạnh phúc, ấm áp này cứ thế trôi qua từng ngày. Và tôi thấy mỗi ngày mình càng lớn lên. Tôi nằm ở trong này dự tính biết bao điều cho tương lai, cho ngày tôi chào đời. Tôi mơ ước những giấc mơ đẹp mà cha mẹ đã kể cho tôi nghe, đã hứa trao ban cho tôi.

 

Và tới một ngày kia, tôi cảm thấy khó chịu. Tôi dãy dụa, tôi la hét. Không chịu được nữa tôi đã gào lên “cha mẹ ơi, cứu con với, con khó chịu quá!”. Sự khó chịu, sự dãy dụa của tôi làm mẹ tôi cũng khó chịu và đau đớn theo. Cha lo lắng, ông vội vàng đưa mẹ con tôi đi bệnh viện. Bác sĩ cho biết tình trạng mẹ bị thiếu nước ối nên cần điều trị. Ngày qua ngày, tình trạng càng trầm trọng hơn. Cha mẹ lo lắng rất nhiều. Cha đưa mẹ đi khám hết bệnh viện này đến bệnh viện khác, hết bác sĩ này đến bác sĩ khác. Nhưng tình trạng không có gì khả quan hơn. Đến một thời điểm cha mẹ nhận được thông báo từ bác sĩ. Bác sĩ cho cha hay rằng việc hy vọng giữ được thai nhi là việc làm rất mong manh, điều này có thể nguy hiểm đến tính mạng của người mẹ. Bác sĩ yêu cầu cha mẹ phá thai để đảm bảo tính mạng của người mẹ. Hay được tin này, mẹ tôi khóc rất nhiều, cha tôi thì trầm tư biếng cười biếng nói. Để bảo vệ tính mạng của mẹ, cha thuyết phục mẹ đến bệnh viện để huỷ bỏ tôi. Mẹ không đồng ý. Hai người đã to tiếng tranh cãi với nhau. Tôi biết cha thương tôi nhiều, ông không muốn huỷ tôi chút nào. Nhưng trong tình thế bắt buộc cha phải nghe theo lời bác sĩ để cứu mẹ mặc dù không muốn.

 

Tôi ở trong này cũng rối như tơ vò. Mới đầu tôi cũng bảo thủ lắm, tôi muốn được sống, muốn được chào đời như bao đứa trẻ khác nên tôi hò hét, tôi dãy dụa, tôi nài nỉ, tôi van xin: “Mẹ ơi, hãy bảo vệ con, con muốn được sống. Cha ơi đừng bỏ con, hãy cứu lấy đứa con bé nhỏ tội nghiệp này, đứa con mà hằng ngày cha vẫn cầu mong cho chóng được chào đời để cha nâng niu, ẵm bồng. Cha hứa với con, khi con chào đời, hằng ngày cha sẽ chở con đi dạo phố, mua sắm đồ chơi cho con, mà sao giờ đây cha không cứu con? Cha lại muốn bỏ con đi? Đống đồ chơi cha đã mua sẵn chuẩn bị cho ngày con chào đời để đó cho ai? Con ước ao được sờ tới nó một lần, chỉ một lần thôi. Mẹ ơi, mẹ đã từng đọc những truyện nhân đức cho con nghe, mẹ đọc cho con những tác phẩm văn học về quyền sống của con người mà, mẹ đã từng lên án những người huỷ bỏ con mình. Con biết mẹ đau đớn lắm nhưng xin mẹ đừng bỏ con, xin mẹ hãy bảo vệ con”. Tôi than van, khóc lóc cho tới lúc mỏi mệt và thiếp đi lúc nào không biết.

 

Sau một giấc ngủ sâu tinh thần tôi sảng khoái hơn, bình tĩnh hơn. Tôi suy nghĩ lại tình trạng của mình. Thực sự tôi cũng muốn được ra ngoài nhìn thấy ánh sáng. Nhìn thấy thế giới mới, một thế giới do một bàn tay Đấng Sáng Tạo đã dựng nên. Một thế giới muôn màu muôn sắc. Nhưng tôi lại thương mẹ vì muốn giữ tôi lại, muốn cưu mang tôi mà sẵn sàng hy sinh cả tấm thân, hy sinh cả mạng sống của mình để bảo vệ cho đứa con bé bỏng của mình dù chưa biết mặt mũi nó ra sao. Với tâm trạng mẹ sống thì con sống, mẹ chết thì con chết nên mẹ nhất quyết không đến bệnh viện nữa. Tôi cảm phục tấm lòng cao cả của mẹ. Tôi tự nhủ với mình mẹ hy sinh cho tôi tại sao tôi lại không dám hy sinh tính mạng của mình cho mẹ, cho những đứa em tôi sau này. Thà tôi ra đi nhưng mẹ vẫn còn đó, vẫn còn có thể sinh ra những đứa em khác giống tôi. Nhưng những suy nghĩ của tôi đâu có thể nào thấu hiểu được tấm lòng của người mẹ. Mẹ mất đi một đứa con, dù là chưa thấy mặt mũi hình dáng con mình, là ruột gan mẹ như có ai cắt ra từng khúc, như có ai mài nhọn kim mà đâm thâu vào lòng mẹ. Nên tôi thầm thĩ với mẹ rằng: “Mẹ ơi! Mẹ đừng hy sinh tấm thân của mẹ cho con nữa. Con có là gì đâu mà phải để cho mẹ hy sinh cả tính mạng của mình cho con. Con sẵn sàng chết đi để bảo toàn tính mạng của mẹ. Con sẵn sàng chết đi để sự hiện diện mẹ vẫn còn đấy, mẹ vẫn còn có thể trổ sinh những hoa trái khác. Hoa trái đó là các em trai em gái của con. Tuy con chết đi nhưng con vẫn còn đó, con còn trong hình dáng của những đứa em con sau này, con vẫn còn trong tâm trí của cha mẹ. Chỉ cần cha mẹ thỉnh thoảng nhắc đến con trước mặt các em là con vui rồi. Cha mẹ hãy đặt cho con một cái tên gọi để lâu lâu cha mẹ gọi con hai tiếng ‘Tèo ơi!’ hay ‘Tí ơi!’ là con mãn nguyện.

 

Con nhớ có lần mẹ hát cho con nghe, con không biết tên bài hát đó nhưng con vẫn còn nhớ lời và thỉnh thoảng khi vui con cũng có lẩm nhẩm được mấy câu, con sẽ hát lại để mẹ nghe nhe ‘Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất không chết đi, không thối đi thì nó chỉ trơ trọi một mình thôi. Và nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà chết đi và thối đi thì nó sẽ sinh nhiều bông hạt. Con biết thế, con biết thế và con muốn con chết đi như hạt lúa mì. Con sẽ chết như Đức Kitô con sẽ chết, sẽ chết đi cho anh em con. Vì con bước vào dương thế để làm theo ý Cha đã trao khi tạo dựng vũ hoàn. Là con chết, như Đức Kitô là con chết, con chết đi cho anh em con.’[1] Tôi cũng lẩm nhẩm được hết bài hát. Lẩm nhẩm hết bài hát, nước mắt tôi không biết ở đâu ra mà lắm thế, nó tuôn ra như thác.

 

Như nghe được tiếng thủ thỉ của tôi. Mẹ đau xót đồng ý với cha là ngày mai sẽ đi tới bệnh viện. Tuy là đồng ý đấy nhưng cha mẹ chẳng muốn đi tới bệnh viện chút nào, cả hai người suốt ngày hôm đó cứ ngồi vuốt ve tôi mà xin lỗi. Mẹ tôi đã ngất lên ngất xuống khi phải đăng ký để đưa tôi ra. Tôi ở trong đây cũng buồn lắm nhưng vì lực bất tòng tâm nên tôi biết làm gì bây giờ. Thôi thì đành phó thác. Tôi tưởng tượng ra cảnh người ta sẽ đưa kéo vào và cắt tôi ra từng mảnh. Oi thật là đau đớn và khủng khiếp! Nếu không cắt nhỏ tôi ra từng khúc thì họ sẽ đặt nước để cho tôi bị chết ngộp trong đó, sau đó kéo tôi ra và quăng vào sọt rác như vứt một tờ giấy nháp không thương tiếc. Tờ giấy nháp đôi khi người ta còn tìm, còn lượm lại để xem lại những gì người ta đã viết. Còn chúng tôi thì bị vứt vào sọt rác để cuối ngày gom lại nấu cho heo ăn nếu không có cha mẹ hay một nhóm, một hội nào đó xin chúng tôi về đặt nơi lòng đất. Nghĩ tới cảnh tượng đó là tôi đã thấy sợ muốn chết ngay tức khắc để khỏi phải biết thêm một phương pháp phá thai nào khác. Tại sao lại có những con người dùng những phương pháp độc ác thế, họ coi mạng sống con người chẳng ra gì cả. Tôi nhớ mẹ đã đọc cho tôi một tác phẩm trong đó các nhà tâm lý như: G.H. Mead, H.S. Sullivian, C.H. Cooley bàn đến quyền của con người với tư cách là một cá nhân. Các nhà tâm lý đã bàn về bản tính con người là cá nhân, đây là vấn đề có tính nguyên tắc. Các nhà tâm lý cho rằng cá nhân mang tính độc lập, tự mình quyết định hành động của mình, coi sự khẳng định tự do cá nhân là hợp pháp và có thể thực hiện được, như thế tức là con người có quyền tự do một cách hợp pháp. Cái quyền này nó được xem xét từ khi còn là một thai nhi và được hình thành từ khi đứa trẻ còn nằm trong bụng mẹ[2]. Vậy thì quyền của chúng tôi, những thai nhi, nằm ở đâu trên thế giới loài người này?

 

Rồi ngày mai cũng phải đến, cha đưa mẹ vào bệnh viện. Mẹ ngồi chờ tới phiên. Mẹ thu gọn lại một góc với vẻ mặt u buồn và lẩm nhẩm lời cầu nguyện. Cha thì thểu não đứng kế bên. Tôi ở đó mà rầu rĩ. Nào tôi có được yên đâu khi bên cạnh tôi biết bao tiếng khóc, tiếng nỉ non của những bạn khác đang chờ tới phiên lên bàn như tôi. Các bạn ấy kêu khóc, rên rỉ, nguyền rủa, van xin …. Ơ đâu xa xa văng vẳng lại một tiếng khóc nỉ non van xin của một bạn gái nào đó. Bạn gái đó năn nỉ với tiếng não nề: “Mẹ ơi, mẹ đừng bỏ con nhe mẹ. Mẹ hãy cưu mang thêm một mình con nữa thôi, mẹ đã cưu mang bốn chị con rồi giờ đây mẹ cưu mang thêm một lần nữa cũng được mà”.

 

Đáp lại tiếng van xin của người bạn gái ấy, với cung giọng trầm buồn của người mẹ: “Mẹ đâu có muốn bỏ con nhưng nhà mình đã có bốn chị gái rồi. Cha con và ông bà nội muốn mẹ phải sinh một đứa con trai để nối dõi nên khi biết mẹ mang thai con là con gái cha con một hai không chấp nhận mặc dù mẹ đã van xin hết lời. Mỗi một lần mẹ bỏ một đứa con là mẹ đau lắm chứ, mẹ đau như có ai đó cắt từng khúc ruột mẹ vậy. Người đàn ông họ đâu có hiểu, họ chỉ đơn giản nghĩ rằng thích thì họ để không thích thì họ bỏ. Sự vượt cạn của người phụ nữ như mẹ con mình chỉ có mẹ con mình biết với nhau chứ người đàn ông họ đâu có biết sự đau đớn của người phụ nữ khi phải vượt cạn, mặc dù có họ ở kề bên chăm sóc”. A! Thì ra đây là vấn đề gia đình của bạn ấy. Chỉ vì muốn có một đứa con trai để nối dõi tông đường mà người cha sẵn sàng chối bỏ đứa con gái của mình với lý do rất đơn giản vì đã có bốn đứa con gái rồi. Tệ hại hơn là người ta đã lạm dụng phương tiện khoa học kỹ thuật hiện đại để phát hiện ra giới tính, những khuyết tật của thai nhi và rồi không ưng ý thì vứt bỏ đi như là vứt một cục thịt thừa hay một cái mụn cóc làm mất đi cái vẻ đẹp thẩm mỹ trên thân thể. Còn tệ hại hơn nữa là có những gia đình chỉ vì sợ mất chức, mất quyền họ không dám sinh đứa con thứ ba. Oi sao cuộc đời thật oái oăm thế! Có lẽ những bậc làm cha, làm mẹ đâu có ngờ rằng chính lúc họ quyết định kết thúc một đời sống của một con người cũng là lúc mà họ lãnh lấy hậu quả về sau. Lương tâm của họ sẽ bị cắn rứt, họ sẽ bị ám ảnh suốt cuộc đời còn lại của họ. Bóng dáng đứa con mà họ chối bỏ chập chờn trong giấc ngủ, trong tâm thức của họ như là một sự đòi công bằng.

 

Tôi còn đang chìm vào trong cuộc đối thoại của bạn gái mà cha mẹ bạn ấy đã có bốn người con gái rồi bây giờ đang cố “mót” một đứa con trai để nối dõi tông đường thì đằng kia có tiếng gào, tiếng thét to hơn nữa làm tôi chú ý. Qua tiếng gào thét tôi biết được bạn ấy là người thứ ba bị hủy hoại, anh chị bạn ấy đã bị chối bỏ trước đó không bao lâu, giờ đây tới phiên bạn ấy. Bạn ấy kêu la chống đối đòi được sống sau khi đã khóc lóc van xin. Nhưng mẹ bạn ấy không hề quan tâm đến. Phải chăng thân phận thai nhi chúng tôi không có quyền được sống ngoại trừ những trường hợp cha mẹ cưới nhau bằng tình yêu thật sự, chưa kể đến trường hợp có chấp nhận chúng tôi hay không khi biết rõ rằng chúng tôi bị “sứt mẻ”. Khi nói đến sứt mẻ tôi nhớ đến câu chuyện “tôi không tật nguyền” mà mẹ đọc cho tôi nghe. Đó là một câu chuyện tự thuật của anh sinh viên người Nhật bị tật nguyền ngồi trên xe lăn tên Hirotada Ototake. Một chàng trai được lọt lòng mẹ như bao người khác, nhưng chỉ khác một điều là không có chân tay. Nói không có chân tay cũng không đúng. Có đấy, nhưng chúng chỉ là bốn mụn khoai tây gắn vào người gọi là tay, là chân. Anh thuật lại: “Thông thường, sau cơn vượt cạn là giờ phút sung sướng nhất của người sản phụ được nhìn con, nhưng vì sợ mẹ tôi không chịu nổi thách thức to lớn nhường kia mà mắc chứng sản hậu, bệnh viện đặt điều ‘thằng bé nhiễm nặng bệnh hoàng đảm’, một thứ bệnh vàng da dị thường, để không cho mẹ tôi nhìn thấy tôi đúng một tháng, bà qủa là người an phận, cứ nhẫn nại mà chờ ngày ‘mẹ con gặp nhau’….

 

Ngày mẹ con chúng tôi gặp nhau cuối cùng cũng phải đến, trên đường tới bệnh viện bà mới biết, bệnh hoàng đảm chẳng là nguyên nhân buộc mẹ con xa cách nhau như vậy, mẹ tôi rơi vào tình trạng hoảng loạn và người không thể nói trước với bà, rằng tôi không có chân tay, họ chỉ biết tiết lộ là hình thể hơi dị dạng một chút, còn tất cả đành chờ đợi lúc nhìn nhau sẽ rõ. Bệnh viện đã chuẩn bị chu đáo, nào thầy thuốc, giường bệnh và phương tiện cấp cứu phòng khi mẹ tôi xúc động ngất xỉu sẽ chạy chữa ngay. Các y, bác sĩ, cha tôi và cả mẹ tôi nữa, ai cũng căng thẳng lên tới tột cùng. Nào ngờ giây phút gặp mặt nhau đó lại đến một cách lạ lùng như thế, mẹ tôi thốt lên ‘ôi, mới thật đáng yêu làm sao’, câu nói ấy hoàn toàn phát ra ngoài dự kiến của mọi người, vì ai cũng nghĩ là bà sẽ đau khổ, khóc than, run tay run chân và thậm chí ngã gục, hôn mê, nhưng tất cả những sự lo lắng ấy đều đã bằng thừa. Cả tháng trời mới bồng được đứa con từng mang nặng trong lòng hơn 300 ngày, đối với mẹ tôi là niềm vui to lớn, nó vượt lên trên hết, ngay cả lúc bà nhìn thấy tôi không có chân tay”. Mẹ đọc cho tôi nghe câu chuyện về anh Ototake, tôi rất cảm phục anh, anh đã vươn lên chính mình bằng một nghị lực phi thường, nhưng bà mẹ còn phi thường hơn nữa, bà đã dang rộng đôi tay đón nhận đứa con mình đã mang nặng đẻ đau, đã mang nặng trong lòng hơn 300 ngày mặc dù nó bị tật nguyền. Bà đã không xấu hổ với hàng xóm láng giềng về sự tật nguyền của đứa con mà còn đem khoe khắp làng trên xóm dưới. Phải chăng bà là người tâm thần. Không, bà không tâm thần. Đây mới chính là một tình mẹ đích thực, một tình mẹ thực thụ, bà đã trao cho con bà một tình yêu, một tình yêu có lẽ hẳn bà đã lãnh nhận, đã thụ hưởng một tình yêu thiêng liêng, một tình yêu cao cả nào đấy để rồi bà trao ban lại cho đứa con của mình. Oi, tôi ước gì tất cả thai nhi chúng tôi đều có những bậc làm cha làm mẹ có tấm lòng quảng đại như thế, tôi ước gì những bậc phụ huynh dám đón nhận con em mình với tất cả tấm lòng dù nó có quái thai, dị dạng gì đi chăng nữa thì xin hãy đối xử với chúng tôi như là một con người như chúng tôi là. Tôi thiết nghĩ, bào thai chúng tôi lệ thuộc quá nhiều vào những người cha người mẹ vô lương tâm thích để chúng tôi sống thì sống, thích giết chúng tôi thì giết mà không hề quan tâm đến mặt mũi con mình như thế nào. Họ cứ việc ăn chơi trác táng, những cuộc trụy lạc thâu đêm để rồi hậu qủa đáng tiếc xảy ra họ lại chối bỏ, không thừa nhận. Với những lần nạo phá thai một năm đôi ba lần mà không hề cảm thấy hối hận, tiếc nuối, thương xót những đứa con của mình. Họ có còn coi chúng tôi là người nữa hay không? Qua cuộc trao đổi của cha mẹ, tôi được biết, có những nơi sử dụng bào thai như một món ăn bổ dưỡng, họ không hề cảm thấy lợm giọng khi con người ăn thịt con người, họ còn thua cả thú vật. Ong bà ta thường có câu “hổ dữ không ăn thịt con”. Vậy mà con người ăn thịt con người đấy. Tiếc cho những lần vỗ ngực xưng danh của họ, họ thường lớn tiếng hô to ta đây là người văn minh, ta đây là người có học thức cao, hiểu rộng mà …

 

Tôi đang suy tư thì chợt nghe tiếng thì thầm của hai mẹ con người nào đó ngồi kế bên mẹ tôi. Hai mẹ con thầm thì với nhau rất nhỏ làm tôi phải dỏng tai lên mà nghe. Tôi tò mò muốn nghe thử tình trạng bạn ấy có giống tình trạng của tôi không hay lại là một hậu qủa của một nguyên nhân xã hội. Tôi nghe được cuộc đối thoại giữa hai mẹ con họ. Người mẹ nói: “con tha thứ cho mẹ nhé, mẹ muốn sinh con ra đời này lắm nhưng hoàn cảnh nhà mình khó khăn, anh chị con lại đông, ba con thì cờ bạc rượu chè. Mẹ sinh con ra, mẹ biết lấy gì nuôi con, mẹ không muốn thấy cảnh phải để cho các con của mình đi ăn xin, đi ở đợ cho người ta hay tay cầm một xấp vé số dạo trên đường phố từ sáng tới khuya. Mẹ đã cố gắng gồng mình nuôi các anh chị con mà vẫn còn thiếu trước hụt sau nữa là bây giờ mẹ sinh thêm con.

 

Mẹ cũng có thể cố gắng thêm một tí nữa cũng được nhưng sức mẹ nay đã cạn kiệt rồi, mẹ không biết rằng sẽ ra đi lúc nào. Mẹ e rằng khi mẹ ra đi bỏ lại tụi con mồ côi nheo nhóc không ai chăm sóc. Thôi mẹ đành phải hy sinh con để gắng sống nuôi dưỡng anh chị con nên người trong những ngày cuối đời của mẹ. Con hãy thông cảm và hiểu cho mẹ nhé”. Tiếng thủ thỉ của người con hỏi lại mẹ mình: “Vậy mẹ ơi, con không được chào đời hả mẹ? Con không được một lần nhìn thấy mặt ba con sao? Không được một lần chiêm ngưỡng khuôn mặt hiền hậu, dịu dàng của mẹ sao? Con không được gặp anh chị con dù chỉ một lần thôi sao? Tại sao không? Tại sao không ? Tại sao? Tại sao? Tại sao…?”. Nghe tới câu hỏi của đứa con như là một lời buộc tội, như là một lời tố cáo lương tâm của lòng mình, nước mắt của người mẹ rơi lã chã như mưa. Bà chẳng biết làm gì khác là cúi gương mặt xanh xao như tàu lá chuối xuống nhìn cái bào thai mình đang mang trong người và tiếp tục lắng nghe tiếng của đứa con từ trong sâu thẳm của lòng mình: “Ước gì sức khỏe mẹ được tốt, nhà mình khá giả để cha mẹ nuôi dưỡng con mẹ nhỉ. Con được chào đời, được chơi những trò chơi như các anh chị con đã từng, được nô đùa la hét với các anh chị, được gậm bầu sữa ngọt ngào của mẹ, được mẹ nâng niu ẵm bồng trên tay mỗi ngày. Dù chỉ một ngày duy nhất trong đời con. Hay là mẹ cứ sinh con ra, cứ nuôi dưỡng con đi. Biết đâu nhờ một mầu nhiệm nào đó sức khỏe của mẹ sẽ tốt hơn, gia đình mình sẽ khá giả hơn. Nhưng mà thôi, chẳng may sinh con ra mẹ lâm vào tình trạng nguy khốn lại tội cho các anh chị con bơ vơ, một mình cha con chăm sóc các anh chị không xiết. Vậy mẹ hãy làm theo ý của mẹ, con không hề oán trách cha mẹ đâu. Con sẽ…”

 

Tôi còn đang chăm chú nghe thì lại có tiếng gào thét của một người phụ nữ nào đó: “Trả lại con cho tôi, trả lại con cho tôi, con tôi đâu? Đừng giết con tôi mà ha ha ha…”. Bà hết khóc rồi lại cười, rồi bà lại tiếp tục lảm nhảm: “Tội nghiệp con tôi chưa, nãy giờ đói bụng khóc quá chừng mà mẹ chưa cho bú. Thôi nín đi con, nín đi, nín đi, mẹ thương con nè”. Rồi bà cất tiếng hát ru con: “Gío mùa thu mẹ ru con ngủ, năm canh dài thức đủ vừa năm… hỡi chàng  chàng ơi, hỡi người người ơi, em nhớ tới chàng…”. Một giọng ru con mượt mà quá! Tôi ước ao được sinh ra, được ru, được vỗ về như thế. Nhưng con bà đâu mà bà lại tới đây đòi con, rồi lại vỗ về con, rồi lại ru con… tôi chẳng hiểu gì cả. Chợt có tiếng quát đuổi của một người đàn ông. Tiếng lôi kéo người đi. Mọi người bắt đầu xầm xì. Thì ra tiếng quát tháo của người đàn ông là bảo vệ của bệnh viện, còn tiếng la hét của người phụ nữ là một bà điên. Chỉ vì sợ tai tiếng, chỉ vì danh giá của gia đình nên cha mẹ của cô ấy bắt cô đi phá thai khi lỡ biết cô đã lỡ mang thai với người yêu. Hậu qủa là cô bị ám ảnh suốt những năm tháng qua.

 

Sau một lúc xầm xì với nhau, bệnh viện trở lại yên ắng và cũng là lúc mẹ tôi “được” gọi vào. Cả hai mẹ con tôi run lẩy bẩy. Sự run rẩy đã làm chân tay tôi chòi đạp lung tung, đã vậy tôi nghe thấy tiếng lách cách của đồ nghề làm cho tôi càng dẫy dụa mạnh. Tôi biết mẹ tôi lúc bấy giờ đau lắm nhưng chân tay tôi nó không làm chủ được nữa cứ thế mà nó run. Mẹ đã lên bàn nhưng lại trèo xuống chạy một mạch ra ngoài. Cha thấy vậy, ngạc nhiên, chạy theo hỏi và năn nỉ mẹ quay lại nhưng mẹ vẫn cứ băng băng đi qua những hàng người đang ngồi chờ đến phiên. Mặc cho cha nói gì, mẹ nhất quyết không chịu với một tâm trạng gần như mê sảng. Cha theo mẹ đi ra tới ngoài cổng, có lẽ không khí thoáng hơn nên mẹ đã tỉnh lại. Bà ngồi thụp xuống một cái ghế đá ôm mặt khóc, cha đến ngồi kế bên ôm bà vào lòng. Bà gục mặt vào vai ông càng khóc to hơn nữa. Mọi người đi ngang qua nhìn cha mẹ với ánh mắt tò mò. Ong bà mặc kệ họ. Sau khi đã khóc một trận cho nguôi cơn lòng, khóc như thể không bao giờ còn được khóc nữa. Nước mắt đã thôi rơi, sự bình tĩnh đã quay trở lại với bà. Mẹ ngẩng đầu lên nhìn cha bằng một ánh mắt cương quyết, bà nói: “con mất, em chết, chứ em không chịu mất con”. Hai người trao đổi với nhau một lúc, cha đành đưa mẹ ra về với một tâm trạng lo âu.

 

Trên đường về hai người không nói với nhau một tiếng nào làm cho bầu không khí càng thêm ảm đạm, nặng nề. Bỗng mẹ chợt nhớ tới một vị thánh mà những người mang thai thường chạy tới với Ngài. Mẹ ngập ngừng khều cha. Cha cho xe chạy chậm lại, tấp vào lề và quay lại với mẹ. Mẹ nói cha ghé vào 38 Kỳ Đồng. Cha chiều theo ý của mẹ và đưa mẹ tới. Cha gửi xe rồi nắm tay dắt mẹ vào Nguyện Đường. Đứng trước mặt cha mẹ là một vị thánh mặc áo tu sĩ màu đen. Ôi, sao Ngài đẹp quá! Với dáng đứng hiên ngang, tay ôm Thánh Giá, bên cạnh có dòng chữ: “Tôi đi làm Thánh – Giêrađô Majella”. À thì ra đây là Thánh Giêrađô mà mọi thai nhi qủa phụ vẫn truyền tụng về Ngài.

 

Trước đây mẹ đã nghe nhiều người giới thiệu nhưng mẹ không tin, có lẽ đây là niềm hy vọng cuối cùng của mẹ con tôi. Mẹ tôi mang cái thai nặng nề cố gắng lết tới bên tượng quỳ phủ phục xuống bên cạnh cầu nguyện. Cha thấy mẹ lết tới bên tượng vội vàng bước theo. Hai người, kẻ quỳ người đứng nhưng có chung cùng một tiếng kên van. Tôi cũng bắt chước lẩm nhẩm cầu xin. Một lúc sau chúng tôi ra về trong lòng cảm thấy thanh thản hơn. Những ngày sau, mẹ con tôi cảm thấy khó chịu hơn nữa, có những lúc mẹ con tôi không thể nào chịu nổi nữa. Nhưng rồi đột nhiên sự ngột ngạt ấy giảm xuống một cách rõ rệt cho những ngày kế tiếp. Mẹ vội vàng đi khám lại. Bác sĩ cho mẹ hay tình trạng khá hơn trước nay một chút nhưng họ vẫn giữ nguyên ý kiến là hủy bỏ tôi càng sớm càng tốt. Nhưng mẹ vẫn giữ nguyên ý định ban đầu là KHÔNG, một lần không và vạn lần không. Và rồi những cơn khó chịu càng ngày càng giảm đi, nó dần dần hầu như biến mất. Khi mẹ tôi quay lại các bác sĩ để khám, hầu như các bác sĩ đều phải ngạc nhiên về tình trạng này. Họ đã hỏi mẹ chữa ở đâu? Đã uống thuốc gì? Mẹ tôi đều lắc đầu cả. Họ có vẻ không tin. Về phần mẹ tôi cũng ngạc nhiên không kém. Nhưng mẹ đã chợt hiểu ra nguyên nhân nào đã làm cho mẹ con tôi thoát khỏi cơn nguy hiểm, thoát khỏi lưỡi hái tử thần.

 

Và rồi ngày tôi chào đời cũng đã gần tới. Trước khi vào bệnh viện nằm chờ ngày sinh (vì trường hợp của mẹ con tôi là trường hợp đặc biệt nên các bác sĩ khuyên phải vào bệnh viện trước mấy ngày để cho các bác sĩ theo dõi và can thiệp kịp thời) cha đã đưa mẹ đến chiêm ngắm dung nhan Thánh Giêrađô lần nữa và dâng lên Ngài cuộc vượt cạn này của mẹ con tôi. Một số người biết chuyện khuyên mẹ xin khăn Thánh Giêrađô đã làm phép đặt lên thai nhi mỗi khi đau và trong cuộc vượt cạn sắp tới. Mẹ tôi đã làm theo và cuộc vượt cạn của mẹ đã diễn ra xuông sẻ. Với kết quả mẹ tròn con vuông dưới ánh mắt ngạc nhiên của các y bác sĩ đã từng theo dõi cho mẹ. Anh mắt của cha tôi ánh lên một niềm tin, một niềm tin mà chưa bao giờ có nơi ông. Qua biến cố này ông đã thay đổi rất nhiều. Ông âm thầm đi ra khỏi phòng trong nước mắt lưng tròng để lại sau lưng mẹ con tôi và những người bu quanh chúc mừng. Ông bước vào một góc vắng lặng nào đó, ông giơ tay lên làm dấu với trọn niềm tin, dâng lên Thiên Chúa một lời cảm tạ xuất phát từ đáy lòng ông.

 

Và ông cũng dâng lên Mẹ Hằng Cứu Giúp lời cảm tạ, đặc biệt là Thánh Giêrađô, Ngài đã chuyển cầu, đã cứu giúp mẹ con tôi. Ngày tôi rời bệnh viện cũng đã đến, trên đường về nhà chúng tôi đã ghé vào 38 Kỳ Đồng, Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, nơi đặt tượng Thánh Giêrađô, nơi mà cha mẹ đã chạy đến trong lúc nguy khốn, nơi mà Ngài đã nhận lời cứu giúp tôi cho tôi có mặt tại cuộc đời này. Cha mẹ đã dâng tôi cho Thiên Chúa, đã dâng tôi cho Đức Mẹ, đã dâng tôi cho Thánh Giêrađô. Đứng trước tượng Ngài, cha cúi xuống hôn tôi và thầm thỉ rằng: “Cha mẹ đã dâng con cho Chúa, cho Mẹ Maria, cho Thánh Giêrađô, từ nay con đã có Chúa, có Mẹ Maria, có Thánh Giêrađô ở cùng nên con không phải sợ gì nhé. Con hãy mau khôn lớn và noi gương Ngài trên bước đường theo Chúa nhe con. Con nhìn thấy Ngài mặc áo dòng đẹp không, đẹp chứ hả con? Cha hy vọng một ngày nào đó cha thấy con mặc chiếc áo này”. Cha tôi hôn tôi một cái nữa, râu ông cọ vào làn da mịn màng, mỏng manh của tôi làm tôi nhột quá trời. Tôi cười một cách thích thú và vung tay chân vẫy đạp lung tung. Nhưng lần chòi đạp này không làm mẹ đau nữa, lần chòi đạp này làm mẹ cười, cười trong nước mắt, cười trong sự hân hoan.

 

Tôi hy vọng rằng, qua câu chuyện này với những tâm tư, với những ước mơ, với những khao khát sống của thai nhi chúng tôi sẽ là một cầu nối để các bậc làm cha làm mẹ hiểu được những tâm tư nguyện vọng của những đứa trẻ chưa được sinh ra đời mà đã bị giết từ khi còn trong trứng nước. Xin các bậc phụ huynh hãy giang tay đón nhận chúng tôi, hãy trao ban cho chúng tôi một cuộc sống như bao người khác trên mặt đất này. Hãy đối xử với chúng tôi như chúng tôi là. Đừng để hậu quả hay một sự đáng tiếc nào xảy ra. Đừng để toà án lương tâm xét đoán. Đừng để điều này bị cắn dứt dày vò, ám ảnh tâm hồn của quí vị. Nó không những chỉ diễn ra trong quá khứ, mà nó còn tồn tại trong hiện tại, tương lai và mãi mãi trong suốt cuộc đời của quí vị. Để chiến thắng được những sự gian nan thử thách, xin hãy chạy đến với Thánh Giêrađô để Ngài thương trợ giúp.

Pet.Nak

 

  

 

 

 

                       

 

 

 



[1] Hạt Giống Tình Yêu

[2] Đỗ Long – Phan Thị Mai Hương, Tính Cộng Đồng – Tính Cá Nhân Và “Cái Tôi” Của Người Việt Nam Hiện Nay, Nxb. Chíng trị Quốc gia – Hà Nội, 2002

Comments