Duc In Altum‎ > ‎

DIA Số 98 – Quý 2/2017

PHỤC SINH: NGUỒN HY VỌNG CHỨA CHAN

 Lm Giuse Mai Văn Thịnh, CSsR

Ai trong chúng ta cũng biết rằng Phục Sinh là Mầu Nhiệm cao cả và trọng đại nhất của niềm tin Kitô giáo, như lời Thánh Phao-lô: “Mà nếu Ðức Kitô đã không chỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng..., chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người.” (1Cor 15: 14 và 19b) Tuy nhiên, không chỉ một lần, mà biết bao nhiêu lần chúng ta đã công bố và chia sẻ Tin Mừng Phục Sinh cho nhau; nhưng có mấy khi và mấy ai cảm nhận được ý nghĩa và hiệu quả của biến cố đó trong đời mình!

Trước hết, tôi xin mạn phép chia sẻ đến anh chị em tâm tình và những cảm nhận mà tôi và gia đình đang trải qua. Kể từ ngày mẹ tôi mất đến nay đã được hơn 2 tháng, gia đình chúng tôi cố gắng duy trì các buổi kinh tối để cầu nguyện cho mẹ. Thời gian đầu thì có các cháu, sau này vì bận rộn việc học cho nên các cháu không tham dự thường xuyên. Chúng tôi làm những việc này theo thói quen mà gia đình đã học được qua gương của mẹ để lại.

Nhưng sau này, tôi khám phá ra một điều là, những buổi gặp gỡ đó, tuy để cầu nguyện cho mẹ, nhưng dường như phần ích lợi lại quay về chúng tôi. Bởi vì, phần kinh nguyện dài lắm cũng kéo dài độ ½ giờ; nhưng phần ‘đánh chén’ – hay có thể dùng ngôn ngữ nhà đạo mà gọi thì đó có thể là ‘bữa tiệc lòng mến’ kéo dài ít nhất cũng trên 1 giờ đồng hồ. Khi có chút ‘men’ vào thì ‘lời’ cũng ra. Nội dung tòan là những câu truyện trên trời dưới đất. Nói ra để chia sẻ. Chia sẻ để thông cảm và nâng đỡ nhau. Không một ai dám đề cập đến những kỷ niệm của mẹ hay về mẹ. Vì sợ hay vì không dám khơi lại vết thương lòng! Nhưng mẹ vẫn hiện diện trong câu kinh, lời nói và tiếng cười của gia đình.

Tôi còn nhớ mãi câu nói vô tình nhưng đầy tràn ý nghĩa của chú em rể. Trong một bữa cơm, trong khi dọn bàn ăn (rể út mà), chú ‘tửng tửng’ phát biểu “Hình như từ ngày mẹ chết đến nay, gia đình mình vui và nhiều tiếng cười hơn.” Một câu nói rất thật. Nhưng càng suy nghĩ tôi càng thấy có gì lạ. Phải chăng, cách nói này cũng là những lời chúc mà chúng ta đang trao cho nhau ‘Chúa nay thật đã Phục Sinh. Hãy vui lên! Alleluia!’

Quả thật, trong bóng tối đã có ánh sáng, trong bóng đêm đã có hừng đông, trong đau khổ đã có hạnh phúc, qua Thập Gía đã có vinh quang và trong sự chết luôn có sự sống bao trùm. Đó là nguồn hy vọng mà Đức Kitô Phục sinh đã đem đến cho tòan thể nhân lọai nói chung và cho gia đình tôi hôm nay.

Ngoài kinh nghiệm rất riêng tư nói trên. Tôi lại tự hỏi: Làm thế nào chúng ta có thể cảm nhận được hiệu quả của sự sống lại của Chúa Giêsu?

Đau khổ và thập giá là chìa khóa giúp ta bước vào sự sống. Chúng ta không cần đi tìm thập giá hay đau khổ. Đó là phần của cuộc sống hay cuộc sống sẽ sản sinh ra đau khổ và thập giá. Tuy nhiên, tôi cũng đã gặp các bạn trẻ, công thành danh tọai, tương lai sáng ngời nói rằng họ chưa thấy đau khổ. Dù im lặng, nhưng trong thâm tâm tôi tự nói “Đừng vội kết luận như thế, cứ chờ mà xem rồi sẽ thấy”. Một lúc nào đó, bạn hay tôi bị vướng phải căn bịnh hiểm nghèo, tai ương, tai nạn xe cộ, bị bồ đá, bị phản bội, cô đơn, trầm cảm, cháy nhà, mất trộm… và các tai ương khác chẳng một ai muốn nó xẩy đến cho mình, thế mà nó vẫn xẩy ra, không sao kể hết! Hãy nhớ rằng Đức Giêsu cũng xin Chúa Cha cất đi các đau khổ - xin cho con khỏi uống chén này… Thập Giá vẫn cứ được đem đến cho Người.

Làm thế nào để chấp nhận đuợc các điều mà chúng ta gọi là Thập Giá?

Không dễ dàng.

Cách đón nhận của chúng ta rất khác nhau, tùy theo tâm tính, hòan cảnh cuộc sống. Một lần kia, trong lúc đi thăm bịnh nhận trong các nhà duỡng lão. Có bà cụ kia, ngồi trên xe lăn, mặt đang nhăn nhó vị bị cơn đau hành hạ. Lại có một hội viên Legio đã đến an ủi bà “Xin bà hãy dâng các đau khổ bằng cách nhìn vào gương của Chúa, đang đau khổ và quằn quại trên Thập Giá.” Bà cụ nhà mình thản nhiên đáp lại “Thưa chị, Chúa chỉ ở trên đó có 3 tiếng đồng hồ thôi, chị ạ.” Rõ khổ, khuyên với răn; cứ kiểu khuyên dậy đời như thế này thì làm khổ người bịnh hơn là giúp đỡ.

Im lặng và đồng cảm với nỗi đau của nhau có thể là một giải pháp?

Im lặng để chấp nhận một sự thật rất hiển nhiên là đau khổ là phần của cuộc sống mà không một ai trong chúng ta có thể thoát được. Trước khi chấp nhận được điều này, chúng ta sẽ trải qua các giai đọan khác như chán nản, chối bỏ, tức giận… và các câu hỏi như tại sao chuyện này có thể xẩy ra cho tôi? Tôi không thể chấp nhận! Sau cùng mới là việc chấp nhận. Bởi vì, nếu không chấp nhận thì tôi sẽ làm gì hơn. Đàng nào thì chuyện cũng đã xẩy ra rồi. Dù chối bỏ, đau khổ cũng đã xẩy ra.

Đồng cảm là một hình thức chia sẻ hữu hiệu nhất mỗi khi gặp đau khổ. Đừng áp chế sự bực tức vì đau khổ cho người khác, nhất là những người thân của mình. Họ cũng đang trải qua các khó khăn khác. Hãy cùng với nhau vác thánh giá.

Vào chiều ngày thứ sáu Tuần Thánh 2017 vừa qua. Tôi vô cùng ngưỡng mộ đòan nguời không phân biệt tuổi tác, địa vị, giai cấp lũ luợt nối đuôi nhau, thật trang nghiêm và kính cẩn tiến lên hôn Thánh Gía Chúa. Trong lúc ngắm nhìn họ, tôi thầm cầu cho họ và tôi biết hôn kính thánh giá bằng xuơng bằng thịt mà Chúa gửi đến cho chúng ta. Rồi lại có một lời nguyện khác nữa là chúng ta đừng làm khổ và trở thành Thánh Giá cho nhau.

Như vậy, khi chết cho bản tính và cái tôi của mình thì sự sống của Chúa được biểu hiện trong tôi. Chúa sống thực sự và hiện diện trên mọi nẻo đường của cuộc sống, ngay cả lúc tôi bất trung và bội ước. Chúa vẫn không lìa xa tôi. Nguời vẫn sống, thật thầm lặng – như hạt lúa gieo âm thầm, mục nát – chờ ngày trổ sinh hoa trái.

Đây không phải là điều mà chúng ta đạt được. Nhưng đó là quà tặng nhưng không của Thiên Chúa sẽ ban cho từng người, tùy thuộc vào hòan cảnh khác nhau mà trong một khỏanh khắc nào đó, họ biết rằng Chúa Phục sinh và đang sống trong đời họ. Đó hoàn toàn là do ân huệ của Chúa Thánh Thần. Chính Thần Khí của Thiên Chúa đã làm cho Đức Kitô chỗi dậy. Người không tự chỗi dậy mà Thánh Thần làm cho Người chỗi dậy. Và cũng chính Thần Khí của Chúa Phục Sinh sẽ sống và hoạt động thật mãnh liệt trong ta.

Thưa anh chị em, nhân loại đang đợi chờ Ánh Sáng Phục Sinh. Thế giới đang bị ảnh hưởng bởi lối sống vô cảm rất cần niềm hy vọng. Những người đang trải qua những bi kịch của đời sống đang cần đến ánh sáng. Vậy, hãy can đảm, với Ánh Sáng Phục Sinh, chúng ta bước vào những ngõ cụt của cuộc đời, gặp những nguời bị ‘bó tay’ mà làm chứng cho họ biết rằng Chúa nay thật đã Phục Sinh! Alleluia.

Hãy mạnh dạn ra đi, từ bỏ, chia sẻ, cùng chết… rồi chúng ta sẽ ngạc nhiên để tuyên xưng rằng Thiên Chúa đã can thiệp vào cuộc sống mình. Bởi vì, chúng ta đã đặt nó trên nền tảng và điểm tựa duy nhất, đó chính là “Chúa nay thực đã Phục Sinh! Alleluia”.

Kogarah, Phục Sinh 2017.     

 Download trọn bộ Duc In Altum Số 98 – Quý 2/2017


MẸ,

DẤU CHỈ TÌNH YÊU VÀ TÍN HIỆU CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT

Lm Giuse Mai Văn Thịnh, CSsR

Năm nay, ngày nhớ ơn mẹ (Mother’s Day) trùng vào Chúa Nhật cuối tuần kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ đã hiện ra tại làng Fatima, Bồ Đào Nha. Đây cũng là dịp giúp chúng ta ôn lại các mệnh lệnh mà Mẹ đã nhờ Lucia, Phanxicô và Jacinta truyền tải cho thế giới. Thật sự, những điều Mẹ nhắn nhủ không mới lạ.

Nhưng, vì con cái của Mẹ mắc bịnh hay quên nên Chúa đã nhờ Mẹ nhắc cho chúng ta biết về lời mời gọi năm xưa ‘Hãy hối cải và tin vào Tin Mừng’(Mc 1:15). Hối cải mà Chúa đòi hỏi ở đây là thay đổi hướng đi, chọn lựa lại cách sống. Mệnh lệnh này mạnh mẽ hơn là ‘Hãy ăn năn đền tội’ theo nghĩa luân lý mà chúng ta thường nghe khuyên bảo. Tin vào Tin Mừng là đáp trả của những kẻ tin trước Tin Vui mà Chúa gửi đến. Trong số con cái loài người, chỉ có Mẹ là người tín hữu hoàn hảo nhất, hoàn hảo không vì lý do huyết nhục; nhưng vì đã trọn vẹn Tin vào Tin Vui trong con người của Đức Giêsu, con yêu dấu của Mẹ. Việc lần chuỗi Mân Côi của chúng ta cũng chỉ là việc suy niệm lại cuộc đời của Đức Giêsu mà thôi.

Trong lần kỷ niệm 100 năm này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc nhở cho chúng ta biết rằng Đức Mẹ mà chúng ta đến với, không chỉ là bức tuợng thạch cao để cầu xin ơn huệ - cho bằng một bậc Thầy của niềm tin, một mẫu gương của lòng thương xót. Ngài nói: “Với Đức Maria, ước chi mỗi người chúng ta trở thành một dấu chỉ và bí tích của lòng Chúa thương xót, Đấng luôn tha thứ và tha thứ mọi sự.”

Trong tinh thần đó, mời anh chị em cùng nghe truyện kể sau đây:

Người ta kể rằng: Có một gia đình kia. Chồng là người ngoại đạo. Ông không tin vào Chúa, luôn miệng nhạo báng, khinh miệt những hành vi thờ phượng kính mến Chúa của bà. Ngược lại, bà vợ thì rất sùng đạo, luôn dạy và làm guơng cho con trong việc sống đạ; nhờ vậy cậu bé ngày nào cũng đuợc tham dự Thánh Lễ và cầu nguyện với mẹ.

Dù sống giữa hai niềm tin trái ngược nhau, nhưng đứa con trai duy nhất của họ vẫn hiếu thảo với cha mẹ. Cho tới một hôm, em lâm bệnh hiểm nghèo. Em biết mình chẳng còn sống được bao lâu nữa. Em đã mạnh dạn hỏi bố rằng: "Bố ơi, trong ít ngày nữa có thể con sẽ chết! Con xin bố hãy dạy cho con biết, giờ này con phải nghe và tin theo ai? Theo bố hay theo mẹ? Tin theo bố thì chẳng có sự sống đời sau; và cũng chẳng có Chúa và Mẹ để con được các Ngài săn sóc, bảo vệ và giúp con sống bình an hạnh phúc muôn đời?Còn nếu tin theo mẹ, thì có Thiên Chúa là cha nhân lành sẽ ban thưởng hạnh phúc thiên đàng vĩnh cửu và có Mẹ Maria luôn bầu cử chở che.

Ông bố nghe tới đâu lòng rung động tới đó. Trước hoàn cảnh này, ông chẳng biết làm gì hơn, đứng dậy ôm trọn con vào lòng và nói: "Con hãy nghe và tin theo mẹ".

Con hãy nghe và tin theo mẹ (mẹ ở đây vừa có nghĩa là vợ ông, và cũng có thể ám chỉ đến vai trò của Đức Maria, Mẹ của các kẻ tin) là câu nói hay nhất mà ông bố của cậu bé đã nói. Nhưng ở đây, tôi muốn anh chị em nghĩ đến những người mẹ của mình. Trong câu truyện, mẹ của cậu đã làm gương sáng không bằng sứ điệp, nhưng bằng chính đời sống của bà. Chúng ta thử tuởng tượng, một người ngày nào cũng phải đối diện với sự nhạo báng, khinh miệt và coi thường niềm tin ….

Bà sẽ hành xử như thế nào? Bà đã không đưa các vấn nạn về tôn giáo hay niềm tin để tranh luận hơn thua với chồng. Trái lại, bà một mực yêu thương chồng và con. Dịu dàng trong bổn phận. Quyết tâm sống đạo. Tôi thiết nghĩ, bà đã cảm nhận vô cùng sâu xa về sứ điệp mà Chúa dậy hôm nay “Thầy là Đường, là sự thật và là sự sống.” (Gioan 14: 1-12)

Khi tuyên bố Ngài là Đường, Đức Giêsu dậy cho chúng biết rằng Ngài chỉ có một mối bận tâm duy nhất, đó là làm cho các tín hữu của Ngài sống bằng sự sống của Thiên Chúa. Điều mà Đức Giê-su đã sống và muốn dậy chúng ta theo gương Ngài là: quan tâm, yêu, ban phát, lo lắng, bảo vệ, săn sóc cho những người thuộc về Người, cho những ai mà Chúa Cha đã ban cho Ngài.

Đó là con đường duy nhất, con đường của sự thật, con đường dẫn đến sự sống, con đường của quan tâm, yêu, ban phát, lo lắng, bảo vệ, săn sóc cho những người được trao ban cho mình.

Noi gương Chúa, bà mẹ trong câu truyện và các người mẹ chúng ta, cũng biết từng sở thích, biết rõ nhu cầu của mỗi người con. Trong thân phận với những giới hạn, mẹ không làm hết được những yêu cầu của các con, nhưng mẹ lần mò từng bước để theo kịp mức tăng trưởng và đà tiến, không phải của một đứa con, nhưng là của mỗi người con. Mẹ đã từng ngồi bên khung cửa để chờ con bình an về đến nhà.

Vẫn biết là chúng ta khôn lớn, chúng ta đủ sức để lo cho bản thân và các hoạch định của tương lai. Không cần đến lời góp ý của mẹ. Nhưng dù có lý luận như thế nào, chúng ta vẫn không thay đổi được cách hành xử của mẹ. Vì quan tâm, vì yêu thương nên mẹ bỏ qua tất cả; cho đi tất cả để yêu và yêu.

Tôi tin rằng: với dòng sữa, sự quan tâm, bao bọc của các bà mẹ… con người ngày hôm nay sẽ bớt ích kỷ hơn, biết sống vị tha hơn, biết xây dựng và để ý đến người khác hơn. Có được như vậy là bởi mẹ.

Vì thế, chúng ta tri ân mẹ vì những gì Mẹ đã làm cho chúng ta ư? Không đủ. Vì trên hành trình cuộc sống còn có nhiều người làm ơn cho chúng ta hơn nhiều. Tri ân, dâng lời cảm tạ Chúa vì mẹ là mẹ.

Trong tâm tình đó, chúng ta nhớ về điều Đức Maria đã hứa trong những lần hiện ra tại Fatima năm xưa: “Trái Tim Mẹ sẽ thắng.”

Từ trước đến giờ tôi vẫn thường nghe nguời ta giải thích rằng Trái Tim Mẹ sẽ thắng kẻ dữ, thắng cộng sản vô thần…. Nhưng hôm nay tôi chợt thấy lối giải thích lời hứa của Mẹ theo nghĩa chính trị, kéo Mẹ về phe mình không chuẩn cho lắm. Trong trái tim của Mẹ, con nào cũng là con; không thương con này rồi ghét con kia. Ngược lại, nếu chúng ta tin rằng Mẹ là dấu chỉ của Lòng Chúa Thương Xót thì Mẹ sẽ yêu những đưá con ‘ngựa chứng’ hơn con ngoan, không cần sửa dậy.

Khi nói đến trái tim, chúng ta nghĩ đến sự yêu thương, hoà thuận… làm gì có thắng hay thua. Trái tim của các người mẹ thường thua vì yêu thương; nhưng các ngài đã  thắng chính mình để ban phát, yêu thương, thương xót, tha thứ và tha thứ tất cả.

Vì thế, trong ngày hôm nay, cùng với mẹ mình, đến với Mẹ trên trời: Đức Nữ Trinh Maria, chúng ta hãy cố gắng học để trở thành dấu chỉ tình yêu, tín hiệu của lòng thương xót của Chúa, Đấng luôn đồng hành, thông cảm rồi tha thứ và tha thứ mọi lầm lỗi của chúng ta.

Mother’s Day, 2017

Giuse Mai Văn Thịnh C.Ss.R


 Download trọn bộ Duc In Altum Số 98 – Quý 2/2017

Ċ
DIA98.pdf
(787k)
VN Enterprise,
Jun 4, 2017, 10:16 PM
Comments