Từ Bỏ hay không Từ Bỏ Lm Joe Mai Vai Thịnh , CSsR Anh chị em thân mến, Thái độ, phản ứng của Phê-rô trong bài Tin Mừng hôm nay giúp chúng ta nhìn lại lối sống đạo của chính mình. Tuần trước Phê-rô đã trở thành Đá tảng cho kẻ khác dựa vì lời tuyên xưng của ông. Hôm nay cũng viên đá đó đã cản bước Chúa. Phê-rô, với lối suy nghĩ của con người đã kéo Đức Giê-su ra khỏi con đường mà Chúa Cha muốn. Tất cả những ai cản lối Đức Giê-su thực hiện ý muốn của Cha, đều bị liệt vào hàng ngũ của những kẻ chống đối. Tuy vậy, Đức Giê-su cũng không vì thế mà rút lại lời Ngài đã hứa. Qua việc này, chúng ta nhận ra được một điều là Chúa không dựa vào khả năng chuyên môn hay các tiêu chuẩn đạo đức để chọn Phê-rô và các Đấng kế vị nói riêng và cả chúng ta nữa. Quyền tuyển chọn thuộc về Thiên Chúa, còn trách nhiệm được trao ban là phần phúc của Phê-rô nói riêng và của chúng ta nói chung. Và như thế, một khi chúng ta ra khỏi quĩ đạo của Thiên Chúa thì chúng ta không còn là viên đá sống động; cũng chẳng phải là tảng đá góc tường mà là cục đá cản lối của Người. Sau khi lên án Phê-rô, Chúa liền dậy rằng “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”. “Bỏ mình, vác thập giá mà đi theo Thầy” là những yếu tố cấu tạo ra cuộc sống của người môn đệ. Những điều kiện Chúa Giêsu đề ra cho các môn đệ của Ngài cũng là những điều kiện được đề ra cho chúng ta hôm nay. Những điều kiện này không dễ gì được chấp nhận, vì nó bao gồm đau khổ và tử nạn thập giá. Tuy nhiên, Chúa Giêsu không chỉ loan báo về cuộc khổ nạn mà còn loan báo cuộc phục sinh: “Ngày thứ ba sẽ sống lại”, và lời loan báo đó đã được thực hiện. Đối với Đức Giê-su và những kẻ sống cùng thời với Ngài thì Thập giá không phải là phần thưởng, cũng không phải là vinh quang như tác giả bài thánh ca nào đã sáng tác “Vinh quang của ta là Thánh giá Đức Ki-tô”… Thập giá là biểu hiệu của đau khổ và sự nhục mạ. Và như thế, tại sao Chúa lại mời chúng ta từ bỏ, vác thập giá rồi đi theo Ngài. Có người cha nào vì thương con mà lại mời con cùng chịu đau khổ và cùng đón nhận sự nhục mạ với mình !?!?!? Có một sự thật không thể chối cãi được là thân phận con người gắn liền với đau khổ. Với kinh nghiệm cuộc sống, chúng ta đều nhận biết được rằng một khi chúng ta chấp nhận và đối diện với những khó khăn, bất hạnh và đau khổ thì cuộc sống của chúng ta sẽ nhẹ nhàng hơn. Đức Ki-tô cũng chẳng đến để cất đi những bất hạnh của cuộc đời. Chính Ngài đã dậy chúng ta một bài học thật quí giá là đón nhận bằng cách từ bỏ mình, vác thập giá để biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa, Cha của Người cho chúng ta. Người hành xử khác chúng ta. Qua muôn thế hệ, thời nào cũng vậy. Chúng ta chỉ hành động theo lối suy nghĩ “cuộc sống này là của tôi và tôi chỉ muốn sống cuộc sống này cho tôi”, nghĩa là sống thoải mái, tự do, hưởng thụ, lạc thú. Còn Chúa Giêsu, khi từ bỏ mình, Người muốn nói với chúng ta lời yêu cầu của tình yêu. Và thứ tình yêu đích thực thì hoàn toàn ngược với những gì thế gian đề ra cho chúng ta, đó là “hãy từ bỏ mình”. Yêu là phải từ bỏ mình để sống cho người khác. Không có tình yêu đích thực nếu không có sự từ bỏ. Yêu bao giờ cũng phải trả giá. Nói cho người khác từ bỏ thì rất dễ. Nhưng khi cần đối diện để chọn lựa để từ bỏ thì không dễ chút nào. Chúa Ki-tô đã không mời gọi chúng ta đi vào con đường mà chính Người chưa trải qua. Cả cuộc sống của Người là một cuộc từ bỏ. Ngài cũng đã chiến đấu và chiến thắng chính bản thân mình để vâng lời Ý Cha; như lời Thánh Phao-lô “Ðức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. (Phi-lip-phê 2: 5-8). Còn tôi, tôi đã từ bỏ được gì? Tôi vẫn miệt mài tìm kiếm câu trả lời cho vấn nạn này. Vẫn biết rằng cho đến chết, tôi vẫn và sẽ không thể nào tìm ra được câu trả lời trọn vẹn bằng cuộc sống còn nhiều vương vấn bởi những tục lụy đang bao quanh lấy tôi. Tuy nhiên, không vì thế mà tôi lại lặng yên mà không dám đề ra một vài gương sáng để mời gọi anh chị em chúng mình cùng hành động. Vào ngày thứ tư, 27/8 vừa qua; khi cử hành lễ Thánh Monica, tôi nhớ mang máng một câu thật chí lý mà Ngài đã nói cho những người phụ nữ không được may mắn trong cuộc sống gia đình. Ngài nói: “Nếu bà có thể kiểm soát miệng lưỡi và lời nói của mình, để tránh được cơn nóng giận phi lý của ông chồng; và nếu bà biết rằng việc làm của bà sẽ cảm hóa và đem lại hạnh phúc cho gia đình; thì việc làm đó thật là ý nghĩa và đáng ca tụng.” Từ bỏ là như thế. Đòi hỏi một giá thật đắt: Hy sinh bản thân vì yêu thương người khác. Nghe đến đây các bà, chị sẽ nói tại sao lại là tôi. Tại sao lúc nào cũng đòi buộc tôi phải hy sinh. Câu trả lời đã có trong câu hỏi. Bởi vì, các chị những người phụ nữ trong thiên chức làm mẹ, theo tôi, luôn là dấu chỉ của Tình yêu mà Thiên Chúa ban cho nhân loại. Còn các ông, chúng mình từ bỏ được gì đây? Hy sinh một ly rượu, bớt đi một chầu nhậu, bỏ đi một điếu thuốc vì yêu vợ và thương con, v.v… là những việc làm thật đáng khuyến khích. Cũng có đôi lúc, chúng mình cũng muốn đi tìm mấy cô chân dài để giống người ta; nhưng vì lòng chung thủy và hạnh phúc gia đình mà sẵn lòng gác bỏ tất cả. Căn bản của sự từ bỏ chính mình là phải quyết định xem ai sẽ kiểm soát cuộc đời của mình. Việc từ bỏ mình không giống như việc hãm mình trong mùa chay, từ bỏ ăn kẹo, ăn kem, hút thuốc lá... Những sự hy sinh hãm mình này vẫn tốt, nhưng không phải là sự từ bỏ mà Chúa Giêsu đề cập đến. Điều chính yếu là Ngài muốn chúng ta tin tưởng và phó thác cuộc đời trong bàn tay của Thiên Chúa. Ngài muốn chúng ta chấp nhận sự hướng dẫn và ý định của Ngài cho cuộc đời của chúng ta. Đây mới chính là sự từ bỏ thực sự. Như thế, yêu thực sự, phải trả cái giá phải trả. Hay nói như Tin Mừng hôm nay: “Hãy từ bỏ mình”. Hãy từ bỏ mình như thế để chứng tỏ mình yêu Chúa thật tình. Thưa anh chị em, con đường từ bỏ mình, vác thập giá của mình mà đi theo Chúa Giêsu không dễ dàng. Chúng ta rất giống như người thủ lãnh giàu có, không dám theo Chúa vì không dám từ bỏ những gì mà ông ta có. (Lc 18, 19-23) Yêu Chúa phải theo Chúa trung thành đến tận cùng- đến Núi Sọ và Thập giá. Nếu chúng ta yêu mến Chúa thật lòng, chúng ta cũng phải yêu luôn cả thập giá của Chúa, những thập giá lớn nhỏ đủ cỡ mà Chúa gởi đến hằng ngày cho chúng ta. Chúng ta không thể nào gặp được một Đức Ki-tô thật, nếu không có Thánh Giá. Khi hiện ra với Thomas, Chúa đã không cho ông và các Tông Đồ khác nhìn thấy lỗ đinh và các vết thương của Người hay sao? Tuy nhiên, chân lý này chỉ sáng tỏ sau ngày Phục Sinh. Vì vậy, nếu Chúa Giêsu “ngày thứ ba Ngài sống lại”, thì người Kitô hữu trung thành đi theo Chúa Giêsu trên con đường “từ bỏ mình, vác thập giá và đi theo Thầy”, cũng sẽ có “ngày thứ ba”của mình, ngày phục sinh vinh quang. Con đường thập giá là con đường dài, gồ ghề và đầy bóng tối. Nhưng đó là con đường nhờ đó mà tình yêu đã gặt hái được chiến thắng vĩ đại nhất, chiến thắng trên tội lỗi và sự chết của cả loài người. Chúng ta cùng nhau nguyện xin Chúa cho chúng ta khi tham dự Thánh lễ, biết khám phá mầu nhiệm tình yêu và cứu chuộc của Chúa, đồng thời biết lấy tình yêu đáp trả tình yêu cũng một cách như Chúa, để thập giá dẫn đưa tất cả chúng ta đến vinh quang phục sinh với Ngài. Lm Joe Mai Văn Thịnh CSsR Trung Tâm Hoan Thiện, Melbourne Cuối năm 2014 ... Xin mời đọc tiếp > Download trọn bộ Duc In Altum Số 88 – Quý 4/2014 |
Duc In Altum >