Duc In Altum‎ > ‎

DIA số 118 Qúy 2-2022



HỘI THÁNH HIỆP HÀNH

Lts:

Dưới đây là vài lời của anh Trần Ngọc Báu, lâu nay sng ti Thụy Sĩ, đã trà lời điện thư của ai đó, rất nguyên văn. Sau đây, chúng tôi sẽ bỏ một đoạn mang tính nội bộ ban đầu ra một bên để rồi sẽ đăng thành 1 bài độc lập (để nếu Google có chọn đăng lên mạng thì mọi người sẽ được coi chung) vì đây không chỉ đơn thuần là góp ý mà là những suy nghĩ kèm theo phân tích sâu sắc về hiện trạng Giáo hội Công giáo trước trào lưu thúc bách đổi mới. Xin mạn phép đặt tựa bài này là "Bàn về nhà kháng cách Martin Lutêrô và vấn đề Hội Thánh Hiệp hành” (collégiale)", nếu anh Báu không phản đối.

 

Một số phần phát biểu chưa được chỉnh như lòng mong đợi của người đọc, kính mong Anh Báu cho biết thêm sau. Dù sao, tiểu sử của nhân vật nói ở đây cũng đáng kính nể, đó là nhìn theo mắt của người anh em ở các nơi. Tuy nhiên, có điều nên nhớ  trước năm 1975, anh em các lớp có hoạt động chính trị thời Sinh Viên Công Giáo đang thịnh hành vào lúc ấy, không thấy ai đi sâu vào vấn đề của Giáo Hội cao như anh Trần Ngọc Báu.

 

Minh Sĩ.

                                 ---o0o---                                   

GÓP Ý

 

Thưa các bạn,

Tôi xin chân thành cám ơn các bạn, đặc biệt Già Làng Vũ Sinh Hiên và tổ đình Minh Sĩ, đã mừng tuổi 90 của tôi. Riêng Già Làng đã bỏ công kê khai số mạng của tôi, trong đó có số xuất ngoại không được chỉnh cho lắm. Không sao cả, tất cả đều là hồng ân của Chúa cho tôi được rất nhiều may mắn trong đời, mà quí nhất là tình bạn anh em dành cho tôi.

 

Tiện đây, xin góp “vài lời” nhân đọc bài viết về Lutero do Minh Sĩ gởi.

Trần Ngọc Báu

***

 

                         Vấn đề “Hội Thánh Hiệp hành” (collégiale)

                                    __________________________________Trần Ngọc Báu

                      

Thưa các bạn,

 

Tôi nợ các bạn rất nhiều mà chưa trả. Đúng vậy, gần đây, nhân có bài “tổng hợp bình luận” về nhà kháng cách Martin Lutero (hay Luther) đăng ngày 26.12.2021 trong AF do Minh Sĩ điều hợp, tôi có ý định sẽ góp vài lời về bài này. Vâng, “tôi sẽ” viết vài lời chia sẻ với các bạn thân thương của tôi, nhưng rồi cứ “để đó” chờ khi nào thân tâm thanh thoát hãy hay. Lý do đơn giản là “vài lời thưa gởi” không đủ để giải tỏa một vấn đề dễ tranh cãi, dễ gây chia rẽ, do những thành kiến hay ác cảm lâu đời để lại đối với vị tu sĩ đáng kính này. Theo tôi, ngay từ đầu Luther đáng lẽ phải được lắng nghe, nhưng vì Luther “sinh nhầm thời đại” nên bị loại trừ như một kẻ lạc giáo, phản đạo, đang khi Luther đã hành xử như một người công giáo thuần thành, một nhà tu chiêm nghiệm sâu sắc với Lời Chúa. 

 

LUTHER ĐÃ THẤT BẠI TRONG VIỆC CANH TÂN HỘI THÁNH

 

Quả vậy, Luther đã thất bại trong nỗ lực giúp canh tân Hội Thánh lúc bấy giờ đang trải qua một thời khủng hoảng nặng nề: thiên hẳn về việc điều hành khéo léo “Hội Thánh” hơn là chú tâm sống thánh thiện trong “Hội Thánh”. Bởi vì trong chính bản thân của Hội Thánh đã chứa đựng một nghịch lý vô cùng quái đản: đó là sự dằn co giữa một đàng Hội Thánh là một “hội” (một tổ chức xã hội giữa trần thế) và đàng khác tổ chức đó lại có một thiên chức siêu việt và một bản thể thánh thiện. Chúng ta rất dễ bỏ qua lời Chúa Giêsu đã nói thẳng với Quan Philatô: “Nước tôi không thuộc về thế gian này” (Ga 18:36) và với bà Samaritain “Giờ đã đến và đang đến, là những người thờ phượng chân chính đều phải thờ phượng Cha trong Thần khí và Sự thật….. Bởi Thiên Chúa là thần khí cho nên những người thờ phượng Chúa phải  thờ phượng trong thần khí và sự Thật” (Ga 4,23-24).

 

Lý ra Hội Thánh phải luôn khiêm tốn tự kiểm, hoán cải và canh tân mãi mãi theo đúng tinh thần của Chúa Giêsu Kitô. Thế nhưng, trong Kinh Tin Kính có tuyên xưng: “Tội tin có một Hội Thánh duy nhất, thánh thiện…” Và niềm tin này vô hình chung dẫn dắt đến chỗ xóa nhòa cái nghịch lý quái đản nói trên. Nói cách khác, vì Hội Thánh là “thánh”, người tín hữu PHẢI có trọng trách bảo vệ với bất cứ giá nào cái bản thể duy nhất và thánh thiện của Hội Thánh.

 

Ta biết rằng trong suốt lịch sử của Hội Thánh Chúa, có vô số hành vi, suy nghĩ, sai sót trong chính cơ chế giáo triều, trong hàng giáo sĩ và giáo dân, trong việc quản trị Hội Thánh. Đã xảy ra rất nhiều vụ lạm dụng chức quyền, buôn bán Ơn Chúa (như vụ “mua bán Ân Xá” mà Luther đã tố cáo), tham nhũng, sa đọa, hư hỏng, v.v. Chính Luther đã tố cáo việc buôn thần bán thánh này, khi xác quyết rằng ta được cứu rỗi (hay trở nên công chính) là do sự Công Chính của Chúa ban cho, chớ không phải do công nghiệp của ta. Theo thư Thánh Phaolô gởi tín hữu thành Rôma (Rôma 3: 2): “không ai được trở nên công chính trước mặt Chúa  do đã tuân giữ Lề Luật”, và (Rôma 3,23-24): “tất cả chúng ta đều có tội, đánh mất hào quang Thiên Chúa, nhưng lại được tự động công-chính-hóa bởi Hồng ân cứu chuộc nơi Đức Giêsu Kitô. Chính Thiên Chúa đã rửa sạch tội lỗi của ta nhờ máu Con người đã đổ ra, do bởi Đức Tin của ta nơi Người,...”; cũng như ( Rôma 3: 28):

 

“Quả thực, chúng tôi tin rằng con người được công-chính-hóa bởi Lòng Tin, chớ không hề vì đã biết tuân giữ Lề Luật”. 

 

Xin nhớ cho rằng trước khi dâng lễ, vị chủ tế và cộng đoàn tín hữu đều lớn tiếng  thú nhận: “Tôi thú nhận cùng Thiên Chúa và cùng anh chị em, tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng, lời nói, việc làm, và những điều thiếu sót. Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng…” Không chạy đàng trời nào được cả, tất cả Hội Thánh chỉ được trở nên “thánh” là nhờ niềm tin vào công cuộc cứu độ của Chúa Giêsu Kitô chớ không nhờ bản thân đầy tội lỗi của mình. Hãy tin vào Chúa, và chớ cậy vào sức mình!

 

HỘI THÁNH Ở PHÁP ĐÃ CHỊU VẠCH ÁO CHO NGƯỜI XEM LƯNG

Trong 70 năm qua, ở Pháp đã có tin rò rỉ liên tục về chuyện  “ấu dâm” và “bạo dâm” do các chức sắc trong Giáo Hội Pháp gây ra. Những loại tin cấm kỵ này bị phủ nhận và quyết liệt lên án như một âm mưu phá đạo. Một số nhỏ giáo dân, linh mục tu sĩ và các Giám Mục có biết rõ sự việc tệ hại này, nhưng vẫn giữ im lặng, hay tệ hơn nữa là “giấu nhẹm” sự thật xấu xa này, cho rằng cần phải giữ uy tín cho Hội Thánh và phó thác vào cách điều hành khôn ngoan truyền thống xưa nay của hàng giáo phẩm! Một trong những lý do được trưng ra trong việc điều hành này là quyền “giữ bí mật nơi tòa giải tội”.

 

Đức Tổng Giám Mục Eric de Moulins-Beaufort, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Pháp, đã tuyên bố hôm Thứ Tư 06.10.2021 với Franceinfo rằng “chúng tôi bị buộc bởi luật phải giữ bí mật nơi tòa giải tội và luật này mạnh hơn các luật lệ của nước Cộng Hòa Pháp.” Truyền thông Pháp đã phản ứng dữ dội trước lời công bố này.

                       

MỘT BÁO CÁO GÂY CHẤN ĐỘNG KINH HOÀNG

 

Số là trước đó, Hội Đồng Giám Mục Pháp đã có can đảm chấp nhận đưa ra ánh sáng vụ việc bằng cách cho thành lập một “Ủy Hội độc lập lập (điều nghiên) về những lạm dụng tính dục trong Giáo Hội” (viết tắt theo Pháp ngữ là CIASE), gồm những gương mặt tiêu biểu trong xã hội Pháp do ông Jean-Marc Sauvé cầm đầu. Tổ chức độc lập này đã dầy công nghiên cứu và trình ra vào ngày 05.10.2021 một bảng “báo cáo” công khai gọi tắt là  “Bản báo cáo Sauvé”. Theo bản báo cáo này, kể từ 1950 có 216.000 nạn nhân ở tuổi thiếu thời mà nay đã trưởng thành (tức hiện có 18 tuổi trở lên) đã bị cưỡng bức tính dục bởi các linh mục, phó tế, hoặc tu sĩ. Con số này có thể lên đến 330.000 nếu tính thêm các giáo dân có trách vụ trong Hội Thánh (như giáo lý viên, giám thị giới trẻ, hoặc phụ trách các đoàn thể Công Giáo…)  Thái độ và cách điều hành Hội Thánh của Các Giám Mục bị phê phán là đã dùng uy quyền của mình bao che có hệ thống các tội phạm… 

 

Thực vậy, tổ chức CIASE này đã gây một chấn động kinh hoàng trong hàng ngũ giáo phẩm và giáo dân Công Giáo Pháp. Ông François Devaux, sáng lập Hội La Parole Libérée, đã chỉ trích hàng giáo phẩm Công Giáo  trong buổi họp báo 05.10.2021: “Chính cơ chế Giáo Hội này đang bị lệch lạc, thiếu cân bằng và trở thành rào cản (công lý) để tự vệ” và “các ngài là nỗi tủi nhục cho loài người chúng ta, các ngài đã chà đạp qui luật tự nhiên của Trời Đất là luật bảo vệ sự sống, chà đạp thiên chức làm người, dù rằng các điều ấy chính là phẩm chất thiết yếu trong cơ chế  Hội Thánh của các ngài. Linh mục Bernard Prénat, cựu tuyên úy Hướng Đạo Pháp nói: “Các ngài phải trả lẽ về các tội ác này”.

 

LẮNG NGHE NỖI ẤM ỨC CỦA NGƯỜI, VÀ NHÌN NHẬN LỖI LẦM CỦA MÌNH

 

Từ đâu có trận sóng thần kinh thiên động địa này? Đó là từ Hội Đồng Giám Mục Pháp đã muốn lắng nghe những điều ta thán, những ấm ức, tủi hận dấu kín trong lòng  giáo dân, những cõi lòng tan nát của các nạn nhân bị hãm hại. Thực lòng, Hội Đồng Giám Mục Pháp mong muốn Hội Thánh được hòa mình vào nếp sống và cảm nghĩ thiết thực của trần thế, muốn đồng hành cùng nhân loại, sẵn sàng chấp nhận thân phận lữ hành đang lận đận bước những bước thăng trầm trên đường về Nước Trời và tự hoán cải chính mình. Bởi chính Hội Thánh đã dương cao cây thánh giá, tuyên xưng một tử tội Giêsu chịu đóng đinh là Đấng Cứu Thế. Mà Đức Giêsu chỉ là một thường dân ở Nazarét, chứ không phải một đấng anh hùng hào kiệt lỗi lạc nào, mà đã sẵn sàng chấp nhận bị khổ nạn nhục nhã để hoán cải lòng người, nên Hội Thánh Chúa cũng phải xa lìa mọi vinh quang của trần thế, để thể hiện sứ mạng thiêng liêng của mình. Cố tình dẫm đạp lên công lý để bênh vực cơ chế và uy quyền của mình, đó là phản lại niềm tin nơi Đấng Cứu Thế sinh nơi máng cỏ Bêlem, sống 30 năm ẩn dật với một nghề thủ công ở Nazarét và ba năm bị thử thách nghiêm trọng trong sứ mạng rao giảng niềm tin yêu và tha thứ củaThiên Chúa.

 

HƯỚNG TỚI MỘT GIÁO HỘI HIỆP HÀNH

Vào thời của Luther, chưa có quan niệm về việc quản trị Hội Thánh theo định hướng “hiệp hành” với ý nghĩa là mọi tín hữu đều có quyền và nghĩa vụ phải đồng lao hợp tác trong việc điều hành và thăng tiến Hội thánh. Bởi thời Trung Cổ ở Âu Châu, Hội Thánh đã trở thành một “giáo hội” có cơ cấu tổ chức giống như đế chế La Mã, mà quyền hành tập trung vào một vị giáo chủ, vừa toàn quyền vừa bất khả ngộ (nghĩa là không bao giờ sai lầm). Số là vào triều đại Hoàng Đế Constantin đệ nhất của đế quốc La Mã (282-337) đã có sắc lệnh Milan cho phép có tự do tôn giáo (cách riêng Kitô-Giáo) và thẳng tay bài trừ bè phái ngoại giáo La Mã. Chính Hoàng Đế La Mã này đã đứng ra triệu tập Công Đồng Nicée năm 325 để cố đem lại việc đại kết giữa các phe phái Kytô-giáo lúc bấy giờ. HĐ Constantin thực sự mới theo đạo Chúa vào lúc cuối đời, nhưng triều đại của ông đã đóng góp rất nhiều vào việc xây dựng cơ chế quản trị Hội Thánh theo mô hình đế chế La Mã. Nếu phải thử tạm so sánh quan niệm quản trị theo định hướng “hiệp hành” với chế độ “dân chủ trực tiếp ở Thụy Sĩ”, ta thấy người tín hữu CG lẽ ra cũng có quyền can thiệp trực tiếp vào việc của Hội Thánh cũng như người công dân TS lúc nào cũng có quyền can thiệp trực tiếp vào việc nước.

 

Mới đây, dưới triều đại Giáo Hoàng Phanxicô, ngày 10.10.2021 tại Giáo đô La Mã, Giáo Hội hoàn vũ đã long trọng khai mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục thường kỳ lần thứ XVI (2021-2023) mà chủ đề thảo luận trong suốt tiến trình của Hội đồng là: HƯỚNG TỚI MỘT GIÁO HỘI HIỆP HÀNH:  HIỆP THÔNG, THAM GIA VÀ SỨ VỤ”. Nôm na, ta có thể tóm lược rằng Giáo Hội tức là Cộng đồng Dân Chúa trong đó mọi thành phần đều có quyền tham gia vào sứ vụ dâng lễ, rao giảng và quản trị của Hội thánh trong tinh thần hiệp thông nâng đỡ lẫn nhau. Nói theo lối người Việt Nam ta, thì đó là “đồng lao cộng hưởng” trên những thành bại của cộng đồng.

 

Nhưng liệu Hội Thánh Chúa có chịu nghe theo sự hướng dẫn của Thần Khí Chúa hay không? Liệu Hội Thánh Chúa có dám đấm ngực tuyên xưng “lỗi tại tôi, lỗi tại  tôi, lỗi tại tôi mọi đàng” và chịu hoán cải theo định hướng hiệp hành hay không. Bởi với định hướng hiệp hành này, Hội Thánh Chúa mới mong hoàn thiện dần phương cách điều hành giáo hội theo đúng đường lối của Chúa Giêsu Kitô, tức là cải tổ chính “cơ cấu tội lỗi” của mình (cơ cấu “giáo sĩ trị” do mình dựng nên theo mô hình của trần thế và vô hình chung chà đạp lên nhân quyền và quyền tự do của con cái Chúa trong Hội Thánh Chúa). Hơn nữa, cốt cách điều hành của Hội Thánh căn cứ trên các giáo điều của Hội Thánh, mà các giáo điều này đã trở thành Luật Lệ xiềng xích Giáo Hội, ngăn cản Hội Thánh trở nên “thánh” bằng Niềm Tin nơi Chúa Giêsu và với sức mạnh đổi mới của Thần Khí Chúa. Amen.

 

Trần Ngoc Báu 

Fribourg 07.01.2022

 

 

 

               “THẤT BẠI LÀ MẸ THÀNH CÔNG!”

____________________________________________________________________________________

             Lm Giuse Mai Văn Thịnh, DCCT                                     

Tin Mừng Chúa Nhật hôm rồi thuật lại sinh hoạt của Đức Giêsu tại hội đường Nadarét trong ngày hưu lễ. Đức Giêsu, các môn đệ và bà con trong làng tụ họp với nhau để cử hành việc thờ phượng. Họ hát Thánh ca, nghe sách Thánh và cầu nguyện. Họ đã nghe danh tiếng, những lời giảng dậy và các việc Đức Giêsu làm tại các nơi khác, cho nên ai cũng háo hức và nôn nóng đến nghe Người giảng. 

Sau khi công bố Lời Chúa trong sách ngôn sứ Isaia, tiên báo về vai trò của Đấng Mêsia, Đấng được Thần Khí Thiên Chúa xức dầu tấn phong để trở thành Đức Kitô. Nhiệm vụ của Đấng Thiên Sai là rao giảng Tin Mừng cho người nghèo, loan báo niềm vui được giải thoát cho những ai bị giam cầm, cởi trói cho những ai đang bị gông cùm và đem đến cho con người một nền tự do đích thật. Quan trọng hơn cả là công bố và thiết lập năm hồng ân của Thiên Chúa nơi bản thân và sứ vụ của Người. Đức Giêsu đọc xong thì ngồi xuống và nói cho họ biết rằng những điều mà tai họ vừa nghe đã ứng nghiệm nơi bản thân và sứ vụ của Người. Vắn gọn, rõ ràng và đi thẳng vào trọng tâm của sứ điệp. 

Thái độ và phản ứng của thính giả trong hội đường khiến chúng ta ngạc nhiên. Thoạt đầu họ đều tán thành và khâm phục những lời hồng ân thốt ra từ miệngNgười. Nhưng tại sao mọi người đang từ chỗ tán thành và ca tụng, đột ngột chuyển sang chống đối, rồi mức độ đối kháng tăng dần cho đến độ tất cả “mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ. Họ đứng dậy, lôi … kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực.”

Nguyên do nào khiến cho phản ứng của các thính giả trong hội đuờng ngày hôm đó lại biến chuyển như thế, từ thán phục đến chống đối và có ý định thủ tiêu Người?

Hình như nội dung bài giảng của Đức Giêsu không phải là nguyên nhân tạo nên sự phẫn uất của những người đồng hương. Thật ra, dựa vào trình thuật hôm nay thì chúng ta chưa hề nghe trọn vẹn nội dung bài giảng của Chúa. Người chỉ vừa mở đầu bài giảng bằng câu “hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.”

Quả thật đây là câu then chốt. Giả như Đức Giêsu là một trong các vị tư tế hay có vai trò lãnh đạo trong hội đường thì việc loan báo ứng nghiệm lời Kinh Thánh hôm nay còn có cơ may được họ chấp nhận. Nhưng vị trí của Đức Giêsu trong kinh nghiệm và ý nghĩ của họ không phải như thế! Họ biết quá rõ về gia thế, địa vị và các phần tử trong gia đình của Chúa. Chẳng có gì sáng giá! Bần cùng, nghèo hèn. Tất cả đều rất bình thường. Người chỉ là con bác thợ mộc Giu-se mà họ đều quen biết. Như vậy làm sao họ có thể chấp nhận được việc Người quả quyết là Lời Chúa mà ngôn sứ Isaia đã loan báo lại có thể được thực hiện nơi bản thân Người. 

Từ lối suy nghĩ đó, họ cho Chúa một cơ hội là hãy làm cho họ thấy những gì mà Người đã làm ở các nơi khác. Quả thật, yêu cầu này không phải là điều quá đáng. Nhưng Đức Giêsu đã không chiều theo sở thích của họ. Trái lại, Đức Giêsu mà Thánh Luca đã trình bầy ở đây không phải là một con người dễ dàng bị trói buộc bởi đám đông hay bởi bất cứ một hệ thống nào. Người không lo tìm kiếm sự hỗ trợ và tôn vinh của dân chúng, cũng không vịn vào sự thành công bởi các việc Người làm. Người cũng không làm các phép lạ để tạo sự tín nhiệm và gây thanh thế kéo đám đông về phe mình. Người hoàn toàn tự do để thực hiện ý định mà Thiên Chúa muốn Người thực hiện, cho dù gặp chống đối hay thất bại. 

Số phận của ngôn sứ là thế. Chỉ biết phục vụ Lời. Người nói “không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê quán mình.” Điều này có nghĩa là Người biết ơn gọi của Người là gì, và Người chấp nhận số phận của một ngôn sứ giống như số phận mà các ngôn sứ trong truyền thống đã phải lĩnh nhận. Tuy kết quả là như thế; nhưng không một ngôn sứ nào có thể từ khước nhiệm vụ đã được trao ban ngay khi còn trong lòng thân mẫu; và chính Thiên Chúa không chỉ ở cùng ngôn sứ, mà còn là thành trì bảo vệ ngôn sứ để chiến thắng kẻ thù, như trong trường hợp của ngôn sứ Giêrêmia mà bài đọc một đã mô tả.

Như vậy, qua việc loan báo ơn gọi ngôn sứ và chấp nhận sự từ khước của dân chúng, Đức Giêsu đã cho chúng ta thấy mục tiêu cuộc sống của Người là làm đẹp lòng Thiên Chúa. Vì thế, thay vì làm cho họ được hài lòng thì Đức Giêsu lại làm khác. Người trích dẫn và nhấn mạnh đến sứ mạng mà các ngôn sứ như Êlia và Êlisa đã thực hiện tại Sidon và Xyria, là các vùng của dân ngoại. Mục tiêu mà Đức Giêsu trích dẫn hai vị ngôn sứ này là muốn cho những người đồng hương biết rằng Người không đến để thực hiện và ban phát hồng ân cho riêng họ mà thôi. Người còn có trách nhiệm đem tin vui, loan báo Năm Hồng Ân cho những con chiên lạc của nhà Is-ra-en nữa. Thật tuyệt diệu khi chúng ta nhận ra ý tưởng truyền giáo và đem Tin Mừng ra khỏi biên cương Do Thái giáo được đề cập một cách thật khéo léo ở đây. 

Sự sai lầm của những người thuộc làng Nadarét khi xưa có thể là sai lầm của chúng ta hôm nay. Chúng ta nhiều lần vịn vào tư cách như đã được rửa tội, đã sống đạo lâu năm, đã  góp công góp của xây dựng cơ sở Giáo Hội, gia đình mình có nhiều con cháu là tu sĩ, làm linh mục, v.v… rồi buộc Chúa phải trả công bội hâụ. Thiên Chúa không phải là ông chủ ngân hàng, để rồi chúng ta gửi vào đó những công việc để sinh lời rồi sau này buộc ông chủ phải trả lại cả vốn lẫn lời cho chúng ta. Những suy nghĩ đó phát sinh từ việc chúng ta quên rằng tất cả đều là hồng ân.

Và Thiên Chúa hoàn toàn tự do ban phát các ân huệ cho chúng ta, ngay từ khi chúng ta chưa thuộc về Ngài. Trước sự giầu sang và đại lượng của Thiên Chúa, chúng ta mãi mãi là những người nghèo, thiếu thốn và luôn luôn cần đến sự quan tâm và yêu thương của Ngài. 

Bài học và hành động từ chối đón nhận Chúa của dân làng Nadarét khi xưa luôn là lời cảnh giác cho mỗi người chúng ta hôm nay. Chúng ta không được phép bắt Người phải quan tâm và dành cho chúng ta một sự chiếu cố đặc biệt.

Tuy nhiên, chính sự từ khước của dân làng Nadarét khi xưa không làm Chúa buồn, trái lại Người coi đó như là dấu chỉ dẫn Đức Giêsu nhận ra con đường của Người. Một con đường chông gai, đầy sỏi đá… cuối cùng bị khước từ và chết tủi nhục trên Thập Giá để cứu độ con người. Nhưng đó lại là một con đường tình mà Thiên Chúa đã dọn cho Người, để Người tự do thực hiện Lời Người đã phán: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ.” 

Tất cả đều được xuất phát từ lòng mến, đó là ơn cao trọng nhất và cũng là con đường hoàn hảo nhất mà Thánh Phao-lô trong bài đọc thứ hai hôm nay nhấn mạnh. Theo Thánh nhân thì cái lợi duy nhất mà con người cần đạt được là ở lại trong lòng mến của Thiên Chúa. Đó chính là thước đo, là nến tảng của mọi công việc của chúng ta trong cuộc sống chứng nhân. 

Cái khác biệt giữa lời của ngôn sứ với tất cả lời của bất cứ bậc hiền triết hay các nhà thông thái và khôn ngoan nào đó, chính là trong Lời của ngôn sứ có chứa đựng và truyền tải một sức mạnh yêu thương dẫn chúng ta đến Chúa, nguồn ơn cứu độ. Đó là điều mà Đức Giêsu đã thực hiện tại Na-da-rét và Người muốn mọi tín hữu hãy lập lại những gì mà chúng ta lĩnh nhận hôm nay để cho dù có gặp khó khăn hay bị từ khước chúng ta vẫn hiên ngang chu toàn ơn gọi ngôn sứ của mình, vì chính Chúa là thành trì bảo vệ và giúp ta chiến thắng mọi nghịch cảnh làm chúng ta đi ngược lại Ý muốn của Chúa.

 

Lm Giuse Mai Văn Thịnh

            25/01/2022


>> Download trọn bộ Duc In Altum Số 118 – Quý 2/2022

Ċ
DIA118.pdf
(1049k)
VN Enterprise,
Apr 21, 2022, 3:23 AM
Comments