Duc In Altum‎ > ‎

DIA số 113 Qúy 1-2021


Đầm Mình Trong Vũng Tội

 LTS- Khởi từ số này, DIA sẽ đăng tải loạt bài thần học do Gm. John Shelby Spong biên soạn và Mai Tá lược dịch có tựa đề là “Đầm Mình Trong Vũng Tội ư?” Mong quí độc giả hoan hỉ đón nhận. 

                

Lời Tựa 

Nhiều người lại cứ nghĩ: chuyện tình dục xảy ra trong đời người, hãy để ra một bên, mặc dù hoặc vì lý do cho rằng: tình-dục ở con người sẽ thẩm thấu ngập tràn cuộc sống tạo ảnh hưởng lên hành-vi con người dù tốt/xấu. Tình dục, có lúc được coi là quà tặng to lớn dành cho con người, đồng thời lại cũng là điều bí-ẩn không kém quan-trọng trong cuộc sống của ta. 

 Gọi là quà tặng, theo nghĩa niềm vui thú có một không hai với mọi người. Thêm vào đó, nó còn có nghĩa như điều bí ẩn ở khả-năng tiềm-tàng hủy-hoại con người và cả đến tương-quan giao-dịch của ta nữa. Bởi thế nên, cũng không lạ khi thấy tình dục là một trong các khía-cạnh khó nhất ở đời người có khả-năng thâm-nhập cách đặc biệt vào Đạo nữa.

 Quí vị đang cầm trên tay cuốn sách của Gm John Shelby Spong đậm những nét đặc-trưng/đặc-thù vốn khai-thác một cách thẳng thắn, xua tan mọi bí-ẩn bao trùm các đoạn Sách thánh kết nối vai trò của phái-tính cũng như húy kỵ chống lại tình dục. 

 Sự việc các học giả cứ mải tranh-cãi về những tương-đồng hoặc khác-biệt giữa phái-tính được người viết hôm nay đây tìm hiểu bằng nhãn-giới của thành-viên hệ-cấp Kitô-giáo lớn ở phương Tây. Độc giả ở đây, phải công-nhận rằng nét đan xen khiến tác-giả biện-luận về đạo-giáo với khoa-học là chuyện ít khi thấy, cả vào thời-đại tân-kỳ này nữa.

 Bằng việc nối kết các nhận-thức về Đạo dựa trên niềm tin cộng với hiểu biết khoa-học đặt nặng lên thực-tại, Gm John Spong quyết tạo niềm hy-vọng gửi đến nhiều người xưa nay từng nghĩ: tư-duy nào dựa trên lý-trí không được tôn-giáo lớn hoan-nghênh, vui thích.

 Một giáo-sĩ can đảm lại ưa tranh-luận, đã chọn đề-tài này đưa lên bục giảng để mọi người hiểu rõ hơn. Người đọc, hôm nay cũng được chọn để tác giả nhắn bảo rằng: ta hãy thông qua mọi giả-định và sự phi-lý ở nhiều chương/đoạn Kinh/Sách, thay vào đó, hãy căn cứ phần chú-giải nền-tảng hầu đưa dẫn người đọc đi vào thế ít thiên-vị, sợ hãi và chán ngán.

 Gm John Spong trước nhất là tín-hữu hăng say tin vào sự thật, một tín-hữu đầy sủng-mộ lại cũng là vị giám-mục có đầu óc cởi mở. Truyền thống Đạo Chúa cũng như Do-thái-giáo, ắt có nhiều giáo-sĩ cũng từng có tầm nhìn tương-tự như các nhà thần-học tu-đức đầy tâm-tư cảm-tức, nhưng Gm John Spong  lại đã công-khai phát-biểu rõ ràng tầm nhìn này. Ông đưa ra tầm nhìn thay thế đầy sức thuyết-phục vào thời buổi khó khăn, hôm nay.

 Ông là tín-hữu có chỗ đứng, ngang qua tư-cách chứng-nhân lịch-sử cho tình thương trong Đạo lẫn lòng vị tha nơi con người. Ông cũng tin cả đến các yếu-tố can-dự vào cuộc cách mạng sinh-lý, đi từ những sự-kiện còn tiếp-tục diễn-tiến coi như hậu quả từ những tiến-bộ của khoa-học và như thế chắc chắn sẽ khơi dậy một tranh-luận đáng kể giữa các nhà lãnh-đạo tôn-giáo và các bậc thày trong Đạo. Nhưng ai có tính nghi-hoặc có thể sẽ bảo rằng: ông đã thất-bại vì đồng thời không tán-thành qui-luật xoàng xĩnh.

 Đầm Mình Trong Vũng Tội ư? Đề-cập đến một số vấn-đề sống còn vốn dĩ để tâm đến sự trưởng-thành của tôn-giáo lớn sống trong một xã-hội vốn cứ coi tình-dục như thứ gì đó lẽ đáng ra phải được che đậy. Dù đầu đề ở đây có thể tạo ra một số ý-niệm có sẵn, đặc-biệt đối với những người mà sách này chủ-tâm nói với, tức: những kẻ tin. Tôn-giáo lớn hôm nay đang ở vào thời buổi phải đương đầu với chuyện tình-dục vào những năm vừa qua.

 Sự việc đang diễn tiến ở đây, hôm nay, có thể gọi là sự hỗn-hợp giữa tư-tưởng theo giáo-điều và các tư-thế phản chống. Sự việc đây, được nhiều người bàn-luận về cơ-cấu tổ chức của gia-đình và trách-nhiệm của mỗi cá-nhân đang tùy-thuộc vào nhau trên một hệ-thống niềm tin không thay đổi về sứ-vụ mang tính sinh-lý của ta trên trái đất.

 Bằng vào chuẩn-mực dành cho những người này, chúng ta phải phát-triển một cách hữu-hiệu, không đổi thay. Làm ngược lại, tức đã kình chống cả đến luật-lệ thiên-nhiên lẫn luật thánh. Chẳng thế mà ta không lạ gì khi thấy rằng những người từng duy-trì niềm tin-tưởng như thế luôn tỏ ra cứng ngắc rất giáo-điều về các lề-thói mới mẻ về tình-dục.

 Tuy nhiên, mối lo sợ về các lề-thói dục-tình luôn luôn theo sau động-thái chẳng biết gì cả và còn có ý-niệm sai trái nữa. Thế cho nên, đơn-giản là vì chúng ta không có thì giờ để tiếp-cận vấn-đề nền-tảng này và luôn thấy hãi sợ dựa trên sự ngu si dốt nát đối với các tín-điều đã lỗi thời.

 Khái-niệm cứng-ngắc đối với tình-dục con người đã thấm-nhập vào các chuyện hoang-đường/thần-thoại vốn tha-hóa và xúc-phạm nhiều người. Có lẽ đó là lý do tại sao các tôn-giáo lớn trên thế-giới, vốn mang trong mình niềm tin sai quấy, có trước thời đại khoa-học về chuyện tự-nhiên, lại khó khăn dữ dội đối với khoa-học-gia.

 Là cột chỉ đường cho cuộc sống, tôn-giáo không thể coi thường bài học của thiên-nhiên: tính đa-dạng của nó là sự sáng-tạo từ Thiên-Chúa ở mức-độ cao cả nhất.

 Bí-ẩn của sự sống là ở chỗ tự bản chất chúng ta đã ra khác hẳn trong khi từ bên ngoài, ta lại cứ tìm cách giữ nguyên tình-trạng tương-đồng với mỗi người. Các kỳ-công trong việc vận-dụng mầm giống, thay đổi hành-vi và giải-thích nền-tảng của chất hóc-môn để xâm lấn và thích-thú dục-tình đang mở ra trước mắt chúng ta và không còn nghi-ngờ gì nữa, chắc chắn sẽ đe-dọa niềm tin của ta thôi.

 Giả như ta coi các kỳ-công này là của Thiên Chúa, chứ không phải của ta, ban cho ta như quà tặng để giúp ta sống chung với nhau, thì ta sẽ có khả-năng nhận ra rằng khoa-học có thể đóng góp rất nhiều cho tôn-giáo. Tôn-giáo không có bổn-phận phải lên án con người hoặc dùng vũ-lực làm thay đổi kết quả tiến-trình của thiên-nhiên được. Ta phải thay đổi cung cách tư-duy về con người và tình-dục. Sách của tác-giả này sẽ đem đến cho người đọc một cơ-hội để đổi-thay. Đây, là một dẫn-nhập đi vào thời đại mới.

 Xưa nay vẫn có và sẽ còn có mãi thái-độ đạo-đức-giả nơi tôn-giáo (chí ít là các thể chế tôn-giáo lớn), nhưng với tôn giáo, sẽ còn là vấn-đề lớn hơn nếu họ coi thường chuyện này. Giả như tôn-giáo nào đặt nền-tảng vào niềm tin luôn được sự tin tưởng cũ xưa hoặc thần-bí nuôi dưỡng vốn dĩ lo âu, xung khắc với bằng-chứng của khoa-học, thì các vấn-đề trong xã-hội sẽ trở nên tồi tệ hơn. Sẽ có nhiều tín-hữu cứ thế lạc đường và sự chia rẽ cứ thế mở rộng.

 Sự thể là, những gì phi-lý liên-kết với tâm-trạng “cám dỗ” của mỗi cá-nhân con người, việc nhạo báng/kết án lề lối xử-sự của giới trẻ về tình-dục nảy sinh từ tuổi dậy thì và sự chia cách người đồng tính luyến ái mới chỉ là một số ví dụ lẻ tẻ về tính đạo-đức-giả nơi người Đạo Chúa, dựa trên mối lo âu sợ sệt đứng đằng sau các chương/đoạn Sách thánh và thần-bí.

 Khía cạnh độc-đáo/duy-nhất nơi phương-án tư-tưởng và hành-động của Gm John Spong là ở chỗ: nó đang giáp mặt với đạo-đức-giả và sự ngu dốt về quan-điểm dục tình vẫn đang tiến về phía trước. Đây không là công-tác dễ dàng và thoải mái thực hiện cả đâu, nhưng chắc chắn sẽ là công việc cần thiết hàng đầu ở thời-đại này. Nó sẽ làm giảm bớt đi mối lo-âu sợ sệt nơi người đọc và chắc chắn người viết cũng không muốn dấy lên động-thái sửng-sốt, thất-kinh chút nào hết.

 

Robert G. Lahita, M.D., Ph.D. Phó Giáo sư Đại học Y-khoa Cornell New York City.

                                                

YÊU LÀ THẾ ĐẤY!

 Lm Giuse Mai Văn Thịnh, DCCT

 

Như chúng ta vẫn thuờng biết, bất cứ một tổ chức hay một cơ cấu nào; nếu muốn tồn tại đều cần có những qui định để bảo vệ các sinh hoạt và duy trì sự phát triển của nó. Chúng ta thường gọi đó là Lề luật. Ngày xưa, qua ông Maisen, Chúa đã ban cho dân Do Thái các giới răn của Ngài. Từ những giới răn này, người Do Thái thường bàn bạc với nhau để tìm hiểu xem điều luật nào lớn và quan trọng nhất. Hôm nay, họ đến chất vấn Đức Giêsu. Và, Người đã nối kết hai điều luật lại với thành một. Ngài dạy họ và chúng ta rằng: mến Chúa và yêu người là trọng tâm của cuộc sống.

Để minh họa điều này, chúng ta cùng nhau nghe một câu chuyện; truyện ấy như sau: Vào các thế kỷ đầu, ai muốn đi tu thì phải vào rừng vắng, sống hãm mình và chịu nhiều gian khổ để tôi luyện bản thân cho thành toàn. Vào một dịp tĩnh tâm hàng năm, cha Bề trên dẫn các thầy dòng của mình đi vào hoang địa để ăn chay, hãm mình, và mỗi người được chỉ định ở một lều riêng biệt cho dễ cầu nguyện. Đến giữa tuần, có một số thầy từ các tu viện khác đến thăm cha Bề trên. Để nói lên tấm lòng hiếu khách, cha đã nấu cho các vị một chút gì ăn cho bớt đói; và, cũng vì lịch sự, ngài đã cùng dùng bữa với ho. Trong khi đó, các thầy cùng dòng với cha bề trên, tuy có thể đang giữ chay, nhưng lòng lại không giữ. Vì thế, khi nhìn thấy khói bốc lên từ lều của cha Bề trên, các thầy có ý nghĩ là Bề trên của mình đã phá chay, nên ùn ùn kéo nhau đến để chất vấn!

Thấy các thầy dòng, nhất là qua thái độ và sắc mặt của họ, cha Bề trên nhìn thấu tâm trạng của họ, bèn ôn tồn hỏi: “Anh em đến đây thăm tôi hay là bắt lỗi tôi, tại sao các thầy cứ nhìn tôi trừng trừng như thế?” Họ trả lời: “Thưa cha, cha đã phạm luật giữ chay mà chúng ta tình nguyện tuân giữ.” Cha từ tốn nhìn các thầy rồi đáp: “Đúng là tôi đã vi phạm luật giữ chay. Tôi không giữ lề luật của chúng ta đã đặt ra, nhưng khi chia sẻ thức ăn với các thầy bạn thuộc tu viện khác, tôi đã sống luật của Thiên Chúa. Các thầy không nghĩ là Đức Yêsu cũng đã làm như vậy sao? Hỡi các thầy, đừng vịn vào lề luật để bắt bẻ hay làm khó nhau. Các thầy còn nhớ đến lời Chúa dậy: có hai giới răn quan trọng, chứ không phải chỉ có một mà thôi đâu. Chúng ta phải yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn và yêu nhau như chính mình. Chúng ta không vào đây để trốn thế gian và sống một mình với Chúa. Nhưng chúng ta đến đây tìm Chúa và yêu thương nhau trong Chúa.”

Giống như các thầy dòng nọ, có lẽ chúng ta chỉ biết yêu mến Chúa qua việc chu toàn lề luật, siêng năng tham dự thánh lễ, ăn chay, kiêng thịt, đọc kinh cầu nguyện, hành hương để huởng ơn “toàn xá” và các công việc đạo đức khác mà quên mất đi việc làm để biểu lộ của Tình yêu. Chúng ta không thể nói yêu Chúa mà quên đi việc quan tâm, lo lắng và giúp đỡ nhau. Việc làm của chúng ta cho nhau là một bằng chứng hùng hồn của Tình Yêu mà chúng ta đạng lĩnh nhận.

Chúa dạy chúng ta hãy yêu mến Chúa và tha nhân. Yêu Chúa như Chúa yêu người không phải là việc dễ dàng. Tuy nhiên, yêu tha nhân còn khó hơn bội phần. Vì, làm sao chúng ta có thể yêu được con người với đủ mọi khuyết điểm; và đôi khi họ còn được coi như những người trái ý và không cùng phe với chúng ta.

Lời Chúa trong Tin Mừng hôm nay mời chúng ta đặt lại vấn đề căn bản: Đạo Công giáo là đạo gì? Đạo Công giáo không chỉ gồm tóm những điều khoản phải giữ; nhưng đó là đạo Tình Yêu, đó là con đường yêu thương. Đây không chỉ là bài học của Chúa hôm nay, nhưng chính là con đuờng Chúa đã đi qua.Vì thế, cách sống đạo của chúng ta không chỉ dựa vào chuyện đọc kinh ê a, dài dòng, hoặc tổ chức các chuyến hành hương, tụ họp biểu dương niềm tin tôn giáo; nhưng còn phải và nhất là: Hãy yêu nhau.

Kính thưa quí ông bà và anh chị em,

Nhiều người đã nói và bàn về chữ yêu. Nhưng, nếu chỉ bàn bạc và giải thích về chữ đó mà thôi, thì dù cho lời bàn của ta có hay đến độ nào đi nữa kết cuộc cũng chẳng đi đến đâu. Bởi vì, yêu không phải là việc để noí hay bàn bạc. Nhưng, yêu để sống và sống để yêu. 

Tôi đuợc nghe nhiều bạn trẻ chia sẻ kinh nghiệm khi họ còn là người tình của nhau. Các bạn vẫn có thói quen tìm đến nhau. Ngày nào không gặp mặt thì lòng cảm thấy bâng khuâng, nhung nhớ. Bức xúc vì nhớ nhung. Bạn không thể ngồi đó mà chờ cơ hội. Nhưng, phải ra đi để tìm đến nhau, chiều chuộng và trao ban cho nhau những gì trân quý nhất. Các việc làm đó nói lên điều gì? Phải chăng, đó là hành động thể hiện việc họ yêu nhau.

Nói cho cùng, không thể bảo rằng mình đang yêu nếu đối tượng mình yêu không thật sự hiện hữu. Một khi đối tượng biến dạng, thì tình yêu cũng tan biến. Vì thế, tình yêu cần được diễn tả bằng việc làm.

Sự hiện hữu của đối tượng cũng mang nhiều mức độ khác nhau. Những sự kiện thực tế ta gặp cũng có thể dùng để minh hoạ đâu là sự hiện hữu đích thực để chúng ta trao đổi tình yêu. Anh chị em cứ nghiệm lại trong hành trình cuộc sống, chúng ta sẽ thấy rất rõ. Có nhiều người chúng ta gặp mà không dám nhìn vào mặt, như các chủ nợ hay những người mà chúng ta coi họ như kẻ thù; lại có một số người khác, khi gặp chúng ta chỉ chào hỏi qua loa cho xong bổn phận; lại có những người, khi gặp họ thì lòng chúng ta hân hoan, miệng hỏi đủ thứ chuyện, tay bắt, mặt mừng và không muốn rời xa nhau… 

Như vậy, đâu là sự hiện hữu đích thực mà chúng ta cần tìm kiếm? Và họ là ai? Đây là những câu hỏi vô cùng khó khăn mà chúng ta cần trả lời, không bằng chữ viết nhưng bằng các hành vi trong cuộc sống. Thật ra trong khi tìm kiếm đối tuợng để yêu thương, chúng ta lại trở về vấn nạn căn bản là ‘động lực nào thúc đẩy chúng ta yêu nhau’. Chính Tình yêu của Thiên Chúa là nguồn động lực duy nhất thúc đẩy tôi ra đi. Không ‘yêu Chúa’ thì cho dù có yêu nhau đến mức độ nào thì thứ tình yêu đó cũng khó bền vững. Chỉ ở trong Chúa và với Chúa thì tình yêu của chúng ta mới đi đến chỗ thành toàn và viên mãn. 

Vì thế, thay vì đi tìm câu trả lời của vấn nạn đâu là giới răn quan trọng nhất thì chúng ta hãy chìm đắm trong Tình Yêu của Chúa, rồi tự khắc chính Tình Yêu đó sẽ thúc đẩy chúng ta buớc ra khỏi tháp ngà và các tiện nghi của cuộc sống để ra đi mà chia sẻ cho tha nhân, đặc biệt cho những ai không đuợc bảo vệ, như đã đuợc đề cập trong bài đọc một, họ là ‘các người di dân, góa bụa và trẻ mồ côi’. 

Tại sao họ lại đuợc Chúa nhắc nhở một cách đặc biệt như thế? Bởi vì, trong một bối cảnh mà các mối liên hệ trong gia đình, dòng tộc và giống nòi đuợc coi là nền tảng để bảo vệ con người, mà những người trong các nhóm này lại mất đi yếu tố an toàn bảo vệ họ; như vậy nguy cơ bị đối xử tàn bạo và bóc lột dễ xẩy ra. Vì thế, Chúa mới yêu cầu chúng ta quan tâm đến họ nhiều hơn. Tuy vậy, họ vẫn chỉ là những hình ảnh tiêu biểu đuợc nhắc nhở trong bối cảnh của thời đó. Thật ra, Thiên Chúa và tha nhân không còn là đối tượng xa vời tầm tay vươn tới của chúng ta. Ngài đã nhập thể mang thân phận con người. Ngài là anh, là chị, là tôi; những người thân quen trong gia đình, xóm giáo, các nhóm cầu nguyện và đặc biệt hơn nữa, Ngài còn hiện diện nơi những người bị bỏ rơi ở ngoài đường hay gầm cầu và phố chợ.

Yêu mến “hết” lòng và “hết” trí khôn là cho đi tất cả, dâng hiến mọi sự. Trong ngôn ngữ của người Do Thái, các chữ “lòng”, “linh hồn” và “trí khôn” có nghĩa toàn bộ con người. Do đó, giới răn hôm nay có nghĩa là: “Hãy yêu mến Thiên Chúa và thương yêu nhau bằng tất cả con người mình, cho đi tất cả con người mình, dâng hiến toàn bộ con người mình.” Nghĩa là, trong Tình yêu thì không còn sự chia cách, không còn phân biệt giữa người này với người khác. Tất cả đều được hoà hợp trong Tình Yêu, nơi đó không còn biên giới, không còn hận thù, không còn tỵ hiềm hay chia rẽ; mà chỉ có hiệp thông, tha thứ và bình an. 

Cầu xin cho nhau đạt đuợc uớc nguyện đó. 

 

Lm Giuse Mai Văn Thịnh

19/10/2020




Ċ
DIA113.pdf
(1623k)
VN Enterprise,
Jan 4, 2021, 10:01 PM
Comments