Duc In Altum‎ > ‎

DIA Số 100 – Quý 4/2017




25 năm lặng lẽ với

Ra Khơi

*

Nói “lặng lẽ”, là vì Nội san của anh em trong Gia Đình An Phong cứ “âm thầm” phát-hành đều-đặn suốt 25 năm. Âm-thầm/lặng lẽ, là bởi kinh-nghiệm làm báo của anh em rất có giới hạn, chỉ phổ-biến nhóm nhỏ An-Phong, thôi.

Nhưng, nhìn vào con số 100 gọn gàng trên trang đầu Nội-san kỳ này, ai cũng phải giật mình về thời-gian tồn-tại và số lượng nhân-bản. 100 bản in trên giấy vẫn lẳng lặng ra mắt người đọc, trong/ngoài nhóm. 100 bản không nói được nhiều, nhưng vẫn là chứng-tá cho hành-trình kéo dài những 25 năm.

Thật vậy, 25 năm rong ruổi làm nhân-chứng cho tình An Phong yêu dấu, cũng không phải là chuyện nhỏ. Nhỏ/to, dễ hay khó cũng tuỳ góc độ từ phía người nhìn mà thôi.

Nói dông nói dài chi bằng nói thật. Thật ra, người viết chỉ muốn thay mặt bạn bè người thân trong “Gia đình An Phong” xin có đôi lời xưng thú vẫn bảo rằng: chuyện không có gì mà ầm ỹ! Chỉ là, bạn và tôi ta cứ âm thầm/lặng lẽ mà đi ắt rồi sẽ tới, cũng hài lòng không ít. Và, đó là tâm-trạng của tôi và của bạn, hôm nay ở xứ sở không có gì đặc biệt. Vẫn cứ 24 tiếng một ngày, 7 ngày một tuần lặng lẽ sống.

“Lặng lẽ” sống, nay là niềm tự hào của tôi và một số bạn tuy không nhiều, nhưng cuối cùng vẫn qua được những gì còn thiếu thốn: thiếu khả-năng, thiếu thì giờ và bạc tiền, đến gì gì cũng thiếu. Nhưng cuối cùng thì, cũng qua được.

Ở đây, bạn và tôi phải nói lên sự thật về hiện-trạng Duc in Altum tồn tại được đến hôm nay sau 25 năm lẳng lặng ra báo, là nhờ vào sự đóng góp/hợp tác của rất nhiều người. Có những người, vẫn cứ viết và lách không mệt mỏi. Có người lại đã ra đi về miền miên-viễn. Có bạn lại quyết tâm “Ai sao tôi vậy Ai tầm bậy, tôi biến mất”. Và, đó cũng là chuyện có thật của bạn viết đồng thời còn là bạn đọc báo An Phong có tên là Hoài Mỹ, hiện ở Hoa kỳ kỳ.

Vừa mới đây, bần đạo bầy tôi đây đọc được bài viết rất “bốc thơm” của Hoài Mỹ, một cây viết “không mệt mỏi” của báo đạo lẫn “báo đời” ở khắp nơi, từ Na-Uy đến Hoa Kỳ, trước đó còn có cả chiều dài lịch-sử rất “Tuổi Hoa”, nữa. Nhưng thôi, anh em bạn bè mình lại cứ “bốc thơm” nhau mãi cũng không tiện. Nay, xin thưa cùng độc giả là: mình tính sao đây, sau số 100 này? Đình bản hay cứ thế viết, cho đến chết? Hỏi, tức đã trả lời phần nào rồi, dù câu kéo không ra sao, ai cũng biết.

Hỏi ở đây, chỉ như một khích-lệ/đề nghị, để rồi bạn và tôi, ta cứ thế tiếp tục con đường đã chọn lựa một  “nghiệp-chướng” hay công việc rất đáng chán, chẳng thích thú gì.

Dài dòng như trên, là cố tật của bần đạo nay muốn nói lên một lời nghe rất quen là: “Con cá nó sống vì nước, Duc in Altum vẫn cần được tiếp hơi để sống, chí ít cũng phải đến mươi năm nữa.

Còn nhớ, có lần thằng cháu đích-tôn chạy đến với “Ông nội” của cháu mà bảo rằng: “Con chỉ muốn bỏ giờ ra ở với ông nội nhiều hơn nữa, trước khi ông về chầu Chúa, thế thôi!” Sự thật, chỉ bé nhỏ như thế. Dù chỉ năm, mười năm nữa, rồi thì ông nội/ông ngoại cũng ra đi về chốn vĩnh-hằng lấy bốn bể làm nhà. Lấy quê trời làm chốn sống rất miên-trường, thôi.

Nay, trước khi tiếp tục ghi thêm đôi ba ý-tưởng nhỏ, bần đạo lại xin phép bầu bạn cho thêm ít thời-gian nữa để viết. Viết hoài, viết mãi không ngưng nghỉ.

Lại cũng nhớ, vào năm 1992, khi nhóm Gia Đình An Phong xuất hiện ở Sydney, Úc có người anh em đã đề nghị với tay viết thân quen từ thời đệ tử một ý-nghĩ vỏn vẹn, rằng: “Hay, ta thử ra một tờ báo nhỏ lấy tên là “Ra Khơi” hoặc “Duc in Altum”, tức tên “cúng cơm” của đệ-tử-viện An Phong, hồi ở Vũng Tàu.

Nghe câu đề-nghị thấy cũng dễ, hai anh-em còn trẻ tuổi đã miệt mài ngồi gõ máy, rồi in ấn, đóng gáy bỏ vào phong bì dán tem và phát tán gửi đi khắp nơi, từ Pháp quốc, Na-Uy đến Hoa-kỳ, Nouvelle Calédonie và gì gì nữa, cũng không ngại.

Nội dung bài viết bao giờ cũng tuỳ tâm/tuỳ hỷ. Nghĩ gì viết nấy. Nhất nhất đều là cảm-nghiệm riêng tư, đột-xuất, ai cũng trân-trọng. Về hình thức, lúc đầu còn vẽ voi đôi ba cảnh trí, với hình hài khá lôi thôi, lập thể, và lập dị. Mãi về sau, phần lớn tranh hoặc ảnh đều dựa vào các hình chụp thực tế, đen trắng cũng có, màu mè cũng đầy đủ, rất không thiếu.

Kịp đến khi phong-tráo cách-mạng điện-tử/vi-tính nổi lên, anh em ta lại bảo nhau ta làm hai hình thức cho đỡ cực. Thật tình, vì số độc giả cao niên ít có khả năng và thì giờ để tiếp cận màn ảnh nhỏ, nên bổn báo vẫn cứ phải in trên giấy, có lúc nhân lên đến ba chục bản, đều đặn phục vụ hết mọi người.

Nay, ngồi nhìn lại quá-trình làm “báo đời” và “báo hại”, anh em trong nhóm chủ-trương thấy được sự thể là: nếu không có sự giúp sức của Ơn Trên, chắc cũng chẳng có được kết quả như ngày hôm nay. Dù rằng, kết quả ấy cũng chẳng nhiều nhặn gì.

Vậy thì, nhân sự việc ra mắt số đặc biệt “100”, đề nghị bạn/đề-nghị tôi, cả nhà làm báo lẫn người đọc, ta cứ thế cảm tạ Ơn Trên đã cho mình có được bàn đạp tốt đẹp mà tiến tới trong công-tác thực-hiện Nội-San Liên Lạc Duc In Altum để giữ lại mối chân-tình rất An Phong.

Nói thế rồi, nay đề nghị bầu bạn độc giả và nhóm chủ-trương câu nói để đời của anh em trong Dòng là: Hãy cứ thế mà cứu thế!


Dân Gầy- Viết tại Sydney

Những ngày cuối Xuân ở Úc năm 2017 


Ċ
VN Enterprise,
Dec 10, 2017, 4:57 PM
Comments