Duc In Altum‎ > ‎

Bản Tin RA Khơi Số 4 - Mùa Hè 8/2011


Sống Đức Tin:

    Khó Mà Cũng ... Dễ!    

 

Chưa kịp được học Thần Học thì tôi đã cảm nhận được tiếng Chúa văng vẳng trong tâm hồn: Tu trì không phải là con đường dành cho tôi; Ngài như muốn đặt tôi ở “mặt trận Sống Đạo Giữa Đời”. Xách va-li ra về, tuy lòng tôi rất bình an đúng như lời chúc lành của cha Giám Đốc, nhưng trái tim thì vẫn nặng trĩu niềm luyến tiếc 11 năm tập tềnh… tu đức.

“Xuất” rồi, tôi lại mê đọc tiểu thuyết hơn sách Đạo chứ nói gì tới loại Thần Học vốn khô hơn củi sa mạc. Nay muốn trích dẫn câu nào “có mùi đạo đức” một chút, tôi cũng không thể xác minh được câu đó của Thánh Sử nào, đoạn thứ mấy, câu bao nhiêu, trích từ Cựu Ước hay Tân Ước. Chẳng hạn nhiều điểm liên quan đến đề tài Sống Đức Tin dưới đây mà nay tôi muốn được chia sẻ với các bạn đồng môn, đồng song vốn đã và hiện vẫn còn cùng chung chuyến “Duc In Altum”.

Đức Tin là gì?

Lại mạn phép thanh minh lần nữa, cũng bởi những nguyên nhân kể trên mà những điều viết trong bài này phần lớn do sự cảm nghiệm riêng tư, phần khác nhờ được nghe những bài giảng của các cha, các thầy.

Hơn nữa, xin chân thành được coi đây là một câu chuyện tâm tình trao đổi bên tách trà hay cạnh ly cà-phê.

Chẳng biết Thần Học định nghĩa thế nào về Đức Tin, tuy nhiên tôi vẫn trộm nghĩ, việc định nghĩa hẳn cũng đa đoan lắm. Theo ngu ý, Tin là chấp nhận sự gì mình không thể hiểu, không thể cắt nghĩa nổi, vượt khỏi cả chức năng khoa học lẫn luật thiên nhiên. Người ta dễ ngộ nhận giữa Tin và sự hiểu, sự biết. Đó là chưa nói nhiều khi ta dùng lẫn lộn các từ ngữ này. Mạn phép thí dụ thế này nhé:

-Tôi tin là chiều nay bà xã sẽ làm một món “mồi” thật ngon để tôi “lai rai ba sợi” hầu đời lên hương mà càng yêu bà xã hơn. Việc “tin” này thật sự là “biết” đấy.

-Tôi tin là trái đất quay chung quanh mặt trời. “Tin” đây là “hiểu”vậy thôi.

-Tôi tin là tổ tiên Việt Nam ngày xưa đã đánh quân Tầu chạy te tua. Chuyện “tin” này chẳng qua cũng chỉ là sự “hiểu biết” đó thôi.

Đối tượng của cả ba cái “tin” trên đây đều có thật dù mắt ta không thể thấy, ngũ giác ta chẳng cảm nhận được nhưng ta vẫn kiểm chứng được dễ dàng.

Nhưng nếu nói: “Tôi Tin Thiên Chúa Ba Ngôi” thì không những “đối tượng” vượt khỏi thực tế mà sự hiểu biết và chứng minh của loài người cũng đều bị giới hạn vô cùng tận. Tôi lại một lần nữa trộm nghĩ ngay cả các nhà Thần Học lừng danh cũng vẫn hết sức vất vả, nếu không muốn vô phép nói là không thể thành công trọn vẹn trong việc minh giải hoàn hảo mầu nhiệm này.

Ấy như Augustinô, vị đại thánh về Thần và Triết Học, lý thuyết gia số 1 của Hội Thánh Công Giáo… thế mà vẫn phải “chào thua”. Sự tích còn rành rành ra đó. Số là vào một buổi chiều êm đềm, thánh Augustinô thả bước chậm rãi trên bãi biển cát mịn. Đi như vậy không phải ngài muốn tập thể dục và cũng chẳng phải để thưởng thức cảnh hoàng hôn thơ mộng và nghe tiếng sóng rì rào hầu thả hồn vào cõi thi văn cho đã đời - nhưng Augustinô tiếp tục “vật lộn” với một vấn nạn mà bao lâu nay ngài vẫn chưa tìm ra giải đáp: Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.

Bỗng vị thánh tài ba này trông thấy một em bé đang chơi trò múc nước biển đố vào một cái lỗ. Thấy cảnh tượng hay hay, Augustinô dừng chân, hỏi: “Ê bé, bé làm cái chi vậy?”. Chẳng thèm nhìn lên, em bé vẫn chăm chỉ tiếp tục việc làm của mình, nhưng miệng đáp: “Thưa bác, con muốn múc tất cả nước đại dương kia mà đổ trọn vào cái hang này”. Câu trả lời đơn sơ của em bé khiến Augustinô phá lên cười: “Sao khờ quá vậy, bé? Cái lỗ này chỉ nhỉnh hơn mắt muỗi, trong khi biển thì mênh mông thế kia, vậy mà bé lại muốn ‘bắt’ nó…”. Lúc này em bé mới ngước mắt nhìn lên, ngắt lời ông khách: “Con xin lỗi bác, con phải nói bác khờ mới đúng! Thế bác đang suy nghĩ điều gì thế nhỉ? Trí óc của bác còn nhỏ hơn cái lỗ này, trong khi Đấng mà bác muốn thấu hiểu trọn vẹn thì bao la, vĩ đại gấp tỉ tỉ lần đại dương kia. Vậy mà bác còn chọc quê con!”.

Câu nói của em bé khiến Augustinô cảm thấy như mình vừa lãnh đủ một gáo nước lạnh vào mặt khiến ngài bừng tỉnh. Chẳng nói thêm được câu nào nữa, thánh nhân lặng lẽ vội cất bước. Đi một quãng, Augustinô mới dám ngoảnh mặt trở lại, nhưng em bé ấy đã như “không cánh mà bay”, biến đâu mất rồi. Thánh nhân hiểu ngay thông điệp này: Thiên Chúa đã sai Thiên Thần xuống “chỉnh” mình. Từ đó Augustinô tuy vẫn suy niệm về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, nhưng trong sự khiêm nhượng.

Đặc biệt hơn nữa là trong Phúc Âm, chính Chúa Giêsu cũng đã gián tiếp định nghĩa Đức Tin qua lời trách yêu thánh tông đồ Tôma: “Phúc cho ai không thấy mà tin!”

Vậy tóm lại, “Tin” cũng bao gồm sự “biết”, sự “hiểu” nhưng ở mức cao hơn rất, rất nhiều nên được đặt thêm chữ “Đức” ở trước. Nói cách khác, tin là một đặc ân do Thiên Chúa ban nên được nâng lên bậc “đức”, tức là cái hạnh tốt đẹp thuần túy. Vì là đặc ân nên không phải ai cũng được Đức Tin. Chẳng cần tìm kiếm đâu xa, cứ kiểm điểm sơ qua nhân số trên thế giới ắt thấy ngay: Tổng số người hiện nay là khoảng hơn 6 tỉ, nhưng thử hỏi được bao nhiêu người có Đức Tin? Quá ít! Vậy là chúng ta rất may mắn, rất hạnh phúc khi được ở trong số “quá ít” đó.

Thế nhưng, khi được Thiên Chúa ban Đức Tin, không có nghĩa là chúng ta đã nắm chắc phần thắng. Đức Tin vẫn luôn cần được nuôi dưỡng, chăm sóc để lớn lên, để phát triển, bằng không Đức Tin sẽ bị đui chột đấy, nếu muốn tránh nói là sẽ… mất tiêu.

 

Những trường hợp phạm đến Đức Tin

Trong thánh lễ, nhiều lần, thay vì hát kinh Credo (Tin Kính) bằng tiếng Việt, linh mục chủ tế vẫn hỏi: “Anh chị em có tin một Thiên Chúa và Thiên Chúa có ba ngôi không?” - Chúng ta vẫn hăng hái đáp lại: “Thưa có!” - và: “Anh chị em, có từ bỏ ma quỉ và những chước cám dỗ, lường gạt của ma quỉ không?” – Chúng ta lại càng hô lớn hơn: “Thưa, từ bỏ!”. v. v…

Vậy mà trong thực tế, chúng ta vẫn thường vô tình hoặc hữu ý phản bội những lời thề hứa long trọng tương tự - hay đúng hơn, phạm đến Đức Tin. Nhiều lắm, nhưng ở đây chỉ mạn phép nêu ra một vài trường hợp điển hình:

- Tin số 9 hên: Hồi còn ở Na Uy, tôi có một người bạn thân vốn cũng thuộc “bổn đạo gốc”, hơn nữa cũng một thời gian “ăn cơm Nhà Chúa” tuy không cùng Dòng. Người bạn này dành dụm mua được một chiếc Mercedes cáo chỉ. Anh và bà vợ đã năn nỉ ỉ ôi và sẵn sàng chịu chi thêm một số tiền hầu Nha Lộ Vận (DMV) Na Uy ưu ái cấp cho một bảng số xe mà số thành của các số ấy cộng lại là 9. Anh chị thơ thới hân hoan khoe niềm tin là xe mang số 9 nút là hên hết sẩy. Mang xe về, anh chị lại “nói khó” được một cha đến tận nhà làm phép “tân xa”. Trong xe, như hầu hết người Công Giáo khác, anh chị cũng treo một Chuỗi Mân Côi. Anh chị cũng lại hí hửng bầy tỏ niềm tin là xe được cha làm phép lại có “xâu chuỗi”, hẳn là Chúa với Đức Mẹ sẽ gìn giữ.

Một hôm, anh lộ vẻ sung sướng vì đã thoát nạn sau khi chiếc xe xoay tròn trên xa lộ đầy tuyết. Tôi hỏi anh: “Ề bồ, vậy thì số 9 cứu bồ hay Chúa và Đức Mẹ cứu bồ?”. Anh chỉ nhe bộ răng vốn đã “chiếc rụng chiếc lung lay” ra... triển lãm, thay cho câu trả lời.

- Thờ Thần Tài: Qua Hoa Kỳ theo tiếng “con tim đã vui trở lại”, thú thật tôi đã giật mình khi chứng kiến tận mắt ít nhất 4 cửa hàng thương mại của người Công Giáo có bầy “bàn thờ” Thần Tài. Cũng bức tượng sơn son thết vàng phưỡn bụng phệ, cũng đĩa trái cây chín mọng và cũng đèn, nhang tưng bừng hoa lá. Hỏi thì được các chủ nhân trả lời như đã học thuộc lòng: “Dĩ nhiên mình đâu có tin, nhưng chỉ là hình thức để làm ăn thôi”. Tôi thầm nghĩ, không tin mà vẫn bầy ra một cách tôn kính như thế tức là cố ý bán “hàng giả” rồi, muốn lường gạt khách hàng. Nhưng nghi lắm ạ, “nói vậy mà không phải vậy” đâu; họ chắc cũng phần nào trông cậy vào “sự ban ân” của bức tượng Thần Tài vô tri vô giác ấy. Tôi chợt nhớ tới lời Chúa Giêsu đã hơn một lần cảnh cáo: “Chớ làm tôi hai chủ!”

- Phong thủy:  Quyết định xây nhà quay về hướng có ánh sáng vào, thoáng khí, sạch sẽ hoặc theo kiến trúc thẩm mỹ… thì mới khỏe, có khỏe mới vui luôn, làm việc mới hăng đều; có vui, có hăng thì càng lắm hạnh phúc, càng yêu mạnh. Nếu tin như vậy thì… quá đã, đúng quá rồi, bởi đó là lẽ tất nhiên, hợp phép vệ sinh và thích ứng với nguyên tắc môi trường sinh thái - Nhưng nếu tin là thay đổi lối ra vào nhà để được ăn nên làm ra, quay lại cách kê giường thì vợ chồng mới hết “khẩu chiến”, chặt béng cái cây ở giữa sân kia đi thì mới mong hết bệnh tật.... thì xin lỗi chứ, “phong thủy” kiểu đó thì cuối cùng cũng chỉ “tiền mất tật mang” thôi.

- Chụp hình 3 người: Vụ này phổ thông lắm đây. Nhiều người không bao giờ dám chụp hình 3 người, sợ xui. Trường hợp bất đắc dĩ phải chụp thì tránh đứng giữa vì tin là kẻ đứng giữa sẽ bị xui tận cùng, đến độ nếu không bất đắc kỳ tử thì cũng gặp mọi thứ đại họa. Theo thiển ý, nếu điều này đúng thì kinh tế thế giới sẽ tha hồ mà bốc lên như diều gặp gió bởi vì tiết kiệm được vô số ngân khoản chế tạo và mua sắm vũ khí. NATO cần gì phải nhọc công, tốn của ở Libya, cứ cho điệp viên rình rình bấm được một “pô” hình Muammar Gaddafi đang đứng giữa hai cộng sự viên nào đó, thì trước sau gì hắn cũng… lăn đùng ra ngoẻo, không kịp ngáp. Tại sao Hoa Kỳ lại “ngu” quá nhỉ, không áp dụng biện pháp “chụp hình 3 người” để giết Osama bin Laden mà phải cử cả một lực lượng biệt kích hải quân liều mạng sang tận Pakistan mới triệt hạ được tên trùm khủng bố ấy? “Hỏi, tức là trả lời rồi vậy”!

Nếu kể những thứ “tin” thuộc loại như trên khác nữa, e cả ngày chưa chắc đã hết, nào còn tin bói toán, tử vi, xem chữ ký, tướng mạo, chỉ tay, tin mầu nào hên, bộ quần áo nào xui, nào tin vào giờ hoàng đạo, chọn ngày, giờ xuất hành để được may mắn, nào tin ăn thịt con vật này thì xui vô kể, thịt con kia sẽ may mắn hết ý, nào tin “mồng năm, mười bốn, hai ba; đi chơi cũng thiệt nữa là đi buôn”, nào “mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì giầu”…

Ngoài ra, không thiếu những người lạm dụng, ngộ nhận hoặc cố tình hiểu lầm về lời khuyên của cổ nhân: “Có kiêng có lành”. “Kiêng” ở đây là việc làm thực tế chứ không thuộc tâm linh. Cũng tương tự như câu tục ngữ: “Có kiêng có lành, có giành có lúa” - nghĩa là biết kiêng khem, giữ gìn thì không sợ bệnh tật; biết dành dụm, dè sẻn thì có của cải dư dật. Đơn giản thế thôi!

Tin mà không dựa trên một căn bản nào đó, cứ tin vớ va vớ vẩn, tin tầm bậy tầm bạ, thiếu sự hợp tình hợp lý thì bị gọi là mê tín dị đoan. Kẻ hiểu biết, có học một chút mà cũng tin y chang vậy lại càng bị chê không những là “mù” mà còn là “quáng” nữa, đồng thời còn bị kết án là không có “đức”.

Đối với người Công Giáo, tuy đã được Chúa ban Đức Tin mà còn mê tín dị đoan, tức là cố tình “đi hàng đôi”, cố tình “làm tôi hai chủ”. Tội nặng lắm đấy vì phạm tới Đức Tin, tức là xúc phạm đến Đức Chúa Thánh Thần, đấng Thần Linh vậy. Mà như lời Chúa Giêsu phán dậy: “Mọi tội đều đuợc tha, trừ tội phạm đến Thánh Thần!”

Vâng, đặc ân cao quí nhất mà Thiên Chúa ban cho con người là Tự Do. Bởi có tự do, chúng ta có toàn quyền chọn lựa, toàn quyền quyết định. Bởi thế, một khi ta tự ý quyết đi theo con đường “mê tín dị đoan” thì đương nhiên Đức Tin phải “đi chỗ khác chơi”, tức là ta phủ nhận Chúa Thánh Thần, chối bỏ Thiên Chúa. Vì đã ban cho con người tự do nên trong trường hợp này, Thiên Chúa cũng đành... chịu thua thôi, như thể một thánh nhân đã nói quá ư chí lý: “Khi dựng nên ta, Chúa không cần hỏi ý kiến ta; nhưng khi muốn cứu chuộc ta, Chúa cần có sự hợp tác của ta”.

 

Thể hiện Đức Tin

Ngày nay không còn cảnh bắt đạo nữa để chúng ta được cơ hội bầy tỏ công khai Đức Tin của mình bằng cách anh dũng đưa cổ cho lý hình chặt. Thế nhưng trong cuộc sống hàng ngày thì lại diễn ra quá nhiều dịp để ta sống Đức Tin. Ngoài việc tẩy chay những “chuyện nhỏ” trên đây, cá nhân tôi nhận thấy lớn lao thì làm sao thể hiện được niềm tin tưởng trọn vẹn vào Lòng Chúa Quan Phòng và vào Lòng Chúa Thương Xót. Những câu khuyên bảo mà chúng ta thường nghe, thường dùng như: “Hãy quẳng gánh lo đi mà vui sống” hoặc hãy giữ thái độ sống “thản đẵng đẵng” đều phản ảnh ý nghĩa trên; tuy vậy không đâu bảo đảm bằng chính lời của Chúa Giêsu trong Phúc Âm: “Tại sao các con cứ lẩm cẩm lo lắng nay ăn gì, mai liệu có những thứ nào để sống không? Hãy nhìn kìa, chim kia có gặt hái đâu mà Cha Trên Trời có để chúng chết đói bao giờ? Áo Salomon sang trọng và lộng lẫu thật đấy, nhưng còn thua xa vẻ đẹp thiên nhiên của hoa huệ

ngoài đồng. Còn các con, há chẳng hơn loài chim hay loài hoa sao?”

Đa số chúng ta đã từng xem những cuốn phim thời sự ghi lại quang cảnh di cư năm 1954. Trong đó có cảnh một cụ già miền Bắc đang ba chân bốn cẳng chậy xuống “tầu há mồm” để vào miền Nam; “tài sản” duy nhất cụ gánh theo là một bức ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Thú thật, bản thân tôi đã xúc động mạnh khi nhìn thấy cảnh ấy, bởi nhận ra đấy là một hành động thể hiện Đức Tin mạnh mẽ của một người lớn tuổi mà có lẽ cụ đã không được một ngày cắp sách đến trường và cả đời cũng chẳng biết một câu tiếng Tây, tiếng u nào. Mình thua đậm!

Ngoài ra, tôi cũng cảm phục sâu xa mỗi khi thấy một tín hữu Công Giáo làm dấu Thánh Giá trước khi thưởng thức tô phở hay dĩa mì xào hải sản... trong một tiệm ăn. Ừ nhỉ, sáng tối đọc kinh dâng ngày, phó thác hồn xác ban đêm, mình vẫn đọc kinh trước các bữa ăn ở nhà thì tại sao ta lại không dám cảm tạ hồng ân Thiên Chúa và vinh danh Thiên Chúa cùng bầy tỏ Đức Tin của ta ở giữa đám đông?

Lại nữa, ta cũng có thể “nổi giận” nếu một người bạn đến dự sinh nhật của mình mà lại khơi khơi “diện” quần sà-loỏn, áo mai-ô. Đúng, giận là phải, bởi “hắn” có ý khinh mình đây mà!

Nhưng nếu khi vào Nhà Thờ, chính ta lại đánh bộ y phục quá... mát mẻ hoặc tỏ ra đơn giản hay viện lý trời nóng để chỉ đeo mảnh quần soọc với chiếc T-shirt. Tuy “cái áo không làm nên thầy tu”, nhưng cũng không có thể phủ nhận là “trông mặt mà bắt hình dong, con lợn có béo cỗ lòng mới ngon”, bởi vì “lối ăn, cách mặc phản ảnh nội tâm”. Nội tâm trong trường hợp này chính là Đức Tin vậy.

Nhiều lần tôi được nghe người này, bạn nọ than về những cú bắt tay lỏng lẻo, thờ ơ như thể “tác giả” chỉ muốn làm cho có lệ thôi. Ngược lại, ta thường cảm động khi gặp một ông bạn chưa tới gần đã vội “tay bắt mặt mừng”. Thú thật, các cụ mình xưa học hành gì đâu, vậy mà rất rành rẽ tâm lý khi xác quyết: “Tiếng chào cao hơn mâm cỗ”. Đem phương cách xã giao này vào đời sống Đức Tin, tôi nghĩ chắc cũng thích hợp lắm đấy. Hãy làm dấu Thánh Giá ở bất đâu cũng phải đến nơi đến chốn chứ đừng nguyệch ngoạc như kiểu vẽ bùa trước ngực. Vào nhà thờ, hãy bái quì thật đúng điệu chứ đừng chỉ nhún người xuống như sợ đau gân cốt. Tôi còn nhớ một câu mà hồi trong Đệ Tử Viện tôi đã đọc được trong một cuốn “sách thiêng liêng”: “Cứ nhìn cách một người làm dấu Thánh Giá hay bái quì, ta biết được Đức Tin của người ấy thế nào”.

 

Tạm kết

Dĩ nhiên chủ đề này rộng lớn lắm, sâu xa lắm, nhiều khía cạnh lắm... chứ chẳng thể chỉ bàn thảo sơ sơ trong một bài báo giới hạn như thế này. Tuy nhiên trước khi tạm biệt, tôi mạn phép được khoe một “dịp may hiếm có” sau đây: Nhân cơ hội tưởng như “ngàn năm một thưở” được hội ngộ với linh mục Mathêu Vũ Khởi Phụng, Bề Trên Nhà Dòng Thái Hà - và cũng là dịp Gia Đình Cựu Đệ Tử Nam Cali sum họp trong Thánh Lễ Minh Niên của năm mới Tân Mão, tôi đã nhận được phong bao lì xì của cha Phụng với những dòng chữ mầu đỏ nổi bật trên nền xanh vàng nhạt: “Hãy rao giảng lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện(2Tn 4, 2).

Đối với tôi, đây là món quà tân niên quí báu và tràn đầy ý nghĩa - nhưng ngoài ra còn thiết nghĩ, phải chăng đây cũng là mệnh lệnh của Thiên Chúa gửi cho mình - mà như ở ngay phần đầu bài, tôi đã viết: “Mặt trận Sống Đạo Giữa Đời”. Dù thế nào, cũng xin được hân hạnh chân thành chia sẻ món quà độc đáo trên đây với toàn thể “phe ta” trong tinh thần “Duc In Altum”...

 

CĐT An Tôn

 

 

Mùa Hè,

Mùa Lễ Hội Giữa Năm          Nguyễn Hùng Cường, e.j.

 

Không cần phải nghe Tuấn Ngọc nỉ non với “Gọi Nắng”, Khánh Ly chênh vênh với “Hạ Trắng”, cũng chẳng cần lưu tâm đến “Gửi Nắng Cho Em” do Ngọc Tân trình bày để biết mùa hè đến, vì bây giờ Nam Cali đã thực sự vào hè.

Vài hôm trước mở đài phát thanh Việt ngữ địa phương, tôi tình cờ nghe được bài “Hè Về” của Hùng Lân do Hoàng Oanh hát. “Trời hồng hồng sáng trong trong, ngàn phượng rung nắng ngoài song, cành mềm mêm gió ru êm…”, tôi lẩm nhẩm hát theo mà lòng cứ miên man trở về với tuổi học trò, tuổi đẹp nhất trong đời. Vẫn còn nhớ như in, tôi thật bận rộn với tờ bích báo của lớp Đệ Tam cuối niên học 1960 tại Huế, và cũng đã mất khá nhiều thời giờ săn sóc cho tập lưu bút trước giờ chia tay bạn bè để về nghỉ hè với bố mẹ tại Đà Nẵng.

Nam Cali đang ở giữa hè, nhưng lạ thật, có những ngày phải đợi đến trưa mới có nắng chan hòa, bởi vậy buổi chiều như được kéo dài hơn. Nhớ lại những ngày hè ở quê nhà, nhiều khi đã hơn 8 giờ tối các sinh hoạt vẫn còn diễn ra ngoài trời mà không cần lên đèn.

Theo Bách khoa Từ điển về thời tiết, khí hậu vùng Bắc Mỹ nay đã thay đổi chu kỳ sinh thái nhiều lắm, lượng ozone trong tầng khí quyển không đủ để lọc hết khí nóng ngày càng tăng đang hâm nóng toàn cầu. Nói cách khác, bây giờ thật khó mà biết chính xác ngày hè đầu tiên trong năm rồi sẽ còn thay đổi ra sao. Mà thôi, cũng chẳng phải bận tâm làm gì chuyện “nắng mưa là bệnh của trời”, như ông bà mình vẫn bảo.

Nói chung, người Mỹ có khuynh hướng dễ dãi chấp nhận cho rằng mùa hè đang đến trong khi họ chưa ra khỏi tiết Xuân. Bởi vậy, chẳng lạ gì giới thương mại Hoa Kỳ hằng năm sau ngày “Thân Mẫu” đã bắt đầu quảng cáo rầm rộ cho hàng ngàn loại sản phẩm mùa hè, từ thượng vàng cho đến hạ cám. Với Nam Cali, tháng 5, 6 và 7 là dịp để người ta chào đón những thành quả đạt được, nên cũng còn gọi là mùa lễ hội giữa năm. Từ sinh hoạt đời thường cho đến tôn giáo, mọi người đều xứng đáng được đền bù bằng những thành công trong các lĩnh vực khác nhau, nếu họ đã tham gia hoặc đầu tư vào đó bằng cách này hay cách khác.

Khởi đi từ tháng 5, Ngày “Thân Mẫu” truyền thống sẽ khởi đầu cho một chuỗi ngày lễ hội nối tiếp nhau. Trước hết, trong niềm tin tôn giáo, tháng 5 được giáo hội công giáo gọi là Tháng Hoa biệt kính Mẹ Maria với những cuộc rước để tôn vinh Đức Mẹ. Dịp này, người Mỹ cũng có nghi thức đội triều thiên cho Đức Mẹ, Mary’s Crowning, không những tại các trường công giáo mà còn lan tràn vào các trường công lập. Và kết thúc cho các lễ hội trong tháng 5 là lễ Chiến Sĩ Trận Vong, The Memorial Day,  luôn luôn rơi vào ngày Thứ Hai của tuần lễ cuối tháng. Đây là một ngày quốc lễ thật sâu sắc trong ý nghĩa và nổi bật trong màu sắc, vì nguyên thủy người dân Mỹ gọi ngày này là “Ngày Treo Cờ Nghĩa Trang”, The Decoration Day hoặc The Decoration of The Graves, để tưởng nhớ những chiến sĩ Hoa Kỳ đã nằm xuống vì lý tưởng tự do trong các cuộc chiến.

Trong khi đó, tháng 6 được đánh dấu bằng những lễ hội mang ý nghĩa và nghi thức tôn giáo nhiều hơn. Trước hết và trên hết, tháng 6 được giáo hội công giáo dành để kính Thánh Tâm Chúa Giêsu một cách đặc biệt. Đây cũng là tháng mà các hội viên Hội Phạt Tạ và Liên Minh Thánh Tâm mừng lễ trọng thể cho sinh hoạt của mình. Ngoài ra, tháng 6 còn đánh dấu mùa gặt lớn trong năm của cánh đồng truyền giáo. Về những thành quả này, là con cái Chúa, tôi không thể không nói đến những lễ phong chức linh mục, lễ vĩnh khấn của các xơ.

Trong tháng 6 vừa qua tôi được mời tham dự lễ phong chức linh mục cho 6 thầy Phó tế tại thánh đường Saint Columban. Lễ phong chức thật uy nghi, được sự chủ tế và đặt tay của Đức Giám Mục Tod Brown, Giáo phận Orange, cùng với sự đồng tế của 2 Giám mục Phụ tá và 130 linh mục Mỹ -Việt. Thành phần giáo dân tham dự ước lượng gần 2 ngàn người. Điều đáng suy gẫm cho tôi là trong 6 tiến chức linh mục thì 4 vị thuộc giòng dõi ‘con Rồng cháu Tiên’. Một niềm vui lớn cho giáo hội. Tạ ơn Chúa đã cho những hạt giống đức tin được gieo trồng vào mảnh đất Việt Nam từ 350 năm trước nay lần lượt đâm hoa kết trái để danh Chúa được cả sáng. Với 4 gia đình của các tiến chức, niềm vui của thân nhân được nhìn thấy qua những giọt lệ long lanh trên má, nhất là nơi các Ông Bà Cố, khi họ chứng kiến các thầy nằm phủ phục trước bàn thờ uy nghiêm, trong âm vang của Kinh Chúa Thánh Thần và Kinh Cầu Các Thánh. Chức thánh thì rất mực cao vời là vậy, trong khi thân phận con người nơi các tiến chức vốn dĩ rất yếu đuối. Chẳng thế, mà sau thánh lễ tôi quan sát thấy một bà Cố xin từng người giáo dân dự lễ hôm đó thương cầu nguyện cho tân linh mục của bà.

Song song với niềm vui thiêng liêng đó, tháng 6 cũng là thời điểm của những thành công trong học vấn với lễ mãn khóa của sinh viên và học sinh, và lễ tiến chức của những tân khoa đỗ đạt những học vị cao trong xã hội. Báo chí không bỏ qua cơ hội này, họ chạy tin “Chúc mừng” rất lớn và rất kỹ như là một lối sống xã giao thời thượng. Tôi tin nhiều gia đình Việt Nam tại Nam Cali rất phấn khởi, mãn nguyện, và xúc động không kém, khi thấy con cháu mình trở thành những tân khoa loại tối ưu vào cuối niên học. Liên tiếp trong hai tuần lễ vừa qua giữa tháng 6, vợ chồng tôi khá phờ người vì phải (thay mặt cho bố mẹ các cháu bận đi làm) “chạy sô” đến tham dự lễ ra trường của 5 đứa cháu nội mãn khóa Tiểu học và Trung học. Nhìn các cháu khôn lớn và cố gắng học hành, chúng tôi tạ ơn Chúa đã cho gia đình chúng tôi được định cư trên một đất nước đầy ‘sữa và mật ong’. Cám ơn chính phủ và nhân dân Hoa Kỳ đã nhân đạo cưu mang chúng tôi trên quê hương thứ hai này, để hôm nay các thế hệ con cháu chúng tôi có cơ hội tiến thân và thành danh. Trong các buổi lễ ra trường, cầm trên tay tờ chương trình, tôi bỗng nghe lòng mình mênh mang một niềm vui. Thiết tưởng người Việt nào cũng có quyền hãnh diện vì con em mình đã nêu gương chăm chỉ học hành cho học sinh của những sắc dân khác. Tính trung bình, cứ một trăm tân khoa mãn khóa thì có đến một nửa là con cháu Việt Nam. Trên máy phóng thanh vang vang tiếng các thầy cô giáo người Mỹ, giọng ngọng nghịu nhưng thật dễ thương, tuần tự xướng danh những học sinh Việt Nam xuất sắc. Các em mang tên họ Đào họ Đặng, họ Lê họ Lý, cho đến họ Nguyễn họ Trần, nghe tưởng như không dứt. Đặc biệt tại trường Trung học Westminster, hai học sinh Việt Nam, em John Đoàn được chọn làm Thủ khoa, và em Michael Vũ Nguyễn thay mặt 320 học sinh ra trường đọc diễn văn mãn khóa. Trong khi đó tại trường chuyển tiếp Mc Garvin, hai em Lực Nguyễn và Lily Phạm được trường đề cử làm người dẫn chương trình mở đầu (commencement speakers) cho buổi lễ ra trường. Hai em đã làm cho các phụ huynh Việt Nam nức lòng giữa hơn 600 quan khách tham dự. Tôi tưởng vinh dự này không chỉ dành riêng cho bố mẹ và gia đình của các em, nhưng còn là niềm hãnh diện chung cho cả cộng đồng Việt Nam hải ngoại và trong nước. Chúng ta có lý do để tạ ơn Chúa và hãnh diện về thành tích của con em mình.

Tôi muốn nói thêm rằng, một lời cám ơn cũng cần phải dành cho các bậc phụ huynh Việt Nam trong ngày con cái họ ra trường sau những tháng ngày các em dùi mài kinh sử. Tôi rất đồng ý với tâm tình của em Michael Vũ trong bài diễn văn ra trường của em. Em đã mạnh dạn thưa với bố mẹ của em và cũng là của những học sinh khác rằng, “Con xin cám ơn bố mẹ đã lo lắng, đồng hành, và chịu khổ chịu cực cách này hay cách khác để cho con có ngày ra trường hôm nay. Con tin rằng sự hy sinh sắp tới của bố mẹ trong thời gian con ở đại học sẽ chắp cánh cho con bay xa và bay cao hơn trong học vấn. Con xin cúi đầu cám ơn bố mẹ đã hy sinh tất cả vì tương lai của con.” Là phụ huynh, chúng ta có quyền rơi lệ vì hạnh phúc trước tấm lòng của con trẻ.

Tiếp đến, tháng 6 -- ở một chừng mực nào đó -- cũng khơi lại nơi người Việt tỵ nạn Cộng sản tâm tình biết ơn những chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). Tháng 6 có ngày Quân lực Việt Nam Cộng Hòa để tưởng nhớ và tri ân sự chiến đấu hào hùng của các chiến sĩ thuộc các quân binh chủng VNCH. Tôi cho rằng cũng không phải là quá đáng hoặc cường điệu khi gọi đây là “Ngày Giỗ” các chiến sĩ anh hùng đó. Trong quá khứ trước 1975, gia đình tôi đã được an vui nơi hậu phương, vì tiền tuyến đã có các anh dám hy sinh cho cuộc sống của người dân. Hôm nay, mang ơn các chiến sĩ VNCH và chính phủ cùng nhân Hoa Kỳ là việc tôi phải ghi khắc trong lòng.

Đặc biệt, tháng 6 có “Ngày Thân Phụ”, để hài hoà với “Ngày Thân Mẫu” trong tháng 5, hai ngày thật ý nghĩa trong tập tục của người dân Hoa Kỳ. Với “Ngày Thân Phụ”, trong cuộc sống nếu văn chương có dày công tô điểm cho người cha thì mục đích cũng chỉ để minh họa trách nhiệm nặng nề của người cha trong gia đình mà thôi. Trong thi ca và âm nhạc Việt Nam, tấm lòng từ mẫu của người mẹ được nhắc đến như biển cả mênh mông và người cha được ví như mái nhà để che mưa đỡ nắng cho con cái trong cuộc đời đầy giông bão. Khi nghĩ đến công ơn của người cha, tôi tin rằng người con dù có nhận ra sự cần thiết và quan trọng của một mái nhà thì cũng chỉ hiểu được phần nào công ơn của người cha đối với gia đình, chắc chắn không thể nào nói lên hết được ý nghĩa và trách nhiệm của người cha. Ngoài ra, mọi người cha tốt lành và mẫu mực, nếu còn sống trên cõi đời này, đều là những điểm tựa tinh thần cần thiết và vững chắc cho con cái an tâm bước vào đời, khi chúng biết rằng lúc nào mình cũng có cha bên cạnh.

Cùng với 312 triệu người dân Hoa Kỳ, chúng con xin dâng “Ngày Thân Phụ” mà thế gian đã đặt ra với ý nghĩa cao vời của nó lên Thiên Chúa là Người Cha hằng hữu, hằng yêu thương, và hằng dõi mắt che chở chúng con.  Chúng con xin dâng lên Thiên Chúa là Đấng trọn lành tất cả mọi linh mục vì họ là những thân phụ tinh thần cần được trọn lành. Xin Chúa thương xót và ban thưởng hạnh phúc thiên đàng cho linh hồn những người cha đã được Chúa gọi ra khỏi cuộc sống thế gian. Xin chúc thánh thiện và an lành đến những người cha trong các gia đình trần thế. Xin Thánh Thần Chúa đụng chạm và chữa lành hồn xác cho những người cha có thiện ý đi tìm sự thay đổi cần thiết trong tâm hồn, để họ trở nên như là điểm tựa đức tin và gương sáng cho con cái trong cuộc sống.

Sau cùng, tháng 6 cũng phải nhắc đến những hỷ tín thành hôn và vu quy của những kẻ có duyên nợ phu thê với nhau. Riêng khoản hỷ tín, hiện tôi đã có 5 thiệp hồng đang nằm trên bàn với 4 lễ cưới sẽ diễn ra trong tháng 7, đám còn lại lấn qua tháng 8.

Bước qua tháng 7, trỗi bật nhất vẫn là ngày Lễ Độc Lập của Hoa Kỳ. Việc cử hành ngày quốc lễ này có thể thấy được qua sự nhộn nhịp trước, trong, và sau ngày lễ, là khi mà người dân Hoa Kỳ muốn nói lên tinh thần và ý nghĩa của bản Tuyên Ngôn Độc Lập ra đời tại tiểu bang Philadelphia ngày 4 tháng 7 năm 1776. Người Việt định cư ở Mỹ ai cũng đã vui hưởng được thật trọn vẹn và đầy đủ mọi khía cạnh của lễ hội này. Trong khi đó về mặt tôn giáo, tháng này một số ít giáo xứ sẽ khá bận rộn với việc tiếp đón những tân linh mục có ‘bài sai’ đến nhận nhiệm sở mục vụ đầu tiên. Lại có thánh lễ mở tay, tiệc ra mắt, có ca có hát để cha con làm quen và chung vui với nhau, trước khi mọi việc của một ngày sẽ trở lại bình thường như mọi ngày.

Qua đến tháng 8, ngoại trừ việc giáo dân chuẩn bị đi tham dự đại hội Thánh Mẫu truyền thống tại Missouri, và mừng lễ Mẹ Lên Trời, còn lại mọi sinh hoạt xem ra êm ả hơn vì tiết trời cũng đang dịu lại cho đến ngày Lễ Lao Động, Labor Day. Lễ Lao Động là ngày quốc lễ của Hoa Kỳ, cũng luôn luôn rơi vào Thứ Hai của tuần lễ đầu tháng 9, đánh dấu những ngày cuối cùng của những tháng hè trước khi học sinh trở lại trường bắt đầu cho một niên học mới.

Với con cái Chúa, đầu tháng 9 xem lại lịch thấy Giáo Hội đang dẫn chúng ta bước vào Chúa Nhật XX mùa Thường Niên.

Dù với niềm tin tôn giáo hay trong đời thường, tất cả lễ hội trong mùa hè đều là những dịp tốt để tạ ơn Trời, cám ơn nhau, và chung vui với nhau. –

 

 

Một Thoáng Suy Tư

 

 

 

Trong một buổi họp cầu nguyện hàng tháng của Hội Cựu Đệ Tử, anh trưởng hội ngỏ ý muốn tôi có đôi lời về cảm nghiệm cuộc sống của tôi là một người cựu Đệ tử. Lúc đầu tôi do dự, nhưng sau đó tôi cũng liều mình đồng ý. Lý do vì anh đã nói với tôi trước cả một tuần.

Tôi rất bối rối vì không biết phải nói gì vì tôi không quen phát biểu trước nhiều người, nhưng rồi cũng bấm bụng, “Thôi nghĩ sao thì nói vậy.” Biết rằng cái tôi là đáng ghét, Le moi est haissable, vả lại tôi chẳng biết gì nhiều về những chuyện khác, nên đành nói một chút về cái tôi đáng ghét của mình vậy.

Tôi còn nhớ vào những năm học cuối của chương trình trung học tại nhà Vũng Tầu, các chú Đệ tử thường được các cha phụ trách tổ chức cho dự kỳ cấm phòng ba ngày để dọn mình đón mừng đại lễ Chúa Phục Sinh. Vào những dịp ấy, các chú được đọc những sách nói về tu đức hoặc những sách về hạnh các thánh tùy theo ý thích mỗi người. Tôi thường chọn cuốn “Ý Nghĩa Sự Đau Khổ” của linh mục Nguyễn Văn Tuyên, DCCT, biên soạn.

Thú thật hồi ấy tôi không có ý niệm thiết thực hoặc kinh nghiệm bản thân nhiều về sự đau khổ theo đúng ý nghĩa của nó. Vì lúc ấy tôi đang còn trong lứa tuổi ăn và học nên chưa có cái nhìn rõ nét và xác thực như bây giờ. Thời gian ấy tôi được các cha giảng giải cho biết tội từ đâu mà có, đau khổ khởi phát từ đâu, đau khổ đem lại lợi ích gì cho con người về mặt thiêng liêng. Tôi ghi nhận tất cả những điều đó, tôi cố gắng suy nghĩ về sự đau khổ, nhưng không nắm bắt được nhiều vì ý niệm về đau khổ quá mông lung đối với tôi.

Khi từ giã đời sống tu trì bước vào cuộc sống trần tục, tôi đã được Chúa mở mắt cho tôi thấy đau khổ và nếm được mùi đau khổ là gì. Nhờ đó, tôi biết ở đâu cũng có đau khổ, ai cũng có đau khổ, lúc nào cũng có sự hiện diện của đau khổ. Tôi cũng biết tuy mọi đau khổ đều có những nét đại để giống nhau, nhưng đau khổ của mỗi người là riêng biệt. Nói cách khác, đau khổ của người này sẽ không giống sự đau khổ của người kia. Mỗi người có một niềm đau riêng của mình, Chacun a son chagrin, người Tây nói thế.

Trở lại với bản thân mình, tôi nghiệm ra rằng đã mang lấy thân phận con người tội lỗi thì tôi không thể thoát khỏi hệ lụy đau khổ. Mới lọt lòng mẹ, tôi đã khóc oe oe. Đó là tiếng kêu khổ đau đầu đời của một kiếp người. Tiếp theo sau đó là những chuỗi dài năm tháng ô trọc, sống niềm vui thì ít mà ngụp lặn trong đau khổ thì nhiều.

Và những gì đến đã đến, trong cuộc sống thường ngày tôi phải giao tiếp với đủ loại người quanh tôi, buộc tôi phải mang nhiều bộ mặt khác nhau để ứng xử cho thích hợp với từng hạng người và từng hoàn cảnh tôi phải đối đầu. Ngoài ra, những diễn đạt trên bộ mặt của tôi phải thay đổi sao cho thích ứng với từng hoàn cảnh và đối tượng mà tôi tiếp xúc. Như vậy, những sắc thái ấy trên da mặt tôi không khác gì những chiếc mặt nạ của diễn viên kịch trong vở tuồng của cuộc sống, từ hỉ nộ cho đến ái ố. Thôi thì đủ cả.

Còn về lĩnh vực sinh học, có thể nói không ngoa là tôi đã sống và hành xử như một con cắc kè, da mặt có thể thay đổi cho tiệp mầu sắc của cuộc sống muôn trò muôn mặt. Và nếu vở diễn của tôi càng dài tôi càng phải mang mặt nạ lâu hơn và thay đổi thường xuyên hơn.

 

Hồi còn học ở trường, tôi hiểu mặt nạ là một dụng cụ dùng để che dấu một cái gì xấu xa mà người mang nó không muốn cho người khác biết. Nhưng khi không còn cách nào để duy trì chiếc mặt nạ được nữa và phải để lộ ra cái bí ẩn đằng sau chiếc mặt nạ thì người đời nói là bị rớt mặt nạ hoặc tự lột mặt nạ mình ra. Như vậy, xét cho cùng, mặt nạ chỉ dùng để che đậy cái xấu vì không ai dùng mặt nạ để che khuất cái đẹp cái tốt của mình. Từ đó suy ra, tác dụng của mặt nạ thường đem đến cho người đối diện những cảm xúc nghi kỵ, sợ hãi, và đau buồn hơn là những cảm giác vui tươi, thân thiện, và hạnh phúc.

Xét lại bản thân mình, tôi đã mang những loại mặt nạ gây đau khổ cho người nhiều hơn là đem lại niềm vui cho họ, kể cả với những người thân yêu nhất. Và như là một loại phòng thủ tự vệ bất thành văn, người đời cũng thường mang những chiếc mặt nạ của họ lên hầu có thể đối phó lại với chiếc mặt nạ của tôi. Hiểu như thế, bất hình dung tôi đã trở nên nạn nhân của chính mình bị người khác nghi kỵ khi tôi đeo chiếc mặt nạ trên mặt mình. Nói cách khác, là con người, người đời thường đối xử với nhau thiếu lòng thành và gây đau khổ cho nhau, cả mặt vật chất lẫn tinh thần.

Đến đây tôi nhớ lại lời chỉ dạy của cha Nguyễn Văn Quy, DCCT, hồi tôi còn ở nhà Vũng Tầu. Đại ý ngài nói: “Ở đời con người sống với nhau giống như cục đá thô cứng và sắc cạnh được bỏ vào một cái bao lớn chung với những cục đá khác và được quay tít mù. Khi được quay như thế các cục đá cứng và sắc cạnh đã va chạm vào nhau, có khi đến tóe lửa. Khi chiếc bao ngừng quay, người ta đổ tất cả những cục đá xuống mặt đất và thấy có những mảnh vụn với bụi cũng rớt xuống theo.

Khi đó, nếu quan sát kỹ, người ta sẽ thấy những cục đá không còn hình dạng đặc thù lúc trước nữa và những cạnh sắc của chúng đã biến mất. Thay vào đó là những hòn đá hoặc những viên đá có hình dạng tròn trịa dễ coi nằm lăn lóc bên nhau ngay giữa những mảnh vụn bé li ti hoặc nhuyễn như cát.”

Từ đó ngài kết luận: “Những cá nhân sống trong một tập thể hay cùng một môi trường, khi sinh họat tất nhiên có va chạm với nhau và đôi khi quyết liệt với nhau đến vỡ nát. Nhưng nhờ được tôi luyện trong sinh hoạt với nhau như thế, mỗi cá nhân sẽ trở nên những thành viên của một tập thể thuần thục và hoàn hảo. Các chú đệ tử cũng vậy, không có ngoại lệ.”

Nay hồi tưởng lại, qua kinh nghiệm bản thân, tôi thấy đúng như thế. Con người khi đau khổ sẽ quay ra gây đau khổ cho nhau, nhưng qua sự bao dung vô bờ bến của Thiên Chúa là Đấng Xót Thương, con người được tôi luyện trong chiếc bao rộng lượng hải hà của Ngài. Nhờ vậy, đã có những tâm hồn được biến đổi trở nên hiền hòa, nhẫn nhục, biết quên mình để nghĩ đến người khác. Từ đó, họ cũng được ơn hiến trọn đời mình để phục vụ trong cánh đồng truyền giáo của Chúa.

Chúa muốn mọi người, không trừ một ai, quay trở về với nước trời vĩnh cửu của Ngài.  Nhưng Chúa cũng ban cho con người một sự tự do để họ lựa chọn trở về với Ngài hay không, và Ngài tôn trọng sự tự do đó của con người.

Tôi cảm nhận có những cục đá, sau một thời gian bị quay tít trong chiếc bao, đã trở nên những viên đá thật nhẵn nhụi, dễ bắt mắt, nằm hiền hòa bên nhau. Người ta đồng ý với nhau không còn gọi chúng là những cục đá nữa, tuy độ nhám và thô ráp cố hữu của chúng vẫn còn, nhưng chỉ ở một mức độ dễ được chấp nhận.

Chúa đã soi sáng cho tôi biết không một ai được ơn cảm hóa như nhau, nhưng là mỗi người một cách và ở một chừng mực khác nhau. Nếu Giáo hội của Chúa đã có những vị Giáo hoàng thánh thiện làm rạng danh Chúa thì cũng có những vị làm cho Chúa buồn lòng. Trong hàng ngũ giáo dân, nếu có nhiều người làm cho Chúa phải khóc ra nước mắt và máu thì cũng có những tâm hồn chân chất hiền lành khiến Chúa mỉm cười vui thích.

Nhìn lại thân phận mình, tôi chỉ xin được làm một viên đá nhỏ thật bình thường, nằm yên trên bờ cát mát dịu của Thiên Chúa là Đấng hay thương xót, và Ngài cũng là Đấng đã tạo dựng nên tôi.

 

 

Cựu Đệ Tử Trần Ngọc Khiêm

Nhân mùa đại lễ Lòng Chúa Thương Xót

Nam Cali, tháng 5/2011

 

Hội Ngộ Đầu Xuân Tân Mão

Với Cha

VŨ KHỞI PHỤNG, CSsR.

Buổi sáng Chúa nhật, ngày 6 tháng 2 năm 2011 nhằm ngày mồng bốn Tết Tân Mão, nắng Cali bỗng ấm hẳn lên. Chín giờ sáng, nắng thật đẹp và tinh trong. Mấy hôm trước đó, dự báo thời tiết cũng đã nói lời chúc mừng cho những buổi họp mặt sẽ diễn ra tại vùng thủ đô tỵ nạn.

Ban Phục Vụ (BPV) Hội Cựu Đệ Tử Dòng Chúa Cứu Thế (CĐT/DCCT) Nam Cali quyết định chọn ngày này để anh chị em trong Hội đến gặp gỡ cha Vũ Khởi Phụng, CSsR, còn đang lưu lại một tuần nữa trước khi trở về quê nhà. Thực ra, trong dịp họp mặt mừng lễ Giáng Sinh 2010, anh chị em đã biết cha Phụng đang có mặt ở Mỹ nhưng không rõ trú ngụ tiểu bang nào. Cho đến khi cha về lại Nam Cali sau nhiều tháng trị bệnh ở Minesota giá lạnh thì BPV mới nắm chắc cơ hội được gặp ngài.

Niềm vui gặp lại cha sau bao nhiêu năm xa cách được nhân lên gấp bội vì mọi người đang mang trong lòng mình tâm tình của một mùa Xuân mới, Xuân Tân Mão, để qua đó anh chị em chúc tết và chúc tuổi ngài luôn một thể. Niềm vui cũng mang thêm ý nghĩa, vì ngoài tên tuổi Vũ Khởi Phụng khá quen thuộc của cha được nhiều anh em CĐT biết đến, cha còn được anh chị em hân hoan chào đón với hết lòng ưu ái vì cha đang mang trên vai trách vụ Bề Trên của Nhà Dòng Thái Hà.

Năm nay, BPV thuê được phòng hội lớn của khu Mobilehome, một địa điểm khá quen thuộc và thuận lợi tọa lạc ngay trên đại lộ Bolsa, nên chương trình được thoải mái hơn.

Mới 10:30 sáng, hơn 50 anh em Cựu Đệ Tử (CĐT) cùng gia đình và thân hữu đã hiện diện để tham dự thánh lễ đồng tế và ăn tết với cha Phụng. Trong khi chờ đợi giờ khai mạc, anh chị em và thân hữu đến bàn thư ký để ký lưu niệm vào tấm thiệp chúc mừng cha Bề Trên vừa thoát qua cơn bệnh. Lại cũng đang đón Xuân nên khung cảnh bên trong hội trường được trang hoàng theo khung cảnh tết truyền thống. Trước bàn thờ dâng lễ phủ mầu huyết dụ là bộ lư hương cổ truyền, bên trái có cây mai đại thọ đã “có sẵn hoa vàng nhiều nụ”, bên phải là bàn thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp lung linh ánh nến.  Trong khi đó, đập vào mắt mọi người ngay khi bước vào cửa là một tấm biểu ngữ màu trắng dài 4 mét treo dọc theo vách hội trường viết hai hàng chữ đối nhau: “Nơi Hải Ngoại Tết Đến Không Quên Ơn Tiên Tổ, Chốn Quê Nhà Xuân Về Phải Nhớ Đạo Tử Tôn”.

Ý lực chính cho buổi họp mặt đầu Xuân hôm nay của Hội Cựu Đệ Tử Nam Cali là cảm tạ Thiên Chúa đã ban cho một năm qua bằng yên và xin cho một năm mới được mọi an lành. Chương trình vì thế được BPV khai mạc theo hình thức một buổi sinh hoạt của Hội, tuy rất riêng tư nội bộ nhưng cũng làm trổi bật hồng ân được hội ngộ với Cha Bề Trên Nhà Dòng Thái Hà.

Đúng 11:15 sáng, anh Hội trưởng ngỏ lời chào mừng quí cha, các anh Cựu Đệ Tử cùng gia đình và thân hữu. Lúc này, hiện diện trên cung thánh đã có quí Cha Vũ Khởi Phụng, Nguyễn Huy Tưởng, và John Trần Quí. Cha Tưởng nguyên là bạn cùng lớp với Cha Phụng khoảng 2 năm đầu trong ơn gọi DCCT tại Thái Hà trước năm 1954.

Riêng cha Quí vốn là một Cựu Đệ Tử dưới cha Phụng hai lớp, cũng đã có những năm tu học với nhau tại Vũng Tàu; bây giờ cha Quí được Chúa gọi sang dòng Triều và hiện đang phục vụ một giáo xứ Mỹ tại giáo phận Los Angeles.

Trong khi đó, ngồi trên xe lăn ngay ở hàng ghế đầu cùng với gia đình Cựu Đệ Tử là cha giáo Phan Phát Huồn, CSsR. Cha Huồn đang trong thời gian dưỡng bệnh nên không dâng lễ trên bàn thánh được. Như vậy, tuy 4 cha thuộc thế hệ tuổi tác khác nhau nhưng đều đã có một thời tu tập tại các đệ tử viện của DCCT, nghĩa là cùng nhau theo đuổi lý tưởng Duc In Altum, và nay đang phục vụ dân Chúa theo từng hoàn cảnh riêng của mình.

Sau lời chào mừng của anh Hội trưởng, bài hát “Ớ Đệ Tử” được cất lên với tất cả ý nghĩa thánh thiêng của lời Chúa Cứu Thế mời gọi “nhân công” vào làm vườn nho cho Chúa. “Ớ Đệ tử, nghe tiếng Cha tha thiết gọi con giữa ngàn ngàn người… ở thế. Thương con lắm nên mới xin con dứt biệt gia thất cùng mọi sự thế trần…”

Âm vang của bài ca làm gợi lại trong tâm khảm người Cựu Đệ Tử cả một thời gian và không gian của hơn bốn chục năm trước, có chiều kích sâu lắng tưởng có thể làm cho tâm hồn mỗi người Cựu Đệ Tử đụng chạm đến tình thương của Chúa Cứu Thế đã mời gọi họ bước theo Ngài. Bởi thế, từ giữa các hàng ghế cử tọa, người ta cũng bắt gặp những nét xúc cảm tột độ của nhiều anh Cựu Đệ Tử thể hiện qua tiếng hát không thành lời hoặc không thể hát trọn vẹn cung điệu cùng lời lẽ của bài hát truyền thống này.

Trước khi bài hát “Ớ Đệ Tử” chấm dứt, anh Hội trưởng trong trang phục áo thụng xanh với khăn đóng cổ truyền, hai tay cầm ba nén hương đưa lên cao, từ cuối cộng đoàn đi lên và niệm hương trước bàn thờ dâng lễ. Giờ phút này, tiếng của CĐT Trần Quang Phục điều hợp chương trình vọng lên rõ mồn một, mời cộng đoàn hiệp nhất trong ý nghĩa niệm hương xin dâng lên Thiên Chúa và Mẹ Hằng Cứu Giúp tất cả những linh hồn của mọi sĩ tử DCCT đã ra đi, từ các cha các thầy và các Cựu Đệ Tử.

Sau nghi thức niệm hương, bài ca nhập lễ “Mon Rédempteur” chính thức dẫn đưa mọi người vào thánh lễ đầu Xuân. Mọi tấm lòng đều qui hướng về Chúa qua hình ảnh của ba vị đồng tế, mà có lẽ sự hiện diện cha Bề trên Vũ Khởi Phụng chủ lễ được nhiều người chú ý nhất.

Với cung cách trang nghiêm nhưng thánh thiện, cha Phụng cùng đồng ca với anh em, và tuy miệng nhẫm theo từng câu hát trên tấm giấy cầm trong tay nhưng chắc hẳn cha cũng đã thuộc nằm lòng nội dung bài hát “Mon Rédempteur” qua bao năm tháng. Dù ở không gian và thời gian nào, người Cựu Đệ Tử mỗi khi gặp nhau và chỉ cần xướng lên một vài nốt nhạc đầu thì mọi người đều có thể góp tiếng với nhau để hát trọn vẹn bất cứ bài hát nào của Nhà Dòng. Đây là một nhắc nhở bất thành văn của Nhà Dòng khắc ghi trong tâm khảm mọi sĩ tử DCCT, và cũng là một món quà quí báu không thể mất trong cuộc đời của người Cựu Đệ Tử đang sống giữa đời.

Âm hưởng của bài “Mon Rédempteur” chuyên chở lời hịch xuất quân theo Vua Cứu Thế. “O mon Roi, mon modèle…”, lời xác tín rằng Chúa Cứu Thế là một mẫu mực thánh đức trên mọi thánh đức mọi sĩ tử phải noi theo. Bài “Mon Rédempteur” ngoài lời mời gọi cộng đoàn đi vào thánh lễ cũng đã tạo nên một âm vang trong tâm hồn các Cựu Đệ Tử về một cảm giác tuyệt vời khi nhớ lại những tháng ngày được ấp ủ dưới mái nhà An Phong yêu dấu.

Trong phần chia sẻ Lời Chúa, cha Bề trên Vũ Khởi Phụng đã tha thiết gửi gắm tâm sự của mình vào nội dung bài đọc I để thấy rằng Chúa luôn đồng hành với mọi sĩ tử DCCT, dù đang ở trong Dòng hoặc đang sống chứng nhân cho Chúa giữa thế gian.

Với lời lẽ từ tốn nhưng có sức lôi cuốn và thuyết phục, cha nhắc lại những kỷ niệm tuy đơn sơ nhưng chân tình còn giữ được trong lòng. Khi thấy những anh em Cựu Đệ Tử hiện diện trong hội trường hôm nay, cha hồi tưởng lại một vài kỷ niệm xa xưa, nói lên khía cạnh độc đáo về sự gắn bó của các cha các thầy các Đệ Tử Việt Nam đối với Nhà Dòng.

Cha nhắc lại câu của một cha trong Dòng đã nói “Mon père, c’est parce que nous avons été aimés” để khẳng định rằng chính vì được Nhà Dòng yêu mến nên đã tạo thành sự gắn bó của mọi thành phần với Nhà Dòng cho đến hôm nay. Trọn ý bài chia sẻ tâm tình của cha như sau:

 

 “C’est parce que nous avons été aimés!”

“… Không phải là vô cớ mà hôm nay chúng ta ngồi đây và hát được bài “Ớ Đệ Tử” được lưu lại từ sáu, bảy chục năm trước do chính các cha Canada đã dạy chúng ta hát. Ngay cả bài “Mon Rédempteur” nữa trước kia cũng do các cha Canada tập cho chúng ta hát, không phải là chuyện tình cờ, vì có nhiều lần đi họp công hội quốc tế của Nhà Dòng tôi gặp mấy cha trẻ Canada và mời các cha lên hát với tôi bài “O Ma Mère”, chẳng có cha nào biết hát cả, rõ ràng là mấy cha trẻ Canada mù tịt về bài “O Ma Mère”, thế mà chúng ta lại biết. Mấy cha đó hỏi tôi,“Làm sao mà ông biết bài này?”, tôi trả lời chính các cha Canada của các anh dạy tôi đấy…(vỗ tay).

Thế thì tôi thấy chính cái đó là một mầu nhiệm, chính nhờ các cha Canada đã quên mình đi để đến đây nói về mầu nhiệm Chúa cho chúng ta... Rồi hôm nay nhờ còn gắn bó với Nhà Dòng mà anh em chúng ta, người ở nước ngoài, người ở Việt Nam, ở Mỹ ở Pháp ở Úc, vẫn cứ muốn đi lại với nhau, vẫn cứ muốn gắn bó với nhau…, tôi cho đấy là một điều gì đó khởi đi từ những con người muốn sống với Chúa, tuy không phải là điều gì cao cả nhưng còn truyền lại cho đến thế hệ chúng ta bây giờ… Hôm kia tôi đến thăm nhà anh Hội trưởng Cường, thấy trong gia đình có bàn thờ Lòng Chúa Thương Xót, nghe anh nói hằng tháng anh em đến hội họp cầu nguyện với nhau, chia sẻ Lời Chúa, tôi tưởng đó là một cách để duy trì và tiếp nối mầu nhiệm của Chúa …

Ngay cả việc chúng ta, một nhóm người như thế này, còn đến gặp gỡ nhau đây cũng là mầu nhiệm… Là vì sao, vì tôi còn thấy được những khuôn mặt rất quen thuộc đã cùng tôi sống trong tiểu đệ tử Thái Hà từ những năm dưới thời cha Trépanier… Hôm nay tôi nhìn thấy cha Tưởng, tôi nhìn thấy anh (Trần Ngọc) Khiêm, tôi vẫn nhìn thấy anh (Nguyễn Khắc) Huệ, nhìn thấy anh (Phan Xuân) Văn, anh (Phan Xuân) Vũ.  Còn trẻ hơn một chút có anh Lợi, anh Thành, anh Phục, anh Tám Paul, anh Lương Thế Vinh mà nay là em tôi đây…Vật đổi sao dời, cuộc sống tạo ra ngăn cách nhưng nhờ còn gắn bó nên vẫn gần nhau…

Ngay như tôi đây, bỏ Hà Nội từ 54 và mãi đến năm 2008, tức là 54 năm sau mới trở lại Hà Nội để xem lại chỗ mà mình đã từng sống. Hoặc là lên Đà Lạt thăm lại Nhà Dòng của mình mà nay họ đã lấy làm địa điểm bảo tồn bảo tàng Tây nguyên rồi. Lên đấy, muốn vào xem mình phải mua vé, mua vé để vào xem nhà cũ của mình.

Và khi vào nhà tôi vẫn thoải mái giới thiệu với các cô hướng dẫn rằng tôi là chủ cũ của nhà này, thế là họ xúm lại hỏi mình từng chi tiết một. Các cô ấy đưa tôi ra trước cửa, chỉ tay lên hỏi mấy chữ “Copiosa Apud Eum Redemptio (nghĩa là ‘Trong Chúa tràn đầy ơn cứu chuộc’) ở trên tường nghĩa là gì. Rồi các cô hỏi luôn hàng chữ bằng tiếng la-tinh nói về công trình xây cất này với tất cả lòng tin lòng cậy lòng mến dạt dào dâng lên Chúa Cứu Thế nghĩa là gì để họ biết mà trả lời với khách du lịch đến xem.

Như thế có nghĩa là trong những câu la-tinh đó cái hồn của các đấng các thầy của chúng ta ngày xưa vẫn còn, và chỉ có các đấng thừa sai mới tạo được những công trình như thế này… Những ngôi nhà bằng đá đó quí thật, nhưng có lẽ chúng ta đây là những viên đá sống, chúng ta tiếp tục sống cái mầu nhiệm đó bằng đức tin mà Chúa đã truyền cho chúng ta…

Chúng tôi ở Hà Nội không định làm gì cả, chỉ muốn sống yên ổn với giáo dân thôi, thế nhưng tự nhiên đến lúc mình phải nói đến công bằng xã hội, phải nói về đời sống tự do tôn giáo, thế rồi giáo dân họ ào ào đến có cả hàng ngàn…, rồi tự nhiên mình bị báo, đài và TV nó chửi quá, nó chửi cho một tháng liền, nó càng chửi thì giáo dân càng đến. Rồi chính quyền đến mắng chúng tôi, bảo rằng ‘các anh bày đặt đi xúi giục người ta đến cầu nguyện’.

Chúng tôi trả lời, ‘Làm sao chúng tôi xúi giục được, nếu xúi giục thì chỉ những người trong nhà là cùng, chứ còn người ta ở rừng núi Thái Nguyên, rừng núi Nghệ An cứ kéo nhau đến cầu nguyện chỗ mình là nhờ báo và đài của nhà nước đấy chứ, chỉ có nhờ báo và đài của nhà nước người ta mới biết câu chuyện của Thái Hà mà đến chứ làm sao mà chúng tôi đến xúi giục bà con được…’.

Mà nghĩ cho cùng thì cũng nhờ mầu nhiệm đó mà người có đạo có lòng tin và cả người không có lòng tin đều truyền cho nhau nghe để lũ lượt đến Thái Hà... Mấy hôm nay nếu anh chị em lên mạng của Dòng Chúa Cứu Thế, đánh vào chữ dcctvn, mở ra mà xem mồng ba tết người ta đi hành hương kính Đức Mẹ đông vô vàn vô số, không còn chỗ để mà chen chân. Và cái miếng đất mà trước kia mình cầu nguyện để giữ lại mà không được và bị người ta dùng làm công viên thì nay lại là chỗ để giữ xe cho người ta đi nhà thờ… (vỗ tay). Xe ngày lễ ngày tết người ta đi viếng Đức Mẹ đông quá không có chỗ mà gửi… Thành thử tôi thấy đó là một mầu nhiệm của Thiên Chúa chứ không phải cái gì do sự khôn ngoan thế gian… và nó có tác động thực sự.

Hôm nay nhìn thấy anh chị em ngồi đây, tôi tự hỏi mỗi người anh chị em chúng ta phải làm gì đây để tiếp nối sự tác động đó…Mới hôm trước đây, tôi nghe anh (Nguyễn Hùng) Cường kể cho nghe câu chuyện ông thuyền trưởng Đại Hàn vớt anh ấy, rồi cái đó trở thành ra một cuộc giao lưu tình nghĩa giữa người Hàn quốc với người Việt Nam, đề cao một cái gương sáng nhân đạo…

Rồi ở đây tôi thấy cũng có nhóm Giêrađô thì phải…làm bánh làm kẹo để gây quĩ mà bảo vệ sự sống… thì cũng thế, từng người một cứ thế mà bung ra, mỗi người một kiểu mỗi người một cách, và tôi có cảm nhận rằng ơn Chúa luôn thúc bách mỗi người chúng ta phải làm một cái gì đó, xứng với các đấng thừa sai, vì cuộc đời của các ngài thì đã qua rồi nhưng tình cảm các ngài để lại cho giáo dân Việt Nam, cho chúng ta thì thật là vô giá.

Cũng như chúng tôi ở Thái Hà, cái mảnh đất nó là đầu mối cho mình tranh đấu thì cũng chưa vào tay mình nhưng mà vô giá là tấm lòng, tấm lòng hiệp nhất tấm lòng yêu thương, cái đồng tâm nhất trí cầu nguyện trong yêu thương của anh chị em khắp nơi, từ bắc chí nam, còn lan ra nước ngoài. Cái đó mới là cái vô giá, chứ còn miếng đất thì tuy cao giá thật nhưng không phải là vô giá.

Thế còn những công việc gì chúng ta đang làm thì cũng sẽ trở thành cái gì đó vô giá… chúng ta gặp gỡ nhau trong cuộc sống, chúng ta gây dựng nên cái mạng lưới quan hệ giữa người với người, chúng ta làm công tác truyền thông v…v…nó sẽ trở thành một cái gì đó vô giá trước mặt Chúa. Và tôi cho rằng đấy là một bài học lớn mà các thế hệ thừa sai đi trước để lại cho chúng tôi, và chính những kinh nghiệm của chúng tôi hôm nay trong cuộc sống nó cũng sẽ như vậy…

Thế thì ước mong lâu lâu chúng ta có dịp ngồi lại với nhau như thế này cũng là dịp để chúng ta như lời Chúa nói ‘Giữ lấy cái kho tàng vô giá’, và chúng ta như là những người bất ngờ nghe nói một miếng đất nào đó có chôn một kho báu nên về nhà bán hết những gì mình có để mà mua lấy (Mt.13, 44). Chúng ta cũng như những người đi buôn ngọc quí, tìm được một viên ngọc viên kim cương quá lớn quá quí bằng lòng bán tất cả những gì mình có để mua lấy (Mt. 13,45). Cái đấy, tôi tưởng là một chân lý đã nối kết chúng ta lại từ đời các thừa sai ngày xưa cho đến thế hệ của chúng ta hôm nay và chúng ta sẽ truyền lại cho thế hệ mai sau.

 

Hôm nay nhân dịp được gặp mặt với anh chị em ngày đầu năm, và phải đi một chuyến dài như thế này mới có dịp này, xin Chúa cho những hồng ân hôm nay được triển nở trong năm mới của chúng ta. Amen.

Qua phần dâng lễ Minh niên ngày mồng 4 tết, mọi người sốt sắng hiệp thông trong những lời nguyện do anh Lương Thế Vinh đại diện Gia đình Cựu Đệ Tử dâng lên Chúa Cứu Thế và Mẹ Hằng Cứu Giúp. Đặc biệt tưởng nhớ và cầu nguyện cho các cha các thầy và anh em CĐT đã ra đi về Nước Chúa.

Sau rước lễ, cộng đoàn Cựu Đệ Tử với tâm hồn tràn ngập niềm vui có Chúa, ngồi yên lặng để tận hưởng hạnh phúc đầu Xuân Chúa ban cho.

Sau vài phút thinh lặng, bài “Tôi Kết Hiệp” của cha cố Hoàng Diệp, CSsR, được cất lên bằng những nốt nhạc thân quen và gợi nhớ những ngày tràn đầy hồng phúc trong đệ tử viện.

Và ngay sau những nốt nhạc kết hợp với Chúa, mọi người lại nhớ đến Nhà Dòng – và qua Nhà Dòng tưởng nhớ đến các cha thừa sai Canada -- bằng chính lời kinh mà Cha Thánh Tổ Phụ đã soạn ra để xin ơn cho Nhà Dòng.

Lời kinh có những tâm tình thật tha thiết, “… Xin Mẹ hằng che chở phù hộ và chớ bao giờ nỡ bỏ các đấng Bề trên chúng con, các anh em trong Dòng cùng những người thân thiện”, nhắc nhở mọi người luôn cầu nguyện cho sự triển nở và an toàn của Nhà Dòng nhất là qua cuộc “tử đạo” hiện nay.  Thánh lễ sau đó kết thúc với bài “Salve Regina” trong khi các cha và gia đình Cựu Đệ Tử hướng mắt hướng lòng về Người Mẹ kính yêu.

Sau phép lành kết lễ, và theo sự hướng dẫn của Ban Phục Vụ, mọi người xếp hàng lên hái lộc đầu Xuân do cha Bề Trên trao tặng, tạo thêm niềm vui và kỷ niệm cho ngày họp mặt hiếm quí này.

Sau thánh lễ là phần vui Xuân và liên hoan với những món ăn mang hương vị Tết truyền thống. Về văn nghệ, nhờ giàn âm thanh của CĐT Nguyễn Văn Lễ và với khả năng điều hợp lưu loát của CĐT Trần Quang Phục, một chương trình hát vui Xuân ‘cây nhà lá vườn’ đã diễn ra, làm cho khung cảnh trở nên nhộn nhịp và vui tươi hơn.  Cũng trong dịp này, Ban Truyền Thông của Gia đình Cựu Đệ Tử Nam

Cali phát hành Bản tin RA KHƠI số 3 và phân phối đến tận tay anh chị em hiện diện, trước khi sẽ gửi biếu đến các anh em CĐT ở Bắc Cali, ở Úc và Canada. Sinh hoạt họp mặt đón Xuân với cha Bề Trên Vũ Khởi Phụng, CSsR, chấm dứt lúc 2giờ chiều cùng ngày.

 

Nguyễn Hùng Cường, e.j

 

 

“LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT”

Trên quê hương Việt Nam

 

Theo chương trình đã dự trù từ nhiều tháng trước, năm nay vợ chồng tôi về Việt Nam, lại phải đi trong thời gian có đại hội suy tôn Lòng Chúa Thương Xót lần thứ XI do Phụ Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Hải Ngoại tổ chức như mọi năm, nên chúng tôi rất tiếc vì không tham dự được. Trước khi đi, chúng tôi cảm thấy mất mát một cái gì không thể đền bù được nên chỉ biết xin Chúa chúc lành cho chuyến đi, và thay vào đó xin Chúa cho chúng tôi được gặp những niềm vui thiêng liêng khác.

Về tới quê nhà, sau khi sắp xếp xong lịch trình, tôi liền đến thăm đứa con gái đỡ đầu của tôi. Khi còn ở quê nhà, vợ chồng tôi cũng đã chứng kiến cháu lập gia đình, nhưng từ bấy đến nay chưa bao giờ nghe cháu tâm sự chuyện đau lòng nhất trong cuộc sống hôn nhân của cháu. Thật là bất ngờ, vì đây là lần đầu tiên tôi biết được người chồng của cháu lại là người đồng tính. Nỗi buồn câm nín đó của cháu khởi đi từ việc người chồng của cháu trước khi cưới đã không cho cháu biết tình trạng phái tính của mình, trong khi phía gia đình chồng lại càng dấu nhẹm chuyện này.

Con gái đỡ đầu của tôi tâm sự: “Mẹ ạ, từ khi con chạm mặt với sự thật biết rằng nhà con thuộc thành phần đồng tính, con đau khổ đêm ngày, không biết tâm sự với ai cho vơi nỗi đau. Đôi khi vì quá sức chịu đựng, con đã có những ý nghĩ đen tối trong đầu, tưởng như phải chấm dứt cho xong một cuộc tình tủi hổ.”

Nghe con kể lể mà lòng tôi cũng xốn xang nỗi đau với con. Nhưng rồi tôi bỗng nhận ra một chút gì thanh thản và thiêng liêng trong giọng kể của cháu. Cháu nói: “Nhưng mẹ ạ, cách đây vài năm khi con sắp sửa rơi vào tuyệt vọng vì chuyện đau buồn này thì con nghe được tiếng của Đức Mẹ nói với con trong lòng. Đức Mẹ đã nói với con những lời an ủi và con đã có bình an thực sự”. Rồi cháu nói tiếp: “Thế là kể từ hôm đó con càng siêng năng chạy đến với Đức Mẹ, nhất là mỗi khi cơn đau ấy lại dấy lên trong lòng con.”

Qua lời tâm sự đầy nước mắt của đứa con thiêng liêng, tôi nhận ra rằng chính Đức Mẹ đã đến can thiệp đúng lúc và dẫn dắt cháu từng bước đến với Lòng Chúa Thương Xót. Nhờ đó, ngày hôm nay, như cháu thổ lộ, con người cháu đã được thay đổi hoàn toàn. 

Bởi vậy tôi không ngạc nhiên, khi đến thăm cháu lần này và tuy biết được nỗi đau của cháu, nhưng tôi không thấy cháu có vẻ gì buồn khổ về việc gia đình nữa. Trái lại, điều khiến tôi ngạc nhiên là hiện nay, ngoài công việc của một cô giáo dạy trường cấp 3 để nuôi sống gia đình, cháu còn hy sinh thêm thì giờ dạy học miễn phí cho khoảng 12 em học sinh nghèo tuổi từ 8 đến 15. Không chỉ dạy miễn phí tại thành phố, cháu còn vui vẻ nhận lời của các cha các xơ sắp xếp thì giờ để cuối tuần đi vùng sâu vùng xa dạy cho các học sinh nghèo, dạy cả về học vấn lẫn kinh sách.

Tôi nghĩ, nếu không có ơn Chúa và tình yêu tha nhân, dễ gì cháu làm được những việc tốt lành như thế giữa một xã hội bon chen và ích kỷ cho riêng mình.

Chuyến này về quê nhà, tôi mang theo vài cuốn DVD về đại hội “Suy Tôn Lòng Chúa Thương Xót”  

kỳ thứ 10 do Phụ Tỉnh DCCT Hải Ngoại thực hiện để tặng cho bạn bè. Tôi tặng cho con thiêng liêng của tôi một cuốn, nào ngờ cháu cũng đã dành sẵn cho tôi một món quà tương tự nhằm giới thiệu phong trào Lòng Chúa Thương Xót tại Việt Nam.

Tôi cầm cuốn DVD cháu tặng trên tay, áp vào lòng mình mà nghe ấm áp tình Chúa thương tôi. Bây giờ về lại Cali, và lúc này đang viết xuống những cảm nghiệm cá nhân qua chuyến đi, tôi vẫn còn bị xúc động vì đã nhìn thấy được tinh thần và đời sống đạo của bà con trên quê hương mình.

Vì hình ảnh và cảm xúc qua việc hàng ngàn giáo dân đã tìm đến với Chúa Thương Xót tại giáo xứ Chí Hoà trong một buổi chiều Thứ Năm, nên tôi mạnh dạn chọn ý tưởng “Lòng Chúa Thương Xót Trên Quê Hương Việt Nam” để đặt tên cho bài viết này. Lý do, vì hải ngoại và quê hương tuy là hai môi trường hoàn toàn khác nhau trong cuộc sống vật chất nhưng có chung ý niệm đạo đức là tôn sùng Lòng Chúa Thương Xót.

Trong nhiều năm qua, kể từ năm 2000 sau tông thư của Đức Cố Giáo Hoàng Phaolô II quyết định đưa việc tôn sùng Lòng Chúa Thương Xót vào lịch phụng vụ, gia đình tôi đã biệt kính ảnh tượng này, và cá nhân tôi đã nhận được nhiều ơn lành về sức khoẻ cũng như tinh thần. Bởi vậy, khi nhìn thấy dung nhan Chúa Thương Xót với những tia sáng đỏ và trắng in trên hình bìa của cuốn DVD cháu đưa cho tôi là lòng tôi đã cảm nhận được ngay ơn tha thứ và bình an của Chúa.

Cuốn DVD tuy có tên là “Dấu Chân Lòng Thương Xót - Mừng Sinh Nhật 06/2008 – 06/2010” được quây tại Việt Nam, nhưng mục đích là để nói lên tinh thần của giáo dân tại quê nhà cầu nguyện và tôn sùng Lòng Chúa Thương Xót, và được phong trào minh giải gọi là “Cộng Đoàn Cầu Nguyện Lòng Thương Xót Chúa Giáo Xứ Chí Hoà”.

Nói bằng giấy trắng mực đen về sự hình thành và sinh hoạt của cộng đoàn cầu nguyện này đã diễn ra như thế nào trong 3 năm qua, tôi sợ mình không có khả năng diễn tả hết sự thánh thiện về tinh thần và sự nhiệt thành trong công tác của những những thanh niên nam nữ dấn thân cho Chúa, mà con chim đầu đàn là cha Trần Đình Long.

Tuy nhiên, sau lần gặp gỡ với vài người bạn trong đội quân “Chim Xanh” (vì mặc áo xanh da trời trong khi công tác), tôi cũng xin mạo muội minh họa vài nét về phong trào cầu nguyện này, mà theo như nhiều người bên quê nhà mệnh danh là “thỏi nam châm” hiện đang có sức thu hút mọi người đến với Lòng Chúa Thương Xót.

Cha Trần Đình Long thực ra là một linh mục của Dòng Thánh Thể, nhưng lòng đạo đức và thánh thiện của ngài đã được tu hội cho phép cha đi rao giảng về Lòng Chúa Thương Xót cho mọi người, nhất là trong giai đoạn này khi mà đạo Chúa đang bị bách hại nhiều nơi. Cha vừa là con chim đầu đàn của bầy “Chim Xanh”, vừa là linh hồn của phong trào cầu nguyện Lòng Chúa Thương Xót này kể từ khi thành lập vào tháng 6/2008.

Tuy nhiên điểm cần phải thưa cho rõ, là tuy phong trào cầu nguyện Lòng Thương Xót Chúa hằng tuần sinh hoạt tại địa bàn giáo xứ Chí Hoà nhưng không phải do giáo xứ Chí Hòa thành lập nên. Nói cách khác, cha Trần Đình Long sau khi nhận thấy nhu cầu cần có nơi dung nạp một số lượng giáo dân có thể lên đến hàng ngàn người tham dự nên đã trao đổi với cha xứ Chí Hoà. Và cha xứ Chí Hoà đã chấp thuận cho phong trào xử dụng khuôn viên giáo xứ để tổ chức các cầu nguyện vào mỗi chiều Thứ Năm trong tuần. 

Mặt khác, vì phong trào đang có một ảnh hưởng tốt lành trên đời sống đạo của giáo dân khắp nơi cũng như chính họ ao ước muốn cho phong trào đến với giáo xứ mình, nên cha Long đã thật bận rộn để đề ra lịch trình cầu nguyện tại nhiều giáo xứ khác. Cách riêng, tại giáo xứ Chí Hoà, như đã thưa, là nhờ có địa điểm thuận lợi và rộng rãi nên được chọn làm nơi phong trào tổ chức cầu nguyện vào mỗi chiều Thứ Năm trong tuần, có thể dung nạp được từ vài ngàn người trở lên.

Tôi càng phấn khởi hơn vì biết cha Long là người em trai của một cô bạn thân của tôi, và khi còn ở Việt Nam tôi vẫn được cha kêu gọi tham dự các kỳ giảng phòng hoặc các công tác xã hội do cha tổ chức. Bởi vậy, trong mấy tuần lễ thăm quê nhà lần này, tôi đã có cơ hội gặp gỡ với cha Long và nghe cha chia sẻ sinh hoạt của phong trào cầu nguyện Lòng Chúa Thương Xót mà tôi cho là một việc làm rất mực quan trọng cho người giáo dân trong giai đoạn này.

Tại khuôn viên giáo xứ Chí Hoà, thuộc quận Tân Bình, cứ vào lúc 3 giờ mỗi chiều Thứ Năm, gần 200 thanh niên thiếu nữ trong đoàn quân “Chim Xanh” từ các nơi xa quanh vùng Saigòn đều tề tựu về tại giáo xứ Chí Hoà để cùng với vài trăm người, có khi đến hàng ngàn, dâng thánh lễ van xin Chúa Thương Xót và cầu nguyện với Mẹ Maria.

Cùng với cuốn DVD, đứa con thiêng liêng của tôi còn say sưa kể cho tôi nghe những việc lạ lùng mà Chúa Thương Xót đã ban cho cháu, nhất là ơn Chúa ban cho cháu biết tha thứ cho những gì cháu bị tổn thương vì chuyện phái tính của chồng xảy ra nhiều năm trước. Hiện nay cháu cũng đang là thành viên của đoàn “Chim Xanh” của phong trào Lòng Chúa Thương Xót. (*)

Không những tôi được nghe kể về những ngày đầy khó khăn và thử thách đến với phong trào, nhất là từ phía chính quyền, tôi còn chọn một ngày Thứ Năm trong thời gian ở quê nhà để đến tham dự. Đó là ngày Thứ Năm 14/4/2011, một ngày tôi không ngờ đã tăng thêm cho tôi niềm tín thác tuyệt đối vào Lòng Chúa Thương Xót qua những gì tôi chứng kiến được trong buổi chiều hôm đó.

Theo nhiều người mách bảo, tôi đến sớm để kiếm chỗ cho dễ dàng. Mới 2 giờ chiều tôi đã có mặt tại khuôn viên giáo xứ, nào ngờ khi đến nơi thì thấy quá nhiều người đã hiện diện và biết họ đã đến từ 12 giờ trưa. Nhiều người nói phải đến càng sớm càng tốt, không những để kiếm cho mình một chỗ mà còn “xí chỗ” cho những người thân sẽ đến sau.

Tôi tò te mất vài giây vì “đến trễ”, nhưng bỗng nghe ấm lòng và tri ân Chúa vì biết anh chị em mình cũng muốn đến với Chúa Tình Thương. Được biết họ đến từ những địa phương khác nhau, từ vùng Ba vùng Bốn hoặc miền Bắc xa xôi, từ chung quanh Sàigòn hay ngay trong giáo xứ Chí Hoà, có cả những người từ hải ngoại như tôi. Họ thuộc đủ mọi thành phần trong xã hội, già trẻ, giàu nghèo, sang hèn, ốm đau, tất cả chỉ mong đến với Chúa Thương Xót và cầu xin được Ngài xót thương cho nhu cầu của mình. Tôi chắc chắn có cả những người không cùng tôn giáo với giáo dân cũng hiện diện để cầu khẩn theo niềm tin riêng của họ. Thật là hạnh phúc và xúc động, khi tôi nhìn thấy chưa đến 3 giờ mà ai cũng nghiêm trang kính cẩn và thành tâm, cả bề ngoài và trong lòng.

Tôi còn đang do dự tìm cho mình một chỗ ngồi giữa một cộng đoàn đông đảo thì bỗng nghe tiếng ai gọi tôi “Cô ơi!” từ phía sau. Quay lại, tôi nhận ra ngay một cô học trò cũ của mình. Có lẽ vì chưa đến giờ khai mạc nên cô học trò có dịp kể lể hết tâm tình của mình cho tôi nghe.

Được biết em đã bị đau đầu kinh niên từ nhiều năm, ‘đau đến nổ tung ra được, cô ạ!’ như em nói, thế mà mỗi chiều Thứ Năm em vẫn kiên trì đến đây van xin Chúa chữa lành cho em, và tạ ơn Chúa nay thì em đã không còn bị cơn bịnh đó hoành hành nữa. Tôi cũng không thể không chia sẻ thêm với mọi người những ơn lành của Chúa Thương Xót đã ban cho những người khác mà tôi nghe qua lời kể của cô học trò cũ của tôi trên đây, vì tôi tin vào lời Chúa đã hứa ban cho những ai loan truyền, bằng cách này hay cách khác, Lòng Thương Xót của Thiên Chúa cho mọi người.

Chị nữ tu Faustina, người Tông Đồ và Thư Ký của Lòng Chúa Thương Xót đã ghi lại Thông Điệp Chúa Thương Xót khi Chúa hiện ra với chị ngày 22 tháng 2 năm 1931, như sau:

Hãy loan truyền cho thế giới biết Lòng Thương Xót khôn dò của Ta (Tr. 1142).

Hãy loan truyền rằng Lòng Thương Xót là phẩm tính vĩ đại nhất của Thiên Chúa. Hết thảy mọi công việc tay Ta làm đều được tuyên dương với triều thiên Thương Xót (Tr. 301).

Những linh hồn nào loan truyền vinh dự của Lòng Thương Xót Ta thì Ta sẽ che chở họ suốt đời như một người Mẹ hiền che chở con thơ, và đến giờ chết Ta sẽ không đối xử với họ như một vị Thẩm Phán nhưng là Đấng Cứu Tinh đầy Lòng Thương Xót (Tr. 1075).

HÃY LÀM BẤT CỨ VIỆC GÌ TRONG TẦM KHẢ NĂNG CỦA CON ĐỂ PHỔ BIẾN VIỆC SÙNG KÍNH LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA TA. TA SẼ BÙ ĐẮP LẠI CHO NHỮNG THIẾU SÓT CỦA CON (Tr. 1074).

Đó chính là lý do tôi phải loan truyền Lòng Chúa Thương Xót trong suốt phần đời còn lại của tôi.

Học trò tôi kể tiếp, nhóm thanh niên nam nữ thiện nguyện “Chim Xanh” còn có cả một nữ bác sĩ tên Kiều Oanh để đi khám bệnh tại các vùng sâu vùng xa. Và tôi tìm hiểu ra, chính nhờ nhìn thấy những công tác của con gái mình đi khám bệnh trong đoàn công tác tình thương như thế mà bố mẹ của bác sĩ Oanh cũng được Chúa chúc phúc.

Lại có chuyện nghe được về một cụ ông khác bị tai biến mạch máu não đã nhiều năm, ban đầu tuy cụ chưa có lòng tín thác vào Chúa Thương Xót nhưng từng bước cụ đã nhờ người dẫn đến với Chúa Thương Xót trong một thời gian dài. Chính sự kiên trì và lòng tin của cụ đã làm chạnh lòng Thiên Chúa là Cha Nhân Lành, và Chúa đã chữa lành cho cụ. Đến nay thì cụ đã tự mình đi lại được, nên cụ không bỏ sót một ngày Thứ Năm nào mà không đến thờ lạy và tiếp tục xin ơn với Chúa.

Đặc biệt, có một công ty ở quận Tân Bình, cứ sau buổi trưa ngày Thứ Năm đều đóng cửa để cả chủ và thợ có thời giờ đến giáo xứ Chí Hoà cầu nguyện với Chúa Thương Xót. Tôi tin không phải hết mọi công nhân của hãng đó đều đã là con cái Chúa, nhưng Chúa có cách riêng của Chúa để ban ơn cứu rỗi cho họ.

Tại giáo xứ Chí Hoà người ta cũng ghi nhận đã có trường hợp thật xúc động của những người từ nước ngoài xa xôi như Úc, Đan Mạch, về quê nhà chỉ để đến giáo xứ Chí Hoà và xin cộng đoàn cầu nguyện cho những nhu cầu về thể xác và tâm linh của họ. Như thế cho tôi thấy lòng tin của những người này từ những lục địa xa xôi quả thật đã có sức ‘dời núi xuống biển’ như trong Kinh thánh dạy.

Ngoài ra, còn nhiều điều lạ lùng khác Chúa đã thương xót lắng nghe và chữa lành cho nhiều người thành tâm đến với Chúa trong 3 năm nay. Và đó cũng chính là mục đích và tinh thần mà cha Trần Đình Long đã thành lập ra phong trào cầu nguyện và xin ơn với Thiên Chúa là Đấng hay xót thương.

Được biết, cuốn DVD “Dấu Chân Lòng Thương Xót” là món quà phong trào dâng lên Chúa Thương Xót thay cho mọi người đã nhận được ơn lành của Chúa trong 3 năm qua, và tuy được đặt cho một cái tên khá dài là “Cộng Đoàn Cầu Nguyện Lòng Thương Xót Chúa Giáo Xứ Chí Hoà” nhưng đã nói trọn chủ đích của cộng đoàn cầu nguyện này.

Theo tôi tìm hiểu, cuốn DVD này cũng đánh dấu ngày sinh nhật thứ 3 của phong trào (6/2008 – 6/2010), mục đích giới thiệu và chia sẻ đến mọi người những công tác tông đồ, bác ái, và các sự kiện mà Nhóm Áo Xanh cùng với sự linh hướng của cha Trần Đình Long đã thực hiện được cho mọi nhà, mọi người, và mọi nơi từ bắc chí Nam trên quê hương Việt Nam đang cần sự thương xót và chúc phúc của Thiên Chúa.

Đồng hồ giáo xứ Chí Hoà điểm 3 giờ chiều, nhắc nhở đến giờ tử nạn của Chúa vì thương xót nhân loại. Nhìn quanh khuôn viên giáo xứ, tôi xúc động thấy có có khoảng 2 ngàn người đủ mầu đủ sắc nhộn nhịp chuẩn bị giờ cầu nguyện và thánh lễ hằng tuần của cộng đoàn dân Chúa.

Tôi tự hỏi, mỗi chiều Thứ Năm bình thường không phải là dịp đại hội mà cũng có cả hàng ngàn người tìm đến với Lòng Chúa Thương Xót như thế này sao. Và tôi thầm nghĩ, có thể vì cuộc sống vật chất và tinh thần của anh chị em tôi trên quê nhà có nhiều khó khăn làm nẩy sinh ra nhiều nhu cầu phải tìm đến với Chúa là người Cha giàu LÒNG THƯƠNG XÓT sẽ giải quyết hết mọi sự cho con cái của Ngài.

Bầu khí trang trọng của buổi cầu nguyện và thánh lễ Lòng Chúa Thương Xót đã giúp tôi nhận ra một Thiên Chúa thật gần, luôn yêu thương, che chở, ban ơn, và đồng hành với những ai kêu cầu đến Ngài. Tôi tin rằng, khi ra về mọi người dù nhận được ơn lành nhãn tiền hay không, đều sẽ cảm thấy được an ủi rất nhiều, nhất là nhận được sự bình an để trở lại với cuộc sống hằng ngày.

Tôi là người con từ phương xa tìm về với Lòng Chúa Thương Xót ngay chính trên quê hương mình. Cảm tạ Chúa đã đền bù lại cho tôi nhiều hơn những gì tôi ao ước. Tuy phải vắng mặt trong đại hội suy tôn Lòng Chúa Thương Xót tại Nam Cali, tôi đã được Chúa chúc lành cho tham dự và hiểu trọn vẹn về Lòng Chúa Thương Xót trong buổi chiều Thứ Năm này tại Giáo xứ Chí Hoà.

Buổi chiều hôm nay thật là một buổi chiều đầy ý nghĩa để tôi quyết tâm hơn trong việc thi hành mệnh lệnh của Chúa là sống Thương Xót và loan truyền Chúa Thương Xót cho người khác. Tôi tuyên hứa sẽ trở nên tông đồ nhỏ bé mang tình thương và lòng Thương Xót của Chúa đến cho những ai tôi sẽ tiếp xúc trong cuộc sống hằng ngày của tôi nơi hải ngoại.

Ước gì mọi người, dù bất kỳ ở nơi nào, sẽ là chứng nhân cho Lòng Chúa Thương Xót qua chính tư tưởng và việc làm của mình. Tôi cầu nguyện và mong được trở thành một ngón tay, chỉ một ngón tay nhỏ bé thôi, nối dài với Nhóm Áo Xanh để họ có phương tiện phổ biến Lòng Chúa Thương Xót đến với mọi tâm hồn đang khao khát sự an ủi và bình an tại quê nhà.

Maria Nguyễn Thị Hải

 

(*) Xin mời vào trang mạng để nghe bài giảng về Lòng Chúa Thương Xót.

 

Sinh Hoạt…

                       CĐT Đào Quang Mỹ ghi

 

Chúc Tết Nhà Dòng Thôi thì cứ tạm gọi là sinh hoạt của Gia Đình Cựu Đệ Tử DCCT Nam-Cali được mở màn trong năm mới Con Mèo bằng việc thực hiện một tục lệ cổ truyền dân tộc: “Mồng một tết cha - mồng hai tết mẹ - mồng ba tết thầy”. Nay đối với Cựu Đệ Tử thì ba “yếu nhân” vừa kể đã trở thành Một: Nhà Dòng. Nói “tạm gọi” như trên là bởi không cần đợi tới thời điểm “tống cựu nghinh tân” bằng cách bước qua lằn mức Giao Thừa, nhưng Gia Đình Cựu Đệ Tử đã chu toàn một cách sớm sủa bổn phận làm con.

Vâng, ngày 23 tháng Giêng 2011 tức là mới 23 tháng Chạp Canh Dần, 10 anh chị em trong các bộ đồ “xịn” đã thay mặt Hội “xuất hành” đển chúc Tết quí cha ở hai Nhà Mẹ: Tu viện Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, Long Beach, và tu viện Majella, Baldwin Park.

Nhân tiện cũng cần “khoe” luôn: Quà Tết năm nay dĩ nhiên cũng vẫn là những lễ vật truyền thống của “Con Rồng Cháu Tiên” như bánh chưng, mứt, rượu và trái cây, nhưng đã được những bàn tay tuy đã... héo hon song vẫn vô cùng khéo léo của các “con dâu thánh An Phong” gói ghém và trang điểm nên nhìn rất bắt mắt.

-Tại địa điểm 1: “Phái đoàn” đã được Cha Bề Trên Nguyễn Tất Hải và Cha Phó Nguyễn Quốc Dũng ra tận cửa đón vào nhà. Cảm động hơn nữa là “phe Nhà Dòng” còn tăng cường sự hiện diện của Cha Cố Vấn Đinh Ngọc Quế, Cha giáo Trần Đình Phúc và Cha Ngô Đào.

Anh Hội Trưởng thay mặt Hội chúc Tết các Cha bằng những lời lẽ văn hoa và tràn đầy ý nghĩa “cả đạo lẫn đời”. Đáp lời, Cha Bề Trên nhấn mạnh đến tình thương Nhà Dòng vẫn luôn luôn dành cho anh em Cựu Đệ Tử và gia đình, đến “vai-trò-chi-thể-Nhà Dòng” nơi anh em Cựu Đệ Tử đang hoạt động giữa đời.

Những mẩu tâm sự, những câu chuyện hàn huyên giữa các Cha và gia đình Cựu Đệ Tử tuy đang tiếp nối đều đều hòa lẫn trong tiếng cười dòn tan còn hơn pháo Tết, nhưng buổi họp mặt đã kéo dài khoảng hơn 30 phút nên đành phải chấm dứt để các Cha còn biết bao việc phải làm nữa. Sau đó cha-con chụp hình chung lưu niệm. Ai cũng cố nhoẻn miệng cười tươi để hy vọng sang năm mới được... hên. 

 

-Tại địa điểm 2: Gia đình Cựu Đệ Tử được thầy Hoàng Thành Đức đón mời vào phòng khách. Đa số trong “phái đoàn” nhận xét, phong cách niềm nở của thầy còn ngon lành hơn chiêu đãi viên thứ thiệt.

Cha Bền Trên Nguyễn Văn Thạch đi vắng, nhưng anh chị em đã được Cha Giám Đốc Tập Viện Phạm Quốc Hưng thay mặt tiếp chuyện. Đúng là Thánh Ý Chúa quan phòng, bởi đây là “ngàn năm một thuở” khi được Cha Giám Đốc Tập Viện chia sẻ về ý nghĩa tu trì, về cuộc sống trong Dòng xưa và nay. Chẳng thế mà cặp mắt “ông” nào cũng chớp chớp lia lịa vì xúc động hẳn những ngày tháng dĩ vãng dưới mái Đệ Tử Viện đang sống lại trong ký ức. Các bà xã, không ai bảo ai cũng như muốn thổ lộ niềm vui thú, thầm cám ơn Chúa đã lấy được một “gã”... tu xuất - nhất là lại “xuất” từ Dòng Chúa Cứu Thế.

Tuy nhiên nghĩa cử cao đẹp và ý nghĩa nhất là việc Cha Nguyễn Quốc Hưng đã ký tặng cho mỗi “cặp uyên ương” một cuốn sách do Cha biên soạn: Có Mẹ Trong Đời. Được biết, Cha còn là tác giả của hai tác phẩm giá trị khác nữa: Trong Dòng Đời (1997) và Bông Hồng Chúa Gửi (1998).

Sau hơn nửa giờ trao đổi tâm tình, cha-con đã vào nhà nguyện để cùng dâng lời tạ ơn Thiên Chúa theo truyền thống. Sau mười kinh trong Chuỗi Mân Côi để cầu nguyện cho Nhà Dòng và Ơn Gọi, mọi người đã cùng hòa nhịp tâm can trong Salve Regina trước tôn nhan Mẹ Hằng Cứu Giúp. Lại xúc động ngút ngàn! Tâm hồn của những Cựu Đệ Tử hôm nay liên tiếp được tắm đẫm dưới những “trận mưa thiêng liêng”, tha hồ mà... sốt sắng. Mạn phép nhái lời của cổ nhân Việt Nam: Đúng là “đi một ngày đàng, nhận một sàng... hồng ân”!

Nhân dịp này, gia đình Cựu Đệ Tử còn được “tham quan” toàn bộ “cơ ngơi” của Nhà Dòng mà nay diện tích đã rộng hơn xưa nhờ tậu mãi mới được phần đất phía bên phải Nhà Dòng. Chưa hết, cha Phạm Quốc Hưng còn bất ngờ gây thêm cho “phe ta” một ngạc nhiên lớn lao nữa qua món Yaourt cho chính Cha tự... chế. Ngon hết ý! “Làm Cha dễ có mấy tay” là vậy đó!

Khi anh chị em sửa soạn giã từ Cha Giám Đốc Tập Viện thì xe của Cha Bề Trên Nguyễn Văn Thạch cũng vừa vào tới sân. Thế là cha-con lại truyện trò như pháo ran thêm một lúc lâu nữa trước khi cùng chụp hình lưu niệm trước Nhà Dòng và trước hang đá Đức Mẹ.

Trên đường về, mọi người đều bầy tỏ ước muốn được về lại tu viện Majella để thăm các Cha đã đành mà còn được dịp sinh hoạt với các thầy tu tập. Nghe đâu Ban Phục Vụ cũng đã “đánh giá” đây là một nhu cầu công tác tông đồ và vì thế sẽ ghi vào chương trình hoạt động của Hội trong năm 2011 hay 2012. Hoan hô!

Đón Xuân Tân Mão với Cha Vũ Khởi Phụng.

Chẳng dễ gì mà gặp được một Linh Mục DCCT ở Việt Nam trên “đất khách quê người” này chứ đừng nói là Cha Bề Trên của một giáo xứ đang lâm cảnh “dầu sôi lửa bỏng” ở trong nước. Vậy mà việc khó ước ấy đã trở thành sự thật mới lạ chứ! Ấy đấy, mồng 4 tết Tân Mão tức Chủ Nhật, 06.02.2011, gia đình CĐT Nam Cali đã được hân hạnh đón tiếp Cha Matthew Vũ Khởi Phụng, Bề Trên Nhà Dòng Thái Hà.

Số là cũng nhờ Cha Phụng “gần chết” bởi một cục thịt vô duyên và vô dụng bỗng xâm lăng lồng ngực của Cha khiến Cha đã phải sang tận Hoa Kỳ này chữa trị. Sau khi được các bác sĩ tài ba giải phẫu, cắt xẻo, Cha đã “thoát chết” nên trước khi hồi hương để tiếp tục làm Chủ Chăn hầu “sống chết” với đàn chiên của mình, Cha Phụng đã lưu lại Cali ít ngày phần để thăm Nhà Dòng ở Long Beach, phần thăm thân nhân đồng thời thăm cả “chi-thể-Nhà Dòng sinh hoạt ở ngoài đời”, tức gia đình CĐT chúng ta.

Dưới mắt nhiều Cựu Đệ Tử cùng thời... xa xưa, Cha Vũ Khởi Phụng cũng đã trên “7 bó” mà nhìn vẫn “ngon lành”, không khác lắm thưở ở Đệ Tử Viện Vũng Tầu. Thân hình vẫn thuộc loại “qua cầu gió bay”; làn da vẫn trắng như... con gái (con xin lỗi Cha về “tội” hỗn láo này, nhưng “có sao nói vậy, người ơi”!); tóc đã  có “tiêu” nhiều hơn “muối”, nhưng giọng nói của Cha sang sảng hơn xưa, chắc bởi nhờ Cha đi giảng nhiều, nhất là sau này lại thường “thuyết trình” trước những “đám đông giáo dân thắp nến cầu nguyện” hoặc “đấu khẩu” với chính quyền. Nguyện xin Thiên Chúa bảo vệ Cha qua lời cầu bầu của Mẹ Hằng Cứu Giúp và của Thánh Tổ An Phong.

Xin trở lại buổi họp mặt với Cha Vũ Khởi Phụng. Nhân dịp này cũng còn là những ngày đầu năm mới Tân Mão nên Cha đã cử hành lễ Minh Niên cùng với hai Cha đồng tế: Cha Augustine Nguyễn Huy Tưởng, bạn đồng song của cha Phụng ở Đệ Tử Viện Thái Hà trước năm 1954, và Cha John Trần Quí, một cựu Đệ Tử-DCCT “chính hiệu con nai vàng”. Thêm vào đó còn có sự hiện diện quí báu của Cha Giáo Phan Phát Huồn. Tuy Cha Giáo vẫn phải lệ thuộc vào chiếc xe lăn, nhưng trí não Cha vẫn nhạy bén và diện mạo của Cha nhìn... trẻ lại, hồng hào như thanh niên vậy.

Hơn 50 anh chị em CĐT và thân hữu ăn mặc rất “trai thanh gái lịch” đã tham dự thánh lễ. Trong bài giảng, Cha Phụng đã dẫn chứng và cảm nghiệm Lời Chúa vào cuộc sống thường nhật và chủ đích “đời sống đạo giữa đời” của Hội CĐT. Thật sâu sắc, đầy xúc cảm và chan chứa chân tình. Ai cũng như cảm nhận được vững tin hơn và sẵn sàng hơn nữa để thực hiện những chuyến “Duc In Altum” trong cuộc sống hôm nay.

 

Cha Phụng: "Chúng tôi giảng, giáo dân đến nghe là quyền của họ, chúng tôi đâu có kêu mời.”

 

 

 
 

 

 

 

 

 


Tưởng như lửa sốt sắng đã đạt tới cực điểm khi Cha Chủ Tế hòa hợp với anh em CĐT cất tiếng hợp ca “Tôi Kết Hợp”, một nhạc phẩm trứ danh của cố Linh Mục DCCT Hoàng Diệp,  cùng hát Salve Regina truyền thống và cùng đọc kinh cầu cho Nhà Dòng.

Lễ đoạn, anh chị em CĐT đã dâng Cha Bề Trên bó hoa tươi và món quà đầu Xuân. Cha Phụng cũng làm một “cử chỉ đẹp” đáp lại bằng những lời chúc Tết quá ư ý nghĩa, thiết thực và bao lì xì dành cho anh chị em hiện diện mà Cha âu yếm gọi là “cộng đoàn bé nhỏ nhưng rất thân thiết của tôi”.

Thiết tưởng, bởi thế là “một sự thiệt thòi vĩ đại” cho những người vắng mặt.

Sau hết là tiết mục Tiệc Xuân. Vui! Phải nói quá vui mới đúng. Anh Phục, anh Paul Tám “cung cấp” những bản cộng đồng ca Xuân vui tươi, sôi động. Những chuyện hàn huyên và chia sẽ của cá nhân hoặc từng nhóm nhỏ không ngớt rộn ràng. Thực phẩm tuy hầu hết vẫn “sao y bản chính” nhưng hôm nay có thêm bánh chưng, củ kiệu hầu đúng mùi vị Xuân. Các bà chị nhoẻn cười mà khiếu nại “quá cỡ thợ mộc” khi thấy “bartender” Đào Quang Mỹ phục vụ rượu… tận tình cho các ông xã; trong khi đó các ông cứ đều đều nháy mắt ra hiệu: “Thêm tí nữa đi, bồ!” - rồi cười. Nụ cười có chút men nhìn đẹp không tưởng nổi mặc dù... hơi méo.

 

Ban Phục Vụ được tái tín nhiệm “trăm phần phăm” - Chiếu theo Nội Qui của Hội, mỗi nhiệm kỳ của Ban Phục Vụ là hai năm. Đúng hôm nay, 06.02.2011, ban đương kim Phục Vụ được quyền “rũ áo từ quan” và toàn thể hội viên sẽ bầu cử một “ê-kíp” mới cho nhiệm kỳ 2011-2013..

Anh Đào Quang Mỹ được giao phó trọng trách điều hành cuộc bỏ phiếu. Theo anh, “đây là một cuộc bầu cử vô tiền khoáng hậu trong lịch sử Hội CĐT-DCCT, không chỉ tại Cali Hoa Kỳ mà khắp nơi, kể cả ở Việt Nam, bởi vì cuộc bầu cử diễn ra trước... mặt Chúa và với sự chứng kiến của những 4 vị Linh Mục”.

Đúng vậy, đáng lý tin này phải nằm trong phần tin “Đón Xuân Tân Mão với Cha Vũ Khởi Phụng” trên đây, nhưng vì tính cách quan trọng nên được tách rời “theo thủ tục hành chánh”. Vâng, nhân dịp đầy ý nghĩa này, Ban Phục Vụ đã tổ chức cuộc bầu cử Ban Phục Vụ mới. Thật tiện và lợi! Và cũng bởi thế mà anh Đào Quang Mỹ mới có lý do chính đáng để xác quyết như trên.

Anh Mỹ đã nhân danh Hội để nói lên tâm tình cảm phục và ghi ơn Ban Phục Vụ đồng thời nhắc lại một số sinh hoạt điển hình mà Ban Phục Vụ đã mang lại cho Hội để rồi nay quí anh chị trong Ban Phục Vụ, thảy đều đã “mỏi gối chân chồn”, chẳng hạn anh Hội Trưởng Nguyễn Hùng Cường đã mấy lần “nghẹt thở vì tim chẳng chịu bóp đều nhịp”; anh Thư Ký Nguyễn Văn Thư thì càng ngày càng y chang “bộ xương cách trí”; chị Thủ Quĩ Nguyễn Thị Hải dĩ nhiên vẫn đẹp nhưng nhan sắc nay cũng đã lâm cảnh “lơ thơ tơ liễu buông mành”; anh Đậu Quang Luận, Trưởng Ban Truyền Thông thoáng nhìn tưởng vẫn “ngon”, nhưng thật sự thì các bộ phận của anh trong thực tế cũng đã lỏng lẻo hết trơn mà nếu chúng không dính vào người thì cũng đã rơi rụng từ lâu rồi; chỉ trừ Trưởng Ban Phụng Vụ Lương Thế Vinh là còn “có da có thịt”, tuy vậy tóc tai của anh một số đông đã rủ nhau nhẩy dù khỏi da đầu. Trong khi đó “ghế” Hội Phó vẫn còn trống sau ngày anh Vũ Đức Long xin cáo biệt chức vị vì lý do riêng.

Sau đó, anh Đào Quang Mỹ trình bầy hai hình thức bầu cử: Thứ nhất “bỏ phiếu” tuyển chọn Hội Trưởng trong số các ứng cử viên tự nguyện (nếu có) hay ứng viên được đề cử (nếu có). Thứ hai, trong trường hợp vừa kể không có ai, vấn đề “tái tín nhiệm” ban Phục Vụ sẽ được đặt ra. Đúng theo qui chế bầu cử dân chủ, anh Mỹ kêu mời những người “tài đức”, những người giầu lòng hy sinh và thiện chí ra “gánh vác sơn hà”, nhưng rất tiếc chắng có ai “đáp lời sông núi”.

Đành áp dụng hình thức thứ hai trên đây, anh Mỹ hỏi “toàn thể đồng bào hiện diện, ai ước muốn tái tín nhiệm Ban Phục Vụ thêm một nhiệm kỳ nữa, xin mời “bỏ phiếu” bằng cách giơ tay”. Tức thì “hàng ngàn cánh tay giơ lên”. Anh Đào Quang Mỹ đã nhân danh người điều hành bầu cử tuyên bố: “Với sự đồng thuận một trăm phần trăm của anh chị em CĐT có mặt hôm nay, Ban Phục Vụ đã được tái tín nhiệm thêm nhiệm kỳ 2011-2013. Hẳn đây cũng là Thánh Ý Chúa. Thay mặt Hội, cầu chúc tân Ban Phục Vụ cũng lại gặt được nhiều sự thành công tốt đẹp trong công tác phụ vụ Hội CĐT-DCCT hầu làm sáng danh Thiên Chúa, tiếp tay với Nhà Dòng và tiếp tục thực hiện lý tưởng “Duc In Altum” qua chủ trương ‘Sống giữa thế gian, nhưng không thuộc về thế gian”. 

Anh Nguyễn Hùng Cường đã lên “diễn đàn” cám ơn sự tín nhiệm và kêu gọi sự cộng tác của từng anh chị trong Hội CĐT. Mọi người, dĩ nhiên kể cả các Cha-nhân-chứng, đều vỗ tay nhiệt liệt. Anh Phục liền cất giọng ca bản “Ly Rượu Mừng” để toàn thể hội trường cùng hát theo. 

Cha cựu Linh Hướng Giuse Châu Xuân Báu từ Houston đã vội vàng gửi điện về chúc lành cho Ban Phục Vụ, và ngài phát biểu: “Việc Hội tái tín nhiệm Ban Phục Vụ là sự lựa chọn đúng nhất!”

Bổ nhiệm Hội Phó  

Ngày 9 tháng 2, Ban Phục Vụ đã phổ biến trên các địa chỉ e-mail của hội viên CĐT biên bản Bổ Nhiệm Hội Phó. Theo đó, anh Hội Trưởng tiết lộ rằng “tôi đã đích thân tiếp xúc với một vài anh trong Hội để nhờ đảm trách chức vụ Hội Phó, nhưng không kết quả”. Nhưng sau , Ban Phục Vụ đã “bắt” được Đào Quang Mỹ, một “lính mới tò te” vừa từ Âu Châu sang “tị nạn” ở Cali. Được mời, thuở ban đầu anh Mỹ cũng “em chả, em chả” nhưng rồi, trong buổi họp mặt mừng Xuân Tân Mão, ngày 06.02.2011, anh đã chịu nghe theo những lời “cám dỗ đường mật” của Ban Phục Vụ mà nhận chức Hội Phó.

Sau này được hỏi về cảm tưởng, Đào Quang Mỹ “thành khẩn khai báo” rằng: “Tôi đã quá tuổi hưu ở Na Uy, dự định qua Cali dưỡng già nhờ có “trái tim đã vui trở lại”, ai ngờ lại… vác Thánh Giá. Mà thôi, vâng theo thánh ý Chúa vậy, chỉ cầu xin Chúa ban cho sức khỏe, không cần nhiều, miễn bằng Arnold Schwarzenegger cũng đủ xài”.

 

Hội CĐT với ngày đại lễ Lòng Chúa Thương Xót Kỳ XI.

01.05.2011 cũng là ngày kính “Thánh Giuse Thợ” - ngày Lao Động Quốc Tế - ngày Hội Thánh phong Chân Phước cho đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolồ 2.

Theo “truyền thống”, Hội CĐT đã tham gia công tác Ngày Đại Hội Lòng Chúa Thương Xót ở Long Beach bởi đây là “Dòng mình” tổ chức. Còn nhớ những năm trước, “Hội mình” vẫn đóng góp nhân lực cũng có hạng lắm, nhưng dần dần… xuống dốc thê thảm. Chẳng lạ, các cựu ĐT nay đã và đang bị thời gian lão hóa “hết thuốc chữa”, trong khi đó, các cộng tác viên của Ngày Đại Hội Lòng Chúa Thương Xót thường phải có mặt từ 6,7 giờ sáng và ra về cũng khoảng giờ ấy vào buổi chiều. Vì lý do sức khoẻ kém, 12 giờ “lao động” không còn có thể được đánh giá là “vinh quang” cho các CĐT bô lão nữa. Bởi “lực bất tòng tâm” nên năm nay “phe ta” chỉ cung cấp được 6 CĐT chính hiệu cùng với 2 “con dâu Thánh An Phong” cộng thêm 7 thân hữu để gia nhập với một lực lượng tình nguyện viên gồm 550 mạng, chia thành ban Trật Tự (400) và ban Tiếp Tân (150).

Được biết trước ngày Đại Hội, anh Hội Trưởng đã phải ba, bốn lần đến Tu viện Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, Long Beach, để họp với ban Tổ Chức. Cuối cùng thì Hội CĐT được giao trách nhiệm chính là chào đón quan khách, ghi nhận ý lễ, xin khấn, dâng cúng và hướng dẫn tổng quát. Khỏe ru bà rù! Gì chứ việc tiếp tân, xã giao chính là “nghề của chàng” (và của “nàng” nữa chứ!). Trong bộ “đồ vía” Âu phục đen, các anh chị này, kể cảa những anh chị thân hữu, đã “công tác tốt”; trong khi môi miệng phải thường trực tươi… như hoa (dù là… hoa héo), còn chân tay thì cũng không ngừng ghi ghi chép chép những ý nguyện xin lễ, những lời xin khấn đồng thời thu bạc cũng… mệt không nghỉ. Chẳng thế mà Cha Bề Trên Nguyễn Tất Hải thỉnh thoảng lại ghé lại ban cho… nụ cười duyên, tỏ dấu khen ngợi.

Hôm sau, anh Hội Trưởng đã viết như sau trong e-mail gửi cho Hội Viên CĐT: “Khoảng trên 8.000 người đã đến tham dự và nhận được bao ơn lành của Lòng Chúa Thương Xót qua thánh lễ đại trào do hai Giám Mục của giáo phận Los Angeles và 20 linh mục đồng tế… Xin tạ ơn Chúa đã ban cho ngày đại lễ được diễn ra trong an lành”.

 

Gia đình CĐT họp mặt với Cha Tiến Lộc – CĐT nào ở Nam Cali cũng nhận được Thiệp Mời của ban Tổ Chức về buổi họp mặt với Linh Mục Giuse Nguyễn Tiến Lộc, vào chiều Thứ Sáu, ngày 03.06.2011, tại nhà hàng Regent West. 

Mục đích của buổi họp mặt với bữa cơm chiều này nhằm gây quĩ hầu tạo điều kiện tài chánh để trùng tu cơ sở Nhà Tập tại Mai Thôn mà cha Tiến Lộc hiện là Bề Trên.

Gia đình CĐT chúng ta chiếm trọn 3 bàn. Cha John Trần Quí cũng chẳng quản ngại đường xá xa xôi và… trời tối để cùng hiện diện. Cần nhấn mạnh rằng đây cũng là một “dịp may hiếm có” để anh chị em CĐT gặp nhau nên các câu chuyện hàn huyên về đủ thứ đề tài đã “nổ như bắp rang”. Mối thân tình nhờ thế cũng được thêm “chất xúc tác” mà lớn thêm.

 

Đặc biệt dịp này, anh em đã như… ngã bật ngửa khi bất ngờ thấy một CĐT thứ thiệt ở Việt Nam bỗng xuất hiện: Vũ Sinh Hiên! Lập tức diễn ra những màn “tay bắt mặt mừng” và “ôm nhau thắm thiết”, và đã hơn nữa là được xưng “mày - tao” như thuở nào. Được biết Vũ Sinh Hiên “đi lạc” tới Cali là bởi “hắn” được Phong Trào Tiếng Nói Giáo Dân mời (oai quá!) qua Mỹ họp đại hội.

Số quan khách tham dự buổi họp mặt với Cha Tiến Lộc cũng lên tới hơn 500, gồm nhiều linhmục, tu sĩ nam nữ và các hội đoàn Công Giáo.

Nhìn những hình ảnh với lời thuyết trình của Cha Tiến Lộc về hiện trạng Nhà Tập Mai Thôn mà… rớt nước mắt. Phải nói là dưới mức nghèo nếu so sánh với thời chúng ta “tu” ở Hà Nội, Huế, Saigon, Vũng Tầu hay Thủ Đức. Một phòng nhỏ xíu mà tới những 4 “chú” cùng chen chúc, vừa để ngủ, để học, vừa để sinh hoạt này nọ. Nhiều hôm thủy lượng sông (Đồng Nai) dâng cao hoặc mưa nhiều thì các chú phải ngồi “kiểu bộ đội” mà học nếu ngại ngâm chân trong nước bẩn. Ngoài giờ học và tu tập, các chú vẫn phải “tự biên tự diễn” sửa sang lấy nhà cửa để mà… chui rúc - trong khi chờ đợi nhận được tài-chánh-bố-thí để xây cất nhà cao cửa rộng hầu an tâm mà tu.

Chương trình buổi họp mặt, ngoài bữa cơm chiều thanh đạm, còn có những tiết mục văn nghệ mà phần nhiều là “cây nhà lá vườn”, xổ số và đấu giá một số tặng phẩm.

Nhằm hưởng ứng mục đích gây quĩ, anh chị em gia đình CĐT đã “của ít lòng nhiều”, rút hầu bao tại chỗ tổng cộng được 5,290 đồng (năm ngàn, hai trăm chín chục USD). Con số này khi được ban Tổ Chức xướng lên cùng với các kết quả khác, đã nhận được những tràng pháo tay nhiệt liệt của quan khách hiện diện. Nhưng đối với gia đình CĐT đó chẳng qua chỉ là “chuyện nhỏ”, bởi tấm lòng yêu mến và nhớ ơn Nhà Dòng thì sâu đậm, niềm ao ước chia sẻ những khó khăn với Nhà Dòng thì chân tình… nhưng chỉ tiếc là tiền… “bất tùng tâm” nên “phe ta” đành chỉ còn biết ngậm ngùi dùng lời kinh, tiếng nguyện dành cho Nhà Dòng để thay thế vậy.

Trong phần kết thúc buổi họp mặt thân ái này, anh chị em CĐT đã cùng với Cha Tiến Lộc và ca đoàn Thánh Linh trình diễn hai nhạc phẩm đạo và đời để thay thế lời cảm tạ của Cha Bề Trên Nhà Tập Mai Thôn và của Ban Tổ Chức. Quả thật, vui và cảm động hết chỗ chê!

 

Buổi cầu nguyện cuối Tháng 6/2011- Theo lịch trình sinh hoạt hằng tháng, sáng nay CN 26/6 kính lễ Mình và Máu Thánh Chúa Kitô 19 anh chị em CĐT đã đến họp mặt tại nhà CĐT Cường để cầu nguyện và học hỏi Lời Chúa. Đặc biệt có sự hiện diện của vợ chồng CĐT Trần Ngọc Tá từ Úc qua du lịch cũng đến với anh chị em.

Trong lời nguyện đầu ngày, anh chị em đã dâng lên Chúa: (1) Tỉnh Dòng với 10 thầy sơ khấn, 14 thầy vĩnh khấn, và 5 thầy Phó tế chịu chức Linh mục trong tuần tới; (2) Phụ Tỉnh với 3 ngày đại hội Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp tại Houston; (3) tất cả anh chị em CĐT khắp nơi; (4) những cha, thầy, CĐT, và từng người thân của CĐT đã qua đời. 

            Qua tràng chuỗi Thương Xót, anh chị em quì gối van xin Chúa chúc lành và nối kết mọi CĐT lại với nhau dù ở phương trời nào. Chục thứ 5 của chuỗi Thương Xót được anh chị em dành riêng để xin Chúa đụng chạm và chữa lành cho những CĐT đang có khó khăn về sức khoẻ cũng như tinh thần, và xin Chúa chúc lành cho những dự tính của từng gia đình. 

Qua phần học hỏi Lời Chúa để ứng dụng vào đời sống hằng ngày, mỗi anh chị đã nói lên cảm nghiệm riêng của mình về bí tích Mình và Máu Thánh Chúa. Trong khi chia sẻ cảm nghiệm, anh em cũng gợi lại những kỷ niệm êm đềm và vui tươi trong đệ tử, mà ở đó mỗi anh em đã được nuôi dưỡng bằng tình thương của Chúa, tình bằng hữu, nhất là bằng những hồng ân qua bí tích Mình và Máu Thánh Chúa. Buổi cầu nguyện được kết thúc bằng kinh Salve Regina truyền thống và thánh thiện của Nhà Dòng.

Anh chị em đã chụp hình lưu niệm, sau đó vừa dùng bữa với nhau vừa hàn huyên tâm sự chuyện của kẻ gần người xa.

 

Khoá Canh Tân Đặc Sủng và người Cựu Đệ Tử - Được biết hằng năm Phong trào Canh Tân Đặc Sủng tại giáo phận Orange, Nam California, đều tổ chức một khóa Canh Tân Đặc Sủng (Charismatic Movement) kéo dài 3 ngày vào dịp cuối tuần, thường vào trung tuần hoặc hạ tuần Tháng 7/2011. Mục đích chính là để giúp người tín hữu học hiểu về Chúa Thánh Thần là Ngôi Ba Thiên Chúa và những đặc sủng của Ngài sẽ ban cho, để qua đó cuộc sống của một Kitô hữu, nếu có lòng ao ước, sẽ được biến đổi tốt lành hơn như “Cha là Đấng trọn lành.”

Với ý nguyện muốn nên thánh mỗi ngày một hơn, một vài anh chị CĐT gồm có Anh & Chị Nguyễn Văn Thư (Thư Ký), Chị  Nguyễn Thị Hải (Thủ Quỹ) đã tìm hiểu và tham dự khoá Canh Tân Đặc Sủng 19 tại Hội trường Nhà Thờ Trái Tim Đức Mẹ Vô Nhiễm. Thời gian từ ngày 15 đến 17/7/2011, với thời khoá biểu sáng đến sinh hoạt và chiều về lại gia đình. Ngoài ra, một số các CĐT khác cũng đảm nhiệm trách nhiệm trong Ban Tổ chức như anh Vũ Đức Long, anh Nguyễn Thuận, và chị Tăng Ngọc Khanh.

            Buổi lễ bế mạc đầy hồng ân của Chúa Thánh Thần do Đức Giám Mục Mai Thanh Lương chủ tế và các cha đồng tế với nghi thức “Sai đi” đã để lại trong tâm hồn anh chị em dự khoá một lệnh truyền của Chúa là ra đi loan báo tin mừng của Chúa. Ban Phục Vụ đã thay mặt Gia Đình Cựu Đệ Tử đến chúc mừng và chào đón các anh chị CĐT trong dịp ra khoá. Chắc chắn tâm hồn các anh chị đã được tràn đầy ơn Chúa Thánh Thần sẽ trở thành những chứng nhân đắc lực hơn cho Chúa qua sứ mạng Duc In Altum. Những anh chị nào cảm thấy hoặc ao ước muốn có nhu cầu tâm linh này, có thể liên lạc với Ban Phục Vụ để biết thêm chi tiết.

 

 

Chúc mừng gia đình CĐT Tám Paul xây dựng hạnh phúc lứa đôi cho con cái. - CĐT Nguyễn Văn Tám, còn được gọi là Tám Paul, để phân biệt với Tám Luc (Luca) khi còn ở Vũng Tầu. Ngày 23 tháng 7 năm 2011, anh chị Tám Paul đã làm lễ Vu Qui cho ái nữ là Therese Nguyễn Lan Laura, cũng là người con duy nhất của anh chị, kết hôn với anh Nguyễn Quang Nhật. Cả cô dâu chú rể đều là bác sĩ y khoa trong cộng đồng Mỹ-Việt. Buổi sáng, khoảng 20 anh chị CĐT đã được mời tham dự thánh lễ hôn phối của đôi tân hôn tại thánh đường Blessed Sacrament Church, thành phố Westminster, Nam Cali. Buổi chiều cùng ngày, 23 anh chị CĐT và gia đình cũng đã đến chung vui với gia đình CĐT Tám Paul tại phòng tiệc trong đại sảnh của khách sạn Double Tree Hotel thuộc thành phố Anaheim. Chúng tôi ghi nhận sự hiện diện của các CĐT Nguyễn Quang Hào, Phạm Long x 2, Bùi Thiện Khuê x 2, Nguyễn Hùng Cường x 2, Nguyễn Nhung x 2, chị Tăng Ngọc Khanh, Bửu Uy x 3 (đến từ Oregon), Nguyễn Mạnh Tuấn, Trần Tuấn x 2, Bùi Đồng, Trần Tiến Thành x 2, Nguyễn Văn Thư, Vũ Ngọc Lợi x 2, Trần Quang Phục x 2, Nguyễn Văn Cửu x 2, Nguyễn Văn Tám x 2.

Tưởng cũng nhắc lại, trong số khách tham dự tiệc cưới này cũng có CĐT Vũ Sinh Hiên từ Việt Nam đến. Được biết, CĐT Hiên đến Mỹ theo lời mời tham dự sinh hoạt của một hội đoàn thân hữu. Qua hàn huyên với nhau, CĐT Hiên cho biết Gia Đình An Phong bên quê nhà sẽ mừng lễ Thánh Tổ Phụ An Phong vào ngày 30/7/2011 nên những anh chị em CĐT hiện diện trong tiệc cưới đã có nhã ý góp tay để có một chút quà tình cảm nhờ CĐT Hiên mang về cho anh chị em CĐT bên quê nhà mừng lễ. Vì không được thông báo trước, nên kết quả không dồi dào lắm, chỉ được $600 (sáu trăm chẵn - kể cả sự hưởng ứng của các anh Đào Quang Mỹ và Đậu Quang Luận trong ngày hôm sau) , nhưng đã nói lên tình cảm của gia đình CĐT Nam Cali nói riêng -- và chắc chắn của Gia Đình An Phong hải ngoại nói chung -- luôn gắn bó và chia sẻ vui buồn với gia đình An Phong quốc nội. –

Comments