Số 71 – Quý 3/2010 Tâm Sự Đầy Vơi Lm Vinh Sơn Phạm Trung Thành Kính thưa anh em. (có cả kính thưa các chị nữa nhé).
Hai anh em chúng tôi kết thúc “Úc du” bằng một chuyến bay dài 8 tiếng đồng hồ (Melbourne-Saigon), trở về Việt Nam với nhiều tâm tình vui buồn hỗn độn, hai mươi ngày trôi qua rất mau, những cảm xúc dốn dập, những suy tư thoáng nhanh, những toan tính ngổn ngang cần thời gian sắp đặt lại và cả núi công việc đang chờ đón một cách nghiệt ngã. Cha Phương giọng chán nản nói “mỗi lần đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất, em có cảm tưởng như mình là gà bị lùa vào chuồng!”, tôi không có được cảm giác ấy, vì muốn có phải có bề dày ở nước ngoài, bề dày kinh nghiệm được cung cách quản lý nhân sự ở các nước tiên tiến, đi đâu đó họp hành vài ngày rồi về như tôi, không thể có cảm nhận như cha Phương, ở trong chuồng lâu rồi nên mất cảm giác ! tôi chỉ có nôn nóng, nôn nóng về nhà để gặp anh em và sắn tay vào những công việc đang chờ đợi mình.
Cám ơn anh chị em, lời cám ơn chân thành từ trong đáy lòng mình trước những ân cần tiếp đón, những nâng đỡ tận tình, những sẻ chia đằm thắm (cám ơn chị Lâm đã “dưỡng nuôi quí tử”, chị Mai đã nấu ăn thật ngon, chị Nhuận đã tiếp đón tại nhà, anh Lâm, anh Nhuận, anh Linh, anh chị Thành, anh Mai Tá đã chu đáo đón đưa). Cám ơn anh chị em những ngày vắn vỏi tại Sydney nhưng tràn ngập niềm vui. Đêm chia tay lạnh lẽo ở sân nhà thờ Cabramata mà lòng chúng ta chẳng cảm thấy ngậm ngùi đó sao? Hẳn anh Mai Tá đã nghĩ :
Đêm chia ly anh về, đường khuya em bật khóc làm sao quên mùi tóc, (Trần Thiện Thanh- Mùa Đông Của Anh)
Quả thật là ấn tượng, ấn tượng về tình nghĩa, ấn tượng về mối tương quan, ấn tượng về chung một mối đồng cảm, cả ấn tượng về thời tiết nữa, vì ở Việt Nam có bao giờ có được cái tiết lập đông như ở Sydney đâu.
Trời lập Đông chưa anh, cho lũ dơi đi tìm giấc ngủ vùi nên anh yêu mùa đông, (Trần Thiện Thanh - bđd.)
Bắt chước anh Mai Tá mà đem thơ văn vào câu chuyện, chứ nào có thật việc quên hay không quên mùi tóc đâu nhé. Nghĩ quanh nghĩ quẩn sẽ có lắm chuyện phiền toái.
Đêm gặp nhau tại nhà anh Vũ Nhuận, chúng mình đã nói với nhau thật nhiều, đã thăm hỏi và đã chia sẻ với nhau những mối bận tâm về ơn gọi, về Tin Mừng, về con đường Chúa mời chúng ta đi. Chắc hẳn chẳng ai trong chúng ta bằng lòng rằng đã nói hết với nhau trong đêm đó, nhưng ít là chúng ta đã được gặp nhau, đã nói với nhau, đã dốc cạn tâm tình với nhau.
Xin anh chị em hiểu cho rằng, anh chị em luôn trong lời nguyện cầu của mẹ nhà dòng, anh chị em luôn được mời gọi đi tiếp con đường chúng ta đang đi, anh chị em luôn được chia sẻ không chỉ tình cảm nhưng cả những nỗ lực tông đồ nữa.
Tổng Công Hội 24 tại Roma muốn chuyển đến anh chị em thông điệp đó, chúng tôi muốn bày tỏ điều đó thật cụ thể với anh chị em. Chúng ta họp mặt không vì nuối tiếc những tình cảm xưa cũ, mặc dầu những tình cảm đó thiêng liêng và đáng trân trọng, nhưng chúng ta còn họp mặt vì ơn gọi An Phong ngày hôm nay vẫn còn vang dậy trong lòng chúng ta (ai không còn nghe tiếng gọi này nữa thì chúng ta đánh thức dậy). Cả một cánh đồng đói khát lời Chúa mênh mông trước mặt, cả một công trình vĩ đại Chúa đã gầy dựng cho chúng ta qua các công việc tông đồ của dòng thánh ở khắp mọi nơi, anh chị em đươc kêu gọi cùng với chúng tôi dấn mình vào công cuộc đó.
Cụ thể chúng ta sẽ làm gì ? Tôi nghĩ: - Trước tiên chúng ta hãy duy trì mối liên lạc với nhau thường xuyên, những tin tức của anh em được gởi về cho nhà dòng, những thông tin của nhà dòng sẽ gởi đến anh em. Cha Đinh Hữu Thoại, Chánh văn phòng Tỉnh Dòng sẽ đảm nhận việc này cho chúng ta. - Kế đến chúng ta cộng tác với nhau trong các việc tông đồ với những sáng kiến Chúa ban, thí dụ các anh chị đã cùng nhau rao giảng Tin Mừng bằng việc thực hiện “chuỵện phiếm đạo đời”, làm sao cho nó lan tỏa ra nhiều hơn nữa, sâu hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa. “Chuyện phiếm đạo đời” là một thí dụ, các anh chị hãy lắng nghe tiếng Chúa Thánh Thần thúc dục các sáng kiến khác trong lòng các anh chị và sẵn sàng quảng đại đáp lại lời của Chúa. - Làm tất cả những gì có thể làm được để yểm trợ cho Tỉnh Dòng. Hoàn cảnh của Tỉnh Dòng như thế nào hẳn anh em biết rõ, xin anh chị em cố gắng cộng tác với Tỉnh Dòng của anh chị em.
Trong tháng sáu này, Tỉnh Dòng sẽ cung nghinh bức linh ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp đặt tại Đền Đức Mẹ La mã Bến Tre về Đền Đức Mẹ ở Kỳ Đồng, tại Kỳ Đồng sẽ tổ chức tuần cửu nhât kính Đức Mẹ, anh chị em có thể xem bài phỏng vấn cha Thành Tâm trên tập tin “Thư Cha Giám Tỉnh” tháng 6 của Tỉnh Dòng.
Ngày 25 tháng 6, lễ khấn lần đầu lúc 8g00 tại Kỳ Đồng, tiếp nhận 15 tu sĩ mới của Tỉnh Dòng, sau 4 năm đệ tử, 4 năm dự tập và một năm nhà tập, anh em tuyên khấn lần đầu, sau lễ khấn anh em sẽ bắt đầu chương trình thần học, cùng trong lễ khấn này, 9 tu sĩ trẻ sẽ tuyên khấn vĩnh viễn trong dòng. Hôm sau, ngày 26 tháng 6, lúc 8g00, 9 phó tế sẽ nhận thánh vụ linh mục. Xin cầu nguyện cho các anh em trẻ biết lắng nghe theo tiếng Chúa gọi, quảng đại và khôn ngoan đáp lại lời Chúa.
Các anh em gia đình An Phong ở Sàigòn vẫn họat động đều đặn, anh em vẫn hăng say với công việc giáo lý cho người dự tòng, những thành quả Chúa ban cho anh em ngày một tăng triển hơn, anh em có thăm hỏi mình về anh em gia đình An Phong ở Sydney. Ngày Chúa nhật 13 tháng 6 này là ngày sinh hoạt định kỳ hàng tháng của anh em. Sẽ có thánh lễ ban bí tích thanh tẩy cho một số dự tòng mà anh em đã giúp giáo lý lâu nay, đồng thời ngày thứ hai 7 tháng 6 sẽ khai giảng lớp giáo lý hôn nhân do anh em đảm trách. Chúng ta hãy vui mừng và chung vui với anh em tạ ơn Chúa.
Việt Nam đang nóng kinh khủng, năm nay hạn hán kéo dài và nóng gay gắt hơn mọi năm, cả nước mong mưa đổ xuống để dịu những cơn nóng sốt, anh chị em hãy cầu nguyện thật nhiều cho quê hương đất nước, xin Chúa Thánh Thần tuôn đổ ơn mưa móc tưới gội xuống cho quê hương thân yêu của chúng ta.
Vài hàng gởi đến anh chị em, xin Chúa chúc lành cho các anh chị và gia đình các anh chị. Nguyện chúc sự bình an và lòng yêu mến luôn ở trong gia đình các anh chị, hẹn thư sau sẽ gặp lại.
Lm. Vinhsơn Phạm Trung Thành, dcct.
GIA ĐÌNH AN PHONG SYDNEY MỪNG LỄ THÁNH TỔ ANPHONG 1.8.2010 Lễ Thánh Tổ An Phong năm 2010 lại thêm một cơ hội để anh chị em và các cháu cũng như thân hữu trong Gia Đình An Phong – chi hội Sydney quần tụ vừa để mừng lễ, vừa có dịp đóng góp cho Tỉnh Dòng Mẹ Việt Nam và hàn huyên tâm sự. Thế nhưng đặc biệt đây cũng là dịp – theo truyền thống của chi hội, cứ 2 năm một lần - để chọn mặt gửi vàng– bầu chi hội trưởng và phó mới – cho nhiệm kỳ 2010 – 2012. Buổi họp mặt lần này được tổ chức tại tư gia a/c VNhuận vào chủ nhật ngày 1 tháng 8. Truớc hết là phần thánh lễ với sự có mặt không thể thiếu vắng của người anh em LM Giuse Mai Văn Thịnh đến từ Melbourne. Với những tâm tình chia sẻ hết sức thân tình nhưng cũng rất có chiều sâu làm chất liệu để suy nghĩ. Trong phần cầu nguyện chi hội không quên nhớ đến những anh em đã ra đi trước và đặc biệt là 3 huynh trưởng đang có vấn đề sức khoẻ như : Bác Trần Tứ Cảnh, Bác Trần Ngọc Liên và Bác Nguyễn Anh Cung. Sau đó đến phần bầu bán, trước khi bỏ phiếu, chọn CHT và CHP mới, anh VNhuận đã thân ái giới thiệu ứng cử viên và để chuẩn bị cho việc bầu bán diễn ra một cách như “ Chúa định” mà VN đã gợi ý cho rằng có thể coi vai trò CHT & CHP như là một cơ hội phục vụ và cũng có thể coi như “ vác thánh giá “. Thế thì nếu coi đó là một cơ hội phuc vụ, thì không lẽ cứ để cho một người độc quyền phục vu hay saọ, và nếu coi đó là thánh giá, thì không lẽ cứ để cho một người vác. Chính trong bối cảnh đó mà VN chỉ xin giới thiệu một ứng viên cho vai trò CHT để tùy “ ý dân “ và người đắc cử sẽ có toàn quyền chọn người làm phó cho mình. Sau khi nhìn tới nhìn lui – cuối cùng anh Phạm Văn Chương đã được đề cử. Trong khi bà con còn đang suy nghĩ thì, VN lại nhắc đến chuyện con bach tuộc Paul trong giải WC vừa qua và bồi thêm là dường như chú bạch tuộc này sau khi xem dung nhan của các thành viên trong chi hội, thì chỉ quấn quít với tấm hình của anh PVChương mà thôi. Không biết có phải vì sự phối hợp giữa chuyện ý Trời và chuyện ý con bạch tuộc hay không mà cuối cùng anh PVChương đã đạt được số phiếu cao nhất và chính thức trở thành tân CHT trong một cuộc bỏ phiếu nhanh nhất trên thế giới. Thế nhưng điều hấp dẫn bất ngờ đó là trong vai trò tân CHT, anh PVChương đã làm nên lịch sử khi chọn người làm chi hội phó cho mình, không phải là một anh mà lại là một chị, mà chị đó lại là phu nhân của anh TNTá, chị Đàm Thị Mai. Buổi nhậm chức của tân CHT & CHP có dùng lời lẽ hay hoi như thế nào đi chăng nữa, thì cũng không thể diễn tả hết được sự hưng phấn của một luồng gió mới đang đến với chi hội. Mời các anh chị đón xem đoạn phim được ghi lại mà chúng tôi sẽ phát tán trên youtube trong thời gian tới đây. Sau đó qua phần đóng góp cho Tỉnh DCCT Việt Nam. Cũng trong tinh thần của bà goá trong tin mừng, xin Tỉnh Dòng đón nhận như một chút lòng nhỏ bé trong sứ vụ rao giảng Tin Mừng. Đặc biệt là một số anh chị em cũng như thân hữu vì lý do bất khả kháng không đến tham dự, cũng vẫn nhớ gửi sự đóng góp của mình. Được biết số tiền đóng góp kỳ này tính sơ khởi là 4.600 đô và may mắn là sau đó vài ngày, anh NKLinh có chuyện về VN, cho nên số tiền sẽ được anh trao tận tay cho cha BTGT. Một vài chi tiết bên lề xin được tường trình thêm cho quý anh chị. Truớc hết là chuyện anh chị TNTá vừa trở về sau một chuyến Âu Du 2 tuần lễ. Đáng lý ra theo chương trình dự định, anh chị không thể tham dự buổi họp mặt lần này, thế nhưng chuyện gì bỏ được, chứ chuyện họp măt của chi hội – mỗi năm chỉ có 2 lần – anh chị nhất quyết không thể bỏ, và vì thế chuơng trình của anh chị đã phải thay đổi để có thể về sớm tham dự. Được biết cháu Việt Quốc cùng đi với anh chị cũng phải hy sinh về sớm, nhất là vào lúc lễ lạc chỉ có Việt Quốc là người chơi đàn organ duy nhất cho ca đoàn chi hội. Xin hoan nghênh tinh thần của anh chị TNTá và cháu Việt Quốc. Ngoài ra anh HCLợi, mặc dầu bận rộn với công việc ở VN, anh cũng thu xếp để về cho kịp buổi họp mặt. Cũng xin một tràng pháo tay cho người hùng HCLợi. Bên cạnh đó, cũng nhân dịp chi hội họp mặt, chi Dung – phu nhân của anh Hùng – 1 thân hữu vừa qua đời, đã có những lời rất tâm tình để cám ơn chi hội và xin chi hội tiếp tục cầu nguyện cho linh hồn Micae. Một trong những chi tiết bên lề buổi họp mặt mà không thể không nhắc tới. Đó là việc tìm ra được một cựu đệ tử An Phong Thủ Đức - anh NVThành. Tuy đến Úc khá lâu, và tuy được chiêu dụ nhiều lần, thế nhưng dường như sự đời cái gì cũng phải đợi Thiên Thời Điạ Lợi Nhân Hoà, thì điều mong ước mới có thể xảy ra. Cuối cùng lần này NVThành đã đến với chi hội trong tình cảm anh em một nhà, cho dẫu tuổi tác có cách biệt và hy vọng NVThành sẽ tiếp tục đồng hành với anh chị em. Cuối cùng là phần ẩm thực. Cũng với những món gia truyền, anh chị và các cháu đã có được một buổi họp mặt ấm cúng và đầy ý nghĩa. Hẹn gặp lại trong một ngày gần đây. Tầu Há Mồm ghi nhanh Góp nhặt sỏi đá______________
Họp mặt mừng thánh tổ An Phong năm nay 2010, gia đình con cháu ở Sydney đã nhận được:
Anh chị Trần Ngọc Tá $460
Tổng cộng đợt 1:---------------------------- $4270
Nhận thêm vào đợt 2:
Anh chị Đỗ Quốc Dũng & Loan $100 Trần Đàm Việt Quốc $709 Trần Đàm Thiên Ân & Thư $50 Lê Văn Thụ Nhân & Phượng $50 Bác Nguyễn Văn Thiện (Adelaide) $200 Anh chị Mai Thành Hải $100 An Nguyễn Công Thành (Sydney) $200
Tổng Cộng nhận Đợt 2: $1,589
Đã gởi Cha Giám Tỉnh qua anh Linh $4,600 (ngày 09/8/2010)
Số tiền còn lại trong quỹ sẽ gửi sau: $1259 Cũng một lời thơ Anh Tá kính mến. Lm Phạm Trung Thành, CSsR 09.08.10
Ném lửa và chuyển lửa Lm Phan Đỗ Thục Linh Suy niệm đoạn Tin Mừng Lc 12: 49-53
“Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất”, lửa đây không là lửa tàn phá rừng nhiệt đới. Cháy mỗi năm. Lửa đây tạo hơi nóng. Ánh sáng. Thanh tẩy. Lửa, để rửa sạch. Là, dấu chỉ Chúa hiện diện với con dân/đồ đệ có Môsê rày chứng kiến. Là lửa cột, tháp tùng dân con người người ở Israel khi qua sa mạc. Rất nản lòng. Lửa Ngài ném, là lửa của Lễ Ngũ Tuần, ngày mà Thần Linh Chúa đến với Hội thánh, của chúng ta. Lửa tẩy sạch, giúp hồi hướng. Trở về. Để, giải thoát.
“Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải cho đến khi việc này hoàn tất!” (Lc 12: 49) Lời Chúa, không nói: Chúa phải chịu cuộc thanh tẩy, ở Gio-đan. Cụm từ “thanh tẩy” bao hàm sự ngập tràn, như cung cách của bí tích mà Hội thánh thời tiên khởi đã thực hiện. Trình thuật nay nối kết chặt chẽ giữa việc các tân tòng “đàm mình” trong nước với việc Chúa sống lại. Và, sự “thanh tẩy” mà Chúa đầm mình đến nỗi chết và sống lại, không theo nghĩa đau đớn/khốn khổ. Nhưng, điều Chúa muốn nói là về hiệu quả cứu độ, Ngài mang đến.
“Thầy đến không để ban hoà bình, mà la rẽ chia.” đây là câu nói mà người ở ngoài vẫn tìm đến, để chỉ trích. Để, cắt nghĩa về những rối rắm. Khó chịu. Xảy đến với thế giới mọi ngày. Có người còn coi đây như lời cảnh báo rất rối bời. Nghịch lời của Kinh thánh. Vào buổi Tạ Từ, Chúa đã chẳng nói với đồ đệ là Ngài sẽ gửi bình an mà thế gian chẳng thể cho sao? ta vẫn chẳng gọi Ngài là Vua An Bình, sao? Ta còn đọc ở Tin Mừng những lời lẽ như: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau."(Ga 13: 35)
Lời Chúa nói, không thể coi là điềm báo trước hoặc lời lẽ diễn tả ý định Chúa làm. Nhưng, là lối diễn tả của thánh sử về hiện trạng của Hội thánh từ ngày được viết mãi đến hôm nay. Ở nhiều nơi, trên thế giới, cá nhân dân con đi Đạo hay cộng đoàn dân con của Chúa vẫn coi đây như một lời đe gửi đến chính quyền hoặc phe nhóm khác nhau. Cả các giáo phái khác biệt nữa. Cụ thể nhất là những sự việc xảy đến với các chế độ toàn trị, ở nhiều nơi. Lâu nay. Như câu hỏi của nhà độc tài quyền thế cỡ Staline cũng dám nói: “Giáo Chủ nhà anh có được bao nhiêu sư đoàn thiện chiến?” Ngược giòng lịch sử của Hội thánh, hẳn ta thấy biết bao gia đình vẫn khổ sở vì thành viên nhà mình dám hồi qui làm người Công giáo? Nhiều người trong ta –đặc biệt là những vị sống ở xã hội chống đối Đạo Chúa- chắc chắn từng bị gia đình mình chối bỏ chỉ vì dám làm người Công giáo hoạt bát. Năng nổ. Cũng có trường hợp dân con Đạo Chúa bị người ngoài luồng hoặc trong Đạo bách hại.
Bài đọc 1, ngôn sứ Giêrêmia đưa ra sự kiện ông bị chính người dân mình phủ vùi “dưới hầm nước của hoàng tử Mankigiahu”. Ông bị thế, chỉ vì người nghe không muốn đón nhận sứ điệp của Chúa mà ông loan truyền. Và hôm nay, ở thời đại văn minh này, vẫn còn biết bao nhiêu vị bị ức hiếp đến tử đạo để giữ vững niềm tin, vào Đức Chúa.
Sứ điệp Chúa gửi, không bao giờ là bạo lực. Sứ điệp Ngài ban, bao hàm lòng thương xót/ mến yêu. Rất hoà hoãn. An bình. Dù, vẫn thách thức cả bất công, tham nhũng. Hoặc kỳ thị, lạm dụng. Cùng các hành vi lươn lẹo, phá bỏ phẩm giá con người. Thế nên, vai trò người rao giảng Lời Chúa, là dỗ dành người phiền muộn. Chứ không phải, làm muộn phiền, người được dành dỗ. Thế nên, khi rao giảng như thế, sẽ không tránh được những là tranh chấp. Đố kỵ. Dù không thích.
Bởi thế nên, khi hành Đạo ta không chủ trương hành hạ rẽ chia người đi Đạo. Mà, chỉ khuyến cáo người đi Đạo chớ có hành hạ, rất phiền Đạo. Bởi thế nên, Đạo của ta nhiều lúc rất bị tiếng là mang lại những hành hạ vô bổ, kông cần thiết. Và cũng bởi thế, nên khi bảo vệ sự thật, công chính cũng như phẩm hạnh và tự do của mọi người, ta thường bị chống đối, có khi còn bị phá phách, rất hành hạ, nữa. hành hạ và phá phách vì Lời Chúa. Vì, Tin Vui rất an bình. Vì, hoà bình vĩnh cửu.
Bởi thế nên, hãy cứ rộng lòng mà cảm kích trước số lược các chứng nhân chết vì Đạo Chúa. Cho Chúa.Tức, những vị dám làm chứng bằng cả cuộc đời để bảo vệ đường lối không giống người phàm trần nhưng vẫn tin. Tin vào Sự Thật. Vào công chính. Tự do. Quyền căn bản của con người. Đó cũng là ý nghĩa của bài đọc 2, qua thư thánh Phaolô gửi giaó đoàn Do Thái, có lời lẽ, như sau:
“Phần chúng ta, được nhần ấy nhân chứng đức tin như đám mây bao quanh. Chúng ta hãy cởi bỏ mọi gánh nặng và tội lỗi đang trói buộc mình, và hãy kiên trì chạy trong cuộc đua dành cho ta, mắt hướng về Đức Giêsu là Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin. Chính Người đã khước từ niềm vui dành cho mình, mà cam chịu khổ hình thập giá chẳng nề chi ô nhục, và nay đang ngự bên hữu ngai Thiên Chúa. Anh chị em hãy tưởng nhớ Đấng đã cam chịu để cho những ngu72i tội lỗi chống đối mình như thế; để anh em khỏi sờn lòng nản chí. Trong cuộc chiến đấu chống tội lỗi, anh chị em chưa chống trả đến mức phải đổ máu đâu.” (Dt 12: 1-4)
Tất cả là như thế. Tấ cả đều đã mang dấu tích:
*của tấm gương hiền lành của Đức Giêsu, Đấng từng bị là đối tượng của nhiều bạo lực.
*của đám mây đầy rặt các chứng nhân. Những người theo Chúa, dám chống lại bạo lực của sự dữ/ác thần. Ác và dữ, hiện rõ nơi hình thù của những chống đối đầy bạo lực vẫn thường trả giá rất cao để đeo đuổi thực hiện đến mút cùng. *một khích lệ gửi đến cho ta, để ta dõi bước theo chân Chúa. Bởi cả chúng ta nữa, cũng đâu đã và cũng sẽ chẳng phải trả giá rốt cùng mà tặng ban cuộc sống của chính mình. Nhưng trái lại, ta vẫn cần sự quả cảm để chiến đấu và rút kinh nghiệm về sự an bình nội tại mà chỉ mỗi Đức Kitô và Đường Lối của Ngài mới ban phát.
Lm Phan Đỗ Thục Linh Mai Tá diễn dịch Bạn có biết?...
Bánh là một trong các yếu tố rất cần thiết để dâng tiến, trong Tiệc Thánh Thể. Không thể đoan chắc đuợc, là Đức Giêsu Kitô có dùng bánh mà người Do thái vẫn thường dùng trong bữa ăn hằng ngày hay không. Hoặc, Ngài sử dụng thứ bánh nào khác được chế biến theo phương cách đặc biệt cho buổi hiến tế nào đó chăng.
Hội thánh Phương Tây dùng bánh dâng tiến trên bàn thờ thường mang hình tròn trịa. Các nhà khảo cổ đã minh xác điều này khi khai quật một số mộ cổ thấy có các phù điêu khắc chạm hệt như thế. Từ ngàn xưa, giới nhà Đạo chúng ta vẫn dùng lúa mì làm bánh lễ.
Với Hội thánh ở Phương Đông, bánh lễ dùng để dâng tiến do các trinh nữ đã tận hiến cho Chúa thực hiện. Với Hội thánh ở trời Tây, việc này qua tay các linh mục và giới tăng lữ (theo Benedict XIV, De Sacrif Missae, I, #36) Thói quen này, vẫn được tiếp tục như một trào lưu với Hội thánh ở Armênia. Một số văn kiện thời Hội thánh tiên khởi cho thấy rằng thời trước, bánh lễ được làm bằng bánh xốp rất mỏng. Người đầu tiên làm ra bánh này là Hồng Y Humbert, thời Đức Giáo Hoàng Lêo IX trị vì vào thế kỷ XI. Bánh xốp có lúc rất to, được bẻ nhỏ để san sẻ cho Cộng đồng Dân Chúa bằng các mẩu nhỏ, ta vẫn thấy.
Bánh lễ chỉ hiệu lực chỉ khi được: *chế từ lúa mì; *trộn với nuớc thiên nhiên, tinh khiết; *nướng lò hoặc nướng kẹp; *và không bị bể vụn khi sử dụng; Không như thế, sẽ không được dùng trong các buổi Tiệc Thánh Thể. ---(x. Tự Điển Bách Khoa Công Giáo)
Hà Voi Ðối với phần đông các bạn lớp Gabriel, niên khóa 1972-1973 là năm học đầu tiên dưới mái nhà đệ tử DCCT Thủ Ðức. Dĩ nhiên, đó là một kỷ niệm khó quên vì nó đã bắt đầu cho biết bao nhiêu những kỷ niệm êm đềm khác trong những năm học kế đó. Ðối với lịch sử cận đại, niên học ấy đánh dấu cho sự hồi sinh của miền Nam sau những sôi động của chiến cuộc suốt mùa Hè 1972 mà nhà văn Phan Nhật Nam đã gọi là "Mùa Hè đỏ lửa". Và đối với gần 30 đệ tử thuộc nhà Huế được sát nhập vào nhà Thủ Ðức, trong số đó có tôi, niên khóa ấy cũng là năm học đầu tiên ở nhà ấy. Tưởng cũng nên nhắc lại, Huế nằm ngay vùng địa đầu hỏa tuyến của miền Nam VN. Sau mùa hè 1972, chiến sự vẫn sôi động và tiếp tục leo thang. Chiến cuộc ngày càng gây ra tình trạng thiếu an ninh cho toàn cho nên mùa hè này đã đánh dấu cho sự cáo chung của nhà đệ tử Huế. Năm đó tôi mới học xong lớp 6 và đang chuẩn bị vào lớp 7. Tôi đâu ngờ lớp tôi là lớp cuối cùng được tuyển vào học niên khóa cuối cùng của nhà Huế, vì trên nguyên tắc thì nhà Huế đã đóng cửa vĩnh viển sau mùa hè 1972. Những dấu ấn không bao giờ phai mờ Nên nhớ, khi nhập học niên khóa 1972-1973 ở nhà Thủ Ðức, tôi cũng vẫn còn là một đứa con nít như các bạn, cho nên lúc nào cũng hiếu động, hiếu kỳ, và nhất là hay bắt chước. Các bạn chắc chưa quên "phong trào" nuôi qui, nuôi ong đầu niên học ấy? Cứ mỗi bữa ăn sáng, tụi mình hay để dành một ít ruột bánh mì, lén đem về phòng ngủ vào giấc trưa và bỏ vào hộp cho qui ăn. Mấy con qui đen thui và nhỏ như hột gạo, thấy sao mà thương hết sức! Mỗi lần mở hộp ra là chúng chạy lung tung quanh hộp như mừng rỡ. Nhưng nuôi chúng để làm gì chứ? Ðể sung sướng thấy những con qui ấy sanh sản ngày càng nhiều, bắt đầu là những cái trứng nhỏ như trứng chấy, chúng nở ra thành những con ấu trùng ngo ngoe nhỏ hơn hột gạo, vaì ngày sau thì biến thành qui non có màu vàng ngà và chỉ hôm sau là thành qui lớn có màu đen thui chạy bò tứ tán! Chán nuôi qui thì nuôi ong! Bọn mình thường lấy những hộp giấy vuông to hơn cái nắm tay một chút, khoét một lỗ bên hông rồi dán giấy kính lên, xong lấy kim đâm những lỗ thông hơi và đi bắt những con ong ruồi, đem về, bỏ trong ấy và nuôi làm...gia súc! Thức ăn cho ong thì đơn giản hơn nhiều. Còn nhớ, cứ vào giờ chơi, bọn mình hay đi nhặt những nụ hoa dại mọc hai bên lề con đường đất dẫn ra sân banh và cẩn thận cất lại để đem về nuôi ong. Cũng vì vậy, cái góc giường ngủ của tôi dạo ấy lúc nào cũng có mùi ngọt như mùi đường ngào ngạt, không biết đó là mùi hoa dại hay mùi ...mật ong! Cái mùi ngòn ngọt ấy, thưa các bạn, đã hơn ba mươi năm trôi qua rồi mà tôi vẫn còn ngửi thấy như vẫn còn thoang thoảng đâu đây vậy! Nếu không thích nuôi qui, nuôi ong trong những ngày oi bức ở phòng ngủ thì bọn mình có thể làm một việc "mát mẻ" hơn, đó là đi ra nhà thủy tạ để nuôi cá tra của thầy Ngạn! Chắc bạn đã biết là tôi nói nghiêm chỉnh chứ chẳng phải đùa! Này nhé, nếu bạn là người ăn khỏe thì bạn sẽ tự sản xuất nhiều "chất liệu" và phải tự "trút" những "chất liệu" ấy xuống bầy cá loi ngoi bên dưới để nuôi chúng. Còn nếu bạn ăn ít? Theo sự cắt nghĩa của thầy Ngạn thì thực ra bạn cũng đã đóng góp thực phẩm nuôi cá bằng cách trút hết cơm thừa của bạn vào cái xô bằng sắt mà thầy hay đặt ở góc bếp, trước khi đem đĩa đi rửa. Rồi hễ cứ giấc trưa, vì những xô cơm thừa thì nặng mà thầy Ngạn lại có tật đi khiễng chân, cho nên bọn mình thường xúm nhau giành lấy cái vinh dự được phụ thầy xách những xô cơm thừa nặng chĩu ấy đem ra nhà thủy tạ và ...xem thầy nuôi cá! Ôi chao! cứ mỗi hồi thầy Ngạn gõ cái vá vào thành nhà là có cả hàng trăm, hàng ngàn con cá nổi lên làm mặt hồ bỗng dấy động và nổi sóng. Nhìn cảnh chúng phải tranh nhau giành ăn trong những loạt cơm thầy Ngạn rải xuống mà ...thương! Năm đó, bọn mình được cha Lộc và anh ca trưởng Trần Minh Việt tập hát bài "Ớ đệ tử". Lại một dấu ấn vào tâm hồn non dại của bọn mình, bởi vì lời ca thì vừa hùng hồn, vừa tha thiết, mà lại do chính cha giám đốc mình hồi đó là cha Ðào sáng tác cho nên bài hát càng đặc biệt và càng nhớ lâu hơn hết! Ðã bao nhiêu năm rồi, tai tôi như còn văng vẳng những tiếng vỗ tay bắt mọi người ngưng hát của cha Lộc vì không hài lòng khi bọn mình hát sai một dấu bémol trong đoạn: "Vô phúc thay kẻ khinh khi lời Chúa chí thánh"! Và cũng từ đó đến nay, trong những lần thất vọng hoặc những lúc cô đơn nhất trong đời, tôi vẫn nhắm mắt thầm hát bài này cho tâm hồn mình phấn chấn, cho tôi có cảm giác những bè bạn và những anh em năm xưa vẫn ở đâu đó quanh mình và đang chia sẻ những nhọc nhằn mà tôi đang gánh vác! Rồi tôi vươn vai như vừa được tiếp sức, đứng lên và lại tiếp tục xông pha với đời! Chắc các bạn vẫn chưa quên có một dạo, dịch cúm đã hoành hành khắp miền Nam, nhất là vùng Sài gòn- Gia Ðịnh vào đầu niên khóa ấy. Ôi thôi, bọn mình nằm la liệt đầy phòng bịnh. Phòng bịnh không có đủ giường cho nên có giường có hai, ba người nằm chung (hồi đó tụi mình còn nhỏ cho nên đâu có sá gì chuyện này). Báo hại thầy Ngạn hồi đó cấp thuốc không xuể, nấu cháo không kịp! Niên khóa 1972-1973 tuy đã bắt đầu, nhưng vẫn còn vào cuối mùa mưa cho nên chắc các bạn vẫn chưa quên những trận đá banh dưới những cơn mưa tầm tã. Về điểm này thì bạn Quốc Thanh có đề cập trong tâm thư gởi tất cả các bạn rồi. Mưa làm bọn mình ướt như chuột lột, nhưng đâu đã hết! Bùn sình mới là chướng ngại chính, nhưng cũng làm mình có nhiều trò để "chơi" nhau hơn : thay vì đá vào banh thì mình hay dích sình lên đầy mặt mũi của đối phương. Ðôi khi cũng chỉ vì tinh nghịch, chứ chẳng có dụng ý gì. Nhưng đôi khi cũng có mục đích là làm cho đương sự tối tăm mặt mày để khỏi thấy đường, và mình thì cứ tà tà cướp banh chạy đi đường khác! Nói đến chuyện đá banh, chắc các bạn vẫn chưa quên những cây cỏ gai ác độc nằm rải rác khắp các sân banh đã cào nát gan bàn chân tụi mình, đến độ rướm máu và bưng mủ? Còn nhớ cảnh những giờ ngủ trưa, mình hay thay phiên khươi gai cho nhau? Một thằng thì nằm gác chân chữ ngũ ngáy khò, thằng kia thì lấy kim rà bàn chân thằng đang ngủ để tìm gai và khươi khươi, nạy nạy, ngó vừa ngộ nghĩnh, vừa tức cười, mà cũng vừa ...rất dễ thương! Các bạn à. Còn nhiều và nhiều nữa cơ chứ! Trên đây cũng chỉ là một cái nhìn của cá nhân tôi ở một góc độ nào đó. Cái nhìn, cái nhớ của các bạn có thể có những cái khác vì đứng ở những góc độ khác, đôi khi thú vị hơn nhiều, các thử bạn chia sẻ cho anh em đọc chơi. Tôi chắc không những tôi mà tất cả mọi người trong chúng ta sẽ có những giây phút ngồi một mình và cười thoải mái khi đọc và nhớ lại những kỷ niệm thật xa xưa và êm đềm ấy. Các bạn thân mến, Ở Bắc Mỹ này, cứ mỗi lần nghe đến chữ Kentucky là ta hay vuột miệng nói ngay hoặc nghĩ ngay đến chữ "fried chicken" một cách rất tự động và rất tự nhiên. Hồi còn ở nhà đệ tử DCCT, chắc các bạn còn nhớ 2 bảng phân công công-tác hằng ngày, treo ở hai đầu thang lầu của nhà thuộc đoàn nhỏ. Về hai bảng phân công này, cái nào tôi cũng có vài ấn tượng hoặc kỷ niệm còn giữ lại cho đến bây giờ. Về bảng phân công của đoàn Hiệp sĩ, nằm ở phía Tây của nhà, tức là từ trên văn phòng đi xuống, hầu như lúc nào cũng thấy phân công như sau: "Vạn Kiếp: đào hồ" ; "Ðống đa: sân phi cầu" Ðó là niên khóa 1972-1973. Không biết hồi đó, đội Vạn Kiếp đào hồ giỏi đến đâu và đội Ðống đa làm sân phi cầu tài thế nào mà lúc nào cũng được cha Thống chiếu cố cho làm những công tác ấy? Chỉ biết rằng những chữ ấy khắc sâu vào tâm khảm tôi đậm đến nỗi cho mãi đến bây giờ, cứ hễ ai nói chữ "Vạn Kiếp" là óc tôi nghĩ ngay đến chữ "đào hồ", và hễ nghe đến chữ Ðống đa là tôi máy miệng nói ngay ba chữ "sân phi cầu". Các bạn có ai bị ám thị đậm như tôi không? Về bảng phân công của đoàn Thiếu Nhi, nằm phía đông của nhà, tức là cuối nhà trước khi đi xuống phòng nhạc cụ (nơi đặt bộ trống, đàn,kèn vv...cho các anh trong ban kích động tập dượt), tôi cũng có một kỷ niệm "nho nhỏ". Ðó là đầu niên khóa 1973-1974, năm đó tôi học lớp 8. Các bạn còn nhớ, hồi đó, cứ mỗi đầu niên học, mỗi người phải nộp cho anh Nhẫn (thư ký văn phòng) hai tấm ảnh 4x6 để ảnh lập thành-tích-biểu và làm thẻ tu sinh cho tất cả mọi người. Vô phúc cho một người trong lớp tôi hồi đó, có hỗn danh là "Quí sửu", tên cúng cơm là Nguyễn quí Xuân, vô ý đánh rớt một tấm ảnh và bị tôi nhặt được. Tôi liền dán tấm ảnh ấy lên bảng phân công ấy và ghi một hàng chữ bên cạnh như sau: "Tôi tên là Nguyễn Quí Sửu, năm nay 22 tuổi, cư ngụ tại Bảo Lộc. Tôi vốn bị lên mồng xoài đã ba năm nay. Tôi đã đi nhiều thầy thuốc Tây lẫn Ta từ đó đến nay mà bịnh tình vẫn không thuyên giảm. Nhưng nay, sau vài tuần được lương y "Ðế giày" cứu chữa, bịnh tôi đã dứt hẳn. Tôi xin thành kính tri ân lương y và mách giúp để bà con cô bác đồng cảnh ngộ biết mà tìm đường cứu chữa." Post được nửa buổi thì tấm ảnh bị anh trưởng đoàn hồi đó là anh Hinh (lớp 9) gỡ xuống và đưa cho cha Thống. Cha điều tra ra thủ phạm và kêu tôi lên "gặp riêng". Chúa ơi, hôm đó tôi bị cha Thống "xát xà bông" quá cỡ, chưa bị đuổi là còn may đấy! Vài chuyện phiếm để chia sẽ với các bạn đọc choi cuối tuần, tôi dừng bút đây. Hẹn bữa khác nhé. Thân chào, Hà voi Ai còn nhớ nguyệt san Ngày XanhCác bạn Gabriels thân mến, Cái tên Hà voi chắc vẫn còn ghi lại nhiều ấn tượng của một tên hay "nổi đình nổi đám" (chữ của Kỳ Lân "tặng" cho mình), nhưng chắc ít ai hoặc đúng ra là không còn ai nhớ ngày xưa mình từng là một cây viết đắc lực cho nguyệt-san Ngày Xanh. Nguyệt san Ngày Xanh là tờ thông tin nội bộ của nhà đệ tử mình hồi đó phát hành hàng tháng với những tiết mục thông thường như: lá thư cha giám đốc, "bơi ngược"( những việc đã xảy ra trong tháng), những bài viết của các đệ tử gồm nhiều thể loại khác nhau như thơ, truyện ngắn, bút ký, tường thuật, tự thuật vv...Thông cáo của các cha quản đoàn, các anh trưởng đoàn(1), các trưởng ban, lời chúc mừng bổn mạng lớp trong tháng... Nguyệt san Ngày Xanh còn là diễn đàn (2) thi đua văn nghệ cho tất cả các đệ tử thuở đó. Tưởng cũng nên nhắc lại, hồi đó mỗi lớp đều có nhiều ban khác nhau và mỗi ban đều có các trưởng ban phụ trách cho những sinh hoạt thông thường của lớp. Các trưởng ban này thường được những anh em trong lớp bầu lên đầu niên học và giữ nhiệm kỳ cả năm, ngoại trừ khi nào có người "từ chức" thì mới phải bầu lại. Tùy nhu cầu của mỗi lớp, có lớp thì có nhiều hoặc có ít ban hơn những lớp khác. Có lớp có những ban mà các lớp khác không có. Những ban này đôi khi nghe rất lạ tai như "Ban ẩm thực"(phụ trách ăn uống trong những dịp lễ lạc), "Ban vệ sinh", "Ban thư viện", "Ban phụng-vụ". Nhưng quan trọng nhất đến nỗi lớp nào cũng phải có là các ban văn nghệ, ban bích báo, ban thể thao. Thường thì sinh hoạt của 3 ban này có tính cách liên tục suốt cả một niên học vì suốt năm, lúc nào cũng có những thi đua liên lớp trong những lãnh vực đó. Riêng lớp Gabriels của các bạn, nếu tôi nhớ không lầm thì ba người sau đây lúc nào cũng được bầu làm các trưỏng ban đó: Trưởng ban thể thao: Lê văn Thanh (vì to con và mạnh nhất lớp), Trưởng ban văn nghệ: Lê văn Phúc (vi có khiếu âm nhạc từ lúc còn rất nhỏ)(3), Trưởng ban bích báo: (Lm) Vũ thái Hòa hoặc Phạm Hiệp Thành. Sở dĩ tôi nhớ rành rỏi như thế là vì hồi đó tôi háo động và hễ có ban nào thi đua gì tôi cũng có mặt (cũng cái tật thích chơi nổi thôi chứ chẳng tài giỏi gì hơn ai, Hà voi mà!) Mỗi năm, tất cả các lớp, nhất là đoàn nhỏ (4), mỗi lớp đều phải gom cho đủ bài để viết và đóng thành một tập san cho cả lớp trong đó có nhiều thể loại như truyện ngắn, bút ký, thơ...chắc các cha Vũ thái Hòa chưa quên điều này là tất cả đều phải viết bằng tay! Các bài này thường là những bài luận văn hay do 2 thầy Việt văn hồi đó là thầy Phế (hù) và thầy Ðức chấm điểm cao và đề nghị cho trưởng ban bích báo đăng những bài này lên đặc san của lớp, hoặc đôi khi đăng trực tiếp lên báo Ngày Xanh. Các cha, các thầy thường là những người trong ban giám khảo sẽ đọc những đặc san đó rồi chấm điểm và đề nghị các giải thưởng cho cả niên học về các bộ môn: truyện ngắn, thơ... Chắc các bạn chẳng còn ai nhớ, chứ riêng tôi thì tôi không bao giờ quên điều này, vì nó liên hệ đến tôi: tôi là cây viết đã đoạt giải nhất truyện ngắn niên khóa 1973-1974 với bài "Chiếc xe đạp". Ðiều rất đáng tiếc là Nguyệt san Ngày Xanh đã bị đình bản trong niên khóa cuối cùng (1974-1975). Ðúng ra thì đã bị thu hẹp thành "đặc san". Theo đúng dự tính thì đặc san này sẽ chỉ phát hành 3 lần trong cả năm học: dịp Giáng sinh 1974, dip Tết 1975 (Giáp Dần) và dịp Hè 1975. Thật ra thi chỉ thực hiện được 2 lần, còn lần cuối là đặc san Hè 1975 không bao giờ thực hiện vì những biến động thời cuộc lúc bấy giờ. Nguyên nhân của sự đình bản hoặc thu hẹp cuả nguyệt san Ngày Xanh: không có đủ phương tiện ấn loát như giấy stencil, mực in, giấy trắng khổ 8x10. Ðúng ra là không có tiền để mua nhửng thứ "xa xỉ" ấy! Giờ đây, sau hơn hai mươi năm sống lưu lạc ở đất nước văn minh tự do này (Canada), tôi chứng kiến không biết bao nhiêu là hình thức phí phạm giấy mực trong cuộc sống hằng ngày mà cảm thấy ngậm ngùi thương tiếc cho tuổi học trò của thế hệ mình năm xưa. Thuở ấy, tài năng và lòng nhiệt thành của chúng tôi thì ngút ngàn và có thừa, nhưng phương tiện thì hạn hẹp nên không ít thì nhiều cũng làm thui chột đi khả năng phát triển của cả một thế hệ. Cái cảm tưởng chung chung của tôi muốn chia xẻ với các bạn ở đây là hình như bây giờ mọi thứ như có khuynh hướng ngươc lại với những gì mà tôi đã trải qua hồi đó. Ðó là bây giờ chúng ta có dư phương tiện, nhưng lòng nhiệt thành thì đã thật hư hao, mòn mõi! Có đúng không các bạn? Tuy không được viết bài đăng lên báo Ngày Xanh, nhưng tôi đã có cách khác để thay thế. Ðó là viết Nhật ký! Chính vì vậy mà những gì xảy ra trong những ngày cuối cùng của nhà đệ tử DCCT đã được ghi nhận lại một cách sống động trong cuốn Nhật ký của tôi mà tôi còn giữ được cho đến ngày nay. Các bạn có muốn tôi chia xẻ với các bạn không? Tôi chẳng dám hứa trước, chỉ biết nói rằng khi nào rảnh thì tôi se post lên cho các ban đọc chơi. Chào thân ái đến tất cả các bạn. Hà voi _______________________________________ Ghi chú: (1)Hồi đó, nhà đệ tử chia làm 3 đoàn: đoàn Thiếu Nhi(lớp 6,lơp 7); đoàn Hiệp sĩ (lớp 8, lớp 9), đoàn Tinh Binh (lơp10,11,12). (2)Nếu Vui còn thắc mắc, không biét dịch ra tiếng Việt chữ "Forum" là gì thì nó là đây: Forum = Diễn Ðàn: nơi bày tỏ những tâm tình, quan điểm, ý kiến vv...của một nhóm người có cùng chí hướng hoặc nguyện vọng. (3)Lần đầu tiên, Phúc đánh solo guitar bài "The house in the rising sun" trước sự chứng kiến đầy ngạc nhiên và thú vị của tất cả mọi người, vi cây đàn guitar hôm ấy còn to hơn cả hắn mà hắn ôm nổi và đánh hết cả bài mới tài! (4)Ðoàn nhỏ: 4 lớp 6,7,8,9 tức là bao gồm hai đoàn Thiếu Nhi và đoàn Hiệp sĩ. NGÀY LỄ CỦA TÌNH MẸ J.B Hồ Quang Lâm, CSsR
Lễ thánh Mô-ni-ca, mẹ thánh Âu-tinh, là ngày lễ của TÌNH MẸ. Có thể nói như thế vì cuộc đời nữ thánh là cơ hội để chúng ta thêm một lần nữa cảm nghiệm sự quý giá của người mẹ trong cuộc đời, và qua đó, chúng ta bày tỏ tâm tình cảm tạ Thiên Chúa vì đã ban cho nhân loại có những người mẹ. Mẹ là tặng phẩm Thiên Chúa ban cho nhân loại. Có người đã nói: “Thiên Chúa yêu thương con người và muốn chăm sóc một cách cụ thể từng đứa con, để thực hiện điều đó, Ngài đã tạo dựng người mẹ.” Ai trong chúng ta cũng có một người mẹ để chở che, yêu thương và bảo bọc giữa cuộc đời vốn đầy khắc nghiệt, nhiều đau khổ này. Quả thực đó là một ân ban vô giá! Dù là một đứa trẻ thơ hay những bậc cao niên già lão, dù những anh chân quê hay những bậc thức giả, dù những người vô danh tiểu tốt hay những bậc quyền uy thế giá trong xã hội … thì với mẹ đó vẫn luôn là đứa con bé bỏng hằng được mẹ quan tâm chăm sóc. Dù là người tốt, lương thiện, có ích cho xã hội được mọi người yêu mến kính trọng hay là người bất nhân, bất nghĩa, bất hiếu bị mọi người nguyền rủa và xa lánh thì họ vẫn luôn có đó một tấm lòng nhân hậu của người mẹ rộng lượng đón nhận: để chia sẻ và đồng cảm hoặc để tha thứ và ủi an. Thật không sao nói hết được tình mẹ dành cho con cái bởi nó quá bao la vời vợi, như lời một bài hát nổi tiếng “lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào…”. Tình yêu của mẹ dành cho con mô phỏng cách chân thực tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại. Tình yêu đó là một tình yêu dám “huỷ mình ra không” nhằm mưu cầu hạnh phúc cho người mình yêu. Nữ thánh Mô-ni-ca là một khuôn mẫu điển hình của tình yêu này. Suốt cả cuộc đời ngài đã hy sinh cho chồng cho con, trong âm thầm chịu đựng, trong đau khổ và nước mắt, trong hy sinh và cầu nguyện, kiên trì cho đến cùng. Ta có thể thấy trong cuộc sống, người ta cần được nâng đỡ bởi nhiều lý do khác nhau. Có người thì do không đủ khả năng để tự mưu sinh. Có người thì do những hoàn cảnh khách quan như thiên tai lũ lụt hay bệnh tật xảy đến khiến phải chịu bất hạnh. Nhưng cũng có những người do thiếu ý thức và bản lãnh để rồi bị những ham muốn và đam mê lôi cuốn vào những cuộc truy hoan trụy lạc đến mức không còn tự chủ bản thân đến nỗi có nguy cơ phá hỏng cả cuộc đời. Chồng và con của nữ thánh thuộc dạng thứ ba này. Mô-ni-ca vừa phải chịu đựng những đau khổ bởi sự chì chiết, đón roi của người chồng ngập ngụa trong men rượu và thiếu trách nhiệm với gia đình, đàng khác lại âu lo cho sự phóng túng sa đà của đứa con yêu quý. Nhưng với tình yêu của người vợ, người mẹ, nữ thánh đã đón nhận với sự bao dung và tha thứ. Và với “niềm tin mạnh mẽ được nuôi dưỡng bằng lời cầu nguyện và chiếu tỏa ra bên ngoài bằng các nhân đức”, tâm hồn ngài trở thành nhân tố tác động để cảm hoá người chồng; và cũng là chỗ dựa, là lối mở để đứa con hoang đàng quay trở về đường ngay. Thật cao cả với một tình yêu tự hiến như thế! Ngày nay nữ thánh được Giáo Hội mừng kính cùng với người con - một vị thánh Giáo Phụ lỗi lạc trong Giáo Hội – vào hai ngày liền kề nhau. Có lẽ đó là lời nhắc nhở cho tất cả chúng ta: những dấu ấn của cuộc đời con cái luôn luôn có đấy bàn tay quan phòng của Chúa qua người mẹ. Quá diễm phúc cho nhiều người trong chúng ta khi có mẹ đồng hành trong cuộc đời. Xin cảm tạ Chúa đã ban cho chúng con có mẹ.
JB. Hồ Quang Lâm, CSsR (Việt Nam)
(Một phút suy tưởng về mẹ với bài hát này (http://mp3.zing.vn/mp3/nghe-bai-hat/Long-Me-Nha-Phuong.IWZAW08D.html)
ÍT CẢM NGHĨ VỀ SAU CHUYẾN DU LỊCH TRÊN CON ĐƯỜNG TƠ LỤA Lê Chương Ngày nay, mỗi khi nói tới tơ lụa, ai cũng hình dung được tơ lụa được bầy bán khắp nơi, từ cửa hàng sang trọng đến các cửa tiệm bình dân, cả ngay chợ trời. Ai có tiền đều có thể mua quần áo tơ lụa chưng diện. Ngoài tính chất mềm mại, mịn màng, quần áo tơ lụa còn khiến người mặc nó cảm thấy mát mẻ, dù trời bên ngoài đang nắng gắt, chẳng thế mà ta có bài hát: “Nắng Sàigon em đi mà chợt mát, Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông” ….. Điều đó khiến ai cũng ưa thích mặc quần áo lụa vừa nhẹ, vừa đẹp lại vừa quý phái. Thế nhưng, cách đây vài ngàn năm lụa là không hề phổ thông như ngày nay, mà lại vô cùng quý hiếm. Ngược dòng thời gian, cách đây cả 2300 năm, Trung quốc là nước đã biết trồng dâu nuôi tầm, lấy kén ươm tơ dệt lụa. Quần áo tơ lụa thời đó là thứ sang trọng, chỉ dành cho bậc vua chúa. Truyện kể rằng, nữ hoàng Ai Cập Cleopatra chỉ thích diện váy lụa của Trung quốc mà thôi. Con đường Tơ Lụa đã được hình thành cách đây 2200 năm. Đây là một trục lộ quan trọng cho thương mại từ Trung quốc sang Tây Á, Trung đông, Ấn Độ, Trung Đông, đồng thời cũng là giao điểm về văn hóa và tôn giáo thời đó. Tỉnh Quảng Châu khởi đầu cho con đường tơ lụa trên biển và kéo dài cho đến thế thế kỷ thứ 7. Có hai con đường để đi qua Châu Âu buôn bán cùng được gọi là đường tơ lụa: 1. Con đường dùng lạc đà xuyên qua các sa mạc để buôn bán tơ lụa qua Ấn độ và Trung Đông cho những người giầu có, hoàng tộc, vua chúa. 2. Dùng đường biển đi từ Quảng Châu, dùng tầu thuyền đi qua Ấn Độ để tới Châu Âu , rồi qua Ý, nhưng đường này rất nguy hiểm, dễ bị cướp. Nhưng kể từ khi người Ba tư học được cách dệt lụa và trao đổi trực tiếp với La Mã, thì con đường tơ lụa trên bộ với những chuyến hàng tơ lụa đầy ắp đã trở thành dĩ vãng. Những vết chân lạc đà trên cát bị thời gian xóa nhòa. Nhưng cái tên con đường tơ lụa vẫn còn mãi, như một cây cầu nối kết giữa hai nền văn minh Trung quốc và La Mã. Từ ngày 14 tháng 5 năm 2010, chúng tôi đã theo một đoàn du lịch gồm 23 người đi trên con đường tơ lụa này trong 15 ngày, để chứng kiến tận mắt những di tích, sự hùng vĩ của núi đồi, những cảnh đẹp tưởng như trong tranh vẽ, hoàn toàn khác với những cảnh đã thấy tại Bắc Kinh hay Thượng Hải trong các chuyến du lịch trước. Các bạn có thể nói, đâu cũng là đất Trung quốc, thì ở đâu cũng vậy. Nhưng không đâu các bạn ạ. Chuyến đi này đã mang lại nhiều thích thú, mới lạ hơn các chuyến trước rất nhiều.
Quảng châu: (Guang Zhou) Máy bay đưa chúng tôi rời thành phố Sydney đến thẳng tỉnh Quảng châu thuộc Trung quốc lúc 5.30pm chiều ngày 14 tháng 5 năm 2010 nhưng chúng tôi phải đợi tại phi trường Bạch Vân của Quảng Châu tới 1.30 sáng (thay vì lúc 7.30pm cùng ngày theo như chương trình, lý do thời tiết mưa bão, máy bay không cất cánh được), ngày 15 tháng 5 năm 2010 mới có máy bay đưa chúng tôi đến Tây An. Lại phải trải qua một đêm ngủ trên máy bay. Đến khách sạn của Tây an là 5 giờ sáng, nhưng ai nấy cũng không quản ngại mệt mỏi chỉ nghỉ chút xíu, ăn sáng lúc 7 giờ sáng rồi sẵn sàng bắt đầu ngay chuyến du lịch trên đường tơ lụa. Tây An (Xi’An) Con Đường Tơ Lụa bắt đầu từ Tây An. Tây An, tên gọi cũ là Trường An, là thủ phủ của tỉnh Thiểm Tây ngày nay. Đây là một trong 10 thành phố lớn nhất của Trung quốc. Tây An cũng là kinh đô của 11 triều đại vua chúa Trung quốc, trải dài suốt 4000 năm lịch sử. Tây An là tụ điểm thương mại, là nơi các thương gia sắp xếp hàng hóa, chuẩn bị cho những chuyến đi buôn bán đầy gian lao và bất trắc. Đây cũng là nơi giao lưu của văn hóa tôn giáo, như đạo Hồi, đạo Phật. Chính từ đây thầy Trần Huyền Trang tức Đường Tam Tạng đi Tây phương thỉnh kinh mang đạo Phật về truyền bá vào Trung quốc. Chuyện thầy Tam tạng đi thỉnh kinh từ Ấn độ là một chuyện có thật. Đây là một nhân vật có thật trong lịch sử nhà Đường. Ông tên thật là Trần Vỹ, sanh vào năm thứ 16 đời Tùy Văn Đế Dương Kiên (596 sau Tây Lịch) tại huyện Câu thi (hiện là Huyện Yêm sư), tỉnh Hà Nam, Trung quốc. Thầy bắt đâu đi tu từ năm 13 tuổi. Chuyện thỉnh kinh cũng là chuyện có thật, đã được chính thầy Huyền Trang thuật lại cặn kẽ trong bộ “Đại Đường Tây Vực Ký”. Thầy chính là nhân vật sống đã đi vào lịch sử. thầy từng là bầy tôi cho vua Đường Thái tôn (Lý Thế Dân), là một bậc minh quân đã mang lại hiển vinh cho lịch sử Trung quốc. Thầy đi suốt con đường tơ lụa để thỉnh kinh với một con ngựa già. Thầy đi và ở suốt 17 năm bên Tây phương, gồm 2 năm đi và 2 năm về và 13 năm tu học bên Ấn độ. Thầy đi từ năm 629 mãi đến năm 645 (sau Tây Lịch) mới về tới Trường An, chính là Tây An ngày nay. Chính tại nơi đây thầy đã viết lại bộ sách Đại Đường Tây Vực Ký, gồm 12 quyển, trong đó ghi lại đầy đủ lịch sử, địa lý, phong tục, tập quán của 128 nước mà thầy đã đi qua hoặc trú ngụ. Chính tại Trường An, thầy Huyền Trang bắt tay vào công việc phiên dịch cho 75 bộ kinh trong 19 năm ròng rã, gần 3335 quyển từ tiếng Phạn ra Hán tự, bộ Đạo Đức kinh. Lịch sử về Phật giáo vào Trung quốc cũng bắt đầu từ đây cho nên chúng tôi được dẫn đến thăm Đại Yến Tháp (còn có tên Tháp Đại Nhạn, Great Goose Pagoda). Ngôi chùa này được xây từ đời nhà Đường vào năm 652 sau Tây Lịch, Vua Đường Cao Tông cho xây để tưởng nhớ mẹ, tức Vương Hậu Văn Đức, kế bên có chùa Từ Ân (Ci’en Si). Chính tại nơi đây thầy Huyền Trang sau khi đi Ấn độ về mang các bộ kinh về cất giữ tại đây và đây cũng là nơi thầy ngồi dịch kinh và cất giữ trên tháp. Chúng tôi được dẫn đi xem bức tranh bằng đồng rất lớn diễn tả sự kiện thầy Huyền Trang đi Ấn độ, con đường thầy đã đi qua, các bộ sách bằng tiếng Phạn, sách kinh dịch… Tháp Đại Yến là một di tích lịch sử đời Đường, nguyên thủy có 15 tầng. Trải qua bao nhiêu năm tháng bị hư hao do thiên tai, động đất, tháp được tu bổ nhiều lần, và lần tu bổ nhiều nhất là dười thời nhà Minh (1336-1644). Người Anh sau khi đọc nhật ký của thầy Huyền Trang mới bắt đầu tìm hiều nhỉều về Phật giáo, và cũng chính nhờ thầy Huyền Trang mà Ấn Độ đã tìm về nguồn gốc Phật giáo của mình. Bầu trời Tây An ngày nay luôn luôn mù mờ vì ô nhiễm. Dân chúng thường dùng than để sưởi ấm và nấu cơm. Sau đó chúng tôi đi qua thăm Hồ Hoa Thanh (Hua Qing Chi) để xem các hồ tắm nước nóng mà ngày xưa vua Đường xây cho Dương Quý Phi tắm, cách Tây An 30 km. Nơi đây có suối nước nóng thiên nhiên, cũng giống như ở Moree (New South Wales, Úc), thích hợp cho sức khỏe, chữa trị một số bệnh như đau khớp, ngứa v.v. Từ xưa, hồ đã được xây để cho vua chúa tắm, nhưng hiện trong hồ không có nước nữa chỉ mở ra cho khách du lịch đến xem. Có một hồ lớn cho vua tắm, một hồ cho các quan quyền, và một hồ nhỏ cho Dương Quý Phi tắm. Tuy nhiên, ngày nay kế đó cũng có một khu cho dân chúng đến tắm như kiểu hồ tắm ngày này, cũng lấy nguồn nước từ chính suối nước ngày xưa. Dương Quý Phi là một cung phi dược vua Đường Minh Hoàng sủng ái nhất, và nàng cũng được xếp là một trong tứ đại mỹ nhân của Trung quốc. Mỗi khi Dương Quý Phi muốn đi tắm suối tại đây thì ông vua đa tình đã phải tốn hao công quỹ, bao nhiêu vạn bạc. Phía bên ngoài còn có một bức tượng của Dương Quý Phi mầu trắng. Người hướng dẫn viên du lịch nói đùa rằng cái bụng của Dương Quý Phi hơi to vì thời đó quan niệm thế mới là đẹp, khác với ngày nay các bà các cô phải có bụng nhỏ mới đẹp. Tây An cũng là nơi đã sản suất ra ba người đẹp, đó là Vương Chiêu Quân (đời Hán), Dương Quý Phi (đời Đường), và Điêu Thuyền. Kế bên Hồ Hoa Thanh là nơi Tưởng Giới Thạch đóng đô trong thời kỳ chiến tranh giữa quân Cộng Sản và quân Quốc gia, có cả phòng ngủ, phòng họp, phòng tắm, và phòng cho các nhân viên bảo vệ an ninh cho Tưởng Giới Thạch. Chúng tôi được chỉ cho xem vết đạn bắn xẩy ra vào ngày 12 tháng 12 năm 1936 của hai vị tướng lãnh dẫn đến việc hai bên Quốc gia và Cộng Sản hơp tác ký hiệp ước hòa bình lần thứ hai, trong lịch sử cận đại của Trung quốc. Sau đó, chúng tôi được dẫn đi xem Đội quân đất nung của Tần Thủy Hoàng (Terracotta Army) tại Tây An. Đạo quân này cùng gươm đao, chiến xa, tạo thành một hình ảnh Trung quốc oai hùng của thời xa xưa, đã được các người nông dân làm ruộng khám phá ra vào năm 1974. Trong hầm lớn nhất, gọi là Spit No 1, có tới 6000 tượng binh lính ở thế dàn trận, là đội quân chủ lực. Hầm số 2, (Spit No 2), nhỏ hơn, có khoảng 1400 bộ, có kỵ binh cùng xe ngựa. Hầm số 3, (Spit No 3) chỉ có 68 pho tượng, có thể dành cho cấp chỉ huy. Mỗi tượng hình đều có nét mặt khác nhau, không tượng nào giống tượng nào. Đạo quân đất nung là lực lượng bảo vệ lăng mộ, còn mộ cho Tần Thủy Hoàng thì nằm ở phía Bắc núi Ly Sơn, cách xa nơi đây 1.6 km. Tần Thủy Hoàng là vị hoàng đế đầu tiên của Trung quốc (259 – 210 trước Tây Lịch), đã có công tiêu diệt hết các tiểu quốc chư hầu và thống nhất nước Trung quốc, lập nên một đế quốc. Tuy nhiên, sự tàn ác của vị hoàng đế tiên khởi này được thể hiện bằng cách xử dụng hơn 700.000 nhân công lao động làm việc khổ sai hơn 36 năm để xây lăng mộ cho ông vua này. Thê thảm hơn là nơi đây còn chứa 46 mộ phần của các cung phi được ông vua này sủng ái, đã được chôn sống theo hoàng đế. Tàn ác hơn nữa, là các nhân công cũng bị chôn sống vào giờ chót, để bảo toàn tích cách cơ mật của lăng mộ vua. Tối hôm đó chúng tôi được cho đi ăn tối tại một nhà hàng chuyện trị về dumpling với cả trăm món dumplings. Đây là món ăn đặc biệt của người Trung quốc, cũng là món vua chúa ngày xưa thường dùng. Có đủ món chiên, xào, hấp, trình bầy rất đẹp, có hình chim, có hình bướm, có cả thịt và đồ chay dùng rau củ làm nhân. Ở Sydney các bạn cũng có thể tìm thấy dumplings ở các khu Chinatown, nhưng dùng dumplings tại Tây An để hưởng tí mùi vị vua chúa ngày xưa, trong nhà hàng chỉ làm một món dumplings, dưới nhiều dạng khác nhau, hẳn có một chút gì đặc sắc hơn. Sau đó là mục cao điểm trong ngày, đó là đi xem màn ca vũ múa đời Đường tại Shanxi Sunshine Grand Theatre ngay dưới lầu nhà hàng ăn. Khung cảnh bên trong rạp cho tôi cảm tưởng khi xem múa tại Moulin Rouge, Paris. Tuy nhiên sân khấu rộng hơn, màn nhung đỏ với những khán giả ngồi sát sân khấu, quay một vòng tròn. Cũng có những từng ở trên lầu, nhìn xuống, nhưng chắc vé dưới đất thì mắc hơn. Chúng tôi được sắp xếp ngồi tầng dưới đất, thấy có rất nhiều du khách tây phương trong hàng khán giả. Thôi thì đủ màn, có Đường Minh Hoàng và Dương Quý Phi du nguyệt điện, có thầy Tam Tạng (tức thầy Huyền Trang đi thỉnh kinh), cũng đẹp và xuất sắc lắm. Nhạc nền cũng rất hay. Sân khấu chuyển đổi với mầu sắc rực rỡ. Thử tưởng tượng đoàn chúng tôi đêm qua ngủ trên máy bay, vừa xuống đất liền đi thăm các nơi ngay, tối nay còn xem múa hát trong khoảng 1 tiếng 45 phút, thật là một ngày quá đầy đủ, ai về tới khách sạn cũng mệt và ngủ ngon hết. Ngày hôm sau 16 tháng 5 năm 2010, chúng tôi đi xem một ngôi chùa lớn tên là Pháp Môn Tự, cách xa Tây An 135 km, về phía tây. Ngôi chùa này được xây vào đời Tây Hán (25-220 trước Tây Lịch) để chứa xá lợi Phật. Vào năm 1987, họ đã khám phá ra một điện thờ Phật ngầm dưới đất tại nơi đây. Khung cảnh nơi đây thật hùng vĩ. Toàn bộ được tân trang lại, xây cất thêm và mới khánh thành vào tháng 8 năm 2009 vừa qua. Tuy nhiên, ngôi chùa cũ được xây cách đây 1700 năm vẫn được bảo trì để gìn giữ xá lợi Phật, cùng vàng bạc châu báu mà các tín đồ cúng dường. Trong phòng triển lãm có các cổ vật được gìn giữ cẩn thận. Chúng tôi được dẫn đi xem một cái chén bằng men mầu xanh lá cây, không đựng nước, nhưng mắt nhìn lại sao thấy như có nước ở bên trong. Trông thật tài tình. Người xưa không biết chế tạo sao mà nhìn xem như có nước đựng tới nửa chén. Tại Pháp Môn Tự, chúng tôi thấy có ba hộp đựng xá lợi Phật giống nhau. Nhưng chỉ có một trong ba cái có xá lợi thật để tránh việc trộm đạo, vì khi xưa phải làm thế. Có nhiều người bán buôn nhang đèn bao quanh khi chúng tôi xuống xe nhưng không đến nỗi dành giật khách hàng, mà chỉ mời gọi một cách lễ độ, không chen lấn nài nỉ thái quá. Buổi trưa, chúng tôi được thưởng thức một bữa cơm chay trong một nhà hàng ăn trong khu, rất sạch, bát đĩa còn như mới dùng lần đầu. Các món chay được trình bầy đẹp mắt và rất ngon miệng. Chúng tôi không nghĩ ăn chay là phải khắc khổ. Vì khu rất rộng, cả đoàn được đi sâu vào trong bằng một loại xe bus nhỏ, đi tiếp vào phía trong, là phần mới xây khoảng 2 tới 3 năm sau này. Khu phía trong này cũng to rộng như Vatican bên La mã, cũng có những tượng Phật bằng vàng thật to. Tuy nhiên, không có vẻ sắc sảo như ở Ý. Thiên Thủy: (Tian Shui) Chúng tôi được đổi sang một xe bus khác với người hướng dẫn du lịch địa phương mới. Lý do là chúng tôi sẽ tiến về thành phố Thiên Thủy, thuộc tỉnh Cam Túc, không còn thuộc Tây An (thuộc tỉnh Thiểm Tây). Tỉnh Cam túc được hình thành cách đây 2100 năm, có người Hán và một số người sắc tộc khác đến đây sinh sống. Đây cũng là cửa ngõ để bắt đầu đi vào sa mạc. Vùng này là vùng hạn hán liên tục, cũng vì vậy nước mưa trở nên vô cùng quý báu, do đó mà có tên là Thiên Thủy (Tian Shui), tức là nước do Trời ban. Chuyện kể, đời Hán Vũ Đế, có một trận động đất kinh hoàng phá tan toàn vùng, nhưng sau đó trời thương xót, cho một trận mưa to xuống, người dân liền có nước xử dụng cho nhu cầu hàng ngày, và có thể canh tác lúa bắp. Hán Vũ Đế từ đó đổi tên cũ từ Tân Châu thành Thiên Thủy. Qua người hướng dẫn du lịch địa phương, đã tốt nghiệp cao đẳng về du lịch, chúng tôi được biết nhiều chuyện hay. Thí dụ như: Muốn biết Trung quốc tiến bộ như thế nào: Trong vòng 30 năm thì xin đến Thẩm Quyến Trong vòng 100 năm thì xin đến Thượng Hải Trong vòng 1000 năm thì xin đến Bắc Kinh Trong vòng 3000 năm thì xin đến Tây An Trong vòng 8000 năm thì xin đến ThiênThủy. Cái nôi văn minh của nhân loại là khởi thủy từ Thiên Thủy, vì các nhà khảo cổ đã tìm thấy các di tích con người cách đây 8000 năm có một nền văn minh tột độ tại đây. Đây là cái nôi văn minh của nhận loại, con người sống hai bên bờ song Hoàng Hà và trong khu vực Thiên Thủy. Nhà cửa cổ xưa ở Thiên Thủy trông giống nhau, vì dân cư luân phiên làm nhà cho nhau, nhà không có địa chỉ, nhưng thơ từ vẫn nhận được vì trong làng xã ai cũng biết nhau. Nếu quí vị nào mang họ Lý thì tổ tiên họ Lý chắc chắn phát xuất từ Thiên Thủy. Sau đó chúng tôi được đưa đi xem Mạc Ký Sơn (Maiji Shan) để xem các tượng Phật được khắc trên núi. Đây là một quả núi hình bó rơm mà trong thời kỳ con đường tơ lụa hưng thịnh, là một gạch nối giữa Trung quốc và Trung Á. Ngay từ thế kỷ thứ 4 sau Thiên chúa, người ta đã bắt đầu tạc các tưọng Phật tại đây trên sườn núi cao từ 30m tới 80m. Nay họ còn làm các bậc thang lên xuống cho du khách tiện việc thăm viếng. Núi Mạc Ký Sơn, nằm cách thủ đô Lan Zhou của tỉnh Cam túc 290 cây số. Theo sử liệu, tu sĩ Tan Hung đã tới đây xây tu viện vào năm 420-422. Lúc đầu, các tượng điêu khắc chịu ảnh hưởng của Ấn Độ và Đông nam Á. Sau này khi được trùng tu lại thì chịu ảnh hưởng của miền Trung và Đông của Trung quốc. Nay còn 194 hang động và 7200 bức điêu khắc. Các thương gia đi theo đường tơ lụa đã dừng lại đây để cầu nguyện cho chuyến đi của mình được bình an. Sau đó, nếu họ còn sống xót mà trở về Tây an, họ cũng ghé đây để cảm tạ, và cúng nhiều tiền bạc để tu tạo thành bức tượng. Lan châu: (Lan Zhou) Rời Mạc Ký Sơn, xe tiến về Lan Châu (Lan Zhou) là thủ đô của tỉnh Cam Túc. Muốn biết Trung quốc rộng lớn thế nào thì ta phải đến miền Tây Bắc, tức từ Thiểm Tây đến Cam Túc. Càng xa Tây An, khí hậu càng khô ráo. Xe chạy qua nhiều đường hầm đào sâu xuyên qua núi. Các đường hầm này đều mới được xây dựng sau này. Thành phố Lan Châu có một chiều dài lịch sử hơn 2000 năm và là một trung tâm giao thương lớn của Trung quốc. Sông Hoàng Hà là một con sông lớn của Trung quốc, bắt nguồn từ Tây Tạng và đi qua 9 tỉnh nhưng chỉ đi qua một thành phố duy nhất là Lan Châu. Do đó người dân tỉnh Cam túc rất hảnh diện vì có Lan châu nằm dọc theo sông Hoàng Hà. Tại Lan Châu có món mì bò nổi tiếng và chúng tôi đã được nếm qua. Lan Châu vị thế nằm lọt trong một thung lũng, không khí khó luân chuyển. Thêm nữa, dân bản xứ nơi đây lại thường dùng than đá đốt để sưởi, cùng đốt củi để nấu bếp, nên không khí luôn mù mờ, và là nơi ô nhiễm nhất Trung quốc. Chúng tôi ghé thăm cầu Trung Sơn tại Lan Châu. Đây là cây cầu sắt được làm đầu tiên bắc ngang sông Hoàng Hà dùng toàn vật liệu của Đức, được xây trong hai năm từ 1907 đến 1909, vẫn còn vững chắc cho đến ngày nay. Cầu lấy tên Trung Sơn từ Tôn Dật Tiên được coi là quốc phụ của Trung quốc. Trước đó, dân chúng di chuyển phải dùng phà để qua sông. Đây là cây cầu cho dân chúng đi bộ qua, hoặc cho xe đạp, không có xe hơi chạy qua. Gần đó không xa là một bức tượng mẹ bồng con, tượng trưng cho giòng sông mẹ Hoàng Hà ôm đứa con Trung quốc vào lòng. Cách đó cũng không xa, chúng tôi được dẫn đi xem Thủy Xa. Đây là hình ảnh một đập nước dùng sức mạnh của giòng sông Hoàng Hà để mang nước vào phía trong đất liền cho dân chúng cầy cấy. Đây cũng là một công trình vĩ đại từ ngàn năm còn duy trì lại chứng tỏ nền văn minh xưa cổ của Trung quốc.Đây là một bánh xe bằng gỗ, được luân chuyển bằng sức nước của giòng sông và gió, dọc bánh xe có những thùng gỗ, mang nước đổ vào một máng xối, mang nước đến cho ruộng vường và cả gia cư xử dụng. Cái hay là hệ thống này hoàn toàn không dùng sức người. Dọc theo sông Hoàng Hà nay còn cả trăm bánh xe như vậy để vận chuyển nước. Ỡ Việt nam, nếu muốn lấy nước từ sông vào ruộng, người ta dùng gầu tá nước bằng sức người. Như vậy tại tỉnh Cam Túc này từ xưa người ta đã nghĩ cách dùng sức mạnh của nước cho một mục đích thật tuyệt vời. Ăn cơm trưa xong chúng tôi lên tầu cao tốc trực chỉ một thắng cảnh nổi tiếng của vùng này mà chỉ dùng phương tiện này mới đến được. Đó là khu chùa Binh Linh Tự. Phải cần một tiếng đi và một tiếng về, nhưng quả thãt cảnh đẹp với núi đồi và sông nước cộng thêm không khí trong lành, chúng tôi thấy chuyến đi thật xứng đáng đồng tiền. Theo luật khi ngồi trên tầu cao tốc, ai cũng phải khoác lên một cái áo phao mầu cam phòng bất trắc. Tới nơi, một khung cảnh thất hùng vĩ tựa như một bức tranh sơn thủy, cái lạ là giữa nơi sa mạc lại có sông nước, núi non bao quanh, hình thù muôn vẻ. Đi lần vào trong, ta sẽ thấy những hang động có khắc hình tượng Phật có từ 1600 năm trước Thiên Chúa. Binh Ling Tự là một trong những cảnh tuyệt đẹp của tỉnh Cam Túc, thuộc thành phố Lan châu. Đức Phật đã theo con đường Tơ Lụa để vào Trung quốc. Những hang động tại Binh Linh Tự chứng minh sự hiện hữu của đạo Phật tại đây. Các hang động này dài 1.6 km dọc theo ngã ba con sông dài 60m. Có tất cả 183 tượng Phật, trong đó có chừng 149 cái rất nhỏ. Tượng Phật lớn nhất cao 27 m đang được tu bổ lại. Một số bị dân đạo Hồi phá nhưng nay đang được trùng tu lại. Tây Ninh: (Xi Ninh) Chúng tôi di chuyển tiếp đến Tây Ninh (Xi Ninh), là thủ đô của tỉnh Thanh Hải. Càng xa Tây An, nơi qui tụ nhiều người hán, càng thấy có nhiều sắc tộc thiểu số, như người gốc Tây Tạng, người Mông cổ, người Mãn châu v.v. Chúng tôi được kể cho nghe rằng, miền này có 4 cái lạ: 1.Gió thổi đá chạy, ý nói gió rất to và mạnh. Núi không có cỏ, ý nói đất khô cằn. Mái nhà có thể chạy bộ, ý nói mái nhà làm bằng phẳng, không có mái. Con gái không tắm rửa, ý nói nước ở đây rất hiếm. Chưa hết, người vùng này có 4 cái quái: 2.Vai không bao giờ che, ý nói phải hở vai Gái Tây Tạng không đẹp. Toilet thì dính theo mình, ý nói là dân du mục. Dùng phân bò mà rửa chén bát, ý nói không có nước nhiều để xử dụng. Tây Ninh là trung tâm thương mại chính của tỉnh Thanh Hải, cách Lan Châu 232km và đa số dân theo đạo Hồi, ở độ cao 3000 m so với mặt nước biển, khí hậu bắt đầu lạnh.Vùng này trước kia thuộc dân tộc thiểu số nhưng nay Trung quốc chiếm đóng. Ra đường còn thấy nhiều di tích của Tây Tạng. Tỉnh Thanh Hải vừa có động đất vào ngày 13 tháng 4 năm 2010 về phía Bắc, vùng này rộng 720 ngàn km2, ngang 63 km và chiếm 1/3 toàn thể Trung Quốc. Từ thế kỷ 16 đã là con đường tơ lụa nhộn nhịp, Chúng tôi được dùng cơm chiều theo phong tục địa phương với món sữa chua làm từ bằng sữa dê, rất ngon và lạ miệng. Thanh Hải: (Qing Hai) Thế là đã bước vào ngày thứ sáu của cuộc hành trình. Hôm nay chúng tôi rời khách sạn đi đến thăm hồ Thanh Hải (Qing Hai Hu). Đây là một hồ nước mặn ngay sa mạc, gọi là hồ nhưng nước trong xanh và rất rộng, tới 4.186 km2. Đây cũng là một hồ lớn nhất Trung quốc, và là hồ lớn thứ hai trên thế giới sau hồ Great Salt Lake ở Mỹ. Chúng tôi thả bộ đi dọc theo bờ hồ, tự hỏi tại sao giữa một thành phố khô cằn, lại có một hồ nước rộng và trong xanh với cát vang. Vào mùa đông, hồ đóng băng trong 3 tháng. Hồ Thanh Hải còn được coi như thánh địa của Phật giáo Tây Tạng. Nơi đây các tu sĩ thường tới để tĩnh tâm và cầu nguyện. Xa xa chúng tôi thấy con bò trắng, đặc biệt của vùng này gọi là yak. Người dân ở đây tương đối nghèo, có những em bé địa phương hoặc cô gái Tây Tạng mặc các y phục truyền thống sẵn sàng bằng lòng cho du khách chụp hình rồi lấy tiền, cho thuê lạc đà hoăc con bò yak để chụp hình. Sau đó chúng được đi ăn trưa với các món ăn địa phương, tại một quán ăn ngay gần hồ Thanh Hải. Tiếp đến, chúng tôi di chuyển chừng 3 tiếng đồng hồ để đến thăm tu viện Tây tạng Ta Er si, còn được biết dưới tên Tu viện Kumbum (Kumbum Monastery) được các tu sĩ Tạng giáo coi sóc, thuộc phái Đại thừa. Tu viện này được xây từ năm 1583 sau Tây lịch, với một lịch sử hơn 600 năm.Đây là một tu viện của người Phật giáo Tây tạng, quan trọng vào bậc thứ nhì sau Tu viện Lhasa tại Tây Tạng. Tương truyền rằng, vào năm 1576, Đức Dalai Lama thứ 3, trong chuyến đi Mông cổ có đi qua vùng đất này, có dấu ấn nơi sanh của người sáng lập ra Phật giáo Tây tạng, gọi là Master Tsongkapa, ngài đã truyền cho xây dựng một tu viện to lớn và công trình xây cất hoàn tất vào năm 1583. Tại đây, người hướng dẫn viên của chùa hướng dẫn chúng tôi đi xem các đền thờ trong khu và giải thích, qua chỗ đọc kinh, các chỗ thờ thần hộ pháp, các chỗ để sách đọc kinh, các nơi làm tượng thờ từ chất béo từ con bò yak, màu vàng và rất cứng. Nơi đây đang có chừng 600 vị tu sĩ đạo Tây Tạng vừa tu học và vừa sống tại đây để rao giảng Tạng giáo. Chúng tôi thấy các người theo Tạng giáo, quỳ lạy mà phải nằm dài, cúi rạp đầu, cách làm dấu cũng khác với Phật giáo Tiểu thừa. Luật lệ bắt bước chân trái khi qua ngưởng cửa vào đền thờ. Làm dấu đọc kinh thì tay phải úp như hoa sen, giơ lên đụng vào trán trước, tiếp tới miệng rồi ngực, rồi mới quỳ rạp đầu xuống. Có khi họ còn nằm dài rồi lại đứng lên, hai dầu gối và hai tay đều có mang một miếng đệm nhỏ. Ngày trước đã từng có 3000 tu sĩ (người Tây tạng hoặc Mông cổ) tại đây. Được biết nơi đây cũng là nơi nhận tiền bạc hoặc phẩm vật cứu trợ cho những nạn nhân của trần động đất hồi tháng 4 năm 2010, chúng tôi cũng quyên góp được một số tiền nhỏ gọi là đóng góp phần nào trong việc cứu trợ. Không được chụp hình nhiều trong các đền thờ, ra ngoài chúng tôi có chụp hình với các nhà sư và các cô gái Tây tạng đi lễ chùa. Cần nói thêm kinh nghiệm của chúng tôi khi đến đây là vì nơi đây ở độ cao hơn 3000 m so với mặt nước biển, trời lạnh hơn, nên có người sẽ cảm thấy khó thở và nhức đầu. Chúng tôi được cho biết nên uống hai viên Panadol vào cho loãng máu và sẽ cảm thấy dễ chịu hơn. Vũ Uy: (Wu Wei) Rời thành phố Thanh Hải, hành trình qua ngày thứ bẩy đưa chúng tôi tới thành phố Vũ Uy, phía tây tỉnh Cam túc, cách Lan châu 225 km. Vũ Uy là thành phố có chiều dài lịch sử hơn 5000 năm, và là con đường tơ lục phía bắc. Chúng tôi đi xem Lôi Đài (Lei Tai) và Công Trường Ngựa Phi. Vì thế con ngựa là biểu tượng của thành phố này. Công trường Ngựa Phi được tìm thấy vào năm 1969 tại Vũ Uy, một tác phẩm điêu khắc của đời Hán. Vùng này vì vậy được nổi tiếng vì đối với người Trung Hoa xưa thì ngựa được xem như một nhân vật thần linh, quyền lực, đem lại những thành đạt cho quốc gia vì ngựa được xử dụng trong những trận giao chiến, di chuyển v.v. Trương Dịch: (Zhang Ye) Là một huyện của Vũ Uy, trước là vương quốc của Tây Hạ, một tiểu quốc của bộ tộc người nói tiếng Tây Tạng. Trương Dịch từng là thủ phủ của tỉnh Cam túc trong đời nhà Minh đến nhà Thanh. Sau nhà Thanh, thủ phủ Cam Túc mới đổi về Xi Ning. Tây Hạ từng là thế lực mạnh mẽ đối đầu với nhà Tống, nhưng đã bị đế quốc Mông cổ hùng mạnh tiêu diệt vào năm 1227. Tây Hạ có một vị trí rất quan trọng vì là tuyến đường giao dịch tương mại giữa khu vực Trung Á và Âu châu. Xe buýt di chuyển chúng tôi dọc theo Vạn Lý Trường Thành của nhà Tần. Lúc gần lúc xa, Vạn Lý Trường Thành này chỉ có chiều cao độ 3 mét, cứ cách 100m thì có một phóng hỏa đài, và sẽ được đốt lửa để báo hiệu khi có giặc Hung Nô đến. Vạn Lý Trường Thành ở đây hoàn toàn khác với Vạn Lý Trường Thành mà các bạn vẫn thấy quảng cáo cho các chuyến du lịch Trung quốc in thật đẹp trên giấy bóng, nhằm mục đích mời gọi chúng ta đến xem sự to lớn vĩ đại của Trung Quốc. Trái lại Vạn Lý Trường Thành mà các bạn thấy ở đây không cao, không vĩ đại vì vào thời đó giặc Hung Nô thường cưỡi ngựa, mà chiều cao 3 mét cũng đủ để ngăn chặn được ngựa phóng qua. Đây là đoạn Vạn Lý Trường thành đã được Tần Thủy Hoàng ra lệnh xây từ năm 200 trước Tây Lịch để chống lại những cuộc xâm lược của các bộ lạc ở phía bắc, lúc đó hung mạnh nhất là Hung Nô. Trung quốc thời đó đều cho rằng ngoài người Hán, các dân tộc thiểu số quanh vùng đều là man di mọi rợ. Chúng tôi đi xem Trương Dịch Đại Phật. Đây là một tượng Phật ở vị thế nằm, dài 34.50m, cao 7.50 m, do nhà Tây Hạ làm bằng gỗ và đắp đất sét bên ngoài. Truyền thuyết cho rằng có một vị sư khi đi ngang vùng đất Tây Hạ này, ông nghe một tiếng trống và dừng lại, đào xới chỗ dừng lại và tìm thấy một tượng Phật ở tư thế nằm. Ông đem tặng cho vua Tây hạ. Vua tưởng nhớ mẹ mình đã mất nên ra lệnh cho xây chùa này (1457-1465), tại nơi đây. Chùa được trùng tu vào năm 1933. Hiện Tây Hạ đã bị xóa tên và dân số lúc đó, phần thì chạy qua Liên xô, một số qua Tây Nguyên, một số qua Tây Tạng… nay dân số Tây Hạ chỉ còn khoảng 1200 người. Tượng Phật Niết Bàn này được coi là tượng phật Niết Bàn lớn nhất thế giới. Sau đó đoàn đi thăm Suối Tửu Tuyền (Jiu Quan). Suối này được đặt tên là Tửu Tuyền (Tửu nghĩa là rượu, Tuyền nghĩa là suối) với sự tích như sau. Có một danh tướng tên là Hua Qu Bing thuộc đời nhà Tây Hán, năm 20 tuổi đã bách chiến bách thắng nhiều trận chống trả quân Hung Nô. Ông được Hán Vũ Đế quý mến, và ban thưởng một bình rượu quý. Thay vì uống một mình, ông đã không ngần ngại đổ bình rượu vào một cái suối, để binh lính ai cũng được chia xẻ. Ngày nay Tửu Tuyền là tên của nơi ông đã đổ rượu xuống cho binh lính cùng uống. Hành động này làm cho Tửu Tuyền (Wine Spring) được nổi tiếng. Chính tại thành phố Tửu Tuyền này Trung quốc ngày nay đã cho phóng hoả tiễn lên không trung từ đây. Tại nơi đây , chúng tôi thấy lại di tích của Marco Polo. Marco Polo đã từng sống ở Tây hạ vì tưởng lầm đây là trung tâm của nước Trung Hoa thời đó. Một năm sau ông mới di chuyển xuống Hàng châu. Thời đó Cam túc được biết với tên là Cam châu. Chúng tôi được cho thấy một số người Tây Hạ còn sinh sống tại vùng này. Họ phải biết ba thứ tiếng: Mông cổ, Tây Tạng và chữ Hán. Họ vẫn sống theo mẫu hệ tức là, đàn bà đi cưới chồng. Gia Dục Quan (Jia Yu Guan) Chúng tôi tiếp tục hành trình ngày thứ bẩy, đó là sáng thứ bẩy 22 tháng 5 năm 2010 đi thăm gia Dục Quan (Jia Yu Guan). Đây là thành trì như Trường Thành nhưng ở tận cực tây của Vạn Lý Trường Thành. Đây là nơi phân chia biên giới giữa nhà Minh và Mông cổ. Thành trì này gồm ba tháp lớn, được xây từ thời nhà Minh vào năm 1372 sau Tây Lịch. Đây là một thành trì quan trọng cả về quân sự lẫn thương mại (nằm trên đường Tơ Lụa) giữa các nước Trung Đông và cần đến 168 năm mới xây xong. Chúng tôi được dẫn đi xem suốt qua ba tháp, tới tận biên thùy, ra tới sa mạc Gobi trông thấy bao la và khô cằn. Nơi đây chúng tôi cũng thấy một quán tạm đặt tên là Quán Tiên Thùy năm chơ vơ một mình xa cả ba tháp kia (có lẽ có trước ba tháp kia). Chính nơi đây là nơi chia tay, tiễn người ra đi, theo như sử sách ngày xưa, của những người phải rời bỏ quê hương hoặc phải đi xa buôn bán hay phải xa rời quê hương vì một lý do gì đó, để dấn thân vào một nơi có nhiểu hiểm nguy bất trắc. Cũng tại nơi biên giới này, ngày xưa nàng Chiêu Quân đã gạt lệ đi sang đất Hung Nô, có đi mà chẳng có về. Theo sử sách thì Chiêu Quân là một trong bốn Đại Mỹ Nhân của Trung Quốc. Nhằm thoa dịu tham vọng điên cuồng của Hung Nô lúc ấy là một bộ lạc hùng mạnh, thường xuyên qua quấy phá biên thùy, Hán Nguyên Đế (năm 63 trước Tây Lịch) đã nổi tiếng với hành động đưa giai nhân Chiêu Quấn cống hiến cho giặc Hung Nô, để đổi lấy hòa bình lâu dài tới 60 năm trong vùng đất này. Chiêu Quân là một mỹ nhân có sắc đẹp chim sa cá lặn, không ngại hy sinh thân mình cho triều đình để cứu nước. Nàng đã trở thành một giai thoại khiến cho nhiều nho sĩ nhà Hán xúc động, thể hiện bằng nhiều bài thơ cảm tác cho kiếp hồng nhan bạc mệnh. Gia Dục Quan vừa là tên của một thành phố, vừa là cửa ải đầu tiên nằm về phía cực tây của Trung Quốc. Đây cũng là cửa ải lớn nhất và còn nguyên vẹn nhất của Vạn Lý Trường Thành. Thành trì gồm ba tháp canh lớn. Trong thành có những lối đi ngóc ngách, có khu nhà ở cho quân lính, các sĩ quan, có cả chùa và sân khấu to rộng như mái đình để diễn kịch giúp vui cho binh lính xa nhà. Chuyện kể rằng, viên quan chỉ huy xây cất đã yêu cấu người thiết kế dự phỏng số gạch cần dùng. Xây cất xong, còn dư một viên gạch duy nhât. Nay viên gách này được đặt trên cửa của thành như một biểu tượng. Nguyệt Nha Quan Kế đến chúng tôi dùng xe, như xe lambretta ngày xưa ở Sàigon để đi xem Nguyệt Nha Quan (Yue Ya Guan), tiếng Anh dịch là Crescent Moon Lake, vì hồ có hình bán nguyệt. Đây là một hồ thiên nhiên nằm giữa sa mạc cát vàng. Nước ngọt của hồ đã cung cấp nước uống cách đây cả ngàn năm. Hồ này dài 30 mét và ngang 20 mét, sâu nhất là 5 mét, chung quanh là rặng núi Ming Sha. Cái lạ là hồ lại không bao giờ bị lấp bởi cát của sa mạc, dù trải qua bao nhiêu thế kỷ, bão cát, động đất, hồ không bao giờ bị san bằng, và mực nước vẫn giữ nguyên. Ngày nay du khách có thể thuê lạc đà từng đoàn đi lên đỉnh núi, còn nếu đi bộ thì nên thuê một đôi bao bố mầu cam, chùm lên đôi giầy của mình để phòng hờ cát không vào chân hoặc giầy khi di chuyển. Cảnh này gởi lại thời xưa từng đoàn người cỡi lạc đà di chuyển trên con đường tơ lụa này. Với hồ nước với nước trong xanh, gió mát, sa mạc cát vàng, đây là một trong những cảnh đẹp hữu tình nhất của chuyến đi. Phong cảnh thật tựa như trong tranh vẽ. Hành trình ngày thứ 8, chúng tôi đi xem động Mogao Gu cũng thuộc tỉnh Đôn Hoàng. Đây là một hang động có chiều dài lịch sử hơn 1700 năm. Mogao Gu đã được coi là một di sản của thế giới vào năm 1987. Chuyện kể rằng vào năm 336 có vị tu sĩ tên là Lạc Tôn đi qua vùng này và đã nhìn thấy nhiều kim quang chiếu xuống trông như có cả ngàn tượng phật, ngài cho xây cất để ghi nhớ lại sự kiện này. Mo gao gu có nghĩa là “hang động với ngàn tượng Phật”, nằm trên sườn núi giữa đồi Sang Wei và rặng núi Ming Sha (có hồ Nguyệt Nha Guan, đã nói ở trên), nằm cách Đôn Hoàng 25 cây số về phía đông nam. Trải qua bao nhiều triều đại Đường, Tống, các hình vẽ, tượng Phật trong các hang động này trình bầy toàn bộ sưu tập về Phật giáo. Qua đó người ta thấy tôn giáo và nghệ thuật của người xưa, gồm cả ngàn hang động, nhưng qua thời gian, những trận động đất phá hủy, nay chỉ còn chừng 735 động, nhưng số mở ra cho du khách thăm viếng chỉ chừng 30 cái mà thôi. Chúng tôi được một cô hướng dẫn viên làm việc tại hang động này dẫn đi xem một số hang động và giải thích tường tận. Chúng tôi cũng thấy nhiều đoàn có người ngoại quốc cũng được dẫn đi qua. Ngay phần trước cửa hang, có một hang động lớn nhất trong có một tượng Phật lớn nhất ở thế ngồi, chiều cao 35.5 mét, và đã được giữ nguyên như thế cả hơn 1600 năm. Chuyện kể có một đạo sĩ già coi sóc các tượng trong hangđá. Một ngày nọ, ông hút thuốc và nhét mẫu tàn thuốc vào một khe nằm sát vách, thì thấy nó rơi như không có gì ngăn lại. Ông tìm hiểu sâu thêm xem bên trong có cái gì, lúc đó mới khám ra trong lỗ đó có cả 50 ngàn bộ kinh Phật của đủ mọi tôn giáo, bằng nhiều thứ tiếng (tiếng Phạn, tiếng anh, tiếng Đức tiếng Tầu v.v. , và cả sách về tình dục v.v. Nghĩa là cả một kho tàng về sách qua nhiều thời đại. Người Nga biết tin trước nhất qua lấy 2 Mo Gao Gu tại Đôn Hoàng bao mang về. Mãi đến năm 1907, lại có một người Anh qua lấy nhiều nhất vì ông này biết 8-9 thứ tiếng nhưng lại không biết tiếng Tầu nên cần một người Afghanistan để thông dịch. Nhưng ông đạo sĩ chỉ cho ông người Anh vào mà không cho người thông dịch vào, nên ông người Anh chỉ lấy được có 1/5 số sách về giao lại cho vua Anh mà thôi. Ông người Anh này sau chết tại Afghanistan nên ông thông dịch lại lấy được một mớ sách. Mãi đến năm 1908, mới có một người Pháp đến. Ông này biết tới 13 thứ tiếng trong đó có tiếng Tầu nên ông đạo sĩ tôn trọng cho ông người Pháp này lấy thoải mái tới 6000 cuốn và nay được để trong thư viện ở Pháp. Ông người Pháp này có mang về Bắc Kinh và nói với các quan chức Trung Hoa về sự khám phá trên. Lúc đó Bắc kinh mới bắt đầu cho người đến giữ gìn nhưng lúc đó thì số sách chỉ còn chừng 1/5 mà thôi. Đến năm 1921, mới có một người Mỹ với khoa học và kỹ thuật hiện đại đến tìm hiểu. Từ đó, người ta mới bắt đầu gìn giữ kỹ lưỡng các di tích lịch sử này. Có những tượng bằng gỗ, có tượng bằng gỗ đắp đất, không cho chụp hình, có chỗ có màn kính ngăn chận không cho ai được rờ mó vào các bức họa hay tượng Phật. Đôn Hoàng là một thành phố rất sạch sẽ, dân số chừng 120 ngàn người nhưng đã có 100 ngàn là tín đồ Phật giáo. Chúng tôi dừng chân để dùng cơm trưa tại Đôn Hoàng bên cạnh giòng sông nhân tạo lấy nước từ tuyết tan trên dẫy núi Kỳ Liên Sơn. Sau đó chúng tôi tiến về Hami, vào tỉnh Tân cương xuyên qua sa mạc Gobi. Hami là nơi nổi tiếng với dưa Hami. Vỏ quả dưa màu vàng, nhưng bên trong màu trắng, ăn vừa mát, vừa ngọt và dòn. Ở Sydney cũng có loài dưa vỏ màu vàng này nhưng không dòn và ngọt như tại Hami. Con đường xuyên qua sa mạc Gobi rất xấu, nhiều ổ gà, lại không có nhà vệ sinh hay hàng quán dọc đường. Mọi nhu cầu đòi hỏi xả nước cứu thân phải giải quyết ngoài trời, bằng cách như từ thuở sơ khai vậy. Tối nay chúng tôi được dùng cơm truyền thống của dân tộc ở đây. Họ dọn ra loại kebab mà sau đó chúng tôi tìm hiểu thì được cho biết là loại shish kebah của người Thổ \Nhĩ Kỳ. Các thức ăn được dùng nhiều gia vị của của Trung Đông, hoàn toàn không giống các món Trung hoa tí nào cả. Hami Đến Hami thì thấy văn minh hơn. Chúng vào một hotel 4 sao, bên cạnh là một khách sạn 5 sao mới khánh thành vào đầu năm 2010, cùng một chủ. Có hai anh bạn được cho qua khách sạn 5 sao vì thiếu phòng. Chúng tôi tuy được nghỉ đêm ở khách sạn 4 sao nhưng sáng ra ăn sáng thì lại qua bên 5 sao. Sáng này là hành trình ngày thứ 9, chúng tôi đên thăm ngôi mộ của vua Hồi trước 1697 và các đền thờ Hồi giáo. Nơi đây thổ sản là nho. Chúng tôi ghé qua nhà một người địa phương, được mời ăn dâu (berry) và nho khô, thăm qua một vườn trồng nho. Chúng tôi nhận xét quả nho ở đây dài chứ không tròn như ở Úc. Được biết 70% dân ở vùng Tân cương là theo đạo Hồi với 47 sắc tộc thiểu số. Tỉnh Hami có chừng 500 ngàn dân. Cả Tân Cương có 1.9 triệu dân. Đến đây chúng tôi có người hướng dẫn viên du lịch địa phương người Tân Cương và theo đạo Hồi, là một thanh niên còn trẻ và rất hoạt bát. Anh này đã tốt nghiệp Đại Học ngành du lịch , biết nói nhiều về Tân Cương. Vùng Tân Cương rộng tới 9.6 triệu cây số vuông nhưng đa số đất đai lại là sa mạc. Tuy nhiên dưới sa mạc là dầu hỏa, than đá v.v. Có 4 mùa rõ rệt tại vùng Tân Cương và thủ đô là Urumqi. Vị trí cách Bắc Kinh 2 tiếng đồng hồ nhưng công sở vẫn giữ nguyên giờ Bắc kinh cho nên không đổi giờ. Vì thế không lấy làm lạ là 9.30 giờ tối tháng 5 này ở đây thì trời vẫn sáng như là mới 6 giờ chiều. Tân Cương được coi là vùng tự trị của Trung quốc. Gia đình ở đây được có ba con không như chỗ khác chỉ có được một đứa con mà thôi. Khí hậu tốt, dân có thể sống tới 114 tuổi vì không có nhà máy. Tại đây trồng nhiều nhất là nho và dưa Hami. Đây cũng là vùng có biên giới với 8 quốc gia khác nhau như Mông Cổ, Ấn Độ, Pakistan, Kazakhstan, Kyrgyzstan, v.v. Đường biên giới dài tới 5.400 km. Từ thế kỷ 15 đạo Hồi đã được coi là chính tại đây. Bắt đầu từ thế kỷ 18 Trung quốc cai trị toàn bộ vùng này. Mãi đến năm 1955 vì số dân người Uighur đông nhất nên Trung quốc cho vùng này tự trị (Xin Jiang Uighur Autonomous Region) nhưng vẫn trực thuộc chính phủ Bắc Kinh, và đặt thủ đô chính là Urumqi. Thổ Lô Phan: (Turpan) Chúng tôi rời Hami tiến đến thành phố Thổ Lô Phan (Turpan). Đây là một đoạn đường xuyên qua sa mạc Gobi, dài tới 600km. Đây cũng là một vùng trồng nho nổi tiếng. Ngưòi sắc tộc Uighur làm chủ mảnh đấ này từ năm 856 tới 1389. Sau đó mới rơi vào tay của Trung quốc. Đây cũng là một trung tâm thương mại thời cổ vì nó nằm trên lộ trình của Đường Tơ Lụa. Đây cũng là cửa ngõ cho đạo Hồi được truyền bá vào Trung quốc. Dọc theo con đường chúng tôi thấy nhiều máy xay gió (windmill), vì vùng này có gió thường xuyên và rất mạnh, có tới hơn 400 cái, dùng để sản xuất năng lượng. Chúng tôi lần lượt đến viếng thăm vùng Hỏa Diệm Sơn (Flaming Mountains), hệ thống kinh đào Karez, Ruins of Jiao He (thành phố cổ Giao Hà). Vùng núi Hỏa Diệm Sơn, cao 851m và dài 98 cây số, là vùng có di tích của Tề thiên Đại thánh trong Tây Du Ký. Phần đất này rất nóng vì có chứa chất sắt, đây là một dẫy núi dài mầu đỏ rực, nằm ở phía đông thành phố Thổ Lô Phan (Turpan). Trước đây là núi lửa, nham thạch phun lên và phủ đầy sườn núi nên trông có mầu đỏ rực như ngọn lửa. Thời xưa, để trách đi qua sa mạc, các đoàn người buôn thường chọn con đường này. Tại nơi đây, chúng tôi được chỉ cho xem các tượng trong Tây du Ký, nói về sự tích thầy Huyền Trang đi thỉnh kinh từ Ấn Độ. Ngoài ra nơi đây còn có một hàn thử biểu đo nhiệt độ lớn nhất Trung quốc. Chúng tôi được ngừng xe giữa đường để mua thêm dưa Hami, chợt bắt gặp cảnh một em bé năm nôi (đặc biệt kiểu của dân thiểu số) để ngủ mà bị cốt chân cột tay cứng chặt không cựa quậy gì được mà vẫn nở một nụ cười tươi khi được chụp hình. Chúng tôi đi tiếp đến Turpan, dọc đường được chỉ cho xem những nhà nhỏ mà người địa phương dùng để phơi nho khô (dùng trong các tháng 6,7 và 8). Vùng đất này rất thích hợp cho việc trồng nho, nên dân chúng sinh sống bằng các nghề liên quan đến nho như làm nho khô, làm rượu nho, làm mứt nho v.v. Kế đến chúng tôi đi xem hệ thống kinh đào Karez, lấy nước từ tuyết tan trên ngọn núi Thiên sơn và dẫn về thành phố cho dân chúng xài. Đây là một công trình vĩ đại có từ đời nhà Đường, gọi là Karez Well Irrigation. Theo Trung quốc, có ba công trình vĩ đại cho quốc gia này. Thứ nhất là Vạn Lý Trường thành, thứ hai là Kênh Đại Giang Hà, từ Bắc Kinh đến Hàn Châu, và thứ ba là hệ thống kinh đào Karez này, dài tới 5000 cây số. Tối nay chúng tôi dùng cơm tối xong thì được dẫn đi xem múa cổ truyền của dân tộc Uighur. Cuộc hành trình qua ngày thứ 10 đưa chúng tôi tới Giao Hà (Thành phố cổ Jiao He, Ruins of Jiao He), thuộc thành phố Thổ Lô Phan (Turpan), cách thủ đô Urumqi khoảng 10 cây số. Có tới 4 tới 6 thành phố cổ được tìm thấy tại đây nhưng chúng tôi chỉ đi xem một cái mà thôi. Thành phố này được xây cất cách đây hơn 2000 năm, Thành phố cổ này cũng có sắc thái riêng biệt. Đây là vương quốc của sắc tốc Jushi, một lực lượng kháng Hán, sau đó lại rơi vào nhiều thế lực tranh dành khác nhau. Sau cùng thành phố này bị Mông cổ phá hủy vào thế kỷ thứ 14, từ đó chỉ còn là di tích. Tuy nhiên phép lạ là nhờ khí hậu khô cằn và nằm ở vị trí khá xa về địa lý, những tổ chức của xã hội ngày xưa hầu như còn nguyên vẹn và có thể cho chúng ta một cái nhìn nguyên vẹn về thành phố hang đất thuở xưa. Tuy là đổ nát, nhưng đi xuyên qua những con đường, ta cũng còn thấy được tại Jiao He có 1389 căn hộ, đúng ra là những hang đào trong đất thời đồ đá để ở hầu để tránh thú dữ và bộ lạc khác xâm lăng, 53 chùa, 346 giếng nước và 34 lối đi. Có đi xem thành phố cổ Giao Hà này, chúng tôi phải công nhận vào thời bấy giờ, con người còn ăn lông ở lỗ, quả nơi đây đã hình thành một đời sống có tổ chức đáng khâm phục. Sau khi thăm viếng thành phố cổ Giao Hà rồi, các du khách không quên ghé qua xem hệ thống kinh đào Karez tại đây. Đây là một công trình lịch sử của các dân tộc ở Thổ Lô Phan. Từ xưa người ta đã biết xây dựng một hệ thống dẫn nước từ trên núi xuống đồng bằng để con người có nước xử dụng cho nhu cầu hàng ngày và trong việc trồng cấy. Cách đây hơn 2000 năm mà con người đã nghĩ ra cách dẫn nước từ tuyết trên núi cho chảy qua các đường hầm dài từ núi cao đến nơi dân chúng ở thành phố, để tránh nước bị bốc hơi vì phải đi qua vùng sa mạc. Chúng tôi được dẫn đi qua xem cách họ đào đường hầm, các giếng nước, các đập nước, và sông sạch ngầm dưới đất để tồn trữ và kiểm soát lưu lượng nước. Vì nằm trên con đường tơ lụa nên, nhờ có hệ thống dẫn nước, các nhà buôn thời đó, các tu sĩ, tăng lữ khi đi qua đây đều được uống nước no nê giữa sa mạc khô cằn. Phải nói là chuyến đi có thể kéo dài cả tuần, cả tháng và cả đoàn súc vật có thể tới cả ngàn con. Tất cả đều có nước uống thoải mái. Ngày nay có 1100 giếng nước loại này còn sót lại và những đường dẫn nước có tổng số chiều dài lên tới 5000 cây số. Thủ đô Urumqi Đây là thủ đô của tỉnh Tân Cương, ở miền Tây Bắc của Trung quốc, nó bao trùm 16% diện tích của Trung quốc nhưng đa số lại là sa mạc. Urumqi có nghĩa là tên chỉ vùng này cách đây cả 2000 năm, có nghĩa là đồn cỏ xanh, nằm trên con đường di chuyển tơ lụa phía bắc. Tân Cương là phần đất tự trị lớn của dân tộc Uighur, có 40% gốc Hán và còn lại là các sắc tộ khác như Mông, Mãn, Tây Tạng, Hôi, Kazakhs v.v.Tân Cương nổi danh với sa mạc Takhamakan và Gobi. Thành phố Urumqi có nhiều đền thờ Hồi giáo, không có xe điện ngầm, phương tiện di chuyển là xe hơi, xe bus và xe lửa nối liền với các thành phố khác. Phố xá rất sạch sẽ, luôn luôn có người cầm chổi quét đường, lượm rác. Đường phố cũng nhộn nhịp mua bán, các cửa hiều dùng chữ Tàu, chữ Arabic và cả chữ Nga. Ban đêm cũng nhộn nhịp phố phường, đèn xanh đèn đỏ chẳng thua kém các thành phố tân tiến khác. Hành trình ngày thứ 11 chúng tôi đến thăm hồ Thiên Trì (Tian Chi), tiếng Anh dịch là Heaven Lake. Nằm cách thủ đô Urumqi 100 cây số, đây là một hồ nước trong, xanh biếc nằm giữa vùng sa mạc, mà cảnh đẹp thật tuyệt vời, không chê vào đâu được. Hồ nước rộng 4.9 cây số vuông và ở độ cao 2000 mét, sâu nhất là 105 mét, chung quanh có núi non, và rừng thông xanh mướt. Xe bus đưa chúng tôi tới chân núi và sau đó đoàn dùng xe chuyên chở của công ty du lịch Tian Chi chở lên cao, có thể dùng xe cáp treo (cable car) để lên các đỉnh núi cao. Phải công nhận đây là thiên đường hạ giới, một khu vực được bảo tồn nguyên vẹn, nước trong xanh của hồ là do tuyết tan, nên rất trong suốt, các hàng thông cao vút bao quanh hồ, xa xa các rặng núi vẫn còn tuyết phủ, cảnh đẹp thiên nhiên tại đây quá tuyệt vời. Vào năm 2006 người ta đã tiêu tốn cả 100 triệu đô la Mỹ để trùng tu cảnh trí tại đây. Chuyện kể rằng, ngày xưa có một vị nữ hoàng sắc tộc ở đây tên là Xi Wang Mu năm 1100 trước Tây Lịch, đã phải lòng một ông vua cũng tên Mu và dùng hồ Thiên Trì này để tỏ tình với nhà vua qua thơ văn: “Ngài tới đây từ một nơi thật xa vượt cả trăm ngọn núi, vạn con sông, nơi đây có núi cao tới tận trời xanh, xin Ngài trở lại”. Nhà vua cũng đáp lại qua thơ văn: “Ta phải trở về Trung quốc để làm cho dân mạnh nước giầu, rồi ta sẽ trở lại”. Nhưng than ôi, chẳng biết vì lý do gì mà nhà vua chẳng bao giờ trở lại. Tối nay chúng tôi ngủ đêm tại Urumqi, khách sạn nằm ngay bên cạnh một khu giống Darling Harbour của Sydney. Cũng thấy thiên hạ dập dìu, ăn uống rồi khiêu vũ ngoài trời, cũng có vòi phun nước với đèn xanh đỏ. Sáng hôm sau, chúng tôi đến khu International Grand Bazaar của Tân Cương để mua bán các món đồ kỷ niệm, trước khi quay trở lại Sydney. Chúng tôi nhận xét thấy nhiều khăn choàng cổ bằng tơ lụa đủ màu được bầy bán, các món đồ kỷ niệm khác cũng rất đặc thù giống nhiều vùng Trung Đông hơn Trung quốc. Một cô bán hàng vui vẻ chỉ cho tôi cách thắt khăn quàng vuông rất đẹp. Khi tôi muốn quay lại cửa hàng của cô để mua thêm thì không tìm ra được cô nữa vì khu buôn bán rất rộng, hàng hóa choáng ngợp. Kết luận: Trên suốt con đường Tơ Lụa mà chúng tôi đã đi qua từ Tây An đến Tân Cương, chỉ có hai ông tài xế, có 3 người hướng dẫn du lịch địa phương. Chúng tôi đã đi qua 4600 cây số đường bộ, xuyên qua các tỉnh ở miền Trung rồi Tây Bắc Trung quốc. Miền Tây có 5 tỉnh thì chúng tôi đã đi qua 4 tỉnh là Thiểm Tây, Cam Túc, Thanh Hải và Tân Cương. Mỗi tỉnh miền Tây đều có một sắc thái chung: Dân cư thưa thớt, hòa trộn người Hán và các dân tộc thiểu số mà có tới 56 sắc dân khác nhau. Đất đai khô cằn vì quanh năm hạn hán. Cảnh vật thiên nhiên còn nguyên vẹn. Các di tích lịch sử được trân trọng giữ gìn. Đường phố các nơi đều sạch sẽ, vì có người quét đường. Vắng bóng du khách tây phương, nhất là tại các nơi như Thanh Thủy, Hồ Thanh Hải, Hồ Thanh Trì. Chỉ thấy nhiều khách Tây phương ở Tây An. Để thăm viếng bất cứ ngôi chùa nào, thì ai cũng phải chi tiền mua vé vào, ngay cả ngôi chùa thuộc Tạng giáo (Ta Er si). Chúng tôi có hỏi hướng dẫn viên thì được cho biết là người đi lễ chùa thỉ khỏi, nhưng du khách thì phải mua vé. Viết xong ngày 2 tháng 8 năm 2010 Lê Chương Biết tỏ cùng ai, đây?Elizabett Trần
Thăm các chị rất thân mến của em,
Em hy vọng thư này sẽ đến tay các chị sớm như lời em yêu cầu gửi đến ông chủ nhiệm. Em đang bị ấm ức quá chừng các chị ơi. Em không biết tỏ bày cùng ai ngoài các chị ra. Chắc các chị thể nào cũng hỏi ai đã làm cho em ‘sì stress’ như vậy? thì các chị biết rồi đó ai trồng khoai đất này nữa, chắc là mấy chị cũng đoán ra được rôì chứ. Để em kể cho mấy chị nghe tâm sự lòng thòng của em nhé.
Như các chị biết đó từ ngày sang tới đất ‘Căng cu ru’ này, đến nay em siêng năng làm việc lắm, đi làm suốt toàn thời, chẳng bao giờ lấy ngày nghỉ bệnh hết, có đau cũng cố uống thuốc cho thật nhiều với liều lượng gấp đôi để còn đi làm nữa. Vì vậy, sở em nó thương nên em cũng sống sót qua mấy buỗi dãn người. Năm nay kinh tế xuống dốc, hãng em nó đóng cửa đem qua mấy nước Trung Quốc, Ấn Độ, Đại Hàn cho rẻ, thì mới cạnh tranh với các hãng của Ba tầu được.
Rồi thì mới đây chẳng biết có phép lạ hay sao đó mà bỗng dưng hãng em nó cho một số công nhân đi học huấn nghệ để thêm tay nghề. Mới đầu em cũng thấy ngại, suy nghĩ rất lung vì tiếng Tây tiếng u mình kém quá; hơn nữa, nghe đâu học thì phải thi tại chỗ mới được phát bằng. Thêm vào đó, em còn sợ là lấy 2 tuần làm việc để đi học, nếu rớt thì chắc tụi nó sẽ đuổi em thẳng cánh mất thôi!
Em cũng đã tính ‘nhắm mắt đưa chân’, ‘phận gái mười hai bến nước’ không dám bon chen gì, nhưng rồi nghe mấy người làm cùng sở cứ kháo láo rằng chắc hãng em muốn chuyển sang làm ngành khác hoặc nó chỉ muốn giữ lại những người có tay nghề thôi. Nên em về bàn với ba nó, cùng xấp nhỏ và cả nhà, ai ai cũng hỗ trợ cho em học để may ra còn có cơ mà tiếp tục làm việc. Thế là mọi người trong nhà đồng ý miệng coi như mọi việc đã xong, nghĩa là ông xã em và mấy đứa chúng nó sẽ lo phần chợ búa, nấu ăn và đủ thứ khác. Và ai nấy cũng đều hứa hẹn bảo đảm là không được cằn nhằn nếu thức ăn không được ngon, không đủ tiêu chuẩn, và nhất là sẽ không ai được mè nheo đòi nấu thêm món này nọ đặc biệt trong hai tuần đó, nên em đã mạnh dạn ghi tên và cũng hên ghê lắm đó mấy chị ơi, em được chọn đi học chung với tụi Tây 19 người.
Nghĩ cũng sướng khi được trở laị thời đi học xa xưa, em học siêng lắm mấy chị à, đi học về là ngồi vào bàn học ngay, và học liền khó lắm đó mấy chị, khóa học của em có hai tuần thôi mà có đến 2 bài assignments và hai bài thi tại chỗ. Em thì theo lối học thời xưa là hễ đọc bài thấy chỗ nào quan trọng là gạch đít và tô xanh tô đỏ liền để nhớ chứ! Và em cũng thấy ‘hãnh diện’ mừng thầm là mình đã tìm ra được bí kíp tuyệt chiêu. Rồi thì, một hôm ông xã em đến chỗ bàn em học, định biểu em đi ngủ đi, vì cũng đã khá khuya rôì, và em thấy ông ấy cười to không dứt. Em tức quá hỏi ông vậy chứ anh cười gì, em đang tập trung học mà không thấy sao? Ông ấy nói là thấy sách em gạch xanh gạch đỏ mà thấy ‘tội’( tội đây nói theo kiểu người Huế mình là ‘thấy thương’ đấy!) cho em quá!. Em bèn nói là em làm như vậy không phải là phương pháp tốt nhất hay sao, vì gạch đít hàng chữ bằng mực xanh đỏ là để biết đó là điều quan trọng, cần phải nhớ.
Và mấy chị biết ông ấy cười và bảo với em làm sao không, ‘thấy tội cho em vì cuốn sách dầy như vậy mà hàng nào, đoạn nào em cũng thấy là quan trọng cả!” Em tức quá bèn nói ‘đó là kiểu học của tui, xin “người” de ra chỗ khác chơi’. Rồi em tiếp tục học theo kiểu ấy (tuy có gạch đít xanh đỏ ít hơn chút xiú xiù xiu- chỗ này xin nói nhỏ thôi nhé kẻo ông ấy lên mặt !) Và may cho em là không biết có phải ‘thánh nhân đãi kẻ khù khờ’ không mà sao em cũng được đậu trong khi có mấy đứa Tây rớt. Tuy nhiên em vẫn còn ấm ức, phải xin ông chủ nhiệm cho em có dịp tâm sự với các chị đấy. Mong các chị luôn bằng an, vui vẻ, hạnh phúc để sẽ lại nghe thêm chuyện của em nhé.
Em chào các chị.
Thân ái Elizabeth Tran
Giọng cũ xa gần Dân Gầy phụ trách *Cũng vẫn là thơ Thơ đây dĩ nhiên không là thơ thẩn. Cũng chẳng lẩn thẩn, một bài thơ. Thơ hay thơ dở, tuỳ người đọc. Người đọc hôm nay rất dễ tính. Nên, cái gì cũng là thơ. Nhưng không là thư. Thư hay thơ hôm nay, vẫn là đôi giòng chảy từ ai đó gửi cho người nhà và người mình, lơ thơ tơ lễu, rất như sau: VỚI TẤT CẢ TÂM TÌNH
*”Nâng niu”là nâng những gì? Cái gì? Đành răng, trong cuộc đời vẫn co nhiều thứ để nâng và niu. Nhưng nâng là nâng gì và niu gì? Đó mới là vấn đề. Có phải “nâng” và “niu” như chuyện xảy ra, ở bên dưới? Tin mới nhận được là ở VN đang có một cuộc tranh chấp slogan giữa các hãng có tiếng với nhau:
*Những là…thơ cùng thẩn! Thơ thời nay, có là thơ về những cái hay của cuộc đời? Không dám đâu. Thơ văn ngày có cái hay mà người thời xưa chẳng biết được. Có là tiên tri đâu mà biết. Ấy thế mà, người thời nay lại biết nhiều về người xưa qua thi ca. Biết người xưa, là biết cả biết cổ xưa, xưa cổ, lại hay già. Như bài thơ về tình già. Người già, sau dđây: Vợ chồng già thời nguyên tử*
*Chuyện cười trên net? Có người bảo: sao lúc này có lắm “sự” trên báo nét, quá chừng vậy? Dạ xin thưa: thời buổi này là thời cách mạng …lưới, mà lị. Nghĩa là: già trẻ lớn bé, ta đều lọt lưới hết. Chuyện vui chuyện buồn. Chuyện trong nhà ngoài phố, đều “vô” hết. Chịu hay không, cũng đành chịu!. Không tin, xin mời bạn đọc cứ thử đọc, những giọng chữ mang dáng dấp một nụ cười…trên mạng, như sau: Cá đực, cá cái A : " Làm sao biết con cá nào là cá đực và cá nào là cá cái ? "
*Việt ngữ là ngôn ngữ rất phong phú? Đúng thế! Rất phong và rất phú, hơn mọi chữ. Mọi nghĩa. Bằng chứng u? Thì đây, câu chuyện về chữ “Học”, cũng là ý kiến để bà con mình xúc tiến một đề bạt, hoặc cho ăn “bạt” tai, như sau: Học cách làm sạch cơ thể khi tắm rửa gọi là học kỳ. *Có những tuyên ngôn. Tuyên ngôn này chắc chắn sẽ hấp dẫn tuyên ngôn nhân quyền của LHQuốc. Hoặc, tuyên ngôn của ai đó, ngày 2 tháng 9 năm nọ. Không tin, cứ xin đọc vần thơ ở dưới, sẽ thấy ngay: TUYÊN NGÔN SỢ VỢ Kính vợ đắc thọ ,
Sợ ít phải sợ nhiều lên
VỢ LÀ TẤT CẢ Hôm nay ngày 8 tháng 3 Nhiều anh dám bảo Vợ không là gì????
*Sao gọi là “ăn chơi” dù mười món? Ngôn ngữ người mình kể cũng lạ. Lạ ở chỗ: cái gì cũng bảo là ăn với chơi. Chơi hoặc ăn, cũng để cười. Mà cười, thì đó là nghề của chàng rồi. Chàng trai tuấn tú đất Việt, dễ như chơi. Dông dài đôi ba chữ, cũng để giới thiệu với bà con cô bác, 10 món “ăn chơi” cũ/mới để tự chọc cười vào ngày cuối tuần, thế thôi: Chuyển các bạn xem chơi tiếp theo bài Người Việt ở khắp mọi nơi
Tặng quí vị 10 món ăn chơi đầu tiên để nhận ra phe ta trên đất Mỹ:
*Lại ngôn ngữ và những ngữ ngôn Ngôn ngữ của người mình, cũng linh tinh. Khôn kể xiết. Linh tinh hay tinh linh, vẫn là nghề của chàng. Của những chàng trai rảnh rỗi, tối ngày nghĩ chuyện bình luận, những thơ văn, như chuyện ở bên dưới. Suy cho kỹ, cũng tức cười. Hoặc, tức anh ách mà không cười. Như sau. Về Hồ: Tên các hồ nổi tiếng ở VN Rộng lớn nhất: hồ Ba Bể. *Có những bài thơ Cũng hay hay. Như thế này. Thơ hay, không chỉ nói về vộ. Hoặc về chồng. Nhưng cả hai. ta và người vẫn cứ gọi là “Mình”. Cũng rất “mình”. Như mình. Và như ta. rất như sau:
Lâu lâu giận dỗi mỗi nơi một người Làm lành “hai đứa” lại cười Xáp vào lại hóa hai người một đôi Ngọt ngào cất tiếng “Mình ơi!” Trên đời đẹp nhất là tôi với mình Đôi khi có chuyện bất bình Cãi nhau tôi lại với mình giận nhau Nhưng mà giận chẳng được lâu Giận nhau hôm trước hôm sau lại hòa Nhìn mình tôi bật cười xòa Nhìn tôi mình lại lăn sà vào tôi Chúng mình như đũa có đôi Có đôi để gọi “mình ơi, mình à !” Bây giờ như cặp khỉ già Nhưng mà vẫn cứ “mình à, mình ơi !” Khi nào thấy vắng bóng tôi Thì mình lại gọi: Mình ơi, mình à Khi nào tôi thấy vắng bà Thì tôi lại gọi: mình à, mình ơi! Gọi nhau cho trọn cuộc đời....
Tú Lắc
*Những thơ… không thẩn, vẫn là răng! Làm thơ mà không thẩn, mới rất khó. Làm thơ khó, là thơ chỉ những “răng”. Như thơ rằng, ở bên dưới. Xin mời đọ: Bài thơ Huế : Răng rứa...
Phụ chú: Bài thơ thì cứ toàn răng với rứa, Thầy Henri, thầy đã ra đi Vinh Sơn Phạm Trung Thành CSsR
Một người anh em vừa ra đi. Đó là tâm tình của nhiều cha nhiều thầy Dòng Chúa Cứu Thế khi hay tin Thày Dominico Henri Bùi Văn Khắc về với Chúa. Khi còn là tu sĩ trong Dòng, Thày đã cống hiến đời mình cho công việc xây dựng các cơ sở lớn bé của Nhà Dòng từ Huế trở vào sài Gòn. Khi đã rời khỏi Nhà Dòng ông vẫn còn thao thức với công việc chung, nên đã trở lại tiếp tục xây dựng các công trình khác cho Nhà Dòng. Anh em Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam xin thắp lên một nén hương cầu nguyện cho linh hồn Thày sớm sum vầy với Mẹ Maria, thánh tổ Alphonsô và các thánh trong Đức Kitô.
Thày Dominico Bùi Văn Khắc sinh năm 1925, tại Nam Định Nhập Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam năm : 1945 Thày vào nhà tập năm: 1946 tại Hà Nội Khấn Dòng năm : 1947 Tên dòng quen gọi là thầy Henri Sau nhiều năm phục vụ trong Dòng, Thày hồi tục năm 1976, trú ngụ tại 130 Bùi Hữu Nghĩa, Gia Định.
Thày được biết là một người có nhiều tài năng, đặc biệt trong lãnh vực xây dựng và cơ khí, tuy không theo học bất cứ một khóa học về kỹ thuật nào, không tốt nghiệp từ bất kỳ một trường đào tạo nào, nhưng Thày có khả năng tuyệt vời khi đảm nhận nhiều công tác kỹ thuật trong nhiều lãnh vực khác nhau. Bản thân người viết bài này đã có dịp trao đổi với Thày về chuyên môn bê tông vào năm 1995, Thày nói có sách mách có chứng, tài liệu Thày trưng dẫn là một tài liệu bằng tiếng Pháp, chuyên mục cấp phối bê tông theo tiêu chuẩn xây dựng Pháp.
Về xây dựng
Thày là người thực hiện trực tiếp việc xây dựng nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế Huế năm 1961 – 1962 (An Cựu), bản thiết kế do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ vẽ. Triển khai kết cấu do Nha Địa chính Huế lúc bấy giờ giúp, nhưng việc thi công do chính Thày đảm đương.
Đây là một công trình khó, thi công trên một vùng đất sình lầy, hoàn cảnh kỹ thuật lúc đó còn thô sơ, thiết kế phức tạp về kết cấu và kiến trúc. Với tất cả lòng nhiệt thành và đầy sáng kiến, Thày đã chỉ huy thi công trong một thời gian nhanh nhất, phối hợp nhiều nhà thầu nhiều lãnh vực, đặc biệt với nhà thầu Effiel thi công tháp chuông rất đồ sộ, nhà thầu Nhật thi công lắp đặt chuông theo một bài nhạc nổi tiếng của cha Hoàng Diệp CSsR “Kìa Bà nào”. Người ta thấy Thày chế tạo máy đóng cừ từ giàn máy khoan đất, đưa nhanh tốc độ xử lý cừ trên nền đất không chân.
Hoàn thành Nhà thờ Chúa Cứu Thế Huế, một tác phẩm nghệ thuật hiện đại mang đường nét Á Đông, bên bờ sông An Cựu, ngay cửa ngõ thành phố Huế hướng từ miền Nam ra, Thày vâng lời Bề trên di chuyển vào Saigon. Tại Saigon, năm 1965 Thày xây dựng trường Trung học Cứu Thế, trước năm 1975 quen gọi là Cứu Thế Học Đường. Năm 1975, chính quyền mới tịch thu đổi tên trường là trường Trung học Cơ sở Kỳ Đồng. Hoàn thành Trường Cứu Thế Saigon, năm 1966 Thày ra Nha Trang.
Bên bờ biển, đường Trần Phú, Thày bắt tay vào việc xây dựng Dòng Chúa Cứu Thế Nha Trang (ngày nay bị nhà nước trưng thu làm khách sạn Hải Yến), cũng một cách làm như Huế, đi đâu Thày cũng nhận bản vẽ ban đầu từ một cơ quan chuyên môn, nhưng việc triển khai thi công do chính Thày thực hiện, Thày tuyển dụng và huấn luyện nhiều ngành nghề thợ, di chuyển theo nhu cầu của nhà dòng, hết Nha Trang rồi đến Vũng Tàu (nay là khu du lịch Chí Linh). Chính Thày triển khai thực hiện Dòng Chúa Cứu Thế Thủ Đức 1969 (nay bị Nhà Nước chiếm dụng làm bệnh viện Đa Khoa Thủ Đức), một công trình khác cũng do Thày thực hiện đó là Trường An Phong, Thủ Đức (nay bị quốc hữu hóa làm trường Hoàng Diệu).
Tu viện DCCT Nha Trang đã bị nhà nước tịch thu và biến cơ sở tôn giáo thành khách sạn Hải Yến. Đây là một trong những công trình thầy Henri Khắc đã thực hiện.
Về các cơ sở kinh tế, Thày xây dựng các cơ sở kinh tế của nhà dòng như: nhà máy thức ăn gia súc do nhà dòng dầu tư (trước năm 1975 gọi là nhà máy cám Scala, bị quốc hữu hóa nay là nhà máy thức ăn gia súc Cát Lái), trại heo Thủ Đức (Bị trưng thu sau năm 1975, nay tan tành không còn gì, cơ sở bị người dân lấn chiếm), trại gà Scala Đà Lạt, nằm trong khu vực 50ha rừng thông của Dòng Chúa Cứu Thế, Giáo xứ Tùng Lâm, trên đường từ Đà Lạt đi Suối Vàng hoặc Lang Biăng (Tu viện trên đỉnh đồi bị trưng thu năm 1975, nay là viện Sinh học, Tây nguyên, 50ha rừng thông và trại gà bị tich thu, nay trại gà tan tành không còn gì). Khách sạn Kim Đô nằm trên trục đường Nguyễn Huệ (bị chính quyền lấy sau năm 1975, nay vẫn khai thác làm khách sạn với tên Kim Đô),
Ngay năm 1975, trong hoàn cảnh hết sức xao động, Thày bắt tay vào việc xây dựng nhà xứ Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, 38 Kỳ Đồng, công trình 1 trệt và một lầu do Thày cộng tác với Thầy Thomas thực hiện.
Cơ Khí
Khi Bề trên quyết định nhập dây chuyền sản xuất và trộn thức ăn gia súc từ một công ty ở Nhật, hệ thống này được xem là tối tân nhất Đông Dương lúc bấy giờ. Nhận hàng ở cảng Saigon, Thày cho di chuyển về vị trí nhà máy, tuy không hề đi Nhật để thăm nhà máy, cũng không hề được trao đổi trước về hệ thống máy móc này, Thày mở tung các kiện hàng, đọc các tờ chỉ dẫn, tự tay lắp máy. Khi đoàn chuyên gia Nhật sang để giúp lắp đặt thì Thày đã làm xong, kiểm tra hoàn chỉnh, họ vô cùng ngạc nhiên về tài nghệ của Thày.
Trước năm 1975 không lâu, Thày nghiên cứu hệ thống rồi chỉnh sửa lại, nâng công suất lên gấp đôi, điều mà nhà chế tạo không hề nghĩ đến. Khi đến Việt Nam để bảo hành theo định kỳ, các chuyên gia nhà máy chế tạo đã vô cùng khâm phục Thày, cấp cho Thày bằng sáng chế và mời Thày đi Nhật thăm viếng nhà máy. Sau năm 1975 nhiều năm, Thày vẫn tiếp tục giúp bảo hành hệ thống nhà máy vận hành liên tục, khi giao thương giữa Nhật và VN nối lại, các chuyên gia của nhà chế tạo sang thăm lại nhà máy, họ ngạc nhiên vì nhà máy vẫn vận hành tốt cho dầu đã quá tuổi thọ và nhiều năm không có phụ tùng thay thế. Chính Thày là người đã làm cho hệ thống cơ khi này vận hành và lấy được lòng kính nể của các chuyên gia người Nhật.
Sau năm 1975
Sau cuộc thay đổi quá sức chịu đựng, Thày lặng lẽ hồi tục về trú ngụ tại số 130 đường Bùi Hữu Nghĩa. Thời gian đầu, Thày ẩn náu âm thầm, năm 1993 Cha Bề trên Giám Tỉnh Cao Đình Trị mời Thày về lại nhà dòng để tiếp tục công việc xây dựng, Thày nhiệt tình bắt tay vào công việc. Những công trình Thày thực hiện gồm: Học viện một trệt, hai lầu tại 38 Kỳ Đồng, nối dài nhà nguyện tu viện Saigon, nhà hưu Saigon, trải nhựa sân nhà thờ Kỳ Đồng, Hệ thống cấp thoát nước khu vực nhà thờ Kỳ Đồng, Tu viện Dcct Vũng Tàu Bãi Dâu.
Thày vẫn cứ ước ao được trở lại Nhà Dòng hoàn toàn, hiến toàn tâm toàn lực cho Nhà Dòng và được chết trong Nhà Dòng. Những năm cuối đời sức lực Thày hao mòn, tai nạn mẻ ba đốt cột sống khi Thày sửa chữa nhà bảo vệ nhà thờ Kỳ Đồng đã hành hạ thân xác Thày rất nhiều. Nằm liệt nhiều năm tháng, Thày vẫn hướng về Nhà Dòng, cầu nguyện và dâng những hy sinh cho Nhà Dòng. Những ngày lễ của Nhà Dòng, Thày từ bệnh viện về chỉ để chúc lễ các Bề trên rồi lại lặng lẽ nhập viện, Thày đã hết lòng mến yêu và tận tụy phục vụ Nhà Dòng là Mẹ của Thày.
Thày an bình ra đi vào lúc 11g30 ngày 26 tháng 6 năm 2010, xin nguyện cầu cho Thày được hưởng nhan thánh Chúa, xin các thánh trong Dòng phù trợ Thày. Thánh lễ an táng cầu nguyện cho Thày sẽ diễn ra lúc 4g45 ngày 29/06/2010 tại Nhà thờ Gia Định, 280 Bùi Hữu Nghĩa, P.2, Q. Bình Thạnh.
Lm. Vĩnh Sang, Dcct.
Bàn về sống lành mạnh tuổi hưu (5) Trị bệnh hypoglycémie ( 1) Mễ Duy
Kỳ trước, tôi có nói về vụ ao hồ bị nhiễm bẩn bởi thuốc ngừa thai các bà các cô vứt bỏ ra thiên nhiên với hậu quả là ếch nhái trong những ao hồ đó bị đổi giới tính, con đực thì đẻ trứng hà rầm, và thân mình những ếch nhái đó bất luận đực cái trở thành quái dị, thay vì một đuôi thì hai đuôi, thay vì hai chân phía sau thì lại ba chân phía sau. Sự kiện này không thể nói là không quái dị đến mức độ khủng khiếp. Thực sự tôi không biết thuốc ngừa thai, nhất là các loại thuốc khốc liệt gần đây, được chế tạo với những thứ chất gì, nhưng tôi nghi là loại thuốc này cộng với hàng chục hàng trăm loại thuốc khác do các viện bào chế thuốc chế ra đều gây tai hại cách này cách khác cho co thể các sinh vật và con người. Như bạn biết đó, hàng trăm hàng ngàn thứ thuốc đều được làm bằng những phân tử, tức là những chất, những hoá chất do người ta chế tạo ra, được gắn cho những tên rất kêu, rất bí ẩn. Nhưng có bao giờ bạn nghĩ rằng những chất đó chỉ có tác dụng phá hoại, đảo lộn diễn tiến của sự sống trong cơ thể, như trường hợp thuốc ngứa thai không?
Gần đây tôi đọc trong một tạp chí về dinh dưỡng (2) trường hợp của Bill bị trầm cảm ( dépression nerveuse) lâu năm. Thời gian đầu, bệnh viện tìm ra được cứ cho đi là nguyên nhân của trầm cảm, một cục u ở vùng ngực, nằm về phía sau lưng và họ mổ ra một u to cỡ một trái cam ( người Mỹ to con mà!). Vụ mổ tốt đẹp, dẫu vậy trầm cảm vẫn chưa lành và có phần nặng hơn trước. Các bác sĩ điều trị cho Bill uống thuốc giảm đau và những loại thuốc được coi là có tác dụng ''cải thiện'' tính khí. Bill tiếp tục theo cách điều trị như thế, nhưng vô hiệu quả, vẫn là con mồi của những cơn lo âu lo sợ dày vó óc não. Cuối cùng, bệnh viện đành bó tay, và gửi Bill cho một bác sĩ tâm thần ( psychiatre) và dĩ nhiên bác sĩ này cho Bill uống thuốc chống trầm cảm, trong đó có thuốc Elavil với tác dụng phụ là khiến bệnh nhân mắc chứng lo âu! Thuốc trị lo âu nhưng lại sinh ra âu lo?!
Tác giả bài báo ngắn mà tôi đọc, là một bác sĩ trị bệnh theo đường hướng Hygiénisme. Ông kể rằng khi Bill tìm đến ông thì tâm thần thật quẫn bách. Ông cho Bill ''toa thuốc'' như sau: nhịn đói ba ngày, sau đó trong vòng bẩy ngày liền chỉ uống nước cà rốt tươi. Bài báo không nói rõ sau đó nữa Bill ăn uống ra làm sao, nhưng tôi nghĩ rằng sau đó Bill đã theo một chế độ ăn uống lành mạnh với những thức ăn đầy sinh tố và các chất bổ dưỡng, nếu không thì công trạng của những ngày tẩy độc ra công dã tràng à. Bẵng đi một tháng sau, Bill mới trở lại gặp ông ta. Bill nay đã là một con người mới, anh nói với ông ta rằng kể từ suốt bẩy năm bị trầm cảm chưa bao giờ thấy thoải mái như bây giờ. Vậy đó: bỏ hoá chất, nhịn ăn để tẩy độc, sau đó chỉnh đốn lại việc ăn uống mà hết được bệnh trầm cảm. Bạn tin không ? Tôi thì tin lắm! Bản thân tôi đã mục kích vài trường hợp trầm cảm được điều trị theo hoá chất ( thuốc Tây) người bệnh đâm ra nghiện thuốc bệnh, với những triệu chứng thuốc gây ra, và sống trong một thế giới biệt lập, mộng tưởng...
Các bác sĩ thuộc Y Học Duy Phân Tử Tối Hảo ( Orthomolecular Medecine ) (1), đã phát giác ra rằng các triệu chứng như bần thần, uể oải, đổ mồ hồi lạnh, chóng mặt, buồn ngủ trong ngày, nhức đầu, đau bao tử, đau bụng, thiếu trí nhớ, mất ngủ ban đêm, lo âu vô duyên cớ, tim đập mạnh, nhức mình mẩy, tính khí kỳ cục, mất lịch sự, tính do dự mãi, hơi một tí là khóc, lạnh nhạt tình ái ( đàn bà), chuột rút ở chân, không tập trung tư tưởng nổi, mắt mờ, bị như kiến cắn trên da, khó thở, ngộp thở, bất lực (đàn ông) , hoảng sợ và ác mộng ban đêm, sợ hãi, trầm cảm, dự tính tự tử vv... của đại đa số dân chúng trong các đô thị lớn bây giờ là do bởi người thời đại ăn uống các thức ăn thức uống thoái hoá do kỹ nghệ thực phẩm cung cấp và do một lối sống thiếu quân bình. Thức ăn thức uống thoái hoá là làm sao? Đó là những thức do con người chế ra, hoặc biến hoá ra, không còn nguyên vẹn như trong thiên nhiên, với những chất độc này chất độc nọ.
Đáng ngại nhất là đường ngọt, được coi như là một loại ma tuý lan tràn khắp mặt đất. Để chế tạo ra một muỗng đường, kỹ nghệ thực phẩm phải dùng đến một hai cây mía. Có ai ngày nhai nổi một hai cây mía không ? Nếu cứ để chất ngọt trong mía thì chẳng ai nhai được một hai cây mía, tương đương với một muỗng đường, nhưng sau khi kỹ nghệ biến mía thành đường ngọt thì người thời đại ăn đến mấy cây mía một ngày, thật là khủng khiếp. Mía đã bị gạn lọc, được tinh chế thành đường cho người ta nghiện ngập đường.
Đường là chất cần thiết cho cơ thể y như xăng cần thiết cho xe hơi để chạy. Nếu như không có xăng (hay một thứ chất đốt khác ) thì xe có đẹp mấy, máy có tốt mấy đi nữa, xe cũng nằm chình ình ra đó. Chất đường trong cơ thể, trong máu gọi là glucose. Không có hoặc thiếu glucose, thì cơ thể cũng rơi vào tình trạng của xe không xăng. Người ta cần được ăn uống đầy đủ đễ cung cấp cho các tế bào đầy đủ glucose. Tuy nhiên, lượng glucose phân phối cho các tế bào cần được điều chỉnh theo một tỷ lệ không được xê xính nhiều. Tỷ lệ đó là một gramme glucose cho một lít máu. Bao lâu tỷ lệ đó được điều hoà như vậy, thì cơ thể khoẻ mạnh, tâm thần vui tươi, yêu đời.
Để tỷ lệ glucose trong máu luôn được ổn định ( cho phép có sức khoẻ toàn diện ), thì cơ chế điều hoà việc này cần được đảm bảo. Khi tỷ lệ glucose thấp dưới mức một gramme một lít máu thì óc sẽ ra lệnh cho một số bộ phận tiết ra hormone adrénaline có tác dụng chuyển đường từ gan vào máu. Còn nếu như tỷ lệ glucose trong máu cao quá mức cần thiết, thì óc sẽ ra lệnh cho tuyến tụy ( pancréas) tiết ra hormone insuline là chất có vai trò hạ thấp tỷ lệ đường trong máu. Số lượng glucose dư được đưa từ máu vào gan và các bắp thịt để tích trữ dưới dạng glycogène phòng khi cần đến.
Nếu như có ai chỉ ăn các thức ăn nguyên vẹn, như trái cây tươi, rau tươi, củ thì cơ chế điều hoà tỷ lệ glucose trong máu làm việc bình thường, thoải mái. Vì những thức ăn tự nhiên, nguyên vẹn này, ngoài sự kiện chúng đầy đủ các chất cần thiết cho cơ thể, lại được làm bằng rất nhiều hydrates de carbone tự nhiên với đặc điểm là được biến hoá thành glucose theo một tốc độ từ tốn, không gây rối loạn cho guồng máy tiêu hoá.
Ngược lại khi người ta ăn đường ngọt , và các thức ăn đã bị gạn lọc, tinh chế, bị thay đổi bản chất , ví dụ như những các món làm bằng bột trắng , thì những thứ này khi ăn vào cũng được biến hoá thành glucose nhưng với tốc độ dồn dập khiến các bộ phận tiêu hoá , và nhất là cơ chế điều hoà tỷ lệ đường trong máu bị giao động mạnh cho đến ngày chúng bị hư hỏng mà không biết.
Khi người ta nghiện đường ngọt, cà phê, bánh ngọt, nước ngọt ( ngày nào cũng phải ăn uống nhiều lần các thứ này) thì sự lập đi lập lại này bắt buộc tuyến tụy làm việc quá mức chịu đựng nổi cho đến ngày nó thành siêu nhạy cảm, siêu hoạt tính, chỉ cần một tí đường ăn uống vào, vào hay một tí tinh bột ( amidon) ăn vào là nó đâm ''hoảng'' hạ thấp tỷ lệ đường xuống ngay, đưa đến hậu quả là tỷ lệ đường lúc nào cũng thấp quá, khiến cơ thể và tâm thần nửa sống nửa chết, nửa mê nửa tỉnh.
Khi khó chịu, uể oải, yếu sức...phần đông dân chúng nghĩ ngây ngô rằng chỉ cần ăn tí kẹo, tí bánh ngọt , uống tí nước ngọt chẳng hạn cho khoẻ lại, tỉnh lại. Nhưng làm như thế có khác nào đã nghiện rượu lại uống thêm rượu, bị bẫy trong một cái vòng lẩn quẩn: vì nghiện rượu nên uống rượu, càng uống rượu càng nghiện rượu. Cũng thế, vì ăn uống các thức tinh chế mà tỷ lệ đường trong máu thấp ( hypoglycémie) nên đâm bần thần, bực bội..., bần thần, bực bội, yếu mệt...thì lại ăn cùng một loại thức ăn gây khổ đau. «Hẳn là không có một căn bệnh nào ngày hôm nay gây ra nhiều đau khổ, làm suy giảm năng suất, làm lãng phí thời giờ, gây tai nạn, làm vỡ các gia đình, và đẩy người ta đến tự tử đến mức trầm trọng như thế bằng bệnh tỷ lệ đường thấp ( hypoglycémie) ». Đó là lời phát biểu của bác sĩ Stephen Gyland trong một cuộc họp của Hội Y Học Hoa Kỳ năm 1957. Ông vừa trải qua ba năm thống khổ, sống dở chết dở trong những trạng thái mất sức, choáng váng, ngất xỉu, lo âu, run rẩy, tim thác loạn, không tập trung nổi đầu óc, mất trí nhớ. Trong suốt ba năm đó, ông đã đi khám với mười bốn bác sĩ chuyên khoa, nằm ba bệnh viện nổi tiếng quốc tế, nhưng căn bệnh không suy giảm. Phần đông chẩn đoán của họ về căn bệnh của ông là có u trong óc, loạn thần kinh, mắc tiểu đường, hoặc máu bị nghẽn trong óc.
Vừa bệnh, vừa đành phải hoãn hành nghề, thuốc thì cứ uống, ông ta cuống cuồng đi tìm tòi lối thoát, moi móc các tài liệu y học mà đọc. Rồi tình cờ ông đọc được bản thảo tự viết của một bác sĩ cách đó hai mươi lăm năm viết về căn bệnh hypoglycémie.Chứng bệnh chuyển hoá (métabolisme) các chất ngọt mà các triệu chứng vừa khác biệt vừa liên hệ đến cơ thể đã đành mà còn cả đến thần kinh, và tâm thần (Orthomolecular Medecine trị các bệnh thần kinh, nhất là bệnh «điên» - schizophrénie - chẳng phải bằng hoá chất nhưng chỉ bằng sửa lại thức ăn và cho uống những chất tự nhiên như sinh tố C, B6, E...)
Một trong những hậu quả của bệnh hypoglycémie là lúc nào cũng thèm ăn thèm uống những thứ ưa thích. Ở một thánh phố mà dân chúng ăn uống suốt ngày cho tới tối khuya thì không phải là họ năng động đâu, nhưng họ đã thành nghiện ngập thức ăn thức uống thoái hoá, tinh chế, nguyên do của chứng bệnh hypoglycémie.
Lối thoát đối với căn bệnh thời đại này là ăn uống và sống lành mạnh : ăn những thức ăn thiên nhiên ban cho như trái cây tươi, rau tươi, các thứ củ và sống một nếp sống quân bình ( không phải chỉ chạy đua về tiến của, tiêu thụ, lạc thú ).
Nếu bạn muốn có sức khoẻ vững vàng, hãy đoạn tuyệt với hoá chất, với đường ngọt, với tất cả các thức ăn thức uống thoái hoá. Hãy trở về với thiên nhiên, với sự sống.
Tháng chín hai ngàn mười Mễ Duy
(1) Muốn tìm hiểu sâu rộng thêm về đề tài này, có thể đọc : Le mal du sucre, của Danièle Starenkyj, nxb ORION. (2) Le bon guide de l'hygiénisme, số 58, trang 28.
Linh Hồn Và Cõi Âm Gs Bs Bùi Duy Tâm, Nguyên Khoa Trưởng Trường Đại Học Y Khoa Huế Người ta đã sinh ra thì tất sẽ chết. Nên mọi người đều rất quan tâm và đa số sợ chết. Do đó sinh ra các triết nhân và triết thuyết về cái chết, các thánh nhân và tôn giáo về thiên đàng, địa ngục, các mê tín dị đoan về ma quỷ. Chúng tôi cũng như mọi người thường suy nghĩ về Cái chết, về Linh hồn, về Cõi đời sau khi chết, nhưng hơi nhiều hơn mọi người. Tôi, Bùi Duy Tâm, sinh ra trong một gia đình ba đời theo Đạo Thiên Chúa, đã đọc Thánh Kinh (Cựu Ước và Tân Ước) ba lần, đi nhà thờ rất đều mỗi sáng chủ nhật cho đến năm 30 tuổi. Sau này làm bạn tâm giao với cố Linh mục Bửu Dưỡng và Hoà thượng Thích Mãn Giác, nên tôi có điều kiện đàm luận về Thiên Chúa Giáo và Phật Giáo. Tôi đã được hiểu cái tinh tuý của Lý Dịch và Đạo Nho với cố Bác sĩ Nguyễn Văn Ba. Tôi đã đọc rất kỹ các cuốn Tử Thư của Ai Cập và Tây Tạng cũng như nhiều sách khác cùng loại. Tôi đã sang Ai Cập, Ấn Độ, Tây Tạng… để tìm hiểu thêm về Huyền Bí Học và Siêu Hình Học. Nhưng tất cả đều mù mờ về “Linh hồn” và “Cõi đời sau khi chết”. Không có đủ chứng cứ cụ thể có thể thuyết phục tôi. Tôi không chấp nhận các giáo điều của chính trị và tôn giáo. Tôi không yên tâm với tín ngưỡng và chán ngấy các loại sách viết huyên thuyên xích đế chẳng có gì cụ thể. Tôi trở thành một người theo phái bất khả tri: “Con người nhận biết thế giới và vũ trụ với khả năng rất giới hạn nên không thể biết được sự tuyệt đối về Thượng Đế, Linh hồn và Cõi đời sau khi chết”. Và như vậy, việc nghiên cứu tìm hiểu sự hiện hữu của Linh hồn và Cõi Âm của tôi chưa đi đến đâu cả, chưa thấy một sự kiện gì đủ thực tế để bấu víu. Đầu thế kỷ 21, tình cờ cầm tờ Y Tế Nguyệt San số 5, tháng 5, 2001 của Hội Y Sĩ Việt Nam tại Hoa Kỳ và đọc bài viết “Thế giới vô hình và việc tìm kiếm mồ mả ở Việt Nam” của Bác sĩ Nguyễn Lưu Viên (nguyên Phó thủ tướng đặc trách Văn hoá, Giáo dục, Y tế, Xã hội thời Việt Nam Cộng Hoà). Trong bài báo, Bác sĩ Viên tả lại việc tìm mộ gia đình của Kỹ sư Trần Lưu Cung (nguyên Tổng giám đốc Giáo dục kỹ thuật và Thứ trưởng Đại học thời Việt Nam Cộng Hoà) do hướng dẫn của các nhà ngoại cảm (ông Ngà, cậu Liên, cậu Nguyện…). Các nhà ngoại cảm tìm mộ đều nói chính vong linh của người quá cố đã chỉ cho họ những chi tiết để hướng dẫn gia đình tìm mộ. Đặc biệt trong bài báo, Bác sĩ Viên còn đề cập đến bài tự thuật “Tôi đi gặp người thân đã mất (vong) tại nhà cô Phương ở Bắc cầu Hàm Rồng tỉnh Thanh Hoá http://linhhon.co.cc/bo-blog/editor/tinymce/news.aspx?nid=153” của Trung tướng Nguyễn Hùng Phong, nguyên Phó tư lệnh chính trị và Bí thư Đảng uỷ Quân khu 1. Ông Phong đã tường thuật lại việc ngày 16-12-1999 đến nhờ cô Phương giúp cho được gặp lại vong linh của vợ là bà Vũ Thị Hạnh, nguyên Trưởng phòng Giáo dục quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, đã mất đột ngột tại nơi làm việc tháng 3 năm 1999 do bệnh tim… Sau khi đọc xong bài báo, tôi mừng quá, liền gọi điện thoại ngay cho ông Trần Lưu Cung. Ông Cung xác nhận sự kỳ diệu của việc tìm mộ và còn gửi cho tôi xấp tài liệu riêng của gia đình kèm theo rất nhiều hình ảnh. Như vậy là đề tài “Linh hồn và Cõi âm” đã có cơ hội hé mở sau bao thất vọng. Còn đợi gì nữa mà không về Việt Nam, đến cầu Hàm Rồng để tìm gặp cô Phương cho ra nhẽ? Tháng 10 năm 2003 tôi về Hà Nội để làm lễ Cửu Tuần Đại Thọ cho mẹ tôi. Tới Hà Nội đêm hôm trước, thì sáng sớm hôm sau tôi lên đường đi Thanh Hoá để gặp cô Phương. Tôi mời mẹ tôi đi cùng, lấy cớ đưa mẹ đi Sầm Sơn để ôn lại các kỷ niệm xưa. Trước khi rời Hà Nội, mẹ con tôi ghé lại tiệm may áo dài. Tôi mang từ Mỹ về xấp vải nhung đỏ để may cho mẹ một áo dài mặc trong lễ Cửu Tuần Đại Thọ sắp tới. Trên đường đi Thanh Hoá, tôi ghé vào em Bùi Duy Tuấn nhằm cầu xin cha tôi (mất năm 1990 tại Sài Gòn) về điện cô Phương, cầu Hàm Rồng để các con và mẹ được gặp cha. Chúng tôi không dám nói với mẹ mục đích của chuyến đi vì mẹ tôi sùng Đạo Chúa (Tin Lành), không chấp nhận những chuyện “ma quỷ” như vậy. Khi đến nơi, hai anh em tôi thấy quang cảnh đúng như trong bài báo của Bác sĩ Nguyễn Lưu Viên: Khoảng 30-40 người ngồi im lặng, nghiêm chỉnh, có vẻ lo âu chờ đợi trước một cánh cửa đóng kín. Một người đàn bà (sau này tôi biết là chị chồng cô Phương) dáng mập ngồi chắn trước cửa, thỉnh thoảng hô lên “Nhà ai có vong tên… thì vào”. Thế là vài ba người hay dăm bảy người mừng rỡ hấp tấp đi vào… Chúng tôi mời mẹ vào ăn sáng tại một nhà nghỉ khá lớn ở ngay trước điện cô Phương (nhà nghỉ này của nhà chồng cô Phương tiếp các khách ở xa đến phải chờ đợi vong nhà mình có khi tới ba ngày, cả tuần lễ hay đôi khi thiếu may mắn không gặp được vong, đành phải ra về tay không). Hai anh em tôi lén đi thắp nhang trước điện để cầu khẩn cha tôi về theo thủ tục như mọi người. Thỉnh thoảng cửa hé mở để dăm ba người đi ra. Người thì tỏ ra hớn hở. Người thì nước mắt sụt sùi. Tôi sốt ruột đi hỏi xem có phải đăng ký hay làm thủ tục gì nữa không, thì mọi người đều xác nhận không phải làm gì cả, mà cứ kiên nhẫn ngồi chờ. Khi vong nhà mình về thì người ta gọi vào. Tôi thắc mắc là tôi chưa khai tên của cha tôi thì ai biết mà gọi. Mọi người cười, chế nhạo tôi là hỏi thật ngớ ngẩn! Chúng tôi chờ từ 10 giờ sáng đến ba giờ chiều thì người đàn bà ngồi trước cửa đứng lên nói to: “Cô Phương nghỉ làm. Xin mời quý vị ngày mai trở lại”. Thế là anh em tôi ngao ngán cùng với vài ba chục người đứng dậy ra về. Chúng tôi đưa mẹ ra Sầm Sơn nghỉ ngơi và thăm lại cảnh xưa chốn cũ. Thật cảm động khi trở về nơi mà tôi đã sống những ngày thơ ấu cách đây hơn nửa thế kỷ (gần 60 năm). Sáng hôm sau chúng tôi trở lại điện cô Phương. Lần này chúng tôi phải thú thật với mẹ chuyện hai anh em đang làm. Mẹ tôi dẫy nảy lên: “Đến chỗ ma quỷ! Tao không vào đâu!”. Chúng tôi lại phải đành mời mẹ ngồi ăn sáng ở nhà nghỉ như ngày hôm trước. Lần này tôi sốt ruột lắm rồi. Tôi đi ra đi vào, hỏi chuyện người này người nọ. Tôi gặp bố mẹ chồng cô Phương. Ông Nghinh (bố chồng) mời tôi uống nước, đang kể chuyện cô Phương thì bỗng nghe có tiếng gọi: “Bà Tỉnh đâu, người nhà ông Tỉnh đâu?” (cha tôi tên là Bùi Văn Tĩnh, nhưng vì nói giọng Thanh Hoá nên nghe gọi tên là Tỉnh). Phải gọi đến vài ba lần thì anh em tôi mới biết là gọi mình. Tôi chạy tới cánh cửa. Em Tuấn chạy ra hối hả gọi mẹ: “Mợ ơi, Cậu về gọi mợ đấy!”. Mẹ tôi hốt hoảng đứng bật dậy chạy theo em tôi, quên mất lập trường chống ma quỷ của mình. Qua cánh cửa, chúng tôi bước vào một căn phòng khá rộng rãi, trống rỗng. Ngoài cái bệ trên tường để trái cây và các phong bì (chắc là tiền thưởng), thì không có bàn thờ hay trang trí gì khác của một cái am, cái điện. Cô Phương ăn mặc diêm dúa như các cô gái Hà Nội, mặt hoa da phấn, đang ngồi tỉnh táo trên chiếu cùng với một gia đình đông trên chục người. Cô cất tiếng: “Gọi mãi mà các bác không vào, nên vong nhà khác tranh vào trước. Thôi, các bác vui lòng ngồi chờ nhé!”. Thế cũng tốt, chúng tôi có dịp được quan sát thêm. Cô Phương gọi tên hết người này đến người nọ trong gia đình ngồi chung quanh cô. Khi gọi trúng tên ai thì giơ tay thưa: “Dạ, con đây (hay em đây, cháu đây…)”. Và người đó nói chuyện với vong (qua miệng cô Phương). Tôi nghe thấy đa số trả lời: “Dạ, đúng vậy…” có vẻ cung kính lắm. Có một chuyện cười ra nước mắt. Vong gọi: “Thằng Thanh đâu?”. Một thanh niên chừng 25 tuổi đứng bật dậy: “Dạ, con đây!”. Vong nói: “Mày không biết thương vợ con. Mày tằng tịu với con Mai ở cùng cơ quan”. Chàng thanh niên sợ hãi líu ríu nhận tội. Người phụ nữ ngồi cạnh (chắc là vợ) oà lên khóc nức nở. Sau gần một giờ, gia đình đó mới kéo nhau ra. Bỗng cô Phương nhìn chằm chằm vào mẹ tôi rồi kêu to lên: “Mợ ơi! Con của Mợ đây! Thắng đây! (Thắng là đứa em út của chúng tôi, mất lúc chưa đầy một tuổi.) Mẹ tôi vừa xúc động vừa ngạc nhiên: “Trời ơi! Con tôi… Nhưng con mất từ hồi mới… tám tháng…”. Vong nói qua miệng cô Phương: “Bây giờ con lớn rồi. Hôm qua con biết Mợ và hai anh đến, nhưng con phải đi mời Cậu. Cậu không chịu về. Con phải nói: Mợ già yếu, còn anh Tâm ở xa về nên Cậu mới chịu. Cậu và Ông Nội cũng về đây với con”. Rồi quay sang phía hai anh em tôi, cô Phương nói: “Hai anh chẳng nhớ gì đến em. Hai anh chỉ khấn Cậu thôi!”. Đúng vậy! Chúng tôi đâu có nghĩ đến thằng em út đã mất từ lúc tám tháng. Thật bất ngờ cho chúng tôi. Quay trở lại mẹ tôi, cô Phương nói: “Con thích tên là Bùi Duy Thắng như các anh con là Bùi Duy Tâm, Bùi Duy Tuấn. Sao Mợ lại đặt tên con là Bùi Tất Thắng?”. Mẹ tôi luống cuống: “Tại bố con đấy! Hồi đó Cụ Hồ mới về Hà Nội sau chiến thắng Điện Biên Phủ, nên bố con cao hứng, đã đặt tên con là Tất Thắng”. (Hồi đó cả nhà trách bố tôi vì đặt tên thằng út là Tất Thắng. Tất còn có nghĩa là hết, tức là chết. Nên nó mới mất sớm. Nhân tiện tôi nói thêm là việc đặt tên rất quan trọng, còn quan trọng như thế nào thì tôi không biết. Nhưng tôi có biết ông Đỗ Trí ở Sơn Tây có tài chỉ cần đọc tên là ông biết con người ấy như thế nào, như xem chỉ tay hay số tử vi vậy.) Vong em tôi nói tiếp qua cô Phương: “Thôi, Mợ đã khắc tên con trên bia mộ rồi!”. Đúng thế. Tên em tôi đã được khắc trên bia mộ, nằm cạnh ông bà ngoại tôi trong nghĩa trang Bất Bạt. Đến lượt bố tôi vào. Vong bố tôi qua thân xác cô Phương nắm tay mẹ tôi, rồi nói: “Hơn mười năm rồi mới gặp lại bà. Tôi nhớ bà lắm…”. Mẹ tôi khóc nức nở. Chúng tôi cũng khóc. Bố tôi bỗng trách đùa mẹ tôi: “Bà diện lắm! Mới đi may áo đỏ…”. Trời ơi! Sao bố tôi biết nhanh thế? Trong gia đình tôi đã có ai biết chuyện may áo đỏ của mẹ tôi đâu! Tôi mới về Hà Nội tối hôm trước thì sáng hôm sau trên đường đi Thanh Hoá ghé qua tiệm may, bỏ xấp vải nhung đỏ để may áo cho mẹ kịp mặc vào Lễ Đại Thọ. Mẹ tôi đương líu ríu chống chế thì bố tôi bồi thêm một câu đùa yêu tiếp: “Bà còn muốn tô son đánh phấn nữa!”. Mẹ tôi rên rỉ: “Cái gì ông cũng biết! Đúng rồi! Tôi vừa xin con cháu Trinh Hương, con gái anh Minh, một chút son phấn để hôm Lễ Đại Thọ thoa một chút. Mặt mũi răn reo quá, sợ thằng con trai cả của ông nó ngượng với bạn bè”. (Chuyện này mẹ tôi giấu kín mọi người, trong khi anh em tôi không hay biết gì, thế mà bố tôi cũng biết!)” Rồi cô Phương quay sang tôi: “Tâm ơi! Cậu buồn quá vì chuyện con Hà nhà con. Nó lôi thôi với chồng nó thì chỉ khổ cho ba đứa con thôi”. (Hà là con gái tôi. Chuyện của nó mới xảy ra trước khi tôi về Hà Nội. Vợ chồng tôi nghe phong phanh, nhưng chưa có dịp trao đổi với nhau. Thế mà mọi chuyện người Âm đều biết, không giấu giếm được!) Một lúc sau thì ông nội tôi về. Qua miệng cô Phương: “Tao là Bùi Văn Khanh, ông nội đây. Cả bà nội Nguyễn Thị Ngọt cũng về đây!”. Tôi vội thưa: “Thưa Ông, con nghe anh Đại con cô Hai nói tên Ông là Khánh, nhưng lâu ngày trên giấy khai sinh của Bố con mất dần dấu sắc, nên đọc là Khanh” (cô Hai là chị ruột bố tôi.) Ông nội tôi gắt lên: “Tên tao là Khanh, chứ không phải là Khánh”. Rồi quay sang mắng mẹ tôi: “Chị về làm dâu nhà tôi mà không đoái hoài mồ mả tổ tiên nhà chồng. Từ ngày cưới chị, chị chỉ về quê nội có một lần!”. Mẹ tôi sợ hãi chống chế: “Gia đình con ở Hà Nội, Hải Phòng. Quê nội ở mãi Bái Đô, Lam Kinh – Thanh Hoá, nên đi lại khó khăn. Và, con sinh con đẻ cái đều đều ba năm hai đứa nên không về thăm quê được. Con xin nhận tội với ông bà”.
Cứ như thế trong 90 phút vui buồn, khóc lóc… Hai anh em tôi và mẹ hớn hở ra về. Có lẽ vì cao hứng nên chúng tôi ghé thăm nhà thơ Hữu Loan, người bạn cũ ở Thanh Hoá. Đáng nhẽ về thẳng Hà Nội, nhưng chắc còn luyến tiếc những giờ phút quý báu xúc động buổi sáng đó nên chúng tôi quay trở ngược lại cầu Hàm Rồng để chụp ảnh với cô Phương. Kỳ này mẹ tôi không phản đối nữa mà còn hăm hở muốn gặp cô Phương.
Cô Phương vui vẻ cho biết thêm: “Cụ ông lại vừa về cho biết đã đăng ký chỗ dạy học cho bà rồi”.
Lại thêm một ngạc nhiên: Mẹ tôi vốn là một giáo viên hồi hưu. Ngày xưa, mẹ tôi là người đàn bà Tây học. Khi lấy chồng, sinh con thì ở nhà. Khi các con khôn lớn thì bà mới đi dạy lại vì sự khuyến khích của bố tôi. Thôi, không còn nghi ngờ gì nữa. Đúng là vong linh của bố tôi rồi! Lúc nào bố tôi cũng muốn mẹ tôi sử dụng cái tri thức của mình.
Ngày hôm đó là ngày trọng đại của đời tôi. Tôi thấy cụ thể sự hiện hữu của Linh hồn và cõi Âm. Dù cho sau này cô Phương có nói bậy gì đi nữa, các cô gọi hồn khác, các nhà ngoại cảm khác đôi khi có nói bậy vì mưu sinh thì kết quả của ngày hôm đó vẫn không thể chối cãi được, nếu không nói là được tuyệt đối chấp nhận.
Khác nào như ta cố gắng gọi điện thoại cho người thân, đường dây rất khó khăn, rất xấu, nhưng chỉ một lần thôi ta nghe rõ tiếng người thân trò chuyện với ta về những chuyện gia đình mà người ngoài không thể biết được, thì cũng khá đủ cho ta biết rằng người thân của ta vẫn tồn tại. Tuy ta không nhìn thấy được vì giới hạn của ngũ quan, nhưng người thân quá cố của ta vẫn tồn tại với các ký ức, với các kỷ niệm dưới một dạng nào đó mà ta không biết, ta tạm gọi là “Linh hồn”, trong một thế giới nào đó mà ta cũng không biết, tạm gọi là “cõi âm” (để phân biệt với cõi Dương mà ta đang sống) hay theo kiểu Tây Phương gọi là “Cuộc đời sau khi chết” (“Life after deth”). Sau này mỗi lần về thăm quê hương, tôi đều đưa mẹ tới gặp cô Phương. Lần sau cùng mẹ tôi gặp cô ấy là cuối năm 2005. Khi đó mẹ tôi vẫn còn khoẻ mạnh, nhanh nhẹn. Trước khi ra về, cô Phương nói nhỏ với tôi: “Cụ ông nhớ bà lắm. Cụ ông sắp đưa bà về rồi. Một cách bình yên”. Ít lâu sau, mẹ tôi mất rất nhanh.
Sau này tôi có gặp nhiều nhà ngoại cảm khác ở Việt Nam, họ cũng có khả năng như cô Phương – cô Bằng, cô Thao, cô Mến trên đường từ Hà Nội qua Hải Dương đến Hải Phòng.
Tôi cũng đã gặp các nhà ngoại cảm tìm mộ như Cậu Liên, anh Nguyễn Khắc Bảy, cô Phan Thị Bích Hằng…
Tôi cũng đã gặp các nhà khoa học nghiên cứu về tâm linh như TS Nguyễn Chu Phác, GS Ngô Đạt Tam, GS Phi Phi, TS Ngô Kiều Oanh… làm việc ở các cơ quan khác nhau. Tôi đã được đọc câu kết luận của một tài liệu ở Việt Nam (không phổ biến công khai) như sau: “Thế giới tâm linh là có thật. Đó là một thực tế khách quan cần được các nhà khoa học nghiên cứu nghiêm túc. Chúng ta hãy bình tĩnh, khách quan lắng nghe những lời nhắn nhủ từ thế giới tâm linh để có cuộc sống nhân ái hơn, lương thiện hơn“. Sưu tầm và giới thiệu
|